Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tanh

Q.1 – Chương 35: Chương 4.10

Tác giả: Lý Tây Mân
Chọn tập

Trư Cốc biết Chủ tịch Du Trường Thủy vẫn chưa ngủ.

Đèn trong văn phòng Du Trường Thủy vẫn sáng, Trư Cốc và một đội viên đội bảo vệ khác đứng ở một góc tối. Chỗ này vừa có thể nhìn thấy văn phòng của Chủ tịch, vừa có thể nhìn thấy cửa lớn của ủy ban, còn có một số đội viên đội bảo vệ mai phục ở các góc khác trong quán Tiêu Dao và ngõ hoàng đế để bảo vệ. Nếu phát hiện có bất kỳ điều gì bất thường, họ sẽ ào ra như ong vỡ tổ khiến kẻ đột nhập có mọc thêm cánh cũng khó thoát.

Liên tiếp mấy tối liền không có thu hoạch gì, không hiểu tối nay có xảy ra chuyện gì không, không ai trong số họ biết cả.

Lúc này, điều Trư Cốc trăn trở trong lòng không phải là sự an nguy của Chủ tịch Du Trường Thủy, mà là cô gái có tên Phùng Như Nguyệt. Mấy ngày nay, cứ đến tối, Trư Cốc cùng một số đội viên đội bảo vệ tới canh giữ ủy ban và quán Tiêu Dao, ban ngày lại về nhà ngủ. Từ lúc Phùng Như Nguyệt đến nhà hắn tới giờ, hắn cũng không còn tới quán Tiêu Dao ngủ nữa. Sau khi phát hiện ra người ngược đãi Xuân Hương đêm đó không phải Trư Cốc, Lý Mị Nương cảm thấy đã trách nhầm hắn, nhưng mụ không hiểu tại sao hắn không tới tìm Xuân Hương nữa. Trư Cốc cảm thấy mình vô cùng may mắn vì đêm hôm đó hắn không ngủ ở phòng Xuân Hương, nếu hắn ở đó chắc chắn đã bị thổ phỉ Trần Lan Đầu trừ khử rồi. Xét về mặt ý nghĩa thì Phùng Như Nguyệt đã cứu mạng hắn. Điều này càng khiến Trư Cốc thêm ham muốn với Phùng Như Nguyệt, như thể Phùng Như Nguyệt đã là người đàn bà của đời hắn. Trư Cốc xác định tình cảm hắn dành cho Phùng Như Nguyệt đúng là tình yêu ngay từ ánh mắt đầu tiên.

Nhưng vẫn có rất nhiều chuyện khiến hắn phiền não. Từ sau khi hai bố con ông già mù họ Phùng kia tới, nhà hắn trở nên lục đục liên miên. Phùng Như Nguyệt nghiễm nhiên coi nhà Trư Cốc là nhà mình, nhìn thấy trong nhà hắn có thứ gì ngon liền nấu lên ăn không chút do dự. Bố của Trư Cốc – ông Vương Bình Ích – nhìn thấy điệu bộ cô nàng là khách nhưng lấn quyền chủ thì tức ra mặt, đặc biệt khi Trư Cốc không có nhà, Phùng Như Nguyệt nấu bữa trưa hay bữa tối đều không gọi ông ta ra ăn, cứ như thể ông ta là không khí, chứ không phải là người đang sống vậy. Ông ta lớn tiếng chửi về phía căn phòng luôn đóng chặt cửa kia hòng đuổi hai bố con ông mù Phùng ra khỏi nhà họ Vương, nhưng bất luận ông ta có chửi bới thế nào, trong phòng vẫn không có động tĩnh gì cả. Sau khi Trư Cốc về nhà, ông Vương Bình Ích kể cho hắn nghe rồi còn chửi mắng hắn nữa. Lúc này, Phùng Như Nguyệt lại nước mắt lưng tròng đi tới trước mặt hắn nói:

“Anh à, em rất cảm kích vì anh đã cho bố con em ở lại, em đã gây thêm nhiều phiền phức cho anh, em không muốn lại tục gây phiền phức cho anh nữa, anh hãy để bố con em đi”.

Trư Cốc hễ nhìn thấy nước mắt của Phùng Như Nguyệt thì lại như trúng bã, không để ý tới thái độ của bố đẻ nữa. Hắn an ủi: “Bây giờ bên ngoài chiến loạn bất ổn lắm, hai bố con có đi đâu thì cũng chẳng an toàn bằng nhà anh. Thôi hai người cứ tạm ở đây, đừng suy nghĩ nhiều như vậy, đây cũng là nhà của hai người mà”.

Lời nói của Trư Cốc khiến ông Vương Bình Ích tức hộc máu.

Đêm nay, Trư Cốc lại không về nhà. Lúc hắn và những đội viên đội bảo vệ canh giữ ở một góc nào đó trong ủy ban thị trấn thì trong nhà hắn đã xảy ra một chuyện hắn không hề hay biết.

Tối nay, Phùng Như Nguyệt chỉ nấu cơm hai bố con cô ăn, sau đó mang về phòng ăn. Ông Vương Bình Ích ngửi thấy mùi lạp xưởng xào ngổng tỏi, liền chống gậy đi ra. Phùng Như Nguyệt đã mang thức ăn vào phòng, đồng thời cũng đã đóng chặt cửa rồi. Toàn thân ông Vương Bình Ích run lên, ông dùng gậy gõ vào cửa phòng hai bố con Phùng Như Nguyệt rồi chửi:

“Chúng mày là loại quỷ đói ở đâu tới vậy hả? Có phải kiếp trước bọn tao nợ gì chúng mày không mà kiếp này chúng mày tới đòi nợ vậy? Sao chúng mày lại ở lỳ trong nhà tao, ăn không uống không nhà tao lại còn bất kính với tao vậy hả?”

Căn phòng vẫn im lìm khó hiểu, chỉ có mùi lạp xưởng xào ngổng tỏi lẫn với mùi gì đó rất lạ bay ra từ khe cửa. Từ lúc hai bố con Phùng Như Nguyệt dọn về nhà họ Vương, ông Vương Bình Ích đã ngửi thấy mùi kỳ lạ này. Ông ta cũng không xác định được mùi lạ đó tỏa ra từ người ai, lạ hơn nữa là ông Vương Bình Ích chỉ nhìn thấy mặt ông mù Phùng đúng một lần vào ngày đầu tiên, còn sau đó không thấy mặt mũi ông ta đâu nữa. Dường như ông mù Phùng kia chưa từng đi ra ngoài cửa. Trong mắt ông Vương Bình Ích, ông già mù Phùng kia trở nên vô cùng kỳ dị.

Vương Bình Ích chẳng làm được gì, đành phải chống gậy ra khỏi nhà, vừa đi khỏi ông đã nghe thấy một tràng cười nham hiểm của đàn bà. Vương Bình Ích tới nhà cậu con cả Vương Văn Thanh. Nhà Vương Văn Thanh hôm nay có khách, con ông đang ngồi uống rượu với khách. Vừa nhìn thấy bố tới, anh ta vội vã đứng lên đón: “Bố, sao bố tới vậy?”.

Mặt ông Vương Bình Ích hầm hầm: “Lẽ nào tao không tới được hả?”.

Vương Văn Thanh nhũn nhặn đáp: “Bố à, sao lại không tới được chứ? Đây cũng là nhà bố mà, bất cứ lúc nào bố muốn tới, lẽ nào lại còn phải hỏi con ư?”.

Ông Vương Bình Ích than thở: “Ấy, tao ở nhà đến cả cơm cũng không được ăn”.

Vương Văn Thanh ngạc nhiên hỏi lại: “Bố vẫn chưa ăn cơm ư?”.

Ông Vương Bình Ích đập mạnh gậy chống xuống đất: “Nếu tao ăn rồi, thì còn tới nhà mày làm gì hả? Tao bây giờ trở thành ăn mày rồi, lẽ nào đến cả một bữa ăn mày cũng không định cho tao ư?”.

“Bố, bố ngồi xuống đi, mau ngồi xuống ăn cùng bọn con”.

Ông Vương Bình Ích cũng không khách sáo nữa, ngồi xuống ăn cùng luôn. Vợ của Vương Văn Thanh đứng ở cửa bếp, lạnh lùng nhìn bố chồng rồi nói: “Văn Thanh, anh ra đây một lát”.

Vương Văn Thanh từ trước tới giờ luôn nghe lời vợ liền đi ra ngay. Cô ta kéo Vương Văn Thanh vào bếp, khẽ nói: “Sao bố lại tới đây thế?”.

“Dù gì thì ông cũng là bố anh, tới thì đã tới rồi”.

Cô vợ xị mặt: “Tết đến vợ chồng mình chẳng thiếu thứ gì với ông cả, em trai anh lúc này là đội trưởng đội bảo vệ rồi, cũng chẳng thấy chú ấy mua thứ gì cho con mình, còn cả bố anh rữa, Tết đến cũng chẳng được chút tiền mừng tuổi cho các cháu. Anh nói đi, khi xưa ra ở riêng, chúng mình cũng chẳng lấy nhà, khoản tiền dành dụm của bố anh, ông ấy cũng chẳng chia cho chúng ta cắc nào cả. Chúng mình tay trắng rời khỏi nhà xây dựng từ đầu, sao anh lại không nhớ gì thế hả?”.

Vương Văn Thanh nhẹ nhàng phân bua: “Em cũng đừng nên nhớ nhiều thế làm gì, bố còn tới đây chứng tỏ trong lòng bố vẫn có chúng ta. Chắc chắn ông ấy đã phải chịu điều gì ấm ức nên em đừng nói nhiều như vậy”.

Cô nàng giơ tay cấu Vương Văn Thanh một.

Vương Văn Thanh hét toáng lên: “Ái da”.

Khách khứa đều nghe thấy tiếng kêu của Vương Văn Thanh, ông Vương Bình Ích cũng nghe thấy.

Khách khứa về hết rồi, ông Vương Bình Ích cũng muốn về. Vương Văn Thanh bảo bố ở lại, đừng về nữa. Vợ Vương Văn Thanh rửa bát trong bếp, cố ý đá thúng đựng bia. Vương Bình Ích nói với con trai: “Bố về thôi, có chết bố cũng phải chết ở nhà mình”.

Vương Văn Thanh ở giữa không biết phải làm sao, đành bất lực tiễn bố về ngôi nhà cũ ở ngõ Đôi Mễ. Trên đường đi, ông Vương Bình Ích kể chuyện Trư Cốc đưa hai bố con ông mù Phùng về nhà ở. Vương Văn Thanh nghe xong cũng rất phẫn uất: “Sao họ lại có thể như vậy chứ?”.

Tới nhà, ông Vương Bình Ích chỉ vào gian phòng đó rồi nói với con trai: “Chúng ở trong phòng đó đấy”.

Vương Văn Thanh phát hiện căn phòng đó không có chút động tĩnh gì, anh ta liền dìu bố về phòng: “Bố à, bố ngủ đi! Mai con sẽ tới tìm em nói chuyện, không thể để cho chúng tiếp tục thế này nữa”.

Ông Vương Bình Ích thở dài: “Con về đi, về nhà đừng cãi nhau với vợ. Chỉ cần nó tốt với con là được rồi, con nói với nó rằng cho dù bố có chết đói cũng sẽ không tới nhà con ăn cơm nữa đâu”.

Vương Văn Thanh rời đi không lâu thì ông Vương Bình Ích nghe thấy tiếng mở cửa bên phòng Phùng Như Nguyệt.

Đêm đã khuya như vậy, chúng còn mở cửa làm gì chứ?

Trong lòng ông Vương Bình Ích bỗng dâng lên nỗi sợ hãi khó hiểu.

Phòng khách bên ngoài vẫn im phăng phắc, chẳng có tiếng động, cũng không có tiếng bước chân nào cà.

Ông Vương Bình Ích đi tới trước cửa, cài then lại, sau đó, ông cởi quần áo trở về giường.

Ông ta nằm trên giường, lòng thầm nghĩ, ngày mai nhất định ông sẽ làm ầm lên một trận, không đuổi được bố con ông mù Phùng đi quyết không thôi.

Anh đèn dầu trong phòng bỗng phát ra ánh sáng màu đỏ sẫm.

Trong ánh sáng đỏ sẫm đó, thời gian trôi đi như nước chảy. Ông Vương Bình Ích nhắm mắt lại, cố ép mình ngủ. Người già rồi, nghĩ quá nhiều chuyện, từ lúc bố con ông mù Phùng dọn tới đây, những chuyện ông phải nghĩ quá nhiều, sự mất ngủ thường xuyên giày vò ông. Đêm đơn độc cũng trở nên dài hơn, sự buồn phiền vô cớ khiến ông lo lắng không yên. Ông càng cố ép mình ngủ thì càng không ngủ được.

Ông mở to đôi mắt mờ đục mệt mỏi.

Lúc này, ông nhìn thấy có một người đúng ở bên giường. Ông không nhìn rõ mặt người đó, cũng không biết người đó làm thế nào vào được phòng ông, phòng ông vẫn cài then kia mà.

Trong căn phòng nồng nặc mùi lạ.

Ông Vương Bình Ích ngồi bật dậy, sợ hãi lên tiếng: “Ai đấy?”.

Người đó không trả lời, tự dưng lấy đầu mình xuống rồi đặt trên người ông Vương Bình Ích. Ông Vương Bình Ích hét lên một tiếng, đờm đặc mắc trong cổ họng, ông không thở được nữa, mắt trợn lên rồi ngất xỉu. Người đó cười nhạt một tiếng, lại lấy đầu đặt lên cổ như cũ rồi nằm úp trên người ông. Sau đó, biến mất tăm như hơi nước, không còn thấy bóng dáng đâu nữa.

Phòng ngủ của ông Vương Bình Ích lại trở nên yên ắng như cũ….

22

Liên tiếp mấy ngày trong thị trấn Đường không xảy ra chuyện lớn nào, người dân trong thị trấn đã dần buông lỏng sự cảnh giác với thổ phỉ Trần Lan Đầu. Ngày Rằm tháng Giêng được mong đợi cuối cùng đã tới trong tiếng pháo nổ, lý do thực sự người dân thị trấn Đường mong đợi ngày Rằm tháng Giêng chính là việc chờ đợi hương thân Vương Bình Thuận thực hiện lời hứa mời đoàn hát tới biểu diễn. Vương Bình Thuận không nuốt lời, chập tối ngày 14, đoàn hát vào thị trấn Đường, còn dựng sân khấu bên ngoài miếu thổ Địa ngay trong đêm. Liên tiếp mấy ngày trời nắng, nhiệt độ dần nóng lên, những đống tuyết cuối cùng đã tan chảy hết. Mọi người cảm thấy hơi thở mùa xuân trong làn gió ấm áp.

23

Sáng sớm ngày 15 tháng Giêng âm lịch năm Dân Quốc thứ ba mươi sáu. Những làn khói lam bốc lên từ những ống khói nhấp nhô trên mọi nóc nhà của người dân trong thị trấn, chậm rãi nhập vào bầu trời xanh. Ngày nắng này là ngày người dân thị trấn Đường chờ đợi từ lâu, không ai muốn xem hát trong ngày Tết Nguyên tiêu này trong tiết trời mưa.

Tam Lại Tử mơ màng tỉnh lại, giơ tay sờ vào bên cạnh theo bản năng. Hắn chạm vào một cơ thể lạnh toát. Cơ thể này bình thản một cách lạ thường. Tam Lại Tử thờ phào. Đó là Hồ Nhị Tẩu, Tam Lại Tử nghe thấy tiếng ngáy đều đặn của mụ ta. Trong giấc mơ, Tam Lại Tử nhìn thấy mụ Hồ Nhị Tẩu đang giằng khỏi dây trói do Tam Lại Tử trói lại khi mụ lên cơn điên rồi chạy ra ngoài, sau đó mất hút trong bóng tối. Hắn đuổi theo, nhưng không thể tìm được… Từ buổi tối Tam Lại Tử phát hiện những bức truyền thần. Đã bị hắn đốt lại quay trở về cửa hiệu, tối đến, hắn lại ngủ bên nhà Hồ Nhị Tẩu, không những thế còn ngủ cùng giường với mụ ta nữa. Chỉ khi nào Hồ Nhị Tẩu lên cơn, Tam Lại Tử mới trói mụ lại. Tam Lại Tử ngồi dậy, nhẹ nhàng tháo dây trói trên người mụ ta ra, mụ Hồ Nhị Tẩu ngủ say như chết. Lúc Tam Lại Tử cởi hết dây trói ra, mụ ta vẫn chưa tỉnh lại.

Mặt mụ Hồ Nhị Tẩu trắng bợt như giấy.

Hồ Nhị Tẩu là người điên, do vậy đầu óc không tỉnh táo mẫn cảm như người bình thường, nhưng Tam Lại Tử vẫn cảm thấy an toàn khi sống bên cạnh mụ. Từ sau khi chuyển tới sống ở nhà Hồ Nhị Tẩu, Tam Lại Tử mới ngộ ra một điều tại sao đàn ông và đàn bà muốn kết hôn, muốn sống bên nhau mà hoàn toàn không phải là vì nhu cầu giao phối giống loài vật. Tam Lại Tử không coi Hồ Nhị Tẩu là vợ, hoặc người nào khác đặc biệt, nhưng hắn cảm thấy được sự bình yên và an ủi khi ở bên cạnh mụ. Hắn cũng không cần Hồ Nhị Tẩu làm chuyện kia với mình, cũng không muốn mụ ta giao lưu với hắn bằng lời nói, chỉ cần được ở bên mụ là đủ rồi.

Tam Lại Tử không biết quan hệ kỳ lạ giữa hắn và Hồ Nhị Tẩu có thể duy trì được bao lâu, nhưng được ngày nào hay ngày ấy. Hắn cũng chẳng có mong mỏi gì đối với tương lai, từ trước tới giờ, hắn chưa từng cho rằng mình là người có tương lai.

Tam Lại Tử xuống giường, đi vào bếp nấu bữa sáng cho Hồ Nhị Tẩu.

Khi hắn vừa đút củi vào bếp lò thì nghe thấy có tiếng ai đó đang gọi tên minh.

Tam Lại Tử!

Tam Lại Tử!

Tiếng gọi yếu ớt, hắn không nhận ra là của ai, cũng không rõ đó là giọng đàn ông hay đàn bà.

Có phải Hồ Nhị Tẩu đang gọi hắn? Lúc đói, mụ ta cũng thường phát ra những tiếng rên rỉ như vậy.

Tam Lại Tử chẳng kịp nhóm củi trong lò, chạy như bay về phòng Hồ Nhị Tẩu. Mụ ta vẫn đang ngủ say, vẫn đang ngáy đều.

Tam Lại Tử!

Tam Lại Tử!

Tiếng gọi đó vẫn vang lên. Đột nhiên, Tam Lại Tử nghĩ tới người đàn bà áo trang, lẽ nào cô ta đang gọi hắn? Đã lâu lắm rồi cô ta không xuất hiện. Hắn vừa mong chờ, lại vừa sợ cô ta xuất hiện. Lúc này, người đàn bà áo trắng kia đang ở đâu? Tam Lại Tử bỗng rùng mình một giống như trúng tà rồi đi ra ngoài cửa. Lúc Tam Lại Tử mở cửa, một làn gió trong lành thổi vào trong. Tam Lại Tử đi ra khỏi nhà Hồ Nhị Tẩu, một vài người dậy sớm ném về hắn ánh mắt khinh bỉ. Từ trước tới giờ Tam Lại Tử chưa từng để ý tới bất cứ ánh mắt hàm ý sâu xa nào của người dân trong thị trấn, hắn đang xác định xem tiếng gọi đó xuất phát từ đâu.

Tam Lại Tử đi về phía cửa hiệu truyền thần.

Lẽ nào tiếng gọi đó vọng ra từ cửa hiệu truyền thần?

Lúc này, Tam Lại Tử vô cùng bình tĩnh, trên mặt không lộ bất kỳ cảm xúc nào. Hắn mở cửa phòng rồi bước thẳng vào trong, sau đó nhanh chóng đóng cửa lại.

Hắn thấy bức truyền thần màu Tống Kha vẽ cho hắn vẫn đang treo trên tường.

Hắn thừ người một lát trước bức truyền thần, sau đó đi về phía cầu thang, từ gác xếp vọng xuống tiếng gọi nhỏ…

Chọn tập
Bình luận