Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

Lời Giới Thiệu Cho Tái Bản Lần Thứ Nhất

Tác giả: Masanobu Fukuoka

Cuốn sách này đến với tôi trong những ngày tháng khó khăn của cuộc đời, khi cả sức khỏe cơ thể và tinh thần đều giảm sút. Mỗi ngày, tôi uống hàng vốc thuốc, để chống lại những thứ bệnh tật do cả thói quen ăn uống và lối sống căng thẳng gây ra. Tôi nhìn vào chính mình và mọi thứ bằng đôi mắt nghi ngờ, cho rằng thế giới và chính mình sắp đến lúc tận diệt.

Và giờ đây, tôi có thể ở đây và nói với bạn rằng việc đọc cuốn sách này chính là một hạnh ngộ. Vì dù tôi có thể không bao giờ trở thành một người nông dân giỏi giang, nhưng tôi sẽ luôn là một người an bình và hạnh phúc.

Lúc này và mãi mãi về sau, tôi muốn nói về cuốn sách này như một tặng phẩm.

Dù tôi mang cuốn sách này tới tặng bạn, có thể bạn sẽ tự hỏi “Tại sao mình phải đọc một cuốn sách về làm nông trong khi toàn bộ phần đời còn lại của mình sẽ diễn ra tại thành phố?” Thế nhưng, có lẽ đã tới lúc ta nhìn vào việc làm nông theo một con mắt khác, con mắt mà đáng lẽ tất cả chúng ta đã có từ khi còn thơ bé, và rồi bị những tiện nghi làm lu mờ đi.

Tôi đã sống cả một năm mà chỉ bước vào bếp vài ba lần. Bởi lẽ, chỉ cần bước ra đường, tạt ngang vào cửa hàng tiện lợi nào, tôi có thể mua được mọi thứ đồ ăn – tất cả đều được đóng gói kĩ càng, được đóng dấu đảm bảo vệ sinh. Đó là cách của người ta sống nhiều thập kỉ nay, và cũng sẽ là cách mà nhiều người trên thế giới sẽ sống trong nhiều thập kỉ tới. Con người đã quen với sự tiện lợi của mọi thứ tiện nghi mang lại. Chúng ta sống lệ thuộc vào tất cả sự tiện nghi đó mà không nhận ra.

Tôi nhận thấy nỗ lực phát triển của con người từ trước cho tới nay chỉ nhằm hai mục đích: Biến đổi tự nhiên theo ý mình và Ngăn cách mình khỏi tự nhiên. Điều ấy rõ ràng bước đầu mang lại ích lợi cho loài người, giúp chúng ta phân biệt mình ra khỏi các giống loài khác. Chúng ta là loài động vật đầu tiên không chỉ săn bắt hay hái lượm những thứ có sẵn, chúng ta nuôi trồng, sản xuất. Tuy nhiên, điều đáng tiếc của loài người là không bao giờ thấy đủ.

Sản xuất nông nghiệp là bước tiến văn minh đầu tiên của loài người, nhằm đáp ứng cho nhu cầu được đảm bảo sống sót qua những mùa khó săn bắt, không hái lượm. Tuy nhiên, cho đến nay, hàng năm, loài người lãng phí 1/3 lượng thức ăn chúng ta có được. Và để có được từng đó thức ăn mà lãng phí, những người sản xuất lương thực thực phẩm đã không ngừng bón phân, diệt trừ cỏ và sâu bọ, vận chuyển thực phẩm từ lục địa này sang lục địa khác và bảo quản chúng bằng các hóa chất nhân tạo. Thế rồi sau đó, chúng ta cuống quýt tìm cách chữa trị các căn bệnh do hóa chất gây ra. Con người đã tìm cách diệt vong chính mình theo cách đó.

Tôi tự nhận thấy mình chính là nạn nhân của bản thân vì cách sống, ăn uống và suy nghĩ tách rời tự nhiên như vậy. Và nếu mọi sự cứ diễn ra như thế, tôi sẽ đi xa khỏi chính mình, khỏi tự nhiên, và tôi sẽ mãi mãi tự hỏi: Mình phải làm gì đây?

Đúng vậy, chúng ta phải làm gì đây? Câu trả lời nằm trong chính cuốn sách này. Masanobu Fukuoka từng là một nhà nghiên cứu cây trồng và giống tôi, ông từng sống cuộc đời vô tâm, tiện nghi của những con người đô thị. Tuy nhiên, ông đã đi qua một quá trình tự vấn khắc nghiệt để rồi nhận ra tất cả những sự phi lý trong sản xuất nông nghiệp, trong lối sống và tư duy của con người đối với tự nhiên. Hành trình cuộc đời ông, từ khi còn là một nhà nghiên cứu nông nghiệp tuyệt vọng cho đến lúc trở thành một lão nông hạnh phúc, được trình bày lại toàn bộ trong cuốn sách nhỏ này.

Fukuoka vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là một người thực hành. Và chính thông qua việc thực hành đó, ông đã chứng minh được sự phi lý trong những nỗ lực của loài người. Ông đưa ra nguyên tắc “4 Không” trong sản xuất nông nghiệp, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giúp những người nghiên cứu và lao động nông nghiệp khác nhận ra rằng chúng ta không cần phải “đè đầu cưỡi cổ” tự nhiên. Tự nhiên đã là một chỉnh thể hài hòa, hoàn hảo, và may mắn thay, nó cho phép loài người là một phần trong chỉnh thể đó.

Nông nghiệp trong thế giới quan của Fukuoka không phải là một thứ ngành nghề phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của loài người. Trái lại, đó là cách giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc sống thuận tự nhiên, và giảm bớt đi những nhu cầu vốn chỉ đưa ta đến bệnh tật và đau khổ. Trồng cây là một cách thanh lọc và bồi đắp cho cá nhân, và chúng ta có thể làm điều đó một cách đơn giản, nhàn tản khi đã hiểu thế nào là thuận tự nhiên.

Thông qua chính việc sản xuất và sử dụng lương thực, lão nông này còn giúp chúng ta nhận ra được ý nghĩa của sự tồn tại trong thế giới. Khi tự coi mình là một phần của tự nhiên, chúng ta sẽ hiểu thế nào là ngon, là đủ. Và điều đó không chỉ áp dụng cho riêng việc ăn uống để duy trì sự tồn tại, mà còn cho tất cả những phương diện khác trong cuộc sống. Tác giả chỉ cho ta một con đường đi đến hạnh phúc, và con đường đó không cần đến một nỗ lực khó khăn nào hay chiến thắng nào cả, đó là điều cốt lõi của việc “vô canh.”

Đối với riêng tôi, điều lớn lao nhất của cuốn sách này là sự khai sáng: Biết cách “không làm gì cả” chính là việc sống có ý nghĩa. Masanobu Fukuoka đã phải thử và thất bại rất nhiều để đi đến cái đích “Vô” của ông. Gấp cuốn sách lại, tôi “biết” đâu là điều tôi cần chọn bởi đây là một cuốn sách về sự “Biết.” Biết đủ, và biết như thế nào là đủ. Sự biết đó, đưa chúng ta trở về với vị trí của mình và an nhiên. Fukuoka đã trao tặng cho chúng ta điều đó, bằng toàn bộ cuộc đời ông.

Thế nên, tôi thấy mình thật may mắn làm sao đã được trải nghiệm món quà này, để tôi có thêm một lựa chọn để đi đến cái đích hạnh phúc của cá nhân mình. Và bạn cũng vậy, dù bạn ở đâu, bạn là ai, bạn đang làm trong lĩnh vực gì và trạng thái của bạn là như thế nào.

Dịch giả Phương Huyên

Bình luận