Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tầng Đầu Địa Ngục

Chương 7

Tác giả: Aleksandr Solzhenitsyn

Ồ, thời gian, xin ngừng lại

Cái đầu hói của vị nào ở sau đầu tôi đây?”

“Này bạn, tôi đang ở trong một trạng thái tinh thần thơ mộng. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau được lắm.”

“Trên nguyên tắc, tôi đang làm việc.”

“Bận việc – bậy nào. Để tôi kể lại với anh câu chuyện đáng kể này. Hồi nãy, tôi ngồi dưới cây Giáng sinh nghèo nàn của mấy người bạn Đức của tôi và trong lúc tôi đang nói với họ về một đêm Giáng sinh năm xưa tôi sống dưới một pháo đài ở chiến tuyến phía bắc Pulutsk, bỗng dưng tôi thấy rõ ràng là tôi đang sống ở mặt trận. Mặt trận trở lại bao quanh tôi, thật sống, thật thực. Phải chăng là cả chiến tranh rồi cũng trở thành một kỷ niệm đẹp của con người?”

“Tôi nghĩ anh không nên để cho tình trạng ấy xảy ra. Đạo Đức Kinh của Lão Tử có câu: “Võ khí là dụng cụ của đau khổ, không phải là vật để con người tự hào. Người khôn chinh phục mà không cần tỏ ra muốn chinh phục”.

“Chi vậy? Bộ anh đã chuyển ngữ từ chủ nghĩa hoài nghi sang đạo Lão rồi ư?” 1

“Có chuyển nhưng chưa chuyển xong.”

“Trước hết, tôi nhớ lại chú lính Đức cộng tác hữu hiệu nhất thời ấy của tôi – tôi và chú ta cùng viết truyền đơn và ra ý cho họa sĩ vẽ tranh: bức tranh bà mẹ Đức ôm con và người thiếu phụ Đức đứng khóc trước cảnh căn nhà đổ nát còn nghi ngút khói là những tuyệt tác phẩm của hai chúng tôi. Hai bức tranh đó có cả bài thơ bằng tiếng Đức đi kèm.”

“Tôi biết. Tôi có nhặt được một tờ.”

“Tôi nhớ lại những buổi chiều êm, chúng tôi ngồi trong xe phóng thanh đi lên mặt trận.”

“Và giữa những bản nhạc tango, những người bạn Đức của anh đọc những lời kêu gọi những người lính Đức chiến hữu của họ quay súng bắn lại Hitler. Nhiều lần chúng tôi cũng leo lên miệng hầm để nghe nhờ những bản nhạc. Vô tư mà nói, tôi thấy những lời kêu gọi của anh có hơi… ngớ ngẩn.”

“Ngớ ngẩn? Xin lỗi… Anh nhớ cho rằng chỉ nhờ những lời kêu gọi ấy, chúng tôi đã chiếm được hai thị trấn Graudenz và Elbing không phải bắn một viên đạn nào.”

“Đúng. Nhưng cũng xin anh nhớ cho rằng chuyện ấy xảy ra vào năm 1945. Vào thời gian đó, khỏi cần phải anh kêu gọi, nước Đức cũng sắp đầu hàng.”

“Bậy nào. Những chiến thăng nhỏ họp thành chiến thắng lớn chứ. Nếu không mở đầu bằng những cuộc đầu hàng nhỏ làm sao có cuộc đầu hàng lớn? Không biết đã có lần nào tôi kể cho anh nghe chuyện nàng Milka chưa nhỉ? Nàng là một sinh viên Viện Ngoại ngữ, tốt nghiệp năm 1941. Vừa ra khỏi trường nàng được điều động ngay đến đại đội của tôi để làm thông dịch viên. Một thiếu nữ mũi hin, nhanh nhẹn…”

“Chờ chút. Phải nàng là người cùng đi với anh đến tiếp thu một căn cứ quân Đức đầu hàng không?”

“Phải đó. Nàng tự kiêu lắm. Nàng rất thích được người ta ca ngợi. Tôi không dám trách nàng nửa tiếng. Nàng thích được tuyên dương để được trao tặng huy chương. Anh có nhớ cảnh mặt trận Tây Bắc khúc ngay cạnh bò sông Lovat không? Đoạn ở giữa Rahklits và Novo-Svinukhovo, phía năm Podtsepchiya đó. Chỗ ấy có một khu rừng.”

“Chỗ ấy nhiều rừng lắm. Chỗ ở xa hay ở gần sông Redya?”

“Ở gần.”

“Tôi biết.”

“Nàng và tôi đi chơi lang thang suốt một ngày trong khu rừng ấy. Lúc đó đang là mùa xuân – chưa hẳn là mùa xuân, hãy còn là tháng Ba. Chúng tôi lội trong những vũng bùn ngập đến ngang đôi giày bốt cao cổ chúng tôi đi dưới chân, cổ áo và mũ lông của chúng tôi ướt đẫm mồ hôi. Mùi mùa xuân hồi sinh tràn đầy trong không khí. Anh biết không… chúng tôi dắt tay nhau đi như hai người yêu nhau, hai người yêu lần đầu, như một cặp vợ chồng mới cưới. Không biết tại sao với một người đàn bà mới, mình lại cảm thấy mới tinh như đây là lần đầu mình yêu, mình lại yêu lại từ đầu. Yêu như một đứa trẻ. Ôi… cánh rừng dài như vô tận. Đây đó bốc lên những đám khói từ những khẩu đại bác quân mình đặt ở bìa rừng… Chúng tôi tránh đến gần những ổ súng đó. Chúng tôi đi lang thang như thế cho đến sẩm tối, người ướt đẫm mồ hôi và chứa chan hạnh phúc. Nàng làm tôi điên lên suốt một ngày. Rồi đến lúc tối mịt, chúng tôi tìm thấy một pháo đài bên trong không có đại bác không có lính…”

“Pháo đài nổi?”

“Anh nhớ không? Chắc là anh phải nhớ. Có rất nhiều pháo đài như thế được dựng lên ở đấy trong năm đó. Như những hang thú rừng. Bên trong lát ván, trên sàn gỗ có những đống củi thông, và mùi nhựa thông tiết ra từ những thân cột, mùi khói bốc ra từ đống lửa. Trong đó không có bếp, chúng tôi đốt lửa ngay trên mặt đất để sưởi. Trên mái có một cái lỗ nhìn thấu lên nên trời. Không có ánh đèn, chỉ có ánh lửa bập bùng. Lửa chiếu bóng chúng tôi lên vách. Anh nghĩ sao, Gleb? Đó là những giây phút đáng sống chứ?”

“Tôi nhận thấy rằng trong những câu chuyện kể ở trong tù, bao giờ cũng có một người con gái. Người con gái bao giờ ở đầu chuyện cũng hoàn toàn trinh trắng và đến cuối chuyện, bao giờ cũng hết còn trinh trắng. Hình như với những tù nhân, điểm đó là điểm chính, điểm quan trọng nhất trong câu chuyện của mình. Anh có nghĩ rằng như vậy là chúng mình đòi hỏi công lý với điểm đặc biệt ấy không? Một người không mù ngay từ khi lọt lòng mẹ, nghĩa là một người mắt đã nhìn thấy trời xanh, mây trắng, nắng vàng rồi bị mù luôn luôn cần được những người còn nhìn thấy xác nhận với họ rằng trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn vàng. Một tù nhân cần được biết chắc rằng cuộc đời này vẫn còn những người đàn bà đẹp, sống thực, quyến rũ, đáng yêu… tự nguyện cho những anh đàn ông may mắn yêu họ. Anh chỉ nhớ lại có cái đêm đó trong chiến tranh vì đêm đó có anh là người đàn ông may mắn được yêu một người con gái đẹp trong một ổ súng giữa rừng vắng, không có kẻ thù nào chĩa súng bắn vào anh. Nhưng đêm đó cũng là đêm mà vợ anh khổ sở đếm đi đếm lại mãi những ấm phiếu mua đường, bánh mì, lòng lo âu không biết phải làm sao để con anh có thể tạm no được trong suốt một tháng. Và đêm đó cũng là đêm ở khám đường Bytyrskaya, xà lim số 73…”

“Ở từng thứ hai, cuối cùng của một lối đi hẹp…”

“Đúng. Ông giáo sư trẻ tuổi chuyên về Sử ở Mạc Tư Khoa tên là Razvodovsky, người vừa bị bắt và chưa từng sống ở mặt trận ngày nào, đã thành công rỡ ràng trong việc chứng minh với những luận cứ xã hội, lịch sử một cách thông minh và hùng hồn rằng chiến tranh cũng có mặt tốt. Và ở xà lim đó có những tù nhân cũng còn trẻ như ông giáo sư nhưng đã từng chiến đấu ở khắp các mặt trận, trong tất cả những binh chủng… thiếu chút nữa đã ăn thịt sống ông ta. Những người này tức giận và họ nói rằng, không, chiến tranh không có gì tốt đẹp hết. Tôi ngồi ngậm miệng nghe họ nói. Razvodovsky cũng có những lý lẽ khá vẵng. Có lúc tôi cho rằng hắn đúng. Nhưng tôi không dám ra mặt cãi lại những người lính kia. Sự kiện làm tôi đồng ý với ông giáo sư thường dân cũng chính là sự kiện đã làm cho tôi khác với những người lính này. Đó là việc tôi là một sĩ quan pháo binh phục vụ trong một đơn vị pháo chuyên bảo vệ Bộ Tư lệnh. Lev, thực ra trong suốt thời gian ở mặt trận, tôi không làm gì ngoài việc ngồi yên trong những ổ súng thỉnh thoảng ra lênh bắn vài phát vu vơ thị oai. Tôi không phải dự một cuộc tấn công nào, tôi không phải đẩy binh sĩ dưới quyền tôi vào chỗ chết, tôi cũng không phải rút lui, không phải ra lệnh cho người khác ở lại để chết. Chiến tranh của tôi là như thế, và do đó tôi có thể thấy chiến tranh tốt, chiến tranh đẹp…”

“Tôi không mốn nói đến chuyện ấy…”

“Tất cả những gì đẹp, vui, êm đềm nổi cả lên trên. Chúng ta thường quên đi những gì làm cho chúng ta khó chịu. Những lần đoàn Junker nhào xuống thả bom làm thân xác tôi suýt nữa tan tành ở Orel, tôi thấy không có gì thú vị cả. Không, Lev… chiến tranh tối chỉ là trận chiến tranh đã qua, đã chấm dứt.”

“Tôi không nói là chiến tranh tốt đẹp, tôi chỉ nói là những gì chúng ta nhớ lại đều tốt đẹp.”

“Đúng. Và tôi hy vọng rồi sẽ có ngày chúng ta nhớ lại những ngày sống trong những trại tập trung là đẹp. Cả trong những trại tạm trú.”

“Trại tạm trú? Như Gorky? Girov? Không? Không đời nào…”

“Đó là bởi vì ở những nơi đó anh bị tước đoạt nhiều thứ quá nên anh không còn vô tư nữa. Xong anh cần nhớ rằng ngay ở những nơi đó cũng có những người sung sướng chứ? Ở đó vẫn có những tù nhân no đủ như là những người giữ nhà tắm, ở đó có những người có thể ăn nằm với những nữ tù nhân, những người đó có thể chân thành nói rằng ở trên trái đất này không có đâu sướng bằng ở trong những trại giam tạm trú. Hạnh phúc của con người ta là một cái gì tùy thuộc từng người, một giả tưởng.”

“Tiếng “hạnh phúc” phát sinh từ một tiếng có nghĩa là giờ đây, lúc này…”

“Xin lỗi giáo sư. Ông nên đọc Vladimir Dahl. “Hạnh phúc” phát xuất từ một tiếng có nghĩa là số phận của người ta, là những gì người ta muốn có ở đời…”

“Ấy… lời giải thích của tôi cũng là của Dahl.”

“Lạ vậy. Lời giải thích của tôi cũng thế.”

“Mình phải tìm nguyên nghĩa tiếng hạnh phúc ở khắp các thứ tiếng nói trên thế giới mới được. Tôi sẽ thực hiện cuộc truy nguyên này.”

“Anh thì cái gì cũng phải… Phải thế này, phải thế nọ…”

“Anh có đọc phần thứ hai tác phẩm Faust chưa nhỉ?”

“Anh nên hỏi tôi đã đọc phần thứ nhất chưa. Ai cũng nói rằng đó là một tuyệt phẩm, một sáng tạo của thiên tài, nhưng chẳng ai chịu đọc cả. Hoặc người ta chỉ biết nó nhờ Gounod.” 2

“Phần đầu không có gì khó hiểu hết. Phần đầu của Faust có những câu như:

Tôi không có gì để nói về mặt trời và trái đất

Tôi chỉ nhìn thấy sự đau khổ của con người. “

“Hai câu đó nghe được.”

“Hoặc:

Những gì chúng ta cần, chúng ta không biết.

Chúng ta biết những gì chúng ta không cần.”

“Hay.”

“Phần thứ hai nặng hơn, tôi nhận là nặng. Nhưng dù vậy, tư tưởng chứa đựng ở đó cũng kỳ diệu biết là chừng nào. Anh biết về bản hợp đồng ký kết giữa Faust và Mephistopheles. Mephistopheles chỉ được nhận lãnh linh hồn của Faust khi nào Faust kêu lên: “Ồ… Thời gian, xin ngừng lại…”. Nhưng bất kể Mephistopheles đem lại cho Faust những gì – sự trở lại của tuổi trẻ, tình yêu của Marguerite, những cuộc chiến thắng rực rỡ của Faust trước những kẻ thù, sự giàu sang vô tận, sự hiểu biết những bí mật của cuộc sống – nhưng vẫn không có gì có thể làm cho Faust thốt lên câu nói ấy. Năm tháng qua. Chính Mephistopheles cũng mệt mỏi vì việc đuổi theo mãi con người không bao giờ chán sống ấy. Y thấy không cách nào có thể làm cho con người sung sướng hoàn toàn và y đã có ý định từ bỏ cuộc theo đuổi. Thế rồi Faust lại già đi một lần thứ hai, trở thành mù, ra lệnh cho Mephistopheles tụ họp cả trăm ngàn công nhân lại để đào sông và tháo nước từ những cánh đồng lầy. Trong bộ óc hai lần già của Faust, bộ óc mà Mephistopheles cho là đã trở thành điên khùng, nẩy ra một tư tưởng lớn: làm cho nhân loại sung sướng, hạnh phúc. Theo lệnh của Mephistopheles, bọn quỷ sứ dưới Địa ngục đem cuốc xẻng lên để đào huyệt chôn Faust. Mephistopheles lúc ấy chỉ muốn chôn Faust cho xong chuyện và không còn chờ đợi bắt linh hồn của Faust nữa. Faust nghe thấy tiếng động của những lưỡi cuốc trong lòng đất nên hỏi: “Chi đó?”. Mephistopheles, trung thành với bản tính đùa giỡn của y, trả lời Faust rằng những cánh đồng lầy đã hết nước đọng. Những nhà phê bình văn nghệ của chúng ta vẫn thường phân tích đoạn này theo quan niệm chủ quan, họ cho rằng lúc ấy Faust sung sướng vì nghĩ rằng mình đã đem lại được hạnh phúc cho mọi người nên hài lòng kêu lên: “Ồ… Thời gian… xin ngừng lại…” Nhưng nếu phân tích khách quan hơn, ta có thể thấy rất có thể chủ ý của Goethe là chế nhạo ảo ảnh hạnh phúc của con người. Bởi vì thật ra, Faust tuy sống lâu và nhiều quyền lực là như thế, vẫn chẳng làmd c chuyện gì đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Sau khi thốt lên câu nói đó, bọn quỷ sứ đẩy Faust xuống mồ ngay. Như vậy nghĩa là gì? Một bản nhạc ngợi ca hạnh phúc hay là chế nhạo ảo ảnh hạnh phúc?”

“Ồ… Lev, bạn tôi. Tôi thích bạn trong những lúc thế này, khi bạn tranh luận với trái tim và diễn tả tư tưởng một cách thông mình, khi bạn không dán những nhãn hiệu lên những sự kiện.”

“Tôi biết tôi chưa bao giờ làm anh hài lòng cả. Nhưng anh nghe chuyện này: Có một lần trước chiến tranh, tôi đứng trong một giảng đường đại học, giảng cho các sinh viên nghe về quan niệm hạnh phúc trong tác phẩm Faust. Tôi bỗng buồn rầu cảm thấy rằng cuộc đời này không có hạnh phúc, không có cái gì có thể gọi là sung sướng. Tôi nói như thế và có một sinh viên đưa lên cho tôi một mảnh giấy nhỏ xé từ một cuốn sổ. Mảnh giấy đó có hàng chữ: “Nhưng tôi đang yêu, và tôi đang sung sướng. Giáo sư trả lời sao?”

“Và anh trả lời sao?”

“Làm sao có thể trả lời được?”

— —— —— —— ——-

1 Đạo Lão: Đạo của Lão Tử ở Trung Hoa.

2 Gounod là một nhà soạn nhạc người Pháp ở thế kỷ XIX, ông soạn vở nhạc kịch Faust theo tác phẩm văn chương Faust của Goethe, văn hào Đức. Người ta biết đến Faust nhiều nhờ vở nhạc kịch của Gounod hơn là coi chính bản.

Bình luận