Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nói Thế Nào Để Được Chào Đón, Làm Thế Nào Để Được Ghi Nhận

Chương 12: Để được người khác thừa nhận cần có tuyệt chiêu

Tác giả: Trịnh Tiểu Lan

Bài 1: Lễ phép đặc biệt quan trọng

Trong cuộc sống, rất nhiều người khổ não vì bản thân “không giỏi giao tiếp”, không dám đến những nơi xa lạ, không triển khai được chủ đề nói chuyện hoặc cứ nói là sai, là đắc tội với người khác. Họ ngưỡng mộ những người có duyên trong giao tiếp, những người có sức hút gặp là nhớ mãi.

Trở thành người được mọi người yêu quý, dĩ nhiên cần có một khí chất đặc biệt và sức hút của bản thân, phải nắm được những kỹ năng đơn giản và nhất định không được phạm phải sai lầm. Ví dụ, bạn không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, không thể chụp được góc sáng tuyệt mỹ. Nhưng chỉ cần bạn mua một chiếc máy ảnh compact, thì việc chụp những chi tiết nhỏ trong cuộc sống hoàn toàn không thành vấn đề. Người thật thà không biết đoán ý tứ người khác qua lời nói sắc mặt, thì cũng có một phương pháp đơn giản khiến người khác yêu mến, đó là tỏ thái độ lễ phép.

Tâm lý học cho rằng, nếu một người không có sự lễ phép cơ bản thì sẽ khiến đối phương cảm nhận được rằng bạn không đủ chân thành, thậm chí nảy sinh sự hiểu lầm không cần thiết. Trên thực tế, lễ phép là sự giao lưu tâm hồn cao quý nhất, nó có thể giúp bạn thể hiện sức hút của bản thân trong xã giao, nhờ vậy mà có thêm nhiều bạn bè và niềm hạnh phúc.

Nhà tâm lý học đã tiến hành một thử nghiệm. Ông để hai người A, B không giỏi các kỹ năng giao tiếp lần lượt thử đi trò chuyện với một người xa lạ khác là C, thời gian 10 phút, nội dung trò chuyện tùy ý. Sau khi A gặp C liền nói một câu “xin chào” rồi bắt đầu nói những chuyện mà anh ta cho là thú vị trong cuộc sống. Anh ta muốn nhanh chóng có mối quan hệ bạn bè với người này, nhưng bản thân lại không giỏi giao tiếp, trước mặt người lạ sẽ cảm thấy căng thẳng, vì thế trong quá trình nói chuyện, A cứ cúi đầu nói một mình, không bận tâm đến việc đối phương có đáp lại hay không. C cảm thấy đối phương không có thành ý nói chuyện, cũng không nói xen vào, vì thế cảnh tượng trở nên rất khó xử. Sau năm phút, A cảm thấy không còn gì để nói nữa, liền đứng dậy cáo từ.

Sau khi B gặp C, nhìn vào đối phương và nói “xin chào”, sau đó giới thiệu sơ lược về bản thân. C cũng giới thiệu bản thân rất tự nhiên. Sau khi đã hiểu sơ qua về nhau, hai người nói chuyện cũng tự nhiên hơn. B thẳng thắn nói bản thân không giỏi giao tiếp với người lạ, còn C bày tỏ “không sao, cứ nói thoải mái là được”. B nói về một vài phiền muộn và chuyện nhỏ trong cuộc sống của mình, đồng thời luôn quan tâm tới phản ứng của đối phương. Nếu cảm thấy đối phương không thấy hứng thú là liền dừng chủ đề nói chuyện, kết quả cuộc nói chuyện được diễn ra rất thuận lợi.

Thử nghiệm cho thấy, lễ phép rất quan trọng trong giao tiếp giữa người với người, nó có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa hai bên, nảy sinh cảm giác thân thiết. A và B đều không giỏi giao tiếp, họ không biết làm thế nào mới có thể thu hút sự hứng thú và chủ đề nói chuyện của đối phương. Nhưng B làm tốt hơn A về mặt lễ phép, anh ta “nhìn vào mắt đối phương và chào hỏi”, trước khi nói chuyện “giới thiệu sơ qua về bản thân”, đồng thời thái độ chân thành, quan tâm tới phản ứng của đối phương. Hàng loạt những hành vi này khiến đối phương cảm thấy anh ta là người hiểu lễ nghĩa và muốn gần gũi với người khác, từ đó nảy sinh thiện cảm với anh ta. Như vậy, bất chấp nội dung nói chuyện thì B đã bước đầu giành được cảm tình của đối phương, đó là điều kiện nảy sinh những cuộc trò chuyện tiếp theo.

Nhà tâm lý học cho rằng nhưng người liên tiếp gặp trở ngại trong xã giao thường là những người có vấn đề trong khâu lễ phép cơ bản. Lễ phép cơ bản thường là những chi tiết không được chú ý trong cuộc sống.

Nhà văn Vương Lộ người Trung Quốc có lần tổ chức gặp mặt bạn bè ở nhà. Có rất nhiều khách đến dự, từ học giả lớn tuổi đến những cử nhân rất trẻ mới tốt nghiệp. Vương Lộ bận tiếp khách, anh đang nói chuyện hăng say với một người bạn mới quen thì phát hiện có vị khách chỉ nhìn mình, không nói chuyện gì. Vương Lộ đập tay lên trán, lúc ấy mới nhớ ra mình quá sơ suất, là chủ nhà, trước tiên ông nên để các vị khách làm quen với nhau.

Ở đó có học giả lớn tuổi họ Dương, có sinh viên năm thứ tư họ Trương. Lúc Vương Lộ giới thiệu để hai người làm quen, trước tiên nói với Trương: “Đây là giáo sư Dương rất nổi tiếng trong giới.” Sau đó nói với giáo sư Dương: “Đây là cậu Trương, một thanh niên rất có tài.” Sau khi giới thiệu xong, Vương Lộ phát hiện sắc mặt của giáo sư Dương không được tốt lắm, Trương nói chuyện cũng không thoải mái.

Sau chuyện đó, Trương vỗ vai Vương Lộ và nói: “Sao lúc nãy anh lại giới thiệu em với giáo sư trước, anh không thấy giáo sư tức giận sao?” Vương Lộ tỏ vẻ không hiểu, thứ tự giới thiệu trước sau có liên quan gì?

Vương Lộ không biết rằng trong lễ nghi cơ bản của xã giao, giới thiệu người khác làm quen, thứ tự rất quan trọng. Ở đây có một nguyên tắc cơ bản, chính là người có địa vị cao nên có quyền tìm hiểu ưu tiên. Theo nguyên tắc này, chúng ta nên giới thiệu người địa vị thấp với người địa vị cao, giới thiệu hậu bối với trưởng bối trước, giới thiệu nam giới với nữ giới trước,… Còn Vương Lộ đã nhầm lẫn khi giới thiệu cậu Trương trước, điều này thể hiện sự không tôn kính đối với giáo sư.

Lễ nghĩa cơ bản là tấm danh thiếp đầu tiên của chúng ta trong giao tiếp. Nó biểu hiện được sự tu dưỡng về đạo, đức, trí tuệ và văn hóa của chúng ta. Về mặt này, chúng ta không được làm một cách qua loa đại khái, bởi ấn tượng mà chúng ta để lại cho người khác chỉ là những khoảnh khắc lóe lên trong một hai giây.

Trong cuộc sống, những anh chàng khiến các cô gái si mê thường sẽ chủ động mở cửa cho cô gái trước khi lên xe, khi dùng bữa chủ động kéo ghế, khi gọi món ăn ưu tiên cho phụ nữ gọi trước, thậm chí nhớ được sở thích của phụ nữ. Còn những người vừa mở miệng đã hỏi tuổi phụ nữ thường sẽ bị người khác coi là thô tục và không lễ phép. Trên biển quảng cáo công cộng dán đầy biểu ngữ lễ phép: “Xin chào, xin mời, cảm ơn, không có gì, xin lỗi, không sao”. Những khẩu ngữ này có thể khiến cuộc sống của mọi người trở nên ấm áp hơn.

Lễ phép là một môn nghệ thuật, nên sau khi bước chân vào xã hội, chúng ta nhất định phải học tập và tu dưỡng, đồng thời lấy đó làm niềm vui, coi đó là một tấm huy chương tinh xảo kẹp trên ve áo, cộng thêm điểm cho phẩm chất của mình.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Lễ phép phản ánh được sự tu dưỡng của một người, cũng có thể giành được sự tôn trọng của đối phương, nhưng điều này cần phải được nhìn nhiều, nghe nhiều và từng bước rèn luyện.

(1) Mỉm cười là lễ phép

Chúng ta mỉm cười rạng rỡ đồng thời bước lên bắt tay đối phương, đối phương sẽ cảm thấy chúng ta dễ gần, cũng sẽ không có tâm lý đề phòng, như thế hai bên rất dễ trở thành bạn bè.

(2) Lễ phép phải rèn luyện nhiều lần, cho đến khi hình thành thói quen tốt

Muốn hình thành thói quen lễ phép thì chúng ta phải không ngừng luyện tập, khi đã quen rồi thì sẽ làm một cách rất tự nhiên.

Bài 2: Làm việc đúng sở trường và cố gắng làm tốt hơn người xung quanh

Cổ nhân có câu: “Thà là đầu gà, không làm đuôi phượng”. Rất nhiều người trẻ tuổi mới đi làm không hiểu điều này. Họ chọn công việc giống như mua cổ phiếu, nhìn thấy ngành nào có tiềm lực thì lao vào đó, thấy ngành khác hot hơn là lại vội nhảy việc. Những người này tham gia vào hội chợ việc làm giống như đi hội vậy, dáng vẻ cưỡi ngựa xem hoa, ung dung ngắm phong cảnh bên đường, cuối cùng bản thân cũng mơ hồ, không biết đâu là điểm cuối. Thương trường chẳng khác nào việc học võ, nếu đâu đâu cũng dừng bước thì vĩnh viễn không thể trở thành người có võ công cao siêu, thậm chí còn bị đại ca của các môn phái khác từ chối nhận làm tiểu đệ, bởi họ lo bạn sẽ áp dụng chút công phu của môn phái trước vào môn phái của mình. Khi phỏng vấn, người xin việc đều sẽ gặp phải một câu hỏi: “Vì sao lại thường xuyên thay đổi môi trường làm việc?”, không một giám đốc nào thích nhân viên liên tục nhảy việc, bởi họ không muốn bỏ tiền ra thuê một người không chuyên tâm làm tốt việc gì.

Một công ty điện ảnh tuyển trợ lý cho đạo diễn, khi phỏng vấn, có một anh chàng trẻ tuổi. Anh ta tỏ ra lo lắng không yên khi chờ phỏng vấn, dường như có chút căng thẳng. Anh ta nhìn đồng hồ ba lần, cuối cùng cũng được gọi tên, anh chàng rất vui mừng và bước vào phòng phỏng vấn.

Giám đốc cười và nói: “Nhìn dáng vẻ cậu rất vui, là bởi vì cậu thích công việc này sao?”

Chàng trai nói: “Đúng vậy, rất thích ạ.”

Giám đốc gật đầu hỏi: “Đã có kinh nghiệm làm việc chưa?”

Chàng trai trả lời thành thật: “Chưa ạ, nhưng tôi rất hứng thú với công việc này, tôi cũng có tự tin sẽ làm tốt!”

Giám đốc nghĩ một lúc rồi hỏi: “Trước đây cậu làm việc gì? Vì sao muốn chuyển việc?”

Chàng trai thở dài nói: “Trước đây tôi bán vé máy bay. Lúc đầu làm rất tốt, nhưng hai năm nay ngành này không khởi sắc, cộng thêm với khủng hoảng kinh tế, cơ bản không có hiệu suất, tôi liền quyết định ra ngoài. Người ta đều nói ngành điện ảnh là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, vì thế tôi vô cùng hứng thú, hy vọng có thể phát huy tài năng của mình trong lĩnh vực này.”

Giám đốc nghe đến đây, không khỏi cười và nói: “Chàng trai, có thể cho phép tôi điều chỉnh một chút suy nghĩ sai lầm của cậu được không? Trên thương trường có một câu nói, chỉ có cá nhân thất bại, không có ngành nghề thất bại. Một doanh nghiệp trượt dốc, có thể không nuôi sống được tất cả mọi người nhưng nhất định sẽ làm giàu một số người. Chúng ta không được vì sự không khởi sắc của cả ngành nghề mà lựa chọn từ bỏ, cũng đừng vì độ hấp dẫn của ngành nghề mà nghĩ rằng nó nhất định thích hợp cho bản thân mình. Cậu có biết tôi đã xông pha trong ngành này bao nhiêu năm rồi không? Ba mươi năm. Tôi đã từng nếm trải không biết bao nhiêu đau khổ. Tôi cũng từng cảm thấy tiền đồ mơ hồ, không có hy vọng nhưng tôi vẫn kiên trì. Bởi vì tôi cảm thấy ngành này rất hợp với mình, vì thế tôi cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân, cố gắng giành được mức độ ưu tú nhất trong nghề. Tôi luôn tin rằng, đợi đến khi tôi làm tốt rồi thì nhất định sẽ có thu hoạch.”

Dĩ nhiên, chàng trai cũng mất đi cơ hội lần này, nhưng những lời nói của giám đốc đã cho anh ta những gợi ý bổ ích. Anh ta đã đổi rất nhiều việc nhưng chưa bao giờ phát huy hết khả năng của mình, hễ thấy chán là anh ta lại từ bỏ. Tương tự vậy, nếu chúng ta đều không chịu đi sâu nghiên cứu tìm hiểu công việc, thì nhất định chúng ta sẽ không có được thành công.

Có một câu nói như thế này: “Cả đời có thể làm rất nhiều việc, nhưng muốn làm đến mức tốt nhất, thì chỉ có thể làm một việc mà thôi.” Định luật chuyên tâm của tâm lý học nói với chúng ta, chỉ khi con người chuyên tâm tập trung vào một lĩnh vực thì mới có thể làm tốt lĩnh vực ấy. Chúng ta làm bất cứ ngành nghề nào đều coi những yêu cầu cao nhất của ngành nghề ấy là mục tiêu của bản thân, như thế chúng ta mới thành công được.

Có biết bao việc có thể làm, rốt cuộc chúng ta phải chọn việc nào để làm? Tâm lý học nghiên cứu phát hiện, làm việc bản thân có hứng thú và có sở trường càng có thể khơi dậy tiềm năng ẩn giấu bên trong con người. Trên thế giới này, một người không bao giờ rời xa bạn, chia sẻ niềm vui với bạn, bao dung trước sự bướng bỉnh của bạn, nhẫn nhịn tính khí của bạn, dùng toàn bộ tấm lòng để yêu bạn, dành toàn bộ thời gian ở bên cạnh bạn. Người ấy chính là bản thân bạn. Tuy nhiên, đối với người thân thuộc nhất này, bạn đã bao giờ hiểu nó thực sự chưa? Người ấy như thế nào, người ấy thích làm gì, sở trường là gì, rốt cuộc người ấy muốn cuộc sống như thế nào?

Trong tâm lý học, định luật chuyên tâm chỉ việc con người nhờ tập trung vào một lĩnh vực nào đó mà có được sự thành công. Vì thế, cho dù chúng ta làm ở ngành nghề nào, cũng đều phải nỗ lực hết mình để bản thân trở thành người xuất sắc nhất trong ngành nghề ấy. Khi chúng ta nỗ lực đến mức chuyên tâm thì việc trở thành người xuất sắc sẽ không còn là khó.

Tâm lý học nói, con người khó có thể hiểu được bản thân mình. Khi đánh giá bản thân, con người thường xuất hiện tâm trạng tự đại hoặc tự ti, nguyên nhân là bởi nảy sinh sự chênh lệch chủ quan về nhận thức, điều này gọi là chênh lệch nhận thức bản thân. Sau khi chênh lệch này hình thành, con người sẽ cảm thấy không có cảm giác an toàn, không hiểu ưu điểm khuyết điểm của bản thân, rất dễ nảy sinh suy nghĩ theo số đông, chạy theo mọi người, chạy theo những ngành nghề hấp dẫn, không cần biết mình nó phù hợp hay không. Nhưng về sau, khi phát hiện nghề này không thích hợp với mình, liền cảm thấy căng thẳng, ức chế, như thế làm việc sẽ không hiệu quả và đương nhiên là thất bại.

Trước khi lựa chọn ngành nghề, chúng ta cần hỏi bản thân vài câu hỏi: “Mình có yêu nó thực sự không? Nó có thể mang lại cho mình niềm vui và cảm giác thành công không? Nó có thích hợp với đặc điểm, tính cách và trình độ năng lực của mình không?” Nếu đáp án là có, vậy thì chúc mừng bạn, đó chính là ngành nghề phù hợp với bạn. Một khi đã lựa chọn rồi thì đừng nên dễ dàng từ bỏ, cần phải cố gắng làm ở mức tốt nhất. Hãy nhớ, không phải bình thường, không phải ưu tú mà là tốt nhất.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Trên đời không có người bất tài, chỉ có nhân tài đặt nhầm vị trí.” Người thông minh sẽ làm công việc sở trường của mình, như thế mới có thể khiến bản thân có thêm động lực, có thành công lớn hơn.

(1) Tìm việc thuộc sở trường của bản thân

Chúng ta phải học cách “nhìn nhận bản thân”, tìm việc mà bản thân mình có thể làm được tốt nhất, đồng thời dũng cảm tiếp nhận thử thách, khơi dậy tiềm năng của bản thân.

(2) Chỉ có làm việc đúng sở trường mới có thể mang lại thành công cho bản thân

Nếu chúng ta làm việc đúng sở trường thì sẽ cảm thấy vô cùng hứng thú, sẽ dành toàn bộ tâm trí của mình vào đó để học tập và nghiên cứu. Động lực này sẽ khiến bản thân có được những đột phát bất ngờ mà người bình thường không thể tưởng tượng được, đợi đến khi tích lũy được kinh nghiệm phong phú, thành công sẽ đến với chúng ta một cách dễ dàng.

Bài 3: Học cách khoan dung, cho dù là bắt đầu từ giả vờ

Khoan dung là điều tuyệt diệu nhất trên thế gian. Nó có thể khiến con người trở nên khỏe mạnh vui vẻ, tràn đầy cảm giác hạnh phúc. Nhà tâm lý học đã làm một thử nghiệm nghiên cứu về “mối quan hệ giữa khoan dung với sức khỏe”. Các tình nguyện viên được hướng dẫn trước tiên hãy dùng thái độ khoan dung để nhớ lại cảnh tượng bản thân đã từng bị tổn thương, sau đó dùng thái độ không khoan dung để nhớ lại cùng cảnh tượng ấy. Thử nghiệm cho thấy, trước thái độ khoan dung, nhịp tim của tình nguyện viên là 1.75 nhịp/4 giây; còn trước thái độ không khoan dung, nhịp tim của họ tăng lên rõ rệt đến 2.6 nhịp/4 giây. Trường đại học Stanford của Mỹ đã thử nghiệm ”kế hoạch khoan dung Stanford” trong số các bạn tham gia thì có 70% số người nói “cảm giác bị tổn thương giảm xuống rõ rệt”, còn 20.3% số người thậm chí bày tỏ tình hình sức khỏe có phần cải thiện.

Khi chúng ta khoan dung với người khác cũng là đang khoan dung với chính mình, để lại một không gian thoải mái cho tâm hồn mình, duy trì cảm giác vui vẻ. Đây chính là định luật khoan dung trong tâm lý học. Một người có tấm lòng khoan dung chắc chắn sẽ không so đo tính toán với người khác, trên mặt thường nở nụ cười rạng rỡ như gió xuân, tỏa ra sức hút nhân cách độc đáo, những điều này cũng sẽ giúp họ có được mối nhân duyên tốt đẹp.

Một bà mẹ chồng đặc biệt xét nét với nàng dâu mới. Con dâu phạm một chút lỗi nhỏ là sẽ nổi nóng, từ việc con dâu nấu ăn không ngon, không phân biệt được hành, gừng tỏi đến việc con dâu không chăm chỉ, không thích làm việc nhà. Nhìn thấy con dâu về muộn, bà ta liền nói con dâu chơi bời bên ngoài, kiếm cớ làm thêm. Bản thân bị cảm cúm cũng cho rằng là do con dâu gây ra.

Một hôm, có một người bạn đến nhà chơi. Mẹ chồng liền nói rất nhiều, oán trách con dâu, lại còn chỉ vào quần áo trên ban công và nói: “Sao mẹ nó lại sinh ra một đứa con gái như thế? Quần áo thì không biết giặt, lại còn loang loang lổ lổ, không sạch tí nào.” Người bạn nghe xong lời bà ta nói liền ra ban công nhìn lại thật kỹ. Thì ra không phải quần áo không sạch mà là cửa sổ không sạch. Thế là người bạn liền cầm khăn lau lau cửa sổ. Mẹ chồng nhìn thấy vậy thì rất ngạc nhiên. Thì ra đó là bởi vì bản thân không đủ khoan dung, nhìn thấy con dâu làm việc gì cũng cho là có lỗi. Từ đó bà không xét nét con dâu nữa, lúc nào cũng khoan dung hơn với cô, quan hệ giữa hai người từ đó mà cũng được cải thiện nhiều.

Đôi khi, không phải là con người có quá nhiều sai lầm mà là do bản thân không đủ khoan dung, giống như người mẹ chồng trong ví dụ trên. Trên thực tế, chỉ khi cả hai khoan dung thì mới có thể làm lay động đối phương, mới có thể chung sống hòa thuận. Ngược lại, nếu chúng ta không đủ khoan dung, lúc nào cũng đố kỵ, oán hận và đi tìm người khác để lý luận, thậm chí nảy sinh tranh chấp kịch liệt thì sẽ tăng thêm một kẻ thù. Có thể thấy, khoan dung là vũ khí hóa giải mâu thuẫn tốt nhất, có sức mạnh vĩ đại nhất.

Trong tâm lý học, định luật khoan dung là chỉ con người nên khoan dung với bản thân, khoan dung với người khác, để lại không gian thoải mái cho cả hai tâm hồn, nhờ vậy mà có một cuộc sống tươi đẹp.

Nhà giáo dục Olexandrovych Sukhomlynsky từng nói: “Đôi khi, khoan dung tạo ra những ảnh hưởng đạo đức mãnh liệt hơn cả trừng phạt”. Lý luận này được ứng dụng vào giáo dục và quản lý, thu được hiệu quả rất tốt. Khi nhân viên phạm lỗi, lãnh đạo nghiêm khắc phê bình một hồi thường sẽ gây kết quả ngược lại, khiến cho nhân viên cảm thấy bị mất thể diện và tổn thương lòng tự ái. Nhưng nếu lãnh đạo khoan dung một chút, thái độ ôn hòa và bày tỏ sự quan tâm với nhân viên, kiểu “lạt mềm buộc chặt” này thường sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.

Nhân viên Tuấn Hưng là “vua đến muộn” được cả công ty công nhận. Giám đốc bộ phận từng góp ý với anh ta rất nhiều lần nhưng không có hiệu quả. Các cách như trừ lương, phê bình trong cuộc họp đều đã thực hiện, nhưng Tuấn Hưng cũng chỉ rút kinh nghiệm một chút chút, trong lòng thì đầy oán hận.

Một hôm, Tuấn Hưng đi làm thì bị lỡ hai chuyến xe, đến cổng công ty đã muộn mười lăm phút. Anh ta vội vàng chạy lên cầu thang, bỗng chốc va vào một người. Nhìn lên thì là tổng giám đốc. Tuấn Hưng thầm nghĩ lần này thì tiêu rồi, vội vàng xin lỗi và giải thích: “Xin lỗi giám đốc, không phải tôi cố ý, bởi vì buổi sáng tắc đường…” Tổng giám đốc tỏ ý anh ta không cần giải thích, hơn nữa còn mỉm cười nói: “Tuấn Hưng, đã ăn sáng chưa, không được nhịn đói làm việc đâu đấy. Nào, đi ăn sáng với tôi đi!” Tuấn Hưng đỏ mặt, trước sự khoan dung ân cần của tổng giám đốc, anh ta cảm thấy vô cùng hổ thẹn.

Về sau, Tuấn Hưng không còn đến muộn nữa. Anh ta hoàn toàn thay đổi thái độ lười biếng trước đó, làm việc vô cùng chăm chỉ, thái độ tích cực vươn lên, mọi người đều ngạc nhiên nói anh ta đã biến thành người khác. Như vậy, so với giám đốc bộ phận, thái độ khoan dung của tổng giám đốc rõ ràng là có ảnh hưởng tốt hơn đối với Tuấn Hưng.

Con người kỳ lạ như vậy đấy – thích được đối xử một cách mềm mại chứ không cứng nhắc. Nếu được người khác khoan dung thì sẽ cảm kích vô cùng và sẽ nghĩ cách để báo đáp lại. Cho dù là người bản thân không thích, bạn cũng hãy khoan dung cho người đó. Điều này không những thể hiện sự tu dưỡng của bạn mà còn có thể có được sự thừa nhận của đối phương. Người khoan dung thật sự sẽ khoan dung cho những người đã chống đối mình, khoan dung cho những người đã phê bình mình, như thế bản thân cũng có thể tiến bộ, đối phương cũng sẽ vì thế mà thấy khâm phục.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Khoan dung là đức tính quý báu, biết khoan dung sẽ cảm thấy thoải mái, vui tươi, có thể có được tình bạn, tình thân, tình yêu. Vì thế chúng ta phải học cách khoan dung.

(1) Khoan dung với bản thân và người khác

Chúng ta nên khoan dung với những hành vi dại dột và sai lầm của bản thân, đồng thời qua đó rút kinh nghiệm để sửa đổi lỗi lầm, để bản thân càng tiến bộ. Hơn thế, chúng ta cũng phải khoan dung với người khác, không dùng sai lầm của người khác để trừng phạt bản thân, để bản thân sống thật vui vẻ.

(2) Khoan dung với đồng nghiệp, với nhân viên

Khoan dung với đồng nghiệp có thể khiến cả hai duy trì quan hệ thân thiện, trong môi trường khoan dung này, chúng ta có thể nâng cao hiệu quả công việc. Ngoài ra, trong công việc, lãnh đạo còn nên khoan dung với nhân viên, như thế nhân viên mới có thể trung thành với công ty, đóng góp vào lợi ích của công ty nhiều hơn nữa.

Bài 4: Biết cách kiềm chế và che giấu cảm xúc tiêu cực

Có một câu nói thế này: “Làm chủ được cảm xúc, bạn có thể sẽ có cả thế giới.” Có người ví von một cách hình tượng rằng: cảm xúc giống như thiên thần hoặc ác quỷ trong lòng chúng ta. Nhất thời kích động, cảm xúc dâng cao sẽ khiến con người mất đi lý trí. Tức giận, sợ hãi, lo lắng sẽ khiến tư duy của chúng ta hỗn loạn, không thể đưa ra phán đoán chính xác, sau khi gây tổn thương, do không thể bù đắp sẽ khiến chúng ta vô cùng ân hận: “Tôi thật sự không hiểu vì sao khi ấy lại làm như vậy, tôi hoàn toàn không nhớ khi ấy đã xảy ra những gì.”

Trong cuộc sống, chúng ta nói có người tư duy hồ đồ, không chín chắn, là chỉ việc anh ta thể hiện vui buồn ngay trên trên khuôn mặt, lời nói, hành vi. Người có tư duy không chín chắn chẳng khác nào thời tiết thay đổi, tâm lý thất thường. Cứ tức giận là lầm lầm lì lì, ai hỏi cũng không nói hoặc quát mắng bừa phứa, gặp ai liền trút giận xuống người đó, khiến mọi người e ngại không dám lại gần; cứ phiền não là lông mày nhíu lại, thở vắn than dài, không quan tâm đến ai; cứ sợ hãi là cằn nhằn, giống như trời sập vậy, chỉ cần bạn vỗ vào lưng anh ta một cái, anh ta có thể lập tức ngất đi.

Những người thường mang tâm trạng tiêu cực như tức giận, bi thương, sợ hãi, thường sẽ bị loại ra khỏi đám đông, như vậy sẽ không thể có được mối quan hệ tốt đẹp. Cảm xúc dễ bị lây truyền, người dễ buồn phiền khiến những người xung quanh không muốn lại gần, bởi anh ta lúc nào cũng có tâm trạng không tốt, không khí đè nén xung quanh anh ta sẽ khiến người khác khó chịu.

Tâm lý học cho rằng, cảm xúc tiêu cực sẽ khiến tâm trạng của con người bị đè nén, khiến con người mất đi ý chí vươn lên, mất đi ý chí chiến đấu. Nghiêm trọng hơn còn gây tổn hại tới tâm sinh lý, gây ra các bệnh.

Biết kiềm chế và che giấu cảm xúc tiêu cực của bản thân đã trở thành một tiêu chí không thể thiếu của con người. Nói cách khác, cảm xúc là một trong những phẩm chất tùy thân của bạn, nó quyết định việc bạn giao tiếp như thế nào và thu được kết quả như thế nào. Một nhà tâm lý học đã nói: “Thực ra, môi trường mà chúng ta sinh sống xét về bản chất là trung tính, chính cảm xúc đã dán cho nó logo tích cực hay tiêu cực. Con người thường coi những giả thiết của mình lý giải thành bản chất cuộc sống, đồng thời bị những giả thiết ấy ảnh hưởng và bó buộc.”

Nhà tâm lý học đã tiến hành một thử nghiệm thú vị. Ông yêu cầu hai nhóm tình nguyện viên dùng các tư thế biểu cảm khác nhau để xem cùng một bức tranh. Nhóm tình nguyện viên thứ nhất miệng ngậm một chiếc bút máy, tư thế này khiến họ giống như mỉm cười; còn nhóm thứ hai thì ngậm chiếc bút chì bằng môi, tư thế này khiến họ trông giống với đang tức giận. Tình nguyện viên được hỏi về “cảm nhận về bức tranh”, kết quả trong số các tình nguyện viên ở nhóm thứ nhất có rất nhiều người cảm thấy bức tranh thú vị.

Thử nghiệm nói với chúng ta rằng, do cảm xúc tư tưởng trong lòng mỗi người khác nhau nên khi nhìn nhận cùng một sự việc, sẽ thể hiện ra các cách nhìn khác nhau. Chúng ta thường bị những cảm xúc này bó buộc, nhưng một khi biết tự chủ điều tiết và kiềm chế được những cảm xúc này, chúng ta sẽ nhanh chóng phát hiện sự việc không tệ như chúng ta tưởng tượng.

Ánh Hồng làm kế toán trong công ty đã hai năm, bình thường tính tình cô rất ôn hòa, lại rất ý tứ, mọi người đều yêu quý cô. Nhưng đến cuối năm, do công việc bận rộn, áp lực tinh thần rất lớn nên tính cách của cô cũng trở nên nóng nảy. Ở công ty, vì một chút chuyện nhỏ là có thể cãi nhau với đồng nghiệp; về đến nhà, cũng thở vắn than dài, cằn nhằn trách móc chồng.

Mọi người đều rất quan tâm đến cô, bản thân cô cũng cảm thấy như vậy không tốt, liền tìm đến chuyên gia tâm lý để thổ lộ. Ánh Hồng nói: “Tôi không thể kiềm chế được bản thân, thường xuyên căng thẳng và bực tức vô cớ.” Chuyên gia nói: “Có thể nói cho tôi biết vì sao tâm trạng của cô không tốt không?” Ánh Hồng lắc đầu nói: “Thực ra bản thân tôi cũng không biết. Có thể là do áp lực công việc quá lớn.” Chuyên gia dẫn dắt từng bước: “Áp lực công việc đương nhiên luôn luôn có, nhưng gần đây có chuyện gì đặc biệt bó buộc cô không?” Được chuyên gia chỉ dẫn, Ánh Hồng nói: “Gần đây áp lực lớn nhất là công ty muốn cắt giảm nhân lực, trong khi đó, tôi đã phạm một lỗi nghiệp vụ cách đây không lâu, tôi rất sợ vì sai lầm này mà bị công ty đuổi việc.”

Sau khi biết được vướng mắc, Ánh Hồng cảm thấy thoải mái hơn. Cô nói: “Sau khi bày tỏ những phiền muộn trong lòng bằng lời, tôi cảm thấy sự việc dường như không còn tồi tệ như thế nữa.”

Sau khi tìm ra được vướng mắc thì cần phải nghĩ ra cách giải quyết. Ánh Hồng gác lại áp lực, toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc, cuối cùng giành được thành tích xuất sắc. Bản thân cô cũng rất vui, bày tỏ lòng biết ơn trước sự chỉ dẫn của chuyên gia tâm lý, nhờ ông mà cô đã chiến thắng được cảm xúc nhất thời của bản thân.

Phương pháp để chúng ta điều tiết cảm xúc bao gồm cả việc tự ám thị. Khi chúng ta nhìn vào gương, thấy một khuôn mặt nhăn nhó, có phải là bỗng chốc cảm thấy tâm trạng càng đi xuống không? Lúc ấy, hãy làm một biểu cảm vui vẻ, mỉm cười với bản thân, duy trì mười giây, chúng ta sẽ phát hiện thì ra mỉm cười rất đơn giản, tiếp đó cũng phát hiện tâm trạng cũng nhẹ nhõm hơn một chút. Đây là phát hiện thú vị của nhà tâm lý học, cảm xúc sẽ ảnh hưởng tới biểu cảm của con người, đồng thời biểu cảm cũng có thể ảnh hưởng tới cảm xúc. Chúng ta điều tiết cảm xúc còn có rất nhiều cách khác, ví dụ như phân tán sự chú ý, mua sắm, vận động, ăn uống hợp lý…

Chúng ta là chủ nhân của cảm xúc, vì thế phải đối xử và quản lý nó thật tốt, đồng thời để nó duy trì ở trạng thái tốt nhất, làm thần bảo hộ cho vận may và nhân duyên của bản thân.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Tức giận, căng thẳng, ưu buồn, lo lắng, đau khổ, bi thương, sợ hãi… những cảm xúc tiêu cực đều làm giảm mức độ trí tuệ của con người, khiến con người chậm chạp, mất đi ý chí vươn lên, điều đó sẽ mang tới nguy hại rất lớn với chúng ta. Vậy chúng ta phải làm thế nào để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực này?

(1) Phương pháp chuyển hướng chú ý

Khi cảm xúc của chúng ta rơi xuống đáy sâu thì phải học cách chuyển hướng chú ý của bản thân. Chúng ta có thể chuyển hướng chú ý sang hoạt động mà bản thân cảm thấy hứng thú, cũng có thể nhớ lại những việc mà mình cảm thấy hạnh phúc nhất, vui vẻ nhất.

(2) Giải tỏa tâm trạng hợp lý

Chúng ta có thể áp dụng phương pháp thích hợp để loại bỏ cảm xúc tiêu cực trong lòng, ví dụ như khóc, khi bản thân bị đả kích, có thể tìm một nơi và khóc thật to.

Bài 5: Chủ động nói với người khác: tôi cần sự giúp đỡ của bạn

A và B vốn là hai anh chàng nghèo, hai người họ cùng từ quê đi làm thuê, cùng ăn một bát mì, cùng ngủ một chiếc giường, không phân biệt anh tôi, tình cảm rất thân thiết. Hôm nay A nhận lương, liền mời B đi ăn đồ nướng ven đường; ngày mai B nhận lương, cũng không quên mua chút hoa quả cho A. Tình cảm anh em qua lại này khiến hai người cảm thấy vừa thân thiết vừa thoải mái. Về sau do cơ hội khác nhau và sự cách biệt về năng lực, sự nghiệp của B khởi sắc. Mấy năm sau, B trở thành ông chủ lớn giàu có, ở biệt thự, đi xe sang. Còn A thì vẫn là tầng lớp làm thuê cực khổ, thuê nhà cũ. B không quên được người bạn này, luôn muốn giúp đỡ A. Anh ta giúp A về mọi mặt. Ban đầu A cảm thấy vô cùng cảm kích, nhưng lâu dần A cảm thấy không thể báo đáp được, tự thấy hổ thẹn. A bắt đầu cố tình từ chối sự giúp đỡ của B, quan hệ giữa hai người dần dần xa cách.

Trong tâm lý học, “hiệu ứng bập bênh” (Seesaw effect) là chỉ quan hệ giữa người với người, giống như hai người chơi bập bênh, muốn chung sống hòa bình thì phải giữ sự cân bằng và bình đẳng về mức độ cho đi của cả hai. Một khi hai bên xuất hiện mức độ cho đi khác nhau thì sẽ mất cân bằng giống như bập bênh vậy.

Ngay từ năm 1974, nhà tâm lý học Homans đã đưa ra lý luận nổi tiếng về cân bằng giao tiếp. Trong đó chỉ ra rằng, quan hệ giao tiếp trong cuộc sống thực tế cũng là một dạng trao đổi trong xã hội. Điều này giống với trao đổi vật chất trên thị trường, anh đưa hàng, tôi đưa tiền. Anh thiếu cân thiếu lạng, tôi không vui; tôi ăn cơm không trả tiền, anh càng không vui. Không ai thích bị người khác lợi dụng, trong quá trình trao đổi, người ta hy vọng báo đáp không ít hơn cho đi. Thực ra, đâu chỉ là bên “chịu thiệt” cảm thấy trong lòng không cân bằng, ngay cả bên “được lợi” cũng sẽ nảy sinh cảm giác không cân bằng này.

Khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy cô giáo luôn dạy cho chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau, trong giao tiếp, hai bên phải giữ được sự cân bằng trong tâm lý, như vậy mới có thể duy trì được mối quan hệ hòa thuận và lâu dài. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để duy trì được sự cân bằng này? Chính là hai bên đều phải cho đi, hơn nữa còn phải nhận được sự báo đáp của đối phương. Trong cuộc sống hiện thực, có một số người không hiểu đạo lý này, phạm sai lầm, chỉ biết cho đi mà không biết nhận lại. Những người này cho rằng, chỉ cần bản thân đối tốt với người khác thì chắc chắn sẽ nhận lại nhân duyên tốt đẹp.

Dũng là nhân viên mới vào công ty. Vì muốn có được mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp trong công ty nên anh ta ra sức giúp đỡ người khác. Không phân biệt chuyện lớn nhỏ, chỉ cần có thể giúp được là anh ta đảm nhận ngay. Khi người khác hỏi anh ta: “Có cần giúp không?” Anh ta thường nói: “Không sao, tôi làm được”.

Kết quả ngược lại với mong muốn, sự nỗ lực giúp đỡ của anh ta không đổi lại được sự đối xử nhiệt tình của đồng nghiệp. Đồng nghiệp trước mặt anh ta tỏ vẻ cảm kích nhưng sau lưng lại nói: “Ở cạnh cậu ta thấy áp lực, hình như cậu ta quá tốt với người khác.”Thậm chí có đồng nghiệp cảm thấy anh ta cố tình lấy lòng người khác, khi ở cạnh sẽ không thấy tự nhiên cho lắm.

Cách làm này của Dũng được coi là nhiệt tình quá mức trong giao tiếp. Anh ta không muốn làm phiền người khác, khiến người ta cảm thấy không có gì để báo đáp, nảy sinh cảm giác mắc nợ, xuất hiện cảm giác không cân bằng, cũng không muốn tiếp tục mối quan hệ này. Nếu bạn từ chối hết sự giúp đỡ của người khác thì sẽ khiến người khác cảm thấy bạn quá giỏi, đồng thời nảy sinh cảm giác thất bại ở mình. Khi bạn làm việc theo nhóm, yếu tố hài hòa và hợp tác lại càng được chú trọng. Nếu bạn một mình giống như robot, làm việc độc lập, uy lực vô cùng, dễ dàng “nâng cả một khoảng trời” thì sẽ bị người khác coi là chủ nghĩa anh hùng cá nhân thích nổi trội, rất dễ bị tập thể cô lập. Mọi người thậm chí còn chế giễu bạn: “Cậu có năng lực như vậy, thích thể hiện như vậy thì làm một mình đi, đám cành lá chúng tôi không nâng được bông hoa to như cậu.” Còn giám đốc thì cũng thấy rất khó xử, cho dù khả năng của bạn giỏi đến đâu, ông ta cũng sẽ nhắc nhở bạn: “Phải học cách đoàn kết, biết hợp tác.”

Người ta nói phụ nữ sinh ra đã là phái yếu, nhưng khéo léo vận dụng kỹ xảo “thế yếu” có thể giúp chúng ta có được mối quan hệ tốt đẹp hơn. Có một người dẫn chương trình nói đùa rằng: “Nếu ông chồng lấy một người phụ nữ giỏi giang về nhà, máy tính bị hỏng, cô ấy sẽ bình tĩnh một mình tháo máy chủ, nhanh chóng xử lý nó. Chắc chắn người chồng sẽ choáng váng. Nhưng khi ấy, nếu phụ nữ vờ ra vẻ ngốc nghếch nói “Em ngốc thật, cái này cũng không biết” thì có thể cho chồng một cơ hội thể hiện, hoặc chỉ một việc đơn giản là khởi động lại máy, phụ nữ tặng chồng một cái ôm khen ngợi và nói: “Không có anh, em chẳng làm được việc gì cả.” Như vậy mới là người phụ nữ thông minh.”

Nhà tâm lý học nói, trong lòng mỗi người đều có khao khát thể hiện, đều hy vọng có thể thể hiện mặt ưu tú của mình trong giao tiếp. Không ai thích ở cùng với người lúc nào cũng giỏi hơn mình, khiến bản thân có cảm giác thất bại. Vì thế chúng ta phải học cách bộc lộ điểm yếu, chân thành nhờ sự giúp đỡ của người khác, thỏa mãn tính sĩ diện và lòng tự tôn của người khác. Như thế có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách của hai bên, cũng khiến hình tượng của bản thân càng thân thiết hơn.

CẨM NANG NÓI CHUYỆN LÀM VIỆC

Tỏ ra yếu đuối, bày tỏ cần sự giúp đỡ có thể giảm được tâm lý đố kỵ và bất mãn của người khác, có lợi cho việc duy trì cân bằng tâm lý của con người, cũng có lợi cho việc đoàn kết mọi người xung quanh. Vậy, chúng ta cần bộc lộ điểm yếu như thế nào?

(1) Biết cách lựa chọn nội dung

Trước mặt người có địa vị thấp, chúng ta hãy thử làm ra vẻ bản thân không đủ năng lực, kinh nghiệm có hạn, thể hiện bản thân là người bình thường. Như thế có thể nhận được sự giúp đỡ của người khác.

(2) Biết cách lựa chọn phương thức

Chúng ta có thể thông qua phương pháp suy bụng ta ra bụng người, cũng có thể thông qua cách tự chế nhạo mình một cách hài hước trước mặt mọi người để bộc lộ điểm yếu. Như thế mới thể hiện được điểm yếu của mình, điểm mạnh của người khác, đối phương như vậy cũng muốn giúp đỡ mình hơn.

Bình luận
× sticky