Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lá Bài Thứ XII

Chương 27

Tác giả: Jeffery Deaver

“Ồ, một phần nào đó thì cô may mắn”, David Yu, người kỹ sư trẻ với mái tóc dựng ngược đang làm việc cho thành phố giải thích.

“Chúng tôi có thể sử dụng một ít”, Amelia Sachs nói. “May mắn, ý tôi là thế.”

Họ đang đứng trên phía tây phố 18, cách Riverside Walk khoảng nửa dãy phố về phía đông, nhìn vào tòa nhà đá nâu ba tầng. Một chiếc xe buýt của đội khám nghiệm hiện trường đã đợi ở gần đó, cả một người bạn khác của Sachs cũng đang đứng đợi sẵn, một nữ cảnh sát tên là Gail Davis, từ đơn vị K9, và con chó của cô – Vegas. Hầu hết các chú chó cảnh sát là giống chó chăn cừu, Malinois – đánh hơi bom – và giống chó săn Labrador. Dù vậy, Vegas, là một con Briard, một giống chó cổ của Pháp với lịch sử phục vụ lâu đời trong quân đội; giống chó này nổi tiếng với những chiếc mũi thính tuyệt vời cùng khả năng huyền bí có thể cảm nhận các mối đe dọa tới gia súc và con người. Rhyme và Sachs đều nghĩ rằng việc khám nghiệm một hiện trường một trăm bốn mươi năm tuổi có thể có ích từ việc sử dụng vài phương pháp tìm kiếm cổ điển truyền thống, thêm vào đó là các hệ thống công nghệ cao có thể được áp dụng.

Viên kỹ sư, Yu, hất đầu về phía tòa nhà được xây dựng từ vị trí mà quán Potter’s Field bị đốt cháy. Ngày tháng ghi trên viên đá nền là năm 1879. “Để xây một tòa nhà chung cư như thế này năm đó họ không cần phải đào lên và đổ một lớp móng bê tông. Họ chỉ cần đào một cái móng

theo chu vi, đổ bê tông vào đó và xây lên các bức tường. Đó là phần chịu tải trọng. Nền tầng hầm hẳn phải rất bẩn. Nhưng bộ luật xây dựng đã thay đổi. Họ chắc phải đổ nền bê tông một lúc nào đó đầu thế kỷ này rồi. Dù sao, nó không mang tính kết cấu mà vì lý do sức khỏe và an toàn. Nên những nhà thầu cũng sẽ không đào lên.”

“Vậy may mắn của tôi ở đây là thứ gì đó nằm ở dưới này từ những năm 1860 có thể vẫn còn đó”, Sachs nói.

Mãi mãi chôn giấu…

“Phải.”

“Và cái không may mắn là nó nằm bên dưới lớp bê tông.”

“Nhiều khả năng là thế.”

“Dày khoảng 30 cm?”

“Có thể ít hơn.”

Sachs đi xung quanh tòa nhà đầy bụi và cũ kỹ, dù biết những căn hộ bên trong nó có thể phải thuê với giá 4000 đô la một tháng. Có một lối vào ở phía sau dẫn xuống tầng hầm.

Cô đang quay ra đằng trước tòa nhà thì điện thoại đổ chuông. “Thám tử Sachs.”

Lon Sellito đang ở đầu dây bên kia. Anh đã tìm ra tên chủ của tòa nhà, một doanh nhân sống cách đó vài dãy phố. Ông ta đang trên đường tới để cho họ vào trong. Rhyme gọi điện một lúc sau đó và cô nói với anh những gì Yu nói.

“Vận may, vận rủi”, anh nói, rõ ràng là cau có. “Tôi đã ra lệnh cho đội Tìm kiếm và Giám sát ở đây với máy phát sóng radar bề mặt và siêu âm.”

Ngay sau đó người chủ tòa nhà xuất hiện, một người đàn ông thấp, đầu hói trong bộ vest và chiếc áo sơ mi trắng mở phanh cổ. Sachs tắt điện thoại với Rhyme và giải thích nhanh gọn cho người đàn ông về việc họ cần xem xét căn hầm. Ông ta nhìn cô một cách ngờ vực rồi mở cửa căn hầm và bước lùi lại, khoanh tay, gần Vegas. Chú chó cảnh sát có vẻ không thích ông ta lắm.

Một chiếc Chevy Blazer trờ tới và ba chuyên gia thuộc đội S & S của Sở cảnh sát New York bước ra. Các nhân viên S & S bao gồm cả cảnh sát, kỹ sư và nhà khoa học, nhiệm vụ của họ là hỗ trợ đội đặc nhiệm xác định vị trí hung thủ và nạn nhân ở các hiện trường với kính viễn vọng, các máy nhìn ban đêm, hồng ngoại, tai nghe mini và các trang bị khác. Họ gật đầu với các chuyên gia khám nghiệm hiện trường và rồi mở những chiếc va li màu đen đã cũ sờn, rất giống với những đồ đựng thiết bị khám nghiệm hiện trường riêng của Sachs. Người chủ tòa nhà quan sát họ với một cái cau mày.

Các nhân viên S & S bước xuống tầng hầm lạnh và tăm tối, có mùi dầu và mùi đất mốc meo, Sachs và người chủ đi theo sau. Họ kết nối chiếc máy dò mà giống với một chiếc máy hút bụi chân không với các thiết bị được điều khiển bằng máy tính.

“Cà khu vực này?” một người hỏi Sachs.

“Ừ.”

“Sẽ không ảnh hưởng đến ai, đúng không?” người chủ hỏi.

“Không, thưa ngài.” Một chuyên viên trả lời.

Họ bắt đầu vào công việc. Họ quyết định sử dụng máy phát sóng radar trước. Sóng radar xuyên qua bề mặt phát ra các sóng radio và phản hồi thông tin về những vật thể mà nó chạm vào, giống như những sóng radar thường thấy trên tàuuyền hoặc máy bay. Điều khác biệt duy nhất là máy phát sóng radar có thể đi xuyên qua các vật thể như bùn đất và những mảnh gạch đá vụn. Nó có tốc độ nhanh như tốc độ ánh sáng, và khác với sóng siêu âm, không cần phải chạm vào bề mặt để có được thông tin.

Họ quét tìm cái sàn khoảng một tiếng đồng hồ, gõ các phím máy tính, ghi chú, trong khi Sachs đứng bên cạnh, cố không gõ gõ chân mình hay bồn chồn một cách thiếu kiên nhẫn, nhận ra rằng nó sẽ không tốt cho việc hoạt động của các thiết bị.

Sau khi họ quét sạch tầng hầm với radar, đội dò tìm tra trên màn hình máy tính rồi dựa trên những gì họ biết, đi xung quanh căn hầm một lần nữa, hướng đầu dò siêu âm vào khối bê tông trong cả tá vị trí mà họ đã đánh dấu là quan trọng.

Khi hoàn thành, họ gọi Sachs và Yu tới chiếc máy tính, lướt qua một vài tấm hình. Màn hình tối xám khiến cô không đọc được: Nó được lấp đầy bởi các đốm và vạch màu, rất nhiều trong số đó có các ô nhỏ chứa các con số và chữ cái bên cạnh mà cô không thể đoán được đó là gì.

Một trong những chuyên viên nói: “Hầu hết những thứ này là những gì ta hy vọng sẽ có ở dưới một tòa nhà ở tuổi này. Những hòn đá lớn bị mài mòn do nước, những thảm đá cuội, những tảng gỗ mục. Đó là một phần của một đường thoát nước ở đây”. Anh chỉ vào một phần của màn hình.

“Có một đường xả nước đi vào dòng xả chính tới dòng sông Hudson”, Yu nói. “Hẳn chính là nó.”

Người chủ đứng nghiêng vai dựa vào tường.

“Ông có phiền không, thưa ngài?” Sachs gằn giọng. Người đàn ông bước lùi lại một cách miễn cưỡng.

Người chuyên viên hất đầu. “Nhưng ở đây…” Anh chạm vào một điểm bên cạnh bức tường ở phía sau. “Có một cái gì đó ở đây nhưng không hiện lên rõ.”

“A…”

“Khi có vật thể nào mà máy tính đã nhìn thấy trước đó, nó gợi ý đó có thể là gì. Nhưng cái này thì máy không đoán được.”

Sachs thì chỉ nhìn thấy một vùng ít tối hơn trên cái màn hình tối đen.

“Bởi vậy chúng tôi đã dùng sóng siêu âm và được thứ này.”

Cộng sự của anh ta gõ lệnh và một màn hình khác xuất hiện, với bức ảnh sáng hơn và rõ ràng hơn: một cái vòng xù xì, bên trong là một vật hình tròn đụcó một sợi gì đó thò ra từ nó. Trong cái vòng xù xì, ở khoảng không bên dưới, một vật thể nhỏ hơn xuất hiện với hình dạng như một đống que và ván gỗ, có thể, Sachs đoán vậy, một cái rương đã bị vỡ ra sau ngần ấy năm.

Một nhân viên nói: “Cái vòng ngoài khoảng 60 cm. Cái bên trong thì có mặt – dạng hình cầu. Nó có đường kính khoảng 22 cm.”

“Nó có nằm gần bề mặt không?”

“Cái lớp bê tông dày khoảng 20 cm, và vật thể này nằm bên dưới khoảng 1,8 đến 2 mét.”

“Chính xác ở vị trí nào?”

Người chuyên viên nhìn từ màn hình máy tính tới sàn nhà và quay lại. Anh ta bước tới điểm ở ngay bên cạnh bức tường ở phía sau căn hầm, gần cái cửa dẫn ra bên ngoài. Anh ta vẽ một dấu bằng phấn. Vật thể đó nằm ở ngay bên bức tường. Bất cứ ai xây bức tường này đã bỏ qua nó chỉ vài centimet.

“Tôi đoán đó là một cái giếng hoặc một cái bể nước. Có thể là một cái ống khói.”

“Cần những gì để xuyên qua lớp bê tông?” Sachs hỏi Yu.

“Sự cho phép của tôi”, người chủ tòa nhà nói. “Và các người sẽ không lấy được điều đó. Sẽ không có ai phá hỏng căn hầm của tôi.”

“Thưa ngài”, Sachs nói một cách kiên nhẫn: “Đây là công việc của cảnh sát”.

“Dù có là cái gì đi nữa, đây là khu vực thuộc quyền sở hữu của tôi.”

“Quyền sở hữu không phải là vấn đề ở đây. Nó có thể liên quan tới một cuộc điều tra của cảnh sát.”

“Chà, vậy thì các cô sẽ cần có lệnh của tòa án. Tôi là luật sư. Và không ai trong các người được phép đập phá chỗ này của tôi.”

“Việc tìm hiểu xem đó là gì thực sự rất quan trọng với chúng tôi.”

“Quan trọng?” ông ta hỏi. “Tại sao?”

“Nó có liên quan tới một vụ án từ vài năm trước.”

“Vài năm?” ông ta ngay lập tức nói, nhấn vào điểm yếu trong vụ án của cô. “Vài năm là bao nhiêu?” Ông ta hẳn phải là một luật sư khá giỏi.

Ta nói dối với kiểu người như vậy và điều đó quay trở lại làm hại ta. Cô nói: “Một trăm bốn mươi năm. Có thể nhiều hơn, có thể ít hơn”.

Ông ta cười. “Đây không phải là điều tra. Đây là kênh Discovery. Không có búa khoan. Hừm.”

“Có chút cộng tác nào ở đây không, thưa ngài?”

“Lấy lệnh của tòa án. Tôi sẽ không hợp tác cho đến khi buộc phải làm thế.”

“Vậy thì đó không còn là hợp tác nữa rồi, đúng không?” Sachs đáp lại và gọi cho Rhyme.

“Có chuyện gì vậy?”, anh hỏi.

Cô tóm tắt cho anh biết chuyện gì đang xảy ra.

“Một chiếc rương bên trong một cái giếng hoặc một cái bể nước bên trong tòa nhà cháy sụp ấy. Chẳng có chỗ giấu nào tốt hơn thế nữa.”

Rhyme yêu cầu đội S & S gửi những bức ảnh qua email. Họ làm theo.

“Anh có bức ảnh ở đây rồi, Sachs”, anh nói sau một khắc. “Không rõ nó là gì lắm.”

Cô nói với anh về vị công dân tỏ vẻ không hợp tác.

“Và tôi sẽ đấu tranh”, vị luật sư nói, nghe cuộc hội thoại giữa họ. “Tôi sẽ tự tay đưa vụ này ra tòa với thẩm phán. Tôi biết hết họ. Chúng tôi khá là thân thiết.”

Cô nghe thấy Rhyme trao đổi với Sellito về vấn đề này. Khi quay lại với cuộc gọi, anh tỏ vẻ không hài lòng. “Lon đang cố gắng lấy lệnh của tòa án, nhưng sẽ mất thời gian. Và anh ấy thậm chí còn không chắc về giấy cho phép của tòa án trong một vụ như thế này.”

“Tôi có thể chỉ đấm hắn một trận không? lẩm bẩm và dập máy rồi quay sang người chủ tòa nhà. “Chúng tôi sẽ sửa lại tầng hầm cho ông. Một cách hoàn hảo nhất.”

“Tôi có những người thuê nhà sống ở đây. Họ sẽ phàn nàn. Và tôi sẽ phải giải quyết điều đó. Các cô sẽ không làm thế. Và sẽ phải biến đi.”

Sachs vẫy vẫy tay một cách bực bội, thực sự đang nghĩ tới việc còng tay lại vì – chà, vì cái gì đó – và rồi đào xuyên qua cái tầng hầm khỉ gió này. Mất bao lâu để có lệnh của tòa án? Nhiều khi là mãi mãi, cô tưởng tượng, xem xét tới khả năng các thẩm phán cần một lý do “chính đáng” để cho phép cảnh sát xâm nhập tư gia của một ai đó.

Điện thoại cô đổ chuông một lần nữa và Sachs trả lời.

“Sachs”, Rhyme hỏi: “Có viên kỹ sư đi cùng ở đó không?”

“David? Vâng. Anh ấy đang đứng cạnh em.”

“Anh có một câu hỏi.”

“Gì cơ?”

“Hỏi anh ấy xem ai sở hữu con hẻm?”

Câu trả lời, trong trường hợp đặc biệt này, dù không phải là tất cả, là: thành phố. Người luật sư chỉ sở hữu cái mặt bằng của tòa nhà và những gì bên trong mà thôi.

Rhyme nói: “Đưa những kỹ sư lấy vài thiết bị sang bên kia bức tường, ở bên ngoài và đào xuống rồi tạo một đường hầm bên dưới bức tường của ông ta. Như thế có được không?”

Ngoài tầm nghe của người sở hữu tòa nhà, cô đưa câu hỏi cho Yu, anh nói: “Ừm, chúng ta có thể làm như vậy. Không có nguy cơ tổn hại về kết cấu nếu đào một lỗ hẹp”.

Hẹp, người nữ cảnh sát với nỗi sợ không gian chật chội nghĩ. Chỉ là thứ tôi cần… Cô dập máy rồi nói với viên kỹ sư: “Được rồi, tôi muốn một…” Sachs cau mày. “Những cái máy mà có cái thìa to đùng được gọi là gì nhỉ?” Kiến thức của cô về các phương tiện có tốc độ tối đa mười dặm một giờ khá là hạn chế.

“Máy xúc?”

“Hình như thế. Mất bao lâu các anh có thể đưa một cái đến đây?”

“Khoảng nửa giờ”.

Cô nhìn anh một cách đau khổ. “Mười phút

“Để xem tôi có thể làm được gì.”

Hai mươi phút sau, với tiếng bíp cảnh báo lùi xe vang lên inh ỏi, một chiếc máy xúc của thành phố tiến sát tới bên cạnh tòa nhà. Không có cách nào để giấu chiến thuật của họ nữa. Người chủ tòa nhà bước tới trước, vẫy vẫy những bàn tay. “Các người đang đi vào bên dưới từ bên ngoài! Các người cũng không thể làm như thế được. Tôi sở hữu tòa nhà này từ trời cho đến tâm đất. Đó là những gì mà luật pháp nói.”

“Chà, thưa ngài”, một nhân viên trẻ, mảnh dẻ nói. “Có đường thoát nước công cộng nằm dưới tòa nhà. Chúng tôi có quyền để tiếp cận. Như tôi chắc chắn là ông biết rõ.”

“Nhưng cái đường thoát khỉ gió ấy nằm ở bên kia tòa nhà.”

“Tôi không nghĩ thế.”

“Nó hiện rõ trên cái màn hình ở ngay đây này.” ông ta chỉ vào một chiếc máy tính – ngay khi cái màn hình tối sầm.

“Úi” một trong những nhân viên S & S nói, người vừa tắt cái máy đi. “Những thứ khỉ gió này luôn hỏng.”

Người chủ sở hữu tòa nhà quắc mắt nhìn anh ta, rồi nói với Yu: “Chẳng có cái đường xả lũ nào ở cái chỗ mà các người định đào”.

Yu nhún vai. “Chà, ông biết đấy, khi có ai đó tranh cãi về vị trí của đường xả, trách nhiệm của ông ta là phải có lệnh của tòa án để dừng chúng tôi lại. Có lẽ ông sẽ phải gọi cho một vài người bạn thẩm phán của ông thôi. Và ông biết gì không? Tốt hơn hết là ông nên làm điều đó nhanh lên, bởi chúng tôi bắt đầu làm bây giờ.”

“Nhưng…”

“Tiếp tục đi”, anh ta hét lớn.

“Có thật không?” Sachs thì thầm với anh ta. “Về cái đường xả lũ ấy?”

“Tôi không biết. Nhưng có vẻ như ông ta mua nó.”

“Cảm ơn.”

Chiếc máy xúc bắt tay vào công việc. Không mất nhiều thời gian lắm. Mười phút sau, theo hướng dẫn của đội S & S, chiếc máy xúc đã đào được một cái lỗ cáo rộng khoảng một mét hai, và sâu khoảng ba mét. Móng của tòa nhà chấm dứt khi cách mặt đất khoảng một mét tám, bên dưới đó là một bức tường bằng đất thịt và đất sét. Sachs sẽ phải trèo xuống đáy của cái lỗ và phải đào sang ngang khoảng mươi centimet cho tới khi chạm tới được cái bể nước hoặc giếng. Cô mặc vào bộ Tyvek và một chiếc mũ cứng với đèn ở trên đỉnh rồi gọi Rhyme qua điện đàm – không dám chắc là điện thoại di động có thể nhận cuộc gọi bên dưới cái lỗ này. “Em đã sẵn sàng rồi”, cô nói với anh.

Sĩ quan Gail Davis của K9 bước tới với chú chó Vegas, kéo căng sợi dây da, và đào xới ở ven miệng lỗ. “Có thứ gì đó dưới này”, nữ cảnh sát nói.

Cứ như thể tôi chưa đủ sợ hãi vậy, Sachs nghĩ, nhìn vào khuôn mặt cảnh giác của con chó.

“Đó là tiếng gì, Sachs?”

“Gail đang ở đây. Con chó của cô ấy có vấn đề với địa điểm này.”

“Có gì đặc biệt không?” Sachs hỏi Davis.

“Không. Nó có thể đánh hơi hay cảm thấy bất cứ gì.”

Vegas gầm gừ rồi cọ móng vào chân Sachs. Davis đã từng nói với Sachs về một kỹ năng khác của giống Briard, đó là khả năng phát hiện ra ai là người bị thương nặng hơn để ưu tiên chữa trị – đã được sử dụng bởi các y bác sĩ quân đội để quyết định vết thương nào có thể cứu được và cái nào không, ngay tại tiền tuyến. Cô tự hỏi liệu Vegas có đang báo trước cho cô về sự việc xảy ra ở tương lai hay không.

“Bám sát nhé”, Sachs nói với Davis, với một nụ cười không thoải mái lắm. “Trong trường hợp tôi cần đào ra ngoài.”

Yu xung phong đi xuống cái lỗ (anh nói mình thích những đường hầm và các hang động, điều mà khiến Amelia Sachs kinh ngạc). Nhưng cô nói không. Sau tất cả, đây chính là một hiện trường, ngay cả khi nó đã một trăm bốn mươi năm tuổi, cả cái vật thể hình cầu và cái rương, hay cái gì cũng được, là bằng chứng cần được thu lại và bảo quản, theo các bước cần phải được thực hiện trong khám nghiệm hiện trường.

Người công nhân hạ thấp cái thang vào trong hầm, Sachs đang nhìn xuống dưới, thở dài.

“Cô ổn chứ?”, Yu hỏi.

“Không sao”, cô nói một cách hân hoan và bất đầu trèo xuống hố rồi nghĩ: Nỗi sợ không gian hẹp ở kho lưu trữ của tổ chức Sanford không là gì so với điều này. Ở dưới đáy, cô lấy xẻng và cái cuốc chim mà Yu đưa từ trước và bắt đầu đào.

Đổ mồ hôi vì nỗ lực, run lên vì những cơn sợ hãi, cô mải miết đào, mỗi một xẻng lại nghĩ tới cảnh cái đường hầm này sụp xuống và b chặt lấy mình.

Lôi ra những hòn đá, xới những khối đất đặc.

Mãi mãi chôn vùi dưới bùn đất…

“Em thấy gì rồi, Sachs?”, Rhyme hỏi qua điện đàm.

“Đất, cát, sâu bọ, một vài hộp thiếc, đá.”

Cô đã đi được khoảng 30 cm bên dưới tòa nhà, rồi 60 cm.

Mũi xẻng của cô kêu ‘cạch’ một tiếng và dừng lại ngay lập tức. Cô cạo lớp đất và tìm thấy một bức tường gạch tròn, rất lâu đời, lớp vữa thì được trát vụng về giữa những viên gạch.

“Có gì đó đây rồi. Một bên của cái bể nước.”

Đất bẩn từ miệng cái hầm nhỏ xíu chảy xuống sàn. Nó khiến cô hoảng sợ còn hơn việc một con chuột bò qua đùi mình. Một hình ảnh rất nhanh hiện ra trong đầu cô: nằm bất động trong khi đất bẩn đổ ụp xuống xung quanh, đè ép ngực, rồi tràn vào trong mũi và miệng. Chết ngạt trong đất…

Được rồi, cô gái, thoải mái nào. Sachs lấy lại vài hơi thở thật sâu. Cạo thêm đất ra. Một gallon đất hoặc một lượng tương đương tràn trên đầu gối. “Anh có cho rằng chúng ta nên chống chỗ này không?”, cô gọi Yu.

“Gì cơ?” Rhyme hỏi.

“Em đang nói với viên kỹ sư.”

Yu gọi: “Tôi nghĩ có lẽ nó sẽ vẫn giữ vững được. Đất đủ ẩm để bám chặt thành một khối.”

Có lẽ.

Người kỹ sư tiếp tục: “Nếu cô muốn, chúng tôi có thể, nhưng sẽ mất vài giờ đồng hồ để đóng khung đỡ”.

“Không sao”, cô nói với anh. Cô hỏi: “Lincoln?”

Cô cảm thấy một luồng điện chạy dọc sống lưng, nhận ra rằng mình vừa gọi anh bằng tên riêng. Cả hai người họ đều chẳng ai mê tín nhưng có một quy tắc mà họ gắn vào: Đó sẽ là điềm gở nếu như dùng tên riêng của họ trong công việc.

Sự do dự cho thấy cả anh cũng đã nhận ra cô vừa phá vỡ quy tắc. Cuối cùng anh nói: “Tiếp tục đi”.

Sỏi và đất khô tiếp tục rớt xuống một bên của đường hầm và phủ xuống vai và cổ. Nớt xuống bộ Tyvek, làm âm thanh càng rõ. Cô bật lùi ra sau, cảm giác như bức tường đang sụp xuống. Thở dốc một hơi.

“Sachs? Em không sao chứ?”

Cô nhìn xung quanh. Không, bức tường vẫn đang đứng vững. “Em ổn.” Cô tiếp tục cạo đất bẩn ra khỏi cái bể nước bằng tường gạch tròn. Với cái cuốc chim, cô đào những mảng vữa rồi hỏi Rhyme: “Có ý tưởng nào khác về cái vật bên trong không?” Câu hỏi chỉ phần lớn nhằm vào cảm giác an tâm khi được nghe giọng anh.

Một khối cầu với cái đuôi.

“Chẳng có ý tưởng nào hết.”

Một cú đánh mạnh với cái cuốc. Một viên gạch rớt ra. Rồi hai. Đất chảy xuống từ bên trong cái giếng và phủ đầy đầu gối.

Khốn kiếp, tôi ghét điều này.

Nhiều gạch, nhiều cát, đá cuội và đất bẩn hơn. Cô dừng lại, rũ sạch cái đống nặng trịch đất đá khỏi đôi chân đang quỳ của mình và quay lại với nhiệm vụ.

“Em sao rồi?”, Rhyme hỏi.

“Kẹt ở đây”, cô nói một cách yếu đuối và lôi ra vài viên gạch nữa. Có cả đống gạch đã nằm rải rác xung quanh. Cô quay đầu, chiếu ánh sáng vào thứ nằm phía sau những viên gạch: Một bức tường đất đen xì, tro bụi, một vài mẩu than đá và những mảnh gỗ.

Cô bắt đầu đào vào bên trong cái lớp đất khô cứng và chặt chẽ bên trong cái giếng. Chả có gì gọi là kết dính với đống đất phải gió này, cô nghĩ, nhìn dòng màu nâu xốp chảy xuống, lấp lánh trong ánh sáng từ chiếc đèn trên mũ.

“Sachs”, Rhyme hét lên. “Dừng lại!”

Cô thở dốc. “Cái gì..?”

“Anh mới xem lại lịch sử vụ phóng hỏa một lần nữa. Người ta nói rằng có tiếng nổ ở tầng hầm của quán rượu. Lựu đạn thời bấy giờ có hình cầu và có dây dẫn nổ. Charles hẳn phải mang theo hai quả. Đó chính là khối cầu trong chiếc giếng! Em đang ở ngay sát quả mà đã không phát nổ. Quả bom này có thể dễ bị kích động như nitroglycerine. Đó chính là thứ mà con chó đã đánh hơi thấy, chất nổ! Ra khỏi đó nhanh lên.”

Cô ấn mạnh vào thành giếng để đẩy thân mình về phía chân.

Nhưng viên gạch mà cô dựa vào đột ngột long ra, khiến cô ngã ngửa và một trận mưa đất kh từ bên trong giếng tràn ra đường hầm. Đá, sòi và đất bẩn chảy quanh, kẹt chặt chân cô và nhanh chóng trải lên ngực và mặt.

Cô hét lên, cố gắng vùng vẫy một cách liều mạng để nhổm dậy với chân mình. Nhưng cô không thể; cơn lũ đất đã tràn đến lấp đầy những cánh tay.

“Sa…”, cô nghe thấy tiếng Rhyme khi sợi dây tai nghe tuột ra khỏi chiếc điện đàm.

Nhiều đất hơn nữa chảy xuống tràn qua người, đông cứng và không bấu víu được dưới cái sức nặng đè bẹp tăng dần lên như nước lũ.

Rồi Sachs thét lên một lần nữa – khi cái khối cầu, được mang ra bởi dòng chảy của đất, rớt xuống từ cái lỗ hổng ở bức tường gạch và lăn xuống thân thể bất động.

Jax đã ra khỏi khu vực của gã.

Bỏ lại Harlem phía đằng sau, cả về địa lý lẫn trạng thái tinh thần. Bỏ lại đằng sau những khu đất trống đầy những chai Malt, bỏ lại sau lưng những vỉa hè trước các cửa hàng mà gã thường trú chân, những bức poster quảng cáo nhãn hiệu nước tẩy rửa Red Devil cũ sờn vì thời tiết, thứ mà những người đàn ông da đen sử dụng để kéo tóc thẳng ra ở thời đại Malcolm X; bỏ lại đằng sau những rapper tuổi mới lớn thích được nổi tiếng và những nhóm gõ trống bằng xô ở công viên Marcus Garvey, những gian hàng bán đồ chơi và dép xăng đan cùng những đồ phụ kiện lấp lánh với những cái móc treo tường vải kente. Bỏ lại phía sau tất cả những công trình xây dựng mới được tái thiết, bỏ lại đằng sau những chiếc xe buýt chạy tour.

Giờ gã đang ở một trong số ít những nơi mà mình chưa từng tàn phá với dòng chữ Jax 157, chưa bao giờ vẽ một hình bừa bãi. Một phần thanh lịch ở phía tây Central Park.

Nhìn chằm chằm vào tòa nhà mà lúc này Geneva Settle đang ở bên trong.

Sau sự việc xảy ra ở con hẻm, gần nhà cô bé trên phố 118, với Geneva và người đàn ông trên chiếc xe màu xám, Jax đã nhảy vào một chiếc taxi khác và đi theo những chiếc xe cảnh sát tới đây. Gã không biết nơi này để làm gì: hai chiếc xe cảnh sát ở phía trước, và từ trên cầu thang xuống vỉa hè là một đường dốc thoải, giống như họ làm cho những người đi xe lăn.

Đi khập khiễng, chậm rãi qua công viên, xem xét kỹ ngôi nhà từ bên ngoài. Con bé đang làm gì ở bên trong chứ? Gã cố gắng nhòm vào trong. Nhưng những chiếc rèm đã được thả xuống.

Một chiếc ô tô khác – chiếc Crown Vic, loại mà cảnh sát sử dụng rất nhiều – dừng lại và hai cảnh sát bước mang theo một cái va li rẻ tiền được dán băng dính và những hộp đựng sách. Hẳn là của Geneva, hắn đoán. Con bé sẽ chuyển sang sống ở đây.

Họ bảo vệ cô bé thậm chí còn vững chắc hơn, gã nghĩ và cảm thấy nản lòng.

Gã bước vào một bụi rậm để có được tầm nhìn tốt hơn khi cánh cửa mở, nhưng ngay lúc đó một chiếc xe cảnh sát khác đi qua, chậm rãi. Có vẻ như là tên cớm bên trong đang quan sát công viên cũng như các vỉa hè. Jax ghi nhớ số nhà, rồi quay đi và biến mất vào trong công viên. Gã hướng lên phía bắc, bước ngược về Harlem.

Cảm thấy khẩu súng nằm trong tất của mình, cảm thấy sự kéo giật lại của viên sĩ quan giám sát cách hai trăm dặm về phía bắc, người có thể đang nghĩ tới một chuyến viếng thăm bất ngờ tới căn hộ ở Buffalo của gã ngay lúc này, Jax vẫn nhớ câu hỏi mà Ralph – vị Pharaoh – đã hỏi: Liệu việc gã đang làm có đáng để mạo hiểm không?

Gã đang suy nghĩ về điều đó, khi quay về nhà.

Gã nghĩ: Liệu nó có đáng cho sự mạo hiểm hai mươi năm trước, bám vắt vẻo trên cái gờ sắt rộng 12 cm của chiếc cầu vượt trên đại lộ Grand Central, chỉ để vẽ cái hình Jax 157 ở độ cao 9m bên trên dòng xe cộ với tốc độ sáu mươi dặm một giờ?

Liệu có đáng cho sự mạo hiểm sáu năm trước, nhét một viên đạn 12 ly vào trong khẩu súng và gí cái họng súng ấy vào mặt một người lái xe buýt có vũ khí, chỉ để lấy số tiền 50.000 hay 60.000 đô la? Đủ để giúp gã vượt qua khó khăn, đưa cuộc đời gã trở lại như ngày trước.

Và gã biết rằng, câu hỏi của Ralph không phải là một câu hỏi có chút ý nghĩa nào cả, bởi vì nó gợi ý rằng có một sự lựa chọn. Lúc ấy và bây giờ, đúng hay sai, không quan trọng. Alonzo “Jax” Jackson đang đi thẳng về phía trước. Nếu việc này thành công, gã có thể quay trở lại với cuộc sống đáng lẽ phải có ở Harlem, ngôi nhà của gã, nơi mà cả những người xấu và tốt đã tạo nên gã bây giờ – nơi mà chính gã đã góp phần hình thành, với hàng ngàn bình sơn xịt. Gã chỉ đơn giản đang làm điều đã phải làm.

Cẩn thận.

Trong nơi ẩn nấp ở Queens, Thompson Boyd đang đeo chiếc mặt nạ phòng chống khí độc và đôi găng tay dày. Hắn đang chậm rãi pha trộn acid và nước, rồi kiểm tra nồng độ.

Cẩn thận…

Đây chính là phần rắc rối phức tạp. Chắc chắn bột kali cyanide ở gần đó nguy hiểm rồi – đủ để giết ba mươi hoặc bốn mươi người – nhưng ở thể rắn thì nó t đối ổn định. Giống như thứ mà hắn đặt vào trong chiếc xe cảnh sát, cái chất bột trắng ấy cần phải được pha trộn với acid sulfuric để tạo ra cái khí độc chết người (chất độc Zyklon-B bỉ ổi được sử dụng trong cơn mưa bởi Đức quốc xã để hủy diệt dân chúng).

Nhưng cái từ “nếu” to đùng ấy là acid sulfuric.

Nồng độ quá thấp sẽ tạo ra khí độc chậm, có thể tạo cơ hội cho những nạn nhân phát hiện ra mùi và chạy trốn. Nhưng acid quá mạnh – nồng độ quá 20% – sẽ khiến cho chất xyanua ấy phát nổ trước khi hòa tan, làm hỏng mục đích mong muốn về tác dụng chết người.

Thompson cần nồng độ càng gần với 20% càng tốt – với một lý do đơn giản: Địa điểm mà hắn chuẩn bị đặt thiết bị này – ngôi nhà nằm ở khu phía tây Central Park cổ kính mà Geneva Settle đang ở trong đó – nơi khó có khả năng kín gió. Sau khi biết được đó là nơi cô bé ẩn nấp, Thompson đã tiến hành việc quan sát ngôi nhà và phát hiện ra những cửa sổ chưa được bịt kín cũng như hệ thống điều hòa và lò sưởi đã cũ kỹ. Nó sẽ là một thử thách để biến cấu trúc to lớn thành một căn phòng chết chóc.

…con sẽ hiểu về thứ chúng ta đang làm ở đây. Nó giống như mọi thứ khác trong cuộc sống. Chẳng có cái gì là hoàn toàn đúng 100% cả. Chẳng có cái đi theo con đường mà nó phải…

Ngày hôm qua, hắn đã nói với ông chủ của hắn rằng lần tấn công tiếp theo vào Geneva sẽ thành công. Nhưng giờ thì hắn không chắc chắn về điều đó. Cảnh sát quá giỏi.

Chúng ta chỉ dựng lại và tiếp tục. Chúng ta không thể có cảm xúc về nó.

Chà, hắn không hề xúc động và day dứt. Nhưng hắn cần phải sử dụng những biện pháp quyết liệt – trên vài phương diện. Nếu như cái khí độc trong ngôi nhà ấy giết chết Geneva, tốt. Nhưng đó không phải mục tiêu chính của hắn. Hắn buộc phải hạ ít nhất vài người bên trong đó – những nhà điều tra đang tìm kiếm hắn và ông chủ của hắn. Giết họ, khiến họ hôn mê, gây ra những tổn thương trong não – điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là làm họ tiêu hao lực lượng.

Thompson kiểm tra nồng độ một lần nữa, và thay đổi một cách nhẹ nhàng, điều chế làm sao để không khí có thể thay đổi độ cân bằng pH. Đôi tay hắn hơi run, nên hắn bước lùi một chút để bình tâm lại.

Wsst…

Bài hát mà hắn bắt đầu thổi sáo là bài Stainvay to Heaven.

Thompson dựa ra sau và nghĩ về cách để nhét quả bom khí này vào bên trong ngôi nhà. Một vài ý tưởng xuất hiện – bao gồm cả một hay hai cách mà hắn khá chắc chắn rằng sẽ có hiệu quả. Hắn kiểm tra nồng độ của acid một lần nữa, thổi sáo một cách vô thức qua phần miệng của chiếc mặt nạ chống độc. Chiếc máy phân tích báo rằng nồng độ đạt 19,99394%.

Hoàn hảo.

Wsst…

Giai điệu mới nảy ra trong đầu hắn là Ode to Joy từ bản giao hưởng số chín của Beethoven.

Amelia Sachs đã không bị đè bẹp đến chết bởi đất thịt và đất sét cũng như không bị thổi bay xác vì quả mìn không ổn định từ thế kỷ XIX ấy.

Cô giờ đang đứng đây, đã tắm rửa và đóng bộ quần áo sạch sẽ, ở trong phòng thí nghiệm của Rhyme, xem xét cái vật đã lăn xuống từ cái giếng khô cạn vào vạt áo của mình một giờ trước đó.

Đó không phải là một quả bom cũ. Nhưng có một chút nghi vấn lúc này về việc nó đã bị bỏ lại trong giếng bởi Charles Singleton vào đêm ngày 15 tháng 7 năm 1868.

Chiếc xe lăn của Rhyme đang đứng ở trước chiếc bàn khám nghiệm bên cạnh Sachs, và họ đang nhìn ngó, xem xét bên trong cái hộp thu vật chứng bằng bìa các tông. Cooper ở đó với họ, đeo găng tay cao su.

“Chúng ta sẽ phải nói với Geneva”, Rhyme nói.

“Có cần thế không?”, Sachs nói một cách lưỡng lự. “Em không muốn.”

“Nói với cháu điều gì cơ?”

Sachs quay lại rất nhanh. Rhyme lùi lại khỏi chiếc bàn, lưỡng lự rồi nghĩ rằng: Khốn nạn. Cần phải cẩn thận hơn nữa.

Geneva Settle đứng ở thềm cửa.

“Các cô chú tìm ra điều gì đó về Charles trong căn hầm của quán rượu, phải không? Mọi người phát hiện ra rằng ông ấy thực sự đã lấy trộm tiền. Đó có phải là bí mật của ông ấy không, sau tất cả?”

Nhìn Sachs, rồi Rhyme nói: “Không, Geneva. Không phải. Chúng ta tìm ra việc khác cơ”. Hất đầu về phía cái hộp. “Đây. Nhìn đi.”

Cô bé bước tới gần hơn rồi dừng lại, chớp mắt, nhìn chằm chằm vào cái đầu lâu màu nâu của một người. Đó là thứ họ đã nhìn thấy trên bức ảnh sóng siêu âm, thứ đã lăn ra và chảy vào vạt áo của Sachs. Với sự giúp đỡ của Vegas, chú chó giống Briard của Gail Da người thanh tra đã khai quật được các mẩu xương còn lại. Những mẩu xương này – Sachs đã nghĩ rằng đó là những mẩu gỗ từ cái rương – là của một người đàn ông, Rhyme đã xác định. Cái xác rõ ràng đã bị nhét thẳng xuống giếng ở căn hầm của quán Potter’s Field ngay trước khi Charles châm lửa cho vụ hỏa hoạn. Việc ghi hình ảnh bằng sóng siêu âm đã chụp được đỉnh của chiếc sọ não và một cái xương sườn bên dưới nó, tạo ra dáng vẻ của một sợi dây dẫn cháy của một quả mìn.

Những cái xương nằm ở trong chiếc hộp thứ hai trên chiếc bàn khám nghiệm.

“Chúng ta khá chắc chắn rằng đó là người đàn ông mà Charles đã giết.”

“Không!”

“Và rồi ông ấy đốt cháy quán rượu để che giấu tội ác.”

“Chú không thể biết điều đó được.” Geneva ngắt lời.

“Chúng ta không. Nhưng đó là một suy luận hợp lý.” Rhyme giải thích: “Lá thư nói ông ấy đang trên đường tới Potter’s Field, mang theo khẩu côn Navy Colt. Đó là khẩu súng ngắn từ thời Nội chiến. Nó không giống như súng thời hiện đại, nạp một viên đạn vào phía sau của ổ đạn tròn. Ta phải nhét từ phía trước với một viên bi và thuốc nổ”.

Cô gật đầu. Đôi mắt nhìn vào những chiếc xương màu nâu đen và cái sọ não không mắt.

“Chúng ta đã tìm ra vài thông tin về súng giống như của ông ấy trong hồ sơ lưu trữ. Đó là một khẩu 36 ly nhưng phần lớn các chiến sĩ Nội chiến học cách sử dụng những viên bi cỡ 39. Nó to hơn một chút và nhét vào khít hơn. Khiến cho phát bắn chính xác hơn.”

Sachs nhấc một chiếc túi nhựa nhỏ lên. “Cái này nằm trong hộp sọ”. Bên trong là một đầu đạn hình tròn. “Đó là viên bi cỡ 39 được bắn ra từ một khẩu súng nòng cỡ 36 ly.”

“Nhưng điều đó không chứng minh cái gì cả.” Cô bé nhìn chằm chằm vào cái lỗ trên trán của chiếc sọ.

“Không”, Rhyme nói một cách nhẹ nhàng. “Nó gợi ý. Nhưng nó gợi ý một cách mạnh mẽ rằng Charles đã giết ông ta.”

“Ông ta là ai?” Geneva hỏi.

“Chúng ta không có ý tưởng nào hết. Nếu ông ta có bất cứ giấy tờ tùy thân nào trên người thì nó đã bị đốt cháy hoặc đã bị phân hủy cùng với quần áo rồi. Chúng ta tìm thấy viên đạn, một khẩu súng nhỏ ông ấy chắc hẳn đã mang theo, một vài đồng tiền vàng và chiếc nhẫn với từ… Đó là từ gì nhỉ Mel?”

“Winskinskie.” Anh giơ chiếc túi nhựa với chiếc nhẫn vàng bên trong. Bên trên chữ khắc là một bản lỷ lịch của một người da đỏ.

Cooper đã nhanh chóng tìm ra nghĩa của từ đó là “người gác cửa” hay “người giữ cửa” trong ngôn ngữ người da đỏ ở tiểu bang Delaware. Đây có thể là tên của người đàn ông đã chết này, mặc dù cấu trúc xương sọ cho thấy ông ta không phải một người Mỹ chính gốc. Rhyme cảm thấy rằng nó giống với kiểu khẩu hiệu của một hội kín, trường học hoặc một tổ chức và Cooper đã gửi email để nhờ một số nhà nhân chủng học và các chuyên gia về lịch sử để xem liệu họ có biết cái từ đó không.

“Charles không làm điều đó”, hậu duệ của ông ta nói với một giọng sụt sùi. “Ông ấy không thể giết hại một ai cả.”

“Viên đạn được bắn vào trước trán ông ấy”, Rhyme nói. “Không phải từ đằng sau. Và khẩu Derringer – khẩu súng mà Sachs tìm thấy trong giếng có thể thuộc về nạn nhân. Điều này gợi ý cho thấy phát đạn có thể là để tự vệ.”

Dù cho sự thật vẫn còn đó là Charles đã tự nguyện đi tới quán rượu với khẩu súng, ông ấy chắc cũng đã tiên liệu trước cuộc ẩu đả.

“Đáng lẽ ra cháu không bao giờ nên bắt đầu những điều này ngay từ đầu”, Geneva lầm bầm. “Thật là ngu ngốc. Cháu thậm chí không hề thích quá khứ. Nó thật là vô nghĩa. Cháu ghét nó.” Cô bé quay lưng và chạy vào hành lang, rồi lên tầng.

Sachs đi theo rồi trở lại vài phút sau đó. “Cô bé đang đọc sách. Nó nói muốn được ở một mình. Tôi nghĩ rằng nó sẽ ổn thôi.” Dù sao, giọng của cô vẫn không có vẻ nào là chắc chắn cả.

Rhyme xem xét những thông tin về hiện trường lâu đời nhất anh từng làm việc – một trăm bốn mươi năm. Tất cả mục đích của cuộc tìm kiếm là để tìm ra điều gì đó có thể đưa họ tới bất cứ kẻ nào có thể đã thuê Nghi phạm 109. Nhưng kết quả là gần như giết chết Sachs và làm Geneva thất vọng với thông tin rằng ông tổ của cô bé đã giết một người đàn ông khác.

Anh nhìn vào bản copy của lá bài Người treo ngược, nhìn chằm chằm một cách điềm tĩnh, bình thản trên chiếc bảng bằng chứng, chế nhạo sự thất bại của Rhyme.

Cooper nói: “Này, có gì đó đấy”. Anh đang nhìn vào màn hình máy tính của mình.

“Cái từ winskinskie ấy hả?”, Rhyme hỏi.

“Không. Nghe này. Câu trả lời cho cái chất huyền bí của chúng ta – cái mà Amelia tìm thấy ở nơi ẩn náu của hung thủ trên phố Elizabeth và gần nhà bà cô của Geneva. Cái chất lỏng ý.”

“Cuối cùng thì cũng có. Nó là cái quỷ gì vậy? Có phải độc chất toxin không?” Rhyme hỏi.

“Hung thủ của ta có đôi mắt khô và hay rát”, Cooper nói.

“Gì cơ?”

“Đó là Murine.”

“Thuốc nhỏ mắt á?”

“Đúng vậy. Thành phần giống hệt.”

“Được rồi. Thêm điều đó vào bảng”, Rhyme yêu cầu Thom. “Có thể chỉ là tạm thời thôi – bởi hắn đã phải làm việc với acid. Trong trường hợp này, thì có vẻ không có nhiều tác dụng. Nhưng nó có thể là bệnh kinh niên. Như thế thì tốt.”

Nhà tội phạm học thích những tên hung thủ mắc bệnh hoặc tật về thể chất. Rhyme có hẳn một chương riêng trong quyển sách về việc lần tìm dấu vết người khác thông qua đơn thuốc hoặc những loại thuốc được bán không cần đơn, những kim tiêm đã được sử dụng bị vứt bỏ, kính đeo mắt được chỉ định của bác sĩ, những dấu giày đặc trưng từ các nghi phạm có vấn đề về phẫu thuật chỉnh hình…

Đó là lúc điện thoại của Sachs đổ chuông. Cô nghe một lúc. “Được rồi. Tôi sẽ ở đó mười lăm phút nữa.” Nữ cảnh sát tắt máy, nhìn Rhyme. “Chà, chuyện này thú vị đây.”

Bình luận