Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 4: Santa Maria (4)

Tác giả: Duy Đao Bách Tích
Chọn tập

Nếu không phải mới ba giờ sáng mà người đàn bà kia đã đến tìm tú bà, thì đáng lẽ Hoài Chân đã được đánh một giấc say sưa rồi. Giọng người đàn bà kia vừa nhẹ lại nhỏ, trong tiếng tàu và tiếng sóng vỗ, giọng của cô ta như âm nữ cao độc nhất trong ca kịch nam trầm, không thể nào bỏ qua.

Vừa đi đến đã nghe thấy cô ta nói, “Trái lại phàm tục bọn tôi muốn xem xem là thần tiên phương nào mà được ở hẳn phòng riêng trong khoang hạng ba.”

Khương Tố bèn cười: “Chao ôi, cô được ông chủ người da trắng Texas Mexico đào dầu hỏa bao, ở khoang hạng nhất của ông ta không thoải mái, lại nhớ thương căn phòng hạng ba với giá mười đồng này hả?”

“Ông chủ kia béo như heo lại mồ hôi nhễ nhại, còn bị hôi nách không khác gì mùi mỡ heo. Nếu biết người da trắng hôi đến thế, chẳng thà ngày trước theo Hồng gia giàu có kia rồi.”

Hai người kia vẫn tưởng cô đang ngủ, hoặc cho rằng Mộng Khanh không biết ngoại ngữ nên chỉ thấp giọng nói chuyện trên trời dưới đất.

Người phụ nữ này mặc váy xòe, ngồi xuống cuối giường của Hoài Chân, phe phẩy quạt xếp trong tay làm gió quạt thổi đến chỗ cô. Hoài Chân không ngủ thêm được nữa, dứt khoát nhắm mắt nghe câu được câu chăng, nhờ vậy mà hiểu được đôi ba lý do vì sao mình và người phụ nữ này lại đi đến đây.

Từ khi đạo luật bài trừ người Hoa được ban bố vào năm 1882 cho đến nay, luật pháp nước Mỹ nghiêm cấm lấy người ngoại tộc, cũng cấm người Hoa kết hôn với những người da màu khác; đồng thời nghiêm khắc hạn chế công dân gốc Hoa đi du lịch. Cho nên đối với công dân gốc Hoa, đặc biệt là người Hoa sinh ở nước ngoài, bọn họ chỉ ccó một năm về nước gặp người thân. Phần lớn những người Hoa sinh ở nước ngoài sẽ về nước năm mười lăm mười sáu tuổi, để bà mối trong nước giới thiệu đối tượng, sau khi thành thân trong vòng một năm thì có thể dẫn theo người nhà về Mỹ. Nếu bỏ lỡ cơ hội tốt đó thì sự lựa chọn bạn đời của bọn họ chỉ có thể giới hạn trong hàng xóm láng giềng trên phố người Hoa hay một số ít du học sinh.

Hơn hai mươi năm trước Hồng Vạn Quân đã đến phố người Hoa, khi đó trong tay ông ta có một số tiền lớn, đúng lúc San Francisco gặp động đất và phố người Hoa có hỏa hoạn, ông ta lập tức quyên góp rất nhiều tài sản ròng, trùng tu hơn nửa số nhà bị thiêu cháy ở phố Sacramento cũ và Phố Đền Tianhou nhà gạch và bán rẻ cho các thương nhân cũ. Sau chuyện này, ai ai trên phố người Hoa cũng gọi ông ta một tiếng Hồng gia, mọi việc đều nhận được một phần tình của ông ta.

Ngày trước Hồng Vạn Quân buôn nha phiến mấy năm, làm chỗ dựa cho sòng bạc và nhà thổ, lúc đó mới biết Khương Tố; về sau nhà thổ, nha phiến và sòng bạc không còn hợp pháp nữa, phần lớn sản nghiệp này của Hồng Vạn Quân đều chuyển sang không công khai, bề ngoài thì mở một hội quán ở phố người Hoa, bán vé tàu cho người Hoa hay cho thuê côn đồ, đồng thời bảo đảm an ninh ở phố người Hoa. Hội quán Nhân Nghĩa và Hài Hòa cùng hoạt động song song, đến lúc đăng ký sát nhập thì đổi tên thành hội quán Nhân Hòa.

Đến nay thân thế của Hồng Vạn Quân vẫn còn là một bí ẩn chưa được giải đáp. Phần lớn người Trung Quốc năm xưa di cư đến phố người Hoa đều là con nhà nghèo sống trong cảnh chiến tranh lầm than hoặc đời sống khó khăn, bước vào đường cùng nên mới phải ra nước ngoài đào vàng. Nhưng bọn họ không biết tiếng Quảng Đông, khép miệng mở miệng đều là giọng Bắc Kinh đặc sệt; tầm nhìn rộng rãi, làm người lại có tình có nghĩa, giơ tay nhấc chân đều có khí phái, tuyệt đối không phải là vật trong ao bình thường.

Năm người con đầu của Hồng Vạn Quân đều không phải là kẻ phàm phu tục tử. Chỉ có mỗi lão sáu Lương Sinh là không ra hồn, tướng tá đúng là xuất chúng, nhưng lại mải mê chè chén gái gú cờ bạc, không biết đã hại bao nhiêu mạng người trong tay. Vừa nghe thấy cái tên Hồng Lương Sinh là phố người Hoa đã sợ vỡ mật, mọi người tránh còn tránh không kịp. Hắn có bao nuôi vài ba cô gái, ai ai cũng xinh đẹp như hoa, thế mà về sau lại bị hắn làm nhục đến mức không còn ra hình người. Phàm là con gái nhà đàng hoàng đâu dám giao vào tay hắn? Hò hét quát tháo bốn năm năm, đến cái năm hắn hai mươi tuổi, rốt cuộc một tờ vé tàu đã tống cổ hắn về nước đi xem mặt. Vậy mà, đầu tiên là hắn dọa cho mấy bà mối đến cửa phải bỏ chạy, sau lại gây gổ với bà con láng giềng tới nỗi gà chó không yên. Về nước rồi, nhưng không những không thành thân được mà hành động còn liều lĩnh ngang ngược, khiến Hồng gia tức giận chỉ trong một năm đã già đi mấy tuổi.

Chỉ chớp mắt Hồng Lương Sinh đã hai mươi ba tuổi. Có câu nói nam nhi cần thành gia lập nghiệp thì mới biết tu thân dưỡng tính. Hồng gia bèn đến tìm Khương Tố, đưa một số tiền lớn nhờ bà ta về nước một chuyến, tìm giùm ông ta một cô gái tâm tư đơn thuần, xuất thân trong sạch. Tốt nhất là cô gái này không biết đọc, đến Tân Đại Lục này thì sẽ không nảy sinh tâm tư mới, biết điều an phận chịu sinh con, cam tâm tình nguyện làm con dâu phòng sáu của Hồng gia; và  tốt nhất là không nên hỏi đến tâm địa gian xảo của tiểu tử kia, ít ghen tuông làm mình làm mẩy, bớt gây chuyện thị phi. Không chừng tiểu tử kia vui vẻ bò quanh người nó, vừa hay có thể hãm đi tính khí ngang ngược.

Khương Tố nghe thế bèn nói: “Tôi sẽ về Quảng Đông Phúc Kiến một chuyến, những người tự nguyện về với tôi đều là mấy cô gái đã làm gì gì đó. Còn người xuất thân trong sạch, nếu muốn lừa lên con tàu tặc này thì không phải là cô tình tôi nguyện nữa rồi, mà là bắt cóc trắng trợn.”

Đến Lưỡng Quảng, Phúc Kiến lừa thiếu nữ bán đến phố người Hoa ở San Francisco vốn không phải là chuyện hiếm hoi. Ngày trước là xuất ngoại đào vàng, càng về sau là xây dựng đường sắt Thái Bình Dương, đa số những người xuất ngoại đến Mỹ đều là đàn ông tràn trề nhiệt huyết. Mà cách hữu hiệu nhất chính có thể thỏa mãn tỷ lệ mất cân bằng trai gái nghiêm trọng là gia tăng gái điếm và nhà thổ.

Năm xưa lương thực rau cải ở Quảng Đông không thể nào tự cung tự cấp, nhân công lại không kiếm được nhiều tiền, nếu trong nhà sinh quá nhiều con không nuôi nổi, vậy nếu chết đói trong nhà chết thì còn không bằng giao cho kẻ buôn người đưa ra khỏi biên giới, chí ít còn có thể có được một con đường sống.

Có nhu cầu tất có mua bán. Từ cơn sốt đãi vàng đến nay đã năm mươi năm, cái nghề buôn người này cũng như nhà thổ ở phố người Hoa đã trở thành nghề nghiệp cổ xưa. Năm xưa đa số bọn buôn người đều được các rạp hát nâng đỡ, nhưng về sau, hình thức kinh doanh này đã bị luật pháp nước Mỹ cấm cùng với khu đèn đỏ, chuyển sang hoạt động ngầm.

Buôn người cũng là nghề nghiệp lúc trước của Hồng Vạn Quân, nên lúc này với ông ta mà nói cũng không phải việc gì khó. Thế là ông ta tự mình ra mặt, thay Gương Tố đút lót ổn thỏa từ hải quan nước Mỹ cho đến Sán Đầu. Ngay cả thân thế của cô gái này cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Vừa hay bà hàng xóm cũ trước kia có chết cũng không lui tới với Khương Tố là Quý La Văn gần đây đang túng thiếu, nhà họ Quý chỉ có một cô con gái, hay nói cách khác, bà ta có thể được dẫn theo một người nữa nhập cảnh…

Mọi chuyện đã sẵn sàng, nhưng Khương Tố cùng tên lừa đảo tìm kiếm mấy tháng ở Lưỡng Quảng và Phúc Kiến mà vẫn không thể tìm được cơ hội đem về một “cô gái trong sạch” như Hồng gia yêu cầu.

Đúng lúc này lại để cho Khương Tố hỏi thăm được, năm ấy khi về nước xem mặt, Hồng Lương Sinh từng nhìn trúng một nàng đào kép tên Diệp Thùy Hồng. Hồng Lương Sinh không có thú vui tao nhã gì, nhưng lại rất thích hí khúc. Diệp Thùy Hồng này là một thanh y* nổi tiếng một thời ở kinh thành, một khúc “Tư Phàm” át chủ bài đã làm kinh động người xem. Sau không biết xảy ra biến cố gì mà bỏ nghề kịch, hai năm chưa từng lên sân khấu, những năm qua cũng không biết đã đi đâu, vậy mà vô tình để Hồng Lương Sinh thỉnh thoảng gặp cô ở Thượng Hải. Lúc đó Diệp Thùy Hồng đang có quan hệ vô cùng khắng khít với giáo sư dạy văn học Shakespeare ở đại học Nam Dương, nên không hề xem vị thiếu gia Hoa kiều không biết xấu hổ này ra gì. Hồng Lương Sinh khổ sở theo đuổi cô ta nửa năm, có thể nói là nếm nhiều mùi vị thất bại đến nhức đầu và làm trò cười cho thiên hạ. Tới lúc này hắn mới đi thuyền về nước, ôm hận quay về.

(*Thanh y: vai đào trong hí khúc.)

Khương Tố bèn hỏi thăm được tin tức chỗ ở của Diệp Thùy Hồng, một năm nay cô ấy đang làm trong gánh hát vô danh hát điệu Tây Bì* nhịp chậm ở Sa Diện, Quảng Châu. Khương Tố tìm được cô, ta nói rõ ra ý đồ, không biết vì cớ gì mà Diệp Thùy Hồng lập tức đồng ý.

(*Điệu Tây Bì: làn điệu trong ca kịch dân gian Trung Quốc, đệm với đàn nhị.)

Tuy nói Diệp Thùy Hồng này là người Hồng Lục thiếu cầu mà không được, nhưng lại không phải là cô gái trong sạch đơn thuần mà Hồng Vạn Quân muốn. Nhận tình người lớn như vậy, lại không thể làm chuyện tốt thay người ta, tóm lại lúc về không tiện ăn nói. Song có nàng đào kép Thùy Hồng này ắt hẳn sẽ làm Lục gia vui vẻ nhất thời, Hồng gia cũng biết bà đã bỏ ra một trăm hai mươi phần trăm sức lực, còn tốt hơn là tay trắng quay về.

Vậy mà khi sắp lên thuyền, Khương Tố cùng mấy tên buôn người đứng ở bến tàu, trùng hợp gặp phải cô gái Mộng Khanh đi cùng một vú già, đang loay hoay hỏi mọi người đọc giùm vé tàu cho mình.

Mộng Khanh mặt mũi thanh tú, vóc người thon nhỏ, không biết tiếng nước ngoài, tiếng Quảng Đông đậm chất quê mùa. Khương Tố chỉ cười nói với cô một câu: “Đó chính là con tàu đi San Francisco đấy. Bảo vú già nhà cô lên chiếm chỗ trước đi, rồi tôi sẽ hướng dẫn cô lên thuyền.” Cô lập tức tin ngay. Quả thật dạo này chẳng còn thấy nhiều nha đầu đơn thuần dễ lừa như vậy, đây còn không phải là người Hồng gia muốn sao?

Chuyện này bà ta cũng do dự một vài hôm, không biết nên thương lượng với Diệp Thùy Hồng từ đâu, nói là đã có “ứng cử viên” khác cho con dâu nhà họ Hồng rồi.

May mà bà ta hên. Ngày đầu tiên lên tàu, lái tàu đến hỏi bà ta có biết một cô gái nào biết đàn hát không, trên tàu có một phú thương Mexico đào dầu hỏa thích nghe mấy thứ này, nếu có thì mời đến trong khoang tàu của gã ca hát. Trong thời gian hai tuần lễ, không biết phú thương kia đã chi bao nhiêu đô la cho cô ta nữa rồi. Nếu đổi lại là cô gái khác thì đã lập tức hớn hở vui vẻ làm “kim ốc tàng kiều” của phú thương kia. Diệp Thùy Hồng ngày ngày phong quang rạng rỡ ra vào khoang hạng nhất, nhưng lại không để phú thương kia chiếm lợi chút nào.

Lúc đi qua Honolulu, phần lớn các cô gái ở khoang hạng bét đều biết chuyện Mộng Khanh tìm đến cái chết. Sau khi mua khoang hạng ba cho cô nghỉ ngơi, lúc này Khương Tố mới tìm được Diệp Thùy Hồng, muốn báo cho cô ta biết: đi theo phú thương Mexico kia thì sẽ không bị luật pháp nước Mỹ can thiệp, ngày sau đeo vàng đeo bạc bay lên cành cao, là điều mà đám con gái ở phố người Hoa có nằm mơ cũng không cầu được.

Khương Tố gộp hai chuyện này lại với nhau, tìm Diệp Thùy Hồng bàn bạc. Vậy mà cô ta vừa nghe đã lập tức nói, “Vốn tôi cũng không định làm dâu nhà họ Hồng.” Nhưng cô ta vẫn không lạnh không nóng với phú thương Mexico kia.

Khương Tố giật mình, có lẽ cô đào kép này chỉ muốn chạy ra nước ngoài. Ban đầu đã coi thường Hồng Lương Sinh thì sao có thể an phận làm dâu nhà họ Hồng được?

Diệp Thùy Hồng lại rất dè dặt ăn nói trước chuyện lần này. Khương Tố biết mình không thể hỏi gì được nên cũng không hỏi thăm nhiều.

Nói đến chuyện hai cô gái trên tàu bị trời xui đất khiến đưa ra khỏi biên giới, Khương Tố cảm khái, “Đây chắc là ý trời rồi, ý trời khó trái.”

Giọng khàn khàn của bà ta vô cùng chói tai, Hoài Chân nghe không nổi nữa, dứt khoát ngồi dậy, mở cửa sổ mạn tàu ra.

Hai người ở sau lưng đều bị cô làm cho giật mình, im lặng một lúc lâu.

Gió vù vù thổi vào tai. Hoài Chân còn chưa thoải mái được hai giây thì Diệp Thùy Hồng đột nhiên đến gần, “rầm” một tiếng đóng cửa sổ lại.

Hoài Chân hé mắt, vừa như ngủ lại không phải ngủ, quay đầu nhìn cô ta.

Diệp Thùy Hồng cười cười, “Khó khăn lắm mới cứu cô sống lại, cô đừng nghĩ đến chuyện nhảy xuống biển tìm chết nữa.”

Hoài Chân bật cười, bụng nghĩ, cửa sổ này còn không to hơn đầu cô thì nhảy ra ngoài thế nào được.

Bỗng ngoài hành lang truyền đến tiếng chạy bình bịch, không biết là ai, chỉ nghe miệng lớn tiếng kêu: “San Francisco! Có phải đến San Francisco rồi không ——”

Hoài Chân nghe tiếng nhìn ra ngoài.

Thế giới trong cửa kính to chừng bàn tay được chia làm hai: Nửa dưới là sóng biển thăm thẳm vỗ vào bờ, nửa trên là thế giới màu vàng. Trong thế giới chỉ to hơn bàn tay mình một chút, cô nhìn thấy hải cảng màu trắng đậu đầy tàu thuyền ở xa xa đang đắm chìm trong tia nắng ban mai sắc vàng.

Mặt trời trên biển vẫn chưa dâng lên, càng ngày càng gần hải cảng màu trắng rộng rãi bên kia. Những chàng trai cô gái xuất ngoại du học hoan hô chạy ra, bên trong có người hỏi: “San Francisco ở đâu?”

“Không phải đó sao! Hải đăng to lớn kia có phải là San Francisco không?”

Thì ra là hải đăng.

Chùm sáng từ hải đăng chiếu rọi như cảnh vẽ, tại cửa sổ nho nhỏ này, nó như mơ hồ khắc họa lại bức tranh cổ xưa tuyệt đẹp trên những con tem. Hoài Chân xoa lớp kính bị hơi thở làm mờ, trong nhất thời nhìn đến xuất thần.

Chọn tập
Bình luận
1440
× sticky