Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lá Bài Thứ XII

Chương 2

Tác giả: Jeffery Deaver

Geneva Settle đang chạy.

Chạy trốn. Giống như Charles Singleton.

Thở dốc. Như Charles.

Nhưng Geneva chắc chắn rằng mình chẳng có chút phẩm chất nào mà ông tổ của cô đã thể hiện trong cuộc trốn chạy cảnh sát một trăm bốn mươi năm về trước. Geneva khóc thổn thức, kêu cứu và trượt chân vào một bức tường trong cảm giác sợ hãi và đầy kích động, làm xước cả mu bàn tay.

Bên này nó chạy bên này, cái con nhỏ thó gầy trơ xương… Bắt lấy nó!

Ý nghĩ về cái thang máy làm cô khiếp sợ, cảm giác như bị sập bẫy. Bởi vậy cô đã chọn cầu thang thoát hiểm. Lao hết tốc lực đập thật mạnh vào cánh cửa, cô làm mình choáng váng, ánh sáng vàng chói lóa ập vào mắt, cô vẫn tiếp tục chạy. Geneva nhảy vọt từ chiếu nghỉ xuống đến tầng bốn, giật mạnh cái núm cửa. Nhưng đây là cửa an toàn và nó không mở được từ phía cầu thang. Cô sẽ phải dùng cửa ở tầng trệt.

Geneva lại tiếp tục chạy xuống, thở dốc. Tại sao?

Tại sao hắn lại săn đuổi mình? Cô tự hỏi.

Con chó cái nhỏ thó đen như bánh Oreo chẳng có thời gian cho lũ chúng ta đâu…

Khẩu súng… Đó là thứ khiến cô nghi ngờ. Geneva Settle chẳng phải thành viên một băng đảng du thủ du thực nào cả, nhưng chắc chắn là bạn sẽ không thể là một học sinh trường trung học Langston Hughes ở trung tâm Harlem này mà chưa từng nhìn thấy ít nhất một vài khẩu súng trong cuộc đời mình. Khi cô nghe thấy cái tiếng “cách” đặc trưng không lẫn vào đâu được – thực sự khác hẳn tiếng điện thoại gập lại – cô đã tự hỏi liệu có phải kẻ đang cười ấy chỉ đang giả vờ, đó sẽ là một rắc rối. Bởi vậy, cô đã đứng dậy như bình thường, uống một ngụm nước, sẵn sàng vùng chạy. Nhưng cô đã khẽ liếc trộm qua những chồng sách và thấy được chiếc mũ len trùm bịt mặt. Cô đã nhận ra rằng chẳng có cách nào để đi qua hắn tới cánh cửa trừ khi khiến hắn phải tập trung vào chiếc bàn máy đọc vi phim. Cô đã chồng những quyển sách với những tiếng động lớn rồi sau đó lột quần áo của một ma nơ canh gần đó, mặc cho nó chiếc mũ và chiếc áo len của mình, để nó ngồi dựa trên chiếc ghế trước bàn máy đọc vi phim. Rồi cô đợi, đến khi hắn lại gần, và cô khẽ trườn qua khi hắn ở đó.

Đánh nó một trận, đánh con chó cái…

Geneva giờ đây lại lao vào một cuộc trốn chạy khác.

Tiếng chân bước ở phía trên. Lạy Chúa Jesus, hắn đang đuổi theo! Hắn đã lao vào cầu thang phía sau cô và giờ đây thì chỉ cách cô có một chiếu nghỉ mà thôi. Nửa chạy, nửa bước, đôi chân loạng choạng, Geneva ôm chặt bàn tay trầy xước, hướng thật nhanh xuống cầu thang trong lúc tiếng bước chân của hắn mỗi lúc một gần hơn.

Ở gần tầng trệt cô nhảy vọt qua bốn bậc cầu thang xuống nền bê tông. Trượt chân ở dưới và cô lao sầm vào bức tường nham nhở. Co rúm lại vì đau, cô gái mới lớn cố gắng đứng dậy, lắng nghe tiếng chân của kẻ truy đuổi, nhìn thấy bóng hắn trên những bức tường.

Geneva nhìn về phía chiếc cửa thoát hiểm. Cô thở hổn hển, mồm há hốc khi nhìn thấy sợi xích quấn quanh thanh nắm cửa.

Không, không, không… Sợi xích ở cửa thoát hiểm là bất hợp pháp, chắc chắn là vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người quản lý bảo tàng sẽ không có một cánh cửa như vậy để ngăn ngừa những tên trộm. Hoặc có thể là chính cái gã đàn ông này đã quấn sợi xích vào đó, để phòng khi cô chạy trốn theo lối này. Và giờ cô ở đây, kẹt cứng trong cái cái hốc bê tông tăm tối này. Nhưng liệu sợi xích ấy đã thực sự khóa chặt cánh cửa hay không?

Chỉ có một cách duy nhất để tìm ra câu trả lời. Tiến lên nào, nhóc!

Geneva đẩy thật mạnh và đâm vào thanh nắm cửa.

Cánh cửa bung ra.

Ôi, cảm ơn…

Bỗng một âm thanh ầm ĩ chói vào tai cô, cơn đau gào rít trong tâm trí. Cô hét lên. Cô đã bị bắn vào đầu rồi ư? Nhưng cô nhận ra rằng đó chỉ là tiếng chuông báo động, nó đang gào ré lên giống như những đứa em họ sơ sinh nhỏ xíu của Keesh. Rồi cô đi vào hành lang, sập mạnh cánh cửa phía sau, tìm con đường tốt nhất để chạy trốn, bên phải, bên trái…

Đẩy nó, đánh nó đi, đánh chết con chó cái…

Cô chọn bên phải và loạng choạng chạy rẽ vào con phố 55, len vào dòng người đông đúc đang trên đường đi làm, kéo theo ánh nhìn ái ngại của một số người, và sự lo lắng của những người khác. Hầu hết họ lờ đi cô gái với vẻ mặt đầy phiền phức. Rồi, từ phía sau, cô nghe thấy tiếng rít của chuông báo động to dần lên khi kẻ tấn công đẩy cánh cửa một cách thô bạo. Hắn sẽ chuồn hay là tiếp tục theo đuổi cô?

Geneva chạy lên phố đến chỗ Keesh, cô gái đứng trên vỉa hè, tay đang giữ hộp cà phê Hy Lạp từ một cửa hàng bán đồ ăn sẵn và đang cố để châm điếu thuốc trong gió. Cô bạn cùng lớp với làn da màu cà phê mocha – với lớp trang điểm tỉ mỉ, nổi bật màu tím và những lọn tóc giả vàng óng – bằng tuổi Geneva, nhưng cái đầu thì tròn và dài hơn, lại thẳng trông như một cái trống, cô ấy tròn trịa ở những chỗ cần thiết, với bộ ngực to và vòng eo gợi cảm của những cô gái chơi hip hop, và một vài thứ khác nữa… Cô gái đã đứng đợi từ trước ở trên phố, chẳng có chút gì thích thú với cái bảo tàng – hay bất cứ một tòa nhà nào cả, bởi vì cái lý do: Quy định không hút thuốc.

“Gen!” Cô bạn ném cốc cà phê xuống đường và chạy tới. “Sao vậy? Làm gì mà nhìn sợ hãi vậy.”

“Gã đó…” Geneva thở dốc, cảm thấy buồn nôn. “Cái gã ở trong bảo tàng, hắn tấn công tớ.”

“Chết tiệt, không thể!” Lakeesha nhìn quanh. “Hắn ở đâu?”

“Tớ không biết. Hắn ở phía sau.”

“Bình tĩnh lại nào, nhóc. Rồi sẽ ổn thôi. Rời khỏi đây nào. Nhanh lên, chạy đi.” Cô gái to lớn – vượt xa tất cả những bạn khác trong giờ học thể chất và đã hút thuốc được hai năm – bắt đầu đi thật nhanh hết mức có thể, thở dốc và hai cánh tay vung vẩy ở hai bên.

Nhưng họ chỉ đi được nửa dãy phố trước khi Geneva bước chậm lại. Rồi cô dừng hẳn. “Khoan đã…”

“Cậu đang làm gì vậy, Gen?”

Nỗi sợ hãi đã biến mất. Thay vào đó là một cảm xúc hoàn toàn khác.

“Cố lên nào, nhóc.” Keesh nói, thở hổn hển. “Nhấc cái mông lên nào.”

Dù vậy, Geneva Settle đã quyết định. Nỗi tức giận chính là cảm xúc thay thế nỗi sợ hãi. Cô nghĩ: Hắn sẽ không bỏ cuộc như vậy. Cô gái quay lại, liếc nhanh trên rồi dưới con phố. Cuối cùng, cô đã thấy thứ mà mình đang kiếm tìm, ở gần phía cửa vào hành lang mà cô vừa chạy ra khỏi đó. Cô bắt đầu quay ngược lại phía ấy.

Cách bảo tàng Mỹ – Phi một dãy nhà, Thompson Boyd thôi không chạy xuyên qua dòng người đông đúc vội vã trong giờ cao điểm. Thompson có vóc dáng trung bình. Trên mọi khía cạnh. Một mái tóc hơi nâu, cân nặng trung bình, chiều cao trung bình, khuôn mặt đẹp trung bình, ưa nhìn, trông khá khỏe mạnh. (Khi ở trong tù, hắn được biết đến với biệt danh là Joe Trung bình.) Mọi người thường có xu hướng nhìn thấy ngay điều đó ở hắn.

Nhưng một người đàn ông chạy qua những con phố trung tâm Midtown sẽ thu hút sự chú ý của mọi người trừ khi anh ta đang vội vã trên đường tới điểm dừng xe buýt, một chiếc taxi hay tới nhà ga. Bởi vậy, hắn trở về với nhịp độ bình thường chậm rãi. Nhanh chóng biến mất vào đám đông, chẳng một ai để tâm đến.

Khi đèn ở Đại lộ 6 và phố 53 vẫn còn đỏ, hắn do dự. Thompson đã quyết định. Hắn luồn chiếc áo mưa và vắt nó lên cánh tay, dù thế, vẫn bảo đảm rằng những vũ khí hắn mang theo vẫn ở trong tầm với. Hắn quay ngược lại và bắt đầu hướng về phía bảo tàng.

Thompson Boyd là một kẻ chuyên nghiệp, luôn làm mọi thứ theo sách vở, có vẻ như là cái điều hắn đang làm lúc này – quay trở lại hiện trường vụ tấn công bất thành – không phải là một ý nghĩ thông minh cho lắm, bởi chẳng có gì phải nghi ngờ là cảnh sát sẽ sớm có mặt ở đó.

Nhưng hắn cũng đã biết rằng chính những lần như thế này, với cảnh sát ở xung quanh, thì cũng là lúc mà mọi người cảm thấy an tâm nhất và mất đi cảnh giác, bị ru vào sự bất cẩn. Đó thậm chí là lúc ta có thể tiếp cận họ gần hơn bất cứ lúc nào khác. Người đàn ông với vóc dáng trung bình lúc này thong dong bước qua những đám đông và hướng tới bảo tàng, như một khách bộ hành, Joe Trung bình trên đường tới công sở.

Nó chẳng gì hơn một phép màu.

Ở đâu đó trong não bộ và cơ thể, một sự kích thích, cả về thể xác lẫn tinh thần, xuất hiện, tôi muốn nhặt cái cốc lên, tôi phải thả cái chảo đang nóng bỏng rẫy những ngón tay tôi. Sự kích thích ấy tạo ra một thôi thúc thần kinh, chạy dọc theo màng các tế bào thần kinh trên khắp cơ thể. Không như hầu hết mọi người vẫn nghĩ, sự thôi thúc ấy không phải đơn thuần là các tín hiệu điện, đó là một con sóng được tạo ra khi bề mặt của các tế bào thần kinh di chuyển cục bộ từ cảm xúc tích cực sang trạng thái tiêu cực. Sức mạnh của sự thôi thúc này không bao giờ khác – nó vừa tồn tại vừa không – và nó di chuyển nhanh, hai trăm năm mươi dặm một giờ.

Sự thôi thúc ấy đi đến đích của nó – các cơ bắp, các tuyến và các cơ quan, rồi sau đó phản hồi lại, giữ cho trái tim của chúng ta đập, phổi thì phập phồng, cơ thể thì nhảy múa, bàn tay trồng những bông hoa, viết những lá thư tình và điều khiển những con tàu vũ trụ.

Một phép màu.

Trừ khi có một cái gì đó không ổn. Nói như là, trừ khi bạn là chỉ huy của một đơn vị Khám nghiệm hiện trường, truy tìm hiện trường vụ giết người ở một điểm xây dựng đường tàu điện ngầm, và một thanh xà sụp xuống vào cổ, đánh gãy đốt sống cổ số bốn – nghĩa là có bốn cái xương bị đánh sập ở vị trí xương nền sọ. Đó là điều đã xảy ra với Lincoln Rhyme vài năm trước.

Khi một việc kiểu như vậy xảy ra, tất cả mọi thứ sẽ sụp đ

Kể cả nếu như cú đánh không phá hủy hoàn toàn thần kinh tủy sống, máu chảy lênh láng, áp lực tăng lên và dồn ứ, làm chết đói những tế bào thần kinh. Tất cả hợp lại tạo thành sự phá hủy, khi những neuron thần kinh chết – vì một lý do nào đó không biết được – nó tiết ra một axit amino độc, thậm chí còn giết nhiều neuron thần kinh hơn nữa. Cuối cùng, nếu như nạn nhân còn sống sót, mô sẹo sẽ lấp đầy chỗ trống quanh các dây thần kinh trông như là cát bụi phủ đầy trong một nấm mồ – một phép ẩn dụ phù hợp hoàn cảnh, khác với các tế bào thần kinh còn lại trong cơ thể, bởi những neuron thần kinh ở não và trong tủy sống sẽ không tái sản xuất nữa. Một khi đã chết, chúng sẽ đông cứng mãi mãi.

Trải qua những “tai nạn kinh hoàng” như vậy, cách mà những y bác sĩ rất tế nhị gọi một số bệnh nhân, chỉ những người may mắn, nhận ra rằng các neuron thần kinh làm nhiệm vụ kiểm soát, chi phối các cơ quan, bộ phận thiết yếu cần cho sự sống như tim, phổi còn tiếp tục hoạt động, và họ còn sống.

Hoặc có thể họ nằm trong số những người kém may mắn.

Bởi vì có nhiều người mong ước rằng thà trái tim của họ ngừng đập và sớm lạnh giá, giải thoát họ khỏi những căn bệnh nhiễm trùng, những vết lở loét và co cứng cơ. Cũng là giải thoát họ khỏi sự tấn công của bệnh mất phản xạ tự động mà nó có thể dẫn đến đột quỵ. Giải thoát họ khỏi những cơn đau rải rác, kỳ lạ vô hình và không có thật, mà cảm giác thì rất thật nhưng chủ nhân của những cơn đau giằng xé ấy lại không thể bị tê liệt bởi aspirin hay morphine.

Đó là còn chưa kể đến một sự thay đổi cuộc sống hoàn toàn: Các chuyên gia vật lý trị liệu, những người giúp việc rồi cả quạt gió và những chiếc ống thông tiểu, tã lót dành cho người lớn, sự phụ thuộc… Tất nhiên là cả sự tuyệt vọng chán nản…

Một số người rơi vào những hoàn cảnh kiểu như thế này chỉ biết từ bỏ và tìm đến cái chết. Tự tử luôn là một lựa chọn, dù cho không hề dễ dàng chút nào. (Thử cố tự tử xem nếu tất cả những gì bạn có thể làm được chỉ là nhúc nhích cái đầu của mình.)

Nhưng có những người khác thì sẽ chiến đấu lại.

“Đủ chưa?”, người đàn ông trẻ mảnh khảnh trong chiếc áo sơ mi trắng lùng thùng và chiếc cà vạt hoa đỏ như rượu vang nói với Rhyme.

“Chưa.” Ông chủ của anh ta trả lời không ra hơi vì bài luyện tập. “Tôi muốn tiếp tục.” Rhyme đang gắn chặt trên một chiếc máy tập xe đạp phức tạp, ở một trong những phòng ngủ dư ra trên tầng hai của ngôi nhà nằm ở khu phía tây Central Park.

nghĩ rằng anh đã tập đủ rồi đấy”, Thom – phụ tá của anh ta nói. “Đã được hơn một tiếng. Nhịp tim của anh khá cao rồi.”

“Đây chỉ giống như là đạp xe lên ngọn Matterhom mà thôi”, Rhyme thở dốc. “Tôi là Lance Armstrong.”

“Ngọn Matterhom không phải là một chặng của cuộc đua Tour de France. Đó là một ngọn núi. Anh có thể leo lên ngọn núi, nhưng không phải là đạp xe lên ngọn núi ấy.”

“Cảm ơn vì cái điều tầm phào trên kênh ESPN của cậu, Thom. Tôi nói như vậy không có nghĩa là đúng như vậy. Tôi đã đi được bao xa rồi?”

“Hai mươi hai dặm.”

“Thêm mười tám dặm nữa.”

“Tôi không đồng ý. Năm thôi.”

“Tám nhé.” Rhyme kỳ kèo.

Người phụ tá trẻ đẹp trai khẽ nhíu đôi lông mày với vẻ chịu thua. “Vâng, được rồi.”

Dù thế nào thì Rhyme cũng muốn thêm tám dặm nữa. Anh rất phấn chấn. Anh sống là để chiến thắng.

Vòng quay lại tiếp tục. Những cơ bắp của anh truyền sức mạnh sang chiếc xe đạp, vâng, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa cử động này và việc làm sao bạn có thể đạp một chiếc xe tập ở phòng tập Gold’s Gym. Cái nguồn lực thôi thúc chuyển những xung động dọc suốt các neuron thần kinh không phải đến từ não của Rhyme mà lại là từ một chiếc máy tính, thông qua các điện cực kết nối với các cơ bắp ở chân. Thiết bị này được gọi là chiếc xe đạp kích thích điện chức năng FES. Chiếc máy giả lập chức năng tín hiệu điện này sử dụng một máy tính, các dây điện và các điện cực để bắt chước hệ thống thần kinh và chuyển các xung điện nhỏ tới các cơ bắp, khiến chúng cử động chính xác như được điều khiển bằng não bộ.

FES không được sử dụng nhiều cho hoạt động hằng ngày, như đi bộ hay sử dụng các dụng cụ. Lợi ích thực tế của nó là về mặt liệu pháp chữa bệnh, cải thiện sức khỏe của những bệnh nhân bị mất chức năng nặng.

Động lực khuyến khích Rhyme bắt đầu các bài tập là từ một người mà anh vô cùng ngưỡng mộ, diễn viên quá cố Christopher Reeve, người đã chịu đựng chấn thương còn khủng khiếp hơn do một tai nạn khi đang cưỡi ngựa. Bằng sức mạnh ý chí và những nỗ lực thể xác không mệt mỏi – và khiến cộng đồng y học truyền thống phải kinh ngạc – Reeve đã hồi phục một vài cử động và cảm giác ở những nơi mà ông không hề có cảm giác hay cử động trước đó. Sau hằng năm trời giằng xé suy nghĩ về việc thực hiện ca phẫu thuật thí nghiệm đầy mạo hiểm vào tủy sống, Rhyme đã lự chế độ luyện tập tương tự cách của Reeve.

Sự ra đi sớm của người diễn viên đã thôi thúc Rhyme thậm chí còn dành nhiều tâm sức hơn trước đây vào kế hoạch luyện tập, và Thom đã phải lần tìm một trong những bác sĩ về chấn thương tủy sống tốt nhất ở khu vực East Coast, Robert Sherman. Vị bác sĩ đã đưa vào cả một chương trình luyện tập cho anh, bao gồm cả cơ công kế, liệu pháp vận động dưới nước và máy huấn luyện vận động guồng quay – một thiết bị phức tạp lớn, được ráp những chiếc chân robot, đồng thời cũng được điều khiển bởi một máy tính. Trên thực tế, hệ thống này cử động và làm chuyển động chân của Rhyme.

Tất cả các liệu pháp này mang lại kết quả. Tim và phổi của anh đã khỏe hơn. Độ đặc của xương bằng với những người đàn ông bình thường cùng tuổi. Các khối cơ bắp tăng lên. Anh gần như đã lấy lại được vóc dáng như khi chỉ huy Bộ phận Điều tra ở Sở cảnh sát New York, cơ quan giám sát của Đội khám nghiệm hiện trường. Trước đó anh có thể đi bộ hàng dặm mỗi ngày, đôi khi còn điều tra hiện trường một mình – một điều khá hiếm ở một Đại úy – và còn đi vòng quanh những con đường của thành phố để thu thập những mẫu đá, đất, bê tông hay bồ hóng để tạo một catalogue trong cơ sở dữ liệu pháp y của mình.

Nhờ các bài tập của bác sĩ Sherman, Rhyme ít phải chịu những cơn đau do hàng giờ liền gắn chặt trên giường hoặc trên chiếc xe lăn. Các chức năng của ruột và bàng quang được cải thiện và ít bị các bệnh về viêm nhiễm đường tiết niệu. Và anh chỉ phải trải qua một giai đoạn mất phản xạ tự phát từ khi bắt đầu chế độ luyện tập.

Tất nhiên vẫn còn một câu hỏi khác là: Liệu hằng tháng trời với những bài tập gian khổ có thể tạo nên một điều gì đó thực sự giải quyết được hoàn toàn tình trạng của anh, chứ không chỉ đơn thuần là tăng sức khỏe cho các cơ bắp và xương? Một bài kiểm tra nho nhỏ về các chức năng vận động và cảm giác sẽ cho anh câu trả lời ngay lập tức. Nhưng việc này đòi hỏi phải đi tới một bệnh viện và có vẻ như là Rhyme chẳng bao giờ có thời gian để làm điều đó.

“Anh không thể bỏ ra một tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi à?”, Thom hỏi.

“Một tiếng? Một tiếng? Trong ký ức của tôi thì liệu khi nào mà một chuyến đi đến bệnh viện lại chỉ mất có một tiếng đồng hồ? Cái bệnh viện đặc biệt ấy ở đâu vậy Thom? Neverland? Oz?”

Nhưng cuối cùng thì bác sĩ Sherman đã liên tục ép Rhyme buộc phải đồng ý trải qua bài kiểm tra. Nửa tiếng nữa, anh và Thom sẽ đi tới bệnh viện New York để có được các kết luận cuối cùng về những tiến triển của anh.

Mặc dù lúc này đây, Lincoln Rhyme chẳng nghĩ gì đến điều đó ngoài những vòng xe mà anh đang ra sức đạp – trên ngọn Matterhom. Và anh cứ như đang đánh bại Lance Armstrong.

Khi hoàn thành, Thom tách anh ra khỏi chiếc xe, tắm rửa rồi mặc cho anh chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần tối màu. Chỗ ngồi chuyển sang chiếc xe lăn và Rhyme lái nó tới phía chiếc thang máy nhỏ. Anh đi xuống dưới, nơi trước đây là phòng khách, Amelia Sachs với mái tóc đỏ rực đang ngồi trong phòng thí nghiệm, đang đánh dấu các bằng chứng từ một trong những vụ án Sở cảnh sát New York mà Rhyme đang cố vấn.

Với một ngón tay duy nhất còn làm việc – ngón đeo nhẫn bàn tay trái – trên bảng điều khiển cảm ứng, Rhyme khéo léo lái chiếc xe lăn Storm Arrow màu đỏ tươi qua phòng thí nghiệm đến bên cạnh cô gái. Cô khẽ nghiêng sang và hôn nhẹ lên môi anh. Anh cũng hôn lại và nhấn mạnh đôi môi của mình lên đôi môi cô gái. Họ cứ như vậy một vài giây đồng hồ, Rhyme đang tận hưởng hơi ấm từ cô, mùi vị xà bông ngọt ngào từ một loại hoa, những lọn tóc đùa nghịch trên má anh.

“Anh sẽ đi được bao xa ngày hôm nay?”, cô hỏi.

“Anh có thể ở phía bắc Westchester ngay lúc này – Nếu như không bị cảnh sát bắt dừng lại.” Một cái liếc trách móc về phía Thom. Người phụ tá nháy mắt với Sachs. Chả vấn đề gì cả.

Sachs với vẻ ngoài cao ráo và yêu kiều đang mặc một chiếc quần màu xanh hải quân với một trong những chiếc áo màu đen hoặc hải quân mà cô vẫn thường mặc từ khi được đề bạt thăng lên chức thanh tra. (Một cuốn cẩm nang chiến lược cho các sĩ quan cảnh sát đã cảnh báo: Mặc những chiếc áo sơ mi hay áo choàng tương phản tạo ra một mục tiêu rõ ràng hơn cả vào khoang ngực.) Bộ quần áo bên ngoài thì cổ hủ và tiện dụng thoải mái. Hoàn toàn khác hẳn với những gì cô vẫn mặc khi làm việc trước khi trở thành một cảnh sát, Sachs đã từng là một người mẫu thời trang trong vài năm. Chiếc áo khoác hơi phồng lên một chút ở hông, chỗ cô đeo khẩu súng ngắn tự động Glock, chiếc quần kiểu của đàn ông; cô cần một chiếc túi sau – vị trí duy nhất khiến cô cảm thấy thoải mái để giấu con dao bấm bất hợp pháp, nhưng lại thường xuyên có ích. Và như mọi khi, cô đang đi đôi giày đế mềm. Đi bộ thực sự là một việc rất đau đớn với Amelia Sachs, do căn bệnh viêm khớp.

“Khi nào chúng ta sẽ đi?” cô hỏi Rhyme.

“Đến bệnh viện? Ồ, em không phải đến. Tốt hơn là ở lại đây và khai thác các bằng chứng.”

“Đã gần xong rồi. Dù sao thì đó không phải là câu hỏi của việc phải đến. Em muốn đến.”

Anh lẩm bẩm: “Rạp xiếc. Thực sự đang biến thành một rạp xiếc rồi. Tôi biết là sẽ như thế”. Anh cố gắng ném một cái nhìn đầy trách móc sang Thom nhưng người phụ tá đã đi mất rồi.

Chuông cửa reo. Thom bước vào sảnh và quay lại sau vài giây, đi theo sau là Lon Sellito. “Chào mọi người.” Viên trung úy mập lùn trong bộ áo quần nhàu nát đặc trưng của anh ta, gật đầu chào một cách niềm nở. Rhyme tự hỏi trạng thái vui vẻ hồ hởi ấy của anh ta là do đâu mà có. Có thể là điều gì đó liên quan tới những tên tội phạm mới bị bắt, hoặc có thể là bởi ngân sách dành cho sĩ quan mới hoặc có thể chỉ là anh ta mới giảm được vài kilogram. Cân nặng của viên thanh tra này giống như một con quay yo-yo lên rồi lại xuống, và anh ta vẫn thường xuyên than phiền về điều này. Với tình trạng của mình, Lincoln Rhyme không có chút kiên nhẫn nào khi một ai đó ca thán về những khiếm khuyết ngoại hình kiểu như là vòng eo quá to hay là có quá ít tóc.

Nhưng có vẻ như ngày hôm nay tinh thần đầy hứng khởi ấy của viên thanh tra trẻ có liên quan tới công việc. Anh vẫy vẫy vài tập tài liệu trong không khí. “Họ vẫn giữ nguyên bản án.”

“À”, Rhyme nói. “Vụ chiếc giày?”

“Đúng.”

Tất nhiên Rhyme rất vui, dù không hề tỏ ra bất ngờ chút nào. Tại sao lại như vậy? Anh đã dồn hết tâm trí vào vụ án chống lại tên giết người; lời buộc tội không thể bị thất bại.

Đó là một vụ án khá thú vị: Hai nhà ngoại giao Balkan đã bị giết trên đảo Roosevelt – một dải đất kỳ lạ nằm giữa dòng sông Đông – và cả hai chiếc giày bên chân phải của họ đều bị lấy mất. Do thường xuyên phải đối mặt với những vụ án khó nhằn, Sở cảnh sát New York đã thuê Rhyme với vai trò là một nhà cố vấn tội phạm học – một biệt ngữ để gọi các nhà khoa học pháp y – để giúp cho công việc điều tra.

Amelia Sachs đã khám nghiệm hiện trường, bằng chứng đã được thu thập và phân tích. Nhưng các manh mối không đưa họ tới bất cứ một hướng đi nào rõ ràng, và cảnh sát đã phải kết luận rằng vụ giết người bắt nguồn từ một nguyên do về chính trị châu Âu. Vụ án vẫn còn chưa có lời giải nhưng đã có lúc im lìm và chìm vào quên lãng – chỉ đến khi có một tin báo loan khắp Sở cảnh sát New York về vụ một chiếc va li bị bỏ lại ở sân bay quốc tế F.Kenedy. Chiếc va li chứa những bài báo về các hệ thống định vị toàn cầu, hàng tá các mạch điện và một chiếc giày đàn ông bên phải. Chiếc giày đã bị khoét rỗng gót và bên trong là một con chip vi tính. Rhyme đã tự hỏi liệu nó phải chăng là một trong những chiếc giày ở vụ án trên đảo Roosevelt và, đủ để chắc chắn rằng, chính là nó. Các manh mối khác trong chiếc va li cũng đều đưa đến hiện trường của vụ án mạng.

Những dụng cụ do thám… Bóng dáng của Robert Ludlum. Các giả thuyết bắt đầu loan truyền ngay lập tức, rồi FBI và Bộ ngoại giao lao vào làm việc cật lực… Một người từ Langley cũng ra mặt, lần đầu tiên mà Rhyme có thể nhớ về việc CIA lại quan tâm tới một trong những vụ án của anh.

Nhà tội phạm học vẫn cười vào sự thất vọng của các nhân viên FBI, khi mà một tuần kể từ lúc tìm thấy chiếc giày, thám tử Amelia Sachs đã chỉ huy một đội đặc nhiệm trong nhiệm vụ hạ gục một doanh nhân đến từ Paramus, New Jersey, một người cộc cằn có hiểu biết chính trị quốc tế ngang với tờ USA Today.

Rhyme đã chứng minh thông qua những phân tích về hóa học và độ ẩm của chất liệu tổng hợp tạo nên chiếc gót giày rằng cái lỗ rỗng bên trong, xuất hiện sau khi những người đàn ông đã bị giết mấy tuần. Anh cũng đã tìm ra rằng con chip vi tính đã được mua từ cửa hàng PC Warehouse, và rằng thông tin của Hệ thống định vị toàn cầu GPS không chỉ công khai, mà nó đã được tải về từ những trang web đã hết hạn một hoặc hai năm rồi.

Một hiện trường được dàn dựng, Rhyme đã kết luận như vậy. Và chuyển sang lần theo dấu vết của bụi đá trong chiếc va li tới một công ty chuyên bán và chế tạo các tấm lát mặt tủ nhà tắm và tủ bếp ở Jersey. Nhìn nhanh vào danh sách cuộc gọi ghi lại trên điện thoại của chủ nhà và những hóa đơn được thực hiện trên thẻ tín dụng đã đưa tới kết luận rằng vợ của người đàn ông này đã và đang có quan hệ với một trong hai nhà ngoại giao bị giết. Chồng của ả đã phát hiện ra mối quan hệ bất chính này và, cùng với một gã tên là Tony Soprano muốn làm việc cho ông ta ở xưởng của công ty này, hai người đó đã giết tình nhân của ả và người đồng nghiệp xấu số của ông ta trên đảo Roosevelt, rồi tạo ra các bằng chứng giả để khiến cho vụ án có vẻ như là vì những lý do chính trị.

“Một bê bối tình ái, không phải về ngoại giao.” Rhyme đã đưa ra lời kết luận trong lời khai của mình trước tòa. “Hành động dưới lớp vỏ bọc, dù không phải điệp viên.”

“Phản đối!”, vị luật sư mệt mỏi bên bị cáo nói.

“Chấp nhận.” Mặc dù vị thẩm phán không thể nín được cười.

Hội thẩm đoàn mất bốn mươi hai phút để kết tội vị thương nhân. Vị luật sư, tất nhiên là đã kháng án – họ luôn là vậy – nhưng, như Sellito mới tiết lộ, tòa thượng thẩm đã giữ nguyên bản án.

Thom nói: “Hãy ăn mừng chiến thắng với chuyến đi tới bệnh viện. Ngài đã sẵn sàng chưa?”.

“Đừng có giục”, Rhyme cáu kỉnh phàn nàn.

Chính lúc đó chiếc máy nhắn tin của Sellito đổ chuông. Anh ta nhìn vào màn hình, cau mày rồi lôi chiếc điện thoại ra khỏi thắt lưng và bấm số.

Sellito đây. Có chuyện gì vậy?…” Người đàn ông to béo gật đầu chậm rãi, bàn tay xoa mạnh vào bụng một cách vô thức. Anh ta mới thử chuyển sang chế độ ăn hình kim tự tháp của Atkins. Rõ ràng là ăn nhiều thịt nướng và trứng không có nhiều hiệu quả. “Cô bé ổn chứ?… Còn thủ phạm thì sao?… À… Không được hay lắm. Khoan đã.” Anh nhìn lên. “Một cuộc gọi đến theo đường dây số 1024. Bảo tàng Mỹ – Phi trên phố 55? Nạn nhân là một cô gái trẻ. Dưới hai mươi tuổi. Hiếp dâm.”

Amelia Sachs cau mày khi nghe thông tin, biểu lộ sự đồng cảm. Rhyme thì có một phản ứng khác; trong đầu anh lập tức tự hỏi: có bao nhiêu hiện trường vụ án ở đó? Liệu hung thủ có săn đuổi cô bé và để lại dấu vết nào không? Liệu họ có vật lộn, và làm xáo tung các bằng chứng? Hắn ta đến và rời khỏi hiện trường bằng phương tiện giao thông công cộng? Hay là sẽ có một chiếc ô tô có liên quan?

Một ý tưởng khác cũng hiện ra trong suy nghĩ của anh, tuy nhiên, anh không có ý định nói ra suy nghĩ này. “Cô bé bị thương không?”, Sachs hỏi.

“Tất cả chỉ là bàn tay bị trầy xước. Cô bé chạy thoát và gặp một cảnh sát đang tuần tra gần đó. Anh ta đã kiểm tra nhưng hung thủ đã biến mất… Vậy, mọi người sẽ khám nghiệm hiện trường chứ?”

Sachs nhìn Rhyme. “Em biết anh đang định nói điều gì, rằng chúng tôi đang bận.”

Cả trụ sở Sở cảnh sát New York đang trong tình trạng xôn xao, náo động. Rất nhiều nhân viên cảnh sát đã được rút khỏi nhiệm vụ thường ngày và được điều động vào nhiệm vụ chống khủng bố, hiện đang rất lộn xộn; Cục điều tra liên bang FBI đã nhận được một vài tin báo nặc danh về nguy cơ đánh bom vào các mục tiêu của Israel trong khu vực. (Sự điều động lại gợi cho Rhyme về những câu chuyện của Sachs mà trong đó ông của cô kể về cuộc sống ở Đức thời trước chiến tranh. Ông của Sachs từng là một thanh tra cảnh sát hình sự ở Berlin và cứ liên tục mất người của mình về chính phủ khi khủng hoảng tăng cao.) Bởi những lý do khác nhau, Rhyme bận rộn hơn bình thường hằng tháng trời. Anh và Sachs đang đảm nhiệm hai cuộc điều tra về vụ lừa đảo trong giới chức văn phòng, một vụ cướp có vũ trang và một vụ giết người chưa tìm ra hung thủ từ ba năm trước.

“Ừm, thực sự rất bận”, Rhyme tổng kết lại.

“Cả vỏ dưa lẫn vỏ dừa”, Sellito nói. Anh cau mày. “Tôi không hiểu cái câu này lắm.”

“Đó là: ‘Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí’. Một câu thành ngữ châm biếm.” Rhyme cốc đầu mình. “Rất vui được giúp đỡ. Ý tôi là thế. Nhưng chúng ta đã vướng rất nhiều các vụ án khác rồi. Và nhìn đồng hồ xem, tôi có một cuộc hẹn lúc này. Ở bệnh viện.

“Nào, Linc”, Sellito nói. “Chẳng có vụ nào anh đang làm giống như vụ này – nạn nhân là một đứa nhóc. Đó là một kẻ xấu, săn đuổi một cô bé học sinh trung học. Tống cổ hắn vào tù và ai biết chúng ta sẽ cứu được bao nhiêu cô gái. Anh biết cái thành phố này rồi đấy – chuyện gì đang xảy ra không phải là vấn đề. Một vài ‘con thú’ bắt đầu tìm kiếm những đứa nhóc, cấp trên sẽ cho anh bất cứ thứ gì anh cần để tóm cổ hắn lại.”

“Nhưng như vậy sẽ thành năm vụ mất”, Rhyme nói một cách nóng nảy. Anh im lặng một hồi rồi miễn cưỡng hỏi: “Cô bé bao nhiêu tuổi?”.

“Mười sáu, lạy Chúa. Nào, Linc.”

Một tiếng thở dài. Cuối cùng anh nói: “Được rồi. Tôi sẽ làm vụ này”.

“Anh sẽ làm thật hả?”, Sellito ngạc nhiên hỏi.

“Mọi người đều nghĩ rằng tôi là một kẻ khó chịu, không chấp nhận được”, Rhyme chế giễu, đảo tròn mắt. “Mọi người đều nghĩ tôi là một kẻ tẻ nhạt, luôn làm mọi người tụt hứng – có một câu khác tương tự cho anh, Lon. Tôi chỉ đang nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải cân nhắc đến vấn đề nào cần được ưu tiên. Nhưng tôi nghĩ anh đúng. Điều này quan trọng hơn.”

Người phụ tá hỏi: “Sự hào hiệp của anh liệu có liên quan tới thực tế là anh sẽ phải hoãn lại chuyến đi tới bệnh viện của mình không nhỉ?”.

“Tất nhiên là không. Tôi thậm chí còn không nghĩ tới việc đó. Nhưng giờ cậu đã nhắc đến, tôi nghĩ tốt nhất là chúng ta nên hủy đi vậy. Một ý kiến hay, Thom.”

“Đó không phải ý của tôi – anh đã bịa ra nó.”

Đúng vậy, anh đã nghĩ như thế. Nhưng giờ thì anh hỏi đầy tức tối: “Tôi á? Cậu nói nghe như thể tôi mới tấn công mọi người ở Midtown vậy.”

“Anh biết ý tôi muốn nói là gì”, Thom nói. “Anh có thể thực hiện bài kiểm tra và quay lại trước khi Amelia xong việc tại hiện trường.”

“Biết đâu sẽ có một sự trì hoãn ở bệnh viện thì sao. Tại sao tôi lại nói là ‘biết đâu’? Bởi vì luôn là thế.”

Sachs nói: “Em sẽ gọi cho bác sĩ Sherman và sắp xếp lại kế hoạch”.

“Hủy, chắc chắn là thế. Nhưng không lên lịch lại. Chúng ta không biết được nó sẽ mất bao nhiêu thời gian. Hung thủ có thể là một tội phạm có tổ chức.”

“Em sẽ hẹn lại lịch

“Hãy sắp xếp trong hai, ba tuần.”

“Em sẽ xem khi nào ông ấy có thời gian”, Sachs nói một cách cương quyết.

Nhưng Lincoln Rhyme cũng có thể ngang bướng như người cộng sự của mình. “Chúng ta sẽ tính đến điều đó sau. Bây giờ, chúng ta đang có một tên tội phạm hiếp dâm ở ngoài kia. Ai biết được hắn đang làm gì lúc này? Nhiều khả năng là đang nhắm vào một ai đó.

Thom, gọi Mel Cooper và đưa anh ấy vào đây. Bắt đầu làm việc thôi. Mỗi một phút chúng ta chậm trễ là một món quà cho tên hung thủ. Này, nói như vậy thì sao, Lon? Thiên tài của những thành ngữ – và anh đã ở đó.”

Bình luận