SỰ CHẮC CHẮN CỦA VIỆC LÀM BỐ: NỀN TẢNG VỠ VỤN CỦA MÔ TẢ CHUẨN MỰC
Theo nhà nhân học Robert Edgerton, người Marind-anim ở Melanesia tin rằng:
Tinh dịch rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của con người. Họ cũng lấy nhau từ khi còn khá trẻ, và để đảm bảo cho khả năng sinh sản của cô dâu, trong cô phải đầy tinh dịch. Do đó, trong đêm cưới cô, phải có tới 10 người trong dòng họ bên chồng giao cấu với cô dâu và nếu có nhiều hơn số đàn ông này, họ sẽ giao cấu với cô trong đêm sau… Nghi lễ tương tự được lặp lại ở nhiều thời điểm trong đời cô.
Chào mừng đến với gia đình. Em đã gặp các chú các bác của anh chưa?
Để bạn không nghĩ rằng đây là một lễ cưới đặc biệt bất thường, có vẻ như tổ tiên người La Mã cũng làm giống như vậy. Hôn nhân được kỷ niệm bằng một lễ cưới trác táng, trong đó bạn bè của người chồng giao cấu với cô dâu, với nhiều nhân chứng đứng xung quanh. Otto Kiefer, trong cuốn Sexual Life in Ancient Rome (tạm dịch: Đời sống tình dục thời La Mã cổ đại) xuất bản năm 1934, giải thích điều này từ cách nhìn của người La Mã: “Các quy luật vật lý và tự nhiên thật xa lạ, thậm chí trái với mối quan hệ hôn nhân. Theo đó, người phụ nữ bước vào hôn nhân phải chuộc lỗi với Mẹ Tự nhiên vì đã thiếu tôn kính với Người, rồi trải qua một thời kỳ làm điếm miễn phí, trong đó cô mua lấy sự trinh bạch của hôn nhân bằng tính dâm dật sơ khai.”
Trong nhiều cộng đồng, những trò tai quái dâm đãng như vậy tiếp tục diễn ra sau cả đêm cưới. Người Kulina ở Amazon có nghi lễ gọi là dutse’ ebanitowi: Lệnh lấy thịt. Donald Pollock giải thích rằng phụ nữ trong làng: “Đi thành nhóm từ nhà này sang nhà khác từ sáng sớm, hát cho nam giới trưởng thành trong mỗi nhà nghe và ‘ra lệnh’ cho họ đi săn. Tại mỗi nhà, ít nhất một phụ nữ trong nhóm bước tới dùng gậy đập vào nhà; đêm đó họ sẽ trở thành bạn tình cho đàn ông trong nhà, nếu đám đàn ông đi săn thành công. Phụ nữ trong nhóm không được phép chọn chồng của mình.”
Điều xảy ra sau đó mới quan trọng. Giả vờ do dự, đám đàn ông lê mình ra khỏi võng và đi vào rừng, nhưng trước khi tách ra để săn riêng lẻ, họ thống nhất thời gian và địa điểm sẽ gặp nhau sau đó bên ngoài làng, nơi họ sẽ phân phối lại những gì săn được, để đảm bảo rằng người nào cũng có thịt để mang về làng, nghĩa là ai cũng có tình dục ngoài hôn nhân. Lại một cái đinh nữa trong chiếc hòm mô tả chuẩn mực.
Mô tả của Pollock về những người thợ săn chiến thắng trở về còn đáng nói hơn:
Đến cuối ngày, đám đàn ông tụ tập thành nhóm trở về làng, nơi những phụ nữ trưởng thành ngồi theo hình bán nguyệt, hát những bài khêu gợi dâm dục cho họ nghe và đòi phần ‘thịt’ của mình. Đám đàn ông ném những gì săn được thành một đống lớn giữa hình bán nguyệt bằng những động tác ấn tượng với nụ cười tự mãn… Sau khi nấu nướng và ăn xong, mỗi phụ nữ rút lui cùng người đàn ông mà cô chọn làm đối tác hẹn hò hoan lạc. Người Kulina tham gia nghi lễ này với thái độ rất vui vẻ và khá thường xuyên.
Chắc chắn là vậy. Pollock đã tốt bụng xác nhận cho linh cảm của chúng ta rằng từ thịt (bani) trong tiếng Kulina vừa dùng để chỉ thức ăn vừa chỉ thứ mà bạn đang nghĩ tới, thưa độc giả thân mến. Có lẽ điểm chung của loài người không phải là hôn nhân, mà là khả năng nói nước đôi về chuyện tình dục.
Bây giờ và từ trước đến nay, chưa từng có một xã hội nào niềm tin vào vai trò làm bố lại thấp đến mức mà về cơ bản là trên phương diện di truyền, đàn ông có quan hệ gần gũi với chị em gái của mình hơn là với con của vợ mình. Vui vẻ lang chạ, không sở hữu, hóa ra lũ tinh tinh của Rousseau không hề tồn tại; những bằng chứng sẵn có cũng không thuyết phục được tôi là con người như vậy có tồn tại.
• DONALD SYMONS, Sự tiến hóa của tính dục loài người, 1979
Tuyên bố bạo dạn của Symons thể hiện niềm tin vào thuyết đầu tư làm cha mẹ và tầm quan trọng của sự chắc chắn vai trò làm bố trong quá trình tiến hóa của loài người. Nhưng Symons mắc lỗi sai chết người ở cả hai điểm. Khi ông viết những lời lẽ không vui này, thì các nhà linh trưởng học trong rừng rậm dọc sông Congo biết rằng tinh tinh lùn chính là loài khỉ vui vẻ lang chạ và không sở hữu mà Symons đang phủ nhận sự tồn tại của chúng. Và người Mosuo (còn được gọi là người Na hay Nari), một cộng đồng cổ xưa ở tây nam Trung Quốc, là cộng đồng mà sự chắc chắn của vai trò làm bố thấp và tầm thường đến mức đàn ông nuôi con của chị em gái như con của chính mình.
Đàn bà và đàn ông không nên cưới nhau, vì tình yêu cũng giống như các mùa vậy – cứ đến rồi lại đi.
• YANG ERCHE NAMU, (phụ nữ Mosuo)
Vùng núi quanh hồ Lugu, gần ranh giới giữa hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên của Trung Quốc, là nơi sinh sống hàng thế kỷ nay của khoảng 56.000 người với một hệ thống gia đình đã khiến các du khách và các học giả vừa bối rối, vừa vô cùng thích thú. Người Mosuo tôn hồ Lugu là Đức Mẹ, trong khi núi Ganmo sừng sững bên trên được tôn làm Nữ thần Tình yêu. Ngôn ngữ của họ không có chữ viết, mà chỉ có Dongba, thứ ngôn ngữ tượng hình duy nhất vẫn còn sử dụng trên thế giới ngày nay. Họ không có từ ngữ nào chỉ sự giết người, chiến tranh, hay cưỡng hiếp. Sự thanh bình dễ chịu và đáng tôn trọng của người Mosuo đi kèm với tự do tình dục và tự trị gần như tuyệt đối cho cả nam và nữ.*
Năm 1265, Marco Polo* đi qua vùng Mosuo, sau đó khi nhớ lại hoạt động tính dục không e ngại của họ, ông viết: “Họ không cảm thấy khó chịu khi người nước ngoài, hay bất cứ người đàn ông nào khác, quan hệ với vợ, con gái, chị em gái, hay bất cứ người phụ nữ nào khác trong nhà mình. Trên thực tế, họ xem đây là một lợi ích lớn, bảo rằng thần thánh sẽ sẵn sàng gia ơn và ban cho họ vô số của cải vật chất. Vì thế họ hào phóng chia sẻ phụ nữ với người ngoài.” “Nhiều lần”, Polo viết, chỉ cần nháy mắt và ra hiệu, “một người nước ngoài đã đắm mình trên giường suốt ba bốn ngày với vợ của một tay khờ tội nghiệp.”
Là đàn ông Ý, Polo hoàn toàn hiểu sai bản chất cấu trúc gia đình của người Mosuo. Ông nhầm tưởng sự sẵn sàng về mặt tình dục của phụ nữ là một món hàng do đàn ông điều khiển, trong khi trên thực tế, đặc điểm đáng ngạc nhiên nhất của hệ thống Mosuo chính là sự tự chủ tình dục được tất cả các thành viên trưởng thành, cả phụ nữ lẫn đàn ông bảo vệ mãnh liệt.
Người Mosuo gọi cách sắp đặt của mình là sese, nghĩa là “đi”. Như dự tính, hầu hết các nhà nhân học đều nhầm khi gọi hệ thống Mosuo là “cưới đi”, và đưa người Mosuo vào danh sách rất hoàn chỉnh những nền văn hóa có tập quán “hôn nhân”. Bản thân người Mosuo không nhất trí với cách miêu tả này về hệ thống của mình. “Dù có tưởng tượng đến mức nào đi nữa thì sese cũng không phải là hôn nhân”, Yang Erche Namu, một phụ nữ Mosuo đã xuất bản hồi ký về thời thơ ấu bên bờ Hồ Mẹ* của mình. “Sese chỉ là cách thức viếng thăm và chẳng liên quan gì đến việc thề thốt, trao đổi tài sản, chăm sóc trẻ em, hay kỳ vọng chung thủy.” Ngôn ngữ Mosuo không có từ nào để chỉ vợ hay chồng, chỉ có từ azhu, nghĩa là bạn bè*.
Người Mosuo theo mẫu hệ và làm nông nghiệp, tài sản và tên gọi gia đình được truyền từ mẹ sang con gái, vì vậy gia đình tập trung quanh phụ nữ. Khi con gái trưởng thành ở khoảng 13, 14 tuổi, cô được sở hữu một phòng ngủ riêng mở cả vào sân trong của nhà mình lẫn ra ngoài đường bằng một cánh cửa riêng. Con gái Mosuo được toàn quyền tự quyết đối với người nào bước qua cánh cửa riêng này vào babahuago (phòng hoa) của cô. Luật lệ nghiêm khắc duy nhất là khách của cô phải ra đi trước lúc mặt trời mọc. Đêm tiếp theo – hoặc muộn hơn trong đêm đó – cô có thể có một tình nhân khác nếu muốn. Người ta không kỳ vọng vào bất cứ cam kết nào, và bất cứ đứa trẻ nào cô có đều sẽ được nuôi trong ngôi nhà của mẹ cô, với sự giúp đỡ của các anh em trai và của cả cộng đồng.
Nhớ lại thời thơ ấu của mình, Yang Erche Namu gần như lặp lại mô tả của Malidoma Patrice Some về thời thơ ấu của ông ở châu Phi, bà giải thích: “Lũ trẻ con chúng tôi có thể lang thang tùy thích và ghé thăm hết nhà này sang nhà khác, làng này sang làng khác, mà mẹ không cần phải lo lắng cho an toàn của chúng tôi. Tất cả người lớn đều có trách nhiệm với mọi đứa trẻ, và ngược lại mọi đứa trẻ đều kính trọng tất cả người lớn.”
Trong cộng đồng người Mosuo, một người đàn ông phải có trách nhiệm làm cha với những đứa con của chị em gái của mình – trong khi những đứa trẻ này lại không phải là kết quả của những chuyến đi đêm của anh ta đến các phòng hoa. Ở đây, chúng ta bắt gặp một cộng đồng mà sự đầu tư làm cha mẹ tách rời vai trò cha mẹ sinh học. Trong tiếng Mosuo, từ Awu mang nghĩa là bố và chú. “Thay vì chỉ có một ông bố, trẻ em Mosuo được nhiều người chú chăm sóc. Theo đó”, Yang Erche Namu viết, “Chúng tôi cũng có nhiều mẹ và gọi các dì của mình bằng cái tên azhe Ami, nghĩa là ‘mẹ nhỏ’.”
Một điểm có thể khiến nhiều nhà lý luận chính thống phải quay cuồng là quan hệ tình dục bị nghiêm khắc tách khỏi quan hệ gia đình của người Mosuo. Ban đêm, đàn ông Mosuo phải ngủ với người tình. Nếu không, họ sẽ phải ngủ ở nhà ngoài chứ không bao giờ được ở nhà chính với các chị em gái. Phong tục đã cấm nói bất cứ chuyện gì về tình yêu hay quan hệ lãng mạn trong gia đình. Mỗi người đều phải cực kỳ tuân thủ. Cả đàn ông và phụ nữ đều được thoải mái làm những gì mình muốn trong quan hệ riêng tư, nhưng họ phải tôn trọng sự riêng tư của nhau.
Cơ chế của quan hệ açia, theo cách gọi của người Mosuo, là tôn trọng gần như thiêng liêng quyền tự chủ của mỗi cá nhân – dù là đàn ông hay phụ nữ. CaiHua, một nhà nhân học Trung Quốc, tác giả của cuốn A Society without Fathers or Husbands (tạm dịch: Một xã hội không có bố hay chồng), giải thích: “Không chỉ đàn ông và phụ nữ được tự do nuôi dưỡng bao nhiêu quan hệ açia tùy thích và chấm dứt lúc nào cũng được, mỗi người đều có thể đồng thời có vài açia, dù là chỉ trong một đêm hay cả một giai đoạn dài.” Các mối quan hệ này không được bảo đảm lâu dài, chỉ đến chừng nào hai người còn gặp nhau. “Khi khách rời nhà của người phụ nữ, quan hệ açia của họ được xem như chấm dứt”, CaiHua cho biết. “Không có khái niệm açia mang nghĩa tương lai. Quan hệ açia… chỉ tồn tại tức thời và thuộc về quá khứ”, mặc dù một cặp có thể gặp đi gặp lại bao nhiêu lần cũng được.
Phụ nữ và đàn ông Mosuo đặc biệt dâm đãng và không hề ngượng ngùng khi bảo mình có hàng trăm mối quan hệ. Theo cách nhìn của họ, hứa hẹn hoặc đòi hỏi chung thủy mới đáng xấu hổ. Lời thề chung thủy được xem là không thích hợp – đó chỉ là một nỗ lực đàm phán hoặc trao đổi. “Quan hệ açia”, CaiHua viết: “là mối quan hệ thuần túy mang tính cá nhân”. Đối với người Mosuo, công khai thể hiện ghen tuông bị xem là hung hăng, hoặc là tiềm tàng sự xâm phạm quyền tự chủ thiêng liêng của người khác, do đó sẽ bị chế giễu hoặc khinh thường.
Đáng buồn thay, thái độ thù địch với việc thoải mái thể hiện quyền tự chủ tình dục ở nữ giới không chỉ giới hạn trong phạm vi các nhà nhân học đầu óc hẹp hòi và các nhà thám hiểm người Ý thế kỷ XIII, mặc dù trong lịch sử người Mosuo không hề tìm cách xuất khẩu hệ thống của mình hay thuyết phục bất cứ người nào khác về tính ưu việt trong cách tiếp cận của họ đối với tình yêu và tình dục. Từ lâu, người Mosuo đã phải gánh chịu áp lực từ ngoài ép họ từ bỏ tín điều truyền thống của mình, vốn bị người ngoài xem là có tính đe dọa. Khi người Trung Quốc xác lập toàn quyền kiểm soát khu vực này vào năm 1956, quan chức chính phủ bắt đầu ghé thăm hằng năm để tuyên truyền với người dân về những hiểm họa của tự do tình dục và yêu cầu họ chuyển sang kết hôn “bình thường”.
Trong một chương trình tuyên truyền mơ hồ gợi nhớ đến bộ phim Reefer Madness (tạm dịch: Điên vì cần sa), các đại diện của Chính phủ Trung Quốc dùng chiếc máy phát xách tay và chiếu suốt một năm bộ phim có cảnh “diễn viên mặc đồ Mosuo mắc giang mai giai đoạn cuối, phát điên và mất gần hết gương mặt”. Phản ứng của khán giả không giống như mong đợi của các quan chức Trung Quốc: rạp chiếu phim tạm thời đã bị đốt trụi. Nhưng các quan chức không bỏ cuộc. Yang Erche Namu nhớ lại: “Họp hành hết đêm này sang đêm khác, họ kêu gọi, phê bình và thẩm vấn… [Quan chức Trung Quốc] phục kích đàn ông trên đường đến nhà tình nhân, lôi các cặp đôi ra khỏi giường và bắt họ trần truồng trước mắt người thân.”
Khi những chiến thuật áp đặt này cũng không hiệu quả, chính quyền nhất quyết mang (hoặc biểu thị) phép tắc đến cho người Mosuo. Họ cắt đứt các nguồn cung thiết yếu về hạt giống và quần áo trẻ em. Cuối cùng, buộc phải khuất phục, nhiều người Mosuo đồng ý tham gia lễ cưới do chính quyền tài trợ, mỗi người được cấp cho “một tách trà, một điếu thuốc, mấy cái kẹo và một tờ giấy chứng nhận”.
Nhưng những thủ đoạn cưỡng chế này không được lâu dài. Tác giả du hành Cynthia Barnes ghé thăm hồ Lugu năm 2006 và nhận thấy hệ thống của người Mosuo vẫn nguyên vẹn, dù chịu áp lực từ khách du lịch Trung Quốc, giống như Marco Polo 750 năm trước, vốn hiểu nhầm sự tự chủ tình dục của phụ nữ Mosuo là mại dâm. Mặc dù thái độ không hề rụt rè đã thu hút sự chú ý của cả thế giới đến với người Mosuo, Barnes viết, “tình dục không phải là tâm điểm vũ trụ của họ.” Cô viết tiếp:
Tôi nghĩ đến cuộc ly dị cay đắng của bố mẹ mình, đến những người bạn thời thơ ấu phải ly tán và bị hủy hoại vì Mẹ hay Bố quyết định ngủ với một người khác. Tôi nghĩ, hồ Lugu không hẳn là vương quốc của phụ nữ mà là vương quốc của gia đình – mặc dù họ không có các chính trị gia và nhà truyền giáo tán dương về giá trị gia đình”. Không có những thứ như “gia đình tan vỡ”, không có các nhà xã hội học siết tay với “bà mẹ đơn thân ”, không có kiệt quệ kinh tế hay xấu hổ nhục nhã khi bố mẹ chia tay. Ngổ ngáo và tự tin, [một cô gái từ Mosuo sẽ] lớn lên trong sự yêu thương của một vòng họ hàng cả nam lẫn nữ… Khi cô tham gia nhảy múa và mời một chàng trai về phòng hoa của mình, dù đó là vì tình yêu, hay dâm dục, hay bất cứ điều gì mà mọi người gọi khi họ đang trong cơn hưng phấn, tiết ra hormone và thở gấp. Cô sẽ không cần chàng trai đó – hay bất cứ người nào khác – phải có nhà, phải xây dựng “gia đình”. Cô đã biết trước là cô sẽ luôn có cả hai thứ đó.
Cách yêu và quan hệ tình dục của người Mosuo rất có thể sẽ bị hủy hoại trong những thập kỷ tới, nhưng từ đây cho đến lúc đó, sự kiên trì của họ trước áp lực thích nghi cực lớn vẫn là một ví dụ thách thức ngạo nghễ, không thể phủ nhận đối với mô tả chuẩn mực về hoạt động tính dục của loài người.
Bất chấp những cộng đồng như người Mosuo, trong đó phụ nữ được tự chủ và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định kinh tế xã hội, cùng nhiều bằng chứng khác từ hàng chục cộng đồng hái lượm trong đó phụ nữ có địa vị cao và được tôn trọng, nhiều nhà khoa học vẫn bảo thủ quả quyết rằng mọi cộng đồng đều đang và sẽ luôn tuân theo chế độ gia trưởng. Trong cuốn Why Men Rule (tạm dịch: Tại sao nam giới lại nắm quyền) (ban đầu có tên The Inevitability of Patriarchy – (Sự tất yếu của chế độ gia trưởng), nhà xã hội học Steven Goldberg đưa ra một ví dụ về quan điểm cực đoan này. Ông viết: “Phụ hệ là chế độ phổ quát… Thực tế, trong tất cả các thể chế xã hội, không thể chế nào mà một sự phổ quát lại được đồng thuận một cách hoàn toàn đến thế… Chưa có, hay chưa từng có, bất cứ xã hội nào thất bại dù rất mơ hồ trong việc gắn kết chính quyền và lãnh đạo trong các khu vực siêu gia đình với nam giới. Không có trường hợp ngoại lệ nào.” Ngôn từ mạnh mẽ. Nhưng trong 247 trang sách, Goldberg thậm chí không hề nhắc đến người Mosuo dù chỉ một lần. Ông có đề cập đến người Minangkabau ở Tây Sumatra, Indonesia, nhưng chỉ trong một phụ lục và bằng cách trích dẫn hai đoạn từ nghiên cứu của người khác. Đoạn đầu, xuất bản từ năm 1934, nói rằng đàn ông thường được ăn trước phụ nữ. Dựa vào đó, Goldberg kết luận rằng trong xã hội Minangkabau, đàn ông có quyền lực vượt trội. Về logic, điều này cũng hệt như kết luận rằng xã hội phương Tây chắc hẳn phải là mẫu hệ bởi vì đàn ông thường mở cửa cho phụ nữ và nhường họ đi qua trước. Đoạn thứ hai được Goldberg trích dẫn là từ một tờ báo do nhà nhân học Peggy Reeves Sanday, đồng tác giả, cho rằng đàn ông Minangkabau có một mức độ quyền lực nào đó khi áp dụng các mặt khác nhau của luật lệ truyền thống.
Có hai vấn đề lớn trong việc Goldberg trích dẫn tác phẩm của Sanday. Trước hết, không có mâu thuẫn nội tại nào giữa việc tuyên bố rằng một xã hội không phải là phụ hệ với việc nam giới được hưởng nhiều quyền lợi. Cũng như: bức tranh Đêm đầy sao nổi tiếng của Van Gogh không phải là một “bức tranh màu vàng”, mặc dù có mấy vệt màu vàng trên đó. Vấn đề thứ hai là Peggy Reeves Sanday, nhà nhân học mà Goldberd trích dẫn, đã kiên quyết phản đối những gì ông nêu ra. Trên thực tế, cuốn sách gần đây nhất của ông về người Minangkabau là Women at the Center: Life in a Modern Matriarchy (tạm dịch: Phụ nữ ở vị trí trung tâm: Cuộc sống trong một xã hội mẫu hệ hiện đại).*
Từng dành hơn 20 mùa hè sống cùng người Minangkabau, Sanday cho biết: “Quyền lực của phụ nữ Minangkabau tồn tại ở khắp các lĩnh vực kinh tế và xã hội”, chẳng hạn phụ nữ kiểm soát việc thừa kế đất đai và thường là anh chồng chuyển vào nhà vợ để ở. Bốn triệu người Minangkabau sống ở Tây Sumatra cũng tự xem mình là theo mẫu hệ. “Trong khi ở phương Tây chúng ta tôn vinh sự vượt trội của nam giới và cạnh tranh”, Sanday nói, “người Minangkabau lại tôn vinh Mẹ Nữ hoàng trong thần thoại và sự hợp tác.” Bà kể lại: “Quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ giống những đối tác hướng tới lợi ích chung hơn là giống những đối thủ chịu sự chi phối của lợi ích cá nhân vị kỷ”, và rằng cũng như các nhóm cộng đồng tinh tinh lùn, uy tín của phụ nữ tăng lên theo tuổi tác và “tập trung vào những người xúc tiến được nhiều mối quan hệ tốt đẹp…”*
Giới chuyên gia thường lỡ lời khi cố gắng tìm hiểu và thảo luận về các nền văn hóa khác. Khi các nhà nhân học tuyên bố không bao giờ tìm thấy một “chế độ mẫu hệ thực thụ”, chính là họ đang mường tượng một hình ảnh phản chiếu của chế độ phụ hệ, bằng cách đó che giấu nhiều cách thức khác nhau mà đàn ông và phụ nữ định nghĩa và sử dụng quyền lực. Chẳng hạn, Sanday nói rằng trong cộng đồng người Minangkabau, “không thể có việc đàn ông hay phụ nữ nắm quyền, bởi vì họ tin rằng quyết định phải được đưa ra trên cơ sở đồng thuận”. Khi cứ liên tục hỏi xem giới nào nắm quyền, cuối cùng bà cũng nhận được câu trả lời là bà đã đặt sai câu hỏi. “Chẳng có giới nào nắm quyền cả bởi vì đàn ông và phụ nữ bổ khuyết cho nhau.”*
Hãy ghi nhớ điều này khi có ai đó lớn tiếng tuyên bố tại quầy bar rằng “Phụ hệ đang là chế độ phổ quát, và từ trước đến giờ mãi luôn như vậy!” Không phải vậy và chưa bao giờ là như vậy. Nhưng thay vì cảm thấy bị đe dọa, chúng tôi đề nghị các đọc giả nam suy nghĩ về điều này: Cộng đồng nào mà phụ nữ có nhiều quyền tự chủ và quyền lực đều có xu hướng thân thiện với nam giới, thoải mái, vị tha và rất quyến rũ. Rõ chưa, các bạn? Nếu bạn không cảm thấy hài lòng với lượng cơ hội tình dục trong đời mình, cũng đừng trách phụ nữ. Hãy để họ đảm đương và xem điều gì sẽ xảy ra.
Giống như ở loài tinh tinh lùn, khi liên minh con cái là quyền lực xã hội tối thượng và bản thân mỗi con cái không cần phải sợ những anh chàng to lớn hơn mình, xã hội loài người mà trong đó phụ nữ “ngổ ngáo và tự tin” – như Barnes mô tả các cô gái Mosuo – và được tự do thể hiện suy nghĩ và tính dục của mình mà không sợ bị chế giễu hay bức hại, đều có xu hướng trở thành những nơi dễ chịu hơn đối với đa số nam giới so với những xã hội do nam giới nắm quyền. Có thể đối với các nhà nhân học nam giới phương Tây, xã hội mẫu hệ quá khó chấp nhận bởi vì họ kỳ vọng một nền văn hóa mẫu hệ phải là nơi mà đàn ông chịu đau khổ dưới gót giày cao của phụ nữ – hình ảnh phản chiếu của quá trình nam giới áp bức phụ nữ lâu dài ở các nền văn hóa phương Tây. Thay vào đó, quan sát một xã hội nơi hầu hết nam giới đều ườn ra thoải mái và hạnh phúc, họ lại kết luận rằng đã tìm thấy một chế độ phụ hệ nữa, nghĩa là điểm này bị hiểu sai hoàn toàn.
Khái niệm một vợ một chồng không được nhiều người thử và mong muốn bằng số người thấy nó khó khăn và không thèm thử.
• G. K. CHESTERTON
Đỉnh cao kinh ngạc của phòng vé năm 2005 là bộ phim Hành trình của chim cánh cụt. Là bộ phim tài liệu mang lại nhiều doanh thu thứ hai từ trước đến nay, nó khiến người xem xúc động khi được thấy sự tận tụy tuyệt đối của các cặp chim cánh cụt khi nuôi dưỡng lũ cánh cụt con đáng yêu của mình. Nhiều khán giả như thấy cuộc hôn nhân của chính mình được phản chiếu trong sự hi sinh của lũ chim cánh cụt cho con cái và đồng loại. Theo lời một khán giả: “Không thể nào quan sát hàng nghìn con chim cánh cụt túm tụm vào nhau trong những cơn gió lạnh buốt của Nam Cực mà không cảm thấy giật mình về mối quan hệ nhân dạng”. Nhà thờ trên khắp nước Mỹ đã chiếu riêng bộ phim này cho giáo đoàn của mình. Rich Lowry, biên tập viên tờ The National Review, phát biểu tại một hội nghị của các đảng viên Cộng hòa trẻ tuổi: “Chim cánh cụt thật sự là tấm gương lý tưởng về chế độ một vợ một chồng. Sự tận tụy của chúng thật đáng ngạc nhiên.” Adam Leipzig, Chủ tịch hãng National Geographic Feature Films, từng tuyên bố chim cánh cụt là “cha mẹ mẫu mực”, ông tiếp tục: “Những gì chúng phải trải qua để chăm sóc con chúng thật phi thường, và bố mẹ nào chứng kiến điều đó sẽ không bao giờ phàn nàn về chuyện đưa con đi học nữa. Có những điểm tương đồng với bản chất của con người và thật cảm động khi chứng kiến những điều đó.”*
Nhưng không giống như bản thân loài chim, hoạt động tính dục của chim cánh cụt lại không đơn giản. Cặp đôi chim cánh cụt hoàn hảo, “tấm gương lý tưởng về một vợ một chồng”, “cha mẹ mẫu mực” chỉ chung thủy với nhau chừng nào đứa con bé bỏng của chúng ra khỏi trứng, rời mặt băng và có thể lao vào làn nước Nam Cực lạnh giá – chỉ chưa đầy một năm. Nếu đã xem bộ phim đó, bạn sẽ biết rằng với tất cả những bước di chuyển khó khăn tới lui trên mặt băng lộng gió và chúi vào nhau trước những cơn bão tuyết cuồng nộ của Nam Cực, thì có khá ít cám dỗ ngoài hôn nhân. Một khi con non đã bơi được cùng với các con 11 tháng tuổi khác – lứa tuổi tương đương với nhà trẻ – chung thủy sẽ nhanh chóng bị quên lãng, li hôn xảy ra nhanh chóng và không hề đau khổ, chim bố và chim mẹ lại quay về với đám chim cánh cụt lang thang. Khi một cá thể trưởng thành trong tuổi sinh sản sống chừng 30 tuổi trở lên, cuộc đời các bậc “cha mẹ mẫu mực” này phải từng có ít nhất vài chục “gia đình”. Còn ai nói: “Tấm gương lý tưởng một vợ một chồng” nữa không?
Dù bạn thấy bộ phim này ngọt ngào đến phát ngấy hay thú vị, hãy xem thêm một bộ phim táo bạo đến trần trụi để so sánh Hành trình của chim cánh cụt với Gặp gỡ nơi cùng trời cuối đất của Werner Herzog. Bộ phim tài liệu của Herzog về Nam Cực là một kiệt tác về nhiếp ảnh với nhiều cuộc phỏng vấn với các nhân vật nổi bật, trong đó có Tiến sĩ David Ainley, một nhà sinh thái biển rất hài hước đã nghiên cứu chim cánh cụt ở Nam Cực suốt hai thập kỷ nay. Trước cách hỏi hài hước của Herzog, Ainley cho biết đã chứng kiến các trường hợp chim cánh cụt sống tay ba, trong đó hai con trống thay nhau chăm sóc trứng cũng như “phục vụ tình dục” của một con mái, trong khi lũ chim mái nhận được những viên sỏi xây tổ tốt nhất.
Chuột đồng thảo nguyên được cho là một ví dụ mẫu mực về chế độ một vợ một chồng. Theo một bài báo, “Chuột đồng thảo nguyên – loài gặm nhấm đứng trên hai chân thuộc về bình nguyên và thảo nguyên – được xem là loài chung thủy gần như tuyệt đối. Chúng tạo thành cặp đôi sống chung tổ. Cả con đực lẫn con cái đều tích cực bảo vệ lẫn nhau, bảo vệ lãnh thổ và bảo vệ con non. Con đực tích cực làm bố và nếu một trong hai con chết đi thì con còn sống sẽ không tiếp nhận bạn tình mới nào.”* Nghĩ tới cảm giác lo sợ mà Darwin gặp phải cách đây 150 năm khi ông dám so sánh con người với loài khỉ, thật kinh ngạc khi thấy sự dễ chịu của các nhà khoa học đương đại khi so sánh hành vi tình dục của người với chuột đồng thảo nguyên. Chúng ta đã từng so sánh mình với thiên thần, giờ đây lại thấy mình được phản chiếu trong loài chuột đồng thảo nguyên hèn mọn. Nhưng C. Sue Carter và Lowell L. Getz, hai người từng nghiên cứu cơ chế sinh học của chế độ một vợ một chồng ở chuột đồng thảo nguyên và nhiều loài khác trong 35 năm, lại rất rõ rằng: “Độc quyền tình dục không phải là đặc trưng của chế độ một vợ một chồng.”* Thomas Insel, Giám đốc Viện Thần kinh Quốc gia (nguyên giám đốc Trung tâm Linh trưởng Yerkes) đồng thời là chuyên gia về chuột đồng thảo nguyên, nói rằng những người hiểu biết đều có quan điểm không mấy đề cao về sự chung thủy của loài chuột đồng thảo nguyên: “Chúng ngủ với bất cứ con nào nhưng lại chỉ ngồi bên cạnh bạn tình của mình mà thôi.”*
Hẳn phải là dân Pháp.
Thế thì có một câu (lúc nào cũng dành cho phụ nữ, vì một lý do nào đó) như sau: “Nếu tìm kiếm sự chung thủy, hãy cưới một con thiên nga.”*
Vậy còn thiên nga thì sao? Đã từ lâu người ta tin rằng nhiều loài chim sống chung thủy bởi quá trình ấp trứng và nuôi con 24/7 cần đến cả hai bố mẹ. Giống như với con người, các nhà lý luận mang tư duy đầu tư cho rằng đàn ông chỉ hỗ trợ khi biết chắc chắn đấy là con đẻ của mình. Nhưng gần đây, việc thử ADN với mức giá vừa phải đã làm xuất lộ những lỗ hổng khó chịu trong câu chuyện này. Patricia Adair Gowaty, một nhà sinh thái học hành vi, cho biết, mặc dù một cặp sơn ca cùng nhau xây tổ và nuôi con nhưng bình quân có 15-20% chim non không phải là con của con đực trong mối quan hệ này. Sơn ca không phải là loài chim biết hót dâm đãng bất thường: nghiên cứu ADN ở chim non của khoảng 180 loài chim biết hót trước đây vẫn được cho là chung thủy cho thấy khoảng 90% trong số đó không hề ngoan đạo. Thiên nga, than ôi, không thuộc về thiểu số đoan chính. Vậy nên nếu bạn tìm kiếm sự chung thủy thì hãy quên thiên nga đi nhé!
* * *
Đấy là một đặc trưng lạ lùng cho một giống loài quá ư ưa thích hoạt động tình dục ngoài vợ chồng. Chất keo gắn kết mô tả chuẩn mực chính là giả định cho rằng từ cưới và từ giao cấu có chung nghĩa khi dùng, giống như từ ăn hay từ sinh con. Nhưng bất kể chúng ta sử dụng thuật ngữ gì cho mối quan hệ đặc biệt vốn được cộng đồng chấp thuận vẫn thường tồn tại giữa đàn ông và phụ nữ trên thế giới thì nó vẫn sẽ không bao giờ truyền cho vũ trụ những biến thể mà giống loài chúng ta tìm ra.
Phải chăng một vợ một chồng là lẽ tự nhiên? Đúng vậy… Con người gần như không bao giờ phải bị dụ dỗ mới thành đôi thành cặp. Trên thực tế, chúng ta thực hiện điều này một cách tự nhiên. Chúng ta tán tỉnh. Chúng ta say mê. Chúng ta phải lòng nhau. Chúng ta cưới. Và đại đa số chúng ta mỗi lần chỉ cưới một người. Quan hệ kết đôi là đặc trưng của con người.
• HELEN FISHER
“Hôn nhân”, “giao phối”, và “tình yêu” là những hiện tượng được xã hội xây dựng và mang rất ít hoặc không mang ý nghĩa chuyển đổi nào bên ngoài một nền văn hóa nhất định. Những ví dụ mà chúng tôi ghi lại về vô số trường hợp tình dục tập thể mang tính chất nghi lễ, trao đổi bạn tình, ngoại tình thoải mái không bị kiểm soát và tình dục liên tục được cộng đồng chấp nhận đều xuất hiện ở những nền văn hóa mà các nhà nhân học khẳng định là một vợ một chồng chỉ vì họ xác định rằng ở đó diễn ra thứ gọi là hôn nhân. Chẳng trách mà có biết bao người quả quyết rằng hôn nhân, một vợ một chồng và gia đình hạt nhân là phổ quát ở loài người. Với cách hiểu mang tính gán ghép như vậy về các khái niệm kể trên, ngay cả chuột đồng thảo nguyên, những sinh vật “ngủ với bất kỳ ai”, cũng được xem là chung thủy.