Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận

Chương 11: Trong cuộc sống, để người khác bất giác gần gũi bạn hơn

Tác giả: Trịnh Tiểu Lan

Bài 1: Thường tặng những món quà nhỏ, không có việc cũng thân thiết

Có lẽ phụ nữ sẽ không tính toán viên kim cương trên nhẫn cưới to như thế nào, nhưng nhất định họ sẽ nói không ngừng về việc thiếu một bông hồng trong ngày sinh nhật, lễ tình nhân, ngày kỷ niệm. Đàn ông tìm mọi cách lấy lòng, tiết kiệm tiền một năm mua cho họ một chiếc túi hàng hiệu, nhưng lại khiến họ nghi ngờ: “Vì sao đột nhiên lại đối xử tốt với em như vậy? Có phải là anh làm sai chuyện gì không?” Điều này khiến người đàn ông không khỏi kêu khổ: “Thật khó chiều! Phải làm thế nào thì em mới thấy hạnh phúc?”

Nói về cảm giác hạnh phúc, các nhà tâm lý học đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu. Họ phát hiện, tăng cường cảm giác hạnh phúc chủ quan của con người là một việc rất khó khăn. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, cho dù trải qua những chuyện tươi đẹp hay tồi tệ đến mức nào, con người có thể nhanh chóng điều chỉnh cảm xúc của mình để nó quay về mức độ ổn định cơ bản. Tâm hồn của con người giống như đại dương mênh mông, cho dù bạn ném tảng đá lớn đến mức nào xuống đó thì mặt biển vẫn có thể nhanh chóng quay về trạng thái ban đầu. Trong tâm lý học, khả năng duy trì trạng thái tâm lý của bản thân và giữ cảm giác vui vẻ, hạnh phúc ở một mức độ cơ bản mà không chịu ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài được gọi là Guồng nước vui vẻ. Trong thực nghiệm có một phát hiện khá thú vị, mặc dù con người sẽ không vì một sự việc nghiêm trọng nào đó để tăng cường cảm giác hạnh phúc chủ quan nhưng sẽ vì không ngừng tích lũy những sự việc nhỏ mà tăng cường cảm giác hạnh phúc.

Trong cuộc sống, khi chúng ta ở cùng với một số người, sẽ cảm thấy rất nhàm chán, mặt trời mỗi ngày đều giống nhau, không có gì để mong đợi. Dĩ nhiên, những người như thế rất khó để lại ấn tượng trong ký ức của chúng ta, đừng nói là thích. Tuy nhiên, khi ở cùng với một số người khác, chúng ta sẽ cảm thấy mới mẻ, thú vị, tràn đầy ngạc nhiên, mỗi ngày đều có niềm mong đợi mới.

Con người thường bày tỏ cảm giác yêu thích với những thứ mà mình quen thuộc. Vì thế, muốn để người khác gần gũi và nảy sinh thiện cảm với bạn, chúng ta phải cố gắng thường xuyên xuất hiện trước mặt người khác, mang theo sự quan tâm và bất ngờ thú vị.

Để mỗi lần gặp mặt vừa tươi mới vừa ấn tượng, thì một món quà nhỏ thích hợp là điều không thể thiếu được. Khi gặp mặt, chúng ta có thể nói “Gần đây khí sắc của anh không tốt, chắc chắn là rất vất vả, tôi mua cho anh chút vitamin, nhớ là phải uống nhé!” “Có phải anh rất thích ban nhạc này không? Khó khăn lắm tôi mới kiếm được đĩa của họ.” “Tôi thấy bạn rất giống ngôi sao này nên đã mua chiếc áo giống với chiếc mà cô ấy đã mặc, bạn mặc chắc chắn sẽ rất đẹp.” Thường xuyên tặng người khác một số món quà nhỏ tinh xảo là một cách vô cùng hữu hiệu để chúng ta lấy lòng người khác. Người ta thường rất yêu mến những người biết tạo ra sự lãng mạn nho nhỏ, cho rằng họ có thể mang lại niềm vui bất ngờ và cảm giác khác biệt trong cuộc sống.

Trong cuộc sống, con người vì tình yêu mà bày tỏ sự thân thiện, lôi kéo quan hệ, nhờ sự giúp đỡ… để làm được điều này thì tặng quà là một khâu không thể tránh được, nhưng tặng quà phải chú trọng kỹ xảo. Đầu tiên, bạn phải hiểu rõ lập trường của việc tặng quà. Quà là để tặng cho đối phương, bạn không được chỉ dựa vào sở thích cá nhân để lựa chọn thứ mà mình thích.

Chúng ta rất dễ phạm sai lầm như sau, lúc chọn quà, chỉ dựa vào sở thích của bản thân, mua thứ mà bản thân mình rất thích, thầm nghĩ: “Cái mình thích, nhất định người khác cũng thích.” Kết quả sau khi tặng chúng ta lại phát hiện đối phương có vẻ hụt hẫng, khiến bản thân cũng rất thất vọng. Khi trẻ con bóc quà năm mới, nhìn thấy một chiếc bút máy hàng hiệu đắt tiền chúng lại bĩu môi than phiền: “Chẳng phải bố đã hứa mua cho con máy bay điều khiển từ xa rồi sao.” Cậu bé không cần biết giá của chiếc bút máy đắt gấp mười lần máy bay, cậu bé chỉ cảm thấy “Đây không phải là thứ mà mình thích.”

Đôi khi, chúng ta đặt một vài mong muốn chủ quan của bản thân mình vào trong món quà, điều này sẽ hình thành ám thị mang tính ép buộc. Ví dụ, vào ngày sinh nhật, cô gái nhận được sách triết lý mà bạn trai tặng. Cô gái sẽ nghĩ: “Anh ta có ý gì? Anh ta đang chê mình ngốc, bảo mình học thêm chút kiến thức sao?”

Khi tặng quà, chúng ta cần tuân theo hai nguyên tắc, hoặc là tặng thứ người khác thích, hoặc là tặng thứ người khác cần. Có một số người nhầm tưởng rằng quà cần phải đắt tiền, giá trị. Thực ra, ý nghĩa quý trọng nhất của món quà là sự ân cần. Món quà khiến người khác cảm thấy bạn hiểu lòng người, tỉ mỉ chu đáo, có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tâm lý của hai bên. Nếu là bạn bè thân thiết, chúng ta có thể tìm hiểu sở thích hứng thú của đối phương. Đối với những cô gái trẻ, có thể tặng trang sức đẹp mắt; với những người bạn thích rượu, có thể tặng rượu; với những người thích sưu tập tem, có thể tặng tem. Tùy vào từng người để chọn thứ mà họ thích.

Trong tâm lý học, nguyên tắc yêu mến là chỉ việc chúng ta đều muốn đồng ý với yêu cầu mà người mình quen và yêu mến nêu ra. Để có được sự yêu mến của người khác cần năm yếu tố: Ngoại hình, điểm tương đồng, khen ngợi, tính liên quan, không khí và môi trường tích cực.

Nguyên tắc yêu mến trong tâm lý học cho thấy, con người khi đã thích một sự vật thì cũng sẽ thích sự vật liên quan tới nó. Tục ngữ nói: “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.” Thực ra chúng ta cũng có thể vận dụng ngược lại, để người khác từ thích món quà của mình mà thích bản thân mình. Một món quà ân cần có thể trở thành “điểm tương thông” trong tâm hồn, khiến đối phương nảy sinh sự xúc động và có ý mơ hồ: “Sao anh biết tôi thích cái này?” Từ đó khiến hai bên triển khai chủ đề, trở thành bạn bè thân thiết. Nếu chúng ta không thể gây ấn tượng được ngay với đối phương thì trước tiên hãy để món quà của mình đến được với anh ta. Sau đó khiến những món quà ấy giúp chúng ta chiếm được một vị trí trong lòng người khác, cho dù chỉ là người qua đường, rồi dần dần trở nên thân thiết.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Chúng ta thường xuyên tặng người khác một vài món quà nhỏ thì sẽ mang tới cho họ tâm trạng tốt đẹp, quan hệ giữa hai bên cũng sẽ sâu sắc hơn. Vậy thì khi tặng món quà nhỏ cho người khác, chúng ta nên chú ý những gì?

(1) Tặng quà phải thực tế

Bình thường, chúng ta tặng quà cho người khác tốt nhất là phải thực tế, đại chúng một chút, không nên tặng đối phương thứ quá đắt tiền, như thế rất dễ khiến đối phương nghi ngờ thành ý của mình và từ chối nhận.

(2) Tặng quà tốt nhất là tặng thứ có thể bày tỏ tình cảm một cách hữu hiệu

Muốn bày tỏ tình cảm của mình, khi tặng quà, tốt nhất chúng ta không nên để đối phương vừa nhìn thấy quà là nghĩ tới việc lấy tiền để đánh giá. Ví dụ tặng đối phương áo da không hiệu quả bằng tặng áo ngủ. Bình thường, chúng ta có thể chuẩn bị một vài món quà để mang ra tặng bạn bè bất cứ lúc nào.

Bài 2: Thái độ ôn hòa, không tạo cho người khác cảm giác đè nén

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe thấy lời đánh giá như sau: “Không biết vì sao, lần đầu nhìn thấy bạn, tôi đã cảm thấy rất thân thiết, muốn nói chuyện với bạn giống như người thân vậy.” Hoặc là: “Nhìn thấy khuôn mặt ấy của anh ta, tôi không muốn lại gần chào anh ta.” Quả thực, trong giao tiếp, dường như xung quanh mỗi người đều bao trùm một loại từ trường khác nhau. Có người mặt mày rạng rỡ, nói năng nhẹ nhàng, dịu dàng thân thiết, lúc nào cũng có thể thu hút người khác giao tiếp, đối xử chân thành với mình; có người lại tỏ vẻ lạnh lùng “gạt người khác ra ngoài”. Người như vậy dĩ nhiên sẽ khiến người khác giữ khoảng cách, không muốn tiếp xúc thân mật.

Sức hấp dẫn vốn là một thuật ngữ hóa học, chỉ khả năng liên hệ giữa các nguyên tử trong phản ứng hóa học. Từ này về sau được vận dụng trong cuộc sống xã hội, chỉ khả năng và khí chất mà một người tỏa ra, có thể thu hút người khác giao lưu thân mật với mình. Về nguyên nhân nảy sinh sự thu hút, nhà tâm lý học Stanley Schachter nói là do cảm giác cô độc. Ông đã từng làm một thí nghiệm như sau: Năm tình nguyện viên được cách ly trong các phòng khác nhau và được cung cấp thức ăn, chỗ ở nhưng bị khóa nguồn thông tin, khiến họ cách biệt với thế giới bên ngoài. Trong môi trường này, họ đều tỏ tâm lý căng thẳng và bực tức. Mới được hai mươi phút đã có người bày tỏ “không thể chịu được”, yêu cầu giao lưu với những người xung quanh. Người kiên trì được lâu nhất là tám ngày tám đêm, nhưng sau khi người đó ra ngoài, cũng thể hiện bản thân khó chịu, giống như phải ở một mình trong đó hàng mấy thế kỷ vậy.

Thí nghiệm cho thấy, tâm lý của mỗi người đều tồn tại cảm giác cô độc. Giao tiếp xã hội là để giúp con người khắc phục cảm giác sợ hãi với sự cô độc này. Không một ai có thể tách xa người khác mà tồn tại độc lập, có người ngoài miệng nói “Tôi không bận tâm bạn bè”, nhưng nếu thật sự bị mọi người xa cách, cô lập, thì cảm giác tuyệt vọng ấy sẽ khiến anh ta chẳng khác nào vừa mới trượt chân xuống nước, phải bám chặt vào chiếc phao để cứu lấy mình. Sự hấp dẫn có thể bồi dưỡng được, vì thế chúng ta hãy bắt tay từ phương thức biểu đạt thông thường, ví dụ, thường xuyên nở nụ cười ngọt ngào trên môi, hỏi thăm ân cần, thân thiết, dùng ngôn ngữ cơ thể thân mật như bắt tay và ôm hôn, kiên nhẫn lắng nghe, không tiếc lời khen ngợi… như thế có thể thể hiện được sự ôn hòa cho bản thân mình. Sự hấp dẫn càng làm tăng thêm sức hút giao tiếp của bản thân, dần dần chúng ta sẽ có thể giống như một cục nam châm, thu hút người xung quanh vậy.

Giáo sư Thắng giảng dạy trong trường đại học, học sinh lúc nào cũng ngồi kín trong giờ học của ông. Sinh viên vô cùng yêu quý ông, không khí trong giờ học vô cùng sôi nổi. Ông và sinh viên của mình nói về cuộc sống, tình yêu, hoàn toàn không có khoảng cách giữa sinh viên và giáo sư. Sau khi tan học, thậm chí có sinh viên còn gọi ông là “Bố Thắng, Bố Thắng”, ông cũng không giận, đối xử với mọi người vô cùng vui vẻ và hài hòa.

Đồng nghiệp nhìn thấy, có lúc cũng không tránh khỏi hỏi ông: “Giáo sư, ông không phân biệt lớn nhỏ với bọn trẻ như vậy, liệu có thấy là mình sẽ mất đi uy nghiêm của giáo sư không?” Giáo sư cười và nói: “Không đâu, đối xử với chúng như vậy khiến tôi cảm thấy tâm lý cân bằng, chúng không chê tôi già, có thể còn làm bạn tâm giao với tôi, dường như tôi cũng tìm lại được cảm giác thời trẻ.”

Trong cuộc sống, rất nhiều người có danh tiếng và địa vị nhưng trong mọi trường hợp đều lo rằng sẽ mất đi sự uy nghiêm. Vì thế, họ bị tâm lý này trói buộc, nảy sinh sự ngăn cách về tâm lý với học sinh, nhân viên, mất đi sự thu hút và sức thuyết phục.

Trong thực tế, càng là thái độ ôn hòa thì sẽ càng khiến đối phương tiếp nhận ý kiến mà không gây tâm lý chống đối. Đây chính là phương pháp gió nam (South wind law) trong tâm lý học và quản lý học. Nó bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn thú vị của nhà thơ người Pháp.

Phương pháp gió nam (South wind law) chỉ sự ấm áp vượt xa lạnh giá. Nếu vận dụng nó vào quản lý học thì chỉ việc người quản lý lúc nào cũng phải chăm sóc tốt nhân viên của mình, tôn trọng và quan tâm họ. Khi nhân viên xuất hiện vấn đề, phải kịp thời ở bên cạnh họ. Nhân viên sẽ vì thế mà biết ơn bạn, ra sức làm việc để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

Gió nam và gió bắc gặp nhau trên đường. Gió bắc khoe khoang nói uy lực của mình lớn, còn gió nam thì mỉm cười, không khẳng định cũng không phủ định.

Gió bắc rất tức giận, liền yêu cầu đọ sức. Nó chỉ vào một người đi đường và nói: “Chúng ta hãy thi xem, ai có thể khiến anh ta cởi áo khoác ra.”

Gió bắc dùng hết sức mình muốn thổi bay áo khoác của người đó, nhưng người đi đường lại vì lạnh mà dùng tay nắm chặt áo khoác.

Gió nam chỉ thổi nhẹ nhàng, người đi đường vì thời tiết ấm áp nên tự mình cởi áo khoác.

Có thể thấy, muốn đạt được mục đích của mình, chúng ta không cần phải dùng thái độ cứng rắn mà phải dùng chính sách mềm mỏng, ôn hòa. Trước đây rất nhiều lãnh đạo không hiểu đạo lý này, cho rằng đối với nhân viên ngoan cố, để duy trì hình tượng của doanh nghiệp và thể diện của mình, cần ra sức đàn áp, phê bình nhưng hiệu quả đạt được lại ngược lại, đồng thời gây ra tâm lý chống đối của nhân viên, ép họ công khai chống đối, khiến lãnh đạo càng không có thể diện, cuối cùng là nhân viên bỏ đi. Một số người tức giận nhưng không dám nói, bề ngoài tỏ vẻ phục tùng và ủng hộ lãnh đạo, nhưng trong bụng lại nghĩ: “Lãnh đạo có gì tài giỏi mà thích phê bình người khác như vậy.”

Ngược lại, người quản lý doanh nghiệp ưu tú đều biết cách vận dụng “phương pháp gió nam”, cố gắng nhân tính hóa trong chế độ quản lý, ân cần với sự vất vả của nhân viên, như thế mới có thể phát huy được sức mạnh đoàn kết của công ty. Thái độ của giám đốc ôn hòa, nhân viên mới dám đưa ra kiến nghị hợp lý. Doanh nghiệp xuất sắc thật sự sẽ giống như một “gia đình”, còn lãnh đạo chính là những phụ huynh luôn nói: “Tôi có tiền thì sẽ không để cho các con của mình phải thiếu thốn.”

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Con người đều thích giao tiếp với những người có sức hút. Vậy, để thu hút được người khác, chúng ta nên làm thế nào?

(1) Tạo cảm giác thân thiết với người khác trong công việc

Trước mặt đồng nghiệp, lãnh đạo, chúng ta phải tỏ ra thành thật, lúc nào cũng nhớ phải mỉm cười với họ. Cũng cần phải có khí chất và luôn tỏ ra lễ phép với đối phương. Như vậy, người khác sẽ có cảm giác an toàn về bạn và bạn nhất định sẽ thu hút được họ.

(2) Tạo cảm giác thân thiết với người khác trong xã giao

Khi chúng ta ở cùng bạn bè, phải chú ý tới hành vi và lời nói của mình, không được để bạn mất mặt. Tốt nhất chúng ta đừng tỏ ra nổi trội, kín đáo một chút sẽ khiến đối phương cảm thấy dễ hòa nhập với mình.

Bài 3: Đừng tỏ ra quá cao siêu, cũng cần thể hiện khuyết điểm nhỏ một cách đúng mực

Kim Dung – nhà văn lớn của Trung Quốc từng được phóng viên hỏi: “Ông hài lòng nhất với nhân vật nào dưới ngòi bút của mình?” Ông cười và nói: “Tôi thích nhất Vi Tiểu Bảo”(1). Nhân vật này tham tài háo sắc, võ nghệ xuất chúng đánh bại rất nhiều đại hiệp hành hiệp trượng nghĩa, hơn nữa trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện rất xuất sắc, trở thành người mà Kim Dung yêu mến nhất. Trong tiểu thuyết, Vi Tiểu Bảo đã đánh cắp được trái tim của mỹ nữ trong thiên hạ, còn ở ngoài đời anh ta cũng là hình tượng được cánh đàn ông mơ ước, có thể thấy sức hút rất lớn từ anh ta.

(1) Vi Tiểu Bảo: là nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung

Khi nhà văn xây dựng nhân vật chính, đều có cảm xúc như thế này: “Độc giả thích nhân vật chính như thế nào, mình sẽ xây dựng nhân vật chính như thế đó.” Chẳng hạn, độc giả thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, họ sẽ xây dựng nên một nhân vật siêu nhân, khi thấy ở đâu có nguy nan, là nhân vật ấy lập tức xuất hiện, lần nào cũng chiến thắng. Độc giả thích thú với việc tìm thấy cảm giác dẫn dắt mãnh liệt, liền khiến bản thân hóa thân thành nhân vật chính, lo lắng cho sự nguy hiểm của anh ta, ăn năn vì sai lầm của anh ta, vui mừng vì sự trưởng thành của anh ta. Vì thế, nhân vật chính tuyệt đối không thể là người hoàn mỹ, nếu không sẽ khiến độc giả không thể hòa nhập, cảm thấy nhân vật có sự khác biệt quá lớn với hình tượng bản thân. Như vậy, hình tượng nhân vật sẽ trở nên giả tạo và khiên cưỡng.

Trong cuộc sống hiện thực cũng vậy, văn nhân mặc khách cổ đại thường than thở “lạnh khi đứng ở trên cao”. Con người có được địa vị nhất định sẽ khó có thể có được người bạn thật lòng, đây chính là bởi họ quá cao siêu, khiến cho người khác khó hiểu. Bởi vậy, chúng ta có thể nghĩ cách để lộ chút khuyết điểm của mình, như thế sẽ khiến người khác càng dễ tiếp cận bản thân hơn.

Trong tâm lý học, “hiệu ứng lộ khuyết điểm” (Pratfall effect) là chỉ người thông minh biết phạm chút sai lầm nhỏ một cách đúng mực, như vậy sẽ khiến người khác cảm thấy anh ta cũng có chút khuyết điểm giống người bình thường, họ sẽ càng thích anh ta hơn.

“Hiệu ứng Pratfall” được nhà tâm lý xã hội học nổi tiếng người Mỹ – Elliot Aronson đưa ra chính là nói về điểm này. Hiệu ứng này chỉ những người thành công trong cuộc sống vô tình phạm một vài sai lầm nhỏ, không những sẽ không làm ảnh hưởng đến hình tượng của anh ta mà còn khiến người ta nảy sinh cảm giác tán đồng và thân thiết hơn, “thì ra anh ta cũng phạm sai lầm giống người bình thường”. Vì thế mọi người sẽ càng thích anh ta.

Nhà tâm lý học đã làm một thí nghiệm như sau: Ông để tình nguyện viên cùng xem một đoạn băng, nội dung là tiết mục mô phỏng buổi phỏng vấn trên tivi. Trong tiết mục, dẫn chương trình lần lượt phỏng vấn bốn vị khách. A là một người thành công, khi nhận lời phỏng vấn anh ta tỏ ra rất phóng khoáng, tràn đầy tự tin, tỏ vẻ rất thành thục, chốc chốc lại nhận được tràng pháo tay của khán giả ngồi dưới; B có thành tựu rất lớn trong sự nghiệp của mình, nhưng khi nhận lời phỏng vấn, anh ta tỏ ra hơi gượng gạo, đặc biệt là khi được yêu cầu nói về kinh nghiệm thành công của mình, anh ta tỏ ra có chút căng thẳng, lỡ tay làm đổ cốc cà phê trên bàn, làm ướt cả váy của người dẫn chương trình, bản thân cũng không ngừng xin lỗi; C là một người bình thường, trong cuộc phỏng vấn tỏ ra rất phóng khoáng, đúng mực nhưng không có gì nổi bật nên cũng không có được bài phát biểu đặc sắc; D cũng là một người bình thường nhưng anh ta tỏ ra rất căng thẳng, nói chuyện cũng không dám nhìn thẳng vào người dẫn chương trình, liên tiếp mắc lỗi, lại còn làm đổ cốc cà phê trên bàn.

Sau khi đoạn băng kết thúc, nhà tâm lý học điều tra ấn tượng của mọi người với bốn vị khách trên. Không có gì bất ngờ khi D nhận được “giải ấn tượng xấu nhất”, bởi vì anh ta là nhân vật lúc nào cũng phạm sai lầm trong cuộc sống, khiến người ta không yên tâm. Nhưng điều khiến người ta bất ngờ là, mọi người ấn tượng nhất không phải là A “gần như hoàn mỹ” mà là B “lỡ tay làm đổ cốc cà phê”. Mọi người bày tỏ, sai lầm nhỏ này khiến người ta cảm thấy anh ta càng chân thực, có cảm giác thân thiết, còn A quá hoàn mỹ, ngược lại khiến người ta cảm thấy có khoảng cách.

Nhà tâm lý học phân tích, con người không muốn kết bạn với “người hoàn mỹ”, có ba nguyên nhân:

1. Lòng tự tôn điều khiển

Sức hút của bản thân hoàn toàn bị đối phương lấn át, không thể so sánh được, giá trị của bản thân không được thể hiện, con người sẽ vì đố kỵ mà nảy sinh sự công kích thù địch với đối phương, hoặc vì tự ti mà tránh xa “nhân vật tỏa sáng”.

2. Không thể tiếp cận

Cảm giác xa cách ấy khiến người ta nhìn mà sợ hãi, nảy sinh sự xa cách, mất đi sự thu hút, giống như con người chiêm ngưỡng đá quý trên đỉnh tháp, cứ mãi ngửa cổ ngắm nhìn trong thời gian dài sẽ dẫn tới bệnh về đốt sống cổ, vì thế, chi bằng ngồi trước cửa sổ còn gần gũi và thực tế hơn.

3. Không thể nghiền ngẫm tâm lý đối phương

Mọi người đều biết trên thế giới không có sự hoàn mỹ, một người có vẻ ngoài “hoàn mỹ” sẽ tạo cho người khác cảm giác che giấu, làm bộ, không thể đoán biết được tâm tư chân thực của đối phương, khiến người ta thiếu dũng khí để đối xử chân thành và thiếu cảm giác an toàn trong giao tiếp. Ngược lại, một người thành công hoàn toàn không cần thiết phải vì duy trì hình tượng của bản thân mà sống căng thẳng qua ngày, biết lộ khuyết điểm của mình ra ngoài một cách thích hợp thì sẽ tăng thêm mức độ yêu mến mà mọi người dành cho mình.

Người thông minh đều biết cách vận dụng “hiệu ứng bộc lộ khuyết điểm” này để tăng sự ủng hộ và thu hút trong giao tiếp với người khác. Thủ khoa khối A của một trường nào đó khi nhận lời phỏng vấn đã nói: “Thực ra khả năng lo liệu cuộc sống của tôi rất kém, thường khi mải suy nghĩ một vấn đề là sẽ đắm chìm vào đó, có lúc đi đường còn lạc lung tung.” Nhưng khuyết điểm nhỏ này đôi khi lại được phụ huynh dùng để dạy con: “Nhìn xem, người ta thủ khoa có khác. Không giống con, suốt ngày chỉ biết chơi, lúc nào con thử lạc đường như bạn ấy cho mẹ xem nào.”

Chú mèo máy Doremon có “túi thần kỳ”, được vô số các bạn nhỏ trên thế giới tôn sùng và khao khát cũng có khuyết điểm “sợ chuột”. Mỗi lần nhìn thấy chuột nó sẽ hét lên và chạy khắp phòng, đồng thời trốn sau lưng Nobita. Khuyết điểm này sẽ được trẻ con dùng để an ủi bản thân: “Ngay cả mèo máy thần kỳ cũng sợ chuột, mình sợ thì có gì xấu mặt?” Khuyết điểm nhỏ của “người hoàn mỹ” sẽ mang lại cho người khác một không gian gần gũi và nhẹ nhàng. Vậy, chúng ta hãy thử làm theo nhé!

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Nếu một người quá ưu tú thì vô tình sẽ tạo ra cảm giác áp lực cho những người xung quanh. Bởi vậy, nếu muốn chung sống thoải mái với người khác thì chúng ta hãy thử để lộ những khuyết điểm nhỏ của mình:

(1) Phải có thái độ không sợ để lộ nhược điểm

Khi chúng ta quá bảo thủ hoặc bảo vệ hình tượng của mình quá mức thì sẽ khó bộc lộ được khuyết điểm của bản thân, như vậy cũng đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội chung sống thân mật với người khác. Do vậy, chúng ta cần có thái độ không sợ để lộ khuyết điểm, như thế đối phương sẽ cảm thấy chúng ta là người chân thành, muốn giao lưu tiếp xúc với chúng ta.

(2) Coi bộc lộ khuyết điểm là động lực để vươn lên

Người không dám nhìn thẳng vào bản thân thường chú trọng bản thân quá mức, như thế sẽ không có nhiều động lực vươn lên. Còn người dám bộc lộ khuyết điểm của bản thân thường dễ sửa đổi những khuyết điểm ấy của mình, để nhược điểm của mình biến thành điểm mạnh, từng bước có được thành tích.

Bài 4: Yêu cầu với người khác càng đơn giản càng tốt

“Anh không hy vọng là sẽ có được tình yêu của em, nhưng xin hãy để anh ở bên em có được không? Anh sẽ lặng lẽ dõi theo em và em sẽ không phải chịu bất kỳ áp lực và gánh nặng nào.” Lời tỏ tình thành khẩn này đã làm cảm động trái tim của không biết bao nhiêu cô gái, cứu vớt không biết bao nhiêu mối tình sắp đến hồi kết.

Trong cuộc sống, những yêu cầu càng nhỏ, càng đơn giản thì lại càng dễ được người ta chấp nhận, thậm chí còn khơi dậy lòng trắc ẩn của đối phương, tăng thêm thiện cảm của đối phương, để hai bên tiếp tục phát triển mối quan hệ của mình. Ngược lại, ngay từ đầu chúng ta đã đưa ra những yêu cầu khá lớn, thì thường sẽ bị từ chối. Có thể lý giải như thế này: nếu bắt đầu từ yêu cầu nhỏ, đối phương sẽ dễ dàng tiếp nhận, một khi chúng ta đưa ra yêu cầu lớn hơn, đối phương sẽ vì muốn duy trì hình tượng trước sau của bản thân, tức là muốn làm người tốt đến cùng, sẽ dễ dàng chấp nhận lời yêu cầu này. Tâm lý học gọi đây là “hiệu ứng bước qua ngưỡng cửa”.

Trong tâm lý học, “hiệu ứng bước qua ngưỡng cửa” (Skips threshold effect) là chỉ việc con người khó có thể tiếp nhận được những yêu cầu khó, bởi vậy, chúng ta phải từng bước đưa ra yêu cầu và hy vọng của bản thân, để đối phương từ từ tiếp nhận, cuối cùng đạt được mục đích mà mình muốn.

Nhà tâm lý học đã làm một thử nghiệm như sau: Ông yêu cầu tình nguyện viên đến thăm một số phụ nữ gần đó, với danh nghĩa là người tuyên truyền làm đẹp môi trường, rồi thỉnh cầu những người phụ nữ này treo một tấm biểu ngữ tuyên truyền lên cửa sổ nhà họ. Họ cảm thấy kích thước tấm biểu ngữ không lớn, sẽ không ảnh hưởng tới ánh sáng và vấn đề mỹ quan, vì thế đều dễ dàng chấp nhận.

Hai tuần sau, tình nguyện viên lại đến thăm những người phụ nữ này, đồng thời thăm những gia đình chưa tham gia vào cuộc điều tra lần thứ nhất. Lần này, tình nguyện viên lại đưa ra lời thỉnh cầu tương tự, chỉ có điều kích thước của bảng biểu ngữ lần này được phóng to hơn rất nhiều, treo lên cửa sổ không những ảnh hưởng tới mỹ quan mà còn che khuất ánh sáng. Đây quả thực là yêu cầu khó khăn khiến người ta khó có thể chấp nhận được.

Kết quả điều tra cho thấy, trong số những phụ nữ đã tiếp nhận lời thỉnh cầu về tấm biểu ngữ nhỏ, có tới 55% người đồng ý với lời thỉnh cầu lần thứ hai, còn những phụ nữ không tham gia hoạt động lần thứ nhất, chỉ có 17% trong số họ đồng ý với thỉnh cầu này.

Đó là bởi những phụ nữ trước đó đã đồng ý với yêu cầu nhỏ, do vậy đứng trước yêu cầu khó khăn, vì muốn bảo vệ hình tượng trước sau như một của mình, nên đã cố gắng để làm người tốt đến cùng. Nhắc tới “hiệu ứng bước qua ngưỡng cửa”, chúng ta sẽ nghĩ tới những nhân viên bán hàng đi chào hàng. Họ thường là vừa giới thiệu về sản phẩm đã bị một câu từ chối lạnh lùng “không cần” dập tắt. Còn nhân viên bán hàng thì không khỏi ca thán: “Để khách hàng chấp nhận ngay thật khó ghê!”

Đối với những nhân viên bán hàng có kinh nghiệm, thì cái khó của họ không phải là giới thiệu sản phẩm như thế nào mà làm thế nào để có thể bước vào cửa nhà của khách hàng. Thậm chí trong nghề còn nói thế này: vào được cửa nhà người ta có nghĩa là đã bán được một nửa sản phẩm.

Những người bán hàng càng ngày càng thông minh, ban đầu họ không hề đưa ra yêu cầu “mua” mà đưa ra yêu cầu “dùng thử miễn phí”, trước tiên đưa ra “cái lợi” để khách hàng nới lỏng cảnh giác. Ví dụ, họ thường nói “Xin chào, hôm nay chúng tôi tổ chức hoạt động miễn phí vệ sinh nhà bếp để giới thiệu sản phẩm tẩy rửa của chúng tôi.” Như thế, đối phương sẽ dễ dàng để họ vào nhà làm vệ sinh giúp, sau đó, khách hàng nhìn thấy dáng vẻ mướt mải mồ hôi của người bán hàng sẽ cảm thấy ngại từ chối sản phẩm của họ, từ đó chủ động mua.

Yêu cầu thực sự có thể được “giấu đi”, đợi khi thời cơ chín muồi, đối phương sẽ vì áy náy hoặc cảm động mà chủ động đưa ra. Những người càng tỏ ra “không muốn làm phiền mọi người” thì lại càng khiến mọi người có cảm tình, nảy sinh sự tương tác trong tình cảm, từ đó thông cảm với khó khăn và tâm trạng của họ.

Một chương trình tranh tài trên truyền hình, cuối cùng còn lại hai thí sinh cạnh tranh, đều là những anh chàng trẻ trung, điển trai.

Mọi người đều biết, họ đã trải qua các vòng thi rồi, và vòng cuối cùng chính là vòng lôi kéo khán giả, tăng lượng phiếu bình chọn.

Để tương tác với khán giả, A làm theo cách này: “Mọi người phối hợp với tôi được không? Cùng làm động tác với tôi, cổ vũ cho tôi. Chúng ta cùng làm chín lần, được không?” Anh ta nói rồi bắt đầu làm một động tác hơi khó và tốn sức. Bên dưới đều là những khán giả lịch sự, thấy không tiện làm mất hứng của anh ta, thế là cùng làm theo. Anh ta vừa làm vừa đếm, cuối cùng làm đúng chín lần.

Ngay cả người dẫn chương trình cũng nhận ra, động tác này khiến khán giả rất mệt, đành góp ý khéo: “Chàng trai, tôi biết tâm ý của cậu, nhưng cách tương tác này, tôi nghĩ rằng có chút làm khó người khác, vì sao lại bắt mọi người làm tới chín lần?”

Còn B chủ động tấn công khá giả ở tình thân, nói tới người mẹ tuổi đã cao, kể về tuổi thơ khổ cực và nỗi vất vả của mẹ, nói đến mức rớt nước mắt. Cuối cùng MC mời mẹ anh ta lên sân khấu, người mẹ an ủi con đừng khóc, nói rồi chính người mẹ cũng không kìm được nước mắt.

B khó khăn lắm mới ổn định được cảm xúc: “Được đứng trên sân khấu ngày hôm nay, tôi đã cảm thấy mãn nguyện rồi. Nhưng tôi xin có một thỉnh cầu nho nhỏ, tôi thấy mẹ quá vất vả, các bạn có thể tặng mẹ tôi tràng pháo tay trong mười giây được không?”

Có khán giả không kìm được bật khóc, bỗng chốc cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay giòn giã, không chỉ mười giây mà đến năm phút sau, tiếng vỗ tay cũng chưa dứt.

Vì thế, khi đưa ra yêu cầu với người khác, tốt nhất chúng ta nên bắt đầu từ yêu cầu đơn giản nhất, để đối phương có một quá trình tiếp nhận. Điều này giống như leo cầu thang, chúng ta phải leo từng bậc từng bậc, không thể một bước trèo đến nơi. Nếu ngay từ đầu chúng ta đã đưa ra yêu cầu cao thì sẽ khiến đối phương hoặc là từ chối, hoặc chấp nhận nhưng không hài lòng.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Nếu muốn đối phương tiếp nhận một yêu cầu rất lớn, rất khó thì trước tiên chúng ta phải để đối phương tiếp nhận một yêu cầu nhỏ hơn, đợi sau khi đối phương tiếp nhận yêu cầu nhỏ này thì sẽ dễ dàng tiếp nhận yêu cầu khó đó. Vậy, chúng ta nên làm thế nào?

(1) Là người bán hàng nên làm thế nào?

Người bán hàng thông minh phải biết cách xua đi lo lắng của khách hàng. Ví dụ khi khách hàng đến cửa hàng, trước tiên anh ta phải để khách hàng đi thử quần áo, khách hàng mặc quần áo xong thì phải khen ngợi, đồng thời cần phục vụ chu đáo, tỉ mỉ. Sau đó mới khuyên khách hàng mua, khách hàng sẽ khó từ chối.

(2) Là giáo viên nên làm thế nào?

Giáo viên thông minh sẽ không để học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập nặng nề trong chốc lát, trước tiên giáo viên sẽ để học sinh hoàn thành một vài bài tập dễ trước, sau đó mới đưa ra yêu cầu khó hơn.

(3) Là lãnh đạo nên làm thế nào?

Nếu lãnh đạo muốn nhân viên làm việc khó hơn thì hãy yêu cầu anh ta làm một vài việc nhỏ trước. Nếu anh ta là người mới, thì không được lập tức đưa ra yêu cầu quá cao mà đưa ra một vài yêu cầu có độ khó hơn một chút trước đó, đồng thời khích lệ anh ta hoàn thành.

Bài 5: Khi cần thiết vờ ra vẻ hồ đồ

Trịnh Bản Kiều đã có cách giải thích về “hồ đồ” và “trí tuệ” như sau: “Thông minh có lớn nhỏ, hồ đồ có thật giả, cái gọi là thông minh nhỏ thì hồ đồ là thật, trí tuệ là giả, còn cái gọi là thông minh lớn thì hồ đồ là giả, trí tuệ là thật.” Khi cần thiết, chúng ta vờ ra vẻ hồ đồ, mọi chuyện đều tỏ vẻ không cố chấp, như vậy sẽ có lợi cho chúng ta. Ví dụ dưới đây có thể chứng minh điểm này.

Chiến tranh thế giới thứ hai, một phóng viên của Mỹ nhận được một số tin tình báo, đồng thời đăng trên một tờ báo của Chicago. Nội dung chủ yếu của tin tình báo là: Một nhóm điệp viên do Roosevelt lãnh đạo đã phá giải được mật mã tấn công Midway của quân Nhật, bộ phận tác chiến trên biển của quân Nhật đã xác nhận tin tình báo bị tiết lộ ra ngoài.

Hành vi lộ mật mã như vậy lập tức gây ra sự bất mãn của những người có liên quan, họ yêu cầu tổng thống Roosevelt hạ lệnh tra khảo nghiêm ngặt. Nếu việc này bị cục tình báo Nhật Bản phát hiện thì sẽ lập tức đổi mật mã, điều chỉnh lại cục diện chiến đấu, quân Mỹ cũng sẽ rơi vào trạng thái bị động. Nhưng, Roosevelt lại vờ ra vẻ không xảy ra chuyện gì. Kết quả chuyện này nhanh chóng bị dập tắt, cục tình báo Nhật cũng không phát hiện chuyện này.

Bãn lĩnh vờ ra vẻ hồ đồ là bảo vệ bản thân ở lập trường an toàn, tiến vào có thể tấn công, lùi về có thể phòng thủ, để lại không gian cho mình và người khác. Chính vì Roosevelt biết vờ ra vẻ hồ đồ nên mới giành được chiến thắng cuối cùng. Vậy, vờ ra vẻ hồ đồ sẽ biểu hiện như thế nào?

1. Không tiết lộ bí mật của người khác, không uy hiếp người khác

Trong cuộc quyết đấu, kẻ xấu sẽ nói rằng: “Không ai phát hiện chứng cứ, bởi vì người nhìn thấy chứng cứ đều bị ta giải quyết rồi.” Cuối cùng, người giữ được tính mạng chính là “kẻ mù” và “kẻ ngốc”, bởi vì kẻ xấu sẽ tin rằng, những người này chẳng có bí mật nào để tiết lộ ra ngoài. Khi người khác hỏi bạn một cách cảnh giác rằng “biết những gì rồi?” Bạn tốt nhất làm ra vẻ vô tội và nói: “Cái gì? Tôi không biết gì cả”.

Mọi người đều không thích ở cạnh một người quá thông minh. Khi chúng ta ở cạnh một người thông minh thì sẽ cảm thấy đối phương biết quá nhiều, bản thân trở nên không có cảm giác an toàn, lại còn sợ bị lừa, bị đối phương tính toán. Vì thế, lúc nào cũng đề cao cảnh giác khi ở cạnh đối phương, không dám tùy tiện nói năng, đừng nói là “thổ lộ tâm sự”. Tâm lý con người là đều sợ bị người khác biết được bí mật gì đó, nắm được điểm yếu nào đó của mình.

Trong công việc, mỗi người đều nắm giữ những bí mật nhỏ, không muốn người khác biết được. Một số người trong lòng có ý đồ xấu, sợ bị người khác nói ra, vì thế nảy sinh thù địch với những người phát hiện bí mật, thậm chí chạy đến chỗ giám đốc mách tội.

Ví dụ, vào một ngày nào đó khi tan ca, bạn vô tình nhìn thấy một đồng nghiệp đang gửi thư nặc danh cho lãnh đạo. Khi đồng nghiệp ấy ngượng ngùng hỏi bạn “Có nhìn thấy gì không”, bạn hãy cười và nói: “Không, vừa đi ngang qua đây. Chúng ta đều đói rồi, cùng đi ăn đi!” Sau đó kiếm cớ để chuyển chủ đề nói chuyện. Như thế có thể khiến bạn bớt đi rất nhiều phiền phức không cần thiết. Nhưng sau đó, chúng ta nhất định không được mách lẻo hoặc bàn luận sau lưng, người thông minh sẽ biết bạn cố tình che giấu bí mật giúp anh ta, trong lòng sẽ nảy sinh cảm tình với bạn, còn có thể trở thành bạn bè.

2. Lập trường hồ đồ, không tham gia đấu tranh

Nếu hai người bạn cãi nhau, đến tìm bạn là người thứ ba để nói lý lẽ. Bạn nhất định không được coi mình là “cán cân công bằng”, phân tích sự việc có lý lẽ, chỉ rõ ai có lý, ai gây chuyện, ai đúng hơn, ai sai hơn.

Thực sự, làm “người hòa giải” không dễ dàng chút nào, thậm chí nếu bạn có kết luận cuối cùng “hai người đều không sai” thì vẫn có thể đắc tội với hai bên. Họ sẽ tức giận bởi bạn đã không đứng về phía họ, nhất định sẽ không chịu để bạn yên. Thậm chí còn cùng nhau giơ nắm đấm về phía bạn: “Không ai sai? Vậy thì được, chính là lỗi của cậu!”

Vì thế cách tốt nhất chính là không tham gia bình luận, làm ra vẻ người ngoài cuộc: “Xin lỗi, mình không hiểu”. Để mình rút lui, không tham gia đấu tranh.

Trong tâm lý học, hồ đồ là chỉ việc trong lòng hiểu một số sự việc, khoan dung với người khác, tấm lòng rộng mở nhưng bề ngoài lại vờ ra vẻ không hiểu. Đây là một biểu hiện của việc tu dưỡng bản thân.

Còn có người vờ ra vẻ hồ đồ khiến người khác vô cùng yêu mến. Rõ ràng anh ta biết hai người cãi nhau nhưng lại vờ ra vẻ không biết. Anh ta đứng trước mặt người A nói: “Lát nữa tìm B cùng đi ăn nhé?” A tức giận nói: “Đừng có nhắc tên anh ta trước mặt tôi!” Người “hồ đồ” nói: “Không phải chứ? Hôm qua tôi còn nghe anh ta khen anh mà? Sao thế, hai người lại cãi nhau rồi à?” A sẽ cảm thấy ngạc nhiên, thậm chí cảm thấy bản thân hẹp hòi, thế là không muốn nói cho anh ta biết việc cãi nhau, vội vàng giải thích: “Đâu có, chúng tôi thân thiết như vậy, sao lại cãi nhau được. Đúng rồi, anh ta khen gì vậy?”

3. Không làm người khác mất hứng, giữ thể diện cho người khác

Là con người, ai cũng muốn giữ thể diện, ai cũng hy vọng bản thân có thể diện trước mặt người khác, được người khác tôn trọng, chú trọng. Khi đối nhân xử thế, bạn có thể vờ ra vẻ hồ đồ một cách thích hợp, giữ thể diện cho người khác, tự nhiên người khác cũng sẽ biết ơn bạn.

Trong công ty có một nhân viên trẻ tuổi tên là Thành Huy, cậy học vấn cao, bình thường rất thích khoe khoang học vấn và thành tích của mình, lại còn thích lôi tật xấu của người khác ra để bới móc. Các đồng nghiệp đều không thích anh ta, cảm thấy anh ta kiêu ngạo tự phụ. Chỉ có Đức Trường là thân với anh ta.

Khi Thành Huy khoe khoang trước mặt mình, Đức Trường thường gật đầu nói: “Ừ, cậu giỏi thật!” Còn Thành Huy cũng rất vui vì được khen, thường xuyên “chỉ giáo vấn đề” cho Đức Trường. Đức Trường cũng thường cười và cảm ơn anh ta: “Cảm ơn, đúng là tôi chưa nghĩ ra!”

Điều mà Thành Huy không biết là học lực của Đức Trường còn cao hơn anh ta, hơn nữa còn là nhân viên giàu kinh nghiệm nhất trong bộ phận, là “nhân viên số một” về chuyên môn. Các đồng nghiệp không chịu được cách “kín đáo nhẫn nhịn” của Đức Trường, liền nói: “Anh cứ để cho một thằng trẻ ranh múa rìu qua mắt thợ trước như vậy à, cậu ta còn tưởng là anh không biết gì thật đấy!”

Đức Trường cười và nói: “Người trẻ tuổi thường hay hiếu thắng, lúc chúng ta mới vào cũng như vậy, lúc nào cũng muốn xuất sắc hơn người khác. Cậu ta hy vọng được thể hiện sự thông minh, tôi liền vờ ra vẻ hồ đồ, nếu không sẽ làm mất thể diện của người khác, như vậy có đáng không!”

Những lời này truyền đến tai Thành Huy, anh ta cảm thấy vô cùng xấu hổ, về sau trở nên khiêm tốn hơn rất nhiều, đồng thời trở thành bạn thân với Đức Trường.

Những người thật sự tài hoa luôn là người biết cách “vờ ra vẻ hồ đồ”, biết khiêm tốn. Họ biết giữ thể diện cho người khác, kiên nhẫn nghe những người thích khoe khoang thì càng chứng tỏ được trí tuệ và phong độ của “người hồ đồ”.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Trong xã hội cạnh tranh kịch liệt, để có được chỗ đứng trong công việc, thì thông minh chưa chắc đã phải là yếu tố quyết định, hãy thử vờ ra vẻ hồ đồ. Đôi khi, vờ ra vẻ hồ đồ sẽ khiến bản thân càng thuận lợi hơn.

(1) Vờ ra vẻ hồ đồ là một nghệ thuật

Hiểu nhưng vờ ra vẻ hồ đồ là một nghệ thuật. Chỉ cần chúng ta hiểu trong lòng, dùng tấm lòng rộng mở khoan dung cho những sự việc này thì sẽ khiến sự nghiệp của bản thân càng thuận lợi hơn.

(2) Không được bộc lộ tài năng một cách thái quá

Chúng ta không được nhìn thấy khuyết điểm của người khác là liền lập tức vạch trần, không được nhìn thấy sai lầm của đối phương là chỉ trích. Thích bộc lộ tài năng một cách quá mức sẽ rất dễ khiến người khác phản cảm. Chúng ta hãy thử vờ ra vẻ hồ đồ, khéo léo cho đối phương cơ hội sửa chữa, đối phương sẽ tự hiểu trong lòng, sau đó thật lòng cảm ơn bạn.

Bình luận
720
× sticky