Những ngày này, tại Nhật Bản, người ta lo ngại rất nhiều, một cách chính đáng, về chất lượng môi trường suy giảm dẫn đến ô nhiễm thực phẩm. Dân chúng đã tổ chức các cuộc tẩy chay và biểu tình lớn để phản đối sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo chính trị và công nghiệp. Nhưng tất cả những động thái này, nếu được tiến hành với tinh thần như hiện tại, cũng chỉ là những cố gắng vô ích mà thôi. Nói về chuyện xử lý dọn dẹp vài trường hợp gây ô nhiễm cụ thể thì cũng giống như chữa triệu chứng trong khi gốc rễ của căn bệnh vẫn tiếp tục phát tác.
Chẳng hạn cách đây 2 năm, một hội nghị với mục đích bàn thảo về ô nhiễm được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu về Quản lý Nông nghiệp, cùng với Ủy ban Nông nghiệp Hữu cơ và Nada Co-op (Hợp tác xã Nada). Chủ trì hội nghị là ông Teruo Ichiraku, người đứng đầu của Hiệp hội Nhà nông Hữu cơ Nhật Bản và cũng là một trong những nhân vật có thế lực nhất trong Hợp tác xã Nông nghiệp trực thuộc chính phủ. Những khuyến nghị của cơ quan này trong việc loại cây nào, loại giống nào nên trồng, nên bón bao nhiêu phân, nên đưa vào sử dụng những hoá chất gì đều được hầu như là tất cả nông dân Nhật làm theo.
Bởi vì có đa dạng thành phần những người có tầm ảnh hưởng như vậy tham gia, tôi đã tham dự với hy vọng rằng một động thái có tầm ảnh hưởng sâu rộng có thể sẽ được quyết định chọn lựa và đưa vào thực tiễn.
Đứng trên quan điểm công khai hoá vấn đề ô nhiễm thực phẩm, hội nghị này có thể được coi là thành công. Nhưng cũng như các cuộc họp khác, các vấn đề thảo luận đã bị hạ cấp xuống thành một loạt các báo cáo kỹ thuật chuyên sâu bởi các chuyên gia nghiên cứu và các tường thuật mang tính cá nhân về mức độ kinh hoàng của ô nhiễm thực phẩm. Có vẻ như chẳng một ai muốn chỉ ra vấn đề ở tầm căn bản của nó.
Trong một thảo luận về nhiễm độc thủy ngân ở cá ngừ chẳng hạn, mở đầu đại diện Cục Thủy sản phát biểu về chuyện vấn đề này đã trở nên đáng sợ như thế nào. Vào thời điểm đó, nhiễm độc thủy ngân đang được nhắc đến hàng ngày trên báo đài nên mọi người đều chăm chú nghe xem ông ta nói gì.
Vị diễn giả này nói rằng lượng thủy ngân trong cơ thể của cá ngừ, ngay cả ở những con bắt được ở Bắc Băng Dương và vùng biển gần Nam cực, là cực kỳ cao. Tuy nhiên, khi một mẫu vật trong phòng thí nghiệm thu thập được từ vài trăm năm trước được mổ xẻ và phân tích thì con cá này, trái với kỳ vọng, lại cũng có chứa thủy ngân. Kết luận tạm thời của ông ta là việc tiêu thụ thủy ngân là cần thiết cho sự sống của cá ngừ.
Cử tọa nhìn nhau ngờ vực. Mục đích của cuộc họp này đáng lẽ ra là để xác định làm thế nào đối phó với vấn đề ô nhiễm đã tác động lên môi trường và đưa ra các biện pháp để khắc phục nó. Thay vào đó, ở đây vị đại diện của Cục Thủy sản lại nói rằng thủy ngân là cần thiết cho sự sống của cá ngừ. Điều tôi muốn nói ở đây là người ta không nắm được nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm mà chỉ thấy nó từ một khía cạnh hời hợt và nông cạn.
Tôi đứng dậy và kiến nghị rằng chúng ta cần chung tay để lên phác thảo, lập kế hoạch cụ thể để đối phó ngay với ô nhiễm. Chẳng phải cứ nói ngay tới việc ngưng sử dụng các loại hoá chất gây ra ô nhiễm thì tốt hơn không? Lúa gạo chẳng hạn, có thể sinh trưởng rất tốt mà không cần tới phân thuốc hoá học, cũng như cam quýt, và cũng không khó khăn gì khi trồng rau theo cách đó. Tôi đã nói rằng điều đó có thể làm được và rằng tôi vẫn đang làm thế trên nông trại của tôi trong nhiều năm qua, nhưng chừng nào chính phủ còn tiếp tục ủng hộ việc sử dụng hoá chất thì sẽ chẳng còn ai khác muốn thử làm nông nghiệp sạch cả.
Hiện diện tại hội nghị có các thành viên Cục Thủy sản, cũng như những người tới từ Bộ Nông Lâm và Hợp tác xã Nông nghiệp. Nếu họ và ngài chủ tịch hội nghị – ông Ichiraku – thật sự muốn thúc đẩy mọi việc và đề nghị nông dân cả nước nên thử việc trồng lúa không dùng hoá chất thì đã có thể có sự thay đổi sâu rộng rồi.
Tuy nhiên có một vấn đề lớn. Nếu cây trồng mà không sử dụng hoá chất nông nghiệp, phân bón hoặc máy móc thì những công ty hoá chất lớn sẽ trở nên không cần thiết và Hợp tác xã Nông nghiệp, cơ quan thuộc chính phủ này sẽ tan rã. Để đưa thẳng vấn đề ra, tôi đã nói rằng các hợp tác xã và những người lập chính sách cho nông nghiệp hiện đại dựa trên khoản đầu tư lớn vào phân bón và máy móc nông nghiệp để làm nền móng cho quyền lực của họ. Việc loại bỏ máy móc và hoá chất sẽ mang lại một sự thay đổi toàn diện cơ cấu xã hội và kinh tế. Vì thế, tôi không thấy có cách nào mà ông Ichiraku, các Hợp tác xã hay các quan chức chính phủ lại có thể lên tiếng ủng hộ các giải pháp xóa bỏ ô nhiễm.
Khi tôi lên tiếng như vậy, ngài chủ tịch đã nói “Thưa ông Fukuoka, ông đang làm hội nghị khó chịu với những nhận xét của mình đó,” làm tôi phải ngậm miệng lại. Vâng, nó đã diễn ra như vậy đấy.
Vậy là có vẻ như các cơ quan chính phủ chẳng hề có ý định ngăn chặn nạn ô nhiễm. Khó khăn thứ hai nằm ở chỗ tất cả mọi khía cạnh của vấn đề ô nhiễm thực phẩm cần phải được đưa ra đồng thời và giải quyết cùng một lúc. Một vấn đề không thể được giải quyết trọn vẹn bởi những người chỉ quan tâm đến bộ phận này hoặc bộ phận kia trong tất cả các khía cạnh của nó.
Chừng nào nhận thức của tất cả mọi người còn chưa biến chuyển một cách căn bản thì chuyện ô nhiễm sẽ không thể ngăn chặn được.
Lấy ví dụ, người nông dân nghĩ rằng biển Nội Hải[20] thì chẳng có can hệ gì tới mình. Anh ta nghĩ rằng coi sóc việc đánh bắt cá là trách nhiệm của các viên chức thuộc Cục Thủy sản và chịu trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm biển là công việc của Ủy ban Môi trường. Vấn đề nằm ngay trong chính kiểu suy nghĩ đó.
Các loại phân bón hoá học hay được dùng nhất, đạm amoni, urê, phân lân và những phân vô cơ tương tự được sử dụng với số lượng lớn, chỉ vài phần trong đó là được cây trồng hấp thụ. Phần còn lại rò rỉ ra sông suối, cuối cùng đổ ra biển Nội Hải. Các hợp chất chứa nitơ này trở thành thức ăn cho tảo và sinh vật phù du khiến cho chúng sinh sôi số lượng lớn, gây ra hiện tượng thủy triều đỏ. Tất nhiên, chất thải công nghiệp chứa thủy ngân và các rác thải gây ô nhiễm khác cũng góp phần vào, nhưng phần lớn ô nhiễm nước ở Nhật là do các hoá chất sử dụng trong nông nghiệp.
Vì vậy, chính nông dân là người phải chịu trách nhiệm chủ yếu về nạn thủy triều đỏ. Người nông dân rải các hoá chất gây ô nhiễm xuống cánh đồng của mình, những công ty sản xuất ra các hoá chất này, những chức sắc làng xã tin tưởng vào sự tiện dụng của hoá chất rồi đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật tương ứng – nếu mỗi người trong những người trên đây không suy ngẫm về vấn đề này một cách sâu sắc thì sẽ không giải quyết được bài toán về ô nhiễm nước.
Cứ như bây giờ thì chỉ những ai bị ảnh hưởng trực tiếp nhất mới tích cực trong việc cố gắng tìm cách đối phó với các vấn nạn về ô nhiễm, như trong trường hợp đấu tranh của các ngư dân địa phương chống lại các công ty dầu lớn sau sự cố tràn dầu gần Mizushima. Hoặc không thì là một số giáo sư đề nghị đối phó với vấn đề bằng cách xẻ một con kênh xuyên qua mạn phình to của đảo Shikoku để cho dòng nước tương đối sạch của Thái Bình Dương chảy vào biển Nội Hải. Những chuyện đại loại như vậy được nghiên cứu và thử nghiệm hết lần này đến lần khác, nhưng một giải pháp thực sự thì không bao giờ có thể tìm ra theo cách này.
Sự thật là dù chúng ta có làm gì, tình hình vẫn càng ngày càng xấu đi. Các biện pháp đối phó càng công phu thì các vấn đề càng trở nên phức tạp.
Giả dụ như một đường ống đã được đặt băng qua Shikoku và nước được bơm từ Thái Bình Dương đổ vào biển Nội Hải. Cứ cho là điều này có thể làm sạch được biển Nội Hải, nhưng sẽ lấy đâu ra điện để vận hành các nhà máy sản xuất ống thép và sẽ cần bao nhiêu điện để chạy máy bơm nước? Chắc phải cần đến nhà máy điện hạt nhân. Để xây dựng một hệ thống như thế, bê tông và tất cả các loại vật liệu khác nhau phải được ráp nối lại và còn phải xây dựng một trung tâm xử lý uranium nữa. Khi các giải pháp được phát triển theo kiểu này, chúng sẽ chỉ gieo mầm cho các vấn đề ô nhiễm đời hai, đời ba, những vấn đề còn khó giải quyết hơn so với những vấn đề trước đó, mà lại còn lan rộng hơn.
Cũng giống như trường hợp người nông dân hám lợi mở đường mương dẫn nước tưới quá rộng và để cho nước chảy ào ào vào ruộng lúa của mình. Bờ mương sẽ bị nứt và đổ sụp. Tới lúc đó thì lại phải bỏ công gia cố. Bờ mương được đắp cho kiên cố lại, mương dẫn nước sẽ được mở rộng ra thêm. Lượng nước tăng lên chỉ làm gia tăng mối nguy hiểm tiềm tàng và lần suy yếu sau đó của bờ mương sẽ đòi hỏi công sức lớn hơn để xây dựng lại.
Khi một quyết định được đưa ra để đối phó với các triệu chứng của một vấn đề, người ta thường giả định rằng các biện pháp khắc phục sẽ giải quyết được bản thân vấn đề đó. Hiếm khi có chuyện như vậy. Các kỹ sư có vẻ như không thể giải quyết cho thấu đáo chuyện này. Tất cả các biện pháp đối phó ấy đều dựa trên một định nghĩa quá hẹp về cái không ổn đang diễn ra. Những biện pháp và đối pháp của con người bắt nguồn từ sự thật khoa học và cách phán xét khoa học hạn hẹp. Mà một giải pháp thực sự thì không bao giờ có thể có được theo cách đó[21].
Các giải pháp giản dị của tôi, như rải rơm và trồng cỏ ba lá, thì không tạo ra ô nhiễm. Chúng hiệu quả vì chúng loại bỏ được gốc rễ của vấn đề. Cho tới khi nào mà lòng tin thời hiện đại đặt vào những giải pháp đại công nghệ còn chưa thể bị lật nhào thì tình trạng ô nhiễm sẽ chỉ có nước xấu đi.
Người tiêu dùng nói chung nghĩ rằng họ chẳng can hệ gì tới việc gây ra ô nhiễm trong nông nghiệp. Nhiều người trong số họ muốn có thực phẩm không bị xử lý hoá chất. Nhưng thực phẩm đã xử lý hoá chất được đưa ra thị trường chủ yếu là để đáp ứng các sở thích của chính người tiêu dùng. Người tiêu dùng đòi sản phẩm phải to, bóng, không tỳ vết. Để thỏa mãn những yêu cầu đó, những hoá chất nông nghiệp đã ngưng sử dụng từ năm hoặc sáu năm trước giờ lại nhanh chóng được đưa vào dùng.
Làm sao mà chúng ta rơi vào tình trạng khó xử như vậy? Người ta nói họ chẳng bận tâm liệu dưa chuột thẳng hay cong và rằng trái cây không cần đẹp mã. Nhưng hãy nhìn vào thị trường bán sỉ ở Tokyo nếu ta muốn biết giá bán thay đổi thế nào tuỳ theo ý thích của người tiêu dùng. Khi trái cây trông chỉ đẹp hơn một tí xíu, ta bán được giá cao hơn từ 10 tới 20 yên một ký. Khi trái cây được phân loại: “Nhỏ,” “Trung bình” hoặc “Lớn,” giá mỗi ký có thể tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba cùng với sự tăng lên của kích cỡ.
Việc người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao đối với thực phẩm trái mùa cũng góp phần vào làm gia tăng việc áp dụng các phương pháp nuôi trồng nhân tạo và sử dụng hoá chất. Năm vừa rồi, những trái quýt Unshu được trồng trong nhà kính để bán vào mùa hè[22] có giá cao gấp từ mười đến hai mươi lần so với quýt đúng vụ. Thay vì giá thông thường chỉ 20 đến 30 yên một ký, người ta đã trả giá trên trời tới 170 yên, 220 yên, thậm chí là 380 yên cho một ký. Và như thế, nếu ta đầu tư vài trăm ngàn yên để lắp đặt thiết bị, mua nhiên liệu cần dùng và làm việc thêm giờ, ta có thể thu được lợi nhuận.
Làm nông trái vụ càng ngày càng trở nên được ưa chuộng. Để có những trái quýt sớm hơn chỉ một tháng, dân thành thị có vẻ khá hoan hỉ móc hầu bao để trả cho khoản đầu tư thêm của người nông dân về công lao động cũng như thiết bị. Nhưng nếu ta hỏi việc có loại trái cây này sớm một tháng quan trọng đến đâu đối với con người, thì sự thật là, việc đó chẳng quan trọng chút nào, và cái giá phải trả cho việc chiều theo sở thích đó không chỉ dừng lại ở tiền.
Thêm nữa, một loại chất tạo màu, cách đây vài năm không được dùng thì bây giờ lại được sử dụng. Với hoá chất này, trái cây sẽ có màu trái chín sớm hơn một tuần. Giá bán tăng gấp đôi hoặc rớt một nửa, tuỳ thuộc vào việc trái cây được bán sớm một tuần hoặc bán sau mùng 10 tháng mười, bởi vậy người nông dân sử dụng hoá chất thúc trái cây trổ màu nhanh, rồi sau khi thu hoạch họ để trái cây trong phòng ủ chín bằng khí ga.
Nhưng vì trái cây được hái bán sớm vẫn chưa đủ độ ngọt nên người ta sử dụng tới chất tạo ngọt nhân tạo. Thông thường, ai cũng nghĩ rằng hoá chất tạo ngọt đã bị cấm sử dụng rồi, nhưng loại hoá chất tạo ngọt được phun lên cây thì không bị quy định là phạm luật một cách rõ ràng, minh bạch. Câu hỏi ở đây là liệu nó có rơi vào nhóm “hoá chất nông nghiệp” hay không? Dù câu trả lời là gì đi nữa thì hầu hết mọi người ai cũng sử dụng nó cả.
Trái cây sau đó được đưa đến trung tâm phân loại của nhà phân phối. Để có thể phân loại trái cây theo kích thước lớn nhỏ, người ta cho mỗi trái lăn xuống theo băng chuyền dài hàng trăm mét. Dập là chuyện thường gặp. Trung tâm phân loại càng rộng lớn thì trái cây càng bị va đập và nhào lộn lâu hơn. Sau khi được rửa bằng nước, những trái quýt được phun chất bảo quản và quét chất tạo màu lên. Cuối cùng, để hoàn thiện, một dung dịch sáp paraffin được quết lên và trái cây được đánh bóng trông cho hào nhoáng. Ngày nay, trái cây thực sự “bị đối xử rất tệ bạc.”
Như vậy, từ trước khi trái cây được thu hoạch cho đến khi nó được xuất đi và bày bán thì năm hoặc sáu loại hoá chất đã được dùng. Đấy là chưa kể tới phân bón và các hoá chất phun xịt đã được sử dụng khi cây đang sinh trưởng trong vườn. Và tất cả chuyện này là do người tiêu dùng muốn mua trái cây trông hấp dẫn hơn một chút. Sở thích nho nhỏ này đã đặt người nông dân vào một tình thế thật sự khó xử.
Những cách thức xử lý trái cây này được ứng dụng chẳng phải bởi vì người nông dân thích làm theo kiểu như vậy, hay vì những viên chức của Bộ Nông nghiệp thích đẩy người nông dân vất vả thêm. Chỉ tới khi nào quan niệm chung về giá trị thay đổi thì tình trạng này mới có thể cải thiện được.
Khi tôi còn làm ở Văn phòng Hải quan Yokohama 40 năm trước, chanh và cam Sunkist vẫn được xử lý theo cách đó. Tôi đã kịch liệt phản đối việc đưa hệ thống này vào Nhật, nhưng những lời của tôi chẳng thể ngăn nổi việc đưa chúng vào sử dụng.
Nếu một hộ nông dân hay một hợp tác xã chọn dùng một quy trình xử lý mới, chẳng hạn như việc đánh sáp cho quýt, thì bởi vì với việc chăm chút thêm như thế, lợi nhuận sẽ cao hơn. Các hợp tác xã nông nghiệp khác sẽ để ý thấy điều đó và chẳng mấy chốc, họ cũng sẽ áp dụng quy trình mới này. Trái cây không được xử lý đánh sáp sẽ không còn bán được giá cao như trước nữa. Trong vòng hai, ba năm thôi, việc đánh sáp sẽ được sử dụng trên toàn quốc. Sự cạnh tranh sau đó sẽ làm giá hạ xuống, và tất cả những gì còn lại đối với nông dân chỉ là gánh nặng về khối lượng công việc và những chi phí phụ trội vào nguyên vật liệu và thiết bị. Bây giờ, người nông dân buộc phải sử dụng sáp bóng.
Lẽ dĩ nhiên là người tiêu dùng lãnh chịu hậu quả. Thực phẩm không tươi vẫn có thể bán được vì trông chúng tươi. Nói về mặt sinh học, trái cây trong trạng thái hơi héo đang giữ cho quá trình hô hấp và tiêu hao năng lượng ở mức thấp nhất có thể. Cũng giống như một người trong trạng thái thiền: sự trao đổi chất, hô hấp và tiêu hao ca-lo của anh ta ở mức cực kỳ thấp. Ngay cả khi anh ta nhịn ăn, năng lượng trong cơ thể vẫn sẽ được bảo tồn. Tương tự như vậy, khi trái quýt nhăn nheo, khi trái cây héo, khi rau rủ xuống, chúng đang trong trạng thái bảo tồn giá trị dinh dưỡng của mình trong khoảng thời gian lâu nhất có thể.
Thật sai lầm khi cố duy trì vẻ tươi ngon đơn thuần bên ngoài, như khi người bán hàng liên tục vẩy nước lên rau quả. Mặc dù rau quả giữ được vẻ tươi mới, nhưng hương vị và giá trị dinh dưỡng của nó sẽ giảm đi nhanh chóng.
Bất luận thế nào thì tất cả các liên hợp nông nghiệp và các cơ sở phân loại vẫn đang được tích hợp và mở rộng thêm để thực hiện các công đoạn không cần thiết như trên rồi. Đấy được gọi là quá trình “hiện đại hoá.” Sản phẩm được đóng gói và rồi hệ thống phân phối lớn chuyển tới tay người tiêu dùng.
Nói ngắn gọn, khi nào vẫn còn sự đảo ngược trong cảm nhận về giá trị, trong đó kích cỡ và hình thức bên ngoài được quan tâm nhiều hơn là chất lượng bên trong, thì vấn đề ô nhiễm thực phẩm sẽ không bao giờ được giải quyết.
Trong những năm qua, tôi đã gửi đi từ 88 đến 110 giạ lúa gạo (hơn 2 tấn đến 3 tấn) tới các cửa hàng bán thực phẩm tự nhiên ở nhiều nơi trên nước Nhật. Tôi cũng đã chuyển 400 thùng các-tông quýt (mỗi thùng nặng tầm 16 ký) chất lên xe tải loại 10 tấn đến hiệp hội các khu chung cư ở quận Suginami trên Tokyo. Chủ tịch hiệp hội muốn bán ra những sản phẩm không bị ô nhiễm, và điều này là nền tảng trong thỏa thuận hợp tác giữa chúng tôi.
Năm đầu khá thành công nhưng cũng có một số phàn nàn. Kích cỡ trái cây quá khác biệt, bên ngoài hơi dơ, vỏ đôi lúc bị héo và những chuyện tương tự. Tôi đã chuyển trái cây đi trong các thùng các-tông không nhãn mác, và thế là một số người nghi ngờ rằng đây là trái cây “loại hai.” Giờ tôi đóng trái cây vào thùng có ghi chữ “quýt tự nhiên.”
Vì thực phẩm tự nhiên có thể được sản xuất với chi phí và công sức tối thiểu, tôi suy luận rằng nó phải được bán với giá rẻ nhất. Năm ngoái, ở khu vực Tokyo, trái cây của tôi có giá thấp nhất. Nhiều cửa hàng nói chúng thơm ngon nhất. Tất nhiên, sẽ tốt hơn cả nếu trái cây có thể bán được ngay tại chỗ, loại trừ được khoảng thời gian và chi phí cho vận chuyển, nhưng cho dù có phải vận chuyển xa thì giá cả vẫn vừa phải, trái cây không nhiễm hoá chất và có vị rất ngon. Năm nay, người ta yêu cầu tôi chuyển đi số lượng gấp hai đến ba lần so với trước.
Vào lúc này, câu hỏi đặt ra là việc bán trực tiếp thực phẩm tự nhiên có thể vươn ra được bao xa. Tôi có hy vọng trong chuyện này. Thời gian gần đây, những nhà vườn sử dụng hoá chất đã bị đẩy vào một tình cảnh o ép về kinh tế cực kỳ căng thẳng, và điều đó khiến cho việc sản xuất thực phẩm tự nhiên có hấp lực với họ hơn. Cho dù một người nông dân bình thường phải làm việc vất vả thế nào trong việc sử dụng hoá chất, chất tạo màu, đánh bóng và những đòi hỏi tương tự, ông ta cũng chỉ có thể bán trái cây của mình với cái giá gần như chỉ vừa đủ bù đắp chi phí. Năm nay, ngay cả một trang trại có trái cây thuộc loại xuất sắc cũng chỉ có thể mong chờ thu được lợi nhuận dưới 13 yên một ký. Người nào trồng ra trái cây có chất lượng chỉ kém hơn một chút, rốt cục sẽ chẳng có lời.
Vì giá cả sụt giảm trong mấy năm qua, các hợp tác xã nông nghiệp và các cơ sở phân loại trở nên rất nghiêm ngặt, chỉ lựa chọn trái cây có chất lượng rất cao. Trái cây chất lượng thấp hơn không thể bán được cho các cơ sở này. Sau khi bỏ cả ngày lao động trong vườn để thu hoạch quýt, xếp vào các thùng chứa và mang đến kệ phân loại, người nông dân phải làm việc đến mười một hoặc mười hai giờ đêm để lựa chọn trong số trái cây của mình, từng trái từng trái một, chỉ giữ lại những trái có kích cỡ và hình dạng hoàn hảo nhất[23].
Số “trái tốt” đôi khi chỉ chiếm tỷ lệ trung bình từ 25 đến 50% trên tổng lượng thu hoạch, ngay cả một số trái tốt cũng vẫn bị cơ sở phân loại từ chối. Nếu lợi nhuận còn lại chỉ là 5 hoặc 6 yên một ký cũng đã được xem là tốt lắm rồi. Dạo này, những nông dân trồng cam quýt tội nghiệp phải lao động thật vất vả mà cũng phải khó khăn lắm mới hòa vốn.
Trồng cây không dùng hoá chất, không phân bón, không cày xới đất đai sẽ cần ít chi phí đi, và lợi nhuận thuần của người nông dân vì thế sẽ cao hơn. Số trái cây mà tôi chuyển đi thực tế là không phân loại; tôi chỉ đóng trái cây vào hộp, gửi ra chợ và lên giường đi ngủ sớm.
Những nông dân láng giềng của tôi nhận ra rằng họ đang làm việc rất vất vả để rồi cuối cùng trong túi chẳng có gì. Người ta càng ngày càng cảm thấy không có gì kỳ lạ trong việc nuôi trồng những thực phẩm tự nhiên nữa, và các nhà sản xuất đã sẵn sàng chuyển đổi sang làm nông không hoá chất. Nhưng người nông dân bình thường sẽ vẫn lo lắng về chuyện không có thị trường để bán sản phẩm của mình cho đến khi nào thực phẩm tự nhiên có thể phân phối được ngay tại chỗ.
Còn đối với người tiêu dùng, có một niềm tin thường gặp là thực phẩm tự nhiên thì phải đắt. Nếu không đắt, người ta sẽ nghi ngờ rằng nó không phải là thực phẩm tự nhiên. Một nhà bán lẻ nói với tôi rằng sẽ chẳng ai mua sản phẩm tự nhiên nếu giá không cao.
Tôi vẫn cảm thấy rằng thực phẩm tự nhiên cần phải được bán rẻ hơn so với bất kỳ loại nào khác. Nhiều năm trước tôi được yêu cầu gửi mật ong lấy được trong vườn cam và trứng gà núi cho một cửa hàng thực phẩm tự nhiên ở Tokyo. Khi tôi phát hiện ra vị thương gia đó bán chúng với giá cắt cổ, tôi đã rất giận dữ. Tôi biết rằng một thương gia mà lợi dụng khách hàng theo cách đó thì cũng sẽ trộn gạo của tôi với các loại gạo khác, và rằng loại gạo trộn này sẽ đến tay khách hàng với cái giá không trung thực. Tôi tức khắc ngừng giao hàng cho cửa hàng đó.
Nếu thực phẩm tự nhiên có giá cao, nghĩa là người thương gia đang thu lợi nhuận quá đáng. Hơn nữa, nếu thực phẩm tự nhiên đắt đỏ, chúng trở thành thức ăn xa xỉ và chỉ có người giàu mới có thể mua chúng.
Nếu muốn thực phẩm tự nhiên trở nên thông dụng một cách rộng khắp thì nó phải có sẵn tại địa phương với giá cả hợp lý. Chỉ cần người tiêu dùng điều chỉnh lại suy nghĩ, rằng giá thấp không có nghĩa là thực phẩm không tự nhiên, khi đó tất cả mọi người sẽ bắt đầu suy nghĩ theo chiều hướng đúng đắn.
Khi khái niệm nông nghiệp thương mại lần đầu xuất hiện, tôi đã phản đối nó. Nông nghiệp thương mại ở Nhật không mang lợi cho người nông dân. Có một qui tắc giữa các thương gia là một món hàng xuất phát điểm có một giá tiền nhất định, nếu sau đó được xử lý tiếp thì giá bán sẽ tăng lên. Nhưng đối với nông nghiệp Nhật thì không đơn giản như vậy. Phân bón, thiết bị và hoá chất được mua với giá cố định từ nước ngoài, và không thể nói trước giá phải trả thực tế cho mỗi ký là bao nhiêu khi những sản phẩm nhập khẩu này được sử dụng. Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Với giá bán sản phẩm cố định, thu nhập của người nông dân nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Nhìn chung, nông nghiệp thương mại là một cách làm không bền vững. Sẽ tốt hơn nhiều cho người nông dân khi nuôi trồng loại thực phẩm mình cần mà không nghĩ đến chuyện làm ra tiền. Nếu ta trồng một hạt thóc, nó sẽ cho ra hơn cả ngàn hạt. Một luống củ cải làm đủ dưa muối cho cả mùa đông. Nếu ta suy nghĩ theo hướng này, ta sẽ có đủ cái để ăn, còn hơn cả đủ nữa, mà không cần phải vất vả. Nhưng thay vào đó, nếu ta quyết định cố gắng kiếm tiền, thì ta đã leo lên lưng cọp và ta sẽ phải đi cùng nó.
Dạo gần đây, tôi đang suy nghĩ về loại gà lơgo (leghorn[24]) lông trắng. Giống gà lai từ gà lơgo lông trắng có thể đẻ trứng trên 200 ngày trong năm, việc nuôi chúng để kiếm lời được xem là thương vụ tốt. Khi được nuôi cho mục đích thương mại, những con gà này bị nhốt trong một dãy dài những cái chuồng nhỏ chẳng khác gì mấy so với những phòng biệt giam, và cả đời chúng chân không bao giờ được phép chạm đất. Bệnh tật là chuyện thường gặp và những con gà này bị bơm vào người đủ thứ kháng sinh, được cho ăn theo một chế độ bao gồm các loại vitamin và hoc-môn tăng trưởng.
Người ta bảo rằng các con gà địa phương, được nuôi từ thời kỳ xa xưa, loại shamo và chapo nâu và đen, khả năng cho trứng chỉ bằng có một nửa. Kết quả là chúng đã biến mất khỏi nước Nhật. Tôi để mặc cho hai con gà mái và một con gà trống chạy nhảy thoải mái trên sườn núi và sau một năm chúng phát triển thành 24 con. Trông thì có vẻ là chúng ít đẻ trứng, nhưng thực ra lúc đó bọn lông vũ bản địa này đang bận rộn nuôi con.
Trong năm đầu tiên, giống gà lơgo có hiệu suất đẻ trứng cao hơn giống gà địa phương, nhưng sau một năm bọn gà lơgo lông trắng này cạn kiệt sức lực và bị loại bỏ, trong khi bọn gà shamo mà chúng tôi gây giống đã biến thành mười con khỏe mạnh chạy tung tăng trong vườn cây. Thêm nữa, gà lơgo lông trắng đẻ trứng tốt vì chúng được nuôi bằng thức ăn dinh dưỡng nhân tạo nhập từ nước ngoài và phải mua từ các lái buôn. Còn những con gà bản địa thì bới đất và thoải mái ăn hạt với côn trùng ở nơi chúng sống, rồi đẻ ra những quả trứng tự nhiên, ngon lành.
Chuẩn bị cho một ngày làm việc
Nếu bạn nghĩ rau củ quả thương mại là từ tự nhiên mà ra thì bạn nhầm to. Những thứ rau trái này là sự pha trộn hoá học mọng nước của ni-tơ, phốt-pho và kali với một chút trợ giúp từ hạt giống. Và chúng sẽ có hương vị đúng như thế. Còn trứng gà thương mại (ta có thể gọi chúng là trứng nếu thích) thì không gì hơn là một hỗn hợp thức ăn tổng hợp, các hoá chất và hoc-môn. Đây chẳng phải là sản phẩm của tự nhiên, mà là một sản phẩm tổng hợp do con người tạo ra dưới hình dạng một quả trứng. Với những người nông dân tạo ra rau củ và trứng kiểu này, tôi gọi họ là nhà sản xuất.
Bây giờ, nếu nói về sản xuất thì ta sẽ phải làm vài phép tính hão huyền nếu ta muốn có lợi nhuận. Do người nông dân làm thương mại hiện nay không kiếm được chút tiền lời nào, nên ông ta giống như một lái buôn không biết dùng bàn tính. Kiểu người thế này bị kẻ khác coi là khờ khạo, và lợi nhuận của ông ta sẽ bị các chính trị gia và các thương gia lọc lõi bòn rút.
Thời xưa có chiến binh, nông dân, thợ thủ công và thương lái. Nông nghiệp được coi là gần với nguồn gốc của mọi thứ hơn so với đổi chác hay chế tác, và người nông dân được gọi là “người phụng sự các vị thần.” Anh ta luôn có thể bằng cách này hay cách khác có đủ ăn.
Nhưng giờ đây tất cả chỉ là nháo nhào kiếm tiền. Người ta đâm đầu vào trồng những sản phẩm siêu thời thượng như nho, cà chua và dưa hấu. Hoa và trái cây được sản xuất trái vụ trong nhà kính. Việc lai tạo các giống cá được áp dụng, gia súc cũng được nuôi nhiều vì mang lại lợi nhuận cao.
Mẫu hình này cho thấy một cách rõ ràng điều gì sẽ xảy ra khi nông nghiệp leo lên ngồi trên chiếc tàu lượn kinh tế. Những biến động về giá cả rất khó lường. Có lời đấy, nhưng cũng có cả thua lỗ nữa.
Thất bại là điều không thể tránh khỏi. Nền nông nghiệp Nhật Bản đã mất định hướng và trở nên bất ổn. Nó đã lạc lối, chệch xa khỏi những nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp và đã trở thành một ngành kinh doanh.
Lần đầu tiên tôi bắt đầu gieo sạ lúa và ngũ cốc vụ đông, tôi đã dự định là sẽ thu hoạch bằng liềm, và vì thế tôi nghĩ sẽ thuận tiện hơn khi gieo hạt thẳng hàng ngay lối. Sau nhiều mày mò, chẳng đâu ra đâu vì là dân không chuyên, tôi cũng chế tạo được một dụng cụ gieo hạt cầm tay. Nghĩ rằng dụng cụ này có thể có giá trị sử dụng thực tế cho những nông dân khác, tôi mang nó tới cho một người ở trung tâm kiểm nghiệm nọ. Ông ta nói với tôi rằng do chúng ta đang ở trong thời đại máy móc cỡ lớn nên ông ta không thể bận lòng với “cái máy kỳ cục” này của tôi.
Tiếp đó, tôi đến chỗ một nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp. Ở đó, tôi được bảo rằng một dụng cụ đơn giản như thế, dù ta có gắng tới đâu để có được lợi nhuận, thì cũng chẳng thể bán được nhiều hơn 400 yên một chiếc. “Nếu chúng tôi sản xuất cái dụng cụ như thế này, nông dân có lẽ sẽ bắt đầu nghĩ rằng họ không cần tới những chiếc máy kéo mà chúng tôi bán với giá mấy trăm ngàn yên nữa.” Ông ta nói rằng ngày nay, ý tưởng là phải sáng chế thật nhanh những thứ máy móc phục vụ cho việc trồng lúa, bán chúng nháo nhào được càng lâu càng tốt, rồi giới thiệu cái gì đó mới hơn. Thay vì các máy kéo nhỏ, họ muốn đổi sang những kiểu máy kích cỡ lớn hơn, và cái thiết bị của tôi, đối với họ chỉ là một bước thụt lùi. Để đáp ứng yêu cầu của thời đại, các nguồn lực đã được đổ vào để đẩy xa thêm những công trình nghiên cứu vô dụng, và cho đến tận ngày hôm nay, phát minh của tôi vẫn còn nằm nguyên trên kệ.
Với phân bón và hoá chất cũng vậy. Thay vì nghiên cứu phát triển phân bón đặt lợi ích của người nông dân lên trên hết, người ta lại tập trung vào việc phát triển một cái gì đó mới, bất kỳ cái gì cũng được, chỉ để kiếm tiền. Sau khi các kỹ thuật viên rời bỏ công việc của mình tại các trung tâm kiểm nghiệm, họ chuyển ngay sang làm cho các công ty hoá chất lớn.
Mới đây, tôi có nói chuyện với ông Asada, một viên chức kỹ thuật làm ở Bộ Nông Lâm, ông ta kể cho tôi nghe một câu chuyện thú vị. Rau củ được trồng tại các nhà kính ăn chả có mùi vị gì. Nghe nói trái cà vụ đông chẳng có tí vitamin nào còn dưa chuột thì không có hương vị, ông ta đã nghiên cứu và tìm ra nguyên do: một lượng ánh nắng mặt trời nhất định không thể xuyên qua được lớp bao phủ bằng nhựa và lớp kính mà rau trái được trồng trong đó. Cuộc điều tra của ông ta chuyển sang hệ thống chiếu sáng ở bên trong các nhà kính.
Câu hỏi căn bản đặt ra ở đây là liệu con người có nhất thiết phải ăn cà và dưa chuột trong mùa đông hay không. Nhưng, ngoài cái sự cần thiết hay không này thì lý do duy nhất người ta trồng cà và dưa chuột trong mùa đông là vì chúng có thể được bán với giá hời. Một số người phát triển ra những phương pháp trồng được chúng trái vụ, và rồi sau một thời gian người ta thấy rằng những thứ rau trái này không có giá trị dinh dưỡng. Tiếp đó, người làm kỹ thuật suy nghĩ rằng nếu chất dinh dưỡng bị mất thì sẽ phải tìm ra một biện pháp để ngăn ngừa sự mất mát đó. Do rắc rối này được cho là nằm ở hệ thống chiếu sáng, ông ta bắt đầu nghiên cứu về các tia sáng. Ông ta nghĩ mọi thứ sẽ ổn thỏa nếu có thể sản xuất ra trái cà nhà kính có chứa các vitamin. Tôi có nghe kể một số kỹ thuật gia sẵn sàng dành cả đời mình cho các nghiên cứu kiểu như vậy.
Một cách tự nhiên thôi, do đã phải cố gắng và bỏ ra những nguồn lực lớn như vậy cho việc trồng loại cà này, nó còn được cho là có hàm lượng dinh dưỡng cao, nên thậm chí chúng còn được dán giá cao hơn nữa và bán rất chạy. “Nếu nó có khả năng mang lại lợi nhuận, và nếu ta có thể bán nó, thì không thể có chuyện gì sai trái với nó được.”
Dù có cố gắng tới đâu, người ta cũng không thể cho ra những thứ rau trái tốt hơn so với rau củ và trái cây trồng tự nhiên. Sản phẩm được trồng theo cách phi tự nhiên thỏa mãn được những ham muốn thoáng chốc nhưng lại làm suy yếu cơ thể con người và gây biến đổi thể chất khiến cho nó phụ thuộc vào các loại thực phẩm đó. Khi điều này xảy ra, việc bổ sung vitamin và thuốc men trở nên cần thiết. Tình trạng này chỉ mang lại khó khăn nặng nhọc cho người nông dân và thiệt hại cho người tiêu dùng mà thôi.
Một ngày nọ, có người từ đài truyền hình NHK đến và yêu cầu tôi nói vài điều về vị ngon của thực phẩm tự nhiên. Chúng tôi nói chuyện, và tôi yêu cầu anh ta so sánh giữa trứng gà nuôi trong chuồng dưới đất thấp với trứng gà thả chạy tự do trong vườn trên núi. Anh ta thấy rằng lòng đỏ trứng của gà bị nhốt trong trại nuôi thông thường thì mềm và loãng, có màu vàng nhợt còn lòng đỏ trứng gà sống tự do trên núi thì chắc, đàn hồi và có màu cam sáng. Khi ông già, chủ một cửa hàng sushi trên thị trấn, nếm thử một trong các quả trứng tự nhiên này, ông ta nói đây mới là “trứng thật,” y như hồi xưa, và ông ta hân hoan như thể nó là báu vật.
Lại nữa, ở trên vườn quýt có nhiều loại rau khác nhau mọc xen giữa đám cỏ dại và cỏ ba lá. Củ cải, ngưu bàng, dưa chuột, bí, đậu phộng, cà rốt, những cây hoa cúc ăn được, khoai tây, hành, cải cay, cải bắp, vài giống đậu, và nhiều loại rau cỏ khác tất cả đều cùng nhau chung sống. Cuộc nói chuyện chuyển sang vấn đề liệu các loại rau kể trên, được trồng kiểu bán hoang dã như vậy, có vị ngon hơn những loại được trồng trong vườn nhà hoặc có sự trợ giúp của phân bón hoá học khi trồng ở trên ruộng hay không. Khi chúng tôi đem so sánh chúng với nhau, thì thấy mùi vị rất khác biệt, và chúng tôi xác định rằng các loại rau “hoang dại” có hương vị phong phú hơn.
Tôi bảo với người phóng viên đó rằng khi rau củ được trồng trên ruộng đã chuẩn bị sẵn, sử dụng phân bón hoá học (NPK), thì chúng được cung cấp ni-tơ, phốt-phát và kali. Nhưng khi rau củ được trồng trên nền đất tự nhiên với lớp đất mặt giàu chất hữu cơ, chúng sẽ có được một chế độ dinh dưỡng cân bằng hơn. Sự có mặt của nhiều loại cây cỏ hoang dại đồng nghĩa với một lượng phong phú các đa chất và vi chất dinh dưỡng thiết yếu có sẵn để cung cấp cho rau củ. Cây cối sinh trưởng trong lớp đất thịt cân bằng như vậy sẽ có hương vị tinh tế hơn.
Các loại thảo mộc ăn được, rau dại, cây cối mọc trên núi và trên đồng cỏ có giá trị dinh dưỡng rất cao và cũng có tác dụng làm thuốc. Thực phẩm và thuốc không phải là hai thứ khác nhau: chúng là mặt trước và mặt sau của một cơ thể. Những thứ rau củ nuôi bằng chất hoá học có thể dùng làm thực phẩm để ăn, nhưng chúng không thể dùng làm thuốc được.
Khi ta đi tìm hái và ăn bảy loại thảo dược mùa xuân[25], tinh thần ta trở nên thư thái. Còn khi ăn chồi dương xỉ, cây vi và rau tề thái ta sẽ trở nên điềm tĩnh. Để giảm cảm giác bồn chồn, nôn nóng thì dùng rau tề thái là tốt nhất. Người ta nói rằng nếu trẻ con ăn rau tề thái, chồi liễu hoặc những con côn trùng sống trên cây thì sẽ chữa được những cơn khóc lóc bộc phát, và hồi xưa bọn trẻ con thường bị bắt phải ăn. Daikon (củ cải Nhật) có tổ tiên là một loại cây gọi là nazuna (rau tề thái), từ nazuna này có liên quan với từ nagomu, có nghĩa là làm dịu đi. Daikon là loại “thảo dược làm mềm dịu tính khí con người.”
Giữa những khóm củ cải hoang và cải cay.
Trong số các loại thức ăn hoang dã thì côn trùng thường không được ngó ngàng tới. Trong thời gian chiến tranh, lúc còn làm việc ở trung tâm nghiên cứu, tôi được phân công xác định xem những loại côn trùng nào ở khu vực Đông Nam Á là có thể ăn được. Khi điều tra về chuyện này, tôi kinh ngạc khi khám phá ra rằng hầu như bất kỳ con côn trùng nào cũng có thể ăn được.
Lấy ví dụ, chẳng ai có thể nghĩ là rận hay bọ chét có thể dùng được cho bất cứ chuyện gì, nhưng rận, được nghiền nhỏ và ăn cùng với ngũ cốc mùa đông, là một phương thuốc chữa động kinh, còn bọ chét thì là thuốc chữa tê cóng. Tất cả ấu trùng của côn trùng hoàn toàn có thể ăn được, nhưng phải ăn sống. Tra cứu các văn bản cổ, tôi tìm thấy những câu chuyện liên quan tới “các món đặc biệt” được làm từ giòi lấy từ nhà xí, còn mùi vị của con tằm quen thuộc được nhắc tới là thanh tao không gì sánh được. Ngay cả những con bướm đêm ăn cũng rất ngon nếu ta rũ hết phấn khỏi cánh của chúng trước.
Như vậy, dù từ quan điểm hương vị hay từ quan điểm sức khỏe, nhiều thứ mà con người coi là gớm ghiếc thực ra lại khá là ngon và tốt cho cơ thể con người.
Những loại rau nào mà về mặt sinh học gần nhất so với tổ tiên hoang dại của chúng thì sẽ có hương vị tuyệt nhất và có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Ví dụ, trong họ huệ (gồm nira – tỏi tây, tỏi, tỏi Tàu, hành tăm, củ kiệu, và hành củ) thì nira và tỏi Tàu cho giá trị dinh dưỡng cao nhất, làm thảo dược tốt, và cũng có tác dụng như một loại thuốc bổ cho sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên đối với phần lớn mọi người, các giống thuần hoá hơn chẳng hạn như hành tăm hay hành củ, lại được coi là có vị ngon nhất. Vì lý do nào đó, con người hiện đại thích hương vị các loại rau củ không còn ở trạng thái hoang dã ban đầu của chúng nữa.
Sở thích đối với các thực phẩm có nguồn gốc động vật cũng tương tự như vậy. Ăn vào người thịt chim hoang thì tốt cho cơ thể hơn là những con gia cầm thuần hoá, chẳng hạn như gà vịt, thế nhưng những con gia cầm này, nuôi ở trong một môi trường rời xa nơi sinh sống tự nhiên của chúng, lại được xem là có vị ngon và được bán với giá cao. Sữa dê có giá trị dinh dưỡng cao hơn sữa bò, nhưng chính sữa bò mới là loại sữa có nhu cầu sử dụng cao hơn.
Những loại thực phẩm đã xa rời trạng thái hoang dã của chúng và những loại được nuôi trồng bằng hoá chất hoặc trong môi trường được sắp đặt hoàn toàn dưới bàn tay con người sẽ làm mất cân bằng tiến trình hoá học bên trong cơ thể. Thể chất càng trở nên mất cân bằng, người ta lại càng trở nên ham muốn những loại thực phẩm phi tự nhiên. Tình trạng này rất nguy hại cho sức khỏe.
Nói rằng người ta ăn gì chỉ đơn thuần là chuyện sở thích cá nhân, như thế là đánh lạc hướng, bởi lẽ một chế độ ăn uống phi tự nhiên hay ngoại lai sẽ gây khó cho người nông dân và cả ngư dân nữa. Dường như người ta càng ham muốn nhiều thì người ta lại càng phải lao động nhiều hơn để thỏa mãn chúng. Một số loại cá, chẳng hạn như cá ngừ đại dương và cá cam nổi tiếng, phải đánh bắt xa bờ trong khi cá mòi, cá tráp, cá bơn và các loại cá nhỏ khác thì có thể đánh bắt với số lượng dồi dào ngay tại biển Nội Hải. Nói về mặt dinh dưỡng, những sinh vật sống ở sông suối nước ngọt, chẳng hạn như cá chép, ốc ao, tôm đồng, cua đầm lầy v.v. thì tốt hơn cho cơ thể so với những loài nước mặn. Tiếp đến là cá biển khu vực nước nông, và cuối cùng mới là cá biển sống ở khu vực nước sâu và xa bờ. Thực phẩm ở gần quanh là tốt nhất cho thể chất con người, còn những thứ mà con người phải vất vả mới có được lại chẳng có ích lợi gì mấy.
Điều đó nói lên rằng nếu người ta chấp nhận những gì gần tầm tay, thì mọi thứ sẽ tốt đẹp. Nếu nông dân sống trong làng này chỉ ăn những thực phẩm có thể trồng hoặc hái được tại chỗ thì sẽ không có chuyện gì sai lầm cả. Cuối cùng thì, giống như nhóm người trẻ tuổi sống trong những cái chòi trên khu vườn, người ta sẽ thấy đơn giản nhất là ăn gạo lứt và đại mạch, kê không đánh bóng, kiều mạch, cùng với các loại thảo mộc theo mùa và rau củ bán hoang dã. Đó là loại thức ăn tốt nhất, có hương vị và tốt cho cơ thể.
Nếu 22 giạ lúa gạo (600 ký) và 22 giạ ngũ cốc mùa đông thu hoạch được từ một nghìn mét vuông ruộng, như một trong những thửa ruộng ở đây, thì một thửa ruộng đó sẽ nuôi sống được từ năm đến mười người, mà mỗi người chỉ cần bỏ ra trung bình chưa đến một giờ làm việc mỗi ngày. Nhưng nếu ruộng đó biến thành đồng cỏ cho gia súc, hay nếu lượng ngũ cốc đó được đem cho gia súc ăn thì mỗi nghìn mét vuông đất chỉ nuôi sống được một người. Thịt trở thành một thứ thực phẩm xa xỉ khi việc sản xuất ra nó đòi hỏi phải chiếm diện tích đất mà lẽ ra có thể dùng để cung cấp thức ăn cho con người sử dụng trực tiếp được[26]. Điều này đã được chứng minh một cách rõ ràng và rạch ròi. Mỗi người cần phải suy ngẫm một cách nghiêm túc xem mình đã gây ra bao khó khăn vất vả khi chạy theo những loại thực phẩm phải quá tốn kém mới sản xuất ra được.
Thịt và các thực phẩm nhập khẩu khác là xa xỉ phẩm vì chúng đòi hỏi nhiều năng lượng và tài nguyên hơn các loại rau củ ngũ cốc truyền thống sản xuất được tại chỗ. Kết quả là những ai tự đặt giới hạn cho mình chỉ sử dụng một chế độ ăn đơn giản kiểu địa phương sẽ không cần làm việc nhiều và sử dụng ít đất đai hơn so với những người thích ăn đồ xa xỉ.
Nếu người ta tiếp tục ăn thịt và thực phẩm nhập khẩu thì trong vòng mười năm chắc chắn nước Nhật sẽ rơi vào khủng hoảng thực phẩm. Trong vòng ba mươi năm sẽ có sự thiếu hụt thực phẩm trầm trọng. Cái ý tưởng ngớ ngẩn tràn tới từ nơi nào không biết, bảo rằng việc thay đổi từ ăn cơm sang ăn bánh mì là dấu hiệu của sự cải thiện trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Thực sự không phải như vậy. Gạo lứt và rau củ trông có vẻ là một chế độ ăn đạm bạc, nhưng đấy là chế độ ăn rất tốt về mặt dinh dưỡng và cho phép con người ta sống một cách đơn giản và ngay thật.
Nếu thực sự chúng ta có khủng hoảng lương thực thì nó sẽ không phải do năng lực của tự nhiên không đủ, mà là do bởi ham muốn vô độ của con người.
40 năm trước, hệ quả của sự thù địch chính trị gia tăng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản khiến cho việc nhập khẩu lúa mì từ Mỹ trở nên bất khả. Cả nước có phong trào trồng lúa mì. Các giống lúa mì Mỹ đang được sử dụng đòi hỏi một thời vụ dài và lúa chín vào tầm giữa mùa mưa ở Nhật. Cho dù người nông dân đã phải bỏ ra rất nhiều công sức chăm sóc, hạt lúa mì vẫn thường bị thối trong lúc thu hoạch. Những giống lúa này rất thất thường và dễ nhiễm bệnh, vì thế cho nên nông dân không muốn trồng lúa mì nữa. Khi nghiền bột và nướng theo cách truyền thống, vị của nó ghê đến nỗi ta gần như bị nghẹn và phải nhổ nó ra.
Các giống hắc mạch và đại mạch truyền thống của Nhật có thể thu hoạch vào tháng năm, trước mùa mưa, vì thế chúng là giống cây trồng tương đối an toàn. Nhưng dù sao đi nữa, người nông dân vẫn bị ép phải trồng lúa mì. Ai cũng cười nhạo và nói chẳng có gì tệ hơn là việc trồng lúa mì, nhưng họ vẫn kiên nhẫn tuân theo chính sách (trồng lúa mì) của chính phủ.
Sau chiến tranh, lúa mì Mỹ lại được nhập với số lượng lớn, làm cho lúa mì trồng tại Nhật bị rớt giá. Điều này cộng thêm với nhiều lý do khác, đem lại lí do chính đáng cho việc ngưng trồng lúa mì. “Hãy từ bỏ lúa mì, hãy từ bỏ lúa mì” là khẩu hiệu được các nhà lãnh đạo nông nghiệp của chính phủ tuyên truyền khắp cả nước, và nông dân vui vẻ hưởng ứng. Cùng lúc đó, do giá lúa mì nhập khẩu thấp, chính phủ lại khuyến khích nông dân ngừng luôn cả việc trồng các cây vụ đông truyền thống là hắc mạch và đại mạch. Chính sách này được thực hiện và các đồng lúa của Nhật bị bỏ hoang suốt cả mùa đông.
Khoảng mười năm trước tôi được chọn làm người đại diện cho tỉnh Ehime trong cuộc thi “Người nông dân nổi bật của năm” trên kênh truyền hình NHK. Vào thời điểm đó, một thành viên Ban giám khảo đã hỏi tôi: “Ông Fukuoka này, sao ông không từ bỏ việc trồng hắc mạch và đại mạch?” Tôi trả lời: “Hắc mạch và đại mạch là những loại dễ trồng, và bằng việc trồng chúng luân phiên với lúa gạo chúng ta có thể sản xuất được sản lượng lương thực lớn nhất từ những cánh đồng nước Nhật. Đó là lý do vì sao tôi không từ bỏ chúng.”
Rõ ràng là không có người nào bướng bỉnh đi ngược lại ý muốn của Bộ Nông nghiệp lại có thể được vinh danh “Người nông dân điển hình” nên tôi nói tiếp: “Nếu đấy là cái khiến cho một người không nhận được giải thưởng Người nông dân điển hình, tôi không có nó thì hơn.” Sau này có một thành viên trong Ban giám khảo nói với tôi: “Nếu có rời khỏi trường đại học và tự mình làm nông, chắc tôi cũng sẽ làm như ông, trồng lúa gạo mùa hè và hắc mạch với đại mạch vào mùa đông, năm nào cũng như năm nào, như thời trước chiến tranh vậy.”
Không lâu sau đó, tôi xuất hiện trên chương trình truyền hình của đài NHK trong một cuộc thảo luận với nhiều vị giáo sư đại học, và lúc đó tôi lại bị đặt câu hỏi: “Tại sao ông không từ bỏ việc trồng hắc mạch và đại mạch?” Tôi tuyên bố lại một lần nữa rất rõ ràng rằng tôi không định từ bỏ chúng cho dù có đưa ra bất cứ lý do nào trong hàng tá lý do nghe hay ho. Vào thời điểm đó, khẩu hiệu cho việc từ bỏ việc trồng trọt vụ đông là: “Một cái chết khoan dung.” Ý là chuyện thực hành trồng luân phiên ngũ cốc vụ đông và lúa gạo nên ra đi một cách êm thấm. Nhưng “cái chết khoan dung” là cách nói quá nhẹ nhàng; vì Bộ Nông nghiệp thực bụng muốn nó chết dúi chết nhủi. Khi thấy rõ mục đích chính của chương trình này là cổ vũ cho sự kết liễu nhanh gọn việc trồng ngũ cốc vụ đông, mặc cho nó “chết đường chết chợ,” có thể nói như vậy, tôi đã nổi cơn thịnh nộ.
Bốn mươi năm trước, họ kêu gọi trồng lúa mì, trồng ngũ cốc ngoại nhập, trồng cái loại cây vô dụng và bất khả thi. Rồi người ta nói các giống hắc mạch và đại mạch của Nhật không có giá trị thực phẩm cao như ngũ cốc Mỹ và thế là nông dân phải tiếc nuối từ bỏ việc trồng những loại ngũ cốc truyền thống này. Khi tiêu chuẩn sống tăng lên nhanh chóng, lời tuyên bố đưa ra là hãy ăn thịt, ăn trứng, uống sữa và chuyển từ ăn cơm sang ăn bánh mì. Ngô, đậu nành và lúa mì được nhập vào với số lượng ngày càng tăng. Lúa mì của Mỹ rẻ tiền, vì thế việc trồng hắc mạch và đại mạch bị bỏ bê. Nền nông nghiệp Nhật Bản đã sử dụng những biện pháp buộc người nông dân phải làm những công việc bán thời gian ở thành thị để có tiền mua những nông sản mà họ được bảo là đừng có trồng.
Và giờ, khi mối quan ngại mới về việc thiếu hụt nguồn thực phẩm nổi lên, việc tự túc sản xuất hắc mạch và đại mạch lại được khuyến khích. Họ nói rằng thậm chí sẽ có tiền trợ cấp cho việc đó nữa. Nhưng trồng ngũ cốc vụ đông truyền thống trong một vài năm rồi lại bỏ không trồng sẽ là không đủ. Một chính sách nông nghiệp đáng tin cậy phải được thiết lập. Bởi lẽ Bộ Nông nghiệp không rõ ràng ngay từ đầu trong việc khuyến khích nên trồng cái gì, và bởi vì Bộ này không hiểu mối kết ràng giữa cái được trồng trên đồng ruộng với chế độ ăn của người dân, việc đưa ra một chính sách nông nghiệp nhất quán vẫn là điều bất khả thi.
Nếu đội ngũ viên chức của Bộ chịu lên núi và ra đồng cỏ, nhặt hái cho đủ bảy loại thảo dược mùa xuân, cùng bảy loại thảo dược mùa thu (cát cánh, sắn dây (kudzu), cúc bạc (vi hoàng), nữ lang, đậu chĩa ba Nhật, cẩm chướng dại và cỏ lau Nhật) rồi thưởng thức chúng, họ sẽ biết ngọn nguồn nuôi dưỡng con người là cái gì. Nếu nghiên cứu sâu hơn, họ sẽ thấy rằng ta có thể sống khỏe với những nông sản nội địa truyền thống như gạo, đại mạch, hắc mạch, kiều mạch và rau củ, và từ đó họ có thể quyết định một cách đơn giản rằng đấy là tất cả những gì mà nền nông nghiệp Nhật cần gieo trồng. Nếu đó là tất cả những gì mà người nông dân phải trồng trọt, việc làm nông sẽ trở nên rất dễ dàng.
Cho đến tận bây giờ, kiểu tư duy của các kinh tế gia hiện đại vẫn là: cách làm nông quy mô nhỏ, tự cấp tự túc là sai lầm, rằng đấy chỉ là một kiểu nông nghiệp sơ khai cần phải loại bỏ càng nhanh càng tốt. Họ nói rằng diện tích của mỗi cánh đồng phải mở rộng ra để đáp ứng với việc chuyển sang nền nông nghiệp quy mô lớn kiểu Mỹ. Cách suy nghĩ này không chỉ áp đặt ở trong nông nghiệp không thôi, sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực khác cũng chuyển dịch theo hướng như thế.
Mục tiêu đặt ra là chỉ cần một số ít người làm nông. Những người có thẩm quyền trong nông nghiệp nói rằng ít người hơn mà sử dụng máy móc cỡ lớn, hiện đại thì vẫn có thể thu được sản lượng cao hơn trên cùng một diện tích đất. Đấy được xem là sự tiến bộ trong nông nghiệp. Sau chiến tranh, có khoảng 70 đến 80 phần trăm người Nhật là nông dân. Con số này thay đổi nhanh chóng xuống còn 50%, rồi 30%, 20%, và bây giờ đứng ở quanh mức 14%. Ý định của Bộ Nông nghiệp là đạt được tỷ lệ giống như Châu Âu và Mỹ, giữ cho tỉ lệ nông dân ở dưới 10% dân số, số còn lại thì không khuyến khích.
Theo quan điểm của tôi, nếu 100% dân số đều làm nông thì mới là lý tưởng. Ở Nhật, mỗi đầu người chỉ có một nghìn mét vuông đất trồng trọt. Nếu mỗi người dân được cấp cho một nghìn mét vuông, nghĩa là 5000 mét vuông cho mỗi hộ năm người, như thế là quá đủ đất trồng để nuôi sống cả hộ gia đình trong cả năm. Nếu thực hành cách làm nông tự nhiên, người nông dân cũng sẽ có nhiều thời gian nhàn tản và dành cho các hoạt động xã hội trong cộng đồng làng xóm. Tôi nghĩ đây là con đường trực tiếp nhất đưa đất nước này trở thành một dải đất đầy niềm vui và hạnh phúc.
Ham muốn vô độ của con người là nguyên nhân cơ bản đưa thế giới đến tình trạng khó khăn hiện nay.
Nhanh còn hơn chậm, nhiều còn hơn ít – sự “phát triển” hào nhoáng này liên quan trực tiếp đến sự sụp đổ đang treo lơ lửng trên đầu xã hội. Nó chỉ có tác dụng chia cắt con người khỏi tự nhiên. Nhân loại phải thôi nuông chiều cho cái ham muốn sở hữu vật chất và lợi ích cá nhân, thay vào đó, hãy hướng tới nhận thức tâm linh.
Nông nghiệp phải thay đổi từ các hoạt động cơ giới cỡ lớn xuống các trang trại nhỏ gắn liền với bản thân sự sống. Đời sống vật chất và chế độ ăn uống cần phải đơn giản đi. Nếu làm được điều đó, lao động sẽ trở thành niềm vui, và đời sống tinh thần sẽ trở nên phong phú hơn.
Người nông dân càng tăng quy mô hoạt động thì thể chất và tinh thần của anh ta càng hao mòn, và rồi anh ta sẽ càng rời xa một cuộc sống mãn nguyện về tinh thần. Cuộc sống của người nông dân làm việc quy mô nhỏ có thể trông có vẻ sơ khai, nhưng trong việc sống một cuộc sống như vậy, chuyện suy ngẫm về Đại Đạo[27] là điều có thể. Tôi tin rằng nếu người ta thấu hiểu được sâu sắc môi trường xung quanh mình và thế giới thường ngày mà anh ta đang sống, thì sự kỳ vĩ của vạn giới sẽ được hiển bày.
Ngày xưa, vào những dịp cuối năm, người nông dân chỉ có một mẫu đất trong tay thường dành ra ba tháng từ tháng giêng tới tháng ba để đi săn thỏ trên đồi. Dù bị gọi là một nông dân nghèo, nhưng ông ta vẫn có tự do theo cách đó. Kỳ nghỉ năm mới kéo dài khoảng ba tháng. Dần dần, kỳ nghỉ lễ này rút ngắn xuống còn hai tháng, một tháng, và bây giờ ngày Tết chỉ còn là kỳ nghỉ ba ngày.
Sự teo nhỏ số ngày nghỉ Tết cho thấy người nông dân trở nên bận rộn thế nào, và đánh mất đi niềm hạnh phúc vui sống về thể chất cũng như tinh thần ra sao. Trong nền nông nghiệp hiện đại không có thời gian cho người nông dân viết một bài thơ hoặc sáng tác một bài hát.
Một ngày nọ, trong khi lau chùi miếu thờ nhỏ trong làng, tôi ngạc nhiên khi để ý thấy có vài tấm bảng treo trên tường. Chùi đi lớp bụi và nhìn vào các chữ cái đã mờ phai, tôi có thể nhìn ra hàng tá bài thơ haiku. Ngay cả trong một cái làng nhỏ như vậy, tầm hai mươi hoặc ba mươi người, cũng đã sáng tác được thơ haiku và dâng chúng lên như lễ vật. Điều đó cho thấy trong cuộc sống ngày xưa, người ta đã có bao nhiêu là ‘không gian rộng mở’[28]. Một vài bài thơ hẳn đã vài trăm năm tuổi. Đã xa xưa lắm rồi, nên họ hẳn là những người nông dân nghèo, nhưng vẫn có sự nhàn tản để viết haiku.
Giờ thì chẳng có ai trong cái làng này rảnh rỗi để mà làm thơ nữa. Trong những tháng mùa đông lạnh giá, chỉ có một số ít dân làng có thể kiếm được chút thời gian để lẻn ra ngoài săn thỏ một hay hai ngày. Bây giờ, những lúc nhàn tản, ti vi là trung tâm của sự chú ý, và không có chút thời gian nào cho những thú tiêu khiển đơn giản mang lại sự phong phú cho cuộc sống hằng ngày của người nông dân nữa. Điều tôi muốn nói là, nông nghiệp đã trở nên nghèo nàn và yếu đuối về tinh thần; bản thân nó đang chỉ dành mối quan tâm tới sự phát triển về vật chất mà thôi.
Lão Tử, một hiền nhân của Đạo Lão, nói rằng có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và tươm tất trong một ngôi làng nhỏ. Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư của phái Thiền trong Phật giáo, đã trải qua chín năm sống trong hang không chút chộn rộn[29]. Lo lắng về chuyện kiếm tiền, mở rộng, phát triển, trồng những thứ cây kiếm ra tiền rồi vận chuyển chúng đi không phải là con đường dành cho người nông dân. Chỉ ở ngay đây, chăm lo cho một cánh đồng nhỏ, sở hữu hoàn toàn sự tự do và sung túc mỗi ngày, mọi ngày – đấy hẳn vẫn là cách thức khởi nguyên của nông nghiệp.
Việc cắt đôi trải nghiệm cuộc sống rồi gọi một bên vật chất và bên kia tinh thần là hạn hẹp và rối rắm. Con người không sống phụ thuộc vào thức ăn. Rốt cuộc thì chúng ta cũng không thể biết thức ăn là gì. Thậm chí sẽ tốt hơn nếu người ta thôi nghĩ về thức ăn đi. Tương tự như vậy, sẽ tốt đẹp cả nếu người ta thôi làm bản thân mình bận lòng về chuyện khám phá ra “ý nghĩa thực của sự sống”; chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết được những câu trả lời cho những câu hỏi lớn về tâm linh, có không hiểu thì cũng chẳng làm sao cả. Chúng ta được sinh ra và đang sống trên trái đất này là để trực diện với hiện thực của Việc Sống.
“Trong nền nông nghiệp hiện đại không có thời gian cho người nông dân viết một bài thơ hoặc sáng tác một bài hát.”
Việc Sống không gì hơn là hệ quả của việc được sinh ra. Bất kể con người ăn gì để sống, bất kể người ta nghĩ mình phải ăn gì để sống, thì đấy không gì hơn cũng chỉ là một thứ nào đó mà họ nghĩ ra. Thế giới này tồn tại theo cách mà nếu người ta đặt qua một bên ý chí của mình, thay vào đó cứ để cho tự nhiên dẫn dắt thì sẽ chẳng có lý do gì để sợ chết đói.
An trú trong hiện tại – đấy là căn bản thực sự của đời sống con người. Khi một tri thức khoa học ngây ngô trở thành nền tảng của việc sống, người ta sẽ sống như thể chỉ dựa vào có mỗi tinh bột, chất béo, và protein, còn cây cối thì chỉ dựa vào mỗi ni-tơ, phốt phát, và kali.
Hơn nữa, các nhà khoa học, bất kể họ nghiên cứu thiên nhiên bao nhiêu và bao xa, cuối cùng cũng chỉ đi đến nhận ra thiên nhiên hoàn hảo và bí ẩn tới mức nào. Tin rằng nhờ vào việc nghiên cứu và bằng phát kiến, nhân loại có thể tạo ra một cái gì đó tốt hơn cả tự nhiên là điều ảo tưởng. Tôi nghĩ rằng người ta đang gắng sức không vì lý do nào khác hơn là để biết được cái mà ta có thể gọi là sự ‘bất khả tư nghị’[30] về cái bao la của tự nhiên.
Vì thế đối với người nông dân trong công việc của mình: hãy phụng sự tự nhiên rồi mọi chuyện đều sẽ đâu vào đó. Làm nông đã từng là công việc thiêng liêng. Khi nhân loại rời xa khỏi lý tưởng này là khi nền nông nghiệp thương mại hiện đại bắt đầu. Khi người nông dân bắt đầu trồng cây để kiếm tiền, ông ta đã quên mất những nguyên tắc thực sự của nông nghiệp.
Tất nhiên nhà buôn có một vai trò riêng trong xã hội, nhưng sự vinh danh các hoạt động của thương lái có khuynh hướng kéo con người ra khỏi việc nhận chân được cội nguồn của sự sống. Làm nông, với tư cách là một nghề, ở bên trong tự nhiên, thì gần với nguồn sống này nhất. Nhiều nông dân không để tâm nhận thức về tự nhiên ngay cả khi đang sống và làm lụng trong môi trường tự nhiên, nhưng với tôi, việc làm nông luôn mang lại cho người ta rất nhiều cơ hội để có được sự nhận thức lớn lao hơn.
“Liệu mùa thu tới có mang theo gió hay mưa, tôi không thể nào biết được, nhưng hôm nay tôi sẽ làm lụng trên đồng.” Đó là những lời của một bài dân ca cổ. Chúng biểu đạt sự thật về việc làm nông như là một cách sống. Bất kể việc mùa màng có thành ra thế nào, bất kể sẽ có đủ thức ăn để ăn hay không, trong việc gieo hạt và dịu dàng chăm lo cho cây cối dưới sự dẫn dắt của thiên nhiên luôn chứa đựng niềm vui.
Tôi đặc biệt không thích từ “làm việc.” Con người là loài động vật duy nhất phải làm việc, và tôi nghĩ đó là điều nực cười nhất trên thế giới này. Các động vật khác kiếm sống bằng cách sống, nhưng con người thì làm việc như điên, nghĩ rằng mình phải làm vậy mới sống được. Công việc càng lớn lao, thách thức càng cao thì họ nghĩ nó càng tuyệt vời. Sẽ tốt biết bao khi từ bỏ cách nghĩ ấy và sống một cuộc sống dễ dàng, thoải mái với bao nhiêu là thời gian rảnh rỗi. Tôi nghĩ đấy là cách mà các con thú sống ở những vùng nhiệt đới, sáng sáng tối tối bước ra ngoài xem có gì để ăn không, trưa thì đánh một giấc dài, hẳn đó phải là một cuộc sống tuyệt vời.
Đối với con người, một cuộc sống giản dị như vậy là có thể, nếu người ta làm việc để đáp ứng trực tiếp nhu cầu hàng ngày của mình. Trong một cuộc sống như thế, lao động chẳng phải là lao động như người ta thường nghĩ, mà đơn giản chỉ là làm những gì cần làm.
Mục đích của tôi là đưa mọi việc theo chiều hướng này. Đó cũng là mục tiêu của bảy, tám người trẻ sống cùng nhau trong những cái chòi trên núi và giúp nhau làm những việc nho nhỏ của nhà nông. Những người thanh niên này muốn trở thành nông dân, thành lập những làng mới, những cộng đồng mới, và thử sống theo cách ấy. Họ đến với trang trại của tôi để học hỏi các kỹ năng thực tế của việc làm nông mà họ sẽ cần tới.
Nếu ta nhìn khắp cả nước, thời gian gần đây có khá nhiều cộng đồng đang mọc lên. Nếu họ bị gán cho cái tên là những ổ hippy, thì cứ nhìn nhận họ là như vậy. Nhưng trong việc sống và làm việc cùng nhau, trong việc tìm đường quay trở về với tự nhiên, họ chính là kiểu mẫu của “người nông dân mới.” Họ hiểu rằng sống từ sản vật trên mảnh đất của chính mình mới là cuộc sống bền chắc. Một cộng đồng mà không thể xoay xở sản xuất thực phẩm cho chính mình thì sẽ không tồn tại được lâu.
Nhiều người trong số những thanh niên này du hành tới Ấn Độ, hoặc đến làng Gandhi ở Pháp, dành thời gian làm việc trong những kibbutz ở Israel, hoặc tới thăm những cộng đồng sống trên núi và sa mạc Tây Mỹ. Có những nhóm như nhóm người trên đảo Suwanose trong quần đảo Tokara phía Nam nước Nhật, họ thử nghiệm những kiểu sống gia đình mới mẻ và trải nghiệm sự thân thuộc giống với các cách sống bộ lạc. Tôi nghĩ rằng phong trào của những người này đang mở đường cho một thời đại tốt đẹp hơn. Chính từ những thanh niên đó mà việc làm nông tự nhiên nhanh chóng đứng vững và tạo được đà phát triển.
Thêm vào đó, nhiều nhóm tôn giáo khác nhau cũng đang tiếp nhận cách làm nông tự nhiên. Trong việc tìm kiếm bản chất cốt tủy của con người, bất kể ta tiếp cận theo cách nào, ta cũng phải bắt đầu bằng việc xem xét vấn đề sức khỏe. Con đường dẫn đến chánh niệm bao hàm việc sống mỗi ngày một cách đơn giản, chỉ nuôi trồng cũng như ăn thực phẩm tự nhiên và toàn phần. Cho nên chuyện làm nông tự nhiên đối với nhiều người luôn là điểm tốt nhất để bắt đầu.
Bản thân tôi không thuộc về bất cứ một nhóm tôn giáo nào và tôi sẽ thảo luận quan điểm của tôi một cách cởi mở với bất kỳ ai. Tôi không quan tâm lắm việc phân biệt rạch ròi giữa Thiên chúa giáo, Phật giáo, Thần đạo và các tôn giáo khác, nhưng tôi thấy thật tò mò là những người có niềm tin tâm linh sâu sắc lại đang bị cuốn hút đến với trang trại của tôi. Tôi nghĩ đấy là do việc làm nông tự nhiên không giống với các kiểu làm nông khác, nó dựa trên một triết lý thâm sâu vượt qua khỏi những quan tâm về phân tích tính chất đất, độ pH và sản lượng thu hoạch.
Một thời gian trước đây, có anh bạn từ Trung tâm làm vườn hữu cơ Paris đã trèo lên núi này và chúng tôi trò chuyện cả ngày với nhau. Nghe về những sự vụ xảy ra ở nước Pháp, tôi được biết rằng họ đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị về nông nghiệp hữu cơ quy mô quốc tế, và để chuẩn bị cho buổi gặp gỡ đó, anh chàng người Pháp này đang đi thăm các nông trại hữu cơ và tự nhiên trên khắp thế giới. Tôi dẫn anh ta đi thăm thú quanh vườn cây, rồi cùng ngồi xuống uống một tách trà ngải và bàn luận về một số những quan sát của tôi trong vòng hơn ba mươi năm qua.
Trước tiên, tôi nói khi ta xem xét những nguyên tắc làm nông hữu cơ phổ biến ở phương Tây, ta sẽ thấy chúng hầu như không khác gì mấy so với nền nông nghiệp truyền thống phương Đông được thực hành ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản trong nhiều thế kỷ. Tất cả nông dân Nhật vẫn còn sử dụng kiểu làm nông này suốt thời Minh Trị (Meiji) và Đại Chính (Taisho) (1868-1926) cho tới khi kết thúc Thế chiến thứ hai.
Đó là hệ thống nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của phân mùn và việc tái sử dụng các chất thải của người và động vật. Phương thức canh tác rất chuyên sâu và bao gồm những phương thức như luân canh, cộng sinh, cùng với việc sử dụng phân xanh. Vì không gian trồng trọt có hạn nên các cánh đồng không bao giờ bị bỏ không, thời khoá biểu trồng và thu hoạch được tiến hành rất chính xác. Tất cả những phần hữu cơ thừa ra đều được biến thành phân mùn vi sinh và cho quay trở lại bón ruộng. Việc sử dụng phân mùn vi sinh được chính thức khuyến khích và các nghiên cứu trong nông nghiệp chủ yếu là liên quan tới chất hữu cơ và các kỹ thuật ủ phân.
Đó là một nền nông nghiệp có sự tham gia của động vật, cây trồng và con người, kết hợp thành một thể thống nhất đã tồn tại như một phương thức làm nông chủ đạo của nước Nhật cho đến thời cận đại. Có thể nói nông nghiệp hữu cơ được tiến hành ở phương Tây lấy khởi điểm là nền nông nghiệp truyền thống của phương Đông.
Tôi nói tiếp, trong các phương pháp làm nông tự nhiên có thể phân biệt thành hai loại: cách làm nông tự nhiên kiểu rộng, siêu việt, và cách làm nông tự nhiên kiểu hẹp của thế giới tương đối.[31] Nếu buộc phải nói về nó theo thuật ngữ nhà Phật thì hai cách này có thể gọi một cách tương đối là làm nông tự nhiên Đại thừa và Tiểu thừa.
Làm nông tự nhiên kiểu rộng, Đại thừa, tự nó xuất hiện khi có một sự thống nhất giữa con người và tự nhiên. Nó tuân theo tự nhiên như tự nhiên vốn có và tuân theo tâm trí con người như nó vốn là. Nó xuất phát từ niềm tin rằng nếu cá nhân tạm từ bỏ ý chí của mình, để cho bản thân được dẫn dắt bởi tự nhiên, thì tự nhiên sẽ đáp ứng lại bằng cách cung cấp cho anh ta tất cả những gì anh ta cần. Xin đưa ra một sự so sánh đơn giản, trong cách làm nông tự nhiên siêu việt, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên có thể được ví như một cặp vợ chồng hợp cẩn trong cuộc hôn nhân hoàn hảo. Cuộc hôn nhân này không được ban phát, không được tiếp nhận, mà là cặp đôi hoàn hảo tự hiện hữu.
Còn cách làm nông tự nhiên kiểu hẹp thì ngược lại, phải chạy đuổi theo cách thức của tự nhiên, nó cố gắng đi theo tự nhiên một cách nhuần nhuyễn bằng phương pháp “hữu cơ” hoặc các phương pháp khác. Làm nông chỉ là phương tiện để đạt được một mục tiêu đã định. Mặc dù thực lòng yêu thiên nhiên và tha thiết ngỏ lời với nàng, nhưng mối quan hệ đó vẫn còn trong e ngại. Kiểu làm nông theo công nghiệp hiện đại, vừa ham muốn có được trí khôn của trời mà chẳng nắm bắt được ý nghĩa của nó, lại vừa muốn kiếm chác từ thiên nhiên. Kiếm tìm không ngừng nghỉ, nhưng chẳng thể tìm được ai để gửi trao.
Cái nhìn hạn hẹp về làm nông tự nhiên phát biểu rằng sẽ tốt cho người nông dân nếu bổ sung chất hữu cơ cho đất và nuôi động vật, rằng đấy là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để tự nhiên trở nên hữu dụng. Nói trong giới hạn thực tiễn của mỗi cá nhân thì đó là điều tốt, nhưng chỉ với cách này thì tinh thần thực sự của nông nghiệp tự nhiên không thể duy trì được. Kiểu làm nông tự nhiên hạn hẹp như thế tương tự với trường phái kiếm thuật một nhát chém (onestroke school), nó tìm kiếm thắng lợi qua kỹ năng, thế nhưng vẫn chỉ là sự áp dụng kỹ thuật một cách nhuần nhuyễn mà thôi. Cách làm nông công nghiệp hiện đại đi theo trường phái hai nhát chém (two-stroke school), nó tin rằng chiến thắng có thể đạt được bằng cách chống đỡ được nhiều nhất (những nhát kiếm của đối phương).
Trái lại, làm nông thuần túy tự nhiên là kiểu trường phái không nhát chém (no-stroke school). Nó chẳng đi tới cái đích nào mà cũng không tìm kiếm chiến thắng. Đưa khái niệm “không làm gì cả” vào thực hành là một điều mà người nông dân phải nỗ lực đạt tới. Lão Tử có nói về khía cạnh bất động của tự nhiên, và tôi nghĩ rằng nếu là nông dân ông ấy nhất định sẽ thực hành việc làm nông tự nhiên. Tôi tin rằng cách thức của Gandhi, một phương pháp bất phương pháp, hành động với một tâm thức không đối kháng, không thắng thua, thì cũng giống với làm nông tự nhiên. Khi hiểu được rằng người ta sẽ đánh mất niềm vui và niềm hạnh phúc trong việc cố gắng để sở hữu chúng thì đó là lúc điều cốt yếu của việc làm nông tự nhiên sẽ được nhận chân. Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người.[32]