Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

Phần 2: Bốn Nguyên Tắc Của Nông Nghiệp Tự Nhiên

Tác giả: Masanobu Fukuoka

Hãy cẩn thận khi đi qua những cánh đồng này. Chuồn chuồn, bướm ngài bay nhộn nhịp. Ong mật vù vù bay từ hoa này sang hoa khác. Vạch lá cây ra bạn sẽ thấy bọn côn trùng, nhện, ếch, thằn lằn và nhiều con vật nhỏ khác đang hối hả ngược xuôi trong bóng mát. Chuột chũi và giun đất thì đào hang dưới mặt đất.

Đó là đồng lúa cân bằng sinh thái. Ở đây, các cộng đồng côn trùng và thực vật duy trì một mối quan hệ ổn định. Bệnh trên cây cối quét qua vùng này không phải là chuyện lạ, nhưng mùa màng trên những cánh đồng của tôi không bị ảnh hưởng.

Giờ hãy nhìn sang cánh đồng của hàng xóm một chút. Cỏ được dọn sạch bằng thuốc diệt cỏ và bằng cách cày xới. Những động vật sống dưới đất và côn trùng bị tiêu diệt bằng thuốc độc. Đất mất sạch chất hữu cơ và các vi sinh vật do sử dụng phân bón hoá học. Vào mùa hè ta sẽ thấy nông dân làm lụng trên đồng, mặt thì đeo mặt nạ còn tay thì mang găng cao su dài. Những cánh đồng lúa này, được trồng cấy đã hơn 1.500 năm qua, nay bị tàn phá bởi các cách thức làm nông tận thu của chỉ một thế hệ.

Thứ nhất là KHÔNG CÀY XỚI ĐẤT, nghĩa là, không cày hoặc lật ngược đất lên. Hàng thế kỷ qua, người nông dân đã cho rằng cày ruộng là việc làm thiết yếu cho việc trồng cây lương thực. Tuy nhiên, không cày xới lại là điều căn bản trong việc làm nông tự nhiên. Đất tự xới trộn khi rễ cây xuyên qua, cùng với hoạt động của các vi sinh vật, động vật nhỏ và giun đất.

Thứ hai là KHÔNG DÙNG PHÂN HOÁ HỌC HOẶC PHÂN Ủ[9]. Con người can thiệp vào thiên nhiên, và dù cố đến mấy họ cũng không thể chữa lành những vết thương do sự can thiệp đó gây ra. Các biện pháp làm nông bất cẩn của họ bòn rút hết các dưỡng chất thiết yếu của đất, và hậu quả là mỗi năm đất lại thêm cằn cỗi. Nếu cứ để tự nó, đất sẽ duy trì được sự màu mỡ một cách tự nhiên, tuân theo chu kỳ có trật tự của đời sống động thực vật.

Thứ ba là KHÔNG LÀM CỎ BẰNG VIỆC CÀY XỚI HAY DÙNG THUỐC DIỆT CỎ. Cỏ có vai trò của nó trong việc tạo ra sự màu mỡ cho đất và trong sự cân bằng của quần thể sinh vật. Nguyên tắc căn bản là, cỏ cần được kiểm soát chứ không phải là loại bỏ. Trên các cánh đồng nhà tôi, dùng lớp phủ bằng rơm, lớp cỏ ba lá hoa trắng mọc xen với cây lương thực và xả nước tạm thời vào đồng là đủ hiệu quả trong việc kiểm soát cỏ.

Thứ tư là KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO HOÁ CHẤT[10]. Kể từ khi các biện pháp làm nông trái tự nhiên như cày bừa và bón phân làm cho cây trồng trở nên yếu đuối, thì bệnh tật và sự mất cân bằng trong cơ cấu côn trùng trở thành vần đề lớn trong nông nghiệp. Thiên nhiên, để mặc nó, tự cân bằng một cách hoàn hảo. Côn trùng gây hại và các loại bệnh trên cây luôn hiện hữu, nhưng trong tự nhiên chúng không diễn ra đến mức phải dùng tới các hoá chất độc hại. Cách tiếp cận hợp lý với vấn đề kiểm soát bệnh tật và côn trùng là trồng các loại cây lương thực cứng cáp trong một môi trường lành mạnh.

Khi đất bị cày xới, môi trường tự nhiên bị biến đổi không còn nhận ra được nữa. Tác động trở lại của những hành động như thế này đã gây ra những cơn ác mộng cho vô số thế hệ nông dân. Lấy ví dụ, khi một khu vực đất tự nhiên bị đặt dưới lưỡi cày, những giống cỏ rất khỏe như cỏ mần trầu và chút chít đôi khi lấn át cả rau màu. Khi những loại cỏ này chiếm chỗ rồi thì năm nào người nông dân cũng phải đối mặt với một nhiệm vụ làm cỏ gần như là bất khả thi. Thường xuyên như vậy, đất đai sẽ bị bỏ hoang.

Đối phó với những vấn đề như vậy, cách giải quyết hợp lý duy nhất là không tiếp tục tiến hành các biện pháp trái tự nhiên nữa, là nguyên nhân từ đầu đã gây ra tình trạng này. Người nông dân cũng có trách nhiệm khắc phục các hậu quả mà họ đã gây ra. Việc cày xới đất phải được dừng lại. Nếu thực hiện các phương pháp nhẹ nhàng như trải rơm, trồng cỏ ba lá thay cho việc sử dụng các hoá chất nhân tạo và máy móc để tiến hành cuộc chiến hủy diệt, môi trường sẽ quay trở lại sự cân bằng tự nhiên của nó và ngay cả những loài cỏ dại phiền toái cũng sẽ kiểm soát được.

Người ta biết đến tôi nhờ câu hỏi “Nếu cứ để mặc đồng ruộng tự phát triển thì độ màu mỡ của đất sẽ tăng hay là sẽ suy kiệt?” khi nói chuyện với chuyên gia về độ màu mỡ của đất. Thường thì họ ngừng lại một lúc rồi nói gì đó kiểu như, “À, để xem nào… Nó sẽ trở nên suy kiệt. À không, sẽ không như thế khi ta nhớ một điều rằng khi trồng lúa trong một thời gian dài trên cùng cánh đồng mà không bón phân, thu hoạch ổn định ở mức 9 giạ (hơn 2 tạ) cho một nghìn mét vuông. Đất sẽ không màu mỡ lên cũng không suy kiệt đi.”

Các chuyên gia này đang nói về đồng lúa nước được cày xới. Nếu để mặc cho tự nhiên làm phận sự của nó, độ màu mỡ sẽ tăng. Chất hữu cơ còn lại của thực vật và động vật được tích tụ và được phân hủy trên bề mặt đất bởi vi khuẩn và nấm. Với sự chuyển động của nước mưa, các chất dinh dưỡng được đưa sâu xuống đất trở thành thức ăn cho vi sinh vật, giun đất, và các động vật nhỏ khác. Rễ cây vươn tới lớp đất sâu hơn và hút các dưỡng chất này lên lại bề mặt đất.

Nếu bạn muốn có một ý niệm về sự mầu mỡ tự nhiên của đất, thi thoảng hãy đến các vùng núi hoang dã và chiêm ngưỡng những cái cây khổng lồ lớn lên mà không cần tới phân bón và cày xới đất. Sự màu mỡ của tự nhiên, như tự bản thân nó, là ngoài sức tưởng tượng.

Đốn đi các cây rừng tự nhiên rồi trồng thông đỏ Nhật Bản hoặc tuyết tùng trong vài thế hệ thôi, đất sẽ cằn cỗi và dễ dàng bị xói mòn. Trái lại, hãy lấy một vùng núi cằn cỗi với lớp đất sét đỏ nghèo nàn rồi trồng thông hoặc tuyết tùng với mặt đất được bao phủ bởi cỏ ba lá và cỏ linh lăng. Khi phân xanh (gồm các loại cây phủ đất chẳng hạn như cỏ ba lá, đậu tằm và cỏ linh lăng, chúng thiết lập điều kiện và nuôi dưỡng đất) làm cho đất màu mỡ và tơi mềm, các loài cỏ dại và các cây bụi sẽ mọc lên bên dưới những cây lớn, và một chu kỳ tái tạo độ màu mỡ cho đất bắt đầu. Có những trường hợp, chưa tới mười năm, tầng đất dày cỡ một tấc phía trên cùng đã trở nên màu mỡ.

Đối với việc trồng các cây lương thực trong nông nghiệp cũng vậy, việc sử dụng phân ủ cũng có thể dừng lại. Hầu hết thì, một lớp phủ cố định làm phân xanh cùng với việc trả lại rơm và trấu cho đất là đủ. Phân chuồng, giúp cho việc phân hủy rơm, thường được tôi lấy từ vịt thả rông trên đồng. Nếu bắt đầu thả vịt con từ khi mạ non thì chúng sẽ lớn lên cùng với lúa. Mười con vịt sẽ cung cấp tất cả lượng phân chuồng cần thiết cho một nghìn mét vuông ruộng và giúp kiểm soát cỏ dại nữa.

Tôi thực hiện việc này trong nhiều năm, cho đến khi người ta làm đường cao tốc chạy ngang qua khiến cho lũ vịt không thể băng qua lộ và quay trở về chuồng. Hiện giờ, tôi dùng một chút phân gà để giúp phân hủy rơm. Ở những nơi khác, việc thả vịt hoặc các động vật chăn thả loại nhỏ khác là khả thi.

Bỏ quá nhiều phân có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Một năm nọ, ngay sau thời điểm người ta cấy lúa, tôi ký hợp đồng thuê 5 mảnh một nghìn mét vuông ruộng lúa mới cấy xong. Tôi xả hết nước ra khỏi đồng và cứ thế mà không sử dụng phân bón hoá học, chỉ dùng một lượng nhỏ phân gà. Bốn thửa phát triển bình thường. Tuy nhiên, ở thửa thứ năm, dù tôi có làm gì đi nữa, các cây lúa vẫn mọc lên quá dày và bị bệnh đạo ôn tấn công. Khi tôi hỏi chủ đất về việc này, ông ta nói đã dùng thửa ruộng này làm bãi chứa phân gà suốt cả mùa đông.

Dùng rơm, phân xanh, và một ít phân gia cầm, người ta có thể thu được năng suất cao mà hoàn toàn không cần phải bón phân ủ hay phân bón thương mại. Tính đến giờ đã vài chục năm rồi, tôi lùi lại và quan sát cách mà tự nhiên làm cho đất tơi xốp và màu mỡ. Thêm vào đó, trong lúc ngắm nghía, tôi lại được bội thu các loại rau, cam quýt, lúa gạo và ngũ cốc mùa đông như thể một món quà từ sự màu mỡ tự nhiên của đất vậy.

Đây là một số điểm chính cần nhớ khi đối phó với cỏ dại:

Ngay khi dừng cày xới đất, lượng cỏ dại sẽ giảm nhanh. Cũng vậy, chủng loại cỏ trên cánh đồng ấy cũng thay đổi.

Nếu hạt giống được gieo trong khi cây vụ trước vẫn đang chín dần trên đồng thì những hạt giống này sẽ nảy mầm trước cỏ dại. Cỏ mùa đông chỉ mọc sau khi đã thu hoạch lúa, nhưng cho tới lúc đó thì cây ngũ cốc vụ đông cũng đã đi trước một quãng rồi. Cỏ mùa hè mọc ngay sau khi thu hoạch đại mạch và hắc mạch, nhưng tới lúc đó, cây lúa đã lớn lên mạnh mẽ rồi. Phải tính toán thời gian gieo hạt sao cho không có khoảng trống giữa các mùa vụ kế tiếp nhau, điều đó sẽ khiến cho cây ngũ cốc được lợi thế hơn nhiều so với cỏ dại.

Ngay sau khi thu hoạch, nếu cả cánh đồng được bao phủ bằng rơm thì sự nảy mầm của cỏ dại sẽ bị chặn đứng. Cỏ ba lá hoa trắng được gieo cùng với cây ngũ cốc nhằm mục đích bao phủ mặt đất cũng giúp giữ cho cỏ dại trong tầm kiểm soát.

Cách thông thường để đối phó với cỏ dại là cày xới đất. Nhưng khi ta cày xới đất, những hạt cỏ đang nằm sâu trong lòng đất, đáng lẽ sẽ không bao giờ mọc mầm được, giờ được xới lên và có cơ hội mọc thành cỏ. Thêm nữa, các loại cỏ mọc nhanh, lớn nhanh càng có ưu thế trong những điều kiện như vậy. Chính vì thế ta có thể nói rằng người nông dân, kẻ cứ cố kiểm soát cỏ dại bằng cách cày xới đất, gần như là đang gieo những mầm hoạ cho chính mình.

Vẫn còn nhiều người nghĩ rằng nếu không dùng hoá chất thì cây ăn trái và các cây lương thực trên đồng sẽ héo úa ngay trước mắt họ. Thật ra thì chính bởi việc sử dụng các hoá chất đó mà con người đã vô tình thiết lập những điều kiện để cho nỗi sợ không có cơ sở đó có thể trở thành hiện thực.

Gần đây, cây thông đỏ Nhật Bản đã bị phá hoại nặng nề do sự bùng phát của bọn mọt ăn vỏ thông. Để nỗ lực chặn đứng thiệt hại, các kiểm lâm viên hiện giờ đang phải dùng trực thăng để rải thuốc từ trên không. Tôi không phủ nhận rằng về ngắn hạn, việc làm này có hiệu quả, nhưng tôi biết, hẳn là phải có cách khác.

Bệnh mọt ăn cây này, theo các nghiên cứu gần đây nhất không phải là lây nhiễm trực tiếp, mà xuất hiện theo sau hoạt động của loài giun tròn trung gian. Bọn giun tròn sinh sôi nảy nở trong thân cây, làm tắc đường vận chuyển nước và chất dinh dưỡng, cuối cùng làm cho cây thông héo và chết. Nguyên nhân chủ yếu, dĩ nhiên, vẫn còn chưa rõ ràng.

Giun tròn sống nhờ vào một loại nấm trong thân cây. Tại sao loại nấm này lại bắt đầu lan ra nhanh như vậy bên trong thân cây? Có phải loại nấm này bắt đầu nhân rộng sau khi bọn mọt đã xuất hiện? Hay ngược lại, bọn mọt xuất hiện là do loại nấm này đã có mặt? Tất cả quy về một câu hỏi, cái gì có trước, nấm hay giun?

Hơn nữa, có một vi sinh vật khác còn được biết đến rất ít, loại này luôn song hành với bọn nấm, và có một loại vi-rút nữa gây hại cho bọn nấm này. Hết tác động này theo sau tác động kia theo đủ mọi hướng, điều duy nhất có thể nói chắc là những cây thông đang héo đi với số lượng bất thường.

Người ta không thể biết đâu là nguyên nhân thật sự của căn bệnh trên cây thông, cũng như không thể biết hệ quả sau rốt của cách “chữa trị” mà họ đưa ra. Nếu can thiệp bừa vào tình huống này thì người ta chỉ gieo mầm mống cho đại hoạ kế tiếp. Không, tôi không thể vui mừng khi biết rằng sự thiệt hại tức thời do loài mọt này gây ra đã được giảm thiểu nhờ vào việc phun hoá chất. Sử dụng hoá chất nông nghiệp là phương pháp dớ dẩn nhất để đối phó với những vấn đề như thế này, và nó chỉ dẫn đến các vấn đề lớn hơn trong tương lai.

Bốn nguyên tắc làm nông tự nhiên này (không cày xới đất, không dùng phân bón hoá học hay phân ủ sẵn, không làm cỏ hay dùng thuốc diệt cỏ, và không phụ thuộc vào hoá chất) tương hợp với trật tự của tự nhiên và mang sự phong phú trở lại với tự nhiên. Mọi sự lần mò của tôi đều chạy theo luồng suy tưởng này. Đó là trọng tâm của phương pháp trồng rau, ngũ cốc và vườn cam quýt của tôi.

Nhiều chủng loại cỏ dại khác nhau đang sinh trưởng cùng với ngũ cốc và cỏ ba lá trên những cánh đồng này. Rơm rạ rải khắp ruộng từ mùa thu trước đã được phân hủy thành mùn giàu dinh dưỡng. Sản lượng thu hoạch sẽ đạt tầm 22 giạ (6 tạ) cho một nghìn mét vuông ruộng.

Hôm qua, khi giáo sư Kawase, nhà nghiên cứu hàng đầu về cỏ, và giáo sư Hiroe, đang nghiên cứu các giống cây cổ, trông thấy sự sinh trưởng của đại mạch và lớp phủ đất tạo phân xanh trên những cánh đồng của tôi, họ bảo rằng đó là một tuyệt tác nghệ thuật. Một nông dân trong vùng, người đã nghĩ rằng đám ruộng của tôi sẽ bị cỏ dại bao phủ hoàn toàn, đã rất ngạc nhiên khi thấy đại mạch vươn lên rất cứng cáp giữa nhiều loại cây khác. Các chuyên gia kỹ thuật cũng đã đến đây, đã thấy bọn cỏ dại, đã thấy cả những cây cải xoong và cỏ ba lá phát triển khắp mọi nơi, rồi ra đi lắc đầu kinh ngạc.

Cách đây hai mươi năm, khi tôi khuyến khích việc sử dụng lớp che phủ thường xuyên cho đất trong những vườn cây ăn trái, chẳng thấy một ngọn cỏ nào trên đồng hay trong vườn cây ở bất kỳ đâu trên khắp cả nước. Thấy những vườn cây như của tôi, mọi người cuối cùng cũng hiểu ra rằng các loài cây ăn trái có thể sống khá tốt cùng cỏ dại. Ngày nay, ta thường thấy những vườn cây có cỏ bao phủ ở khắp nước Nhật, còn những vườn không có cỏ che phủ trở nên hiếm gặp.

Tương tự như vậy với các cánh đồng ngũ cốc. Lúa gạo, đại mạch và hắc mạch có thể sinh trưởng tốt trong khi ruộng được che phủ bởi cỏ ba lá và cỏ dại quanh năm.

Tôi xin kể chi tiết lịch gieo hạt và thu hoạch hàng năm trên những cánh đồng này xem nhé. Đầu tháng mười, trước khi thu hoạch lúa, cỏ ba lá hoa trắng và hạt giống các loại ngũ cốc mùa đông mọc nhanh được gieo vãi giữa các nhánh lúa đang chín[11]. Cỏ ba lá và đại mạch hoặc hắc mạch sẽ nảy mầm và mọc cao tầm 2 phân rưỡi tới 5 phân vào thời điểm lúa sẵn sàng cho thu hoạch. Trong lúc thu hoạch lúa, các mầm cây sẽ bị chân người giẫm lên, nhưng chúng sẽ phục hồi rất nhanh. Khi lúa đã đập xong thì rơm sẽ được rải khắp ruộng.

Nếu hạt giống lúa được gieo vào mùa thu và bỏ đó không che đậy lại, chúng sẽ bị chim chuột ăn mất, hoặc đôi khi chúng bị thối rữa trên mặt đất, bởi vậy tôi đem hạt giống bọc trong những viên đất sét nhỏ trước khi gieo. Hạt giống được rải trên chảo phẳng đáy hoặc trong một cái rổ rồi lắc tới lui theo chuyển động tròn. Lớp bột đất sét mịn sẽ được rây phủ lên chúng và thi thoảng sẽ chế nước phun sương vào. Làm thế này sẽ tạo thành viên đất nhỏ đường kính khoảng một phân.

“Trong một ngày có thể làm ra đủ số lượng các viên đất để gieo trên vài mẩu ruộng.”

Có một phương pháp vê viên khác. Trước tiên, ngâm hạt thóc còn nguyên vỏ trong nước vài giờ. Sau đó, hạt giống được vớt ra rồi nhào trộn với đất sét ẩm bằng tay hoặc chân. Rồi khối đất sét này được đẩy qua các mắt trên một tấm phên nhốt gà để chia thành những cục đất nhỏ. Những cục đất này cần phải để cho ráo một đến hai ngày hoặc cho đến khi chúng có thể dễ dàng dùng hai lòng bàn tay vo thành các viên đất. Lý tưởng nhất là cứ một viên đất có chứa một hạt giống. Trong một ngày có thể làm ra đủ số lượng các viên đất để gieo trên vài mẫu ruộng.

Tuỳ tình hình, đôi khi tôi cũng bọc hạt giống các loại ngũ cốc và rau củ khác thành các viên đất trước khi đem gieo.

Giữa trung tuần tháng mười một và trung tuần tháng mười hai là lúc thích hợp để vãi các viên đất chứa hạt giống lúa gạo giữa các cây đại mạch hay hắc mạch non, nhưng cũng có thể vãi chúng vào mùa xuân[12]. Một lớp mỏng phân gà được rải khắp ruộng giúp phân hủy rơm, và công việc trồng trọt cả năm như vậy là hoàn tất.

Vào tháng mười, sau khi lúa đã được thu hoạch và hạt giống cho vụ mùa kế tiếp đã được gieo, họ sẽ phủ rơm lên khắp ruộng.

Trong tháng năm, ngũ cốc vụ đông sẽ được gặt. Sau khi đập lấy hạt xong, tất cả rơm rạ sẽ được rải khắp ruộng.

Sau đó, nước sẽ được đưa vào đồng trong một tuần cho tới mười ngày. Nó sẽ làm cho cỏ dại và cỏ ba lá yếu đi, cho phép lúa nảy mầm xuyên qua lớp rơm. Chỉ cần nước mưa thôi là đã đủ cho cây lúa trong suốt tháng sáu và bảy; trong tháng tám, mỗi tuần một lần, nước sạch được cho chảy qua ruộng mà không cần giữ lại. Mùa gặt vụ thu đã tới.

Đó là chu kỳ canh tác lúa gạo và ngũ cốc mùa đông hàng năm theo phương pháp tự nhiên. Việc gieo hạt và thu hoạch rất gần với mẫu hình của tự nhiên nên có thể coi đây là một quá trình tự nhiên hơn là một kỹ thuật nông nghiệp.

Một người nông dân sẽ chỉ mất từ một đến hai giờ để gieo hạt và phủ rơm khắp một nghìn mét vuông ruộng. Ngoại trừ công việc thu hoạch ra thì ngũ cốc mùa đông có thể một tay người là trồng được, và chỉ hai đến ba người là có thể làm tất cả mọi việc cần thiết để trồng một ruộng lúa mà chỉ sử dụng các công cụ truyền thống của Nhật. Có lẽ chẳng còn cách trồng ngũ cốc nào dễ dàng và đơn giản hơn thế. Chỉ cần làm nhiều hơn việc vãi hạt và rải rơm một chút, nhưng phải mất hơn ba mươi năm tôi mới đạt được tới điều đơn giản đó.

Phương pháp làm nông này được phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của các hòn đảo ở Nhật, nhưng tôi cảm thấy rằng làm nông tự nhiên cũng có thể áp dụng được ở các vùng khác và để trồng các loại cây lương thực bản xứ khác. Ở những vùng không sẵn nước, loại lúa vùng cao hoặc các ngũ cốc khác như kiều mạch, cao lương hoặc kê có thể đem trồng. Thay vì cỏ ba lá hoa trắng, một chi cỏ ba lá khác, cỏ linh lăng, đậu tằm hoặc cây mõm sói có thể thích hợp làm lớp phủ ruộng hơn. Làm nông tự nhiên có tính đặc thù phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng của từng nơi mà nó được áp dụng.

Đến tháng mười hai, ngũ cốc đã nảy mầm xuyên qua lớp rơm, còn lúa thì vẫn nằm đó chờ đến mùa xuân.

Trong thời kỳ chuyển đổi sang kiểu làm nông này, việc nhổ cỏ, bón phân hay cắt tỉa cành lúc đầu có thể vẫn cần thiết, nhưng các biện pháp này phải giảm đi mỗi năm. Rốt cuộc thì kỹ thuật trồng trọt không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà chính là nhận thức của người nông dân.

Ngũ cốc được thu hoạch vào tháng năm. Hạt giống lúa bị giẫm đạp dưới chân những người thu hoạch, nhưng chúng sẽ nhanh chóng mọc lại.

Việc rải rơm thay vì có thể được coi là không quan trọng, nó lại là điều căn bản trong phương pháp trồng lúa gạo và ngũ cốc mùa đông của tôi. Nó kết nối với tất cả, với độ phì nhiêu của đất, với sự nảy mầm, với cỏ dại, với việc không cho lũ chim sẻ tới phá, với điều tiết nước. Trong thực hành hay trong lý thuyết, việc sử dụng rơm khi làm nông là một vấn đề cốt yếu. Đó là điều mà có vẻ như tôi không tài nào làm cho người ta hiểu được.

Trung tâm thí nghiệm Okayama đang thử trồng lúa gạo gieo hạt trực tiếp trong 80% ruộng thử nghiệm của mình. Khi tôi đề xuất họ nên rải rơm còn nguyên chưa cắt, hẳn họ nghĩ điều đó không thể đúng được, và đã cho tiến hành các vụ thử nghiệm sau khi chặt nhỏ rơm ra bằng máy cắt. Khi tới thăm nơi đó vài năm trước, tôi thấy các thửa ruộng đã được chia ra thành những thửa dùng rơm đã cắt, thửa dùng rơm không cắt và thửa không dùng chút rơm nào. Đó chính xác là những gì tôi đã làm một thời gian dài, và vì rơm không cắt cho kết quả tốt nhất, nên tôi mới chọn sử dụng phương pháp này.

Ông Fujii, một giáo viên dạy ở trường Trung cấp Nông nghiệp Yasuki tại tỉnh Shimane muốn thử việc gieo hạt trực tiếp nên đã đến thăm trang trại của tôi. Tôi đề nghị ông nên rải rơm chưa cắt lên ruộng của mình. Năm sau ông quay lại và báo rằng cuộc thử nghiệm đã thất bại. Sau khi nghe kỹ lời kể của ông ta, tôi phát hiện ra rằng ông ta đã đặt rơm nằm thẳng hàng ngay lối như kiểu phủ vườn sau nhà của người Nhật. Nếu ta làm như thế, các hạt giống sẽ không nảy mầm tốt chút nào. Với rơm của hắc mạch và đại mạch cũng thế, nếu nó được rải quá ngay ngắn, cây mạ của lúa gạo sẽ khó mà xuyên qua. Tốt nhất là rải rơm ra mọi hướng, như thể các nhánh lúa đổ xuống một cách tự nhiên.

Rơm của lúa gạo làm lớp che phủ cho ngũ cốc vụ đông rất tốt, còn rơm của ngũ cốc vụ đông dùng tốt nhất cho lúa gạo. Tôi muốn điều này phải được hiểu cho rõ. Có vài bệnh trên lúa gạo sẽ lây nhiễm cho vụ trồng mới nếu rải rơm tươi lên ruộng. Tuy nhiên, những bệnh trên lúa gạo này sẽ không nhiễm lên ngũ cốc vụ đông, và nếu rơm lúa gạo được rải vào mùa thu, nó sẽ được phân hủy hoàn toàn vào lúc cây lúa trổ mầm mùa xuân năm sau. Rơm tươi của lúa gạo an toàn cho các ngũ cốc khác, cũng giống như rơm kiều mạch vậy, và rơm các loại ngũ cốc khác có thể dùng cho lúa gạo và kiều mạch. Nói chung, rơm tươi của các loại ngũ cốc mùa đông, chẳng hạn như lúa mì, đại mạch và hắc mạch không nên dùng làm lớp phủ cho các loại ngũ cốc mùa đông khác, vì có thể sẽ gây bệnh.

Tất cả rơm rạ và vỏ trấu, còn lại sau khi gặt đập từ vụ thu hoạch trước đó, phải được trả lại cho cánh đồng.

Việc rải rơm duy trì cấu trúc đất và làm cho đất màu mỡ nên phân ủ sẵn thành ra chẳng cần thiết. Điều này dĩ nhiên có liên quan tới việc không cày xới đất. Ở Nhật chắc mỗi ruộng của tôi là không có cày bừa gì suốt trên hai mươi năm nay, mà mỗi mùa qua đi chất lượng đất lại được cải thiện thêm lên. Tôi ước tính rằng lớp đất bề mặt, giàu chất mùn, đã trở nên màu mỡ với độ dày tới hơn một tấc trong suốt những năm qua. Đây phần lớn là kết quả của việc đưa trở lại đất tất cả những gì đã được trồng trên đồng, trừ phần hạt thu được.

Không cần phải chuẩn bị phân ủ nữa. Tôi không nói là bạn không còn cần tới phân vi sinh – chỉ là không việc gì phải vất vả để tạo ra nó. Nếu rơm để nằm trên mặt ruộng vào mùa xuân hoặc mùa thu rồi được phủ lên một lớp mỏng phân gà hay vịt thì chúng sẽ phân hủy hoàn toàn trong sáu tháng.

Để làm phân bằng phương pháp thông thường, người nông dân phải làm việc quần quật dưới ánh mặt trời thiêu đốt, băm nhỏ rơm, chế thêm nước và vôi, đảo đống rồi chuyển ra ruộng. Anh ta tự hành hạ bản thân mình vì nghĩ rằng đó là “cách tốt nhất.” Tôi muốn thấy người ta chỉ việc rải rơm, trấu hoặc mùn cưa trên khắp ruộng của họ hơn.

Đi dọc tuyến Tokaido vùng phía tây Nhật Bản, tôi để ý thấy rằng rơm được cắt dối hơn khi tôi lần đầu tiên lên tiếng về việc rải nguyên rơm chưa cắt. Tôi phải khen ngợi những người nông dân này. Nhưng những chuyên gia thời hiện đại vẫn cứ nói rằng tốt nhất là dùng bao nhiêu tạ rơm cho mỗi nghìn mét vuông đất. Sao họ không nói là bỏ tất cả rơm trở lại ruộng cho rồi? Nhìn ra ngoài cửa sổ toa tàu, ta có thể thấy những người nông dân cắt và rải một nửa số rơm, số còn lại thì quăng sang một bên để cho mục rữa dưới mưa.

Nếu mọi nông dân Nhật thống nhất với nhau và bắt đầu trả tất cả rơm về ruộng thì kết quả sẽ là một lượng phân vi sinh khổng lồ được quay về với đất.

Hàng trăm năm nay, nông dân đã rất cẩn trọng trong việc chuẩn bị đất ươm để cây mạ lớn lên khỏe mạnh cứng cáp. Những khoảnh đất nhỏ được chuẩn bị ngăn nắp như thể chúng là bàn thờ gia tiên. Đất được cày xới, cát và tro trấu được rải khắp xung quanh, và người ta gửi lời cầu nguyện cho cây mạ mau lớn.

Thế nên không có gì khó hiểu khi những dân làng quanh đây nghĩ rằng tôi mất trí mất rồi, đi vãi lúa giống trong khi ngũ cốc vụ đông vẫn đang còn trong đồng, với cỏ dại và những mảnh rơm mục vương vãi khắp nơi.

Đập lúa bằng máy đập sử dụng bàn đạp truyền thống tại Nhật (Kyoto). Sau đó gạo được quạt khô rồi cất giữ, còn rơm thì quay trở lại với ruộng đồng.

Tất nhiên là hạt giống sẽ nảy mầm tốt khi được gieo trực tiếp trên một cánh đồng cày bừa kỹ càng, nhưng nếu trời mưa và ruộng biến thành bùn thì ta không thể lội xuống và đi khắp đồng được, thế là việc gieo hạt sẽ bị hoãn lại. Về điểm này thì phương pháp không cày xới lại bình an vô sự, chỉ có khó khăn là các con vật nhỏ như chuột chũi, dế, chuột nhắt, và ốc sên rất khoái ăn hạt giống. Đất sét bọc hạt giống thành những viên nhỏ giải quyết được vấn đề này.

Trong việc gieo ngũ cốc mùa đông, phương pháp thường dùng là gieo hạt rồi phủ đất lên. Nếu hạt giống bị phủ đất quá sâu chúng sẽ bị thối. Tôi đã từng dùng cách thả hạt vào những lỗ nhỏ trên đất, hoặc vào những rãnh đất mà không phủ đất lên, nhưng tôi đều thất bại nhiều lần với cả hai phương pháp này.

Gần đây tôi trở nên lười biếng và thay vì tạo rãnh hoặc chọc lỗ trên mặt đất, tôi bọc hạt giống trong những viên đất sét rồi ném chúng thẳng lên ruộng. Việc nảy mầm tốt nhất là ở trên bề mặt, nơi tiếp xúc với ô-xy. Tôi phát hiện ra rằng nơi nào mà những viên đất này được rơm bao phủ thì hạt giống nảy mầm tốt và không bị thối ngay cả trong những năm mưa nhiều.

Đúng ra thì một nghìn mét vuông ruộng sẽ cho tầm 4 tạ rơm. Nếu tất cả rơm được rải trở lại trên đồng, bề mặt của nó sẽ được phủ hoàn toàn. Ngay cả giống cỏ khó chịu như cỏ mần trầu, vấn đề khó khăn nhất gặp phải trong phương pháp không cày xới, cũng có thể kiểm soát được.

Chim sẻ cũng khiến cho tôi đau đầu. Việc gieo hạt trực tiếp không thể thành công nếu không có biện pháp hữu hiệu đối phó với lũ chim, và việc gieo hạt trực tiếp chậm phổ biến ở nhiều nơi cũng chỉ vì mỗi lý do này. Nhiều người trong số các bạn có thể đã gặp vấn đề tương tự với lũ chim sẻ, vì thế các bạn sẽ biết ý tôi là gì.

Tôi vẫn nhớ những lần lũ chim theo ngay sau tôi và chén hết ngay số hạt giống mà tôi vừa gieo, trước cả khi tôi kết thúc việc gieo trồng ở bên kia cánh đồng. Tôi đã thử dùng bù nhìn, lưới che và những sợi dây buộc mấy cái can để gây tiếng động đuổi chim, nhưng chẳng mấy tác dụng. Hoặc giả, nếu một trong những phương pháp này có tác dụng đi chăng nữa, thì hiệu quả của nó cũng không kéo dài nhiều hơn một hoặc hai năm.

Kinh nghiệm bản thân tôi đã chỉ ra rằng bằng việc gieo hạt giống vụ sau khi cây trồng vụ trước vẫn còn trên đồng, sao cho chúng ẩn giữa đám cỏ dại và cỏ ba lá, đồng thời rải lên trên một lớp rơm lúa gạo, hắc mạch hoặc đại mạch ngay khi mùa vụ thu hoạch xong, vấn đề chim sẻ có thể được giải quyết một cách hiệu quả nhất.

Những năm qua, tôi đã mắc nhiều sai sót trong quá trình thử nghiệm và đã gặp đủ loại thất bại. Tôi gần như biết về những điều sai sót có thể xảy ra khi trồng cây nông nghiệp nhiều hơn bất kỳ ai khác ở Nhật. Lần đầu thành công trong việc trồng lúa và ngũ cốc mùa đông bằng phương pháp vô canh, tôi cảm thấy vui sướng như Columbus hẳn đã cảm thấy khi ông tìm ra châu Mỹ.

Vào đầu tháng tám, khi những cây lúa trên ruộng của láng giềng đã cao ngang lưng, thì trên ruộng của tôi, chúng chỉ cao bằng một nửa. Tầm cuối tháng bảy, những người tới thăm ruộng luôn tỏ ra hoài nghi và hỏi: “Tiên sinh Fukuoka à, chỗ lúa này liệu có nên cơm cháo gì không?” “Chắc chứ,” tôi trả lời: “Không cần phải lo.”

Tôi không chủ ý trồng cho cây mọc nhanh, cao lớn với những cái lá to. Thay vào đó, tôi giữ cho cây càng nhỏ gọn càng tốt. Giữ cho ngọn cây nhỏ, không chăm bón quá mức, và để chúng mọc đúng theo hình dạng tự nhiên của cây lúa.

Thường thì những cây lúa cao 9 tấc hoặc 1 thước 2 ra lá xum xuê và cho cảm tưởng rằng nó sẽ đậu nhiều hạt, nhưng thực ra chỉ các nhánh lá mọc khỏe mà thôi. Sản lượng tinh bột lớn nhưng hiệu quả thì thấp, vì quá nhiều năng lượng được dùng vào việc phát triển thân lá nên chẳng còn bao nhiêu được tích trữ trong các hạt thóc. Lấy ví dụ, nếu những cây lúa cao, quá khổ cho 9 tạ rơm thì sản lượng thóc thu được sẽ tầm 4 tạ rưỡi tới 5 tạ rưỡi. Còn đối với những cây lúa nhỏ, như những cây trên ruộng của tôi thì cứ 9 tạ rơm cho 9 tạ thóc. Vào những lúc mùa màng tốt, sản lượng thóc từ những cây lúa của tôi sẽ đạt tới tầm 1 tấn mốt, nghĩa là, nhiều hơn 20% so với lượng rơm.

Lúa trồng ruộng cạn sẽ không mọc quá cao. Ánh nắng mặt trời được tiếp nhận đồng đều, chạm tới tận gốc và những lá cây phía dưới. Tầm 6 phân vuông lá là đủ sản sinh ra sáu hạt thóc. Chỉ cần ba đến bốn lá nhỏ là quá đủ để cho ra hàng trăm hạt thóc trên mỗi ngọn lúa. Tôi gieo hạt hơi dày, thành ra được tầm 300-360 nhánh lúa cho hạt (24 đến 30 cây) trên mỗi mét vuông ruộng. Nếu bạn có nhiều mạ mà không cố trồng ra những cây lúa lớn, bạn có thể thu được sản lượng lớn chẳng mấy khó khăn. Điều này cũng đúng với lúa mì, hắc mạch, kiều mạch, yến mạch, kê và các loại ngũ cốc khác.

Dĩ nhiên, cách làm thông dụng là giữ nước ngập trong ruộng tầm 5 tới 10 phân suốt cả mùa lúa. Nông dân đã trồng lúa nước từ rất nhiều thế kỷ rồi nên phần lớn tin rằng không thể trồng lúa theo bất kỳ cách nào khác. Những giống lúa canh tác trong “ruộng ướt” sẽ tương đối khỏe nếu được trồng trong ruộng ngập nước, nhưng sẽ không tốt cho cây khi trồng theo cách này. Cây lúa sẽ sinh trưởng tốt nhất khi lượng nước trong đất chiếm khoảng 60 đến 80% khả năng giữ nước tối đa của đất. Khi ruộng không ngập nước, bộ rễ cây sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, khi đó, cây sẽ chống chịu tốt hơn trước sự tấn công của bệnh tật và côn trùng.

Lý do chính của việc trồng lúa trong ruộng ngập nước là để kiểm soát cỏ dại, bằng cách tạo ra môi trường mà trong đó chỉ một số ít loại cỏ dại có thể sống được. Tuy nhiên, những loại cỏ sống được thì phải nhổ bằng tay hoặc làm bật gốc bằng dụng cụ làm cỏ cầm tay. Với cách làm truyền thống như thế, công việc sụn lưng và tốn thời gian này cứ phải lặp đi lặp lại mỗi mùa lúa.

Vào tháng sáu, trong suốt mùa mưa, tôi giữ nước trong ruộng tầm một tuần. Ít loài cỏ dại ruộng cạn nào có thể sống sót thậm chí chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà không có ôxy, và bọn cỏ ba lá cũng héo vàng. Ý tưởng là không diệt cỏ ba lá mà chỉ làm chúng yếu đi để những cây mạ mọc vững trước đã. Khi nước được tháo đi (càng sớm càng tốt), cỏ ba lá sẽ hồi phục và lan ra che phủ bề mặt ruộng, bên dưới những cây lúa đang sinh trưởng. Sau đó thì hầu như tôi không phải làm gì với chuyện điều tiết nước nữa. Vào nửa đầu vụ lúa tôi hoàn toàn không tưới nuớc. Ngay cả những năm ít mưa, đất bên dưới lớp rơm và lớp phân xanh vẫn giữ được độ ẩm. Vào tháng tám, tôi cho nước vào từng ít một nhưng không bao giờ giữ nước ở lại trong ruộng.

Nếu tôi cho một người nông dân xem cây lúa trồng trong ruộng của tôi, ông ta sẽ lập tức biết ngay rằng một cây lúa phải như thế và chúng có một hình dạng lý tưởng. Ông ta sẽ biết rằng lúa giống đã nảy mầm một cách tự nhiên và không phải cấy mạ, rằng cây lúa này không trồng ở nơi nhiều nước, không sử dụng tới phân hoá học. Bất kỳ người nông dân nào cũng có thể phân biệt được như là chuyện đương nhiên, bằng cách nhìn vào hình thức tổng thể của cây lúa, hình dạng rễ và khoảng cách các đốt trên thân lúa. Nếu đã biết hình dạng lý tưởng của nó rồi thì chỉ còn chuyện trồng thế nào cho cây lúa có hình dạng ấy với những điều kiện cụ thể trên chính mảnh ruộng của mình.

Vào tháng sáu, nước được giữ trong ruộng để cỏ dại lẫn cỏ ba lá yếu đi, tạo điều kiện cho lúa mọc xuyên qua đất.

Tôi không tán thành với ý kiến của giáo sư Matsushima cho rằng sẽ là tốt nhất khi chiếc lá thứ tư, tính từ ngọn cây lúa xuống, dài nhất. Có những khi chiếc lá thứ hai hoặc thứ ba dài nhất thì ta có được kết quả tốt nhất. Nếu sự sinh trưởng được kìm lại trong lúc cây lúa còn non thì lá trên cùng hay lá thứ hai thường trở nên dài nhất, mà vẫn được mùa lớn.

Lý thuyết của giáo sư Matsushima có được từ những vụ thử nghiệm sử dụng các giống lúa yếu ớt được trồng với phân bón trong đất ươm rồi sau đó mang đi cấy. Lúa của tôi thì khác, chúng được trồng theo chu kỳ sống tự nhiên của cây lúa, như thể chúng đang mọc hoang vậy. Tôi kiên nhẫn chờ đợi cho lúa phát triển và chín theo nhịp độ riêng của nó.

Những năm gần đây, tôi đang thử phát triển một giống lúa nếp cổ từ miền Nam. Mỗi hạt giống, được gieo vào mùa thu, cho ra trung bình 12 nhánh với khoảng 250 hạt mỗi nhánh. Tôi tin rằng với giống lúa này, một ngày nào đó tôi có thể gặt hái được sản lượng gần chạm tới ngưỡng tối đa về mặt lý thuyết có thể có, căn cứ trên năng lượng mặt trời đổ xuống cánh đồng. Tại một số khoảnh trong các thửa ruộng của tôi, với giống lúa này, sản lượng thu hoạch 27 giạ rưỡi (7 tạ rưỡi) lúa trên mỗi nghìn mét vuông đã thành hiện thực.

Nhìn dưới con mắt hoài nghi của kỹ thuật gia, phương pháp trồng lúa của tôi có thể được bảo là ngắn hạn hoặc chỉ cho kết quả tạm thời. “Nếu việc thử nghiệm tiếp tục tiến hành lâu hơn nữa thì một vài vấn đề nào đó nhất định sẽ nảy sinh,” ông ta có thể nói vậy. Nhưng mà, tôi đã trồng lúa theo cách này đã được trên hai mươi năm. Mỗi năm trôi qua, sản lượng vẫn tiếp tục tăng và đất ngày càng trở nên màu mỡ.

Tôi cũng trồng nhiều giống cam quýt trên những sườn đồi gần nhà. Sau chiến tranh, khi khởi nghiệp làm nông, tôi bắt đầu với 7.000 mét vuông trồng cam quýt và 1.500 mét vuông ruộng trồng lúa. Giờ thì chỉ diện tích trồng cam quýt không thôi cũng đã lên tới trên 50 nghìn mét vuông. Tôi có số đất này nhờ tiếp quản các sườn đồi bị bỏ hoang ở xung quanh. Rồi tôi phát quang chúng bằng tay.

Những cây thông trên một số sườn dốc này đã bị chặt trụi vài năm trước đó. Tất cả những gì tôi làm là đào các lỗ theo đường vòng quanh đồi và trồng những cây cam quýt giống. Các chồi cây đã nhú từ những gốc cây bị đốn và với thời gian, cỏ lau Nhật, cỏ tranh, và dương xỉ bắt đầu phát triển mạnh. Các cây cam giống lọt thỏm trong đám cây cối rối rắm đó.

Tôi cắt đi phần lớn các mầm thông, nhưng vẫn cho một số mọc trở lại để chắn gió. Rồi tôi phạt đi những bụi cây và đám cỏ che kín mặt đất và trồng cỏ ba lá lên đó.

Sau sáu hoặc bảy năm những cây cam quýt cuối cùng cũng ra quả. Tôi đào đất phía sau những cái cây để tạo thành các ụ đất cao[13]. Bây giờ khu vườn trông có hơi khác so với bất kỳ khu vườn nào khác.

Tất nhiên là tôi vẫn giữ những nguyên tắc không cuốc xới, không dùng phân bón hoá học, không dùng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Một điều thú vị là, lúc đầu, trong khi cây con còn đang phát triển dưới bóng những cây rừng mọc lại, thì không hề có dấu hiệu của sâu bọ phá hoại, chẳng hạn như bọn rệp đầu mũi tên hay gặp. Một khi những cây bụi và cây lớn mọc lại đã bị chặt hết, đất trở nên bớt hoang dã và trông giống một khu vườn hơn, chỉ khi đó thì bọn côn trùng này mới xuất hiện.

Để cho cây ăn quả phát triển theo hình dáng tự nhiên của nó ngay từ đầu là tốt nhất. Cây này sẽ ra trái hàng năm và không cần được cắt tỉa. Một cây cam thì cũng phát triển hình dáng giống như một cây tuyết tùng hoặc một cây thông, tức là, một thân chính duy nhất mọc thẳng lên cùng với những cành nhánh đâm ra so le. Dĩ nhiên tất cả các giống cam quýt không sinh trưởng tới chính xác cùng một kích thước và hình dáng. Giống Hassaku và Shaddock vươn rất cao, giống quýt Unshu mùa đông thì lùn và bè bè, các giống quýt Satsuma trước đây lúc trưởng thành thì nhỏ bé, nhưng chúng đều có một thân chính duy nhất.

Tôi nghĩ ai cũng biết rằng những con “sâu hại” thường thấy nhất trong các vườn cây, như rệp đỏ và bọ sáp có sừng, đều có kẻ thù tự nhiên, nên không cần phải dùng thuốc trừ sâu để kiểm soát chúng. Có một thời, loại thuốc trừ sâu Fusol được dùng ở Nhật Bản. Các loại thiên địch bị tiêu diệt hoàn toàn và hậu quả vẫn còn cho đến giờ ở nhiều tỉnh trong cả nước. Từ kinh nghiệm này, tôi nghĩ phần lớn nông dân đã nhận ra rằng không nên diệt bỏ các con thiên địch bởi lẽ về lâu về dài, thiệt hại lớn hơn do lũ côn trùng phá hoại là điều không thể tránh khỏi.

Khi bọn ve và rệp xuất hiện thật, nếu dùng dung dịch dầu máy, loại hoá chất gần như vô hại đối với bọn thiên địch, được pha loãng 200 tới 400 lần để phun nhẹ vào tầm giữa hè, rồi sau đó để cho quần thể côn trùng tự đạt tới trạng thái cân bằng tự nhiên thì nói chung vấn đề này sẽ tự được giải quyết. Việc này sẽ không có tác dụng nếu đã sử dụng một loại thuốc trừ sâu gốc phốt-pho hữu cơ vào tháng sáu hoặc tháng bảy, vì bọn thiên địch cũng bị hoá chất này giết chết.

Tôi không có ý cổ vũ việc sử dụng cái gọi là dung dịch phun “hữu cơ” vô hại chẳng hạn như dung dịch muối – tỏi hoặc dung dịch dầu máy, cũng không phải là tôi thích thú với việc đưa những loài thiên địch lạ vào vườn cây để kiểm soát các con côn trùng gây hại. Những cái cây bị suy yếu và bị tấn công bởi côn trùng tới mức chúng sẽ lệch lạc khỏi hình dáng tự nhiên. Nếu cây sinh trưởng theo một kiểu phi tự nhiên và bị bỏ mặc trong trạng thái đó, các nhánh cây sẽ đan rối vào nhau và kết quả là bị côn trùng phá hoại. Từ đầu, tôi đã kể là tôi đã làm chết sạch nhiều mẫu cam quýt theo cách này như thế nào rồi.

Dầu sao thì, nếu cây cối dần được điều chỉnh, chúng sẽ trở lại ít nhất là gần giống với hình dáng tự nhiên của chúng. Cây sẽ khỏe hơn và các biện pháp kiểm soát côn trùng sẽ trở nên không cần thiết. Nếu một cái cây được trồng cẩn thận và cho mọc theo hình dáng tự nhiên ngay từ đầu, thì sẽ không cần phải xén tỉa hay phun thuốc gì hết. Phần lớn những cây giống đều bị cắt tỉa từ trước hoặc bộ rễ của chúng bị hư hại tại vườn ươm trước khi được đánh ra trồng ở vườn, nên việc cắt tỉa ngay từ đầu là cần thiết.

Nhằm cải thiện đất vườn, tôi đã thử trồng nhiều giống cây khác nhau. Trong số đó có cây keo Morishima. Loại cây này sinh trưởng suốt cả năm, mùa nào cũng đâm chồi mới. Những con rệp, sống nhờ những cái chồi này, bắt đầu sinh sôi nảy nở nhiều. Bọn bọ rùa đỏ thì ăn rệp và chẳng mấy chốc chúng cũng bắt đầu tăng số lượng. Sau khi xử hết chỗ rệp, chúng leo xuống những cây cam và bắt đầu xơi những con côn trùng khác như ve, rệp đầu mũi tên và rệp sáp bông.

Trồng cây ăn quả mà không cần tỉa cành, bón phân hoặc phun xịt hoá chất thì chỉ khả dĩ trong phạm vi một môi trường tự nhiên.

Không cần nói cũng biết rằng việc cải thiện đất là mối quan tâm cơ bản trong chăm sóc vườn cây. Nếu dùng phân hoá học cây cối sẽ sinh trưởng cao lớn hơn, nhưng năm này qua năm khác đất sẽ trở nên cằn cỗi. Phân bón hoá học sẽ hút kiệt sức sống của đất. Ngay cả nếu chỉ dùng cho một thế hệ thôi, đất cũng sẽ phải chịu tổn thất đáng kể.

Trong làm nông không có con đường nào khôn ngoan hơn con đường cải thiện đất một cách tổng thể. Cách đây hai mươi năm, bề mặt của ngọn núi này chỉ là đất sét đỏ trơ trọi, cứng đến nỗi không thể cắm xẻng vào được. Phần lớn đất quanh đây lúc đó là như thế. Người ta trồng khoai tây cho đến khi đất cạn kiệt và rồi bỏ hoang chúng. Có thể nói rằng, không phải chỉ trồng cam và rau xanh, mà đúng ra tôi cũng đã giúp phục hồi độ màu mỡ của đất ở đây.

Chúng ta hãy nói về việc tôi đã phục hồi những sườn núi cằn cỗi này như thế nào. Sau chiến tranh, kỹ thuật cày xới vườn cam và đào những cái hố chôn chất hữu cơ được khuyến khích. Khi quay về từ trung tâm thí nghiệm, tôi đã thử làm như thế trong chính vườn của mình. Sau vài năm tôi đi đến kết luận rằng phương pháp này không chỉ tốn sức, mà xét về mặt cải tạo đất, là hoàn toàn vô dụng.

Lúc đầu, tôi chôn rơm và dương xỉ mang từ trên núi xuống. Vác những lô nặng tới 40 cân hoặc hơn quả là việc nặng nhọc, nhưng sau hai hay ba năm, thậm chí vẫn không có đủ mùn để vun vừa lòng bàn tay tôi. Những cái hào tôi đào để chôn chất hữu cơ sụp xuống và trở thành những cái hầm lộ thiên.

Tiếp đó, tôi đã thử chôn củi gỗ. Có lẽ rơm là nhân tố hỗ trợ tốt nhất cho việc cải thiện đất, nhưng xét từ lượng đất thịt được hình thành, thì gỗ tốt hơn. Sẽ ổn cả chừng nào vẫn còn cây để chặt. Tuy nhiên, với những ai không có cây gần quanh đó, tốt hơn là trồng cây lấy gỗ ngay trong vườn còn hơn là phải đi mang chúng từ xa về.

Trong vườn của tôi có thông, tuyết tùng, vài cây lê, hồng vàng, sơn trà, sơ-ri Nhật và nhiều loài cây bản địa khác mọc xen giữa những cây cam quýt. Một trong những giống cây thú vị nhất, dù chẳng phải cây bản địa, là cây keo Morishima. Nó vẫn là loại cây mà tôi đã đề cập lúc trước trong mối tương quan với bọn bọ rùa và việc bảo vệ những con thiên địch. Gỗ của nó chắc, hoa thu hút ong tới còn lá thì dùng làm thức ăn gia súc tốt. Nó giúp phòng tránh côn trùng phá hoại trong vườn, đóng vai trò chắn gió và loại vi khuẩn rhizobium sống trong rễ của nó làm màu mỡ thêm cho đất.

“Cách đây hai mươi năm, bề mặt của ngọn núi này chỉ là đất sét đỏ trơ trọi, cứng đến nỗi không thể cắm xẻng vào được.”

Cây này được du nhập từ Úc cách đây vài năm và mọc nhanh hơn bất kỳ cây nào tôi từng thấy. Chỉ vài tháng là rễ nó đã đâm rất sâu, sau sáu đến bảy năm, nó đã cao như một cái cột điện thoại. Thêm nữa, cây này còn có khả năng cố định đạm, bởi vậy nếu 6 đến 10 cây được trồng trên một nghìn mét vuông, đất có thể được cải thiện tới tận tầng sâu mà chẳng cần phải sụn lưng vác gỗ từ trên núi xuống.

Đối với lớp đất bề mặt, tôi trộn cỏ ba lá hoa trắng và cỏ linh lăng gieo lên mặt đất cằn cỗi. Cũng phải mất vài năm để chúng bám trụ được, nhưng cuối cùng thì chúng cũng trổ lên và che phủ khắp các sườn đồi. Tôi cũng trồng cả củ cải Nhật (daikon). Rễ của loại rau kiên cường này đâm sâu vào đất, bổ sung chất hữu cơ và mở các kênh dẫn cho không khí và nước lưu thông. Nó tự gieo hạt một cách dễ dàng và sau chỉ một lần gieo hạt thôi là ta có thể quên luôn cũng được.

Khi đất trở nên màu mỡ hơn, cỏ dại bắt đầu tìm đường trở lại. Sau bảy hoặc tám năm, đám cỏ ba lá hoa trắng gần như biến mất giữa đám cỏ dại, bởi vậy tôi ném thêm một ít hạt cỏ ba lá vào cuối hè sau khi phát bớt cỏ dại. Thành quả của lớp phủ dày gồm cỏ dại/cỏ ba lá này là lớp đất bề mặt của vườn cây, trong vòng hơn 25 năm qua, từ chỗ từng là đất sét đỏ khô cứng, giờ đã trở nên tơi, sậm màu và thừa thãi giun đất với chất hữu cơ.

Với lớp phân xanh làm màu mỡ lớp đất thịt phía trên và rễ của những cây keo Morishima cải thiện lớp đất sâu bên dưới, ta có thể thoải mái trồng trọt mà không cần phân bón và cũng không cần phải cày xới đất trống giữa những cây trồng trong vườn. Với những cây gỗ cao dùng để chắn gió, những cây cam quýt ở giữa và lớp phân xanh phủ phía dưới, tôi đã tìm ra một cách để khỏi phải bận tâm và để mặc vườn cây tự lo cho nó.

Tiếp theo, chúng ta hãy nói về chuyện trồng rau. Người ta có thể hoặc là dùng vườn sau nhà để cung cấp rau ăn hàng ngày cho cả gia đình hoặc là trồng rau trên đất trống, không ai sử dụng tới.

Đối với vườn nhà, ta nên trồng đúng loại rau vào đúng thời điểm, với đất trồng được chuẩn bị sẵn với phân trộn hữu cơ và phân chuồng, thế là đủ. Phương pháp trồng rau để sử dụng tại gia thời Nhật xưa rất hòa hợp với ‘kiểu cách tự nhiên của đời sống’[14]. Trẻ con nô đùa dưới tán cây ăn quả ở sân sau nhà. Lũ lợn ăn đồ thừa từ nhà bếp và rễ củ ủi được đâu đó trong đất. Chó sủa và đùa giỡn còn người nông dân thì gieo hạt trên đất màu mỡ. Sâu và côn trùng sinh trưởng cùng với đám rau; bọn gà mổ sâu và đẻ ra những cái trứng cho trẻ con ăn.

Một gia đình nông thôn Nhật điển hình trồng rau theo cách đó cho tới thời điểm cách đây chưa đến hai mươi năm.

Bệnh trên cây được ngăn ngừa bằng việc trồng loại cây truyền thống vào đúng thời điểm, giữ cho đất khỏe mạnh bằng cách trả lại nó tất cả những chất hữu cơ dư thừa và luân canh cây trồng. Lũ côn trùng gây hại thì được bắt bằng tay, hoặc bị lũ gà xơi. Ở miền nam Shikoku có một giống gà ăn sâu bọ trên rau mà không bới rễ hoặc làm nát cây rau.

Một số người lúc đầu có thể hoài nghi về việc dùng phân chuồng và phân bắc, họ nghĩ như thế là cổ lỗ và bẩn thỉu. Ngày nay, người ta muốn rau “sạch,” vậy nên nông dân trồng rau trong các nhà kính hoàn toàn không dùng tới đất. Trồng trên sỏi, trồng trên cát và thủy canh đang trở nên ngày càng thông dụng hơn. Rau được trồng với các dưỡng chất hoá học và bằng ánh sáng được lọc qua lớp che bằng nhựa vinyl. Thật lạ là người ta nghĩ rau trồng kiểu hoá học này là “sạch” và an toàn để ăn vào người. Những thực phẩm được trồng trong đất, cân bằng nhờ vào hoạt động của giun, các vi sinh vật và phân chuồng phân hủy mới là sạch nhất và lành mạnh nhất trong tất cả các loại.

Trong việc trồng rau theo cách “bán hoang dã,” tận dụng khoảnh đất trống, bờ sông hoặc bãi đất bỏ không, ý tưởng của tôi là chỉ vãi hạt giống ra rồi để rau mọc lên cùng với cỏ dại. Tôi đã trồng rau trên sườn núi, tận dụng các khoảng trống giữa những cây cam quýt.

Điều quan trọng là biết trồng rau đúng thời điểm. Với các loại rau vụ xuân, thời điểm tốt nhất là khi cỏ dại mùa đông đang úa dần và ngay trước khi cỏ dại mùa hè kịp nảy mầm[15]. Đối với vụ thu, hạt giống cần phải vãi ra khi cỏ mùa hè đang lụi tàn và lũ cỏ dại mùa đông còn chưa xuất đầu lộ diện.

Tốt nhất là chờ cho mưa rơi xuống, nó có khả năng kéo dài vài ngày. Cắt một vạt cỏ đang phủ kín mặt đất rồi rắc hạt giống rau lên. Không cần phải lấy đất phủ lên; chỉ cần đặt lớp cỏ vừa cắt phủ lên hạt giống để che chắn và để lũ chim gà khỏi ăn, cho tới khi chúng có thể nảy mầm. Thông thường, cỏ dại phải được cắt đi hai hoặc ba lần để cho những cây rau con có một khởi đầu vững chắc đã, nhưng đôi khi chỉ cần một lần cắt cỏ là đủ.

Ở những nơi cỏ dại và cỏ ba lá không quá dày, ta có thể đơn giản vãi hạt ra là được. Lũ gà sẽ xơi một ít, nhưng nhiều hạt khác sẽ nảy mầm. Nếu ta trồng theo hàng hoặc theo rãnh, có khả năng bọn bọ cánh cứng hay những con côn trùng khác sẽ xơi tái mất nhiều hạt giống. Chúng đi theo đường thẳng. Lũ gà cũng sẽ nhìn thấy chỗ đất quang và tới bới tìm. Theo kinh nghiệm của tôi tốt nhất là hãy rải hạt mỗi chỗ một ít.

Rau được trồng theo cách này mạnh mẽ hơn phần đông chúng ta tưởng. Nếu mọc trước cỏ dại, chúng sẽ không bị lấn át về sau. Có một số loại rau như rau chân vịt và cà rốt không dễ nảy mầm. Ngâm những hạt giống này trong nước một đến hai ngày, rồi bọc chúng trong viên đất sét nhỏ là vấn đề được giải quyết.

Nếu gieo hơi dày một chút, củ cải Nhật, củ cải thường và nhiều loại rau ăn lá mùa thu sẽ đủ mạnh để chống chọi lại với cỏ dại mùa đông và cỏ dại đầu mùa xuân. Luôn có một số cây rau không bị thu hoạch, hạt của chúng tự mọc lên hết năm này qua năm khác. Chúng có một hương vị đặc biệt và ăn sẽ rất thú vị.

Thật là cảnh tượng kỳ diệu khi thấy nhiều loại rau lạ sinh sôi nảy nở đây đó ở trên núi. Các loại củ cải thường sinh trưởng nửa trong đất, nửa trên mặt đất. Cà rốt và ngưu bàng thường mọc thấp và mập với nhiều rễ con. Tôi tin rằng vị chát hơi hăng của những giống cây này là thừa hưởng từ tổ tiên hoang dã ban đầu của chúng. Tỏi, hành Nhật và tỏi Tàu một khi được trồng sẽ tự mọc lên năm này qua năm khác.

Thời điểm gieo trồng những cây họ đậu tốt nhất là vào mùa xuân. Đậu đũa và đậu thận thì dễ trồng và cho sản lượng cao. Trong việc trồng đậu Hà Lan, đậu đỏ azuki, đậu nành, đậu pinto và đậu thận thì việc cho hạt nảy mầm trước là yếu tố quyết định. Chúng sẽ rất khó mà nảy mầm nếu không có đủ mưa, và ta còn phải trông chừng lũ chim và bọn côn trùng nữa.

Cà chua và cà tím khi còn non không đủ mạnh để cạnh tranh với cỏ dại, vì thế cần phải trồng ở vườn ươm trước rồi mới bứng đi trồng. Thay vì cắm cọc đỡ cây thẳng lên, cứ để cho cà chua bò trên mặt đất. Rễ cây sẽ đâm xuống từ các đốt trên thân chính, những chồi mới sẽ nhú lên và cho trái.

Đối với dưa chuột, giống bò-trên-mặt-đất là tốt hơn cả. Ta sẽ phải chăm lo cho những cây non, thi thoảng cắt cỏ dại, nhưng sau đó chúng sẽ mọc khỏe. Đặt tre hoặc các cành cây trên đất, bọn dưa chuột sẽ leo bám phủ kín chúng. Những cành cây đó sẽ giữ cho quả dưa chuột không chạm mặt đất, tránh cho nó không bị thối.

Phương pháp trồng dưa chuột này cũng dùng được cho các loại dưa và bí.

Khoai tây và khoai sọ là những loại cây rất khỏe. Một khi đã trồng, năm nào chúng cũng sẽ lên đúng chỗ đó và không bao giờ bị cỏ dại lấn át. Chỉ việc bỏ lại một vài củ trong đất khi ta thu hoạch. Nếu đất cứng thì hãy trồng củ cải Nhật trước. Khi rễ cây phát triển, chúng sẽ làm đất xốp và mềm, và sau ít mùa thì có thể trồng khoai tây ở chỗ đó.

Tôi phát hiện thấy cỏ ba lá hoa trắng có lợi trong việc ngăn chặn cỏ dại. Chúng mọc ken dày và có thể bóp chết những thứ cỏ dại khỏe như ngải cứu và cỏ mần trầu. Nếu cỏ ba lá được gieo trộn lẫn với hạt giống rau, nó sẽ có tác dụng như một lớp che phủ sống, làm màu mỡ cho đất, giữ đất ẩm và tơi xốp.

Cũng như với các loại rau, điều quan trọng là chọn đúng thời điểm để gieo hạt cỏ ba lá. Cuối hè hoặc vào mùa thu là thời điểm tốt nhất; bộ rễ của chúng sẽ phát triển trong suốt những tháng lạnh lẽo, tạo đà cho cỏ ba lá vượt qua được các loại cỏ mùa xuân. Cỏ ba lá cũng mọc tốt nếu gieo sớm vào mùa xuân. Vãi hạt hoặc trồng thành hàng cách nhau khoảng tầm 3 tấc là ổn. Một khi cỏ ba lá đã trụ vững được, ta sẽ không cần gieo lại nó trong vòng năm hay sáu năm.

Mục đích chính của việc trồng rau “bán hoang dã” này là để trồng hoa màu càng tự nhiên càng tốt trên đất mà nếu không canh tác thì sẽ bị bỏ không. Nếu ta cố tình sử dụng các kỹ thuật tiên tiến hoặc cố để có được sản lượng lớn hơn, những nỗ lực ấy sẽ kết thúc trong thất bại. Trong hầu hết các trường hợp, thất bại này sẽ có nguyên nhân do sâu bệnh. Nếu các loại thảo dược và rau được trộn lẫn với nhau[16] và trồng cùng đám cây cối tự nhiên, thiệt hại do sâu bệnh sẽ được giảm thiểu mà không cần sử dụng tới thuốc phun xịt hoặc phải bắt sâu bằng tay nữa.

Ta có thể trồng rau ở bất kỳ nơi nào có cỏ dại mọc khỏe và đa dạng. Quan trọng là phải quen thuộc với chu kỳ hàng năm và kiểu sinh trưởng của các loại cỏ dại đó. Bằng cách quan sát chủng loại và kích cỡ của cỏ dại ở một vùng, ta có thể biết kiểu đất ở đó là gì và liệu có thiếu hụt một loại dưỡng chất nào không.

Trong vườn cây ăn trái, tôi trồng ngưu bàng, bắp cải, cà chua, cà rốt, mù tạt, các loại đậu, củ cải, nhiều loại thảo dược và rau củ khác cũng bằng phương pháp bán hoang dã này.

Ngày nay, việc trồng lúa gạo của Nhật Bản đang đứng trước một ngả rẽ quan trọng. Nông dân và các chuyên gia đều bối rối không biết phải theo con đường nào – tiếp tục kiểu cấy lúa hay chuyển sang cách gieo hạt trực tiếp. Nếu theo kiểu sau thì chọn canh tác hay vô canh. Tôi đã nói suốt hai mươi năm qua là kiểu gieo hạt trực tiếp và vô canh cuối cùng sẽ chứng tỏ nó là phương pháp tốt nhất. Ở tỉnh Okayama, tốc độ mà phương pháp này đã lan truyền khiến người ta phải mở to mắt.

Tuy nhiên, nhiều người bảo việc dựa vào nền nông nghiệp phi hoá chất để cung cấp thực phẩm cho cả nước là điều không thể tưởng tượng được. Họ nói các biện pháp hoá học phải được sử dụng để kiểm soát ba bệnh lớn trên cây lúa – thối gốc, đạo ôn và bạc lá. Nhưng nếu nông dân ngừng sử dụng các “giống cải tiến” yếu đuối, dừng việc bổ sung quá nhiều đạm cho đất và giảm lượng nước tưới để cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh thì tất cả các bệnh kể trên sẽ biến mất và việc phun xịt hoá chất sẽ trở nên không cần thiết.

Lúc đầu, đất sét đỏ trong ruộng của tôi nghèo và không thích hợp cho trồng lúa. Bệnh tiêm đọt sần[17] xảy ra thường xuyên. Nhưng khi đất ruộng tăng dần độ màu mỡ, tỷ lệ mắc phải bệnh này giảm hẳn. Thời gian gần đây không còn thấy bùng phát nữa.

Với thiệt hại do sâu bọ thì tình huống cũng như vậy. Điều quan trọng nhất là không được giết các con thiên địch. Duy trì nước thường xuyên trong ruộng hoặc tưới nước tù đọng hay ô nhiễm vào ruộng cũng sẽ gặp vấn đề côn trùng phá hoại. Những loại côn trùng gây hại phiền toái nhất, những con rầy vào mùa xuân và mùa thu, có thể nằm trong tầm kiểm soát nhờ vào việc không cho nước vào ruộng.

Rầy xanh đuôi đen trên lúa, sống trong đám cỏ dại suốt cả mùa đông, có thể trở thành một vật chủ chứa vi-rút gây bệnh đạo ôn. Nếu điều này xảy ra thì hậu quả thường sẽ là mất từ mười đến hai mươi phần trăm sản lượng do bệnh đạo ôn. Tuy nhiên, nếu không phun xịt thuốc hoá học, sẽ có nhiều nhện hiện diện trong ruộng, và nói chung là ta có thể nhường phần việc này cho chúng. Những con nhện rất nhạy cảm với sự can thiệp dù là nhỏ nhất của con người, vì thế luôn luôn phải cẩn trọng khi tính tới chuyện này.

Hầu hết mọi người nghĩ rằng nếu không dùng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu thì sản lượng nông nghiệp sẽ sụt giảm một phần mười so với mức hiện tại. Các chuyên gia về côn trùng gây hại dự đoán thiệt hại trong năm đầu tiên sau khi không dùng tới thuốc trừ sâu sẽ vào khoảng năm phần trăm. Sụt giảm năm phần trăm nữa do không dùng phân bón hoá học chắc hẳn sẽ không phải là dự đoán sai gì cho lắm.

Nghĩa là, nếu việc sử dụng nước trong ruộng lúa bị cắt giảm, phân bón hoá học và thuốc trừ sâu, được cổ vũ bởi Hiệp hội Hợp tác xã nông nghiệp, mà bị bỏ đi, thì thiệt hại trung bình trong năm đầu tiên sẽ khoảng mười phần trăm. Nhưng năng lực hồi phục của tự nhiên là tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng. Tôi tin rằng sản lượng thu hoạch sẽ tăng lên và cuối cùng sẽ vượt qua mức ban đầu.

Khi còn làm ở Trạm Kiểm nghiệm Kochi, tôi đã thực hiện các thí nghiệm ngăn ngừa sâu đục thân. Những con côn trùng này chui vào sống nhờ trong thân cây lúa, làm nhánh lúa chuyển sang màu trắng và héo đi. Phương pháp dùng để ước tính thiệt hại rất đơn giản: ta đếm xem có bao nhiêu nhánh lúa màu trắng. Trong một trăm cây thì mười đến hai mươi phần trăm các nhánh lúa có thể bị trắng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, khi mà trông có vẻ như cả mùa vụ đã bị hủy hoại, thì thiệt hại thật sự là tầm ba mươi phần trăm.

Để thử xem có tránh được thiệt hại này không, một thửa ruộng trồng lúa được phun thuốc trừ sâu để tiêu diệt sâu đục thân; một thửa ruộng khác thì không làm gì cả. Khi tính toán kết quả thì hoá ra là thửa ruộng không xử lý gì với nhiều nhánh lúa bị héo lại cho sản lượng cao hơn. Đầu tiên, bản thân tôi cũng không tin được chuyện như thế và nghĩ rằng đấy là một sai số thí nghiệm. Dầu sao thì số liệu dường như là chính xác, thế nên tôi tiếp tục điều tra.

Thực tế là, bằng việc tấn công các cây yếu hơn, bọn sâu đục thân đã tạo ra đại loại một hiệu ứng tỉa bớt. Một số nhánh lúa héo đi để lại nhiều khoảng trống hơn cho các cây lúa còn lại. Ánh sáng mặt trời vì thế có thể thâm nhập tới những cái lá dưới thấp. Kết quả là các cây lúa còn lại sẽ mọc khỏe hơn, đâm ra nhiều nhánh lúa cho hạt hơn, và sản sinh nhiều hạt trên một bông lúa hơn là khi không bị tỉa bớt đi. Khi mật độ các nhánh lúa quá lớn và bọn côn trùng không tỉa bớt phần thừa ra, thì cây lúa trông vẫn khá khỏe mạnh, nhưng trong nhiều trường hợp, sản lượng thu hoạch thực tế lại thấp hơn.

Nhìn vào nhiều báo cáo từ các trung tâm nghiên cứu kiểm nghiệm, ta có thể thấy kết quả được ghi chép lại từ việc sử dụng gần như mọi loại hoá chất phun xịt. Tuy thế, thường thì người ta không nhận ra rằng chỉ một nửa trong số các kết quả này được đem ra báo cáo. Tất nhiên ở đây không có chuyện cố tình che giấu gì, nhưng khi các kết quả được công bố bởi các công ty hoá chất, như trong các mẩu quảng cáo, thì gần như những số liệu còn có mâu thuẫn đã bị lấp liếm đi. Các kết quả mà cho thấy sản lượng thấp, như trong thí nghiệm với sâu đục thân, được đánh dấu như là những sai số thí nghiệm và bị loại bỏ. Dĩ nhiên là có những trường hợp trong đó việc diệt côn trùng đem lại sản lượng tăng, nhưng cũng có những trường hợp sản lượng suy giảm. Những báo cáo về sản lượng thấp hiếm khi được công bố.

Một túp lều vách đất giữa vườn cây ăn quả.

Trong số các hoá chất sử dụng trong nông nghiệp, thuốc diệt cỏ có lẽ là loại khó thuyết phục nông dân đừng sử dụng nhất. Từ thời xưa, người nông dân đã phải khổ sở trong “trận chiến với cỏ dại.” Cày đất, cuốc xới giữa các hàng lúa, bản thân nghi thức cấy lúa, tất cả chủ yếu đều nhắm tới việc loại trừ cỏ dại. Trước khi có thuốc diệt cỏ, mỗi mùa vụ, người nông dân sẽ phải lội nhiều cây số trên các đồng lúa ngập nước, đẩy một dụng cụ nhổ cỏ ngược xuôi các hàng lúa và thậm chí phải nhổ cỏ bằng tay. Vì thế thật dễ hiểu khi những hoá chất này lại được đón nhận như món quà trời ban. Với việc sử dụng rơm, cỏ ba lá và chỉ đưa nước vào ruộng tạm thời, tôi đã tìm ra một cách đơn giản để chế ngự cỏ dại mà không cần phải vất vả bỏ công làm cỏ hay sử dụng tới hoá chất nữa.

Các nhà nghiên cứu nên trở thành triết gia trước khi trở thành nhà nghiên cứu. Họ nên xem xét đâu là mục tiêu của con người, đâu là thứ mà nhân loại nên tạo ra. Các bác sĩ trước hết cần xác định, ở mức độ căn bản, đâu là thứ mà con người dựa vào để sống.

Bằng việc áp dụng các lý thuyết của mình vào làm nông, tôi đã thử nghiệm trồng các mùa vụ của mình theo nhiều cách khác nhau, luôn luôn với ý tưởng phát triển được một phương pháp gần với tự nhiên. Tôi đã làm được điều này bằng cách bỏ đi những “kỹ thuật nông nghiệp” không cần thiết.

Nông nghiệp theo khoa học hiện đại thì trái lại, không có tầm nhìn như vậy. Việc nghiên cứu lan man vô mục đích khiến mỗi nhà nghiên cứu chỉ nhìn thấy một phần trong vô vàn các yếu tố tự nhiên tác động lên sản lượng thu hoạch. Hơn nữa, những yếu tố tự nhiên này biến đổi tuỳ theo nơi chốn và thời gian.

Cho dù là cùng một khoảnh đất một nghìn mét vuông đó, người nông dân phải trồng cây mùa vụ của mình mỗi năm một khác tuỳ theo sự biến đổi của thời tiết, mật độ các loại côn trùng, điều kiện đất trồng và nhiều nhân tố tự nhiên khác. Tự nhiên ở khắp mọi nơi, vận động không ngừng; các điều kiện không bao giờ là y hệt nhau trong hai năm bất kỳ nào.

Nghiên cứu hiện đại chia tự nhiên ra thành các mảnh nhỏ và tiến hành các phép thử không tuân theo quy luật tự nhiên cũng như các kinh nghiệm thực tế. Các kết quả nghiên cứu được sắp xếp vì sự thuận tiện trong nghiên cứu chứ không theo nhu cầu của người nông dân. Sẽ là một sai lầm lớn khi cho rằng có thể áp dụng thành công những kết quả nghiên cứu trên ruộng của người nông dân như trên đám ruộng thí nghiệm.

Gần đây Giáo sư Tsuno của Trường Đại học Ehime có viết một cuốn sách dài về mối quan hệ giữa sự trao đổi chất của cây và sản lượng thóc thu hoạch được. Vị giáo sư này thường đến ruộng của tôi, đào sâu xuống vài tấc để kiểm tra mẫu đất, còn dẫn sinh viên theo để đo góc chiếu của mặt trời và bóng râm và đủ thứ khác nữa, rồi lấy vài mẫu cây mang về phòng thí nghiệm để phân tích. Tôi thường hỏi ông ta: “Khi nào quay lại, ông sẽ thử phương pháp gieo hạt trực tiếp vô canh chứ?.” Ông ta cười cười trả lời: “Không, tôi để phần áp dụng lại cho ông. Tôi sẽ chỉ bám chặt lấy việc nghiên cứu thôi.”

Thế đấy, chuyện nó là như vậy. Anh nghiên cứu chức năng quá trình trao đổi chất của cây và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất của nó, viết sách, nhận bằng tiến sỹ nông nghiệp. Đừng có hỏi liệu lý thuyết về sự đồng hoá[18] của anh có liên quan gì tới hoa lợi hay không.

Ngay cả khi ta có thể giải thích sự trao đổi chất tác động thế nào lên ‘sức sản xuất’[19] của chiếc lá phía trên cùng khi nhiệt độ trung bình là 29 độ C, thì vẫn có những nơi mà nhiệt độ này không phải là 29 độ. Hơn nữa, nếu năm nay ở Ehime nhiệt độ là 29 độ thì sang năm có thể nó chỉ còn 24 độ. Nếu nói đơn giản rằng chỉ cần đẩy mạnh quá trình trao đổi chất là sẽ làm tăng lượng tinh bột hình thành và mang lại năng suất cao là một sai lầm. Địa lý và địa thế đất, điều kiện đất trồng, cấu trúc của nó, kết cấu, sự thoát nước, thời gian chiếu sáng, mối liên hệ giữa các loài côn trùng, loại giống sử dụng, phương pháp canh tác – thực sự là vô cùng vô tận các nhân tố – tất cả đều phải được xem xét. Một phương pháp kiểm nghiệm khoa học mà đưa được tất cả các yếu tố liên quan vào xem xét là điều bất khả thi.

Dạo này ta nghe thấy nhiều về lợi ích của “Phong trào lúa tốt” và “Cuộc cách mạng Xanh.” Bởi lẽ những phương pháp này phụ thuộc vào những giống lúa yếu ớt, “cải tiến” nên việc người nông dân sử dụng hoá chất và thuốc trừ sâu tám đến mười lần trong suốt mùa vụ là điều cần thiết. Trong một thời gian ngắn, đất trồng sẽ bị xóa sạch các vi sinh vật và chất hữu cơ. Sự sống của đất bị hủy hoại và mùa vụ trở nên phụ thuộc vào các dưỡng chất thêm vào dưới dạng phân bón hoá học.

Có vẻ như mọi thứ tốt hơn lên khi người nông dân áp dụng các kỹ thuật “khoa học,” nhưng thế không có nghĩa là khoa học phải đến để giải cứu do độ màu mỡ tự nhiên vốn đã không đủ, mà sự giải cứu đó thành ra cần thiết là do độ màu mỡ tự nhiên của đất đã bị hủy hoại.

Bằng cách rải rơm, trồng cỏ ba lá, và trả về cho đất tất cả những chất hữu cơ thừa, đất sẽ có được tất cả dưỡng chất cần thiết cho việc trồng lúa và ngũ cốc vụ đông trên cùng cánh đồng hết năm này qua năm khác. Bằng việc làm nông tự nhiên, những cánh đồng đã bị phá hoại bởi quá trình canh tác hay bởi việc sử dụng các hoá chất nông nghiệp, sẽ có thể được khôi phục một cách có hiệu quả.

Bình luận
1440
× sticky