Chắc bạn sẽ ngạc nhiên là tại sao tôi lại dành một Phần để nói về cách ngăn chặn sự mệt mỏi trong khi mục đích của quyển sách này là giúp bạn ngăn chặn nỗi lo lắng? Câu trả lời thật đơn giản: vì mệt mỏi thường tạo ra lo lắng, hoặc ít ra, nó khiến bạn dễ lâm vào trạng thái lo lắng. Bất cứ sinh viên y khoa nào cũng có thể cho bạn biết rằng mệt mỏi sẽ là giảm sút đề kháng của cơ thể với những bệnh cảm lạnh thông thường cùng hàng trăm căn bệnh khác; và bất cứ nhà tâm thần học nào cũng sẽ nói rằng nó còn làm giảm sức đề kháng của bạn với những cơn lo lắng và sợ hãi. Như vậy, ngăn chặn sự mệt mỏi có thể giúp ngăn chặn sự lo lắng.
Có phải tôi vừa nói: “có thể giúp ngăn chặn sự lo lắng”? Đó là một cách nói khiêm tốn. Bác sĩ Edmund Jacobson có thái độ quả quyết hơn nhiều. Là tác giả của hai quyển sách về tâm sinh lý, đồng thời là người đứng đầu trường Đại học thuộc viện thí nghiệm Bệnh tâm sinh lý Chicago, Bác sĩ Jacobson đã dành nhiều năm nghiên cứu và tuyên bố rằng bất cứ căn bệnh tinh thần nào cũng sẽ phải “lùi bước trước một trạng thái tinh thần hoàn toàn thư thái”. Đây chính là cách diễn đạt khác cho ý tưởng: Bạn không thể tiếp tục lo lắng nếu biết thư giãn.
Vì vậy, để ngăn chặn mệt mỏi và lo âu, quy tắc đầu tiên phải phải tuân theo là: Nghỉ ngơi thường xuyên. Nghỉ ngơi trước khi bạn bị mệt mỏi.
Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi mệt mỏi có thể tích tụ với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc. Qua nhiều lần thí nghiệm, quân đội Hoa kỳ đã phát hiện ra rằng đến những người trẻ tuổi và đã rắn rỏi sau quá trình rèn luyện nghiêm khắc trong quân ngũ cũng sẽ hành quân tốt hơn, đứng nghiêm lâu hơn nếu cứ mỗi giờ tập luyện lại được hạ ba lô xuống, nghỉ ngơi trong khoảng 10 phút. Trái tim mỗi ngày tim bơm đi khắp cơ thể đủ để đổ đầy môt toa chở hàng trên xe lửa. Mỗi ngày, nó tạo ra môt lực đủ sức nâng 20 tấn than đá lên một toa xe cao cả mét. Và trái tim của chúng ta có thể tiến hành khối lượng cộng việc lớn đế khó tin này 50, 70 hoặc thậm chí 90 năm! Bằng cách nào? Bác sĩ Walter B. Cannor, giảng viên Trường Y Khoa Harvard cho biết: “Hầu hết mọi người đều cho rằng trái tim làm việc liên tục. Nhưng thực ra, sau mỗi lần co bóp, nó đều có một khoảng thời gian nghỉ ngơi nhất định. Ở nhịp đập trung bình 70 lần/phút, trái tim thực tế chỉ làm việc 9/24 giờ. Nghĩa là trong một ngày, nó có 15 giờ để nghỉ ngơi.
Trong Thế chiến thứ hai, Winston Churchill dù đã gần 70 tuổi những vẫn duy trì cường độ làm việc 16 tiếng/ngày trong nhiều năm liền. Đâu là bí quyết để ông tạo nên kỷ lục đó? Đây là lịch làm việc của ông: Từ sáng cho đến 11 giờ trưa, ông đọc báo cáo, phát lệnh, gọi điện thoại và điều hành các cuộc họp quan trong … trên giường. Sau khi dùng bữa trưa, ông chợp mắt trong khoảng một giờ. Đến tối, ông lại ngủ thêm 2 tiếng nữa trước khi đến giờ ăn vào lúc 8 giờ. Ông chưa bao giờ phải đi chữa chứng mệt mỏi. Ông đã ngăn chặn trước khi nó xảy ra. Nhờ biết nghỉ ngơi thường xuyên nên ông có thể làm việc đến nửa đêm mà vẫn tỉnh táo và khỏe mạnh.
John D. Rockfeller xuất chúng cũng lập ra hai kỷ lục phi thường. Ông gây dựng nên một gia tài lớn nhất trong lịch sử hiện đại, đồng thời cũng là người sống thọ đến 98 tuổi. Bằng cách nào? Tất nhiên, lý do chính là vì ông được thừa hưởng gien sống lâu. Và còn một lý do nữa là ông có thói quen ngủ trưa nửa giờ trong văn phòng của mình. Ông thường nằm dài trên chiếc đi văng – và khi John D. Rockefeller đã ngáy khò thì đến Tổng thống Hoa Kỳ cũng không thể khiến ông ngồi dậy nghe điện thoại!
Trong quyển sách xuất sắc Why Be Tired (Tại sao lại mệt mỏi). Daniel W. Josselyn viết: “Nghỉ ngơi không đơn thuần là trạng thái không làm gì hết. Điểm cốt lõi của nó là một quá trình để cơ thể tự phục hồi”. Một thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi cũng có khả năng phục hồi vô cùng kỳ diệu. Năm phút ngủ trưa cũng đủ giúp bạn loại bỏ phần lớn sự mệt mỏi! Connie Mack, người hùng một thời của môn bóng chày từng bảo tôi rằng nếu không được chớp mắt một chút trước trận đấu thì ông sẽ khó cầm cự hết lượt thứ năm. Nhưng nếu được ngủ, dẫu chỉ trong 5 phút thôi, ông có thể chơi hai trận liên tiếp mà không thấy mệt mỏi gì.
Khi được tôi hỏi làm thế nào để có thể đảm nhiệm một lịch trình công việc dày đặc như thế trong suốt 12 năm ở Nhà Trắng, Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt cho biết trước khi phát biểu hoặc gặp mặt công chúng, bà đều dành khoảng 20 phút ngồi nhắm mắt, tựa lưng vào ghế để thư giãn.
Có lần tôi từng đến phỏng vấn Gene Autry trong phòng thay đồ tại khu liên hợp thể thao Madison Square Garden. Lúc ấy, ông đang là tâm điểm chú ý của giải vô địch cưỡi bò thế giới. Thấy tôi chú ý đến chiếc võng quân đội mắc trong phòng, Gene Autry giải thích: “Chiều nào tôi cũng nằm nghỉ trên đó và thường ngủ khoảng một giờ giữa các màn trình diễn”. Ông nói tiếp: “Khi quay phim ở Hollywood, tôi hay nằm nghỉ trên môt cái ghế rộng, thoải mái và cố chợp mắt 3 lần trong ngày, mỗi lần khoảng 10 phút. Nhờ thế mà tôi luôn cảm thấy khỏe khoắn”.
Edison có được sức khỏe dẻo dai và khả năng làm việc bền bỉ cũng là nhờ thói quen có thể ngủ bất cứ khi nào mình muốn.
Tôi cũng có dịp được phỏng vấn Henry Ford không lâu trước lần sinh nhật thứ 80 của ông và thực sự ngạc nhiên trước phong thái khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực của con người này. Tôi liền hỏi ông về bí quyết và đã được trả lời rằng: “Tôi không bao giờ đứng trong khi có thể ngồi; và không bao giờ cố ngồi trong khi có thể nằm”.
Horace Mann, “cha đẻ của giáo dục hiện đại”, cũng làm như vậy khi về già. Hồi còn là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Antioch, ông thường nằm trên đi-văng trong lúc đặt câu hỏi cho các sinh viên.
Tôi đã tìm cách thuyết phục một đạo diễn ở Hollywood thực hiện điều tương tự, và kết quả đạt được thật kỳ diệu. Ông chính là Jack Chertock, một trong những đạo diễn hàng đầu của kinh đô điện ảnh. Vài năm trước đây, khi đang là phụ trách phòng phim ngắn của M-G-M, ông đã đến gặp tôi trong trạng thái mệt mỏi và hoàn toàn kiệt sức. Ông đã thử nhiều phương cách: thuốc bổ, vitamin, thuốc đang chữa trị nhưng đều không có mất tác dụng. Tôi khuyên ông nên nghỉ ngơi mỗi ngày. Bằng cách nào? Bằng cách nằm thư giãn trong văn phòng khi đang điều hành các cuộc họp với khối biên dịch.
Hai năm sau, tôi lại gặp ông. Ông bảo: “Kết quả như một phép màu! Các bác sĩ của tôi đều nói vậy. Trước kia tôi thường ngồi trên ghế để thảo luận về các ý tưởng cho phim ngắn và luôn cảm thấy rất căng thẳng, bức bối. Bây giờ, nằm thoải mái trên đi-văng trong suốt buổi thảo luận, tôi chưa bao giờ cảm thấy khỏe khoắn như thế này trong suốt 20 năm. Dù phải làm việc nhiều hơn trước kia 2 giờ nhưng tôi hiếm khi thấy mệt mỏi”.
Liệu bạn có áp dụng được tất cả những điều kiện trên không? Nếu là một người viết tốc ký, hẳn bạn sẽ không thể ngủ trưa trong văn phòng như nhà khoa học Sdison hay nhà sản xuất phim Sam Goldwyn; và nếu là một nhân viên kế toán thì chắc chắn bạn không thể vừa nằm trên đi-văng vừa thảo luận với sếp về các báo cáo tài chính được. Tuy nhiên nếu sống trong một thành phố nhỏ và về nhà ăn trưa thì bạn có thể tranh thủ thủ mười phút sau khi ăn xong.
Đây chính là điều mà Tướng George C. Mardhal đã làm. Vào thời chiến, ông nhận thấy mình đang bị quá tải với nhiệm vụ chỉ huy quân đội Hoa Kỳ nên đã buộc bản thân phải nghỉ ngơi vào buổi trưa. Nếu bạn đã hơn 50 tuổi và cho rằng mình quá bận rộn đến mức không thực hiện được việc đó thì tốt nhất là hãy mua ngay mọi loại bảo hiểm nhân thọ có thể mua được. Ngày nay, các lễ tang khá tốn kém mà cái chết lại xảy ra rất đột ngột; biết đâu vị hôn phu hoặc hôn thê của bạn lại cần đến số tiền bảo hiểm ấy để cưới một người trẻ trung hơn thì sao!
Nếu không thể ngủ trưa thì ít nhất bạn cũng nên nằm nghỉ khoảng một giờ trước bữa tối. So với việc mua một ly cốc-tai để nhấm nháp trước bữa ăn thì cách làm này rẻ hơn nhiều mà xét về lâu dài lại có hiệu quả gấp ngàn lần. Nếu có thể ngủ khoảng 60 phút trong khoảng 17 đến 19 giờ thì mỗi ngày bạn sẽ góp thêm một giờ vào quỹ thời gian hoạt động của mình. Tại sai? Vì một giấc ngủ ngắn 1 giờ trước bữa tối cộng với 6 giờ ngủ ban đêm – tổng cộng 7 giờ – sẽ có lợi cho bạn hơn so với 8 tiếng ngủ li bì liên tục.
Một người lao động chân tay sẽ làm được nhiều việc hơn nếu có thêm thời gian nghỉ ngơi. Frederick Taylor đã chứng tỏ điều đó trong thời gian làm kỹ sư quản lý cho Công ty Thép Bethlehem. Ông quan sát thấy trung bình, mỗi công nhân chất được 12,5 tấn hàng lên xe là đã bị kiệt sức. Sau khi làm một nghiên cứu khoa học có tính đến tất cả các yếu tố gây mệt mỏi, ông nhận ra những công nhân này đáng lẽ phải chất được 47 tấn mỗi ngày chứ không phải 12,5 tấn! Nghĩa là họ sẽ tăng gần bốn lần công suất hiện tại mà vẫn không bị mệt mỏi.
Ông chứng mình bằng cách chọn một công nhân tên là Schmidt và yêu cầu anh này làm theo sự hướng dẫn của một người cầm chiếc đồng hồ bấm giờ đứng bên cạnh, nhắc nhở thời gian nghỉ ngơi giữa những lần Schmidt khiêng thép.
Kết quả ra sao? Schmidt vác được 47 tấn thép mỗi ngày, trong khi con số này ở những người khác chỉ là 12,5 tấn. Và suốt ba năm Frederick Taylor ở Bethlehem, Schmidt chưa bao giờ làm việc dưới công suất ấy. Người công nhân này có thể làm được thế là bởi anh đã nghỉ ngơi trước khi bị quá sức. Trong một giờ, anh làm việc khoảng 26 phút và dành 34 phút còn lại để nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ của anh còn nhiều hơn thời gian làm – nhưng khối lượng công việc đạt được lại gấp 4 lần người khác! Có phải đây chỉ là những lời đồn đại suông! Không hề, bạn có thể đọc kỹ câu chuyện này ở trang 41-62 trong quyển Principles of Scientific Management (Nguyên tắc quản lý khoa học) của Frederick Winslow Taylor.
Cho phép tôi nhắc lại: Hãy làm theo nguyên tắc hoạt động của trái tim bạn – nghỉ ngơi điều đó, nghỉ ngơi trước khi bị quá sức. Và như thế, mỗi ngày bạn có thể góp thêm một giờ cho quỹ thời gian của mình
Nguyên tắc 1:
NGHỈ NGƠI ĐIỀU ĐỘ, NGHỈ NGƠI TRƯỚC KHI BỊ QUÁ SỨC