Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn A.p. Chekhov

Hai Người Đẹp

Tác giả: Anton Chekhov


 

 

I.

TÔI CÒN NHỚ khi tôi còn học lớp V hay lớp VI ở trường trung học, tôi cùng với ông tôi đi từ làng Bôlsôiê Krépkôiê vùng sông Đông lên thành phố Rôxtốp trên sông Đông. Hôm ấy là một ngày tháng Tám oi nồng, mệt nhọc và buồn tẻ. Vì nóng bức, vì những cơn gió nóng khô ran lùa những đám bụi vào mặt, chúng tôi ai nấy mắt đều díp lại, cổ họng khô khốc; không còn muốn nhìn, muốn nói chuyện hay nghĩ ngợi gì nữa, và khi gã đánh xe Kácpô, người Ucraina đang gà gật ngủ quất roi vào ngựa, nhỡ vung quá tay về phía sau và để chạm roi vào mũ tôi, tôi cũng chẳng buồn cáu nữa, chẳng kêu một tiếng nào và chỉ sau khi tỉnh giấc mơ, mới mở mắt uể oải thoáng nhìn về phía xa: liệu qua lớp bụi đường này có trông thấy làng nào không? Chúng tôi dừng lại cho ngựa ăn ở một làng rất to của người Ácmêni – làng Bakhơsi-Xalakhơ – tại nhà một người Ácmêni giàu có mà ông tôi có quen. Trong đời, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người nào lại có dáng vẻ khôi hài hơn cái ông Ácmêni ấy. Hãy hình dung một cái đầu nhỏ tí húi trọc, cặp lông mày rậm rì nhíu lại thấp xuống, mũi diều hâu, bộ râu mép dài bạc trắng và cái mồm rộng ngoác lúc nào cũng ngậm một cái tẩu dài bằng gỗ anh đào; cái đầu ấy gắn một cách vụng về vào cái mình gầy guộc lưng khòm, ăn vận theo một kiểu kỳ lạ: một chiếc áo ngắn mặc ngoài màu đỏ có đuôi tôm và một chiếc quần màu xanh da trời rộng thùng thình; ông ta đi khệnh khệnh khạng khạng, hai chân dạng ra, kéo đôi giày lệt xệt, nói năng thì vẫn không bỏ cái tẩu trong mồm ra và đối xử theo một kiểu tự trọng thuần túy Ácmêni: không cười, cặp mắt nhìn trố ra và cố gắng càng ít chú ý đến khách càng tốt.

Trong nhà người Ácmêni không có qua một chút gió, chút bụi nào, nhưng ở đấy cũng khó chịu, oi nồng và buồn tẻ như ngoài thảo nguyên trên đường đi lúc nãy. Tôi còn nhớ, người đầy bụi bặm và mệt lử vì trời oi bức, tôi ngồi thu lại ở góc nhà trên một cái hòm gỗ màu xanh. Những bức tường bằng gỗ để mộc, bàn ghế giường tủ, sàn nhà quét màu vàng… – tất cả đều bốc ra mùi gỗ khô sạm nắng dưới ánh mặt trời. Nhìn phía nào cũng thấy ruồi bay, ruồi bay… Ông tôi và ông bạn người Ácmêni nói chuyện rì rầm với nhau về công việc chăn nuôi gia súc, về ruộng bỏ hóa, về đàn cừu… Tôi biết rằng ấm trà sẽ đun trong vòng một giờ đồng hồ, rằng ông tôi sẽ ngồi nhấm nháp uống trà ít ra cũng phải đến một tiếng nữa, rồi sau đó nằm ngủ trưa khoảng hai, ba giờ đồng hồ, rằng như vậy là tôi sẽ phải mất đi một phần tư ngày, để chờ đợi và tiếp đấy là lại oi bức, bụi bậm, đường xóc. Tôi nghe tiếng rì rầm hai người nói chuyện và tôi bắt đầu cảm thấy rằng ông già Ácmêni kia, cùng với cái chạn để bát đũa, rồi ruồi bay và các khung cửa sổ mặt trời thiêu đốt đang xói vào kia… – tất cả những cái ấy tôi đã nhìn thấy từ rất lâu, và sẽ chỉ thôi không nhìn thấy nữa vào một tương lai xa lắc xa lơ, và cả người tôi tràn ngập một sự căm ghét đối với thảo nguyên, mặt trời, ruồi nhặng…

Người Ucraina đầu trùm khăn bưng một khay cốc chén lên, sau đó bưng tiếp chiếc ấm trà. Ông già Ácmêni dềnh dàng bước ra phòng ngoài và cất giọng gọi:

– Masia(1)! Lên pha trà đi! Mày đâu rồi! Masia!

Nghe tiếng những chân bước vội, rồi một cô gái chừng mười sáu tuổi đi vào phòng, mặc chiếc váy áo thường in hoa, trùm một chiếc khăn nhỏ màu trắng. Lúc rửa cốc chén và pha trà, cô gái đứng quay lưng về phía tôi, và tôi chỉ nhận thấy rằng thân mình cô mảnh dẻ, đi chân không và đôi gót nhỏ để trần loáng thoáng đằng sau gấu quần trễ xuống.

Ông chủ nhà mời tôi uống trà. Khi ngồi xuống bàn, tôi nhìn vào mặt người con gái đưa cốc trà cho tôi và bất chợt tôi cảm thấy như có một luồng gió nào chạy khắp người tôi và cuốn đi tất cả những ấn tượng của một ngày buồn tẻ và bụi bặm. Tôi nhìn thấy những nét kỳ diệu ở một gương mặt đẹp nhất mà tôi đã từng được thấy trong mơ và ngoài đời. Trước mặt tôi là một người con gái đẹp và tôi nhận ra điều đó ngay từ cái nhìn đầu tiên như nhận ra một ánh chớp.

Tôi sẵn sàng thề rằng Masa, hay như bố cô vẫn gọi là Masia, là một người con gái tuyệt đẹp, nhưng tôi không sao chứng minh được điều đó. Đôi lúc có những đám mây lớp lớp ken nhau bao phủ ở chân trời và mặt trời khuất đằng sau nhuộm những đám mây và cả bầu trời thành nhiều màu sắc khác nhau: màu đỏ rực, màu da cam, vàng óng, tím ngắt, thẫm hồng; đám mây này thì giống hình ông thầy tu, đám mây kia thì giống hình con cá, đám mây khác nữa lại giống hình người Thổ Nhĩ Kỳ đội khăn đóng. Ráng ngũ sắc chạy dài đến một phần ba bầu trời, lấp lánh trên cây thánh giá nơi đỉnh tháp nhà thờ, phản chiếu qua những kính cửa sổ nhà giàu, soi rõ trên mặt sông hay đầm nước, rung rinh trên những ngọn cây cao; trên nền trời chiều xa tít tắp in rõ hình đàn vịt trời nào đó bay đi tìm chỗ ngủ… Cả cậu bé đang xua bò, cả ông trắc điền ngồi trên xe ngựa đi qua đập nước và mấy ông nhà giàu đang dạo chơi, tất cả đều nhìn về phía ráng mặt trời, mọi người đều nhận rằng nó thật đẹp nhưng không một ai biết và nói được rằng vẻ đẹp ấy ở chỗ nào.

Không phải chỉ có một mình tôi thấy cô gái Ácmêni là đẹp. Ông tôi, một ông già tám mươi tuổi, một người vốn khắc khổ, nghiêm nghị, thường dửng dưng với phụ nữ và các vẻ đẹp của thiên nhiên cũng trìu mến nhìn Masa một lúc và hỏi:

– Có phải con gái ông đây không, ông Avét Nadarứts?

– Con gái. Đây là con gái tôi… – ông chủ nhà trả lời.

– Tiểu thư xinh quá, – ông tôi khen.

Người họa sĩ sẽ gọi vẻ đẹp của cô gái Ácmêni là một vẻ đẹp cổ điển và hoàn thiện. Đó chính là vẻ đẹp mà khi ngắm nó, trời mà biết được vì lẽ gì, anh sẽ tin chắc rằng anh đang nhìn thấy những nét chính xác, rằng mái tóc, đôi mắt, mũi, miệng, cổ, ngực và mọi cử động của tấm thân trẻ trung ấy đều hợp lại thành một thể hài hòa toàn vẹn mà trong đó thiên nhiên không hề phạm sơ suất ở một nét nhỏ nào; không hiểu vì sao anh sẽ cảm thấy rằng một người phụ nữ đẹp lý tưởng thì phải có cái mũi thẳng và cao cao như mũi của Masa, cặp mắt to và đen như thế, đôi lông mi dài như thế, cái nhìn thẫn thờ như thế, rằng những món tóc đen lượn sóng và đôi lông mày của cô gái lại hòa hợp đến như thế, với màu da trắng trẻo mềm mại trên trán và má như cây sậy xanh tươi hòa nhịp với một dòng sông nhỏ yên lặng; cái cổ trắng ngà của Masa và bộ ngực của cô thật nhỏ nhắn xinh xắn, nhưng để có thể tạc nên được như thế, cần phải có một tài năng sáng tạo phi thường. Nếu anh nhìn Masa dần dần anh sẽ thấy khát khao muốn nói với cô gái một điều gì êm dịu khác thường, một điều gì thật chân thành và đẹp đẽ như chính cô gái.

Thoạt đầu tôi thấy giận hờn và xấu hổ rằng Masa không để ý chút nào đến tôi và luôn luôn cúi đầu nhìn xuống; có một màn không khí nào vừa lạ lùng vừa đầy hạnh phúc và kiêu hãnh đã ngăn cách cô gái với tôi và cố che cái nhìn của tôi.

“Điều đó là do người ta đầy bụi bặm, – tôi nghĩ, – ta bị sạm nắng, và do ta hãy còn là một cậu bé con”.

Nhưng rồi sau đó dần dần tôi quên đi chính bản thân mình, và cả người tôi ngợp trong một cảm giác về cái đẹp. Tôi đã không còn nhớ đến cái buồn tẻ trên thảo nguyên, đến những lớp bụi đường bay mù, không nghe thấy tiếng ruồi bay vo vo, không nhận ra mùi vị nước chè nữa mà chỉ còn cảm thấy rằng bên kia chiếc bàn tôi ngồi có một cô gái xinh đẹp đang đứng đấy.

Tôi nhìn ngắm vẻ đẹp đó với một cảm giác là lạ thế nào ấy. Hình ảnh Masa không gợi lên trong tôi một khát vọng, một niềm say mê hay một khoái cảm nào, mà đem đến cho tôi một nỗi buồn nằng nặng cho dù là dịu ngọt. Nỗi buồn này thật mơ hồ và mông lung như một giấc mơ. Không hiểu sao, lúc ấy tôi vừa thấy tiếc cả cho mình, cả cho ông tôi, ông già Ácmêni và chính cô gái nữa; tôi có cảm giác rằng hình như cả bốn người đều vừa đánh mất một cái gì hệ trọng và cần thiết cho cuộc sống, một cái gì mà không bao giờ chúng tôi có thể tìm được nữa. Ông tôi cũng ra chiều buồn bã. Ông không còn nói chuyện về ruộng bỏ hóa, về đàn cừu, mà im lặng nhìn Masa một cách đăm chiêu.

Sau lúc uống trà ông tôi đi nằm ngủ, còn tôi thì bước ra khỏi nhà và ngồi ngoài thềm. Như mọi nhà ở Bakhơsi-Xalakhơ ngôi nhà này cũng đang bị thiêu nóng dưới ánh mặt trời, không có một cái cây nào, một mái hiên hay một bóng râm. Cái sân rộng trước nhà ông già Ácmêni mọc đầy cỏ dại mặc dầu dưới trời nóng cháy quang cảnh vẫn nhộn nhịp và vui vẻ. Đằng sau một bờ giậu thấp ngăn một phần cái sân rộng người ta đang đập lúa mì. Chung quanh một cái cột chôn xuống chính giữa sân, mười hai con ngựa dóng lại hàng một thành một đường kính kéo ngang. Bên cạnh chúng là một người Ucraina làm công đi đi lại lại, mặc áo khoác ngoài dài cộc tay và chiếc quần ống rộng thùng thình, anh ta luôn tay vút roi xuống và quát to bằng cái giọng hệt như đang muốn chọc tức lũ ngựa và tự đắc vì quyền lực của mình đối với chúng:

– A-a-a, cái lũ mất dạy này! A-a-a… Trời đánh không chết hả! Liệu hồn đấy!

Những con ngựa màu hung nâu, màu trắng, hay đốm khoang, không thể hiểu vì sao người ta lại bắt chúng cứ phải chạy quanh mãi một chỗ và giẫm nát đống rơm lúa mì, chúng miễn cưỡng chạy uể oải và vung vẩy cái đuôi như tỏ nỗi giận dỗi. Từ dưới chân lũ ngựa, gió cuốn tung những đám trấu vàng bay mù lên qua hàng giậu. Gần những đống rơm mới, cao, có mấy bà cầm cào đi lững thững, mấy chiếc xe bò lăn bánh, và đằng sau những đống rơm ấy, trong một cái sân khác cũng có chừng ấy con ngựa như thế đang chạy vòng quanh cái cột và cũng lại có người Ucraina làm công na ná như thế đang vút mạnh roi và trêu giễu lũ ngựa.

Bậc thềm tôi ngồi nóng ran; trên hàng lan can bằng gỗ và khung cửa sổ lác đác thấy nhựa rỉ ra vì trời nóng; dưới thềm và dưới cánh bịt cửa sổ những con bọ nhỏ màu hung đỏ cụm lại với nhau trong dải bóng râm. Mặt trời chiếu như thiêu như đốt lên đầu, lên ngực, lên lưng tôi, nhưng tôi không để ý gì đến điều ấy, tôi chỉ cảm thấy một điều rằng nơi phòng ngoài và ở các phòng trong nhà có tiếng đôi chân trần đang đi lại trên nền nhà lát gỗ. Thu dọn cốc chén vào khay, Masa chạy nhanh qua bậc thềm làm gió phả vào người tôi, rồi như một con chim, cô gái đi vút xuống phía một căn nhà nhỏ ám khói; chắc là nhà bếp, từ dưới ấy sực lên mùi thịt cừu nướng và nghe rõ ai đang nói tiếng Ácmêni đầy cáu kỉnh. Cô gái biến mất sau cánh cửa màu sẫm, và thế vào cô, trên bậu cửa hiện ra một bà lão Ácmêni mặt đỏ gay, lưng còng mặc quần rộng ống màu xanh lá cây. Bà lão cáu giận và làu bàu chửi rủa ai. Một lát sau Masa lại hiện ra trên ngưỡng cửa, mặt đỏ bừng vì bếp nóng, cô vác trên vai một cái bánh mì đen rất to; hơi cúi nghiêng mình rất đẹp dưới sức nặng của chiếc bánh, cô gái chạy qua sân đến chỗ đập lúa, bước qua hàng giậu, lẫn vào trong đám bụi trấu vàng óng, rồi khuất mất đằng sau mấy chiếc xe bò. Người Ucraina làm công đang xua lũ ngựa, hạ roi xuống, thôi không nói nữa và đăm đăm nhìn về phía mấy chiếc xe, sau đó, khi cô gái Ácmêni lại loáng thoáng hiện ra gần đàn ngựa và nhảy qua hàng giậu, anh ta đưa mắt nhìn theo cô gái rồi quay sang quát bầy ngựa bằng cái giọng như đang rất buồn bực:

– Cho mày chết dấp đi, đồ quỷ ạ!

Sau đó lúc nào tôi cũng nghe thấy tiếng chân không của cô gái, cũng nhìn thấy cô gái chạy qua chạy lại trong sân với vẻ mặt nghiêm trang đầy lo âu. Lúc thì cô gái chạy qua bậc thềm, phả gió vào người tôi, lúc thì chạy xuống bếp, đến chỗ đập lúa mì, ra ngoài cổng, và tôi cứ phải quay đầu luôn luôn mới kịp nhìn theo cô gái.

Cô gái với vẻ đẹp kỳ diệu càng xuất hiện nhiều lần hơn trước mắt tôi, thì nỗi buồn trong tôi càng thêm thấm thía. Tôi cảm thấy thương cho mình, cho cô gái, cho người Ucraina làm công lần nào cũng buồn rầu đưa mắt nhìn theo cô gái, khi cô chạy qua đám bụi trấu đến chỗ mấy chiếc xe bò. Không biết có phải tôi đã ghen tị với sắc đẹp của cô, hay là tôi tiếc rằng cô gái ấy không phải của tôi, và mãi mãi sau này cũng chẳng bao giờ là của tôi, rằng đối với cô gái tôi là một người xa lạ, hay là tôi mơ hồ cảm thấy sắc đẹp kỳ lạ của cô là một điều tình cờ, không cần thiết, và ngắn ngủi như tất cả mọi thứ trên trái đất này, hay là có thể rằng nỗi buồn của tôi chính là cảm giác đặc biệt đến với mỗi người khi được ngắm nhìn một cái đẹp hoàn thiện, có trời mà biết được!…

Ba giờ chờ đợi đã trôi qua lúc nào không hay. Tôi tưởng rằng tôi chưa kịp nhìn ngắm Masa, thì anh xà ích Kácpô đã đi đến bờ sông, tắm rửa cho ngựa và bây giờ đã bắt đầu thắng ngựa vào xe. Con ngựa mình ướt đẫm khoái chí thở phì phì và đập móng vào càng xe. Kácpô quát ngựa “qu-uay lại!” Ông tôi tỉnh dậy. Masa kéo mở cánh cổng ra cho chúng tôi, cánh cổng kêu lên kèn kẹt, chúng tôi ngồi lên xe và đi khỏi sân. Không ai nói gì cả, hệt như chúng tôi đang giận nhau.

Khoảng hai, ba giờ đồng hồ sau khi Rôxtốp trên sông Đông và Nakhisevan đã thấp thoáng hiện ra từ phía xa, anh xà ích Kácpô từ nãy đến giờ vẫn ngồi im, bỗng ngoái nhìn lại rất nhanh và nói:

– Ồ, bà lão Ácmêni có cô con gái xinh thật!

Và Kácpô vút mạnh roi xuống ngựa.

 

II.

MỘT LẦN KHÁC, khi đã là một sinh viên, tôi đi tàu xuống phía Nam. Dạo ấy là tháng Năm. Đến một ga nhỏ đâu vào khoảng giữa Bengôrốt và Kharcốp, tôi bước ra khỏi toa và đi dạo trên sân ga.

Bóng chiều đã đổ xuống trên sân ga, trên chiếc vườn nhỏ bên cạnh và cánh đồng chung quanh; nhà ga che khuất ánh mặt trời chiều, nhưng nhìn lên những làn khói tàu bay cao nhuộm một màu hồng dịu, thì có thể thấy rõ ràng mặt trời hãy còn chưa lặn hẳn.

Lúc đi đi lại lại trên sân ga, tôi nhận thấy phần lớn những hành khách đi dạo chỉ quanh quẩn bên cạnh một toa tàu hạng hai, với vẻ mặt như là họ đang được nhìn thấy ở đấy một nhân vật đầy vai vế nào. Trong số những người hiếu kỳ mà tôi gặp ở bên toa tàu ấy, cũng có cả anh bạn đồng hành của tôi, một sĩ quan pháo binh, một chàng trai trẻ thông minh, cởi mở và đáng yêu như tất cả những ai mà chúng ta vẫn thường tình cờ làm quen chốc lát trên đường đi.

– Anh nhìn gì đấy? – tôi hỏi.

Anh ta không trả lời gì và chỉ đưa mắt ra hiệu cho tôi nhìn về phía một người phụ nữ. Đó là một cô gái còn trẻ, chừng mười bảy, mười tám tuổi, ăn vận theo kiểu Nga, đầu để trần, chiếc áo ngoài ngắn không có ống tay vắt qua quít trên một bên vai, chắc cô gái không phải là hành khách mà có thể là con gái hay là em ông xếp ga. Cô gái đứng bên cạnh cửa sổ toa tàu, và nói chuyện với một bà hành khách đứng tuổi nào đấy. Trước khi tôi kịp tự giải thích cho mình biết rằng mình đang nhìn thấy gì thì một cảm giác lạ lùng đã bất ngờ choán hết lòng tôi như lần tôi dừng chân lại ở một làng người Ácmêni dạo nào.

Cô gái là một người đẹp tuyệt vời, và không một ai nghi ngờ gì điều đó cả, tôi cũng vậy và những người cùng tôi nhìn ngắm cô ta cũng vậy.

Nếu tả riêng từng nét như người ta vẫn thường làm, thì cô gái chỉ có một cái đẹp duy nhất là mái tóc dày hoe hoe vàng cuộn sóng đổ dài xuống, với một dải vải đen nhỏ buộc ngang trên đầu; những nét còn lại thì hoặc là không chính xác hoặc là rất thường. Không biết vì thói quen làm điệu hay vì bị cận thị, đôi mắt cô gái cứ hơi nheo nheo lại, mũi hơi hếch lên, miệng bé, đường nét nhìn nghiêng không nổi lắm, đôi vai nhỏ không cân xứng với lứa tuổi, tuy vậy cô gái vẫn để lại ấn tượng của một người đẹp thực sự, và lúc ngắm nhìn cô, tôi đã có thể tin chắc rằng một gương mặt Nga nào đó muốn được coi là đẹp không cần phải có những đường nét chính xác, hơn nữa, thậm chí nếu thế vào cái mũi hơi hênh hếch đó ta lại thay bằng một cái mũi khác chính xác và hoàn thiện về mặt tạo hình của cô gái Ácmêni dạo nào thì gương mặt cô gái đang đứng bên toa tàu kia sẽ mất đi hết vẻ đáng yêu.

Đứng nói chuyện bên cửa sổ, hơi co ro người lại vì hơi ấm lạnh buổi chiều, cô gái thỉnh thoảng lại quay nhìn chúng tôi, lúc thì chống nạnh, lúc thì đưa tay lên đầu sửa tóc, cười cười, nói nói, biểu lộ trên nét mặt khi thì sự ngạc nhiên, khi thì sợ hãi, và tôi không nhớ có một giây lát nào mà gương mặt, toàn thân cô gái lại ở dạng bình yên, bất động. Tất cả bí mật, huyền ảo trong vẻ đẹp của cô gái chính là ở sự đổi thay luôn luôn, ở cái nhìn thoáng nhanh về phía chúng tôi, ở sự hòa hợp giữa cái uyển chuyển tinh tế của những cử chỉ ấy với sự trẻ trung, tươi mát, với tâm hồn thanh khiết lộ rõ trong tiếng cười, giọng nói, ở cái vẻ yếu ớt mà chúng ta vẫn thường rất yêu nơi trẻ thơ, chim nhỏ, hươu non và cây xanh mới lớn.

Đây là vẻ đẹp như vẻ đẹp của một cánh bướm nhỏ uyển chuyển bay lượn trên khu vườn, một vẻ đẹp thật hòa hợp với tiếng cười vui vẻ thanh thản không chút nào gợi nhớ đến những suy tư nặng nề, những nỗi buồn bình lặng; tưởng như rằng chỉ cần một cơn gió nhỏ bay qua trên sân ga hay một làn mưa rơi xuống là cũng đủ làm thân hình thanh mảnh kia héo đi và vẻ đẹp mong manh ấy rụng xuống như chút bụi phấn hoa.

– Chậc… – anh chàng sĩ quan cất tiếng thở dài, khi mọi người trở về toa mình ngồi sau hồi chuông thứ hai.

Còn cái tiếng “chậc” ấy nghĩa là gì thì tôi sẽ không bàn đến.

Có thể là anh ta cảm thấy buồn rầu và không muốn đi khỏi chỗ người đẹp, không muốn đi từ một buổi chiều tối mùa xuân vào trong toa tàu oi bức, hay là có thể rằng anh ta cũng như tôi đều mơ hồ thấy tiếc cho người đẹp, cho mình, cho tất cả những hành khách đang uể oải và miễn cưỡng lê chân về toa tàu mình ngồi. Đi qua chỗ cửa sổ phòng làm việc nhà ga nơi có một người điện báo viên tóc xoăn cao màu hung đang ngồi bên máy, vẻ mặt nhợt nhạt, hai gò má nhô lên, viên sĩ quan thở dài và nói:

– Tôi đánh cuộc với anh rằng anh chàng điện báo viên này đang phải lòng cô gái xinh đẹp kia. Giữa đồng không mông quạnh này mà lại ở chung dưới một mái nhà với một “tòa thiên nhiên” như thế và không mê mệt đi vì vẻ đẹp đó thì thật là vượt quá sức chịu đựng của con người. Anh bạn tôi này, sẽ thật là bất hạnh, thật là trớ trêu biết bao nếu một người lòm khòm vai so, đầu bù, tẻ nhạt, đứng đắn và không đến nỗi ngu độn như thế lại đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp và hơi đần đần – còn cô ta thì không mảy may để ý đến anh kia! Hay là còn tệ hơn thế nữa: anh thử tưởng tượng xem rằng anh chàng điện báo viên này phải lòng cô gái, nhưng trong lúc ấy anh ta lại đã có vợ và vợ anh ta cũng là một người so vai lưng gù, đầu bù tóc rối và đứng đắn, nghiêm trang như chính anh ta… Thật là cả một sự đầy ải!

Gần toa tàu chúng tôi, một nhân viên hỏa xa đứng tựa tay vào bờ rào sân ga và nhìn về phía cô gái đẹp, bộ mặt xì xị hốc hác, quá no nê và mệt mỏi vì những đêm mất ngủ, vì tàu lắc lộ rõ vẻ dịu dàng và một nỗi buồn sâu xa, dường như hình ảnh cô gái gợi lại thời trẻ trung của ông, gợi lại niềm hạnh phúc, những gì khỏe khoắn, trong sạch, làm ông nghĩ đến vợ đến con, dường như ông đang ân hận và cảm thấy trên từng đường gân mạch máu mình rằng cô gái kia không phải của ông, rằng với cái già nua trước tuổi, sự vụng về và bộ mặt xì xị của ông, ông ở cách xa bao nhiêu – xa như đến tận trời – đối với niềm hạnh phúc hết sức bình thường mà những người hành khách kia vừa được hưởng.

Hồi chuông thứ ba vang lên, có tiếng còi rít lên và đoàn tàu uể oải chuyển bánh. Qua khung cửa sổ chúng tôi, lần lượt thoáng qua hình dáng người nhân viên hỏa xa, ông trưởng ga, tiếp đó là mảnh vườn nhỏ rồi đến cô gái xinh đẹp với nụ cười diệu kỳ trẻ thơ thanh khiết nở trên môi…

Tôi nhoài người ra ngoài cửa sổ, ngoái đầu nhìn lại và thấy cô gái đưa mắt trông theo đoàn tàu vừa đi trên sân ga, qua phía cửa sổ người điện báo viên ngồi, cô gái đưa tay lên sửa mái tóc rồi chạy vào khu vườn. Nhà ga không còn ngăn tầm mắt nhìn về phía Tây nữa, cánh đồng trải rộng ra, nhưng mặt trời đã lặn, và những làn khói đen tỏa nhẹ trên những thửa ruộng mạ non lên xanh mịn như nhung. Có cái gì buồn buồn trong làn không khí mùa xuân, trong bầu trời đang ngả sang màu tối sẫm và trong toa tàu.

Người nhân viên hỏa xa lúc nãy bước vào trong toa và lần lượt châm các ngọn nến lên.

 

___________

1. Tên Masa gọi chệch đi theo thổ âm của người Ácmêni.

 

 

I.

TÔI CÒN NHỚ khi tôi còn học lớp V hay lớp VI ở trường trung học, tôi cùng với ông tôi đi từ làng Bôlsôiê Krépkôiê vùng sông Đông lên thành phố Rôxtốp trên sông Đông. Hôm ấy là một ngày tháng Tám oi nồng, mệt nhọc và buồn tẻ. Vì nóng bức, vì những cơn gió nóng khô ran lùa những đám bụi vào mặt, chúng tôi ai nấy mắt đều díp lại, cổ họng khô khốc; không còn muốn nhìn, muốn nói chuyện hay nghĩ ngợi gì nữa, và khi gã đánh xe Kácpô, người Ucraina đang gà gật ngủ quất roi vào ngựa, nhỡ vung quá tay về phía sau và để chạm roi vào mũ tôi, tôi cũng chẳng buồn cáu nữa, chẳng kêu một tiếng nào và chỉ sau khi tỉnh giấc mơ, mới mở mắt uể oải thoáng nhìn về phía xa: liệu qua lớp bụi đường này có trông thấy làng nào không? Chúng tôi dừng lại cho ngựa ăn ở một làng rất to của người Ácmêni – làng Bakhơsi-Xalakhơ – tại nhà một người Ácmêni giàu có mà ông tôi có quen. Trong đời, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người nào lại có dáng vẻ khôi hài hơn cái ông Ácmêni ấy. Hãy hình dung một cái đầu nhỏ tí húi trọc, cặp lông mày rậm rì nhíu lại thấp xuống, mũi diều hâu, bộ râu mép dài bạc trắng và cái mồm rộng ngoác lúc nào cũng ngậm một cái tẩu dài bằng gỗ anh đào; cái đầu ấy gắn một cách vụng về vào cái mình gầy guộc lưng khòm, ăn vận theo một kiểu kỳ lạ: một chiếc áo ngắn mặc ngoài màu đỏ có đuôi tôm và một chiếc quần màu xanh da trời rộng thùng thình; ông ta đi khệnh khệnh khạng khạng, hai chân dạng ra, kéo đôi giày lệt xệt, nói năng thì vẫn không bỏ cái tẩu trong mồm ra và đối xử theo một kiểu tự trọng thuần túy Ácmêni: không cười, cặp mắt nhìn trố ra và cố gắng càng ít chú ý đến khách càng tốt.

Trong nhà người Ácmêni không có qua một chút gió, chút bụi nào, nhưng ở đấy cũng khó chịu, oi nồng và buồn tẻ như ngoài thảo nguyên trên đường đi lúc nãy. Tôi còn nhớ, người đầy bụi bặm và mệt lử vì trời oi bức, tôi ngồi thu lại ở góc nhà trên một cái hòm gỗ màu xanh. Những bức tường bằng gỗ để mộc, bàn ghế giường tủ, sàn nhà quét màu vàng… – tất cả đều bốc ra mùi gỗ khô sạm nắng dưới ánh mặt trời. Nhìn phía nào cũng thấy ruồi bay, ruồi bay… Ông tôi và ông bạn người Ácmêni nói chuyện rì rầm với nhau về công việc chăn nuôi gia súc, về ruộng bỏ hóa, về đàn cừu… Tôi biết rằng ấm trà sẽ đun trong vòng một giờ đồng hồ, rằng ông tôi sẽ ngồi nhấm nháp uống trà ít ra cũng phải đến một tiếng nữa, rồi sau đó nằm ngủ trưa khoảng hai, ba giờ đồng hồ, rằng như vậy là tôi sẽ phải mất đi một phần tư ngày, để chờ đợi và tiếp đấy là lại oi bức, bụi bậm, đường xóc. Tôi nghe tiếng rì rầm hai người nói chuyện và tôi bắt đầu cảm thấy rằng ông già Ácmêni kia, cùng với cái chạn để bát đũa, rồi ruồi bay và các khung cửa sổ mặt trời thiêu đốt đang xói vào kia… – tất cả những cái ấy tôi đã nhìn thấy từ rất lâu, và sẽ chỉ thôi không nhìn thấy nữa vào một tương lai xa lắc xa lơ, và cả người tôi tràn ngập một sự căm ghét đối với thảo nguyên, mặt trời, ruồi nhặng…

Người Ucraina đầu trùm khăn bưng một khay cốc chén lên, sau đó bưng tiếp chiếc ấm trà. Ông già Ácmêni dềnh dàng bước ra phòng ngoài và cất giọng gọi:

– Masia(1)! Lên pha trà đi! Mày đâu rồi! Masia!

Nghe tiếng những chân bước vội, rồi một cô gái chừng mười sáu tuổi đi vào phòng, mặc chiếc váy áo thường in hoa, trùm một chiếc khăn nhỏ màu trắng. Lúc rửa cốc chén và pha trà, cô gái đứng quay lưng về phía tôi, và tôi chỉ nhận thấy rằng thân mình cô mảnh dẻ, đi chân không và đôi gót nhỏ để trần loáng thoáng đằng sau gấu quần trễ xuống.

Ông chủ nhà mời tôi uống trà. Khi ngồi xuống bàn, tôi nhìn vào mặt người con gái đưa cốc trà cho tôi và bất chợt tôi cảm thấy như có một luồng gió nào chạy khắp người tôi và cuốn đi tất cả những ấn tượng của một ngày buồn tẻ và bụi bặm. Tôi nhìn thấy những nét kỳ diệu ở một gương mặt đẹp nhất mà tôi đã từng được thấy trong mơ và ngoài đời. Trước mặt tôi là một người con gái đẹp và tôi nhận ra điều đó ngay từ cái nhìn đầu tiên như nhận ra một ánh chớp.

Tôi sẵn sàng thề rằng Masa, hay như bố cô vẫn gọi là Masia, là một người con gái tuyệt đẹp, nhưng tôi không sao chứng minh được điều đó. Đôi lúc có những đám mây lớp lớp ken nhau bao phủ ở chân trời và mặt trời khuất đằng sau nhuộm những đám mây và cả bầu trời thành nhiều màu sắc khác nhau: màu đỏ rực, màu da cam, vàng óng, tím ngắt, thẫm hồng; đám mây này thì giống hình ông thầy tu, đám mây kia thì giống hình con cá, đám mây khác nữa lại giống hình người Thổ Nhĩ Kỳ đội khăn đóng. Ráng ngũ sắc chạy dài đến một phần ba bầu trời, lấp lánh trên cây thánh giá nơi đỉnh tháp nhà thờ, phản chiếu qua những kính cửa sổ nhà giàu, soi rõ trên mặt sông hay đầm nước, rung rinh trên những ngọn cây cao; trên nền trời chiều xa tít tắp in rõ hình đàn vịt trời nào đó bay đi tìm chỗ ngủ… Cả cậu bé đang xua bò, cả ông trắc điền ngồi trên xe ngựa đi qua đập nước và mấy ông nhà giàu đang dạo chơi, tất cả đều nhìn về phía ráng mặt trời, mọi người đều nhận rằng nó thật đẹp nhưng không một ai biết và nói được rằng vẻ đẹp ấy ở chỗ nào.

Không phải chỉ có một mình tôi thấy cô gái Ácmêni là đẹp. Ông tôi, một ông già tám mươi tuổi, một người vốn khắc khổ, nghiêm nghị, thường dửng dưng với phụ nữ và các vẻ đẹp của thiên nhiên cũng trìu mến nhìn Masa một lúc và hỏi:

– Có phải con gái ông đây không, ông Avét Nadarứts?

– Con gái. Đây là con gái tôi… – ông chủ nhà trả lời.

– Tiểu thư xinh quá, – ông tôi khen.

Người họa sĩ sẽ gọi vẻ đẹp của cô gái Ácmêni là một vẻ đẹp cổ điển và hoàn thiện. Đó chính là vẻ đẹp mà khi ngắm nó, trời mà biết được vì lẽ gì, anh sẽ tin chắc rằng anh đang nhìn thấy những nét chính xác, rằng mái tóc, đôi mắt, mũi, miệng, cổ, ngực và mọi cử động của tấm thân trẻ trung ấy đều hợp lại thành một thể hài hòa toàn vẹn mà trong đó thiên nhiên không hề phạm sơ suất ở một nét nhỏ nào; không hiểu vì sao anh sẽ cảm thấy rằng một người phụ nữ đẹp lý tưởng thì phải có cái mũi thẳng và cao cao như mũi của Masa, cặp mắt to và đen như thế, đôi lông mi dài như thế, cái nhìn thẫn thờ như thế, rằng những món tóc đen lượn sóng và đôi lông mày của cô gái lại hòa hợp đến như thế, với màu da trắng trẻo mềm mại trên trán và má như cây sậy xanh tươi hòa nhịp với một dòng sông nhỏ yên lặng; cái cổ trắng ngà của Masa và bộ ngực của cô thật nhỏ nhắn xinh xắn, nhưng để có thể tạc nên được như thế, cần phải có một tài năng sáng tạo phi thường. Nếu anh nhìn Masa dần dần anh sẽ thấy khát khao muốn nói với cô gái một điều gì êm dịu khác thường, một điều gì thật chân thành và đẹp đẽ như chính cô gái.

Thoạt đầu tôi thấy giận hờn và xấu hổ rằng Masa không để ý chút nào đến tôi và luôn luôn cúi đầu nhìn xuống; có một màn không khí nào vừa lạ lùng vừa đầy hạnh phúc và kiêu hãnh đã ngăn cách cô gái với tôi và cố che cái nhìn của tôi.

“Điều đó là do người ta đầy bụi bặm, – tôi nghĩ, – ta bị sạm nắng, và do ta hãy còn là một cậu bé con”.

Nhưng rồi sau đó dần dần tôi quên đi chính bản thân mình, và cả người tôi ngợp trong một cảm giác về cái đẹp. Tôi đã không còn nhớ đến cái buồn tẻ trên thảo nguyên, đến những lớp bụi đường bay mù, không nghe thấy tiếng ruồi bay vo vo, không nhận ra mùi vị nước chè nữa mà chỉ còn cảm thấy rằng bên kia chiếc bàn tôi ngồi có một cô gái xinh đẹp đang đứng đấy.

Tôi nhìn ngắm vẻ đẹp đó với một cảm giác là lạ thế nào ấy. Hình ảnh Masa không gợi lên trong tôi một khát vọng, một niềm say mê hay một khoái cảm nào, mà đem đến cho tôi một nỗi buồn nằng nặng cho dù là dịu ngọt. Nỗi buồn này thật mơ hồ và mông lung như một giấc mơ. Không hiểu sao, lúc ấy tôi vừa thấy tiếc cả cho mình, cả cho ông tôi, ông già Ácmêni và chính cô gái nữa; tôi có cảm giác rằng hình như cả bốn người đều vừa đánh mất một cái gì hệ trọng và cần thiết cho cuộc sống, một cái gì mà không bao giờ chúng tôi có thể tìm được nữa. Ông tôi cũng ra chiều buồn bã. Ông không còn nói chuyện về ruộng bỏ hóa, về đàn cừu, mà im lặng nhìn Masa một cách đăm chiêu.

Sau lúc uống trà ông tôi đi nằm ngủ, còn tôi thì bước ra khỏi nhà và ngồi ngoài thềm. Như mọi nhà ở Bakhơsi-Xalakhơ ngôi nhà này cũng đang bị thiêu nóng dưới ánh mặt trời, không có một cái cây nào, một mái hiên hay một bóng râm. Cái sân rộng trước nhà ông già Ácmêni mọc đầy cỏ dại mặc dầu dưới trời nóng cháy quang cảnh vẫn nhộn nhịp và vui vẻ. Đằng sau một bờ giậu thấp ngăn một phần cái sân rộng người ta đang đập lúa mì. Chung quanh một cái cột chôn xuống chính giữa sân, mười hai con ngựa dóng lại hàng một thành một đường kính kéo ngang. Bên cạnh chúng là một người Ucraina làm công đi đi lại lại, mặc áo khoác ngoài dài cộc tay và chiếc quần ống rộng thùng thình, anh ta luôn tay vút roi xuống và quát to bằng cái giọng hệt như đang muốn chọc tức lũ ngựa và tự đắc vì quyền lực của mình đối với chúng:

– A-a-a, cái lũ mất dạy này! A-a-a… Trời đánh không chết hả! Liệu hồn đấy!

Những con ngựa màu hung nâu, màu trắng, hay đốm khoang, không thể hiểu vì sao người ta lại bắt chúng cứ phải chạy quanh mãi một chỗ và giẫm nát đống rơm lúa mì, chúng miễn cưỡng chạy uể oải và vung vẩy cái đuôi như tỏ nỗi giận dỗi. Từ dưới chân lũ ngựa, gió cuốn tung những đám trấu vàng bay mù lên qua hàng giậu. Gần những đống rơm mới, cao, có mấy bà cầm cào đi lững thững, mấy chiếc xe bò lăn bánh, và đằng sau những đống rơm ấy, trong một cái sân khác cũng có chừng ấy con ngựa như thế đang chạy vòng quanh cái cột và cũng lại có người Ucraina làm công na ná như thế đang vút mạnh roi và trêu giễu lũ ngựa.

Bậc thềm tôi ngồi nóng ran; trên hàng lan can bằng gỗ và khung cửa sổ lác đác thấy nhựa rỉ ra vì trời nóng; dưới thềm và dưới cánh bịt cửa sổ những con bọ nhỏ màu hung đỏ cụm lại với nhau trong dải bóng râm. Mặt trời chiếu như thiêu như đốt lên đầu, lên ngực, lên lưng tôi, nhưng tôi không để ý gì đến điều ấy, tôi chỉ cảm thấy một điều rằng nơi phòng ngoài và ở các phòng trong nhà có tiếng đôi chân trần đang đi lại trên nền nhà lát gỗ. Thu dọn cốc chén vào khay, Masa chạy nhanh qua bậc thềm làm gió phả vào người tôi, rồi như một con chim, cô gái đi vút xuống phía một căn nhà nhỏ ám khói; chắc là nhà bếp, từ dưới ấy sực lên mùi thịt cừu nướng và nghe rõ ai đang nói tiếng Ácmêni đầy cáu kỉnh. Cô gái biến mất sau cánh cửa màu sẫm, và thế vào cô, trên bậu cửa hiện ra một bà lão Ácmêni mặt đỏ gay, lưng còng mặc quần rộng ống màu xanh lá cây. Bà lão cáu giận và làu bàu chửi rủa ai. Một lát sau Masa lại hiện ra trên ngưỡng cửa, mặt đỏ bừng vì bếp nóng, cô vác trên vai một cái bánh mì đen rất to; hơi cúi nghiêng mình rất đẹp dưới sức nặng của chiếc bánh, cô gái chạy qua sân đến chỗ đập lúa, bước qua hàng giậu, lẫn vào trong đám bụi trấu vàng óng, rồi khuất mất đằng sau mấy chiếc xe bò. Người Ucraina làm công đang xua lũ ngựa, hạ roi xuống, thôi không nói nữa và đăm đăm nhìn về phía mấy chiếc xe, sau đó, khi cô gái Ácmêni lại loáng thoáng hiện ra gần đàn ngựa và nhảy qua hàng giậu, anh ta đưa mắt nhìn theo cô gái rồi quay sang quát bầy ngựa bằng cái giọng như đang rất buồn bực:

– Cho mày chết dấp đi, đồ quỷ ạ!

Sau đó lúc nào tôi cũng nghe thấy tiếng chân không của cô gái, cũng nhìn thấy cô gái chạy qua chạy lại trong sân với vẻ mặt nghiêm trang đầy lo âu. Lúc thì cô gái chạy qua bậc thềm, phả gió vào người tôi, lúc thì chạy xuống bếp, đến chỗ đập lúa mì, ra ngoài cổng, và tôi cứ phải quay đầu luôn luôn mới kịp nhìn theo cô gái.

Cô gái với vẻ đẹp kỳ diệu càng xuất hiện nhiều lần hơn trước mắt tôi, thì nỗi buồn trong tôi càng thêm thấm thía. Tôi cảm thấy thương cho mình, cho cô gái, cho người Ucraina làm công lần nào cũng buồn rầu đưa mắt nhìn theo cô gái, khi cô chạy qua đám bụi trấu đến chỗ mấy chiếc xe bò. Không biết có phải tôi đã ghen tị với sắc đẹp của cô, hay là tôi tiếc rằng cô gái ấy không phải của tôi, và mãi mãi sau này cũng chẳng bao giờ là của tôi, rằng đối với cô gái tôi là một người xa lạ, hay là tôi mơ hồ cảm thấy sắc đẹp kỳ lạ của cô là một điều tình cờ, không cần thiết, và ngắn ngủi như tất cả mọi thứ trên trái đất này, hay là có thể rằng nỗi buồn của tôi chính là cảm giác đặc biệt đến với mỗi người khi được ngắm nhìn một cái đẹp hoàn thiện, có trời mà biết được!…

Ba giờ chờ đợi đã trôi qua lúc nào không hay. Tôi tưởng rằng tôi chưa kịp nhìn ngắm Masa, thì anh xà ích Kácpô đã đi đến bờ sông, tắm rửa cho ngựa và bây giờ đã bắt đầu thắng ngựa vào xe. Con ngựa mình ướt đẫm khoái chí thở phì phì và đập móng vào càng xe. Kácpô quát ngựa “qu-uay lại!” Ông tôi tỉnh dậy. Masa kéo mở cánh cổng ra cho chúng tôi, cánh cổng kêu lên kèn kẹt, chúng tôi ngồi lên xe và đi khỏi sân. Không ai nói gì cả, hệt như chúng tôi đang giận nhau.

Khoảng hai, ba giờ đồng hồ sau khi Rôxtốp trên sông Đông và Nakhisevan đã thấp thoáng hiện ra từ phía xa, anh xà ích Kácpô từ nãy đến giờ vẫn ngồi im, bỗng ngoái nhìn lại rất nhanh và nói:

– Ồ, bà lão Ácmêni có cô con gái xinh thật!

Và Kácpô vút mạnh roi xuống ngựa.

 

II.

MỘT LẦN KHÁC, khi đã là một sinh viên, tôi đi tàu xuống phía Nam. Dạo ấy là tháng Năm. Đến một ga nhỏ đâu vào khoảng giữa Bengôrốt và Kharcốp, tôi bước ra khỏi toa và đi dạo trên sân ga.

Bóng chiều đã đổ xuống trên sân ga, trên chiếc vườn nhỏ bên cạnh và cánh đồng chung quanh; nhà ga che khuất ánh mặt trời chiều, nhưng nhìn lên những làn khói tàu bay cao nhuộm một màu hồng dịu, thì có thể thấy rõ ràng mặt trời hãy còn chưa lặn hẳn.

Lúc đi đi lại lại trên sân ga, tôi nhận thấy phần lớn những hành khách đi dạo chỉ quanh quẩn bên cạnh một toa tàu hạng hai, với vẻ mặt như là họ đang được nhìn thấy ở đấy một nhân vật đầy vai vế nào. Trong số những người hiếu kỳ mà tôi gặp ở bên toa tàu ấy, cũng có cả anh bạn đồng hành của tôi, một sĩ quan pháo binh, một chàng trai trẻ thông minh, cởi mở và đáng yêu như tất cả những ai mà chúng ta vẫn thường tình cờ làm quen chốc lát trên đường đi.

– Anh nhìn gì đấy? – tôi hỏi.

Anh ta không trả lời gì và chỉ đưa mắt ra hiệu cho tôi nhìn về phía một người phụ nữ. Đó là một cô gái còn trẻ, chừng mười bảy, mười tám tuổi, ăn vận theo kiểu Nga, đầu để trần, chiếc áo ngoài ngắn không có ống tay vắt qua quít trên một bên vai, chắc cô gái không phải là hành khách mà có thể là con gái hay là em ông xếp ga. Cô gái đứng bên cạnh cửa sổ toa tàu, và nói chuyện với một bà hành khách đứng tuổi nào đấy. Trước khi tôi kịp tự giải thích cho mình biết rằng mình đang nhìn thấy gì thì một cảm giác lạ lùng đã bất ngờ choán hết lòng tôi như lần tôi dừng chân lại ở một làng người Ácmêni dạo nào.

Cô gái là một người đẹp tuyệt vời, và không một ai nghi ngờ gì điều đó cả, tôi cũng vậy và những người cùng tôi nhìn ngắm cô ta cũng vậy.

Nếu tả riêng từng nét như người ta vẫn thường làm, thì cô gái chỉ có một cái đẹp duy nhất là mái tóc dày hoe hoe vàng cuộn sóng đổ dài xuống, với một dải vải đen nhỏ buộc ngang trên đầu; những nét còn lại thì hoặc là không chính xác hoặc là rất thường. Không biết vì thói quen làm điệu hay vì bị cận thị, đôi mắt cô gái cứ hơi nheo nheo lại, mũi hơi hếch lên, miệng bé, đường nét nhìn nghiêng không nổi lắm, đôi vai nhỏ không cân xứng với lứa tuổi, tuy vậy cô gái vẫn để lại ấn tượng của một người đẹp thực sự, và lúc ngắm nhìn cô, tôi đã có thể tin chắc rằng một gương mặt Nga nào đó muốn được coi là đẹp không cần phải có những đường nét chính xác, hơn nữa, thậm chí nếu thế vào cái mũi hơi hênh hếch đó ta lại thay bằng một cái mũi khác chính xác và hoàn thiện về mặt tạo hình của cô gái Ácmêni dạo nào thì gương mặt cô gái đang đứng bên toa tàu kia sẽ mất đi hết vẻ đáng yêu.

Đứng nói chuyện bên cửa sổ, hơi co ro người lại vì hơi ấm lạnh buổi chiều, cô gái thỉnh thoảng lại quay nhìn chúng tôi, lúc thì chống nạnh, lúc thì đưa tay lên đầu sửa tóc, cười cười, nói nói, biểu lộ trên nét mặt khi thì sự ngạc nhiên, khi thì sợ hãi, và tôi không nhớ có một giây lát nào mà gương mặt, toàn thân cô gái lại ở dạng bình yên, bất động. Tất cả bí mật, huyền ảo trong vẻ đẹp của cô gái chính là ở sự đổi thay luôn luôn, ở cái nhìn thoáng nhanh về phía chúng tôi, ở sự hòa hợp giữa cái uyển chuyển tinh tế của những cử chỉ ấy với sự trẻ trung, tươi mát, với tâm hồn thanh khiết lộ rõ trong tiếng cười, giọng nói, ở cái vẻ yếu ớt mà chúng ta vẫn thường rất yêu nơi trẻ thơ, chim nhỏ, hươu non và cây xanh mới lớn.

Đây là vẻ đẹp như vẻ đẹp của một cánh bướm nhỏ uyển chuyển bay lượn trên khu vườn, một vẻ đẹp thật hòa hợp với tiếng cười vui vẻ thanh thản không chút nào gợi nhớ đến những suy tư nặng nề, những nỗi buồn bình lặng; tưởng như rằng chỉ cần một cơn gió nhỏ bay qua trên sân ga hay một làn mưa rơi xuống là cũng đủ làm thân hình thanh mảnh kia héo đi và vẻ đẹp mong manh ấy rụng xuống như chút bụi phấn hoa.

– Chậc… – anh chàng sĩ quan cất tiếng thở dài, khi mọi người trở về toa mình ngồi sau hồi chuông thứ hai.

Còn cái tiếng “chậc” ấy nghĩa là gì thì tôi sẽ không bàn đến.

Có thể là anh ta cảm thấy buồn rầu và không muốn đi khỏi chỗ người đẹp, không muốn đi từ một buổi chiều tối mùa xuân vào trong toa tàu oi bức, hay là có thể rằng anh ta cũng như tôi đều mơ hồ thấy tiếc cho người đẹp, cho mình, cho tất cả những hành khách đang uể oải và miễn cưỡng lê chân về toa tàu mình ngồi. Đi qua chỗ cửa sổ phòng làm việc nhà ga nơi có một người điện báo viên tóc xoăn cao màu hung đang ngồi bên máy, vẻ mặt nhợt nhạt, hai gò má nhô lên, viên sĩ quan thở dài và nói:

– Tôi đánh cuộc với anh rằng anh chàng điện báo viên này đang phải lòng cô gái xinh đẹp kia. Giữa đồng không mông quạnh này mà lại ở chung dưới một mái nhà với một “tòa thiên nhiên” như thế và không mê mệt đi vì vẻ đẹp đó thì thật là vượt quá sức chịu đựng của con người. Anh bạn tôi này, sẽ thật là bất hạnh, thật là trớ trêu biết bao nếu một người lòm khòm vai so, đầu bù, tẻ nhạt, đứng đắn và không đến nỗi ngu độn như thế lại đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp và hơi đần đần – còn cô ta thì không mảy may để ý đến anh kia! Hay là còn tệ hơn thế nữa: anh thử tưởng tượng xem rằng anh chàng điện báo viên này phải lòng cô gái, nhưng trong lúc ấy anh ta lại đã có vợ và vợ anh ta cũng là một người so vai lưng gù, đầu bù tóc rối và đứng đắn, nghiêm trang như chính anh ta… Thật là cả một sự đầy ải!

Gần toa tàu chúng tôi, một nhân viên hỏa xa đứng tựa tay vào bờ rào sân ga và nhìn về phía cô gái đẹp, bộ mặt xì xị hốc hác, quá no nê và mệt mỏi vì những đêm mất ngủ, vì tàu lắc lộ rõ vẻ dịu dàng và một nỗi buồn sâu xa, dường như hình ảnh cô gái gợi lại thời trẻ trung của ông, gợi lại niềm hạnh phúc, những gì khỏe khoắn, trong sạch, làm ông nghĩ đến vợ đến con, dường như ông đang ân hận và cảm thấy trên từng đường gân mạch máu mình rằng cô gái kia không phải của ông, rằng với cái già nua trước tuổi, sự vụng về và bộ mặt xì xị của ông, ông ở cách xa bao nhiêu – xa như đến tận trời – đối với niềm hạnh phúc hết sức bình thường mà những người hành khách kia vừa được hưởng.

Hồi chuông thứ ba vang lên, có tiếng còi rít lên và đoàn tàu uể oải chuyển bánh. Qua khung cửa sổ chúng tôi, lần lượt thoáng qua hình dáng người nhân viên hỏa xa, ông trưởng ga, tiếp đó là mảnh vườn nhỏ rồi đến cô gái xinh đẹp với nụ cười diệu kỳ trẻ thơ thanh khiết nở trên môi…

Tôi nhoài người ra ngoài cửa sổ, ngoái đầu nhìn lại và thấy cô gái đưa mắt trông theo đoàn tàu vừa đi trên sân ga, qua phía cửa sổ người điện báo viên ngồi, cô gái đưa tay lên sửa mái tóc rồi chạy vào khu vườn. Nhà ga không còn ngăn tầm mắt nhìn về phía Tây nữa, cánh đồng trải rộng ra, nhưng mặt trời đã lặn, và những làn khói đen tỏa nhẹ trên những thửa ruộng mạ non lên xanh mịn như nhung. Có cái gì buồn buồn trong làn không khí mùa xuân, trong bầu trời đang ngả sang màu tối sẫm và trong toa tàu.

Người nhân viên hỏa xa lúc nãy bước vào trong toa và lần lượt châm các ngọn nến lên.

 

___________

1. Tên Masa gọi chệch đi theo thổ âm của người Ácmêni.

Bình luận