Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận

Chương 1: Hiểu tâm lý của đối phương khi nói chuyện

Tác giả: Trịnh Tiểu Lan

PHẦN I: NÓI THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC CHÀO ĐÓN

Nói chuyện là phương thức trực tiếp nhất để có được sự yêu mến của người khác. Nói chuyện không chỉ đơn thuần là giao lưu mặt đối mặt mà còn là một môn nghệ thuật giao tiếp, mọi người đều cần phải rèn luyện.

Bài 1: Căn cứ vào thân phận, địa vị của đối phương để nói chuyện

Thanh niên ngày nay luôn đòi hỏi giải phóng cá tính, coi trọng sự bình đẳng, coi thường phép tắc trên dưới mà tổ tiên truyền lại. Người Phương Đông từ xưa tới nay coi trọng bổn phận, làm theo quy tắc, chỉ cần biết vị trí của mình là gì trong xã hội là sẽ ngoan ngoãn chấp nhận, bởi họ sợ gây rắc rối. Điều này nhìn qua thì thấy có vẻ như mang tính cách hiền lành nhút nhát nhưng thực chất là thông minh, thỏa đáng. Trong phim cổ trang thường có cảnh tượng như thế này: Một thường dân chạy đến chỗ quan phủ, chỉ vào mặt quan chửi quan hồ đồ, mặc dù nhìn thì có vẻ dũng cảm, khí thế nhưng rốt cuộc đều bị lôi ra ngoài, đánh cho một trận nhớ đời. Hoặc ví như trong quán trọ có khách đến, nếu là một thư sinh chất phác, tiểu nhị sẽ nói: “Khách quan đi đường vất vả rồi, ở đây chúng tôi có hai món rau dưa với một bình rượu nhỏ, xin mời uống cho ấm người!” Nếu là một ông chủ vừa nhìn đã biết giàu có, tiểu nhị sẽ nói: “Lão gia, quán trọ mới có hải sản, có rượu hảo hạng dành cho ngài đấy ạ!” Quán có một tiểu nhị khéo léo như vậy, việc kinh doanh không tốt mới là lạ. Nếu đổi đối tượng, nói ngược lại hai câu nói này thì thư sinh sẽ cảm thấy bị bới móc, còn lão gia sẽ cảm thấy quán trọ nghèo nàn, không xứng với mình. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Nằm ở chỗ trước khi nói cần xác định rõ thân phận địa vị của đối phương.

Những người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm có thể nghĩ rằng điểm này không quan trọng. Thực tế là, khi chúng ta nói chuyện, nếu biết căn cứ vào thân phận địa vị của đối phương thì không những sẽ phù hợp với lễ nghi xã giao cơ bản mà còn phù hợp với nhu cầu tâm lý của con người. Một khi lời bạn nói thỏa mãn nhu cầu tâm lý của người khác thì dĩ nhiên sẽ hỗ trợ cải thiện và tăng cường quan hệ giữa chúng ta với những người xung quanh. Nói một cách cụ thể, trong quá trình giao tiếp, nhìn vào thân phận địa vị của đối phương để nói chủ yếu sẽ có những tác dụng dưới đây:

1. Tăng cường sự đồng thuận của đối phương với thân phận địa vị của mình

Trong nội dung lý luận tháp nhu cầu, Maslow – nhà tâm lý học người Mỹ cho rằng: Nhu cầu tự thể hiện bản thân là một nhu cầu khá cao, biểu hiện thông thường của nó là cảm thấy vinh dự và thành công, nó không giống với “sĩ diện” mà là điều kiện cần thiết để một người nào đó khẳng định được vị trí và vai trò của mình. Vì vậy, câu nói “Binh sĩ không muốn làm tướng quân thì không phải binh sĩ tốt” cũng có lý do của nó. Mục đích của nó là để thể hiện giá trị của bản thân, đồng thời cảm nhận được sự uy nghiêm và vinh dự từ địa vị của mình.

Ai cũng có lòng hư vinh, nếu bạn cảm thấy điều này là thô tục, thì bạn có thể lánh thân ở nơi chùa chiền không dính bụi trần. Nhưng bạn cần biết rằng, trong chốn tu hành cũng có phân biệt về đẳng cấp, thân phận, địa vị; tu sáu bảy mươi năm đổi lấy một tiếng “sư tổ” của chúng đệ tử, và cũng ngần ấy năm để đổi lấy một câu “đại sư” trên giang hồ.

2. Đôi bên cùng có lợi

Tâm lý học xã hội cho rằng, lời nói và hành vi của mỗi thành viên trong xã hội đều nên phù hợp với quy phạm hành vi và chuẩn mực đạo đức về vai trò và địa vị của người đó. Trong giao tiếp xã hội, do mỗi người có vai trò địa vị khác nhau nên sẽ quyết định các phương thức khác nhau khi con người giao tiếp. Căn cứ vào thân phận địa vị của người khác để vận dụng cách nói chuyện tương ứng, có thể duy trì khoảng cách qua lại thích hợp giữa bạn và đối phương, đồng thời cũng khiến quan hệ giữa bạn và đối phương ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Khái niệm “vai diễn xã hội” do từ chuyên môn là vai diễn trong phim và kịch diễn tiến mà thành. Các nhà xã hội học, trong quá trình phân tích tương tác xã hội đã phát hiện, sân khấu xã hội và sân khấu trong phim có một số điểm tương đồng, vì vậy người ta liền mượn khái niệm “vai diễn” trong phim để áp dụng trong tâm lý học và xã hội học.

Trong cuộc sống, có một số người khi nói chuyện với người khác không phân biệt già trẻ lớn bé, không phân biệt trước sau trên dưới, không hiểu rõ mối quan hệ giữa mình và những người xung quanh. Những người như thế này nói chuyện, chứ đương nhiên người khác sẽ không bao giờ muốn nghe, đừng nói đến chuyện thông qua giao tiếp để kéo gần mối quan hệ với người xung quanh. Nói tóm lại, cuộc đời giống như một bộ bài, địa vị xã hội là số trên quân bài, cùng là quân bài nhưng tác dụng không giống nhau. Bạn là số 5 thì không thể thắng được số 6, đây là thứ tự. Nếu bạn đảo lộn thì khó có thể tiếp tục chơi được. Vì thế, hãy đánh bài theo lẽ thường, bạn có thể là một con số 5 vui vẻ, nhưng hãy nhớ còn con số 6 lớn hơn bạn.

3. Tăng cường sự tôn trọng của người khác đối với bạn

Nếu bạn có thể căn cứ vào thân phận địa vị của đối tượng giao tiếp để áp dụng các phương thức nói chuyện khác nhau, đặc biệt là với những người cần tôn trọng đặc biệt, yêu cầu cách nói và thái độ có sự chú trọng cần có thì điều này là vô cùng quan trọng. Như thế vừa có thể thỏa mãn nhu cầu tâm lý của đối phương, lại vừa thể hiện được tố chất và sự tu dưỡng của bản thân, từ đó cũng khiến người khác báo đáp lại bạn sự tôn trọng tương tự. Sự tôn trọng và quan tâm của con người luôn là sự tương tác qua lại với nhau, điều này vừa phù hợp với sự miêu tả của định luật hấp dẫn trong tâm lý học, vừa phù hợp với tâm lý thiếu hụt nội tại của con người – cho dù là trong giao tiếp hay là những lúc khác, con người thường nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng tâm lý, khi bạn tôn trọng và đối xử trọng hậu với người khác, người khác sẽ nghĩ mọi cách đáp lại sự đãi ngộ tương tự với bạn trong thái độ hoặc hành vi.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Tục ngữ có câu: “Liệu cơm gắp mắm”, chúng ta cần căn cứ vào sự khác biệt về thân phận, địa vị của đối phương để áp dụng các phương thức nói chuyện khác nhau. Vậy, khi nói chuyện chúng ta cần lưu ý những gì?

(1) Hiểu rõ thân phận địa vị của mình

Bất cứ khi nào nói chuyện, chúng ta cũng đều phải hiểu rõ thân phận và địa vị của mình. Điều cần đặc biệt chú ý là: Trong các trường hợp khác nhau, trước những đối tượng khác nhau, thì bạn sẽ có những thân phận và địa vị khác nhau. Ví dụ ở nhà, bạn có thể là phụ huynh nghiêm khắc, nhưng trong công việc, địa vị của bạn lại được quyết định bởi chức vụ hoặc mức độ coi trọng của mọi người trong cơ quan.

(2) Hiểu được sự khác biệt về địa vị của mình và đối phương

Vai trò hay địa vị của mỗi người trong xã hội chỉ mang tính tương đối, khi chúng ta nói chuyện với người khác, phải hiểu địa vị của bản thân và địa vị của đối phương có sự khác biệt hay không. Nếu có thì sự khác biệt ấy là lớn hay nhỏ, phải hiểu rõ điểm này thì khi nói chuyện với người khác chúng ta mới không nhầm lẫn và phạm lỗi được.

Bài 2: Căn cứ vào biểu cảm khuôn mặt của đối phương để nói chuyện

Đắm chìm trong tình yêu, cô gái với tâm trạng rối bời khi cãi nhau với bạn trai, thường khóc lóc chất vấn: “Rốt cuộc anh có yêu em không?” Sau đó vì một câu nói “Anh yêu em” khô khan từ bạn trai, sẽ lập tức tin tưởng và tha thứ cho đối phương; bạn bị mất tự tin trong công việc, đối mặt với giám đốc khó tính, thỉnh thoảng cũng căng thẳng tới mức không biết phải nói thế nào.

Vậy là do bạn trai quá giỏi ngụy trang hay giám đốc quá khó tính đã khiến bạn lâm vào tình cảnh như vậy? Đều không phải, tất cả bắt nguồn từ chính bạn: Để trở thành một người sáng suốt, có tình yêu đẹp đẽ, làm nhân viên được ưu ái, chuẩn bị cho việc thăng chức, tất cả đều cần bắt đầu từ vai trò của tâm lý học.

Tục ngữ có câu: “Biết người biết mặt mà không biết lòng”, trái tim con người ẩn sâu, chỉ có bạn mới hiểu được chính nó mà thôi. Tâm lý học dạy bạn “biết mặt”, “mặt” ở đây chỉ biểu cảm khuôn mặt. Xét từ góc độ khoa học, chính là giải mã tâm lý qua khuôn mặt.

Bạn có biết thương nhân Ba Tư cổ đại khi định giá cho đá quý đã có mánh khóe gì không? Họ dựa vào mức độ giãn nở đồng tử của khách hàng khi nhìn thấy đá quý để định giá, đồng tử giãn nở càng lớn, chứng tỏ khách hàng càng thích đá quý. Cho nên chúng ta mới thường nghe thấy khách hàng than phiền thế này: “Vì sao càng là những thứ mình thích thì lại càng đắt nhỉ?”

Nhìn ví dụ nhỏ ở trên, có phải bạn đã hiểu ra điều gì rồi không? Làm ăn buôn bán cần dựa vào biểu cảm khuôn mặt của người khác để suy đoán tâm tư trong lòng đối phương. Bình thường, khi chúng ta giao lưu nói chuyện với người khác, cũng cần phải kết hợp với biểu cảm khuôn mặt của đối phương. Ví dụ, muốn biết điều mình nói có phải là điều mà đối phương thật sự muốn nghe không, vậy thì khi nói chuyện, bạn hãy chú ý quan sát ánh mắt của đối phương. Người giỏi nói dối thế nào cũng có một đôi đồng tử thành thực. Các nhà tâm lý học thông qua nghiên cứu đã phát hiện, đồng tử có thể phản ánh chân thực biến đổi nội tâm của một người. Khi người ta nhìn thấy hoặc nghe thấy người hay sự vật mà mình thích, đồng tử sẽ nhanh chóng giãn nở; ngược lại, đồng tử sẽ thu nhỏ. Vì thế, lần sau nói chuyện với bạn bè, bạn nhất định không được chỉ biết ngồi đó nói những chuyện mình cho là thú vị, mà nên nói ra chủ đề với mục đích thăm dò, sau đó quan sát biểu cảm khuôn mặt của mọi người, nếu họ đều tỏ ra không quan tâm tới mình, biểu lộ vẻ mặt không quan tâm thì tốt nhất bạn nên chuyển chủ đề nói chuyện.

Nhà tâm lý học nổi tiếng, chuyên gia nhận biết nói dối nổi tiếng trên thế giới – Paul Ekman nói: “Chúng ta dùng thanh quản để nói chuyện, nhưng chúng ta dùng biểu cảm khuôn mặt, thanh điệu, thậm chí toàn bộ cơ thể để biểu đạt và truyền tình cảm. Khuôn mặt rất trung thực, hơn nữa thường xuyên biểu lộ tâm trạng của con người. Con người không thể khống chế biểu cảm khuôn mặt của mình một cách có ý thức.”

Paul Ekman (15 tháng 2 năm 1934 – ) là nhà tâm lý học người Mỹ, sinh ra ở Washington, Mỹ. Ông chủ yếu nghiên cứu sự biểu đạt của cảm xúc và hoạt động sinh lý của nó, những biểu hiện của nét mặt thể hiện sự lừa gạt trong giao tiếp. Ông là người đi đầu trong việc nghiên cứu cảm xúc và biểu cảm khuôn mặt. Năm 1991, ông giảnh giải thưởng cống hiến khoa học xuất sắc do hiệp hội tâm lý học của Mỹ trao tặng. Ông là nguyên mẫu của nam diễn viên chính Cal Lightman trong bộ phim Lie to me (Dối trá) của Mỹ.

Dưới đây là một số thông tin giải mã biểu cảm khuôn mặt, được phân tích từ góc độ tâm lý học trong bộ phim Lie to me rất được ưa chuộng của Mỹ.

1) Người nói dối sẽ không giống như bình thường né tránh ánh mắt của đối phương mà càng cần giao lưu bằng ánh mắt để phán đoán đối phương có tin vào lời anh ta nói hay không.

2) Nếu khi đối phương kể lại sự việc, đồng tử nhìn về phía dưới bên trái, điều đó chứng tỏ bộ não đang nhớ lại, những gì nói là sự thật. Còn nếu đối phương không chớp mắt, kể lại một cách lưu loát thì rất có thể là đang nói dối, bởi vì nói dối không cần quá trình nhớ lại.

3) Khi đã biết còn cố tình hỏi, lông mày sẽ hơi vểnh lên trên.

4) Khi cười giả tạo, khóe mắt không có nếp nhăn.

5) Nhếch mép biểu thị sự khinh miệt.

6) Biểu cảm ngạc nhiên, sợ hãi trên một giây, chứng tỏ là giả vờ.

7) Đối phương tỏ ra coi thường lời chất vấn của bạn, thông thường lời chất vấn của bạn sẽ là thật.

8) Chớp mắt khi mỉm cười chứng tỏ thật sự nghĩ tới chuyện khiến người ta hạnh phúc.

9) Bĩu môi là biểu cảm phạm lỗi kinh điển, hành vi tiềm thức này tiết lộ người nói dối không tự tin vào lời nói của mình.

10) Cằm rung mạnh chứng tỏ đang tức giận.

11) Không có biểu cảm và xuất hiện biểu cảm quan trọng như nhau, nếu đối phương không thay đổi ánh mắt, tỏ ra bình tĩnh quá mức, rất có thể anh ta chính là cao thủ nói dối.

12) Khi biểu cảm hai bên khuôn mặt không đối xứng, rất có thể người đó đang ngụy trang tình cảm.

Trong giao tiếp xã hội, cần nói những lời như thế nào để có thể thu hút được sự chú ý của người khác, khiến người khác nảy sinh ấn tượng tốt đẹp với bạn? Nếu trước đó chưa hiểu rõ về người khác, vậy thì phải làm cho bản thân trở nên linh hoạt hơn, trong quá trình giao lưu cần phải quan sát lời nói, sắc mặt của người khác một cách tỉ mỉ, nghiêm túc nghiền ngẫm tâm tư của họ, sau đó căn cứ vào tâm tư của họ để nói những lời phù hợp với nhu cầu tâm lý của họ. Với những người như thế, người nói chuyện không thể không yêu mến.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Nói chuyện cần quan sát lời nói sắc mặt, nhưng quan sát thế nào, các bước sau đó cần làm thế nào thì đều phải chú trọng tới các kỹ xảo và phương thức:

(1) Quan sát người khác phải nhạy bén, nhưng không được quá lộ liễu

Nếu chúng ta biết tâm lý nội tại của người khác và biểu cảm của họ ra ngoài khuôn mặt, để nói những lời khiến họ vui vẻ thì dĩ nhiên là rất tốt. Nhưng, khi quan sát biểu cảm khuôn mặt của người khác, chúng ta phải ghi

nhớ, mục đích bản thân quan sát người khác là để nói những lời thích đáng hơn, làm những chuyện thích hợp hơn, nhất định không được quan sát chỉ vì quan sát, đặc biệt không được nhìn chằm chằm vào đối phương, như thế sẽ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ.

(2) Căn cứ vào biểu cảm của đối phương, nhanh chóng đưa ra phản ứng

Khi bạn nói đi nói lại một chuyện, thấy đối phương tỏ vẻ đờ đẫn, bạn nói: “Còn muốn nghe nữa không?” Đối phương nói: “Anh cứ nói tiếp đi ạ!” Khi ấy, bạn nên biết rằng đối phương chỉ là vì lễ phép, điều bạn cần làm là lập tức dừng chủ đề này lại. Biết cách phân tích biểu cảm khuôn mặt sẽ giúp bạn trở thành một người lịch sự, đúng mực trong giao tiếp, được mọi người yêu mến.

Bài 3: Căn cứ vào tính cách của đối phương để nói chuyện

Tôn Minh là nhân viên của một công ty bất động sản. Thành tích của anh trong công việc rất tốt, khiến các đồng nghiệp vô cùng ngưỡng mộ. Cùng là một tòa nhà rao bán, trong khi mọi người đều phải vất vả môi giới, thì với Tôn Minh, điều này lại có vẻ khá dễ dàng, khách hàng đã gặp anh phần lớn đều muốn bỏ tiền mua những căn nhà mà anh giới thiệu. Có người hỏi anh bí quyết làm nên điều này, anh trả lời chẳng có bí quyết gì cả, chỉ là nhìn vào tính cách của đối phương để nói chuyện mà thôi. Đồng thời anh cũng kể lại một câu chuyện làm ví dụ.

“Một lần, tôi có khách hàng là một người phụ nữ. Khi xem nhà, cô ấy nhìn đồng hồ ba lần, tôi đoán ngay là cô ấy đang rất nóng vội. Người khách tỏ vẻ không hứng thú lắm với kết cấu của khung nhà, như vậy rõ ràng là cô ấy chưa xem kỹ ngôi nhà. Tôi thấy cần phải giới thiệu thêm cho cô ấy, vì vậy tôi liền nói: Công ty sắp tới đây sẽ kỷ niệm ba mươi năm thành lập nên đưa ra giá ưu đãi, nếu để lỡ mất cơ hội này, giá nhà ít nhất sẽ tăng gấp đôi. Lúc này, tôi nhận thấy nét mặt của vị khách đã có chút dao động, tôi liền nhân cơ hội đó nghe hai cuộc điện thoại, nói với người đầu dây bên kia là chiều nay đã hẹn đưa hai vị khách khác tới xem nhà. Nghe thấy thế, người khách cuống lên, lập tức nói muốn mua căn nhà này, ngày hôm sau tới đặt tiền cọc luôn.”

Trong tâm lý học, thì tính cách và cách nói chuyện chuyên nghiệp được gọi là khí chất, xét từ góc độ tâm lý thì tính cách và khí chất là hai nhân tố quan trọng cấu thành nhân cách.

Tính cách là đặc trưng tâm lý của sự ổn định và cá tính của con người, biểu hiện ở thái độ của con người đối với hiện thực và hành vi tương ứng. Tâm lý học phân chia loại hình tính cách thành bốn phương diện:

1) Xét từ góc độ chức năng tâm lý, chia thành kiểu cảm xúc và kiểu ý chí.

2) Xét từ góc độ phương hướng biểu hiện tâm lý, chia thành kiểu hướng nội và kiểu hướng ngoại.

3) Xét từ góc độ tính độc lập, chia thành kiểu độc lập, kiểu thuận theo, kiểu lý luận và kiểu kinh tế.

4) Xét từ góc độ đặc điểm hoạt động xã hội, chia thành kiểu thẩm mỹ, kiểu xã hội, kiểu chính trị và kiểu tôn giáo.

Khí chất là chỉ đặc điểm của hoạt động tâm lý và mô thức hành vi của con người, các nhà tâm lý học căn cứ vào các kiểu người, đã phân chia khí chất thành bốn loại dưới đây:

1) Sôi nổi: Người có khí chất này là người rất hăng hái, đầy nhiệt tình, dễ và nhanh bực tức. Họ say mê công việc, có nghị lực, có thể dùng nhiệt tình của mình để lôi cuốn người khác. Nhưng khi anh ta không nhận được lợi ích gì thì dễ trở nên khó tính và cáu gắt.

2) Linh hoạt: Người linh hoạt nhanh chóng hoà nhập với mọi người, yêu đời, dễ dàng chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Người có tính khí này không thích các công việc đơn điệu và thường háo danh.

3) Điềm tĩnh: Người này khi tham gia vào công việc nào đó thì luôn cần có thời gian chuẩn bị chứ không thể bắt tay làm việc được ngay. Trong ứng xử họ điềm đạm, thận trọng, không bị xao nhãng bởi những chuyện nhỏ nhặt.

4) Ưu tư: Người ưu tư thường nhút nhát, mất bình tĩnh trong hoàn cảnh mới, trong những cuộc gặp gỡ mới với người xa lạ. Họ là người không thích giao tiếp, sống thiên về những cảm xúc nội tâm kéo dài. Họ cũng là người lao động cần mẫn và cực kỳ cẩn thận.

Trong cuộc sống hàng ngày, cho dù là giao tiếp với bạn bè hay là những người mới quen, thì đều cần phải chú trọng chiến thuật tâm lý nhất định. Khi nói chuyện hay làm việc, chúng ta cũng đều phải căn cứ vào từng mẫu người để cư xử cho đúng. Nếu chúng ta không biết được tính cách của người khác, cứ làm theo suy nghĩ của mình, thì giả dụ nếu gặp giám đốc khắt khe trong công việc, gặp đồng nghiệp xấu tính, gặp người bạn đa sầu đa cảm, gặp người yêu ghê gớm thì bạn sẽ rất khó để dung hòa với họ. Vì thế, muốn trở thành một người được người khác tin tưởng và yêu mến thì với những người có tính cách khác nhau chúng ta cần phải áp dụng những kỹ năng nói chuyện khác nhau. Với người đa sầu đa cảm, bạn nhất định không được thuận theo lời nói của đối phương để nói tiếp; ví như một người bạn tâm sự với bạn rằng: “Hôm nay bạn gái lại không bận tâm tới mình!” Bạn nói: “Bạn gái cậu thật chẳng ra gì!” Người ấy nói tiếp: “Nếu cô ấy thật sự không muốn tiếp tục ở bên mình nữa, thì mình phải làm thế nào?” Bạn nói: “Thế thì chia tay đi!” Hãy xem lại, bạn có thể khiến anh chàng này chết vì buồn bực. Anh ta tìm bạn chỉ để than phiền, xua đi tâm trạng u uất trong lòng chứ không muốn điều tồi tệ xảy ra. Khi ấy, bạn nên chuyển chủ đề nói chuyện, khích lệ anh ta, để tâm trạng của anh ta khá lên.

Đối với người tính tình nóng nảy, cá tính chống đối, bạn nhất định phải thuận theo lời nói của anh ta. Nếu là lãnh đạo, anh ta nói: “Phương án này làm kiểu gì vậy?” Bạn nên nói: “Xin lãnh đạo cho chút ý kiến, em xin được tiếp thu ạ” hoặc khi bạn nói: “Chúng em đã cố gắng hết sức rồi!”, anh ta sẽ nói: “Cố gắng hết sức mà chỉ được kết quả thế này thôi sao?”, bạn tốt nhất nên xin lỗi anh ta. Kiểu người nóng tính luôn muốn tìm cách để xả, để phát tiết những nỗi bực tức trong lòng, nhưng xong là thôi, bởi vậy bạn cần cho anh ta một lối thoát. Nếu bạn chặn lại, anh ta có thể sẽ chuyển toàn bộ sự bực tức lên người bạn, bạn thử nghĩ xem, như thế liệu có đáng không?

Đối với người có tính cách khá dịu dàng, nhìn bề ngoài thì mẫu người này được công nhận là “người tốt”. Bình thường lẳng lặng ít nói, thân thiện, có yêu cầu là đáp ứng. Nhưng họ có một nhược điểm là rất dễ bị tổn thương và khi bị tổn thương, anh ta sẽ vô cùng đau đớn. Bởi vậy, khi anh ta đau khổ, bạn nên cảm nhận được đâu là nỗi đau tiềm ẩn của anh ta. Bạn có thể nói chuyện riêng với anh ta, nếu anh ta không muốn nghe thì hãy tạm dừng việc nói lại, anh ta sẽ ngạc nhiên vì sự tỉ mỉ và chu đáo của bạn, từ đó sẽ càng tin tưởng bạn hơn.

Đối với người lầm lì ít nói, họ thường bị người khác hiểu lầm là tự cao tự đại, bị cô lập ở giữa đám đông. Có thể họ thật sự có tài, không muốn hòa vào với thế tục, những cũng có thể họ tự ti ở một mặt nào đó mà không dám hòa mình vào tập thể. Bạn có thể bày tỏ sự quan tâm tới họ một cách thích hợp, từ từ tìm hiểu nội tâm họ. Người sống trong cô độc càng dễ toàn tâm toàn ý tiếp nhận bạn bè, chắc rằng bạn sẽ không phiền nếu có thêm một người bạn nữa chứ!

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Trong cuộc sống, có người thích ồn ào, có người thích yên tĩnh; có người hay khóc, có người hay cười. Tính cách bên trong của mỗi người quyết định phương thức và sở thích mà họ áp dụng khi giao lưu với người khác. Vì thế khi giao lưu với người khác, chúng ta phải căn cứ vào sự khác biệt về tính cách của đối phương để áp dụng phương thức thích hợp, tránh vì nói nhầm, làm nhầm mà khiến người ta thấy ghét. Vậy, làm thế nào để thực hiện được tốt điều này, chúng ta cần tập trung vào hai phương diện:

(1) Dùng trái tim để nhìn nhận người khác

Một người nói chuyện khiến người ta yêu mến, đối nhân xử thế khéo léo chắc chắn là một người tỉ mỉ, chu đáo. Cụm từ này rất thú vị, bởi vì chúng ta muốn “chu đáo” thì trước tiên phải “tỉ mỉ”, tức là biết chú ý quan sát, cảm nhận tính cách của người khác, như thế mới có thể “biết người biết ta”, giống như Gia Cát Lượng, dùng kế vườn không nhà trống với Tư Mã Thiên đa nghi vậy.

(2) Khéo léo nói chuyện tùy theo từng người

Người tính cách nhiệt tình, hào sảng, ghét người khác vòng vo tam quốc, thì tốt nhất bạn nên nói thẳng, nếu không sẽ để lại ấn tượng xấu, kiểu như “cố làm ra vẻ” với đối phương; người tính cách hướng nội, bạn cần dẫn dắt một cách thích hợp, để đối phương nói nhiều hơn bạn, như thế bạn mới hiểu thêm thông tin về đối phương, đối phương cũng sẽ cảm thấy bạn là người thú vị; đối với người tính cách cứng nhắc, ngoan cố, bạn không được lấy đá chọi đá mà cần phải khéo léo từng bước. Tóm lại, chúng ta phải căn cứ vào tính cách khác nhau của mọi người để điều chỉnh phương thức nói chuyện của mình cho phù hợp.

Bài 4: Căn cứ vào trình độ văn hóa của đối phương để nói chuyện

Trong xã hội ngày nay, trình độ văn hóa đã trở thành một trong những tiêu chí đánh giá thân phận, tố chất và giá trị của mỗi người. Đối với một người trẻ tuổi mà biết lễ phép, khiêm nhường, người lớn tuổi sẽ đánh giá đó là “Một người tử tế, vừa nhìn là biết có học hành.” Còn với một người nói năng thô lỗ, bừa bãi, người khác sẽ nghĩ thầm trong bụng: “Chắc anh ta chưa tốt nghiệp tiểu học!”

Người có trình độ văn hóa nhất định sẽ giúp cho cuộc giao lưu và trò chuyện được thuận tiện, nếu trình độ văn hóa giữa hai bên khác biệt không lớn thì có thể giao lưu với nhau dễ dàng hơn, dĩ nhiên như vậy cũng dễ trở nên thân thiện hơn. Vì thế, xuất hiện nguyên tố “tính tương tự” của “hiệu ứng yêu mến” trong tâm lý học có thể mang lại cho mọi người một gợi ý quan trọng. “Tính tương tự” ở đây có thể hiểu là: Với những người có cùng trình độ văn hóa, có thể cùng lúc nảy sinh sự nhận thức tương đồng; thông qua sự cùng chung nhận thức giữa hai bên, có thể rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa hai bên, cuối cùng có lợi cho sự giao lưu thân thiết của hai người. Ngược lại, nếu trong giao tiếp hai bên đều cảm nhận thấy có sự khác biệt về trình độ văn hóa quá lớn thì giao tiếp sẽ xuất hiện trở ngại, dẫn đến khó xử, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả giao tiếp, cản trở mối quan hệ lâu dài giữa đôi bên.

Nhà văn Đinh Linh trong tiểu thuyết Mặt trời chiếu trên sông Tang Càn đã miêu tả hình tượng một tổ trưởng tổ công tác cải tạo đất. Tên của người tổ trưởng này rất thú vị – Văn Thái. Anh ta là giảng viên đại học, kiến thức uyên bác, giỏi ăn nói. Khi diễn thuyết về cải tạo đất cho người dân ở thôn Noãn Thủy, anh ta đã phát huy mọi kiến thức của mình, mở rộng vấn đề, từ cổ chí kim, trong nước ngoài nước, giảng từ lúc trời tối đến lúc trời sáng mà vẫn tràn đầy lòng nhiệt tình. Còn người dân thì sao? Vốn dĩ rất hứng thú với khái niệm mới này nên đã đứng chờ ở dưới từ sớm, nhưng bài diễn thuyết của Văn Thái, chưa được một nửa thì họ đã ngáp dài.

Cán bộ khẽ nhắc nhở Văn Thái: “Hết giờ rồi, mọi người còn phải làm việc.” Khi ấy Văn Thái mới đi xuống, còn tự cho rằng mình đã nói rất sâu sắc. Khi tổ trưởng tổng kết, hỏi người dân nghe được nội dung gì, có hiểu thế nào là cải tạo đất không. Kết quả người nào cũng tỏ ra mơ hồ, không ai lĩnh ngộ được những điều Văn Thái nói trước đó.

Một định luật khác của tâm lý học cũng có miêu tả tương tự: Con người sẽ bị một cá thể có đặc điểm nào đó tương tự với bản thân mình thu hút – đây cũng là một nội dung quan trọng trong định luật hấp dẫn của tâm lý học. Nói một cách ngắn gọn, con người sẽ thu hút lẫn nhau vì “giống nhau”, ở cùng nhau sẽ cảm thấy có nhiều điểm giống nhau và có cảm giác an toàn, từ đó nảy sinh cảm giác dựa dẫm và thân thiết. Đây gọi là “tâm lý người mình”, người tỉnh lẻ gặp đồng hương ở nơi khác, lập tức sẽ cảm thấy thân thiết, thậm chí còn coi đối phương là “người của mình”. Còn nếu người kiến thức ít, thiếu tu dưỡng, khi ở cùng với những người có kiến thức uyên bác, sẽ khó tránh khỏi cảm giác thiếu tự nhiên, lo lắng rằng mình sẽ làm trò cười, bị người khác chế giễu.

Vì thế, trước đám đông với trình độ văn hóa khác nhau, chúng ta phải học cách quan tâm tới cảm nhận của người khác một cách khéo léo và linh hoạt, căn cứ vào trình độ văn hóa của mỗi người để lựa chọn phương thức nói chuyện thích hợp. Ví dụ, giảng viên đại học nói chuyện với nông dân hay công nhân bình thường thì không nên nói quá nhiều đạo lý cao siêu, hạn chế dùng thuật ngữ, hạn chế đưa các điển tích điển cố, cố gắng dùng những lời nói gần gũi, những ngôn từ thông dụng dễ hiểu để giao lưu trò chuyện. Còn đối với người có kiến thức uyên thâm, thích dùng văn chương chữ nghĩa để kết bạn, đọ thơ phú, thì bạn nhất định không được dùng những từ ngữ cẩu thả, sỗ sàng, nếu không điều này sẽ để lại ấn tượng xấu với người ta. Bạn hãy cố gắng thể hiện sự uyên bác đa tài của mình, đưa ra những lời đánh giá và chiêm nghiệm sâu sắc.

Nói tóm lại, căn cứ vào trình độ văn hóa của đối tượng giao lưu mà bản thân tiếp xúc, chúng ta nên cố gắng điều chỉnh và vận dụng linh hoạt. Thứ nhất là phải “hiểu”, để đối phương có thể nghe hiểu; thứ hai là “giống”, để người khác cảm thấy bạn có sự thân thiết như gặp tri kỷ; khi cần thiết cũng cần phải tỏ ra “huyền bí” để người khác không nén được tò mò và mong muốn khám phá, tìm hiểu xem rốt cuộc bạn uyên bác đến đâu.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khi nói chuyện cần xem xét đến trình độ văn hóa của đối phương, không được nghĩ một cách đơn giản rằng, nói chuyện với người có trình độ văn hóa cao thì phải nghiền ngẫm từng chữ một, còn nói chuyện với người trình độ văn hóa thấp thì tùy tiện thế nào cũng được; thậm chí nói chuyện với người có cùng trình độ văn hóa, chúng ta cũng cần phải phân tích tình hình cụ thể, như thế việc giao lưu mới có thể đạt được kết quả như ý.

(1) Kết hợp đặc điểm cá tính khi nói chuyện

Người có trình độ văn hóa khác nhau thì suy nghĩ cũng có sự khác biệt, chúng ta có thể căn cứ vào tình hình cụ thể của người đó để nghĩ ra cách “công phá”.

Người có trình độ văn hóa cao, thông thường tâm tư nhạy cảm, rất dễ suy đoán, hoài nghi. Bởi vậy, muốn có được sự hợp tác của họ thì bạn phải đứng trên góc độ của họ, dẫn dắt từng bước, nhưng phải nhớ giữ thái độ ôn hòa, tiết tấu không nhanh không chậm. Còn người trình độ văn hóa thấp thường khá kích động, thiếu suy nghĩ, khi giao lưu với họ, bạn có thể thử phép khích tướng hoặc phép dụ dỗ, để họ làm theo ý muốn của bạn.

(2) Kết hợp thân phận địa vị khi nói chuyện

Trình độ văn hóa quyết định phương thức giao lưu. Đôi khi bạn cần kết hợp thân phận địa vị của mình và hoàn cảnh cụ thể để quyết định rốt cuộc mình cần “nhã” hay cần “tục”.

Ví dụ, nếu lãnh đạo không thích bạn tỏ ra thông minh, bạn nên khiêm tốn và không phô bày kiến thức quá nhiều. Nếu là đối thủ cạnh tranh, khi anh ta còn chưa hiểu rõ về bạn, bạn có thể đưa ra một vài kiến thức chuyên môn “dọa” anh ta, để anh ta biết rằng thực lực của bạn không thể xem thường được.

Bài 5: Căn cứ vào sở thích, hứng thú của đối phương để nói chuyện

Nếu bạn được “cài” vào làm “cảnh sát ngầm” trong tác phẩm Tây du ký, bạn sẽ thâm nhập vào đoàn người đi lấy kinh bằng cách nào, làm thế nào để xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với bốn thầy trò? Chắc hẳn bạn sẽ nói chuyện triết lí nhà Phật với Đường Tăng, nói chuyện ăn trộm đào và đánh nhau với yêu quái cùng Ngộ Không, nói về mỹ nữ và món ăn ngon với Bát Giới…. Nói tóm lại là chúng ta cần căn cứ vào hứng thú sở thích của đối phương, xem đối phương thích nói về cái gì thì chúng ta sẽ nói cái đó.

Trong tâm lý học, hứng thú là khuynh hướng nhận thức đặc biệt của con người với sự vật, thường kèm theo tình cảm khẳng định, tích cực như vui vẻ, sung sướng. Con người có hứng thú với sự vật nào đó thì sẽ đặc biệt quan tâm, yêu thích nó, đồng thời muốn tự mình cảm nhận và trải nghiệm. Có thể thấy, hứng thú là động lực lớn nhất.

Tâm lý của con người kỳ diệu là vậy, bởi thế, một nhà tâm lý học nổi tiếng người Đài Loan đã nói: “Một người không biết nói chuyện, đó là bởi anh ta không biết đối phương cần nghe những lời như thế nào. Giả dụ bạn giống như một thám tử nhìn thấu được hoạt động tâm lý của đối phương thì bạn sẽ biết sức mạnh của giao tiếp là lớn vô cùng.” Nếu một người có hứng thú với một sự vật nào đó, thì chắc chắn người đó cũng sẽ có hứng thú với những người có liên quan tới sự vật này, thậm chí vô cùng yêu mến với người có cùng chung sở thích với mình. Ví dụ trong câu lạc bộ những người yêu thơ, hẳn nhiên, người yêu thơ cũng thích kết giao với người yêu thơ, hoặc trong câu lạc bộ bóng đá, người yêu bóng đá chỉ vì chung sở thích mà tập hợp lại với nhau.

Vậy, trong quá trình giao tiếp xã hội, chúng ta nên kết hợp sở thích hứng thú của đối phương như thế nào để nói những lời khiến đối phương vui vẻ? Xét từ góc độ của tâm lý học, chúng ta có thể bắt đầu từ mấy phương diện dưới đây:

1. Thông qua sở thích, hứng thú của đối phương để dẫn dắt chủ đề chung

Định luật hấp dẫn của tâm lý học cho rằng, con người sẽ bị những người có cùng đặc điểm nào đó với mình thu hút, bao gồm cá tính, kinh nghiệm và sở thích hứng thú giống nhau. Chúng ta thấy những người kết bạn thân với nhau đa phần đều có tính cách giống nhau, có quan điểm giống nhau; bởi cùng chung suy nghĩ, cùng chủ đề quan tâm nên họ mới có ham muốn giao lưu mãnh liệt, dần dần nảy sinh sự thân thuộc trong tình cảm và sự dựa dẫm về tâm lý. Còn chúng ta, những người mới quen biết nhau, có thể tìm ra được hứng thú và sở thích của đối phương, đồng thời coi đó là xuất phát điểm để phá bỏ trở ngại trong cuộc giao tiếp.

Chúng ta nên học tập những nhân viên bán hàng thành công, xem cách họ khiến khách hàng móc hầu bao để trả tiền cho món hàng mà họ bán, lại còn tỏ ra thân thiết với khách hàng như thế nào? Câu đầu tiên của những người bán hàng ấy sẽ thường là: “Cô là người miền (Bắc/ Trung/ Nam…) phải không? Món ăn (A/ B/C..) ở quê hương cô thật tuyệt.” “Bộ quần áo này của chị đẹp quá, là nhãn hiệu xx phải không? Tôi cũng rất thích, cứ chờ nó giảm giá.”, “Bé nhà chị được mấy tuổi rồi? Dễ thương quá, tôi ước có một bé gái thế này mà chưa được.”

Tâm lý học thực nghiệm cho thấy, xuất phát từ cơ chế phòng ngự, con người thông thường sẽ từ chối yêu cầu của người lạ, cho dù bản thân thật sự đang rất cần yêu cầu đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhắm vào hứng thú của ai đó để “tấn công”, thì sẽ rất dễ phân tán được sự chú ý của họ, khiến họ dỡ bỏ cảm xúc phòng ngự trong lòng từ lúc nào không hay. Để làm được điều này, trước tiên bạn hãy kết bạn, sau đó mới bàn chuyện, điều này chứng tỏ bạn vì có hứng thú nên mới bàn chuyện với đối phương. Tâm lý học cho thấy, con người đều muốn giao lưu với người gần gũi và quý mến mình, và như vậy, những yêu cầu mà bạn đưa ra cũng dễ được đối phương chấp nhận hơn.

2. Lợi dụng cơ hội đưa ra yêu cầu

Khi chúng ta nhờ vả người khác, không nhất định phải khom lưng quỳ gối, xu nịnh bợ đỡ như chúng ta thường nghĩ. Có câu nói rằng: “Không sợ không có nguyên tắc, chỉ sợ không có sở thích.” Chúng ta muốn người khác đáp ứng yêu cầu nào đó của mình thì hãy thử bắt đầu từ hứng thú của họ.

Trong cơ quan có mấy suất đi du lịch nước ngoài, các nhân viên đều rất muốn đi. Nhưng trưởng phòng vốn ít nói ít cười, nay vẫn giữ thái độ bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Vì thế, các nhân viên cũng không đoán được ý đồ của trưởng phòng, có người mời trưởng phòng đi ăn cơm riêng để hỏi han tình hình nhưng liền bị từ chối.

Trung Kiên đến phòng làm việc của trưởng phòng, nói chuyện cả buổi sáng và trở về phòng thông báo mình đã có tên trong chuyến du lịch lần này. Các nhân viên đều tỏ ra khó hiểu, thắc mắc rằng tại sao lại như vậy, Trung Kiên cười và nói: “Thực ra rất đơn giản. Tôi vào phòng phát hiện trên bàn của trưởng phòng có một cuốn sổ tay du lịch, trên đó còn có hai vé tàu hỏa đi Nha Trang, đặt trên sổ tay. Tôi liền nói về kinh nghiệm đã từng đi du lịch Nha Trang trước đây, nói Nha Trang là một thành phố rất đẹp. Kết quả là trưởng phòng vô cùng hứng thú, thì ra ông ấy cũng là người thích đi du lịch, đặc biệt muốn đến Nha Trang từ rất lâu rồi. Tôi tiếp tục miêu tả về những cảnh đẹp thú vị ở Nha Trang, còn giới thiệu cho trưởng phòng hai người bạn là ngư dân làm việc trên biển mà tôi đã quen ở đó, có thể làm hướng dẫn viên cho ống ấy. Bình thường trưởng phòng không nói nhiều, nhưng lần này, nhắc tới chuyện du lịch thì ông lại nói rất nhiều, đến gần trưa còn mời tôi đi ăn cơm nói chuyện tiếp. Buổi trưa, tôi nhân tiện nhắc tới chuyện đi du lịch nước ngoài lần này, trưởng phòng vui vẻ hứa cho tôi một suất. Tôi cũng không ngờ lại thuận lợi như vậy.”

3. Đi sâu khai thác hứng thú của người khác, người khác muốn điều gì thì nói điều đó

Hứng thú không chỉ hiểu đơn giản là sở thích, mà có lúc còn phải hiểu là nhu cầu. Tâm lý học dựa vào sự khác biệt về đối tượng mà phân chia hứng thú thành hứng thú trực tiếp và hứng thú gián tiếp. Ví dụ truyện tranh, tiểu thuyết… cảm xúc yêu thích và tò mò do bản thân sự vật gây ra gọi là hứng thú trực tiếp; ngoại ngữ, lái xe… do kết quả sự vật tạo thành gây ra gọi là hứng thú gián tiếp (biết ngoại ngữ, biết lái xe… có lợi cho việc cạnh tranh xin việc).

Đôi khi sở thích có thể cắt bỏ nhưng nhu cầu thì không thể. Ví dụ, bạn muốn chị A hàng xóm cùng bạn đi nghe một buổi diễn thuyết, nhưng chị A lại không muốn bỏ thời gian. Bạn nói: “Chị đi cùng em, em sẽ tìm người giúp chị mua chiếc váy mới giảm giá”, có thể cô ấy vẫn nhất định không đi. Nhưng nếu bạn biết con chị A sắp thi chuyển cấp và nói: “Trong các khách mời có giáo viên phụ trách tuyển sinh của một trường nổi tiếng”, thì chắc chắn chị ấy sẽ lập tức hỏi bạn là trường nào, giáo viên nào và sẽ cùng bạn tới nghe buổi diễn thuyết ấy.

Lời nói cũng giống như việc tặng quà vậy, để người khác hài lòng, thực ra rất đơn giản: Bạn muốn cái gì thì tôi sẽ tặng cái đó, bạn muốn nghe cái gì tôi sẽ nói cái đó.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Bạn muốn làm trợ thủ đắc lực của sếp không? Có muốn giúp sếp xử lý mọi việc lớn nhỏ một cách dễ dàng, sau đó còn có thể uống rượu tâm sự không? Bạn có muốn trở thành một người hiểu ý người khác và đáng tin cậy trong mắt các bạn của mình không? Bạn có muốn tỏ ra lịch thiệp, đúng mực trước mặt khách hàng, khiến họ cảm thấy bạn thành thực và đáng tin cậy không? Vậy thì hãy bắt đầu từ sở thích và hứng thú của họ, nói những lời đối phương muốn nghe, nói những chuyện đối phương muốn nói, qua đó dỡ bỏ tâm lý phòng ngự của họ, vui vẻ tiếp nhận ý kiến của bạn, muốn tâm sự với bạn, đồng thời nảy sinh cảm tình với bạn. Vậy, phải làm thế nào để chúng ta phát hiện ra hứng thú và sở thích của đối phương?

(1) Biết cách quan sát, lưu tâm trải nghiệm

Bình thường, khi giao lưu với người khác, chúng ta phải lưu ý tìm kiếm những manh mối có thể bộc lộ sở thích hứng thú của đối phương. Ví dụ, khi nhìn thấy trong xe của ai đó có bộ câu cá được xếp ngăn nắp, thì bạn hãy nói chuyện về chủ đề câu cá, có thể sẽ trúng ý của đối phương; nhìn thấy trên bàn làm việc của đối phương có ảnh của đứa con, có thể nói chuyện với họ về chủ đề giáo dục con cái.

(2) Nắm bắt thời cơ, trực tiếp dò hỏi

Khi có thời cơ thích hợp, bạn có thể trực tiếp hỏi đối phương: “Bình thường anh thích những hoạt động giải trí nào?” Đương nhiên là bạn cần căn cứ vào tình hình cụ thể để có cách thức hỏi một cách linh hoạt.

(3) Nói bóng nói gió, thăm dò khéo léo

Nếu bạn cảm thấy hỏi trực tiếp sẽ khiến đối phương cảnh giác thì có thể thông qua phương thức khác để thăm dò. Với những việc mà bản thân đặc biệt thấy hứng thú, người ta sẽ vô tình bộc lộ một cách tự nhiên, chỉ cần bạn chú tâm chú ý thì nhất định sẽ phát hiện được. Hoặc bạn có thể thăm dò đối phương từ những người xung quanh, như thế bạn sẽ có được kết quả tốt đẹp mà không tốn nhiều công sức.

Bình luận