GHEN TUÔNG: HƯỚNG DẪN NHẬP MÔN THÈM MUỐN VỢ/CHỒNG HÀNG XÓM
Trong hôn lễ truyền thống của người Canela, cô dâu và chú rể cùng nằm lên một cái chiếu, đầu gối lên tay nhau, chân quắp lấy nhau. Sau đó người cậu của mỗi bên sẽ bước tới. Ông ta khuyên cô dâu và chú rể hãy ở bên nhau cho đến khi đứa con cuối cùng trưởng thành, đặc biệt nhắc nhở họ không được ghen tuông với tình nhân của mỗi người.
• SARAH BLAFFER HRDY
Một lỗi in ấn năm 1631 đã khiến trong Kinh Thánh có lời tuyên bố thế này: “Ngươi được ngoại tình.”* Mặc dù không phải là huấn thị của Kinh Thánh, sợi chỉ xuyên suốt nhiều ví dụ mà chúng tôi đưa ra về S.E.EX (Trao đổi tình dục-xã hội, nếu bạn đã quên mất) là lệnh cấm triệt để quan hệ với (các) bạn tình quen thuộc, thậm chí đôi khi còn bị dọa xử tử. Sao lại thế được nhỉ?
Vì những nghi lễ này đã phát triển ở các nền văn hóa khác nhau trên thế giới nên chúng hẳn phải thực hiện những chức năng quan trọng. Mâu thuẫn nội tại cho thấy một mối đe dọa sống còn đối với các nhóm phụ thuộc lẫn nhau một cách chặt chẽ như các nhóm mà tổ tiên chúng ta đã sống suốt hàng nghìn thế hệ. Trở thành nghi lễ, được cộng đồng ủng hộ, thậm chí đôi khi còn bắt buộc, S.E.EX giảm bớt tình trạng chia rẽ do ghen tuông và sở hữu gây ra, trong khi cũng làm mờ vai trò làm cha. Không đáng ngạc nhiên khi trong các cộng đồng quy mô nhỏ phụ thuộc nhiều vào niềm tin giữa các cá nhân, chính sự độ lượng và hợp tác đã đưa ra và thúc đẩy nhiều cách tăng cường những phẩm chất này, đồng thời ngăn chặn các hành vi và tín điều đe dọa sự hòa thuận trong nhóm cũng như sự sống còn của các thành viên.
Cần nhắc lại rằng chúng tôi không viện đến bất cứ điều cao quý nào, hay sự thấp hèn nào của người hái lượm. Một số hành vi dường như bình thường với chúng ta (do vậy sẵn sàng được xem là phổ quát) sẽ nhanh chóng phá hủy nhiều cộng đồng hái lượm quy mô nhỏ bằng việc làm chúng đánh mất chức năng của mình. Đặc biệt, lợi ích cá nhân không bị kiểm soát, dù là được thể hiện dưới hình thức tích trữ thực phẩm hay sở hữu tình dục quá mức, đều đe dọa trực tiếp tới sự gắn kết tập thể, vì vậy bị xem là đáng xấu hổ và lố bịch.
Có nghi ngờ nào cho rằng xã hội ngụy trang những thôi thúc như vậy không?
Ngay bây giờ, những chiếc vòng đồng đang kéo dài cổ các cô gái ở nhiều vùng thuộc Thái Lan và Myanmar. Tại các ngôi làng ở khắp Bắc Phi, âm vật bị cắt bỏ và môi âm hộ bị khâu lại, trong khi ở thế giới phát triển, thu nhỏ tầng sinh môn và các hình thức phẫu thuật thẩm mỹ âm hộ khác gần đây đã trở thành một ngành rất phát đạt. Ở nơi khác, dương vật của bé trai bị cắt bao quy đầu hoặc bị tách ra trong nghi lễ rạch dương vật. Bạn hiểu vấn đề rồi đấy.
Một số bộ tộc thổ dân châu Mỹ ở đồng bằng thượng nguồn có một định nghĩa thống nhất về cái đẹp, theo đó họ dùng những tấm ván gỗ nhỏ kẹp vào phần trán vẫn còn mềm của trẻ sơ sinh*. Khi đứa trẻ lớn lên, các tấm gỗ sẽ bị siết chặt lại, giống như nha sĩ chỉnh khớp cắn, từng chút từng chút một. Không rõ mức độ tổn hại cho não, nếu có, mà tập quán này gây ra đến mức nào, nhưng những cái đầu hình nón kỳ lạ đã dọa cho các bộ tộc láng giềng và những kẻ lột lông thú da trắng trong vùng sợ phát khiếp.
Rất có thể đó là cái giá phải trả. Nếu vẻ bề ngoài lạ lùng mang lại cho họ lợi thế bảo vệ mà nếu không làm thế thì họ sẽ không có được, không khó để nhận ra những tuyên bố thời trang như thế có thể phát triển đến mức nào. Từ nếm bia nước bọt hay sữa quấy máu bò đến mang vớ đi dép, chẳng mấy ai nghi ngờ rằng mọi người sẵn sàng nghĩ, cảm nhận, mặc, làm và tin gần như mọi việc nếu như xã hội của họ thuyết phục được họ rằng điều đó là bình thường.
Những thế lực xã hội thuyết phục mọi người vươn cổ ra quá điểm gãy, ép đầu trẻ sơ sinh, hoặc đẩy con gái vào nghi lễ hiến dâng thiêng liêng đều có khả năng ngụy trang hoặc trung hòa ghen tuông tình dục bằng cách xem đó là điều ngớ ngẩn và lố bịch. Bằng cách cho đó là bất bình thường.
Cách giải thích theo hướng tiến hóa đối với cơn ghen tình dục của nam giới, như chúng ta đã thấy, xoay quanh hệ phương trình di truyền làm bệ đỡ cho sự chắc chắn làm cha. Nhưng nếu là vấn đề di truyền, một người đàn ông sẽ không mấy lo lắng về chuyện vợ mình quan hệ với các anh em trai – những người có chung một nửa số gene của anh ta – bằng với đàn ông lạ. Các quý ông, các ông có thấy đỡ khó chịu hơn khi thấy vợ mình lên giường với thằng anh/ em trai chứ không phải với một kẻ hoàn toàn xa lạ không? Các quý bà, các bà sẽ thích hơn khi thấy chồng mình cặp bồ với chị/em gái của mình chứ? Chắc chắn không.
Chúng ta đã nhắc đến David Buss trong cuộc thảo luận về chiến lược giao cấu hỗn hợp trước đó, nhưng đa phần các công trình của ông đều nghiên cứu đề tài ghen tuông. Buss không ủng hộ quan điểm chia sẻ thức ăn hay bạn tình, ông lý giải cả hai theo phương diện khan hiếm: “Nếu không có đủ thức ăn cho toàn bộ thành viên trong nhóm”, ông viết, “một số người sống sót trong khi những người khác bỏ mạng.” Tương tự: “Nếu hai phụ nữ cùng muốn một người đàn ông thành công của người này trong việc hấp dẫn anh ta là thất bại của người còn lại.” Ông cho tiến hóa là “một trò chơi tổng-bằng-không, mà kẻ thắng giành được trong sự trả giá của kẻ thua”.
Tranh luận về bản chất của hoạt động tính dục ở loài người thường giống như một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các triết lý kinh tế-chính trị đối nghịch nhau. Dường như những kẻ bảo vệ mô tả chuẩn mực thắng còn bạn thua, chấm hết. “Đời là thế đấy con ạ”, họ sẽ nói với bạn như vậy. “Bản chất con người là vậy. Tư lợi thúc đẩy thế giới vận hành, hãy tự vươn lên, thân ai người ấy lo”,… “Cuộc thi tiến hóa là một trò chơi tổng-bằng-không”, Buss viết, “mà kẻ thắng giành được trong sự trả giá của kẻ thua.”
Theo quan điểm thị trường tự do, hoạt động giao cấu của con người xoay quanh giả định cho rằng chung thủy tình dục là cốt lõi của bản chất con người. Thiếu vắng chế độ một vợ một chồng (một người nam “sở hữu” khả năng sinh sản của một người nữ), trạng thái đối nghịch tôi-được-anh-thua sẽ sụp đổ. Như chúng tôi đã phác ra ở trên, Buss và đồng nghiệp né tránh nhiều lỗi rõ ràng trong lý thuyết này (ngoại tình tràn lan ở mọi nền văn hóa, lang chạ bừa bãi ở cả hai người họ hàng linh trưởng gần nhất với chúng ta, không có bất cứ loài linh trưởng chung thủy nào sống thành cộng đồng lớn) với logic xoắn và lời biện hộ đặc biệt về “chiến lược giao cấu hỗn hợp” vốn tự nó mâu thuẫn, và với sự tự hủy diệt của Homo sapiens. Xoắn và duỗi.
Buss đã thực hiện rất nhiều cuộc nghiên cứu về giao thoa văn hóa để tìm cách khẳng định rằng đàn ông và phụ nữ trải nghiệm cơn ghen khác nhau, nhưng theo cách riêng phù hợp của giới. Các nghiên cứu này tuyên bố đã xác nhận hai giả định quan trọng thuộc về mô tả chuẩn mực: đàn ông thường lo lắng về sự chắc chắn của vai trò làm cha (theo đó, sự chung thủy tình dục của bạn tình là nỗi lo chính của anh ta), trong khi phụ nữ lại thường lo lắng tìm cách tiếp cận nguồn tài nguyên của đàn ông (do vậy cô ta sẽ thấy bị đe dọa nhiều hơn trước bất cứ sự thân mật cảm xúc nào có thể thôi thúc anh ta bỏ mình để theo một người phụ nữ khác).
Trong một nghiên cứu điển hình của cuộc nghiên cứu này, Buss và đồng nghiệp đã yêu cầu 1.122 người hãy hình dung đến cảnh bạn tình của mình quan tâm đến người khác. Họ hỏi: “Điều gì sẽ khiến bạn khó chịu hoặc đau khổ hơn: (a) hình dung bạn tình của mình xây dựng một mối quan hệ tình cảm (nhưng không phải tình dục) sâu sắc với người đó, hoặc (b) hình dung bạn tình của mình thích mối quan hệ tình dục (nhưng không phải tình cảm) với người đó? Những nghiên cứu như thế được tiến hành trong khuôn viên đại học ở Mỹ và châu Âu, Buss và đồng nghiệp trước sau đều nhận được những kết quả tương tự. Họ thấy rằng câu trả lời của đàn ông và phụ nữ khác nhau khoảng 35%, điều này có vẻ khẳng định cho giả thuyết của họ. Buss viết, “Phụ nữ tiếp tục bộc lộ sự khó chịu nhiều hơn đối với sự thiếu chung thủy về mặt tình cảm của bạn tình, ngay cả khi không dính dáng đến tình dục. Đàn ông tiếp tục thể hiện khó chịu nhiều hơn phụ nữ về sự thiếu chung thủy tình dục của bạn tình, ngay cả khi không liên quan đến cảm xúc”.
Mặc dù được tiến hành với diện đối tượng rộng đến từ nhiều nền văn hóa, nhưng nghiên cứu này vẫn thiếu chiều sâu phương pháp luận. Buss và các đồng nghiệp phải chịu thua trước sự cám dỗ đã làm suy yếu rất nhiều nghiên cứu về hoạt động tính dục: dựa vào đối tượng mang tính thuận tiện hơn là đại diện. Gần như tất cả những người tham gia vào các nghiên cứu này đều là sinh viên đại học. Chúng ta hiểu rằng sinh viên năm cuối rất dễ để các sinh viên đã tốt nghiệp và giáo sư sắp đặt và tác động (bằng cách thưởng cho một phần tín chỉ nếu điền vào bảng câu hỏi), nhưng điều này không biến họ trở thành đại diện xác đáng cho hoạt động tính dục loài người. Đừng hòng. Ngay cả trong các nền văn hóa phương Tây được cho là tự do, những người ở độ tuổi đại học đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển tình dục-xã hội có rất ít, nếu có, kinh nghiệm để rút ra khi cân nhắc những vấn đề như tình một đêm, lựa chọn bạn tình lâu dài, hay số đối tác tình dục lý tưởng trọn đời – tất cả mọi vấn đề được khảo sát trong nghiên cứu của Buss.
Nhưng không phải chỉ có Buss. Đa số nghiên cứu về hoạt động tính dục đều dựa trên câu trả lời của các sinh viên đại học Mỹ tuổi từ 18 đến 22. Trong khi người ta có thể giải thích tại sao một chàng trai 22 tuổi vẫn ít nhiều điểm giống một người đàn ông 50 tuổi được tăng áp tốt, ít người dám nói rằng một phụ nữ 20 tuổi có nhiều điểm chung về phương diện tình dục với một phụ nữ già hơn mình 30 tuổi. Đa số đều nhất trí rằng hoạt động tính dục của phụ nữ thay đổi nhiều trong suốt tuổi trưởng thành.
Một vấn đề nữa khi sử dụng sinh viên đại học cho loại hình nghiên cứu đa văn hóa mà Buss tiến hành liên quan đến việc phân lớp. Ở các nước đang phát triển, sinh viên đại học chắc chắn xuất thân từ giới thượng lưu. Có thể một sinh viên Angola giàu có sẽ có nhiều điểm chung với một sinh viên năm cuối Bồ Đào Nha hơn là với một người nào đó có cùng tầm tuổi trong các khu ổ chuột ở Luanda. Nghiên cứu điền dã của chúng tôi ở châu Phi cho thấy tín niệm và hành vi tình dục của các tầng lớp xã hội và tiểu văn hóa ở đây có rất nhiều sự khác biệt – cũng như ở các nơi khác trên thế giới.*
Ngoài việc bóp méo ảnh hưởng của tuổi tác và tầng lớp, Buss cùng đồng nghiệp cũng bỏ qua thực tế quan trọng là mỗi đối tượng nghiên cứu của họ đều sống trong các cộng đồng hậu nông nghiệp với những đặc trưng như tư hữu, phân cấp chính trị, truyền hình toàn cầu, vân vân. Làm sao để chúng ta nhận ra “những điểm phổ quát của con người” nếu không đưa vào khảo sát ít nhất vài người hái lượm, mà suy nghĩ và hành vi của những người đó không phải được hình thành từ tác động của đời sống hiện đại, và cái nhìn của họ lại tiêu biểu cho hơn 95% trải nghiệm của giống loài chúng ta? Như chúng tôi đã chứng minh, rất nhiều nghiên cứu về người hái lượm cho thấy nhiều những tương đồng quan trọng giữa các cộng đồng không liên quan đến nhau và nhiều những khác biệt lớn giữa các chuẩn mực hậu nông nghiệp. Người Thụy Điển và giới thượng lưu Nigeria có thể tự cho họ là rất khác nhau, nhưng từ cái nhìn của người hái lượm thì có vẻ họ giống nhau rất nhiều.
Phải thừa nhận, chẳng dễ dàng gì để rải bản câu hỏi và bút chì ngòi 2B cho người hái lượm ở vùng Thượng Amazon. Mặc dù vậy, sự khó khăn hoặc bất khả trong việc đưa cái nhìn của họ vào chẳng giảm bớt tầm quan trọng sống còn của nó đối với tính toàn vẹn của loại nghiên cứu này. Mô hình nghiên cứu rộng nhưng nông cạn này cũng giống như tuyên bố đã khám phá ra “những sự thật về cá nói chung” sau khi tiến hành nghiên cứu cá ở các con sông trên thế giới. Thế còn hồ nuôi cá thì sao? Ao thì sao? Đại dương thì sao?
Nhà tâm lý học Christine Harris đã nhận ra những kết luận của Buss rất có thể chỉ là khẳng định lại một tin cũ: rằng “đàn ông dễ phản ứng với bất cứ dạng kích thích tình dục nào hơn là với kích thích cảm xúc (và) quan tâm, hoặc đàn ông cũng dễ bị kích thích khi tưởng tượng đến những nhân tố kích thích như vậy”. Nói cách khác, đàn ông kích động nhiều hơn với tình dục, đơn giản vì họ tưởng tượng điều đó rõ ràng hơn phụ nữ.
Khi Harris đo lường phản ứng cơ thể của những người trả lời câu hỏi của Buss, bà thấy rằng “khi ở trong nhóm, phụ nữ thể hiện ít khác biệt trong các phản ứng sinh lý”, nhưng họ vẫn gần như nhất trí với dự đoán rằng thiếu chung thủy về mặt cảm xúc sẽ khó chịu hơn. Phát hiện này đem lại một sự tách rời thú vị giữa những gì phụ nữ thật sự cảm nhận được và những gì họ nghĩ mình nên cảm nhận về sự chung thủy của bạn tình (sau này chúng tôi sẽ nói thêm về vấn đề này).
Các nhà tâm lý học David A. DeSteno và Peter Salovey còn tìm thấy thêm nhiều lỗi cơ bản trong nghiên cứu của Buss, như chỉ ra rằng các đối tượng đã sử dụng hệ thống niềm tin khi trả lời các câu hỏi về ngoại tình giả thiết. Họ thấy rằng “niềm tin rằng sự không chung thủy cảm xúc bao hàm sự không chung thủy tình dục ở phụ nữ là lớn hơn hẳn so với đàn ông”, vì vậy, “lựa chọn giữa thiếu chung thủy tình dục và thiếu chung thủy cảm xúc (ở tâm điểm nghiên cứu của Buss) là sự phân nhánh giả tạo…”*
David A. Lishner và đồng nghiệp phàn nàn về một khuyết điểm khác: thực tế là các đối tượng chỉ được cung cấp hai lựa chọn: thiếu chung thủy tình dục hay thiếu chung thủy cảm xúc gây tổn thương nhiều hơn. Lishner hỏi, điều gì xảy ra nếu cả hai kịch bản khiến cho các đối tượng cảm thấy tổn thương như nhau? Khi Lishner đưa lựa chọn thứ ba này vào, ông thấy đa số người tham gia đều trả lời rằng hai hình thức thiếu chung thủy đều gây đau khổ như nhau, vậy là lại chất thêm nghi ngờ lên các kết luận của Buss.*
Có thể đúng khi Buss và các nhà tâm lý học tiến hóa khác lập luận rằng một số mức độ ghen tuông nào đó là một phần bản chất của con người, nhưng họ đang vung tay quá trán khi phổ quát hóa phát hiện của mình cho tất cả mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Bản chất con người được tạo nên từ nguyên liệu có sức phản ánh cao. Nó là một tấm gương – phải thừa nhận là mang theo những vết xước xát và đứt gãy di truyền không loại bỏ được – nhưng dù sao thì vẫn là tấm gương. Đối với gần như tất cả mọi người, thực tế nhiều khi là những gì người ta nói như vậy. Giống như đa phần mọi thứ khác, ghen tuông phản ánh sự biến đổi của xã hội, nhưng sự ghen tuông đó sẽ giảm đến mức bé xíu nếu như cả xã hội đồng thuận xem nó là bình thường.*
Đối với người Siriono ở Bolivia, ghen tuông có xu hướng tăng cao không phải vì một trong hai người có tình nhân, mà vì người đó dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho tình nhân. Theo nhà nhân học Allan Holmberg: “Tình yêu lãng mạn là một khái niệm xa lạ với người Siriono. Giống như đói, tình dục là một dồn nén cần được giải tỏa. Cách diễn đạt secubi (“tôi thích”) được sử dụng để chỉ tất cả những gì người Siriono thích, dù là thức ăn, trang sức, hay bạn tình. Trong khi “tất nhiên là có những quan niệm nhất định về hạnh phúc tình dục”, Holmberg thấy rằng, “nhưng trong điều kiện khao khát thì chúng chẳng là gì, và người Siriono hài lòng khi tuân theo với nguyên tắc “buồn ngủ vớ được chiếu manh”.*
Nhà nhân học William Crocker cho rằng các ông chồng người Canela không hề ghen tuông, ông viết: “Dù các ông chồng Canela có nói thật về việc quan tâm hay không thì họ vẫn cùng với các thành viên khác khích lệ vợ mình tôn vinh phong tục nghi lễ tình dục với ít nhất 20 người đàn ông trong những buổi lễ toàn cộng đồng…” Giờ thì bất kỳ ai có thể giả vờ không ghen khi vợ làm tình với ít nhất 20 gã đàn ông đều là người mà bạn không muốn cùng đánh bài trên bàn poker đâu*.
Các nền văn hóa mà chúng tôi vừa điểm qua, từ những khu rừng ẩm thấp ở Brazil đến những chân đồi ven hồ ở Himalaya, mỗi nơi đều phát triển cơ chế kiểm soát ghen tuông và sở hữu tình dục. Nhưng điều ngược lại cũng xảy ra. Một số nền văn hóa tích cực khích lệ theo hướng sở hữu.
Được viết bởi Percy Sledge và lần đầu tiên thu âm vào năm 1966, When a Man Loves a Woman lập tức trở thành ca khúc ăn khách. Bài hát vọt lên đầu cả bảng xếp hạng Billboard Hot 100 lẫn R&B. Một bản thu khác, của Michael Bolton sau đó 25 năm, cũng vọt thẳng lên đầu các bảng xếp hạng, và bây giờ bài hát này giữ vị trí số 54 trong danh sách 500 bài hát hay nhất mọi thời đại của Rolling Stone. Trên truyền thông phương Tây, không có gì nổi bật hơn tình yêu và tình dục, và When a Man Loves a Woman là một ví dụ về thông điệp thì thầm vào những đôi tai lãng mạn trên khắp thế giới.
Percy Sledge phải nói gì về tình yêu của một chàng trai dành cho một cô gái? Tín hiệu tình yêu đích thực của một chàng trai là gì? Vì bản quyền nên chúng tôi không thể trích dẫn đầy đủ lời bài hát, nhưng hầu hết các độc giả đều thuộc lòng từng chữ. Điểm lại nhé:
Khi chàng trai yêu cô gái:
Chàng bị ám ảnh và không thể nghĩ tới bất cứ điều gì khác.
Chàng sẽ đánh đổi bất cứ điều gì, kể cả thế giới này, để được bên nàng.
Chàng mù quáng trước bất cứ lỗi lầm nào của nàng và sẽ bỏ rơi ngay cả người bạn thân nhất nếu người bạn đó tìm cách cảnh báo về nàng.
Chàng sẽ dốc hết tiền bạc mình có để cố gắng thu hút sự chú ý của nàng.
Và cuối cùng nhưng rất quan trọng, chàng sẽ ngủ dưới mưa nếu nàng bảo chàng phải làm vậy.
Chúng tôi muốn đề xuất một nhan đề khác cho bài hát này: Khi chàng trai trở nên ám ảnh một cách bệnh hoạn, hi sinh tất cả lòng tự trọng và nhân phẩm của mình bằng cách tự làm mình trở nên ngớ ngẩn (và đằng nào cũng đánh mất cô gái bởi thật ra ai lại muốn có một bạn trai ngủ dưới trời mưa?)
Tương tự, Every Breath You Take chiếm vị trí đáng nể thứ 84 trong danh sách những bài hát hay nhất mọi thời đại của Rolling Stone. Là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất năm 1983, bài hát này đứng đầu các bảng xếp hạng của nước Anh suốt một tháng và các bảng xếp hạng của Mỹ suốt hai tháng. Nó giành danh hiệu Bài hát của năm còn ban nhạc The Police giành Giải Grammy của năm đó cho hạng mục Trình diễn nhạc Pop xuất sắc nhất. Đến nay, bài hát đã có hơn 10 triệu lượt đăng ký nghe trên các trạm radio khắp thế giới. Một lần nữa, chúng tôi cho rằng bạn hiểu các từ này. Nhưng bạn đã bao giờ thật sự lắng nghe chúng hay chưa? Mặc dù vẫn thường được nhắc tới như là một trong những bản tình ca của mọi thời đại, Every Breath You Take lại không hề nói tới tình yêu. Là lời của một chàng trai bị một cô gái từ chối, khi cô không chịu công nhận rằng cô thuộc về anh, anh nói rằng anh sẽ theo cô từng bước, quan sát từng cử chỉ của cô, xem đêm đến cô ngủ với ai…
Đây mà là một bản tình ca ư? Nó nên được đứng hàng đầu trên bảng xếp hạng “Những bài hát Bám đuôi Điên rồ & Nguy hiểm”. Ngay cả Sting, tác giả bài hát này sau khi tỉnh giấc giữa đêm khi dòng chữ “từng hơi thở em từng bước chân em” hiện lên trong tiềm thức, mãi về sau cũng không nhận ra “(bài hát này) tai hại thế nào”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông cho rằng có lẽ ông đang nghĩ đến tác phẩm 1984 của George Orwell – một cuốn tiểu thuyết viết về giám sát và kiểm soát – chắc chắn không phải là tình yêu.
* * *
Vậy thì ghen tuông có phải là tự nhiên hay không? Còn tùy. Sợ hãi chắc chắn là tự nhiên rồi, và giống như bất cứ cảm giác bất an nào khác, ghen tuông là một biểu hiện của sợ hãi. Liệu đời sống tình dục có khơi dậy phản ứng sợ hãi hay không lại phụ thuộc vào việc tình dục được định nghĩa thế nào trong một xã hội, quan hệ và tính cách cá nhân cụ thể.
Đứa con đầu lòng thường cảm thấy ghen tức khi em nó ra đời. Bố mẹ khôn ngoan thì để ý an ủi đứa trẻ rằng nó sẽ luôn luôn đặc biệt, rằng em bé không đe dọa chút nào đến vị trí của nó, và có rất nhiều tình yêu dành cho mỗi đứa trẻ. Tại sao lại có thể dễ dàng tin rằng tình yêu của mẹ không phải là vấn đề tổng-bằng-không, nhưng tình yêu dục tính lại là một nguồn tài nguyên hữu hạn? Nhà sinh học tiến hóa Richard Dawkins đặt ra một câu hỏi thích đáng bằng một cách lịch thiệp đặc trưng: “Phải chăng quá rõ là bạn không thể yêu được nhiều hơn một người? Dường như chúng ta giải quyết được điều này bằng tình yêu cha mẹ (cha mẹ bị chê trách nếu như ít nhất họ không giả vờ yêu thương con cái như nhau), tình yêu sách vở, thức ăn, rượu vang (tình yêu dành cho Chateau Margaux không ngăn được tình yêu dành cho một ly Hock loại ngon, và chúng ta không cảm thấy phản bội vang đỏ khi chúng ta mân mê vang trắng), tình yêu dành cho các nhà soạn nhạc, nhà thơ, các bãi biển nghỉ mát, bạn bè… tại sao tình yêu tính dục lại là ngoại lệ duy nhất mọi người lập tức thừa nhận mà không hề suy nghĩ về nó?”
Thật ra là tại sao? Sự phổ biến và trải nghiệm ghen tuông bị tác động như thế nào ở các cộng đồng phương Tây nếu như điều kiện văn hóa giảm thiểu hoặc thử loại bỏ sự phụ thuộc kinh tế của đại đa số phụ nữ và con cái của họ, và nếu như hoạt động tính dục ở phụ nữ không phải là một mặt hàng bị kiểm soát chặt chẽ? Điều gì sẽ xảy ra nếu như sự đảm bảo kinh tế và thứ tình bạn tình dục không tội lỗi có sẵn cho hầu hết đàn ông và phụ nữ như ở nhiều cộng đồng mà chúng tôi vừa thảo luận, cũng như ở những người bà con linh trưởng gần gũi nhất với chúng ta? Điều gì sẽ xảy ra nếu như không một phụ nữ nào phải lo lắng rằng khi mối quan hệ đổ vỡ sẽ đẩy cô ta cùng con cái vào cảnh túng thiếu và tổn thương? Điều gì sẽ xảy ra nếu những anh chàng bình thường biết rằng họ sẽ không bao giờ phải lo lắng về chuyện tìm được một ai đó để yêu? Sẽ ra sao nếu tất thảy chúng ta lớn lên mà không phải nghe thấy rằng tình yêu đích thực rất ám ảnh và mang tính sở hữu? Sẽ ra sao nếu, giống như người Mosuo, chúng ta tôn trọng đức hạnh và quyền tự quyết của những người chúng ta yêu thương? Điều gì sẽ xảy ra nếu, nói cách khác, tình dục, tình yêu và sự đảm bảo kinh tế cũng có sẵn với chúng ta như với tổ tiên chúng ta trước đây?
Nếu sợ hãi bị đưa ra khỏi ghen tuông thì điều gì còn lại?
Con người sẽ hạnh phúc hơn – không phải khi họ có thể chữa được bệnh ung thư, lên sao Hỏa, xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc hay xả nước hồ Erie – mà là khi họ tìm được cách sống lại trong các cộng đồng nguyên thủy. Đấy là xã hội không tưởng của tôi.
• KURT VONNEGUT
E. O. Wilson từng viết rằng: “Tất cả những gì chúng ta có thể phỏng đoán về lịch sử di truyền của loài người đều biện luận cho một đạo lý tình dục tự do hơn, trong đó các tập quán tình dục trước tiên đều được xem là phương thức kết nối, tiếp đến mới là phương tiện sinh sản.” Chúng tôi đồng ý. Nếu hoạt động tính dục loài người ban đầu phát triển thành cơ chế gắn kết nội tại của các nhóm phụ thuộc lẫn nhau, trong đó sự chắc chắn về vai trò làm cha chỉ là một vấn đề nhỏ (nếu được xem là vấn đề), vậy thì cách hiểu đúng đắn về tiến hóa tình dục loài người là điều đáng ăn mừng. Giả định lỗi thời – cho rằng phụ nữ luôn đánh đổi đặc ân tình dục cho đàn ông lấy sự hỗ trợ chăm sóc con cái (bắt đầu ít nhất chín tháng sau), thức ăn, bảo vệ và phần còn lại của nó – sụp đổ khi tiếp xúc với nhiều cộng đồng trong đó phụ nữ không cần phải đàm phán về những thương vụ như vậy. Không những không phải là cách giải thích được ủng hộ về quá trình chúng ta tiến hóa ra sao, mô tả chuẩn mực còn phơi bày một thiên kiến đạo đức đương đại được phản chiếu trên màn hình tiền sử xa xôi. Nó lý giải hiện tại nhưng lại che giấu quá khứ. Yabba dabba doo*.