Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống

Chương 24: Các bà nội trợ hãy tránh mệt mỏi để được trẻ mãi

Tác giả: Dale Carnegie
Chọn tập

Vào một ngày mùa thu năm ngoái, một đồng nghiệp của tôi bay đến Bostonn tham dự buổi họp của một trong những lớp học y khoa kỳ lạ nhất trên thế giới. Y khoa ư? Vâng, lớp học tổ chức mỗi tuần một lần ở Phòng khám Boston, và những học viên tham dự phải được đều đặn kiểm tra sức khỏe toàn diện mới được vào học. Thực tế, lớp học này chính là một phòng khám tâm lý. Mặc dù lấy tên gọi chính thức là Lớp Tâm lý học Ứng dụng, mục đích thực sự của nó là chữa trị cho những người lo lắng đến sinh bệnh. Và có rất nhiều bệnh nhân ở đấy là những bà nội trợ đang gặp chuyện phiền toái.

Lớp học điều trị lo lắng đó đã ra đời như thế nào? Năm 1930, Bác sĩ Joseph H. Pratt – học trò của Ngài William Osler – quan sát thấy nhiều bệnh nhân đến phòng khám Boston dường như không gặp vấn đề gì về thể chất nhưng lại thực sự có những triệu chứng rất điển hình. Một phục nữ có hai cánh tay tê bại vì “viêm  khớp” đến nỗi không thể tự sử dụng được nữa. Một bênh nhân lại cho thấy những triệu chứng đau đớn như bị “ung thư dạ dày”. Những người bệnh khác thì bị đau lưng, nhức đầu, mệt mỏi thường xuyên và hay gặp các cơn đau nhức không xác định rõ nguyên nhân. Tất cả đều thực sự cảm thấy đau đơn. Nhưng các cuộc kiểm tra kỹ lưỡng nhất cũng phát hiện ra họ đã gặp vấn đề gì về mặt thể chất. Nhiều bác sĩ cổ hủ sẽ cho rằng tất cả chỉ là tưởng tượng – “đầu óc họ tư suy diễn ra”.

Nhưng bác sĩ Pratt hiểu rằng chẳng ích gì khi bảo các bệnh nhân này “hãy về nhà và quên nó đi”. Ông biết hầu hết mọi người đều không muốn bị ốm; nếu có thể dễ dàng quên đi bệnh tật như thế, họ đã tự mình làm rồi chứ chẳng cần nhờ đến bác sĩ nữa. Vậy phải làm gì đây?

Ông liền tổ chức ra lớp học này – trước bao ngờ vực của nhiều người thuộc giới y khoa. Nhưng lớp học đã rất thành công! Nhiều năm qua, hàng nghìn bệnh nhân đã “khỏi bênh” nhờ tham dự lớp học. Có người còn đến thường xuyên hàng năm như thể đó là một hoạt động tín ngưỡng kiểu đi lễ nhà thờ. Trợ lý của tôi đã nói chuyện với một người phụ nữ hầu như không bỏ lỡ bất cứ buổi học nào trong suốt chín năm qua. Bà kể lần đầu tiên đến phòng khám, bà đã đinh ninh rằng mình bị viêm thận và đau tim. Bà lo lắng và căng thẳng đến nỗi thỉnh thoảng mắt mờ đi và có một khoảng thời gian ngắn, bà gần như bị mù. Nhưng giờ đây, bà sống rất khỏe mạnh, vui vẻ và tự tin. Ẵm trong tay một đứa cháu ngủ ngon lành, bà trông như mới chỉ bốn mươi tuổi. Bà nói: “Trước kia, tôi thường lo lắng về chuyện gia đình nhiều đến mức đôi khi tôi ước mình có thể chết đi. Nhưng từ lớp học này, tôi hiểu ra lo lắng chỉ vô ích và tôi học được cách ngừng lo lắng lại. Và tôi có thể thành thực nói rằng giờ đây tôi sống rất thanh thản”.

Bác sĩ Hilferding, cố vấn y khoa của lớp học, cho rằng một trong những phương thuốc giúp vơi bớt lo âu là “nói ra những rắc rối của bạn với một người bạn tin tưởng. Chúng ta còn gọi đó là hành động trút gánh nặng trong lòng”. Bà nói: “Khi đến đây, bệnh nhân có thể nói chuyện rất lâu về những vấn đề của họ, cho tới khi họ không còn thấy vướng bận vì chúng nữa. Cứ một mình ủ ê gặm nhấm nỗi âu lo chỉ khiến bạn bị căng thẳng thần kinh mà thôi. Tất cả chúng ta phải biết chia sẻ những rắc rối và âu lo của mình, để cảm thấy có ai đó trên đời sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu chúng ta”.

Trợ lý của tôi từng chứng kiến một người phụ nữ đã cảm thấy khuây khỏa rất nhiều khi nói ra những phiền muộn của mình. Cô gặp rắc rối trong gia đình và lúc mới bắt đầu kể chuyện, cô chẳng khác nào một chiếc lò xo bị nén xuống và chỉ chực bật lên. Dần dần, cô lấy lại được bình tĩnh; và đến cuối buổi nói chuyện, cô đã nở một nụ cười. Phải chẳng vấn đề của cô đã được giải quyết? Không hề, đâu dễ dàng như vậy, điều tạo nên sự thay đổi chính là việc nói chuyện với ai đó, nhận một vài lời khuyên và chút cảm thông từ người khác. Điều thực sự tạo nên thay đổi chính là khả năng hàn gắn tuyệt diệu nằm trong  những lời nói!

Trong một chừng mực nào đó, khả năng hàn gắn của ngôn từ chính là cơ sở của các phân tích tâm lý. Ngay từ thời của Freud, các nhà phân tích đã nhận ra rằng bệnh nhân có thể giải tỏa những lo lắng của mình bằng cách nói chuyện, chỉ đơn giản là nói chuyện mà thôi. Tại sao lại như thế? Có thể là do khi nói chuyện, chúng ta thấu hiểu hơn một chút về những rắc rối của mình và thấy tương lai tươi sáng hơn. Không ai biết câu trả lời chính xác, nhưng tất cả chúng ta đều hiểu rằng việc “nói ra” hay “lấy gánh nặng khỏi lồng ngực” có thể có tác dụng xoa dịu ngay tức khắc.

Vậy lần sau, khi gặp phải một vấn đề nào đó về cảm xúc, chúng ta hãy nhìn quanh xem có ai để trò chuyện không. Tất nhiên, tôi không có ý bảo bạn đi lung tung khắp nơi và phàn nàn, than vãn với bất cứ người nào mình gặp; điều đó chỉ khiến bạn bị né tránh mà thôi. Chúng ta hãy quyết tìm một ai đó mà chúng ta tin tưởng, có thể là một người thân, một bác sĩ, một luật sư hay một cha xứ. Rồi hãy nói với người đó: “Tôi muốn nghe lời khuyên của anh. Tôi đang gặp rắc rối và thực sự mong anh sẽ lắng nghe những gì tôi nói. Anh có thể cho tôi vào lời khuyên. Anh có thể thấy những khía cạnh mà tự tôi không nhìn ra. Và ngay cả khi không thể làm gì thì anh cũng đã giúp tôi rất nhiều, chỉ cần anh ngồi xuống và lắng nghe tôi nói thôi”.

Như vậy, việc nói ra tất cả là một trong những liệu pháp chính được sử dụng ở lớp học của Phòng khám Boston. Dưới đây là một số ý kiến khác chúng tôi rút ra được từ lớp học này – đó là những việc bạn có thể tự mình làm ở nhà.

1. Tạo ra một quyển sổ có khả năng “truyền cảm hứng”, trong đó, bạn có thể ghi lại tất cả những bài thơ, những lời cầu nguyện ngắn, hay những lời trích dẫn khiến bạn cảm thấy hứng thú và phấn chấn. Có thể khi tâm trạng sa sút, bạn sẽ tìm thấy những ghi chép ấy một câu nói giúp xua tan nỗi u sầu của mình. Nhiều người đã giữ những quyển sổ như thế trong nhiều năm liền và họ xem đó là “cẩm nang cầm tay” cho tinh thần.

2. Đừng chăm chú quá nhiều vào khuyết điểm của người khác! Một phụ nữ ở trong lớp học – người nhận thấy mình đang trở thành một người vợ hay quở mắng, đay nghiến và có gương mặt hốc hác vì lo lắng – đã bất ngờ được hỏi: “Cô sẽ làm gì nếu chồng mình qua đời?”. Quá sửng sốt trước giả định đó, cô lập tức ngồi xuống và viết ra một danh sách dài những điểm tốt của chồng. Nếu bạn cảm thấy mình đã cưới phải một kẻ không thể chấp nhận được, sao bạn không làm như người phụ nữ đó? Có thể sau khi điểm lại những đức tính của người bạn đời, bạn sẽ nhận ra họ chính là người mình hằng mong được chung sống!

3. Hãy quan tâm đến mọi người! Hãy lưu ý một cách chân thành và thiện chí tới những người cùng chia sẻ cuộc sống với bạn. Một phụ nữ từng rất đau khổ vì cảm thấy mình bị “lạc lỏng” và không có lấy một người bạn. Thế rồi cô được yêu cầu kể một câu chuyện về người cô gặp sau đó. Vậy là, ngay trên xe buýt, cô bắt đầu tìm hiểu và suy đoán về hoàn cảnh của những người mình gặp. Cô cố gắng hình dung xem cuộc sống của họ ra sao. Bạn biết không, cô nói chuyện với tất cả mọi người ở bất cứ nơi đâu – và giờ đây, cô là một người lôi cuốn, hoạt bát và hạnh phúc với “vết thương” đã được chữa lành.

4. Lập kế hoạch cho công việc ngày mai trước khi bạn đi ngủ. Qua lớp học, người ta nhận ra rằng có nhiều người cảm thấy đang bị cuốn vào vòng xoáy bất tận của công việc và những thứ phải làm khác. Họ không bao giờ hết việc, và luôn bị thời gian rượt đuổi. Để chữa trị cảm giác vội vã và lo lắng đó, họ được khuyên mỗi tối hãy lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Điều gì đã xảy ra? Họ hoàn thành được nhiều việc hơn, ít mệt hơn, cảm thấy thành công, hãnh diện và có thời gian dành cho nghỉ ngơi và thư giãn.

5. Cuối cùng, tránh căng thẳng và mệt mỏi. Hãy  thư giãn! Thư giãn! Không gì có thể khiến bạn già đi nhanh hơn sự căng thẳng và mệt mỏi. Không gì có thể tàn phá dung nhan và sự tươi trẻ của bạn nhanh như thế! Trong suốt một giờ học ở Lớp tâm lý học Ứng dụng tại Boston mà trợ lý của tôi tham dự, Giáo sư Paul E. Johnson, đã nhắc lại và cho thực hành nguyên tắc chúng ta đã thảo luận trong chương trước – Nguyên tắc thư giãn. Sau mười phút tập thư giãn cùng những người khác, trợ lý của tôi đã suýt ngủ thiếp đi trên ghế! Tại sao việc thư giãn cơ thể lại được đặc biệt chú trọng như vậy? Vì phòng khám và những bác sĩ khác biết rằng nếu muốn loại bỏ lo âu, người bệnh cần phải được nghỉ ngơi!

Vâng, bạn cần phải nghỉ ngơi! Không nhất thiết bạn phải có một chiếc gường thật êm mới có thể thư giãn được. Ngược  lại, một mặt sàn cứng có thể giúp bạn nhiều hơn là chiếc giường lò xo, bởi nó tăng cường sức đề kháng và có lợi cho cột sống.

Dưới đây là một số bài tập thư giãn mà bạn có thể áp dụng. Hãy luyện tập hàng tuần – và xem bạn đã cải thiện như thế nào dung nhan và tinh thần của mình!

a. Nằm ngửa trên sàn nhà khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Duỗi thẳng chân tay. Lăn người nếu bạn muốn. Làm thế hai lần mỗi ngày.

b. Nhắm mắt lại. Bạn có thể thử nói, theo gợi ý của Giáo sư Johnson, những điều như sau: “Mặt trời đang tỏa nắng trên đầu. Bầu trời trong xanh và bừng sáng. Thiên nhiên an lành đang bao trùm cả thế giới này – và tôi, đứa con của thiên nhiên, đang hòa vào Vũ trụ”.

c. Nếu không thể nằm xuống bởi không có thời gian rảnh rỗi, bạn vẫn có thể đạt được hiệu quả tương tự khi ngồi trên ghế. Một chiếc ghế thẳng, vững chắc rất tốt cho việc thư giãn. Ngồi thẳng trên ghế như một pho tượng cổ Ai Cập, thả lỏng cánh tay và đặt nhẹ lòng bàn tay lên đùi.

d. Bây giờ hãy chầm chậm duỗi các ngón chân – rồi thả lỏng. Kéo căng cơ chân – rồi thả lỏng. Chầm chậm làm tiếp lên các bộ phận ở phía trên cơ thể cho tới cổ. Rồi xoay đầu như thể đó là một quả bóng. Liên tục nhắc các cơ bắp của mình (như trong chương trước) “”Thả lỏng…thả lỏng…”.

e. Thư giãn thần kinh bằng hơi thở chậm đều. Hít thở thật sâu. Những người tập Yoga Ấn Độ đã đúng khi cho rằng: hơi thở đều đặn là một trong những phương thuốc hiệu quả nhất từng được phát hiện để xoa dịu thần kinh.

j. Hãy nghĩ đến những nếp nhăn và vẻ cau có trên gương mặt bạn và làm phẳng chúng ra. Nhẹ nhàng thả lỏng các cơ mặt để làm tan biến những biểu hiện lo âu đang hiện hữu giữa hai chân mày và bên khóe miệng của bạn. Làm thế hai lần mỗi ngày có tác dụng không hề thua kém việc đi mát-xa ở các thẩm mỹ viện. Có thể những đường nhăn trên gương mặt bạn sẽ biến mất hoàn toàn!

Muốn tránh mệt mỏi và giữ sắc diện tươi trẻ, bạn hãy làm theo Nguyên tắc 3:

ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP THƯ GIÃN KHI Ở NHÀ

Chọn tập
Bình luận