Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận

Chương 3: Khéo ăn nói mới có được thiên hạ

Tác giả: Trịnh Tiểu Lan

Bài 1: Dùng ngôn ngữ cơ thể rút ngắn khoảng cách đôi bên

Thời gian phụ nữ thân thiết với nhau nhanh tới mức khiến đàn ông phải kinh ngạc. Rõ ràng là vừa mới gặp nhau lần đầu tiên vào buổi sáng, ấy vậy mà đến tối đã nói chuyện thân thiết chẳng khác nào chị em, ngày hôm sau lại khoác tay nhau đi shopping. Nhìn phụ nữ tươi cười thì thầm, đàn ông không kìm được suy đoán: “Rốt cuộc hai người này còn có bao nhiêu điều cần nói?”

Với hành vi thân thiết tự nhiên của phụ nữ, các nhà tâm lý học đã làm một thí nghiệm thú vị. Họ để nam giới và nữ giới lần lượt vào hai căn phòng giống nhau và khóa cửa lại. Sau ba tiếng, căn phòng của nữ giới vang lên tiếng cười không ngớt, khi mở cửa phòng, gần như nữ giới đều khoác tay người ngồi bên cạnh, mỉm cười, không khí trong căn phòng rất hài hòa. Ngược lại ở phòng kia, không khí rất căng thẳng, nam giới bắt đầu khó chịu không yên, thậm chí còn hướng nắm đấm về nhau. Các nhà tâm lý học căn cứ vào quá trình thí nghiệm rút ra kết luận, nữ giới giỏi dùng ngôn ngữ cơ thể để bày tỏ tình cảm hơn, từ đó rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa đôi bên một cách hữu hiệu.

Trong tâm lý học, khoảng cách giữa người với người gọi là khoảng cách giao tiếp. Nó chỉ khoảng cách không gian giữa con người với con người khi giao lưu với người khác. Hall – một học giả người Mỹ căn cứ vào các nghiên cứu của mình đã đưa ra các khoảng cách giao tiếp như sau: Khoảng cách xã giao là 1.22 ~ 3.66m; khoảng cách giữa bạn bè là 0 ~ 0.3m.

Phân tích qua thí nghiệm kể trên, có thể thấy nữ giới có tình cảm tinh tế hơn nam giới, họ thiếu cảm giác an toàn vì thế lại càng cần thông qua tiếp xúc cơ thể để rút ngắn “khoảng cách” của đôi bên, lấy điều đó để tăng thêm cảm giác an toàn trong lòng. Trong cuộc sống, người ta thường vì sự khác nhau giữa khoảng cách tình cảm của đôi bên mà bất giác điều chỉnh khoảng cách không gian. Sự thân thiết trong tình cảm có thể rút ngắn khoảng cách không gian; còn sự gần gũi về khoảng cách không gian lại có thể thúc đẩy sự thân mật về tình cảm giữa hai người.

Những người bán hàng thông minh là người hiểu đạo lý này nhất. Chúng ta có thể nhớ lại việc mình vào cửa hàng mua quần áo. Nếu người bán hàng của một cửa hàng nào đó lạnh lùng nói: “Anh (chị) thích thì có thể thử.” Còn người bán hàng của một cửa hàng khác thì nhiệt tình chào hỏi bạn, đồng thời giúp bạn mặc thử quần áo. Vậy thì, cùng là một bộ quần áo, bạn sẽ muốn chọn quần áo của cửa hàng nào hơn? Dĩ nhiên là cửa hàng thứ hai rồi. Bởi vì trong quá trình đối phương giúp bạn chỉnh lại cổ áo, kéo tay áo, ngôn ngữ cơ thể thân mật của cô ấy đã rút ngắn khoảng cách tình cảm giữa hai người. Còn tâm lý người mua thì thường muốn mua đồ của người mà mình thân thiết và yêu mến.

Trên thực tế, trong cuộc sống có rất nhiều người có vẻ ngoài rất khó gần, khi không đoán biết được tính cách của đối phương, thì giao lưu ngôn ngữ thường không hiệu quả. Khi ấy, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ cơ thể để rút ngắn quan hệ của hai bên. Có thể xem một tình huống dưới đây:

Ở tòa soạn, Khánh Linh là người hoạt bát vui vẻ. Có một lần, cô được phân công đi phỏng vấn một nhà văn nổi tiếng. Các đồng nghiệp thấy lo lắng thay cho cô vì đó là một nhà văn khó tính nổi tiếng, từ xưa tới nay luôn từ chối cuộc phỏng vấn của bất kỳ tờ báo nào. Mấy lần trước, các đồng nghiệp của Khánh Linh đã thất bại, bởi dù có nài nỉ thế nào thì nhà văn cũng nhất định không chịu phỏng vấn.

Tổng biên tập tòa soạn cũng nói trước với Khánh Linh điều này, ông nói chỉ cần cô cố gắng hết sức là được, hoàn toàn không mong đến kết quả tốt đẹp. Nhưng không ngờ Khánh Linh đã nói chuyện với nhà văn đó cả buổi chiều và có được một bài phỏng vấn rất thành công.

Các đồng nghiệp đều ngạc nhiên nói: “Cậu đúng là nhanh mồm nhanh miệng, thuyết phục được con người khó tính ấy! Không phải là cậu khóc lóc cầu xin người ta đấy chứ?”

Khánh Linh cười và nói: “Thực ra nhà văn này không khó tính lắm đâu. Lúc mình đi phỏng vấn, vừa hay gặp bác ấy đi chợ về, mình sợ bác ấy không cho mình vào cửa, liền lao lên và gọi một tiếng “Bác ơi”, sau đó cầm tay bác ấy nói “Cháu rất thích sách của bác”. Bác ấy khéo léo từ chối phỏng vấn, mình liền cầm tay bác ấy không chịu bỏ ra, không còn cách nào khác, bác ấy liền cho mình vào nhà. Mình kê ghế ngồi cạnh bác ấy, thế là bác ấy kể cho mình nghe rất nhiều chuyện trước đây.”

Trong ví dụ trên, Khánh Linh chính là người đã vận dụng công dụng của ngôn ngữ cơ thể một cách thành công. Động tác “lao tới, cầm tay” của cô ấy trong lần đầu gặp mặt đã rút ngắn khoảng cách với nhà văn, có thể lúc đầu nhà văn cảm thấy đường đột, nhưng vì đối phương tiếp cận không ác ý nên nhà văn này đã có sự gần gũi về tình cảm với cô gái lạ trong tình huống bị động. Cộng thêm với hành động “không buông tay” của Khánh Linh, chứng tỏ cô đáng yêu thẳng thắn, “kê ghế ngồi cạnh” càng dễ khiến người già cảm thấy thân thiết, vì thế mà nhà văn đã gỡ bỏ tâm lý phòng ngự lúc nào không hay.

Trong cuộc sống, nhờ có ngôn ngữ cơ thể mà rất nhiều người trở nên thân mật và gần gũi nhau hơn. Nam nữ thanh niên thường là do một lần “nắm tay” vô tình mà nảy sinh tình cảm yêu mến; hai người bạn thân chiến tranh lạnh đã lâu, vì một lần ôm nhau khi gặp mặt mà xóa bỏ hiềm nghi trước đó; động tác vỗ vai của lãnh đạo khiến nhân viên cảm thấy được quan tâm…

Có số liệu cho thấy, một người muốn truyền đạt thông tin hoàn chỉnh của mình thì ngôn ngữ đơn thuần chỉ chiếm 7%, thanh điệu chiếm 38%, còn biểu đạt ngôn ngữ cơ thể chiếm tới 55%. Hơn nữa, những ngôn ngữ cơ thể này đều là hành vi bản năng của một người, vì thế, tính lừa dối chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Ngôn ngữ cơ thể kịp thời và đúng lúc có thể giúp cảm xúc của đối phương thăng bằng, làm tăng thêm tình cảm giữa hai bên, như thế cũng có thể khiến chúng ta có thêm nhiều bạn hơn.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Ngôn ngữ cơ thể của một người có tác động rất mạnh tới cảm xúc của người khác. Nếu động tác của hai người có điểm giống nhau thì sẽ nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa hai bên. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ cơ thể liên quan để biểu đạt tình cảm của mình.

(1) Nở nụ cười

Có câu rằng: “Không ai đánh người đang cười”. Mỉm cười là thể hiện cảm giác thân thiết của mình với người khác. Chúng ta muốn để lại ấn tượng nhiệt tình, thân thiện cho người khác thì hãy mỉm cười thật nhiều. Đây cũng là phương thức trực tiếp nhất, đơn giản nhất để chúng ta nhận được sự chào đón của họ.

(2) Dang rộng đôi tay

Khi bạn dang rộng đôi tay đón nhận đối phương, đối phương sẽ cảm thấy bản thân mình đang được chào đón, từ đó sẽ có cảm giác thân thiết với bạn. Ngược lại, nếu khi đối phương đến, bạn đứng khoanh tay hoặc ngồi im thì đối phương sẽ cảm thấy bị ghẻ lạnh, sẽ rất không vui.

Bài 2: Nói tốt câu đầu tiên

Trong cuộc sống hàng ngày, phương thức giao lưu hữu hiệu nhất, trực tiếp nhất để kết bạn là trò chuyện, trong đó câu đầu tiên là quan trọng nhất. Bởi vì câu đầu tiên hay hoặc không hay có thể phản ánh được sự tu dưỡng của một người. Đây chính là “hiệu ứng đầu tiên” trong tâm lý học. “Hiệu ứng đầu tiên” hiểu là con người sẽ ghi nhớ sâu sắc ấn tượng đầu tiên với sự vật mà mình tiếp xúc, ấn tượng này sẽ ảnh hưởng tới phán đoán chủ quan của con người đối với sự vật trong thời gian dài và sẽ rất khó thay đổi.

Như vậy, có thể hiểu rằng, câu đầu tiên trong trò chuyện có thể cho người ta hy vọng, có thể khiến người ta sôi nổi, có thể khiến người ta thất vọng, còn có thể khiến người ta mất đi cơ hội giao lưu thêm một lần nữa… Đôi khi, lời mở đầu thú vị của một cuốn tiểu thuyết sẽ khiến người ta nghĩ rằng đây là một cuốn sách đặc sắc; còn lời mở màn tẻ nhạt sẽ khiến người ta nghĩ rằng đó là dấu hiệu của một buổi diễn thuyết nhàm chán. Khi gặp người khác, một câu chào không lễ phép sẽ khiến người ta cảm thấy bạn là một người thô tục vô lễ.

Chu Mẫn là giám đốc nghiệp vụ của một công ty, có lần cô đi công tác ở miền núi để bàn chuyện làm ăn với khách hàng hợp tác của công ty. Do không quen với thời tiết lạnh giá ở miền núi, nên vừa xuống xe cô đã phàn nàn với khách hàng đến đón mình: “Trời ơi, cái thời tiết quỷ quái này, không biết dân ở đây sống sót kiểu gì!” Đối tác là người sinh sống ở nơi này, vừa nghe câu nói ấy, vốn dĩ tâm trạng đang vui vẻ lập tức giảm đi một nửa, nhưng lại không tiện phản bác, nên chỉ khách sáo nói phụ họa về tình hình thời tiết khắc nghiệt.

Thực ra, Chu Mẫn sau đó đã thể hiện chuyên môn nghiệp vụ của mình một cách xuất sắc, cô miêu tả về ưu thế, hạng mục của công ty vô cùng thấu đáo. Nhưng đối tác không hề tỏ ra nhiệt tình, cuối cùng quyết định không hợp tác với công ty của Chu Mẫn.

Sai lầm của Chu Mẫn ở chỗ không biết cách nói hay câu đầu tiên. Cô đã đánh giá thấp ảnh hưởng của câu nói đầu tiên đến tâm lý của đối phương. Khi nói rằng “thời tiết quỷ quái” là cô đã làm tổn hại tới tình cảm quê hương của người khác. Mặc dù việc hợp tác giữa hai công ty và việc này là hai chuyện khác nhau, nhưng ấn tượng đầu tiên mà Chu Mẫn để lại là vô lễ, không lịch sự; đối phương có thể sẽ nghi ngờ: Một công ty phái một nhân viên không có tố chất đến đàm phán thì liệu có thể tin tưởng công ty này được không?

Một học giả nào đó đã nói: “Trọng điểm của buổi giao lưu nằm ở năm phút đầu tiên khi họ tiếp xúc với nhau.” Một bộ phim hay thì yêu cầu là ngay từ cảnh quay đầu tiên đã phải nắm được trái tim của người xem. Một nhân vật hoàn hảo thì yêu cầu từ câu đầu tiên đã phải thể hiện được đặc trưng tính cách.

Vương Hy Phượng – một người phụ nữ xinh đẹp nhưng lại vô cùng chanh chua, cay nghiệt trong Hồng Lâu Mộng chính là cao thủ trong tâm lý học. Cô ta biết rõ tầm quan trọng của ấn tượng đầu tiên, nên ngày đầu tiên Lâm muội muội vào phủ, cô ta liền dùng một tràng cười sảng khoái và câu nịnh “Đúng là một người chuẩn mực, hôm nay tôi đã được gặp rồi.” khiến

Lâm muội muội đỏ mặt nhưng cũng cảm thấy sung sướng.

Trong tâm lý học, “hiệu ứng đầu tiên” (Primacy effect) chỉ việc con người khi tiếp xúc lần đầu tiên, ấn tượng đầu tiên với đối phương sẽ ảnh hưởng tới sự đánh giá và nhìn nhận của đối phương sau này. Cụ thể là chỉ ấn tượng đầu tiên với đối phương trong lần đầu tiên gặp mặt,về dáng vẻ, trang phục, phong thái, cách nói năng, nét mặt, lễ tiết…

Nói tốt câu đầu tiên, có thể khiến người khác nảy sinh hứng thú và thiện cảm với bạn. Muốn làm được điểm này, cách đơn giản là bạn nên khen ngợi đối phương một chút, tỏ vẻ bí ẩn một chút và có thêm một chút hài hước; trong số những phương thức đó thì khen ngợi là cách thức hữu hiệu nhất. Bậc thầy về tâm lý học Dale Carnegie nói: “Trong lòng mỗi người đều nghĩ rằng, bản thân mình có một đặc điểm nào đó ưu tú hơn người khác. Là người thì ai cũng đều có ham muốn được khen ngợi và tôn trọng.” Ông đã kể một câu chuyện xảy ra với bản thân mình.

Ông đã thử trò chuyện với những người xa lạ bên cạnh mình. Ông chọn người đưa báo ngày nào cũng đưa báo đến. Người này bình thường rất ít nói, nhiều nhất là chào khách rồi đi. Có một hôm, khi anh ta đến đưa báo, Carnegie nói:“Này anh, tôi phát hiện tóc của anh rất đẹp!” Đầu tiên anh ta sững người, sau đó lộ vẻ vui mừng và nói: “Cảm ơn ông!” Lúc anh ta đi còn quay lại nói với Carnegie: “Thực ra, rất nhiều người đều nói tóc của tôi đẹp!”

Thứ hai là bí ẩn. Thủ pháp này thường được dùng nhiều nhất trong các tiểu thuyết trinh thám, có thể thấy những lời giới thiệu thế này: “Đây là vụ án giết người trong mật thất bí ẩn nhất trong lịch sử”, “Thật bí ẩn khi cửa sổ và cửa ra vào đều khép kín, lẽ nào đây là một vụ án ma quỷ sao?” Cách nói này khơi dậy trí tò mò của độc giả, khiến họ muốn đọc đến trang cuối cùng.

Nếu bạn đang bận làm việc, không muốn bị người khác làm phiền, nhưng có người lại nói với bạn: “Buổi chiều ra ngoài được không? Mình muốn nói chuyện với cậu một chút..” Có thể bạn sẽ khéo léo từ chối: “Lần sau đi!” Nhưng nếu anh ta thay bằng cách diễn đạt khác: “Có một chuyện, mình đã nghĩ rất lâu mà không biết có nên nói với cậu không. Thôi, không nói với cậu thì tốt hơn, cậu cũng đừng hỏi nữa!” Chắc chắn bạn sẽ tò mò, quay sang xin người đó nói với bạn, cho dù người đó có thái độ kiên quyết không nói thì bạn cũng sẽ bắt anh ta nói ra bằng được. Thực ra, điều này là một sự đánh lừa tâm lý, bởi mong muốn của anh ta là muốn bạn nghe anh ta nói chuyện.

Cuối cùng là hài hước. Tâm lý học nói: “Hài hước và xử lý việc bị người khác chế nhạo một cách thông minh là trí tuệ cao nhất.” Ví dụ, một học giả nổi tiếng đến trường đại học để diễn thuyết, câu nói đầu tiên của ông ta là: “Trong số những người ngồi đây có bạn nào lớn tuổi hơn tôi mà vẫn chưa tốt nghiệp không?” Câu nói này khiến mọi người cười ồ lên, sau đó buổi diễn thuyết diễn ra trong không khí vô cùng vui vẻ.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Trong giao tiếp, con người không chỉ chú ý ấn tượng đầu tiên về vẻ ngoài, trang phục mà còn phải chú ý tới câu đầu tiên nên nói thế nào. Nói tốt câu đầu tiên thì ấn tượng tốt đẹp của bạn sẽ lưu lại trong lòng đối phương.

(1) Chủ động hỏi thăm

Khi vừa làm quen với người khác, bạn hãy dùng ngữ khí tôn kính để chủ động hỏi thăm đối phương. Như thế đối phương sẽ cảm thấy bạn rất chân thành, rất nhiệt tình, sẽ nhanh chóng xua đi tâm lý đề phòng, khiến hai bên muốn xích lại gần nhau hơn.

(2) Câu đầu tiên phải gợi được sự cộng hưởng của đối phương

Khi nói câu đầu tiên, tốt nhất là làm sao để có thể gợi lên sự cộng hưởng của đối phương, khiến đối phương dễ dàng tiếp cận bạn về mặt tình cảm, lời bạn nói phải khiến đối phương nghe lọt tai và dễ hiểu, nếu không “sai một ly sẽ đi một dặm”.

Bài 3: Người biết tìm chuyện để nói mới là người bản lĩnh

Giữa người quen và bạn bè, bạn có thể nói hết chuyện này đến chuyện khác, từ chú chó con mới nuôi đến kiểu tóc mới đổi, và vô số những chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày… Vậy giữa những người lạ thì sao? Mỗi buổi sáng, khi đợi xe buýt, rất nhiều người đều ngồi đọc báo một mình, hoàn toàn không nói chuyện với người bên cạnh. Có thể mọi người nghĩ rằng không cần thiết, cũng có thể nghĩ rằng không có chuyện gì để nói.

Đối với người ngồi cạnh trên xe buýt hoặc người qua đường, thì mọi người có thể chọn cách im lặng, đi lướt qua. Nhưng khi có công việc cần thiết hoặc trong trường hợp xã giao, buộc phải nảy sinh mối liên hệ nào đó với người xa lạ trước mặt thì bạn phải làm thế nào để bắt chuyện với đối phương, để giữa hai bạn có chuyện gì đó để nói? Ví dụ, giới thiệu sản phẩm với khách hàng, đến các tỉnh khác bàn chuyện đầu tư với giám đốc, trong buổi khiêu vũ mời cô gái xinh đẹp lạnh lùng bên cạnh cùng nhảy…

Chúng ta nên biết một điều: Có chung một chủ đề để nói là điều tốt, nhưng nếu không có chủ đề chung thì chúng ta cần tạo ra chủ đề. Chẳng hạn, trong phim có câu đối thoại bắt chuyện kinh điển: “Thưa cô, sao tôi thấy cô rất quen nhỉ?” Đây chính là cách “không có chuyện phải tìm ra chuyện” điển hình. Thông thường, khi gặp cách bắt chuyện này, chỉ cần bạn không phải là người có vẻ lưu manh, côn đồ bẩm sinh, ngữ khí thành thực thì người khác sẽ lịch sự đáp lại một câu “Thật sao?” Bạn có thể nhân cơ hội đó nói: “Đúng vậy, cô rất giống một người bạn học của tôi. Cô ấy học chuyên ngành du lịch, rất xinh, bây giờ đang làm việc cho tổng cục du lịch.” Có thể đối phương sẽ tiếp tục hỏi bạn học của bạn bao nhiêu tuổi, trước kia học trường nào…

Có phải bạn đã tìm ra một điểm chung rồi không? Như vậy chính là “Không có chuyện cũng có thể tìm ra chuyện” rồi đấy. Bạn hãy xem mình có nắm được mấy sách lược tấn công dưới đây không nhé:

1) Đặt ra một tình huống, khiến đối phương trả lời một cách không đề phòng, cho dù rất ngắn gọn.

2) Nhất định phải khen ngợi, không ai từ chối lời khen cả.

3) Tạo ra một vài thông tin hoàn toàn không liên quan với đối phương, khiến đối phương không hiểu và không biết phản bác như thế nào. Như thế, quyền chủ động sẽ nằm trong tay bạn, chỉ cần thái độ của bạn nghiêm túc, thì chắc chắn bạn nói gì đối phương cũng tin.

Chúng ta hãy cùng xem cách làm trong ví dụ dưới đây, cách làm này có thể thích hợp với mọi lứa tuổi, mọi giới tính, có thể áp dụng với một người mà cũng có thể là với tập thể.

Nhân viên bán hàng Thanh Giang lần đầu tiên cùng đồng nghiệp Minh Anh tới khu phố bán nước giải khát. Minh Anh tính cách hướng nội, cứ đứng bên cạnh, chỉ đứng nguyên một chỗ bán nước giải khát hoặc đọc báo. Thanh Giang muốn nói chuyện với Minh Anh nhưng vì hai người chưa biết gì về nhau, nên không biết bắt đầu từ đâu.

Thanh Giang nghĩ một lúc rồi nói với Minh Anh: “Cậu nhìn thấy những người đi từ bên kia sang chưa? Cậu thử đoán xem, khi mình dùng loa quảng cáo, ai trong số họ sẽ quay đầu nhìn.”

Minh Anh cười và nói: “Không biết, điều này thì ai mà biết được.”

Thanh Giang đẩy Minh Anh và nói: “Mình đoán là cô gái mặc áo đỏ. Con gái thường rất tò mò.”

Minh Anh nói: “Còn mình thì đoán là anh chàng mặc áo xanh kia.”

Thanh Giang bắt đầu nói trên loa quảng cáo, quả nhiên cô gái áo đỏ kia quay đầu.

Thanh Giang mỉm cười vỗ vai Minh Anh: “Thấy chưa, mình nói quá chuẩn nhé. Có lẽ lát nữa phải đi mua xổ số thôi!”

Minh Anh nói:“Cậu mua bao giờ chưa? Trước đây mình cũng mua nhưng chưa lần nào trúng.”

Tiếp đó hai người bắt đầu nói chuyện xổ số, dần dần chủ đề nói chuyện được mở rộng.

Thực ra, có rất nhiều cách giúp bạn tìm ra chuyện để nói khi không có chuyện, ví dụ như vờ làm ra vẻ bí ẩn. Tâm lý học nghiên cứu chứng minh rằng, sở thích thú vị của một người thường có thể khơi gợi sự chú ý và thiện cảm của người khác. Trong tiềm thức, con người đều thích chơi với người “thú vị”, điều này sẽ khiến cuộc sống của họ tràn đầy hứng khởi. Vì thế, đôi lúc, chúng ta lợi dụng việc bói toán, dự cảm, những chuyện nghe có vẻ không đáng tin nhưng lại thú vị để mở đầu chủ đề, cũng có thể coi đó là một lựa chọn thông minh.

Mọi người đang trò chuyện, nếu một người đột nhiên nói anh ta biết xem tay, thì chắc hẳn mọi người sẽ tò mò và xúm lại đòi xem. Tin cũng được, không tin cũng được, nhưng tâm lý tò mò của con người thì không thể kìm nén được. Một người luôn biết tạo ra một không khí bí ẩn thì sẽ thu hút sự tò mò của những người xung quanh.

Nghành tâm lý học phát hiện ra rằng, khi nói chuyện, chúng ta phải biết “đánh vào” nơi sâu kín trong tâm hồn con người, hình thành nên thuật “công tâm” của riêng mình trong quá trình giao tiếp (thuật công tâm: hiểu là cách đánh vào tâm lý con người), như thế mới có thể đạt được hiệu quả nói chuyện. Khi nói chuyện, chúng ta còn phải phân tích cụ thể trạng thái tâm lý và nhược điểm của đối phương, từ đó quyết định việc gì nên nói, việc gì không nên nói, nói ở mức độ bao nhiêu, và thời điểm nào thì thích hợp.

Một phương pháp nữa trong tâm lý học đó là tỏ ra yếu đuối. Tâm lý học nghiên cứu đã chứng minh, con người thích giúp đỡ những người yếu thế hơn mình, qua đó nhằm đạt được cảm giác thỏa mãn khi thể hiện được giá trị của bản thân. Có thể thấy, điều này thường xuất hiện nhiều nhất trong các phim thần tượng, nhân vật nữ chính sẽ đi một đôi giày cao gót, sau đó bị ngã, tiếp đến là nhân vật nam xuất hiện và đỡ cô gái lên; đó gọi là cầu cứu và tỏ ra đáng thương. Ngoài ra, tỏ vẻ yếu đuối trước mặt người lạ cũng là một trong những phương pháp “không có chuyện tìm chuyện để nói”.

“Cô có thể xem tấm bản đồ này giúp cháu được không ạ? Cháu không phân biệt được phương hướng.”

“Cháu nhìn chỗ này đi, đó là một ga tàu điện ngầm, ở phía đông.” “Nhà cô cũng ở gần đó sao? Có vẻ như cô rất thông thạo.”

“Đúng vậy, nhà cô ở ngay trước đó. Nhân tiện đường, để cô dẫn cháu đi.” “Vâng ạ, cháu cảm ơn cô. Con cá cô mua trông tươi quá, chắc hẳn cô nấu ăn ngon lắm phải không ạ? Còn cháu thì nấu ăn dở lắm…”

“Nấu cá rất đơn giản, cháu có muốn học không?”

Lúc ấy, bạn thuận theo nói một câu “có” là được. Bạn cố lên một chút, có thể còn được người ta giữ lại ăn cá chưa biết chừng.

Nói tóm lại, tìm ra chuyện để nói là một phương pháp rất hay, nó có thể giúp bạn giao tiếp thành công, thậm chí nếu biết lợi dụng khéo léo, bạn có thể sẽ muốn gì được nấy.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Muốn chung sống thoải mái với người khác thì chúng ta cần phải biết tìm chuyện để nói. Nhưng chủ đề tìm kiếm vừa phải thú vị, vừa phải tự nhiên, vừa phải thuận theo tâm tính của mình, vừa phải suy nghĩ tới nhân tố tình cảm của đối phương.

(1) Bắt đầu từ những thứ thân thuộc với đối phương

Muốn tìm chuyện để nói thì trước tiên chúng ta phải hiểu sở thích hứng thú của đối phương, như thế mới dễ dàng bắt chuyện được.

(2) Tiết lộ hứng thú và sở thích của bản thân một cách thích hợp

Chúng ta nói ra thứ mà mình thích một cách phù hợp, đối phương sẽ hiểu ý và nói ra chủ đề mà chúng ta thích. Như thế, mọi người sẽ nói chuyện càng vui vẻ hơn.

Bài 4: Khơi dậy ham muốn nói chuyện của đối phương

Trong cuộc sống, có phải chúng ta thường than phiền một số người nào đó lầm lì: “Tôi tìm anh ta nói chuyện, nhưng anh ta lại không quan tâm, chỉ cười cười hoặc nói vài ba câu đối phó. Sao có thể như thế được, tôi cảm thấy lòng tự trọng của mình bị tổn hại. Lẽ nào anh ta coi tôi không ra gì?” Trong khi bản thân đang thao thao bất tuyệt, thậm chí có thể nói ra “những lời gan ruột”, thì tại sao đối phương lại trả lời đơn giản như vậy? Thậm chí cuối cùng còn mượn cớ bỏ đi.

Thực ra, đơn giản là vì bạn đã không khơi dậy được ham muốn nói chuyện của đối phương. Bạn đặt trọng tâm nói chuyện ở phía mình, còn đối phương lại không có hứng thú với những điều đó. Trong những thông tin mà bạn đưa ra, đối phương không tìm thấy nội dung mà mình đang quan tâm, cho dù là người lịch sự, anh ta cũng không tìm thấy điểm hứng thú để phát biểu quan điểm của mình, tự nhiên sẽ cảm thấy nội dung nói chuyện của bạn nhạt nhẽo, vô vị, không khơi dậy ham muốn nói chuyện cho anh ta. Vì thế, muốn khơi dậy ham muốn nói chuyện của đối phương thì bạn nhất định phải nhiệt tình quan tâm tới đối phương, bắt đầu từ chính hứng thú của đối phương, dẫn dắt đối phương nói chuyện.

Đức Hiếu đang ăn cơm trong một nhà hàng KFC thì thấy một phụ nữ trung niên bên cạnh đang ngồi suy tư một mình. Điều đó đã khơi dậy trí tò mò của cậu, cậu liền bắt chuyện với người phụ nữ ấy:“Chị ơi, chị sao vậy? Trông chị có vẻ không được khỏe, chị uống cốc nước nhé!” “Cảm ơn, tôi có rồi!” Người phụ nữ trung niên ấy mỉm cười và nói: “Có phải cậu cảm thấy tôi đang buồn không? Đôi khi tôi rất muốn bắt đầu lại cuộc đời mình, như thế chắc chắn tôi sẽ sống theo cách khác.” Đức Hiếu ngạc nhiên nói: “Ý chị là gì vậy? Chị có thể nói với tôi được không?” Người phụ nữ trung niên chậm rãi trả lời: “Trước đây, tôi không muốn tin tưởng bất cứ người nào, bao gồm cả chồng, họ hàng, bạn bè… và kết quả là bây giờ, cậu thấy đấy, tôi chỉ có một mình. Cậu biết không, hơn hai mươi năm tôi chưa gặp bất cứ người thân nào…” Người phụ nữ bắt đầu coi Đức Hiếu là đối tượng có thể tâm sự được, bộc bạch hết quá khứ của mình. Còn Đức Hiếu thì coi quá khứ của người phụ nữ là một bài học giáo dục và kiên nhẫn lắng nghe. Không lâu sau hai người trở thành bạn thân.

Dale Carnegie đã nói: “Trong lòng mỗi người đều khao khát được quan tâm và tôn trọng, trong khi trò chuyện, họ đều có khuynh hướng nói về chuyện của mình, đó chính là nhược điểm.” Khi chúng ta nói chuyện với người lạ, việc đầu tiên cần làm là chuyển đổi trọng tâm đối tượng mà cuộc nói chuyện hướng tới, từ “bản thân” tới “đối phương”, chuyển “tôi” thành “bạn”.

Hải Anh phát hiện nữ đồng nghiệp Thanh Hương mới đến làm việc ở công ty khá ít nói. Anh muốn nhanh chóng thân thiết với cô, liền xung phong đưa cô đi tham quan công ty. Suốt đường đi, Hải Anh không ngừng giới thiệu: “Nhìn này, đây là phòng kế hoạch, đây là phòng kinh doanh, đây là nhà ăn của nhân viên…” Thanh Hương chỉ gật đầu mỉm cười. Hải Anh lại nói với cô về những chuyện vui của các đồng nghiệp trong văn phòng, Thanh Hương luôn tươi cười nhưng cũng vẫn kiệm lời, chỉ nói vài câu đơn giản: “Thật thế hả, thú vị thật!”

Đột nhiên, Hải Anh nhìn thấy chiếc lắc tay tinh xảo trên tay Thanh Hương, liền nói: “Lắc tay của em đẹp thật, là vàng nguyên chất à?” Thanh Hương cười và nói: “Không phải ạ, rẻ thôi mà!” Hải Anh trêu cô: “Rẻ mà nâng niu như thế, chắc là bạn trai tặng đúng không?” Thanh Hương đỏ mặt nói: “Không ạ, là em mua, em thích đến các cửa hàng nhỏ sưu tầm những đồ này!” Hải Anh nói tiếp: “Cuối cùng anh đã gặp được người có con mắt thẩm mỹ rồi. Em học nghệ thuật đúng không? Chắc chắn là đúng rồi, bình thường em thích làm gì?” Vậy là Thanh Hương nói với Hải Anh một cách rất tự nhiên rằng mình học trường gì, sở thích hứng thú thường ngày ra sao… Một buổi chiều vui vẻ thoải mái qua đi, hai người nhanh chóng trở thành bạn thân.

Một năm sau, mối quan hệ giữa hai người phát triển thành tình yêu. Vậy, chúng ta thử phân tích một chút, xem lần đầu tiên gặp mặt, Hải Anh đã khéo léo khơi dậy ham muốn nói chuyện của cô gái “dịu dàng ít nói” như thế nào?

Anh ta coi “chiếc lắc tay đẹp” là điểm thâm nhập để khơi dậy hứng thú nói chuyện của Thanh Hương. Sau đó đặt trọng tâm nói chuyện từ “công ty và đồng nghiệp” chuyển sang “Thanh Hương”, thỏa mãn tâm lý “con người đều khao khát được quan tâm” của cô. Hải Anh chuyển trọng tâm nội dung nói chuyện vào đối phương, như vậy có thể giúp anh nắm được thông tin về đối phương tốt hơn, ví dụ như trường học của Thanh Hương, hứng thú sở thích… chủ đề nói chuyện giữa hai người được mở rộng, vì thế buổi nói chuyện rất vui vẻ, thoải mái.

Bạn có nhận ra rằng, trước khi khiến Thanh Hương phải nói chuyện, Hải Anh đã sử dụng hàng loạt các câu hỏi. Trong số các loại câu: trần thuật, nghi vấn, cảm thán, phủ định thì nghi vấn là loại câu có tính tương tác mạnh nhất, ngay cả dấu chấm hỏi cũng có hình thù cong cong giống như mời gọi người khác, vì thế câu hỏi cũng có nghĩa là lời mời nói chuyện. Tôi hỏi mà bạn không trả lời, vậy chẳng hóa ra bạn là người bất lịch sự ư?

Trong tâm lý học còn phân chia câu hỏi thành câu hỏi khép kín và câu hỏi mở. Câu hỏi khép kín chính là câu hỏi có thể dùng những từ mang tính phán đoán như “Phải, không phải, đúng, sai” để trực tiếp trả lời, ví dụ “Bạn làm việc ở đây à?”, “Bạn làm sai rồi, đúng không?”; còn câu hỏi mở chính là câu hỏi không thể đơn giản dùng từ ngữ mang tính phán đoán để trả lời, ví dụ “Hãy nói xem suy nghĩ của bạn là gì?”, “Vì sao lại thế?”

Nhà tâm lý học Weiss trên cơ sở phân tích các thí nghiệm, đã chỉ ra một số nhu cầu cơ bản của con người khi nói chuyện: Nhu cầu chỉnh hợp xã hội, đây là nhu cầu con người khao khát được cùng chia sẻ hứng thú và thái độ với người khác; nhu cầu đảm bảo giá trị, đây là nhu cầu con người hy vọng có được sự ủng hộ của người khác, từ đó cảm thấy bản thân có giá trị; nhu cầu đồng minh đáng tin cậy, đây là nhu cầu con người hy vọng có thể tìm được sự giúp đỡ của người khác, hy vọng người khác chia sẻ những khó khăn này; nhu cầu tìm kiếm hướng dẫn, đây là nhu cầu con người hy vọng có thể nhận được sự hướng dẫn của người khác, để bản thân không ngừng học tập tiến bộ.

Vì thế, muốn dẫn dắt đối phương nói nhiều hơn, tốt nhất chúng ta nên dùng câu hỏi, nhất là câu hỏi mở, để người khác có điều để nói. Bạn có muốn khơi dậy ham muốn nói chuyện của đối phương không? Bạn có muốn đối phương nói chuyện vui vẻ, thỏa thích không? Bạn muốn có được thêm nhiều thông tin về đối phương không? Mấy phương pháp nhỏ dưới đây có thể giúp bạn thành công:

1) Khen ngợi một cách đúng mực. Khen ngợi là vũ khí ngọt ngào mà bất cứ ai cũng không thể từ chối.

2) Đặt trọng tâm nói chuyện vào đối phương, bởi con người ai cũng đều khao khát được quan tâm và tôn trọng.

3) Nói về chủ đề mà đối phương cảm thấy hứng thú, đối phương thích nghe cái gì thì bạn nói cái ấy.

4) Khéo léo đặt câu hỏi để đối phương buộc phải trả lời, chẳng hạn “Vì sao có điều đó?”

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Lần đầu gặp mặt, rất nhiều người cho rằng mình không hiểu đối phương, nên sợ sẽ không tìm ra được chủ đề thích hợp. Nhưng người giỏi giao tiếp sẽ không nghĩ như vậy, họ luôn nghĩ cách để giao lưu với đối phương, mở “van nói” của đối phương, qua đó tăng thêm tình cảm cho hai bên.

(1) Chủ động quan tâm người khác, biết cách lắng nghe

Chúng ta nên tỉ mỉ quan sát đối phương, quan tâm đối phương, tìm hiểu những khó khăn của đối phương, như vậy đối phương sẽ dễ dàng mở lòng, nói ra được những điều thầm kín.

(2) Chú ý những việc xảy ra xung quanh

Chúng ta càng quan tâm nhiều tới những chuyện xảy ra xung quanh, càng có nhiều chủ đề chung với đối phương thì hai bên sẽ càng dễ dàng nói chuyện hơn.

Bài 5: Là người lắng nghe trung thành

Bạn đã bao giờ gặp tình huống như thế này chưa: Bạn bè gặp chuyện đau lòng tìm bạn vừa khóc vừa tâm sự, ngoài việc rút giấy cho bạn thấm nước mắt, thì bạn không có lúc nào để nói xen vào. Kết thúc buổi nói chuyện, người bạn đang khóc như mưa ngồi đối diện lúc đi còn ôm bạn rất chặt và cảm ơn rằng: “Cảm ơn cậu đã nghe mình nói nhiều như vậy, bây giờ mình khá hơn nhiều rồi.” Nhân vật nam chính trong một bộ phim điện ảnh cảm thấy áp lực và đau khổ, không biết trút đi đâu, đành phải tìm hốc cây để tâm sự: “Cây à, mày nghe tao nói, tao cũng không muốn như thế này, không phải tao cố tình nhưng nếu không nói tao sẽ phát điên mất.” Tạm thời không bàn luận xem cái cây ấy có hiểu gì không, nhưng qua hai tình huống trên có thể thấy, “một người nghe trung thành” đối với chúng ta là vô cùng quan trọng.

Tâm lý học nghiên cứu chứng minh: Thích người khác nghe mình nói là nhu cầu cơ bản của con người. Khi nhu cầu này được thỏa mãn, người ta sẽ nảy sinh cảm giác yêu mến, tin tưởng và dựa dẫm vào người đã thỏa mãn nhu cầu của mình. Điều đó cũng có nghĩa là, người ta sẽ thích những người lắng nghe mình nói.

Nhà tâm lý học nổi tiếng Thomas Gordon, qua một số thực nghiệm tâm lý đã phát hiện, con người không thể trở thành người nghe tốt chủ yếu vì các nguyên nhân sau: Không học cách làm thế nào để làm một người nghe; từ nhỏ chỉ học các kỹ năng giao lưu như viết, đọc và nói chuyện; sự giáo dục tiếp nhận được chỉ là tăng cường những kỹ năng giao lưu này chứ không phải là lắng nghe.

Một nhà văn nổi tiếng được mời tham dự buổi tiệc, chủ nhân là một nhà thực vật học. Trong bữa tiệc, chủ nhân vô cùng phấn khích nói tới việc mấy tháng gần đây đi du lịch để thu thập tiêu bản thực vật. Nhà văn không nghiên cứu về thực vật học, hiểu rất ít về thực vật, nhưng đã bị sự nhiệt tình của chủ nhân và cách miêu tả hài hước của ông ta thu hút, suốt cả bữa tiệc ông đều im lặng lắng nghe, không tham gia thảo luận, bởi vì ông nghĩ rằng mình là “người ngoại đạo”, tham gia sẽ bị lộ khuyết điểm.

Khi bữa tiệc kết thúc, chủ nhân tỏ ra rất quý mến nhà văn, trước mặt mọi người hết lời khen ngợi ông, nói ông là người “nói năng vô cùng nho nhã”. Nhà văn cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, bởi vì theo trí nhớ của mọi người, trong suốt bữa tiệc, nhà văn này không nói quá ba câu, gần như còn không đủ để gọi là “nói năng”.

Nhà tâm lý học Dale Carnegie nói: “Làm người nghe quan trọng hơn làm một người diễn thuyết. Chuyên tâm nghe người khác nói là sự tôn trọng, sự bảo vệ và là lời ngợi khen lớn nhất mà chúng ta dành cho người khác.” Trong cuộc sống, mỗi người đều có tâm lý “khao khát thể hiện bản thân”, cho rằng “tôi là người quan trọng, tôi hy vọng được tôn trọng và thấu hiểu.” Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy, khi nói chuyện với người khác, người ta đều thích dùng từ “tôi” làm câu mở đầu, ví dụ “Hôm nay tôi nhìn thấy…”, “Tôi cho rằng…”, “Tôi không muốn…”

Nhưng một khi ham muốn thể hiện bản thân này bị bỏ qua, thậm chí bị cưỡng ép gián đoạn, tức là sự phát ngôn của mình bị đối phương làm phiền hoặc phản đối, người ta thường sẽ nảy sinh ấn tượng tiêu cực không được tôn trọng. Trong cuộc sống, do xuất hiện vấn đề trong giao tiếp nên có thể dẫn đến sự tranh chấp quyết liệt, thực ra trong đó không hề có nhiều xung đột nghiêm trọng, chỉ là vì khâu “lắng nghe” xuất hiện “trục trặc” mà thôi.

Carnegie nói: “Người kén chọn nhất, người phê bình gay gắt nhất, người khó tính nhất thường sẽ trở nên mềm dẻo trước một người nghe có lòng kiên nhẫn, đồng cảm! Như vậy, người nghe này phải có thái độ bình tĩnh hơn người, anh ta phải yên lặng lắng nghe khi kẻ khiêu khích giống như một con rắn độc mở to miệng.” “Người biết lắng nghe” vĩ đại như thế chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn trong cuộc sống, vận may đến liên tiếp, câu nói “Anh cứ bình tĩnh nói, tôi nghe đây!” sẽ có thể xua đi mâu thuẫn và phiền muộn trong cuộc sống, hóa giải mọi hiềm khích, đồng thời cũng mở ra thành công cho cuộc đời mình.

Ông Lẫm mua một chiếc áo sơ mi trong bách hóa, nhưng điều khiến ông tức giận là chiếc áo sơ mi màu đen này bị phai màu, hơn nữa còn nhuốm bẩn áo khoác của ông. Ông đến bách hóa, tìm nhân viên bán hàng đã phục vụ mình khi ấy, nói vấn đề áo sơ mi phai màu.

Vốn dĩ ông Lẫm nói năng rất ôn hòa, nhưng nói được một nửa thì bị nhân viên ngắt lời:“Thưa ông, mẫu áo này chúng tôi đã bán mấy chiếc rồi, ông là người đầu tiên đến đòi trả lại hàng.”

“Cái gì, cậu không tin tôi sao? Cậu nhìn chiếc áo này…”

Một nhân viên khác bước lại nói:“Thưa ông, thông thường áo màu đen sẽ phai màu. Hơn nữa chất lượng và giá cả tỷ lệ thuận với nhau, điều này chúng tôi cũng không thể đảm bảo.”

Ông Lẫm thực sự tức giận, ném áo trên quầy, lớn tiếng nói: “Cậu chê chiếc áo tôi mua không đắt tiền sao? Chất lượng quần áo không thể đảm bảo, các người bán nó làm gì? Tôi muốn gặp giám đốc của các người! Giám đốc của các người ở đâu?”

Giám đốc nghe thấy tiếng quát tháo lập tức chạy tới. Chỉ năm phút sau, ông Lẫm mang chiếc áo cũ, hài lòng rời khỏi bách hóa. Giám đốc đã khiến một khách hàng đang “kích động, nóng nảy” hết giận như thế nào trong thời gian ngắn như vậy? Trên thực tế, giám đốc không giải thích thêm một câu nào, anh ta chỉ yên lặng nghe khách hàng nói xong sự việc, không nói xen vào.

Cuối cùng ông Lẫm hỏi: “Sự việc là như vậy, giám đốc, anh xem giải quyết thế nào?”

Giám đốc chân thành nói: “Tôi rất lấy làm tiếc vì sự việc ngày hôm nay. Ông thấy thế này có được không ạ, chiếc áo này có lẽ chỉ phai màu tạm thời thôi. Ông hãy mang về mặc một tuần xem có vấn đề gì không. Nếu vẫn không hài lòng thì ông hãy mang lại đổi hàng. Công ty chúng tôi kiên quyết không bán hàng kém chất lượng cho khách.”

Ông Lẫm nhanh chóng tiếp nhận đề nghị này, đồng thời khó xử nói: “Giám đốc, thực ra tôi cũng là người biết điều, nhưng bởi hai nhân viên lúc nãy khiến tôi vô cùng tức giận, họ không thèm nghe tôi nói hết.”

Điều mà một người quan tâm nhất là gì? Dĩ nhiên là chuyện có liên quan đến lợi ích thiết thân của mình, ví dụ cuộc sống của anh ta, người thân của anh ta, niềm vui và sự đau khổ của anh ta. Bạn nên nhớ khi nói chuyện với bạn, việc của anh ta và nhu cầu của anh ta quan trọng hơn của bạn rất nhiều.

Chúng ta muốn có được sự yêu mến và tin tưởng của người khác thì điều đầu tiên chính là “lắng nghe”, nó thể hiện rằng: “Tôi rất hứng thú với cuộc sống của bạn, bạn rất quan trọng đối với tôi.”

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Để tránh việc ngồi cùng với một người suốt cả buổi chiều, kết quả lại bị chính người ấy đứng lên véo tai bạn và nói: “Rốt cuộc cậu có nghe tôi nói không?” Chúng ta hãy thử xem một vài kỹ xảo dưới đây:

(1) Khi lắng nghe, phải kịp thời đáp lại thông tin

Nhất định trên mặt chúng ta phải có biểu cảm tương ứng, hoặc là vận dụng từ ngữ thích hợp như “à”, “vậy sao”, “sau đó thì sao”, “không phải chứ”… Kịp thời đáp lại thông tin của người khác chứng tỏ chúng ta đang lắng nghe rất chăm chú.

(2) Không được ngắt lời đối phương

Hãy nhớ không được bày tỏ ý kiến mang tính phán đoán của mình khi người khác đang nói, chúng ta phải yên lặng nghe hết rồi mới kết luận, điều đó chứng tỏ “Tôi hoàn toàn hiểu và tôn trọng bạn”.

Bình luận
720
× sticky