NGƯỜI KHỔNG LỒ BÉ NHỎ
Cơ thể của mọi sinh vật đều kể câu chuyện chi tiết về môi trường mà trong đó tổ tiên của nó đã tiến hóa. Lông, mỡ và lông vũ của nó kể cho bạn nghe về nhiệt độ của môi trường cổ xưa. Răng và hệ tiêu hóa chứa đựng thông tin về bữa ăn cổ xưa. Mắt, chân và bàn chân kể cho bạn nghe tổ tiên của nó đi lại thế nào. Kích thước tương đối của con đực và con cái cũng như những điểm đặc biệt của cơ quan sinh dục mang đầy những thông tin về sự sinh sản xa xưa. Trên thực tế, đồ trang sức và cơ quan sinh dục đực mang lại cách phân biệt tốt nhất giữa các loài có quan hệ gần gũi với nhau. Nhà tâm lý học tiến hóa Geoffrey F. Miller còn đi xa đến mức nói rằng, “dường như đổi mới tiến hóa tập trung vào chi tiết của hình dạng dương vật”.*
Tạm gạt sang một bên ý nghĩ kiểu Freud khiến chúng ta lo lắng là ngay cả Mẹ Thiên nhiên cũng bị ám ảnh với dương vật, cơ thể của chúng ta chứa đựng vô vàn thông tin về hành vi tính dục của giống loài qua nhiều nghìn năm. Có những đầu mối được mã hóa trong di tích xương cốt hàng triệu năm tuổi và trong cơ thể đang sống của chính chúng ta. Chúng nằm hết ở đó – và ở ngay đây. Thay vì nhắm mắt lại và mơ mộng, hãy mở mắt ra và học cách đọc những ký hiệu của cơ thể quyến rũ.
Chúng tôi bắt đầu với sự lưỡng hình kích thước cơ thể. Thuật ngữ nghe có vẻ kỹ thuật này lại chỉ đơn giản nói đến sự khác biệt về mặt kích thước giữa nam giới và phụ nữ trưởng thành ở một loài cụ thể. Chẳng hạn, ở các loài linh trưởng, bình quân khỉ đột và khỉ đầu chó đực to gấp đôi con cái, trong khi tinh tinh, tinh tinh lùn và con người lại chỉ lớn hơn và nặng hơn khoảng 10-20%.
Ở các loài có vú nói chung và linh trưởng nói riêng, sự lưỡng hình kích thước cơ thể phản ánh sự cạnh tranh của con đực trong việc giao phối. Trong những hệ thống kết đôi được-ăn-cả, nơi con đực cạnh tranh với nhau để giành lấy những cơ hội giao phối hiếm hoi, con đực nào to lớn hơn, khỏe mạnh hơn thường giành phần thắng… và “ăn cả”. Ví dụ như những con khỉ đột to lớn nhất, nổi bật nhất sẽ truyền gene to lớn và nổi bật cho thế hệ sau, từ đó dẫn tới những con khỉ đột đực còn to lớn hơn, nổi bật hơn – đến khi kích thước tăng lên đến một giới hạn sinh học nào đó.
Mặt khác, ở những loài ít đánh nhau giành con cái, có ít nhu cầu sinh học để cơ thể con đực tiến hóa to lớn hơn, khỏe mạnh hơn nên nhìn chung chúng không tiến hóa. Ở những loài đơn thê về mặt tính dục như vượn chẳng hạn, con đực và con cái gần như có kích thước bằng nhau.
Nhìn vào sự lưỡng hình kích thước cơ thể khiêm tốn của chúng ta, rõ ràng là nam giới không đánh nhau nhiều để giành phụ nữ. Như đã đề cập ở trên, bình quân cơ thể nam giới lớn hơn và nặng hơn phụ nữ từ 10 đến 20%, một tỉ lệ bắt đầu cách đây gần hai triệu năm trước. Owen Lovejoy coi tỉ lệ này là bằng chứng về nguồn gốc cổ xưa của chế độ đơn thê. Trong một bài báo đăng trên tờ Science năm 1981, Lovejoy lập luận rằng cả sự phát triển não nhanh chóng ở tổ tiên chúng ta lẫn sự phát triển các công cụ của họ đều bắt nguồn từ một “hệ thống tính cách loài người đã hình thành sẵn”, với đặc thù là “làm bố mẹ và quan hệ xã hội chuyên sâu, quan hệ kết đôi theo hình thức đơn thê, hành vi sinh sản-tính dục theo mục đích riêng, và hai chân”. Vì vậy, Lovejoy kết luận: “Gia đình hạt nhân và hành vi tính dục loài người có thể có nguồn gốc xa xưa từ rất lâu trước kỷ Pleistocene.” Giống như hầu hết các nhà lý luận, Matt Ridley đồng ý với nguồn gốc cổ xưa này của chế độ đơn thê, viết: “Quan hệ kết đôi lâu dài đã ràng buộc mỗi người vượn với bạn tình trong phần lớn đời sống sinh sản của nó.”
Hai triệu năm là một thời kỳ tăm tối của đời sống một vợ-một chồng. Lẽ nào những “ràng buộc” này đến nay không dễ chịu hơn chút nào hay sao?
* * *
Không được tiếp cận với dữ liệu xương về sự lưỡng hình của kích thước cơ thể như chúng ta bây giờ, Darwin suy luận con người sơ khai sống trong một hệ thống kiểu hậu cung. Nhưng nếu phỏng đoán của Darwin mà đúng thì tầm vóc trung bình của nam giới đương đại sẽ phải gấp đôi tầm vóc của phụ nữ. Và, như chúng ta sẽ thảo luận trong phần tới, một dấu hiệu chắc chắn khác về quá khứ loài người giống-như-khỉ-đột sẽ là một trường hợp đáng xấu hổ về sự hao hụt kích thước bộ phận sinh dục.
Mặc dù vậy, một số người vẫn tiếp tục quả quyết rằng con người sinh ra đã là những kẻ xây dựng hậu cung đa thê, bất chấp thiếu hụt bằng chứng ủng hộ cho lập luận này. Chẳng hạn, Alan S. Miller và Satoshi Kanazawa tuyên bố: “Chúng tôi biết rằng con người sống đa thê trong hầu hết lịch sử bởi vì nam giới cao hơn phụ nữ.” Hai tác giả này tiếp tục kết luận rằng bởi “nam giới cao hơn 10% và nặng hơn 20% so với phụ nữ nên điều này có nghĩa là trong suốt lịch sử, nam giới thường là đa thê”.
Không hẳn vậy. Phân tích của họ đã bỏ qua thực tế là điều kiện văn hóa cần có cho một số nam giới tích lũy đủ sức mạnh chính trị và của cải để chu cấp cho nhiều bà vợ và con cái không tồn tại cho đến khi cộng đồng nông nghiệp định cư đầu tiên xuất hiện cách đây 10.000 năm trước. Đơn giản là các điều kiện này không tồn tại trước khi có nông nghiệp. Và việc nam giới cao hơn, nặng hơn phụ nữ ở mức độ vừa phải cho thấy cạnh tranh giữa nam giới với nhau thấp, nhưng không nhất thiết “thường là đa thê”. Dù sao đi nữa thì những người bà con bừa bãi của chúng ta, tinh tinh và tinh tinh lùn, phản ánh chính xác mức khác biệt về kích thước đực/cái trong khi vẫn hưởng thụ vô số cuộc gặp gỡ tình dục với những đối tác mà chúng đủ sức lôi kéo. Không ai tuyên bố sự lưỡng hình 10-20% kích thước cơ thể ở những người bà con họ khỉ của chúng ta là bằng chứng cho thấy “thường là đa thê”. Lời tuyên bố cho rằng những bằng chứng cụ thể này chỉ ra sự bừa bãi ở tinh tinh và tinh tinh lùn nhưng lại chỉ ra sự tương đối đa thê hoặc đơn thê ở loài người giỏi lắm thì cũng không chắc chắn.
Vì nhiều lý do, không chắc là giống loài chúng ta có hậu cung thời tiền sử. Mặc dù có những kẻ nổi tiếng thích tình dục như Ismail Khát máu, Thành Cát Tư Hãn, Brigham Young và Wilt Chamberlain thì cơ thể chúng ta vẫn mạnh mẽ phủ nhận lại điều đó. Hậu cung hình thành từ cơn thèm khát đa dạng tình dục khẩn thiết ở nam giới và sự tập trung quyền lực vào tay một ít người thời hậu nông nghiệp, cùng với việc phụ nữ trong xã hội nông nghiệp mất đi đáng kể quyền tự quyết. Hậu cung là đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp và nông thôn quân phiệt, phân cấp cứng nhắc hướng tới tăng trưởng dân số, mở rộng lãnh thổ và tích lũy của cải nhanh chóng. Hậu cung mang tính giam hãm chưa bao giờ thấy xuất hiện trong bất cứ báo cáo về xã hội hái lượm thực thụ nào.
* * *
Mặc dù việc giống loài chúng ta chuyển sang sự lưỡng hình kích thước cơ thể vừa phải cho thấy rõ rằng nam giới đã tìm thấy một cách khác thay cho đánh nhau để giành giật cơ hội giao phối cách đây 1,9 triệu năm trước, nó không cho chúng ta biết cách đó là cách gì. Nhiều nhà lý luận coi bước chuyển đổi này là sự xác nhận cho việc chuyển từ đa thê sang đơn thê – nhưng kết luận đó đòi hỏi chúng ta phải phớt lờ việc giao phối bừa bãi như một lựa chọn cho tổ tiên chúng ta. Vâng, hệ thống một nam/một nữ làm giảm đi cạnh tranh giữa nam giới với nhau vì quỹ phụ nữ sẵn có không chịu sự chi phối của số ít nam giới nữa khiến cho những anh chàng ít khao khát hơn có nhiều phụ nữ hơn. Nhưng một hệ thống kết đôi trong đó cả nam giới và phụ nữ về cơ bản đều có nhiều mối quan hệ tình dục đồng thời sẽ làm giảm sự cạnh tranh giao phối ở nam giới không kém, nếu không muốn nói là hơn. Và khi mà hai loài gần gũi nhất với chúng ta đều có hệ thống giao phối nhiều đực nhiều cái thì đây có vẻ như là kịch bản có nhiều khả năng hơn hẳn.
Tại sao lại có nhiều nhà khoa học lưỡng lự khi cân nhắc những hàm ý của việc hai người bà con linh trưởng gần gũi nhất với chúng ta thể hiện cùng mức độ lưỡng hình kích thước cơ thể như chúng ta? Hai cách hiểu “chấp nhận được” đối với sự thay đổi trong lưỡng hình kích thước cơ thể là:
Nó chỉ ra nguồn gốc của gia đình hạt nhân/hệ thống kết đôi chung thủy về mặt tình dục. (Vậy thì tại sao kích thước của nam giới và phụ nữ lại không giống nhau, như loài vượn?)
Nó cho thấy rằng loài người bẩm sinh “tương đối đa thê” nhưng đã học cách kiểm soát cơn thôi thúc này, với thành công cho cả hai bên. (Vậy thì tại sao nam giới lại không to lớn gấp đôi phụ nữ, giống như loài khỉ đột?)
Hãy lưu ý đến giả định chung giữa cả hai cách hiểu này: sự trầm lặng về mặt tình dục ở phụ nữ. Trong cả hai kịch bản, danh dự của nữ giới vẫn nguyên vẹn. Ở cách hiểu thứ hai, chỉ có sự chung thủy tự nhiên của nam giới là bị nghi ngờ mà thôi.
Khi ba loài khỉ có quan hệ gần gũi nhất thể hiện cùng mức độ lưỡng hình kích thước cơ thể, lẽ nào ít ra chúng ta lại không nghĩ đến khả năng cơ thể chúng phản ánh cùng một kiểu thích nghi trước khi chúng ta đi đến những kết luận xa xôi, nếu chắc chắn về mặt cảm xúc?
Đã đến lúc chúng ta đi xuống xa hơn phía dưới thắt lưng…
Không một trường hợp nào khiến tôi thích thú và bối rối nhiều như phần mông sáng rực và các bộ phận kề nhau của một số loài khỉ.
• CHARLES DARWIN
Trong vài triệu năm qua, đàn ông đã không còn đánh nhau để giành quyền hẹn hò nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là Darwin nói sai về việc cạnh tranh tình dục ở nam giới đóng vai trò quan trọng trong tiến hóa của loài người. Ngay cả ở loài tinh tinh lùn, vốn rất ít hoặc không có xung đột công khai vì tình dục, vẫn diễn ra chọn lọc theo kiểu Darwin – nhưng ở mức độ mà bản thân Darwin có lẽ cũng chưa bao giờ nghĩ tới – hoặc dám thảo luận công khai. Thay vì cạnh tranh để xem ai giành được tình yêu, tinh tinh lùn đực để cho tinh trùng của mình chiến đấu. Otto Winge, chuyên gia nghiên cứu cá bảy màu trong những năm 1930, đã đưa ra thuật ngữ cạnh tranh tinh trùng. Về sau Geoffrey Parker, chuyên gia nghiên cứu loài nhặng vàng xấu xí, đã trau chuốt cho khái niệm này.
Ý tưởng rất đơn giản. Nếu tinh trùng của nhiều con đực hiện diện trong bộ máy sinh sản của một con cái đang rụng trứng thì bản thân các tinh trùng sẽ cạnh tranh với nhau để thụ thai cho trứng. Con cái của những loài tham gia cuộc cạnh tranh tinh trùng thường có nhiều chiêu trò để quảng bá cho khả năng sinh sản của nó, từ đó mời gọi nhiều đối thủ hơn. Hành động khiêu khích của chúng bao gồm từ việc phát ra âm thanh hay mùi hương quyến rũ đến việc làm cho bộ phận sinh dục phồng lên to hơn kích thước bình thường vài lần và chuyển sang sắc thái màu son từ màu đỏ Berry gợi tình đến màu đỏ Rouge Soleil.*
Quá trình này giống như chơi sổ xố, ở đó con đực sở hữu nhiều về số nhất có nhiều cơ hội chiến thắng nhất (theo đó là năng lực sản xuất tinh trùng khủng khiếp của tinh tinh và tinh tinh lùn). Đây cũng là một quá trình cản trở, bởi cơ thể của con cái tạo ra các loại thử thách – các loại hào buộc tinh trùng phải bơi qua mới tới được với trứng – đây cũng là cách để loại bỏ những tinh trùng không xứng đáng. (Chúng ta sẽ khảo sát một số trở ngại này trong những chương sau). Nhiều người khác lập luận rằng cuộc cạnh tranh này giống với trò bóng bầu dục hơn khi tinh trùng tạo thành “các đội” chuyên phòng thủ, chạy cánh, vân vân.* Cạnh tranh tinh trùng có nhiều hình thức.
Mặc dù Darwin có thể cảm thấy “bối rối” với nó, cạnh tranh tinh trùng duy trì mục đích trung tâm của cạnh tranh nam giới trong thuyết chọn lọc tính dục của ông, trong đó phần thưởng cho kẻ chiến thắng là thụ thai cho trứng. Cuộc chiến xảy ra ở cấp độ tế bào, giữa các tế bào tinh trùng với nhau. Bộ máy sinh sản của nữ đóng vai trò chiến trường. Vượn đực sống trong các nhóm cộng đồng có nhiều con đực (chẳng hạn như tinh tinh, tinh tinh lùn và con người) có tinh hoàn lớn hơn, đựng trong bìu dái nằm ở ngoài, trưởng thành muộn hơn con cái và phóng ra lượng tinh dịch lớn hơn với mức độ tập trung tế bào tinh trùng lớn hơn so với những loài linh trưởng mà trong đó mỗi chu kỳ con cái chỉ giao phối với một con đực (như khỉ đột, vượn và đười ươi).
Và, ai mà biết được? Có lẽ Darwin sẽ công nhận quá trình này nếu như ông không quá thấm nhuần các khái niệm thời Victoria về tính dục nữ. Sarah Hrdy cho rằng “chính suy đoán của Darwin cho rằng con cái kiềm chế bản thân để chờ con đực tốt nhất có thể đã khiến ông cảm thấy bối rối với những kẻ cừ khôi trong môn tình dục”. Hrdy không tin luận điểm “phụ nữ bẽn lẽn” của Darwin chút nào: “Mặc dù phù hợp với nhiều loài động vật, biệt danh ‘bẽn lẽn’ vốn vẫn sẽ tiếp tục trở thành tín điều không bị thách thức trong hàng trăm năm tới – ngày xưa không và bây giờ vẫn không, phù hợp với hành vi quan sát được của khỉ cái và con cái của các loài khỉ giữa kỳ kinh.”
Có thể bản thân Darwin có đôi chút bẽn lẽn trong những bài viết về hoạt động tính dục ở phụ nữ. Anh chàng tội nghiệp đã báng bổ Thượng đế, cũng như đại đa số mọi người – kể cả người vợ yêu dấu, ngoan đạo của ông – hiểu về khái niệm này. Ngay cả khi ông nghi ngờ những thứ như cạnh tranh tinh trùng đã đóng một vai trò nào đó trong sự tiến hóa của loài người đi chăng nữa, làm sao mà người ta nghĩ rằng ông cũng hạ bệ người phụ nữ thánh thiện thời Victoria cơ chứ? Làm sao học thuyết Darwin lại có thể xấu xa đến mức mô tả phụ nữ tự bán dâm để mua thịt, tiếp cận tài sản của đàn ông và mọi thứ khác nữa. Quan điểm cho rằng phụ nữ xa xưa là những mẹ sề vô liêm sỉ bị thôi thúc bởi lạc thú là quá đáng.
Mặc dù vậy, với nhận thức đặc trưng về việc mình không biết – không thể biết – đến đâu, Darwin thừa nhận rằng: “Vì ở giới tính này (nữ) những bộ phận này sáng màu hơn so với ở giới tính khác, và vì chúng trở nên rực rỡ hơn trong mùa yêu đương, tôi kết luận rằng những màu sắc đó sinh ra nhằm thu hút tình dục. Tôi nhận thức rõ rằng vì vậy, tôi đặt bản thân trước nguy cơ bị chế giễu.
Có lẽ Darwin hiểu rằng sự sưng phồng của bộ phận tính dục sáng màu của một số linh trưởng cái là để đốt cháy dục năng của con đực, là thứ không cần thiết theo thuyết chọn lọc tính dục của ông. Thậm chí còn có cả bằng chứng cho thấy Darwin có thể đã có lý do để cân nhắc về cạnh tranh tinh trùng ở loài người. Tương ứng với người bạn cũ Joseph Hooker, lúc này đang thu thập cây cỏ ở Bhutan, Hooker báo cho Darwin về những người nhiều chồng mà ông gặp, “theo luật lệ một phụ nữ có thể lấy tới 10 ông chồng”.
Nhưng lưỡng hình kích thước cơ thể không phải là dấu hiệu giải phẫu học duy nhất về sự bừa bãi ở giống loài chúng ta. Tỉ lệ giữa khối lượng tinh hoàn và khối lượng toàn cơ thể có thể sử dụng để đọc mức độ cạnh tranh tinh trùng ở bất cứ loài nào. Jared Diamond coi lý thuyết kích thước tinh hoàn là “một trong những thắng lợi của ngành nhân học thể chất hiện đại”.* Giống như hầu hết các ý tưởng vĩ đại, lý thuyết kích thước tinh hoàn rất đơn giản: loài nào chăm giao phối hơn sẽ cần tinh hoàn lớn hơn, và loài nào có vài con đực thường xuyên giao phối với một con cái đang rụng trứng thậm chí còn cần tinh hoàn lớn hơn.
Nếu loài nào mà to củ tốt rễ, con đực sẽ thường xuyên xuất tinh với những con cái ngủ cùng, ở đâu con cái chỉ dành cho ý trung nhân thì ở đó con đực có tinh hoàn nhỏ hơn, tương ứng với khối lượng toàn cơ thể. Mối tương quan giữa con cái dâm đãng và con đực to củ dường như không chỉ áp dụng với con người và các loài linh trưởng khác mà còn cả với các loài có vú, chim chóc, bướm, bò sát và cá nữa.
Ở cách tiếp cận được-ăn-cả của khỉ đột đối với việc giao phối, con đực cạnh tranh để xem ai sẽ được tất cả số chiến lợi phẩm. Ở tinh tinh lùn, vì ai nấy đều may mắn nên cuộc cạnh tranh diễn ra ở cấp độ tế bào tinh trùng chứ không phải ở cấp độ cá thể con đực. Tuy nhiên, mặc dù gần như toàn bộ tinh tinh lùn đều quan hệ tình dục, trước các thực tế sinh sản sinh học, mỗi con tinh tinh lùn non vẫn chỉ có một ông bố sinh học mà thôi.
Vậy là cuộc chơi vẫn không đổi – đưa gene của mình vào tương lai – nhưng luật chơi lại khác. Với các hệ thống đa thê kiểu hậu cung như của loài khỉ đột, các cá thể đực đánh nhau trước khi có bất cứ hoạt động tình dục nào diễn ra. Trong cạnh tranh tinh trùng, các tế bào đánh nhau trong kia để các con đực khỏi phải đánh nhau ngoài này. Thay vào đó, các con đực có thể thư giãn bên nhau, tạo thành các nhóm lớn hơn, tăng cường hợp tác và tránh chia rẽ động lực xã hội. Điều này góp phần giải thích tại sao không một con linh trưởng nào sống trong các nhóm cộng đồng nhiều con đực lại theo chế độ đơn thê. Đơn giản là điều này không có tác dụng.
Như thường lệ, chọn lọc tự nhiên nhắm vào các cơ quan và hệ thống liên quan để thích nghi. Qua nhiều thế hệ, khỉ đột đực phát triển cơ bắp đồ sộ để phục vụ cho cuộc đấu tranh sinh sản, trong khi bộ phận sinh dục không mấy quan trọng của chúng teo xuống tới mức tối thiểu cần thiết cho sự thụ tinh không phải tranh đua. Ngược lại, tinh tinh, tinh tinh lùn và con người không cần đến cơ bắp ngoại cỡ để đánh nhau nhưng lại phát triển tinh hoàn lớn hơn, mạnh mẽ hơn, và, trong trường hợp con người, một dương vật thú vị hơn nhiều.
Một con khỉ đột lưng bạc trưởng thành nặng chừng 180 kg nhưng dương vật chỉ dài xấp xỉ ba phân khi vươn hết cỡ. Tinh hoàn của nó bằng kích thước quả thận, mặc dù bạn sẽ khó mà tìm thấy vì chúng được giấu kín bên trong cơ thể. Mặt khác, một con tinh tinh lùn hoặc tinh tinh nặng 45 kg lại có dương vật dài gấp ba lần khỉ đột và có tinh hoàn lớn bằng quả trứng gà. Loại AAA, cực lớn. Chúng tôi gần như có thể nghe thấy vài độc giả suy nghĩ, “Nhưng tinh hoàn của tôi còn chả bằng quả trứng gà nữa là!”
Không, bằng sao được. Nhưng chúng tôi đoán chúng cũng không phải là những hạt đậu thận tí hon giấu trong bụng các bạn. Con người ở giữa khỉ đột và tinh tinh lùn về tỉ lệ khối lượng tinh hoàn/khối lượng cơ thể. Những người lập luận giống loài chúng ta đã sống đơn thê về mặt tình dục suốt hàng triệu năm bảo rằng tinh hoàn người nhỏ hơn nhiều so với tinh hoàn tinh tinh và tinh tinh lùn. Những người thách thức mô tả chuẩn mực (giống như chúng tôi chẳng hạn) thì nhận thấy rằng tỉ lệ tinh hoàn người vượt xa tinh hoàn của loài khỉ đột đa thê hoặc loài vượn đơn thê.
Như vậy, phải chăng bìu dái loài người chỉ đầy có một nửa?
So sánh nhiều nhóm giải phẫu các loài vượn người.
Thông tin đưa ra:
Lưỡng hình kích thước cơ thể (cân nặng)
Giao hợp mặt-đối-mặt hoặc từ phía sau
Khối lượng tinh hoàn/khối lượng cơ thể
Tinh hoàn nằm bên trong cơ thể hoặc ở bìu ngoài
So sánh chiều dài dương vật (cương cứng)
Xuất hiện bộ ngực xệ
Bộ phận sinh dục nữ sưng phồng trong thời kì rụng trứng