Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống

Chương 9: Hợp tác với những điều không thể tránh khỏi

Tác giả: Dale Carnegie
Chọn tập

Khi còn nhỏ, tôi thường cùng mấy người bạn chơi đùa trên gác một ngôi nhà đã bỏ hoang từ lâu ở vùng tây bắc Missouri. Một lần, tôi nghịch ngợm đứng trên bậu cửa sổ để lấy đà phóng xuống đất. Không may, chiếc nhẫn đang đeo ở ngón trỏ trái bị mắc vào một đầu đinh nhọn và cứa đứt rời một ngón tay của tôi.

Tôi hét lên kinh hoàng. Tôi tin chắc mình sắp chết! Nhưng sau khi vết thương lành lại, tôi chẳng còn lo lắng một giây nào về điều đó nữa. Mà nếu lo lắng thì có được ích lợi gì? Tôi đã chấp nhận những điều không thể thay đổi.

Bây giờ, có khi cả mấy tháng tôi cũng không để ý về việc bàn tay trái của mình chỉ còn có bốn ngón.

Vài năm trước, tôi gặp một người đang điều khiển một xe nâng hàng ở một tòa nhà văn phòng tại New York và để ý thấy anh bị đứt cả bàn tay trái. Tôi hỏi liệu điều đó có làm anh phiền muộn không. Anh trả lời: “Ồ, không, tôi hầu như không bao giờ bận tâm. Tôi chưa kết hôn và lần duy nhất tôi nghĩ về nó là khi đang cố xâu sợi chỉ qua lỗ kim!”.

Thật đáng ngạc nhiên là trong hầu hết các trường hợp, khi tình thế bắt buộc chúng ta phải chấp nhận một điều gì đó, chúng ta đều có thể chấp nhận một cách nhanh chóng và hơn nữa thế, còn thích nghi với nó một cách tự nhiên.

Tôi thường nghĩ đến dòng chữ được khắc trên cửa của một nhà thờ từ thế kỷ thứ mười lăm hiện đã đổ nát ở Amsterdam, Hà Lan: “Nếu đúng như thế, thì không thể nào khác được”.

Trong cuộc đời, có thể bạn và tôi sẽ còn gặp nhiều tình huống khó khăn không thể tránh được. Khi đó, chúng ta có quyền lựa chọn: hoặc là chấp nhận nó như những điều không thể tránh khỏi và điều chỉnh bản thân để thích nghi, hoặc tự hủy hoại cuộc đời mình bằng cách phản kháng để dẫn đến một kết cục suy sụp thần kinh.

Dưới đây là lời khuyên đúng đắn của một trong những triết gia mà tôi yên mến nhất, WiIliam James: “Hãy sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện đã xảy ra. Đó là bước đầu tiên để vượt qua bất kỳ điều bất hạnh nào”Elizabeth Connley ở Portland, bang Oregon đã phải mất một thời gian đau đớn rất lâu trước khi nhận ra điều này. Dưới đây là lá thư bà viết cho tôi:

“Vào đúng cái ngày nước Mỹ kỷ niệm chiến thắng của quân đội chúng ta ở Bắc Phi, tôi nhận được điện từ Bộ chiến tranh: cháu trai tôi – đứa cháu mà tôi yêu quý nhất – đã mất tích khi làm nhiệm vụ. Không lâu sau, một bức điện khác gửi đến xác nhận rằng nó đã chết.

Tôi đã quỵ ngã vì quá đau buồn. Trước khi chuyện này xảy ra, tôi luôn cảm thấy cuộc đời thật quá tốt với tôi. Tôi có được công việc mình yêu thích. Tôi đã góp công nuôi dưỡng đứa cháu trai này. Đối với tôi, nó là hiện thân cho tất cả những gì tốt đẹp nhất của tuổi trẻ. Tôi có cảm giác như mọi mẩu bánh mì tôi thả xuống nước đều trở về với tôi và trở thành những chiếc bánh ngọt!… Thế rồi bức điện đó đến. Cả thế giới như đổ sụp trước mặt tôi. Tôi cảm thấy rằng chẳng còn gì trên đời này đáng để sống. Tôi xao lãng công việc, thờ ơ với bạn bè, và buông xuôi tất cả. Tôi cảm nhận cay đắng và phẫn uất. Tại sao đứa cháu trai yêu quý của tôi lại ra đi? Một thằng bé tốt như thế – với cả cuộc đời còn rộng mở phía trước – sao lại phải chết? Tôi không thể chấp nhận điều đó. Nỗi đau buồn choáng ngợp đến nỗi tôi quyết định bỏ việc và dọn đi nơi khác để sống khép mình trong nước mắt và nỗi cay đắng.

Khi đang lau dọn chiếc bàn của mình và chuẩn bị rời đi, tôi tình cờ thấy một lá thư mà mình đã bỏ quên – lá thư của đứa cháu trai xấu số, lá thư nó viết cho tôi khi mẹ nó qua đời mấy năm trước đó: “Tất nhiên, chúng ta đều nhớ mẹ cháu, nhất là bà. Nhưng cháu biết bà sẽ gắng gượng được. Triết lý sống của bà sẽ giúp bà làm được điều đó. Cháu sẽ không bao giờ quên những gì bà đã dạy cháu. Dù ở đâu, dù có xa bà, cháu sẽ luôn nhớ rằng bà đã dạy cháu phải biết cười, và đón nhận những gì sắp đến – như một người đàn ông thực thụ”.

Tôi đọc đi đọc lại lá thứ, tưởng như thằng bé đang ở bên tôi, đang trò chuyện cùng tôi. Nó như đang nói với tôi rằng: “Tại sao bà không làm như những gì bà dạy cháu? Bà hãy gắng lên, cho dù điều đó xảy ra đi nữa. Hãy giấu nỗi đau buồn của mình sau những nụ cười và gắng lên bà nhé!”.

Vậy là tôi quay lại làm việc. Tôi không còn cay đắng và nổi loạn nữa. Tôi luôn thầm nhủ: “Mọi chuyện đã qua. Mình không thể thay đổi điều gì. Nhưng mình có thể và sẽ tiếp tục sống như thằng bé hằng mong muốn”. Tôi dành toàn bộ tâm sức vào công việc của mình. Tôi viết thứ cho những người lính – con cháu của những người khác. Tôi tham sự một lớp học buổi tối dành cho người lớn để tìm niềm vui và kết bạn. Rồi không thể tin được là sự thay đổi đã đến với tôi. Tôi không còn than khóc về quá khứ đã qua đi mãi mãi. Giờ đây, với tôi mỗi ngày đề tràn ngập niềm vui – đúng như những gì cháu trai tôi hằng mong muốn. Tôi đã tìm thấy sự thanh thản trong cuộc sống. Tôi đã biết chấp nhận số phận của mình. Bây giờ, tôi đang sống trọn vẹn và hết mình hơn bao giờ hết”.

Elizabeth Connley đã hiểu được điều mà tất cả chúng ta rồi sẽ phải hiểu dù sớm hay muộn, đó là phải biết chấp nhận và hợp tác với những điều không thể tránh khỏi. “Nếu đúng là thế thì nó không thể tránh được”. Đó là một bài học không dễ thực hành. Ngay cả những vị vua trên ngai vàng cũng phải luôn nhắc nhở mình về điều này. Vua George(26)đã đóng khung những lời dưới đây và treo trên tường thư viện của điện Buckingham: “Đừng đòi hỏi việc hái mặt trăng xuống, cũng đừng than khóc vì những gì đã qua”.Schopenhauer(27) cũng có suy nghĩ tương tự, thể hiện qua câu nói: “Biết cam chịu hợp lý là hành trang quan trọng nhất để chuẩn bị bước vào đường đời”.

Rõ ràng không phải hoàn cảnh làm cho chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh, mà chính là cách phản ứng của chúng ta với hoàn cảnh ấy mới quyết định cảm xúc vui buồn. Chúa Yesus từng nói thiên đường nằm ngay trong bản thân ta. Và đó cũng là nơi ngự trị của địa ngục.

Tất cả chúng ta đều có khả năng chịu đựng và chiến thắng các tai họa và bị kịch – nếu hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải làm thế. Chúng ta có thể nghĩ rằng việc gì đó nằm ngoài khả năng của mình, nhưng thực sự thì chúng ta mạnh mẽ hơn nhiều so với mình tưởng. Trong mỗi người đều tiềm ẩn những nguồn nội lực mạnh mẽ đến kinh ngạc mà nếu được phát huy thì khó khăn nào chúng ta cũng có thể vượt qua.

Booth Tarkington(28) thường nói: “Tôi có thể chịu đựng mọi thứ mà cuộc đời mang lại, ngoại trừ một thứ: sự mù lòa. Tôi không bao giờ chịu đựng nổi điều đó”. Thế rồi một ngày nọ, khi vào độ tuổi 60, Tarkington nhìn xuống tấm thảm trên sàn nhà thì thấy các màu sắc bỗng nhiên nhòa đi, không thể nhìn rõ hoa văn. Bác sĩ chuyên khoa cho ông biết một sự thật bi thảm: ông đang mất dần thị lực. Một mắt của ông đã gần như bị mù; mắt còn lại rồi cũng sẽ như thế. Vậy là điều mà ông lo sợ nhất đã xảy đến với ông.

Và Tarkington đã phản ứng với “tai họa tồi tệ nhất” này như thế nào? Liệu ông có nghĩ: “Trời ơi! Đời mình vậy là hết”? Không, trước sự ngạc nhiên của chính mình, ông cảm thấy khá vui vẻ, thậm chí còn nảy ra những ý nghĩ khôi hài. Đôi lúc, mắt ông chỉ thấy “những đốm nhỏ” lơ lửng che lấp hết mọi vật, khiến ông vô cùng khó chịu. Ấy vậy mà khi một đốm sáng lớn nhất trong số đó xuất hiện, ông lại bông đùa: “Xin chào! Lại thêm một cha to béo nữa! Không hiểu hắn sẽ đi đâu vào một buổi sáng đẹp trời như thế này!”.

Liệu số phận có thể đánh ngã một con người như thế? Không hề. Khi trước mặt ông chỉ còn là bóng tối, Tarkington đã nói: “Tôi biết mình có thể chịu đựng được việc không còn thị lực, cũng như những người khác có thể đương đầu với các rắc rối của họ. Nếu mất cả năm giác quan, tôi biết mình vẫn có thể sống dựa vào tâm hồn. Bởi chúng ta nhìn và sống bằng tâm hồn, dù chúng ta có ý thức được điều đó hay không”.

Với hy vọng lấy lại được thị lực, trong một năm, Tarkington phải trải qua hơn 12 cuộc phẩu thuật với phương pháp gây tê cục bộ! Liệu ông có la hét phản đối? Ông biết đó là điều phải làm và không thể tránh được. Vì vậy, cách duy nhất để làm nhẹ bớt những gì đang phải chịu đựng là vui vẻ chấp nhận nó. Thay vì thu xếp nằm trong một phòng riêng của bệnh viện, ông đến ở trong khu bệnh xá chung, nơi có rất nhiều người cũng đang gặp phải cảnh ngộ không may. Ông cố gắng làm họ phấn chấn lên. Và khi phải trải qua hết ca phẫu thuật này đến ca phẫu thuật khác – hoàn toàn ý thức được những gì đang xảy ra với mắt mình – ông cố gắng nhắc nhở mình đã may mắn thế nào. Ông nói: “Thật kỳ diệu! Kỳ diệu làm sao là khoa học ngày nay đã có thể phẫu thuật được một thứ mỏng mạnh như mắt người!”.

Một người bình thường có lẽ đã suy sụp tinh thần nếu phải chịu đựng 12 ca phẫu thuật và sự mù lòa. Ấy thế mà Tarkington nói: “Tôi sẽ không đánh đổi trải nghiệm này để lấy một điều gì khác vui vẻ hơn”. Bởi trải nghiệm đó đã dạy cho ông biết chấp nhận. Nó dạy ông rằng cuộc sống không thể mạng lại một điều gì nằm ngoài sức chịu đựng của ông. Nó dạy ông một điều, như John Milton(29) từng khám phá trước đó, rằng: “Người ta không khổ sở vì bị mù lòa, mà chỉ khổ sở vì không thể chịu đựng nổi sự mù lòa”.

Margaret Fuller, một nhà bình quyền nữ giới rất nổi tiếng người vùng New Angland, đã từng lấy câu nói sau đây là phương châm của mình: “Tôi chấp nhận Thế Giới!”. Đúng vậy, bạn và tôi, chúng ta cũng cần biết chấp nhận những điều không thể tránh khỏi, bởi dẫu có tức tối phản kháng hay cay cú thế nào thì chúng ta cũng chẳng thể thay đổi được gì mà chỉ làm cho mình thêm khốn đốn.

Tôi khẳng định như thế bởi vì tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh đó. Có lần, tôi không chịu chấp nhận một tình huống không thể tránh khỏi và cố đối đầu với nó. Tôi đã làm cái điều dại dột là phản kháng và nổi loạn. Tôi biến những buổi tối thành một chuỗi những đêm dài khổ sở vì mất ngủ. Tôi tự lôi mình vào những chuyện không mong muốn để rồi sau một năm tự hành hạ bản thân, tôi buộc phải chấp nhận điều mà tôi đã biết ngay từ đầu là không thể thay đổi được.

Lẽ ra từ nhiều năm trước, tôi nên học theo cách của Walt Whitman(30) mà nhìn sự đói khổ và mọi tai họa ở đời như cách của cỏ cây, muôn thú:

Ồ, hãy đương đầu với đêm tối, giông bão, cơn đói,sự nhạo báng, rủi ro, cự tuyệt như cách các loài vật vẫn làm.

Tôi đã có 12 năm làm việc với gia súc và đúng là chưa bao giờ thấy một con bò nào tỏ ra lo lắng vì đồng cỏ đang chết khô do thiếu mưa, hay vì mưa tuyết và lạnh giá, hay vì “người yêu” của nó đang để ý đến một con bò khác. Loài vật thản nhiên đương đầu với mọi khó khăn, đau khổ nên chúng không bao giờ bị suy nhược thần kinh hay loét dạ dày và cũng chẳng bao giờ bị mất trí.

Nói như thế không có nghĩa là tôi khuyên bạn hãy cúi đầu trước tất cả những nghịch cảnh. Hoàn toàn không! Không được xuôi theo định mệnh một cách thụ động như thế. Nếu còn một cơ hội cứu vãn thì phải tranh đấu đến cùng! Nhưng khi mọi giác quan đều đã mách bảo rằng chúng ta đang chống lại một điều hiển nhiên – điều không thể nào thay đổi được – thì bạn hãy sáng suốt và minh mẫn chấp nhận sự thật, đừng “nhìn trước ngó sau và mòn mỏi chờ mong những điều không thể”.

Khi viết quyển sách này, tôi đã phỏng vấn rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao của Mỹ. Tôi ấn tượng khi biết rằng họ đã thực sự hợp tác với những điều không thể tránh khỏi và nhờ đó mà có một cuộc sống không vướng bận âu lo. Nếu không làm thế, hẳn họ đã bị kiệt sức vì căng thẳng. Sau đây là một số điều những con người nổi tiếng ấy chia sẻ:

J. C. Penney, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Penney trên toàn thế giới đã nói với tôi: “Nếu có mất hết tất cả tiền mình có được, tôi cũng không lo lắng bởi vì tôi biết lo lắng cũng chẳng ích gì. Tôi sẽ cố gắng làm việc bằng tất cả khả năng và chấp nhận mọi kết quả”.

Henry Ford lừng danh với hãng xe hơi Ford cũng cho biết điều tương tự: “Khi tôi không thể định đoạt mọi chuyện, tôi để chúng tự định đoạt”.

Khi được hỏi làm thế nào để thoát khỏi lo lắng, K. T. Keller, lúc đó là chủ tịch Tập đoàn Chrysler, đã trả lời tôi rằng: “Khi đương đầu với một tình huống phức tạp, nếu có thể làm được điều gì thì tôi sẽ làm. Nếu không thể, tôi chỉ việc quên nó đi. Tôi không bao giờ thấp thỏm về tương lai bởi tôi biết không ai có thể tiên đoán được những gì sắp xảy ra. Có quá nhiều thứ chi phối đến tương lai! Không ai có thể chỉ ra hoặc hiểu được nguyên nhân đứng sau chúng. Vậy tại sao tôi lại phải lo lắng cơ chứ?”. K. L. Kellter sẽ bối rối nếu bạn gọi ông là một triết gia. Ông chỉ là một doanh nhân giỏi, nhưng ông có chung triết lý như triết gia Hy Lạp cổ đại Epictetus. Cách đây 19 thế kỷ, Epictetus đã dạy những người dân thành Rome rằng: “Chỉ có duy nhất một con đường dẫn tới hạnh phúc, đó là ngừng lo lắng về những điều nằm ngoài sức mạnh ý chí của chúng ta”.

Sarah Bernhardt, “nữ thần Sarah”, là ví dụ điển hình về một người phụ nữ biết cách hợp tác với những điều không thể tránh khỏi. Trong nữa thế kỷ, bà luôn giữ ngôi vị thống trị ở các nhà hát trên cả bốn châu lục – là nữ diễn viên được yêu mến nhất trên thế giới. Thế rồi khi bà ở tuổi 71, khánh kiệt tiền bạc, giáo sư Pazzi ở Paris lại thông báo rằng ông sẽ phải cắt bỏ một chân của bà. Trước đó, trên đường vượt qua Đại Tây Dương, bà đã bị thương nặng ở chân do ngã trên boong tàu trong một trận bão. Bệnh viêm tĩnh mạch phát tác khiến chân bà bị co rút. Vết thương ngày càng nghiêm trọng đến nỗi bác sĩ thấy rằng cần phải cắt bỏ cả chân. Ông rất sợ phải thông báo với “nữ thần Sarah” đầu cuồng nhiệt bởi tin chắc rằng thông tin khủng khiếp này sẽ thổi bùng lên một cơn kích động. Nhưng ông đã lầm. Sarah nhìn ông giây lát, rồi nhẹ nhàng nói: “Nếu bắt buộc thế, thì phải làm thôi”.

Khi thấy mẹ mình được đưa đến phòng mổ trên chiếc xe lăn, con trai bà đã khóc. Bà liền vẫy tay với anh trong một điệu bộ vui vẻ và nói: “Con đừng đi đâu nhé. Mẹ sẽ ra ngay!”.

Trên đường đến phòng mổ, bà nhẩm đọc một đoạn trích trong một vở kịch đã diễn. Một người hỏi có phải bà làm thế để tự khích lệ tinh thần mình hay không, bà đáp: “Không phải, để cổ vũ bác sĩ và y tá. Họ sẽ phải chịu áp lực căng thẳng”.

Khi đã hồi phục sau ca phẩu thuật, Sarah Bernhardt tiếp tục đi vòng quanh thế giới và làm say đắm khán giả thêm 7 năm nữa.

Elsie MacCormick đã viết trên tạp chí Reader’s Digest rằng: “Khi thôi phản kháng lại những điều không thể tránh khỏi, ta sẽ tự giải phóng một nguồn năng lượng giúp ta tạo dựng một cuộc sống tươi đẹp hơn”.

Không ai có đủ tinh thần và sức lực để vừa chống lại những điều không thể thay đổi, vừa tạo lập một cuộc sống mới. Hãy chọn một trong hai. Bạn có thể hoặc xuôi theo những cơn bão tuyết không thể tránh khỏi trong đời – hoặc phản kháng để rồi suy sụp!

Tôi đã chứng kiến điều đó xảy ra tại trang trai của mình ở Missouri. Tôi đã trồng rất nhiều cây ở đó và chúng lớn rất nhanh. Rồi một con bão tuyết xuất hiện, phủ lên các cành cây một lớp băng dày. Thay vì uốn mình để chịu đựng, những thân cây ấy vẫn kiêu hãnh đứng thẳng để rồi cuối cùng, dưới sức nặng của băng tuyết, các cành cây bị bẻ gẫy, thân cây bị chẻ toạc ra – và chết. Chúng đã không học được sự khôn ngoan của những cánh rừng phương Bắc. Tôi đã đi hàng trăm dặm băng qua những khi rừng canh ngút ngàn của Canada mà chưa hề thấy một cây thông nào bị gãy vì mưa tuyết hay băng giá. Những loài cây xanh quanh năm ấy biết cong mình, uyển chuyển, biết hợp tác với điều không thể tránh khỏi là lớp băng tuyết phủ dày mỗi năm.

Những giảng viên môn võ nhu đạo luôn dạy võ sinh của mình phải biết “mềm dẻo như cây liễu; đừng cứng ngắc như cây sồi”.

Theo bạn, tại sao lốp xe lại có thể bền bỉ lăn trên mặt đường và chịu được nhiều va đập đến thế? Ban đầu, các nhà sản xuất đã cố gắng làm ra những chiếc lốp dày và cứng để chống lại những cú xóc nảy trên mặt đường. Thế nhưng, chẳng mấy chốc nó đã rách tả tơi. Rồi họ chế tạo một loại lốp “mềm dẻo” hơn, có thể hấp thu những va chạm với mặt đường – và nó đã trụ được! Bạn và tôi, chúng ta sẽ hưởng một chuyến đi dài và êm ái hơn, nếu ta học được cách chịu đựng những cú va chạm và xóc nảy trên con đường đời gồ ghề, chông gai.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chống lại những cú va đập của cuộc sống thay vì chấp nhận chúng? Điều gì sẽ xảy ta nếu chúng ta không chịu “mềm dẻo uốn mình như cây liễu” và khăng khăng chống chọi như cây sồi? Câu trả lời thật rõ ràng. Chúng ta sẽ tự tạo ra hàng loạt những cuộc xung đột nội tâm, sẽ lo lắng, căng thẳng, bồn chồn, và bị rối loạn thần kinh.

Nếu cứ muốn bác bỏ thế giới thực tại khắc nghiệt và thu mình trong thế giới mơ mộng do chính mình tạo ra, chúng ta sẽ bị mất trí và phát điên.

Trong chiến tranh, hàng triệu binh lính buộc phải lựa chọn giữa việc chấp nhận những điều không thể tránh khỏi hoặc chịu suy sụp dưới áp lực căng thẳng. Câu chuyện sau đây của William H. Casselius ở Glendale, New York, là một ví dụ:

“Không lâu sau khi gia nhập Đội bảo vệ bờ biển, tôi được giao phụ trách trong những điểm nóng nhất bên bờ Đại Tây Dương với nhiệm vụ trông coi thuốc nổ. Thử tưởng tượng mà xem: Tôi, một nhân viên bán kẹo giòn, trở thành người giám sát thuốc nổ! Chỉ riêng cái ý nghĩ mình đang đứng giữa hàng ngàn tấn thuốc nổ TNT cũng đủ làm tôi ớn lạnh đến tận xương tủy. Tôi chỉ được hướng dẫn trong hai ngày; và những gì học được lại càng khiến tôi sợ hãi hơn.

Tôi sẽ không bao giờ quên nhiệm vụ đầu tiên của mình. Đó là một ngày sương mù âm u và lạnh lẽo trên cầu tàu ở Mũi Caven, Bayonne, New Jersey, Tôi phải giám sát việc vận chuyển chất nổ vào khoang thứ 5 trên tài của chúng tôi. Cấp trên giao cho tôi năm người phụ khuân vác có sức vóc nhưng lại không biết gì về thuốc nổ. Vậy mà chính họ đang làm việc với những trái bom, mỗi trái chứa một tấn thuốc nổ TNT – đủ để thổi bay cả con tàu về thế giới bên kia. Nhìn những trái bom ấy đang được hạ xuống tàu bằng hai sợi dây cáp móc, tôi cứ phập phồng hoảng hốt: Giả sử một trong hai sợi cáp đó bị trượt – hay bị đứ! Ôi trời! Tôi không sợ làm sao được! Tôi rùng mình. Miệng khô khốc. Đầu gối chùng xuống. Tim đập thình thịch. Nhưng tôi không thể chạy trốn. Như  thế là đào ngũ. Tôi sẽ bị khinh ghét – cha mẹ sẽ thấy hổ thẹn – và tôi có thể bị bắn vì tội đào ngũ. Tôi không thể bỏ chạy. Tôi phải ở lại. Tôi căng mắt nhìn cái cung cánh thờ ơ của những người đang di chuyển những trái bom ấy. Theo kiểu này, con tàu có thể nổ tung bất cứ lúc nào!

Sau khoảng hơn một giờ sợ hãi đến lạnh toát sống lưng, tôi bắt đầu lấy lại được đôi chút bình tĩnh và tự nhủ: “Nghe này! Cứ cho là con tàu sẽ nổ tung đi. Vậy thì sao chứ! Mình sẽ chết trước khi kịp thấy đau đớn. Đó là một cái chết dễ dàng. Tôi chán so với chết vì bệnh ung thư. Đừng có ngốc nghếch nữa. Chẳng ai có thể sống mãi được. Mình phải làm việc này – hoặc là bị bắn. Trong hai đường này, lựa chọn thứ nhất chắc chắn là tốt hơn!”.

Tôi tự nói với mình như thế trong nhiều giờ liền và bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Cuối cùng, tôi đã vượt qua nỗi lo lắng và sợ hãi bằng cách ép mình phải chấp nhận một hoàn cảnh không thể tránh khỏi.

Tôi sẽ không bao giờ quên bài học đó. Bây giờ, mỗi khi thấy mình đang lo lắng về một điều gì đó không thể thay đổi, tôi sẽ nhún vai và nói: “Quên nó đi!”. Hiệu quả thật là kỳ diệu!”.

Ngoài trường hợp bị đóng đinh trên cây thập giá của Chúa Yesus, cái chết nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là cái chết của Socrates(31). Mấy nghìn năm đã trôi qua, người ta vẫn tìm đọc và yêu mến đoạn văn bất hủ của Plato miêu tả về cảnh tượng đó – một trong những đoạn văn hay và xúc động nhất của mọi thời đại. Một người Athens – vì ganh tỵ và ghen tức – đã vu cáo cho nhà hiền triết Socrates, khiến ông bị đem ra xét xử và bị kết tội chết. Khi đưa cho Socrates chén thuốc độc, người cai ngục tốt bụng đã nói: “Hãy gắng nhẹ nhàng đón nhận những điều cần phải như vậy”. Socrates đã làm theo. Ông đối mặt với cái chết trong tư thế bình thản và nhẫn nhịn khiến thánh thần cũng phải xúc động.

Hãy gắng nhẹ nhàng đón nhận những điều cần phải như vậy”. Những lời này đã được nói ra từ 399 năm trước khi Chúa giáng sinh; nhưng ngày nay, trong cái thế giới già cỗi và đầy rẫy lo âu này, nó lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Vì vậy, để loại bỏ thói quen hay lo lắng trước khi hủy hoại bạn, hãy tuân theo nguyên tắc 4:

HỢP TÁC VỚI NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI

Chọn tập
Bình luận
× sticky