Quảng trường trước toà nhà thị chính đen đặc những người là người. Tay xách làn, tôi lôi Nguyệt Châu theo. Chị tôi cứ kèo nhèo nào là bị chen lấn, nào là giá lương thực đắt đỏ, nào là hiếm thịt thú rừng. Lắm lời và cáu kỉnh, chị than phiền về tất cả các thứ chúng tôi mua. Tôi bực mình vì những thứ thở than không dứt, chỉ mong rủ chị đi cho nhanh.
Từ ba năm nay, cuộc đời chị như một dòng sông tuyệt vọng. Tôi tiếc biết bao nhiêu bà chị ngày xưa với mớ tóc đen huyền tết thành hai cái đuôi am và buộc nơ màu đỏ chót. Chị đi đi lại lại, xoay tròn, ngồi xuống đứng lên liên tục. Tiếng cười giòn giã của chị làm cả nhà phát nhức cả đầu.
Nay thì vài sợi tóc uốn lọt qua vành mũ trùm và đung đ trên gò má tái nhợt của chị. Tóc mất đi vẻ óng mượt cũng ủ rũ như con người chị.
Tôi lắc tay chị:
– Này, thế chị ly dị đi!
Chị mở tròn đôi mắt một mí xinh đẹp. Nước mắt ứa ra:
– Em ơi, anh ấy trước đây yêu chị lắm!… Anh ấy thề cả đời chỉ có mình chị mà thôi!… Chị không tin là anh ấy đã quên lời thề. Nó còn mạnh hơn cả anh ấy… Tối hôm qua, chị đi theo anh ấy… Anh ấy vào rạp hát với một con rởm đời, đồ đàn bà hư hỏng, để cho trai sờ vuốt ngay trong ghế lô…
Tôi chẳng biết nói thế nào. Phong tục mới lên án chế độ đa thê nhưng đàn ông vẫn rất lang chạ, còn phụ nữ nào đã thoát khỏi những khốn khổ. Cha mẹ chúng tôi là những người tân tiến. Ở cái thời buổi mà phong tục truyền thống và lối sống hiện đại vẫn còn đang tranh giành ưu thế, ba mẹ đã khuyến khích chị cưới người đàn ông chị yêu. Cuộc hôn nhân vì tình ấy quả là một nỗi bất hạnh lớn.
Người đi đường ngoái cổ nhìn theo chúng tôi. Nguyệt Châu nức nở mà chẳng biết rằng mình lố bịch. May quá có một bác xích lô chạy qua. Tôi gọi ông ta lại, bắt chị lên xe và nhờ đưa bà chị về nhà. Chị tôi quá đau đớn nên để mặc người ta đưa đi.
Tôi tiếp tục mua các thứ mẹ dặn. Sáng chủ nhật nào cũng vậy, nông dân và thợ săn trong vùng đều ra chợ. Họ đi suốt đêm và chờ dưới chân thành cho tới khi cổng thành mở. Tôi mua xong hết các thứ khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Sớm nay tuyết tan và mọi người phải lội trong thứ bùn lạnh lép nhép. Tôi đi về phía một quán trà. Trước cửa có một cái lò đã nhóm, tôi ngồi trước quầy và gọi trà hạnh nhân hạt dẻ. Bồi bàn vội vàng phục vụ : ấm trà to đùng vẽ rồng phượng rót tia nước nóng bỏng từ cách xa cả mét vào bát trà của tôi. Sau lưng tôi, có ai đó cất giọng hát:
” Làng tôi nằm trong lũng sông Amua
Bên một rừng thông
Sao tôi quên được vẻ đẹp của làng tôi?
Mẹ tôi, các chị em tôi,
Sao tôi bỏ được vào tay quân thù? “
Đám đông rùng mình. Bài hát bị cấm. Ai hát sẽ bị bỏ tù. Tôi chỉ thấy các ánh mắt ngạc nhiên, nhiều gương mặt tái đi. Cách tôi chừng mươi bước, kẻ can đảm nhất lại hát, và rồi có nhiều giọng khác hòa theo. Càng ngày càng nhiều người cùng đồng thanh và tiếng hát vang lên khắp chợ.
Cảnh sát huýt còi. Có tiếng súng nổ. Liền sau tín hiệu đó, một người nông dân đang chồm hỗm đằng sau giỏ trứng đứng dậy, tay anh ta cầm súng lục. Cách đó một quãng, một người khác lôi súng từ dưới các bó rơm để phân phát cho mọi người. Đàn ông mang vũ khí chạy ngược về phía tòa thị chính, vừa chạy vừa xô đẩy người đi đường. Quán trà bị xô sụp xuống trong tiếng ầm ấm điếc cả tai. Đám đông cuốn tôi đi.
Người thì khóc, người thì kêu, người thì gào thét. Không phân biệt nổi ai đang tiến lên để tấn công quân lính của chính phủ và ai đang lùi lại để chạy trốn. Làn sóng người xô tôi về phía hàng r toà thị chính nơi súng càng nổ dữ dội hơn. Tôi cố chống cự lại nhưng xung quanh mọi người quá kích động nen chẳng đếm xỉa gì đến tôi. Tôi vấp phải một xác người và ngã xuống. Tay tôi vuốt qua một chiếc áo vét lạnh ngắt và ươn ướt. Một viên cảnh sát đã bị đâm chết giương cặp mắt lồi ra nhìn tôi trừng trừng. Tôi gượng dậy. Một người nông dân đang vung vẩy súng thúc cùi tay vào người làm tôi lại ngã đè xuống cái xác. Tôi thét lên.
Có một thanh niên cúi xuống chìa tay cho tôi nắm.
Anh ta kéo tôi về phía mình. Anh sinh viên có nước da ngăm ngăm mỉm cười với tôi.
– Đi theo tôi, anh bảo.
Anh gật đầu ra hiệu cho một sinh viên khác. Anh này nhìn tôi một cách cao ngạo rồi túm lấy tay kia; Cả hai đỡ tôi và rẽ đám đông đi ra.
Trong phố, đánh nhau vẫn còn ác liệt. Hai sinh viên chạy thật nhanh, lôi tôi đi theo. Dường như họ biết trước những đồn cảnh sát bị quân nổi loạn tấn công, họ tránh được những chỗ đánh nhau và cuối cùng cũng dừng lại trước lối vào một khu nhà lớn.
Một người mở cửa. Khu vườn hoang trước mặt anh ta đã lấm tấm điểm hoa xuyên tuyết. Ngôi nhà xây theo kiểu Âu có vòm bán nguyệt và cửa sổ hình thoi.
– Đây là nhà của Kinh, anh sinh viên nước da ngăm ngăm giới thiệu anh bạn. Còn anh là Mẫn.
Mẫn giải thích là chủ nhà, dì của Kinh, đã rời thành phố đến Nam Kinh và Kinh rất vui mừng được nhận chân giữ nhà.
Giọng anh trẻ trung và trầm ấm, giống như giọng người lúc nãy hát.
– Thế còn em?
Tôi tự giới thiệu và hỏi xem tôi có thể gọi điện được không.
Kinh sốt ruột nói:
– Chắc quân kháng chiến đã cắt đường dây rồi.
Nhìn thấy vẻ thất vọng trên mặt tôi, Mẫn bèn nói sẽ cố thử xem sao.
Trong phòng khách, các bức tranh đã treo trước đây, và sàn nhà bằng gỗ sơn đỏ còn hằn dấu các đồ gỗ đã được mang đi. Trong thư viện, hàn trăm quyển sách vẫn được xếp ngăn nắp trên giá, còn có một đống sách khác vứt ngổn ngang chồng chất dưới đất. Trên các bàn thấp, nhiều chiếc gạt tàn còn đầy đầu mẩu thuốc lá, tách đĩa bẩn, báo chí bị vò nhầu. Dường như một cuộc họp đã diễn ra đêm qua ở đây.
Mẫn mở cửa thông sang buồng ngủ có một chiếc giường phủ chăn lụa đỏ thêu hoa cúc đại đóa. Anh ta nhấc chiếc máy nghe trên giá nhưng không gọi được.
– Anh sẽ đưa em về khi nào yên yên, anh nói giọng ấm áp. Em ở đây an toàn rồi. Có đói không? Ra giúp anh nấu cái gì đi.
Trong khi Mẫn nấu mì, nhặt rau, thái thịt, Kinh vẫn ngồi trên chiếc ghế kê bên cửa sổ, lắng tai nghe từng tiếng động bên ngoài. Có tiếng súng thỉnh thoảng vọng lại. Mỗi khi súng nổ, trên môi Kinh thoảng nụ cười giễu cợt. Tôi không biết thành phố của tôi rồi sẽ ra sao. Tôi cho rằng những nông dân cải trang này là thành viên của Tổ chức kháng chiến chống quân Nhật. Báo nói rằng quân cướp này đốt phá, cướp bóc, bắt cóc người thành phố và dùng tiền chuộc để mua súng của người Nga. Tôi lo lắng cho cha mẹ, cho Nguyệt Châu chắc đang lạc trong phố trên chiếc xích lô. Tôi hết ngồi lại đứng, đi đi lại lại, lật vài trang sách rồi ngồi phịch xuống trên một chiếc ghế khác trước mặt Kinh.
Tôi cũng lắng nghe từng tiếng động như anh ta.
Chỉ có Mẫn có vẻ bình tĩnh. Anh huýt sáo một điệu ôpêra.
Chiếc nồi toả mùi thơm phức. Rồi Mẫn bưng cho tôi một bát mì to ịch nấu với thịt bò và rau cải muối. Anh chìa cho tôi một đôi đũa.
Lúc đó tôi mới nhớ ra là mọi người ở nhà đang chờ để mừng sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi.
22.
Ở Cáp Nhĩ Tân, nắng như xói vào mắt.
Mùa xuân, trong tiếng gầm trầm trầm liên miên, hàng ngàn vạn tảng băng đâm vào nhau, nhấp nhô và biến mất trong bọt sóng sông Amua.
Một tay lái buôn giàu có vừa cho dựng trong trung tâm thành phố một gian hàng xổ số. Trên một cái sàn gỗ cao, kết quả xổ sô đang được xướng lên. Bên những người giàu bận đồ lông thú, có những kẻ ăn mày không đủ vải che thân đang run rẩy. Ăn trộm, lưu manh, lính, sinh viên, tư sản, đĩ điếm, cả thành phố đều tới đây và sốt ruột chờ đợi. Đột nhiên, thông báo được điểm bằng tiếng than khóc và tiếng reo mừng của đám đông. Những cuộc xô xát bắt đầu. Chồng đánh vợ vì đã thay đổi số cược, những kẻ vừa đặt cửa đồng xu cuối cùng doạ sẽ tự vẫn. Cũng có cả những tay cho vay đang đòi tiền nợ, hay những kẻ thắng xổ số nhưng lại không tìm thấy vé đâu.
Chưa bao giờ tôi thấy có nơi nào mà kẻ giầu lại nghi ngại sự giàu sang của mình đến thế còn kẻ nghèo lại tuyệt vọng đấu tranh chống lại cảnh khốn cùng. Sự bê trệ của đám dân này khiến tôi càng tin chắc rằng đế quốc Trung Hoa đang chìm đi trong hỗn loạn, không thể nào lật ngược được xu thế này. Nền văn minh lâu đời này đã co lại dưới triều đại Mãn Châu, chối bỏ sự mở cửa, khoa học và hiện đại. Ngày hôm nay nó đã trở thành miếng mồi ngon của các cường quốc Châu Âu, nó đang sống sót bằng cách nhường dần đất đai và tự chủ của mình.
Chỉ có người Nhật chúng tôi, thừa kế được một nền văn minh Trung Hoa thuần khiết , không pha trộn, mới có thể giải phóng cho họ khỏi ách đô hộ Châu Âu. Chúng tôi đem lại cho dân họ hòa bình và lòng tự trọng.
Chúng tôi là cứu tinh của họ.
23.
Kinh ra ngoài thăm dò tin tức, về kể lại cho chúng tôi rằng quân phiến loạn đã chiếm tòa thị chính và ném xác viên thị trưởng qua ban công. Trong vài giờ đồng hồ, niềm căm hận lan tràn trong thành phố, dân chúng bị máu kích thích giết cả những người đã cộng tác với quân Nhật và kiều dân Nhật; binh lính Trung Quốc trong quân đội Mãn Châu quay súng chống lại lính Nhật và bao vây binh đoàn kẻ thù trong trại.
Mẫn dựng thang lên bờ tường và chúng tôi trèo lên nóc nhà. Từng hàng mái nhà chạy dài tít tắp như những làn vảy cá xám đang ánh lên ánh bạc. Đường phố ngoắt ngoéo vạch những đường hằn sâu như rãnh cày. Các cây dẻ trơ lá vẽ các con chữ khẳng khiu lên mây. Từ phía trung tâm hành phố, từng cột khói đen bốc lên nền trời màu tím và vàng nâu. Hàng ngàn hàng ngàn con chim sẻ quay tròn hoảng hốt.
Chúng tôi nghe có tiếng súng nổ lẫn trong tiếng kêu gào, tiếng hò reo và tiếng trống ăn mừng. Nhiều khu phố vắng tanh, tăm tối và cũng có những khu phố tưng bừng rộn rã tiếng cười.
Ngoài xa kia, những bức tường thành của thành phố uốn lượn và mờ đi trong sương mù.
Liệu chúng tôi có đủ sức chống lại được viện binh của quân Nhật hay không?
24.
Sau màn chào hỏi ngắn gọn, tôi được biết rằng Madam Violet, bà chủ của Masayô cũng là người Tôkyô. Niềm vui được gặp người đồng hương nơi đất khách quê người hơi vương chút ưu tư và khiến những kẻ xa lạ cũng thành thân thuộc. Madam mời tôi uống sakê và hỏi đủ thứ về tôi. Tôi cũng hỏi thăm gia đình bà và được biết cả chồng và con bà đều chết trong trận động đất.
Bà lấy trong tay áo kimônô ra cho tôi xem một chiếc hài tre con bé xíu, kỷ vật duy nhất còn só lại của con trai bà.
Mười bốn năm đã trôi qua và tôi đã có thể vùi sâu những ký ức về trận động đất. Nay tiếng khóc của Madam Violet khơi dậy trong tôi những ngày tháng chết chóc đó.
Tai họa xảy ra vào giữa trưa. Tiếng chuông reo hết giờ học sáng vừa dứt. Đột nhiên ghế đổ lổng chổng, phấn viết bảng bay vèo vèo tôi cứ tưởng tụi bạn cùng lớp giở trò nghịch ngợm nên cười to và vỗ tay thì bỗng tấm bảng đen sụp xuống, mảnh vỡ văng tung tóe làm nhiều học sinh bị thương. Tường rung lên, các bàn học bằng gỗ phiến bắt đầu trượt từ đầu này sang đầu kia lớp học. Một thằng bé bị kẹt trong đống gỗ thét lên. Chúng tôi vừa gỡ được nó ra thì một trận mưa vôi vữa rơi ào ào xuống đầu.
Thầy giáo người đầy bụi mở cửa sổ và ra lệnh cho chúng tôi nhảy xuống. Tôi là đứa đầu tiên lao xuống khoảng không. Phòng học chúng tôi ở lầu hai. Tôi đập cả người và tay chân xuống đám cỏ nhưng không bị thương. Nhiều đứa trẻ khác cũng nhảy theo. Có nhiều đứa nhảy từ tầng cao hơn, bị trẹo chân và chúng tôi ké về phía vườn. Mặt trước của trường rung bần bật. Từ ba cổng chính học sinh ào ạt chạy ra. Không mũ mão, đồng phục rách, áo dính máu, chúng đã phải đánh nhau mới ra được khỏi cổng. Đột nhiên, cả tòa nhà sụm xuống từ đoạn giữa và chậm rãi kéo cả hai cánh bên cùng từ từ đổ sập xuống theo.
Ngoài vườn đen đặc những người là người. Người chạy, người bò, kêu, khóc, rên rỉ. Đất cuộn lên như có sóng. Các lối đi lát đá mà tôi đã đi qua biết bao nhiêu lần uốn quăn lại như những đoạn dây ruy băng. Các cây mà chúng tôi bám vào oằn xuống, đu đưa và cuối cùng hất chúng tôi xuống đất. Chúng tôi cố bám vào cỏ, vào các cây bờ cây bụi nhưng chẳng ăn thua gì. Có tiếng gầm gừ bí ẩn từ lòng đất nghe như tiếng một dòng thác đá cuội đang chảy, tiếng lụa xé khô khan.
Các đợt rung chấm dứt. Giáo viên và giám thị tập hợp chúng tôi lại, cho ngồi thành vòng tròn giữa sân thể thao. Các thầy cấm chúng tôi di chuyển, bắt đầu chăm sóc người bị thương và đếm những người vắng mặt. Tôi thấy thằng em út từ phía xa, mừng đến rơi nước mắt. Một đứa bắt đầu khóc, rồi chẳng bao lâu cả đám khóc theo.
Người ta cấm chúng tôi đến gần đống đổ nát để tìm người sống sót, chúng tôi phải kiên nhẫn chờ đợi đội cứu hộ. Nhưng đến năm giờ chiều vẫn chẳng có ai tới. Gió thổi càng lúc càng mạnh. Những đợt lửa bùng ra từ phía một toà nhà và một cột khói đen oằn oại trong cơn bão làm chúng tôi ngạt thở. Tôi lợi dụng lúc mọi người đang hoang mang, vọt qua bức tường đổ và chuồn vào trong phố.
Cảnh vật như trong địa ngục. Chẳng còn thành phố Tôkyô nữa. Các toà nhà dựa vào nhau vẫn còn đó nhưng các phố bị xóa sổ, chìm dưới một lớp dày gạch ngói, gỗ kính. Các gia đình tìm kiếm nhau. Người ta gọi tên nhau trong vô vọng. Một người điên lang thang và cười trong đống đổ nát. Ba bà xơ truyền giáo ngồi xổm trên đống gạch vụn của nhà thờ mà bới đất bằng tay trong hi vọng tìm thêm được người sống sót.
Nhà cháy. Gió thổi như giúp sức cho lửa lan tràn. Đã sáu giờ chiều và tro tàn bay xoắn xuýt trên trời khiến màn đêm xuống nhanh. Ký ức tôi không còn ghi nhớ đoạn tiếp theo. Tôi còn như thấy mình mò mẫm lần đi trong đêm đen dày đặc. Đường đầy đá, người đi ẩn náu, xác chết. Tôi không nhớ mình về đến nhà bằng cách nào. Mẹ đang ngồi trên một gốc cây trước những đồ đạc mà mẹ đã mang ra được. Em gái tôi ngồi dưới chân mẹ, ôm chân người. Nghe tiếng tôi, mẹ như bừng tỉnh cơn mê, quay đầu lại. Cái cách mẹ lao về phía tôi khiến tôi hiểu ngay rằng một nỗi bất hạnh lớn đã bắt kịp tôi như một mũi tên.
– Cha mất rồi con ơi.
Tôi thức suốt đêm bên xác cha trầy sướt. Mặt cha có vẻ thanh thản của người đã lên tới thiên đường, còn tay người mang hơi lạnh buốt của đêm đen. Thỉnh thoảng, tôi đứng dậy và đi ra đầu vườn, nơi có thể nhìn thấy cả thành phố. Tôkyô đang cháy như một giàn thiêu khổng lồ.
Truyền thuyết nói rằng Nhật Bản là một hòn đảo nổi bập bềnh và chỉ tựa lên một con cá trê mà mỗi lần nó cựa lại gây ra động đất. Tôi cố hình dung ra hình dạng quái vật của giống cá có râu như mèo này. Nỗi đau như cơn sốt khiến tôi mê đi. Vì không thể giết được đấng thần linh ấy, chúng tôi phải tấn công vào lục địa; nước Trung Hoa rộng mênh mông và cố định trên đất liền, nằm gần sát ngay chúng tôi. Đó là nơi chúng tôi phải chiếm để đảm bảo cho tương lai của con cháu chúng tôi.
Masayo tới giúp tôi dứt ra khỏi cuộc chuyện trò ngày càng nặng nề. Cô ta gập người sát đất trước bà chủ đang âm thầm khóc. Cô kéo tay áo tôi và lôi tôi về phòng cô.
25.
Quân của Liên minh kháng chiến rút về phía núi trước khi trời tối. Binh lính nổi dậy cũng theo họ. Chỉ trong một tối, lòng nhiệt thành yêu nước của dân thành phố đã xìu xuống.
Từ sáng sớm ngày hôm sau, lính Nhật đã diễu binh trên các phố. Chính quyền lâm thời được thiết lập và ồn ào truy bắt những kẻ nổi dậy. Khi không tìm thấy quân nổi dậy thật, họ bèn tóm cả kẻ trộm và người ăn mày.
Thị trưởng mới quyết định hàn gắn lại tình hữu nghị Mãn Châu-Nhật Bản và thông báo một loạt các hoạt động trao đổi văn hoá. Quân đội Nhật hài lòng trước việc các nhà chức trách Mãn Châu công khai ve vãn họ và rộng lượng quên đi sự cố. Đời sống thường nhật trở lại cũng nhẹ nhàng như một chớp mắt. Tháng tư tới với ánh sáng rỡ ràng. Ở trường, các bài học tiếng Nhật lại tiếp tục.
Sáng hôm ấy, tôi dậy muộn. Anh xe kéo chạy hết hơi để tôi đến trường được đúng giờ. Mồ hôi chảy rỏng ròng dọc theo sống lưng anh ta, còn trên tay các mạch gân xanh hằn lên. Tôi ân hận lắm và bảo anh ta chạy chậm lại. Nhưng anh ta hổn hển trả lời:
– Thưa cô chủ, xin đừng lo. Buổi sớm chạy như thế này là bí quyết sống lâu đấy.
Qua trước cổng đền Bạch mã, tôi thấy Mẫn đạp xe đạp đi về hướng ngược lại. Tôi ngạc nhiên đến quên cả chào anh. Chúng tôi chỉ lướt qua mặt nhau rồi lại chạy xa mỗi kẻ một hướng.
26.
Đã có lệnh lên đường. Tôi không kịp chào Madam Violet va Masayô. Chúng tôi rời doanh trại tiến về phía ga. Trên sân ga, tiếng còi tàu ré lên lanh lảnh. Nhiều đại đội xô đẩy nhau để lên tầu. Tầu chở đầy xe tăng và đạn dược. Chúng tôi rạp người bò lên được một toa tầu hai tầng.
Khí lạnh chớm xuân khiến tôi không ngủ được. Tôi đặt tay lên túi áo vét nơi tôi cất trước khi lên tàu hai lá thư mới nhận. Thư vẫn còn đó. Nét chữ thanh thanh của mẹ làm tôi yên tâm về sức khỏe của người và khiến tôi dịu bớt nỗi khắc khoải. Không biết bằng cách nào mà Akitô đã có địa chỉ của tôi và viết cho tôi một bức thư dài.
Trước khi tôi lên đường, cô ấy đến chào tôi. Còn tôi lại cố tình tránh không gặp mặt mong làm cô ấy chán ghét tôi. Akitô là bạn thân nhất của em gái tôi, cô đã mất các anh em trai trong trận động đất và rất quyến luyến tôi. Gia đình cô có dòng dõi từ chúa Tôkygawa (1). Mẹ tôi rất thích sự khiêm nhường cũng như vẻ thanh lịch của Akitô và thầm mong chúng tôi hợp nhau. B cũng tán đồng và Akitô tưởng như đã hứa hôn với tôi. Sau khi tôi tốt nghiệp học viện quân sự và đóng tại ngoại thành Tôkyô, Akitô bắt đầu viết thư cho tôi. Tôi trả lời gặp chăng hay chớ. Cô đi cùng em gái tới nhà tôi khi tôi đi vắng. Nụ cười và điệu chào nhún nhường đã khiến bà chủ nhà xiêu lòng và mở cửa. Đồ lót bẩn của tôi được giặt là cẩn thận, bít tất thủng được vá lại. Và như những phụ nữ có giáo dục khác, Akitô không bao giờ nói về tình cảm của cô. Sự e thẹn này cũng chẳng ngăn tôi đặt cô về đúng chỗ của mình: cô chỉ là một người em gái không hơn.
Vài lời của Minh chắc sẽ khiến tôi vui sướng hơn bức thư dài lê thê của Akitô. Nhưng tôi biết rằng nàng geisha ấy sẽ không bao giờ viết thư cho tôi. Cuộc đời nàng đã chọn là một vòng xoáy các hội hè, tiệc tùng, tiếng cười trộn trong tiếng nhạc. Làm gì có lúc nào yên tĩnh để nghĩ đến tôi đâu?
Tôi đã đi qua đời nàng, chuyến đi đó không có ngày trở lại.
27.
Nhiều năm liền, sáng nào tôi cũng đi qua cổng đền Bạch Mã và Mẫn cũng đi đường đó, theo hướng ngược lại. Chúng tôi chẳng bao giờ gặp nhau. Từ một tuần nay, cứ khi chuông đền điểm là anh xuất hiện.
Trước khi ra khỏi nhà, tôi vào buồng mẹ, nơi có một tấm gương bầu dục soi được từ đầu tới chân. Mái tóc trên trán của tôi nay có vẻ sao mà trẻ con quá. Tôi năn nỉ ỉ ôi mãi mới mượn được của bà chị hai chiếc cặp con có gắn những viên ngọc nhỏ li ti để cặp mái lên, cho lộ hết trán ra.
Mỗi khi đến gần ngã tư, tim tôi đập thình thịch và tôi khắc khoải tìm kiếm chiếc xe đạp của Mẫn.
Rồi tôi cũng thấy anh đang đạp xe lên dốc. Lên đến đỉnh, anh dừng lại và đưa tay vẫy tôi. Bóng anh in lên nền trời. Gió nhẹ lướt qua các cành cây đầy chim đang ríu rít. Các chú tiểu mặc áo xám bước đi thoăn thoắt đầu cúi gằm. Có người bán bánh dạo đang thổi thêm lửa, nồi bánh của ông ta bốc hơi nghi ngút và toả khói thơm phức.
Ở lớp, tôi chẳng nghe thầy giảng bài mà tua đi tua lại hình ảnh Mẫn đang đạp xe. Tôi nhớ ánh mắt lấp lánh của Mẫn dưới cái mũ, cánh anh giơ tay lên, bàn tay cầm một mớ sách. Má tôi bừng bừng. Tôi không thể ngăn mình cười ngô nghê với tấm bảng đen, nơi tôi hình dung ra Mẫn đang khéo léo lách qua các từ và con số.
28.
Sau trận động đất, tôi bắt đầu cảm thấy nỗi ghê tởm cũng như sự quyến rũ của cái chết. Cái chết ngày đêm theo đuổi tôi: những cơn khắc khoải đột ngột, trống ngực đập thình thịch, đôi khi tôi khóc mà không có duyên cớ gì.
Lần đầu tiên khi tôi cầm một khẩu súng, thép lạnh truyền cho tôi sức mạnh. Bài học đầu tiên của tôi diễn ra ngoài trời, trên một bãi đất trống. Tim tôi hồi hộp. Tôi cảm thấy một nỗi sợ hãi, căng thẳng, giống như cảm giác của một khách hành hương đang sắp được chạm vào chân vị thần tôn kính. Nghe phát súng đầu tiên, tai tôi ù lên, báng súng giật ngược lại đập mạnh vào tôi. Tối hôm đó tôi đi ngủ mà vai đau ê ẩm nhưng lòng thanh thản.
Ai cũng phải chết? Chọn hư vô chính là cách duy nhất để chiến thắng cái chết.
Đời tôi bắt đầu khi tôi mười sáu tuổi. Tôi không còn mơ tới thuỷ triều cùng những khu rừng bị tàn phá nữa. Quân đội đối với tôi như một con tàu khổng lồ, có thể đương đầu với mọi bão tố. Lính mới vào trường được lôi vào các bài học khoái lạc ngay từ năm đầu, tôi phát hiện ra lạc thú khi tan biến trong một cơ thể đàn bà. Rồi tôi học cách hi sinh khoái lạc cho nghĩa vụ.
Hagakure (1) là sách gối đầu giường, soi đường chỉ lối cho tôi trong các tháng ngày chuyển từ thiếu niên lên tuổi trưởng thành.
Tôi đã chuẩn bị cho mình cái chết. Lập gia đình mà làm gì? Vợ của một samurai phải tự vẫn sau khi chồng chết. Vậy tại sao tôi lại phải kéo theo một cuộc sống khác xuống vực thẳm? Tôi rất yêu trẻ con, chúng là sự tiếp nối của dòng dõi, niềm hy vọng của một dân tộc. Nhưng tôi không thể nào có con được, trẻ con cần phải được nuôi dạy và lớn lên với sự bảo trợ của người cha, không biết đến tang tóc.
Các kỹ nữ có cái vẻ tươi mới thoảng qua, giống như sương buổi sớm. Quá dạn dày với cuộc đời, họ có thể cảm thông được với lính. Tình cảm nhạt nhẽo của họ làm vững lòng các trái tim mỏng manh của chúng tôi. Họ xuất thân từ khốn cùng nên khắc khoải kiếm tìm hạnh phúc. Là những người bị đầy ải, họ chẳng dám mơ tới vĩnh hằng. Họ gắn bó với chúng tôi như những kẻ đắm tàu bám vào ván thuyền. Trong những cơn khoái lạc của chúng tôi có một niềm tinh khiết gần như tôn giáo.
Sau khi tốt nghiệp, các thú vui giải trí của chúng tôi rốt cuộc cũng được phơi bày ra ánh sáng. Các sĩ quan cao cấp công khai bao các geisha còn các sĩ quan cấp thấp tự hài lòng với các cuộc gặp gỡ ngắn ngủi.
Tôi gặp Minh tháng Sáu năm 1931. Chúng tôi ăn mừng đại đội trưởng của chúng tôi được thăng cấp trong một trà thất. Các vách ngăn lặng lẽ trượt ra và các cô geisha lần lượt nối nhau vào. Các cô mới đến thay cho các cô khác biến đi trong bóng tối. Đêm đã xuống trên sông Suliđa. Tàu và đèn lồng chầm chậm lướt trên dòng sông. Tôi uống nhiều và thấy đầu óc quay cuồng. Mọi người đang đổ rượu cho một sĩ quan vừa thua bạc. Tôi cười sằng sặc. Tôi đang định chạy ra ngoài để nôn thì bỗng thấy một geisha tập sự (2) mặc áo kimônô xanh lam, ống tay áo thùng thình in hình hoa lưu ly xanh biếc. Nàng quỳ xuống chào chúng tôi. Cử động chậm rãi, đầy vẻ quý phái. Phấn trắng phủ dầy trên má nàng cũng không che nổi nốt ruồi nơi cằm và khiến nàng có vẻ u buồn.
Nàng lấy chiếc đàn Samisen từ trong bao ra, cùng với bộ móng ngà và lên dây đàn. Ngón tay vẩy mạnh, dây đàn rung lên. Nghe như tiếng sấm vang lên giữa trời trong. Gió thổi, uốn cong cây cối, xé nát các đám mây đen như mực. Tiếng gại đục gằn của móng ngà cuốn theo các tia chớp dội vào trong núi. Nước chảy dồn xuống thành thác, sông dâng đầy, biển động trong gió cuộn đập vào vách đá tung ngầu bọt. Một giọng trầm vang lên. Minh hát về tình yêu không được chia xẻ, về sự bỏ rơi, về bóng tối. Tôi sững sờ trước nối thống khổ của những kẻ say đang vui, tôi xúc động đến ứa nước mắt trước sự khốn cùng của niềm si mê nàng đang hát. Đột nhiên, tựa như chiếc bình vỡ, nhạc ngừng, nàng im bặt.
Quanh tôi các sĩ quan như nghẹt thở nhìn nhau sững sờ. Sau khi cúi chào, nàng geisha tập sự xếp đàn lại, gập người chào lần nữa và lui ra trong tiếng sột soạt của áo kimônô.
29.
Nguyệt Châu nài nỉ cha mẹ, chị ấy muốn tôi đi cùng chị tới dự lễ sinh nhật của tân thị trưởng. Chị cho rằng chồng chị cũng sẽ tới đó cùng cô nhân tình mới nên rất muốn bắt quả tang anh rể tôi tại trận.
Mẹ chẳng thể từ chối trước hai dòng nước mắt của chị. Tôi rất ghét cơn ghen của chị nhưng cũng thích được đi xem thiên hạ. Có khi Mẫn cũng đi dự tiệc thì sao.
– Kính bà, kính tiểu thư…
Người hầu đứng đón dưới chân bậc lên sảnh cúi rạp chào chúng tôi. Một người tiến lên mời chúng tôi bước vào cửa sơn then đỏ. Chúng tôi đi qua ba sân rộng nhìn thấy nên chúng tôi đến buổi tiệc vào lúc trời sập tối.
Chúng tôi được mời vào một khu vườn rộng có khoảng một trăm chiếc bàn bày dưới tán cây và được chiếu rọi bởi các ngọn đèn lồng chạm hình chữ thọ. Các nhạc công mặc đồ xmôking chơi một bản vanxơ và tuyệt vọng chống chọi lại tiếng hát ầm ĩ của một nhóm ca kịch opêra.
Chúng tôi lách về phía một chiếc bàn dưới một cây thông tán tròn và ngồi như hai thợ săn đang rình mồi. Để xua tan bớt cơn lạnh đầu xuân, chủ tiệc đã cho đốt thêm nhiều lồng sưởi và đuốc. Vừa ngồi xuống, chị tôi đã than vãn là ánh sáng làm chói mắt chị và không cho chị nhìn rõ anh chồng ngoại tình. Tôi tìm quanh xem có thấy ông anh rể đâu không. Đột nhiên, tôi thấy Kinh mặc đồ com lê kiểu Âu, đứng một mình ở một chiếc bàn riêng biệt. Anh ta đang nhìn tôi.
Tôi chạy đến chỗ anh.
– Em uống một chút hoàng tửu nhé? – Anh mời
– Không, cám ơn, em ghét thứ đó lắm.
Kinh vẫy tay, một người hầu hiện ra và bày lên bàn một lô đồ ăn anh lấy đũa gắp vào bát tôi vài khoanh thịt trong veo.
– Em nếm đi, tay gấu đấy.
Thứ thịt rất được giới quý tộc Mãn Châu ưa chuộng này trượt trên lưỡi tôi. Chẳng có vị gì.
– Này, đây là món chân lạc đà ngâm trong rượu năm năm liền. Còn đây là cá mà mình gọi là hắc long, câu từ đáy sông Amua lên đấy.
Đáng ra phải ăn, tôi lại hỏi anh xem Mẫn có đến không.
– Không đến đâu – Kinh đáp.
Để che giấu nỗi thất vọng, tôi thú nhận với Kinh là tôi bị chị lôi đến buổi hội này trong khi tôi còn chẳng biết mặt ông thị trưởng mới ra sao.
Kinh chỉ cho tôi một ông chừng năm chục tuổi, thấp béo, mặc một chiếc áo chùng gấm.
– Sao anh biết?
– Bố anh mà.
– Bố anh?!
– Ngạc nhiên nhỉ – Kinh cười lạnh lẽo – Trước cuộc tấn công của quân nổi dậy, bố anh là cố vấn của thị trưởng. Người này chết có khi lại có lợi cho kẻ khác là thế đấy. Có xuống địa ngục, bố anh cũng sẽ thu xếp để được thăng chức cho mà xem.
Bối rồi trước điều thú nhận của Kinh, tôi không biết làm sao để rút lui.
– Kia một bà dì kế của anh kia – Kinh chỉ cho tôi một cách lộ liễu một người đàn bà đang cúi chào các thực khách như con ong đang cúi mình lấy phấn hoa. Bà ta bôi phấn dày thành tảng, mặc một chiếc áo dài thêu cầu kỳ lót lông thú, tóc bới thành hình quạt điểm ngọc trai, san hô và hoa bằng mút xơ lin. Quả là một thứ đồ cổ hiếm có.
– Trước khi nhận lời làm lẽ bố anh, bà ta là điếm – Kinh hài hước kể – Bây giờ bà ta ngủ với một đại tá Nhật. Em có biết tại sao bà ta lại hoá trang thành một mệnh phụ hoàng tộc không? Bà ta luôn tự cho là gia đình mình xuất thân từ dòng Hoàng Kỳ (1) chính thống… Kia mẹ anh đang tiến lên kìa. Chẳng hiểu sao mẹ anh lại có thể chấp nhận một con điếm trú chân trong gia đình mình mới lạ chứ.
Nhìn theo tay Kinh chỉ, tôi thấy một bà tuổi đã tầm tầm.
Sau bà, đột nhiên tôi thấy ông anh rể, tóc chải gôm, mặc một bộ đồ tây trông kẻng đến nhức mắt. Tôi hỏi Kinh có biết anh ta không.
Kinh cười nhếch mép.
– Anh rể em phải không? Cái tay chỉ điểm ấy hả?
– Tại sao lại là tay chỉ điểm? Anh rể em là nhà báo nổi tiếng đấy.
Kinh không trả lời tôi. Anh tự rót cho mình một ly rượu to rồi nốc cạn.
Bạn của Mẫn khiến tôi vừa cảm thấy thán phục vừa thấy ghê sợ. Rời khỏi bàn anh ta, tôi choáng đến mức chẳng tìm thấy bàn của chị tôi đâu nữa.
30.
Các bạn tôi gán cho tôi niềm si mê với nàng geisha tập sự và thường xuyên cho mời cô đến giúp vui cho các bữa tiệc. Tôi đỏ mặt mỗi khi nhìn thấy nàng. Cái trò nháy mắt, bụm miệng cười của đám bạn khiến tôi bực mình đồng thời cũng khiến tôi mơ hồ cảm thấy tự hào và sung sướng.
Minh tính rụt rè, thường vội vã chào chúng tôi mỗi khi hát xong. Dần dần, nàng chấp nhận ở lại rót rượu uống cùng. Tay nàng nhỏ nhắn. Móng tay nom tựa nhu những hạt ngọc trai xưa cũ. Khi nàng nâng ky lên môi, ống tay áo kimônô trượt xuống để lộ cổ tay trắng ngần. Cả thân hình chắc sẽ nõn nà như tuyết chăng?
Thời đó, lương tôi chỉ đủ để tổ chức một vài bữa tiệc, còn lâu tôi mới có thể bao được một geisha. Thời gian qua đi nỗi đắm say của tôi dịu lại. Tôi cần thứ đàn bà ít xa vời hơn để giải khuây cho cuộc đời binh nghiệp quá khắc nghiệt.
Tình hình chính trị năm đó giống như bầu trời nặng trĩu mây. Chúng tôi mơ tới bão tố và rồi mặt trời sẽ lại mọc lên. Là người lính, chúng tôi không thể lùi bước, cũng không thể lẩn tránh nhiệm vụ. Vài sĩ quan (1) đã chọn con đường tử vì đạo. Các cuộc mưu sát xảy ra ngày càng nhiều. Những kẻ sát nhân trẻ tuổi tự nộp mình cho nhà chức trách để chứng tỏ sự trung thực của họ. Nhưng kinh hoàng cũng như cái chết tự nguyện chẳng làm thay đổi sức ì của các bộ trưởng của chúng tôi. Họ quá sợ sự quay trở về của triều đại Kamakura (2) và chỉ nghĩ đến cách gạt cánh quân sự khỏi chính quyền.
Giờ hy sinh đã điểm. Để chiếm lĩnh thế giới, cần phải vượt qua chiếc cầu làm bằng xương máu chúng tôi. Tự sát kiểu seppuku (3) lại trở thành thời thượng. Nét cao quý của việc tự sát này đòi hỏi một sự chuẩn bị lâu dài về mặt tâm lý, điều này lái tâm trí tôi khỏi nàng geisha tập sự.
Một sớm mùa xuân, tôi nhận được một bức thư bí ẩn. Nét chữ đẹp chứng tỏ người viết được giáo dục chặt chẽ. Một phụ nữ giấu tên mời tôi đến gặp tại một trà thất bên cầu Liễu. Tôi tò mò đến nơi hẹn. Đêm xuống. Tôi nghe có tiếng cười và tiếng nhạc phía xa xa. Bên ngoài cửa, tiếng lụa sột soạt chứng tỏ có vài geisha đang đi qua. Rồi cửa mở. Một thiếu phụ chừng bốn mươi tuổi cúi chào tôi. Bà ta mặc một chiếc kimônô bằng lụa màu xám hồng, bên trong lần cổ áo hé ra một chiếc kimônô lót màu xanh ôliu. Trên nền áo có vẽ một cây anh đào đang độ nở hoa, cánh hoa rơi lắc rắc đến tận gấu của tay áo.
Bà ta tự giới thiệu là mẹ của Minh và ngỏ lời chào mừng tôi đã tới nơi này.
Tôi có nghe nói rằng trước đây bà ta cũng là geisha và làm chủ một trà thất nổi tiếng. Bà ta nói có quen với cha tôi. Tôi biết là cha trước đây cũng mê một geisha và tự hỏi không biết có phải bà này không.
Bà ta nhìn tôi chằm chằm trong giây lát rồi cúi mặt nhìn xuống.
– Ông đã gặp con gái tôi, bà ta hỏi. Các buổi tối có nó giúp vui, ông có được thoải mái không?
Tôi đáp rằng tôi rất thán phục tài nghệ nhạc công của nàng.
– Con tôi năm nay mười bảy tuổi. Năm ngoái lẽ ra nó đã phải trở thành geisha thực thụ rồi. Chắc ông cũng biết rằng trong nghề của chúng tôi, geisha tập sự không thể được coi là nghệ sĩ geisha chính thức nếu chưa trải qua nghi thức mizu-age (4). Bản thân tôi đã từng trải qua và việc đó đối với tôi còn mãi dư âm một cơn ác mộng. Tôi quyết định tránh cho con tôi nỗi kinh hoàng đó, tôi cho nó chọn người mà nó muốn và nó đã nêu tên ông. Tôi cũng đã mạn phép tìm hiểu về ông. Người ta nói với tôi nhiều điều rất tốt về ông. Ông có một tương lai binh nghiệp tươi sáng. Ông còn trẻ và chắc là chẳng thể nào trả nổi số tiền cần có cho nghi lễ đó. Điều này cũng không hề gì, tôi đã mong cho con gái tôi được hạnh phúc và tôi xin hiến dâng thân xác nó cho ông. Mong ông chấp nhận lời thỉnh cầu hèn mọn của tôi và tôi xin vô vàn lần biết ơn ông.
Choáng người về lời bà ta nói, tôi im lặng.
Bà ta quỳ lết về phía tôi và cúi gập người:
– Xin ông hãy suy nghĩ cho kỹ. Xin ông chớ lo ngại về vấn đề tiền nong, tôi sẽ chu toàn mọi việc. Xin ông hãy suy nghĩ…
Bà đứng dậy và biến mất sau các tấm cửa trượt, bóng tối trong căn phòng khiến tôi ngạt thở. Theo thống lệ, một geisha tập sự phải được phá trinh bởi một người giàu có mà cô ta không quen biết. Việc tập sự vào đời này rất tốn kém nhưng đối với một người có vai vế, đó cũng là đỉnh cao của uy tín ông ta. Không bao giờ một geisha lại tự mình chọn kẻ sẽ hiếp mình và điều mẹ Minh vừa nói là một sự vi phạm nghiêm trọng luật lệ.
Tôi quá băn khoăn không biết phải làm như thế nào và trì hoãn không trả lời.