Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tầng Đầu Địa Ngục

Chương 19

Tác giả: Aleksandr Solzhenitsyn

Ngôn ngữ là dụng cụ của sản xuất

Đêm là thời gian làm việc tốt nhất của Stalin.

Bản tính đa nghi của y như một cuộn dây mở dần vào buổi sáng. Trong những buổi sáng âu sầu, y nghi ngờ tất cả mọi người. Y cách chức những tên cần bị cách chức, y cắt giảm những ngân khoản dự chi, y ra lệnh cho hai hoặc ba Bộ tổ hợp làm một. Ban đêm, tinh thần y sáng suốt và mềm dẻo, y quyết định việc gia tăng một số Bộ trong chính phủ lên bằng cách đem một Bộ chia ra thành hai, thành ba Bộ mới, y tìm tên đặt cho những Bộ mới lập, y ký chấp thuận những ngân khoản dự chi mới và y ký sắc lệnh công nhận những nhân viên mới được đặt vào những chức vụ mới.

Những tư tưởng giá trị nhất thường đến với Stalin vào khoảng từ nửa đêm đến bốn giờ sáng. Vào thời gian này, y nghĩ ra cách phát hành quốc-trái-phiếu mới thay thế những quốc-trái-phiếu cũ để tránh phải trả tiền lời cho những kẻ có quốc-trái-phiếu, y quyết định đạo luật trừng phạt những kẻ trốn lao động, y nghĩ ra những biện pháp kéo dài số giờ làm việc trong ngày và số ngày làm việc trong tuần, biện pháp buộc chặt bọn nông dân và công nhân vĩnh viễn vào những công việc họ đang làm, những đạo luật về tù khổ sai và cấm cố, cũng trong khoảng thời gian đêm khuya này, y quyết định giải tán Đệ Tam Quốc Tế và đặt kế hoạch lâu dài lưu đày bọn phản bội đến Tây Bá Lợi Á 1

Kế hoạch lưu đày một số người gồm đủ mọi quốc tịch lên vùng băng tuyết ấy để cho họ tạo thành một chủng tộc riêng là một thí nghiệm trong những thí nghiệm táo bạo nhất của Stalin, một đóng góp trong những đóng góp lớn nhất của Stalin cho nhân loại, nhưng giờ đây y chẳng còn gì để làm cho kế hoạch đó nữa. Suốt đời y, Stalin là người nhìn xa, thấy rộng nhất trong lịch sử Xô Viết.

Y còn là cha đẻ ra nhiều đạo luật giá trị đáng kể khác nữa. Tuy vậy, y thấy còn những nhược điểm trong toàn thể hệ thống cơ cấu tổ chức xã hội và những đạo luật mới vẫn tiếp tục thành công trong việc đóng chặt, khóa kỹ tất cả, mọi chống đối đều bị tận diệt, mọi dị biệt đều bị san bằng, mị kẽ hở đều bị bịt kín, tất cả 200 triệu người đều biết họ phải làm gì, nghĩ gì – chỉ còn có bọn trẻ tuổi trong những nông xã sản xuất là thoát ra khỏi vùng kiểm soát mà thôi.

Tất nhiên là mọi chuyện đều tốt đẹp trong những nông xã. Rất tốt đẹp nữa là khác. Stalin biết chắc như thế sau khi xem phim Nông dân miền Kuban và đọc tiểu thuyết Người kỵ mã sao vàng. Tác giả của cuốn phim và cuốn sách trên đều tới sống ở những nông xã. Họ đã nhìn, đã thấy và ghi lại những gì họ nhìn, họ thấy trong tác phẩm của họ, và rõ ràng là tất cả những gì được ghi lại đó chứng tỏ sự tốt đẹp trong những nông xã. Chính Stalin cũng từng nói chuyện với những nông xã viên khi y đến chủ tọa những đại hội của họ.

Nhưng vì là một nhà cai trị sâu sắc và có đức tính tự chỉ trích, tự kiểm thảo, Stalin đã đào sâu vào vấn đề hơn những nghệ sĩ kia. Một viên bí thư đảng ủy cấp Tỉnh có lần đã lỡ miệng tiết lộ với Stalin rằng (viên bí thư mau mồm mau miệng này chắc đã bị bắn sau đó) – không phải tất cả đều tốt đẹp ở những nông xã: Những người đàn ông, đàn bà từng ghi tên làm việc trong những nông xã từ năm 1930 đều hăng hái làm việc, nhưng bọn trẻ – tất nhiên không phải là tất cả bọn trẻ, chỉ có một thiểu số vô trách nhiệm mà thôi – sau khi học hết cấp trung học, đua nhau xin sổ thông hành bằng đủ mọi cách bất lương để bỏ nông xã thành phố, Stalin nghe chuyện này và lập tức trong óc y sắp đặt kế hoạch sửa chữa.

Giáo dục! Chương trình học bảy năm rồi mười năm chung cho tất cả, con cái bọn bồi bếp cũng vào được trường đại học này đã tạo ra một tình trạng lộn xộn, bê bối. Lênin lầm lẫn lớn về điểm này nhưng bây giờ hãy còn quá sớm, chưa phải là lúc nên nói cho quần chúng biết như thế. Lênin chủ trương bất cứ anh bếp nào, chị đàn bà nội trợ nào cũng có thể điều khiển tốt guồng máy nhà nước! Lênin tưởng tượng ra sao mà lại có thể chủ trương kỳ cục như thế? Lại còn cho bọn bồi bếp cái quyền nghỉ làm bồi bếp trong ngày thứ sáu mỗi tuần để đi dự hội thảo trong Ủy ban hành chánh tỉnh! Một chị bếp chỉ là một chị bếp, công việc của chị ta chỉ là việc nấu ăn. Còn việc cai trị cần phải có những người có biệt tài, việc cai trị chỉ có thể trao cho một số người đặc biệt nào đó đã được chọn lọc kỹ và được thử thách trong nhiều năm. Và việc điều khiển số người đặc biệt này chỉ có thể nằm trong tay một người. Người đó là Lãnh tụ.

Quy chế tổ chức nông xã phải có ghi điều đó, cũng như điều đất đai vĩnh viễn thuộc về những xã viên, bất cứ ai ra đời trong một làng quê, ngay từ lúc vừa lọt lòng mẹ, đã là một xã viên. Và chỉ có ủy ban hành chánh của nông xã mới có quyền cho phép một người đi khỏi nông xã.

Dường như có một kẻ nàng đó trong số những kẻ gọi là khuynh tả đã có nói đến vấn đề như thế sẽ xảy ra ở các nông xã. (Thực ra, nhóm gọi là “khuynh tả” không hề có thực, chính Stalin bày ra chuyện gọi một số người bằng cái tên đó để khi cần đến thanh toán họ cho dễ).

Không biết vì sao người ta thường thấy bọn kẻ thù của Stalin, bọn chủ trương khác với Stalin, hay nói đúng về nhiều chuyện. Những kẻ ấy đều đã chết. Nhưng Stalin như vẫn nghe thấy tiếng họ nói từ dưới đáy mồ vắng về.

Mặc dù việc ban hành những sắc luật mới về nông xã là cần thiết, cũng như rất nhiều sắc luật mới cần ban hành trong mọi địa hạt, đêm nay khi bước vào văn phòng, Stalin cảm thấy tâm trí y bị lôi cuốn vì một vấn đề mơ hồ hơn.

Trên ngưỡng cửa những năm sắp tám mươi tuổi, Stalin thấy rằng y không có quyền hoãn lại những việc cần làm này lâu hơn nữa.

Người khác có thể nghĩ rằng tất cả mọi việc có thể làm được để giữ cho Stalin bất tử đều đã được làm, nhưng với Stalin – mặc dù đã được những người đồng thời suy tôn là Lãnh tụ vĩ đại nhất, người anh minh nhất, tài ba nhất – những suy tôn đó, những lời ca ngợi đó vẫn chưa đủ, y còn xứng đáng được suy tôn hơn thế nhiều. Y thấy sự thán phục của mọi người đều nông cạn, họ vẫn chưa thấy rõ thiên tài bao la của y.

Trong những ngày gần đây, một ý nghĩ thường ám ảnh Stalin: Thực hiện một thành công vĩ đại nào đó trong địa hạt khoa học để có thể nổi tiếng ngoài địa hạt triết học và lịch sử. Tất nhiên là y có thể thành công rực rỡ trong địa hạt sinh vật học nhưng y đã trao việc này cho Lysenko, một người lương thiện và cương nghị. Ngoài ra, toán pháp và vật lý hấp dẫn Stalin nhiều hơn. Mỗi lần đọc những bài thảo luận về Số Không và Kém-Số-Không đăng trong tập Biện chứng luận về thiên nhiên, y lại cảm thấy ước ao cũng viết được như thế.

Cũng trong thời gian gần đây, sự tìm tòi làm cho Stalin chú ý đến trường hợp của giáo sư Chikobava, trường hợp này làm cho y chú ý đến ngôn ngữ học. Giáo sư Chikhobava vừa viết một cuốn khảo luận về ngôn ngữ với nội dung chống chủ thuyết Mác-xít, ông chứng minh rằng ngôn ngữ chỉ là tiếng nói của một quốc gia, một dân tộc, ngôn ngữ tự nó không có đặc tính, rõ hơn, ngôn ngữ không thể là “ngôn ngữ vô sản” hoặc “ngôn ngữ tư sản”. Nhiều học giả đã lên tiếng chỉ trích nặng nề Chikhobava và vào giờ này, nhà ngôn ngữ học hỗn xược đó chỉ còn có nước ngồi chờ nhân viên Mật vụ KGB đến nhà gõ cửa đưa đi.

Không còn gì có thể cứu được Chikhobava nếu Stalin không đích thân nhấc điện thoại lên và ra lệnh để cho ông ta sống. Stalin để cho Chikhobava sống không phải là không có mục đích: Chính y sẽ lấy ý kiến của nhà ngôn ngữ học này, y sẽ khai triển ý kiến tầm thường đó thành một chủ thuyết rực rỡ với hy vọng chủ thuyết đó sẽ giúp y trở thành bất tử.

Nếu y có thể đập tan được những lý thuyết phản động của bọn phản cách mạng, như lý thuyết về luật tương đối chẳng hạn, y sẽ làm cho dư luận thế giới rung động hơn, nhưng y đã làm quá nhiều việc, trách nhiệm của y đối với nhân dân thế giới đã quá nặng nề, y không sao còn thì giờ để làm việc đó.

Thay y phục xong Stalin ngồi vào bàn viết. Y dự định viết một thiên khảo luận về tính chất của ngôn ngữ. Viết chưa được nửa trang y đã thấy mệt. Y ngáp dài và vươn vai. Rồi y đứng dậy đi tới nhìn ô kiếng nhỏ ra vườn. Tấm kiếng này đạn bắn không thủng. Bên ngoài là một khu vườn chỉ có người làm vườn được phép đặt chân vào với một binh sĩ gác. Vào giờ này y chỉ nhìn thấy có sương mù. Y không nhìn thấy những vì sao trên nền trời, cũng không thấy qua một vật gì.

Ở một mình trong căn phòng kín này Stalin không chút lo âu, y cũng không chút băn khoăn, lo ngại mỗi khi nghĩ tới nửa trái đất kia – nửa trái đất mà y vẫn chưa đặt tay lên được – y cảm thấy y có đủ sức để nắm lấy nửa trái đất đó, bẻ cong nó theo như ý muốn. Y chỉ cảm thấy e ngại mỗi khi y phải đến dự những đại tiệc, khi y phải đi trên khoảng cách từ cửa xe hơi tới cửa tòa nhà, đi một mình lên cầu thang và đi qua hai dãy người – những người đứng kính cẩn đến nhiều khi trở thành khúm núm – quá đông, quá xa lạ. Những lúc ấy Stalin cảm thấy y yếu đuối, không được bảo vệ, y không biết phải dùng hai tay y như thế nào, hai bàn tay đã quá lâu không còn được dùng đến nên đã trở thành vô dụng. Y đặt hai tay lên bụng và mỉm cười. Người ta tưởng nhà độc tài cười vì nhân từ, vì mến họ, nhưng sự thật y cười vì sợ.

Chính Stalin từng nói rằng không gian là điều kiện căn bản cho đời sống của vật chất, nhưng sau khi đã làm chủ được một phần sáu đất đai toàn trái đất, y bắt đầu kinh sợ không gian. Vì vậy mà y thoải mái sống trong văn phòng chật hẹp này: Ở đây không có không gian.

Stalin đóng cánh cửa thép sau tấm kiếng và chầm chậm đi trở lại bàn ngồi. Đêm đã khuya quá rồi, ngay cả một thiên tài cũng không còn làm việc được nữa.

Những sự kiện xảy ra trong cuộc đời không giúp y, không làm y hài lòng, nhưng y vẫn cứ phải làm việc. Những thế hệ sắp tới rồi sẽ biết công trạng của Stalin vĩ đại.

Tất cả mọi người đều trông cậy vào Stalin. Quần chúng lạ kỳ và nhát sợ quá đáng. Mất bao nhiêu công lao dạy cho họ biết thế nào là dân chủ, nhưng họ vẫn ỷ lại. Nhai sẵn thức ăn mớm cho họ, việc của họ chỉ là việc nuốt vậy mà họ cũng không nuốt nổi.

Khuôn mặt nâu xám, làn da gợn những vết sẹo đậu mùa cúi xuống những tờ giấy trắng trên bàn, Stalin muốn viết nhưng cảm hứng không đến, y không biết nên viết gì.

Có tiếng gõ nhẹ ở cửa, Stalin nhấn nút điện mở khóa.

Bộ mặt anh hề của Sasha hiện ra giữa hai cánh cửa, gã hỏi nhỏ như tiếng thì thào:

“Yos Sarionich, ông cho phép tôi gọi Abakumov vào hay cho hắn về?”

“À, Abakumov.”

Mải mê sáng tác Stalin đã quên mất Abakumov

“Được rồi. Cho hắn vào.”

Y rút chìa khóa ở dây lưng ra mở nắp kim khí một bình rượu khác để sẵn trong ngăn bàn viết và uống một ly rượu nhỏ.

Lúc nào y cũng phải tỉnh táo, sáng suốt và mạnh như một con chim ưng.

— —— —— —— ——-1 Đệ Tam Quốc Tế là tên gọi tổ chức kết hợp tất cả những đảng cộng sản trên khắp thế giới để hành động hợp nhất. Tổ chức này được thành lập năm 1919 ở Đại hội Mạc Tư Khoa và giải tán năm 1943. Tổ chức này được gọi bằng tiếng Anh là Third International, hoặc Communist International, hoặc Comintern, Komintern.

Bình luận