Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện cổ Tây Tạng

Cái Hồ Cạn Nước

Tác giả: Eva Bednarova

Ngày xưa, ở làng kia, có một bà mẹ sống với đứa con trai và một đứa con gái. Bà làm lụng cực nhọc, còng lưng cày thuê cấy mướn từ sáng tới tối nhưng trong nhà lúc nào cũng túng thiếu. Vì càng ngày càng nghèo đói, bà quyết đính để con gái chăn cừu thuê cho một trại chủ giàu có ở gần đó.

Ngày nào cô gái nhỏ cũng dẫn đàn cừu lên núi cao, không xa một cái hồ nước trong vắt. Trong lúc cừu đi tản mát, cô gái tên Dolma ngồi trên một tảng đá biệt lập để quấn len vào một cọc sợi

Một hôm, khi cô ngồi kéo len như vậy, một con ong tới bay quanh đầu cô. Dolma xua nó đi, nhưng nó trở lại kêu vo ve bên tai cô ngay. Cô nghĩ là cô nghe nó nói:

Hãy ngồi lên lưng tôi và tôi sẽ đem cô đi khỏi nơi đây. “Mình tin là mình mơ”, cô tự bảo. Nhưng chỉ ít phút sau, chuyện đó lại bắt đầu Cô hãy ngồi lên lưng tôi và tôi sẽ đem cô đi khỏi nơi đây”, con ong vẫn kêu vo ve.

 “Lạ quá, sao ong lại biết nói ?” cô gái tự bảo. Và con ong tiếp tục bay vù vù quanh đầu cô, chỉ bay đi khi mặt trời lặn sau rặng núi.

Dolma nghĩ ngợi rất nhiều khi đưa cừu về chuồng. Việc lạ lùng kia không biến khỏi trí óc cô. Tối đó, khi về nhà, ngồi bên  bếp, cô nói với mẹ:

Hôm nay, con gặp chuyện rất lạ trên núi. Một con ong tới bay quanh con, và nó bảo con ngồi lên lưng nó để nó đưa con đi khỏi nơi đó.

Con ngốc, sao con không làm vậy, có lẽ nó đã đưa con tới một thế giới tốt đẹp hơn thế giới của chúng ta rồi – bà mẹ nói giọng cay đắng, mặc dầu bà coi chuyện con mình kể lại chỉ là chuyện tưởng tượng hoàn toàn.

Hôm sau, Đolma lại cùng đàn cừu lên núi như thường lệ. Cô tới bên tảng đá ưa thích, ngồi xuống, lấy chiếc cọc sợi ra và bắt đầu quấn len. Thế rồi, không, không phải cô nghe nhầm, một tiếng nói nào đó vo ve bên tai cô, và cô hiểu:

Hãy ngồi lên lưng tôi, tôi sẽ đem cô đi khỏi nơi đây

– Đồng ý, tôi sẽ đi theo, hãy để tôi ngồi lên lưng – cô vừa nói vừa nhanh nhẹn quấn sợi len quanh hông và ném cái cọc sợi xuống đất.

Nhắm mắt lại – không khí quanh đầu cô vo ve.

Dolma tuân lời nhắm mắt lại. Ngay lúc đó con ong biến thành một thanh niên khôi vĩ và mang cô đi.

Tối đó bầy cừu về chuồng một mình. Lúc đầu bà mẹ nghĩ rằng một con chiên đi lạc nên con gái bà đi tìm. Nhưng hết tối tới đêm mà cô gái vẫn không về. Lúc đó bà mẹ nhớ tới lời con gái kể với bà tối hôm trước, và bà vô cùng lo sợ. “Con ong đó chắc không phải là một con ong bình thường – bà bảo thầm. Đó là một thần linh, nhưng làm sao biết được là thiên thần hay ác thần ?”. Đêm đó bà mẹ không chợp mắt.

Hừng đông sảng hôm sau, bà vội vã đi lên núi. Bà đi không kịp thở, lên tới đỉnh núi, thấy tảng đá lẻ loi và sát bên là cọc sợi mà con gái bà lúc nào cũng mang theo. Một sợi len trắng ngà tháo ra từ cọc sợi. “Con bé tinh ranh thật !, bà mẹ thầm hãnh diện về sự sáng trí của con. Sợi len trải dài, quanh co, cuộn vòng, mất dấu trong bụi rậm, quấn quanh một thân cây, căng thẳng trên đồng cỏ núi cao, rồi thình lình tuột xuống, tuột thẳng xuống hồ.

“Bất hạnh thân con, con đã rơi vào hoàn cảnh nguy nan nào rồi ?”, bà than khóc. Mặc cho bà khóc lóc thảm thương, cái hồ vẫn im lặng, mặt hồ phẳng lì không một gợn sóng, in bóng bầu trời xanh không một bóng mây.

Bà mẹ khóc sướt mướt quay về nhà, nhưng sự đau đớn, phiền muộn làm bà yếu hẳn đi và bà phải nằm liệt giường. Bà nằm một ngày, hai, ngày, ba ngày. Buồn phiền làm bà mòn mỏi, nó giày vò bà. Hết ngày thứ ba, bà bắt đầu mê sảng, rồi bà ngủ lịm. Con gái bà hiện ra trong giấc mộng.

– Mẹ thân yêu, đừng khóc con nữa – cô gái nói. Con không chết, con vẫn sống, nhưng con ở trên núi rất cao, dưới đáy hồ.

Con đã thành vợ của Long vương. Chồng con dạy con nhiều thứ pháp thuật, và khi dân làng cần mưa, con sẽ đưa mưa tới cho họ. Nói xong, cô gái mất tích biến thành một đám hơi nước và tan trong không khí.

Từ khi nằm mộng gặp lại con, bà mẹ từ từ bình phục. Bà kể cho dân làng nghe giấc mộng kỳ lạ của mình. Họ nghe bà mà lắc đầu không tin. Nhưng ít lâu sau, khi vùng này bị hạn hán nặng, khi trong giếng không còn một giọt nước, họ nhớ tới lời của bà mẹ nên tới cái hồ trên núi để cầu khẩn Dolma đưa mưa tới. Quả nhiên, chỉ một lúc sau, mây kéo tới đầy trời và một trận mưa tốt lành rơi xuống. Từ đó dân làng biết rằng Dolma vẫn sống trong hồ và nàng sẽ giúp họ khi họ cần tới nàng.

Vài năm trôi qua. Em trai của Dolma đã lớn và sắp lấy vợ. Bà mẹ mời nhiều bạn bè dự đám cưới và Dolma cũng tới. Nghiêm trang và lặng lẽ, nàng đi giữa đám khách mời, rút trong ngực ra một chiếc hộp sơn mài nhỏ, đặt lên bàn thờ táo quân. Ông trại chủ mà người mẹ và đứa em trai giúp việc nhà cũng tới dự đám cưới. Ông ta tò mò nhìn cái hộp đăm đăm. Ông ta thầm bảo rằng cái hộp hẳn phải đựng nhiều báu vật ở Long cung, và ông ta rình lúc tất cả khách mời đi qua phòng bên để nhảy tới bàn thờ, lấy cái hộp và mở nắp ra. Tay ông ta run rẩy vì xúc động. Hai con rồng con cuộn tròn trong hộp như hai con rắn. Thấy nắp hộp giở lên, chúng thò đầu ra. Ông trại chủ sợ quá nên đột ngột buông cái nắp, nhưng vụng về thế nào mà cái nắp đè nghiến lên cổ của hai hoàng tử rồng. Chúng chết ngay. Ông trại chủ kinh hoàng. Không chậm trễ một giây, ông ta để cái hộp lại chỗ cũ, rồi đi trà trộn với đám khách phòng kế bên.

Ngay sau đó Dolma trở lại lấy cái hộp đút vào áo, vì đó là giờ cho rồng con bú. Được một lúc nhưng không thấy có gì cựa quậy trong hộp, rồng con không thò đầu ra bú. Nàng mở hộp ra và thét lên một tiếng khủng khiếp. Hai đứa con của nàng đã chết trong hộp!

Mẹ ơi, em ơi, xin vĩnh biệt! nàng khóc. Con phải trở về với chồng con. Ba ngày nữa hãy tới hồ. Khi còn thấy nước trong, đó là con còn sống, nhưng nếu nước đục, đó là con quá đau khổ, và nếu nước có màu đỏ, có nghĩa là con không còn ở trên đời. Nói xong, Dolma biến thành một đám hơi nước và tan trong không khí.

Cuối ngày thứ ba, bà mẹ và đứa em đi tới hồ trên núi. Trước mắt họ, nước phẳng lặng và trong suốt. Họ nhìn nhau, sung sướng. Nhưng đột nhiên nước hồ trở đục và đen ngòm. Người mẹ khóc như xé ruột, đứa em cũng khóc cay đắng. Thế rồi nước đổi màu đo đỏ, đỏ tươi: nước có màu máu. Bà mẹ và đứa em đau đớn khóc như mưa. Họ vặn tay, kêu gọi Dolma, nhưng nước máu sủi bọt, văng tung tóe, có vẻ như than vãn thành từng cuộn xoáy vô tận. Bà mẹ và đứa em trở về nhà, lòng đau như cắt.

Dân làng không bao giờ có thể quên Dolma và hai đứa con bất hạnh của nàng. Họ thù ghét một cách chính đáng người trại chủ. Ông ta phải trốn tránh sự tức giận của các nông dân, đến nỗi không dám đòi cả địa tô. Trong việc này, ít ra tai họa của Dolma cũng có mặt tốt, đó là người nghèo bớt nghèo một chút, và lòng biết ơn của họ đối với Dolma càng lớn.

Nhưng nước hồ lại bắt đầu rút xuống từ từ. Nước mất đi chậm chạp nhưng chắc chắn cho tới khi hoàn toàn không còn một giọt nước. Hồ khô cạn. Nó nằm đó, câm lặng, im lìm, nhả một con mắt trời nhắm lại. Nhưng khi có hạn hán trong vùng, dân chúng dầu sao vẫn tới cầu khẩn bên bờ cái hồ khô cạn để có nước. Và không phải chờ lâu trước khi trời kéo đầy mây và những hạt mưa to lặng rơi xuống mặt đất khô khan, như những giọt nước mắt cay đắng của Dolma khóc con mình.

Bình luận