Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn A.p. Chekhov

Những Người Đàn Bà

Tác giả: Anton Chekhov


TRONG LÀNG RAIBUS, đối diện với nhà thờ, là một ngôi nhà hai tầng lợp mái tôn, xây trên nền đá. Tầng dưới ngôi nhà là chỗ ở của chủ nhân cùng với gia đình – Philíp Ivanôvíts Kasin, mà người ta quen gọi là lão Điuđia, còn tầng trên, mùa hè rất nóng, mùa đông rất lạnh, thì dành làm nơi nghỉ chân cho các vị công chức, nhà buôn, địa chủ đi qua đây. Lão Điuđia thuê mấy khoảnh đất, mở một quán rượu ngoài đường cái, buôn đi bán lại cả nhựa thông, mật ong, cả súc vật lẫn chim ác là, nhờ thế mà lão gửi tám nghìn bạc vào nhà băng trên tỉnh.

Phêđor, con lớn của lão, làm thợ cả về ngành cơ khí tại một nhà máy và như dân làng nói, anh ta làm ăn phát tài to đến nỗi bây giờ khó mà đến gần anh ta được; vợ Phêđor là Xôphia, một người đàn bà xấu xí, ốm yếu, ở lại nhà với bố chồng, lúc nào cũng thấy khóc lóc và cứ chủ nhật hàng tuần là lại đi đến nhà thương chữa bệnh. Người con trai thứ hai của lão là Aliôska lưng hơi gù gù, anh ta ở nhà với bố. Cách đây ít lâu, lão cưới vợ cho anh ta là cô Varvara, con gái một gia đình nghèo; cô này trẻ, đẹp, khỏe mạnh và thích ăn diện. Khi có các vị viên chức hay lái buôn nghỉ lại nhà Điuđia, thì bọn họ bao giờ cũng đòi bằng được cô Varvara hầu trà và dọn giường ngủ cho họ.

Vào chập tối một ngày tháng Sáu, khi mặt trời đang lặn và không khí chung quanh thoang thoảng mùi cỏ khô, mùi phân súc vật còn hôi hổi nóng, mùi sữa tươi, có một chiếc xe ngựa xoàng xoàng đi vào trong sân nhà lão Điuđia, trên xe có ba người ngồi: một người đàn ông trạc độ ba mươi tuổi mặc bộ quần áo bằng vải lanh thô, bên cạnh là một cậu bé chừng bảy tám tuổi mặc chiếc áo dài đen với những cái khuy to bằng xương, và một chàng trai trẻ mặc áo sơ mi đỏ là người đánh xe.

Chàng trai trẻ tháo ngựa, dắt ra ngoài cho đi đi lại lại, còn người đàn ông mới tới thì đi rửa ráy xong rồi quay về phía nhà thờ lầm rầm cầu kinh, sau đó ông ta trải tấm đệm kê chân xuống bên cạnh xe ngựa, ngồi xuống cùng ăn bữa tối với cậu bé; ông ta ăn từ từ, chậm rãi, và lão Điuđia, trong đời đã từng gặp nhiều kiểu người khác nhau nghỉ chân lại đây, đoán rằng cứ theo dáng điệu cử chỉ ấy thì người đàn ông kia phải là một người chững chạc, tháo vát, tự tin vào mình.

Lão Điuđia mặc mỗi chiếc gilê, không đội mũ, ngồi ngoài và đợi người khách kia lên tiếng trước. Lão đã quen thấy rằng, vào những buổi tối trước khi đi ngủ, các vị khách qua đường ấy bao giờ cũng kể lại đủ mọi thứ chuyện, và lão thấy thích thú với điều đó. Bà già Aphanaxiépna, vợ của lão, và người con dâu Xôphia đang vắt sữa bò trong chuồng, người con dâu khác, cô Varvara, thì ngồi bên cửa sổ mở toang trên tầng hai mà cắn hạt hướng dương.

– Cậu bé kia chắc là con trai anh phải không? – lão Điuđia hỏi người khách.

– Không, nó là con nuôi, mồ côi mà. Tôi nhận nuôi nó là để chuộc tội đấy.

Hai người đã bắt chuyện với nhau. Người khách lộ ra là một người ưa nói và nói năng khá hấp dẫn, còn lão Điuđia thì qua câu chuyện mà biết rằng, người khách là một tiểu chủ trên tỉnh có nhà cho thuê, rằng anh ta tên là Mátvây Xápvíts, anh ta đang đi xem xét những khu vườn thuê lại của mấy kiều dân Đức, rằng cậu bé này tên là Kuxka. Trời thật nóng nực, oi bức, không một ai muốn đi ngủ cả. Khi trời đã tối hẳn và những vì sao nhợt nhạt đã nhấp nháy trên cao, Mátvây Xápvíts bắt đầu kể lại chuyện vì sao anh ta nhận nuôi cậu bé Kuxka. Bà Aphanaxiépna và Xôphia đứng xa xa một góc cũng lắng nghe. Còn Kuxka thì đi ra lối cổng.

– Cụ ạ, câu chuyện này tỉ mỉ, dài dòng lắm, – Mátvây Xápvíts vào đầu như thế. – Muốn kể hết cho cụ nghe đến sáng cũng chẳng xong. Cách đây khoảng mười năm, cùng phố với tôi, ngay bên cạnh nhà tôi, là nhà bà lão góa chồng Marơpha Ximônốpna Káplunxeva, bây giờ đấy là xưởng làm bơ, làm nến; bà lão có hai người con trai, một người làm nhân viên hỏa xa còn người con thứ hai là Vaxia trạc tuổi tôi thì ở nhà với mẹ. Sinh thời ông Káplunxép trước đây là chủ ngựa, ông có chừng một chục con và thuê người đánh xe cho chở hàng khắp thành phố; bà góa Káplunxeva cũng không bỏ nghề này, bà cai quản những người xà ích thông thạo không kém ông chồng, cho nên có những ngày cũng kiếm được chừng dăm rúp. Cậu con trai cũng làm ra tiền. Anh nuôi giống chim câu nòi và bán cho những người đi săn; nhiều lúc thấy anh ta đứng trên mái nhà, tung chổi lên, huýt còi mồm, thế rồi đàn chim câu nòi cứ bay lượn mãi tít trên trời cao, mà anh ta thì vẫn chê là thấp, còn cứ muốn chúng bay cao nữa. Anh ta bắt nuôi cả chim bạch yến, sáo sậu, đóng chuồng chim… Cứ làm chơi chơi thế mà, tích tiểu thành đại, hàng tháng anh ta cũng ky cóp được chục rúp. Năm này năm khác qua đi, đến lúc bà lão liệt cả hai chân, chỉ còn nằm bẹp trên giường. Vì cái sự như thế mà nhà không có người nội trợ, mà thế thì khác nào như người không có mắt. Bà lão lo lắng lắm và nghĩ ra rằng phải cưới vợ cho Vaxia. Bà cho gọi mối lái đến, năm lần bảy lượt hai bà nói chuyện với nhau thì Vaxia của chúng ta đi xem mặt các cô dâu. Anh ta định hỏi cô Masenka, con gái bà góa Xamakhơvalikha. Chả phải nghĩ ngợi gì lâu, mọi người đều ưng thuận và rồi chỉ trong vòng một tuần mọi việc phải chuẩn bị đều làm xong. Masenka là một cô gái trẻ, khoảng mười bảy tuổi, vóc người nhỏ nhắn, nhưng gương mặt trắng trẻo, xinh xắn, trông ra dáng đài các như một tiểu thư; và của hồi môn cũng kha khá: chừng dăm trăm rúp, một con bò sữa, giường chiếu… Còn bà lão thì quả như linh tính đã báo trước, đến ngày thứ ba sau lễ cưới bà về chầu trời, chẳng kêu rên, chẳng ốm đau gì. Đôi vợ chồng trẻ chôn cất bà lão cúng giỗ xong, họ ăn ở với nhau chừng nửa năm rất hạnh phúc, nhưng bất thình lình có chuyện không may khác đến. Quan trên gọi Vaxia lên, bảo anh ta rút thăm. Thế rồi người ta bắt Vaxia đi lính mà cũng chẳng cho anh ta hưởng chút ưu tiên nào. Cạo trọc đầu và xua sang Vương quốc Ba Lan(1). Ý trời đã định thì biết làm thế nào. Khi chia tay với vợ ở trong sân thì chưa sao cả, nhưng đến lúc quay sang nhìn cái nhà để rơm đậu đầy chim bồ câu thì anh khóc òa lên. Trông thật là tội. Dạo đầu, để cho khuây khỏa đỡ buồn, Masenka đón mẹ đến ở cùng; bà ở đấy cho đến khi con gái đẻ, chính là đẻ ra thằng Kuxka này đấy, thì bà lại đi đến Obôian với người con gái khác cũng đã có chồng rồi, và thế là Masenka ở nhà một mình với đứa con nhỏ. Năm tay đánh xe thì đều là dân nghiện ngập, quấy phá, rồi nào là chuyện ngựa, chuyện xe, hay là giậu đổ, bồ hóng trong ống khói bếp cháy – đâu có phải là chuyện đàn bà lo liệu được, thế rồi cô ta phải sang bên tôi là người hàng xóm mà hỏi từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Và tôi phải bày đặt, phải dặn dò việc này việc nọ… Cũng là chuyện thường tình thôi, không thể thiếu được: ghé vào nhà uống chén nước, nói dăm ba câu chuyện. Dạo ấy tôi còn trẻ cũng là người biết suy nghĩ, thích bàn đến đủ các thứ chuyện, còn cô ta thì cũng là người lịch thiệp có học. Cô ta ăn vận rất gọn mắt, mùa hè đi đến đâu đều mang ô. Có lúc tôi nói về chuyện thần thánh, hay chuyện chính trị, cô ta chăm chú nghe lại còn pha trà, lấy mứt ra đãi tôi… Nói gọn lại, để khỏi phải kể lể dông dài nữa, thì cũng chưa được một năm sau đâu cụ ạ, ma quỷ nó ám tôi. Tôi bắt đầu nhận ra rằng ngày nào mà tôi không ghé sang nhà cô ta thì trong người cảm thấy buồn tẻ. Và tôi cứ cố nghĩ ra lý do để sang nhà cô ta. “Đã đến lúc, – tôi nói, – chị phải đặt khung kính mùa đông vào cửa sổ thôi” và thế là cả ngày hôm đó tôi được ở trong nhà cô ta mà thủng thẳng đặt khung kính, và cố ý để lại chừng hai khung sang ngày hôm sau. “Chị cần đếm lại số chim câu của Vaxia xem không khéo lại mất đấy”, đại khái cứ có những lý do như thế. Cũng có khi tôi đứng nói chuyện với cô ta qua hàng rào, và cuối cùng để khỏi phải đi vòng tôi làm một cái cổng nhỏ thông qua hàng rào giữa hai nhà. Trên thế giới này giới đàn bà là hay sinh ra lắm điều ác, lắm chuyện kinh tởm. Không phải chỉ có bọn tôi, những kẻ đầy tội lỗi, mà cả các đức thánh ông nữa cũng bị cám dỗ. Masenka không làm cho tôi hết mê cô ta. Lẽ ra phải nhớ đến chồng và giữ mình thì cô ta lại đi phải lòng tôi. Tôi cũng nhận thấy rằng cô ta cũng buồn rầu, cô ta hay đi đi lại lại sát bờ rào và đưa mắt nhìn sang sân nhà tôi. Đầu óc tôi cứ quay cuồng lên với những mơ tưởng. Có lần vào ngày thứ năm tuần lễ thánh, khi trời còn tờ mờ sáng tôi đi ngang qua trước cổng nhà cô ta để ra chợ, thế rồi như bị ma ám, tôi dừng lại ghé mắt trông vào cổng nhà cô ta phía trên có những chấn song, – cô ta đã dậy rồi, đang đứng giữa sân cho vịt ăn. Tôi không đừng được nữa, bèn cất tiếng gọi. Cô ta bước lại gần và nhìn tôi qua chấn song. Khuôn mặt trắng trẻo, đôi mắt dịu dàng còn ngái ngủ… Trông cô thật là ưa nhìn, và tôi buông lời tán tỉnh dường như không phải là đứng với nhau ở bên cổng mà đang ngồi trong buổi lễ sinh nhật nào vậy. Còn cô ta thì đỏ bừng mặt, cười và cứ đăm đắm nhìn không chớp vào mắt tôi. Tôi mất hết cả lý trí và giãi bày với cô ta tình yêu của tôi… Cô ta mở cổng ra cho tôi vào, và từ sáng hôm ấy, hai chúng tôi bắt đầu sống với nhau như vợ chồng.

Từ ngoài đường, anh chàng Aliôska lưng gù đi vào trong sân, miệng thở hồng hộc, không nhìn ai, cứ thế chạy vào nhà; một lát sau anh ta chạy từ trong nhà ra, tay cầm chiếc đàn phong cầm, những tiền đồng trong túi kêu xủng xoảng, vừa chạy vừa cắn hạt hướng dương rồi khuất dần sau cánh đồng.

– Ai vừa chạy qua thế? – Mátvây Xápvíts hỏi.

– Con tôi đấy, thằng Aliôska, – lão Điuđia trả lời. – Nó lại đi chơi đấy, thằng đểu cáng. Trời đã phạt nó phải gù lưng nên chúng tôi cũng chẳng buồn giữ gìn cho nó lắm.

– Nó cứ đi chơi, đàn đúm với bọn trai làng mãi thôi, – bà lão Aphanaxiépna thở dài nói. – Lấy vợ cho nó trước ngày lễ tống tiễn mùa đông cứ tưởng là nó sẽ khá hơn, thế mà càng ngày nó cứ càng đổ đốn thêm ra.

– Chẳng được cái tích sự gì. Cuối cùng thành ra chỉ là ban không phước lộc cho con gái nhà nghèo, – lão Điuđia nói.

Từ phía sau nhà thờ vọng lại tiếng những ai đang hát một bài buồn buồn tuyệt diệu. Không thể phân biệt rõ lời, chỉ nghe thấy mấy giọng thôi: hai giọng nam cao và một giọng trầm. Vì ai cũng lắng nghe điệu hát, nên trong sân vụt trở nên im lặng… Bỗng hai người trong bọn họ cắt ngang bài hát bằng một chuỗi cười lanh lảnh, người thứ ba giọng cao tiếp tục hát và lên một nốt cao đến nỗi mọi người đều vô tình ngẩng đầu lên, dường như giọng hát ấy bay vút lên tận trời. Varvara bước ra khỏi nhà, giơ tay che ngang mắt như người che ánh nắng, mà nhìn về phía nhà thờ.

– Đấy là hai người con ông linh mục với thầy dạy hát đấy, – cô ta nói.

Ba người lại hòa giọng hát. Mátvây Xápvíts thở dài và tiếp nói:

– Công việc như thế cụ ạ. Chừng hai năm sau chúng tôi nhận được thư của Vaxia gửi từ Vácsava về. Anh ta viết rằng quan trên cho anh ta về nhà để chữa bệnh. Anh ta không được khỏe mà. Đến khoảng thời gian ấy tôi đã từ bỏ được những ý nghĩ ngu xuẩn ra khỏi đầu mình rồi, gia đình cũng đã kiếm được cho tôi một đám khá lắm, nhưng tôi vẫn chưa biết làm thế nào mà dứt ra khỏi cô nhân tình. Hôm nào tôi cũng định nói thẳng với Masenka nhưng không biết nói cách nào để khỏi phải nghe tiếng khóc lóc rên rỉ của cô ta. Bức thư ấy như cởi trói tay cho tôi. Tôi cùng đọc bức thư ấy với Masenka, gương mặt cô ta nhợt nhạt, trắng bệch ra, còn tôi thì nói: “Nhờ trời, thế là bây giờ cô lại là vợ của chồng cô rồi”. Cô ta nói: “Em chẳng sống với anh ta đâu”. – “Nhưng mà anh ấy là chồng cô cơ mà?” – tôi nói. – “Dễ thế… Em chưa bao giờ yêu anh ta cả, lấy anh ta cũng chả phải tự nguyện. Mẹ em bắt, thế thôi”. – “Ừ được rồi cô ngốc ạ, cô đừng có đánh trống lảng, cô thử nói xem: cô có làm lễ cưới với anh ấy trong nhà thờ hay là không?” “Có, nhưng em yêu anh và em sẽ ở với anh cho đến khi chết. Kệ cho người ta cười… Em chẳng kể vào đâu…” – “Cô là người hay cầu nguyện, hay đọc sách kinh, thì trong sách người ta viết gì vậy?”

– Đã lấy chồng thì phải ở với chồng, – lão Điuđia nói.

– Vợ chồng là gửi xương gửi thịt cho nhau. Chúng ta đã mắc tội rồi, tôi nói, nên hai chúng ta bây giờ phải có lương tâm, biết sợ Chúa Trời. Chúng ta sẽ thú tội trước mặt Vaxia, anh ấy là người lành tính, nhút nhát – anh ấy không giết đâu. Với lại trên đời này thì chịu đựng những nỗi khổ do người chồng hợp pháp gây ra vẫn còn hơn là sau này phải nghiến răng mà chịu nhục hình ở địa ngục. Cô ta chẳng chịu nghe lời tôi, cứ một mực khăng khăng: “Em yêu anh”, thế thôi, không nói gì thêm. Vaxia trở về nhà vào sáng sớm hôm thứ bảy ngay trước ngày lễ Ba Ngôi. Tôi thấy qua hàng rào anh rẽ vào nhà, một lát sau bế Kuxka đi ra, vừa cười, vừa khóc, vừa hôn đứa bé, rồi lại nhìn lên nhà để cỏ khô, vừa tiếc không muốn bỏ Kuxka ra, vừa muốn đến với mấy con bồ câu của mình. Thật là một người hiền lành, đa cảm. Ngày hôm ấy qua đi êm thấm, lặng lẽ. Người ta đã kéo chuông cầu nguyện buổi tối. Nhưng tôi cứ nghĩ mãi: ngày mai là ngày lễ Ba Ngôi rồi mà sao vẫn chưa thấy nhà bên ấy trang hoàng cổng, giậu gì cả. Tôi nghĩ chắc là chuyện không ổn rồi. Tôi đi sang đó. Nhìn vào thì thấy Vaxia ngồi giữa phòng ngay dưới nền nhà, mắt ngơ ngác đảo qua đảo lại như người say rượu, hai má đầm đìa nước mắt, tay run lẩy bẩy; anh ta rút trong bọc ra nào là bánh mì tròn, bánh quy, chuỗi hạt cườm và đủ thứ quà cáp khác mà vứt tung ra nhà. Thằng bé Kuxka dạo ấy nó khoảng ba tuổi thì bò bên cạnh, nhặt lấy bánh quy mà nhai, còn Masenka thì đứng gần lò sưởi, mặt tái nhợt, toàn thân run rẩy, lắp bắp nói: “Tôi không phải là vợ anh, tôi không muốn sống với anh” – và nói lắm câu lảm nhảm khác nữa. Tôi quỳ xuống bên chân Vaxia và nói: “Tôi với cô ấy có tội với anh, anh Vaxili Mắcximứts ạ, mong anh hãy vì đức Chúa mà tha tội cho!” Sau đó tôi đứng dậy và nói với Masenka những lời như thế này: “Chị Maria Xêmiônốpna ạ, bây giờ thì chị phải rửa chân cho anh Vaxili Mắcximứts và phải ăn súp loãng và chị hãy làm một người vợ ngoan ngoãn của anh ấy, hãy cầu Chúa sao cho anh ấy, một người giàu lòng vị tha, sẽ thứ tội cho tôi”. Như có vị thiên thần nào đã răn bảo cho tôi, tôi bảo cho cô ta nghe, tôi nói xúc động đến mức chính tôi cũng phải rưng rưng nước mắt. Thế rồi chừng hai ngày sau, Vaxia sang nhà tôi. Anh ta nói: “Tôi tha lỗi cho anh đấy, anh Mátvây ạ, cả anh cả cô ấy, thôi thì chuyện cũng đã thế rồi. Cô ấy làm vợ lính, chuyện đàn bà trẻ xa chồng, kể cũng khó mà giữ mình cho vẹn toàn. Cô ấy không phải là người đầu tiên, cũng chẳng phải là người cuối cùng mắc tội như thế. Chỉ có điều là bây giờ tôi xin anh cứ làm như là giữa anh với cô ấy chưa từng có chuyện gì xảy ra cả, anh đừng gặp cô ấy nữa, còn tôi thì tôi sẽ chiều chuộng cô ấy mọi thứ, sao cho cô ấy lại yêu tôi như xưa”. Anh ta đưa tay cho tôi bắt, uống trà rồi vui vẻ ra về. Phần tôi, tôi nghĩ thật là may mắn, tôi thấy nhẹ cả người, thế là mọi chuyện đều ổn thỏa cả. Nhưng khi Vaxia vừa ra khỏi sân thì Masenka bước vào. Thật là một sự trừng phạt. Cô ta ôm lấy cổ tôi khóc lóc, van xin: “Em van anh, anh đừng bỏ em, không có anh, em không sống được đâu”.

– Hừ, thật là đê tiện! – lão Điuđia thở dài nói.

– Tôi to tiếng mắng cô ta, hai chân giậm mạnh, lôi cô ta ra ngoài rồi móc cửa lại. Tôi kêu lên: về với chồng đi! Đừng có làm tôi xấu mặt với làng xóm, liệu mà sợ lấy Chúa! Thế rồi ngày nào cái cảnh ấy cũng cứ tái diễn. Có lần vào một buổi sáng tôi đang đứng trong sân nhà gần chuồng ngựa và chữa dây cương. Bất thình lình tôi trông thấy Masenka chạy qua cổng vào sân nhà tôi, chân đi đất, mình mặc mỗi chiếc váy, rồi lao vào tôi, nắm lấy tay tôi đang cầm dây cương, cả người cô ta dính bê bết những nhựa cây, run rẩy, khóc lóc… “Em không thể sống với cái thằng tởm lợm ấy đâu; em không đủ sức chịu đựng nữa đâu! Nếu anh không yêu em thì thà giết quách em đi còn hơn”. Tôi nổi cáu, tiện có dây cương trong tay tôi vụt cho cô ta hai cái, vừa lúc ấy thì Vaxia chạy qua cổng vào, và kêu lên thất thanh: “Đừng đánh! Đừng đánh!” Mồm thì nói thế nhưng chính mình thì lại chạy lại bên cô ta, rồi như người mất trí, dang thẳng tay thụi tới tấp vào người cô ta, sau đó đánh ngã cô ta xuống đất mà giẫm chân lên; tôi phải che đỡ cho cô ta, nhưng anh ta giật luôn dây cương từ tay tôi và cứ thế quất lấy quất để vào Masenka. Vừa đánh vừa kêu như con ngựa.

– Đáng lý cũng phải cầm cương mà quất cho nhà ngươi một trận như thế… – Varvara tức giận vừa nói, vừa bỏ đi. – Đồ đểu, xúm nhau lại mà hành hạ chị em người ta…

– Câm mồm đi, – lão Điuđia quát cô. – Đồ ngựa cái!

– Anh ta vừa đánh vừa la hí-hí-hí như thế, – Mátvây Xápvíts tiếp tục kể. – Từ sân nhà anh ta có một người xà ích chạy sang, tôi gọi thêm người ở nhà tôi nữa, rồi cả ba người cùng xúm vào lôi Masenka ra khỏi tay anh ta, rồi khiêng cô ta về nhà. Thật là cả một sự nhục nhã ê chề. Ngay tối hôm đó, tôi sang thăm cô ta. Cô ta nằm trên giường, mặt mày quấn đầy băng chỉ để hở hai mắt với mũi ra, cô ta cứ nhìn chăm chăm lên trần nhà. Tôi lên tiếng: “Chào chị Maria Xêmiônốpna!” Cô ta lặng thinh. Còn Vaxia thì ngồi ở buồng bên cạnh, hai tay ôm lấy đầu mếu máo khóc mà nói: “Tôi thật tàn ác quá! Tôi làm hại đời tôi rồi. Ôi, trời ơi, giết quách tôi đi cho xong!” Tôi ngồi chừng nửa giờ bên cạnh Masenka và thuyết đạo lý cho cô ta nghe. Tôi dọa cho cô ta sợ. Tôi nói rằng những con chiên ngoan đạo sau khi chết, sẽ được lên thiên đường, còn cô thì phải vào hỏa ngục cùng với những kẻ lầm đường lạc lối… Đừng có mà cứng đầu cứng cổ với chồng nữa, quỳ xuống chân Vaxia mà chịu tội đi. Còn cô ta thì chẳng hé răng nói một lời, cũng không hề chớp mắt nữa, cứ như là tôi nói với cái cột không bằng. Ngày hôm sau, Vaxia mắc bệnh đại khái như là bị đi tả thì phải, đến khoảng chập tối thì chết. Mọi người chôn cất anh ta tử tế. Masenka không ra nghĩa địa, cô không muốn phơi cái mặt ô nhục đầy vết bầm thâm tím trước mắt mọi người. Ít ngày sau dân phố đồn đại với nhau rằng Vaxia không phải tự nhiên chết, mà là do Masenka chủ tâm giết. Chuyện lên đến quan trên. Người ta đào xác Vaxia lên, mổ bụng ra và tìm thấy trong ruột có thạch tín. Chuyện thế là hai năm rõ mười; cảnh sát đến bắt Masenka, dẫn luôn cả cậu bé Kuxka vô tội. Tống giam vào 

nhà tù. Cô ta cứ làm quá lắm thì trời phạt cho thôi… Khoảng tám tháng sau thì tòa xử. Tôi còn nhớ cô ta ngồi trên một chiếc ghế băng nhỏ, trùm khăn vuông trắng, mặc áo choàng xám, thân hình gầy gò nhợt nhạt, đôi mắt sắc, trông cô ta thật tội. Phía sau là một người lính cầm súng đứng. Cô ta không nhận tội. Tại phiên tòa có một người nói rằng cô ta đã bỏ thuốc độc cho chồng, một số người khác thì chứng minh rằng anh chồng vì khổ não quá mà tự tử đấy thôi. Tôi có làm nhân chứng cho vụ án ấy. Khi người ta hỏi tôi, tôi nói hết mọi điều theo lương tâm của tôi. Tôi nói rằng lỗi là ở cô ta. Phải nói thẳng ra là cô ta không yêu chồng, lại bướng bỉnh nữa… Các quan tòa luận tội suốt từ sáng cho tới khuya mới đi đến quyết định như thế này: đày cô ta đi Xibiri làm khổ sai mười ba năm. Sau khi có quyết định như thế rồi, Masenka còn ở lại nhà tù thành phố tới chừng ba tháng nữa. Vì lòng nhân đạo tôi có đến thăm cô ta, đem trà, đường cho cô ta. Còn cô ta thì mỗi lần trông thấy tôi, là cả người run bắn lên, hai tay khoa khoa, mồm lắp bắp nói: “Anh đi ra đi! Đi ra đi!” Và ôm chặt lấy Kuxka vào lòng như sợ tôi cướp lấy mất thằng bé. Tôi nói rằng đấy, cô sa vào tình cảnh như thế đấy! Ôi, Masenka, Masenka, một tâm hồn tội lỗi. Không chịu nghe lời tôi, khi tôi răn bảo điều hay lẽ phải, đến bây giờ thì tha hồ mà than khóc. Tự mình có lỗi, thì hãy tự trách mình thôi. Tôi lại thuyết lý cho cô ta nghe, còn cô ta thì chỉ một mực: “Đi ra đi! Đi ra đi!” – và ôm chặt lấy Kuxka, cả người dựa sát vào tường run lẩy bẩy. Khi người ta đưa cô ta lên tỉnh, tôi có theo tiễn ra nhà ga và nhét vào bọc cô ta một rúp bạc gọi là để chuộc tội. Nhưng cô ta không đến được Xibiri… Chưa ra khỏi tỉnh thì cô ta bị sốt cao rồi chết ở trong tù…

– Đã là chó má thì chết cũng là chết như chó, – lão Điuđia nói.

– Người ta trả Kuxka về nhà… Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi, rồi nhận thằng bé về nuôi. Ừ, thì sao nào? Con nhà tù tội đấy nhưng nó vẫn là một con người đã được rửa tội hẳn hoi… Tôi thương nó quá. Tôi sẽ nuôi cho nó lớn thành người chạy hàng cho tôi, và nếu tôi không có con, tôi sẽ dạy nó nghề đi buôn. Bây giờ đi đâu tôi cũng dẫn nó đi theo: cho nó quen dần đi mà.

Khi Mátvây Xápvíts kể lại câu chuyện đó, Kuxka ngồi yên không nhúc nhích trên một tảng đá gần lối cổng, hai tay ôm lấy đầu ngước mắt nhìn lên trời; từ xa, trong bóng tối chập choạng trông cậu bé giống như một gốc cây nhỏ bị đẵn cụt.

– Kuxka, đi ngủ đi! – Mátvây Xápvíts gọi cậu bé.

– Ừ mà cũng đến giờ ngủ rồi, – lão Điuđia vừa nói vừa đứng dậy, lão ngáp dài thành tiếng và nói thêm – Cứ cố mà ăn ở theo như mình muốn, không chịu nghe lời ai thì rồi cuối cùng chuyện nó vỡ ra như thế đấy.

Trăng đã trôi trên bầu trời giữa sân; trăng như chạy về một phía, và những đám mây nằm dưới thì chạy về phía kia; mây đã đi xa mà trăng vẫn sáng trên đỉnh đầu. Mátvây Xápvíts lâm râm cầu nguyện mấy câu, lên tiếng chúc chủ nhà ngủ ngon rồi đặt mình xuống đất ngay cạnh chiếc xe ngựa. Kuxka cũng cầu nguyện, rồi vào nằm trong xe ngựa quấn chiếc áo dài vào người; để thoải mái hơn, nó bới một chỗ trong đám cỏ khô và chui vào đấy nằm còng queo đến nỗi khuỷu tay và đầu gối chạm nhau. Từ ngoài sân nhìn vào thấy rõ lão Điuđia châm nến ở tầng dưới, đeo kính vào và bước lại ở góc phòng cầm lấy quyển sách. Lão vừa đọc vừa khấn khứa rất lâu.

Những khách trọ đã ngủ rồi. Bà Aphanaxiépna và Xôphia đi đến gần bên xe ngựa và ngắm kỹ cậu bé Kuxka.

– Thằng bé mồ côi ngủ rồi, – bà lão nói. – Gầy gầy quá thôi, chỉ còn da bọc xương. Mẹ đẻ không còn, chẳng còn ai chăm sóc nó cho đến nơi đến chốn.

– Thằng bé Gơrisútka của con chắc phải lớn hơn Kuxka đến hai tuổi, – Xôphia nói. – Ở ngoài xưởng máy nó phải sống tù hãm, chắc là gò bó lắm, không có mẹ ở bên. Thế nào cũng bị ông chủ đánh đòn. Con cứ nhìn thằng bé này là lại nhớ đến Gơrisútka của con, tim con cứ như ứa máu.

Một phút im lặng trôi qua.

– Chắc nó cũng chẳng nhớ gì đến mẹ nó đâu, – bà lão nói.

– Còn nhớ vào đâu nữa!

Và nước mắt ràn rụa chảy ra trên gò má Xôphia.

– Thằng bé nằm co quắp thế kia kìa… – Xôphia nói, vừa sụt sịt khóc vừa cười vì xúc động và thương hại. – Ồ, cậu bé mồ côi của tôi.

Kuxka rùng mình và mở mắt ra. Cậu bé nhìn thấy một gương mặt xấu xí, nhăn nheo, giàn giụa nước mắt, bên cạnh đó là một gương mặt khác, già nua, miệng móm mém, cằm nhọn mũi khoằm và trên nữa là trời cao vô tận, có mặt trăng và những đám mây bay nhanh. Cậu bé bất chợt kêu lên vì sợ hãi. Xôphia cũng kêu lên; tiếng vọng đáp lại hai người, không gian oi bức bị khuấy động trong chốc lát, người gác cổng bên cạnh gọ mạnh cửa, chó nhà ai sủa vang lên. Mátvây Xápvíts làu bàu nói gì trong cơn mơ rồi trở mình sang phía khác.

Đêm về khuya, khi cả lão Điuđia, bà Aphanaxiépna và người gác cổng đều đã ngủ. Xôphia đi ra ngoài cổng và ngồi lên chiếc ghế dài. Chị ta thấy khó thở, vì khóc nhiều nên đầu nhức nhối. Đường phố trước mặt dài rộng quá, phía bên phải có dễ đến hai vécxta, bên trái cũng rộng chừng ấy, còn chiều dài như trải ra vô tận. Trăng không còn chiếu xuống sân nữa, giờ đã khuất sau nhà thờ. Một bên đường phố chan hòa ánh trăng, một bên tối sẫm vì sấp bóng; những bóng cây dương, bóng bộng hét ngả dài trên đường phố, còn bóng nhà thờ, đen kịt và đáng sợ thì che kín một khoảng rộng bao gồm cả cổng ra vào và một nửa nhà lão Điuđia. Chung quanh im ắng, không một bóng người. Từ phía cuối đường phố thỉnh thoảng có tiếng nhạc rất nhỏ đưa lại: chắc đó là Aliôska đang chơi đàn dương cầm.

Trong bóng tối gần bờ giậu nhà thờ có ai đang đi, cũng khó nhìn rõ được đó là người hay là một con bò, hay là, có lẽ chẳng có ai cả mà chỉ là một con chim nào đấy rất to đang xào xạc trên hàng cây. Nhưng rồi có một bóng người bước ra khỏi chỗ tối, nói một câu gì bằng giọng đàn ông, sau đó thì khuất hẳn sau ngõ bên cạnh nhà thờ. Một lát sau chừng khoảng bốn mét lại thoáng hiện lên một bóng người nữa; người này đi thẳng từ nhà thờ về phía cổng, và sau khi nhìn thấy Xôphia ngồi trên ghế dài thì dừng lại.

– Varvara đấy phải không? – Xôphia hỏi.

– Ừ, thì em đấy đã sao.

Người đó là Varvara. Cô đứng yên một phút, sau đó bước lại ghế dài rồi ngồi lên.

– Cô vừa đi đâu đấy? – Xôphia hỏi.

Varvara không trả lời gì.

– Này cô em ạ, lý ra thì cô đừng chuốc vào mình tai vạ như thế, – Xôphia nói. – Cô có nghe đoạn Masenka bị giẫm lên và bị quất dây cương không? Cô coi chừng đấy, không lại cũng bị như thế đấy.

– Thì đã sao.

Varvara lấy khăn che miệng cười rộ lên rồi thì thầm nói:

– Em vừa đi chơi với tay linh mục đấy.

– Nói láo.

– Thật đấy mà.

– Trời bắt tội đấy! – Xôphia thì thào.

– Thây kệ… Có gì mà tiếc? Bắt tội, ừ thì bắt tội, thà cứ để cho sấm sét nó đánh chết đi còn hơn là sống mãi thế này. Em thì còn trẻ, khỏe, mà chồng em thì gù lưng, tởm lợm, cay nghiệt, còn tồi hơn cả lão Điuđia đáng nguyền rủa kia nữa. Hồi còn con gái em ăn không đủ no, chân không giày không tất, thoát khỏi những ngày khổ cực đó, ham cái giàu sang của Aliôska, em lại rơi vào cái cảnh trói buộc này, như cá mắc vào nơm, em thấy nằm với một con rắn độc còn dễ chịu hơn là nằm với gã Aliôska ghẻ lở. Còn đời chị thì sao? Cũng chẳng hơn gì. Anh Phêđor của chị đã đuổi chị từ xưởng máy về nhà với bồ, còn mình thì kiếm một cô nhân tình; con của chị thì anh ta tước mất, rồi gán đi ở đợ cho nhà một ông chủ. Chị thì làm quần quật như trâu như ngựa, mà vẫn cứ bị chửi mắng. Thà cứ ở vậy suốt đời còn hơn, thà cứ lấy dăm hào chỉ của bọn linh mục, chìa tay đi ăn xin, lao đầu xuống giếng còn hơn…

– Phải tội đấy! – Xôphia lại thì thào nói.

– Thây kệ nó.

Từ một nơi phía sau nhà thờ lại vọng tới một bài hát buồn buồn, vẫn ba người lúc nãy: hai người giọng nam cao và một giọng trầm. Cũng vẫn như lúc nãy, không thể nào nghe rõ được lời bài hát.

– Mấy tay thức khuya gớm… – Varvara bật cười nói.

Rồi cô ta bắt đầu thì thầm kể lại chuyện đêm đêm cô đi chơi với tay linh mục như thế nào, tay này nói những gì với cô, bạn bè của tay đó là những ai, cô đã đi lại với bọn viên chức và lái buôn ngủ trọ như thế nào. Điệu hát buồn buồn kia phảng phất gợi nhớ đến một cuộc đời phóng khoáng, và Xôphia khẽ mỉm cười, chị ta vừa cảm thấy có tội, vừa cảm thấy kinh hãi và êm dịu khi lắng nghe điệu hát ấy, chị thấy thèm muốn, ghen tỵ và tiếc rẻ rằng chị đã không mắc vào đường tội lỗi như vậy lúc còn trẻ trung và xinh đẹp…

Chuông nhà thờ điểm 12 giờ đêm.

– Thôi đến giờ đi ngủ rồi, – Xôphia vừa đứng lên vừa nói, – không khéo lão Điuđia lại bắt gặp đấy.

Hai người lặng lẽ đi vào trong sân.

– Em đi mất lúc ấy nên không nghe được đoạn sau anh ta kể về Masenka thế nào, – Varvara vừa nói vừa soạn giường ngủ đặt bên cửa sổ.

– Chết rồi, anh ta kể thế, chết trong nhà tù ấy. Cô ta đánh thuốc độc cho chồng.

Varvara nằm bên cạnh Xôphia, nghĩ ngợi một lúc rồi nói nho nhỏ:

– Em sẵn sàng giết chết thằng Aliôska mà chẳng thương tiếc gì.

– Cô chỉ nói dại.

Khi Xôphia đã thiu thiu ngủ, Varvara nằm sán lại bên và ghé miệng sát vào tai thầm thì nói:

– Chị với em cùng giết lão Điuđia và thằng Aliôska đi!

Xôphia rùng mình, không nói gì cả, một lát sau chị ta mở mắt ra rồi đăm đăm nhìn lên bầu trời.

– Người ta biết đấy, – Xôphia nói.

– Không biết được đâu. Lão Điuđia thì già rồi, cũng có lúc chết thôi, còn thằng Aliôska thì mọi người sẽ nói là hắn say rượu mà chết.

– Sợ lắm em à… Trời đánh chết mất thôi.

– Thây kệ trời…

Hai người cùng không ngủ và im lặng suy nghĩ.

– Rét, rét là, – Xôphia nói, toàn thân run lên. – Chắc cũng gần đến sáng rồi… Cô đã ngủ chưa đấy?

– Chưa… Chị Xôphia yêu quý, chị đừng nghe em nhé, – Varvara thì thào nói. – Em căm cha con nhà nó quá đấy thôi, mấy thằng đốn mạt, chứ chính em cũng có hiểu rằng mình nói gì đâu. Ngủ đi chị ạ, không rồi sáng bây giờ đây… Ngủ đi…

Cả hai người cùng im lặng, nguôi nguôi trong lòng, và lát sau cùng ngủ thiếp đi.

Bà lão Aphanaxiépna dậy trước tất cả mọi người. Bà đánh thức Xôphia, rồi hai người cùng ra chuồng bò vắt sữa. Gã Aliôska gù lưng trở về, say mềm, không thấy cầm đàn nữa; ngực và đầu gối gã lấm đầy đất bụi và rơm rạ – chắc là gã đã nhiều lần bị ngã dọc đường. Chân nam đá chân chiêu, gã ngất ngưỡng bước vào dưới mái hiên gieo mình xuống chiếc xe trượt rồi cứ để nguyên cả quần áo, cất tiếng ngáy khò khò. Khi cây thánh giá trên nóc nhà thờ và tiếp theo là những cánh cửa sổ sáng rực lên như lửa dưới ánh nắng mặt trời vừa lên, khi bóng cây và bóng cần kéo nước bên giếng ngả dài trên thảm cỏ đẫm sương, Mátvây Xápvíts trở dậy và hối hả nói.

– Kuxka, dậy thôi! – anh ta kêu to lên. – Thắng yên cương vào thôi! Nhanh lên!

Bắt đầu cảnh tất bật của một buổi sáng. Một cô gái Do Thái mặc bộ váy áo màu nâu có nhiều nếp gấp dẫn ngựa vào trong sân uống nước. Tiếng cần lấy nước kêu kẽo kẹt rền rĩ, tiếng gàu lập bập chạm vào thành giếng… Cậu bé Kuxka vẻ mặt còn ngái ngủ, uể oải, mình còn dính đầy sương đêm, đang ngồi trên xe ngựa, chậm chạp mặc chiếc áo dài vào người, lắng nghe tiếng nước róc rách rơi từ trên gàu xuống giếng và rùng mình vì ớn lạnh.

– Này cô, – Mátvây Xápvíts gọi Xôphia, – cô thúc hộ anh chàng đánh xe của tôi để nó đến thắng ngựa vào xe nhanh nhanh lên một tí.

Còn lão Điuđia lúc này thì quát qua cửa sổ:

– Xôphia, nhớ lấy của cô kia một xu tiền cho ngựa uống nước đấy! Hôm nào cũng quen cái thói ấy mãi. Bọn Do Thái!

Ngoài bãi đất đàn cừu chạy đi chạy lại kêu be be, giọng các bà quát tháo người chăn cừu, còn anh ta thì cứ thổi sáo, vút vút chiếc roi hoặc trả lời lại mấy bà bằng một giọng trầm ồm ồm, khàn khàn. Có ba con cừu chạy lạc vào trong sân, không tìm thấy lối ra, chúng húc đầu vào bờ giậu. Tiếng ồn ào chung quanh làm Varvara tỉnh dậy, cuộn tròn chăn gối lại, rồi xuống nhà.

– Thì cô nhanh chân ra đuổi mấy con cừu xem nào! – bà già quát to với Varvara. – Cứ dềnh dàng như tiểu thư ấy thôi.

– Còn thế nữa. Chờ đấy rồi người ta làm cho lũ các người, – Varvara vừa làu bàu trong miệng vừa bước ra khỏi nhà.

Người ta tra dầu vào bánh xe, thắng ngựa vào xe. Lão Điuđia từ trong nhà đi ra, tay cầm bàn tính, ngồi xuống hàng hiên và tính tiền với khách trọ về các khoản ngủ lại, cho ngựa ăn và uống nước.

– Cụ tính khoản kiều mạch cho ngựa ăn đắt quá, – Mátvây Xápvíts nói.

– Nếu thấy đắt thì thôi đừng lấy nữa. Chúng tôi cũng chẳng ép đâu, anh lái buôn ạ.

Khi mấy người khách trọ đến bên ngựa để trèo lên ngồi rồi đi thì có một chuyện xảy ra làm họ phải nán lại. Chiếc mũ của Kuxka rơi đi đâu mất.

– Mày vứt nó đi đâu hả, đồ lợn con? – Mátvây Xápvíts nổi cáu quát to. – Mũ đâu rồi?

Kuxka mặt méo xệch đi vì hoảng sợ, luýnh quýnh chạy quanh xe ngựa, không tìm thấy ở đấy. Cậu bé chạy về phía cổng, rồi lại chạy ra chỗ mái hiên. Bà lão và Xôphia cùng giúp cậu bé tìm chiếc mũ.

– Tao vặt tai mày đi đấy, – Mátvây Xápvíts hét to. – Đồ ăn hại.

Lát sau chiếc mũ được tìm thấy dưới đáy thùng xe. Kuxka lấy ống tay áo phủi cỏ khô dính trên mũ rồi đội lên đầu, gương mặt vẫn còn chưa hết sợ hãi, rón rén chui vào trong xe như sợ có ai đang chực đâm vào sau lưng mình. Mátvây Xápvíts – đưa tay làm dấu, người xà ích giật dây cương, chiếc xe chuyển bánh, rồi chạy nhanh ra khỏi sân.

 

___________

1. Vương quốc Ba Lan – tên gọi phần nước Ba Lan, thuộc nước Nga, theo quyết nghị của hội nghị quốc tế ở Viên 1814-1815. Tới năm 1918, lãnh thổ của Vương quốc Ba Lan trở thành bộ phận cơ bản của nước Ba Lan.

TRONG LÀNG RAIBUS, đối diện với nhà thờ, là một ngôi nhà hai tầng lợp mái tôn, xây trên nền đá. Tầng dưới ngôi nhà là chỗ ở của chủ nhân cùng với gia đình – Philíp Ivanôvíts Kasin, mà người ta quen gọi là lão Điuđia, còn tầng trên, mùa hè rất nóng, mùa đông rất lạnh, thì dành làm nơi nghỉ chân cho các vị công chức, nhà buôn, địa chủ đi qua đây. Lão Điuđia thuê mấy khoảnh đất, mở một quán rượu ngoài đường cái, buôn đi bán lại cả nhựa thông, mật ong, cả súc vật lẫn chim ác là, nhờ thế mà lão gửi tám nghìn bạc vào nhà băng trên tỉnh.

Phêđor, con lớn của lão, làm thợ cả về ngành cơ khí tại một nhà máy và như dân làng nói, anh ta làm ăn phát tài to đến nỗi bây giờ khó mà đến gần anh ta được; vợ Phêđor là Xôphia, một người đàn bà xấu xí, ốm yếu, ở lại nhà với bố chồng, lúc nào cũng thấy khóc lóc và cứ chủ nhật hàng tuần là lại đi đến nhà thương chữa bệnh. Người con trai thứ hai của lão là Aliôska lưng hơi gù gù, anh ta ở nhà với bố. Cách đây ít lâu, lão cưới vợ cho anh ta là cô Varvara, con gái một gia đình nghèo; cô này trẻ, đẹp, khỏe mạnh và thích ăn diện. Khi có các vị viên chức hay lái buôn nghỉ lại nhà Điuđia, thì bọn họ bao giờ cũng đòi bằng được cô Varvara hầu trà và dọn giường ngủ cho họ.

Vào chập tối một ngày tháng Sáu, khi mặt trời đang lặn và không khí chung quanh thoang thoảng mùi cỏ khô, mùi phân súc vật còn hôi hổi nóng, mùi sữa tươi, có một chiếc xe ngựa xoàng xoàng đi vào trong sân nhà lão Điuđia, trên xe có ba người ngồi: một người đàn ông trạc độ ba mươi tuổi mặc bộ quần áo bằng vải lanh thô, bên cạnh là một cậu bé chừng bảy tám tuổi mặc chiếc áo dài đen với những cái khuy to bằng xương, và một chàng trai trẻ mặc áo sơ mi đỏ là người đánh xe.

Chàng trai trẻ tháo ngựa, dắt ra ngoài cho đi đi lại lại, còn người đàn ông mới tới thì đi rửa ráy xong rồi quay về phía nhà thờ lầm rầm cầu kinh, sau đó ông ta trải tấm đệm kê chân xuống bên cạnh xe ngựa, ngồi xuống cùng ăn bữa tối với cậu bé; ông ta ăn từ từ, chậm rãi, và lão Điuđia, trong đời đã từng gặp nhiều kiểu người khác nhau nghỉ chân lại đây, đoán rằng cứ theo dáng điệu cử chỉ ấy thì người đàn ông kia phải là một người chững chạc, tháo vát, tự tin vào mình.

Lão Điuđia mặc mỗi chiếc gilê, không đội mũ, ngồi ngoài và đợi người khách kia lên tiếng trước. Lão đã quen thấy rằng, vào những buổi tối trước khi đi ngủ, các vị khách qua đường ấy bao giờ cũng kể lại đủ mọi thứ chuyện, và lão thấy thích thú với điều đó. Bà già Aphanaxiépna, vợ của lão, và người con dâu Xôphia đang vắt sữa bò trong chuồng, người con dâu khác, cô Varvara, thì ngồi bên cửa sổ mở toang trên tầng hai mà cắn hạt hướng dương.

– Cậu bé kia chắc là con trai anh phải không? – lão Điuđia hỏi người khách.

– Không, nó là con nuôi, mồ côi mà. Tôi nhận nuôi nó là để chuộc tội đấy.

Hai người đã bắt chuyện với nhau. Người khách lộ ra là một người ưa nói và nói năng khá hấp dẫn, còn lão Điuđia thì qua câu chuyện mà biết rằng, người khách là một tiểu chủ trên tỉnh có nhà cho thuê, rằng anh ta tên là Mátvây Xápvíts, anh ta đang đi xem xét những khu vườn thuê lại của mấy kiều dân Đức, rằng cậu bé này tên là Kuxka. Trời thật nóng nực, oi bức, không một ai muốn đi ngủ cả. Khi trời đã tối hẳn và những vì sao nhợt nhạt đã nhấp nháy trên cao, Mátvây Xápvíts bắt đầu kể lại chuyện vì sao anh ta nhận nuôi cậu bé Kuxka. Bà Aphanaxiépna và Xôphia đứng xa xa một góc cũng lắng nghe. Còn Kuxka thì đi ra lối cổng.

– Cụ ạ, câu chuyện này tỉ mỉ, dài dòng lắm, – Mátvây Xápvíts vào đầu như thế. – Muốn kể hết cho cụ nghe đến sáng cũng chẳng xong. Cách đây khoảng mười năm, cùng phố với tôi, ngay bên cạnh nhà tôi, là nhà bà lão góa chồng Marơpha Ximônốpna Káplunxeva, bây giờ đấy là xưởng làm bơ, làm nến; bà lão có hai người con trai, một người làm nhân viên hỏa xa còn người con thứ hai là Vaxia trạc tuổi tôi thì ở nhà với mẹ. Sinh thời ông Káplunxép trước đây là chủ ngựa, ông có chừng một chục con và thuê người đánh xe cho chở hàng khắp thành phố; bà góa Káplunxeva cũng không bỏ nghề này, bà cai quản những người xà ích thông thạo không kém ông chồng, cho nên có những ngày cũng kiếm được chừng dăm rúp. Cậu con trai cũng làm ra tiền. Anh nuôi giống chim câu nòi và bán cho những người đi săn; nhiều lúc thấy anh ta đứng trên mái nhà, tung chổi lên, huýt còi mồm, thế rồi đàn chim câu nòi cứ bay lượn mãi tít trên trời cao, mà anh ta thì vẫn chê là thấp, còn cứ muốn chúng bay cao nữa. Anh ta bắt nuôi cả chim bạch yến, sáo sậu, đóng chuồng chim… Cứ làm chơi chơi thế mà, tích tiểu thành đại, hàng tháng anh ta cũng ky cóp được chục rúp. Năm này năm khác qua đi, đến lúc bà lão liệt cả hai chân, chỉ còn nằm bẹp trên giường. Vì cái sự như thế mà nhà không có người nội trợ, mà thế thì khác nào như người không có mắt. Bà lão lo lắng lắm và nghĩ ra rằng phải cưới vợ cho Vaxia. Bà cho gọi mối lái đến, năm lần bảy lượt hai bà nói chuyện với nhau thì Vaxia của chúng ta đi xem mặt các cô dâu. Anh ta định hỏi cô Masenka, con gái bà góa Xamakhơvalikha. Chả phải nghĩ ngợi gì lâu, mọi người đều ưng thuận và rồi chỉ trong vòng một tuần mọi việc phải chuẩn bị đều làm xong. Masenka là một cô gái trẻ, khoảng mười bảy tuổi, vóc người nhỏ nhắn, nhưng gương mặt trắng trẻo, xinh xắn, trông ra dáng đài các như một tiểu thư; và của hồi môn cũng kha khá: chừng dăm trăm rúp, một con bò sữa, giường chiếu… Còn bà lão thì quả như linh tính đã báo trước, đến ngày thứ ba sau lễ cưới bà về chầu trời, chẳng kêu rên, chẳng ốm đau gì. Đôi vợ chồng trẻ chôn cất bà lão cúng giỗ xong, họ ăn ở với nhau chừng nửa năm rất hạnh phúc, nhưng bất thình lình có chuyện không may khác đến. Quan trên gọi Vaxia lên, bảo anh ta rút thăm. Thế rồi người ta bắt Vaxia đi lính mà cũng chẳng cho anh ta hưởng chút ưu tiên nào. Cạo trọc đầu và xua sang Vương quốc Ba Lan(1). Ý trời đã định thì biết làm thế nào. Khi chia tay với vợ ở trong sân thì chưa sao cả, nhưng đến lúc quay sang nhìn cái nhà để rơm đậu đầy chim bồ câu thì anh khóc òa lên. Trông thật là tội. Dạo đầu, để cho khuây khỏa đỡ buồn, Masenka đón mẹ đến ở cùng; bà ở đấy cho đến khi con gái đẻ, chính là đẻ ra thằng Kuxka này đấy, thì bà lại đi đến Obôian với người con gái khác cũng đã có chồng rồi, và thế là Masenka ở nhà một mình với đứa con nhỏ. Năm tay đánh xe thì đều là dân nghiện ngập, quấy phá, rồi nào là chuyện ngựa, chuyện xe, hay là giậu đổ, bồ hóng trong ống khói bếp cháy – đâu có phải là chuyện đàn bà lo liệu được, thế rồi cô ta phải sang bên tôi là người hàng xóm mà hỏi từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Và tôi phải bày đặt, phải dặn dò việc này việc nọ… Cũng là chuyện thường tình thôi, không thể thiếu được: ghé vào nhà uống chén nước, nói dăm ba câu chuyện. Dạo ấy tôi còn trẻ cũng là người biết suy nghĩ, thích bàn đến đủ các thứ chuyện, còn cô ta thì cũng là người lịch thiệp có học. Cô ta ăn vận rất gọn mắt, mùa hè đi đến đâu đều mang ô. Có lúc tôi nói về chuyện thần thánh, hay chuyện chính trị, cô ta chăm chú nghe lại còn pha trà, lấy mứt ra đãi tôi… Nói gọn lại, để khỏi phải kể lể dông dài nữa, thì cũng chưa được một năm sau đâu cụ ạ, ma quỷ nó ám tôi. Tôi bắt đầu nhận ra rằng ngày nào mà tôi không ghé sang nhà cô ta thì trong người cảm thấy buồn tẻ. Và tôi cứ cố nghĩ ra lý do để sang nhà cô ta. “Đã đến lúc, – tôi nói, – chị phải đặt khung kính mùa đông vào cửa sổ thôi” và thế là cả ngày hôm đó tôi được ở trong nhà cô ta mà thủng thẳng đặt khung kính, và cố ý để lại chừng hai khung sang ngày hôm sau. “Chị cần đếm lại số chim câu của Vaxia xem không khéo lại mất đấy”, đại khái cứ có những lý do như thế. Cũng có khi tôi đứng nói chuyện với cô ta qua hàng rào, và cuối cùng để khỏi phải đi vòng tôi làm một cái cổng nhỏ thông qua hàng rào giữa hai nhà. Trên thế giới này giới đàn bà là hay sinh ra lắm điều ác, lắm chuyện kinh tởm. Không phải chỉ có bọn tôi, những kẻ đầy tội lỗi, mà cả các đức thánh ông nữa cũng bị cám dỗ. Masenka không làm cho tôi hết mê cô ta. Lẽ ra phải nhớ đến chồng và giữ mình thì cô ta lại đi phải lòng tôi. Tôi cũng nhận thấy rằng cô ta cũng buồn rầu, cô ta hay đi đi lại lại sát bờ rào và đưa mắt nhìn sang sân nhà tôi. Đầu óc tôi cứ quay cuồng lên với những mơ tưởng. Có lần vào ngày thứ năm tuần lễ thánh, khi trời còn tờ mờ sáng tôi đi ngang qua trước cổng nhà cô ta để ra chợ, thế rồi như bị ma ám, tôi dừng lại ghé mắt trông vào cổng nhà cô ta phía trên có những chấn song, – cô ta đã dậy rồi, đang đứng giữa sân cho vịt ăn. Tôi không đừng được nữa, bèn cất tiếng gọi. Cô ta bước lại gần và nhìn tôi qua chấn song. Khuôn mặt trắng trẻo, đôi mắt dịu dàng còn ngái ngủ… Trông cô thật là ưa nhìn, và tôi buông lời tán tỉnh dường như không phải là đứng với nhau ở bên cổng mà đang ngồi trong buổi lễ sinh nhật nào vậy. Còn cô ta thì đỏ bừng mặt, cười và cứ đăm đắm nhìn không chớp vào mắt tôi. Tôi mất hết cả lý trí và giãi bày với cô ta tình yêu của tôi… Cô ta mở cổng ra cho tôi vào, và từ sáng hôm ấy, hai chúng tôi bắt đầu sống với nhau như vợ chồng.

Từ ngoài đường, anh chàng Aliôska lưng gù đi vào trong sân, miệng thở hồng hộc, không nhìn ai, cứ thế chạy vào nhà; một lát sau anh ta chạy từ trong nhà ra, tay cầm chiếc đàn phong cầm, những tiền đồng trong túi kêu xủng xoảng, vừa chạy vừa cắn hạt hướng dương rồi khuất dần sau cánh đồng.

– Ai vừa chạy qua thế? – Mátvây Xápvíts hỏi.

– Con tôi đấy, thằng Aliôska, – lão Điuđia trả lời. – Nó lại đi chơi đấy, thằng đểu cáng. Trời đã phạt nó phải gù lưng nên chúng tôi cũng chẳng buồn giữ gìn cho nó lắm.

– Nó cứ đi chơi, đàn đúm với bọn trai làng mãi thôi, – bà lão Aphanaxiépna thở dài nói. – Lấy vợ cho nó trước ngày lễ tống tiễn mùa đông cứ tưởng là nó sẽ khá hơn, thế mà càng ngày nó cứ càng đổ đốn thêm ra.

– Chẳng được cái tích sự gì. Cuối cùng thành ra chỉ là ban không phước lộc cho con gái nhà nghèo, – lão Điuđia nói.

Từ phía sau nhà thờ vọng lại tiếng những ai đang hát một bài buồn buồn tuyệt diệu. Không thể phân biệt rõ lời, chỉ nghe thấy mấy giọng thôi: hai giọng nam cao và một giọng trầm. Vì ai cũng lắng nghe điệu hát, nên trong sân vụt trở nên im lặng… Bỗng hai người trong bọn họ cắt ngang bài hát bằng một chuỗi cười lanh lảnh, người thứ ba giọng cao tiếp tục hát và lên một nốt cao đến nỗi mọi người đều vô tình ngẩng đầu lên, dường như giọng hát ấy bay vút lên tận trời. Varvara bước ra khỏi nhà, giơ tay che ngang mắt như người che ánh nắng, mà nhìn về phía nhà thờ.

– Đấy là hai người con ông linh mục với thầy dạy hát đấy, – cô ta nói.

Ba người lại hòa giọng hát. Mátvây Xápvíts thở dài và tiếp nói:

– Công việc như thế cụ ạ. Chừng hai năm sau chúng tôi nhận được thư của Vaxia gửi từ Vácsava về. Anh ta viết rằng quan trên cho anh ta về nhà để chữa bệnh. Anh ta không được khỏe mà. Đến khoảng thời gian ấy tôi đã từ bỏ được những ý nghĩ ngu xuẩn ra khỏi đầu mình rồi, gia đình cũng đã kiếm được cho tôi một đám khá lắm, nhưng tôi vẫn chưa biết làm thế nào mà dứt ra khỏi cô nhân tình. Hôm nào tôi cũng định nói thẳng với Masenka nhưng không biết nói cách nào để khỏi phải nghe tiếng khóc lóc rên rỉ của cô ta. Bức thư ấy như cởi trói tay cho tôi. Tôi cùng đọc bức thư ấy với Masenka, gương mặt cô ta nhợt nhạt, trắng bệch ra, còn tôi thì nói: “Nhờ trời, thế là bây giờ cô lại là vợ của chồng cô rồi”. Cô ta nói: “Em chẳng sống với anh ta đâu”. – “Nhưng mà anh ấy là chồng cô cơ mà?” – tôi nói. – “Dễ thế… Em chưa bao giờ yêu anh ta cả, lấy anh ta cũng chả phải tự nguyện. Mẹ em bắt, thế thôi”. – “Ừ được rồi cô ngốc ạ, cô đừng có đánh trống lảng, cô thử nói xem: cô có làm lễ cưới với anh ấy trong nhà thờ hay là không?” “Có, nhưng em yêu anh và em sẽ ở với anh cho đến khi chết. Kệ cho người ta cười… Em chẳng kể vào đâu…” – “Cô là người hay cầu nguyện, hay đọc sách kinh, thì trong sách người ta viết gì vậy?”

– Đã lấy chồng thì phải ở với chồng, – lão Điuđia nói.

– Vợ chồng là gửi xương gửi thịt cho nhau. Chúng ta đã mắc tội rồi, tôi nói, nên hai chúng ta bây giờ phải có lương tâm, biết sợ Chúa Trời. Chúng ta sẽ thú tội trước mặt Vaxia, anh ấy là người lành tính, nhút nhát – anh ấy không giết đâu. Với lại trên đời này thì chịu đựng những nỗi khổ do người chồng hợp pháp gây ra vẫn còn hơn là sau này phải nghiến răng mà chịu nhục hình ở địa ngục. Cô ta chẳng chịu nghe lời tôi, cứ một mực khăng khăng: “Em yêu anh”, thế thôi, không nói gì thêm. Vaxia trở về nhà vào sáng sớm hôm thứ bảy ngay trước ngày lễ Ba Ngôi. Tôi thấy qua hàng rào anh rẽ vào nhà, một lát sau bế Kuxka đi ra, vừa cười, vừa khóc, vừa hôn đứa bé, rồi lại nhìn lên nhà để cỏ khô, vừa tiếc không muốn bỏ Kuxka ra, vừa muốn đến với mấy con bồ câu của mình. Thật là một người hiền lành, đa cảm. Ngày hôm ấy qua đi êm thấm, lặng lẽ. Người ta đã kéo chuông cầu nguyện buổi tối. Nhưng tôi cứ nghĩ mãi: ngày mai là ngày lễ Ba Ngôi rồi mà sao vẫn chưa thấy nhà bên ấy trang hoàng cổng, giậu gì cả. Tôi nghĩ chắc là chuyện không ổn rồi. Tôi đi sang đó. Nhìn vào thì thấy Vaxia ngồi giữa phòng ngay dưới nền nhà, mắt ngơ ngác đảo qua đảo lại như người say rượu, hai má đầm đìa nước mắt, tay run lẩy bẩy; anh ta rút trong bọc ra nào là bánh mì tròn, bánh quy, chuỗi hạt cườm và đủ thứ quà cáp khác mà vứt tung ra nhà. Thằng bé Kuxka dạo ấy nó khoảng ba tuổi thì bò bên cạnh, nhặt lấy bánh quy mà nhai, còn Masenka thì đứng gần lò sưởi, mặt tái nhợt, toàn thân run rẩy, lắp bắp nói: “Tôi không phải là vợ anh, tôi không muốn sống với anh” – và nói lắm câu lảm nhảm khác nữa. Tôi quỳ xuống bên chân Vaxia và nói: “Tôi với cô ấy có tội với anh, anh Vaxili Mắcximứts ạ, mong anh hãy vì đức Chúa mà tha tội cho!” Sau đó tôi đứng dậy và nói với Masenka những lời như thế này: “Chị Maria Xêmiônốpna ạ, bây giờ thì chị phải rửa chân cho anh Vaxili Mắcximứts và phải ăn súp loãng và chị hãy làm một người vợ ngoan ngoãn của anh ấy, hãy cầu Chúa sao cho anh ấy, một người giàu lòng vị tha, sẽ thứ tội cho tôi”. Như có vị thiên thần nào đã răn bảo cho tôi, tôi bảo cho cô ta nghe, tôi nói xúc động đến mức chính tôi cũng phải rưng rưng nước mắt. Thế rồi chừng hai ngày sau, Vaxia sang nhà tôi. Anh ta nói: “Tôi tha lỗi cho anh đấy, anh Mátvây ạ, cả anh cả cô ấy, thôi thì chuyện cũng đã thế rồi. Cô ấy làm vợ lính, chuyện đàn bà trẻ xa chồng, kể cũng khó mà giữ mình cho vẹn toàn. Cô ấy không phải là người đầu tiên, cũng chẳng phải là người cuối cùng mắc tội như thế. Chỉ có điều là bây giờ tôi xin anh cứ làm như là giữa anh với cô ấy chưa từng có chuyện gì xảy ra cả, anh đừng gặp cô ấy nữa, còn tôi thì tôi sẽ chiều chuộng cô ấy mọi thứ, sao cho cô ấy lại yêu tôi như xưa”. Anh ta đưa tay cho tôi bắt, uống trà rồi vui vẻ ra về. Phần tôi, tôi nghĩ thật là may mắn, tôi thấy nhẹ cả người, thế là mọi chuyện đều ổn thỏa cả. Nhưng khi Vaxia vừa ra khỏi sân thì Masenka bước vào. Thật là một sự trừng phạt. Cô ta ôm lấy cổ tôi khóc lóc, van xin: “Em van anh, anh đừng bỏ em, không có anh, em không sống được đâu”.

– Hừ, thật là đê tiện! – lão Điuđia thở dài nói.

– Tôi to tiếng mắng cô ta, hai chân giậm mạnh, lôi cô ta ra ngoài rồi móc cửa lại. Tôi kêu lên: về với chồng đi! Đừng có làm tôi xấu mặt với làng xóm, liệu mà sợ lấy Chúa! Thế rồi ngày nào cái cảnh ấy cũng cứ tái diễn. Có lần vào một buổi sáng tôi đang đứng trong sân nhà gần chuồng ngựa và chữa dây cương. Bất thình lình tôi trông thấy Masenka chạy qua cổng vào sân nhà tôi, chân đi đất, mình mặc mỗi chiếc váy, rồi lao vào tôi, nắm lấy tay tôi đang cầm dây cương, cả người cô ta dính bê bết những nhựa cây, run rẩy, khóc lóc… “Em không thể sống với cái thằng tởm lợm ấy đâu; em không đủ sức chịu đựng nữa đâu! Nếu anh không yêu em thì thà giết quách em đi còn hơn”. Tôi nổi cáu, tiện có dây cương trong tay tôi vụt cho cô ta hai cái, vừa lúc ấy thì Vaxia chạy qua cổng vào, và kêu lên thất thanh: “Đừng đánh! Đừng đánh!” Mồm thì nói thế nhưng chính mình thì lại chạy lại bên cô ta, rồi như người mất trí, dang thẳng tay thụi tới tấp vào người cô ta, sau đó đánh ngã cô ta xuống đất mà giẫm chân lên; tôi phải che đỡ cho cô ta, nhưng anh ta giật luôn dây cương từ tay tôi và cứ thế quất lấy quất để vào Masenka. Vừa đánh vừa kêu như con ngựa.

– Đáng lý cũng phải cầm cương mà quất cho nhà ngươi một trận như thế… – Varvara tức giận vừa nói, vừa bỏ đi. – Đồ đểu, xúm nhau lại mà hành hạ chị em người ta…

– Câm mồm đi, – lão Điuđia quát cô. – Đồ ngựa cái!

– Anh ta vừa đánh vừa la hí-hí-hí như thế, – Mátvây Xápvíts tiếp tục kể. – Từ sân nhà anh ta có một người xà ích chạy sang, tôi gọi thêm người ở nhà tôi nữa, rồi cả ba người cùng xúm vào lôi Masenka ra khỏi tay anh ta, rồi khiêng cô ta về nhà. Thật là cả một sự nhục nhã ê chề. Ngay tối hôm đó, tôi sang thăm cô ta. Cô ta nằm trên giường, mặt mày quấn đầy băng chỉ để hở hai mắt với mũi ra, cô ta cứ nhìn chăm chăm lên trần nhà. Tôi lên tiếng: “Chào chị Maria Xêmiônốpna!” Cô ta lặng thinh. Còn Vaxia thì ngồi ở buồng bên cạnh, hai tay ôm lấy đầu mếu máo khóc mà nói: “Tôi thật tàn ác quá! Tôi làm hại đời tôi rồi. Ôi, trời ơi, giết quách tôi đi cho xong!” Tôi ngồi chừng nửa giờ bên cạnh Masenka và thuyết đạo lý cho cô ta nghe. Tôi dọa cho cô ta sợ. Tôi nói rằng những con chiên ngoan đạo sau khi chết, sẽ được lên thiên đường, còn cô thì phải vào hỏa ngục cùng với những kẻ lầm đường lạc lối… Đừng có mà cứng đầu cứng cổ với chồng nữa, quỳ xuống chân Vaxia mà chịu tội đi. Còn cô ta thì chẳng hé răng nói một lời, cũng không hề chớp mắt nữa, cứ như là tôi nói với cái cột không bằng. Ngày hôm sau, Vaxia mắc bệnh đại khái như là bị đi tả thì phải, đến khoảng chập tối thì chết. Mọi người chôn cất anh ta tử tế. Masenka không ra nghĩa địa, cô không muốn phơi cái mặt ô nhục đầy vết bầm thâm tím trước mắt mọi người. Ít ngày sau dân phố đồn đại với nhau rằng Vaxia không phải tự nhiên chết, mà là do Masenka chủ tâm giết. Chuyện lên đến quan trên. Người ta đào xác Vaxia lên, mổ bụng ra và tìm thấy trong ruột có thạch tín. Chuyện thế là hai năm rõ mười; cảnh sát đến bắt Masenka, dẫn luôn cả cậu bé Kuxka vô tội. Tống giam vào 

nhà tù. Cô ta cứ làm quá lắm thì trời phạt cho thôi… Khoảng tám tháng sau thì tòa xử. Tôi còn nhớ cô ta ngồi trên một chiếc ghế băng nhỏ, trùm khăn vuông trắng, mặc áo choàng xám, thân hình gầy gò nhợt nhạt, đôi mắt sắc, trông cô ta thật tội. Phía sau là một người lính cầm súng đứng. Cô ta không nhận tội. Tại phiên tòa có một người nói rằng cô ta đã bỏ thuốc độc cho chồng, một số người khác thì chứng minh rằng anh chồng vì khổ não quá mà tự tử đấy thôi. Tôi có làm nhân chứng cho vụ án ấy. Khi người ta hỏi tôi, tôi nói hết mọi điều theo lương tâm của tôi. Tôi nói rằng lỗi là ở cô ta. Phải nói thẳng ra là cô ta không yêu chồng, lại bướng bỉnh nữa… Các quan tòa luận tội suốt từ sáng cho tới khuya mới đi đến quyết định như thế này: đày cô ta đi Xibiri làm khổ sai mười ba năm. Sau khi có quyết định như thế rồi, Masenka còn ở lại nhà tù thành phố tới chừng ba tháng nữa. Vì lòng nhân đạo tôi có đến thăm cô ta, đem trà, đường cho cô ta. Còn cô ta thì mỗi lần trông thấy tôi, là cả người run bắn lên, hai tay khoa khoa, mồm lắp bắp nói: “Anh đi ra đi! Đi ra đi!” Và ôm chặt lấy Kuxka vào lòng như sợ tôi cướp lấy mất thằng bé. Tôi nói rằng đấy, cô sa vào tình cảnh như thế đấy! Ôi, Masenka, Masenka, một tâm hồn tội lỗi. Không chịu nghe lời tôi, khi tôi răn bảo điều hay lẽ phải, đến bây giờ thì tha hồ mà than khóc. Tự mình có lỗi, thì hãy tự trách mình thôi. Tôi lại thuyết lý cho cô ta nghe, còn cô ta thì chỉ một mực: “Đi ra đi! Đi ra đi!” – và ôm chặt lấy Kuxka, cả người dựa sát vào tường run lẩy bẩy. Khi người ta đưa cô ta lên tỉnh, tôi có theo tiễn ra nhà ga và nhét vào bọc cô ta một rúp bạc gọi là để chuộc tội. Nhưng cô ta không đến được Xibiri… Chưa ra khỏi tỉnh thì cô ta bị sốt cao rồi chết ở trong tù…

– Đã là chó má thì chết cũng là chết như chó, – lão Điuđia nói.

– Người ta trả Kuxka về nhà… Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi, rồi nhận thằng bé về nuôi. Ừ, thì sao nào? Con nhà tù tội đấy nhưng nó vẫn là một con người đã được rửa tội hẳn hoi… Tôi thương nó quá. Tôi sẽ nuôi cho nó lớn thành người chạy hàng cho tôi, và nếu tôi không có con, tôi sẽ dạy nó nghề đi buôn. Bây giờ đi đâu tôi cũng dẫn nó đi theo: cho nó quen dần đi mà.

Khi Mátvây Xápvíts kể lại câu chuyện đó, Kuxka ngồi yên không nhúc nhích trên một tảng đá gần lối cổng, hai tay ôm lấy đầu ngước mắt nhìn lên trời; từ xa, trong bóng tối chập choạng trông cậu bé giống như một gốc cây nhỏ bị đẵn cụt.

– Kuxka, đi ngủ đi! – Mátvây Xápvíts gọi cậu bé.

– Ừ mà cũng đến giờ ngủ rồi, – lão Điuđia vừa nói vừa đứng dậy, lão ngáp dài thành tiếng và nói thêm – Cứ cố mà ăn ở theo như mình muốn, không chịu nghe lời ai thì rồi cuối cùng chuyện nó vỡ ra như thế đấy.

Trăng đã trôi trên bầu trời giữa sân; trăng như chạy về một phía, và những đám mây nằm dưới thì chạy về phía kia; mây đã đi xa mà trăng vẫn sáng trên đỉnh đầu. Mátvây Xápvíts lâm râm cầu nguyện mấy câu, lên tiếng chúc chủ nhà ngủ ngon rồi đặt mình xuống đất ngay cạnh chiếc xe ngựa. Kuxka cũng cầu nguyện, rồi vào nằm trong xe ngựa quấn chiếc áo dài vào người; để thoải mái hơn, nó bới một chỗ trong đám cỏ khô và chui vào đấy nằm còng queo đến nỗi khuỷu tay và đầu gối chạm nhau. Từ ngoài sân nhìn vào thấy rõ lão Điuđia châm nến ở tầng dưới, đeo kính vào và bước lại ở góc phòng cầm lấy quyển sách. Lão vừa đọc vừa khấn khứa rất lâu.

Những khách trọ đã ngủ rồi. Bà Aphanaxiépna và Xôphia đi đến gần bên xe ngựa và ngắm kỹ cậu bé Kuxka.

– Thằng bé mồ côi ngủ rồi, – bà lão nói. – Gầy gầy quá thôi, chỉ còn da bọc xương. Mẹ đẻ không còn, chẳng còn ai chăm sóc nó cho đến nơi đến chốn.

– Thằng bé Gơrisútka của con chắc phải lớn hơn Kuxka đến hai tuổi, – Xôphia nói. – Ở ngoài xưởng máy nó phải sống tù hãm, chắc là gò bó lắm, không có mẹ ở bên. Thế nào cũng bị ông chủ đánh đòn. Con cứ nhìn thằng bé này là lại nhớ đến Gơrisútka của con, tim con cứ như ứa máu.

Một phút im lặng trôi qua.

– Chắc nó cũng chẳng nhớ gì đến mẹ nó đâu, – bà lão nói.

– Còn nhớ vào đâu nữa!

Và nước mắt ràn rụa chảy ra trên gò má Xôphia.

– Thằng bé nằm co quắp thế kia kìa… – Xôphia nói, vừa sụt sịt khóc vừa cười vì xúc động và thương hại. – Ồ, cậu bé mồ côi của tôi.

Kuxka rùng mình và mở mắt ra. Cậu bé nhìn thấy một gương mặt xấu xí, nhăn nheo, giàn giụa nước mắt, bên cạnh đó là một gương mặt khác, già nua, miệng móm mém, cằm nhọn mũi khoằm và trên nữa là trời cao vô tận, có mặt trăng và những đám mây bay nhanh. Cậu bé bất chợt kêu lên vì sợ hãi. Xôphia cũng kêu lên; tiếng vọng đáp lại hai người, không gian oi bức bị khuấy động trong chốc lát, người gác cổng bên cạnh gọ mạnh cửa, chó nhà ai sủa vang lên. Mátvây Xápvíts làu bàu nói gì trong cơn mơ rồi trở mình sang phía khác.

Đêm về khuya, khi cả lão Điuđia, bà Aphanaxiépna và người gác cổng đều đã ngủ. Xôphia đi ra ngoài cổng và ngồi lên chiếc ghế dài. Chị ta thấy khó thở, vì khóc nhiều nên đầu nhức nhối. Đường phố trước mặt dài rộng quá, phía bên phải có dễ đến hai vécxta, bên trái cũng rộng chừng ấy, còn chiều dài như trải ra vô tận. Trăng không còn chiếu xuống sân nữa, giờ đã khuất sau nhà thờ. Một bên đường phố chan hòa ánh trăng, một bên tối sẫm vì sấp bóng; những bóng cây dương, bóng bộng hét ngả dài trên đường phố, còn bóng nhà thờ, đen kịt và đáng sợ thì che kín một khoảng rộng bao gồm cả cổng ra vào và một nửa nhà lão Điuđia. Chung quanh im ắng, không một bóng người. Từ phía cuối đường phố thỉnh thoảng có tiếng nhạc rất nhỏ đưa lại: chắc đó là Aliôska đang chơi đàn dương cầm.

Trong bóng tối gần bờ giậu nhà thờ có ai đang đi, cũng khó nhìn rõ được đó là người hay là một con bò, hay là, có lẽ chẳng có ai cả mà chỉ là một con chim nào đấy rất to đang xào xạc trên hàng cây. Nhưng rồi có một bóng người bước ra khỏi chỗ tối, nói một câu gì bằng giọng đàn ông, sau đó thì khuất hẳn sau ngõ bên cạnh nhà thờ. Một lát sau chừng khoảng bốn mét lại thoáng hiện lên một bóng người nữa; người này đi thẳng từ nhà thờ về phía cổng, và sau khi nhìn thấy Xôphia ngồi trên ghế dài thì dừng lại.

– Varvara đấy phải không? – Xôphia hỏi.

– Ừ, thì em đấy đã sao.

Người đó là Varvara. Cô đứng yên một phút, sau đó bước lại ghế dài rồi ngồi lên.

– Cô vừa đi đâu đấy? – Xôphia hỏi.

Varvara không trả lời gì.

– Này cô em ạ, lý ra thì cô đừng chuốc vào mình tai vạ như thế, – Xôphia nói. – Cô có nghe đoạn Masenka bị giẫm lên và bị quất dây cương không? Cô coi chừng đấy, không lại cũng bị như thế đấy.

– Thì đã sao.

Varvara lấy khăn che miệng cười rộ lên rồi thì thầm nói:

– Em vừa đi chơi với tay linh mục đấy.

– Nói láo.

– Thật đấy mà.

– Trời bắt tội đấy! – Xôphia thì thào.

– Thây kệ… Có gì mà tiếc? Bắt tội, ừ thì bắt tội, thà cứ để cho sấm sét nó đánh chết đi còn hơn là sống mãi thế này. Em thì còn trẻ, khỏe, mà chồng em thì gù lưng, tởm lợm, cay nghiệt, còn tồi hơn cả lão Điuđia đáng nguyền rủa kia nữa. Hồi còn con gái em ăn không đủ no, chân không giày không tất, thoát khỏi những ngày khổ cực đó, ham cái giàu sang của Aliôska, em lại rơi vào cái cảnh trói buộc này, như cá mắc vào nơm, em thấy nằm với một con rắn độc còn dễ chịu hơn là nằm với gã Aliôska ghẻ lở. Còn đời chị thì sao? Cũng chẳng hơn gì. Anh Phêđor của chị đã đuổi chị từ xưởng máy về nhà với bồ, còn mình thì kiếm một cô nhân tình; con của chị thì anh ta tước mất, rồi gán đi ở đợ cho nhà một ông chủ. Chị thì làm quần quật như trâu như ngựa, mà vẫn cứ bị chửi mắng. Thà cứ ở vậy suốt đời còn hơn, thà cứ lấy dăm hào chỉ của bọn linh mục, chìa tay đi ăn xin, lao đầu xuống giếng còn hơn…

– Phải tội đấy! – Xôphia lại thì thào nói.

– Thây kệ nó.

Từ một nơi phía sau nhà thờ lại vọng tới một bài hát buồn buồn, vẫn ba người lúc nãy: hai người giọng nam cao và một giọng trầm. Cũng vẫn như lúc nãy, không thể nào nghe rõ được lời bài hát.

– Mấy tay thức khuya gớm… – Varvara bật cười nói.

Rồi cô ta bắt đầu thì thầm kể lại chuyện đêm đêm cô đi chơi với tay linh mục như thế nào, tay này nói những gì với cô, bạn bè của tay đó là những ai, cô đã đi lại với bọn viên chức và lái buôn ngủ trọ như thế nào. Điệu hát buồn buồn kia phảng phất gợi nhớ đến một cuộc đời phóng khoáng, và Xôphia khẽ mỉm cười, chị ta vừa cảm thấy có tội, vừa cảm thấy kinh hãi và êm dịu khi lắng nghe điệu hát ấy, chị thấy thèm muốn, ghen tỵ và tiếc rẻ rằng chị đã không mắc vào đường tội lỗi như vậy lúc còn trẻ trung và xinh đẹp…

Chuông nhà thờ điểm 12 giờ đêm.

– Thôi đến giờ đi ngủ rồi, – Xôphia vừa đứng lên vừa nói, – không khéo lão Điuđia lại bắt gặp đấy.

Hai người lặng lẽ đi vào trong sân.

– Em đi mất lúc ấy nên không nghe được đoạn sau anh ta kể về Masenka thế nào, – Varvara vừa nói vừa soạn giường ngủ đặt bên cửa sổ.

– Chết rồi, anh ta kể thế, chết trong nhà tù ấy. Cô ta đánh thuốc độc cho chồng.

Varvara nằm bên cạnh Xôphia, nghĩ ngợi một lúc rồi nói nho nhỏ:

– Em sẵn sàng giết chết thằng Aliôska mà chẳng thương tiếc gì.

– Cô chỉ nói dại.

Khi Xôphia đã thiu thiu ngủ, Varvara nằm sán lại bên và ghé miệng sát vào tai thầm thì nói:

– Chị với em cùng giết lão Điuđia và thằng Aliôska đi!

Xôphia rùng mình, không nói gì cả, một lát sau chị ta mở mắt ra rồi đăm đăm nhìn lên bầu trời.

– Người ta biết đấy, – Xôphia nói.

– Không biết được đâu. Lão Điuđia thì già rồi, cũng có lúc chết thôi, còn thằng Aliôska thì mọi người sẽ nói là hắn say rượu mà chết.

– Sợ lắm em à… Trời đánh chết mất thôi.

– Thây kệ trời…

Hai người cùng không ngủ và im lặng suy nghĩ.

– Rét, rét là, – Xôphia nói, toàn thân run lên. – Chắc cũng gần đến sáng rồi… Cô đã ngủ chưa đấy?

– Chưa… Chị Xôphia yêu quý, chị đừng nghe em nhé, – Varvara thì thào nói. – Em căm cha con nhà nó quá đấy thôi, mấy thằng đốn mạt, chứ chính em cũng có hiểu rằng mình nói gì đâu. Ngủ đi chị ạ, không rồi sáng bây giờ đây… Ngủ đi…

Cả hai người cùng im lặng, nguôi nguôi trong lòng, và lát sau cùng ngủ thiếp đi.

Bà lão Aphanaxiépna dậy trước tất cả mọi người. Bà đánh thức Xôphia, rồi hai người cùng ra chuồng bò vắt sữa. Gã Aliôska gù lưng trở về, say mềm, không thấy cầm đàn nữa; ngực và đầu gối gã lấm đầy đất bụi và rơm rạ – chắc là gã đã nhiều lần bị ngã dọc đường. Chân nam đá chân chiêu, gã ngất ngưỡng bước vào dưới mái hiên gieo mình xuống chiếc xe trượt rồi cứ để nguyên cả quần áo, cất tiếng ngáy khò khò. Khi cây thánh giá trên nóc nhà thờ và tiếp theo là những cánh cửa sổ sáng rực lên như lửa dưới ánh nắng mặt trời vừa lên, khi bóng cây và bóng cần kéo nước bên giếng ngả dài trên thảm cỏ đẫm sương, Mátvây Xápvíts trở dậy và hối hả nói.

– Kuxka, dậy thôi! – anh ta kêu to lên. – Thắng yên cương vào thôi! Nhanh lên!

Bắt đầu cảnh tất bật của một buổi sáng. Một cô gái Do Thái mặc bộ váy áo màu nâu có nhiều nếp gấp dẫn ngựa vào trong sân uống nước. Tiếng cần lấy nước kêu kẽo kẹt rền rĩ, tiếng gàu lập bập chạm vào thành giếng… Cậu bé Kuxka vẻ mặt còn ngái ngủ, uể oải, mình còn dính đầy sương đêm, đang ngồi trên xe ngựa, chậm chạp mặc chiếc áo dài vào người, lắng nghe tiếng nước róc rách rơi từ trên gàu xuống giếng và rùng mình vì ớn lạnh.

– Này cô, – Mátvây Xápvíts gọi Xôphia, – cô thúc hộ anh chàng đánh xe của tôi để nó đến thắng ngựa vào xe nhanh nhanh lên một tí.

Còn lão Điuđia lúc này thì quát qua cửa sổ:

– Xôphia, nhớ lấy của cô kia một xu tiền cho ngựa uống nước đấy! Hôm nào cũng quen cái thói ấy mãi. Bọn Do Thái!

Ngoài bãi đất đàn cừu chạy đi chạy lại kêu be be, giọng các bà quát tháo người chăn cừu, còn anh ta thì cứ thổi sáo, vút vút chiếc roi hoặc trả lời lại mấy bà bằng một giọng trầm ồm ồm, khàn khàn. Có ba con cừu chạy lạc vào trong sân, không tìm thấy lối ra, chúng húc đầu vào bờ giậu. Tiếng ồn ào chung quanh làm Varvara tỉnh dậy, cuộn tròn chăn gối lại, rồi xuống nhà.

– Thì cô nhanh chân ra đuổi mấy con cừu xem nào! – bà già quát to với Varvara. – Cứ dềnh dàng như tiểu thư ấy thôi.

– Còn thế nữa. Chờ đấy rồi người ta làm cho lũ các người, – Varvara vừa làu bàu trong miệng vừa bước ra khỏi nhà.

Người ta tra dầu vào bánh xe, thắng ngựa vào xe. Lão Điuđia từ trong nhà đi ra, tay cầm bàn tính, ngồi xuống hàng hiên và tính tiền với khách trọ về các khoản ngủ lại, cho ngựa ăn và uống nước.

– Cụ tính khoản kiều mạch cho ngựa ăn đắt quá, – Mátvây Xápvíts nói.

– Nếu thấy đắt thì thôi đừng lấy nữa. Chúng tôi cũng chẳng ép đâu, anh lái buôn ạ.

Khi mấy người khách trọ đến bên ngựa để trèo lên ngồi rồi đi thì có một chuyện xảy ra làm họ phải nán lại. Chiếc mũ của Kuxka rơi đi đâu mất.

– Mày vứt nó đi đâu hả, đồ lợn con? – Mátvây Xápvíts nổi cáu quát to. – Mũ đâu rồi?

Kuxka mặt méo xệch đi vì hoảng sợ, luýnh quýnh chạy quanh xe ngựa, không tìm thấy ở đấy. Cậu bé chạy về phía cổng, rồi lại chạy ra chỗ mái hiên. Bà lão và Xôphia cùng giúp cậu bé tìm chiếc mũ.

– Tao vặt tai mày đi đấy, – Mátvây Xápvíts hét to. – Đồ ăn hại.

Lát sau chiếc mũ được tìm thấy dưới đáy thùng xe. Kuxka lấy ống tay áo phủi cỏ khô dính trên mũ rồi đội lên đầu, gương mặt vẫn còn chưa hết sợ hãi, rón rén chui vào trong xe như sợ có ai đang chực đâm vào sau lưng mình. Mátvây Xápvíts – đưa tay làm dấu, người xà ích giật dây cương, chiếc xe chuyển bánh, rồi chạy nhanh ra khỏi sân.

 

___________

1. Vương quốc Ba Lan – tên gọi phần nước Ba Lan, thuộc nước Nga, theo quyết nghị của hội nghị quốc tế ở Viên 1814-1815. Tới năm 1918, lãnh thổ của Vương quốc Ba Lan trở thành bộ phận cơ bản của nước Ba Lan.

Bình luận