Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tình Dục Thuở Hồng Hoang

Chương 12

Tác giả: Christopher Ryan

MEME ÍCH KỶ (DÂM ĐÃNG)

Richard Dawkins, tác giả cuốn The Selfish Gene*, đặt ra thuật ngữ meme nhằm chỉ một đơn vị thông tin có thể lan truyền trong cộng đồng bằng cách học hỏi hoặc bắt chước cách một gene được ưu ái sao chép lại trong quá trình sinh sản. Cũng như các meme về chủ nghĩa bình quân và chia sẻ cả nguồn lực và rủi ro được ưu ái trong môi trường tiền sử, meme ích kỷ đã nở rộ trong phần lớn thế giới hậu nông nghiệp. Ngay cả như vậy, cũng chỉ có một chuyên gia kinh tế học như Adam Smith, không hơn không kém, khẳng định rằng: thông cảm và tình thương đến với loài người cũng tự nhiên như tư lợi cá nhân.*

Giả định sai lầm cho rằng tư duy kinh tế dựa trên sự khan hiếm là một cách tiếp cận thực tế của con người đối với các vấn đề như cung, cầu và phân phối của cải bằng cách này hay cách khác đã làm chệch hướng tư duy của các nhà nhân học, tâm lý học và kinh tế học trong mấy thế kỷ vừa qua. Như nhà kinh tế học John Gowdy giải thích: “‘Hành vi kinh tế hợp lý là thứ dành riêng cho Chủ nghĩa Tư bản thị trường và là một bộ tín niệm được ghi nhớ, không phải là một quy luật khách quan phổ biến của tự nhiên. Huyền thoại “con người kinh tế” giải thích cho nguyên tắc tổ chức của Chủ nghĩa Tư bản đương đại, không hơn không kém.”

Chúng ta có lòng tham, ai nấy đều đồng ý…

“Xã hội” của EDDIE VEDDER

Nhiều nhà kinh tế học quên rằng nguyên tắc tổ chức trung tâm của họ, Homo economicus (hay còn gọi là con người kinh tế), là một huyền thoại bắt nguồn từ những giả định về bản chất con người, chứ không phải là sự thật căn bản làm nền tảng cho một triết lý kinh tế bền vững. Khi John Stuart Mill đề xuất cái mà ông thừa nhận là “một định nghĩa tùy tiện về con người, với tư cách một thực thể chắc chắn làm điều đó để nhận được nhiều nhất về mặt nhu yếu phẩm, tiện nghi và xa xỉ phẩm, với ít nhất về mặt lao động và sự hy sinh tới mức có thể, chẳng có gì đáng tin về việc ông mong định nghĩa tùy tiện của mình thống trị tư duy kinh tế trong nhiều thế kỷ. Hãy nhớ lại lời của Rousseau: “Nếu được chọn nơi sinh, tôi sẽ chọn một nhà nước nơi mọi người đều biết nhau để cho cả những sách lược đen tối kín đáo nhất lẫn những đức hạnh khiêm nhường nhất đều không thể thoát khỏi sự săm soi và phán xét của công chúng.” Khi bảo rằng lòng tham chỉ là một phần bản chất con người, người ta thường không nhắc đến bối cảnh. Vâng, lòng tham là một phần bản chất con người. Nhưng sự hổ thẹn cũng vậy. Khi các nhà kinh tế học xây dựng mô hình của mình trên nền tảng con người kinh tế tưởng tượng chịu sự thúc đẩy của mỗi lợi ích cá nhân mà thôi, họ quên mất cộng đồng – mạng lưới ý nghĩa vô cùng quan trọng mà theo đó chúng ta xoay quanh nhau – bối cảnh cho bất cứ điều gì thật sự con người xảy ra, và luôn tồn tại.

Một trong những thử nghiệm tư duy được trích dẫn nhiều nhất trong lý thuyết trò chơi và kinh tế học là Thế lưỡng nan của người tù (The Prisoner’s Dilemma). Nó thể hiện một mô hình trao đổi lẫn nhau đơn giản và ngắn gọn, một số nhà khoa học gọi nó là “E. Coli* của tâm lý học xã hội”. Nó vận hành như sau: Hãy tưởng tượng hai nghi phạm bị bắt, nhưng cảnh sát không có đủ bằng chứng kết tội. Sau khi hai tù nhân bị tách ra, mỗi người cùng được đề nghị: Nếu làm chứng chống lại đồng phạm mà đồng phạm vẫn im lặng thì anh sẽ được tự do còn anh ta sẽ bị kết án 10 năm. Nếu anh ta nhận tội còn anh không nhận, anh sẽ chịu mức án đó. Nếu cả hai cùng không chịu khai, các anh sẽ bị sáu tháng tù. Nếu cả hai anh cùng khai, các anh sẽ bị năm năm tù. Mỗi tù nhân phải chọn hoặc là khai hoặc là giữ im lặng. Mỗi người đều được bảo rằng người kia không biết gì về quyết định của mình. Các tù nhân này sẽ hành động thế nào?

Trong dạng thức kinh điển của trò chơi này, những người tham gia sẽ luôn học cách bán đứng lẫn nhau bởi ai cũng nhìn thấy lợi ích của việc nhanh chóng phản bội: khai đầu tiên và tự do ra đi. Nhưng hãy đem kết luận mang tính lý thuyết đó đến một nhà tù ở bất cứ đâu trên thế giới và hỏi xem điều gì xảy ra với bọn phản bội. Lý thuyết khớp với thực tế khi các nhà khoa học quyết định cho những người chơi đó có được trải nghiệm với trò chơi và xem hành vi của họ có thay đổi theo thời gian hay không. Như Robert Axelrod giải thích trong The Evolution of Cooperation (Sự tiến hóa của hợp tác), người chơi nhanh chóng hiểu rằng họ có nhiều cơ hội hơn nếu hợp tác và đón nhận sự hợp tác của đối tác. Nếu đối tác không hợp tác, anh ta sẽ bị mang tiếng xấu và bị trừng phạt, theo kiểu ăn miếng trả miếng. Dần dần, người chơi nào có phương pháp vị tha hơn sẽ thành công, trong khi người nào chỉ hành động vì lợi ích cá nhân trước mắt sẽ gặp những rắc rối nghiêm trọng – bị đâm trong lúc đi tắm chẳng hạn.

Cách hiểu kinh điển về thử nghiệm này bị giáng một đòn nữa khi nhà tâm lý học Gregory S. Berns và đồng nghiệp quyết định nối người chơi nữ với một cỗ máy cộng hưởng từ. Berns và cộng sự nghĩ rằng đối tượng sẽ phản ứng mạnh nhất khi bị lừa dối – một người cố gắng hợp tác còn người kia “xì đểu”. Nhưng họ lại nhận được kết quả khác hẳn. “Kết quả làm chúng tôi thật sự ngạc nhiên”, Berns nói với Natalie Angier của tờ The New York Times. Não bộ có phản ứng mạnh nhất trước những hành vi hợp tác: “Tín hiệu sáng nhất xuất hiện ở các liên minh hợp tác và ở các vùng lân cận của não đã từng phản ứng với món tráng miệng, hình ảnh những khuôn mặt xinh đẹp, tiền bạc, cocaine và bất cứ niềm vui hợp pháp hay bất hợp pháp nào.”*

Phân tích kết quả quét não, Berns và cả nhóm thấy rằng khi những người phụ nữ này hợp tác với nhau, hai phần não, vốn cùng phản ứng với dopamine, đều được kích hoạt: thùy bên và vỏ não trước trán. Cả hai vùng này đều liên quan đến việc kiểm soát xung lực, hành vi mang tính ép buộc và xử lý phần thưởng. Mặc dù ngạc nhiên trước những gì nhóm của mình tìm được, Berns vẫn thấy dễ chịu. “Nó khiến tôi yên tâm”, ông nói. “Bằng cách nào đó, nó cho thấy chúng ta gắn kết bằng cách hợp tác với nhau.”

Lần đầu tiên xuất bản trên tạp chí Science danh tiếng vào năm 1968, tài liệu của nhà sinh học Garrett Hardin, The Tragedy of the Commons (tạm dịch: Bi kịch của công sản), là một trong những bài viết trên một tạp chí khoa học được tái bản nhiều nhất từ trước đến nay. Các tác giả của Tài liệu Thảo luận Ngân hàng Thế giới gần đây gọi nó là “mô hình vượt trội các nhà khoa học xã hội sử dụng để đánh giá các vấn đề nguồn lực tự nhiên”, còn nhà nhân học G. N. Appell nói rằng bài báo này “được các học giả và giáo sư coi như một tài liệu thần thánh”.*

Gần cuối những năm 1800, phần lớn nước nông thôn Anh đều được coi là đất công – tài sản do vua sở hữu nhưng ai cũng có thể được dùng – giống như bãi chăn thả tự do ở miền Tây nước Mỹ trước khi hàng rào dây kẽm gai xuất hiện. Sử dụng đất công ở Anh làm hình mẫu, Hardin ngụ ý thể hiện những điều sẽ xảy ra khi một nguồn lực được cộng đồng sở hữu. Ông lập luận rằng trong “một đồng cỏ dành cho tất cả mọi người… mỗi người chăn nuôi gia súc sẽ tìm cách nuôi được càng nhiều gia súc càng tốt”. Mặc dù hủy hoại đồng cỏ, sự ích kỷ của người chăn nuôi lại có ý nghĩa về mặt kinh tế theo góc nhìn cá nhân anh ta. Hardin viết: “Người chăn nuôi có đầu óc (sẽ kết luận) rằng cách duy nhất anh ta sẽ làm là thêm một con vật nữa vào đàn của mình.” Đây là lựa chọn hợp lý duy nhất bởi tất cả đều sẽ chịu chung cái giá xuống cấp của đất đai vì chăn thả quá mức, trong khi lợi nhuận đạt được từ gia súc bổ sung chỉ thuộc về một mình anh ta. Vì mỗi người chăn nuôi đều có chung một kết luận nên chắc chắn mảnh đất chung sẽ bị chăn thả quá mức. “Tự do trong sử dụng tài sản công”, Hardin kết luận, “sẽ hủy hoại tất cả chúng ta.”

Giống như tư tưởng của Malthus về tăng trưởng dân số liên quan đến năng lực nông nghiệp, kết luận của Hardin trở nên nổi tiếng vì: 1) Chúng thể hiện sự đơn giản kiểu A + B = C vốn có vẻ như chính xác tuyệt đối; 2) Chúng hữu ích trong việc giải thích cho những quyết định có vẻ như vô lương tâm bằng thứ quyền lực cố thủ. Chẳng hạn, bài viết của Malthus thường được giới kinh doanh và lãnh đạo chính trị Anh trích dẫn nhằm giải thích cho việc họ không hành động khi đối diện với nạn đói lan rộng ở Anh, trong đó có trận đói thập niên 1840 khiến vài triệu người Ireland chết (và hàng triệu người khác di tản sang Mỹ). Cách khớp nối đơn giản của Hardin đối với sự điên rồ của sở hữu công đã hết lần này đến lần khác tạo ra chỗ trú ẩn cho những người biện hộ cho việc tư nhân hóa dịch vụ công và xâm chiếm đất đai tự nhiên.

Một điểm chung khác giữa lập luận hay ho của Hardin với Malthus: nó sụp đổ khi liên hệ với thực tại.

Như tác giả người Canada Ian Angus giải thích: “Đơn giản là Hardin phớt lờ điều thật sự xảy ra trên thực tế ở đất công: sự tự điều chỉnh bởi những cộng đồng liên quan.” Hardin quên mất sự thật là trong các cộng đồng nông thôn nhỏ bé, nơi mật độ dân cư thấp tới mức mọi người chăn gia súc đều biết nhau (đây là thực tế trong lịch sử đất công nước Anh), bất cứ người chăn gia súc nào tìm cách mạo hiểm với hệ thống sẽ bị phát hiện và trừng phạt. Elinor Ostrom đã nghiên cứu việc quản lý đất công ở các cộng đồng quy mô nhỏ. Bà thấy rằng “mọi cộng đồng đều có dạng thức kiểm tra để đối phó với sự lừa bịp hoặc sử dụng quá phần tài nguyên mà mình được chia một cách công bằng”.

Bi kịch thật sự của tài sản công đe dọa các nguồn lực chịu sự kiểm soát của quốc gia hay tập đoàn nhiều hơn so với các nguồn lực chịu sự kiểm soát của các nhóm nhỏ. Không chỉ là đất công, chúng ta cần đối mặt với Bi kịch Biển cả, Bầu trời, Sông suối và Rừng rậm. Ngư nghiệp trên khắp thế giới đang sụp đổ bởi không ai có quyền, sức mạnh và động lực để ngăn chặn các hạm đội quốc tế khỏi khai thác cạn kiệt những vùng nước thuộc quyền sở hữu của mọi người (và do vậy cũng không phải của ai). Chất độc từ các ống khói Trung Quốc đốt những ổ quặng than lậu của Nga chui vào lá phổi của người Triều Tiên, trong khi xe hơi Mỹ chạy bằng xăng dầu Venezuela làm tan chảy những dòng sông băng ở Greenland. Nguyên nhân khiến cho những bi kịch gắn với nhau theo lối móc xích này xảy ra chính là do thiếu vắng sự xấu hổ. Sai lầm rõ ràng của kinh tế học kiểu Malthus, Thế lưỡng nan của người tùBi kịch của công sản là do sự phớt lờ thực tế cuộc sống ở các cộng đồng quy mô nhỏ, nơi không ai “thoát khỏi sự soi mói và đánh giá của đám đông”, như lời Rousseau. Những bi kịch này chỉ chắc chắn xảy ra khi quy mô nhóm vượt quá năng lực theo dõi lẫn nhau của giống loài chúng ta, được biết đến với tên gọi con số của Dunbar. Trong các cộng đồng linh trưởng, quy mô nhóm rất quan trọng.

Sau khi nhận ra tầm quan trọng của hành vi chải lông ở các loài linh trưởng sống theo bầy, nhà nhân học Robin Dunbar đã vẽ ra quy mô tổng thể của nhóm trên sự phát triển vỏ não mới. Sử dụng mối tương quan này, Dunbar dự đoán rằng con người bắt đầu không còn nắm bắt được việc ai đang làm gì với ai khi quy mô của nhóm đạt tới mức khoảng 150 cá thể. Theo lời Dunbar: “Giới hạn mà năng lực xử lý của vỏ não mới định ra chỉ đơn giản là số lượng cá thể mà một mối quan hệ liên cá nhân bền vững có thể duy trì được.” Các nhà nhân học khác cũng đã xác định được con số này bằng cách quan sát, họ thấy rằng khi quy mô nhóm vượt xa mức đó thì nhóm sẽ có xu hướng chia thành hai nhóm nhỏ hơn. Vài năm trước khi tài liệu của Dunbar được xuất bản vào năm 1992, Marvin Harris nhận thấy rằng: “Với 50 người trong một nhóm hoặc 150 người trong một làng, mỗi người đều biết nhau ở mức thân mật, đến mức việc trao đổi qua lại mật thiết có thể giữ cho mọi người gắn bó với nhau. Mọi người cho đi và mong được nhận lại, và nhận lại và mong được cho đi”.* Các tác giả gần đây, kể cả Malcom Gladwell trong cuốn sách bán chạy của mình Điểm bùng phát, đã phổ cập ý tưởng đưa con số 150 thành giới hạn cho các nhóm chức năng hữu cơ.

Từng sống theo nhóm nhỏ và thân mật trong đó mọi người đều biết tên nhau, con người không biết phải làm gì với thứ tự do mơ hồ được trao tặng một cách nặc danh. Khi cộng đồng phát triển qua cái ngưỡng mà mỗi cá nhân ngẫu nhiên quen biết ít nhất một người khác, hành vi của chúng ta thay đổi, lựa chọn của chúng ta tăng lên, cảm nhận của chúng ta về điều khả dĩ và chấp nhận được phát triển tới mức trừu tượng hơn bao giờ hết.

Lập luận tương tự có thể được đưa ra trong trường hợp của chủ nghĩa công sản: quyền sở hữu của cộng đồng không có tác dụng trong các xã hội quy mô lớn mà mọi người hoạt động một cách vô danh. Trong The Power of Scale (tạm dịch: Sức mạnh cán cân), nhà nhân học John Bodley viết: “Quy mô của xã hội và nền văn hóa loài người rất quan trọng, vì xã hội lớn hơn tất nhiên sẽ có sức mạnh xã hội tập trung hơn. Xã hội lớn hơn sẽ kém dân chủ so với xã hội nhỏ hơn, và chúng sẽ phân bố các nguy cơ cũng như phần thưởng không đều nhau.” Đúng vậy, bởi xã hội càng lớn thì vận hành của sự xấu hổ càng kém. Khi bức tường Berlin sụp đổ, các nhà tư bản hân hoan tuyên bố rằng sai lầm căn bản của chủ nghĩa công sản chính là nó không hiểu được bản chất của con người. Vâng, đúng và sai. Thật sai lầm khi không đánh giá cao tầm quan trọng của bối cảnh. Bản chất con người trong bối cảnh cộng đồng xã hội thân mật, phụ thuộc lẫn nhau vận hành theo một kiểu, nhưng nếu không có tính chất nặc danh, chúng ta trở thành một sinh vật khác hẳn – không phải thú vật cũng chẳng phải con người trong bất cứ ý nghĩa tuyệt đối nào.

Anh ta là người man rợ, và nghĩ rằng phong tục của bộ tộc mình và hòn đảo là quy luật của tự nhiên.

• GEORGE BERNARD SHAW: Caesar, trong Caesar và Cleopatra, Hồi II

Có thật là chúng ta được sinh ra vào thời điểm và nơi chốn tốt nhất có thể? Hay đó chỉ là một khoảnh khắc ngẫu nhiên trong vô tận – mà ở đó niềm vui và nỗi thất vọng là ngang nhau? Có lẽ bạn sẽ thấy ngớ ngẩn ngay cả khi giải trí với một câu hỏi như vậy, với giả định rằng có sự lựa chọn nào đó trong vấn đề này. Nhưng điều đó là có thật. Chúng ta ai cũng có khuynh hướng tâm lý coi trải nghiệm của bản thân là chuẩn mực, coi cộng đồng của mình là “Nhân dân”, tin – có lẽ trong vô thức – rằng chúng ta được lựa chọn, Chúa đứng về phe chúng ta, và đội của chúng ta xứng đáng chiến thắng. Để nhìn hiện tại trong thứ ánh sáng đẹp đẽ nhất, chúng ta vẽ quá khứ bằng thứ màu đỏ của máu đau khổ và kinh hoàng. Mấy thế kỷ nay, Hobbes vẫn đang gãi vết ngứa tâm lý dai dẳng này đó thôi.

Một sai lầm phổ biến khi cho rằng tiến hóa là một quá trình cải tiến, rằng sinh vật tiến hóa nghĩa là đang phát triển đến một trạng thái hoàn thiện cuối cùng nào đó. Nhưng chúng, và cả chúng ta nữa, đều không phải vậy. Một xã hội hay cá thể đang tiến hóa chỉ đơn giản là qua nhiều thế hệ thích nghi với các điều kiện biến đổi. Mặc dù có thể mang lại lợi ích trước mắt, những biến đổi này không phải là cải tiến, theo bất cứ nghĩa tuyệt đối nào. Điều kiện bên ngoài không bao giờ ngừng thay đổi.

Sai lầm này làm nền tảng cho giả định rằng ở đây và bây giờ rõ ràng tốt hơn nơi khác và trước đây. Sau đó ba thế kỷ rưỡi, các nhà khoa học vẫn trích dẫn lời Hobbes, bảo với chúng ta rằng chúng ta may mắn thế nào khi được sống vào thời kỳ đã có nhà nước, đã tránh được những khổ đau đầy rẫy trong quá khứ man rợ của chúng ta. Thật dễ chịu khi nghĩ rằng chúng ta là những kẻ may mắn, nhưng hãy đặt câu hỏi cấm kỵ xem sao: Thật ra, chúng ta có thật sự may mắn không?

Người tiền sử không có thói quen để dành thức ăn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bị đói triền miên. Nghiên cứu xương và răng người tiền sử cho thấy đời sống con người cổ đại đúng là có bữa đói bữa no, nhưng hiếm khi có những đợt đói kém kéo dài. Làm sao chúng ta biết tổ tiên mình không sống bên bờ vực chết đói?

Khi trẻ em và thiếu niên không đủ chất dinh dưỡng chỉ khoảng một tuần, sự phát triển ở xương đòn của tay và chân sẽ bị chậm lại. Khi nguồn dinh dưỡng phục hồi và xương bắt đầu phát triển trở lại, mật độ tăng trưởng xương mới khác với trước khi bị ngắt quãng. Tia X tiết lộ các đường-biết-nói này trong xương người cổ đại, còn được gọi là đường Harris. Các nhà nghiên cứu bệnh học Kỷ Đệ Tam đã sử dụng các đường này để chứng minh rằng đặc trưng của thời tiền sử là “những đợt đói ngắn rồi đến những đợt ăn uống, trong đó tăng trưởng nhảy vọt”.*

Các thời kỳ suy dinh dưỡng dài hơn để lại nhiều dấu hiệu trên răng – được gọi là giảm sản – các đường ố màu và hốc nhỏ trên bề mặt men răng, nhiều thế kỷ sau vẫn còn lưu giữ trên di tích hóa thạch. Các nhà khảo cổ học tìm thấy ít hơn các đường Harris và giảm sản răng trên các di tích hóa thạch của người săn bắt-hái lượm thời tiền sử với trên xương của dân định cư, những người sống thành làng mạc và phụ thuộc vào việc canh tác để lấy thức ăn. Do tính cơ động cao, người săn bắt-hái lượm ít phải chịu các đợt đói kéo dài vì trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ cần chuyển đến các khu vực ít chịu ảnh hưởng của hạn hán hay các thảm họa tự nhiên khác.

Một trong nhiều ví dụ cho thấy người hái lượm hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn cư dân nông nghiệp được tìm thấy ở vùng đồi Dickson tại vùng hạ thung lũng Illinois. Khoảng 800 bộ xương đã được phân tích, hé lộ một bức tranh rõ ràng về những biến đổi sức khỏe xuất hiện cùng việc chuyển từ hái lượm sang trồng ngô vào khoảng năm 1200 sau Công nguyên. Nhà khảo cổ học George Armelagos và đồng nghiệp báo cáo rằng di tích hóa thạch của cư dân nông nghiệp cho thấy suy dinh dưỡng mãn tính tăng 50% và bệnh truyền nhiễm tăng gấp ba lần (thể hiện qua xương bị nhiễm trùng) so với những người hái lượm trước họ. Hơn thế nữa, họ còn tìm thấy bằng chứng cho thấy tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh gia tăng, sự phát triển xương ở người lớn chậm lại, chứng chai xương tăng gấp bốn lần và bệnh thiếu máu do thiếu sắt xuất hiện ở hơn một nửa dân số.*

Nhiều người nhận thấy người hái lượm, vốn chẳng có gì trong tủ lạnh, lại có cách sử dụng hào phóng một cách kỳ lạ đối với thực phẩm. Từng dành sáu tháng ở với những người Montagnais tại Quebec ngày nay, giáo sĩ dòng Tên người Pháp Paul Lejeune phát cáu lên với sự hào phóng của người bản xứ. Lejeune viết: “Nếu chủ nhà của tôi bắt được hai, ba, hoặc bốn con hải ly, dù là ngày hay đêm, họ đều mở tiệc chiêu đãi toàn bộ những người hoang dã láng giềng. Và nếu những người đó bắt được thứ gì đó thì họ cũng mở tiệc chiêu đãi cùng lúc; vì thế, sau khi kết thúc một bữa tiệc, bạn lại đến dự một bữa khác, và đôi khi đến dự cả bữa tiệc thứ ba, thứ tư”. Khi Lejeune cố gắng giải thích lợi ích của việc để dành một ít thức ăn: “Họ cười nhạo tôi. ‘Ngày mai’ (họ bảo) ‘chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc nữa với những gì bắt được’.”* Nhà nhân học người Israel Nurit Bird – David giải thích: “Vì hành vi của người phương Tây liên quan đến giả định về sự thiếu thốn là điều dễ hiểu nên hành vi của người săn bắt-hái lượm liên quan đến giả định sung túc cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, vì chúng ta phân tích, thậm chí dự đoán, hành vi của người phương Tây bằng cách cho rằng họ xử sự như thể không có đủ, vì vậy chúng ta có thể phân tích, thậm chí dự đoán, hành vi của người săn bắt-hái lượm bằng cách cho rằng họ xử sự như thể họ luôn có đủ.” (Nhấn mạnh của chúng tôi.)

Trong khi cư dân nông nghiệp vất vả trồng lúa, khoai tây, lúa mì, ngô, đặc trưng bữa ăn của người hái lượm là rất nhiều loại cây cỏ và sinh vật nhiều chất dinh dưỡng. Nhưng hái lượm mất bao nhiêu công sức? Phải chăng đây là một phương pháp kiếm ăn hiệu quả?

Nhà khảo cổ học David Madsen điều tra hiệu quả về mặt năng lượng của việc săn bắt loài dế Mormon (Anabrus simplex), vốn xuất hiện trong thực đơn của thổ dân bản địa ở Utah ngày nay. Nhóm của ông thu thập dế với tốc độ khoảng 800gr dế giòn tan mỗi giờ. Ở tốc độ này, Madsen tính toán rằng chỉ trong một giờ làm việc, người hái lượm có thể thu thập được lượng calorie tương đương với 87 cái bánh mì kẹp xúc xích, 49 miếng pizza, hoặc 43 cái bánh McDonald cỡ lớn – trong khi không hề có chút mỡ và phụ gia gây tắc nghẽn tim.* Trước khi chế giễu yêu cầu phục vụ món dế Mormon, hãy nghĩ đôi chút đến thực tế đáng sợ bị che giấu trong một chiếc bánh mì kẹp xúc xích điển hình. Một nghiên cứu khác thấy rằng người!Kung San (nhắc cho bạn nhớ là ở sa mạc Kalahari) đưa vào cơ thể một lượng trung bình hằng ngày (trong tháng may mắn) 2.140 calorie và 93 g protein. Marvin Harris giải thích đơn giản: “Cư dân thời đồ đá sống khỏe mạnh hơn hầu hết những người sống ngay sau họ.”*

Và có lẽ là cũng khỏe mạnh hơn những người xuất hiện sau họ rất lâu. Lâu đài và bảo tàng ở châu Âu đầy những bộ giáp quá nhỏ không ai mặc vừa, trừ những người hiện đại nhỏ bé nhất. Trong khi tổ tiên chúng ta thời Trung cổ nhỏ bé so với tiêu chuẩn hiện đại, nhà khảo cổ Timothy Taylor tin rằng tổ tiên loài người lúc mới kiểm soát được ngọn lửa – cách đây khoảng 1,4 triệu năm – cao hơn người bình thường ngày nay. Các bộ xương đào được ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nam giới thời tiền nông nghiệp ở những khu vực đó có chiều cao trung bình là 1,77 m, còn phụ nữ là 1,65 m. Từ khi chấp nhận nông nghiệp, chiều cao trung bình đã giảm mạnh. Nhìn chung, người Hy Lạp và người Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại vẫn không cao bằng tổ tiên của họ thời cổ đại.

Trên khắp thế giới, sự chuyển đổi sang nông nghiệp đi cùng với sự sụt giảm nghiêm trọng chất lượng bữa ăn và sức khỏe tổng quan của hầu hết mọi người. Jared Diamond đã mô tả đây là “sai lầm trầm trọng nhất trong lịch sử loài người”, ông cho rằng: “Người săn bắt-hái lượm có đời sống thành công và kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại. Ngược lại”, ông kết luận, “chúng ta vẫn đang vật lộn với mớ rắc rối mà nông nghiệp đẩy chúng ta vào, nhưng có giải quyết được hay không thì chưa rõ.”

Thời tiền sử, người ta ngủ ngày rất nhiều. Trong tài liệu kinh điển và đầy khiêu khích The Original Affluent Society (tạm dịch: Xã hội thịnh vượng nguyên thủy), Sahlins lưu ý rằng, đối với người hái lượm, “công việc tìm kiếm thức ăn thành công tới mức một nửa thời gian mọi người dường như không biết phải làm gì với chính mình”. Ngay cả thổ dân Úc sống trong một đất nước rõ ràng là đói kém và khắc nghiệt lại không gặp vấn đề gì khi tìm đủ đồ ăn (cũng như ngủ vạ vật ba tiếng mỗi buổi chiều dù đã có nguyên cả đêm nghỉ ngơi). Nghiên cứu của nhà nhân học Richard Lee về người rừng!Kung San ở sa mạc Kalahari thuộc Botswana cho thấy rằng mỗi tuần họ chỉ dành 15 tiếng để tìm thức ăn. “Một phụ nữ hái lượm một ngày thì đủ thức ăn nuôi sống gia đình trong ba ngày, sau đó dành phần thời gian còn lại nghỉ ngơi trong lều, thêu thùa, ghé thăm lều khác, hoặc tiếp đãi khách khứa từ lều khác tới. Đối với một ngày ở nhà, công việc bếp núc thường nhật, chẳng hạn như nấu nướng, bóc hạt, lấy củi và múc nước, chiếm từ một đến ba tiếng đồng hồ. Nhịp điệu làm việc và rỗi rãi đều đều này được duy trì trong suốt cả năm”, Lee nói.

Một vài ngày làm, một vài ngày nghỉ. Bạn thấy điều này thế nào?

Do thức ăn được tìm thấy trong môi trường xung quanh, không ai có khả năng kiểm soát việc tiếp cận nhu yếu phẩm của người khác trong xã hội săn bắt-hái lượm cả. Harris giải thích điều này trong bối cảnh sau đây: “Chủ nghĩa bình quân bắt rễ chắc chắn vào sự thoải mái về tài nguyên, sự đơn giản của công cụ sản xuất, việc thiếu tài sản phi vận chuyển và cấu trúc không ổn định của tập thể.”

Khi không thể ngăn ai đó tiếp cận thức ăn và nhà ở cũng như không thể ngăn người ta bỏ đi, thì bạn cũng không thể kiểm soát được họ. Chủ nghĩa bình quân chính trị phổ biến của người hái lượm bắt nguồn từ thực tế đơn giản này. Không chút quyền lực cưỡng ép, lãnh đạo là người được người khác nghe theo – họ là những cá nhân được xung quanh kính trọng. Các “lãnh đạo” này không – và không thể – đòi hỏi người khác phải tuân thủ. Đây không phải là chuyện gì mới mẻ. Trong cuốn Lectures on Jurisprudence (tạm dịch: Những bài giảng về khoa học pháp lý) xuất bản năm 1896, Adam Smith viết: “Ở đất nước thợ săn, đúng là không hề có chính phủ… (Họ) thống nhất với nhau là cùng nhau giữ gìn an toàn cho nhau, nhưng không có thẩm quyền với nhau.”

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà tâm lý học tiến hóa bảo thủ coi thái độ quả quyết của người hái lượm đối với việc chia sẻ là một trong những việc hóc búa nhất. Với vị thế mang tính hình tượng của cuốn sách The Selfish Gene (Gene vị kỷ) của Dawkins và khái niệm phổ biến về cuộc chiến sinh tồn tất-cả-chống-lại-tất-cả, hàng chục tác giả đã tham gia nhiệm vụ giải thích tại sao người hái lượm lại hào phóng với nhau đến phát điên. Trong cuốn The Origins of Virtue (tạm dịch: Nguồn gốc đức hạnh), nhà văn khoa học Matt Ridley tóm tắt mâu thuẫn cố hữu mà họ phải đối mặt.

“Trí óc chúng ta được xây dựng từ các gene vị kỷ, nhưng chúng được xây dựng để trở nên chan hòa, đáng tin và hợp tác.” Người ta phải hết sức thận trọng khi quả quyết rằng thói ích kỷ đang (và luôn luôn) là động cơ chính cho quá trình tiến hóa của loài người, ngay cả khi đối mặt với vô số dữ liệu chứng minh rằng tổ chức xã hội loài người được xây dựng dưới sự thôi thúc chia sẻ suốt nhiều thiên niên kỷ.

Tất nhiên, mâu thuẫn này sẽ biến mất nếu những người đề xướng thuyết luôn-luôn-ích-kỷ cho bản chất loài người chấp nhận các giới hạn ngữ cảnh cho lập luận của mình. Nói cách khác, trong một bối cảnh tổng-bằng-không (như bối cảnh của các xã hội tư bản hiện đại nơi chúng ta sống chung với người lạ) thì điều này có nghĩa, ở một mức độ nào đó, con người đề phòng lẫn nhau. Nhưng trong các bối cảnh khác, hành vi con người mang đặc trưng của bản chất hướng tới sự hào phóng.

Ngay cả khi nhiều môn đồ chọn cách phớt lờ những điểm tinh tế trong lập luận của ông, bản thân Dawkins vẫn hết sức thông cảm với họ, ông viết: “Bản chất động vật chủ yếu là vị tha, hợp tác và thậm chí có sự tham gia của các cảm xúc nhân từ chủ quan… Vị tha ở cấp độ cá thể sinh vật có thể trở thành phương tiện để các gene nền tảng tối đa hóa lợi ích tự thân của chúng.” Tương tự, mặc dù nổi tiếng với việc phát minh ra khái niệm “gene vị kỷ”, Dawkins vẫn coi hợp tác nhóm là một cách thúc đẩy lịch trình công việc của cá nhân (theo đó thúc đẩy lợi ích di truyền của mỗi cá nhân). Tại sao thời đó lại có nhiều môn đồ của ông không sẵn sàng xem xét quan điểm cho rằng hợp tác giữa loài người và các động vật khác có lẽ cũng tự nhiên và hiệu quả như thói ích kỷ thiển cận?

Các loài linh trưởng không phải con người chính là những bằng chứng lý thú về quyền lực mềm của hòa bình – và không chỉ lũ tinh tinh lùn dâm dục. Frans de Waal và Denise Johanowicz nghĩ ra một cuộc thử nghiệm để xem điều gì sẽ xảy ra khi hai loài khỉ đuôi ngắn khác nhau được bố trí ở cùng nhau trong năm tháng. Khỉ nâu Ấn Độ (Macacamulatta) hung hăng và bạo lực, trong khi khỉ cộc đuôi (Macacaarctoides) được biết đến với thái độ hòa nhã hơn nhiều. Chẳng hạn, khỉ cộc đuôi dàn hòa sau xung đột bằng cách túm lấy hông nhau, trong khi hòa giải hiếm khi xuất hiện ở loài khỉ nâu Ấn Độ. Tuy nhiên, khi hai loài này được sắp xếp ở cùng nhau, các nhà khoa học thấy rằng hành vi hòa giải, hòa bình hơn của loài khỉ cộc đuôi vượt trội thái độ hung hăng của lũ khỉ nâu Ấn Độ. Dần dần, lũ khỉ nâu trở nên bình tĩnh. Như de Waal kể lại: “Bọn trẻ của hai loài chơi với nhau, chải lông cho nhau và ngủ chung thành một bầy lớn. Điều quan trọng nhất, lũ khỉ nâu Ấn Độ phát triển kỹ năng dàn hòa ngang với những người bạn vị tha hơn của nó.” Thậm chí khi cuộc thử nghiệm kết thúc và hai loài lại được cho ở chung với chính đồng loại của mình, khả năng hòa giải sau xung đột và chải lông cho địch thủ của lũ khỉ nâu Ấn Độ vẫn cao gấp ba lần*.

May mắn ư? Nhà khoa học thần kinh/linh trưởng học Robert Sapolsky đã dành nhiều thập kỷ quan sát một nhóm khỉ đầu chó ở Kenya, bắt đầu từ khi ông còn là sinh viên năm 1978. Vào giữa thập niên 1980, một tỉ lệ lớn cá thể đực trưởng thành trong nhóm đột ngột chết vì bệnh lao lây từ thức ăn nhiễm khuẩn ở đống rác bên ngoài một khách sạn dành cho khách du lịch. Nhưng số thức ăn thừa quý giá (mặc dù nhiễm khuẩn) chỉ do những con khỉ đầu chó hung dữ nhất ăn, sau khi đã đuổi hết những con đực kém hiếu chiến hơn, con cái, hoặc con non đi chỗ khác. Trời có mắt! Khi toàn bộ bọn khỉ đực rắn mặt đã chết, số hiền lành sống sót lên nắm quyền. Đàn khỉ không được bảo vệ trở thành kho báu sẵn sàng cho lũ cướp biển: cả đàn bao gồm con cái, con non chưa trưởng thành và những con đực dễ bảo đứng trước nguy cơ bị một số gã láng giềng bất trị tung tăng nhảy vào, bắt đầu cưỡng hiếp và cướp bóc.

Do ở tuổi vị thành niên thì khỉ đầu chó đực rời đàn nơi nó sinh ra, trong vòng một thập kỷ sau biến cố đống rác, không một con đực nguyên gốc, phi hiếu chiến không điển hình nào còn sót lại nữa. Nhưng như Sapolsky báo cáo: “văn hóa độc đáo của bầy đang được những cá thể đực mới gia nhập chấp nhận. Năm 2004, Sapolsky báo cáo rằng hai thập kỷ sau bi kịch bệnh lao, tỉ lệ khỉ đực của đàn chải lông và liên kết với khỉ cái vẫn cao hơn bình thường, nhóm thống trị hiền lành một cách bất thường, và bằng chứng sinh lý cho thấy mức độ lo lắng thấp hơn bình thường giữa những con đực cấp thấp thường bị gây áp lực. Thậm chí gần đây hơn, Sapolsky cho chúng tôi biết rằng trong chuyến thăm gần nhất của ông, vào mùa hè năm 2007, văn hóa độc đáo của đàn vẫn tỏ ra nguyên vẹn.*

Trong cuốn Hierarchy in the Forest (Cấp bậc trong rừng), nhà linh trưởng học Christopher Boehm lập luận rằng chủ nghĩa bình quân là một hệ thống chính trị rất hợp lý, thậm chí có thứ bậc, ông viết: “Những cá nhân nào không bị lệ thuộc sẽ đủ thông minh để thành lập một liên minh chính trị lớn và thống nhất, và họ làm vậy nhằm mục đích nhanh chóng không cho kẻ mạnh thống trị kẻ yếu.” Theo Boehm, người hái lượm hết sức nham hiểm khi từ chối tuân lệnh, ông viết: “Người hái lượm du mục lúc nào cũng – và gần như bị ám ảnh – lo lắng đến việc thoát khỏi quyền lực của kẻ khác.”

Chắc hẳn thời tiền sử là một giai đoạn khó khăn cho những kẻ thích làm lớn. “Một cá nhân được trời phú cho niềm đam mê kiểm soát”, nhà tâm lý học Erich Fromm viết, “sẽ là kẻ thất bại về mặt giao tiếp và không có chút ảnh hưởng nào.”

Nhờ tác động tổng hợp của các yếu tố như: mật độ dân số rất thấp, hệ thống tiêu hóa thiên về tính ăn tạp, trí tuệ xã hội tăng cao dị thường, thói quen chia sẻ thức ăn có tính tổ chức, hoạt động tính dục bừa bãi thoải mái dẫn tới sự phổ biến hoạt động chăm sóc con trẻ và bảo vệ nhóm – điều gì sẽ xảy ra nếu thời tiền sử của loài người là thời kỳ tương đối hòa bình và thịnh vượng? Nếu không phải là “Kỷ nguyên vàng” thì ít ra cũng phải là “Kỷ nguyên bạc”? Không rơi vào ảo mộng thiên đường, liệu chúng ta có thể – có dám – nghĩ đến khả năng tổ tiên chúng ta sống trong một thế giới mà hầu hết mọi người, trong hầu hết mọi ngày, đều đủ sống? Đến giờ, mọi người đều đã nghe thấy câu “không có bữa trưa nào là miễn phí cả”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu giống loài chúng ta tiến hóa trong một thế giới mà mọi bữa trưa đều miễn phí? Cái nhìn của chúng ta về thời tiền sử (và theo đó là về chính chúng ta) sẽ khác thế nào nếu chúng ta thấy rằng cuộc hành trình của mình bắt đầu từ lúc và từ nơi nhàn nhã, dồi dào chứ không phải là khổ sở và khan hiếm?

Có thể một số người sẽ khó chấp nhận, nhưng bằng chứng cho thấy rõ rằng trước khi nông nghiệp xuất hiện, tổ tiên chúng ta không phải chịu cảnh khan hiếm rộng khắp, kinh niên. Thiếu hụt thức ăn kinh niên và nền kinh tế dựa trên sự khan hiếm là những di tích của hệ thống xã hội xuất hiện cách đây chưa đầy 10.000 năm. Trong lời giới thiệu của cuốn Limited Wants, Unlimited Means (Nhu cầu giới hạn, của cải vô hạn), Gowdy chỉ ra sự mỉa mai cốt lõi: “Người săn bắt-hái lượm dành thời gian nhàn rỗi dồi dào của mình để ăn, uống, chơi, giao tiếp – nói ngắn gọn là làm tất cả mọi thứ mà chúng ta đánh đồng với sự giàu có”.

Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn nào ủng hộ cho điều này, cách nhìn của Hobbes về thời tiền sử quá dễ chịu về mặt cảm xúc đến nỗi công chúng ít khi nghe thấy những bằng chứng hạ bệ cách nhìn này về một quá khứ mang tính khải huyền, “răng và vuốt dính máu đỏ”. Cái nhìn về bản chất con người bên trong lý thuyết kinh tế phương Tây là sai lầm. Quan điểm cho rằng con người chỉ bị thôi thúc bởi lợi ích bản thân, theo lời Gowdy, là “một quan điểm thiểu số vô cùng nhỏ bé giữa hàng chục nghìn nền văn hóa đã từng tồn tại kể từ khi Homo sapiens xuất hiện cách đây khoảng 200.000 năm”. Đối với đại đa số thế hệ con người từng xuất hiện trên trái đất này, khó mà nghĩ tới chuyện tích trữ thức ăn khi những người xung quanh phải chịu đói. Gowdy viết: “Người săn bắt-hái lượm thể hiện con người phi kinh tế.”

Hãy nhớ rằng, ngay cả những cư dân “khốn khổ” của Tierra del Fuego, bị coi là “dưới đáy nấc thang loài người”, đã quẳng cuốc và bước ra khỏi vườn ngay khi tàu HMS Beagle vừa đi khỏi tầm mắt. Họ biết rõ người “văn minh” sống như thế nào, nhưng họ “không chút mong muốn trở lại nước Anh”. Sao phải trở lại cơ chứ? Họ “hạnh phúc và hài lòng” với “rất nhiều trái cây”, “rất nhiều cá”, và “rất nhiều chim chóc”.

Bình luận