Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 83: Công viên Cổng Vàng (5)

Tác giả: Duy Đao Bách Tích
Chọn tập

Hôm sau, Hoài Chân tỉnh dậy rất sớm, trong sắc trời mây mù,cô nhìn thấy thớ vải gấm và vải nhung bị bẩn hôm qua đã được giặt sạch. Hoài Chân đi đến gần, ngửi thấy mùi xà bông Lava kháng khuẩn mạnh.

Tiệm giặt A Phúc có thể giặt sạch hầu hết mọi vết bẩn, thế nên nhà bọn họ đã tiết kiệm được 8 đô la chuyến vận chuyển đường thủy lần này.

Vân Hà vô tâm không biết chuyện này, hoặc có lẽ ngay từ nhỏ cô ấy đã quen với cách tiết kiệm tiền của mẹ nên cũng không lạ lẫm mấy.

Cuối cùng thớ vải gấm màu xanh đậm kia được may thành chiếc sườn xám không tay cho Vân Hà, phong cách kiểu thường ngày khiêm tốn tinh tế, càng chứng tỏ tay nghề của thợ may rất thượng thừa. Vân Hà có mắt một mí không quá lớn, cánh môi hơi dày, môi hồng răng trắng; vóc dáng không cao lắm nhưng thân hình đều đặn, tuy không hẳn là một cô gái Trung Hoa xuất chúng, song lại mang đến cảm giác nước lạ rất có sức sống trên đại lục nước Mỹ. Lúc đi trên phố người Hoa, Vân hà thường xuyên được các lữ khách da trắng xin chụp chung. Cộng thêm tính cách cô ấy xởi lởi hoạt bát, cũng là nhân vật rất được hoan nghênh ở trường.

Sau khi lấy chiếc sườn xám về, Vân Hà mặc vào xoay trước mặt Hoài Chân một vòng. Hoài Chân cảm thấy rất đẹp, còn cố ý trêu cô ấy, nói cô ấy là sub-bride (cô dâu ứng viên), đang muốn dụ dỗ phù rể nào làm sub-groom à?

Vân Hà cười cười toan đánh cô, nhưng vì bộ sườn xám nên bị hạn chế hành động.

Hoài Chân hét lên: Cẩn thận đồ mới của chị!

Vân Hà lập tức đứng nguyên tại chỗ, vô cùng đoan trang, chỉ có hai con mắt là di chuyển theo Hoài Chân đang mặc đồ ở nhà, cố ý nhảy nhót cạnh cô ấy, làm cô ấy tức tới nỗi không nói được gì.

Váy của Hoài Chân là váy công chúa màu tím nhạt. Bình thường cô hay mặc sườn xám suôn in hoa, cắt may đơn giản, bây giờ mặc chiếc váy này cũng không tới nổi khó coi, trái lại còn có vẻ hoạt bát. Nhìn dồi dào nhựa sống, song lại không quá trưởng thành. Buổi hôn lễ cuối tuần, Vân Hà phải đi làm lá xanh*, còn Hoài Chân là cỏ xanh làm nền cho lá xanh. Bộ váy công chúa này đến thật đúng lúc, trông trẻ trung yên tĩnh, không quá bắt mắt.

(*Lá xanh ở đây là ý trong câu “hoa hồng dù đẹp vẫn cần lá xanh”, ý nói không có lá xanh thì hoa hồng sẽ không rực rỡ.)

Quả thật hôm đó cô cũng đã làm tròn bổn phận cỏ xanh của mình, đứng từ xa nhìn cô dâu chú rể như trời đất tạo nên, còn cả Hayakawa và Vân Hà như đôi người đẹp đi đằng sau họ.

Lúc có thời gian, cô thật sự cảm khái: nhìn bọn họ kìa, xứng đôi quá đi…

Lúc không có việc gì làm thì cô nấp trong đám đông, nên ăn thì ăn nên uống thì uống, ăn cho lấp bụng lấp cổ, tinh thần cũng khấm khá hơn.

Trong số cư dân ở phố người Nhật thì nhà Hayakawa không hẳn là giàu sang bậc nhất, nhưng cũng có đủ thể diện trong số những người Nhật ở thành phố San Francisco. Hôn lễ không quá long trọng, gia trưởng Nhật Bản cũng tôn trọng văn hóa của cô dâu ngoại tịch, hai nhà nhập gia tùy tục, bài trí bình thường vô cùng thường gặp, là hôn lễ “văn minh” không quá Trung cũng không quá Nhật. Người bên đàng trai khá nhiều, tuy nhiên cũng không đông lắm, ngoài mười mấy bậc cha chú ra thì còn lại đều là bề dưới trong tộc, cùng với bạn học của cô dâu chú rể ở đại học Nam California và những thanh niên thích vui chơi mà chú rể quen ở phố người Nhật; tuy người nhà của đằng gái ở Thượng Hải không đến, nhưng cô út đang học tiến sĩ ở Harvard và cháu gái mười tuổi cũng từ bờ Đông chạy tới, coi như đại diện nhà gái.

Từ khi trời còn tờ mờ sáng, mấy chiếc xe chở cô dâu chú rể cùng tân khách đi đến khu Sở Tư Pháp ở Pacific Heights, tìm được một vị tỉnh trưởng kiêm công tác tư pháp để cô dâu chú rể đăng ký kết hôn và công chứng.

Các gian phòng đăng ký kết hôn nhỏ hẹp đã chật kín những người trẻ tuổi ồn ào náo nhiệt.

Vị thống đốc kia rất nghiêm túc, dùng giọng đọc buồn tẻ đọc lại quy tắc dài loằng ngoằng của Luật Hôn nhân California. Bởi vì người châu Á trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật, mà người da trắng lại ít nhiều mắc chứng “mù mặt” với người da vàng, nên lúc ông ta xác nhận lần hai rằng cô dâu và chú rể thật sự đã hơn 16 tuổi – độ tuổi kết hôn hợp pháp ở California, thì rốt cuộc đám đông xung quanh lại phá lên cười to.

Người bạn da trắng của chú rể trêu đùa: “Năm nay Hayakawa chỉ mới 15 tuổi. Xem ra chúng ta chỉ có thể lái xe đến Oregon để đăng ký lại thôi.”*

Một người khác càng lạ lùng hơn: “Năm nay cô dâu của chúng ta chỉ mới 13 tuổi. Vậy là chúng ta phải đi xa đến Kansas, Tennessee hoặc Massachusetts rồi…”**

(*, **: Độ tuổi hợp pháp kết hôn ở mỗi bang tại Hoa Kỳ là khác nhau.)

Trong thời gian thống đốc kiểm tra chứng nhận y tế của cô dâu chú rể, một người bạn của chú rể – một cô gái người Nhật đã kết hôn với người da trắng có dòng máu lai đang chia sẻ kinh nghiệm hôn nhân của mình: bọn họ đã phải lái xe đến thành phố biên giới Mexico là Tijuana, nằm ngay phía Nam ở California, bỏ ra 5.000 đô la để hối lộ thống đốc làm tài liệu kết hôn cho họ. Tổ chức hôn lễ bằng tiếng Tây Ban Nha ở đó một lần, rồi ở lại Mexico một thời gian. Sau lại mới quay về thành phố San Francisco, tổ chức hôn lễ tiếng Anh một lần nữa.

Trong tiếng thán phục của mọi người, vị thống đốc California kia cứ trợn mắt nhìn cô ấy, như thể đang nhìn phần tử tội phạm có thể bị bắt nhốt vào đại lao bất cứ lúc nào.

Cô gái kia cũng biết, nhún vai ra vẻ sao cũng được.

Có quốc gia giàu mạnh làm chỗ dựa, đúng là có thể tự tin không sợ ai lại không chút kiêng kỵ. Hoài Chân nhìn cô ấy, cũng biết sơ sơ vì sao hiện nay trong tô giới Thượng Hải, người ta khen cô gái đẹp thì đều nói: giống một cô gái Đông Dương.

Lúc đến công viên Kim Môn, sương mù dày đặc chỉ vừa mới tản đi, hơi nước trên cỏ vẫn chưa bốc hơi. Dù mặt trời chiếu ngay thẳng đỉnh đầu thì vẫn khiến các khách nữ lạnh run cầm cập. Đứng trong vườn trà chụp hình, ăn bánh uống trà, có người đề nghị mọi người khiêu vũ trong vườn trà, thế là bà chủ lập tức gọi điện mời một ban nhạc ở ngoài công viên đến.

Đứng dưới ánh mặt trời, Hoài Chân dựa vào cây cầu cong cong bắc ngang qua ao nước, nhìn bảo tháp màu đỏ ở đằng xa khuất sau lùm cây um tùm, từng đàn cá vàng bơi qua bơi lại dưới ao. Mọi thứ trong vườn trà được bày biện vô cùng khác biệt, bao gồm cả sân vũ hội trong vườn. Những chàng trai cô gái tự nhiên qua lại trên sân cỏ, khúc Carlos Di Sarli nhẹ nhàng vang lên, dưới sự dẫn dắt của các chàng trai, những cô gái lần lượt quay đầu dậm chân. Trong tiếng cười nói hân hoan của tuổi trẻ, vũ hội đã bắt đầu bước vào cao trào, làm những người da trắng đến công viên du ngoạn cũng bất giác dừng chân, xuyên qua cánh cửa vườn trà nhìn lén những người gốc châu Á đang say sưa khiêu vũ bên trong – rất có phong tình của nước lạ.

Hoài Chân nghĩ bụng, đây đúng là nơi hay ho để hẹn hò, nhất là từ khoảng sáng sớm khi sương mù tan cho tới ba bốn giờ chiều, cho đến sau khi sương mù dày đặc lại bao trùm toàn vịnh, vùi lấp cả công viên trong màn sương mịt mù. Lúc đó tuy trời rất lạnh, nhưng những cặp tình nhân đến đây có lẽ sẽ không về ngay. Có rất nhiều đôi trai gái mượn sương mù che đậy để hôn nhau, từ đấy mở ra trang sử tình yêu mới, hoặc ví dụ như mấy đôi đang khiêu vũ thì ánh mắt chợt va vào nhau, khó mà tin rằng mới hồi sáng bọn họ còn chẳng quen nhau, lúc nhìn nhau lại còn né tránh đầy ái ngại

Trong lúc Hoài Chân suy nghĩ lung tung, nữ chủ nhân của vườn trà mặc kimono cầu kỳ thấy cô không hòa nhập đám đông, trông rất buồn tẻ, thế là đem đến cho cô một chồng bánh thạch yokan hoa anh đào màu hồng. Cô nếm thử một thìa, lại ngẩng đầu lên nhìn mấy gốc cây anh đào trong sân. Lúc này đã qua tiết Đại Thử, cũng qua mùa hoa anh đào nở từ lâu rồi. Cô hoài nghi không biết rốt cuộc bông anh đào nở rộ này từ đâu ra, đang định quay qua hỏi thì cô gái mặc kimono đã rời đi mất rồi.

Hoài Chân cảm thấy trong đám đông có người đang nhìn mình, nương theo ánh mắt nhìn lại, cô phát hiện đó là một chàng trai da trắng tóc nâu. Lúc cô nhìn qua thì anh ta đưa mắt đi nhìn chỗ khác, quay sang hỏi thăm người bên cạnh. Người anh ta hỏi chính là Hayakawa-kun hiếm khi mặc tây trang màu đen, kéo Vân Hà đi ra khỏi đám đông. Sau đó Vân Hà và Hayakawa đều nhìn sang cô, cười nói gì đó với chàng trai da trắng kia, rồi anh ta lập tức đi về phía cô.

Cô mơ màng nhớ lại hồi nhỏ mẹ có từng dạy cô thế này: nếu phát hiện có người nhìn lén con, nhất định phải vờ như không biết.

Quy tắc phái nữ mà mẹ dạy có vẻ luôn chính xác, nhưng cô lại cứ hay quên tuân thủ. Lúc bấy giờ cô  rất tò mò lời chào đầu của anh ta sẽ là gì, cho nên vẫn cứ nhìn anh ta đến gần, thấy anh ta lúng túng né tránh ánh mắt mình.

Hoài Chân để ý anh ta chính là bạn học da trắng lúc sáng sớm chế giễu chú rể mới 15 tuổi, bởi vì cô nhận ra đôi mắt màu xanh kia của anh ta.

Chàng trai mắt xanh nghiêng đầu, cũng dựa vào lan can giống cô, nói, “The coldest winter I ever spent was a summer in San Francisco.”

(Mùa đông lạnh nhất tôi từng trải lại là mùa hè ở thành phố San Francisco.)

Đương nhiên lời này không phải là do anh ta nói, mà là do Mark Twain – một nhà văn rất có thành kiến về San Francisco phát biểu. Nếu chàng trai mắt xanh này không cố ý chế giễu cô, vậy thì chắc chắn là do anh ta không biết Mark Twain còn là một người bài Hoa cực đoan. Đa số học sinh tiểu học Trung Quốc đều từng đọc qua cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của ông, nhưng gần như không ai biết một bài thơ ông từng đăng trên “nguyệt san Overland” có liên quan đến tay cờ bạc Ah Sin Trung Quốc, dễ dàng qua mặt người Ireland thích chơi gian lận. Bài thơ này đã trở thành bài thơ phổ biến nhất tại Mỹ năm đó.

Gã khổng lồ trong giới văn đàn không chỉ chế giễu người Trung Quốc là “người Tàu tà ma ngoại đạo”, mà còn hùng hồn tuyên bố đầy khoa trương rằng: “Sớm muộn gì chúng ta cũng bị đám lao động người Tàu rẻ mạt hại chết!” Thậm chí còn dùng sức ảnh hưởng của mình mà trắng trợn bêu rếu sự thâm độc, cường điệu và tà ác của người Hoa, ví dụ như, ông đã cùng Bret Harte viết một vở kịch rất nổi tiếng, vở kịch ấy có tên là: I Sin*.

(*I Sin (tôi có tội) đọc lên giống với tên của nhân vật chính trong vở kịch – Ah Sin, đồng thời cũng ám chỉ Ah Sin là một nhân vật tà ác.)

Nhìn gò má đỏ bừng của anh ta, Hoài Chân cảm thấy, một ngày nào đó trong tương lai khi anh ta hoàn hồn, thì sẽ biết đây là lời chào đâu vô cùng tệ hại.

Thế là nói chuyện nói: “Tôi không thích Mark Twain.”

Anh ta nói tiếp, “Nhưng tôi rất thích San Francisco. Mặc dù mấy năm trước tới đây, mùa đông ở thành phố San Francisco còn ấm hơn nhiều so với Seattle, khiến tôi tưởng đây là thành phố bốn mùa như xuân.”

Anh ta nói, mùa xuân này mới tốt nghiệp trung học công lập Công nghệ.

Hoài Chân bảo, vậy đây là học kỳ đầu tiên anh nhập học đại học Nam California rồi.

Ý anh ta nói là, vừa rồi em trai của Hayakawa nói với tôi là em sắp nhập học trường cấp ba công lập Công nghệ, còn là học sinh xuất sắc giành được học bổng. Còn nói học sinh người Hoa thường ưu tú hơn rất nhiều so với học sinh da trắng. Sau đó anh ta lại nói trên trời dưới biển, ví dụ như lúc còn trẻ cha anh ta từng được một bác sĩ Tây y Hoa Kiều cứu giúp khi ở Oregon, cho nên cả nhà bọn họ rất có hảo cảm về người Hoa. Anh ta rất thích đến phố người Hoa, bởi vì hoành thánh ở quán cơm Tô Châu ăn rất ngon, vân vân và mây mây.

Hoài Chân chỉ im lặng lắng nghe, cho tới khi ở sàn nhảy bên kia vang lên điệu khúc foxtrot. Foxtrot có thể xem là giai điệu cao trào nhất trong buổi hôn lễ, thế là những người trẻ tuổi kia vô cùng hưng phấn la lớn: Foxfox!

Thậm chí chàng trai mắt xanh còn chưa giới thiệu tên mình mà đã gấp rút đi vào trọng tâm, nói: “Thật ra lúc sáng thấy em, tôi đã muốn nói với em là em rất đẹp. Váy công chúa đẹp lắm, nhưng có phải cứ đứng im một chỗ trong thời tiết thế này thì lạnh lắm đúng không. Nên tôi muốn mời em nhảy một điệu, có được không?”

Ý đồ của anh ta đúng là quá dễ đoán.

Hoài Chân nghiêng đầu nhìn anh ta, thấy rõ anh ta có chút mất tự nhiên thì mới cười bảo, “Anh đang định đợi nhạc kết thúc hả. Còn nữa, tên anh là?”

“Cronier. Anh biết em tên là Hoài Chân.”

Cronier vui mừng khôn xiết.

Hai người cùng đi vào sân cỏ, tìm một chỗ trống.

Đa phần những người tuổi trẻ này đều học điệu nhảy khiêu vũ xã giao ở trường học, sở học có hạn chế, thế nên kỹ thuật của mọi người cũng không quá tinh thông, nên hầu như tất cả đều táo bạo mà nhảy liều. Trong chớp mắt đó Hoài Chân cũng thế, gần đây cô thật sự rất mệt, thêm nữa vừa rồi đúng là lạnh thật, cho nên mới đồng ý lời mời khiêu vũ của anh ta.

Kỹ thuật của Cronier rất tốt, có thể nhận ra khiêu vũ là chuyện bình thường như cơm bữa với anh ta. Mới đầu cô không theo kịp tiết tấu, lóng nga lóng ngóng đạp anh ta mấy lần, Cronier buồn bực rên rỉ trong cổ họng, kiên nhẫn dẫn dắt cô. Dần dà, Hoài Chân đã ghi nhớ được tiết tấu âm nhạc, nhịp rất giống bài Don’t Call Me Baby mà mẹ hay phát ở nhà để nhảy. Bắt đầu từ lúc ấy, bước chân của hai người dần mượt mà trôi chảy, tuy có chút loạn nhưng phối hợp khá ăn ý, ngay đến bản thân Hoài Chân cũng ngạc nhiên. Cô biết đôi mắt xanh kia vẫn đang tìm kiếm tầm mắt cô hòng gia tăng tình ý, nhưng Hoài Chân chỉ theo bản năng để cơ thể phối hợp với nhịp bước của anh ta mà thôi.

Cô thất thần. Trong lúc xoay đầu dậm chân, cô nhìn thấy vạt váy tím nhạt của mình bay lên, đột nhiên trong lòng dâng lên tiếc nuối vô hạn. Cô tin rằng người đàn ông trẻ tuổi ở New England xa xôi kia cũng rất giỏi việc này, nhưng cô lại chưa thử khiêu vũ với anh lần nào. Không, không chỉ có thế, trên đời này còn nhiều khả năng đặc sắc hơn nữa, mà cô không thể thử với anh. Bọn họ chỉ cùng nhau trải qua một đêm tuyệt vời, đến ngoại ô uống rượu say khướt, lại bị anh giở trò lừa về nhà, nằm trên giường hôn nhau… Mọi thứ đến đây thì chấm dứt.

Âm nhạc cũng dừng lại. Những tiếng vỗ tay không hợp thời và ủng hộ ầm ĩ vang lên, khiến Hoài Chân thoáng hoàn hồn, phát hiện thân xác mình vẫn đang ở trong công viên tại vịnh San Francisco. Cô nghiêng đầu, thấy giữa sân chỉ còn lại mình và Cronier, chẳng biết những người khiêu vũ lúc trước đã tản đi từ lúc nào, rời khỏi sân cỏ để đôi nam nữ này đong đưa di chuyển trong điệu nhạc.

Cronier thở gấp bảo, “Em giỏi thật đấy.”

Hai người bọn họ còn không phải là nhân vật phụ, vô duyên vô cớ lại đoạt nhiều sự chú ý như thế thì cũng không hay cho lắm.

Hoài Chân ngẩng đầu, nhìn vào nụ cười của anh ta mà nói, “Sang bên này nghỉ ngơi một lúc đi, tôi muốn ăn bánh thạch tiếp.”

Cronier gật đầu, trong tiếng xuýt xoa của khách khứa, cả hai đi lên cây cầu cong bắc ngang ao, lại lần nữa làm phiền chủ vườn trà đang nghỉ ngơi ở sau cửa sổ.

Hai ly matcha sủi bọt được đưa lên, Hoài Chân nói cám ơn với bà chủ bằng vốn từ tiếng Nhật nghèo nàn của mình, rồi từ từ ăn điểm tâm, chờ đợi vũ hội hôn lễ kết thúc trong điệu Valse.

Rõ ràng Cronier không phải là người Mỹ điển hình, bởi vì anh ta thật sự không nói nhiều lắm.

Hoài Chân cảm thấy mình bị phơi nắng đến mệt lả, bất chợt hỏi, “Người nhà anh đồng ý cho anh qua lại với con gái Trung Hoa sao?”

Thề có trời, cô chỉ buột miệng hỏi mà thôi. Có lẽ cô nên cân nhắc thêm, đổi sang cách hỏi khác mới phải, ví dụ như “trước nay anh qua lại với con gái Trung Hoa thì có từng bị người nhà ngăn cấm không”, có lẽ như vậy sẽ không để người ta hiểu lầm.

Vừa dứt lời, Cronier đột nhiên lắp bắp, bắt đầu giải thích: “Người nhà tôi rất sáng suốt, cũng rất xem thường hành động bài Hoa của chính phủ… Những gì Kagoshima nói ở Sở Tư Pháp lúc sáng cũng có thể tham khảo, một số bang ở vùng Đại Tây Dương* hoặc Mexico…”

(*Vùng Đại Tây Dương ở đây là chỉ một vùng của Hoa Kỳ nằm giữa vùng New England và Nam Hoa Kỳ. Không phải vùng biển Đại Tây Dương.)

Kagoshima chính là cô gái Nhật Bản kia. Hoài Chân nghĩ, kế hoạch của anh ta đi xa thật, xem ra đúng là định qua lại với vài cô gái gốc châu Á.

Đang nói thì đột nhiên anh ta dừng lại. Cẩn thận ngẩng đầu nhìn Hoài Chân, nói, “Dù gì thì, em cứ yên tâm. Người nhà tôi rất thân thiện với những cô gái Nhật Bản Trung Quốc tôi từng quen lúc học cấp ba. Tôi biết có lẽ em rất để ý đến chuyện này, nhưng tôi vẫn muốn nói rõ cho em biết, để em không quá lo lắng.”

Đến đây thì Hoài Chân mới vỡ lẽ, anh ta đã hiểu nhầm câu hỏi vừa nãy của cô là xác nhận quan hệ nam nữ.

Cô bật cười khanh khách, sau đó ngắt lời anh ta, “Xin lỗi anh, nhưng tôi không có ý đó… Tôi chỉ tò mò mà thôi.”

Anh ta thôi thao thao bất tuyệt, ánh mắt cũng tối đi.

Qua một lúc sau mới lấy lại dũng khí, “Vậy tôi có thể hẹn hò với em được không?”

Hoài Chân nhìn thẳng anh ta, sau đó nói, “Sorry…”

Anh ta lắc đầu, nói “không sao” hai lần.

Lần đầu là nói với Hoài Chân, lần thứ hai, có lẽ là nói với chính mình.

Trên đường về từ công viên Cổng Vàng, cô và Cronier chia ra ở chung với cô dâu và đám bạn của chú rể, không có cơ hội nói chuyện thêm. Nhưng thỉnh thoảng cô lại cảm nhận được một tầm mắt ở xa nhìn lại. Tuy nhiên từ khắc ấy, Hoài Chân đã nghiêm túc tuân thủ lời răn dạy ngày trước của mẹ, giả vờ như mình chẳng thấy gì.

Cô cảm thấy hơi có lỗi với anh ta, nhưng trong thâm tâm cô là một người khá ích kỷ. Cô phát hiện thứ mình mong đợi là một cuộc gọi từ người đang ở vùng Đại Tây Dương chênh lệch ba tiếng đồng hồ. Có vẻ sự mong ngóng này không có kết quả tốt, nhưng cô không muốn có lỗi với nội tâm của mình.

Chọn tập
Bình luận