Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Truyện cổ Tây Tạng

Cherab Khôn Ngoan

Tác giả: Eva Bednarova

Ngày xưa, ở một xử nọ có một người tên Cherab. Đó là một cậu trai có tài xoay xở: chuyện gì cậu ta mó tay vào cũng thành công tốt đẹp, và cậu ta biết cách thoát khỏi mọi tình huống khó khăn.

Một hôm, đức vua đi qua quê hương của cậu, và ông thấy nhiều người chen chúc trước một căn nhà nhỏ.

– Tới xem họ làm gì ở đó – ông ra lệnh cho một thị thần. Một lúc sau người nầy trở về nói:

Người ta nói rằng đó là người khôn ngoan nhất nước. Anh ta ở trong căn nhà đó và tên là Cherab. Và những người kia đang chờ được gặp anh ta để được chỉ bảo về một chuyện nào đó.

Cái gì? Người khôn ngoan nhất à ? Đức vua bảo thầm, hết sức bực bội. Nhưng người khôn ngoan nhất, chính là ta!

Ngay khi về tới hoàng cung, vua gọi tể tướng tới bảo:

Theo ý khanh, ai là người khôn ngoan nhất nước?

– Hiển nhiên là hoàng thượng? Tể tướng cúi đầu cung kính. Ai cũng biết rõ rằng lúc nào người trị vì cũng là người khôn ngoan nhất.

– Chuyện đó khanh biết, nhưng không phải ai cũng biết – đức vua bỉu môi. Ở làng có một gã Cherab nào đó, một tên trẻ tuổi mà ai cũng nói là tuyệt diệu. Ta muốn so tài với y, để cho dân chúng biết dứt khoát một lần rằng trong hoàn cảnh nào ta cũng đúng. Gọi tên đó tới cho ta ngay!

Vì vậy Cherab tới hoàng cung. Anh chào đức vua rất lễ phép.

Vua bảo:

Ngươi nghe đây? Ta đã nghe nói về ngươi. Ta rất muốn biết ngươi có thể làm gì. Ta cho ngươi vinh hạnh được so tài với ta!

Cherab ngạc nhiên, chỉ biết cúi đầu, yên lặng. Đức vua nói tiếp.

– Hãy nhìn viên ngọc quý này – và đức vua chỉ viên ngọc bích mà ông cài trên ngực. Ngươi không tìm được viên ngọc nào bằng nó bất cứ nước nào. Nếu ngươi lấy được nó từ người ta, ta sẽ tặng nó cho ngươi. Nhưng ta sẽ để ý để ngươi không làm được thế. Người ta sẽ thấy rõ, trong hai chúng ta, ai là người khéo léo hơn.

Cherab suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

Xin tuân lệnh, nhưng tôi không biết khi nào tôi sẽ thử sức. Có thể là ngày mai, nhưng cũng có thể trễ hơn. Có thể là ban ngày, có thể là ban đêm.

Cứ thử sức lúc nào ngươi muốn – Đức vua kết thúc với một tiếng cười khinh thị.

Cherab cười thầm, cúi chào rất sâu và rút lui.

Đức vua hạ lệnh ngay:

– Lính đánh trống! Ông gọi lớn.

– Lính đánh trống ư? Tể tướng ngạc nhiên.

– Dĩ nhiên là lính đánh trống! Một thượng thư nói ngay. Hoàng thượng đã nói rõ ràng mà. Xem nào, lính đánh trống đâu?

Đức vua hạ cố mỉm cười và giải thích với các thượng thư:

– Các khanh không nên nghi ngờ lý do ta muốn có lính đánh trống, vì sự sáng suốt đế vương là ở chỗ đó. Lính đánh trống sẽ đứng trước phòng ta với nhạc cụ của mình, cầm sẵn dùi trống trên tay. Nếu lúc nào thấy Cherab xuất hiện, lập tức đánh trống và tất cả chúng ta đều biết. Đó là ý hay, các khanh không thấy sao ?

– Một ý kiến đế vương thật sự! Các mưu sĩ của vua lầm bầm một cách cung kính. Vua còn giải thích thêm.

– Trong nhà bếp, một cận vệ sẽ canh chừng lửa; một người nữa lo cung cấp dồi dào củi thông. Nếu có gì nhúc nhích, họ sẽ lập tức đốt lửa cháy to lên, và lửa cháy sáng để người ta thấy rõ cả một con ruồi. Các khanh hiểu rằng, trong những điều kiện như vậy, kẻ trộm không thể trốn ở đâu được chớ ?

– Hiển nhiên – Các mưu sĩ có ý kiến.                   

– Bốn kỵ binh sẽ túc trực ở cửa hoàng cung, mỗi người có một con ngựa đóng sẵn yên cương cột ở một cây cọc. Nếu Cherab vẫn lấy được viên ngọc mặc dầu chúng ta đã phòng bị kỹ lưỡng như vậy, y cũng không chạy thoát khi kỵ binh truy nã! Đức vua kết luận với giọng đắc thắng.

Chắc chắn y không thoát được ! Các mưu sĩ cười nói xun xoe.

Lệnh vua được thi hành tức khắc. Sau đó cả hoàng cung phập phồng chờ xem Cherab sẽ xuất hiện ở chỗ nào, vào lúc nào. Nhưng không có gì xảy ra cả. Tối đó, khi đức vua lên giường để ngủ, ông lo âu nhìn viên ngọc bích, tháo nó ra khỏi món trang sức và bỏ vào miệng. Thế là ông thấy an tâm, nằm xuống ngủ. Nhưng suốt đêm không có chuyện gì cả.

Hôm sau vẫn là một ngày êm ả. Ngày qua, đêm đi, vẫn không thấy Cherab. Các công bộc bắt đầu lơ là, và sau hai đêm không ngủ, ai cũng buồn ngủ muốn chết. Ngày thứ ba trôi qua như hai ngày trước, rồi đêm đến. Trước cửa cung, bốn kỵ binh lạnh co rút người lại, thỉnh thoảng ngủ gà ngủ gật, hoặc chán nản nhìn trời vớ vẩn.

– Thức canh như vầy hoài, khổ quá! Một bà già đi ngang qua đó, nói giọng thương hại. Bà mang một túi rượu trên lưng.

– Chúng tôi vui sướng phục vụ đức vua! Người lính thứ nhất vừa thổi vào hai tay cho đỡ lạnh vừa tuyên bố một cách mỉa mai.

– Vâng, đúng vậy đó! Người thứ hai nói thêm vừa ngáp sái quai hàm.

– Đồng ý, đồng ý, nhưng lạnh như thế này! Bà già than. Phải chi các cậu có thể uống một chút rượu!

– Cứ nói thế! Phải chi chúng tôi có rượu! Các anh lính càu nhàu. Nhưng trong túi bà có cái gì thế, không phải rượu chớ?

– Dĩ nhiên đó là rượu, các anh bạn trẻ, nếu không phải vậy thì tôi đã không làm các cậu thèm rỏ giãi – bà già cười nói. Đối với tôi bán cho ai cũng thế thôi.

Bà đặt cái túi da xuống, và các anh lính bắt đầu uống. Họ uống ngon lành, ấm người lên, nhưng một lúc sau gục xuống ngủ hết. Bà già cầm cương bốn con ngựa, đem buộc một chỗ xa hơn. Rồi bà đi tìm bốn con trâu ở trong chuồng, đem tới chỗ bốn con ngựa lúc nãy. Kế đó bà đi qua cửa và tiến thẳng tới nhà bếp. Một thị nữ ngủ gà ngủ gật bên bếp lửa và một công bộc khác ngủ gần đống củi khô.

Bà già nhón gót tới bên người nữ tì và nhét một nùi rơm vào búi tóc của chị. Rồi bà dừng lại bên anh công bộc và thận trọng trút vào tay áo anh một nắm sạn. Bà cố nén tiếng cười trong khi rón rén đi lên gác và suýt đạp nhằm anh lính đánh trống. “Xem nào, chúa thương tinh ranh thật – bà bảo thầm. Nhưng không phải cứ làm vậy mà tóm nổi ta đâu. Anh lính đánh trống ngủ li bì bên cái trống. Vấn đề là phải lừa anh ta”.

Thế rồi bà già lạ lùng nhẹ nhàng rứt chiếc dùi trống khỏi tay anh lính, thế vào đó một con dao. Rồi bà vào phòng ngủ của đức vua. Vua đang ngáy trên giường. Cái bóng mặc quần áo đàn bà chăm chú quan sát vua đang ngủ, rồi bà ta trút bỏ cái lốt phụ nữ, và Cherab hiện hình.

– Tâu hoàng thượng, người thấy rõ, tôi đây mà – anh nói.

Nhưng ngài giấu viên ngọc ở đâu?

Cherab có một thoáng lo ngại khi không thấy viên ngọc trên ngực đức vua. “Vậy ông ta giấu đâu ?”. Cherab nhìn khắp nơi, nhưng vô ích. Không có gì cả, không chỗ nào có gì cả. Anh lại nhìn kỹ đức vua. Sộp… srộp… phì… phò… đức vua ngáy vô tư lự. Tuy nhiên Cherab nhận thấy một má của ngài hình như to hơn má kia. Phì… phò… những âm thanh buồn cười thoát ra từ cái miệng đế vương. “Đây rồi, ta đã tìm ra”. Cherab tự bảo. Nhưng làm sao lấy viện ngọc ra?”. Tuy nhiên, anh không có thì giờ suy nghĩ nhiều. Đúng lúc đó đức vua gây ra một tiếng động kỳ cục hơn nhiều, và trong một loạt tiếng hắt hơi, ông khạc viên ngọc ra. Ông thở một hơi dài nhẹ nhõm, trở mình qua bên kia, và lại chìm vào giấc ngủ say sưa, yên ổn.

Cherab lấy một cây kéo trong túi ra, cắt nhẹ nhàng một mấu râu. Rồi anh tròng lên đầu của người đang ngủ một cái mũ làm bằng bong bóng trâu phơi khô, lượm nhanh viên ngọc và chạy ra khỏi phòng. Đi ngang qua người lính đánh trống, anh vừa đập mạnh mặt trống vừa kêu to: “Cherab đây rồi ! Cherab đây rồi!” và chạy vắt giò lên cổ.

Trong nhà bếp, người nữ tì bên bếp lửa giật mình tỉnh giấc. “Cherab ! Cherab ! Cấp cứu !”, chị vừa la vừa bỏ rơm vào lò cho lửa cháy lại. Nhưng khi chị cúi xuống, nùi rơm trên đầu chị bật lửa và chị nữ tì tội nghiệp vừa kêu những tiếng xé lòng vừa chạy tới hồ nước để dập tắt đám cháy. Người giữ phận sự bên đống củi khô nhảy nhỏm khi nghe những tiếng kêu la và định ném củi vào lửa trong khi vẫn còn ngái ngủ. Nhưng những hạt sạn trong tay áo anh rơi và lò, làm than văng tứ tán và lửa tắt.

Tiếng ồn ào làm đức vua giật mình tỉnh giấc. “Cherab!” ông lầm bầm khi vẫn còn ngái ngủ. Ông mở mát nhưng không thấy gì hết. Ông đưa tay vuốt mặt và cảm nhận cái bao bằng bong bóng trâu. Ông kinh hoàng, tự hỏi: “Cái gì mọc trên đầu ta vậy ?”.

Trong con xúc động cùng cực, ông nghe tiếng la hét, tiếng người chạy. Bỗng một tia chớp lóe lên trong đầu ông : “Cherab!” ông kêu to nhưng cái mũ trùm đầu bóp nghẹt tiếng kêu.

Cửa phòng ông thình lình mở ra và các mưu sĩ hớt hãi tràn vào. Họ thấy đức vua nhảy dựng với một cái mũ kỳ cục chụp trên đầu, và họ nghe một giọng ngạt mũi khìn khịt lặp đi lặp lại : “Cherab! Cherab!”. Các mưu sĩ trao đổi một cái nhìn hiểu biết.

Chuyện gì vậy? Mưu sĩ thứ hai hỏi nhỏ mưu sĩ thứ nhất, vừa liếc xéo cái mũ kỳ cục.

– Thêm một ý tưởng thần tình mới mẻ của hoàng thượng! Mưu sĩ thứ nhất tuyên bố một cách tự tin.

Trong lúc đó đức vua đã tháo được cái mũ ra.

Kẻ cắp! Mau bắt nó! Cherab đã tới! Ông hét to đến nỗi tường thành cũng phải rung rinh.

Mọi người đồng loạt phóng ra ngoài. Nhưng Cherab đâu rồi? Anh ta đã đi xa! Trước khi sự náo động đánh thức bốn người lính, anh đã ra khỏi cửa, nhảy lên một con ngựa và dắt dây cương mấy con kia. Anh phi nhanh trong đêm tối, đi khỏi nơi đó.

Khi được sự ồn ào đó đánh thức, bốn anh lính vẫn còn lảo đảo tự hỏi họ làm gì ở đó, nhưng khi lần hồi tỉnh trí, họ chợt hiểu: lên ngựa cho nhanh ! Nhưng những con vật mà họ nhảy lên lưng không phải là ngựa! Họ uổng công chửi rủa mấy con vật, kích thích chúng, thúc giày đánh: chẳng làm gì được cả. Cuối cùng, con vật đầu tiên đi tới một bước. “Nó tiến lên rồi” anh kỵ binh hô to đắc thắng. Ba con trâu kia làm theo cử động đó và, cứ đủng đa đủng đỉnh, bốn con “ngựa” kỳ quặc đi về chuồng với vẻ quả quyết đến nỗi người ta thấy rõ rằng không gì có thể thuyết phục chúng bỏ chuồng đi ra đường lớn. “Không làm gì được”, mấy anh lính nói với nhau và trở lại hoàng cung.

Hôm sau, Cherab yết kiến đức vua. Anh có tình cho người ta thấy túm râu và viên ngọc trên tay. Anh vừa trình viên ngọc cho đức vua vừa nói :

– Thế thì tôi đã thành công, đúng hay sai? Tôi mạn phép trình hoàng thượng một túm râu của người làm bằng chứng là tôi đã đích thân tới tận giường ngủ của người. Và tôi mang nạp người viên ngọc, xin người vui lòng ban thưởng như đã hứa.

Đức vua nghiến răng, giận như điên. Ông lấy viên ngọc, ném mạnh xuống đất:

– Ngọc ngà dơ bẩn! Ta không muốn thấy nó nữa! Ta sẽ giẫm lên nó! Còn ngươi, thằng khốn, khôn hồn thì cút đi! Sự hỗn xược của ngươi đã xúc phạm ta nhiều lắm!

Cherab không dám đòi hỏi gì hơn nữa. Anh vội vàng ra khỏi hoàng cung và về nhà.

Trong lúc đó đức vua ra lệnh đập nát viên ngọc vì ông bực mình đã làm mất nó. Nhưng khi viên ngọc đã bị hủy hoại, ông còn giận hơn vì đã mất nó. Thời gian cứ trôi, đức vua chỉ nghĩ tới sự xấu hổ của mình và sự mất mát một vật quý như thế. Ông tự giày vò đến nỗi bị suy nhược thần kinh và cuối cùng đã chết vì bực tức và phiền muộn.

Vì ông thường nhắc đi nhắc lại rằng người cai trị lúc nào cũng đúng, người ta kết luận rằng người luôn luôn đúng nhất định phải là người cai trị. Và người ta tôn Cherab làm vua.

Đó là lần đầu tiên có người làm vua vì anh ta là người khôn ngoan nhất chớ không phải anh ta được coi là khôn ngoan nhất vì anh ta là vua.

Bình luận