Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn A.p. Chekhov

Ở Nơi Đày Ải

Tác giả: Anton Chekhov


ÔNG GIÀ XÊMIÔN, biệt hiệu là ông Lý Sự, và một thanh niên người Tácta không ai biết rõ tên, cùng ngồi với nhau cạnh đống lửa bên bờ sông; còn ba người chèo thuyền khác thì ngồi trong lều. Ông già Xêmiôn tuổi trạc sáu mươi, người xương xương, rụng hết cả răng, nhưng có đôi vai to bè bè và vẻ người trông còn khỏe mạnh, đang ngà ngà say; lẽ ra ông ta đã vào lều đi ngủ từ lâu, nhưng vì trong túi còn chai rượu hơn một lít nên ông sợ cánh trẻ nằm trong lều lại chấm mút tí rượu của ông. Anh thanh niên người Tácta đang bị ốm, anh ta dằn vặt đau đớn, mình quấn những tấm áo rách bươm, và luôn miệng kể rằng ở miền quê tỉnh Ximbiếc(1) của anh ta thật sung sướng, ở đấy anh ta còn để lại một người vợ trẻ đẹp, khôn ngoan. Anh ta trạc tuổi hai mươi lăm, không hơn, nhưng bây giờ qua ánh lửa bập bùng, gương mặt anh ta nhợt nhạt, ốm yếu trông chỉ như một cậu bé con.

– Tất nhiên là ở đây chẳng phải là thiên đường, – ông Lý Sự nói. – Mắt cậu cũng thấy đấy: sông nước, bến bờ trơ trụi, chung quanh toàn đất sét là đất sét, không còn gì khác nữa… Lễ Thánh qua lâu rồi, mà băng vẫn trôi trên sông, sáng nay lại còn có tuyết rơi nữa.

– Thật khổ! Thật khổ! – anh chàng Tácta kêu lên và đưa mắt nhìn quanh với vẻ sợ hãi.

Cách đấy chừng mười bước là dòng sông lạnh ngắt, đen sẫm, dòng sông đang rì rầm trôi đi, nước thúc vào bờ đất nham nhở và cuốn nhanh về phía biển xa xôi. Ngay sát bên bờ, trong bóng đêm hiện rõ hình chiếc sà lan mà những người lái đò gọi là cái “thuyền”. Trên bờ xa tít bên kia và những đám lửa khi tỏ khi mờ ngoằn ngoèo trườn đi như rắn bò: đó là người ta đang đốt cỏ khô tích trữ từ năm ngoái. Đằng sau những con rắn lửa ấy lại vẫn là màn đêm sẫm tối. Nghe rõ tiếng những tảng băng vụn va vào thành sà lan. Khí trời nằng nặng, ẩm ướt, lạnh buốt…

Anh chàng Tácta ngước mắt lên trời. Sao trên trời cũng nhiều như ở miền quê anh ta, chung quanh cũng một màn đêm đen như thế nhưng vẫn thấy có gì thiêu thiếu. Ở tỉnh Ximbiếc, những ngôi sao hoàn toàn không giống như thế và bầu trời cũng không như thế.

– Thật khổ! Thật khổ! – anh ta nhắc lại.

– Rồi sẽ quen tất! – ông Lý Sự nói rồi cười thành tiếng. – Bây giờ cậu còn trẻ người non dạ, miệng còn hơi sữa, cậu ngờ nghệch tưởng rằng trên đời này không có người nào bất hạnh hơn cậu, nhưng rồi sẽ đến lúc chính cậu sẽ phải nói rằng: cầu cho người nào cũng được sống như cậu. Cứ nhìn lão già này mà coi. Chừng một tuần nữa, nước rút bớt đi, ta đặt vào bến này một con phà thì lúc ấy cậu sẽ tha hồ mà đi chơi khắp vùng Xibiri, còn lão đây thì quanh đi quẩn lại cứ đi từ bờ này sang bờ kia thôi. Đã hai mươi hai năm nay lão đi như vậy rồi. Mỗi ngày mỗi đêm. Con cá măng dưới nước còn lão thì trên mặt nước. Và thật là may phúc, lão chẳng cần gì sất. Cầu trời cho ai ai cũng được sống như lão đây.

Anh thanh niên người Tácta đặt thêm cành cây khô vào đống lửa, nằm sát đống lửa hơn và nói:

– Bố cháu yếu lắm rồi. Khi nào bố cháu chết thì mẹ và vợ cháu sẽ đến đây ở. Đã hứa thế rồi.

– Nhưng mà cậu cần có mẹ và vợ để làm gì kia chứ? – Ông Lý Sự hỏi. – Cậu nói nhảm, cậu bị ma quỷ nó ám rồi, đem mà quẳng nó đi. Cậu đừng nghe lời nói hiểm độc của nó. Đừng để nó làm gì thì làm. Ma quỷ nó có xúi bẩy cậu nghĩ đến vợ thì cậu cứ làm ngược lại: tôi không muốn. Ma quỷ nó có xúi bẩy cậu mong thoát cảnh tù tội, thì cậu cứ cưỡng lại nó: tôi không muốn. Không cần gì hết. Không có cái gì gọi là bố, là mẹ, là vợ, là tự do, không cần gì cả! Không cần gì hết! Này anh bạn trẻ, lão không phải là nông dân bần hàn đâu nhé, lão không thô bạo đâu, mà là con của người từ, hồi tự do ở Kurxkơ đi ra ngoài lúc nào cũng đóng bộ đường hoàng, thế mà bây giờ tự mình đẩy mình đến chỗ cùng cực như thế này, có thể nằm lăn ra đất ngủ, có thể bứt cỏ vào miệng nhai cơ đấy. Thế mà lão cũng chỉ cầu cho ai cũng được sống như lão. Lão chẳng cần gì hết, lão chẳng sợ ai hết, lão tự mình hiểu rằng, trên đời này không có người nào giàu có hơn, tự do hơn lão. Khi người ta mới đưa lão từ Nga đến đây, ngay từ ngày đầu tiên, lão đã tâm tâm niệm niệm rằng: mình chẳng cần một cái gì hết. Ma quỷ nó cứ xui lão nghĩ đến vợ con, gia đình, nghĩ đến cuộc sống tự do, nhưng lão nói với ma quỷ rằng: lão không cần gì sất. Lão cứ một mình làm theo ý muốn của mình, thế rồi cậu thấy đấy, lão sống rất thoải mái, chẳng phải than vãn điều gì. Nếu ai mà nhân nhượng ma quỷ, dù chỉ một lần nghe lời nó xui khiến, thì kẻ đó thế nào cũng lụn bại, không gì cứu vớt được: cứ như là bị lún xuống đầm lầy ngập đến tận đỉnh đầu rồi không thể nào chui lên được nữa. Không phải chỉ cánh nông phu khờ khạo như cậu mới lụn bại đâu, mà cả những người có học, dòng dõi quyền quý cũng bỏ phí một đời. Cách đây chừng 15 năm người ta đưa từ Nga đến đây một nhà quý tộc. Chẳng biết ông ta không chịu chia những gì cho anh em, rồi làm di chúc giả. Mọi người nói rằng ông ta cũng là con nhà hầu tước, bá tước hay có thể cũng chỉ là viên chức nhà nước thôi – ai mà biết được. Ông ta đến đây rồi thì việc đầu tiên là mua một ngôi nhà và một ít ruộng ở làng Mukhortinxkoê. Ông ta nói: “Tôi muốn sống bằng sức lao động của mình, bằng mồ hôi của mình, vì bây giờ tôi không còn là nhà quý tộc nữa, tôi chỉ là một người bị đày đến đây mà sinh sống”. Ừ thì đành phải thế, lão nói với ông ta rằng, cầu trời phù hộ cho ông, ông làm chuyện ấy cũng tốt thôi. Dạo ấy ông ta còn trẻ trung, tất bật suốt ngày, tham công tiếc việc; ông ta tự tay mình cắt cỏ, có khi lại còn đánh cá, cưỡi ngựa đi xa ngoài sáu mươi cây số. Chỉ có một điều bất hạnh là: ngay trong năm đầu tiên, ông ta đã thường xuyên đi đến trạm bưu chính ở Gưrinô. Nhiều lần, ông ta đứng trên phà của tôi, thở dài nói: “Chậc, ông Xêmiôn này, không hiểu sao lâu quá rồi mà vẫn chưa thấy gia đình gửi tiền cho tôi!” Lão nói với ông ta: ông Vaxili Xerghêíts ạ, cần tiền mà làm gì. Có tiền phỏng có ích gì? Ông quẳng hết chuyện cũ đi, quên hết đi, cứ coi như chẳng có gì cả, coi như đó chỉ là giấc mơ thôi, rồi bắt đầu sống cách khác đi. Đừng nghe lời ma quỷ nó xui – ma quỷ nó không xui làm được việc gì tốt lành đâu, nó chỉ dúi đầu mình vào thòng lọng treo cổ thôi. Bây giờ thì ông muốn có tiền, ít lúc nữa, ông cứ thử chờ xem, ông lại muốn có cái khác, rồi sau đấy lại muốn nữa, muốn nữa. Nếu ông muốn tìm hạnh phúc cho mình thì điều trước tiên là đừng cầu mong cái gì hết. Đúng thế đấy… Nếu mà số phận giày vò cả tôi và ông cay đắng đến thế, thì chẳng cần phải xin xỏ gì số phận rủ lòng thương, chẳng việc gì phải quỳ gối trước nó, mà cần phải coi thường nó, giễu cợt nó. Nếu không thế thì chính nó sẽ cười cợt lại mình cho xem. Đấy, lão đã nói với ông ta như vậy… Hai năm sau, lão chở ông ta sang bờ bên này, ông ta xoa xoa tay cười ra vẻ khoái chí lắm. Ông ta nói: “Tôi đến Gưrinô đón vợ đây. Cô ta thương tôi mà đến với tôi đấy. Cô ta thật xinh đẹp và phúc hậu”. Ông ta sung sướng đến nghẹn thở. Thế rồi qua một ngày sau thì trở lại đây cùng với vợ. Vợ ông ta còn trẻ lắm, rất đẹp, đầu đội mũ, tay bế một đứa bé gái. Hành lý mang theo đủ mọi thứ. Còn ông Vaxili Xerghêíts thì cứ lăng xăng chạy quanh cô vợ, ngắm nghía cô ta, xuýt xoa tấm tắc khen mãi. Ông ta cứ luôn miệng nói: “Này, anh bạn Xêmiôn, thế ra ở cái xứ Xibiri này, người ta vẫn sống đường hoàng đấy chứ!” Lão thì nghĩ rằng, rồi xem có mừng thế được mãi không. Từ dạo ấy cứ tính từng tuần một, ông ta lại đi Gưrinô xem đã có tiền gửi từ Nga tới chưa. Tiền thì cần phải tiêu nhiều. Ông ta nói: “Vì tôi mà cô ta phải chôn vùi sắc đẹp và tuổi trẻ của mình ở cái xứ Xibiri này, chia sẻ cùng tôi số phận cay đắng, vì thế mà tôi cần phải làm cho cô ta thỏa mãn mọi điều…” Để làm vui lòng vợ, ông ta bắt quen với các viên chức nhà nước, với đủ loại người mạt hạng. Và tất nhiên là phải bỏ tiền ra cho cả cái bọn người ấy đánh chén, rồi lại còn phải chơi dương cầm và nuôi chó bông trên đivăng nữa, – tất cả chỉ cốt cho cô vợ khỏi mòn mỏi vì buồn bã… Nói tóm lại là đủ thứ chiều chuộng xa xỉ. Nhưng rồi cô vợ cũng chẳng ở đây lâu với ông ta. Đây đâu phải là chỗ để cô ta ở? Chung quanh là đồng không mông quạnh, là sông nước, không có một thứ rau cỏ, hoa quả gì cả, người thì rặt những loại nát rượu, vô học, chẳng có ai mà giao du, mà cô ta thì quen được chiều chuộng, lại là dân thủ đô… Thế tất phải là buồn chán thôi. Hơn nữa chồng cô ta chẳng phải là quý tộc nữa mà là dân đi đày – đối với cô ta điều ấy chẳng vinh dự gì. Lão còn nhớ, ba năm sau đó, vào một đêm trước ngày lễ Mộng triệu Thăng thiên có người gọi bên kia sông. Lão đưa phà sang sông thì thấy cô ta đang đứng trên bờ, mình mặc áo dầy ấm, cùng với một anh viên chức trẻ. Một cỗ xe ba ngựa nữa… Lão chở cả sang sông, hai anh chị ngồi lên – rồi quất ngựa đi. Gần sáng thì Vaxili Xerghêíts đi cỗ xe song mã đến. – “Này, Xêmiôn, ông có thấy vợ tôi đi qua đây cùng với một chàng đeo kính không?” Lão nói: “Có thấy, đi theo mà bắt gió trong đồng”. Ông ta đuổi theo tìm năm ngày đêm liền. Lần tôi chở ông ta về, ông ta nằm vật xuống sàn phà, đập đầu liên hồi xuống sàn, rên rỉ. Lão nói với ông ta: “Đấy, bây giờ ông thấy chưa”. Lão cười và nhắc lại câu của ông ta: “Thế ra ở cái xứ Xibiri này, người ta vẫn sống đường hoàng đấy chứ!” Ông ta thì chỉ càng đập đầu xuống sàn nhiều hơn… Sau đó ông ta chỉ mong sao thoát cảnh tù đày. Vợ trở về Nga, có nghĩa là ông ta cũng muốn trở về đấy để mà gặp vợ và lấy lại khỏi tay kẻ tình nhân. Thế đấy anh bạn trẻ ạ, cứ hầu như là ngày nào ông ta cũng cưỡi ngựa đi ra trạm bưu chính hay là vào thành phố gặp cấp trên. Ông ta gửi đơn từ xin ân xá đi khắp nơi mong được trở về nơi quê quán, ông ta nói rằng chỉ riêng tiền đánh điện không thôi ông ta đã tiêu mất hai trăm rúp. Ruộng vườn phải bán đi, nhà cửa phải cầm cố cho bọn Do Thái. Bản thân ông ta thì tóc bắt đầu bạc, lưng còng xuống, vẻ mặt vàng ệch trông như người bị bệnh lao. Nói chuyện với lão thì miệng cứ cười: khề-khề-khề… mà nước mắt thì cứ ứa ra. Mất công xin ân xá như thế ròng rã tám năm trời, bây giờ thì như người sống lại, trông vui vẻ lắm. Ông ta tìm được nguồn an ủi mới. Con gái ông ta lớn lên rồi mà. Con bé ngắm mãi cũng không chán. Quả thật là nó trông cũng kháu: vẻ mặt xinh xẻo, lông mày đen, tính nết khôn ngoan, nhanh nhẹn lắm. Chủ nhật nào ông ta cũng đưa con bé đi lễ nhà thờ ở Gưrinô. Hai cha con đứng cạnh nhau trên phà, cô bé cười, còn ông ta thì không rời mắt ngắm con. Ông ta nói: “Đây, Xêmiôn, anh thấy chưa, ở cái xứ Xibiri này người ta vẫn sống đường hoàng đấy chứ! Ở xứ Xibiri này cũng có thể có hạnh phúc. Anh thử nhìn xem, con gái tôi trông có tuyệt không. Anh cứ đi nghìn cây số cũng không kiếm được con bé nào xinh thế”. Lão nói: “Đúng rồi, con gái ông xinh thật…” Nhưng trong bụng thì lão nghĩ thầm: “Cứ chờ xem… Con bé lớn lên trẻ trung, bầu máu nóng nó bốc, nó muốn sống cho ra hồn, nhưng mà ở đây thì sống cái gì?” Anh bạn ta ạ, thế rồi con bé nó sinh sầu não thật đấy… Nó gầy mòn, đau ốm luôn, rồi cuối cùng bị liệt cả hai chân. Lại bị lao nữa. Đấy, cậu xem, hạnh phúc Xibiri là như thế, đem mà quẳng mẹ nó đi, “ở cái xứ Xibiri này người ta vẫn sống đường hoàng” là như thế… Ông ta lại bắt đầu đi tìm đến các bác sĩ, đón họ về nhà mình. Chỉ cứ vừa mới nghe, cách chừng hai, ba trăm vécxta có bác sĩ hay thầy lang nào là lại đi tìm ngay. Chẳng biết tốn đến bao nhiêu tiền cho các bác sĩ nữa, theo như lão đây thì cứ lấy số tiền ấy mà mua rượu uống là tốt hơn hết… Đằng nào mà con bé chẳng chết. Trước sau rồi con bé cũng chết và lúc ấy thì ông ta cũng khụy theo thôi. Nếu chẳng tự treo cổ vì buồn khổ thì cũng bỏ trốn về Nga – chuyện thế tất nó sẽ như vậy. Nhưng mà bỏ trốn thì người ta sẽ tóm được, rồi lại ra tòa, lại khổ sai, tha hồ mà nếm roi vọt…

– Sướng thật, sướng thật, – anh chàng Tácta làu bàu trong miệng, toàn thân co ro vì lạnh.

– Gì mà sướng? – ông Lý Sự hỏi.

– Vợ này, con gái này… Khổ sai thì kệ khổ sai, buồn khổ thì kệ buồn khổ, đằng nào thì ông ấy cũng được gặp vợ, gặp con rồi… Cụ nói là không cần gì hết. Nhưng mà không có gì thì thật khổ! Có vợ ở bên cạnh ba năm – là phúc trời ban cho ông còn gì. Không có gì – thật khổ, còn ba năm với vợ – thật sướng. Sao cụ không hiểu?

Anh ta run rẩy, lắp bắp nói, cố công tìm kiếm những từ Nga mà anh ta biết không nhiều; anh ta nói rằng cầu trời đừng bắt người ta ốm đau nơi đất khách quê người, đừng bắt người ta phải chết chôn nơi xa lạ, rằng nếu vợ anh đến đây một ngày hay thậm chí một giờ thôi, thì để đánh đổi lấy hạnh phúc ấy anh ta sẵn sàng chịu đựng mọi điều khổ ải mà vẫn tỏ lòng biết ơn thượng đế. Thà là được sống một ngày hạnh phúc còn hơn chẳng được gì cả.

Sau đó anh ta lại kể rằng anh ta còn để lại ở nhà người vợ vừa trẻ đẹp vừa khôn ngoan, rồi hai tay ôm lấy đầu, anh ta khóc òa lên và phân trần với ông già Xêmiôn rằng quả thật anh ta chẳng có tội tình gì hết, anh ta phải chịu oan mà thôi. Hai người anh cùng với bác anh ta lấy trộm ngựa của một ông cụ nông dân, đánh ông này gần chết, thế mà tòa án lại không xử cho phân minh, kết án cả ba anh em đày đi Xibiri, còn ông bác thì là người giàu có nên vẫn ở nhà như thường.

– Rồi sẽ quen thôi! – ông già Xêmiôn dài giọng nói.

Anh chàng Tácta im lặng, đưa cặp mắt ướt đẫm nhìn chằm chằm vào đống lửa; gương mặt anh lộ rõ vẻ kinh ngạc, sợ hãi, dường như cho đến giờ anh ta vẫn chưa hiểu vì sao anh ta lại rơi vào chốn tối tăm, ẩm ướt này, bên cạnh những người xa lạ mà không phải là ở tỉnh Ximbiếc quê hương anh. Ông Lý Sự nằm bên cạnh đống lửa, không biết mỉm cười điều gì cất giọng lè nhè, khe khẽ hát.

– Này, cô ta thích thú gì mà ở lại nhà với ông bố già nhỉ? – một lát sau, ông Lý Sự nói. – Ông bố yêu mến cô ta, đó là niềm an ủi của ông, điều đó đúng rồi; nhưng mà anh bạn trẻ này, ông ta tinh ranh lắm phải coi chừng đấy: ông già khó tính, ông già nghiêm nghị. Nhưng mà các cô gái trẻ có cần đến sự nghiêm nghị đâu… Các cô ấy cần được âu yếm, hà-hà-hà, hề-hề-hề, cần được nước hoa và phấn son. Đúng thế đấy, chậc, thế đấy, thế đấy! – ông già Xêmiôn thở dài và khó nhọc đứng dậy. – Rượu uống cạn rồi, nghĩa là đến giờ đi ngủ thôi. Phải không, anh bạn, đi ngủ thôi chứ?…

Còn lại một mình, anh chàng Tácta chất thêm cành khô, lặng lẽ nhìn vào đống lửa, miên man nghĩ đến người vợ và quê hương; thật là sung sướng biết bao giá như vợ anh đến đây được một tháng, một ngày, rồi sau đó nếu cô ta không muốn ở nữa thì cứ để cô ta trở về quê cũng được. Thà được một tháng, một ngày như vậy, còn hơn là không có gì cả. Nhưng mà nếu vợ anh làm đúng như lời hứa và đến đây, thì lấy gì mà cho cô ta ăn? Cô ta sẽ ở vào đâu?

– Nếu không có gì ăn, thì sống làm sao được? – anh chàng Tácta tự hỏi thành tiếng.

Suốt ngày đêm chèo thuyền, người ta trả cho anh mười kôpếch; nói cho đúng ra thì khách qua sông cũng có thưởng thêm tiền quà cho người chèo, nhưng mấy người kia chia nhau tất cả số tiền thưởng ấy, mà chẳng để cho anh chàng Tácta một xu nào và chỉ cười giễu anh ta thôi. Không tiền thì vừa đói, vừa rét, vừa ghê sợ… Bây giờ khi toàn thân run rẩy, tê buốt thì lẽ ra có thể đi vào trong lều mà nằm ngủ, nhưng trong ấy còn lạnh hơn vì chẳng có gì mà đắp, ở ngoài trời cũng không có gì đắp, nhưng dù sao thì cũng có thể đốt đống lửa lên…

Một tuần sau khi nước rút và người ta sẽ đặt con phà ở đây thì tất cả những người chèo thuyền, trừ ông già Xêmiôn, đều sẽ trở nên vô dụng, và anh chàng Tácta sẽ phải đi lang thang từ làng này sang làng khác mà ăn mày, xin xỏ việc làm. Vợ anh mới mười bảy tuổi; cô ta xinh đẹp, rụt rè, quen được chiều chuộng, lẽ nào cô ta sẽ lại cùng với anh đi ăn xin hết làng này đến làng khác? Không thể được, chỉ cần thoáng nghĩ đến điều đó thôi cũng đã thấy kinh khủng lắm rồi…

Trời đã rạng sáng, đã có thể trông rõ hình thù chiếc phà, nhìn thấy những bụi cây liễu ven bờ nước và những gợn sóng lăn tăn, quay lại đằng sau – là cả một bờ đất sét cao, phía dưới là một túp lều con lợp rơm, phía trên bờ hàng dãy nhà làng. Trong làng đã nghe thấy tiếng gà gáy sáng.

Bờ đất sét màu hung, chiếc phà, dòng sông, những người xa lạ xấu bụng, đói rét, bệnh tật – có lẽ tất cả những cái đó quả thực là không có. Chắc là những cái đó chỉ nằm mơ thấy thôi, anh chàng Tácta nghĩ vậy. Anh cảm thấy rằng anh đang ngủ và nghe được tiếng rên rỉ của mình… Tất nhiên là anh đang ở nhà anh, ở tỉnh Ximbiếc, anh chỉ cần gọi tên vợ lên là sẽ nghe thấy tiếng trả lời; và ở buồng bên cạnh là mẹ… Nhưng mà sao giấc mơ này lại hãi hùng đến thế! Nó hiện ra làm gì kia chứ? Anh chàng Tácta mỉm cười và mở mắt ra. Dòng sông nào vậy? Vonga ư?

Tuyết rơi.

– Nhà thuyền! Cho sang sông vơ… ới! – có tiếng ai gọi từ bờ bên kia.

Anh chàng Tácta choàng tỉnh dậy và vội vàng đánh thức mấy người chèo để đưa thuyền sang sông. Những người chèo thuyền co ro bước xuống sông, vừa đi vừa mặc những chiếc áo lông rách bươm, cất giọng khàn khàn ngái ngủ chửi làu bàu mấy câu. Qua một giấc ngủ, dòng sông tỏa hơi lạnh buốt kia đối với họ trở nên thật đáng nguyền rủa, kinh tởm. Họ đủng đỉnh bước xuống thuyền… Anh chàng Tácta và ba người kia cầm lấy những mái chèo dài to bản, trông giống như những cái càng tôm, còn ông già Xêmiôn thì tì sát bụng vào bánh lái. Phía bờ bên kia vẫn có tiếng gọi thuyền tiếp tục và nghe thấy hai tiếng súng lục bắn chỉ thiên, chắc họ tưởng rằng mấy người chèo thuyền đang ngủ hay là đã đi vào làng kiếm rượu uống.

– Yên trí, sẽ kịp thôi! – ông Lý Sự nói bằng cái giọng của người bao giờ cũng tin rằng trên đời này chẳng có việc gì phải vội. – Đằng nào thì cũng chẳng nhanh hơn được.

Chiếc phà kềnh càng, nặng nề dần dần rời khỏi bến và bơi đi giữa đám bụi cây liễu mọc ngay dưới nước, cứ trông vào những bụi cây liễu kia đang từ từ lùi lại đằng sau mới biết rằng quả là chiếc phà kia không đứng yên một chỗ mà đang chuyển dịch. Mấy người nhịp nhàng khỏa mái chèo xuống nước; ông Lý Sự tì bụng lên chỗ lái chao người từ mạn phà này sang mạn bên kia theo hình cánh cung. Trong ánh sáng mờ mờ trông bọn họ giống như những người đang ngồi trên một con vật khổng lồ thời tiền sử với những cái chân dài và bơi đi đến một xứ sở buồn tẻ lạnh giá, đến cái nơi mà đôi khi người ta vẫn nhìn thấy trong những cơn ác mộng.

Phà bơi qua bãi liễu, ra đến giữa sông. Trên bờ bên kia, người ta đã nghe thấy tiếng mái chèo khỏa nước đều đều; họ kêu to: “Nhanh tay lên, nhanh tay lên!” Chừng mười phút nữa trôi qua và chiếc phà nặng nề cập bến.

– Cứ rơi mãi thôi, mãi thôi! – ông già Xêmiôn làu bàu nói, giơ tay vuốt vội những hạt tuyết bám trên mặt. – Không biết từ đâu rơi xuống cái của nợ này, trời mà biết được!

Trên bờ bên kia, người đợi thuyền là một ông già tầm thước, mình vận chiếc áo bành tô ngắn bằng lông cáo, đầu đội mũ lông cừu trắng. Ông ta đứng yên một chỗ cách xa cỗ xe ngựa; vẻ mặt đăm chiêu, tư lự, như đang cố nhớ lại một điều gì và cáu kỉnh vì trí nhớ chẳng chịu tuân theo ý muốn của mình. Khi ông già Xêmiôn bước lại gần mỉm cười ngả mũ chào, thì ông ta nói:

– Tôi phải vội đi Anaxtaxiépka. Bệnh tình con gái tôi lại nặng thêm, mà ở Anaxtaxiépka nghe nói có một bác sĩ mới được bổ đến đấy!

Mấy người chèo thuyền đưa cỗ xe ngựa xuống phà rồi chèo trở lại bờ bên kia. Người mà ông già Xêmiôn gọi là Vaxili Xerghêíts suốt trong thời gian qua sông, cứ đứng yên một chỗ, cặp môi dày mím chặt, mắt nhìn chăm chăm vào một điểm; khi người xà ích xin ông ta cho phép được hút thuốc bên cạnh ông, thì ông ta chẳng trả lời gì cả hệt như là người không nghe thấy. Còn ông già Xêmiôn thì vừa tỳ bụng lên bánh lái vừa giễu cợt nhìn ông ta và nói:

– Thế mà ở xứ Xibiri này người ta vẫn sống đường hoàng. Sống đường hoàng đấy!

Gương mặt ông Lý Sự lộ rõ vẻ đắc thắng, dường như ông đã chứng minh được một điều gì và đang thích thú vì thấy rằng mọi chuyện đã xảy ra hệt như ông dự đoán. Vẻ mặt đau khổ tuyệt vọng của người vận áo bành tô ngắn bằng lông cáo kia chắc là đã đem lại cho ông một khoái cảm đặc biệt.

– Đi bây giờ đường lầy lội lắm, ông Vaxili Xerghêíts ạ, – ông già Xêmiôn nói, khi người xà ích đang thắng ngựa vào xe. – Lẽ ra nên chờ chừng hai tuần nữa thì đường khô ráo hơn. Tốt hơn hết là ông đừng đi đâu cả… Đi như thế nào có ích lợi gì. Chắc tự ông cũng thừa biết rằng, con người ta cứ đi đây đi đó đã bao nhiêu thế kỷ rồi, đi cả ngày cả đêm, mà nào phỏng có được cái tích sự gì! Quả thế thật đấy!

Vaxili Xerghêíts im lặng thưởng cho ông già Xêmiôn tiền uống rượu, rồi ngồi lên xe và tiếp tục cuộc hành trình.

– Đấy, lại đi tìm bác sĩ! – ông già Xêmiôn nói, rùng mình vì lạnh. – Ừ, đi mà tìm bác sĩ cho ra hồn, đi mà bắt gió trong đồng, đi mà túm lấy đuốc quỷ! Thật là kỳ cục, cầu Chúa tha lỗi cho kẻ có tội này!

Anh chàng Tácta bước lại gần ông Lý Sự, nhìn ông già với vẻ căm ghét, ghê tởm, toàn thân run lên, nói một tràng liền, lắp bắp pha lẫn tiếng Tácta của mình:

– Ông ấy tốt, tốt lắm, còn ông thì xấu lắm! Ông xấu lắm! Ông quý tộc kia tốt bụng lắm, còn ông thì thú dữ, xấu lắm! Ông ấy đáng sống, ông thì chết quách đi cho rồi… Thượng đế làm ra con người là để sống, để được sướng, được khổ, được buồn nhớ, thế mà ông lại chẳng muốn cái gì cả, tức là ông không còn sống nữa mà chỉ là đất, đá! Có đất đá thì mới không cần gì, ông cũng không cần gì… Ông là đất đá. Thượng đế không thương ông đâu, thương ông quý tộc kia thôi.

Mọi người cười ồ; anh chàng Tácta ghê tởm nhăn nhó mặt mày, phẩy tay rồi co mình trong lớp áo dầy rách bươm và đi lại gần đống lửa. Mấy người chèo thuyền cùng với ông già Xêmiôn đủng đỉnh bước vào lều.

– Rét quá! – một người cất giọng khàn khàn kêu lên lúc đặt mình xuống ổ rơm trải ngay trên nền đất sét.

– Phải rồi, chẳng lấy gì làm ấm lắm! – một người khác tán đồng. – Cảnh đi đày mà lại!…

Mọi người đều nằm xuống. Cánh cửa lều bỗng bị gió đánh bật ra, tuyết lùa vào trong lều. Chả ai buồn đứng dậy đóng cửa: vừa rét, vừa lười.

– Thế mà lão đây lại thấy sung sướng! – ông già Xêmiôn lè nhè nói, mắt đã bắt đầu lim dim. – Cầu trời cho ai cũng được sống như lão đây.

– Ông thì thuộc loại tù rũ xương. Quỷ nó cũng chả thèm bắt ông.

Từ phía ngoài lều nghe có tiếng ư ử như tiếng chó tru.

– Cái gì đấy? Ai ngoài ấy thế?

– Thằng Tácta nó khóc đấy.

– Xì!… Thật dở người!

– Rồi sẽ quen cả thôi! – ông già Xêmiôn nói và ngủ thiếp luôn ngay sau đó.

Lát sau mấy người kia cũng thiếp đi. Cánh cửa lều cuối cùng thế là vẫn mở toang.

 

___________

1. Hiện nay là Ulianốpxkơ.

ÔNG GIÀ XÊMIÔN, biệt hiệu là ông Lý Sự, và một thanh niên người Tácta không ai biết rõ tên, cùng ngồi với nhau cạnh đống lửa bên bờ sông; còn ba người chèo thuyền khác thì ngồi trong lều. Ông già Xêmiôn tuổi trạc sáu mươi, người xương xương, rụng hết cả răng, nhưng có đôi vai to bè bè và vẻ người trông còn khỏe mạnh, đang ngà ngà say; lẽ ra ông ta đã vào lều đi ngủ từ lâu, nhưng vì trong túi còn chai rượu hơn một lít nên ông sợ cánh trẻ nằm trong lều lại chấm mút tí rượu của ông. Anh thanh niên người Tácta đang bị ốm, anh ta dằn vặt đau đớn, mình quấn những tấm áo rách bươm, và luôn miệng kể rằng ở miền quê tỉnh Ximbiếc(1) của anh ta thật sung sướng, ở đấy anh ta còn để lại một người vợ trẻ đẹp, khôn ngoan. Anh ta trạc tuổi hai mươi lăm, không hơn, nhưng bây giờ qua ánh lửa bập bùng, gương mặt anh ta nhợt nhạt, ốm yếu trông chỉ như một cậu bé con.

– Tất nhiên là ở đây chẳng phải là thiên đường, – ông Lý Sự nói. – Mắt cậu cũng thấy đấy: sông nước, bến bờ trơ trụi, chung quanh toàn đất sét là đất sét, không còn gì khác nữa… Lễ Thánh qua lâu rồi, mà băng vẫn trôi trên sông, sáng nay lại còn có tuyết rơi nữa.

– Thật khổ! Thật khổ! – anh chàng Tácta kêu lên và đưa mắt nhìn quanh với vẻ sợ hãi.

Cách đấy chừng mười bước là dòng sông lạnh ngắt, đen sẫm, dòng sông đang rì rầm trôi đi, nước thúc vào bờ đất nham nhở và cuốn nhanh về phía biển xa xôi. Ngay sát bên bờ, trong bóng đêm hiện rõ hình chiếc sà lan mà những người lái đò gọi là cái “thuyền”. Trên bờ xa tít bên kia và những đám lửa khi tỏ khi mờ ngoằn ngoèo trườn đi như rắn bò: đó là người ta đang đốt cỏ khô tích trữ từ năm ngoái. Đằng sau những con rắn lửa ấy lại vẫn là màn đêm sẫm tối. Nghe rõ tiếng những tảng băng vụn va vào thành sà lan. Khí trời nằng nặng, ẩm ướt, lạnh buốt…

Anh chàng Tácta ngước mắt lên trời. Sao trên trời cũng nhiều như ở miền quê anh ta, chung quanh cũng một màn đêm đen như thế nhưng vẫn thấy có gì thiêu thiếu. Ở tỉnh Ximbiếc, những ngôi sao hoàn toàn không giống như thế và bầu trời cũng không như thế.

– Thật khổ! Thật khổ! – anh ta nhắc lại.

– Rồi sẽ quen tất! – ông Lý Sự nói rồi cười thành tiếng. – Bây giờ cậu còn trẻ người non dạ, miệng còn hơi sữa, cậu ngờ nghệch tưởng rằng trên đời này không có người nào bất hạnh hơn cậu, nhưng rồi sẽ đến lúc chính cậu sẽ phải nói rằng: cầu cho người nào cũng được sống như cậu. Cứ nhìn lão già này mà coi. Chừng một tuần nữa, nước rút bớt đi, ta đặt vào bến này một con phà thì lúc ấy cậu sẽ tha hồ mà đi chơi khắp vùng Xibiri, còn lão đây thì quanh đi quẩn lại cứ đi từ bờ này sang bờ kia thôi. Đã hai mươi hai năm nay lão đi như vậy rồi. Mỗi ngày mỗi đêm. Con cá măng dưới nước còn lão thì trên mặt nước. Và thật là may phúc, lão chẳng cần gì sất. Cầu trời cho ai ai cũng được sống như lão đây.

Anh thanh niên người Tácta đặt thêm cành cây khô vào đống lửa, nằm sát đống lửa hơn và nói:

– Bố cháu yếu lắm rồi. Khi nào bố cháu chết thì mẹ và vợ cháu sẽ đến đây ở. Đã hứa thế rồi.

– Nhưng mà cậu cần có mẹ và vợ để làm gì kia chứ? – Ông Lý Sự hỏi. – Cậu nói nhảm, cậu bị ma quỷ nó ám rồi, đem mà quẳng nó đi. Cậu đừng nghe lời nói hiểm độc của nó. Đừng để nó làm gì thì làm. Ma quỷ nó có xúi bẩy cậu nghĩ đến vợ thì cậu cứ làm ngược lại: tôi không muốn. Ma quỷ nó có xúi bẩy cậu mong thoát cảnh tù tội, thì cậu cứ cưỡng lại nó: tôi không muốn. Không cần gì hết. Không có cái gì gọi là bố, là mẹ, là vợ, là tự do, không cần gì cả! Không cần gì hết! Này anh bạn trẻ, lão không phải là nông dân bần hàn đâu nhé, lão không thô bạo đâu, mà là con của người từ, hồi tự do ở Kurxkơ đi ra ngoài lúc nào cũng đóng bộ đường hoàng, thế mà bây giờ tự mình đẩy mình đến chỗ cùng cực như thế này, có thể nằm lăn ra đất ngủ, có thể bứt cỏ vào miệng nhai cơ đấy. Thế mà lão cũng chỉ cầu cho ai cũng được sống như lão. Lão chẳng cần gì hết, lão chẳng sợ ai hết, lão tự mình hiểu rằng, trên đời này không có người nào giàu có hơn, tự do hơn lão. Khi người ta mới đưa lão từ Nga đến đây, ngay từ ngày đầu tiên, lão đã tâm tâm niệm niệm rằng: mình chẳng cần một cái gì hết. Ma quỷ nó cứ xui lão nghĩ đến vợ con, gia đình, nghĩ đến cuộc sống tự do, nhưng lão nói với ma quỷ rằng: lão không cần gì sất. Lão cứ một mình làm theo ý muốn của mình, thế rồi cậu thấy đấy, lão sống rất thoải mái, chẳng phải than vãn điều gì. Nếu ai mà nhân nhượng ma quỷ, dù chỉ một lần nghe lời nó xui khiến, thì kẻ đó thế nào cũng lụn bại, không gì cứu vớt được: cứ như là bị lún xuống đầm lầy ngập đến tận đỉnh đầu rồi không thể nào chui lên được nữa. Không phải chỉ cánh nông phu khờ khạo như cậu mới lụn bại đâu, mà cả những người có học, dòng dõi quyền quý cũng bỏ phí một đời. Cách đây chừng 15 năm người ta đưa từ Nga đến đây một nhà quý tộc. Chẳng biết ông ta không chịu chia những gì cho anh em, rồi làm di chúc giả. Mọi người nói rằng ông ta cũng là con nhà hầu tước, bá tước hay có thể cũng chỉ là viên chức nhà nước thôi – ai mà biết được. Ông ta đến đây rồi thì việc đầu tiên là mua một ngôi nhà và một ít ruộng ở làng Mukhortinxkoê. Ông ta nói: “Tôi muốn sống bằng sức lao động của mình, bằng mồ hôi của mình, vì bây giờ tôi không còn là nhà quý tộc nữa, tôi chỉ là một người bị đày đến đây mà sinh sống”. Ừ thì đành phải thế, lão nói với ông ta rằng, cầu trời phù hộ cho ông, ông làm chuyện ấy cũng tốt thôi. Dạo ấy ông ta còn trẻ trung, tất bật suốt ngày, tham công tiếc việc; ông ta tự tay mình cắt cỏ, có khi lại còn đánh cá, cưỡi ngựa đi xa ngoài sáu mươi cây số. Chỉ có một điều bất hạnh là: ngay trong năm đầu tiên, ông ta đã thường xuyên đi đến trạm bưu chính ở Gưrinô. Nhiều lần, ông ta đứng trên phà của tôi, thở dài nói: “Chậc, ông Xêmiôn này, không hiểu sao lâu quá rồi mà vẫn chưa thấy gia đình gửi tiền cho tôi!” Lão nói với ông ta: ông Vaxili Xerghêíts ạ, cần tiền mà làm gì. Có tiền phỏng có ích gì? Ông quẳng hết chuyện cũ đi, quên hết đi, cứ coi như chẳng có gì cả, coi như đó chỉ là giấc mơ thôi, rồi bắt đầu sống cách khác đi. Đừng nghe lời ma quỷ nó xui – ma quỷ nó không xui làm được việc gì tốt lành đâu, nó chỉ dúi đầu mình vào thòng lọng treo cổ thôi. Bây giờ thì ông muốn có tiền, ít lúc nữa, ông cứ thử chờ xem, ông lại muốn có cái khác, rồi sau đấy lại muốn nữa, muốn nữa. Nếu ông muốn tìm hạnh phúc cho mình thì điều trước tiên là đừng cầu mong cái gì hết. Đúng thế đấy… Nếu mà số phận giày vò cả tôi và ông cay đắng đến thế, thì chẳng cần phải xin xỏ gì số phận rủ lòng thương, chẳng việc gì phải quỳ gối trước nó, mà cần phải coi thường nó, giễu cợt nó. Nếu không thế thì chính nó sẽ cười cợt lại mình cho xem. Đấy, lão đã nói với ông ta như vậy… Hai năm sau, lão chở ông ta sang bờ bên này, ông ta xoa xoa tay cười ra vẻ khoái chí lắm. Ông ta nói: “Tôi đến Gưrinô đón vợ đây. Cô ta thương tôi mà đến với tôi đấy. Cô ta thật xinh đẹp và phúc hậu”. Ông ta sung sướng đến nghẹn thở. Thế rồi qua một ngày sau thì trở lại đây cùng với vợ. Vợ ông ta còn trẻ lắm, rất đẹp, đầu đội mũ, tay bế một đứa bé gái. Hành lý mang theo đủ mọi thứ. Còn ông Vaxili Xerghêíts thì cứ lăng xăng chạy quanh cô vợ, ngắm nghía cô ta, xuýt xoa tấm tắc khen mãi. Ông ta cứ luôn miệng nói: “Này, anh bạn Xêmiôn, thế ra ở cái xứ Xibiri này, người ta vẫn sống đường hoàng đấy chứ!” Lão thì nghĩ rằng, rồi xem có mừng thế được mãi không. Từ dạo ấy cứ tính từng tuần một, ông ta lại đi Gưrinô xem đã có tiền gửi từ Nga tới chưa. Tiền thì cần phải tiêu nhiều. Ông ta nói: “Vì tôi mà cô ta phải chôn vùi sắc đẹp và tuổi trẻ của mình ở cái xứ Xibiri này, chia sẻ cùng tôi số phận cay đắng, vì thế mà tôi cần phải làm cho cô ta thỏa mãn mọi điều…” Để làm vui lòng vợ, ông ta bắt quen với các viên chức nhà nước, với đủ loại người mạt hạng. Và tất nhiên là phải bỏ tiền ra cho cả cái bọn người ấy đánh chén, rồi lại còn phải chơi dương cầm và nuôi chó bông trên đivăng nữa, – tất cả chỉ cốt cho cô vợ khỏi mòn mỏi vì buồn bã… Nói tóm lại là đủ thứ chiều chuộng xa xỉ. Nhưng rồi cô vợ cũng chẳng ở đây lâu với ông ta. Đây đâu phải là chỗ để cô ta ở? Chung quanh là đồng không mông quạnh, là sông nước, không có một thứ rau cỏ, hoa quả gì cả, người thì rặt những loại nát rượu, vô học, chẳng có ai mà giao du, mà cô ta thì quen được chiều chuộng, lại là dân thủ đô… Thế tất phải là buồn chán thôi. Hơn nữa chồng cô ta chẳng phải là quý tộc nữa mà là dân đi đày – đối với cô ta điều ấy chẳng vinh dự gì. Lão còn nhớ, ba năm sau đó, vào một đêm trước ngày lễ Mộng triệu Thăng thiên có người gọi bên kia sông. Lão đưa phà sang sông thì thấy cô ta đang đứng trên bờ, mình mặc áo dầy ấm, cùng với một anh viên chức trẻ. Một cỗ xe ba ngựa nữa… Lão chở cả sang sông, hai anh chị ngồi lên – rồi quất ngựa đi. Gần sáng thì Vaxili Xerghêíts đi cỗ xe song mã đến. – “Này, Xêmiôn, ông có thấy vợ tôi đi qua đây cùng với một chàng đeo kính không?” Lão nói: “Có thấy, đi theo mà bắt gió trong đồng”. Ông ta đuổi theo tìm năm ngày đêm liền. Lần tôi chở ông ta về, ông ta nằm vật xuống sàn phà, đập đầu liên hồi xuống sàn, rên rỉ. Lão nói với ông ta: “Đấy, bây giờ ông thấy chưa”. Lão cười và nhắc lại câu của ông ta: “Thế ra ở cái xứ Xibiri này, người ta vẫn sống đường hoàng đấy chứ!” Ông ta thì chỉ càng đập đầu xuống sàn nhiều hơn… Sau đó ông ta chỉ mong sao thoát cảnh tù đày. Vợ trở về Nga, có nghĩa là ông ta cũng muốn trở về đấy để mà gặp vợ và lấy lại khỏi tay kẻ tình nhân. Thế đấy anh bạn trẻ ạ, cứ hầu như là ngày nào ông ta cũng cưỡi ngựa đi ra trạm bưu chính hay là vào thành phố gặp cấp trên. Ông ta gửi đơn từ xin ân xá đi khắp nơi mong được trở về nơi quê quán, ông ta nói rằng chỉ riêng tiền đánh điện không thôi ông ta đã tiêu mất hai trăm rúp. Ruộng vườn phải bán đi, nhà cửa phải cầm cố cho bọn Do Thái. Bản thân ông ta thì tóc bắt đầu bạc, lưng còng xuống, vẻ mặt vàng ệch trông như người bị bệnh lao. Nói chuyện với lão thì miệng cứ cười: khề-khề-khề… mà nước mắt thì cứ ứa ra. Mất công xin ân xá như thế ròng rã tám năm trời, bây giờ thì như người sống lại, trông vui vẻ lắm. Ông ta tìm được nguồn an ủi mới. Con gái ông ta lớn lên rồi mà. Con bé ngắm mãi cũng không chán. Quả thật là nó trông cũng kháu: vẻ mặt xinh xẻo, lông mày đen, tính nết khôn ngoan, nhanh nhẹn lắm. Chủ nhật nào ông ta cũng đưa con bé đi lễ nhà thờ ở Gưrinô. Hai cha con đứng cạnh nhau trên phà, cô bé cười, còn ông ta thì không rời mắt ngắm con. Ông ta nói: “Đây, Xêmiôn, anh thấy chưa, ở cái xứ Xibiri này người ta vẫn sống đường hoàng đấy chứ! Ở xứ Xibiri này cũng có thể có hạnh phúc. Anh thử nhìn xem, con gái tôi trông có tuyệt không. Anh cứ đi nghìn cây số cũng không kiếm được con bé nào xinh thế”. Lão nói: “Đúng rồi, con gái ông xinh thật…” Nhưng trong bụng thì lão nghĩ thầm: “Cứ chờ xem… Con bé lớn lên trẻ trung, bầu máu nóng nó bốc, nó muốn sống cho ra hồn, nhưng mà ở đây thì sống cái gì?” Anh bạn ta ạ, thế rồi con bé nó sinh sầu não thật đấy… Nó gầy mòn, đau ốm luôn, rồi cuối cùng bị liệt cả hai chân. Lại bị lao nữa. Đấy, cậu xem, hạnh phúc Xibiri là như thế, đem mà quẳng mẹ nó đi, “ở cái xứ Xibiri này người ta vẫn sống đường hoàng” là như thế… Ông ta lại bắt đầu đi tìm đến các bác sĩ, đón họ về nhà mình. Chỉ cứ vừa mới nghe, cách chừng hai, ba trăm vécxta có bác sĩ hay thầy lang nào là lại đi tìm ngay. Chẳng biết tốn đến bao nhiêu tiền cho các bác sĩ nữa, theo như lão đây thì cứ lấy số tiền ấy mà mua rượu uống là tốt hơn hết… Đằng nào mà con bé chẳng chết. Trước sau rồi con bé cũng chết và lúc ấy thì ông ta cũng khụy theo thôi. Nếu chẳng tự treo cổ vì buồn khổ thì cũng bỏ trốn về Nga – chuyện thế tất nó sẽ như vậy. Nhưng mà bỏ trốn thì người ta sẽ tóm được, rồi lại ra tòa, lại khổ sai, tha hồ mà nếm roi vọt…

– Sướng thật, sướng thật, – anh chàng Tácta làu bàu trong miệng, toàn thân co ro vì lạnh.

– Gì mà sướng? – ông Lý Sự hỏi.

– Vợ này, con gái này… Khổ sai thì kệ khổ sai, buồn khổ thì kệ buồn khổ, đằng nào thì ông ấy cũng được gặp vợ, gặp con rồi… Cụ nói là không cần gì hết. Nhưng mà không có gì thì thật khổ! Có vợ ở bên cạnh ba năm – là phúc trời ban cho ông còn gì. Không có gì – thật khổ, còn ba năm với vợ – thật sướng. Sao cụ không hiểu?

Anh ta run rẩy, lắp bắp nói, cố công tìm kiếm những từ Nga mà anh ta biết không nhiều; anh ta nói rằng cầu trời đừng bắt người ta ốm đau nơi đất khách quê người, đừng bắt người ta phải chết chôn nơi xa lạ, rằng nếu vợ anh đến đây một ngày hay thậm chí một giờ thôi, thì để đánh đổi lấy hạnh phúc ấy anh ta sẵn sàng chịu đựng mọi điều khổ ải mà vẫn tỏ lòng biết ơn thượng đế. Thà là được sống một ngày hạnh phúc còn hơn chẳng được gì cả.

Sau đó anh ta lại kể rằng anh ta còn để lại ở nhà người vợ vừa trẻ đẹp vừa khôn ngoan, rồi hai tay ôm lấy đầu, anh ta khóc òa lên và phân trần với ông già Xêmiôn rằng quả thật anh ta chẳng có tội tình gì hết, anh ta phải chịu oan mà thôi. Hai người anh cùng với bác anh ta lấy trộm ngựa của một ông cụ nông dân, đánh ông này gần chết, thế mà tòa án lại không xử cho phân minh, kết án cả ba anh em đày đi Xibiri, còn ông bác thì là người giàu có nên vẫn ở nhà như thường.

– Rồi sẽ quen thôi! – ông già Xêmiôn dài giọng nói.

Anh chàng Tácta im lặng, đưa cặp mắt ướt đẫm nhìn chằm chằm vào đống lửa; gương mặt anh lộ rõ vẻ kinh ngạc, sợ hãi, dường như cho đến giờ anh ta vẫn chưa hiểu vì sao anh ta lại rơi vào chốn tối tăm, ẩm ướt này, bên cạnh những người xa lạ mà không phải là ở tỉnh Ximbiếc quê hương anh. Ông Lý Sự nằm bên cạnh đống lửa, không biết mỉm cười điều gì cất giọng lè nhè, khe khẽ hát.

– Này, cô ta thích thú gì mà ở lại nhà với ông bố già nhỉ? – một lát sau, ông Lý Sự nói. – Ông bố yêu mến cô ta, đó là niềm an ủi của ông, điều đó đúng rồi; nhưng mà anh bạn trẻ này, ông ta tinh ranh lắm phải coi chừng đấy: ông già khó tính, ông già nghiêm nghị. Nhưng mà các cô gái trẻ có cần đến sự nghiêm nghị đâu… Các cô ấy cần được âu yếm, hà-hà-hà, hề-hề-hề, cần được nước hoa và phấn son. Đúng thế đấy, chậc, thế đấy, thế đấy! – ông già Xêmiôn thở dài và khó nhọc đứng dậy. – Rượu uống cạn rồi, nghĩa là đến giờ đi ngủ thôi. Phải không, anh bạn, đi ngủ thôi chứ?…

Còn lại một mình, anh chàng Tácta chất thêm cành khô, lặng lẽ nhìn vào đống lửa, miên man nghĩ đến người vợ và quê hương; thật là sung sướng biết bao giá như vợ anh đến đây được một tháng, một ngày, rồi sau đó nếu cô ta không muốn ở nữa thì cứ để cô ta trở về quê cũng được. Thà được một tháng, một ngày như vậy, còn hơn là không có gì cả. Nhưng mà nếu vợ anh làm đúng như lời hứa và đến đây, thì lấy gì mà cho cô ta ăn? Cô ta sẽ ở vào đâu?

– Nếu không có gì ăn, thì sống làm sao được? – anh chàng Tácta tự hỏi thành tiếng.

Suốt ngày đêm chèo thuyền, người ta trả cho anh mười kôpếch; nói cho đúng ra thì khách qua sông cũng có thưởng thêm tiền quà cho người chèo, nhưng mấy người kia chia nhau tất cả số tiền thưởng ấy, mà chẳng để cho anh chàng Tácta một xu nào và chỉ cười giễu anh ta thôi. Không tiền thì vừa đói, vừa rét, vừa ghê sợ… Bây giờ khi toàn thân run rẩy, tê buốt thì lẽ ra có thể đi vào trong lều mà nằm ngủ, nhưng trong ấy còn lạnh hơn vì chẳng có gì mà đắp, ở ngoài trời cũng không có gì đắp, nhưng dù sao thì cũng có thể đốt đống lửa lên…

Một tuần sau khi nước rút và người ta sẽ đặt con phà ở đây thì tất cả những người chèo thuyền, trừ ông già Xêmiôn, đều sẽ trở nên vô dụng, và anh chàng Tácta sẽ phải đi lang thang từ làng này sang làng khác mà ăn mày, xin xỏ việc làm. Vợ anh mới mười bảy tuổi; cô ta xinh đẹp, rụt rè, quen được chiều chuộng, lẽ nào cô ta sẽ lại cùng với anh đi ăn xin hết làng này đến làng khác? Không thể được, chỉ cần thoáng nghĩ đến điều đó thôi cũng đã thấy kinh khủng lắm rồi…

Trời đã rạng sáng, đã có thể trông rõ hình thù chiếc phà, nhìn thấy những bụi cây liễu ven bờ nước và những gợn sóng lăn tăn, quay lại đằng sau – là cả một bờ đất sét cao, phía dưới là một túp lều con lợp rơm, phía trên bờ hàng dãy nhà làng. Trong làng đã nghe thấy tiếng gà gáy sáng.

Bờ đất sét màu hung, chiếc phà, dòng sông, những người xa lạ xấu bụng, đói rét, bệnh tật – có lẽ tất cả những cái đó quả thực là không có. Chắc là những cái đó chỉ nằm mơ thấy thôi, anh chàng Tácta nghĩ vậy. Anh cảm thấy rằng anh đang ngủ và nghe được tiếng rên rỉ của mình… Tất nhiên là anh đang ở nhà anh, ở tỉnh Ximbiếc, anh chỉ cần gọi tên vợ lên là sẽ nghe thấy tiếng trả lời; và ở buồng bên cạnh là mẹ… Nhưng mà sao giấc mơ này lại hãi hùng đến thế! Nó hiện ra làm gì kia chứ? Anh chàng Tácta mỉm cười và mở mắt ra. Dòng sông nào vậy? Vonga ư?

Tuyết rơi.

– Nhà thuyền! Cho sang sông vơ… ới! – có tiếng ai gọi từ bờ bên kia.

Anh chàng Tácta choàng tỉnh dậy và vội vàng đánh thức mấy người chèo để đưa thuyền sang sông. Những người chèo thuyền co ro bước xuống sông, vừa đi vừa mặc những chiếc áo lông rách bươm, cất giọng khàn khàn ngái ngủ chửi làu bàu mấy câu. Qua một giấc ngủ, dòng sông tỏa hơi lạnh buốt kia đối với họ trở nên thật đáng nguyền rủa, kinh tởm. Họ đủng đỉnh bước xuống thuyền… Anh chàng Tácta và ba người kia cầm lấy những mái chèo dài to bản, trông giống như những cái càng tôm, còn ông già Xêmiôn thì tì sát bụng vào bánh lái. Phía bờ bên kia vẫn có tiếng gọi thuyền tiếp tục và nghe thấy hai tiếng súng lục bắn chỉ thiên, chắc họ tưởng rằng mấy người chèo thuyền đang ngủ hay là đã đi vào làng kiếm rượu uống.

– Yên trí, sẽ kịp thôi! – ông Lý Sự nói bằng cái giọng của người bao giờ cũng tin rằng trên đời này chẳng có việc gì phải vội. – Đằng nào thì cũng chẳng nhanh hơn được.

Chiếc phà kềnh càng, nặng nề dần dần rời khỏi bến và bơi đi giữa đám bụi cây liễu mọc ngay dưới nước, cứ trông vào những bụi cây liễu kia đang từ từ lùi lại đằng sau mới biết rằng quả là chiếc phà kia không đứng yên một chỗ mà đang chuyển dịch. Mấy người nhịp nhàng khỏa mái chèo xuống nước; ông Lý Sự tì bụng lên chỗ lái chao người từ mạn phà này sang mạn bên kia theo hình cánh cung. Trong ánh sáng mờ mờ trông bọn họ giống như những người đang ngồi trên một con vật khổng lồ thời tiền sử với những cái chân dài và bơi đi đến một xứ sở buồn tẻ lạnh giá, đến cái nơi mà đôi khi người ta vẫn nhìn thấy trong những cơn ác mộng.

Phà bơi qua bãi liễu, ra đến giữa sông. Trên bờ bên kia, người ta đã nghe thấy tiếng mái chèo khỏa nước đều đều; họ kêu to: “Nhanh tay lên, nhanh tay lên!” Chừng mười phút nữa trôi qua và chiếc phà nặng nề cập bến.

– Cứ rơi mãi thôi, mãi thôi! – ông già Xêmiôn làu bàu nói, giơ tay vuốt vội những hạt tuyết bám trên mặt. – Không biết từ đâu rơi xuống cái của nợ này, trời mà biết được!

Trên bờ bên kia, người đợi thuyền là một ông già tầm thước, mình vận chiếc áo bành tô ngắn bằng lông cáo, đầu đội mũ lông cừu trắng. Ông ta đứng yên một chỗ cách xa cỗ xe ngựa; vẻ mặt đăm chiêu, tư lự, như đang cố nhớ lại một điều gì và cáu kỉnh vì trí nhớ chẳng chịu tuân theo ý muốn của mình. Khi ông già Xêmiôn bước lại gần mỉm cười ngả mũ chào, thì ông ta nói:

– Tôi phải vội đi Anaxtaxiépka. Bệnh tình con gái tôi lại nặng thêm, mà ở Anaxtaxiépka nghe nói có một bác sĩ mới được bổ đến đấy!

Mấy người chèo thuyền đưa cỗ xe ngựa xuống phà rồi chèo trở lại bờ bên kia. Người mà ông già Xêmiôn gọi là Vaxili Xerghêíts suốt trong thời gian qua sông, cứ đứng yên một chỗ, cặp môi dày mím chặt, mắt nhìn chăm chăm vào một điểm; khi người xà ích xin ông ta cho phép được hút thuốc bên cạnh ông, thì ông ta chẳng trả lời gì cả hệt như là người không nghe thấy. Còn ông già Xêmiôn thì vừa tỳ bụng lên bánh lái vừa giễu cợt nhìn ông ta và nói:

– Thế mà ở xứ Xibiri này người ta vẫn sống đường hoàng. Sống đường hoàng đấy!

Gương mặt ông Lý Sự lộ rõ vẻ đắc thắng, dường như ông đã chứng minh được một điều gì và đang thích thú vì thấy rằng mọi chuyện đã xảy ra hệt như ông dự đoán. Vẻ mặt đau khổ tuyệt vọng của người vận áo bành tô ngắn bằng lông cáo kia chắc là đã đem lại cho ông một khoái cảm đặc biệt.

– Đi bây giờ đường lầy lội lắm, ông Vaxili Xerghêíts ạ, – ông già Xêmiôn nói, khi người xà ích đang thắng ngựa vào xe. – Lẽ ra nên chờ chừng hai tuần nữa thì đường khô ráo hơn. Tốt hơn hết là ông đừng đi đâu cả… Đi như thế nào có ích lợi gì. Chắc tự ông cũng thừa biết rằng, con người ta cứ đi đây đi đó đã bao nhiêu thế kỷ rồi, đi cả ngày cả đêm, mà nào phỏng có được cái tích sự gì! Quả thế thật đấy!

Vaxili Xerghêíts im lặng thưởng cho ông già Xêmiôn tiền uống rượu, rồi ngồi lên xe và tiếp tục cuộc hành trình.

– Đấy, lại đi tìm bác sĩ! – ông già Xêmiôn nói, rùng mình vì lạnh. – Ừ, đi mà tìm bác sĩ cho ra hồn, đi mà bắt gió trong đồng, đi mà túm lấy đuốc quỷ! Thật là kỳ cục, cầu Chúa tha lỗi cho kẻ có tội này!

Anh chàng Tácta bước lại gần ông Lý Sự, nhìn ông già với vẻ căm ghét, ghê tởm, toàn thân run lên, nói một tràng liền, lắp bắp pha lẫn tiếng Tácta của mình:

– Ông ấy tốt, tốt lắm, còn ông thì xấu lắm! Ông xấu lắm! Ông quý tộc kia tốt bụng lắm, còn ông thì thú dữ, xấu lắm! Ông ấy đáng sống, ông thì chết quách đi cho rồi… Thượng đế làm ra con người là để sống, để được sướng, được khổ, được buồn nhớ, thế mà ông lại chẳng muốn cái gì cả, tức là ông không còn sống nữa mà chỉ là đất, đá! Có đất đá thì mới không cần gì, ông cũng không cần gì… Ông là đất đá. Thượng đế không thương ông đâu, thương ông quý tộc kia thôi.

Mọi người cười ồ; anh chàng Tácta ghê tởm nhăn nhó mặt mày, phẩy tay rồi co mình trong lớp áo dầy rách bươm và đi lại gần đống lửa. Mấy người chèo thuyền cùng với ông già Xêmiôn đủng đỉnh bước vào lều.

– Rét quá! – một người cất giọng khàn khàn kêu lên lúc đặt mình xuống ổ rơm trải ngay trên nền đất sét.

– Phải rồi, chẳng lấy gì làm ấm lắm! – một người khác tán đồng. – Cảnh đi đày mà lại!…

Mọi người đều nằm xuống. Cánh cửa lều bỗng bị gió đánh bật ra, tuyết lùa vào trong lều. Chả ai buồn đứng dậy đóng cửa: vừa rét, vừa lười.

– Thế mà lão đây lại thấy sung sướng! – ông già Xêmiôn lè nhè nói, mắt đã bắt đầu lim dim. – Cầu trời cho ai cũng được sống như lão đây.

– Ông thì thuộc loại tù rũ xương. Quỷ nó cũng chả thèm bắt ông.

Từ phía ngoài lều nghe có tiếng ư ử như tiếng chó tru.

– Cái gì đấy? Ai ngoài ấy thế?

– Thằng Tácta nó khóc đấy.

– Xì!… Thật dở người!

– Rồi sẽ quen cả thôi! – ông già Xêmiôn nói và ngủ thiếp luôn ngay sau đó.

Lát sau mấy người kia cũng thiếp đi. Cánh cửa lều cuối cùng thế là vẫn mở toang.

 

___________

1. Hiện nay là Ulianốpxkơ.

Bình luận