Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận

Chương 13: Để người khác cảm thấy bạn đáng tin cậy

Tác giả: Trịnh Tiểu Lan

Bài 1: Hạn chế hứa hẹn, một khi đã hứa thì phải cố gắng hết sức để làm

Lời hứa chính là một ám thị thông tin hữu hiệu từ thế giới bên ngoài. Thông tin này luôn khiến người nghe nảy sinh “hiệu ứng mong chờ” ở mức độ khác nhau. Vì sao con người thích hứa hẹn? Là vì lời hứa thông thường đều rất đẹp, nó mang theo một sự “ban tặng” tưởng tượng nào đó, giống như một mũi trợ tim mang tới cho con người niềm vui, sự tin tưởng, thậm chí là động lực vươn lên. Ví dụ “hứa cho bạn một công việc” trong ví dụ dưới đây.

“Hiệu ứng mong chờ” (Desired effect) là chỉ con người có một giả thiết và mô phỏng trong lòng về một sự việc xảy ra trong tương lai, đặc biệt là trong tình huống có sự ám thị từ thông tin bên ngoài, giả thiết này sẽ càng chân thực. Nếu sự việc chân thực xảy ra không giống với giả thiết, đặc biệt là tệ hơn so với giả thiết, thì con người sẽ nảy sinh cảm giác thất bại khi ảo tưởng bị hủy diệt, từ đó rơi vào nỗi hụt hẫng lớn hơn.

Huy tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, sau một năm làm việc ở một công ty lớn, anh có được thành tích rất tốt. Một hôm, giám đốc gọi Huy đến phòng làm việc, mỉm cười và nói: “Huy à, cậu là một nhân tài, tôi biết rất rõ. Hãy làm việc thật tốt, công ty sẽ không để cậu phải chịu thiệt thòi.”

Huy vội nói: “Vâng ạ, cảm ơn giám đốc đã chỉ bảo.”

Nhân lúc vui vẻ, giám đốc lại nói: “Lần cuối năm này, nếu thành tích của cậu đứng top ba trong công ty, tôi sẽ thăng chức cho cậu. Hiện tại vị trí phó giám đốc đang trống, tôi muốn để dành cho chàng trai có năng lực như cậu.”

Huy có chút ngạc nhiên vui mừng, thầm nghĩ: “Giám đốc coi trọng mình như vậy, nhất định mình phải làm thật tốt.” Sau đó Huy làm việc nhiệt tình hơn, thường xuyên làm thêm giờ, giám đốc cũng rất hài lòng.

Đến cuối năm, Huy hoàn thành nhiệm vụ vượt quá mức quy định, bỗng chốc trở thành quán quân về thành tích làm việc của công ty. Các đồng nghiệp đều chúc mừng anh, giám đốc cũng biểu dương anh trong cuộc họp, nhưng hoàn toàn không nhắc tới lời hứa thăng chức.

Không lâu sau, trong cuộc họp, giám đốc tuyên bố muốn tuyển “phó giám đốc” mới. Mọi người đều thảo luận, suy đoán sau lưng, liệu có “chỉ định ngầm” hoặc ai có hy vọng nhiều nhất. Có đồng nghiệp hỏi Huy, anh ta cũng chỉ mỉm cười nhưng trong lòng thì chắc chắn với lời hứa lúc đầu của giám đốc, cảm thấy mình chính là “ứng cử viên được chọn trước”. Nhưng có một lần, khi Huy nói chuyện với đồng nghiệp Quốc Triệu, Quốc Triệu lỡ lời nói: “Giám đốc đã đồng ý để lại vị trí phó giám đốc cho tôi rồi.” Huy ngạc nhiên hỏi: “Cái gì, giám đốc cũng nói với tôi như vậy?” Lúc hai người đang nhìn nhau thì Duy ngồi cạnh thở dài, gượng cười và nói: “Giám đốc đùa cho vui thôi, nửa năm trước đã nói sẽ để lại vị trí này cho tôi, chỉ cần tôi biểu hiện tốt. Tôi dốc hết tâm sức làm việc, kết quả thành tích tăng lên, lúc tôi đến tìm giám đốc, thì giám đốc tỏ vẻ như đã quên chuyện đó vậy, chỉ coi như là buột miệng nói ra thôi.”

Cuối cùng, vị trí phó giám đốc đã dành cho một người họ hàng của giám đốc. Huy có cảm giác bị lừa, về sau làm việc gì cũng chậm chạp, không có động lực. Giám đốc lại tìm anh nói chuyện, hứa hẹn vị trí nào trống nhất định sẽ cất nhắc Huy đầu tiên…Nhưng Huy đã không tin những lời này nữa, thậm chí anh còn mất đi niềm tin vào chế độ quản lý của công ty, cảm thấy ở đây không có không gian phát triển cho bản thân, có cố gắng hơn nữa cũng vô ích. Không lâu sau anh nộp đơn thôi việc.

Nếu giám đốc không đưa ra lời hứa thăng chức từ đầu, thì chắc rằng Huy sẽ không có cảm giác hụt hẫng vì bị lừa dối lớn như vậy. Bởi trước đó, Huy không có tâm lý mong chờ được làm phó giám đốc, tuy nhiên lời hứa của giám đốc khiến sự mong chờ này hình thành. Lòng tin của anh với giám đốc khiến sự hình thành mong chờ này càng chân thực hơn. Trong khi “hy vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều”, cuối cùng khi mong chờ không thành hiện thực, người trong cuộc sẽ có cảm giác bị lừa.

Trong cuộc sống, có một số người thích hứa suông. Những lời hứa không thực hiện sẽ trở thành những tấm ngân phiếu trống, làm tổn thương tình cảm của người khác, phá hoại niềm tin của hai bên. Khi hứa hẹn, con người sẽ nảy sinh một áp lực đạo đức nhất định, nếu không thể thực hiện lời hứa thì sẽ để lại hình tượng vô trách nhiệm với người nghe. Vậy là, áp lực đạo đức đã thúc đẩy họ có những hành động tương ứng để thực hiện lời hứa. Vì thế mới nói lời hứa sẽ tạo ra áp lực cho cả hai phía (người hứa và người nghe). Do đó, đứng trước một sự việc, chúng ta không được tùy tiện hứa hẹn, không được chỉ vì nhất thời sướng miệng mà gây ra những phiền muộn không cần thiết, thậm chí hạ thấp chữ tín của bản thân.

Là con người, thì hầu như ai cũng chú trọng đến việc giữ chữ tín, một khi đã hứa thì phải cố gắng hết sức để làm được, trước sau như một. Lời hứa là vàng, vô cùng quý giá.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Chúng ta phải cố gắng thực hiện lời hứa của mình, nếu chỉ một lần thất tín thì sẽ khiến người khác mất đi niềm tin với chúng ta, sau này họ cũng sẽ ít tin tưởng chúng ta hơn. Vậy khi hứa hẹn chúng ta cần áp dụng những kỹ xảo gì?

(1) Công khai

Lời hứa phải công khai rõ ràng, cố gắng không được hứa riêng, như thế dưới sự giám sát của mọi người mới có sức trói buộc lớn hơn. Tâm lý học nghiên cứu chứng minh, con người thường rất coi trọng đến lời hứa công khai của mình, sẽ nghĩ cách hoàn thành.

(2) Rõ ràng chính xác

Lời hứa phải rõ ràng, chính xác. Chúng ta phải nói rõ với đối phương nội dung cụ thể mà mình đã hứa, khi nào có thể thực hiện… như thế càng dễ khiến người khác tin tưởng.

Bài 2: Thái độ chân thành, không làm ra vẻ

Năm 1968, một nhà tâm lý xã hội học đã tiến hành cuộc điều tra về “phẩm chất nhân cách được yêu mến nhất” với sinh viên đại học. Ông liệt ra 555 tính từ miêu tả phẩm chất, để sinh viên lựa chọn phẩm chất mà mình thích nhất, kết quả từ được chọn nhiều nhất chính là “chân thành”. Trong khi “giả tạo” là phẩm chất bị mọi người ghét nhất.

Tổng thống Mỹ Lincoln được người dân yêu kính chính là bởi ông vô cùng chú trọng đến việc bộc lộ tình cảm chân thực. Trong một lần diễn thuyết, ông có một câu nói rất thâm thúy: “Bạn có thể lừa dối một số người nào đó vào mọi thời điểm, cũng có thể lừa dối tất cả mọi người vào một thời điểm nào đó nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người vào tất cả mọi thời điểm.”

Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều sự giả tạo, ngày càng có nhiều bí mật. Con người cũng chú trọng đến vỏ bọc của mình hơn, đến bí mật của mình hơn. Quan hệ giao tiếp trở nên phức tạp, có rất nhiều người hồi tưởng những năm tháng giản dị và tình cảm chân thành. Phẩm chất “chân thành” được coi trọng hơn bao giờ hết

Trong giao tiếp xã hội, hầu hết mọi người đều thích tiếp xúc với những những người có thái độ chân thành, không làm ra vẻ. Ở cùng họ, không cần mất nhiều tâm tư suy đoán suy nghĩ, cũng không cần nghi ngờ tính chân thực trong lời nói, họ sẽ khiến người khác cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Những người này đã biết dùng phương thức giản dị nhất để giành được tình cảm chân thành nhất.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, lại có một số người vì muốn nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới hoặc muốn xây dựng hình tượng tốt đẹp trong mắt người khác mà ra sức lấy lòng họ, nói những lời không thật lòng, như thế sẽ khiến người nghe không thích. Chẳng hạn như Trương Lan dưới đây:

Công ty mới có một nữ đồng nghiệp mới, tên là Trương Lan. Cô rất xinh đẹp, nói năng dễ nghe, nhưng không hiểu sao lại không được mọi người yêu quý. Làm được ba ngày, Minh Hà vừa vào phòng làm việc là than phiền với đồng nghiệp Mỹ Vân: “Mình thật không chịu nổi nữa, cái cô Trương Lan kia không biết có vấn đề gì không? Hôm qua lúc tan ca đi cùng mình, khen dây chuyền của mình đẹp”. Mỹ Vân cười và nói: “Khen cậu còn không tốt sao, người như cậu, đúng là khó chiều”. Minh Hà nói: “Đúng vậy, lúc đầu mình rất vui. Sau đó cô ta lại khen kiểu tóc của mình, khen da mình đẹp, khen hết một lượt từ đầu đến chân, ngay cả chiếc váy mà tất cả các cậu đều bảo là xấu, cô ta cũng nói rất đẹp, rất hợp với mình. Khen tới mức mình nổi cả da gà.”

Cổ nhân có câu: Tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân ngọt ngào như rượu ngọt, tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào những dễ đoạn tuyệt. Trong cuộc sống, người giống như Trương Lan thuộc mẫu nhiệt tình quá mức, như vậy sẽ khiến người khác cảm thấy không chân thành, từ đó nảy sinh cảm giác bài xích. Ngược lại, có một số người vì muốn xây dựng hình tượng tốt đẹp mà cố tình làm ra vẻ, thể hiện bản thân khác người, cứ như thể là có khí chất cao sang bẩm sinh, xa lạ với mọi người.

Có một người nọ, thực ra gia cảnh bình thường nhưng luôn giả vờ là giàu có trước mặt người khác, mọi người nói về những quán ăn nhỏ bên đường, cô ta lại toàn nói về những khách sạn cao cấp; mọi người nói về kiểu tóc mới, cô ta lại nói mình là khách “VIP” của một thợ cắt tóc chuyên nghiệp. Sau lưng mọi người đều bàn tán và không thích cô ta, cuối cùng phát hiện những lời cô ta nói không phải là sự thật. Người như thế vĩnh viễn phải sống trong mệt mỏi với chiếc mặt nạ, không dám nói ra những tâm sự và phiền muộn chân thực, không thể khiến người khác nảy sinh cảm giác thân thiết và ham muốn được gần gũi.

Nhà tâm lý học cho rằng, khi con người giao tiếp, cần phải duy trì cân bằng tâm lý, dùng thái độ chân thành để duy trì cân bằng tâm lý của hai bên. Điều này không những có lợi cho sức khỏe tâm lý mà còn có lợi cho việc giao tiếp bình thường.

Tâm lý học cho rằng, mọi chuyện đều ở trạng thái cân bằng thì mới có thể hài hòa, lâu bền được. Quan hệ giao tiếp cũng vậy, khi hai người ở cạnh nhau, cân bằng tâm lý của một người không được thỏa mãn, thì quan hệ của hai người sẽ xuất hiện vết nứt. Ví dụ, một bên đối xử chân thành còn bên kia thì lúc nào cũng che giấu giả tạo, cảm giác không chân thành này sẽ khiến bên chân thành cảm thấy mệt mỏi, như vậy sẽ không muốn tiếp tục duy trì tình bạn không ngang bằng này nữa.

Trong lòng mỗi người đều có một góc khuất, đều có lúc không muốn mở cửa lòng mình. Nhưng đồng thời con người lại cô độc, khao khát được giao lưu với người khác, được thấu hiểu. Giống như trên tòa nhà cao tầng sừng sững, bạn đóng chặt cửa nhà mình nhưng lại cảm thương vì sao cửa nhà khác bị khóa chặt. Bạn khóa bí mật của mình trong két bảo hiểm nhưng lại oán trách người khác không chịu thổ lộ tâm sự với mình. Bạn trang điểm rất đậm nhưng lại chê người khác không chịu để mặt mộc.

Cách duy nhất để chúng ta khiến người khác dỡ bỏ tâm lý phòng bị chính là trước tiên hãy dỡ bỏ tâm lý phòng bị của mình; chúng ta muốn được ôm thì trước tiên hãy dang tay ôm người khác, muốn được yêu quý thì trước tiên hãy yêu quý người khác. Điều này được áp dụng rất rõ trên thương trường. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đều theo đuổi mô thức kinh doanh cởi mở, tức là chân thành đối diện với người tiêu thụ, để họ nảy sinh cảm giác tin tưởng và cảm giác an toàn tuyệt đối. Thực tế chứng minh, một doanh nghiệp có cách hành xử chân thành sẽ khiến người ta cảm thấy thân thiết hơn, dễ có được thị trường và danh tiếng hơn.

Thành Trung là một nhân viên bán hàng trẻ tuổi, lúc mới vào công ty, anh cho rằng muốn bán được sản phẩm thì phải phóng đại sản phẩm tới mức hoàn hảo, khiến khách hàng mê mệt thì sẽ ký vào đơn mua hàng.

Nhưng anh ta phát hiện rằng, càng cố gắng miêu tả sản phẩm hoàn mỹ thì lại càng gặp phải khách hàng kén chọn, họ nói ra hết những điểm lỗi của sản phẩm, cuối cùng còn châm chọc một câu: “Chẳng phải nói nghe rất hay sao?”

Thành Trung cảm thấy rất buồn và thất bại. Một hôm, do thành tích làm việc không tốt, anh ta bị giám đốc phê bình, tâm trạng càng tệ hơn. Khi đối diện với khách hàng, anh ta quyết định thẳng thắn, nói ra hết khuyết điểm của sản phẩm, dù sao thì mình không nói, người khác cũng nói.

Không ngờ sau khi anh ta làm như vậy, khách hàng cười và nói: “Cảm ơn sự chân thành của cậu. Cậu suy nghĩ rất thấu đáo, có điều tôi cảm thấy, ngoài những khuyết điểm này, thì có thể coi là sản phẩm rất hoàn mỹ .”

Qua chuyện này, Thành Trung hiểu được rằng bán hàng không phải là “che giấu khuyết điểm” và “nói khoác” mà là đưa ra những ý kiến chân thành và có tính xây dựng. Bản thân thái độ chân thành chính là vật báu không ai có thể công kích.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Một phiên dịch nổi tiếng đã nói: “Chỉ cần một người chân thành thì có thể cảm động được lòng người, cho dù nhất thời người ta không hiểu thì sau này cũng sẽ hiểu”. Chân thành không phải cố tình làm ra vẻ để chiếm được lòng tin và sự tôn kính của người khác.

(1) Mở cửa lòng mình

Khi chúng ta ở cạnh người khác, phải mở cửa lòng mình, đối xử chân thành với họ, như vậy họ mới đối xử chân thành lại với bạn.

(2) Thấu hiểu người khác

Chúng ta chân thành rồi thì phải hiểu người khác, dùng trái tim quan sát người khác, nghe họ nói, dùng thái độ khoan dung và lương thiện để hiểu họ.

Bài 3: Làm sai thì dũng cảm thừa nhận

Chắc hẳn các ông bố bà mẹ đã từng nghe câu chuyện cậu bé Washington khi còn nhỏ cầm rìu chặt cây anh đào mà bố yêu quý, sau đó dũng cảm đứng ra thừa nhận lỗi lầm, đọc xong câu chuyện này, các ông bố bà mẹ liền coi việc “dũng cảm thừa nhận lỗi lầm” là bài học cần thiết để giáo dục con cái trưởng thành.

“Phạm lỗi, không sao cả. Con nói ra vẫn là con ngoan. Là con làm đúng không?”

“Cho con thêm một cơ hội nữa. Là con đúng không?”

“Hỏi con lần cuối cùng. Tự mình nói ra hay là để bố mẹ điều tra? Đợi đến khi bố mẹ hết kiên nhẫn, thì con sẽ bị trừng phạt nặng hơn đấy.”

Đáng tiếc, cùng với sự tăng lên của tuổi tác, chúng ta không những không học được cách thừa nhận lỗi lầm mà càng khó thừa nhận lỗi hơn.

Tâm lý học nghiên cứu chứng minh, ba từ mà con người khó nói nhất là “tôi sai rồi”, sau đó là “xin lỗi”. Vì sao con người lại nhất định không thừa nhận sai lầm của mình? Phân tích từ góc độ tâm lý học, chủ yếu có ba yếu tố:

1. Không muốn phủ nhận bản thân

Trong lòng mỗi người đều có nhu cầu khẳng định, chứng tỏ cái tôi, hy vọng thể hiện được giá trị của bản thân trước mặt mọi người. Thừa nhận lỗi lầm đồng nghĩa với việc phủ nhận bản thân, điều đó khiến con người nảy sinh cảm giác thất bại.

2. Bảo vệ tự tôn

Đây chính là vấn đề “thể diện” mà chúng ta thường nói. Con người lầm tưởng coi “nhận lỗi” là một việc mất thể diện, vì thế mặc dù biết là mình sai, chúng ta cũng phải cố giữ thể diện, chết cũng không thừa nhận.

3. Sợ gánh vác trách nhiệm

Làm sai chuyện gì đó, dĩ nhiên phải gánh vác trách nhiệm nhất định. Nhưng trách nhiệm thường khiến con người cảm thấy áp lực, con người sợ vì sai lầm mà phải chịu trừng phạt, vì thế kiên quyết giấu giếm lỗi lầm.

Tuy nhiên, những lỗi lầm trong cuộc sống sẽ không biến mất vì chúng ta không thừa nhận. Ngược lại, chúng sẽ lấy đi càng nhiều thứ xung quanh chúng ta, ví dụ sự coi trọng của giám đốc, sự tin tưởng của bạn bè. Còn sai lầm cũng sẽ không phóng đại tính nghiêm trọng khi được thừa nhận, nó tồn tại khách quan. Ngược lại người ta phát hiện, thừa nhận lỗi lầm thậm chí sẽ mang lại thêm nhiều lợi ích khác.

Trong tâm lý học, phương pháp Tory (Tory law) chỉ ra rằng, thừa nhận lỗi lầm là nguồn sức mạnh lớn nhất của một người. Chỉ có nhìn thẳng vào sai lầm, chúng ta mới có được những thứ ngoài sai lầm.

Tory, giám đốc trước đây của ngân hàng Tennessee nói: “Thừa nhận sai lầm là nguồn sức mạnh lớn nhất của một người, nhìn thẳng vào sai lầm sẽ có được những thu hoạch bên ngoài sai lầm.” Đây chính là phương pháp Tory nổi tiếng trong quản lý doanh nghiệp.

Sau khi hành động ứng cứu đại sứ quán Mỹ ở Iran thất bại, cả nước Mỹ rơi vào tâm trạng phẫn nộ, bi thương, thất vọng, người ta cảm thấy chính phủ bất lực, mất đi niềm tin với chính phủ. Khi ấy, tổng thống Mỹ Jimmy Carter trước sức ép nặng nề của dư luận, đã chân thành xin lỗi trên tivi: “Tất cả trách nhiệm thuộc về tôi.” Nhìn thì có vẻ là một câu nói đơn giản nhưng giống như ngọn lửa hy vọng, thắp sáng niềm tin trong lòng dư luận. Tỷ lệ ủng hộ tổng thống bỗng chốc tăng lên 10%.

Căn cứ vào phép tắc Tory, tổng thống thừa nhận sai lầm cũng là tự xây dựng hình tượng một lãnh đạo anh minh có trách nhiệm. Ông giành được niềm tin và sự yêu kính của quần chúng, cũng giành được sự khâm phục của cấp dưới. Là lãnh đạo phải dũng cảm thừa nhận sai lầm, điều này sẽ mang lại cho nhân viên cảm giác an toàn đáng tin tưởng; còn nhân viên cũng vậy, dũng cảm thừa nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác, như vậy có thể có được sự chú trọng và thiện cảm của lãnh đạo.

Minh Quang là kế toán của công ty, phụ trách phát lương cho nhân viên. Một lần, do sơ suất, anh ta đã phát tiền lương 1 tháng thành cả năm cho một nhân viên xin nghỉ ốm. Sau khi phát hiện lỗi lầm, Minh Quang thành khẩn bày tỏ sự xin lỗi của mình, đồng thời nói là anh ta phải thu hồi tiền lương đã phát thừa. Nhưng nhân viên này lại nói khéo với anh rằng: trước mắt cần dùng số tiền này để lo liệu kinh tế, vì thế không thể trả lại tiền lương phát thừa mà trừ theo tháng.

Minh Quang khó xử, anh thông cảm với nhân viên này nhưng lại sợ không khớp với sổ sách, giám đốc sẽ tức giận. Cuối cùng anh ta nói với nhân viên đó: “Chuyện này tôi không quyết định được, cần phải hỏi giám đốc.”

Quang chủ động tìm gặp giám đốc, thẳng thắn thừa nhận sơ suất của mình, đồng thời nói rõ tình huống trước mắt. Quả nhiên giám đốc vô cùng tức giận, mắng mỏ bộ phận nhân sự và bộ phận tài vụ phối hợp không tốt nên mới để xảy ra sai lầm này, đồng thời liên tiếp trách tội hai đồng nghiệp của Quang. Anh hết lời giải thích: “Không phải lỗi của họ, tất cả là trách nhiệm của tôi.”

Trước sự kiên trì của Minh Quang, giám đốc mới bớt giận một chút. Ông ta bắt đầu thích thú với chàng trai dũng cảm gánh vác trách nhiệm này, thế nên nói: “Thôi được, nếu cậu đã kiên trì là lỗi của cậu, vậy thì bây giờ cậu xử lý nó đi!”

Cuối cùng, Minh Quang có được sự tha thứ của giám đốc và làm theo lời thỉnh cầu của nhân viên kia trừ lương theo tháng, phát lương cũng không xuất hiện bất cứ một lỗi nào nữa. Sau đó giám đốc càng coi trọng anh ta hơn, còn nhân viên kia cũng bày tỏ vô cùng biết ơn anh ta.

Căn cứ vào phương pháp Tory, Minh Quang thừa nhận sai lầm cũng là lúc có được niềm tin của giám đốc, sự cảm kích của đồng nghiệp và nhân duyên tốt đẹp.

Nhà tâm lý học nghiên cứu cho thấy, thời gian để thừa nhận lỗi lầm và bày tỏ cảm giác có lỗi tốt nhất là mười phút đến trong vòng hai ngày sau khi “sai lầm gây tổn thương” hình thành, lúc đó nên bày tỏ thành ý xin lỗi của mình với bên bị hại hoặc bị tổn thất.

Xin lỗi quá gấp gáp sẽ tạo cho đối phương cảm giác không có thành ý, cho rằng bạn đơn thuần làm qua loa cho xong chuyện và không chân thành nhận lỗi; còn thời gian quá lâu, đối phương sẽ cảm thấy tinh thần trách nhiệm của bạn quá kém, ấn tượng này một khi đã hình thành thì mối quan hệ giữa bạn với người xung quanh sẽ trở nên khó khăn hơn.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Con người không phải là thánh hiền, nên không thể không phạm lỗi. Phạm lỗi không đáng sợ, đáng sợ là chúng ta không tìm ra lỗi, không dám thừa nhận lỗi.

(1) Thừa nhận sai lầm phải kịp thời

Chỉ có kịp thời thừa nhận sai lầm, chúng ta mới có thể giảm tổn thất xuống mức thấp nhất trong thời gian ngắn nhất. Nếu không kịp thời, chúng ta sẽ không cứu vãn được tổn thất.

(2) Phải nhận thức bản chất của lỗi lầm

Chúng ta phải nhận thức được bản chất của lỗi lầm, thừa nhận lỗi lầm, đồng thời có thái độ sửa đổi, coi đó là bài học, lần sau không phạm sai lầm tương tự nữa.

Bài 4: Kiềm chế tính sĩ diện của mình, không được để nó thổi phồng bản thân

Người ta nói thanh niên bây giờ đi làm mặc quần áo đòi hàng hiệu, ở khách sạn chọn khách sạn nhiều sao, tiền lương thì bèo bọt nhưng lại sống cuộc sống xa hoa. Có cô gái vì mua một chiếc áo khoác hàng hiệu, đã không tiếc bỏ tiền lương cả nửa năm ra để mua, rồi sau đó ở nhà ăn mỳ ăn liền một tháng đến mức cơ thể gầy gò, mặt mày xanh xao, người khác nhìn vào thì tưởng rằng cô ta đang giữ eo. Giữ eo tới mức đau dạ dày, tổn hại sức khỏe, điều này có đáng không?

Sĩ diện là tâm lý rất đáng sợ của con người, con người thường vì sĩ diện mà nảy sinh mâu thuẫn. Thực tế chứng minh, quan hệ xã giao bình thường sẽ mất đi vì sĩ diện.

Tâm lý học định nghĩa, sĩ diện chính là một trạng thái tâm lý dùng phương thức giả tạo không đúng mực để bảo vệ lòng tự tôn của bản thân một cách quá mức. Tâm lý sĩ diện là chỉ con người mượn sự trang trí bên ngoài để bù đắp thiếu hụt thực chất bên trong, qua đó chiếm được sự quan tâm và tôn trọng của người khác. Có người hình dung nó là lòng tự tôn méo mó.

Phương thức biểu hiện của tính sĩ diện rất đa dạng: Thổi phồng phóng đại địa vị của bản thân, khoe khoang họ hàng có quyền thế; gia cảnh nghèo khó nhưng lại vung tay tiêu tiền tỏ vẻ dư giả; khoe khoang tài năng của bản thân quá mức, không hiểu làm ra vẻ có hiểu, chỉ thích được khen không thích bị phê bình; phạm lỗi không chịu thừa nhận, đổ lỗi cho người khác; dễ đố kỵ với người giỏi hơn mình, đi khắp nơi bới móc chuyện riêng tư của người khác, tuyên truyền thị phi.

Triết gia người Pháp Bergson có một câu danh ngôn: “Tính sĩ diện rất khó nói là một hành vi xấu, nhưng nó lại là nguyên nhân khiến nảy sinh tất cả hành vi xấu, trở thành thủ đoạn thỏa mãn hư vinh.”

Tính sĩ diện hại người hại mình, có rất nhiều tác hại:

1. Dẫn đến các vấn đề về nhân cách

Tính sĩ diện sẽ khiến con người trở nên nhạy cảm, yếu đuối và cô độc. Nó “trang trí” cho bạn một vẻ ngoài như vàng ngọc nhưng lại khiến bạn xấu hổ vì một nội tâm trống rỗng bên trong. Một khi có người bàn tán sau lưng hoặc nhìn người sĩ diện lâu một chút, họ sẽ nghi ngờ có phải bị người ta phát hiện ra rồi không. Người sĩ diện ở ngoài thì bàn luận vô biên, nhưng khi ở một mình thì bắt đầu mơ hồ, không thể tìm thấy cảm giác tồn tại chân thực. Tâm lý nảy sinh cảm giác đè nén lâu dài, thậm chí còn nguy hại cho sức khỏe.

2. Ảnh hưởng tới giao tiếp

Trong xã giao, phần lớn mọi người sẽ không thích những người thích khoe khoang, thích thể hiện. Họ mang lại cho người khác cảm giác không chân thành, không thể dốc bầu tâm sự. Sĩ diện thường kèm theo nói dối, trong khi đó nói dối đều có sơ hở, đợi đến một ngày bị lộ ra, tất cả những người bị bạn lừa đều sẽ phỉ nhổ đạo đức của bạn.

3. Đả kích niềm tin phấn đấu

Một người lạc lối và đắm chìm trong thế giới ảo tưởng tươi đẹp sẽ mất đi niềm tin vào hiện thực trước mắt. Ví dụ, có người ngày nào cũng ảo tưởng mình là ông chủ lớn xa hoa, nhưng trong cuộc sống chỉ là người làm thuê gian khổ. Chênh lệch tâm lý này sẽ khiến người ta không dám đối mặt với hiện thực, mất đi động lực vươn lên.

Sĩ diện là vườn hoa trên không, đẹp nhưng nguy hiểm, bạn có thể xây nó rất cao, nhưng là một ngôi nhà không có móng, như vậy sẽ chẳng đứng vững được bao lâu. Bạn tưởng rằng đầu tư thật nhiều sức lực vào vườn hoa ấy là sẽ có kết quả, nhưng khi tất cả giả tưởng đều bị vạch trần, bạn sẽ không thể chịu đựng được nữa, như vậy tất cả sẽ biến thành số không.

Sĩ diện là con rắn độc trong lòng mỗi người. Vậy, chúng ta phải làm thế nào mới có thể khống chế được sức phá hoại của nó?

1. Tự tôn tự trọng

Một người thành thực, chính trực, có giá trị quan hợp lý sẽ hiểu thế nào là lòng tự trọng thật sự.

Chức vị có được nhờ vào xu nịnh, bợ đỡ sẽ bị người ta chỉ trỏ sau lưng, đó không phải là tôn nghiêm; tài sản có được nhờ vào việc hãm hại bạn bè, mất đi tình bạn đáng quý, đó cũng không phải là tôn nghiêm; oai phong nhờ vào việc tự khoe mẽ, thổi phồng bản thân, đó cũng không phải là tôn nghiêm.

Tôn nghiêm chính là dựa vào sự nỗ lực của bản thân để đổi lấy thành quả, dùng thái độ chân thành đổi lấy tình bạn, nhìn nhận bản thân bằng thái độ cao quý, chỉ có như vậy, người khác mới đối xử với bạn bằng chính thái độ tương tự.

2. Xây dựng lý tưởng cao đẹp

Người có lý tưởng sẽ theo đuổi sự phong phú và hoàn mỹ của thế giới tinh thần, từ đó chuyển hướng chú ý, không chạy theo danh lợi hư vinh. Lý tưởng là tài sản quý báu nhất trong sinh mệnh, nó khiến tâm hồn con người thuần khiết, ý chí kiên định. Trong tâm lý học nói, lý tưởng có thể khơi dậy tiềm năng của một người ở mức độ lớn nhất. Người không có lý tưởng rất dễ lạc đường trong ham muốn vật chất, chỉ lấy tiền bạc danh lợi làm biển chỉ đường, tuy nhiên tấm biển này bốn phương tám hướng, còn có thể chỉ về đường tà, đường chết.

3. Không chịu ảnh hưởng của dư luận

Rất nhiều phụ nữ thích than phiền ở nhà rằng, trong phòng làm việc có người mua nhà mới, buổi họp lớp có người đeo viên kim cương to. Họ thích so sánh với những người có ưu thế hơn mình, kết quả nảy sinh cảm giác tâm lý không cân bằng, đồng thời truyền cảm xúc tiêu cực này lên người thân của mình. Thực ra cách làm này rất nực cười, người khác sống thế nào hoàn toàn không liên quan đến mình. Sự so sánh không chút ý nghĩa này sẽ khiến bản thân rơi vào tự ti rồi lại lây truyền tâm trạng tiêu cực này cho người thân, mang lại áp lực không cần thiết cho gia đình, gây ra tranh cãi. Chúng ta chỉ cần giữ được trái tim bình dị, sống thật tốt cuộc sống của mình là có thể tránh được phiền não hại người hại mình.

4. Tìm thấy ưu thế của bản thân

Tính sĩ diện khiến con người đánh mất bản thân, khiến con người theo đuổi sự tốt đẹp hư ảo trong thế giới danh lợi, vật chất mà bản thân lại không có khả năng tốt đẹp, chân thực ấy. Điều đó rất dễ khiến con người mất đi cân bằng tâm lý. Một mặt trái khác của sĩ diện chính là khiến con người dễ trở nên bi quan, thất vọng. Có người bỏ rất nhiều thời gian và tinh lực để dệt nên một giấc mộng đẹp hư ảo, sau khi tỉnh dậy phát hiện chẳng có gì, không kìm được hỏi bản thân “Mình là ai?”, “Mình như thế nào?”… Vì thế chúng ta muốn kiềm chế sĩ diện, trước tiên hãy yêu bản thân, biết cách phát hiện ưu điểm của bản thân, không được dựa vào hư ảo để tăng cường giá trị của bản thân và cảm giác hư vinh.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Tính sĩ diện không có lợi cho sự trưởng thành của chúng ta, nhưng nếu chúng ta có thể dẫn dắt nó một cách đúng đắn thì sẽ biến sĩ diện thành động lực. Vậy, chúng ta phải nhìn nhận sĩ diện như thế nào?

(1) Nhìn nhận sĩ diện một cách đúng đắn

Mỗi người đều khát khao danh vọng, thành công, danh tiếng, địa vị và tự tôn, nhưng điều này phải phù hợp với sự nỗ lực chân thực của bản thân. Nếu chúng ta quá sĩ diện thì sẽ không nhận được sự tôn trọng của người khác mà còn bị người ta khinh miệt.

(2) Hiểu rõ bản thân

Chúng ta không được đánh giá quá cao bản thân mình, phải nhìn thấy thiếu sót của bản thân, như thế mới có thể khắc phục được tâm lý sĩ diện.

Bài 5: Quan tâm tới người khác nhưng không xâm phạm vào sự riêng tư

Trên báo có một tin tức như sau: Có học sinh trung học cơ sở vì bị xem trộm nhật ký mà kiện bố mẹ ra tòa vì tội xâm phạm quyền riêng tư, cuối cùng đã thắng kiện. Thực ra, nội dung của cuốn nhật ký rất trong sáng, chỉ là những áp lực trong thi cử và tình cảm đơn thuần. Bố mẹ ngạc nhiên nói: “Làm lớn chuyện như vậy, có cần như vậy không? Trẻ con thì có gì mà riêng tư chứ?” Sau đó than phiền một cách xót xa: “Bây giờ mức sống tăng cao, trẻ con trưởng thành sớm. Bé tí mà đã biết giữ khoảng cách với bố mẹ, sau này còn có thể mong chờ gì ở chúng nữa?”

Thực ra, suy nghĩ này không có lợi cho sự phát triển tốt đẹp trong mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái. Riêng tư là những thông tin bí mật mà con người không muốn tiết lộ với người khác. Ai cũng có, không liên quan đến tuổi tác. Đặc biệt là với trẻ con, chúng cảm thấy tự do của bản thân vốn dĩ đã rất ít ỏi, vì thế trong lòng chúng, thứ mà chúng cảm thấy quý giá chính là những sự riêng tư ấy, nó tượng trưng cho không gian cá nhân, thậm chí là nhân cách tôn nghiêm. Một khi người lớn tùy tiện chạm vào thì sẽ gây ra sự phản kháng chống đối trong lòng trẻ, chúng sẽ cảm thấy bản thân không được tôn trọng, bị cướp đi chút quyền tự chủ ít ỏi.

Hơn nữa, nhà tâm lý học phát hiện, những người trưởng thành tính cách nhạy cảm hướng nội, rất nhiều người trong số đó đều từng bị bố mẹ xem trộm những điều riêng tư. Điều này khiến sau khi trưởng thành, họ lại càng chú trọng đến không gian riêng tư của mình, không muốn chia sẻ với người khác, vì thế họ càng dễ giữ bí mật trong lòng, không chịu tiết lộ với mọi người, dẫn tới nảy sinh trở ngại trong trong giao tiếp, bị mọi người xa cách, nảy sinh cảm giác cô độc.

Trong tâm lý học, hàm nghĩa tượng trưng cho sự riêng tư rất nhiều, đó là có khoảng cách, tôn trọng, tin tưởng… Trong lòng mỗi người đều hy vọng giữ một chút không gian cho mình, điều này xuất phát từ việc bảo vệ cái tôi bản năng. Riêng tư không nhất thiết là chuyện lớn, đôi khi, một việc nhỏ bé không đáng nhắc tới với bạn nhưng trong lòng người khác lại nặng ngàn cân, quý giá như châu báu hoặc nguy hiểm như khối thuốc nổ.

Dĩ nhiên, khoảng cách trong giao tiếp không được quá xa cũng không được quá gần, nắm được một khoảng cách thích hợp là vô cùng quan trọng. Thử nghĩ một chút, trên chuyến xe buýt quá chật chội, mọi người chen lấn xô đẩy, người bên cạnh không cẩn thận đã giẫm vào chân bạn. Trong tình huống này, có phải bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu, muốn nhanh chóng đến bến? Một người xa lạ không nói câu nào mà lẳng lặng ngồi xuống cạnh bạn, như vậy có phải bạn sẽ lập tức đề cao cảnh giác?

Tâm lý học nghiên cứu chứng minh, quan hệ giao tiếp cần khoảng cách, khoảng cách nảy sinh vẻ đẹp. Con người sẽ căn cứ vào mức độ thân thiết với đối phương để điều chỉnh khoảng cách không gian khi ở cạnh đối phương. Khoảng cách này gọi là khoảng cách giao tiếp. Ví dụ với người chúng ta ghét, chúng ta sẽ nói “Xin hãy tránh xa tôi trong phạm vi một mét!” Với người chúng ta thích, chúng ta có thể nắm tay, ôm hôn.

Nhưng người thân thiết đến đâu cũng cần giữ khoảng cách, để lại chút không gian riêng tư, để có thể xoay mình, có thể hít thở, có thể nghỉ ngơi tâm sự. Sự qua lại có không gian này càng dễ duy trì sự hài hòa lâu dài. Xã hội hiện đại đặc biệt chú trọng đến quyền riêng tư cá nhân. Có phóng viên phỏng vấn một người mua nhà: “Anh vất vả kiếm tiền mua nhà như vậy là vì cái gì?” Người mua nhà nói: “Là để có một không gian tự do thuộc về mình, như thế mới thoải mái, mới có cảm giác an toàn. Không cần cùng người khác chen chúc trong một nhà vệ sinh, không cần nấu cơm trong nhà bếp công cộng, ngay cả ăn cà rốt rau xanh người khác cũng nhìn thấy, không có gì là riêng tư cả.”

Trong cuộc sống, khắp nơi đều là riêng tư. Không gõ cửa mà vào phòng của người khác sẽ khiến người khác cảm thấy bạn không lễ phép và phản cảm; không được hỏi cân nặng của phụ nữ, tuổi tác càng không được hỏi; không được đọc tin nhắn của người khác khi chưa được phép, bởi như vậy là bất lịch sự.

Nhà tâm lý học đưa ra một công thức thú vị: Vali cộng tủ lạnh bằng riêng tư cá nhân. Bạn có thể hiểu được cảm giác mất mặt khi mời khách đến nhà, anh ta tự tiện mở tủ lạnh và tìm thấy bát bẩn cất trong đó không? Và cảm giác tức giận khi anh ta tự ý lục va li trong phòng bạn, tìm thấy bức thư tình ố vàng vẫn được bạn coi như bảo bối không?

Trong công việc, một số người trẻ tuổi tò mò với mọi chuyện, thích hỏi đến cùng. Đồng thời có người có sở thích bới móc chuyện riêng tư của người khác, thậm chí coi việc nói ra chuyện riêng tư là điều kiện và tiêu chí cho tình bạn. Loại người này rất dễ khiến người ta căm ghét. Nếu bạn có thể giữ lại một chút cho người khác, rút lại sự tò mò của mình, quan tâm tới người khác một cách thích hợp thì sẽ có được sự tin tưởng của đối phương, đối phương sẽ chủ động đối xử chân thành với bạn.

Công ty có một nữ đồng nghiệp mới tên là Hạ Vũ. Cô tính tình hoạt bát, thích giúp đỡ người khác, quan hệ rất tốt với đồng nghiệp. Nhưng cô có một điểm kỳ lạ là không bao giờ ăn cơm với đồng nghiệp. Mọi người bàn tán sau lưng: “Không phải Hạ Vũ mắc bệnh truyền nhiễm gì đấy chứ?” Càng nói lại càng thấy đáng nghi, mọi người liền cố tình xa cách cô.

Có lần Ngọc Lan bị cảm cúm đến viện tiêm, vừa hay gặp Hạ Vũ bước từ đó ra ngoài với sắc mặt nhợt nhạt. Ngọc Lan đi tới đỡ cô, cũng không hỏi câu gì. Sau đó trong công ty, Ngọc Lan đặc biệt chăm sóc Hạ Vũ. Có một hôm, Hạ Vũ hỏi cô ấy: “Cậu gặp mình ở bệnh viện, vì sao không hỏi mình bị bệnh gì? Không giống mọi người ở công ty, nghi ngờ mình mắc bệnh truyền nhiễm?” Ngọc Lan cười và nói: “Nếu cậu muốn nói với mình thì tự nhiên sẽ nói. Trông cậu có tinh thần như vậy, đâu giống với người bị bệnh.”

Hạ Vũ rất cảm động, sau đó chủ động nói với Ngọc Lan rằng, lần ấy mẹ bị ốm nằm viện, nên rất lo lắng, vì thế tranh thủ thời gian nghỉ ăn cơm trưa để đến bệnh viện xem bệnh tình của mẹ. Mình không muốn mọi người trong công ty biết chuyện, vì thế không nói ra.

Từ đó về sau, Hạ Vũ cảm thấy Ngọc Lan là người rất đáng tin tưởng, hai người trở thành bạn thân, tâm sự mọi điều.

Ví dụ trên nói với chúng ta, muốn rút ngắn khoảng cách giữa hai bên, trước tiên phải cho đối phương quyền giữ khoảng cách. Chúng ta phải để đối phương cảm thấy ấm áp, an toàn, đối phương mới chủ động mở lòng mình.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Bất cứ người nào cũng không muốn quyền riêng tư của mình bị xâm phạm. Nếu chúng ta biết loại bỏ tâm lý dưới đây thì sẽ không chạm vào sự riêng tư của người khác nữa:

(1) Không được quá tò mò

Rất nhiều người tò mò quá mức, đặc biệt muốn biết chuyện riêng tư của người khác, dùng mọi cách để thăm dò.

(2) Không được tự cho rằng bản thân biết nhiều hơn người khác

Rất nhiều người vì muốn khoe khoang với người khác rằng bản thân “biết nhiều hơn” nên đi nghe ngóng và tuyên truyền chuyện riêng tư của người khác để thể hiện rằng mình rất có bản lĩnh.

Bình luận
× sticky