Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Yêu Người Ở Bên Ta

Chương 7

Tác giả: Emily Giffin

Những suy nghĩ của Leo gần như hoàn toàn phai mờ suốt tuần sau đó, khoảng thời gian tôi thuộc về cuộc sống đủ đầy bên Andy, tin mừng của Margot, và có lẽ quan trọng hơn hết là công việc của tôi. Một tuần làm việc hiệu quả, mãn nguyện có thể đưa đến những điều thật kỳ diệu cho tinh thần, tôi tự thấy thật may mắn (hay như Margot nói thì – ơn trời – con tạo khéo xoay vần ban cho hảo vận) vì có được công việc mà tôi có thể hạnh phúc đắm mình trong đó. Có lần tôi đọc thấy rằng khi thời gian trôi qua vô thức trong lúc ta làm việc, ta biết ta đã tìm thấy nghề nghiệp cả đời của mình, và mặc dù với tôi không phải ngày nào cũng như thế nhưng tôi chắc chắn không phải người xa lạ với cảm giác đắm chìm mê mải đó.

Bây giờ tôi đã thực sự trở thành một nữ nhiếp ảnh gia hành nghề tự do. Tôi có người đại diện lo việc đặt lịch cho mình – bất cứ vụ chụp hình quảng cáo nào kiếm được thù lao đáng kể, có những lần lên tới vài nghìn đô cho hai ngày làm việc, cũng có lúc ít hơn, khi làm việc cho các tạp chí, tuy nhiên thực tình tôi lại thích thú hơn xét trên khía cạnh sáng tạo.

Tôi say mê ảnh chân dung hơn tất cả – có lẽ vì tôi không phải người cởi mở lắm. Tôi không dễ dàng nói chuyện với người lạ, tuy nhiên tôi luôn ao ước mình có thể thế, và chụp hình chân dung của họ giúp tôi làm được điều đó. Tôi thích gặp gỡ một ai đó trong buổi chiều nhàn nhã, làm quen với nhau qua bữa trưa hoặc tách cà phê, rồi sau đó bắt tay vào việc. Tôi yêu cả thử thách lẫn sai khó của công việc ấy, loay xoay chụp ở nhiều tư thế và góc độ ánh sáng khác nhau cho đến khi bắt hình thật chuẩn. Chẳng có gì có thể mãn nguyện hơn khi chụp được tấm ảnh đó, bức hình hoàn hảo. Sự giãi bày của tôi về một tâm hồn khác. Tôi còn thích công việc này ở tính đa dạng. ví như việc bấm hình một doanh nhân cho tờ Business Week thì dường như khác hẳn việ chụp một bức cho bộ sưu tập Phong cách của The New York Time hay một tấm thật lộng lẫy bao trọn hai mặt trang bìa cho tờ Town & Country, và những người tôi chụp ảnh cũng đa dạng như những ấn bản tôi cộng tác vậy. Chỉ trong vài tuần vừa qua mà tôi đã chụp hình một tác giả ăn khách, một chuyên gia tuyển diễn viên cho phim nghệ thuật, một ngôi sao bóng rỗ của trường đại học cùng vị huấn luyện viên huyền thoại của anh ta, và một đầu bếp làm bánh tài giỏi.

Nói tóm lại, tôi đã đi được xa, rất xa kể từ cái thời tráng phim trên đại lộ Hai, và lúc này chút tiếc nuối duy nhất của tôi về lần hội ngộ Leo – ngoài cái thực tế rằng nó đã xảy ra – là tôi đã không nói được với anh ta về nghề nghiệp của mình. Dĩ nhiên tôi muốn anh ta biết chuyện Andy còn hơn chuyện công việc của tôi; nhưng lý tưởng mà nói thì tôi ước gì anh ta biết được cả hai. Mặt khác, biết đâu anh ta còn biết nhiều hơn so với vẻ bề ngoài. Có lẽ lý do khiến anh ta không hỏi về nghề nghiệp của tôi đó là anh ta đã đọc được website của tôi hoặc tình cờ thấy tên tôi xuất hiện trong danh sách đoàn làm phim. Xét cho cùng, tôi cũng từng e dè mò tìm những tờ báo của Leo, lướt qua các chuyên đề anh ta viết với một sự kết hợp kỳ quái giữa thờ ơ và thú vị, tự hào lẫn coi thường. Tất cả là do tò mò – và bất kỳ ai nói rằng họ chẳng mảy may bận tâm đến những mối tình cũ quan trọng của mình đang sống ra sao thì theo ý tôi, hoặc là nói dối hoặc là tình cảm chưa sâu sắc. Tôi không nói hồi cố, truy tầm mọi chuyện về tất cả những người yêu cũ là chuyện hay ho. Nhưng đơn giản bản chất con người là thỉnh thoảng cũng có đôi chút quan tâm đến người, mà ta từng thật lòng yêu.

Thế là ước chừng Leo đã tình cờ biết đến website hoặc công việc của mình, tôi hy vọng anh ta sẽ nghĩ xa ra mà đoán được rằng cuộc chia tay của chúng tôi đã là một cú huých trong cuộc đời tôi – một điểm khởi đầu cho những điều lớn lao và tốt đẹp hơn. Trên một số phương diện thì quả thực đúng là như vậy đấy, mặc dù tôi không tin rằng ta có thể hoàn toàn đổ lỗi cho bất kỳ một ai về sự thiếu khát vọng của chính ta – đó thưc sự đã là hướng sống trong suốt một thời gian chúng tôi bên nhau.

Nói về điều này, tôi se lòng khi nhớ lại thời còn hò hẹn với Leo, tôi đã thỏa mãn đến thế nào trong công việc của mình. Tình yêu với nghề nhiếp ảnh chưa bao giờ chết trong tôi, nhưng chắc chắn tình yêu đó còn xa mới đạt tới đam mê khẩn thiết – mà chỉ cùng mọi thứ khác trong cuộc sống tôi trở nên thứ phụ trước mối tình cùng với Leo. Leo lúc đó là mọi điều tôi có thể nghĩ, mọi thứ tôi muốn làm. Anh ta đong đầy tôi quá dư dãi đến nỗi tôi chẳng còn năng lượng để mà dành cho nhiếp ảnh. Không còn thời gian hay động lực dù chỉ để suy ngẫm một nấc thang mới cho nghề nghiệp của mình. Tôi nhớ mình bắt xe buýt đến hiệu ảnh ngày qua ngày, trở nên thành thạo sau tất cả những gì có thể học được từ Quỳnh, và tự nhủ với mình kiểu như, “Mình chẳng cần kiếm việc gì khác làm gì. Tiền chẳng quan trọng tí nào với mình hết. Mình hạnh phúc với một cuộc đời bình dị .”

Sau giờ làm việc, tôi sẽ thẳng đường tới chỗ ở mới của Leo, trở lại vùng Queens, lúc nào cũng sẵn sàng vì anh ta, chỉ về nhà mình khi anh ta có kế hoạch khác hoặc khi tôi cần thay quần áo. Trong những đêm hiếm hoi chúng tôi không ở chung, tôi thường đi ra ngoài với Margot và nhóm bạn của chúng tôi, nhưng tôi vẫn thích ở nhà hơn, nơi tôi có thể mơ mộng về Leo hay lên lịch cho chuyến phiêu lưu cùng nhau tiếp tới của chúng tôi hay soạn băng cassette tập hợp những bài hát dường như tuyệt vời nhất, thông minh nhất, sâu lắng nhất cho người tình tuyệt vời, thông minh, sâu lắng của mình. Tôi luôn tha thiết muốn làm vừa lòng Leo, muốn gây ấn tượng với anh ta, muốn chắc bằng được rằng anh ta cần và yêu tôi cũng nhiều như tôi cần và yêu anh vậy.

Thuở ban đầu mọi chuyện dường như tốt đẹp. Leo say mê tôi không kém gì tình cảm tôi dành cho anh ta, chỉ có điều theo lối ít dại khờ hơn của đàn ông. Anh ta không bao giờ hoàn toàn xa rời công việc của mình, nhưng cũng bởi aanh lớn tuổi hơn và đã tiến được xa hơn trong công việc, với những nhiệm vụ quan trọng trong hạn thực hiện rất gấp. Tuy nhiên, anh đã đưa tôi cùng dự vào đời sống sự nghiệp của anh, cho tôi bám càng khi đi phỏng vấn, dẫn tôi tới tòa soạn vào cuối tuần để tôi sắp xếp tài liệu giúp anh hoặc đơn giản chỉ là ngắm nhìn anh trong khi anh viết báo (hoặc quyến rũ tôi trên bàn làm việc của anh). Và anh cũng như tôi luôn sẵn lòng bỏ qua bạn bè và gia đình, yêu thích thời gian chúng tôi được ở riêng cùng nhau hơn, chỉ hai chúng tôi thôi.

Mọi việc cứ êm trôi như thế trong nhiều tháng, và cảm giác thật diệu kỳ, hạnh phúc. Chúng tôi không bao giờ chán chuyện trò. Mỗi lần tạm biệt, dù trong điện thoại hay khi trực diện, đều lưu luyến mãi, như thể đây hẳn là phút cuối chúng tôi được trò chuyện cùng nhau. Chúng tôi sẵn lòng bỏ ngủ để chuyện trò, hỏi han vô vàn chuyện về con người và quá khứ của nhau. Không có chi tiết nào thời thơ ấu là nhỏ nhặt, một dấu hiệu chắc chắn chứng tỏ rằng ai đó đang yêu – hoặc chí ít là cảm thấy hết sức ám ảnh. Leo thậm chí còn lấy một bức ảnh chụp tôi dạo lên sáu tuổi bị sún chiếc răng cửa từ cuốn album trong phòng ngủ của tôi, tuyên bố đó là “thứ dễ thương nhất trần đời” trước khi dán nó lên chiếc bản nhớ trong phòng bếp nhà anh.

Tôi đã phơi bày toàn bộ con người mình với anh ta, không giấu giếm một điều gì, không có cơ chế tự vệ nào cả. Tôi bộc bạch hết mọi chuyện thiếu tự tin của mình, từ những điều vớ vẩn đáng xấu hổ như tôi luôn ghét đầu gối của mình như thế nào, đến những vấn đề sâu sắc hơn như thỉnh thoảng tôi cảm thấy không tương xứng ra sao với Margot và những người bạn quảng giao giàu có của chúng tôi ở đây. Quan trọng nhất là, tôi đã kể hết với anh ta về mẹ, gồm cả những chi tiết không gọt giũa về sự ra đi của bà mà tôi chưa một lần kể cùng ai. Mẹ trông hết sức bạc nhược, và điều đó gợi nhắc đến hình ảnh của vụ Holocaust (Holocaust: Cuộc tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh Thế Giới II) ra sao. Một đêm tôi đã đứng nhìn bố móc họng cho mẹ như thế nào khi mẹ thực sự không thở nỗi nữa – một hình ảnh mãi còn thắt lấy tôi tới tận bây giờ. Rồi chuyện một lần tôi thực tình đã cầu khấn rằng cái chết hãy mau đến đi – không chỉ vì như thế mẹ sẽ cất được gánh nặng thống khổ mà còn vì những người thăm bệnh và cả cái không khí ốm đau cũng sẽ bị xóa sạch khỏi nhà chúng tôi, và bố tôi có thể ngừng lo lắng hậu sự cho mẹ, khỏi phải giấu giấu giếm giếm cuốn sổ tang chế mỗi khi chúng tôi bước vào phòng. Và rồi cả chuyện tôi đã cảm thấy tội lỗi khủng khiếp đếm mức nào khi khoảnh khắc đó cuối cùng cũng đến, thật cứ như thể tôi đã khiến mẹ ra đi sớm hơn thiên định. Tôi kể với Leo thỉnh thoảng tôi thấy xấu hổ ra sao khi không có mẹ, cứ như thể cho dù đời này tôi có làm gì đi chăng nữa thì cũng sẽ vậy thôi, tôi hẳn sẽ luôn luôn bị đánh dấu, phân loại rồi bị thương hại vì chuyện đó.

Mỗi lần như vậy, Leo lại lắng nghe và an ủi tôi với biết bao lời hay ho đúng đắn – rằng mặc dù tôi mất mẹ khi còn nhỏ, bà vẫn ảnh hưởng tới sự hình thành con người tôi ngày nay. Rằng ký ức của tôi về mẹ sẽ không bao giờ phai nhạt và những câu chuyện vui rồi sẽ từ từ thay thế hình ảnh cái chết. Rằng những mô tả và câu chuyện của tôi quá sức sống động, khiến anh ước gì anh được biết bà.

Đồng thời, lời giãi bày tâm sự không chỉ từ một phía. Leo cũng chia sẻ bí mật của bản thân, những câu chuyện về gia đình đầy mâu thuẫn của anh, về người mẹ làm nội trợ, sống thờ ơ và chẳng biết coi trọng bản thân, về người cha nhỏ nhen, độc đoán, chuyên áp chế những điều anh không bao giờ cãi lại nổi. Anh nói với tôi rằng anh ước gì anh có tiền để vào học một trường đại học tốt hơn, danh giá hơn rồi lấy cho được tấm bằng, và anh, cũng như tôi vậy, đôi khi cảm thấy bị đe dọa bởi những cô cậu nhà giàu ở Manhattan với những bộ hồ sơ hào nhoáng từ trường báo của họ. Tôi thấy thật khó tin là một người đặc sắc như Leo mà cũng có sự thiếu tự tin nào đó, nhưng cảm giác có thể bị tổn thương nơi anh chỉ khiến tôi yêu anh nhiều hơn nữa.

Và rồi, bên cạnh mọi điều khác, và có lẽ còn quan trọng hơn mọi điều khác, có một từ trường giữa chúng tôi. Mối quan hệ thể xác. Thứ tình dục say sưa đến dại khờ bao hàm cả thi vị lẫn mê dâm – hoàn toàn chẳng giống với bất cứ thứ gì tôi từng trải nghiệm trước đó. Ngay từ lần đầu tiên, tôi đã thật sự không hề ngượng ngùng e ngại khi cuộc ân ái đến. Chẳng một điều gì mang lại cảm giác vượt qúa giới hạn cho phép cà. Chẳng một điều gì tôi không làm với anh, cho anh, cùng anh. Chúng tôi cứ nói rằng chắc chắn chuyện này không thể mỹ mãn hơn được nữa. Nhưng bằng cách nào đó nó vẫn thật sự tuyệt lên, hết lần này đến lần khác.

Tóm lại là chúng tôi đã hoàn toàn hòa hợp, luôn luôn thèm khát và cuồng si mê đắm trong cả dục lẫn tình. Cái ngưỡng đó dường như quá sức tuyệt vời để thành sự thực. Thế nên lẽ ra chẳng có gì phải ngạc nhiên với tôi khi nhận ra rằng nó đã quá tuyệt vời để có thể thành sự thật.

Tôi không thể nói chính xác thời điểm chuyện xảy ra, nhưng có lẽ khoảng một năm kể từ khi chúng tôi yêu đương, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Không có gì kịch tính xảy ra cả – không có rạn nứt nào từ những vấn đề quan trọng trong đời sống, không có cãi vã ầm ĩ với những lời lẽ tục tằn khôn cứu vãn. Không ai ngoại tình hay gian dối hay chuyển cư tới nơi khác hay nhận được một tối hậu thư về điều sắp sửa xảy tới. Thay vào đó, chỉ có một thay đổi tôi không thể nhận thấy được rõ ràng, một bước chuyển quyền lực thật lặng lẽ. Nó quá sức vi tế, thực sự thì trong giây phút tôi đã nghĩ chỉ là mình mắc chứng hoang tưởng thôi – kiểu phụ nữ đeo bám điển hình là thứ tôi luôn tự hào rằng mình không mắc phải, và là thứ tôi chẳng bao giờ cần phải thế với Leo. Nhưng sau đó, tôi biết không phải thế. Leo vẫn yêu tôi; anh nói với tôi điều đó, mà anh vốn chẳng bao giờ nói những lời không thật lòng với mình. Nhưng tình cảm của chúng tôi rõ ràng đã trở nên thiên lệch. Chỉ hơi có vẻ thế thôi, nhưng đó là chuyện của tình yêu – ngay cả những khác biệt mơ hồ nhất cũng trở nên hiện hữu một cách lộ liễu, đánh dấu bởi những thay đổi nhỏ nhưng không thể chối cãi được trong cư xử. Những thứ vụn vặt, ví như thay vì gọi lại cho tôi ngay lập tức, mấy tiếng sau anh ta mới gọi, đôi khi thậm chí phải cả ngày. Anh ta lại bắt đầu đi chơi đều đặn với nhóm bạn trai và tham gia đội hockey trên băng của cơ quan vào các đêm thứ Bảy. Chúng tôi bắt đầu xem ti vi vào buổi tối thay vì chỉ chuyện trò bên nhau, và thỉnh thoảng anh ta quá mệt mỏi với sex, chuyện không bao giờ có trong những ngày đầu hò hẹn của chúng tôi khi anh thường xuyên đánh thức tôi dậy lúc giữa đêm, âu yếm tôi khắp mọi nơi. Và ngay cả khi chúng tôi làm tình, lúc nào cũng có một cảm giác xa ngái đến ngay sau đó. Một sự chia tách khi anh lăn mình khỏi tôi hay nhìn sâu vào khoảng không, lẫn vào chính mình, những suy nghĩ riêng, một nơi ẩn mật nào đó khác.

“Anh đang nghĩ gì thế?” tôi hỏi, một câu hỏi mà cả hai chúng tôi từng rất coi thường, một cách trả lời khác đi với chi tiết chính xác. Một câu hỏi mà giờ đây dường như đang khiến anh bực mình.

“Không gì cả,” anh cắn cảu.

“Không gì cả?” tôi hỏi, nghĩ rằng như thế chỉ có một khả năng. Luôn nghĩ một điều gì đó.

“Phải, Ellen. Không gì cả,” anh nói trong khi tôi phát rồ nhận ra rằng anh không gọi tôi bằng cái tên cưng anh thường vẫn gọi, Ellie. “Đôi khi chỉ là anh không nghĩ gì cả.”

“Được rồi,” tôi nói, quyết định để cho anh có không gian riêng cho mình bình tĩnh trở lại đã, trong khi không ngừng thầm phân tích mọi hành động của anh, suy xét kỹ những điều sai quấy. Phải chăng tôi đã khiến anh căng thẳng? Có phải tôi còn thua kém quá nhiều so với mẫu hình lý tưởng của anh? Có phải anh vẫn còn tình cảm với bạn gái cũ, một nghệ sĩ người Do Thái hơn anh sáu tuổi (nghĩa là cô ta hơn tôi tận mười hai năm kinh nghiệm)? Tôi có giỏi bằng cô ta khi trên giường không? Anh có yêu tôi nhiều như anh từng yêu cô không – và một điều quan trọng hơn nữa, anh có yêu tôi nhiều như anh đã từng yêu tôi không?

Ban đầu, những câu hỏi đó chỉ mơ hồ trong tâm trí, nhưng dần dần chúng lộ rõ, có khi giữa một trận cãi vã tóe lửa, cũng có khi trong lúc tôi vỡ òa nước mắt vô vọng. Tôi đòi hỏi những lời đoan chắc, liên tục đặt ra bao nhiêu câu hỏi, dồn anh vào chân tường, bắt đầu tranh luận về mọi điều mà cũng chẳng hẳn về gì cả. Một đêm, khi ngồi một mình trong căn hộ của anh, tôi thậm chí đã lục lọi các ngăn kéo rồi đọc mấy trang trong cuốn nhật ký của anh – một quyển sổ bí mật đầy ắp các mẫu tin và trang báo cắt dán, cả tranh ảnh và bưu thiếp. Một quyển sổ mà anh mang theo khắp mọi nơi và luôn khiến tôi cảm thấy một nguồn yêu dạt dào dâng lên mỗi lần anh mở nó ra. Đây là một sai lầm khủng khiếp – không phải bởi vì tôi tìm thấy hay không tìm thấy điều gì, mà bởi vì sau đó còn lại trong tôi là nỗi đau thăm thẳm khôn cùng, một cảm giác cơ hồ không phai nổi. Giờ thì tôi đích xác là kiểu phụ nữ kia rồi; chúng tôi đích xác là kiểu cặp đôi đó. Tôi cố gắng gạt bỏ suy nghĩ ấy ra khỏi tâm trí mình để sống tiếp, nhưng chẳng thể nào vượt qua nổi điều tôi đã làm – điều anh đã khiến tôi phải làm. Thế nên mấy ngày sau, tôi đã tuyệt vọng thú thật, chuyện đó dẫn đến cuộc cãi vã long trời lỡ đất và anh đã thừa nhận rằng anh không tin khi nào đấy anh có thể tạo được một mối quan hệ bền vững. Với tôi. Với bất kỳ ai.

“Tại sao không?” tôi hỏi, cảm thấy tan nát cõi lòng.

“Hôn nhân đơn giản là không dành cho anh,” anh nói, nhún vai ơ hờ.

“Tại sao không?” tôi nói, dồn ép anh thêm nữa. Lúc nào cũng thêm nữa.

Anh thở dài bảo rằng hôn nhân thực chất là hợp đồng giữa hai con người – mà hợp đồng chỉ được ký khi ta không hoàn toàn tin tưởng một ai đó. “Như thế rõ ràng là em không tin,” anh nói, quẳng mọi trách nhiệm vào tôi.

Tôi xin lỗi và khóc nấc lên mà nói với anh rằng tất nhiên là tôi tin anh chứ và rằng tôi cũng không biết chuyện gì đã xảy ra với mình nữa và rằng tôi không quan tâm chuyện cưới xin đâu, tôi chỉ muốn ở bên anh thôi, mãi mãi.

Thái độ của anh sắt đá khi nói, “Anh hai mươi chín tuổi. Anh không muốn nói tới chuyện mãi mãi.”

“Được rồi,” tôi nói, nhận thấy một cảm giác quỵ lụy. “Em xin lỗi.”

Anh gật đầu nói, “Được rồi. Chúng ta quên chuyện này đi, được chứ?”

Tôi gật đầu, vờ như đã được xoa dịu, rồi lát sau chúng tôi làm tình và tôi cố thuyết phục mình là mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chúng tôi chỉ đang trải qua giai đoạn khó khăn, một vài nỗi đau đang nhen nhóm, và tôi cần phải kiên nhẫn, vượt qua thử thách, thay điều tồi tệ bằng chuyện tốt đẹp. Tôi tự nhủ tình yêu đôi khi là một cuộc chiến lao tâm khổ tứ, và rằng với sức mạnh tuyệt đối của ý chí, tôi sẽ giải quyết được mọi vấn đề giữa chúng tôi, yêu anh đủ nhiều cho cả hai.

Nhưng mấy ngày sau, chúng tôi đã đi đến cuộc tranh cãi cuối cùng, thật kỳ cục là theo lịch, hôm đó vừa đúng đêm giao thừa chào đón thiên niên kỷ mới.

“Giao thừa là một đêm vớ vẩn,” Leo khăng khăng suốt tuần như vậy mỗi lần tôi van vỉ anh tới bữa tiệc mà tôi đã hứa với Margot là sẽ tham dự. “Em biết là anh ghét mấy cái cảnh đó mà. Và chuyện rêu rao về hiện tượng Y2K này thật không chịu nổi. Đơn giản chỉ là một năm khác thôi.”

“Đến đi anh,” tôi nói. “Nó quan trọng với Margot mà.”

“Thế thì để Margot dự đi.”

“Nó quan trọng với em.”

“Ờ, quan trọng với anh là ở nhà,” anh nói.

Tôi mặc cà, nài nỉ. “Chỉ đến chút thôi, một hoặc hai tiếng. Rồi chúng ta sẽ về nhà.”

“Để xem đã,” cuối cùng anh cũng thoái lui – một câu trả lời hầu như luôn hàm nghĩa là không.

Nhưng đêm đó, tôi cứ khư khư tin rằng anh sẽ đến và làm cho tôi bất ngờ kinh ngạc. Tôi tưởng tượng ra khung cảnh mờ ảo, mong manh. Mắt chúng tôi nhắm lại và đám đông rã ra khi anh tìm thấy môi tôi, ngay lúc giao thừa. Hệt như trong phim Khi Harry gặp Sally. Suốt cả đêm tôi nhìn đồng hồ và ngóng cửa, một cảm giác hầu như thất vọng, nhưng lại hy vọng hơn bao giờ hết. Cho đến lúc mười một giờ năm chín phút điểm, tôi đứng trong một góc cô đơn, lắng nghe bản nhạc “1999” du dương của Prince, và rồi cuối cùng đúng lúc còn mười giây đếm ngược, tôi lên cơn đau quặn thắt bụng, Margot trong cơn chếnh choáng đã tìm thấy tôi mấy phút sau, ôm chặt lấy tôi, tuôn ra một tràng rằng cô yêu tôi nhiều lắm và rằng chúng tôi phải nhìn về phía trước. Nhưng rồi cô trở lại với bạn trai của cô, và tôi đi về nhà một mình, ngủ thiếp đi với chiếc điện thoại ngay bên gối, chờ đợi, thậm chí nguyện cầu.

Nhưng Leo không hề gọi suốt đêm đó. Sáng hôm sau cũng không. Khoảng trưa, khi không thể chịu nổi nữa thêm một giây nào, tôi bắt xe điện ngầm đến nhà anh. Anh ở nhà, đọc báo và xem MTV.

“Anh không hề đến,” tôi khổ sở nói, đi thẳng vào vấn đề.

“Xin lỗi,” anh nói, nghe chẳng có vẻ gì hối lỗi. “Anh cũng định đến. Anh ngủ mất lúc tầm mười rưỡi.”

“Em bơ vơ một mình lúc giao thừa,” tôi nói một cách đáng thương, tự thấy mình có lý.

“Anh cũng thế,” anh cười.

“Không phải chuyện đùa đâu,” tôi nói, giờ thì thấy tức giận hơn là tổn thương.

“Nghe này. Anh không hề hứa với em anh sẽ tới,” anh nói, vẻ khích động.

Tôi lập tức chùn lại, ngả đầu lên vai anh khi chúng tôi xem bóng đá trên ti vi, rồi làm món ốp lết Hy Lạp – món sở trường của Leo – sau đó là làm tình trên trường kỷ. Nhưng một lúc sau đấy, khi anh đứng bật dậy và nói rằng anh phải viết một bài báo, tôi lại chìm trong nỗi buồn.

“Hôm nay là Tết mà,” tôi rên rỉ, ghét cay ghét đắng giọng nói của chính mình.

“Anh vẫn có hạn nộp bài,” anh nói thẳng thừng.

Tôi nhìn anh, đầu tôi quay mòng mòng với nỗi oán giận cay đắng cùng khổ đau tuyệt vọng, và rồi tôi mở miệng thốt ra những lời đáng xấu hổ đó.

“Chuyện này chẳng đi đến đâu hết,” tôi nói, thật tâm tin rằng mình chỉ đang thăm dò, đẩy mọi chuyện lên tới hạn, thử một chiến thuật khác để lôi anh trở lại. “Em nghĩ mình nên chia tay.”

Tôi mong chờ sự kháng cự, một trận chiến, chí ít cũng là một cuộc thảo luận thẳng thắn. Nhưng thay vì thế, Leo đồng ý ngay rằng tôi đúng. Anh nói vô cùng nhẹ nhàng, hầu như yêu thương, điều đó khiến tôi cảm thấy còn tệ hơn một sự đáp trả gay gắt. Anh vòng tay qua người tôi, sự giải thoát ở nơi anh hầu như có thể cảm nhận rõ.

Tôi không còn lựa chọn nào hơn là làm như thế. Rốt cuộc, tôi là người đề nghị trước cơ mà.

“Chào, Leo,” tôi nói, nghe dũng cảm hơn những gì tôi cảm thấy.

“Tạm biệt, Ellen” anh nói, chí ít cũng có nỗi buồn giả cách.

Tôi lưỡng lự, nhưng biết rằng chẳng có đường nào quay lại. Thế nên tôi rời khỏi nhà anh trong bàng hoàng và chối bỏ, nhảy lên taxi về nhà thay vì đi tàu điện.

Khi tôi về đến nhà, Margot đang đọc tạp chí trong phòng chung. “Cậu ổn chứ?” cô hỏi.

Tôi nói với cô tôi cũng không biết nữa.

“Chuyện gì xảy ra vậy?”

“Bọn tớ tan rồi.”

Tôi những định nói tiếp, kể hết mọi chuyện đớn đau, nhưng lại thấy lòng mình đóng lại, trở nên tự vệ và im ỉm.

“Tớ rất tiếc,” cô nói. “Cậu muốn kể về chuyện đó không ?”

Tôi lắc đầu nói, “Tớ không biết nữa… Nó thật sự… phức tạp.”

Và thật tình tôi thấy nó phức tạp đúng như sự phức tạp của mọi cuộc chia tay mà ta là người trong cuộc. Còn trong thực tế phũ phàng thì, hầu như tất cả thật ra đều rất đơn giản. Chuyện đó dường như giống như thế này: một người không còn tình yêu, và ước rằng anh ta có thể rút lại những lời đó, lời hứa từ tim đó. Nhìn lại thì, tôi có thể thấy rằng điều ấy giống với trường hợp của Leo và tôi – lời giải thích đơn giản nhất thường bao giờ cũng đúng, mẹ vẫn nói với tôi như thế. Nhưng thời điểm đó, tôi không tin nổi chúng tôi có thể là trường hợp ấy.

Thay vào đó, tôi vẫn hy vọng điều mọi cô gái trong hoàn cảnh của tôi đều hy vọng: rằng anh ta sẽ thay đổi suy nghĩ, lấy lại cảm xúc, nhận ra những gì anh ta nhận được từ tôi, thấy được rằng tôi là người không thể thay thế. Tôi không nguôi nghĩ, thậm chí nói to lên với Margot và Suzanne, “Không ai yêu anh ấy như tôi cả,” điều mà giờ đây tôi nhận ra rằng chẳng phải thứ gì ghê gớm đối với một người đàn ông. Đối với bất kỳ ai.

Thậm chí tệ hơn, tôi không ngừng lặp đi lặp lại trong óc câu châm ngôn khủng khiếp với những lời mở đầu, “Nếu ta yêu thứ gì, hãy để cho nó được tự do.” Tôi hình dung lại tấm poster cán bóng có in câu châm ngôn đó mà chị gái tôi dán trong phòng ngủ sau lần chia tay vật vã của chị hồi học trung học. Câu này được viết bằng kiểu chữ hoa văn màu tím đầy cảm xúc, kèm theo một con đại bàng vút bay trên núi non trùng điệp. Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng không con đại bàng nào trên đời này sẵn lòng bay trở lại vào trong chốn giam cầm.

“Rõ chết tiệt, anh ta chưa bao giờ là của chị cả,” tôi luôn muốn nói thế với Suzanne.

Nhưng giờ đây. Giờ đây Leo là con đại bàng ấy. Vậy mà tôi cứ tin chắc rằng anh ta sẽ là ngoại lệ với quy tắc đó. Một con chim có lúc quy hồi.

Thế nên tôi vẫn chờ đợi một cách vô lý, tuyệt vọng bám vào niềm tin rằng cuộc chia tay của chúng tôi chỉ là tạm thời mà thôi. Và thật chẳng hiểu nổi, tình cảm của tôi càng dâng lên sau khi đôi ngả. Nếu lúc tôi ở bên Leo tôi bị ám ảnh bởi anh ta, thì khi xa rồi thành ra ngập ngụa trong con người ấy. Anh ta chiếm đoạt đến từng giây phút trong ngày của tôi khiến tôi trở thành phiên bản của kiểu phụ nữ thất tình. Tôi đày đọa mình với những dòng tin nhắn cũ, với những bài hát tủi buồn như “The Last Day of Our Acquaintance” của Snead O’Connor. Tôi giam mình trong giường, khóc nức lên hầu như bất cứ lúc nào. Tôi viết viết sửa sửa bao lá thư dài ngoằn cho anh ta mà biết rằng mình sẽ chẳng khi nào gửi. Tôi hoàn toàn bỏ bê ngoại hình bản thân (trừ khi tính đến những lần ngồi gặm nhấm niềm riêng trong bồn tắm bên ánh nến) và luôn do dự giữa nhịn đói hay lại nhồi bừa que kem Doritos cùng thứ bánh bông lan Twinkies trở đi trở lại đến bất tận.

Tôi không thể xua đuổi Leo ngay cả trong giấc ngủ. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhớ được rõ tới từng chi tiết các giấc mơ như thế, giấc mơ nào cũng về anh ta, về chúng tôi. Đôi khi là những giấc mơ tồi tệ về cuộc chia tay tàn nhẫn và sự rút lui từ từ, lạnh lẽo của anh ta. Nhưng thỉnh thoảng đó là những giấc mơ thú vị – Leo và tôi giết thì giờ trong những quán cà phê mịt mù khói thuốc hoặc làm tình cuồng nhiệt, đẫm mồ hôi trên giường anh ta – và thường thì những giấc mơ hạnh phúc giằng xé cõi lòng hơn là những giấc mơ buồn. Tôi thức dậy, và trong vài giậy thoáng qua, tôi thực sự tin rằng chúng tôi đã lại trở về bên nhau. Rằng cuộc chia tay chỉ là một giấc chiêm bao và rằng tôi chỉ phải mở mắt tìm anh ngay bên cạnh mình thôi. Thay vào đó, sự thật muộn phiền lại hiện hữu. Leo đã đến với cuộc đời mới không có tôi, và tôi đơn độc.

Sau nhiều tuần, có lẽ là nhiều tháng trong tình trạng thái quá đó, Margot đã can thiệp. Hôm đó là chập chiều một ngày thứ Bảy, và cô lại vừa thất bại trong khoảng sáu lần cuối tuần liên tiếp rủ tôi ra ngoài cùng cô. Cô xuất hiện từ phòng ngủ, trông cực kỳ quyến rũ trong chiếc áo len màu chàm kiểu cách quần jean trễ ôm hông, và đôi bốt mũi nhọn màu đen. Cô đã cuốn lọn mái tóc vốn thẳng ro và phủ một lớp phấn thơm lóng lánh dọc theo xương đòn của mình.

“Cậu trông tuyệt quá,” tôi bảo cô. “Cậu đi đâu vậy?”

“Đi chơi với đám bạn gái,” cô nói. “Chắc chắn cậu không muốn đi cùng chứ?”

“Ừ, chắc,” tôi nói. “Tối nay có phim Pretty in Pink.”

Cô khoanh tay trước ngực và bĩu môi. “Tớ không biết cậu buồn rầu đến thế vì cái gì. Cậu chưa bao giờ thực sự yêu anh ta cả,” cuối cùng cô lên tiếng, giọng thẳng thừng bằng cả quyết như thể cô đang tuyên bố rằng thủ phủ của Pennsylavenia là Harrisburg vậy.

Tôi nhìn cô bằng ánh mắt giống như cô là kẻ điên. Đương nhiên là tôi yêu Leo chứ. Không phải nỗi buồn khủng khiếp của tôi minh chứng cho một tình yêu lớn sao?

Cô tiếp tục, “Cậu chỉ ham dục thôi. Hai thứ đó thường lẫn lộn.”

“Đó là tình yêu,” tôi nói, thầm nghĩ tình dục chỉ là một phần trong tình yêu của chúng tôi thôi. “Tớ vẫn yêu anh ấy. Tớ sẽ mãi yêu anh ấy.”

“Không,” cô nói. “Cậu chỉ yêu cái ý niệm về tình yêu thôi. Và giờ thì cậu yêu cái ý niệm về một kẻ trái tim tan vỡ… Cậu đang diễn giống như đứa chíp hôi đau khổ.”

Đó là lời đả kích nặng nề quá sức với một phụ nữ đang độ tuổi hai mươi.

Cô thở dài và chằm chằm nhìn tôi bằng ánh mắt của người mẹ. “Chưa bao giờ cậu nghe rằng tình yêu đích thực phải là thứ khiến ta tốt đẹp hơn sao? Là thứ nâng đỡ cậu?”

“Tớ đã là người tốt đẹp hơn bên Leo,” tôi nói, cắn một hạt dẻ. “Anh ấy đã nâng đỡ tớ.”

Cô lắc đầu và tuôn ra một tràng thuyết giáo, ngữ điệu miền Nam trở nên nặng hơn, đúng kiểu nó luôn thế mỗi khi cô tỏ ra gay gắt về cái gì. “Thực sự cậu rất tồi khi ở bên Leo… Anh ta biến cậu thành kẻ tầm thường, nhu nhược, dễ dao động, hời hợt. Giống như thể tớ chưa từng biết tí gì về cậu vậy. Bên anh ta cậu không còn là cậu. Tớ nghĩ toàn bộ mối quan hệ đó là… thiếu lành mạnh.”

“Cậu chỉ ghen thôi,” tôi nói yếu ớt, tự nghĩ tôi không chắc là mình có ý nói cô ấy ghen vì cô không có được một người tình như Leo – hay ghen vì anh ta thế vào vị trí người quan trọng nhất đời tôi của cô. Cả hai giả thuyết đều có vẻ hợp lý mặc dù thực tế thì cô, như bất cứ lúc nào, khi đó cũng có bạn trai.

“Ghen. Tớ không nghĩ vậy đâu, Ellen.” Giọng cô hết sức thuyết phục, nhấp nhỉnh thú vị trước cái ý tưởng ghen tị với những gì tôi có cùng Leo, đến mức khiến tôi đỏ bừng mặt khi đành từ bỏ luận điệu đó mà chỉ nhắc lại rằng, “Anh ấy thực sự rất rất khiến tớ tốt đẹp lên.”

Đậy là lần tiến gần nhất đến cái gì đó tương tự với cuộc cãi vã giữa chúng tôi, thế nên mặc dù cơn giận đang bùng lên, tôi vẫn cảm thấy vô cùng căng thẳng, không thể nhìn vào mắt cô.

“Ồ thế ư?” cô nói. “Được rồi, nếu điều đó là sự thật, Ellen, vậy cho tớ xem một bức ảnh tử tế cậu chụp được hồi cậu cặp với anh ta coi nào. Chỉ tớ xem anh ta tác động tới cậu ra sao nào. Chứng minh tớ sai đi.”

Tôi đặt cái kem xuống, ngay trên tờ Town & Country số tháng Tư của cô, rồi đi về phía chiếc bàn có nắp cuộn của tôi ở trong góc phòng khách. Tôi lôi bật ngăn kéo, mở một tập phong bì giấy xi măng đựng đầy hình ảnh ra, rồi liệng xoẹt đống ảnh lên bàn trước.

Cô cầm chúng lên, liếc qua một lượt với vẻ mặt hững hờ y như thái độ của một người di chuyển bừa phứa những con bài trong trò đánh bài một mình trên máy tính.

“Ellen,” cuối cùng cô nói. “Những tấm hình này… Chúng chỉ là không tốt như thế.”

“Cậu có ý gì khi nói chúng không tốt như thế?” tôi nói, nhìn qua vai cô khi cô xem xét những bức ảnh cảu Leo. Leo cười rạng rỡ. Leo trầm mặc suy tư. Leo ngủ một sáng ngày Chủ Nhật, cuộn tròn bên con chó Jasper của anh. Tôi cảm thấy một cơn đau buốt nhớ nhung con chó bốc xơ không chút thân thiện mà tôi chưa từng thật sự muốn chơi cùng.

Được rồi,” mãi rồi cô mới lại lên tiếng, dừng mắt ở một bức ảnh Leo mà tôi đã chụp mùa hè năm ngoái. Anh đang mặt quần sóoc và áo phông in chữ “Arita”, dựa lưng trên chiếc ghế dài trong công viên trung tâm, nhìn thẳng vào máy ảnh, nhìn thẳng vào tôi. Chỉ có đôi mắt anh mỉm cười.

“Xem bức này, ví dụ nhé,” cô nói. “Ánh sáng tốt. Bố cục đẹp, tớ cho là thế, nhưng nó… chỉ là một thứ buồn tẻ. Anh ta bảnh trai và ổn hết, nhưng thế thì sao? Ở đây chẳng có gì khác ngoài một gã khá ưa nhìn ngồi trên băng ghế… Xem ra… anh ta đang nỗ lực thế quá lố.”

Tôi thở hổn hển, ít nhất là ở trong lòng. Sự xúc phạm này có lẽ thậm chí còn tệ hơn ví tôi với đứa tuổi teen thất tình. “Nỗ lực quá lố?” tôi nói, giờ đã thực sự tức giận.

“Tớ đâu có nói cậu nỗ lực quá lố,” cô bảo. “Nhưng anh ta thì rõ ràng là thế. Chỉ cần nhìn biểu lộ của anh ta… Anh ta thiếu tự nhiên, bảnh chọe, tự thức. Anh ta biết mình đang được chụp ảnh. Anh ta biết mình đang được tôn thờ. Tất cả ở anh ta là thế, kiểu ‘Hãy nhìn vào ánh mắt đầy nhục cảm của tôi.’ Nghiêm túc đấy Ellen. Tớ ghét tấm ảnh này. Tất tần tật hình cậu chụp trong năm trước khi quen Leo đều thú vị hơn bức ảnh này.”

Cô quẳng bức hình trở lại trên bàn, và nó úp sấp xuống. tôi nhìn vào nó, và có thể hầu như, hầu như hiểu được điều cô đang nói. Tôi cảm thấy vết cứa của điều gì đó gần như xấu hổ, giống với cảm giác khi tôi lật giở đọc lại những vần thơ haiku mà tôi đã nghĩ thật đáng ngưỡng mộ tôi viết về mùa hè đi lướt sóng ở bờ biển Jersey từ hồi cấp hai. Những bài haiku tôi từng tự hào gởi cho một tờ tạp chí văn học, để rồi cảm thấy thật sự choáng váng khi lời từ chối đến trong hộp thư.

Margot và tôi nhìn chằm chằm trong một lúc tưởng như rất lâu. Đó có lẽ là khoảnh khắc chân thực, đầy sức mạnh nhất trong mối quan hệ của chúng tôi, và trong giây phút ấy, tôi vừa yêu vừa giận cô. Cuối cùng cô phá vỡ im lặng trước.

“Tớ biết nó đau lắm, Ellen… Nhưng đã đến lúc tiến lên,” cô nói, mạnh mẽ sắp chồng ảnh lại cho vào chiếc phong bì. Rõ ràng Leo không còn đáng để cô xé khuôn mặt anh ra làm đôi như trước nữa.

“Tớ phải làm thế bằng cách nào kia chứ?” tôi đáp lại yếu ớt. Đó không phải câu hỏi tu từ – tôi thực sự muốn biết chính xác những việc tôi phải làm tiếp tới.

Cô suy nghĩ một giây và rồi cho tôi một lời chỉ dẫn. “Tối nay cứ tiếp tục ngồi ì ra mà xem Molly Ringwald. Rồi sáng mai tỉnh dậy hãy tắm cho thật kỹ. Sấy tóc, trang điểm một chút. Rồi cầm lấy máy ảnh của cậu và trở lại với công việc ấy… Anh ta sẽ không quay trở lại nữa… Vậy hãy làm việc cậu yêu thích… Đến lúc rồi.”

Tôi nhìn cô, biết rằng cô đúng. Biết rằng lại một lần nữa, tôi đứng trước ngã ba đời mình, và một lần nữa, tôi cần phải làm theo lời khuyên của Margot mà đến với nhiếp ảnh.

Thế là ngày hôm sau tôi mua một chiếc máy ảnh mới – chiếc tốt nhất tôi có thể chi trả bằng chiếc thẻ tín dụng còm cõi của mình – và đăng ký vào một khóa đào tạo tổng hợp tại Viện Nhiếp Ảnh New York. Hơn một năm sau, tôi đã nắm được những chi tiết phức tạp về thiết bị, mọi thứ về ống kính, và làm chủ được ánh sáng flash, ánh sáng đèn tungsten và đèn chớp. Tôi nghiên cứu cặn kẽ đặc điểm lỗ ống kính máy ảnh, tốc độ màn trập, và hiểu những thứ đó cũng thấu đáo như hiểu về phim và giới hạn ISO, cân bằng trắng và biểu đồ. Tôi học các lý thuyết về bố cục, màu sắc, hoa văn và khung hình, cũng như về “đinh luật một phần ba” (một thứ mà tôi nghĩ mình biết nó từ trong bản năng) và cách dùng các đường thẳng làm cho hình ảnh có sức hút hơn. Tôi đã học được vô khối thứ về việc in ảnh, tuy vậy tôi có thể thực hành kỹ thuật của mình trên những máy móc phức tạp hơn nhiều. Tôi học thêm một khóa về chụp chân dung, nghiên cứu ánh sáng và vị trí. Tôi nghiên cứu về nhiếp ảnh đồ vật, nhiếp ảnh đồ ăn, nhiếp ảnh kiến trúc, nhiếp ảnh phong cảnh, thậm chí nhiếp ảnh thể thao. Tôi tìm tòi sâu hơn về chụp ảnh kỹ thuật số, thành thạo Adobe Photoshop, ngôn ngữ của các pixel và cỡ con chíp (khái niệm hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ). Tôi thậm chí còn học một lớp về khía cạnh kinh doanh và marketing của nhiếp ảnh.

Với mỗi tuần mới mẻ, mỗi kỹ thuật tân kỳ tôi học được, tôi lại cảm thấy vết thương lòng khép miệng thêm một chút. Phần nào chỉ là bởi sự trôi chảy của thời gian, một thành phần thiết yếu của bất cứ cuộc phục hồi tổn thương tình cảm nào. Tuy nhiên, phần nào chuyện này là bởi một đam mê này đã từ từ thay thế đam mê kia. Và mặc dù một lần trái tim tan vỡ không khiến tôi trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này, tôi vẫn tin ta cần cả hai thứ – thời gian và một tình cảm thay thế – để trọn vẹn hồi phục một con người.

Khoảng chín tháng sau chuyện với Leo, cuối cùng tôi đã cảm thấy sẵn sàng – cả về kỹ thuật lẫn cảm xúc- để cho ra đời bộ ảnh của mình và nộp hồ sơ xin một công việc trợ lý thực thụ. Thông qua bạn của một người bạn, tôi hay tin một nhà nhiếp ảnh thương mại tên là Frank Brightman đang kiếm một trợ lý thứ hai. Frank chủ yếu chụp ảnh thời trang và quảng cáo, nhưng thỉnh thoảng cũng làm việc với các tạp chí. Anh ta có một phong cách nghệ sĩ rất đặc biệt gợi nhắc đến chủ nghĩa siêu thực – một dáng vẻ khiến tôi vừa ngưỡng mộ vừa tưởng tượng ra được một ngày nào đó ắt có đua tranh, tất nhiên là bằng phong thái của chính tôi.

Trước khi có thể bàn cãi với chính mình về chuyện đó, tôi gọi cho Frank hỏi về vị trí còn trống này, và anh ta mời tôi tới phỏng vấn tại studio nhỏ ở Chelsea của anh ta. Ngay lập tức, Frank vừa gây ấn tượng với tôi vừa tạo cảm giác rất dễ chịu. Anh ta có mái tóc màu bạc tuyệt đẹp, trang phục hoàn hảo, và sự ân cần dịu dàng. Cũng có cả cái gì đó phảng phất thiếu nam tính trong phong thái của anh ta khiến tôi nghĩ anh ta gay – điều mà trong thời điểm đó, với người có nguồn gốc từ một thị trấn toàn dân lao động, và từ một trường học miền Nam thủ cựu như tôi, vẫn gây cảm giác giống như một món mới lạ đầy phức tạp.

Tôi quan sát Frank vừ nhấm nháp cốc cappuccino vừa săm soi bộ ảnh nghiệp dư của tôi sắp đặt trong một cuốn album giả da. Anh ta vừa lật giở các trang ảnh vừa lầm bầm tán thưởng. Rồi anh ta đóng tập ảnh lại, nhìn vào mắt tôi, và nói mặc dù có thể thấy tôi rất có triển vọng, anh ta sẽ không tô vẽ về công việc – anh ta đã có trợ lý thứ nhất, và gần như chỉ cần một người giúp việc thôi. Một người để thanh toán các hóa đơn, chạy cà phê, và phải đứng rất nhiều. “Công việc rõ là không tuyệt mỹ đâu,” anh ta kết thúc.

“Tôi có thể làm được,” tôi trả lời sốt sắng. “Tôi từng làm phục vụ bàn. Tôi giỏi đứng lắm. Tôi giỏi cả việc nhận yêu cầu của khách nữa.”

Frank vẫn giữ khuôn mặt lạnh lùng khi nói với tôi rằng anh ta vừa cho thôi việc lần thứ tư vị trí trợ lý thứ hai. Anh ta nói tất cả bọn họ đều có hồ sơ tốt hơn tôi, nhưng đều rất lười và không đáng tin. Rồi anh ta dừng lại và nói anh ta có thể thấy rằng tôi khác thế.

“Cô có vẻ thật thà về bản thân,” anh ta nói. “Và tôi thích chuyện cô đến từ Pittsburgh. Miền đất chân thực, tốt đẹp ấy, Pittsburgh.”

Tôi cảm ơn anh ta, hé một nụ cười luôn- háo- hức- được- làm- việc.

Frank mỉm cười lại và nói, “Công việc này dành cho cô. Chỉ cần chuyên cần đi làm hàng ngày, đúng giờ, chúng ta sẽ tiến triển tốt thôi.”

Vậy là tôi chỉ cần làm đúng thế. Đến chỗ làm hằng ngày trong suốt hai năm sau đó. Tôi vui vẻ hài lòng làm theo các yêu cầu của Frank và trợ lý thứ nhất của anh ta, một phụ nữ lớn tuổi thông minh tên là Marguerite. Frank và Marguerite là những người tài giỏi, giàu sức sáng tạo nên tôi nhanh chóng nắm bắt được mọi chi tiết công việc. Tôi đảm bảo chứng nhận bảo hiểm cho những bức ảnh lớn – đôi khi thậm chí còn thuê đến cảnh sát. Tôi xử lý việc thuê mướn thiết bị, lắp đặt đèn chiếu sáng và đèn chớp dưới con mắt quan sát tỉ mẩn của Frank, nhiều khi bắt đầu ngày làm việc từ lúc trời còn tờ mờ đất. Tôi tua phim (vào ngày tôi thôi làm, Frank nói anh ta chưa bao giờ thấy ai tua phim nhanh đến thế, đó dường như là lời khen ngợi tột bậc) và phải đọc máy đo ánh sáng thực sự đến mấy ngàn lần. Tóm lại, tôi học tỉ mỉ vô khối thứ về nhiếp ảnh thương mại, trong khi đó mỗi lúc một tự tin hơn rằng ngày nào đấy tôi sẽ sải bước trên đôi chân của chính mình.

Và cuộc sống của tôi đang diễn ra như vậy ngày Andy đến với tôi.

Người ta vẫn nói rằng thời gian là tất cả, và khi nhìn lại, tôi thấy mình thật sự là tín đồ cuồng tín của lý thuyết này. Nếu Andy ngỏ lời hò hẹn với tôi sớm hơn thời điểm đó một chút, tôi có thể đã xem lời mời ấy như một thủ đoạn tội nghiệp, một trò Margot đã nhờ anh thực hiện. Tôi hẳn sẽ nói không một cách thẳng thừng, và vì Andy không hoàn toàn là một anh chàng năng nổ, chuyện có lẽ sẽ dừng lại ở đó. Và, quan trọng hơn, tôi hẳn sẽ không có thời gian để chen thêm người vào giữa những anh chàng linh tinh, vớ vẩn nhưng vẫn vô cùng quan trọng để giúp tôi phục hồi, những gã hầu như chỉ kéo dài được một đôi buổi hẹn.

Nhưng nếu anh ra tay muộn hơn chút nữa, tôi có thể đã trở thành một người hoài nghi – một điều thực sự khó khăn đối với phụ nữ sắp sang tuổi ba mươi, nhưng là điều tôi cảm thấy dứt khoát có thể xảy ra. Hoặc tôi có thể đã bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc với ai đó khác – có thể lại một ai đó giống Leo vì người ta vẫn nói ta thường hẹn hò với cùng một típ người, hết lần này sang lần khác. Hoặc tôi có thể đã trở nên quá đắm chìm trong công việc.

Thay vào đó, tôi vẫn lạc quan, bằng lòng với những gì mình có, sống tự lập, và ổn định hết mức so với khả năng khi ta còn trẻ, độc thân và sống trong một thành phố lốn. Tôi vẫn day dứt chuyện Leo (và “đổ vỡ đến từ đâu”) nhiều hơn nhiều so với những gì tôi có thể thừa nhận với bất kỳ ai – thậm chí với chính mình, và ý nghĩ về Leo vẫn có thể dừng chân tôi trên lối đời mình, xé nát trái tim tôi, siết chặt lồng ngực của tôi. Nhưng tôi đã học được cách điều khiển các cảm xúc, chia ngăn cho chúng. Phần tồi tệ nhất của nỗi đau này đã xuôi dòng theo thời gian, như vẫn luôn thế, với tất cả mọi người. Tôi hầu như đã nghĩ về Leo đúng với vai trò của anh ta – một người tình cũ không bao giờ trở lại, và tôi nghĩ về tôi như một ngừơi phụ nữ đã lớn khôn hơn, hoàn thiện hơn từ khi mất anh ta. Nói cách khác, tôi đã chín muồi cho một mối quan hệ mới, một người đàn ông tốt hơn.

Tôi đã sẵn sàng với Andy.

Bình luận