Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tầng Đầu Địa Ngục

Chương 16

Tác giả: Aleksandr Solzhenitsyn

Không có nước sôi pha trà

Đêm đó theo lệnh của Abakumov và do Sevastyanov truyền lại, Yakanov được gọi đến Bộ An ninh từ Viện Mavrino. Sau đó, có hai lệnh mật được gọi bằng điện thoại tới Viện Mavrino, mỗi lệnh tới cách nhau mười lăm phút, lệnh trước là lệnh đưa tù nhân Bobynin, lệnh sau là lệnh đưa tù nhân Pryanchikov về Bộ. Bobynin và Pryanchikov được đưa về trên hai chiếc xe khác nhau và được để ngồi chờ ở hai phòng đợi khác nhau, đề phòng họ đụng mặt nhau.

Nhưng dù hai tù nhân này có gặp mặt nhau, họ cũng không thể nói gì được với nhau, không thể hiểu ngầm nhau. Nói rõ hơn, Pryanchikov sẽ không sao có thể hiểu được Bobynin muốn gì ở chàng.

Linh hồn Pryanchikov đang rung động vì ánh đèn đêm ở Mạc Tư Khoa, những ánh đèn sáng lòa, lấp lánh, rực rỡ ở hai bên cửa chiếc xe Podeba. Đi từ vùng ngoại thành tối tăm quanh Mavrino vào trung tâm thành phố, Pryanchikov ngây ngất khi nhìn thấy hiện ra những đại lộ sáng choang, những cửa nhà ga xe điện ngầm đầy người, những cửa hàng rực ánh đèn néon. Pryanchikov quên mất người lái xe và hai nhân viên mật vụ bận thường phục ngồi hai bên chàng, dường như không phải là không khí mà là lửa được hít vào và thở ra từ lồng ngực chàng. Không lúc nào chàng rời mắt nhìn qua cửa xe. Chưa bao giờ họ đưa chàng vào Mạc Tư Khoa ngay cả ban ngày, và trong lịch sử Nhà Tù Đặc Biệt Mavrino, chưa từng có một tù nhân nào được nhìn thấy Mạc Tư Khoa ban đêm.

Tới cửa Sretenka, chiếc xe chở Pryanchikov phải dừng lại chờ đám người vừa từ nhà hát bóng cuồn cuộn đi ra và sau đó, dừng lại ở ngã tư đường chờ đèn hiệu.

Tất cả những người tù trên cõi đời này đều chẳng ít thì nhiều nghĩ rằng con cái bên ngoài, vì không có họ, đã dừng lại, bên ngoài đã hết nhẵn đàn ông và những người đàn bà cô đơn vì thiếu họ, hệ thống còn vui vẻ, đàn bà đau khổ, âu sầu hết còn trưng diện vì tình yêu họ và lòng trung thành với họ. Và đây, trước mắt Pryanchikov hiện ra đám đông no đủ, rộn rịp gồm những người đang sống ở thành phố – mũ, mạng che mặt, nữ trang, áo lạnh lông thú – và mùi hương của những người đàn bà qua đường tràn đầy cảm xúc run rẩy của người thanh niên ba mươi mốt tuổi, mùi đàn bà ấy đi qua sương đêm, qua thanh sắt của chiếc xe, đến đập vào chàng như những nhát búa. Chàng có thể nghe được tiếng họ nói, nhưng vang vang không rõ, chàng muốn lao đầu qua làn kiếng cửa xe ra ngoài để nói lớn với họ, với những người đàn bà đang đi trước mặt chàng, rằng chàng còn trẻ, chàng đang cần yên, chàng bị người ta nhốt vào tù không chút xót thương, chàng bị tù nhưng không có tội gì cả. Sau cuộc sống cô đơn khổ tù trong tòa nhà đá ở Mavrino, cảnh sắc này là một giấc mơ thần tiên. Ngay cả thời còn tự do Pryanchikov cũng chưa bao giờ được sống cuộc sống thanh lịch mà chàng thấy trước mắt kia, khi còn là sinh viên, chàng quá nghèo, rồi chiến tranh đến chàng nhập ngũ và bị bắt làm tù binh, rồi hết chiến tranh và chàng bị tù ở chính trên quê hương chàng.

Sau đó, trong khi ngồi trong phòng đợi, Pryanchikovvẫn còn mê mẩn, chàng không nhìn rõ những cái bàn, cái ghế quanh chàng, những cảm giác ngây ngất vẫn chưa chịu từ bỏ chàng.

Một Trung tá gọn ghẽ, sáng sủa bảo chàng đi theo. Pryanchikov, với cần cổ ngẳng và đôi cổ tay khẳng khiu, đôi vai hẹp, đôi chân gầy chưa bao giờ trông tang thương bằng khi chàng bước vào căn phòng rộng do người sĩ quan đưa chàng tới. Người sĩ quan này dừng lại ở cửa và chỉ một mình Pryanchikov bước vào phòng.

Căn phòng rộng đến nỗi Pryanchikov không nhận ra đó là một văn phòng, chàng cũng không nghĩ rằng người đàn ông với đôi cầu vai dát vàng ngồi tít ở tận xa kia là chủ nhân căn phòng này. Chàng cũng chẳng nhìn thấy bức hình Stalin cao tới mười thước choán hết một bức tường. Mạc Tư Khoa ban đêm và những người đàn bà đi trong đêm Mạc Tư Khoa vẫn còn chập chờn ẩn hiện trước chàng. Chàng như người say rượu. Chàng như người hoang mang không biết tại sao mình lại đi vào căn phòng rộng thênh thang này và phòng này là phòng gì? Chuyện lạ và khó hiểu hơn nữa là trong một căn phòng hình cánh quạt chật ních những chiếc giường hai tầng và giường nào cũng có người nằm ở một nơi nào đó được chiếu sáng bằng một bóng đèn xanh – dù chiến tranh đã chấm dứt từ năm năm trước – có một ly nước trà nguội còn chờ đón chàng trở lại.

Chân chàng đi trên tấm thảm rộng. Thảm dầy và êm và chàng muốn nằm lăn xuống đó. Ở bên tường bên phải gian phòng có nhiều khung cửa sổ, bên tường trái gian phòng có một tấm gương lớn cao từ mặt sàn tới tận trần.

Những người ở bên ngoài không biết được giá trị của vật dụng. Với một người tù quanh năm chỉ được dùng cái gương soi mặt lớn không quá lòng bàn tay, có khi cả năm sáu tháng không được nhìn thấy mặt trong gương, việc được nhìn ngắm toàn thân mình trong một tấm gương lớn là cả một việc quan trọng.

Pryanchikov như bị nam châm hút lại, đứng sững trước tấm gương. Chàng nhìn chàng hiện ra trong đó rồi chàng đến sát gương, ngắm nghía với vẻ hài lòng hiện rõ trên khuôn mặt tươi trẻ, sạch sẽ của chàng. Chàng sửa lại cổ áo và xốc lại hai tay áo. Rồi vẫn nhìn vào gương, chàng từ từ đưa chân lùi lại rồi chàng nghiêng người sang bên và cố liếc mắt nhìn xem mặt nghiêng của chàng hình dáng ra sao. Chàng quay sang trái rồi quay sang phải. Hai chân chàng di chuyển như đi vài bước khiêu vũ và chàng lại đến sát gương, nhìn ngắm mặt chàng kỹ hơn trong đó. Sau cùng, thấy rằng mặc dù bộ y phục màu xanh bạc màu quá cũ này, mình vẫn thanh nhã và cân đối lắm, với sự hài lòng, phấn khởi trong tâm hồn, Pryanchikov đi tới – chàng đi tới không phải vì chàng biết rằng trong gian phòng này có người chờ đợi chàng mà chỉ là vì chàng cần đi để xem xét hết phòng.

Người đàn ông có thể nhốt vào tù bất cứ ai trong một phần nửa thế giới, nhà Tổng trưởng độc tài từng làm những vị tướng lãnh, thống chế sợ đến xanh mặt, ngồi nhìn gã tù nhân gầy gò với một vẻ chú ý tò mò. Lâu rồi y không có dịp nhìn kỹ một người trong số nhiều triệu người đã bắt, đã kết án, đã cho vào nhà tù, vào những trại tập trung.

Với dáng điệu của một chàng công tử đi dạo phố, Pryanchikov đi đến trước bàn và nhìn như dò hỏi vào mặt Abakumov như chàng không ngờ có người ngồi ở đó.

“Anh là kỹ sư Pryanchikov?”

Abakumov lên tiếng hỏi, tay y xếp lại những giấy tờ trên bàn.

“Phải,” Pryanchikov lơ đãng đáp “Phải, tôi.”

“Anh là những cầm đầu toán chuyên viên ở Mavrino làm việc về… về…”

Abakumov xem lại tờ giấy:

“Về máy Phân-Hóa Âm Thanh Nhân Tạo?”

“Cái gì là máy phân hóa âm thanh nhân tạo?” Không trả lời vào câu hỏi, Pryanchikov nói sang chuyện khác, “Ai bày đặt ra cái tên gọi ngớ ngẩn vậy? Chúng tôi không dùng cái tên đó. Chúng tôi gọi nó là giàn máy Ám-Hiệu Âm-Thanh nhân. Tắt là Âm Thanh cho tiện.”

“Nhưng anh là kỹ sư trưởng toán?”

“Trên nguyên tắc thì là tôi, nhưng có chuyện gì vậy?”

Đột nhiên Pryanchikov trở thành đề phòng.

“Ngồi xuống.”

Không chờ mời đến câu thứ hai, Pryanchikov ngồi ngay xuống ghế, chàng cẩn thận kéo cho ống quần thẳng nếp.

“Tôi muốn anh nói thật, nói thật hoàn toàn, anh không sợ rắc rối vì những người có quyền ở đó. bao giờ cái máy Âm Thanh được chế tạo xong? Tôi muốn nói là bao giờ dùng được? Cứ nói thật. Một tháng nữa hay hai tháng? Cứ nói, đừng sợ gì hết.”

“Máy Âm Thanh? Sắp dùng được? Ha ha ha.”

Tiếng cười tươi trẻ và trong như tiếng chuông của Pryanchikov vang lên. Chưa bao giờ giữa những bức tường này lại rộn ràng tiếng cười như thế. Chàng ngồi dựa lưng lên thành ghế và giơ hai bàn tay ra trước mặt:

“Ông nói cái gì? Ông nghĩ gì mà lại hỏi như thế? Rõ ràng là ông không hiểu máy Âm Thanh là cái gì. Để tôi giảng cho ông nghe…”

Chàng nhẹ nhàng đứng bổng lên từ lòng ghế và nhô người trên mặt bàn của Abakumov:

“Ông có tờ giấy trắng không? Đây rồi.”

Pryanchikov xé một tờ giấy trắng, vớ lấy cây viết màu thật tươi của Abakumov và bắt đầu vẽ vội và vụng những đường cong queo tượng trưng cho những làn sóng âm thanh.

Abakumov không chút sợ hãi – trong thái độ, cử chỉ và giọng nói của người kỹ sư trẻ tuổi lạ kỳ có một cái gì thành thật, hồn nhiên và như ngây thơ làm cho y chịu đựng cuộc tấn công này. Y nhìn ngây Pryanchikov nhưng không ghi nhận những lời chàng nói.

“Ông phải biết rằng tiếng nói của con người có rất nhiều hòa âm,” Pryanchikov gần như nghẹn lời vì muốn nói ra tất cả những gì chàng cần nói trong một thế gian ngắn nhất, “và sáng kiến căn bản của máy Âm Thính là biến tiếng nói ra những âm thanh khác hẳn rồi lại kết hợp trở thành tiếng nói. Biến hóa cách nào tùy người sử dụng máy. Trời đất, sao ông có thể viết được với cây bút tồi như vầy? Ông biết rõ về tọa độ Cartesie chứ hả? Cái này chú học sinh nào cũng biết mà – và phương pháp Fourier?”

“Chờ chút,” Abakumov cố tự trấn tĩnh để nói. “Chú chỉ cần nói cho tôi biết: Bao giờ thì xong? Bao giờ thì máy dùng được? Bao giờ?”

“Bao giờ xong? Hừm, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ấy.”

Giờ đây Pryanchikov không còn ngây ngất vì những hình ảnh chàng vừa nhìn thấy ngoài đường phố nữa, chàng bị tràn ngập bởi niềm yêu dấu công việc chàng đang làm và một lần nữa, chàng không sao có thể ngừng nói – Không trả lời câu hỏi của ba, chàng tiếp:

“Vấn đề quan trọng bây giờ là nếu mình chịu biến cả giọng nói đi. Trong trường hợp ấy, số đơn vị…”

“Nhưng ngày nào? Ngày nào, tháng nào? Ngày một tháng ba? Ngày một tháng tư?”

“Trời đất… ông nói chi vậy? Tháng tư? Không kể đến những việc về Ám Số chưa làm xong, chúng tôi chỉ có thể hoàn thành dàn máy này vào… Coi nào, không thể sớm hơn được,” Pryanchikov nắm tay áo Abakumov, kéo mạnh. “Ông để tôi giải thích tất cả cho ông nghe. Ông sẽ hiểu và sẽ đồng ý với chúng tôi rằng việc đó không thể vội mà được…”

Nhưng Abakumov, mắt nhìn ngay xuống những hình vẽ vằn vèo vô nghĩa với y trên tờ giấy, đã đưa ngón tay ra tìm thấy nút chuông điện cạnh bàn.

Người sĩ quan mang cấp bậc Trung tá gọn ghẽ hồi nãy lại xuất hiện và mời Pryanchikov đi ra.

Pryanchikov đi xa bàn với vẻ bối rối hiện rõ trên mặt, miệng chàng hé mở. Chàng thất vọng vì chàng chưa giải thích được gì hết. Và khi đã đi ra được nửa phòng, bỗng dưng chàng nhận biết người đàn ông to lớn ngồi kia là ai. Chàng nhớ lại rằng những người bạn tù của chàng đã dặn chàng phải khiếu nại, phải cố gắng đòi hỏi. Chàng quay phắt lại và nói lớn:

“Ê, tôi quên chưa nói cho ông biết.”

Nhưng người sĩ quan chặn không cho chàng đi trở lại, đồng thời y đẩy chàng ra cửa. Và Pryanchikov thấy rõ là người đàn ông ngồi ở bàn kia không nghe chàng nói. Trong một khoảnh khắc, tất cả những hành động phạm pháp, tàn ác của bọn cai ngục trở lại với chàng nhưng chàng chỉ có thể còn kêu lớn một câu:

“Nước sôi, chúng tôi làm việc khuya nhưng không có nước sôi pha trà. Chúng tôi không có trà nóng uống ban đêm.”

“Không có nước sôi?”

Một người nào đó đứng ở ngoài cửa phòng, dường như là một vị tướng lãnh, nói với Pryanchikov:

“Được rồi. Để chúng tôi lo.”

Bình luận