Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện cổ Tây Tạng

Con Ngựa Gỗ

Tác giả: Eva Bednarova

Ngày xưa có hai người thợ giỏi có tiếng sống một kinh thành, một người thợ rèn và một người thợ mộc. Một hôm, hai người tình cờ gặp nhau ở quán trọ Hồng Đào nên đã bắt chuyện với nhau. Hai người hàng xóm đã tới ngồi cùng bàn với họ, và một người đã đột ngột tuyên bố:

Tôn sư nghề sắt hiện diện ở đây là niềm kiêu hãnh của thành quốc. Không tìm đâu được người thứ hai, dầu có đốt đuốc giữa ban ngày.

– Thế tôn sư nghề mộc của chúng tôi thì nói sao đây? Người thứ hai hỏi. Các bạn, các bạn không tìm đâu ra chuyên gia giỏi hơn, dầu bạn đi khắp nước này.

Những người ngồi quanh đó đều có ý kiến, người nói là đúng, người nói là sai, không ai chịu ai, đến nỗi thượng cẳng tay hạ cẳng chân mà không hiểu tại sao. Chủ quán có vẻ không bằng lòng nên nói:

Cái gì vậy ? Chỉ có thế mà đánh lộn à? Dầu sao chúng ta cũng không đạt tới một nhận định có giá trị nào. Nếu vì mục đích thực dụng mà các vị muốn biết người nào giỏi hơn, tại sao chúng ta không tìm hiểu cao kiến của đức vua?

– Ông chủ quán nói đúng – các thực khách nói và quyết định đi hỏi ý kiến của đức vua ngay.

Tới trước đức vua, họ cung kính yêu cầu ông quyết định người thợ nào giỏi nghề nhất.

– Trong mười ngày nữa, cả hai người hãy trở lại đây – đức vua nói. Mỗi người đem tới món đồ mà mình đã làm tốt nhất, rồi lúc đó ta sẽ có ý kiến.

Mười ngày sau, hai người thợ tới hoàng cung. Trong sân danh dự có đông người đến nỗi một hạt phấn hoa anh túc được tung lên không cũng không thế nào rơi xuống đất được.

Đức vua mỉm cười ra hiệu cho người thợ rèn trước:

Nào, hãy cho chung ta xem ngươi đem món đồ đẹp đẽ gì tới!

Người thợ rèn thận trọng mở gói, mọi người áp sát lại, và bỗng người ta nghe tiếng reo của những người hiếu kỳ:

– Một con cá sắt!

Và tất cả đồng thanh reo: “Đúng là một con cá sắt !”. Mọi người thắc mắc nhìn đức vua để xem ông sẽ nói gì.

Một con cá xinh xắn,có thể nói là sống động – đức vua hơi bối rối. Nhưng nó có gì đặc biệt?

Đây không phải là một con cá như bất cứ con cá nào – người thợ rèn ưỡn ngực nói. Trong con cá này, người ta có thể chất mười ngàn bao lúa mà nó không chìm, và có thể cho nó chở như vậy và đi đâu tùy ý.

– Ta chưa bao giờ nghe nói rằng sắt nổi trên mặt nước được – đức vua ngạc nhiên và ra lệnh làm thí nghiệm. Người nhà đức vua chất mười ngàn bao lúa lên con cá sắt và thả nó xuống nước. Con cá bềnh bồng, trôi nổi một cách nhẹ nhàng linh động.

– Người thợ rèn đã thắng! Mọi người hào hứng reo hò và đức vua gật đầu tỏ dấu tán thành.

– Anh thợ rèn, anh đã làm việc xuất sắc. Anh sẽ được trọng thưởng, nhưng ta chỉ có thể quyết định chiến thắng sau khi xem người thợ mộc đã làm được gì.

Và đức vua ra hiệu cho người thợ mộc cho xem cái ông ta mang tới.

Người thợ mộc mở gói, lấy ra một con ngựa gỗ nhỏ xinh xắn, được tô điểm như một con ngựa sống. Ông ta đặt con ngựa dưới chân vua và cúi đầu cung kính.

– Người thợ mộc mang tới một món đồ chơi? Những người hiếu kỳ cười ồ, còn đức vua thì nhìn người thợ như dò hỏi.

– Thưa hoàng thượng, đây không phải là món đồ chơi – Người thợ mộc điềm tĩnh nói. Đây là một con ngựa biết bay.

Mọi người lặng yên kinh ngạc, còn đức vua thì nhảy xuống khỏi ngai, hỏi:

– Cái gì? Có thể được sao?

– Xin hoàng thượng xem hai mươi sáu chìa khóa bên hông nó – người thợ mộc giải thích. Nếu tôi vặn chìa khóa thứ nhất tới trước, con ngựa bay lên, và vặn về phía sau, nó đáp xuống. Các chìa khóa khác điều chỉnh tốc độ bay của con ngựa. Nếu người cỡi vặn chìa khỏa cuối cùng, chim cũng không bay theo kịp, gió cũng bị bỏ lại phía sau. Người cỡi sẽ bay khắp trái đất, thăm viếng mọi nước, có thể đi khắp nơi, không ai theo kịp.

– Anh thợ mộc, anh đã thắng – đức vua trịnh trọng tuyên bố. Nhưng ai sẽ thử con ngựa gỗ ?

– Thưa cha, con sẽ thử ? Thái tử chạy tới quỳ dưới chân đức vua. Xin cha cho phép con được bay thử con ngựa gỗ đầu tiên.

Đức vua mỉm cười độ lượng:

– Con chưa có kinh nghiệm, con không biết ,việc này nguy hiểm như thế nào đâu.

Nhưng cậu thiếu niên van nài khẩn thiết, rốt cuộc đức vua đành thở dài cho phép.

Thái tử cỡi ngựa, vặn chiếc chìa khóa thứ nhất và con ngựa bay lên trước sự bỡ ngỡ của mọi người. Đức vua hoảng sợ, kêu to:

– Đừng bay nhanh quá và phải trở về ngay!

Nhưng thái tử chỉ khoát tay và còn vặn thêm chìa khóa thứ hai, thứ ba.

– Con ơi, đừng bay quá cao như thế! Thái tử còn nghe vua cha kêu từ xa. Người ở dưới đất bây giờ chỉ còn là những chấm đen nhỏ xíu. Thái tử vẫn nóng lòng, vặn hết chìa khóa này tới chìa khóa khác, và con ngựa vẫn bay cao hơn và nhanh hơn.

Một làn gió mát phớt qua mặt thái tử. Phía dưới con ngựa kỳ lạ, những phong cảnh xa lạ nối tiếp nhau, và thình lình một dãy núi hiện hình chân trời và tiến lại rất nhanh. Đó là những dãy núi đánh đấu biên giới vương quốc của cha chàng. Thế là hoàng tử vặn chiếc chìa khóa cuối cùng, và con ngựa gỗ bay nhanh như tên bắn phía trên các đỉnh núi. Nối tiếp theo lại là những phong cảnh thay đổi, đồng ruộng, rừng núi, hoang mạc và đồng cỏ xanh tươi có suối chảy qua, làng mạc và thành thị.

Cuối cùng, hoàng tử cảm thấy đói. Chàng cũng mệt mỏi. Trời lần lần tối. Bóng dáng một thành phố rất lớn hiện ra ở đàng xa.

“Mình sẽ nghỉ ở đây”, thái tử vừa nghĩ thầm vừa vặn ngược các chìa khóa. Con ngựa từ từ hạ xuống. Hoàng tử lựa một chỗ vắng vẻ để đáp xuống; chàng giấu con ngựa nhỏ trong các nếp áo rồi theo những đường phố xa lạ vào thành. Chàng xin trọ ở một cái quán cách xa trung tâm.

Sáng hôm sau hoàng tử giấu con ngựa cẩn thận để tránh sự tò mò của chủ quán, rồi đi bộ vào thành phố. Chàng nhận thấy rất nhiều người vội vã đổ dồn về một hướng. Chàng nhập vào đám đông đó và đi theo dòng người, tới khi có mặt trước một cung điện nguy nga. Chỗ đó chật ních người, ai cũng nhìn lên trời.

Hoàng tử hỏi một người đàn ông người ta chờ đợi cái gì đó, và tại sao người ta có vẻ như rình rập bầu trời. Người được hỏi ngạc nhiên, nói:

– Thưa ông, hẳn là ông ở xa tới nên mới hỏi như vậy. Ở chỗ chúng tôi, ngay trẻ con cũng biết chuyện này. Vào giờ này, sáng nào chúng tôi cũng tới đây để xem đức vua từ trên trời trở về ra sao.

– Từ trên trời trở về? Hoàng tử hỏi lại.

– Từ Điện Mây – người kia giải thích. Vua tới đó thăm con gái.

– Sao, công chúa ở trên trời à? Hoàng tử càng lúc càng ngạc nhiên.

– Tôi sẽ giải thích cho ông rõ – người kia nói tiếp. Đức vua chúng tôi rất hãnh diện về con gái của mình, và người không muốn bất cứ kẻ nào cũng có thể nhìn tới nàng. Vì vậy vua đã xin thần thánh xây cho nàng một cung điện đặc biệt ở đâu đó trên mây.

– Và công chúa có thật đẹp đến thế không? Hoàng tử đã quan tâm nhiều.

– Thưa ông, ngôn ngữ không đủ nói nàng đẹp đến thế nào.

Đúng lúc ông ta nói thế, đám đông nhộn nhạo hẳn lên. Người đàn ông nắm chặt cánh tay hoàng tử nói:

– Nhìn kia, nhanh lên! Đức vua tới!

Hoàng tử thấy một chiếc xe bốn ngựa sáng choang từ trên trời đáp xuống. Một người đàn ông khoác áo choàng đính ngọc quý nhưng mặt mày cau có từ trên xe bước xuống, rồi đi nhanh tới cửa cung, giữa một hàng rào các thị thần.

Từ đó tới tối, hoàng tử không được một khoảnh khắc bình tâm. Ngay từ lúc hoàng hôn, chàng đã giấu con ngựa nhỏ dưới áo, ra khỏi thành phố và, khi không có ai trông thấy, chàng vặn chìa khóa và bay lên.

Bầu trời đã tối hoàn toàn từ lâu và hoàng tử vẫn lang thang trong mây, tìm cung điện của công chúa. “Thật vô ích, không bao giờ ta tìm ra cung điện đó”, chàng bảo thầm. Đúng lúc đó, một ngôi sao xanh nhạt lấp lành trước mặt chàng. Chàng càng đi tới, ngôi sao càng lớn lên nhanh, và từ bóng đêm hiện ra một cung điện trong mờ, như hoàn toàn được kết thành từ ánh trăng. Hoàng tử nhìn vào, qua các cửa sổ được chiếu sáng. Không có người nào trong các khách sảnh, trái lại, có nhiều kỳ trân dị bảo mà con người chưa bao giờ thấy. Các thần thánh đã tô điểm cung điện của công chúa bằng châu báu ở cõi trời. Với tia sáng mặt trời họ dệt rèm châu, họ tạo ánh đèn trong suốt bằng những luồng ánh sáng trắng phản chiếu trong các bình nước pha lê, và những tấm thảm bảy sắc cầu vồng khoe màu trên mặt đất. Trong các bình bạch ngọc, hoa xuân bất diệt ngát hương.

Nhưng hoàng tử không chú ý tới sự huy hoàng đó. Chàng chỉ ngắm nhìn gian phòng cuối cùng long lanh ánh bạc, màn trướng toàn mây, nơi công chúa nằm nghỉ. Từng lọn tóc của nàng rũ tự nhiên xuống tới đất, mắt nàng mơ màng nhìn đêm tối, và trên bàn tay mảnh dẻ tựa một gương mặt đẹp đến nỗi làm hoàng tử chao đảo. Chàng xuống ngựa, đi vào lâu đài. Công chúa sửng sốt rú một tiếng, nhưng hoàng tử đã quỳ trước mặt nàng và nói:

– Công nương cao quý diễm kiều, xin nàng đừng sợ, tôi không làm hại nàng đâu. Chỉ xin nàng cho phép chiêm ngưỡng dung nhan. Suốt đời tôi chưa từng thấy ai đẹp như nàng.

Công chúa trân trối nhìn hoàng tử. Ánh lửa trong mắt chàng trai trẻ xuyên thấu tim nàng, và gương mặt tái xanh bắt đầu ửng hồng.

– Làm sao chàng tới đây được? Mà thật ra, chàng là ai? Nếu chàng là người phàm trần, xin nói cho tôi nghe về trần gian, tôi nhớ trần gian lắm – nàng thì thầm.

Hoàng tử quỳ rất lâu bên giường người đẹp. Chàng nói về quê hương mình, về cuộc thách đố giữa hai người thợ thủ công, về việc chàng cỡi con ngựa nhỏ bằng gỗ biết bay. Chàng chưa kể hết chuyện thì đêm đã gần tàn. Các bức tường của cung điện nhuốm màu hồng của bình minh. Hoàng tử phải mau mau từ dã công chúa và cỡi ngựa gỗ trở về thành phố để không ai trông thấy.

Hôm đó, khi tới thăm con gái như thường lệ, đức vua không khỏi lo âu..

– Làm sao mà mặt mày con đỏ ửng vậy? ông hỏi giọng nghiêm khắc. Ông liền gỡ một viên ngọc trong suốt một màu tinh khiết trên tường đưa cho công chúa. Cô gái nắm chặt viên ngọc trong hai bàn tay nhỏ nhắn, và nước ngọc lập tức chuyển màu hồng. Đức vua nổi giận:

– Tim con ấm lên vì đã nhìn thấy một người trần tục. Hãy cho ta biết ai đã bạo gan đột nhập Cung Mây?

Công chúa cúi đầu im lặng.

– Con không cứu được nó đâu. Hành vi đó sẽ làm nó mất mạng – đức vua bực tức quay lưng bỏ đi ngay.

Chiều đó đức vua bí mật đưa tới Cung Mây bốn cận vệ, hạ lệnh cho họ bắt giữ kẻ đột nhập. Nhưng đường lên trời dài dằng dặc đã làm mấy người lính mệt mỏi, nên đức vua vừa đi khỏi thì họ cũng nằm xuống ngủ thoải mái. Không người nào thấy hoàng tử tới lúc nửa đêm và ra đi trên lưng con ngựa gỗ lúc rạng đông.

– Thưa hoàng thượng, chúng tôi không thấy ai cả – các cận vệ quả quyết khi đức vua tới Cung Mây hôm sau.

– Để rồi xem – đức vua nói. Ông lại gỡ viên ngọc trong suốt một màu tinh khiết trên tường đưa cho công chúa. Công chúa lẳng lặng, trịnh trọng siết chặt viên ngọc trong hai bàn tay bé nhỏ. Nước ngọc lập tức chuyển màu hồng.

Đức vua nhìn con gái với vẻ đe dọa.

– Đứa con bất xứng, rõ ràng tâm tình con như thế đó. Con không còn làm ta hài lòng nữa. Kẻ bạo gan làm tấm lòng trong sạch như băng tuyết của con thay đổi, nó phải chết! Còn các ngươi, hãy đi theo ta! ông quát bảo mấy viên cận vệ đang cứng người vì sợ hãi. Các ngươi sẽ bị trừng phạt đích đáng!

Đức vua giận dữ suốt ngày, và cả hoàng cung dưới đất rung chuyển vì khiếp sợ. Tối đó, mưu thần giỏi nhất của đức vua ra mắt ông và nói:

– Hoàng thượng hãy cho sơn tất cả phòng ốc một lớp sơn mới. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra kẻ đột nhập khi nó trở xuống đất.

– Hoàng tử không nghi ngờ gì cả. Nhưng khi từ Cung Mây trở về, chàng thấy chiếc áo choàng lấm lem sơn mới. “Đức vua không thể bắt được mình bằng mưu mẹo lộ liễu như vầy đâu”, chàng bảo thầm. Và chàng vất bỏ chiếc áo choàng, chỉ ăn vận giản dị như bất cứ thanh niên nào ở xứ mình. Rồi chàng nhanh chóng trở về thành phố bằng con ngựa gỗ.

Chiếc áo choàng sang trọng rơi trên một đống rác, và một ông lão ăn mày bới rác đã nhặt được. Ông vận áo vào mình ngay và vội chạy tới chùa cảm tạ thần thánh đã cho mình một món quà đẹp như vậy. Nhưng các do thám đã thấy và tóm ông, đem tới trình đức vua.

– Lão già ghê tởm không ra gì này lại táo tợn xâm nhập Cung Mây à? Đem treo cổ nó ngay! Đức vua quát to, tức giận không kể xiết.

Ông già không hiểu gì cả. “Hẳn là đức vua tưởng rằng mình đã ăn cắp chiếc áo tuyệt đẹp này, thế nhưng nó đã từ trên trời rơi xuống mà!”, ông bảo thầm. Ông cố giải thích rằng ông có được tang vật đó bằng cách nào, nhưng không ai nghe ông. Các đao phủ tóm ông, lôi ông ra pháp trường.

Hoàng tử tình cờ đi qua đó, con ngựa nhỏ giấu kín trong áo. “Nhưng đây chính là áo của mình”. Chàng bảo thầm khi thấy ông già. Thế là chàng hiểu rằng người ta sắp trị tội ông già thay chỗ cho chàng.

– Tài sao người đỏ bị kết tội? Chàng hỏi một người xem.

– Đó là tên tội phạm đã bạo gan nhìn công chúa cao quý của chúng ta. Người ta vừa bắt được hắn – người kia giải thích.

– Ơ, đao phủ ? Thả người bất hạnh đó ra đi! Chính tôi đã tới chỗ công chúa! Cái áo ông ta mặc do tôi vừa vất bỏ! Hoàng tử vừa kêu vừa nhảy lên giảo hình đài.

Lời thú tội này làm mọi người náo động.

– Ta sẽ đi thỉnh mạng hoàng thượng – viên võ quan vội trở lại hoàng cung.

– Thưa hoàng thượng, chúng tôi vừa bắt được thủ phạm chân thực, ông già không dính líu gì tới vụ này. Chúng tôi phải làm gì?

– Treo cổ thủ phạm và thả ông già ra, chớ còn làm gì nữa, đồ ngu! Đức vua gần như rống lên.

Khi viên võ quan đem lệnh vua trở lại, hoàng tử bảo nhỏ ông già:

– Xin ông đừng giận tôi. Chiếc áo mà ông nhặt được, chính tôi đã vất bỏ. Nó được đính nhiều ngọc quý. Ông hãy bán nó và giữ lấy tiền. Nó vào tay ông là đúng chỗ.

Rồi chàng quay lại đao phủ, nói lớn:

– Còn ông, đao phủ, nhờ ông chuyển lòng kính trọng của tôi tới hoàng thượng!

Nói dứt lời chàng nhảy lên con ngựa gỗ nhỏ, và trước khi mọi người kêu được một tiếng “ủa !”, chàng đã mất dạng trên không.

Tối đó ở Cung Mây, hoàng tử không mỉm cười được, và những hạt lệ to như hạt đậu rơi xuống từ mắt công chúa.

Mỗi tia thìn của nàng là một sợi dây buộc chặt tim tôi vào tim nàng – hoàng tử thì thầm. Nàng có bằng lòng đi với tôi không?

– Cha tôi coi trọng lòng kiêu hãnh hơn chính con mình – công chúa buồn bã nói. Tôi sẽ theo chàng tới xứ sở của chàng.

Hoàng tử đỡ công chúa lên ngồi trước ngựa và hai người bay vào bầu trời.

Bay đi được một lúc bỗng công chúa kêu lên:

– Dừng lại, xin chàng dừng lại!

Họ đáp xuống đất giữa vùng hoang vắng, và công chúa giải thích:

– Tôi đã bỏ quên những món nữ trang của người mẹ đáng thương để lại cho tôi. Mẹ tôi đã bày tỏ nguyện vọng là tôi phải đeo những món nữ trang đó trong ngày hôn lễ. Tôi phải trở lại để lấy.

Hoàng tử cố thuyết phục nàng nên từ bỏ ý định đó nhưng không được. Cuối cùng, chàng thở dài, cho nàng mượn con ngựa gỗ, nhấn mạnh rằng nàng không nên ở lại Cung Mây quá lâu. Rồi chàng ngồi chờ trên một tảng đá.

Về tới Cung Mây, công chúa để con ngựa nằm dưới đất rồi vội vã vào phòng riêng. Nàng vừa vén màn thì gặp ngay cha mình đang tức giận điên người. Không nói không rằng, ông nắm tay nàng tống ngay vào căn phòng đầu tiên và khóa cửa lại. Khi ra khỏi cung điện, ông thấy con ngựa gỗ. “Một món đồ chơi. Ta thật không chịu nổi những thứ ngốc nghếch như vậy !”, ông nghĩ thầm và vất con ngựa vào đống đồ tạp nhạp.

Trở về cung điện ở dưới đất, đức vua gọi ngay mưu thần tới và thảo luận rất lâu cách trừng phạt đứa con ngỗ nghịch dám bỏ trốn làm hoen ố thanh danh của ông.

– Thưa hoàng thượng, tốt nhất là gả công chúa cho hoàng tử nước làng giềng, người bấy lâu nay vẫn mong ước kết duyên với công chúa – vị mưu thần khôn ngoan nhất đề nghị. Khi không thấy mặt công chúa nữa, hoàng thượng sẽ nguôi giận.

– Ta sẽ làm theo lời khanh: đức vua tuyên bố ngay và phái sứ giả tới nước làng giềng tức khắc.

Trong lúc đó, thái tử của chúng ta ở hoang mạc chờ đợi công chúa một cách vô vọng. Khi mặt trời bắt đầu nghiêng về hướng tây, chàng biết nàng đã gặp chuyện bất trắc. Chàng tuyệt vọng. Nhìn đâu cũng chỉ thấy những cồn cát. “Không có con ngựa gỗ, mình không có đường về – chàng nghĩ thầm. Nắng nóng sẽ làm mình kiệt súc. Nhưng chừng nào nắng chưa nung khô đốt xương cuối cùng của ta và chưa biến ta thành tro bụi, ta còn đi tìm nàng!”.

Thế là chàng lê bước trở lại xứ sở của công chúa. Nhưng kinh thành rất xa, và hoàng tử chỉ vừa đủ sức đứng vững. Tập trung hết sức lực, chàng bò lên cồn cát cao nhất, và lúc đó chàng vui mừng hét to. Cát đột nhiên biến mất dưới chân chàng, và chàng thấy mình đứng trong một khu vườn xanh tươi, bên một dòng thác trong vắt, và trên đầu chàng xào xạc lá cây, lủng lẳng những trái ngon lành chưa từng thấy, ngay cả trên bàn ăn của vua cha.

Hoàng tử nằm soài bên bờ thác, uống lấy uống để. Rồi chàng hái một trái đào ngon lành, ăn hết rồi nằm ngủ trên có. Khi thức dậy, chàng lại nghiêng mình xuống nước để uống thêm, và chàng thấy mình đã mọc râu dài thậm thượt. Chàng kinh hãi, nghĩ thầm: “Ta phải cẩn thận với những trái đào đó. Chuyện xảy ra cho ta không phải là không có lý do. Ta sẽ chon những thứ trái khác thì hơn”. Thế là chàng hái một trái lê to, ăn hết và, cũng như lần trước, thấy buồn ngủ không cưỡng nổi. Vì vậy chàng lại nằm lên cỏ ngủ. Lúc thức dậy, chàng hoảng sợ khi nhận thấy bây giờ râu đã dài tới thắt lưng và đầu nặng nề như đội một giỏ đá. Chàng soi mặt trong nước và kinh hoàng thấy trán mọc hai sừng to. “Không bao giờ ta có thể gặp công chúa trong tình trạng nầy” – chàng than thầm. Trong cơn tuyệt vọng, chàng khóc và buông mình xuống đất, mong chết đi cho rảnh. Chàng khóc rất lâu, rồi ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ, chàng mơ thấy một ông già tóc bạc như bông. Ông ân cần hỏi:

Vì sao con sầu não? Trên đời này không có gì là không sửa chữa được. Ăn một trái đào khô thì râu con sẽ rụng, và ăn một trái lê khô, sừng cũng sẽ rụng. Nhưng con phải nhanh lên, vì con đang ở trong khu vườn của quỷ. Bây giờ chúng ngủ, nhưng nếu chúng thức dậy và bắt gặp con ở đây, chúng sẽ băm vằm con ra trăm mảnh.

Ông già biến mất và hoàng tử thức dậy. Chàng ăn ngay một trái đào khô và râu chàng biến mất; chàng ăn một trái lê khô và hai cái sừng không còn dấu vết. Chàng suy nghĩ một lúc rồi cắt sậy, đan một cái giỏ. Chàng lượm vài trái đào và lê khô trên mặt đất, và để những trái tươi tốt phía trên. . . .

Đêm đã xuống và trời đầy sao. Nhớ lại lời cảnh cáo của ông già, chàng vội rời khỏi khu vườn, tay ôm giỏ. Chàng chạy hụt hơi cho tới khi bỏ xa khu vườn. Chàng lại thấy sa mạc chạy dài tới chân trời. Chàng nghĩ một lúc rồi lại đi. Chàng đi như vậy bảy ngày bảy đêm rồi gặp một con đường lớn đi từ đông sang tây.

Chàng gặp một người hành hương cỡi một con lừa. Ông ta hỏi:

– Cậu đi đâu vậy?

– Tôi đi tới xứ mà đức vua nhốt con gái trong Cung Mây. Xin cho biết, còn xa không?

– Cậu còn phải đi mòn đế giày một chút – người hành hương nói giọng thương hại. Tôi cỡi lừa, và sẽ không tới đó trước hai ngày.

Người hành hương cỡi lừa đã mất dạng ở cuối đường từ lâu khi hoàng tử nghe tiếng vó ngựa ở sau lưng. Chàng nhìn lại và thấy một đoàn người với một chiếc kiệu từ xa, vài kỵ binh đi trước. Hoàng tử ngồi xuống vệ đường, để giỏ trái cây dưới chân và chờ đoàn người đi tới.

Các kỵ binh đầu tiên đi ngang chỗ chàng. Một người reo lên: 

– Trái cây ngon quá! Này anh bạn, bán cho chúng tôi giỏ trái cây đi! Đã hai ngày nay hoàng tử của chúng tôi chưa được ăn trái tươi!

– Trái này không bán, tôi giữ để ăn – hoàng tử nói.

– Chúng tôi sẽ trả bằng vàng – một kỵ binh nói. Nhưng anh phải quyết định nhanh, chúng tôi không để mất thì giờ. Chúng tôi đang vội. Hoàng tử không muốn bắt công chúa chờ đợi.

Công chúa nào vậy? Hoàng tử tìm hiểu mà lòng đã lo sợ.

– Công chúa ở Cung Mây – viên kỵ binh giải thích. Chúng tôi đưa hoàng tử tới làm rể.

Hoàng tử vừa nhìn giỏ trái cây vừa lặng yên suy nghĩ một lúc. Đó là những trái tốt tươi như vừa mới hái, nhưng là sản phẩm từ cây của quỷ.

– Tôi sẽ cho hoàng tử vài trái – chàng nói giọng bông lơn. Thế là chàng đưa cho viên kỵ binh hai trái đào và hai trái lê. Viên kỵ binh ném cho chàng một đồng tiền vàng và quay lại đón chiếc kiệu mạ vàng có thái tử ngồi trong đó. Thái tử vui mừng thấy những trái cây tươi tốt nên háu hức ăn ngay. Vì chiếc kiệu lắc lư êm ái, cậu ta cảm thấy buồn ngủ và đã ngủ say. Một lúc sau, khi một người hầu đi gần kiệu nhìn và, anh ta thét lên kinh hãi. Thay vì hoàng tử trẻ đẹp của mình, anh ta thấy một con quái vật râu ria tua tủa với những chiếc sừng to trên trán.

– Hoàng tử bất hạnh của chúng ta đã gặp chuyện gì? các thị thần, thân hào và công khanh than vãn.

– Bắt tên bán trái cây tới đây nhanh lên! viên chỉ huy kỵ binh ra lệnh. Người ta dẫn thái tử của chúng ta tới ngay.

Anh bán thứ trái gì cho hoàng tử chúng ta vậy? viên kỵ bính hỏi giọng giận dữ. Anh hãy nhìn xem đã xảy ra chuyện gì!

Thưa quý vị, các trái cây đó không có hại, nhưng người ta không thể ngủ sau khi ăn – hoàng tử nói. Ở đây đứa trẻ nào cũng biết chuyện đó. Xin hỏi, hoàng tử của quý vị đã không ngủ chớ?

Hoàng tử đã ngủ, rủi thay, hoàng tử đã ngủ! Các quan hầu đồng thanh đáp.

– Lý do là thế – Hoàng tử nói.

– Xứ sở gì ghê gớm quá – Tể tướng rùng mình lẩm bấm. Ai biết được còn chuyện gì chờ đợi chúng ta. Liệu quay về thì có khôn ngoan hơn không? Nhưng chắc thái tử không muốn nghe nói tới chuyện quay về.

Các quan thượng thư bèn họp lại bàn luận, và họ nảy ra một ý kiến.

Anh đã bán các trái đó cho thái tử của chúng ta – họ nói với hoàng tử – vì vậy bây giờ anh phải giúp thái tử. Chúng ta sẽ cho anh mặc áo của thải tử và anh sẽ đóng vai chàng rể. Khi chúng ta rời khỏi kinh thành, anh sẽ trả công chúa lại cho thái tử chúng ta và anh muốn đi đâu thì đi.

Hoàng tử có vẻ phân vân. Sau một lúc suy nghĩ, chàng chấp thuận:

– Đồng ý, nhưng quý vị phải cho tôi bảy đồng vàng.

Họ chấp thuận mà thấy nhẹ cả người. Và thế là hoàng tử của chúng ta vào thành phố quê hương của công chúa với tư cách vị hôn phu từ nước láng giềng.

Không ai nhận ra chàng trong trang phục mới, và đức vua cũng không hơn gì người khác. Đức vua tiếp chàng với đầy đủ lễ nghi xứng đáng với địa vị của chàng và yêu cầu làm lễ thành hôn ngay. Để cho vị hôn phu không nghe lời bàn tán liên quan tới kẻ lạ mặt ban đêm tới viếng công chúa ở Cung Mây, trưởng quan nghi lễ sắp đặt cho các vị bô lão ngồi quanh một bàn lớn trong sân danh dự, và vị hôn phu được đưa vào một phòng lớn trang hoàng lộng lẫy, chung với các thanh niên.

Công chúa nước mắt đầm đìa, bị bắt buộc mặc áo cưới. Nàng vâng lời, nhưng giấu mặt dưới một tấm khăn dày, để khỏi phải thoáng nhìn thấy vị hoàng tử xa lạ. Người ta dẫn nàng tới chiếc bàn trang hoàng sang trọng, nhưng nàng ngồi im không nói một lời, không ăn không uống, nước mắt chậm rãi rơi trên chiếc áo cưới.

Hoàng tử muốn nói với nàng vài lời, nhưng không lúc nào được một mình với nàng. Trọn hai ngày trôi qua như vậy. Rồi tới ngày thứ ba, ngày lễ cuối cùng, mà hoàng tử cũng chưa nói chuyện được với công chúa. Thế là chàng quyết định dùng mưu.

Khi công chúa tới chỗ ngồi, chàng nghiêng mình mời nàng một món bánh mứt, nhưng khi làm việc đó chàng cố ý làm ngã một giỏ hoa, làm hoa văng tung tóe. Những tiếng cười vang, và người ta cúi xuống nhặt hoa, trái. Lợi dụng lúc nhộn nhịp ngắn ngủi đó, hoàng tử thì thầm rất nhanh:

Công chúa đừng khóc nữa. Tôi là hoàng tử ở Cung Mây. Tôi sẽ giải thích sau. Tôi sẽ mời nàng khiêu vũ, và tôi sẽ cho biết chúng ta sẽ ra khỏi đây bằng cách nào.

Từ lúc đó công chúa thay đổi hẳn. Khi đức vua sai quan thị thần tới xem công chúa cư xử ra sao với vị hôn phu, ông vui vẻ trở lại báo tin:

– Thưa hoàng thượng, công chúa cười vui và khiêu vũ với chàng rể!

Trong khi khiêu vũ, hoàng tử thì thầm chỉ dẫn công chúa. Khi rời khỏi hoàng cung, nàng phải xin vua cha cho phép nàng mang theo con ngựa gỗ nhỏ làm kỷ niệm tuổi thơ, và một mâm tiền vàng để tung cho dân chúng khi họ ra khỏi cửa thành.

Công chúa làm theo lời người chồng trẻ yêu cầu. Đành là đức vua có cau mày trước tính thất thường kỳ lạ của con gái, nhưng cuối cùng ông cũng chấp thuận, và đám rước dâu rời kinh thành. Khi họ đi qua cửa thành, công chúa tung cả mâm tiền vàng vào đám người hiếu kỳ, và ai cũng đổ xô ra nhặt. Lợi dụng sự lộn xộn đó, hoàng tử để người yêu ngồi trên con ngựa gỗ phía trước mình, và trước khi mọi người hiểu được chuyện gì, họ đã mất dạng trong mây.

Họ bay hết sức nhanh về quê hương hoàng tử, và trước khi mặt trời lặn, con ngựa gỗ đã đáp xuống sân danh dự trong hoàng cung.

Cả triều đình xúc động.

Con ơi, ta đã sợ rằng con không bao giờ về nữa – đức vua ôm hai con, vừa khóc vừa nói. Ta đã sửa soạn trừng phạt người thợ mộc vì ta giận y đã làm cho con mất tích.

Thưa cha, người thợ mộc đã nói đúng – hoàng tử nói. Con đã gặp nhiều khó khăn, con đã vượt qua tất cả, và sau hết con đã được nàng công chúa đẹp nhất trần gian.

Thế là người ta tổ chức một lễ cưới huy hoàng lần thứ hai. Công chúa cũng khóc, nhưng lần này vì vui mừng. Và người ta mời người thợ mộc ngồi bàn danh dự với con ngựa gỗ trên một cái khay trang trí.

Tất cả mọi người đều sung sướng đến nỗi khó nói là tới mức nào.

 

Bình luận