Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Yêu Người Ở Bên Ta

Chương 12

Tác giả: Emily Giffin

Một tuần sau, sau nhiều buổi ăn nhậu không đáng tính, Andy và tôi chính thức ăn mừng cho buổi chụp hình Drake sắp tới của tôi tại Bouley, một trong những nhà hàng ưa chuộng của chúng tôi ở New York. Vượt lên trên cả đồ ăn tuyệt hảo và không khí ấm áp, Bouley có ý nghĩa tình cảm đối với chúng tôi, đây là nơi chúng tôi ăn tối vào đên chúng tôi làm tình với nhau lần đầu, hôm đó, thật đáng ngạc nhiên, chính xác tròn một tháng sau buổi hẹn đầu tiên của chúng tôi. Sáng sau, tôi chọc Andy rằng hẳn những món ăn kiểu Pháp mới của bếp trưởng David ở Bouley đã thôi thúc anh muốn ngủ với tôi.

“Em nói đúng,” anh đáp trả khôi hài. “Tại món thịt nai. Anh sẽ không bao giờ quên món thịt nai đó. Lâu lắm rồi anh mới được ăn một món tuyệt đến thế.”

Tôi bật cười, biết rõ sự thật – sự chờ đợi đã thể hiện niềm trân trọng và lãng mạn của Andy. Ngoài chuyện về những ràng buộc khắng khít của tình bạn giữa tôi và Margot, Andy yêu thích tôi đủ nhiều để muốn làm cho mọi việc sẽ tốt đẹp hơn là chạy ào lên giường sau một chầu uống quá đà, biện pháp mà hầu hết đàn ông đang hẹn hò yêu đương ở New York ưa chuộng – hay ít ra là hai người tôi đã ngủ cùng sau Leo. Và mặc dù một số người hẳn sẽ phê phán lần đầu của chúng tôi là thiếu tự nhiên, tôi sẽ không đánh đổi một chi tiết nào về nó. Cho đến bây giờ vẫn không.

Điều khiến tối nay ngạc nhiên thú vị hơn nữa là chúng tôi ngồi vào cũng chính chiếc bàn kín đáo trong góc đó của gian phòng ăn có mái vòm. Tôi nhướng mày nói, “Trùng hợp ư?”

Andy cười mãn nguyện kèm theo một cái nhún vai.

Rõ ràng đây không phải sự trùng hợp. Tôi mỉm cười trước sự thấu đáo, vững vàng của chồng mình. Có nhiều khi anh làm những điều thực sự dường như quá tuyệt vời để có thể là sự thật.

Trong mấy phút tiếp theo, sau khi xem qua một lượt danh sách rượu và menu, chúng tôi quyết định chọn món khai vị – gan béo với garu nấm cho tôi và pa tê cà tím cho Andy – kèm theo một chai sâm banh thượng hạng của Bouley. Andy nói vấp khi yêu cầu rượu, mặc dù đã ít nhất mười năm học tiếng Pháp. Người bồi bàn lầm bầm bày tỏ sự tán thành tuyệt đối, nếu không phải với phát âm vụng về của Andy, thì cũng là với lựa chọn của chúng tôi.

Vài phút sau, khi sâm banh cùng món khai vị được mang ra và Andy nâng cốc chúc mừng “người vợ giỏi giang, xinh đẹp,” anh đi vào những vấn đề thực chất của buổi chụp ảnh đó. “Thế em định tạo hình Drake ở những tư thế nào?” anh mở đầu.

Tôi mỉm cười với từ tư thế, nó thật khó gợi đến bức ảnh hai trang trên tờ tạp chí sành điệu, hào nhoáng, mà dễ gợi đến bức chân dung chụp ngồi thực hiện ở hiệu ảnh Sears mà Suzanne và tôi đã nếm đủ suốt thời thơ ấu, được hoàn thiện với hàng rào gỗ trắng cùng đám mây giả trên phông nền và một tấm thảm vải tuyếtt màu nâu xù xì cọ vào khuỷu tay chúng tôi.

Nhưng tôi hiểu điều Andy định nói – và câu hỏi ấy, dưới một hình thức giàu tính kỷ thuật hơn, đã lập đi lập lại trong đầu tôi hàng tá lần mấy ngày vừa qua. Tôi nói với anh tôi vẫn chưa nói chuyện với đạo diễn nghệ thuật hay biên tập viên ảnh nên tôi không chắc họ muốn sao, tuy nhiên tôi cũng đã có một số ý tưởng nhất định về cảm giác của bức ảnh. “Em nghĩ sẽ là u buồn. Gần như ảm đạm,” tôi nói. “Đặc biệt liên hệ đến hoạt động phòng chống AIDS của Drake.”

“Em định chụp trong nhà hay ngoài trời?” Andy hỏi.

“Anh biết em thích ánh sáng tự nhiên hơn mà. Hoặc một nơi nhiều cửa sổ hoặc ngoài trời. Có thể sẽ dùng thủ thuật chế ngự sự phơi sáng của ảnh,” tôi nói.

“Chế ngự cái gì cơ?” Andy hỏi, theo cái cách tôi thường hỏi anh về những câu hỏi được xem là cơ bản mang tính thủ tục, theo luật định trong các phiên tòa.

“Đó là kỷ thuật mà đối tương có được ánh sáng tốt, thường là vào ban trưa, nhưng nền ảnh lại để ngả mờ sang màu đen,” tôi giải thích. “Đó là phương pháp khá phổ biến khi chụp ngoài trời. Anh sẽ nhận thấy nếu anh để ý.”

Andy gật đầu nói, “Vậy, có lẽ khách sạn có sân hiên. Thế thì tuyệt nhỉ. Hoặc em có thể ra gần bể bơi, Hoặc, Chúa ơi , trong bể bơi! Em biết đấy – tung một quả bóng ngũ sắc, kiểu như thế.”

Tôi bật cười, tưởng tượng ra Drake trong chiếc quần bơi Speedo và thầm nghĩ Andy dường như phấn khích hơn tôi gấp bội phần. Tôi nghĩ điều đó phần nào là vì anh vẫn là một fan trung thành cuồng nhiệt của Drake qua nhiều năm. Nhưng tôi cho rằng chủ yếu đó là bởi xu hướng say đắm các ngôi sao của anh, điều đối lập một cách rõ ràng và thú vị (tuy nhiên Margot sẽ gọi là mất mặt) với cái lối hoàn toàn chẳng coi trọng người nổi tiếng của đa số cư dân Manhattan, hầu như chỉ xem đó là một thứ tượng trưng cho danh vọng. Kiểu như càng sành điệu bao nhiêu thì đương nhiên người ta càng khẳng định chắc chắn bấy nhiêu rằng đởi sống của bản thân họ chỉ là thứ danh tiếng phóng đại, nhạt nhẽo và tẻ ngắt. Nhưng Andy thì không. Tôi nghĩ đến sự nhiệt tình điên cuồng của anh khi chúng tôi phát hiện ra Spike Lee tại một cây ATM trên khu West Side – hay Kevin Bacon và Kyra Sedwick đang chạy trong công viên (“mua một được hai!”) – hay Liv Tyler đang ngắm nghía văn phòng phẩm tại Kate’s Paperie – hay màn tuyệt vời hơn cả, Dustin Hoffman(1) đang dẫn con chó màu đen của ông ta đi dạo ở Đông Hampton. Sau khi chúng tôi vượt qua Dustin và con chó, Andy nói với tôi rằng anh đã phải vận dụng đến mọi dây thần kinh kiềm chế để không hét lên câu thoại nổi tiếng trong phim The Graduate – “Chỉ một từ… chất dẻo!” – điều đó đã khiến tôi cười phá lên, tuy nhiên có lẽ Dustin thì sẽ không thấy thú vị đến thế.

Nhưng Dustin Hoffman trên bãi biển là một chuyện; Drake Watters trong một buổi chụp hình lại là chuyện hoàn toàn khác. Thế nên khi Andy đề nghị tôi, nửa đùa nửa thật nói, xin bút tích cho anh, tôi lắc đầu cương quyết.

“Không được đâu,” tôi nói.

“Thôi nào,” anh nói, với tay qua bàn để chôm thêm một mẩu gan béo của tôi, món mà cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng một lát thật mỏng ở rìa sẽ là lựa chọn tốt hơn. “Chỉ cần nhờ ông ấy viết cho đôi dòng ngọt ngào thôi. Vài câu kiểu như… ‘Tặng Andy, bạn thân mến và cũng là nguồn cảm hứng vĩ đại của tôi. Tri kỷ âm nhạc, Drake Watters.’ Hoặc ông ta chỉ cần ký đơn giản ‘Drake’… Hoặc thậm chí ‘Mr Watterstein.’ Thế nào cũng được mà.”

Tôi bật cười, đã quên mất từ cái thời tôi còn mua tạp chí Teen Beat rằng tên thật của Drake là Watterstein. Tôi nhớ lại mình đã từng say mê đến thế nào những chi tiết lý thú như thế – tên thật của Drake! Món ăn ưa chuộng của Rob Lowe! Sở thích yêu đương của Ricky Schroder! Chú cún cưng mới của River Phoenix!

Andy trông ỉu xìu – hoặc chí ít là giả vờ như thế. “Em thực sự không xin cho anh sao? Nghiêm túc?”

“Nghiêm túc,” tôi nói. “Em thực sự, thực sự không đâu.”

“Okay, Annie,” anh nói. “Cứ thế đi.”

Đây là lần thứ ba anh nói giễu, nhưng với giọng ngưỡng mộ, ví von tôi với Annie hoặc Cô Leibovitz(2), và lần nào cũng khiến tôi thoáng có cảm giác mình là kẻ giả tạo. Một kẻ gian dối vì đã không nói với anh toàn bộ sự thật vì sao tôi có được công việc đó. Tuy nhiên, mặc khác, nhiệm vụ đó đã bắt đầu mất đi ý nghĩa Leo của nó, và tôi đã có thể mạnh mẽ thuyết phục bản thân rằng thật sự chính nhờ tài năng của mình mà tôi nhận được việc đó. Rốt cuộc, tôi trấn an bản thân, mục đích thực sự của Leo (Xoa dịu cảm giác tội lỗi vì cách anh ta từng đối xử với tôi? Sự rộng lượng đơn thuần? Vì anh ta đã thấy tác phẩm của tôi và thực sự nghĩ rằng tôi tài giỏi? Để quyến rũ tôi, chí ít là về mặt tinh thần?) giờ đã hoàn toàn không có gì quan trọng. Công việc đó là của tôi, và đó là một công việc tôi biết mình có thể làm tốt. Tôi nhất định không để mình bị đe dọa bởi Drake hay Platform. Và tôi nhất định không để mình cảm thấy mắc nợ Leo, nếu trên thực tế đó là mục đích của anh ta.

Khi ăn miếng cuối cùng, tôi nhượng bộ chồng mình. “Được rồi. Được rồi,” tôi nói. “Cứ để chuyện xin bút tích đó lại rồi em sẽ tính… Nếu Drake và em làm việc ăn ý, và buổi chụp hình tiến triển tốt, em sẽ nói với ông ấy là anh xã ngộ nghĩnh của em muốn xin bút tích của ông ấy. Được chưa?”

“Được,” Andy vui vẻ nói, bỏ qua câu bình “anh xã ngộ nghĩnh” của tôi, một hành động chỉ có ở người đàn ông hết sức vững tâm. Tôi mỉm cười, thầm nghĩ hiếm có thứ gì quyến rũ hơn một người đàn ông không quá coi trọng bản thân.

Người phục vụ dừng lại bên bàn và rót đầy lại ly sâm banh của chúng tôi một cách điệu nghệ, bọt dâng lên cao hết mức mà không hề trào ra. Andy ra hiệu về phía chai sâm banh sắp hết, hỏi xem liệu tôi có muốn thêm. Tôi gật đầu, thưởng thức sự dễ dàng trong kiểu giao tiếp không cần vận đến nhiều ngôn từ của đời sống vợ chồng, và mường tượng đến cuộc làm tình nồng nàn để kỷ niệm sự kiện này vào đêm nay. Andy gọi thêm một chai nữa, rồi chúng tôi tiếp tục trò chuyện về Drake và buổi chụp hình.

Sau đó, lúc nào đấy trong khoảng thời gian chuyển tiếp rất thanh lịch giữa món khai vị và món chính, Andy ngồi thẳng dậy và gương mặt anh trở nên nghiêm trang kỳ lạ.

“À,” anh bắt đầu. “Anh muốn nói với em một chuyện khác.”

Trong một giây, tôi hoảng sợ, nghĩ rằng anh đã nhìn thấy hóa đơn di động của tôi, hoặc nếu không thì anh biết tôi có liên lạc với Leo.

“Vâng?” tôi nói.

Anh tinh nghịch khăn ăn và mỉm cười với tôi một cách ngập nghừng, chậm rãi, khiến tôi nghĩ rằng nếu anh là vợ còn tôi là chồng, tôi sẽ chắc chắn rằng chúng tôi sắp có baby. Trông anh thật sự nghiêm trọng, bồn chồn, nhưng đồng thời có cả phấn khích.

“Gì vậy?” tôi hỏi, cảm thấy hạnh phúc vì mình là người được bóc tem thông tin đặc biệt đó.

Andy rướn người qua bàn và nói, “Anh đang tính thôi việc.”

Tôi nhìn anh bằng ánh mắt chờ đợi vì đây hẳn chưa phải là tin chính. Andy đã nói về chuyện thôi việc ngay từ cái ngày đầu tiên đi làm, đó chắc hẳn là điều hết sức bình thường với những người làm trong hãng luật hàng đầu. “Có tin gì khác chứ?” tôi nói.

“Ý anh là chuyện ấy sắp xảy ra,” anh nói. “Thật ra hôm nay anh đã thảo sẵn thư nghỉ việc rồi.”

“Thật sao?” tôi nói. Tôi đã nghe đến lá thư đáng xấu hổ ấy nhiều lần trước đây – nhưng chưa bao giờ biết anh thực sự viết nó.

Anh gật đầu, vuốt tay dọc cốc nước rồi uống một ngụm dài. Anh đưa khăn lên chấm môi và nói, “Anh thực sự muốn thôi.”

“Để làm gì?” tôi nói, băn khoăn liệu Andy có bao giờ theo con đường của cậu em trai James – về căn bản là chẳng làm gì ngoài ngủ, chơi golf và tiệc tùng nhậu nhẹt.

“Ngoài chuyện ở bên nương nhờ người vợ nổi tiếng của anh hả? Andy hỏi, nháy mắt.

“Phải,” tôi nói, bật cười. “Ngoài chuyện đó ra?”

“Ừm,” anh nói. “Anh muốn tiếp tục hành nghề luật… nhưng muốn làm công việc đó ở một môi trường nhỏ hơn, ít ồn ã hơn… mang tính gia đình hơn.”

Tôi nghĩ mình biết anh ám chỉ chuyện gì, nhưng vẫn đợi anh thông báo điều đó cho tôi.

“Ở Atlanta,” cuối cùng anh nói. “Với bố anh.”

Tôi nhấp một ngụm rượu, cảm thấy tim mình đập dồn dập với hàng loạt cảm xúc không lý giải nổi khi tôi nói. “Anh nghĩ anh sẽ hạnh phúc khi làm vậy?”

“Anh nghĩ thế,” anh nói. “Còn bố anh thì sẽ sướng run lên.”

“Em biết,” tôi nói. “Bố chỉ đề cập vấn đề đó có năm lần đợt chúng ta về thăm thôi.”

Andy nhìn vào mắt tôi và nói, “Nhưng còn em? Em cảm thấy thế nào về chuyện đó?”

“Về việc anh làm việc với bố anh?” tôi hỏi. Tôi biết mình đang tỏ ra chậm hiểu, biết rằng anh muốn nói về một điều gì đó lớn lao hơn công việc của anh, nhưng tôi không chắc tại sao vẫn hỏi vậy.

“Không. Về Atlanta,” Andy nói, nghịch nghịch con dao trong tay. “Về việc sống ở Atlanta?”

Hiển nhiên trước đây Andy và tôi đã bàn chuyện chuyển nhà, đặc biệt là từ khi Margot rời thành phố. Chúng tôi thậm chí đã lái xe lòng vòng ngắm nghía các ngôi nhà trong chuyến đi gần đây nhất của chúng tôi, nhưng lần này cảm giác khác hẳn. Lần này cảm giác là sự thật, không phải giả thuyết – và theo như chính lời Andy nói thì, sắp xảy ra.

Để xác nhận lại, tôi hỏi, “Ý anh là sẽ chuyển đến đấy sớm?”

Andy gật đầu.

“Kiểu như năm nay? Sớm như vậy?”

Andy lại gật đầu và rồi vội vã tuôn ra một tràng những lời chân thành, lo lắng. “Anh không bao giờ muốn gây áp lực cho em. Nếu em muốn ở lại New York – hoặc cảm thấy rời khỏi đây có thể làm tổn hại đến sự nghiệp của em – anh có thể ở lại. Ý anh là, không phải anh ghét bỏ gì thành phố này hay cảm thấy mong muốn đến tuyệt vọng được rời đi hay bất kỳ điều gì như thế… Nhưng sau chuyến vừa rồi về Atlanta… và nhìn ngắm những ngôi nhà… và cứ nghĩ đến đứa cháu nhỏ sắp chào đời của chúng ta, và những người thân yêu đang già đi, và mọi thứ, thực sư… anh không biết nữa. Anh chỉ cảm thấy đã sẵn sàng thay đổi. Cho một cuộc sống dễ dàng hơn. Hay chí ít là một cuộc sống khác đi.”

Tôi gật đầu, tâm trí quay cuồng. Không lời nào Andy nói sai cả, không chỉ vì chúng tôi từng thảo luận về tất cả điều đó trước đây mà còn bởi vì giờ đây chúng tôi đã đến ngưỡng tuổi mà phần lớn bạn bè đã kết hôn, có con cái, và di cư về các vùng ngoại vi. Nhưng nghĩ đến chuyện rời thành phố trong những ý nghĩa trực tiếp của nó vẫn gây nên cảm giác lạ lùng sao đó. Đầu tôi đầy ắp những hình ảnh đặc trưng của New York – công viên Trung tâm trong một ngày thu hanh hao; trượt băng tại Rockefeller Plaza; nhấm nháp rượu vang trên sân hiên lộ thiên của một tòa nhà chọc trời giữa mùa hè – và bỗng nhiên tôi cảm thấy luyến tiếc những ngày qua. Tôi thậm chí thấy luyến tiếc cho đêm nay, cho bữa tối Andy đang cùng tôi thưởng thức, cho chính những kỷ niệm của chúng tôi lúc này.

“Nói gì đi em,” Andy nói, kéo giật một bên tai, điều anh chỉ làm khi rất lo lắng – hoặc khi anh thực sự quan tâm đến vấn đề gì. Chắc chắn có cùng một kiểu kéo tai như thế khi anh cầu hôn, và tôi chợt cảm thấy khoảnh khắc này cũng không có gì khác biệt. anh hỏi tôi xem tôi thấy thế nào về một sự thay đổi lớn. Một nấc thang chúng tôi bên nhau sánh bước. Nó không phải cùng một kiểu chuyển biến như kết hôn, nhưng trong nhiều phương diện, nó thậm chí còn là một thay đổi lớn lao.

Tôi với lấy bàn tay Andy, nắm trong tay mình, xiết bao mong muốn có thể làm anh hài lòng, nhưng cũng muốn hoàn toàn thành thật với anh nữa. “Em nghĩ điều ấy hẳn thực sự rất tuyệt,” tôi nói, nghe có vẻ ít băn khoăn hơn cảm xúc thực trong lòng – tuy nhiên sự thực thì, tôi không chắc lắm mình cảm thấy thế nào.

Andy gật đầu nói, “Anh biết. Và hãy tin anh, anh không cố đặt em ra rìa đâu. Nhưng… Anh đã muốn đưa em xem cái này.”

Anh rời khỏi tay tôi và đút vào túi trong chiếc áo khoác thể thao, lôi ra một mẩu báo gấp gọn. “Em xem đi.”

Tôi đón tờ báo từ tay anh, mở ra và nhìn chằm chằm vào cây tuyết tùng cổ thụ và ngôi nhà gạch với hàng hiên phía trước có mái che, giống với một loạt ngôi nhà Margot đã email cho tôi từ sau đợt chúng tôi về thăm vừa rồi, luôn luôn đính kèm một câu kiểu như, “Hàng xóm nhà tớ!” hoặc “Tuyệt hảo cho cậu!”

Nhưng ngôi nhà này không phải từ Margot sau khi cô giết thời gian bên chiếc máy tính suốt ngày hôm nay. Ngôi nhà này từ Andy qua ly sâm banh ở Bouley.

“Em thích nó không?” anh lưỡng lự hỏi, mặc dù điều anh muốn từ câu trả lời của tôi là rất, rất rõ ràng.

“Tất nhiên,” tôi nói, đọc lướt qua các chi tiết trong phần chú thích bên dưới bức ảnh – năm phòng ngủ, bốn phòng tắm rưỡi (???), sân sau có hàng rào, bể bơi nước nóng, trần nhà cao, hàng hiên có mái che, tầng hầm có ánh sáng tự nhiên đã hoàn thiện, gara chứa được ba xe hơi, phòng riêng cho người giúp việc, giá đưa đồ ăn phục vụ cả ba tầng.

Tuyệt đối chẳng có gì để mà không thích. Đó là một ngôi nhà mơ ước trên mọi phương diện – không giống với ngôi nhà nào ở thị trấn quê hương tôi hay thậm chí bất kỳ ngôi nhà nào tôi có thể tưởng tượng ra khi còn nhỏ. Không hề giống với hình dung của tôi, ngay cả khi mẹ tôi đoan chắc rằng tôi sẽ có cuộc sống tốt đẹp tràn ngập những thứ đẹp đẽ, những con người đẹp đẽ.

“Mẹ không lo lắng về con đâu, Ellen,” bà nói, vuốt tóc tôi. “Không một chút nào.”

Đó là một tuần trước khi bà ra đi, ngay khi bà vừa trở về từ bệnh viện sau lần khám cuối, và tôi nhớ mình đã lắng nghe giọng nói dịu dàng êm ái của bà, tưởng tượng ra cuộc sống trưởng thành của mình với một người chồng, một ngôi nhà và những đứa con – rồi tự hỏi liệu có bất kỳ điều gì trong số đó có thể làm nguôi ngoai nỗi đau mất mẹ nơi tôi không.

Tôi ngước mắt khỏi tờ báo và nói, “Ngôi nhà đẹp lắm, Andy. Thực sự rất đẹp.”

“Và bên trong nó cũng rất đẹp,” Andy nhanh nhảu nói. “Margot nói nó đã vào bên trong rồi… cho buổi trình diễn lưu động trang phục trẻ em hay gì đó. Nó nói ở dưới tầng hầm có khoảng không gian làm việc rộng thênh thang cho em khởi dựng cơ ngơi của mình. Em sẽ không phải đi thuê văn phòng nữa. Cứ việc mặc nguyên pyjama mà xuống cầu thang thôi… Và phần tuyệt nhất là – ngôi nhà đó, đại loại là, cách nhà Margot và Webb có một trăm mét. Kỳ diệu quá phải không?”

Tôi gật đầu, tiếp thu tất cả những điều đó.

“Nó thực sự hoàn hảo,” Andy nói. “Hoàn hảo cho chúng mình. Hoàn hảo cho một gia đình mà chúng mình muốn có.”

Tôi lại nhìn xuống ngôi nhà, để ý thấy bảng giá. “Khiếp,” tôi thốt lên.

Tiền bạc là thứ mà Andy và tôi không thường xuyên nói đến – anh và Margot có chung đặc điểm đó – nhưng trong khi Margot có vẻ hoàn toàn mù tịt về tài sản gia đình thì đôi lúc anh dường như ngại ngùng về nó, gần như cảm thấy có lỗi. Hệ quả là, anh đưa ra những lựa chọn nào đó, kiểu như căn hộ nhỏ của chúng tôi, thế nên thỉnh thoảng tôi quên mất thực ra anh giàu có đến mức nào. “Anh thật sự giàu có, hả?” tôi hỏi, mỉm cười.

Anh nhìn xuống và lắc đầu. Rồi anh lại nhìn vào mắt tôi và nói thành thật, “Chúng mình giàu có… Không chỉ trên một phương diện.”

“Em biết,” tôi nói, hưởng thụ khoảnh khắc ấy.

Chúng tôi nhìn nhau trong một lúc chừng như rất lâu, cho đến khi Andy phá vỡ sự im lặng. “Vậy… Em nghĩ gì?”

Tôi há miệng, khép lại, rồi lại mở ra.

“Em yêu anh, Andy,” cuối cùng tôi nói, đầu tôi quay cuồng bởi sâm banh và biết bao thứ khác. “Đó là điều em nghĩ.”

“Anh sẽ nhận nó,” Andy nói kèm theo cái nháy mắt, vừa lúc món tôm hùm của chúng tôi được đưa ra. “Đó không phải là bút tích của Drake, nhưng anh sẽ nhận.”

(1) Dustin Hoffman nổi danh từ vai nam chính trong bộ phim kinh điểnThe Graduate (1967). Ông vào vai chàng cử nhân Benjamin Braddock, người luôn đặt câu hỏi về tương lai và giá trị xã hội (qua một từ then chốt Plastics – Chất dẻo). Câu trứ danh trong phim đó là: Just one word… Plastics!

(2) Annie Leibovitz (sinh năm 1949) là một nhà nhiếp ảnh chân dung nổi tiếng người Mỹ, việc tạo dựng mối quan hệ thân thiết với các đối tượng chụp hình đã làm nên phong cách riêng đặc sắc của bà.

Bình luận