Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dòng Máu

Chương 4

Tác giả: Sidney Sheldon

BUENOS AIRES

Thứ hai, mồng 7 tháng Chín, 3 giờ chiều

Khu trường đua ở một vùng ngoại vi hẻo lánh của thủ đô Buenos Aires, Argentina chật ních với khoảng 50.000 khán giả đến xem giải đua xe hơi truyền thống hàng năm. Các tay đua phải vượt qua 115 vòng đua, mỗi vòng dài khoảng bốn dặm. Cuộc đua diễn ra trong vòng năm tiếng dưới ánh nắng mặt trời như thiêu đốt, và số xe sót lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay từ vòng đua đầu tiên. Đám đông nín thở theo dõi. Đây quả là một cuộc đua vô tiền khoáng hậu. Tất cả các huyền thoại tốc độ trên thế giới đều tụ họp ở đây hôm nay. Chris Amon từ New Zealand, Brian Redmad từ Lancashire. Còn có cả tay đua Andreadi Adamici từ Italia, lái chiếc Alpa Romeo Tipo 33, Carlos Maco từ Brazil, lái chiếc xe Mach Fomula 1. Người đang giữ chức vô địch là tay đua Bỉ Jacky Ickx, cùng với tay đua Thuỵ Điển Roffe Wisell lái chiếc BRM.

Đường đua trông như một chiếc cầu vồng sặc sỡ với những cơn lốc xanh đỏ, đen, trắng, vàng của những chiếc Ferrari, McLaren M19 – A s và Lotus Formula 3 s.

Khi các vòng đua liên tục nối tiếp nhau, các người khổng lồ bắt đầu gục ngã. Chris Amon đang ở vị trí thứ tư thì van tiết liệu của xe anh bỗng mở ra. Anh ta đụng mạnh vào sườn chiếc Cooper của Brian Redman trước khi kịp khống chế xe của mình bằng cách tắt động cơ, nhưng cả hai chiếc xe đều bị hỏng. Roffe Wisell đang dẫn đầu trong chiếc BRM và bám sát là Jacky Ickx. Lúc vào cua, hộp số của chiếc BRM bỗng vỡ tung và toàn bộ hệ thống điện bị bốc cháy. Chiếc xe bắt đầu quay tròn và chiếc Ferrari của Jacky Ickx cũng bị cuốn vào đó.

Đám đông như đang lên cơn điên cuồng.

Chỉ còn ba chiếc xe đang cố tăng tốc trên quãng đường còn lại của cuộc đua. Đó là Jorje Amandaris từ Argentina, lái chiếc Surtees, Nils Nilsson từ Thuỵ Điển, lái chiếc Matra, và một chiếc Ferrari 812 B- 2, người lái là Martel, đến từ Pháp. Họ đều tỏ ra xuất sắc thách thức những đoạn đường thẳng tắp, những khúc cua chết người, cố gắng vượt lên phía trước.

Jorje Amandaris đang dẫn đầu, và vì là một tay đua bản xứ nên anh ta được đám đông cuồng nhiệt cổ vũ. Theo sát Amandaris là Nils Nilsson, lái một chiếc Matra đỏ – trắng và phía sau anh ta là chiếc Ferrari đen trắng của tay đua người Pháp Martel.

Không ai để ý đến chiếc xe Pháp cho đến 5 phút cuối cùng, khi nó bắt đầu vượt lên trên đường đua.

Đầu tiên là vị trí thứ 10, rồi thứ 7 và thứ 5 và nó càng lúc càng chứng tỏ sức mạnh của mình. Giờ đây, tất cả đều nhìn nó khi nó bắt đầu đe doạ vị trí số hai của Nilsson. Cả 3 chiếc xe đều duy trì tốc độ gần 270 km/giờ. Như thế đã là quá nguy hiểm khi chạy trên các đường đua Brands Hatch hoặc Warkin Glen, nhưng trên đường đua còn thô sơ của Buenos Aires thì chẳng khác nào tự sát. Viên trọng tài mặc áo choàng đỏ đứng bên lề đường đua giơ cao bảng hiệu: “NĂM VÒNG”.

Chiếc Ferrari đen trắng định vượt qua chiếc Matra của Nilsson từ phía ngoài, và Nilsson nhích dần lên, chặn đường chiếc xe Pháp. Và họ cùng bỏ qua một chiếc xe Đức ở phía trong đang định vượt lên. Bây giờ nó đã ngang hàng với xe của Nilsson. Chiếc xe Pháp tụt lại rồi đột ngột tăng tốc, lách vào khoảng giữa xe của Nilsson và chiếc xe Đức. Với một nỗ lực tuyệt vời tay đua Pháp đã đẩy bật hai xe sang hai bên và chiếm lấy vị trí số hai. Đám đông nín thở chợt gào lên tán thưởng. Đó quả là một mưu mẹo thông minh và táo bạo.

Bây giờ thì Amandaris vẫn dẫn đầu, Martel ở vị trí số hai và Nilsson ở vị tri số ba với ba vòng còn lại Amandaris đã thấy rõ cảnh tượng vừa rồi. Tay người Pháp cừ thật, anh ta nghĩ thầm, nhưng chưa đủ sức đánh bại ta đâu. Amandaris đã quyết định phải thắng trong cuộc đua nầy. Phía trước anh ta là tấm bảng báo hiệu “HAI VÒNG”. Cuộc đua đã sắp kết thúc và người chiến thắng phải là anh ta. Amandaris đã liếc thấy chiếc Ferrari đen vàng đang cố trồi lên bên cạnh. Anh ta nhìn lướt qua cặp mắt lồi, khuôn mặt bẩn thỉu lem luốc của tay lái xe, căng thẳng và kiên quyết. Amandaris thầm thở dài. Anh ta cảm thấy tiếc nuối về việc mình sắp làm, nhưng anh ta không còn sự lựa chọn nào khác. Đua xe không phải là trò chơi của các nhà thể thao mà nó là trò chơi của người chiến thắng.

Hai chiếc xe sắp đến gần đầu phía bắc của đường đua, nơi có một khúc quanh với gờ cao, là đoạn nguy hiểm nhất với khoảng một tá xe đã đâm vào đây.

Amandaris liếc nhanh sang người lái chiếc Ferrari rồi siết chặt tay lái. Khi hai chiếc xe đến gần khúc quanh, Amandaris khẽ nhấc chân ra khỏi cần ga, để cho chiếc Ferrari vượt lên trước. Anh ta thấy tay đua Pháp liếc nhanh mình với vẻ toan tính. Vậy là chiếc Ferrari đã ở phía anh ta, đã rơi vào cạm bẫy. Đám đông đang la hét dữ dội. Jorje Amandaris chờ cho đến khi chiếc Ferrari đen vàng vượt hẳn qua anh ta từ phía ngoài. Đúng lúc nầy Amandaris tăng hết ga và bắt đầu chuyển hướng sang bên phải, chặn đường tay đua Pháp, và chiếc Ferrari chỉ còn cách đâm thẳng vào bờ tường.

Amandaris trông thấy khuôn mặt thất thần, hoảng hốt của tay đua Pháp và anh ta thầm nói: “Xin chào!”

Ngay lúc đó chiếc xe Pháp quay hẳn sang đâm vào chiếc Surtees của Amandaris. Amandaris không thể tin nổi vào mắt mình. Chiếc Ferrari sắp sửa đâm sầm vào xe của anh ta. Hai chiếc xe chỉ còn cách nhau khoảng 1 mét và với tốc độ đó thì Amandaris phải quyết định chớp nhoáng. Ai mà đoán được tay người Pháp đó lại là kẻ hoàn toàn điên rồ? Trong một hành động phản xạ tức thời, Amandaris đánh nhanh tay lái sang trái, cố tránh khối kim loại nặng hàng tấn kia lao vào mình, và phanh gấp để cho chiếc xe Pháp lách lên trong gang tấc và vượt qua mặt anh ta về đích. Trong giây lát, chiếc xe của Amandaris tòe ra như đuôi cá và mất lái, quay tròn như chong chóng vượt qua đường đua và lăn mãi, lăn mãi cho đến khi nổ bùng thành một cột lửa khói đỏ và đen.

Nhưng đám đông vẫn không rời mắt khỏi chiếc Ferrari của tay đua Pháp đang băng qua vạch đích.

Rồi họ rầm rập chạy thành từng đợt về phía chiếc xe, bao vây lấy nó, nói những lời chúc mừng vô nghĩa.

Tay lái xe từ từ đứng dậy và bỏ kính mắt cùng mũ bảo vệ ra.

Đó là một người đàn bà có mái tóc cắt ngắn màu lúa mì, khuôn mặt được cấu thành bới những đường nét khoẻ mạnh, cân đối. Bà ta đẹp một cách lạnh lùng, theo phong cách cổ điển. Thân hình bà ta đang run rẩy, không phải vì kiệt sức mà là vì kích động, nhớ đến khoảnh khắc nhìn vào mắt Jorje Amandaris khi mà bà ta đưa anh ta vào vòng tay tử thần. Thông tín viên gào vào loa đấy phấn khích:

– Người chiến thắng là Hélène Roffe – Martel, người Pháp, lái chiếc Ferrari.

° ° °

Hai giờ sau, Hélène và chồng, Charles, đã ở trong khách sạn Ritz ở trung tâm Buenos Aires, nằm trên tấm thảm ở phía trước lò sưởi. Helene trần truồng, cưỡi lên người chồng theo một tư thế cổ điển tên là Chiếc xe ngựa thành Lyon, còn Charles rên rỉ:

– Ô, Chúa ơi! Xin em đừng làm thế với anh! Anh van em!

Những lời van vỉ của ông chỉ làm bà ta tăng thêm độ kích thích và bà ta bắt đầu nhấn mạnh hơn, làm cho ông đau và nhìn những dòng nước mắt ông tuôn ra.

Mình đang bị trừng phạt vô cớ, – Charles nghĩ. Ông khiếp sợ nghĩ đến những hình phạt mà Hélène sẽ đem ra sử dụng với ông nếu bà ta biết những tội lỗi mà ông đã phạm phải.

Charles Martel lấy Hélène Roffe vì dòng họ và tiền bạc của bà ta. Sau khi thành hôn bà ta vẫn giữ họ của mình cùng với họ của chồng, và bà ta cũng giữ luôn tài sản trong nhà. Cho tới khi Charles phát hiện ra mỉnh đã đầu tư vào một món hàng không sinh lợi thì đã quá muộn.

Charles Martel lần đầu tiên gặp Hélène Roffe khi ông còn là luật sư cấp thấp trong một công ty luật lớn ở Paris. Ông được yêu cầu mang một số tài liệu vào phòng họp, nơi buổi họp đang diễn ra. Trong phòng là bốn thành viên cao cấp của công ty và Hélène Roffe.

Charles đã nghe nói nhiều về bà ta. Kể cả mọi người ở châu Âu. Bà ta là một trong những người thừa kế sản nghiệp của tập đoàn dược phẩm Roffe; là người phóng túng và tính khí thất thường, rất được báo chí ái mộ; là nhà vô địch môn trượt tuyết, tự lái chiếc máy bay Learjet của mình, dẫn đầu đoàn thám hiểm leo núi ở Nepal, đua xe và đua ngựa, thay đổi tình nhân như thay áo. Hình ảnh của Helene thường xuất hiện trên các tờ Paris Match và Jours de France. Bà ta đến công ty ông lúc đó để lo việc ly dị của mình.

Lần thứ tư hoặc năm, Charles không biết chắc và cũng không buồn quan tâm. Những người thuộc dòng họ Roffe vốn không cùng thế giới với ông.

Charles đưa tập tài liệu cho cấp trên, bồn chồn, lo lắng không phải vì sự hiện diện của Helene Roffe mà là vì sự có mặt của bốn vị thành viên cấp cao.

Họ tượng trưng cho quyền lực, mà Charles Martel lại là người kính trọng quyền lực. Về cơ bản ông là “type” người khiêm nhường, bằng lòng với cuộc sống giản dị, cư ngụ trong một căn hộ nhỏ ở Passy và đang hoàn thành một bộ sưu tập tem nho nhỏ.

Charles Martel không phải là một luật sư xuất sắc nhưng ông có trình độ, cẩn thận và đáng tin cậy. Thái độ của ông luôn tỏ ra hết sức chững chạc. Ông mới ngoài bốn mươi tuổi, dáng vẻ bề ngoài kém hấp dẫn và ít gây được cảm tình. Có một người vào đó đã nói rằng tính cách của ông giống như cát ướt, và sự mô tả đó không phải là không đúng. Vì thế, thật là ngạc nhiên khi mới có một ngày sau khi gặp Helene Roffe, Charles Martel được gọi đến văn phòng của Michel Sachard, một thành viên cao cấp của công ty, và tại đây ông được biết, Helene Roffe yêu cầu đích thân anh sẽ phụ trách vụ ly hôn của bà ta. Anh phải làm việc ngay lập tức.

Charles Martel hoàn toàn sửng sốt. Ông hỏi.

– Tại sao lại là tôi, ông Sachard?

Sacharad nhìn vào mắt ông và trả lời.

– Tôi cũng không đoán được. Có lẽ là anh hợp ý bà ta.

Vì phụ trách vụ ly dị nên Charles phải thường xuyên gặp gỡ Hélène. Rất thường xuyên, ông cảm thấy như vậy. Bà ta không gọi điện cho ông mà mời ông đến ăn tối tại biệt thự của bà ta ở Le Vesinet để bàn về vụ việc rồi lại mời ông đi xem Opera và đến nhà bà ta ở Deauville. Charles cố gắng giải thích cho bà ta rằng đây là một vụ rất đơn giản, chắc chắn bà sẽ li dị được chồng, nhưng Hélène – bà ta cứ khăng khăng bắt ông gọi là Hélène, trước sự ngại ngùng đầy nhạy bén của ông – vẫn cứ bảo ông rằng bà ta cần sự chắc chắn kiên trì của ông. Sau nầy ông vẫn thường nghĩ lại điều nầy với một chút thích thú xen lẫn sự chua xót.

Trong những tuần lễ sau đó, Charles bắt đầu nghi ngờ rằng Hélène Roffe bắt đầu quan tâm tới ông, theo chiều hướng lãng mạn. Ông không thể tin nổi điều đó ông chỉ là một kẻ tầm thường, còn bà ta là thành viên của một dòng họ vĩ đại, nhưng Hélène đã làm cho ông mau chóng biết được ý định của bà ta.

– Charles, em sẽ lấy anh làm chồng.

Ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải kết hôn.

– Ông không khoái đàn bà cho lắm. Bên cạnh đó, ông cũng không yêu Hélène. Thậm chí ông còn không chắc là mình có thích bà ta không nữa. Sự ồn ào và chú ý xung quanh bà ta ở bất cứ nơi đâu họ đến làm ông thấy mất tự nhiên. Ông bị lôi ra trước công chúng nhờ danh tiếng của bà ta và ông thực sự không quen với vai diễn nầy. Ông cũng đau đớn nhận ra sự tương phản giữa họ. Sự rực rỡ của bà ta luôn gây ra nỗi bứt rức cho tính bảo thủ của ông. Bà ta luôn chạy theo thời trang và là một hình ảnh thu nhỏ của sự quyến rũ, trong lúc ông, vâng, chỉ là một luật sư trung niên tầm thường, đơn điệu. Ông không thể hiểu được Hélène tìm thấy cái gì ở mình. Không ai hiểu cả. Bởi sự nổi tiếng của bà ta trong các môn thể thao mạo hiểm dành cho nam giới, nên người ta đồn rằng Hélène là một trong những người chủ trương của phong trào giải phóng phụ nữ. Thực ra thì bà ta khinh miệt phong trào nầy và cũng chẳng tán thành chủ trương nam nữ bình đẳng. Bà ta cho rằng đàn ông chẳng có lý do gì để được đặt ngang hàng với phụ nữ cả. Đàn ông chỉ được xuất hiện khi cần. Họ không thông minh lắm, nhưng họ dễ bảo để có thể mua vui, để châm lửa hút thuốc, lang thang, mở cửa và đem lại khoái cảm trong việc chăn gối. Họ là những “con vật cưng” tuyệt diệu, tự họ chỉ biết chưng diện và tắm mà thôi. Tóm lại chỉ là thứ để tiêu khiển.

Helene Roffe có rất nhiều bạn bè chơi bời, những kẻ liều mạng, những tay tài phiệt, những chàng trai quyến rũ. Nhưng chưa có ai giống Charles Martel. Bà ta biết rõ ông chỉ là một con số không. Một cục đất sét vô dụng.

Và đây thật sự là một thách thức. Bà ta sẽ chiếm đoạt ông, nhào nặn ông để xem mình có thể biến ông thành cái gì. Một khi Hélène Roffe đã quyết thì Charles Martel chẳng còn cơ hội thoát thân nào nữa.

Hôn lễ được tổ chức ở Neuilly và hai người hưởng tuần trăng mật ở Monte Carlo, nơi Charles đã mất trinh cùng những ảo tưởng của mình. Ông dự định trở về làm ở công ty luật.

– Đừng khờ như vậy, – “cô dâu” của ông nói. – Bộ anh tưởng em muốn lấy một gã luật sư tầm thường hay sao? Anh sẽ vào kinh doanh cùng gia đình em. Rồi một ngày nào đó anh sẽ đỉều hành nó. Chúng ta sẽ điều hành nó.

Hélène thu xếp cho Charles vào làm ở chi nhánh Paris của công ty Roffe và các con. Ông báo cáo lại cho bà ta nghe tất cả mọi việc đang diễn ra và bà ta hướng dẫn ông, giúp đỡ ông, chỉ cho ông biết ông phải làm gì. Charles tiến bộ rất nhanh chóng. Ông mau chóng trở thành người phụ trách hoạt động của tập đoàn ở Pháp và trở thành thành viên hội đồng quản trị. Hélène đã biến ông từ một luật sư quèn trở thành một uỷ viên hội đồng quản trị của một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Nhẽ ra ông phải cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Ngay từ khi mới thành hôn, Charles đã nhận ra rằng mình hoàn toàn bị vợ khống chế.

Bà ta chọn thợ may cho ông, chọn thợ đóng giầy và chọn cả hiệu áo sơ mi. Bà ta đưa ông vào Câu lạc bộ Đua ngựa. Bà ta đối xử với ông như một tên đĩ đực. Lương của ông được trả trực tiếp cho bà ta, và bà ta chỉ đưa lại cho ông một con số khiêm tốn để dằn túi. Nếu Charles cần thêm tiền, ông phải hỏi xin bà ta. Bà ta bắt ông báo cáo chi tiết thời gian biểu và ông hoàn toàn nằm trong sự sai bảo của bà ta.

Bà ta thường có trò gọi đến văn phòng của ông bắt ông về nhà ngay lập tức chỉ để đưa một lọ kem dưỡng da hay một vài thứ vớ vẩn nào đó. Khi ông về đến nơi, bà ta đã trần truồng đợi ông trong phòng ngủ. Bà ta dâm dục không thể tưởng, như một con thú vậy.

Charles đã sống với mẹ đến năm ba mươi hai tuổi, khi bà qua đời vì bệnh ung thư. Bà phải nằm bất động một thời gian dài và ông đã thường xuyên chăm sóc mẹ. Ông chẳng có thời giờ đi chơi với bạn gái hoặc nghĩ đến chuyện lấy vợ. Mẹ ông là cả một gánh nặng và khi bà ra đi, ông đã nghĩ mình có thể ngửi thấy mùi tự do. Nhưng thực ra, ông lại chỉ ngửi thấy mùi mất mát. Ông không khoái đàn bà và tình dục. Ông đã giải thích với Hélène, với vẻ thật thà ngây thơ về cảm giác của mình khi bà ta lần đầu đề cập đến chuyện hôn nhân “khoản ấy của anh không được khoẻ cho lắm”.

Hélène mỉm cười đáp lại.

– Charles tội nghiệp. Đừng lo ngại gì về chuyện tình dục. Em xin hứa là anh sẽ thích nó.

Ông căm ghét chuyện đó. Nhưng hình như điều nầy chỉ làm tăng thêm sự hứng thú của Hélène. Bà ta thường cười chế nhạo sự yếu ớt của ông và ép buộc ông làm những điều ghê tởm khiến Charles cảm thấy hèn hạ và nôn mửa. Bản thân hành vi tình dục đã là đê tiện. Nhưng Hélène lại thích thử nghiệm. Charles thường không đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra.

Một lần khi ông đang lên đến tột đỉnh thì bà ta xoa đá vụn vào tinh hoàn ông, còn lần khác bà ta lại chọc que có điện vào hậu môn ông. Bà ta làm cho ông cảm thấy mình là đàn bà còn bà ta mới là đàn ông. Charles thật sự sợ Hélène. Ông cố tìm cách lấy lại danh dự đàn ông của mình, nhưng, trời ạ, ông chẳng thể nào tìm ra một lĩnh vực nào có thể lấn át được Hélène.

Bà ta nắm rõ luật pháp như ông và thậm chí về khoản luật kinh doanh thì lại còn vượt trội cả ông. Bà ta tranh luận với ông hàng giờ về công ty. Bà ta không bao giờ chán việc đó cả.

– Charles hãy nghĩ đến tất cả những quyền lực đó. Roffe và các con có thể kiến tạo hoặc huỷ diệt hơn một nửa số quốc gia trên thế giới. Em sẽ điều hành Tập đoàn. Ông tổ của em đã sáng lập ra nó. Nó là một phần của em.

Sau mỗi lần như vậy thì Helene lại trở nên cuồng dâm và Charles bị buộc phải thoả mãn bà ta theo những kiểu mà ông không dám nghĩ đến. Ông dần đần trở nên khinh bỉ bà ta. Giấc mơ duy nhất của ông là được ở cách xa bà ta, được bỏ trốn. Nhưng để thực hiện được điều đó thì ông phải có tiền.

Một ngày kia, sau bữa trưa, một người bạn của ông tên René Duchamps, nói chuyện với ông về một cơ hội làm giàu.

– Một ông chú của tôi đang làm chủ một vườn nho lớn ở Burgundy vừa mới qua đời. Vườn nho sắp bị đem bán khoảng 1400 mẫu thượng hạng. Tôi đang nắm lợi thế trong tay. – René Duchamps tiếp tục, – bởi vì đó là họ hàng của tôi. Tôi không đủ sức làm vụ nầy một mình, nhưng nếu có anh tham gia, thì chỉ trong một năm vốn liếng có thể tăng gấp đôi. Dù sao thì anh cũng nên đến xem qua.

Bởi vì không có can đảm thú nhận với bạn rằng mình không có một xu dính túi nên Charles đành phải đến những đồi nho đỏ rực ở Burgundy để xem. Và ông đã thật sự bị ấn tượng mạnh.

René Duchamps nói:

– Mỗi người sẽ đầu tư hai triệu francs. Và trong một năm chúng ta sẽ có bốn triệu.

Bốn triệu francs! Nó đồng nghĩa với tự do, với trốn thoát. Ông có thể đến một nơi mà tài thánh Helene mới tìm ra.

– Để tôi suy nghĩ đã, – Charles hứa với bạn.

Và ông đã suy nghĩ. Cả ngày lẫn đêm. Đây là cơ hội cho cả một đời người. Nhưng bằng cách nào? Charles biết rằng đi vay mượn mà Helene không biết là chuyện không bao giờ có. Cái gì cũng đứng tên bà ta, từ nhà cửa, các bức tranh quý, những chiếc xe hơi, những món nữ trang đắt tiền…

Nữ trang… những món nữ trang đẹp đẽ mà Hélène không sử dụng đều được cất kỹ trong chiếc tủ sắt đặt trong phòng ngủ.

Một ý tưởng dần nảy sinh trong đầu ông. Nếu ông có thể lấy được nữ trang của bà ta, mỗi ngày một ít, thì ông sẽ thay thế chúng bằng những món đồ giả và dùng đồ thật để vay tiền. Sau khi đã kiếm đủ tiền từ vụ vườn nho, ông chỉ cần trả đủ chỗ nữ trang thật vào chỗ cũ và vĩnh viễn biến khỏi cuộc đời Hélène.

Charles gọi điện cho René Duchamps và nói, trái tim đập mạnh vì kích động.

– Tôi quyết định tham gia vụ nầy cùng anh.

Phần đầu tiên của kế hoạch nầy làm Charles sợ hãi đến tột độ. Ông phải đánh cắp được chỗ nữ trang của Hélène trong tủ sắt.

Ý nghĩ về điều khủng khiếp mình sắp làm khiến Charles trở nên căng thẳng đến nỗi hầu như không còn làm được việc gì khác nữa. Ông sống như một người máy, không nghe không thấy mọi việc xảy ra quanh mình. Lúc nào thấy Hélène là ông lại toát mồ hôi. Hai bàn tay ông luôn run rẩy những khi rỗi rãi.

Hélène quan tâm đến ông, như bà ta vẫn quan tâm đến một con vật cưng vậy. Bà ta mời bác sĩ đến khám cho ông, nhưng cũng không tìm ra điều gì bất ổn. “Ông ấy có lẽ hơi căng thẳng đầu óc. Nằm nghỉ một hai hôm có lẽ là ổn thôi”.

Hélène nhìn Charles một lúc lâu, trần truồng trên giường và mỉm cười “Cám ơn bác sĩ”:

Lúc bác sĩ vừa đi khỏi, Helene bắt đầu cởi quần áo.

– Anh anh cảm thấy không được khoẻ. – Charles tìm cách kháng cự.

– Nhưng em khoẻ. – Helene trả lời.

Chưa bao giờ ông ghét bà ta đến thế.

Cơ hội của Charles đến vào tuần lễ tiếp theo, khi Hélène định đi Garmisch – Partenkirchen trượt tuyết cùng đám bạn. Bà ta quyết định cho Charles ở lại Paris.

– Em muốn đêm nào anh cũng phải ở nhà, – Helene bảo ông, – em sẽ gọi điện về.

Charles nhìn chiếc Jensen màu đỏ của bà ta lao vụt đi và khi nó vừa khuất đạng, ông chạy vội đến bên tủ sắt. Ông đã nhiều lần thấy bà ta mở nó và ông đã biết gần hết mã số. Tuy nhiên cũng phải mất đến cả tiếng đồng hồ ông mới tìm được phần còn lại.

Bằng những ngón tay run rẩy, ông kéo cánh cửa tủ ra. Trong đó, trong cái hộp lót nhung, tự do của ông đang lấp lánh như những ngôi sao nhỏ. Charles đã tìm được một người thợ kim hoàn tên Pierre Richaud, một tay tổ về việc làm nữ trang giả. Charles đã giải thích khá dài dòng về việc ông cần sao chép lại các món nữ trang đó, nhưng Richaud đã thản nhiên trả lời:

– Thưa ông, tôi làm cho tất cả mọi người. Ngày nay chẳng ai dám đeo nữ trang thật ra phố nữa đâu.

Charles đưa cho ông ta mỗi lần một món để sao lại và sau đó thì đổi lấy đồ thật. Ông đã mượn được tiền bằng cách thế chấp các món nữ trang thật ở Quỹ tín dụng thành phố – hiệu cầm đồ của nhà nước.

Việc thực hiện kế hoạch mất nhiều thời gian hơn dự tính của Charles. Ông chỉ mở được tủ khi Hélène không có nhà và việc sao chép nữ trang lắm lúc chậm trễ không thể tưởng. Nhưng rồi cuối cùng, cái ngày Charles có thể nói với René Duchamps đã đến:

– Tôi sẽ gom đủ tiền vào ngày mai.

Ông đã hoàn thành mọi việc. Ông đã là chủ nhân của một nửa vườn nho. Và Hélène không có một mảy may nghi ngờ nào về những việc ông đã làm.

Charles đã bí mật nghiên cứu về công việc trồng nho. Tại sao lại không chứ? Ông không phải là người trồng nho hay sao? Ông học về những loại nho khác nhau: cabemet sauvignon là nho loại phổ thông nhất, bên cạnh đó cũng còn nhiều loại khác: gross cabernet, merlot, malbec, petit verdot… Các ngăn kéo bàn trong văn phòng của Charles chứa đầy những sách về đất đai và phương pháp ép nho. Ông nghiên cứu về cách lên men, cách tỉa cây, cách ghép giống. Và nhu cầu về rượu vang trên thế giới thì vẫn ngày một gia tăng.

Ông thường xuyên gặp gỡ người cùng hùn vốn với mình.

– Mọi thứ thậm chí còn tốt đẹp hơn tôi nghĩ, – René nói với Charles. – Giá rượu vang đang tăng vọt. Chúng ta sẽ kiếm được ba trăm nghìn franc mỗi thùng đợt ép nho đầu tiên.

Nó còn hơn cả những gì Charles từng ước mơ. Nho chính là những cục vàng của ông. Charles bắt đầu mua những tập sách nhỏ viết về các đảo ở miền biển phía Nam, về Venezuela, về Brazil. Chỉ những cái tên thôi cũng đã gợi nên sự kỳ diệu về chúng. Chỉ còn một vấn đề, là có quá ít nơi trên thế giới mà Roffe và các con không đặt văn phòng, nơi mà Hélène không thể tìm thấy ông. Và nếu ông để bà ta tìm ra, ông sẽ bị bà ta giết chết. Ông biết rằng đó là điều hoàn toàn chắc chắn. Trừ khi ông giết bà ta trước. Đó là một trong những mộng tưởng hấp dẫn nhất của Charles.

Ông đã giết đi giết lại Hélène trong đầu bằng hàng ngàn các phương cách khác nhau.

Giờ đây, Charles lại bắt đầu tỏ ra thích thú với thói tật của Hélène. Tất cả những lần bà ta bắt ông thực hiện những điều tệ hại không sao diễn tả, ông lại nghĩ, tôi sẽ sớm ra đi thôi. Tôi sẽ giàu có bằng tiền của chính cô và cô chẳng làm gì được tôi. Và Hélène thường ra lệnh, “Nhanh lên”, “Mạnh lên” hoặc “đừng có dừng lại”, thì ông ngoan ngoãn làm theo lời bà ta.

Và ông cười thầm trong bụng.

° ° °

Trong công việc trồng nho, Charles biết rằng quãng thời gian cao điểm là mùa xuân và mùa hè, bởi vì nho phải được thu hoạch trong tháng Chín, khi mà thời tiết ôn hoà, nắng mưa vừa phải. Trời quá nắng sẽ làm khê mùi vị, còn mưa nhiều sẽ làm loãng mùi vị. Tháng Sáu bắt đầu thật tuyệt vời. Charles kiểm tra thời tiết ở Burgundy một lần, rồi hai lần một ngày.

Ông đang vô cùng nóng ruột, chỉ còn vài tuần lễ nữa là ông có thể hoàn tất giấc mơ của mình. Ông đã chọn vịnh Montego. Jamaica là quốc gia mà Roffe và các con không đặt văn phòng đại diện. Ông sẽ dễ dàng giấu mình ở đó. Ông cũng sẽ tránh xa Round Hill hay Ocho Rios, nơi mà một người nào đó trong đám bạn của Helene có thể nhìn thấy ông. Ông sẽ mua một căn nhà nhỏ trên đồi. Sinh hoạt trên đảo rất rẻ. Ông sẽ thuê người giúp việc, mua đồ ăn ngon và sống một cuộc sống sang trọng.

Và Charles đã là một người vô cùng hạnh phúc trong những ngày đầu tháng Sáu. Cuộc sống hiện tại của ông là cuộc sống nhục nhã, nhưng ông không phải đang sống trong hiện tại mà là bằng tương lai, trên một hòn đảo nhiệt đới đầy nắng ở vùng biển Caribbe:

Thời tiết tháng Sáu ngày một tốt hơn. Vừa có nắng vừa có mưa. Thật tốt cho những trái nho non nhỏ bé. Và nho cứ lớn bao nhiêu thì tài sản của Charles lớn bấy nhiêu.

Ngày mười lăm tháng Sáu, vùng Burgundy có mưa phùn. Rồi mưa ngày một to hơn. Trời mưa từ ngày nầy qua ngày khác, rồi tuần nầy qua tuần khác, cho tới khi Charles không còn tâm trí đâu mà ngồi theo dõi dự báo thờ tiết nữa.

René Duchamps gọi điện đến.

– Nếu trời ngừng mưa vào tháng Bẩy, vụ mùa của chúng ta còn có khả năng được cứu!

Hoá ra tháng bẩy lại là tháng mưa nhiều nhất trong lịch sử của Nha khí tượng Pháp. Cho đến ngày đầu tháng Tám khi Charles đã mất đến đồng xu cuối cùng trong số tiền mà ông lấy trộm được. Lòng ông tràn đầy một nỗi sợ hãi mà ông chưa bao giờ phải nếm trải qua.

– Tháng sau mình sẽ đến Argentina, – Hélène thông báo cho ông biết. – Em đã đăng ký tham gia một cuộc đua xe hơi ở đó.

– Ông đã từng chứng kiến bà ta lao vun vút trên đường đua, và ông đã nghĩ, nếu bà ta bị tai nạn, mình sẽ được tự do.

Nhưng bà ta là Hélène Roffe – Martel. Cuộc sống đã cho bà ta đóng vai người chiến thắng, cũng như ông là kẻ chiến bại.

Chiến thắng trong cuộc đua làm cho Helene kích động hơn bình thường. Họ trở về khách sạn ở Buenos Aires, rồi bà ta bắt Charles cởi quần áo và nằm sấp trên thảm. Khi chợt nhận ra vật bà ta đang cầm trong tay khi cưỡi lên người ông, ông kêu lên:

– Đừng, anh xin em!

Bỗng có tiếng gõ cửa.

– Mẹ kiếp! – Helene văng tục. Bà ta chờ đợi, và tiếng gõ cửa tiếp tục vang lên.

Một giọng nói vang lên:

– Thưa ông Martel?

– Ở yên đó!

Hélène ra lệnh. Bà ta đứng dậy, quấn một tấm lụa quanh thân hình thon thả rắn chắc, đi ra phía cửa và kéo nó ra. Một người đàn ông trong bộ đồng phục bưu điện mầu xám đứng đó, cầm trong tay một phong bì đã bị niêm kín.

– Tôi có điện khẩn gửi cho ông bà Martel.

Bà ta cầm phong bì và đóng cửa lại.

Xé phong bì ra, và lấy bức điện ra, bà ta chậm rãi đọc nó đến hai lần.

– Chuyện gì vậy?

– Sam Roffe đã chết, – bà ta nói. Rồi mỉm cười.

Bình luận