Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm

Phần 4: Sự Mơ Hồ Về Thức Ăn

Tác giả: Masanobu Fukuoka

 

 

Một bạn trẻ sống đã ba năm ở một trong những cái chòi ở trên núi một ngày kia nói với tôi, “Bác ạ, khi người ta nói tới ‘thực phẩm tự nhiên’ cháu chả biết ý của họ là gì.”

Khi ta nghĩ về điều đó thì thấy rằng ai ai cũng quen thuộc với cụm từ “thực phẩm tự nhiên,” nhưng thực phẩm tự nhiên thực sự là gì thì không mấy ai hiểu một cách rõ ràng. Nhiều người cho rằng việc ăn những thực phẩm không có chứa các hoá chất nhân tạo hoặc các chất phụ gia thì đã là một chế độ ăn tự nhiên rồi, người khác thì nghĩ một cách mơ hồ rằng chế độ ăn tự nhiên là tìm thấy những thực phẩm như thế nào trong tự nhiên thì ăn đúng như thế.

Nếu ta đặt câu hỏi, liệu việc sử dụng lửa và muối trong nấu ăn là tự nhiên hay phi tự nhiên thì có hai cách trả lời. Nếu chế độ ăn của những người thời cổ sơ chỉ ăn thực vật và động vật trong trạng thái hoang dã của chúng là “tự nhiên,” thì một chế độ ăn dùng tới muối và lửa không thể được coi là tự nhiên. Nhưng nếu lập luận rằng những tri thức có được từ thời xưa về sử dụng lửa và muối là định mệnh tự nhiên của loài người, thì thức ăn được chế biến một cách thích hợp là điều hoàn toàn tự nhiên. Liệu rằng thực phẩm, được các kỹ thuật chế biến của con người áp dụng vào là tốt, hay các thức ăn nguyên sơ như trong tự nhiên mới được xem là tốt? Liệu những nông sản được tạo ra do canh tác có thể được gọi là tự nhiên? Đâu là lằn ranh giữa tự nhiên và phi tự nhiên?

Có thể nói rằng cụm từ “chế độ ăn tự nhiên” ở Nhật bắt nguồn từ những lời dạy của Sagen Ishizuka thời Minh Trị (Meiji). Lý thuyết của ông ấy sau này được tinh chỉnh và nâng tầm bởi ông Sakurazawa (George Osawa) và ông Niki. Con đường dưỡng sinh (Thực dưỡng), được biết tới ở phương Tây với cái tên Macrobiotics, đặt nền tảng trên thuyết bất nhị và các khái niệm âm-dương của Kinh Dịch. Do nó thường có nghĩa là chế độ ăn gạo lứt, nên “chế độ ăn tự nhiên” thường được nghĩ là việc ăn ngũ cốc toàn phần và rau củ. Tuy vậy, thực phẩm tự nhiên không thể quy một cách quá đơn giản về chế độ ăn chay gạo lứt.

Vậy thì nó là gì?

Nguyên do của tất cả những sự mơ hồ này là ở chỗ, có hai lối đi của tri thức loài người – phân biệt (discrimination) và bất phân biệt (non-discrimination)[33]. Người ta thường tin rằng việc nhìn nhận thế giới không lầm lẫn là điều có thể có được chỉ qua việc phân biệt. Vì thế, cái từ “tự nhiên” như thường được đề cập là hàm ý một tự nhiên như nó được tiếp nhận bởi trí phân biệt.

Tôi chối từ cái hình ảnh rỗng tuếch về tự nhiên được tạo ra bởi trí não con người như thế, và tôi cũng phân định rạch ròi giữa nó với bản thân tự nhiên – như được trải nghiệm bởi sự hiểu biết bất phân biệt. Nếu chúng ta xóa bỏ đi được khái niệm sai lầm về tự nhiên đó, tôi tin rằng căn nguyên của sự hỗn loạn trên thế giới sẽ biến mất.

Ở phương Tây, khoa học tự nhiên được phát triển từ tri thức phân biệt; ở phương Đông triết lý về âm-dương và về Kinh Dịch được phát triển từ cùng một nguồn như thế. Thế nhưng chân lý khoa học không bao giờ có thể đạt tới chân lý tuyệt đối, còn các triết thuyết, sau cùng thì chẳng khác gì hơn những diễn giải về thế giới. Tự nhiên như được nắm bắt bởi tri thức khoa học là một thứ tự nhiên đã bị phá hoại; nó là một bóng ma chiếm hữu một bộ xương, nhưng chẳng có linh hồn. Tự nhiên như được nắm bắt bởi tri thức triết học là một lý thuyết được tạo ra từ sự ức đoán của con người, một bóng ma với một linh hồn, nhưng không có kết cấu.

Chẳng có cách nào khác để có thể nhận ra được tri thức bất phân biệt, ngoại trừ bằng trực giác, nhưng người ta lại cố nhét nó vào một cái khung quen thuộc bằng việc gọi nó là “bản năng.” Thực ra nó là tri thức tới từ một nguồn không thể đặt tên. Hãy bỏ lại tâm trí phân biệt và vượt qua thế giới tương đối nếu ta muốn biết bản chất thật sự của tự nhiên. Tự khởi đầu chẳng hề có Đông hay Tây, chẳng có bốn mùa, và không cả âm hay dương.

Một bữa ăn giữa ngày, cơm và rau quả  ngâm.

Khi tôi đi xa tới mức này, thì anh bạn trẻ kia hỏi tiếp, “Vậy là bác không chỉ chối từ khoa học tự nhiên, mà cả các triết lý phương Đông dựa trên âm-dương và Kinh Dịch nữa ạ?”

Tôi nói, những điều trên với tư cách một cách thức hay với vai trò những cột mốc chỉ hướng có thể được thừa nhận là có giá trị, nhưng chúng không nên được xem như là những sở đắc cao nhất. Những chân lý khoa học và triết học là những khái niệm của thế giới tương đối, ở đó chúng là đúng và giá trị của chúng được nhìn nhận. Chẳng hạn, đối với những người hiện đại sống trong thế giới tương đối, đang gây đảo lộn trật tự của tự nhiên và dẫn tới sự suy sụp của chính cơ thể và tinh thần của họ, thì học thuyết âm-dương có thể đóng vai trò như một mũi tên chỉ đường thích hợp và hiệu quả, chỉ về phía khôi phục lại trật tự đó.

Những đường hướng như thế có thể nói là những thuyết hữu ích giúp người ta đạt được một chế độ ăn cô đọng và tinh gọn[34], cho tới khi một chế độ ăn tự nhiên thực sự được thành hình. Nhưng nếu ta nhận ra rằng mục tiêu cuối cùng của con người là vượt lên trên thế giới tương đối, để vui chơi trong địa hạt của tự do, thì việc kéo lê theo, dính chặt với lý thuyết là một sự không may. Khi cá nhân đó có thể bước vào một thế giới trong đó hai khía cạnh âm và dương quay trở về với sự thống nhất nguyên thủy của chúng, thì nhiệm vụ của những biểu tượng này kết thúc.

Một bạn trẻ mới đến lên tiếng: “Thế thì, nếu ta trở thành một con người tự nhiên thì ta có thể ăn bất kể thứ gì ta muốn à?”

Ta còn mong chờ một thế giới sáng sủa ở bên kia đường hầm chừng nào thì bóng tối của đường hầm còn kéo dài tới chừng ấy. Khi ta không còn muốn ăn cái gì đó cho ngon miệng, thì ta có thể nếm được hương vị thực sự của bất kể thứ gì mà ta đang ăn. Bày những thực phẩm đơn giản của chế độ ăn tự nhiên lên bàn ăn thì dễ, nhưng có thể thực sự thưởng thức một bữa tiệc như thế thì chỉ có một vài người.

Suy nghĩ của tôi về thực phẩm tự nhiên thì cũng giống như với việc làm nông tự nhiên. Cũng như làm nông tự nhiên phải tuân theo tự nhiên như nó có, nghĩa là, tự nhiên được thấu hiểu bởi tâm trí bất phân biệt, thì chế độ ăn tự nhiên là một cách ăn uống trong đó những thực phẩm được thu hái ở nơi hoang dã hoặc là những cây cỏ được trồng theo cách làm nông tự nhiên, và những con cá được bắt theo những phương pháp tự nhiên, cách ăn uống này có được qua tâm trí bất phân biệt mà không vận dụng tới hành động cố ý.

Dù tôi có nói về hành động không cố ý và phi phương pháp, thì tất nhiên những hiểu biết trí tuệ có được theo thời gian trong cuộc sống thường ngày vẫn được thừa nhận. Việc sử dụng muối và lửa trong nấu nướng có thể bị chỉ trích như là bước đi đầu tiên của sự chia cắt con người ra khỏi tự nhiên, nhưng đấy đơn giản chỉ là trí tuệ tự nhiên, như được hiểu bởi những người cổ sơ, và điều đó nên được thừa nhận như là trí khôn trời ban.

Những cây trồng đã tiến hoá qua hàng ngàn và hàng vạn năm khi sống chung với con người không phải là những sản phẩm sinh ra hoàn toàn từ tri thức phân biệt của người làm nông, và có thể được xem là những thực phẩm hình thành một cách tự nhiên. Nhưng những giống loài bị can thiệp tức thời lại không được tiến hoá dưới những điều kiện tự nhiên, thay vào đó được phát triển bởi ngành khoa học nông nghiệp, là cái đã bị kéo xa khỏi tự nhiên, cũng như những con cá, tôm cua sò hến, cùng với những con gia súc được sản xuất hàng loạt, chúng nằm ngoài danh mục (tự nhiên) này.

Trồng trọt, nuôi cá, chăn nuôi động vật, thức ăn thực tế hàng ngày, quần áo để mặc, mái nhà trên đầu, cuộc sống tinh thần – tất cả mọi thứ – phải tạo thành một thể thống nhất với tự nhiên.

Tôi đã vẽ các sơ đồ sau để giúp cho việc giải thích chế độ ăn tự nhiên thoát qua khỏi khoa học và triết lý. Sơ đồ đầu tiên tập hợp lại những loại thức ăn người ta có thể dễ dàng có được nhất, và những thức ăn này được sắp xếp theo các nhóm, đại loại như thế. Sơ đồ thứ hai cho thấy những loại thức ăn nào có vào những tháng nào trong năm. Các sơ đồ này tạo nên Mạn đà la[35] thực phẩm của tự nhiên. Từ Mạn đà la này, có thể thấy rằng nguồn thức ăn được cung cấp trên bề mặt trái đất này gần như là vô hạn. Nếu người ta kiếm được thức ăn qua “vô-tâm”[36] thì ngay cả khi họ chẳng biết gì về âm và dương, họ vẫn có thể có được một chế độ ăn tự nhiên hoàn hảo.

Những ngư dân và nông dân ở làng quê Nhật Bản không để tâm tới luận lý của những sơ đồ này. Họ tuân theo sự chỉ định của tự nhiên bằng cách chọn lấy những thực phẩm theo mùa có ngay trong khu vực họ sinh sống.

Từ đầu mùa xuân, khi bảy loại thảo dược nảy mầm lên từ đất, người nông dân có thể thưởng thức được bảy vị. Đi cùng với những thức này là vị ngon lành của ốc trong ao, trai biển và các loài nhuyễn thể.

Mùa lá xanh đến vào tháng ba. Cây đuôi ngựa, dương xỉ diều hâu, cây ngải, cây vi (một loại dương xỉ), cùng các loại cây mọc trên núi khác, và tất nhiên những chiếc lá non của cây hồng vàng, cây đào, cùng với đọt non của các loại khoai núi, tất cả chúng đều ăn được. Sở hữu vị thanh nhẹ, chúng làm nên những món xào ngon miệng và cũng có thể được dùng để làm gia vị.

Ở bờ biển thì những loại rau biển như tảo bẹ, rong đỏ và rong đá thật ngon lành và có nhiều suốt những tháng mùa xuân.

Khi những cây tre nhú những búp măng lên khỏi mặt đất thì cũng là lúc cá tuyết đá xám, cá tráp biển và cá lợn vằn đang ở thời điểm ăn ngon nhất. Mùa hoa iris nở được ăn mừng với sashimi cá hố và cá thu. Đậu xanh, đậu tuyết, đậu lima và đậu gà lột vỏ ăn luôn hoặc đem nấu với ngũ cốc toàn phần như gạo lứt, mì lứt hay mạch lứt đều ngon cả.

Tới cuối mùa mưa[37], mơ Nhật được đem muối, còn dâu tây và mâm xôi có thể đi nhặt được rất nhiều. Vào lúc này, thật tự nhiên là cơ thể bắt đầu thèm vị mát của hành tăm cùng với những loại trái cây mọng nước như sơn trà Nhật, mơ và đào. Trên cây sơn trà Nhật thì quả của nó không phải là thứ duy nhất có thể ăn được. Hạt có thể nghiền ra thành “cà phê”, và khi lá của nó được ủ để làm trà thì đấy là một trong những loại thuốc quý nhất. Những lá già của cây đào và cây hồng vàng sản sinh ra một loại thuốc bổ kéo dài tuổi thọ.

Nếu gọi đó là điều huyền bí, thì đúng là huyền bí thật, khi mà ngũ cốc mùa đông được thu hoạch vào mùa xuân lại hợp đến thế với sự chán ăn vào mùa hè, và vì thế trong hè, các loại mì sợi vắt từ hạt đại mạch với đủ kích thước và hình dạng lại được chế biến thường xuyên. Hạt kiều mạch thì được thu hoạch trong hè. Đấy là một loại cây hoang từ cổ xưa và là một loại thực phẩm rất hợp với mùa này.

Đầu thu là khoảng thời gian thật vui sướng, với đậu nành và đậu đỏ nhỏ hạt (azuki), nhiều loại trái cây, rau, cùng với nhiều loại ngũ cốc màu vàng đều chín cùng một lúc. Bánh kê được thưởng thức vào các ngày hội ngắm trăng thu. Đậu nành luộc sơ được bày ra cùng với khoai sọ. Vào khoảng cuối mùa thu, ngô và gạo được hấp lên với đậu đỏ, nấm hương, hoặc hạt dẻ, là những món được ăn và thưởng thức thường xuyên. Quan trọng hơn cả là hạt thóc đã hấp thụ ánh nắng mặt trời suốt cả mùa hè và chín vào mùa thu. Điều này có nghĩa đây là một loại thức ăn chủ đạo có thể tích trữ nhiều, nó giàu năng lượng, thích hợp cho những tháng mùa đông lạnh giá.

Khi băng giá bắt đầu xuất hiện, người ta cảm thấy muốn ghé qua chỗ lò nướng cá. Cá mình xanh sống ở vùng nước sâu như cá đuôi vàng hay cá ngừ có thể bắt được trong mùa này. Thật thú vị là củ cải Nhật và những loại rau ăn lá có nhiều trong mùa lại thích hợp với những loại cá này đến vậy.

Việc nấu nướng trong ngày Lễ mừng năm mới được chuẩn bị phần lớn từ những thực phẩm đã được muối chua hay ướp mặn từ trước đặc biệt để dành cho ngày lễ lớn. Việc cá hồi muối, trứng cá trích, cá tráp đỏ, tôm hùm, tảo bẹ, và đậu đen được bày lên bàn tiệc mỗi năm đã diễn ra trong nhiều thế kỷ rồi.

Việc đào những loại củ cải trước đó được bỏ mặc trên mặt đất, giờ được bao phủ bởi một lớp đất và tuyết, là một trải nghiệm thích thú trong mùa đông. Ngũ cốc và nhiều loại đậu đỗ được trồng trong năm cùng miso và nước tương là những món ăn chủ đạo luôn luôn có sẵn. Cùng với cải bắp, củ cải, bí và khoai lang được tích trữ trong mùa thu là một trong số những thức ăn sẵn có trong những tháng lạnh lẽo hơn. Tỏi tây và hành hoang rất hợp với vị ngon của hàu và con dưa biển có thể bắt được vào thời gian đó.

Trong lúc chờ cho mùa xuân tới, người ta có thể thoáng thấy những cái mầm của cây chân ngựa và những cái lá ăn được của loại phong lữ bò ló ra khỏi tuyết. Với sự trở lại của cải xoong, rau tề thái, cỏ gà, và những loại thảo dược hoang khác, cả một vườn những cây rau tự nhiên của mùa xuân có thể thu hái ngay dưới cửa sổ nhà bếp.

Vì thế, bằng việc đi theo một chế độ ăn giản dị, hái lượm những thực phẩm của các mùa trong năm khác nhau ở gần nhà, bằng việc thưởng thức sự toàn phần và hương vị giàu dinh dưỡng của chúng, những cư dân bản địa chấp thuận những gì mà tự nhiên mang tới.

Những người này biết hương vị ngon lành của thức ăn, nhưng họ chẳng thể nếm được hương vị huyền bí của tự nhiên; đúng hơn là họ nếm được nó, nhưng không thể biểu đạt nó ra bằng ngôn từ.

Một chế độ ăn tự nhiên nằm ngay ở dưới chân mỗi người.

Khi được hỏi lý do tại sao chúng ta lại ăn thức ăn, ít người nghĩ xa hơn cái thực tế rằng thức ăn là cần thiết để duy trì sự sống và sự sinh trưởng của cơ thể con người. Tuy nhiên, trên cả điều này, một câu hỏi sâu xa hơn về mối quan hệ giữa thực phẩm và tinh thần của con người được đặt ra. Đối với con vật, chỉ ăn, chơi đùa rồi ngủ là đủ. Đối với con người cũng vậy, đó sẽ là một thành tựu lớn lao nếu họ có thể thưởng thức những thức ăn bổ dưỡng, những công việc hàng ngày đơn giản và một giấc ngủ thảnh thơi.

Đức Phật nói, “Sắc là Không và Không là Sắc.” Do “Sắc” trong ngôn ngữ Phật giáo chỉ vật chất, hay là những sự vật, còn “Không” là tâm trí, ngài đang nói rằng vật chất và tâm trí là như nhau. Vật thì có nhiều màu, hình dạng và hương vị khác nhau, còn tâm trí con người thì bay chuyền từ bên này qua bên khác, bị thu hút tới những phẩm chất khác nhau của sự vật. Thực sự thì vật chất và tâm trí là một.

Thế giới có bảy màu cơ bản. Nhưng nếu bảy màu này được kết hợp lại, chúng trở thành màu trắng. Khi được phân tách ra bằng một thấu kính, ánh sáng trắng sẽ cho ra bảy màu. Khi con người nhìn thế giới này với “vô-tâm”, thì màu sắc sẽ biến mất. Nó là vô màu. Chỉ khi chúng được nhìn bởi tâm trí bảy màu của sự phân biệt thì bảy màu sắc này mới xuất hiện.

Nước trải qua vô số sự biến đổi nhưng nước vẫn cứ là nước. Cũng giống như vậy, mặc dù tâm thức có vẻ như trải qua nhiều biến cố nhưng cái tâm bất động nguyên thuỷ thì không hề thay đổi. Khi người ta mê đắm bảy màu, tâm trí dễ dàng bị phân tán. Những màu sắc của lá, cành cây và trái cây được thu nhận, trong khi cái nền tảng của màu sắc bị bỏ qua không chú ý tới.

Điều này cũng đúng với thức ăn. Trong thế giới này, có rất nhiều vật chất tự nhiên phù hợp làm thức ăn cho con người. Những thức ăn này được phân biệt bởi tâm trí và được người ta nghĩ là có những phẩm chất tốt và xấu. Khi đó người ta chọn lựa một cách ý thức cái mà họ nghĩ là họ phải có cho mình. Quá trình lựa chọn này cản trở việc nhận ra đâu là nền tảng của dinh dưỡng dành cho con người, là cái mà tạo hoá chỉ định cho nơi chốn đó vào mùa (thời gian) đó trong năm.

Những màu sắc của tự nhiên, như màu hoa tú cầu, thay đổi thật dễ dàng. Bản chất của tự nhiên là biến đổi không ngừng. Cũng bởi chính cái lý do nó chuyển động vô tận, nên ta cũng có thể xem đó là ‘sự chuyển động phi chuyển động.’ Khi lý lẽ được áp vào việc chọn lựa thức ăn, sự hiểu biết về tự nhiên của người ta trở nên cố định và thế là sự biến trạng của tự nhiên, chẳng hạn như sự thay đổi mùa, bị phớt lờ.

Mục đích của một chế độ ăn tự nhiên không phải là để tạo ra những con người thông thạo có thể giải thích hợp lý và sành sỏi trong việc lựa chọn thức ăn, mà là để tạo ra những con người không biết gì, nhặt lấy đồ ăn mà không cần viện tới những phân biệt thuộc về ý thức. Điều này không đi ngược lại với tự nhiên. Bằng việc nhận ra ‘vô-tâm,’ không lạc lối trong những vi tế của hình tướng, chấp nhận màu sắc của vô màu chính là màu, đấy là lúc chế độ ăn đúng đắn bắt đầu.

Người ta nói “Anh chẳng thể biết thức ăn đó có vị như thế nào cho tới khi anh ăn thử nó.” Nhưng ngay cả khi anh thử ăn nó thực, thì hương vị của thức ăn đó có thể biến thiên, tuỳ thuộc vào thời điểm, trạng huống, và thiên hướng của người đang nếm nó.

Nếu ta hỏi một nhà khoa học hương vị là gì, ông ta sẽ cố định nghĩa nó bằng cách tách riêng các thành phần khác nhau ra và bằng cách xác định tỉ lệ của chua, cay, mặn, ngọt, đắng. Nhưng hương vị không thể được định nghĩa bằng phân tích hay thậm chí bằng đầu lưỡi. Dù cho năm vị này được lưỡi cảm thụ, nhưng những ấn tượng lại được thu thập và diễn dịch bởi tâm trí.

Một người sống tự nhiên có thể đạt được chế độ ăn đúng đắn là nhờ bản năng của anh ta đang ở trong một trật tự làm việc đúng đắn. Anh ta thấy thỏa mãn với thức ăn đơn giản; nó bổ dưỡng, ăn thấy ngon miệng, và là dược phẩm có ích mỗi ngày. Thức ăn và tinh thần của người đó là thống nhất.

Con người hiện đại đã đánh mất cái bản năng trong sạch của mình, và hệ quả là không thể đi hái và thưởng thức bảy thảo dược mùa xuân. Họ lao ra ngoài kiếm tìm muôn vẻ hương vị. Chế độ ăn của họ trở nên hỗn loạn, khoảng cách giữa cái ưa thích và không ưa thích càng mở rộng ra, và bản năng của họ ngày càng trở nên lộn xộn. Từ đây, con người bắt đầu sử dụng những thứ gia vị mạnh vào thức ăn và dùng tới những kỹ thuật nấu ăn công phu, do đó càng khoét sâu thêm sự lộn xộn đó. Thức ăn và tinh thần người ấy đã trở nên xa lạ nhau.

Hầu hết con người thời nay thậm chí còn trở nên xa rời với hương vị cơm gạo họ ăn nữa. Gạo toàn phần thì bị đem ra tinh chế và xử lý, chỉ còn để lại phần tinh bột vô vị. Gạo chà bóng thiếu đi hương vị độc đáo của gạo toàn phần. Kết quả là, nó đòi hỏi phải có những gia vị và phải được bù bằng những món ăn kèm hay phải rưới nước sốt (mắm, tương) lên. Người ta nghĩ, một cách nhầm lẫn, rằng chuyện cơm gạo có giá trị dinh dưỡng thấp không thành vấn đề, chừng nào họ có những viên vitamin bổ sung hay những thức ăn khác, chẳng hạn như thịt hay cá, để cung cấp những dưỡng chất còn thiếu.

Những món ăn nhiều hương vị bản thân chúng không ngon. Thức ăn không ngon lành gì trừ phi người ta nghĩ như vậy. Mặc dù hầu hết mọi người nghĩ rằng thịt bò và thịt gà là ngon miệng, đối với một người vì lý do thể chất hoặc lý do tâm linh mà anh ta không thích chúng, thì chúng lại là ghê tởm.

Chỉ chơi đùa hoặc chẳng làm gì cả, thế mà bọn trẻ con vẫn vui sướng. Một người lớn với tâm trí phân biệt thì khác, anh ta quyết định những gì sẽ làm cho anh ta vui sướng hạnh phúc, và khi những điều kiện này được thỏa mãn, anh ta mới thấy hài lòng. Thức ăn ngon đối với anh ta không nhất thiết là vì chúng có những hương vị tinh tế của tự nhiên và bổ dưỡng với cơ thể, mà bởi vì khẩu vị của anh ta đã bị điều kiện hoá rằng như thế là ngon.

Mì sợi làm từ bột mì thì thật là ngon, nhưng một ly mì ăn liền mua từ máy bán lẻ ăn cực tệ. Nhưng, nhờ vào quảng cáo, xóa đi cái ý tưởng về mùi vị tệ hại của chúng, và thế là đối với nhiều người, bằng cách nào đó, thậm chí cái thứ mì nhạt nhẽo này lại thành ra ngon.

Có câu chuyện kể rằng, bị hồ ly phỉnh, người ta ăn cả phân ngựa. Ở đây không có gì đáng cười cả. Con người ngày nay ăn với tâm trí của họ chứ chẳng bằng cơ thể của họ. Nhiều người chẳng quan tâm liệu có bột ngọt ở trong thức ăn của họ hay không, họ chỉ nếm bằng đầu lưỡi, và vì vậy họ dễ dàng bị đánh lừa.

Ban đầu, người ta ăn uống đơn giản là bởi vì họ sống và bởi vì thức ăn thật ngon. Con người hiện đại đi đến chỗ nghĩ rằng nếu họ không chế biến thức ăn với những thứ gia vị công phu thì bữa ăn sẽ nhạt nhẽo. Nhưng nếu ta không cố làm cho thức ăn ngon miệng, ta sẽ thấy rằng Tự Nhiên sẽ làm công việc đó.

Điều cần cân nhắc đầu tiên phải là sống làm sao để bản thân thức ăn ăn vào ngon miệng, nhưng thay vào đó, ngày nay, tất cả mọi nỗ lực lại là tập trung vào việc thêm thắt tính ngon miệng cho thức ăn. Mỉa mai thay, những thức ăn ngon lành chẳng thấy đâu mà chỉ biến mất tiệt.

Người ta cố gắng làm ra bánh mì ngon, và thế là bánh mì ngon biến mất. Bằng việc cố tạo ra những loại thức ăn xa xỉ giàu sang, họ tạo ra những thứ thức ăn vô dụng, và giờ thì khẩu vị của người ta trở nên không thể nào thỏa mãn được nữa.

Những phương pháp chế biến thức ăn tốt nhất luôn bảo toàn hương vị đặc trưng tự nhiên. Sự thông thái thường ngày có được từ trước đây rất lâu đã cho phép người ta tạo ra đủ loại dưa từ rau củ, chẳng hạn như dưa phơi nắng, dưa muối, dưa muối cám, và dưa muối tương miso, sao cho hương vị của bản thân rau củ cũng được bảo tồn.

Nghệ thuật nấu ăn bắt đầu cùng với muối biển và một ngọn lửa. Khi thức ăn được chế biến bởi ai đó nhạy bén với những điều căn bản của nấu ăn, chúng vẫn sẽ giữ được hương vị tự nhiên. Nếu thông qua việc nấu, thực phẩm có thêm hương vị ngoại lai nào đó, và nếu mục đích của việc thay đổi hương vị này chỉ đơn thuần để món ăn được thích thú hơn, thì đấy là nấu ăn sai.

Văn hoá thường được nghĩ như là cái gì đó được tạo ra, duy trì và phát triển bởi riêng những nỗ lực của loài người. Nhưng văn hoá luôn luôn khởi nguồn trong mối tương tác giữa con người với tự nhiên. Khi tính thống nhất của xã hội loài người và tự nhiên được nhận ra, văn hoá sẽ tự nó định hình. Văn hoá luôn được kết nối gần gụi với cuộc sống hàng ngày, và vì thế được truyền trao qua từng thế hệ, và được bảo tồn cho tới thời điểm hiện tại.

Cái gì sinh ra từ sự tự cao của con người và từ công cuộc tìm kiếm khoái lạc không thể được xem là văn hoá thực sự. Văn hoá thực sự được sinh ra trong tự nhiên, nó đơn giản, khiêm nhường và thanh khiết. Thiếu đi văn hoá thực sự, loài người sẽ diệt vong.

Khi người ta gạt bỏ thực phẩm tự nhiên và thay vào đó, lựa chọn thực phẩm tinh chế là lúc xã hội đi vào con đường tự hủy diệt. Đấy là bởi vì những thức ăn như thế không phải là sản phẩm của văn hoá thực sự. Thức ăn là sự sống, và sự sống không thể xa rời tự nhiên.

Chẳng có gì sánh bằng việc được ăn thức ăn ngon, nhưng đối với hầu hết mọi người, ăn chỉ là một cách để nuôi dưỡng cơ thể, để có năng lượng làm việc và để sống cho tới già. Các bà mẹ thường bảo con cái họ phải ăn đồ ăn của chúng – ngay cả khi chúng không thích vị của đồ ăn – chỉ bởi vì thế là tốt cho chúng.

Nhưng dinh dưỡng không thể tách rời ra khỏi cảm nhận về vị. Những thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho cơ thể con người, kích thích khẩu vị thì tự thân chúng là ngon. Dinh dưỡng đúng đắn không thể tách rời khỏi hương vị ngon.

Cách đây không lâu, bữa ăn hàng ngày của những người nông dân trong vùng này bao gồm cơm, mạch với tương miso và rau củ muối. Chế độ ăn này cho tuổi thọ cao, thể chất mạnh mẽ và sức khỏe tốt. Rau xào và cơm hấp lên kèm đậu đỏ là tiệc mỗi tháng có một lần. Sức khỏe và cơ thể cường tráng của người nông dân đã được nuôi dưỡng tốt bằng chế độ ăn giản đơn này.

Chế độ ăn cơm lứt với rau truyền thống này của phương Đông rất khác so với chế độ ăn của hầu hết các xã hội phương Tây. Khoa học dinh dưỡng của phương Tây tin rằng trừ phi một lượng nhất định tinh bột, chất béo, protein, khoáng chất và vitamin được ăn vào mỗi ngày, chế độ ăn thật cân bằng và sức khỏe tốt chẳng thể nào duy trì được. Niềm tin này tạo ra kiểu người mẹ luôn nhồi nhét những thức ăn “bổ dưỡng” vào miệng đứa con bé bỏng của họ.

Người ta có thể cho rằng dinh dưỡng học của phương Tây, với những lý thuyết và tính toán phức tạp của nó, sẽ không còn chỗ cho sự nghi ngờ nào về chế độ ăn đúng đắn. Sự thật là nó tạo ra nhiều vấn đề hơn so những cái mà nó giải quyết được.

Một vấn đề trong khoa học dinh dưỡng phương Tây là không có một nỗ lực nào được đưa ra để điều chỉnh chế độ ăn theo chu kỳ của tự nhiên. Chế độ ăn mà họ đưa ra cách ly con người ra khỏi tự nhiên. Nỗi sợ hãi thiên nhiên và cảm giác chung về sự bất an thường là hậu quả của nó.

Một vấn đề khác là các giá trị tinh thần và tình cảm bị bỏ quên hoàn toàn, dù rằng thức ăn có mối liên hệ trực tiếp với tinh thần và cảm xúc của con người. Nếu thực thể con người được xem xét đơn thuần chỉ như một đối tượng sinh lý, thì chẳng thể nào sản sinh ra một hiểu biết nhất quán đáng tin về chế độ ăn. Khi các mảnh nhỏ thông tin được tập hợp và gắn lại với nhau trong sự hoang mang, kết quả sẽ là một chế độ ăn khiếm khuyết, xa rời tự nhiên.

“Trong một sự vật là cả vạn vật, nhưng nếu vạn vật được đem lại gần nhau thì không thể cho ra một sự vật nào.” Khoa học phương Tây chẳng thể nào nắm bắt được giáo huấn này của triết lý phương Đông. Một người có thể phân tích và nghiên cứu một con bướm bao lâu cũng được, nhưng anh ta không thể tạo ra một con bướm.

Nếu chế độ ăn khoa học của phương Tây được đưa vào thực hành trên phạm vi rộng, thì những vấn đề thực tiễn nào có thể sẽ xảy ra? Thịt bò, trứng, sữa, rau, bánh mì và những thực phẩm chất lượng cao khác sẽ phải có sẵn suốt cả năm để người ta có thể theo được chế độ ăn đó. Sản xuất quy mô lớn và lưu trữ trong thời gian dài sẽ trở nên cần thiết. Ngay ở Nhật cũng đã xảy ra rồi, việc du nhập chế độ ăn này đã khiến cho người nông dân phải sản xuất những loại rau mùa hè như rau diếp, dưa chuột, các loại cà tím và cà chua trong mùa đông. Chẳng bao lâu nữa người nông dân sẽ bị yêu cầu phải thu hoạch hồng vàng vào mùa xuân và đào vào mùa thu.

Không hợp lẽ chút nào khi mong đợi rằng một chế độ ăn toàn phần, cân bằng lại có thể đạt được đơn giản chỉ bằng việc cung cấp thật nhiều loại thức ăn bất kể mùa nào trong năm. So sánh với những loại cây trưởng thành một cách tự nhiên, thì những loại rau trái trồng trái mùa dưới những điều kiện phi tự nhiên chứa rất ít vitamin và khoáng chất. Chẳng có gì ngạc nhiên khi mà những cây rau mùa hè được đem trồng vào mùa thu hay mùa đông lại chẳng có tí hương vị nào như khi chúng được trồng dưới ánh mặt trời bằng những phương pháp hữu cơ và tự nhiên.

Phân tích hoá học, các tỉ lệ dưỡng chất và những điều quan tâm đại loại như thế là những nguyên nhân chính gây ra sai lầm. Thực phẩm như kê ra bởi khoa học hiện đại khác xa so với chế độ ăn truyền thống của phương Đông, và nó đang xói mòn sức khỏe của người dân Nhật Bản.

Trên thế giới này tồn tại bốn thể loại chế độ ăn chính:

Đầu tiên người ta tránh xa khỏi chế độ ăn rỗng tuếch là ngọn nguồn của vô số bệnh tật. Tiếp theo đó, không còn ảo tưởng về chế độ ăn khoa học nữa, là cái chỉ đơn thuần cố duy trì sự sống sinh vật, nhiều người tiến đến một chế độ ăn theo nguyên tắc. Cuối cùng, vượt qua khỏi điều này, người ta đi đến chế độ ăn phi phân biệt của con người tự nhiên.

Sự sống của loài người không được duy trì bởi năng lực của chính nó. Tự nhiên sinh ra con người và giữ cho họ sống. Đây là mối tương quan với tự nhiên mà con người là một phần trong đó. Thức ăn là món quà của tạo hoá. Người ta không tạo ra thức ăn từ tự nhiên; ông trời ban chúng xuống.

Thức ăn là thức ăn và thức ăn cũng không phải là thức ăn. Nó là một phần của con người và cũng tách biệt khỏi con người.

Khi thực phẩm, cơ thể, trái tim và tâm trí con người trở nên thống nhất một cách hoàn hảo trong phạm vi của tự nhiên, khi đó một chế độ ăn tự nhiên là điều có thể. Cơ thể như nó vốn thế – đi theo bản năng của riêng nó, ăn cái gì đó nếu nếm thấy ngon, kiêng không ăn nếu không thấy ngon – là thực thể tự do.

Kê ra những quy tắc và tỉ lệ cho một chế độ ăn tự nhiên là điều bất khả[38]. Chế độ ăn này tự định hình tuỳ theo môi trường địa phương, theo những nhu cầu đa dạng và thể chất của mỗi người.

Mọi người nên nhận thức rằng tự nhiên thì luôn trọn vẹn, cân bằng trong sự hài hòa tuyệt hảo bên trong chính nó. Thức ăn tự nhiên là toàn phần và trong cái toàn thể đó là những hương vị tinh tế và bổ dưỡng.

Có vẻ như bằng cách áp dụng hệ thống âm dương, người ta có thể giải thích được nguồn gốc của vũ trụ và sự biến chuyển của tự nhiên. Cũng có vẻ như sự hài hòa của cơ thể con người có thể được xác định và duy trì một cách có ý thức. Nhưng nếu đi quá sâu vào những học thuyết này (như cần phải thế trong việc nghiên cứu y học phương Đông) người ta sẽ bước vào địa hạt của khoa học và thất bại trong việc trọng yếu, là thoát khỏi nhận thức phân biệt.

Bị cuốn đi bởi những vi tế của tri thức con người mà không nhận ra được những hạn chế của nó, người thực hành chế độ ăn theo nguyên tắc này sẽ đi đến chỗ chỉ gắn bản thân với những đối tượng thực phẩm riêng biệt. Nhưng khi cố nắm lấy ý nghĩa của tự nhiên với một tầm nhìn xa rộng, anh ta lại thất bại trong việc để ý tới những thứ nhỏ bé xảy ra ngay dưới chân mình.

Bệnh tật phát sinh khi người ta xa rời tự nhiên. Sự hiểm nghèo của căn bệnh tỉ lệ trực tiếp với mức độ chia cắt. Nếu người bệnh trở lại với môi trường lành mạnh, thường thì căn bệnh sẽ biến mất. Khi sự xa lạ với tự nhiên tới cực điểm, số lượng người bệnh sẽ tăng lên. Lúc đó mong ước quay trở về với tự nhiên của người ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng trong việc tìm cách quay trở về với tự nhiên đó, người ta không hiểu rõ tự nhiên là gì, và vì thế nỗ lực ấy là vô ích.

Ngay cả khi một người có quay về núi sống một cuộc sống sơ khai, anh ta vẫn có thể thất bại trong việc chạm tới mục tiêu thực sự của mình. Nếu ta cố gắng một điều gì đó, những nỗ lực của ta sẽ chẳng bao giờ giúp ta đạt được kết quả như mong muốn.

Con người sống trong các đô thị phải đối mặt với những khó khăn kinh khủng trong việc cố đạt tới một chế độ ăn tự nhiên. Thực phẩm tự nhiên đơn giản là không có sẵn, bởi lẽ nông dân đã ngừng nuôi trồng chúng. Ngay cả khi họ có thể mua được thực phẩm tự nhiên thì cơ thể của con người sẽ cần phải tương thích để có thể tiêu hoá được những thức ăn giàu dưỡng chất như thế.

Trong tình huống đó, nếu ta cứ cố ăn những bữa ăn toàn phần hay cố đạt được một chế độ ăn cân bằng âm dương, ta sẽ cần phải có những phương tiện siêu nhiên và năng lượng phán đoán siêu phàm trong thực hành. Trở về với tự nhiên chưa thấy đâu, một kiểu chế độ ăn “tự nhiên” lạ lùng, phức tạp sẽ lộ ra, và người đó sẽ chỉ bị kéo xa khỏi tự nhiên hơn.

Ngày nay, nếu ta ngó vào bên trong các cửa hàng bán “thực phẩm lành mạnh”, ta sẽ thấy hoa mắt chóng mặt với đủ loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói, vitamin và các chất bổ sung dành cho việc ăn kiêng. Trong thực tế, có nhiều chế độ ăn khác nhau được giới thiệu là “tự nhiên”, bổ dưỡng, và tốt nhất cho sức khỏe. Nếu có ai đó nói nấu các thực phẩm cùng với nhau là có lợi cho sức khỏe thì cũng sẽ có người khác bảo rằng nấu các thực phẩm với nhau chỉ có tác dụng làm cho người ta mắc bệnh. Một số người nhấn mạnh giá trị thiết yếu của muối trong chế độ ăn, những người khác lại nói rằng quá nhiều muối là nguyên nhân gây bệnh. Nếu có ai đó tránh xa trái cây, bảo nó là âm và là thức ăn dành cho khỉ thì sẽ có người khác nói rằng trái cây và rau là những thực phẩm tốt nhất mang lại tuổi thọ và một tính tình vui vẻ.

Tại những thời điểm khác nhau, và trong những trường hợp khác nhau, có thể nói rằng tất cả những quan điểm này là đúng, và vì thế người ta trở nên bối rối. Hay đúng hơn, đối với một người đang hoang mang, tất cả những lý thuyết này sẽ gây ra hoang mang nhiều hơn.

Tự nhiên thì biến đổi không ngừng, thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Người ta chẳng thể nào nắm bắt được khuôn mặt thực sự của tự nhiên. Khuôn mặt của nó là không thể biết được. Cứ cố chụp lại cái không thể biết được bằng những lý thuyết và những chủ thuyết được công thức hoá thì cũng giống như chụp gió bằng vợt bắt bướm vậy.

Nếu như ta bắn trúng hồng tâm mà sai tấm bia, thì vẫn là ta bắn trượt.

Loài người giống như kẻ mù chẳng biết mình đang đi về đâu. Anh ta dò dẫm xung quanh với cây gậy là tri thức khoa học, căn cứ vào âm và dương để quyết định đường đi.

Điều tôi muốn nói là, đừng ăn với cái đầu của ta, nghĩa là hãy bỏ đi tâm trí phân biệt. Tôi hy vọng là cái Mạn đà la thực phẩm mà tôi đã vẽ lúc trước sẽ có tác dụng như một sự chỉ dẫn, tóm tắt mối quan hệ giữa các loại thực phẩm với nhau và với con người. Nhưng ta cũng có thể ném nó đi sau khi đã nhìn thấy nó một lần.

Điều quan tâm chính yếu ở đây là để cho người ta phát triển được sự nhạy bén, cho phép cơ thể tự chọn thức ăn. Việc nghĩ ngợi chỉ về bản thân các loại thức ăn không thôi còn mặt tinh thần bỏ qua một bên thì cũng giống như việc tới thăm một ngôi đền, đọc các bản kinh văn, còn Phật thì bỏ bên ngoài. Thay vì nghiên cứu lý thuyết triết lý để đạt tới sự hiểu biết về thực phẩm, tốt hơn là hãy tự rút ra lý thuyết từ trong chế độ ăn hàng ngày của mỗi người.

Các bác sĩ chăm lo cho những người bệnh, còn những người khỏe mạnh thì được lo liệu bởi tự nhiên. Thay vì mắc bệnh rồi mới đắm mình vào một chế độ ăn tự nhiên để khỏe lại, người ta nên sống trong một môi trường tự nhiên để sao cho bệnh tật đừng xuất hiện.

Những người trẻ tuổi tới và ở lại trong những cái chòi trên núi, sống một cuộc sống sơ khai, ăn những thức ăn tự nhiên và thực hành việc làm nông tự nhiên, họ nhận thức được mục đích tối thượng của con người, và họ đã bước chân vào con đường sống sao cho phù hợp với mục đích ấy theo cách trực tiếp nhất.

Cuốn sách này nói về việc làm nông tự nhiên nên cần quan tâm tới thực phẩm tự nhiên. Đấy là bởi vì thực phẩm và làm nông là mặt trước và mặt sau của cùng một cơ thể. Chuyện quá hiển nhiên là nếu việc làm nông tự nhiên không được thực hành thì thực phẩm tự nhiên sẽ không thể có cho công chúng. Nhưng nếu chế độ ăn tự nhiên không được thiết lập thì người nông dân sẽ tiếp tục bối rối không biết phải nuôi trồng cái gì.

Trừ phi người ta trở thành con người tự nhiên, bằng không sẽ chẳng thể có việc làm nông tự nhiên lẫn thực phẩm tự nhiên. Ở một trong mấy cái chòi trên núi, tôi có để lại mấy từ, “Chánh Thực phẩm, Chánh Nghiệp, Chánh Thức” (Right Food, Right Action, Right Awareness: khẩu hiệu này được đặt theo Bát Chánh Đạo của Phật giáo) viết trên một mảnh gỗ thông đặt phía trên chỗ bếp củi. Cái kiềng ba chân này không thể tách rời khỏi nhau. Nếu thiếu đi một cái thì chẳng cái nào có thể hiện thực hoá được. Nếu một cái thành thì tất cả đều thành.

Người ta thỏa mãn với việc nhìn thế giới như một nơi mà sự “tiến bộ” nảy sinh ra từ động loạn và rối bời. Nhưng sự phát triển vô mục đích và mang tính phá hoại chỉ mời tới sự hoang mang trong suy nghĩ, mời tới không gì hơn là sự suy thoái và sụp đổ của loài người. Nếu không hiểu rõ ràng cái gì là ngọn nguồn bất động của tất cả những hoạt động này – hay Tự Nhiên là gì – thì việc phục hồi lại sức khỏe của chúng ta là điều bất khả.

Bình luận
1440
× sticky