Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 69: Phố Columbus (2)

Tác giả: Duy Đao Bách Tích
Chọn tập

Khi Hoài Chân tỉnh lại thì đã ba giờ sáng. Đây là lần đầu tiên cô nghe thấy tiếng chuông điểm ba giờ ở bến tàu trên sông.

Đèn đường đã tắt, xuyên qua rèm cửa sổ, cô có thể nhìn thấy bầu trời xanh đen.

Cả thành phố còn đang say giấc, không khí trầm lặng.

Chú Thompson không nhắc bọn họ là đã đến lúc chia tay.

Trong năm nay, phố người Hoa ở San Francisco đã cởi mở hơn nhiều so với những gia đình bình thường ở Thượng Hải rồi. Nhưng về chuyện quen bạn trai, dù ban ngày hai đứa có chơi bao lâu đi chăng nữa, mà đêm không chịu về nhà thì vẫn là chuyện trọng đại với con gái. Thêm cả phố người Hoa nhà nhà san sát, chỉ cần bị ai đó vô tình bắt gặp, thì trong vòng một tuần sẽ trở thành đề tài câu chuyện trên mười con phố.

Mà khi Hoài Chân tỉnh lại, cô không hề có chút kinh hoàng hay gì khác.

Lắng nghe tiếng đồng hồ tích tắc trong phòng, lòng vô cùng yên bình.

Không bằng đợi đến năm giờ luôn đi. Đến lúc đó, quán rượu và nhà cái đánh bạc trên đường cũng đã đóng cửa, nhà thổ cũng nghỉ ngơi, ấy chính là thời điểm phố người Hoa yên tĩnh nhất trong ngày; mà ở San Francisco bên ngoài phố người Hoa, giao thông công cộng cũng bắt đầu chuyến đầu tiên, tạo thuận tiện cho người dậy sớm công tác.

Ceasar ngủ rất say. Anh như bị bóng đè trong mơ, dùng cả tay chân ôm chặt lấy cô.

Hoài Chân không ngủ được nữa. Cô ngắm nhìn gương mặt say ngủ của anh: vầng trán đầy đặn, xương lông mày gồ lên, hốc mắt lõm sâu, lông mi đen nhánh trên gương mặt trắng trẻo, cả khóe môi mím chặt… Trong giấc ngủ, những biểu cảm nặng nề của ngày xưa đều đã biến mất, lúc này anh chỉ như một đứa trẻ lóng nga lóng ngóng.

Cô cảm thấy mình đã ghi nhớ được rồi.

Hơn một giờ sau, anh khẽ trở mình, Hoài Chân bèn chui ra khỏi trong ngực anh, lặng lẽ đi xuống lầu.

Cô không muốn đánh thức anh, vì cô còn chưa nghĩ ra phải nói lời tạm biệt với anh thế nào.

Lúc đi cầu thang xuống lầu, người phụ nữ da đen đang lim dim đẩy cửa đi ra, “Sớm thế sao?”

Cô khẽ “suỵt”.

Bà ta im lặng rồi bảo, “Ăn gì đó rồi hẵng đi.”

Còn nửa tiếng nữa mới đến năm giờ.

Cô gật đầu đi vào phòng bếp, người phụ nữ kia cầm sữa bò, nước chanh và bơ ra, định làm Soufflé hương chanh cho cô.

Hoài Chân nói, “Tôi nhớ dì. Lần trước đến đây, dì cho tôi mượn quần áo của con gái, tôi vẫn chưa trả lại.”

Bà ta sửng sốt một lúc, “À, lần đó… Cậu ấy nói với tôi có đồ nữ vừa người 85 pound không. 85 pound! Con gái tôi 12 tuổi cũng hơn 85 pound! Quần áo là đồ cũ của con bé, đừng lo.”

Hoài Chân nhận lấy cái phới trong tay bà ta, vừa giúp bà ta đánh bơ vừa nói, “Mẹ tôi cũng làm giúp việc trong gia đình người da trắng.”

Bà ta nghe xong thì hốc mắt bất giác đỏ lên. Bà xoay lưng đi, dùng tạp dề lau mắt rồi mới quay lại, “Lại đây, tôi dạy cô. Cậu ấy thích ăn món này.”

Hoài Chân không thạo nấu bánh ngọt cho lắm, luống cuống tay chân chừng mười phút, bà ta ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cho tới khi bánh ngọt đang nướng trong lòng phồng lên miễn cưỡng đạt tiêu chuẩn, Hoài Chân mới thở phào.

Trong thời gian 20 phút đợi bánh ngọt ra lò, người giúp việc da đen liên tục nói về quy tắc của người da trắng xấu thế nào, vì đấu đá quan điểm chính trị mà chia rẽ người khác. Đầu tiên là kể về câu chuyện tình yêu bị ép chia ly giữa bà nội nhà mình và thiếu gia trang viên cây bông, sau đó lại kể ngày trước con gái đi học ở Brooklyn hay bị bắt nạt. Dần dần lại nhắc đến Ceasar, nói tính xấu của Ceasar là học theo ông nội anh, ông nội anh chính là người tiên phong trong chủ nghĩa quan liêu, tác phong của ông ta đúng là nên được viết vào luật pháp nước Mỹ. Ngay sau đó còn nói ông ta gửi gắm rất nhiều kỳ vọng vào Ceasar, nghiêm khắc với cậu ấy hơn bất cứ ai, từ nhỏ đã quản chặt cậu ấy, nghiêm trọng tới mức còn không muốn cậu ấy rời Mỹ tiếp thu giáo dục. Còn cả người cha đỡ đầu tiếng tăm lừng lẫy kia nữa, trong giai đoạn cậu ấy phản nghịch nhất thì đưa cậu ấy đến trường quê ở tiểu bang Nevada cằn cỗi, từ đó trở đi dùng tư tưởng cực đoan của phái bảo thủ đảng Cộng hòa tẩy não cậu ấy.

Bà ấy nói rất nhiều, nhưng câu Hoài Chân nhớ rõ nhất chính là: cả gia đình Ceasar đều hy vọng anh sẽ trở thành C.H. Muhlenberg, chứ không phải là một Muhlenberg mãi mãi đi theo người cha đỡ đầu.

Bánh ngọt còn chưa ra lò thì tiếng chuông đã vang lên. Tiếng xe chạy ở trên dốc cách đó không xa nhắc nhở Hoài Chân: bỏ qua chuyến này thì phải chờ thêm một tiếng nữa. Đến lúc đó, sẽ có rất nhiều hàng xóm thấy cô đi xe điện từ phố Clay về.

Hoài Chân xoa tay nói, cám ơn dì đã nói những chuyện này, nhưng tôi phải đi rồi. Rất vui vì được biết dì, tạm biệt.

Người giúp việc đa sầu đa cảm lại chảy nước mắt, lúc chào từ biệt còn ôm chặt cô hôn lên gò má, cái bụng béo chạm vào ngực cô, gần như muốn siết chặt Hoài Chân.

Hoài Chân mặc giày vào đi ra cửa, lúc xuống lầu thì chợt trông thấy chú Thompson đang ngủ trong xe.

Cô lại gần gõ cửa kính, Thompson giật mình choàng tỉnh, nở nụ cười gượng gạo, “Tôi nghĩ nhất định hai người sẽ có nhiều lời nói đến sáng.”

Hoài Chân nổi điên, chỉ muốn xông đến đá vào xe ông ta.

Nhưng cô đột nhiên nhớ lại, hình như Ceasar từng nhắc đến động cơ và thiết bị của chiếc xe Ford này từng được độ, còn nhanh hơn cả Ford Model T, trị giá hơn 230 đô la. Hơn nữa còn do đích thân anh độ lại.

Thế nên Hoài Chân đứng ở cửa xe một lúc lâu, cuối cùng cũng đè nén cơn giận.

Cô xoay người bước lên bậc thềm.

Rồi cô nghe thấy người phụ nữ da đen đằng sau thé giọng hô lên: “Nướng xong bánh ngọt hương chanh rồi! Cô đợi một chút, đợi chút đã, nếm thử một muỗng thôi… Với cả, cậu ấy tỉnh rồi, cậu ấy dậy rồi!”

Thompson ngăn bà ta lại: “Đừng ồn ào, hàng xóm sẽ khiếu nại đấy ——”

Cánh cửa kia đóng lại cái sầm, có người từ trong chạy ra ngoài.

Thompson lớn tiếng chào, “Tối qua trò chuyện có vui không? Chẳng lẽ tối qua cả hai đều ngủ?”

Cô nghe thấy âm thanh lạnh lùng quen thuộc kia, kèm theo lửa giận, “Thompson, mẹ kiếp chú mau lái chiếc xe chết tiệt đó lên dốc chặn cô ấy lại ——”

Thompson nói, “Dĩ nhiên tôi có thể. Nhưng dù xe có nhanh đến mấy, thì lái xe trên con đường chết tiệt này cũng không bắt kịp người đi trên bậc thềm.”

Hoài Chân bước nhanh hơn, dọc theo bậc thềm chạy như bay lên núi, không dám ngoái đầu lại.

Hoài Chân còn chưa leo lên đỉnh bậc thềm đến phố Lombard, thì chuyến xe cáp đầu tiên đã như gió chạy đến. Tài xế lái xe cáp rất hay cáu kỉnh nên bình thường xe cáp không thường xuyên đợi người. Nhưng sáng nay lái xe cáp lại là một đại ca gốc Hoa chừng ba mươi tuổi, vừa thấy trên đường có một cô gái người Hoa thì lập tức thu dây thừng, dừng xe ở con phố đối diện, la lớn, “Chớ nôn nóng, sáng sớm như vậy gấp cái gì? Chạy chầm chậm thôi.”

Bước chân của cô lại tăng nhanh.

Đôi chân trần bên dưới áo len lần lượt rảo bước, vội vã băng qua phố. Cô đỡ lấy tay vịn leo lên xe, cám ơn anh ta.

Đại ca xe cáp cười, “Chờ em cả mà, gấp gáp cái gì?”

Cô ngồi xuống cạnh đôi tình nhân da trắng, há miệng thở dốc không nói được gì.

Dây thừng buông ra, chiếc xe chậm rãi chạy lên sườn đồi.

Đột nhiên đôi tình nhân kia ló đầu ra ngoài cửa sổ: “Ôi trời ơi, còn có người muốn đi xe nữa kìa!”

Mọi người trong xe đồng loạt nhìn ra ngoài, chỉ thấy một người da trắng cao ráo trẻ tuổi đang đuổi theo trên đường. Anh đi dép lê, nửa thân trên để trần, chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi xanh xanh đỏ đỏ, đứng đằng sau hét lớn: “Hoài Chân ——”

Tiếc là là đã qua điểm xe cáp đậu.

Anh gập người chống tay lên đầu gối, thở hổn hển bên ven đường.

Xe của Thompson ngay lập tức chạy tới, dừng bên người anh nói, “Chúng ta phải đến Oakland vào 12 giờ trưa nay, còn nhớ không? Cậu đuổi theo thì có thể nói được gì với cô ấy?”

Im lặng một hồi lâu, Ceasar hỏi ông ta: “Did I tell her YOU ARE BEAUTIFUL TONIGHT, Thompson?”

(Tôi có nói với cô ấy là ‘tối nay em rất đẹp’ không Thompson?)

“Nope,” Thompson bĩu môi, “At least I told her, for you.”

(Không có. Nhưng chí ít tôi đã nói hộ cậu rồi.)

Hốc mắt Ceasar đỏ lên, lại hỏi tiếp, “Did I tell her, I…”

Đột nhiên anh cứng họng.

Thấy anh không nói hết câu, Thompson chậm rãi bảo: “Tuy chưa nói hết câu nhưng đi thì vẫn phải đi, có đúng không?”

Chiếc xe cáp dần dần rời xa. Ở trên xe, đại ca gốc Hoa cúi đầu hỏi cô gái: “Có muốn dừng ở trạm tiếp theo chờ cậu ta không?”

Cô ngẩng đầu lên, sắc mặt tái nhợt, sau đó lắc đầu không nói gì.

Hoài Chân đưa đầu ra cửa xe, cảnh cuối cùng cô nhìn thấy chính là: Ceasar đứng ở ven đường, đứng cạnh xe Ford nhìn theo hướng xe cáp. Thompson đang nói gì đấy với anh.

Cuối cùng anh không đuổi theo nữa.

Hoài Chân thở phào.

Cô không biết mình đi từ phố Clay đến phố Grant Ave, cuối cùng vào con hẻm tiệm giặt giũ thế nào.

Hầu như trên đường không gặp phải ai, mà dù có gặp thì cô cũng không biết.

Đồng hồ ở bến sông vẫn chưa điểm, chưa đến năm giờ rưỡi, nhưng cửa tiệm giặt A Phúc và cửa tiệm tạp hóa ở đối diện đều đã mở. Nghênh đón Hoài Chân, là gương mặt sưng vù của Khương Tố nấp sau ván cửa đang âm thầm theo dõi, cùng với Quý La Văn ở ngoài cửa tiệm giặt vừa giận vừa sốt ruột.

Từ lúc Hoài Chân bước chân vào hẻm cho đến khi đi đến ngoài tiệm giặt, La Văn cứ khoanh tay trợn mắt nhìn cô, lửa giận dần dần bốc lên.

Hoài Chân biết bà đang giận, nhưng cô không còn hơi sức đâu để nghĩ về chuyện đó.

Cô cụp đầu xuống, từ bên cạnh La Văn né người đi vào.

A Phúc ngồi trên ghế hút thuốc, không dám nói gì với vợ; Vân Hà lim dim đôi mắt buồn ngủ, rõ ràng là cô không ngủ đủ giấc, hoặc mới sáng sớm đã bị La Văn xách cổ dậy, ngồi trong góc tối gục lên gục xuống.

Lúc này một nhà ba miệng đầy đủ, mỗi người chiếm một góc, bày ra dáng điệu thẩm vấn Hoài Chân.

La Văn vẫn dựa vào cửa, “Đã nói là về trước 12 giờ kia mà, dì biết ngay không tin được thằng oắt kia! Còn biết về hả? Con nhìn Khương Tố ở đối diện đi, ngày nào cũng có không biết bao nhiêu cặp mắt nhìn chằm chằm cánh cửa này! Lại nhìn con đi… có biết không hả, nói không chừng tối nay sẽ có người lại nhà hỏi dì ‘con gái út nhà bà đã kết hôn chưa’ đấy!”

A Phúc nghiêm túc mở miệng, song vẫn không biết nên tiếp lời thế nào.

Cho đến khi Hoài Chân thấp giọng gọi nhỏ, “Dì Quý.”

Âm thanh thốt lên từ “Quý” đã hoàn toàn thay đổi, run rẩy không nói được câu hoàn chỉnh.

Cô cúi thấp đầu, từng giọt nước mắt to lớn lăn xuống, cuối cùng cũng không kiềm chế được òa lên khóc to.

Vân Hà và A Phúc sợ hãi bật dậy, đi đến đỡ cô ngồi xuống ghế, vỗ nhẹ vào lưng cô.

A Phúc vừa an ủi vừa ngẩng đầu mắng: “Đã bảo bà đừng có dữ rồi, bà nhìn đi!”

“Tôi…” Quý La Văn giật giật khóe miệng, thở dài thườn thượt, “Ông còn trách tôi hả, không phải vì tôi lo cho con bé sao.”

Vân Hà hô lên: “Mẹ, mẹ đi đóng cửa lại đi, lát nữa hàng xóm sẽ dậy đấy.”

Quý La Văn lật đật xoay người khép cửa lại, thấy Khương Tố vẫn còn đó thì liếc mắt xem thường.

Khương Tố cười khà khà, nói, “La Văn à, hàng xóm nhiều năm thế rồi, tôi biết tật xấu của bà chính là quá căng thẳng. Con gái thi cấp ba, đi sớm về trễ là chuyện bình thường. Tôi không đi học nên không biết học hành vất vả thế nào, nhưng bà đừng có làm mình làm tội con bé.”

Nói rồi bà ta ngáp dài, khép ván cửa lại đi vào phòng ngủ.

Quý La Văn đứng ngoài cửa rất lâu, rốt cuộc vẻ mặt cũng từ từ giãn ra.

Chọn tập
Bình luận