Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn A.p. Chekhov

Điều Bí Ẩn

Tác giả: Anton Chekhov

VÀO BUỔI TỐI NGÀY ĐẦU TIÊN trong dịp lễ Phục Sinh viên chức bậc bốn Navaghin trở về nhà sau khi đi thăm viếng mấy nơi, ông cầm lấy tờ giấy treo ngoài hành lang trên đó có ghi chữ ký của những người đến thăm rồi mang tờ giấy ấy vào phòng riêng của mình. Cởi bỏ áo ngoài ra và uống một cốc nước suối, ông ngồi thật thoải mái trên chiếc đivăng nhỏ rồi bắt đầu đọc những chữ ký trên tờ giấy. Khi ông đưa mắt đến khoảng giữa hàng chữ ký dài, ông bỗng rùng mình, sửng sốt cười khẩy, mặt lộ rõ vẻ kinh ngạc tột độ, ngón tay búng búng.

– Lại thấy! – ông nói, tay đập xuống đùi. – Thật kỳ lạ! Lại thấy! Lại thấy cái chữ ký này, Phêđiukốp, có trời mà biết được nó là ai! Lại thấy!

Giữa rất nhiều chữ ký trên tờ giấy thấy có chữ ký của một người nào đó mang tên Phêđiukốp. Phêđiukốp này là ai – Navaghin tuyệt nhiên không biết. Ông lục lại trong trí nhớ tất cả những người quen, họ hàng và những kẻ dưới quyền của mình, lần lại quá khứ xa xôi, nhưng không sao nhớ được cho dù chỉ là một điều gì gợi đến tên Phêđiukốp. Điều lạ lùng hơn cả là kẻ incognito(1) Phêđiukốp này trong vòng mười ba năm trở lại đây cứ vào dịp lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh lại cẩn thận ký tên mình vào tờ giấy đó. Hắn ta là ai, từ đâu tới và là kẻ thế nào, – cả Navaghin, cả vợ ông, cả người gác cổng đều không biết.

– Quái thật! – Navaghin vừa nói, vừa đi lại trong phòng. – Thật lạ lùng và khó hiểu. Thật là kỳ quặc! Gọi tên gác cổng lên đây! – ông gào lên. – Thật kỳ dị! Không, thế nào ta cũng phải tìm ra kẻ đó là ai! Này, Grigôri, – ông nói với người gác cổng mới vào, – cái thằng cha Phêđiukốp nó lại ký đấy! Nhà ngươi có nhìn thấy nó không?

– Dạ thưa không thấy gì cả ạ…

– Sao thế, nó có ký cơ mà! Có nghĩa là nó phải đi qua hành lang? Có không?

– Không đâu ạ, nó không đi qua.

– Vậy thì làm sao nó có thể ký được nếu nó không đi qua?

– Dạ, con không biết ạ.

– Thế thì còn ai biết nữa? Mi ngủ gật ngoài hành lang à! Nhớ lại xem có thể có kẻ lạ mặt nào đi vào không! Nghĩ xem!

– Không, thưa ngài, chẳng có ai là lạ cả ạ. Các ông viên chức có đến, bà công tước có đi xe ngựa đến thăm bà chủ, các vị giáo sĩ tay cầm thánh giá cũng ghé vào, ngoài ra chẳng còn ai khác nữa…

– Thế nó hóa thành người vô hình để ký à?

– Dạ, con không biết, nhưng mà quả thật chẳng có ai là Phêđiukốp cả ạ. Con dám thề trước ảnh thánh đấy ạ…

– Thật lạ lùng! Khó hiểu! Kỳ quặc-c thật! – Navaghin nghĩ ngợi. – Thật là nực cười. Nó đã ký như thế mười ba năm nay rồi thế mà mình không thể nào biết được nó là ai. Có thể là kẻ nào đùa chăng? Có thể là có tay viên chức nào nghịch ngợm vừa ký tên nó lại vừa ký tên Phêđiukốp chăng?

Navaghin quay ra xem lại kỹ chữ ký của Phêđiukốp.

Một chữ ký phóng đãng, táo bạo theo kiểu cũ, có những nét ngoằn ngoèo, cong cong, hoàn toàn không giống với những kiểu ký còn lại. Chữ ký ấy liền ngay dưới chữ ký của Stuskin, một viên thư lại (viên chức bậc mười hai) trong phủ tổng đốc, một người rụt rè, nhút nhát, một kẻ chắc là sẽ lăn ra mà chết vì sợ nếu dám cả gan đùa như vậy.

– Cái thằng cha Phêđiukốp bí ẩn lại ký lần nữa! -Navaghin vừa đi vào buồng vợ vừa nói. – Mình lại chịu không biết nó là thằng nào!

M-me(2) Navaghina là người theo thuyết thông linh(3), vì vậy tất cả những hiện tượng dễ hiểu và khó hiểu trong thiên nhiên bà đều giải thích rất đơn giản.

– Chẳng có gì là lạ cả, – bà nói. – Mình thì mình không tin, chứ tôi thì tôi đã và đang nói: trong thiên nhiên có rất nhiều điều thần bí mà trí tuệ yếu ớt của chúng ta không bao giờ hiểu được. Tôi tin chắc rằng Phêđiukốp này là một hồn ma có cảm tình với mình… Ở vào địa vị mình, thế nào tôi cũng gọi hồn đó về và hỏi xem nó cần gì.

– Nói nhảm, nói nhảm!

Navaghin hoàn toàn không phải là người mê tín, nhưng hiện tượng ám ảnh ông này bí ẩn đến mức mà tự nhiên những thứ quỷ thần cũng len vào đầu ông lúc nào không biết. Suốt buổi tối ông cứ nghĩ mãi rằng incognito Phêđiukốp là hồn ma của một viên chức nào ngày xưa đã bị cha Navaghin ông – sa thải, bây giờ hiện ra để trả thù con cháu; có thể đấy là người nhà một tay thư lại nào mà chính Navaghin đã đuổi ra khỏi sở, hay là một cô gái từng bị ông quyến rũ…

Suốt đêm Navaghin nằm mê thấy một viên chức già nua, gầy gò, mặc đồng phục ngày thường sờn mòn cũ kỹ, bộ mặt vàng ệch, mái tóc rễ tre, đôi mắt màu thiếc; lão viên chức nói giọng âm âm nghe như từ dưới mồ và giơ ngón tay xương xẩu, khô đét đe dọa ông.

Thiếu chút nữa thì Navaghin đến viêm màng não. Hai tuần lễ liền ông im lặng, vẻ mặt đăm chiêu, đi đâu cũng nghĩ ngợi miên man. Cuối cùng, ông cố dẹp lòng tự ái bi quan của mình lại, đi vào buồng vợ và nói giọng khô khốc:

– Dina, mình gọi hồn Phêđiukốp ra cho tôi!

Bà vợ theo thuyết thông linh mừng rỡ, bà sai mang ra một tờ bìa các tông và một cái đĩa, bảo chồng ngồi xuống bên rồi bắt đầu làm phép. Phêđiukốp không bắt phải chờ lâu…

– Ngươi cần gì? – Navaghin hỏi.

– Ông hãy thú tội đi… – cái đĩa trả lời.

– Trước kia ngươi là gì trên trần thế?

– Là một kẻ lầm lạc…

– Đấy mình thấy chưa! – bà vợ thì thào. – Thế mà trước mình không tin!

Navaghin đàm đạo rất lâu với Phêđiukốp, sau đó gọi cả Napôlêông(4), Ganniban(5), Axkôtsenxki(6), bà cô Klápđia Dakharốpna, và tất cả đều nói với ông những câu trả lời ngắn gọn, chính xác, sâu sắc. Ông vất vả đàm đạo với chiếc đĩa chừng bốn giờ đồng hồ, sau đó ông ngủ một giấc ngon lành, hạnh phúc rằng cuối cùng ông đã làm quen được với một thế giới bí ẩn, mới lạ đối với ông. Sau lần đó, ngày nào ông cũng làm lễ gọi hồn, và khi đến sở làm việc, ông giảng giải cho các viên chức rằng trong thiên nhiên nói chung là có rất nhiều điều bí ẩn, lạ lùng mà lẽ ra các nhà học giả Nga đã phải lưu tâm đến từ lâu. Thuật thôi miên, lên đồng, thuyết Bisốp(7), thuyết đo không gian thứ tư(8) và đủ thuật bí ẩn khác đã choán hết tâm trí ông, cho nên suốt ngày này qua ngày khác ông say mê đọc các sách gọi hồn – điều này làm vợ ông rất vừa lòng – hoặc là ông quay bàn lên đồng nói chuyện với cái đĩa hay tìm cách giải thích các hiện tượng bí ẩn. Bắt chước Navaghin, từ đó tất cả các viên chức dưới quyền ông đều theo, một cách cần mẫn đến nỗi một lão nhân viên quản trị trong sở như đã phát điên và có lần gửi người đưa công văn một bức điện như thế này: “Gửi ty, dưới âm phủ. Tôi cảm thấy tôi đang biến thành quỷ ác. Làm gì bây giờ? Câu trả lời đã được trả tiền rồi. Vaxili Krinôlinxki”.

Sau khi đọc hàng trăm bài nghiên cứu về thuyết thông linh, Navaghin bỗng thấy khát khao muốn tự mình viết một cái gì. Ông ngồi lì năm tháng để viết, và cuối cùng đã viết xong một bài báo dài dưới nhan đề: “Ý kiến của tôi”. Hoàn thành xong bài báo, ông quyết định gửi đến một tờ tạp chí thuyết thông linh.

Cái ngày ông định gửi bài báo đi đối với ông là một ngày đáng ghi nhớ. Ông còn nhớ vào cái ngày khó quên ấy, trong phòng làm việc của ông có viên thư ký ngồi chép lại bài báo, và một người từ ở nhà thờ địa phương được gọi đến để sai việc. Gương mặt Navaghin sáng hẳn lên. Ông nhìn đứa con tinh thần của mình với vẻ đặc biệt trìu mến, lấy ngón tay sờ xem nó dày mỏng ra sao, mỉm cười sung sướng rồi nói với viên thư ký:

– Tôi nghĩ rằng ta nên gửi bảo đảm, Philíp Xerghêíts ạ. Như thế chắc chắn hơn… – Rồi đưa mắt nhìn lên người từ ở nhà thờ, ông nói – Tôi cho người gọi ông đến để nhờ chút việc, ông bạn thân mến ạ. Tôi cho con tôi vào trường học, tôi cần có giấy khai sinh, chỉ có điều là không biết có thể lấy sớm được không?

– Vâng, được rồi ạ, thưa ngài! – người từ vừa cúi mình vừa nói. – Được rồi ạ! Tôi hiểu rồi ạ…

– Liệu ngày mai đã có chưa?

– Được rồi ạ, thưa ngài, ngài cứ yên tâm ạ! Ngày mai là xong thôi ạ! Ngày mai ngài cho người đến nhà thờ trước buổi lễ tối. Tôi sẽ chờ ở đấy. Ngài cứ cho hỏi Phêđiukốp, lúc nào tôi cũng ở đấy…

– Hỏi ai?! – vị tướng quát lên, mặt tái đi.

– Dạ, Phêđiukốp ạ.

– Ông… ông là Phêđiukốp à? – Navaghin hỏi, mắt trợn tròn nhìn người từ.

– Đúng thế ạ, đúng là Phêđiukốp ạ.

– Ông… ông vẫn ký trên tờ giấy ngoài hành lang nhà tôi phải không?

– Vâng, đúng thế ạ, – người từ thú nhận ra vẻ ngượng nghịu. – Thưa ngài, khi bọn giáo sĩ chúng tôi cầm thánh giá đi các nhà thì bao giờ tôi cũng ký tên mình ở nhà các ngài quan chức trọng quyền cao… Tôi thích làm thế… Xin lỗi ngài, quả thực cứ nhìn thấy tờ giấy treo ngoài hành lang là tôi lại cứ muốn được ký tên mình vào đấy…

Navaghin choáng váng, đi đi lại lại trong phòng, không còn nghe thấy gì, hiểu gì nữa. Ông sờ vào tấm rèm treo ở cửa ra vào, tay phải vung lên mấy lần liền, giống như vai jeune premier(9) trong vũ kịch khi vừa nhìn thấy nàng, ông huýt huýt sáo, miệng mỉm cười vô nghĩa, giơ ngón tay chỉ vào khoảng không.

– Tôi đem bài báo gửi đi bây giờ chứ ạ, dạ thưa ngài, – viên thư ký nói.

Lời nói đó đã làm Navaghin sực tỉnh lại. Ông lơ đễnh nhìn viên thư ký và người từ, bỗng nhớ lại tất cả rồi nổi cáu, giậm chân thình thịch, the thé ré lên:

– Các ông để cho tôi yên! Để cho tôi yên, tôi nói với các ông rồi đấy! Tôi không hiểu các ông cần gì ở tôi hả?

Viên thư ký và người từ đi ra khỏi phòng và đã xuống đến phố, còn Navaghin thì vẫn giậm chân và gào:

– Để cho tôi yên! Tôi không hiểu, các ông cần gì ở tôi? Để cho tôi yên!

 

__________

1. Vô danh (tiếng La Tinh).

2. Viết tắt chữ madame (tiếng Pháp) – bà.

3. Thuyết thông linh – (từ chữ spiritus tiếng La tinh là linh hồn) – một khuynh hướng thần bí, ra đời ở Mỹ thế kỷ XIX, và gắn với lòng tin rằng tâm hồn người chết còn tồn tại dưới âm phủ. Trong thuyết thông linh: Medius (tiếng La tinh nghĩa là trung bình) – là trung gian giữa thế giới thần linh và con người. Thông qua đó, theo quan niệm của những người theo thuyết thông linh, trong trạng thái xuất thần có thể chuyển “thông tin của những người chết”.

4. Napôlêông (Bônapác) (1769-1821) – hoàng đế Pháp.

5. Ganniban Abram Pêtơrơ (khoảng 1697-1781) – người con của công tước Etiôpi, bị người Thổ bắt cóc và tặng cho Nga hoàng Pêtơrơ I, sau là người giúp việc cho Nga hoàng, thành thư ký và sau đó là một kỹ sư quân sự, một vị tướng. Ông ngoại của nhà thơ Nga vĩ đại A.X. Puskin (1799-1837).

6. Axkôtsenxki V.I. (1813-1879), nhà báo và nhà văn phản động.

7. Thuyết Bisốp. Từ họ của Oasintơn Irvin Bisốp, hồi đó nhà sinh lý học Mỹ nổi tiếng như là “người đi đọc tư tưởng”. Lần đầu tiên biểu diễn kinh nghiệm chuyển giao tư tưởng của mình ở Maxcơva vào 20 tháng Mười Một năm 1884.

8. Chiều thứ tư – quan niệm duy tâm xem thời gian như một chiều thứ tư của kích thước không gian, sử dụng thuyết thông linh để làm bằng chứng cho một cuộc sống ở bên ngoài không gian ba chiều thông thường.

9. Người tình đầu tiên – một loại vai trên sân khấu (tiếng Pháp).

VÀO BUỔI TỐI NGÀY ĐẦU TIÊN trong dịp lễ Phục Sinh viên chức bậc bốn Navaghin trở về nhà sau khi đi thăm viếng mấy nơi, ông cầm lấy tờ giấy treo ngoài hành lang trên đó có ghi chữ ký của những người đến thăm rồi mang tờ giấy ấy vào phòng riêng của mình. Cởi bỏ áo ngoài ra và uống một cốc nước suối, ông ngồi thật thoải mái trên chiếc đivăng nhỏ rồi bắt đầu đọc những chữ ký trên tờ giấy. Khi ông đưa mắt đến khoảng giữa hàng chữ ký dài, ông bỗng rùng mình, sửng sốt cười khẩy, mặt lộ rõ vẻ kinh ngạc tột độ, ngón tay búng búng.

– Lại thấy! – ông nói, tay đập xuống đùi. – Thật kỳ lạ! Lại thấy! Lại thấy cái chữ ký này, Phêđiukốp, có trời mà biết được nó là ai! Lại thấy!

Giữa rất nhiều chữ ký trên tờ giấy thấy có chữ ký của một người nào đó mang tên Phêđiukốp. Phêđiukốp này là ai – Navaghin tuyệt nhiên không biết. Ông lục lại trong trí nhớ tất cả những người quen, họ hàng và những kẻ dưới quyền của mình, lần lại quá khứ xa xôi, nhưng không sao nhớ được cho dù chỉ là một điều gì gợi đến tên Phêđiukốp. Điều lạ lùng hơn cả là kẻ incognito(1) Phêđiukốp này trong vòng mười ba năm trở lại đây cứ vào dịp lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh lại cẩn thận ký tên mình vào tờ giấy đó. Hắn ta là ai, từ đâu tới và là kẻ thế nào, – cả Navaghin, cả vợ ông, cả người gác cổng đều không biết.

– Quái thật! – Navaghin vừa nói, vừa đi lại trong phòng. – Thật lạ lùng và khó hiểu. Thật là kỳ quặc! Gọi tên gác cổng lên đây! – ông gào lên. – Thật kỳ dị! Không, thế nào ta cũng phải tìm ra kẻ đó là ai! Này, Grigôri, – ông nói với người gác cổng mới vào, – cái thằng cha Phêđiukốp nó lại ký đấy! Nhà ngươi có nhìn thấy nó không?

– Dạ thưa không thấy gì cả ạ…

– Sao thế, nó có ký cơ mà! Có nghĩa là nó phải đi qua hành lang? Có không?

– Không đâu ạ, nó không đi qua.

– Vậy thì làm sao nó có thể ký được nếu nó không đi qua?

– Dạ, con không biết ạ.

– Thế thì còn ai biết nữa? Mi ngủ gật ngoài hành lang à! Nhớ lại xem có thể có kẻ lạ mặt nào đi vào không! Nghĩ xem!

– Không, thưa ngài, chẳng có ai là lạ cả ạ. Các ông viên chức có đến, bà công tước có đi xe ngựa đến thăm bà chủ, các vị giáo sĩ tay cầm thánh giá cũng ghé vào, ngoài ra chẳng còn ai khác nữa…

– Thế nó hóa thành người vô hình để ký à?

– Dạ, con không biết, nhưng mà quả thật chẳng có ai là Phêđiukốp cả ạ. Con dám thề trước ảnh thánh đấy ạ…

– Thật lạ lùng! Khó hiểu! Kỳ quặc-c thật! – Navaghin nghĩ ngợi. – Thật là nực cười. Nó đã ký như thế mười ba năm nay rồi thế mà mình không thể nào biết được nó là ai. Có thể là kẻ nào đùa chăng? Có thể là có tay viên chức nào nghịch ngợm vừa ký tên nó lại vừa ký tên Phêđiukốp chăng?

Navaghin quay ra xem lại kỹ chữ ký của Phêđiukốp.

Một chữ ký phóng đãng, táo bạo theo kiểu cũ, có những nét ngoằn ngoèo, cong cong, hoàn toàn không giống với những kiểu ký còn lại. Chữ ký ấy liền ngay dưới chữ ký của Stuskin, một viên thư lại (viên chức bậc mười hai) trong phủ tổng đốc, một người rụt rè, nhút nhát, một kẻ chắc là sẽ lăn ra mà chết vì sợ nếu dám cả gan đùa như vậy.

– Cái thằng cha Phêđiukốp bí ẩn lại ký lần nữa! -Navaghin vừa đi vào buồng vợ vừa nói. – Mình lại chịu không biết nó là thằng nào!

M-me(2) Navaghina là người theo thuyết thông linh(3), vì vậy tất cả những hiện tượng dễ hiểu và khó hiểu trong thiên nhiên bà đều giải thích rất đơn giản.

– Chẳng có gì là lạ cả, – bà nói. – Mình thì mình không tin, chứ tôi thì tôi đã và đang nói: trong thiên nhiên có rất nhiều điều thần bí mà trí tuệ yếu ớt của chúng ta không bao giờ hiểu được. Tôi tin chắc rằng Phêđiukốp này là một hồn ma có cảm tình với mình… Ở vào địa vị mình, thế nào tôi cũng gọi hồn đó về và hỏi xem nó cần gì.

– Nói nhảm, nói nhảm!

Navaghin hoàn toàn không phải là người mê tín, nhưng hiện tượng ám ảnh ông này bí ẩn đến mức mà tự nhiên những thứ quỷ thần cũng len vào đầu ông lúc nào không biết. Suốt buổi tối ông cứ nghĩ mãi rằng incognito Phêđiukốp là hồn ma của một viên chức nào ngày xưa đã bị cha Navaghin ông – sa thải, bây giờ hiện ra để trả thù con cháu; có thể đấy là người nhà một tay thư lại nào mà chính Navaghin đã đuổi ra khỏi sở, hay là một cô gái từng bị ông quyến rũ…

Suốt đêm Navaghin nằm mê thấy một viên chức già nua, gầy gò, mặc đồng phục ngày thường sờn mòn cũ kỹ, bộ mặt vàng ệch, mái tóc rễ tre, đôi mắt màu thiếc; lão viên chức nói giọng âm âm nghe như từ dưới mồ và giơ ngón tay xương xẩu, khô đét đe dọa ông.

Thiếu chút nữa thì Navaghin đến viêm màng não. Hai tuần lễ liền ông im lặng, vẻ mặt đăm chiêu, đi đâu cũng nghĩ ngợi miên man. Cuối cùng, ông cố dẹp lòng tự ái bi quan của mình lại, đi vào buồng vợ và nói giọng khô khốc:

– Dina, mình gọi hồn Phêđiukốp ra cho tôi!

Bà vợ theo thuyết thông linh mừng rỡ, bà sai mang ra một tờ bìa các tông và một cái đĩa, bảo chồng ngồi xuống bên rồi bắt đầu làm phép. Phêđiukốp không bắt phải chờ lâu…

– Ngươi cần gì? – Navaghin hỏi.

– Ông hãy thú tội đi… – cái đĩa trả lời.

– Trước kia ngươi là gì trên trần thế?

– Là một kẻ lầm lạc…

– Đấy mình thấy chưa! – bà vợ thì thào. – Thế mà trước mình không tin!

Navaghin đàm đạo rất lâu với Phêđiukốp, sau đó gọi cả Napôlêông(4), Ganniban(5), Axkôtsenxki(6), bà cô Klápđia Dakharốpna, và tất cả đều nói với ông những câu trả lời ngắn gọn, chính xác, sâu sắc. Ông vất vả đàm đạo với chiếc đĩa chừng bốn giờ đồng hồ, sau đó ông ngủ một giấc ngon lành, hạnh phúc rằng cuối cùng ông đã làm quen được với một thế giới bí ẩn, mới lạ đối với ông. Sau lần đó, ngày nào ông cũng làm lễ gọi hồn, và khi đến sở làm việc, ông giảng giải cho các viên chức rằng trong thiên nhiên nói chung là có rất nhiều điều bí ẩn, lạ lùng mà lẽ ra các nhà học giả Nga đã phải lưu tâm đến từ lâu. Thuật thôi miên, lên đồng, thuyết Bisốp(7), thuyết đo không gian thứ tư(8) và đủ thuật bí ẩn khác đã choán hết tâm trí ông, cho nên suốt ngày này qua ngày khác ông say mê đọc các sách gọi hồn – điều này làm vợ ông rất vừa lòng – hoặc là ông quay bàn lên đồng nói chuyện với cái đĩa hay tìm cách giải thích các hiện tượng bí ẩn. Bắt chước Navaghin, từ đó tất cả các viên chức dưới quyền ông đều theo, một cách cần mẫn đến nỗi một lão nhân viên quản trị trong sở như đã phát điên và có lần gửi người đưa công văn một bức điện như thế này: “Gửi ty, dưới âm phủ. Tôi cảm thấy tôi đang biến thành quỷ ác. Làm gì bây giờ? Câu trả lời đã được trả tiền rồi. Vaxili Krinôlinxki”.

Sau khi đọc hàng trăm bài nghiên cứu về thuyết thông linh, Navaghin bỗng thấy khát khao muốn tự mình viết một cái gì. Ông ngồi lì năm tháng để viết, và cuối cùng đã viết xong một bài báo dài dưới nhan đề: “Ý kiến của tôi”. Hoàn thành xong bài báo, ông quyết định gửi đến một tờ tạp chí thuyết thông linh.

Cái ngày ông định gửi bài báo đi đối với ông là một ngày đáng ghi nhớ. Ông còn nhớ vào cái ngày khó quên ấy, trong phòng làm việc của ông có viên thư ký ngồi chép lại bài báo, và một người từ ở nhà thờ địa phương được gọi đến để sai việc. Gương mặt Navaghin sáng hẳn lên. Ông nhìn đứa con tinh thần của mình với vẻ đặc biệt trìu mến, lấy ngón tay sờ xem nó dày mỏng ra sao, mỉm cười sung sướng rồi nói với viên thư ký:

– Tôi nghĩ rằng ta nên gửi bảo đảm, Philíp Xerghêíts ạ. Như thế chắc chắn hơn… – Rồi đưa mắt nhìn lên người từ ở nhà thờ, ông nói – Tôi cho người gọi ông đến để nhờ chút việc, ông bạn thân mến ạ. Tôi cho con tôi vào trường học, tôi cần có giấy khai sinh, chỉ có điều là không biết có thể lấy sớm được không?

– Vâng, được rồi ạ, thưa ngài! – người từ vừa cúi mình vừa nói. – Được rồi ạ! Tôi hiểu rồi ạ…

– Liệu ngày mai đã có chưa?

– Được rồi ạ, thưa ngài, ngài cứ yên tâm ạ! Ngày mai là xong thôi ạ! Ngày mai ngài cho người đến nhà thờ trước buổi lễ tối. Tôi sẽ chờ ở đấy. Ngài cứ cho hỏi Phêđiukốp, lúc nào tôi cũng ở đấy…

– Hỏi ai?! – vị tướng quát lên, mặt tái đi.

– Dạ, Phêđiukốp ạ.

– Ông… ông là Phêđiukốp à? – Navaghin hỏi, mắt trợn tròn nhìn người từ.

– Đúng thế ạ, đúng là Phêđiukốp ạ.

– Ông… ông vẫn ký trên tờ giấy ngoài hành lang nhà tôi phải không?

– Vâng, đúng thế ạ, – người từ thú nhận ra vẻ ngượng nghịu. – Thưa ngài, khi bọn giáo sĩ chúng tôi cầm thánh giá đi các nhà thì bao giờ tôi cũng ký tên mình ở nhà các ngài quan chức trọng quyền cao… Tôi thích làm thế… Xin lỗi ngài, quả thực cứ nhìn thấy tờ giấy treo ngoài hành lang là tôi lại cứ muốn được ký tên mình vào đấy…

Navaghin choáng váng, đi đi lại lại trong phòng, không còn nghe thấy gì, hiểu gì nữa. Ông sờ vào tấm rèm treo ở cửa ra vào, tay phải vung lên mấy lần liền, giống như vai jeune premier(9) trong vũ kịch khi vừa nhìn thấy nàng, ông huýt huýt sáo, miệng mỉm cười vô nghĩa, giơ ngón tay chỉ vào khoảng không.

– Tôi đem bài báo gửi đi bây giờ chứ ạ, dạ thưa ngài, – viên thư ký nói.

Lời nói đó đã làm Navaghin sực tỉnh lại. Ông lơ đễnh nhìn viên thư ký và người từ, bỗng nhớ lại tất cả rồi nổi cáu, giậm chân thình thịch, the thé ré lên:

– Các ông để cho tôi yên! Để cho tôi yên, tôi nói với các ông rồi đấy! Tôi không hiểu các ông cần gì ở tôi hả?

Viên thư ký và người từ đi ra khỏi phòng và đã xuống đến phố, còn Navaghin thì vẫn giậm chân và gào:

– Để cho tôi yên! Tôi không hiểu, các ông cần gì ở tôi? Để cho tôi yên!

 

__________

1. Vô danh (tiếng La Tinh).

2. Viết tắt chữ madame (tiếng Pháp) – bà.

3. Thuyết thông linh – (từ chữ spiritus tiếng La tinh là linh hồn) – một khuynh hướng thần bí, ra đời ở Mỹ thế kỷ XIX, và gắn với lòng tin rằng tâm hồn người chết còn tồn tại dưới âm phủ. Trong thuyết thông linh: Medius (tiếng La tinh nghĩa là trung bình) – là trung gian giữa thế giới thần linh và con người. Thông qua đó, theo quan niệm của những người theo thuyết thông linh, trong trạng thái xuất thần có thể chuyển “thông tin của những người chết”.

4. Napôlêông (Bônapác) (1769-1821) – hoàng đế Pháp.

5. Ganniban Abram Pêtơrơ (khoảng 1697-1781) – người con của công tước Etiôpi, bị người Thổ bắt cóc và tặng cho Nga hoàng Pêtơrơ I, sau là người giúp việc cho Nga hoàng, thành thư ký và sau đó là một kỹ sư quân sự, một vị tướng. Ông ngoại của nhà thơ Nga vĩ đại A.X. Puskin (1799-1837).

6. Axkôtsenxki V.I. (1813-1879), nhà báo và nhà văn phản động.

7. Thuyết Bisốp. Từ họ của Oasintơn Irvin Bisốp, hồi đó nhà sinh lý học Mỹ nổi tiếng như là “người đi đọc tư tưởng”. Lần đầu tiên biểu diễn kinh nghiệm chuyển giao tư tưởng của mình ở Maxcơva vào 20 tháng Mười Một năm 1884.

8. Chiều thứ tư – quan niệm duy tâm xem thời gian như một chiều thứ tư của kích thước không gian, sử dụng thuyết thông linh để làm bằng chứng cho một cuộc sống ở bên ngoài không gian ba chiều thông thường.

9. Người tình đầu tiên – một loại vai trên sân khấu (tiếng Pháp).

Bình luận