Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống

Chương 6: Để Tâm trí không còn chỗ cho sự lo lắng

Tác giả: Dale Carnegie
Chọn tập

Gia đình Marion J. Douglas, một học viên trong lớp chúng tôi, đã trải qua những tháng ngày thật bi thảm. Anh cho biết đau khổ giáng xuống gia đình anh không chỉ một mà tới hai lần. Lần đầu là khi anh mất đi đứa con gái 5 tuổi mà anh hết mực yêu thương. Vợ chồng anh tưởng chừng không thể vượt qua được cú sốc ấy thì 10 tháng sau, họ lại mất thêm đứa con gái vừa mới chào đời được 5 ngày.

Hai nỗi đau liên tiếp ấy gần như nằm ngoài sức chịu đựng của vợ chồng anh. Người cha này nói: “Tôi không thể chịu đựng điều đó, tôi không ăn nổi, không ngủ nổi, không thể nghỉ ngơi hay thư giãn gì được. Tôi trở nên yếu đuối và hoàn toàn mất tự tin vào bản thân”. Cuối cùng anh phải đến gặp bác sĩ, người thì đưa anh hàng đống thuốc ngủ, người khác lại bảo anh nên đi du lịch. Anh đã thử cả hai cách nhưng đều vô ích. Anh nói: “Tôi có cảm giác như cả người mình đang bị đặt trong một cái ê-tô(15) mà hai cái hàm ngày càng kẹp chặt hơn”. Quả là anh đã rơi vào một nỗi đau buồn khôn xiết – ai có trải qua hoàn cảnh ấy thì mới hiểu được cảm giác của Douglas lúc đó. Anh tâm sự:

“Nhưng may mắn là tôi vẫn còn một đứa con nữa – một cậu nhóc 4 tuổi. Chính thằng bé đã giúp tôi tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình. Một buổi chiều, khi tôi đang ngồi thẩn thờ thì nó lại gần và hỏi: “Bố ơi, bố làm cho con một chiếc thuyền nhé?”. Lúc đó, tôi chẳng có tâm trạng nào mà làm thuyền; và thật ra thì tôi chẳng còn tâm trạng làm bất cứ việc gì nữa.

Nhưng con trai tôi vốn là một cậu bé bướng bỉnh. Nó cứ nằng nặc đòi và tôi đành phải nhượng bộ.

Mất 3 giờ đồng hồ để làm xong chiếc thuyền. Đến khi hoàn thành món đồ chơi cho con, tôi mới chợt nhận ra rằng đấy cũng là 3 giờ đầu tiên trong nhiều tháng nay tinh thần tôi được thư giãn và thanh thản!

Phát hiện đó khiến tôi bừng thoát khỏi trạng thái đờ đẫn và đầu óc linh hoạt lên một chút. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, tôi có thể suy nghĩ và nhận ra rằng: người ta chẳng thể nào lo lắng được khi phải bận rộn tính toán và lên kế hoạch cho một việc gì đó. Như trong trường hợp của tôi, việc tập trung đóng thuyền cho con đã giúp đánh bật nỗi lo lắng ra khỏi tâm trí. Thế là tôi quyết tâm giữ cho mình lúc nào cũng bận rộn. +++

Ngay đêm đó, tôi đi từ phòng này sang phòng khác trong nhà, lên một danh sách các việc cần làm. Có hàng đống thứ cần được sửa chữa: tủ sách, cầu thang, cửa chớp, cánh cửa sổ, nắm đấm cửa, khóa cửa, vòi nước bị hở. Thật ngạc nhiên là chỉ trong hai tuần, tôi đã tìm ra 242 thứ cần phải được sửa chữa.

Suốt hai năm trôi qua tôi đã sửa gần hết những vật dụng đó. Ngoài ra, tôi còn lấp đầy thời gian trống của mình bằng các hoạt động xã hội khác. Mỗi tuần hai tối, tôi tham dự các lớp học dành cho người trưởng thành ở New York. Tôi tham gia các buổi sinh hoạt xã hội tại địa phương và hiện đang là trưởng ban giáo dục. Tôi cũng giúp việc quyên tiền tài trợ cho Hội Chữ Thập Đỏ và nhiều hoạt động khác. Giờ đây tôi bận rộn đến nỗi không còn thời gian mà lo lắng”.

Không có thời gian để lo lắng! Đó cũng chính là lời Winston Churchill(16) đã nói khi phải làm việc 18 giờ mỗi ngày trong thời kỳ cao điểm của Thế chiến thứ hai. Lúc được hỏi ông có lo lắng về trọng trách to lớn mà mình đang đảm nhiệm không, Churchill đã trả lời “Tôi quá bận rộn nên không có thời gian để lo lắng về chuyện ấy”

Giống như Winston Churchill, trong quá trình nghiên cứu để phát minh bộ khởi động tự động dùng cho ô-tô, Charles Kettering cũng miệt mài làm việc đến mức không còn thời gian lo lắng. Lúc ấy, ông nghèo đến nỗi phải lấy gác xếp trong kho chứa cỏ khô làm phòng thí nghiệm và dùng 1.500 đô-la vợ ông dành dụm từ thù lao dạy đàn piano của bà để mua sắm dụng cụ nghiên cứu. Sau đó ông còn phải mượn thêm 500 đô-la từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình. Tôi hỏi vợ ông rằng khi đó bà có lo lắng hay không. Bà trả lời: “Có chứ, tôi lo đến mất ngủ, nhưng ông Kettering thì không. Ông ấy quá mải mê với công việc đến nỗi không còn thời gian để lo lắng nữa”.

Nhà khoa học vĩ đại Pasteur có nói về “sự thanh thản trong thư viện và phòng thí nghiệm”. Tại sao lại tìm được sự thanh thản ở những nơi đó? Vì người làm việc trong thư viện và phòng thí nghiệm luôn miệt mài nghiên cứu khoa học và không còn tâm trí để lo lắng về những vấn đề cá nhân của mình. Họ hiếm khi bị suy sụp tình thần bởi không có thời gian để phung phí cho việc lo nghĩ.

Tại sao việc đơn giản giữ cho mình luôn bận rộn lại có thể xua tan nỗi lo lắng? Các nhà tâm lý có thể lý giải điều này dựa trên một quy luật cơ bản nhất của tâm lý học: Một người dù thông minh đến mấy cũng không thể đồng thời nghĩ đến hai điều. Không thể cùng một lúc vừa hăng hái và nhiệt tình làm một việc gì đó vừa cảm thấy lo lắng bất an. Trạng thái cảm xúc này sẽ loại bỏ trạng thái cảm xúc kia.

Chính phát hiện đơn giản đó đã giúp các bác sĩ tâm thần đạt được những kết quả kỳ diệu chữa trị cho các quân nhân bị rối loạn thần kinh sau Thế chiến thứ hai. Nhiều người lính bước ra khỏi cuộc chiến mà vẫn bị ám ảnh vì những gì đã trải qua, và họ đã được các bác sĩ chữa trị bằng toa thuốc: “Bận rộn liên tục”. Từng phút trong ngày của những bệnh nhân này được sắp xếp kín các hoạt động – thường là các hoạt động ngoài trời như: câu cá, săn bắn, chơi bóng, chơi golf, chụp ảnh, làm vườn, khiêu vũ … để họ không còn thời gian rỗi mà nhớ lại sự kinh hoàng của chiến tranh.

Ngày nay, thuật ngữ “liệu pháp lao động” được dùng trong tâm thần học để chỉ việc sử dụng lao động như một phương pháp chữa bệnh. Đây không phải là một phương pháp mới mẻ gì. Nó đã được các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại sử dụng từ 500 năm trước công nguyên.

Những tín đồ phái Quaker(17) cũng từng sử dụng phương pháp chữa bệnh này ở Philadephia từ thế kỷ 18. Năm 1774, có người đến thăm một viện điều dưỡng của họ và đã bị sốc khi chứng kiến cảnh các bệnh nhân tâm thần đang hì hục quay sợi lanh. Anh ta cứ nghĩ những con người khốn khổ này đang bị bóc lột, cho đến khi anh được những tín đồ ở đấy giải thích rằng việc sẽ giúp soa dịu các dây thần kinh của bệnh nhân.

Bất cứ một bác sĩ tâm thần nào cũng sẽ nói với bạn rằng công việc – hay việc giữ cho mình luôn bận rộn – là một trong những phương thuốc tốt nhất cho người mắc bệnh thần kinh. Thi hào Mỹ Henry W. Longfellow đã nhận ra điều đó khi vợ ông qua đời. Một ngày, trong lúc vợ chồng ông đang lấy nên hơ tan lớp xi dính thì quần áo của bà bị bắt lửa. Longfellow nghe thấy tiếng hét của vợ, vội lao đến nhưng không kịp nữa, bà đã chết vì bỏng nặng. Ông đau đớn vì cái chết thương tâm của vợ đến nỗi gần như hóa điên trong một thời gian sau đó. Nhưng may mắn là ông còn ba đứa con nhỏ đang cần đến sự chăm sóc của cha. Mặc dù rất đau buồn, ông vẫn phải gắng gượng đảm nhận vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ. Ông đưa các con đi dạo, kể chuyện cho chúng nghe, chơi với chúng và viết bài thơ bất hủ The Children’s Hour về các con. Ông còn dốc công dịch trọn vẹn kiệt tác La Divina Commedia (Thần khúc). Của Dante sang tiếng Anh, một bản dịch được xem là hay nhất trong rất nhiều bản dịch tác phẩm này. Tất cả những công việc đó khiến ông lúc nào cũng bận bịu đến quên cả bản thân và dần lấy lại sự thanh thản. Đúng như những gì Tennyson(18) nói khi ông mất đi người bạn thân thiết nhất của mình là Arthur Hallam: “Tôi phải làm việc để quên đi chính mình, để khỏi bị khô héo tâm can vì đau buồn”.

Trong lúc làm việc không ngơi tay, phần lớn chúng ta đều không phải khổ tâm vì suy nghĩ. Thế nhưng khoảng thời gian thảnh thơi sau giờ làm việc là rất nguy hiểm. Thời gian dành cho việc nghỉ ngơi vui vẻ ấy cũng chính là lúc sự lo lắng buồn phiền dễ len lỏi vào tâm trí chúng ta nhất. Đó là lúc chúng ta bắt đầu băn khoăn liệu mình đã đạt được những gì trong cuộc sống; liệu đời mình có tẻ nhạt quá không; sếp “có ý gì” không khi nhận xét như thế vào hôm nay; hay liệu mình có mất đi sự hấp dẫn với người khác giới, v.v

Khi không có việc gì làm, đầu óc chúng ta sẽ trở nên trống rỗng. Và như bất kỳ một vật trống rỗng nào khác, sẽ có một cái gì đó lập tức ùa vào lấp đầy nó. Và lấp đầy đầu óc ta khi đó là những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, thù oán, ghen tị, và ganh ghét. Vì sao vậy? Vì từ thuở sơ khai của loài người, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và đời sống đã tạo nên những cảm xúc ấy trước tiên, trở thành thiên hướng cảm xúc cố hữu của con người. Chúng mãnh liệt đến nỗi có thể lấn át tất cả những cảm xúc và ý nghĩ vui tươi, thanh thản khác của chúng ta.

James L. Mursell, giảng viên Đại học Sư phạm Columbia nhận xét: “Lo âu dễ khiến chúng ta bị rối loạn tinh thần nhất vào lúc ta đã hoàn thành công việc chứ không phải khi đang đầu tắt mặt tối với nó. Trí tưởng tượng lúc thảnh thơi sẽ vẽ ra cả những khả năng không tưởng nhất, sau đó lại phóng đại hậu quả của chúng lên. Những lúc như thế, đầu óc ta như một động cơ quay tít… Phương thuốc chữa trị lo lắng hữu hiệu là làm cho tâm trí bận rộn với một công việc tích cực nào đó”.

Không nhất thiết bạn phải là giáo sư đại học mới có thể nhận ra và áp dụng điều này. Trong thế chiến thứ hai, tôi có gặp một bà nội trợ người Chicago trên chuyến xe lửa từ New York đi Missouri và đã được nghe kể về cách bà nghiệm ra rằng: “Phương thuốc trị lo lắng hữu hiệu là làm cho tâm trí bận rộn với một công việc hữu ích nào đó”.

Vợ chồng bà có con trai tham gia quân đội từ sau trận Trân Châu Cảng(19) và bà gần như tự hủy hoại sức khỏe của mình vì quá lo nghĩ cho cậu con trai độc nhất. “Nó đang ở đâu” Có an toàn không? Hay đang chiến đấu? Liệu nó có bị thương không? Hay là đã chết?…” Những câu hỏi đó cứ quay cuồng trong đầu bà.

Khi tôi hỏi làm thế nào để bà thoát khỏi nỗi lo lắng ấy, bà nói: “Tôi làm cho mình lúc nào cũng bận rộn”. Đầu tiên, bà cho người giúp việc nghỉ để bản thân luôn bận bịu với việc nội trợ. Nhưng điều đó chẳng mấy tác dụng.

“Vấn đề ở chỗ tôi có thể làm việc nhà một cách máy móc mà không cần phải dùng đến đầu óc. Vì vậy, tôi vẫn cứ lo nghĩ trong khi dọn phòng hay rửa bát. Tôi nhận ra rằng mình cần một công việc đòi hỏi phải bận rộn cả chân tay lẫn đầu óc nên đã xin một chân bán hàng trong một cửa hàng bách hóa lớn.

Và công việc đó đã thực sự giúp ích cho tôi. Tôi thấy mình bị cuốn vào cuồng quay của công việc: Khách hàng liên tục hỏi tôi về mẫu mã, giá cả, kích cỡ, màu sắc,… Khiến tôi không có lấy một giây để nghĩ ngợi đến thứ gì ngoài việc bán hàng. Đêm về, tôi lại quanh quẩn cách làm giảm đau cho cái chân mỏi nhừ. Sau bữa tối, tôi lên giường và lập tức ngủ say như chết. Tôi chẳng còn thời gian và hơi sức đâu để mà lo nghĩ”.

Bà đã trải nghiệm điều mà John Cowper Powys đã viết trong quyển The Art of Forgetting the Unpleasant (Nghệ thuật quên đi những điều không vui): “Khi miệt mài tập trung vào công việc, tâm trí ta sẽ được xoa dịu trong sự bình yên, thanh thản và cảm giác lâng lâng hạnh phúc”.

Thật may mắn vì sự thật đúng là như thế! Osa Johnson, nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới đã kể cho tôi nghe cách bà dẹp bỏ được lo lắng và phiền muộn. Năm 16 tuổi, bà kết hôn với Martin Johnson và rời khỏi những con đường bằng phẳng vùng Chanute của bang Kansas để đến với những lối đi rậm rạp trong những khu rừng hoang dã ở Borneo. Suốt ¼ thế kỷ, đôi vợ chồng người Kansas này đã đi khắp thế giới, thực hiện những bộ phim tài liệu về cuộc sống hoang dã đang dần biến mất ở Châu Phi và Châu Á. Sau đó, họ bắt đầu đi diễn thuyết và công chiếu các bộ phim của mình. Không may, họ gặp nạn trong một chuyến bay từ Denver đến vùng duyên hải khi máy bay đâm vào một ngọn núi. Tai nạn khiến Martin Johnson chết ngay tại chỗ. Còn Osa, các bác sĩ chẩn đoán bà phải nằm liệt giường suốt đời. Nhưng bác sĩ đã không hiểu hết về con người của Osa Johnson. Ba tháng sau, bà đã ngồi trên xe lăn để diễn thuyết trước một đám đông khán giả. Khi tôi hỏi vì sao bà phải làm như vậy, bà trả lời: “Tôi muốn mình không có thời gian để đau khổ và ưu phiền” +++

Đô đốc Byrd(20) cũng nhận ra điều đó khi ông phải sống một mình suốt 5 tháng trong một chiếc lều chôn dưới lớp băng tuyết vùng Nam cực buốt giá – lớp băng nắm giữ những bí mật lâu đời của tự nhiên, bao phủ trên một diện tích rộng lớn cả nước Mỹ và châu Âu gộp lại. Suốt 5 tháng trời Đô đốc Byrd đã sống một mình ở đó, nơi không một sinh vật nào có thể tồn tại trong vòng bán kính 100 dặm. Cái lạnh khắc nghiệt đến mức ông có thể nhìn thấy hơi thở của mình bị đông cứng rồi kết thành băng và bay rít qua tai ông mỗi khi có gió thổi qua. Trong quyển Alone (Một mình), ông đã kể lại những ngày tháng sống trong bóng tối hoang vu, cô đơn và nặng nề đó. Ngày cũng như đêm, quanh ông chỉ là một màu đen thăm thẳm mênh mông. Ông phải giữ cho mình luôn bận rộn thì đầu óc mới tỉnh táo và sáng suốt. Ông viết:

“Ban đêm, trước khi tắt đèn đi ngủ, tôi tập cho mình thói quen phân chia sẵn thời gian cho từng công việc ngày mai. Chẳng hạn như một giờ để thông đường hầm lên mặt đất đã bị tuyết phủ kín sau một đêm, nửa giờ để san phẳng lớp tuyết bao phủ quanh hầm, một giờ để dựng thẳng lại các ống nhiên liệu, và một giờ để đục các giá sách trên bức tường hầm chứa thức ăn và hai giờ để gia cố lại thanh ngang bị gẫy trong chiếc xe kéo”.

Ông cho biết: “Cách làm này mang lại cho tôi một nhận thức rõ ràng là mình đang làm chủ bản thân. Nếu không, chuỗi ngày ở Nam cực sẽ là những ngày trống rỗng; và khi không có mục đích, cuộc sống của con người sẽ tự tan rã rồi chấm dứt”.

Bạn hãy lưu ý câu nói cuối cùng của ông: “Khi sống không có mục đích, cuộc sống của con người sẽ tự tan rã rồi chấm dứt”.

Nếu bạn và tôi đang lo lắng về vấn đề gì đó, hãy ghi nhớ rằng chúng ta có thể áp dụng liệu pháp cổ xưa này như một phương thuốc hữu hiệu. Nó đã được khẳng định bởi các nhà chuyên môn, trong đó có bác sĩ Richard C. Cabot, nguyên giáo sư y học lâm sàng của Đại học Harvard. Trong quyển sách What Men Live By (Con người sống nhờ vào điều gì), bác sĩ Cabon nói: “Là một bác sĩ, tôi có hạnh phúc lớn được chứng kiến việc lao động đã cứu được nhiều bệnh nhân mắc chứng chấn động thần kinh, chân tay tê liệt và run rẩy mà nguyên nhân là do nghi ngờ, lưỡng lự, do dự và sợ hãi”.

George Bernard Shaw đã đúng khi tổng kết rằng: “Muốn làm cho mình khốn khổ thì chỉ cần hỏi” bản thân có hạnh phúc hay không”.  Vì vậy, đừng nên dành thời gian cho việc nghĩ ngợi mà hãy xắn tay vào công việc và giữ cho mình luôn bận rộn. Khi lao mình vào công việc, máu trong cơ thể bạn sẽ lưu thông mạnh mẽ, trí óc sẽ năng động và nguồn sống dồi dào của cơ thể sẽ sớm xua tan nỗi lo lắng trong bạn.

Đừng ăn không ngồi rồi mà hãy giữ cho mình luôn hoạt động hướng về một mục đích tốt đẹp. Đó là phương thuốc rẻ nhất và hữu hiệu nhất trên đời để chữa trị căn bệnh lo lắng.

Để loại bỏ thói quen hay lo lắng, hãy tuân theo Nguyên tắc 1: Hãy giữ cho mình luôn bận rộn.

Chọn tập
Bình luận