Trời mới tảng sáng đã tràn ngập ánh nắng, người dân trong thị trấn dậy rất sớm. Họ lại bắt đầu một ngày bận rộn. Tay đồ tể Trịnh Mã Thủy đã mổ xong lợn, hắn bày những miếng thịt tươi ngon lên bàn. Một số người đã đứng lô nhô trước bàn để mua thịt. Chung Thất vẫn khoác súng moze từ quán Tiêu Dao đi ra, hắn đi xuyên qua ngõ Hoàng Đế rồi hướng về hàng thịt lợn của Trịnh Mã Thủy.
Trịnh Mã Thủy vừa cắt một miếng thịt, đang định cân cho khách thì nhìn thấy Chung Thất tới gần. Trịnh Mã Thủy liền đặt chiếc cân trong tay xuống, cúi người lấy ra một quả bầu dục đã được buộc chặt bằng rơm trong chiếc rổ dưới bàn đưa cho Chung Thất. Chung Thất thờ ở nói với Trịnh Mã Thủy: “Gửi tiền sau nhé”.
Nói xong, hắn liền xách quả bầu dục khệnh khạng bỏ đi.
Trịnh Mã Thủy làu bàu: “Ngày nào cũng chơi gái trong quán Tiêu Dao, có ăn trăm quả bầu dục cũng chẳng ích gì”.
Một người mua thịt chêm vào: “Thẩm Văn Tú chết rồi, nếu Chung Thất không đi chơi gái ở quán Tiêu Dao thì còn ai trong thị trấn này muốn ngủ với hắn chứ?”
Trịnh Mã Thủy đáp lại: “Lúc Thẩm Văn Tú còn sống, ngày ngày Chung Thất vẫn đi chơi gái ở quán Tiêu Dao đấy thôi. Nếu không, làm sao cô ta lại đổ đốn thông dâm với Du Vũ Cường chứ? Tôi cho rằng Chung Thất đúng là mình làm mình chịu thôi, ở nhà có cô vợ đẹp như vậy lại không ngủ cùng, cứ muốn đến quán Tiêu Dao tìm bọn rác rưởi trăm thằng cưỡi, ngàn thằng sờ đó”.
Người mua thịt cười trêu: “Hoa nhà không thơm bằng hoa dại mà. Nghe nói bọn điếm trong quán Tiêu Dao có nghề lên giường chuyện nghiệp lắm. À mà Trịnh Mã Thủy, chả lẽ anh không muốn thử một lần sao?”
Trịnh Mã Thủy khua khua chiếc dao mổ lợn trong tay rồi nói luôn: “Đi đi, đi đi, đừng lấy tôi ra làm trò cười”.
Người mua liền xách thịt, vừa cười hỉ hả vừa bỏ đi.
Mụ Hồ Nhị Tẩu vừa mở của quán đã phát hiện con chó chết trước cửa hiệu truyền thần. Mụ hét toáng lên: “Ai giết con chó thế này?”
Vài người đi ngang qua nhìn thấy con chó, liền bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra.
Ở thị trấn Đường, người chết còn chẳng được coi ra gì, huống hồ là một con chó.
Mụ Hồ Nhị Tẩu đến ngõ Thi Niệu đổ xô phân và nước tiểu xong, về quán vẫn thấy con chó nằm chềnh ềnh ở đó. Mụ ta nghĩ thầm, nếu không ai đưa con chó đi, trời nóng thế này, nó sẽ bốc mùi mất. Lúc đến ngõ Thi Niệu, mụ Hồ Nhị Tẩu vô tình gặp thằng cha thích ăn thịt chó nhất thị trấn, mụ ta liền bảo hắn nhặt về làm sạch là có thể ăn được. Nào ngờ, thằng cha độc thân đó không muốn ăn thịt chó nữa, cứ nghĩ tới chó là đã thấy buồn nôn rồi. Như có hòn đá đè lên ngực, mụ ta nghĩ nếu con chó cứ nằm chềnh ềnh ở đó, khi phân hủy sẽ bốc mùi khắp nơi mất, vậy thì còn ai muốn tới quán mụ ăn nữa.
Lúc này, mụ Hồ Nhị Tẩu thấy Tam Lại Tử đang dưỡn dẹo đi tới, đôi chân trần bẩn thỉu của hắn đi trên mặt đường rải đá cứ phát ra tiếng lạch bạch. Mắt mụ sáng lên: “Tam Lại Tử, lại đây, lại đây mau!”
Tam Lại Tử đi tới trước mặt mụ Hồ Nhị Tẩu thắc mắc: “Bà chị gọi tôi làm gì thế?”
Mụ ta chỉ vào con chó chết trước cửa hiệu truyền thần: “Mày nhìn thấy chưa? Con chó này không hiểu tại sao lại bị người ta đánh chết chứ?”
Tam Lại Tử nhăn mặt, trông hắn xấu xí vô cùng. Hắn liếc nhìn con chó cùng vết máu đã khô trên mặt đường rồi chau mày. Một lát sau, Tam Lại Tử cũng giả vờ hỏi lại: “Đúng vậy, ai đã giết chết con chó này thế?”
Mụ Hồ Nhị Tẩu phụ họa theo: “Đúng vậy, không hiểu ai lại thất đức như vậy”.
Tam Lại Tử đảo con ngươi một vòng rồi khẽ nói: “Lúc đêm khuya, tôi tới ngõ Thi Niệu đổ nước tiểu nhìn thấy trước cửa hiệu truyền thần có một bóng người. Tôi sợ quá liền đi đường vòng về miếu Thổ Địa. Bà chỉ có đoán được cái bóng tôi nhìn thấy là ai không?”
Mụ Hồ Nhị Tẩu sợ hãi hỏi lại: “Là ai cơ?”
Tam Lại Tử cố nén giọng xuống đáp lại: “Là Thẩm Văn Tú đấy”.
Mụ Hồ Nhị Tẩu há hốc miệng, mãi sau vẫn không khép lại.
Lúc Tam Lại Tử định bỏ đi thì mụ liền giữ lại: “Tam Lại Tử, mày đi chôn con chó đó đi”.
Tam Lại Tử nghĩ một lúc rồi hỏi lại: “Tôi làm thế để được gì chứ?”
Mụ bốp chát: “Chôn con chó chết còn đòi được lợi gì chứ?”
Tam Lại Tử cười nhạt đáp: “Hì hì, thế thì bà chị tự mình đi mà chôn nó nhé”.
Tam Lại Tử nói xong liền bỏ đi luôn. Mới đi được mấy bước, mụ Hồ Nhị Tẩu liền gọi giật lại: “Tam Lại Tử, quay lại đây, chỉ cần mày đem con chó này đi, muốn gì cứ nói”.
Tam Lại Tử quay người tiến về phía mụ Hồ Nhị Tẩu: “Bà chị nói gì, định trả công thế nào đây?”
Mụ Hồ Nhị Tẩu hỏi lại: “Nói đi, thế mày muốn gì?”
Tam Lại Tử gãi gãi đầu rồi nói nhỏ: “Chị biết tôi thiếu nhất cái gì mà? Chồng bà chị cũng không có nhà, chẳng phải bà chị cũng bức xúc lắm hay sao? Bà chị, lẽ nào bà chị không cần đàn ông ư?”
Mặt mụ Hồ Nhị Tẩu đờ đẫn rồi chuyển sang trái, mụ ta tức tới mức toàn thân run lên: “Tam Lại Tử, mày… mày quá đáng quá rồi đấy. Sao mày lại có thể nói ra những lời vô học như vậy nhỉ? Mày đúng là không bằng chó lợn. Mày cút ngay, cút ngay cho tao!”
Mụ Hồ Nhị Tẩu tức tối đi vào quán ăn.
Tam Lại Tử đứng đó cười gượng: “Đồ đàn bà các người, đến cả đùa cũng không được”.
Tam Lại Tử bước tới chỗ con chó chết rồi đặt nó lên vai, đi về phía tay con đường nhỏ trong thị trấn.
Lúc đi ngang qua quán ăn, hắn liền nói chõ vào phía mụ chủ quán đang cọ nồi bên trong: “Bà chị ơi, tôi đi chôn con chó đây. Bà chị chuẩn bị cho tôi mấy cái bánh bao chiên là được rồi. Đây là yêu cầu của tôi đấy”.
Mụ Hồ Nhị Tẩu vẫn hậm hực: “Cho mày ăn cứt thì có”.
Tam Lại Tử đi rồi, mụ ta xách một xô nước để dội vết máu khô dính trên đất.
Lúc này, họa sĩ Tống mở cửa hiệu rồi đi ra ngoài.
Hồ Nhị Tẩu ngẩng đầu nhìn Tống Kha, mụ ta bỗng ngửi thấy mùi tanh nồng nặc.
2
Tống Kha không hiểu đêm qua đã xảy ra chuyện gì. Nhìn thấy mụ Hồ Nhị Tẩu đang dội nước vào vết máu trước cửa, anh bèn hỏi nhỏ: “Có phải lại có người chết không?”
Mụ ta gằn giọng đáp: “Không phải là người chết, mà là con chó của ông họa sĩ già chết”.
“Con chó của ông Hồ Văn Tiến ư?” Trong giây lát, đầu Tống Kha quay cuồng. Từ trước tới giờ, chưa ai nói cho anh biết ông Hồ Văn Tiến nuôi con chó đó. Tống Kha không hề biết rằng con chó khiến anh cảm thấy vô cùng sợ hãi trong ngày đầu đặt chân tới thị trấn Đường này đã túc trực trước cửa hiệu truyền thần mỗi ngày.
Mụ chủ quán nói tiếp: “Thực ra, đó là một con chó tốt để giữ nhà, tiếc là từ sau khi ông họa sĩ già chết đi, chẳng ai quan tâm tới nó nữa”.
Tống Kha đờ người ra, một âm thanh kỳ dị văng vẳng trong đầu anh. Anh nhớ tới những chuyện xảy ra đêm qua. Ban đêm, Tống Kha dường như nghe thấy một âm thanh rất kỳ bí, đó là tiếng gọi của một người đàn bà. Lúc này, anh đang nghe câu chuyện về nguyên nhân gây ra cái chết của một hồn ma dưới gầm giường. Sau khi tiếng kêu của người phụ nữ đó xuất hiện, hồn ma liền tiêu tan. Trong giây lát, Tống Kha cảm thấy có một bóng trắng đứng bên cạnh giường, bóng trắng đó nói với anh: “Anh trúng rồi”. Anh còn mơ màng nghe thấy tiếng thở gấp gáp… Tống Kha chìm vào giấc ngủ trong trạng thái phiêu du, lâu lắm rồi anh chưa được ngủ ngon tới vậy. Trong giấc mơ, anh còn nhìn thấy người con gái anh yêu.
Tống Kha cũng chẳng thèm để ý tới mụ Hồ Nhị Tẩu, anh một mình đi về hướng tây thị trấn.
Mụ Hồ Nhị Tẩu chau mày, hít mấy hơi liền, có vẻ mụ ta đang muốn nôn. Sau khi Tống Kha đi xa rồi, cái mùi tanh đó mới dần dần tản đi. Mụ tự nhủ: “Thì ra rên người họa sĩ Tống có mùi hôi”.
Tống Kha đã đi tới đập suối.
Nước lớn đã rút đi khá nhiều, chỉ còn lưu lại lớp bùn nhão bên bờ sông. Lớp bùn che phủ những cây cỏ mọc ven bờ. Cây cầu nhỏ phải chờ tới lúc mùa mưa kết thúc hoàn toàn mới có thể được bắc lại. Lúc này, phương tiện duy nhất chở người qua sông là con đò nhỏ đang đậu ở bến. Người lái đò là một ông già có làn da sần sùi như vỏ cây, ông ta mặc chiếc áo đen vá chằng và chịt với đôi chân trần nổi đầy gân.
Tống Kha bước lên chiếc đò nhỏ.
Ông lái đò vẫn còn rất khỏe, ông dùng sào dài đẩy đò đi, thậm chí chẳng chau mày chút nào. Nhưng khi tới bờ bên kia, sau khi Tống Kha lên bờ, ông lái đò chau mày nhìn Tống Kha đi được một đoạn đường xong mới thốt lên: “Thối thật!”
Tống Kha bị giọng nói phụ nữ đó mời gọi, anh đi một mạch đến nơi sâu nhất trong ngọn núi hoang thuộc Ngũ Công Lĩnh. Tống Kha đang mặc chiếc áo sơ mi màu xám, trông anh lúc này giông như tờ giấy màu xám đang bay về nơi sâu thẳm trong ngọn núi hoang. Bỗng Tam Lại Tử – đang chôn con chó trên sườn núi có những ngôi mộ lô nhô – nhìn thấy Tống Kha. Hắn trầm ngâm trong làn gió sớm còn mang đầy hơi sương rồi tự nhủ không hiểu anh chàng tha hương này đang đi đâu. Toàn thân Tam Lại Tử run bắn, dường như hắn nhớ ra chuyện đáng sợ gì đó, mặt hắn toát lên vẻ sợ hãi tột cùng.
Tam Lại Tử nói to đằng sau lưng Tống Kha: “Họa sĩ Tống, cậu đừng tới chỗ đó”.
Dường như không nghe thấy tiếng gọi của Tam Lại Tử, Tống Kha vẫn tiếp tục đi sâu vào trong núi hoang.
Tam Lại Tử gọi mấy tiếng liền nhưng có vẻ Tống Kha vẫn không nghe thấy.
Tam Lại Tử liền buông cái xẻng trong tay xuống, chạy thục mạng theo Tống Kha.
Hắn muốn ngăn Tống Kha đi tới chỗ bí ẩn đó.
Nhưng Tam Lại Tử không làm thế nào để đuổi kịp được Tống Kha dù hắn đã chạy nhanh hơn cả chó. Tống Kha đi như bay, Tam Lại Tử chỉ biết giương mắt đứng nhìn anh mất hút trong tầm mắt.
Hắn đứng trên đám cây cỏ dại thở phì phò, hắn nghe thấy tiếng gió thổi vù vù.
Hắn lẩm bẩm một mình: “Họa sĩ Tống, lẽ ra anh không nên tới thị trấn Đường, xem ra tôi lại phải đào sẵn cho anh một cái huyệt rồi”.
Tam Lại Tử biết trong nơi sâu thẳm đó, người phụ nữ thần bí đang chờ Tống Kha đến.
Tống Kha cũng không biết đã đi được bao xa, anh bị tiếng gọi của người đàn bà kia dẫn tới khu rừng rậm. Sau khi anh tới đó, tiếng gọi biến mất. Anh nhìn thấy một ngôi nhà gỗ trên mảnh đất trống nhỏ xíu trong rừng, nơi đây có tiếng chim hót véo von. Tống Kha có cảm giác đã tới một thế giới cách biệt với hiện thực. Không hiểu những người đang sống trong căn nhà gỗ kia là ai? Lẽ nào tiếng gọi phát ra từ chỗ này?
Tống Kha cứ ngơ ngẩn đứng trong rừng, không biết phải làm sao.
Tống Kha không tưởng tượng nổi người sống trong hai cánh cửa đóng chặt của căn nhà gỗ kia là người thế nào. Lúc anh mới tới thị trấn Đường, Tam Lại Tử đã nhắc nhở, hắn còn dặn anh không nên một mình lên núi. Trên núi không chỉ có thổ phỉ Trần Lan Đầu giết người như ngóe, mà còn có những loài hổ báo rắn rết có thể gây hại đến tính mạng cho bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Tam Lại Tử còn lấy ví dụ về một phụ nữ mang bầu sống trên núi một mình xuống chợ phiên ở thị trấn Đường bị hổ báo rạch một lỗ lớn trên bụng, chết trên đường xuống núi.
Đúng lúc Tống Kha đang suy nghĩ vẩn vơ thì cửa ngôi nhà gỗ bật mở.
Tống Kha kinh ngạc mở to mắt nhìn.
Miệng anh cũng từ từ mở to: “A!”
Tống Kha nhìn thấy một phụ nữ từ trong căn nhà gỗ bước ra, nở nụ cười mê hồn với anh. Tuy cô chỉ mặc chiếc áo đặc trưng của người dân vùng núi bằng vải thô nhưng khuôn mặt tươi tắn, đẹp đẽ kia rõ ràng là của Tô Tĩnh – người con gái anh hằng đêm mong nhớ.
Tại sao Tô Tĩnh lại ở đây chứ?
Lẽ nào cô ấy tới đây để tránh chiến tranh loạn lạc ư?
Tống Kha có cảm giác mình đang sống trong mơ, nụ cười tươi tắn của Tô Tĩnh tạo nên một lớp sương mỏng trước mắt Tống Kha.
Trong màn sương mờ mờ ảo ảo đó, Tô Tĩnh giẫm lên những cây cỏ đang còn đẫm hơi sương rồi chậm rãi đi về phía Tống Kha. Miệng cô thì thào cái gì đó…
3
Hôm nay là ngày 11 tháng Năm âm lịch năm Dân Quốc thứ ba mươi lăm, người dân trong cái thị trấn Đường nhỏ bé này đều biết trên người anh chàng họa sĩ mới tới Tống Kha tỏa ra mùi tanh không những kỳ bí lại rất khó ngửi. Tin đồn về mùi tanh thối trên người Tống Kha được đồn thổi khắp nơi từ miệng người này sang người khác. Đây dường như là một chủ đề nóng sau cái chết của Thẩm Văn Tú. Rất nhiều người đã dựa vào chủ đề này để giết thời gian rảnh rỗi.
Người đầu tiên tung tin đồn trên người Tống Kha có mùi tanh chính là mụ Hồ Nhị Tẩu. Trong lúc đang dội vết máu của con chó chết trước cửa hiệu truyền thần vào buổi sáng, tận mắt nhìn thấy Tống Kha đi ra khỏi nhà, cả buổi sáng hôm đó mụ ta vừa làm việc vừa kể chuyện về Tống Kha với bất kỳ người qua đường nào. Mãi tới giờ cơm trưa mà vẫn chưa thấy Tống Kha về nhà, thường giờ này anh đã ở quán của mụ ta ăn cơm rồi mới phải chứ. Mụ Hồ Nhị Tẩu cảm thấy bất an trong lòng, nếu như Tống Kha tới quán của mụ ăn cơm, mụ sẽ phải cư xử với anh chàng thế nào đây? Mùi tanh trên người anh ta thực sự khiến người khác buồn nôn, có điều mối hời tự dẫn xác tới trước cửa sao lại có thể không kinh doanh chứ? Tống Kha tuy không phải là người giàu có gì, nhưng chưa bao giờ anh ta nợ cả, điều này thật hân hữu bởi đến thằng cha Chung Thất còn thường xuyên tới quán ăn chịu nữa là.
Cũng chính trong buổi trưa hôm đó, thị trấn Đường lại có thêm một người chết.
Người chết là một bà cụ, bà cụ này ngẫu nhiên lại đúng là mẹ ruột của Chủ tịch Du Trường Thủy – bà Dư Thất Liên. Nghe nói bà cụ đã hơn chín mươi tuổi, những người dân trong thị trấn rất ít khi nhìn thấy bà. Bởi khi bảy mươi tuổi, bà đi lại đã không được tốt lắm, hơn hai mươi năm nay cũng không thấy bà đi lại ngoài đường nữa. Có người nói, hơn hai mươi năm trước, thần trí của bà đã không được minh mẫn, bà còn sống được lâu như vậy là nhờ ông con trai lắm tiền nhiều của Du Trường Thủy đã bỏ ra rất nhiều tiền mua đủ loại nhân sâm còn đắt hơn cả vàng trên núi hoang vùng Đông Bắc để kéo dài tuổi thọ cho mẹ. Chủ tịch đã sắp xếp để mẹ ở trong căn nhà cũ ở thôn Du Ốc phía đông thị trấn. Biết tin mẹ chết, Du Trường Thủy liền lên xe, vội vội vàng vàng mang theo mấy người về thôn Du Ốc.
Chiếc xe con của Du Trường Thủy đã đi qua cửa quán ăn của mụ Hồ Nhị Tẩu. Mụ ta đã biết tin bà Dư Thất Liên chết, sự việc này còn được đồn đi nhanh hơn cả việc trên người Tống Kha tỏa ra mùi tanh. Bởi dù gì thì bà ta cũng là mẹ ruột của Chủ tịch mà. Chiếc xe con của Du Trường Thủy mất khoảng nửa canh giờ mới tới được nơi của bà Dư Thất Liên. Trong khi đó Chung Thất mang hai tên bảo vệ tới cửa hiệu truyền thần. Chung Thất nhìn thấy cửa vẫn khóa chặt, liền càu nhàu:
“Họa sĩ Tống đi đâu được nhỉ? Cho dù trên người có mùi hôi thì cũng không cần phải trốn biệt như thế này mới phải”.
Chung Thất làm theo lời dặn dò của Chủ tịch Du Trường Thủy, hắn đã đặt xong cỗ quan tài. Hiện tại, hắn tới chỗ Tống Kha để mời anh tới vẽ truyền thần cho bà Dư Thất Liên, đây không phải là chuyện nhỏ. Chung Thất đi tới quán ăn, hỏi mụ Hồ Nhị Tẩu đang chiên bánh bao rằng: “Này, bà có biết Tống Kha đi đâu không vậy?”
Bà ta luôn coi thường Chung Thất, lườm hắn một cái rồi nói: “Tôi đâu phải là con giun ở trong người cậu ta, cậu ta đi đâu tôi làm sao biết được chứ?”
Chung Thất chẳng biết làm sao đành phải ra lệnh cho hai thằng tay sai: “Chúng mày chia nhau ra tìm, nếu tìm được thì dẫn cậu ta tới thôn Du Ốc ngay cho tao. Tao đi tìm thằng Tam Lại Tử, để bảo nó đào huyệt”.
Chung Thất mới đi chưa được mấy bước, mụ hoàn toàn đã đi ra cửa quán nói với theo hắn: “Đội trưởng Chung, ngài mau thanh toán tiền ăn còn nợ tôi đi. Tôi là người buôn bán nhỏ, không cho nợ lâu được đâu”.
Chung Thất không hề để ý tới mụ ta, hắn vội vã bỏ đi.
Mụ liền chửi rủa hắn: “Mày đúng là đồ vô lại, chả trách con vợ mày cặp kè với người khác”.