BỐ CỦA BẠN LÀ AI?
Khi quan sát hiện tượng thường xuyên xuất hiện là các nhóm gia đình hiện đại không chỉ bao gồm, hoặc chứa đựng duy nhất một cặp đôi bố-mẹ, tôi không thể nào hiểu tại sao lại có người quả quyết rằng tổ tiên chúng ta được nuôi dưỡng trong các gia đình hạt nhân một vợ một chồng, và quan hệ kết đôi là tự nhiên hơn các kiểu sắp xếp khác.
• MARVIN HARRIS
Trong rừng Amazon, chuyện nam nữ rất khác biệt. Ở đó, không chỉ đơn lẻ phụ nữ có thể tích lũy trong việc mang thai, mà đại đa số họ đều như vậy. Mỗi cộng đồng mà chúng ta sẽ thảo luận đến đều có chung niềm tin về cái mà giới khoa học gọi là làm bố một phần. Các nhóm này có một quan niệm khác lạ về thụ thai: bào thai được tạo ra từ tinh dịch tích lũy.
Hai nhà nhân học Stephen Beckerman và Paul Valentine giải thích về hiện tượng đó: “Mang thai được xem là vấn đề mức độ, không được phân biệt rõ ràng với thai kỳ… mọi phụ nữ có sinh hoạt tình dục đều được cho là có một chút mang thai. Dần dần… tinh dịch tích lũy đủ trong tử cung, bào thai hình thành, các hoạt động giao cấu tiếp nối và tinh dịch bổ sung giúp bào thai phát triển hơn.”* Nếu phụ nữ nào dừng quan hệ tình dục khi kỳ kinh kết thúc, mọi người trong các nền văn hóa này tin rằng bào thai sẽ ngừng phát triển.
Cách hiểu về quá trình tinh dịch tạo nên một đứa trẻ này dẫn tới một số kết luận cực kỳ thú vị liên quan đến hành vi tình dục “trách nhiệm”. Giống như các bà mẹ ở mọi nơi, phụ nữ trong các cộng đồng này cũng háo hức tìm cho con mình mọi lợi thế khả dĩ trong cuộc sống. Để làm được điều này, cô ta sẽ theo đuổi tình dục với những đàn ông theo phân loại. Cô ta sẽ nài nỉ sự “đóng góp” của những tay thợ săn giỏi nhất, những kẻ kể chuyện hay nhất, những anh chàng vui tính nhất, tốt bụng nhất, đẹp trai nhất, mạnh mẽ nhất… – với hy vọng con mình sẽ hấp thụ được tinh túy của từng người.
Các nhà nhân học cho biết ở nhiều cộng đồng Nam Mỹ, từ những người săn bắt-hái lượm đơn giản đến những dân cư trồng trọt cũng có cách hiểu tương tự về việc thụ thai và phát triển của bào thai. Một phần danh sách này là người Aché, người Araweté, người Barí, người Canela, người Cashinahua, người Curripaco, người EseEja, người Kayapó, người Kulina, người Matis, người Mehinaku, người Piaroa, người Pirahã, người Siona, người Secoya, người Warao, người Yanomami và người Yékwana – những cộng đồng từ Venezuela đến Bolivia. Đây không phải là sự tò mò theo kiểu dân tộc học – mà rõ ràng là một ý tưởng kỳ lạ được truyền đi giữa các nền văn hóa có liên quan đến nhau. Cách hiểu này cũng được tìm thấy ở các nhóm văn hóa mà mọi bằng chứng đều cho thấy hàng nghìn năm nay họ không có liên hệ gì với nhau. Quan niệm làm bố một phần không chỉ giới hạn ở Nam Mỹ. Chẳng hạn, người Lusi ở Papua New Guinea cũng cho rằng sự phát triển của bào thai phụ thuộc vào nhiều hành vi giao hợp, thường là với nhiều đàn ông khác nhau. Ngay cả ngày nay, người Lusi trẻ hơn, có một ít kiến thức hiện đại về sinh sản, vẫn đồng ý rằng một người có thể có nhiều hơn một ông bố.
Như Beckerman và Valentine giải thích: “Chỉ có thể rằng làm bố một phần là tín niệm dân gian cổ xưa nhằm hỗ trợ gia đình một cách hiệu quả, những gia đình mà con cái được bố chăm sóc và nuôi nấng đến tuổi trưởng thành.”
* * *
Khi một nhà nhân học tự tin làm việc ở Paraguay yêu cầu các đối tượng người Aché hãy xác định bố đẻ của mình, ông vấp phải một bài toán đố chỉ có thể giải bằng một bài liệt kê. 321 người Aché này tuyên bố có hơn 600 ông bố. Câu hỏi là bố của bạn là ai?
Hóa ra người Aché phân ra bốn loại bố khác nhau. Theo nhà nhân học Kim Hill, bốn loại này là:
Miare: các ông bố cho vào;
Peroare: các ông bố pha trộn;
Momboare: các ông bố đưa ra;
Bykuare: các ông bố đem lại tinh túy cho đứa trẻ.*
Không bị xa lánh vì bị xem là con hoang hay đồ chó đẻ, lũ trẻ nhiều bố được hưởng lợi từ việc có nhiều hơn một ông bố đặc biệt quan tâm đến mình. Các nhà nhân học tính toán rằng cơ hội sống sót của những đứa trẻ nhiều bố thường lớn hơn nhiều so với những đứa trẻ chỉ có một ông bố được thừa nhận trong cộng đồng đó*.
Không những không nổi giận khi di sản di truyền của mình bị đặt thành vấn đề nghi ngờ, mà đàn ông trong các cộng đồng này còn cảm thấy biết ơn những người đàn ông khác vì đã góp phần tạo ra, sau đó chăm sóc đứa trẻ được mạnh khỏe hơn. Không những không mờ mắt vì ghen tuông như mô tả chuẩn mực dự báo, mà đàn ông trong các cộng đồng này còn thấy mình gắn bó với nhau khi cùng làm bố đứa trẻ. Như Beckerman giải thích, trong trường hợp xấu nhất, hệ thống này có thể giúp đứa trẻ có thêm sự bảo trợ: “Bạn biết rằng nếu bạn chết, sẽ có một anh chàng nữa có nghĩa vụ chăm sóc cho ít nhất là một đứa con của bạn. Vì vậy, tìm thêm người khác hoặc thậm chí chúc phúc khi vợ bạn có nhân tình là món bảo hiểm duy nhất mà bạn mua được.”*
Để độc giả không có cảm giác muốn xếp hành vi này vào loại B.A.D [Bizarre And Distant – Kỳ quái và xa lạ], các ví dụ tương tự có thể tìm thấy không xa.
Thấu hiểu rất giống với tình dục; nó có mục đích thiết thực, nhưng không phải vì thế mà con người thường làm như vậy.
• FRANK OPPENHEIMER
Desmond Morris dành nhiều tháng trời quan sát một đội bóng chuyên nghiệp của Anh cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, sau đó công bố những suy nghĩ của mình trong cuốn sách có tên gọi The Soccer Tribe (tạm dịch: Bộ tộc Bóng đá). Đúng như tiêu đề, Morris thấy hành vi của thành viên đội bóng cực giống với những gì ông gặp ở các nhóm mang tính chất bộ tộc trong nghiên cứu trước đó. Ông chú ý đến hai hành vi nổi bật trong cả hai bối cảnh: cào bằng trong nhóm và phi chiếm hữu.
“Điều đầu tiên bạn nhận thấy khi các cầu thủ trò chuyện với nhau”, Morris viết, “là tốc độ hóm hỉnh của họ. Sự hài hước của họ thường độc ác và được sử dụng nhằm hạ thấp bất cứ đồng đội nào có dấu hiệu tự cao, dù là nhỏ nhất.” Tiếng vọng của chủ nghĩa bình quân thời tiền sử vẫn vang trên hành động hạ thấp cái tôi trong phòng thay đồ, đến cả hoạt động tính dục. “Nếu trong số họ có người ghi bàn (về mặt tình dục), anh ta không hề tỏ ý chiếm hữu, mà lại rất thích thú khi thấy đồng đội của mình thành công với chính cô gái đó.” Trong khi điều này có thể khiến một số người cho là nhẫn tâm, Morris lại cam đoan với độc giả rằng hiện tượng không ghen này “chỉ là một phép đo mức độ kiềm chế tính ích kỷ giữa đồng đội với nhau, cả trong lẫn ngoài sân cỏ”.
Đối với vận động viên chuyên nghiệp, nhạc sĩ và những nữ khán giả hâm mộ cuồng nhiệt nhất, cũng như các thành viên nam nữ của nhiều cộng đồng hái lượm, các mối quan hệ tình dục chồng chéo, đan xen giúp củng cố sự gắn kết cộng đồng và mang lại an toàn trong một thế giới bất ổn. Đôi khi, có lẽ là đa phần, tình dục loài người không chỉ vì niềm vui hay sinh sản. Cách tiếp cận ngẫu nhiên đối với các mối quan hệ tình dục trong một cộng đồng lớn có thể mang những chức năng xã hội quan trọng, vượt ra ngoài sự thỏa mãn thể chất đơn thuần.
Hãy thử đặt thứ ham muốn dạng lỏng này vào những thuật ngữ kinh viện, khô khan: Chúng ta giả thiết rằng Socio-Erotic Exchanges (viết tắt là S.E.EX, tạm dịch là Trao đổi Tình dục Xã hội) làm tăng mối liên hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng du mục quy mô nhỏ (và rõ ràng, thành viên của các nhóm này phụ thuộc chặt chẽ vào nhau), tạo thành một mạng lưới quan trọng, bền vững nhờ tình yêu thương, sự liên kết và tương trợ.
Theo thuật ngữ tiến hóa, thật khó mà phóng đại tầm quan trọng của những mạng lưới như vậy. Rốt cuộc, chính những quần thể xã hội linh động, có khả năng thích nghi như vậy (và tương tác qua lại giữa phát triển trí não với năng lực ngôn ngữ vừa cho phép lại vừa sinh ra từ chúng) đã cho phép giống loài yếu ớt, chậm chạp, nhìn chung chẳng có gì ấn tượng như chúng ta được tồn tại và cuối cùng thống trị cả hành tinh này. Không có S.E.EX thường xuyên, các nhóm hái lượm hẳn khó mà duy trì được trạng thái cân bằng xã hội và khả năng sinh sản trong cả nghìn năm qua. S.E.EX đóng vai trò thiết yếu trong việc gắn kết người lớn thành từng nhóm nhằm cùng chăm sóc lũ trẻ không rõ bố hoặc có bố chung, mỗi đứa trẻ chắc chắn liên quan đến đại đa số hoặc toàn bộ đàn ông trong nhóm (nếu không phải là bố thì chắc chắn là chú bác, anh em…).
Khi các mối quan hệ đan xen này trở nên quá thiết yếu với sự kết dính xã hội, thì chọn cách đứng ngoài có thể gây ra nhiều rắc rối. Viết về người Matis, nhà nhân học Philippe Erikson khẳng định: “Nhiều bố… còn hơn một khả năng mang tính lý thuyết… Tình dục ngoài hôn nhân không những phổ biến và được thông cảm, mà trên nhiều khía cạnh còn mang tính bắt buộc. Dù kết hôn hay không thì người ta cũng có trách nhiệm đạo đức phải hưởng ứng những lời gạ gẫm tình dục của người-anh-em-pha-tạp-khác-giới (thực tế hay theo phân loại), còn hơn là bị xem như ‘keo kiệt con giống của mình’, như một hành vi vi phạm đạo đức ở bộ tộc Matis nghiêm trọng hơn nhiều so với việc thiếu chung thủy.”
Rõ ràng, bị gọi là keo kiệt trong tình dục không phải là chuyện để cười. Erikson viết về một chàng trai trẻ nằm co ro hàng giờ trong căn lều của nhà nhân học, trốn cô em họ đang hứng tình bởi anh không thể công nhiên từ chối lời gạ gẫm của cô nếu cô tìm ra anh. Thậm chí nghiêm trọng hơn, trong suốt các lễ hội xăm mình của người Matis, chỉ quan hệ tình dục với (các) bạn tình mà mình có theo phong tục là dứt khoát bị cấm – vi phạm sẽ phải chịu cực hình – thậm chí tử hình.
Nếu đúng là S.E.EX đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì kết dính xã hội tiền sử, thì chúng ta phải tìm được nhiều dấu tích về hành vi dâm đãng trơ trẽn đó trên khắp thế giới, trước đây cũng như hiện tại. Và đúng là thế.
Trong cộng đồng người Mohave, phụ nữ nổi tiếng với thói quen phóng túng và không thích gắn bó với chỉ một người đàn ông*. Caesar (vâng, là Caesar đấy) ngứa mắt khi thấy rằng ở nước Anh thời đại đồ sắt: “Người ta dùng chung vợ giữa các nhóm mười hoặc mười hai đàn ông, đặc biệt là anh em và cha con với nhau…” Khi thuyền trưởng Cook đến Tahiti, ông phát hiện ra rằng người Tahiti “thỏa mãn mọi khao khát và đam mê trước mặt người chứng kiến”. Trong Account of a Voyage Around the World (tạm dịch: (Tường thuật về hành trình vòng quanh thế giới) (1769) của mình, Cook viết về: “Một thanh niên, cao gần 1,8 m, giao hợp với một cô bé khoảng 11 đến 12 tuổi, trước mặt mấy người chúng tôi và rất đông dân bản địa, mà không một chút biểu hiện gì cho thấy việc này là thiếu đứng đắn hay không thích hợp cả, thậm chí tỏ ra cực kỳ thích hợp với phong tục của nơi này.” Một số phụ nữ già hơn trên đảo vừa quan sát màn trình diễn say đắm vừa hô to hướng dẫn cô bé mặc dù Cook kể với chúng ta: “Trẻ thế nhưng dường như cô bé không mấy đếm xỉa tới họ.”
Samuel Wallis, một thuyền trưởng khác từng ở Tahiti kể lại: “Nhìn chung, phụ nữ rất dễ nhìn, một số còn vô cùng xinh đẹp, nhưng đức hạnh của họ thì thậm chí không bằng một chiếc đinh.” Niềm say mê sắt của người Tahiti dẫn tới việc chỉ với một chiếc đinh có thể đổi được một vụ hẹn hò hoan lạc với phụ nữ địa phương. Vào thời điểm Wallis buông neo, hầu hết người của ông đều ngủ trên boong vì không còn chiếc đinh nào để treo võng nữa cả.”*
Ngày nay trên quần đảo Trobriand có một lễ hội thu hoạch khoai lang, trong đó các nhóm phụ nữ trẻ tuổi lang thang khắp đảo để “hãm hiếp” đàn ông làng khác, tuyên bố sẽ cắn đứt lông mày nếu đàn ông không làm họ thỏa mãn. Trong lễ hội Aphrodisia*, Dionysia* và Lenea*, người Hy Lạp cổ được phép tổ chức các nghi lễ tình dục. Ở Rome, tín đồ dòng Bacchus* tổ chức truy hoan không dưới năm lần mỗi tháng, trong khi nhiều hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương vẫn nổi tiếng với thái độ cởi mở dành cho tình dục tự nguyện, mặc cho nhiều thế hệ các nhà truyền giáo đã nỗ lực cùng thuyết giảng về đạo đức xấu hổ.*
Nhiều người Brazil ngày nay vẫn xả láng suốt lễ hội Carnival, khi họ tham gia vào nghi lễ tình dục phi hôn nhân sacanagem, khiến những gì đang xảy ra ở New Orleans hay Las Vegas đều có vẻ nhạt nhẽo. Trong cuốn Sexuality in America: Understanding Our Sexual Values and Behavior (tạm dịch: Tình dục ở châu Mỹ: Hiểu về giá trị và hành vi tình dục của chúng ta), nhà sinh học Robert T. Francoeur giải thích: “Sacanagem rất ít hoặc không để ý đến việc ai đóng vai trò chủ động hay thụ động, giới tính của các cá nhân liên quan, hay loại hành vi tình dục. Nó khuyến khích người ta hưởng thụ bất cứ hành vi tình dục nào mà họ thực hiện được.”
Mặc dù một số độc giả có thể ngạc nhiên khi thấy phụ nữ háo hức tham gia các hoạt động này, từ lâu người ta đã biết rõ rằng nguồn gốc của sự dè dặt trong tình dục ở phụ nữ là từ văn hóa nhiều hơn là sinh học, bất chấp những gì Darwin và nhiều người khác đã khẳng định. Cách đây hơn 50 năm, hai nhà nghiên cứu tình dục Ford và Beach đã tuyên bố: “Trong những cộng đồng không có tiêu chuẩn kép về các vấn đề tình dục và cho phép nam nữ có nhiều kiểu quan hệ, phụ nữ cũng háo hức khai thác cơ hội của mình như nam giới vậy.”
Trong những người anh em linh trưởng gần nhất của chúng ta, bầy thú cái cũng không cho thấy nhiều lý do để tin rằng phái nữ nên dè dặt về mặt tình dục vì những lo ngại thuần sinh học. Thay vào đó, nhà linh trưởng học Meredith Small nhận thấy rằng linh trưởng cái bị hấp dẫn cao độ với sự mới mẻ trong giao phối. Có vẻ như con đực lạ lại hấp dẫn con cái hơn những con đực quen biết dù chúng có bất cứ đặc tính ưu trội nào (như kiểu địa vị cao, thân hình to lớn, ăn mặc lòe loẹt, hay chải chuốt, đeo dây chuyền vàng, ngực nhiều lông…). Small viết: “Mối quan tâm chung duy nhất được thấy ở cộng đồng linh trưởng là sự mới mẻ và đa dạng… Trên thực tế, tìm kiếm của lạ thường xuyên được ghi nhận là ưu tiên của con cái hơn bất cứ đặc điểm nào khác mà mắt thường con người quan sát được.”
Có thể Frans de Waal đang nhắc tới bất cứ xã hội Amazon nào khi ông viết rằng đàn ông “không biết lần giao phối nào có thể có thai và lần nào thì không. Gần như đứa [trẻ] nào lớn lên trong nhóm cũng đều có thể là con của anh ta… Nếu phải thiết kế một hệ thống xã hội trong đó vai trò làm bố không rõ ràng, thì không ai có thể làm tốt hơn Mẹ Thiên nhiên trong xã hội [này].” Mặc dù ngôn từ của de Waal có thể thích hợp với bất cứ xã hội con người nào trong số rất nhiều xã hội sinh hoạt tình dục ngoài đôi lứa mang tính chất nghi thức, trên thực tế thì ông đang viết về loài tinh tinh lùn, từ đó nhấn mạnh sự tương đồng tình dục của ba loài linh trưởng có quan hệ gần gũi nhất với nhau: tinh tinh, tinh tinh lùn và người bà con đầy mâu thuẫn của chúng, con người.
Về khả năng tình dục siêu việt của con người, tinh tinh và tinh tinh lùn, người ta tự hỏi tại sao lại có nhiều người quả quyết rằng độc quyền tình dục ở nữ là một phần không thể thiếu trong sự phát triển tiến hóa ở người hơn một triệu năm nay. Bên cạnh tất cả những bằng chứng trực tiếp được giới thiệu ở đây, còn có vô số các trường hợp cụ thể chống lại mô tả chuẩn mực.
Để bắt đầu, hãy cho rằng ban đầu tổng số loài linh trưởng một vợ một chồng sống thành bầy lớn là bằng không – trừ phi bạn nhất định phải xem loài người là ví dụ số một và duy nhất của loài thú đó. Một vài loài linh trưởng một vợ một chồng vẫn tồn tại (trong số hàng trăm loài) đều sống theo các đơn vị gia đình rải rác trên ngọn cây. Bên cạnh linh trưởng, chỉ có 3% các loài thú có vú và một phần mười nghìn loài động vật không xương sống có thể được xem là chung thủy về mặt tình dục. Ngoại tình được ghi nhận ở mọi xã hội loài người có bề ngoài theo chế độ một vợ một chồng và đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới li hôn trên khắp thế giới ngày nay. Nhưng ngay cả trong những ấn bản mới nhất của cuốn kinh điển Vượn trần trụi, chính Desmond Morris, người từng quan sát các cầu thủ bóng đá vui vẻ chia sẻ bạn tình cho nhau, khẳng định rằng ở loài người, hành vi tình dục gần như chỉ xảy ra ở tình trạng kết đôi”, và rằng “ngoại tình chỉ là một điểm chưa hoàn thiện trong cơ chế quan hệ kết đôi”.
Khi chúng tôi viết những lời này, CNN đưa tin sáu đàn ông ngoại tình đang bị ném đá đến chết ở Iran. Trước khi những kẻ tội đồ đạo đức giả ném những viên đá đầu tiên, đám ngoại tình đó sẽ bị chôn đến tận thắt lưng. Trong một hành động kinh tởm nhằm tỏ ra cao thượng, phụ nữ sẽ bị chôn đến tận cổ, có lẽ là để giúp họ được chết nhanh hơn vì dám xem cơ thể là của riêng mình. Những vụ hành quyết man rợ đối với tội phạm tình dục như vậy, xét trên phương diện lịch sử, chẳng có gì là kỳ quặc cả. “Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo đều có chung mối quan tâm cơ bản với việc trừng phạt sự tự do tình dục của phụ nữ”, Eric Michael Johnson viết. “Trong khi bất cứ anh chàng nào lăng nhăng với vợ của người khác, (cả) gian phu lẫn dâm phụ đều bị xử tử, (Leviticus 20:10), thì cô gái nào chưa chồng mà có quan hệ tình dục với chàng trai chưa vợ sẽ bị mang tới cửa nhà bố cô ta, và đàn ông trong thành phố sẽ ném đá cô ta đến chết (Deuteronomy 22:21).”*
Dù trải qua nhiều thế kỷ trừng phạt dã man như vậy, nhưng ngoại tình vẫn tồn tại khắp nơi, không có ngoại lệ. Như Kinsey viết hồi những năm 1950, ngay cả trong những nền văn hoá tìm cách kiểm soát việc quan hệ ngoài hôn nhân của phụ nữ một cách nghiêm ngặt nhất, thì hoạt động này vẫn xảy ra và trong nhiều trường hợp là rất thường xuyên.”
Nghĩ mà xem. Ngoài con người, không một loài linh trưởng nào sống bầy đàn lại theo chế độ một vợ một chồng, vậy mà ngoại tình lại xuất hiện ở bất cứ nền văn hóa loài người nào từng được nghiên cứu – kể cả những trường hợp kẻ ngoại tình thường bị lôi ra sa mạc và ném đá đến chết. Với lối hành xử đẫm máu này, thật khó mà thấy được chế độ một vợ một chồng đến với giống loài chúng ta “tự nhiên” thế nào. Tại sao lại có nhiều người mạo hiểm đánh đổi danh tiếng, gia đình, sự nghiệp – thậm chí địa vị tổng thống – để lấy một thứ đi ngược với bản chất con người của mình? Giá như một vợ một chồng là một đặc tính cổ xưa đã tiến hóa của giống loài chúng ta, như mô tả chuẩn mực khẳng định, thì những vi phạm thường gặp này sẽ ít xảy ra và những hình phạt khủng khiếp như vậy là điều hoàn toàn không cần thiết.
Không một sinh vật nào đáng phải bị đe dọa tử hình khi tuân theo thiên tính của mình cả.
Khi chúng ta xem xét các quan điểm khác về tính dục con người thời tiền sử, hãy nhớ rằng logic cốt lõi của mô tả chuẩn mực xoay quanh hai giả định liên quan chặt chẽ đến nhau sau đây:
Người mẹ thời tiền sử cần thức ăn và sự bảo vệ mà đàn ông có thể cung cấp.
Phụ nữ phải đánh đổi quyền tự quyết về tình dục của mình, qua đó đảm bảo với anh ta rằng đứa trẻ mà anh ta đang chu cấp là con đẻ của anh ta.
Đàn ông và phụ nữ hiện đại bị ám ảnh bởi tình dục; nó là lãnh địa duy nhất của cuộc phiêu lưu nguyên thủy còn sót lại với gần như tất cả chúng ta. Giống như lũ khỉ trong vườn thú, chúng ta dành sức lực cho trò chơi duy nhất còn lại; nếu không thì đời sống loài người chắc chắn bị giam hãm trong những bức tường, chấn song, xiềng xích, và những cánh cổng khóa kín của nền văn hóa công nghiệp.
• EDWARD ABBEY
Mô tả chuẩn mực được xây dựng dựa trên niềm tin cho rằng đổi protein và sự bảo vệ lấy sự chắc chắn của vai trò làm cha là cách tốt nhất để gia tăng tỉ lệ sống sót của đứa trẻ đến độ tuổi sinh sản. Dù sao đi nữa thì sự tồn tại của lứa sau vẫn là cơ chế quan trọng nhất của chọn lọc tự nhiên như Darwin và các nhà lý luận sau ông mô tả. Nhưng nếu rủi ro đối với lứa sau giảm bớt đáng kể nhờ hành vi khuyến khích cách dàn xếp ngược lại thì sao? Điều gì sẽ xảy ra – nếu một người đàn ông thay vì đồng ý chia sẻ thức ăn, sự bảo vệ và địa vị với chỉ một người phụ nữ và con của cô ta – lại chia sẻ rộng rãi? Điều gì sẽ xảy ra nếu việc chia sẻ cho cả nhóm mang lại phương thức hiệu quả hơn đối với những rủi ro mà tổ tiên chúng ta gặp phải trong thế giới tiền sử? Và với những rủi ro này, điều gì sẽ xảy ra nếu sự không chắc chắn trong vai trò làm bố có lợi hơn cho cơ hội sống sót của đứa con, vì sẽ có nhiều đàn ông quan tâm đến cậu bé/cô bé?
Một lần nữa, chúng tôi không đề xuất về một hệ thống xã hội cao quý hơn, mà chỉ là một hệ thống xã hội có thể đã phù hợp hơn trong việc thích nghi trước các hoàn cảnh tiền sử và hiệu quả hơn trong việc giúp con người sống đủ lâu để sinh sản. Đời sống xã hội dựa trên nền tảng chia sẻ này không phải chỉ có ở con người. Chẳng hạn, dơi quỷ ở Trung Mỹ kiếm sống bằng cách hút máu các loài thú có vú to xác. Không phải con dơi nào cũng kiếm được bữa ăn hằng đêm. Khi trở về hang, lũ dơi may mắn ợ máu vào miệng những con dơi kém may mắn hơn. Những kẻ đón nhận sự hào phóng đó chắc chắn sẽ trả ơn khi điều kiện đổi chiều, nhưng không sẵn sàng san sẻ cho con nào trước đây đã từng từ chối chúng. Như một nhà bình luận từng nói: “Điều quan trọng đối với quá trình này của lũ dơi chính là năng lực của mỗi con để nhớ được lịch sử quan hệ của mình với từng con dơi sống trong hang với nó. Yêu cầu này của trí nhớ đã thúc đẩy sự tiến hóa não của loài dơi quỷ, vốn sở hữu lớp vỏ não lớn nhất trong tất cả mọi loài dơi từng được biết tới.”*
Chúng tôi hy vọng ý nghĩ về việc loài dơi quỷ chia sẻ máu cho lũ họ hàng không hút được máu của mình đủ sinh động để thuyết phục bạn rằng hành động chia sẻ không hẳn đã “cao quý”. Một số loài, trong một số điều kiện, đã nhận ra rằng hào phóng mặc định là cách tốt nhất để giảm nguy cơ trong bối cảnh sinh thái bất ổn. Có vẻ như Homo sapiens đã là một loài như vậy, cho đến tận thời gian khá gần đây.*
Có thể tổ tiên tiền sử của chúng ta không có nhiều lựa chọn cho lắm. Nhà khảo cổ học Peter Bogucki viết: “Đối với các quần thể săn bắn di cư kỷ Băng hà, mô hình tổ chức xã hội theo nhóm, với hình thức bắt buộc chia sẻ tài nguyên, thật sự là cách duy nhất để sống.” Điều này giúp hoàn thiện nhận thức của Darwin khi cho rằng người tiền sử sẽ chọn con đường nào mang lại cơ hội sống sót cao nhất – ngay cả khi con đường đó đòi hỏi chia đều các nguồn lực chứ không phải là tích trữ cá nhân như nhiều xã hội phương Tây đương đại khẳng định là bản chất sâu xa của con người. Chính Darwin cũng tin rằng một bộ tộc với các thành viên hợp tác sẽ chiến thắng một bộ tộc toàn những cá nhân ích kỷ.
Phải chăng chúng tôi đang thuyết giảng về sự ngớ ngẩn của sức mạnh hoa* từ năm nảo năm nào? Không hẳn thế. Chủ nghĩa bình quân là cách tổ chức xã hội xuất hiện trong tất cả các quần thể săn bắt-hái lượm đơn giản từng được nghiên cứu ở bất cứ nơi nào trên thế giới – họ gặp phải những điều kiện giống nhất với điều kiện mà tổ tiên chúng ta gặp phải cách đây 50.000 đến 100.000 năm. Họ chọn con đường này không phải vì họ quá cao quý, mà vì nó mang lại cho họ cơ hội sống sót tốt nhất. Trên thực tế, theo những điều kiện này, có thể chủ nghĩa bình quân là cách duy nhất để tồn tại, như Bogucki kết luận. Được thể chế hóa, việc chia sẻ nguồn lực và tình dục lan rộng, giảm thiểu nguy cơ, đảm bảo thực phẩm không bị lãng phí trong một thế giới không có tủ lạnh, loại bỏ những ảnh hưởng của việc vô sinh ở nam giới, nâng cao sức khỏe di truyền của mỗi cá nhân và đảm bảo một môi trường xã hội an toàn hơn cho trẻ em cũng như người lớn. Không hề là một thứ chủ nghĩa lãng mạn không tưởng, người hái lượm nhất quyết theo chủ nghĩa bình quân bởi nó phát huy tác dụng ở những cấp độ thực tiễn nhất.
Hiệu quả của chủ nghĩa bình quân tình dục được lũ tinh tinh lùn cái khẳng định, chúng có nhiều đặc điểm độc đáo giống con người và không giống với bất cứ loài nào khác. Các đặc tính tình dục này có những hệ quả xã hội trực tiếp, dễ đoán biết. Chẳng hạn, nghiên cứu của de Waal đã chứng minh rằng khả năng đón nhận tình dục cao của tinh tinh lùn cái làm xung đột giữa các con đực giảm mạnh so với các loài linh trưởng khác mà khả năng tình dục của con cái kém hơn. Cơ hội tình dục dồi dào khiến bọn đực không mạo hiểm chịu thương tích để đánh nhau vì bất cứ bạn tình nào. Chẳng hạn, tinh tinh đực thường liên minh với nhau để xua đối thủ cạnh tranh ra xa một con cái đang rụng trứng, hoặc để chiếm lấy địa vị cao nhằm được tiếp cận tình dục tốt hơn, tuy nhiên động lực chính đó của những kẻ phóng túng này lại không tồn tại trong cơn cuồng nhiệt của vô số cơ hội tình dục ở tinh tinh lùn.
Điều này cũng tương tự ở các nhóm người. Bên cạnh “các thói quen giao tiếp của con người như hiện nay”, tại sao lại xem mô hình tiến hóa loài người trên cơ sở cặp đôi một vợ một chồng hiện đang được ủng hộ là đã thích nghi với con người sơ khai chứ không phải với loài tinh tinh lùn ở rừng rậm Trung Phi? Nếu không bị những giới hạn văn hóa ràng buộc, cái gọi là khả năng đáp ứng liên tục của phụ nữ ở loài người sẽ thực hiện chức năng tương tự: mang lại nhiều cơ hội tình dục cho nam giới, từ đó giảm bớt xung đột và tăng quy mô của bầy đàn, hợp tác rộng lớn hơn và an ninh đảm bảo hơn cho tất cả. Theo lời nhà nhân học Chris Knight: “Hình thể loài người không chỉ khác biệt với khuôn mẫu linh trưởng thông thường mà còn trái ngược. Trong khi khuôn mẫu cơ bản của linh trưởng là phát ra tín hiệu ‘đồng ý’ định kỳ trên phông nền liên tục ‘từ chối’ về mặt tình dục, con người [và tinh tinh lùn] lại phát ra tín hiệu ‘từ chối‘ định kỳ trên phông nền liên tục ‘đồng ý’”* (phần nhấn mạnh là nguyên bản). Ở đây, chúng ta có chung một sự thích nghi về mặt hành vi và sinh lý, chỉ có ở hai loài linh trưởng có mối liên hệ cực kỳ chặt chẽ với nhau, nhưng nhiều nhà lý luận vẫn khẳng định nguồn gốc và chức năng của sự thích nghi này ở mỗi loài là hoàn toàn khác nhau.
Trên thực tế, kết dính xã hội cao có thể là cách giải thích phổ biến nhất đối với sự kết hợp hiệu quả giữa khả năng đón nhận liên tục và rụng trứng giấu kín chỉ có ở loài người và tinh tinh lùn*. Nhưng có vẻ gần như mọi nhà khoa học đều chỉ hiểu được một nửa sự kết nối hợp lý này, như trong tóm tắt sau đây: “Phụ nữ nào giấu kín thời kỳ rụng trứng đều được ưu ái vì trong nhóm của họ đã duy trì được sự ổn định rất thuận lợi cho cuộc sống một vợ một chồng, chia sẻ và hợp tác.” Rõ ràng khả năng tình dục cao ở phụ nữ có thể giúp tăng cường chia sẻ, hợp tác và ổn định bình yên, nhưng tại sao một vợ một chồng lại cần được đưa vào bối cảnh đó là một câu hỏi không những chưa được giải đáp mà còn chưa hề được đặt ra.
Sẵn sàng thừa nhận sự thật về hoạt động tính dục loài người, các nhà nhân học này thấy rõ lợi ích xã hội của nó. William và Jean Crocker, từng ghé thăm và nghiên cứu Canela* hơn ba thập kỷ, kể từ cuối những năm 1950, giải thích: “Giống như nhiều thể chế khác ở Canela, tình dục nhóm liên tục có xu hướng cân bằng các lợi ích tương đối [và] cách biệt ở đàn ông, từ đó góp phần củng cố quan hệ giữa nam giới với nhau và đạo đức trong bộ tộc.” Beckerman và Valentine cũng nhận thấy rằng việc chỉ là một bố sẽ xoa dịu những xung đột tiềm ẩn giữa đàn ông với nhau và những điều đối lập như vậy không giúp ích gì cho lợi ích sinh sản lâu dài của phụ nữ. Nhà nhân học Thomas Gregor báo cáo có 88 mối quan hệ tình dục của 37 người lớn ở làng Mehinaku mà ông nghiên cứu tại Brazil. Theo ông, quan hệ ngoài giá thú “góp phần tăng kết nối trong làng”, thông qua việc “củng cố các mối quan hệ giữa những người thuộc [dòng họ] khác nhau” và thúc đẩy các mối quan hệ bền chặt dựa trên tình dục qua lại. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ông thấy rằng nhiều người tình rất yêu quý nhau và xem ly thân là sự mất mát cần phải tránh”.
Để khỏi áp đảo bạn bằng hàng chục ví dụ nữa về hoạt động tính dục loài người mang tính xây dựng cộng đồng và giảm bớt xung đột này, chúng tôi sẽ chốt lại với cách giải thích của vợ chồng nhà Crocker về trạng thái tâm lý đằng sau sự hào phóng tình dục ở người Canela:
Thành viên của một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân hiện đại thật khó mà hình dung được người Canela xem trọng nhóm và bộ tộc hơn so với cá nhân đến mức nào. Với họ, hào phóng và chia sẻ là lý tưởng, còn chiếm hữu là điều xấu trong xã hội. Chia sẻ tài sản mang lại sự kính trọng. Chia sẻ cơ thể một ai đó là điều tất yếu trực tiếp. Thèm muốn được kiểm soát tài sản và cơ thể ai đó là một dạng keo kiệt. Trong bối cảnh đó, thật dễ hiểu tại sao phụ nữ lại chọn cách làm hài lòng đàn ông và tại sao đàn ông lại quyết định làm hài lòng những phụ nữ thể hiện nhu cầu tình dục mãnh liệt. Không ai lại tự cho mình là quan trọng đến mức nghĩ rằng thỏa mãn một người cùng bộ tộc lại kém hài lòng hơn việc đạt được lợi ích cá nhân.*
Được ghi nhận là một trong những cách để xây dựng và duy trì mạng lưới quan hệ lợi ích song phương, tình-dục-không-sinh-sản không còn đòi hỏi những lời giải thích đặc biệt nữa. Chẳng hạn, tình dục đồng tính không còn quá khó hiểu, vì như E. O. Wilson viết, “trên hết nó không chỉ là một dạng gắn bó, nó nhất quán với đại bộ phận hành vi tình dục khác giới, trở thành một phương tiện liên kết các mối quan hệ.”
Sự chắc chắn trong vai trò làm bố không phải là nỗi ám ảnh của toàn thể đàn ông mọi lúc mọi nơi, như mô tả chuẩn mực khẳng định, và nó chẳng phải là chuyện gì to tát đối với những anh chàng sống trước thời kỳ nông nghiệp và những lo ngại sau đó về việc trao lại tài sản qua các dòng dõi hậu duệ của người bố về mặt di truyền*.