Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lời Vàng Của Bố

Chương 6. Hiểu Giá Trị Của Đồng Tiền Là Điều Quan Trọng

Tác giả: Justin Halpern

“Hãy im mồm lại và ăn đi.”

Cả bố và mẹ tôi đều xuất thân là con nhà nghèo – mẹ tôi ở trong một cộng đồng người Ý nghèo khổ ngoại ô Los Angeles (bà có năm anh chị em, cả ông và bà ngoại đều mất trước khi mẹ lên mười lăm tuổi, sau đó mẹ và các anh chị em được vài gia đình họ hàng chia ra nuôi); còn bố tôi ở một trang trại thuộc Kentucky cùng gia đình làm tá điền cho đến năm bố tôi mười bốn tuổi thì ông nội mua lại trang trại.

“Khi nào bố đau tai, bà nội sẽ đái vào tai bố để chữa,” có lần bố kể cho tôi nghe như vậy để minh họa về cái nghèo của gia đình mình. 

“Nghe lạ quá bố ơi. Người nghèo cũng đâu có làm vậy.”

“Ừ, có lẽ ví von như vậy không được hay ho lắm,” ông nói sau một lúc suy nghĩ.

Mặc dù vậy, bố mẹ tôi chưa bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nào để nhắc nhở tôi và các anh tôi rằng chúng tôi quá sướng. “Chúng mày nhảy cỡn lên ván trượt và xe đạp như thể chúng mày là Nữ hoàng Anh vậy,” ông thường nói vậy mỗi khi chúng tôi đi chơi rông với bạn bè vào dịp cuối tuần và bỏ bê việc nhà. 

Đôi khi, bố mẹ tôi tỏ ra lo ngại rằng anh em chúng tôi được nuông chiều quá đáng; rằng chúng tôi lớn lên mà không hiểu được giá trị của đồng tiền, hoặc cảm giác bươn trải là thế nào. Trước khi vào học trường luật và bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực luật nghèo đói, thậm chí mẹ tôi còn dành rất nhiều thời gian rỗi để tình nguyện giúp đỡ cộng đồng người nghèo ở San Diego. Bà giúp các bậc phụ huynh sống bằng tiền trợ cấp và những gia đình không có nhà ở, tổ chức các chương trình học bổ túc và phát tiền trợ cấp. Mỗi khi tôi lèo nhèo, bà lại nhắc đến các gia đình đó.

“Tại sao con không ăn món mì ống?” Một hôm bà hỏi tôi trong bữa tối, khi tôi lên mười tuổi.

“Vì trong đấy có đậu,” tôi trả lời.

“Vậy thì nhặt đậu ra.”

“Mẹ biết là con không thích đậu, vậy mà mẹ vẫn cho đậu vào. Tại sao mẹ lại làm vậy?” tôi nhăn nhó. 

“Cái gì thế? Mày đang đùa với lửa đấy, ông tướng ạ,” bố tôi quát, ngẩng mặt nhìn lên từ đĩa thức ăn của mình. “Mẹ mày đấy. Không phải bằng vai phải lứa đâu. Đây là mẹ mày,” ông nói, đặt bàn tay lên cao quá đầu, “còn đây là mày,” ông nói thêm, đặt bàn tay kia thấp hẳn so với mặt bàn. “Nếu mẹ mày muốn dọn duy nhất món đậu trong suốt phần còn lại của cuộc đời thì mày cũng vẫn cứ phải ngồi đó mỗi ngày mà ăn và mở mồm ra nói ‘cảm ơn’ và xin thêm.”

“Tại sao con lại phải xin thêm nếu như con ghét món đậu?” tôi nói.

Bố bảo tôi đứng dậy khỏi bàn và đi về phòng – hoặc ít nhất là tôi nghĩ ông đã nói như vậy, bởi vì ông hét lên với cái miệng đầy đậu. Khoảng một tuần sau, mẹ từ thư viện trường luật về nhà hơi muộn một chút so với bình thường và thấy anh Evan và tôi đang ngồi trên ghế bành xem TV cách bố vài bước chân, còn bố thì đang ngả lưng vào chiếc gối dựa ngủ gà gật. Bà tắt TV, đánh thức bố dậy và nói với cả ba bố con rằng bà có một thông báo.

“Chúng ta sẽ ăn thứ mà những gia đình bần cùng phải ăn,” bà tuyên bố.

“‘Bần cùng’ nghĩa là sao nhỉ?” Tôi thì thầm với Evan.

“Nghĩa là người nghèo hoặc đại loại thế,” anh đáp, những sợi lo lắng giăng khắp mặt anh như tơ nhện.

Mẹ tôi tiếp tục giải thích rằng bà đã đến cửa hàng tạp hóa mà một số gia đình nghèo khó bà quen qua chương trình tình nguyện mua hàng bằng phiếu thực phẩm. Bà mô tả số thức ăn, chỉ một ít chỗ đó bị hết đát như thế nào mặc dù tất cả trông ghê ghê, rồi kết thúc câu chuyện bằng “Trong vòng một tuần, chúng ta sẽ chỉ ăn mỗi một món ăn mà mẹ mua từ cửa hàng đó, bằng đúng mức chi tiêu của họ.”

“Bố?” tôi nói, quay sang bố với vẻ tuyệt vọng.

“Bố nghĩ ý kiến này tuyệt đấy,” mẹ trả lời, không để cho bố kịp lên tiếng. 

Vài ngày sau, tủ lạnh và tủ bếp nhà tôi chất đầy những món ăn trông lạ nhất mà tôi từng được biết. Tôi nhớ mình đã tự nhủ thế này, người Nghèo ăn rất nhiều loại đồ hộp. Nhiều hộp trên nhãn có ghi một số loại thịt, còn bên dưới tên món thịt ghi là “dạng nước.” Nước giăm bông, nước thịt gà, nước thịt bê. Bánh mì đựng trong hộp nhựa màu trắng, trên chỉ ghi vỏn vẹn năm chữ: Bánh Mì Trắng Mới Nướng.

“Cái này mới nướng thế nào được?” Tôi vừa hỏi anh Evan vừa cầm một lát bánh mềm oặt phủ đầy bột trên tay.

“Tao biết sao được. Tao đoán là lúc nào đó người ta đã nướng, và sau đó thì nó mới.”

Vào ngày đầu tiên của chế độ ăn mới, trong giờ ăn trưa tôi mở cái túi giấy màu nâu mà mẹ gói sẵn cho tôi. Vật đầu tiên tôi lôi ra là một hỗn hợp thức ăn kinh tởm giống như bánh sandwich gà tây. Tôi giơ lên trước mặt mình. Chiếc bánh trông như hai mẩu giấy báo ướt đẫm nước, còn gà tây thì trông như được làm từ bất cứ thứ gì làm nên Larry King : một thứ thịt xơ, trắng nhão nhoét.

“Trông kinh vãi cả ra,” thằng bạn Aaron nói, mắt nhìn món bánh sandwich của tôi như nhìn một sinh vật nát bươm bị dạt lên bờ sau cơn sóng thần. 

Chiều hôm đó tôi về nhà và phi thẳng vào phòng anh Evan. Tôi hỏi xem trong túi bữa trưa của anh có chứa cái thứ không nuốt nổi như của tôi hay không. Quả nhiên là như vậy. Cả hai chúng tôi đều chung một hành động: vứt chiếc bánh sandwich và thứ rau lạ giống như cà rốt đi kèm, chỉ ăn mỗi cục pho mát trắng của Mỹ trong cái gọi là bữa ăn đó. Tôi muốn làm cách mạng, nhưng Evan chưa bao giờ là mẫu người của cách mạng cả, còn tôi thì chưa sẵn sàng để tổ chức một cuộc nổi dậy đơn phương. Hy vọng duy nhất của tôi là bố cũng cảm thấy ghê tởm y sì như vậy và sẽ chấm dứt tình trạng điên rồ này.

Vài giờ sau, trong khi đám con trai chúng tôi đang chơi trong phòng khách để chờ bữa tối, mẹ giới thiệu cho chúng tôi thực đơn cho bữa tối hôm đó. “Súp gà tây,” bà tuyên bố, đeo tạp dề và cầm một chiếc thìa lớn, trong khi những thứ mùi lạ từ trong bếp sau lưng bà bay ra nồng nặc. 

Tôi nhìn bố, lúc này đang chăm chú xem bản tin tối một cách điềm tĩnh. Tôi lo lắng không biết cơ thể tôi có khả năng hấp thụ nổi bữa ăn mà mẹ sắp sửa dọn lên hay không, và như thường lệ mỗi khi lo lắng, tôi nói lên suy nghĩ tích cực của mình nhằm nỗ lực bày tỏ ý nguyện về kết quả tốt nhất có thể.

“Con thích gà tây, đúng không ạ?” Tôi nói.

Bố tiếp tục dán mắt vào tivi. “Mày đang hỏi bố hay nói chuyện với bố thế?” ông đáp lại, gần như không nhìn tôi lấy một chút.

“Con đang nói với bố là con thích gà tây.”

“Được thôi,” ông nói, dừng lại một chút rồi nói thêm, “Việc đấy có ý nghĩa quái gì với tao cơ chứ?”

Tôi có thể nhận thấy rằng tâm trạng của bố không được tốt, vì vậy tôi ngừng câu chuyện lại. Việc nêu được món khoái khẩu của mình là gà tây đã phát huy tác dụng, vì vậy tôi cảm thấy tự tin hơn về khả năng được ăn món súp “gà tây”. 

Vài phút sau, chúng tôi ăn tối và mẹ tôi múc vào bát của mọi người một thứ chất lỏng màu nâu sền sệt giống như phân tiêu chảy của loài gấu xám mà tôi tưởng tượng ra. Có những khoanh tròn lẫn với cả những khoanh đỏ, và nhất định đây là bát cháo bột yến mạch loãng. Tất cả chúng tôi đều nhìn nhau, kể cả mẹ tôi. Tôi cắm chiếc thìa vào bát và cẩn thận dò một vòng quanh các khoanh nhưng chỉ múc lên được toàn nước. Tôi đưa lên môi một cách chậm rãi và có chủ ý, như thể đang rà soát xem có ăn phải viên thuốc độc nào không. Sau đó tôi nhấp một ngụm. Và phun ra luôn. 

“Lạy Chúa, cả nhà đang cố gắng dùng bữa đấy, mẹ kiếp,” bố tôi nói, thả chiếc thìa xuống bàn. 

“Con không ăn nổi! Con đã cố rồi!” Tôi nói, trong khi Evan bật cười.

“Con không hề cố,” mẹ đáp với vẻ lúng túng.

“Con cố rồi! Con không ăn được! Ngấy quá!”

“Đây là thức ăn của trẻ nghèo. Đây cũng là lúc chúng ta ăn uống như họ để hiểu những người kém may mắn hơn chúng ta xoay xở thế nào,” mẹ trả lời.

“Con hiểu! Lúc này con chỉ muốn ăn thứ khác thôi!” Tôi nói và thấy mắt mình ướt đẫm.

“Mọi người trật tự. Im hết miệng lại và ăn đi,” bố tôi nói. 

Sau đó ông xúc một thìa vào miệng.

“Chúa ơi. Món này kinh quá. Không ăn nổi,” ông nói sau khi nuốt xong thìa cháo.

“Thấy chưa!” tôi thốt lên.

“Không, hai đứa mày ăn món này,” ông vừa nói vừa nhìn tôi và Evan. “Tao không ăn.”

“CÁI GÌ?!?!” tôi la lên.

Tôi đứng dậy, lao ra khỏi phòng ăn, chạy vào phòng mình và đóng sầm cửa lại. Tôi dự tính rằng chỉ vài giây nữa, mẹ tôi sẽ mở cửa phòng, nói điều gì đó để an ủi tôi, rồi mời tôi quay trở lại bàn ăn với bữa tối tử tế, chẳng hạn như spaghetti thịt viên hoặc thịt gà và khoai tây. Trong lúc đó, có thể thậm chí bà sẽ lái xe đến cửa hàng Jack in the Box  và mua cho tôi một chiếc bánh sandwich thịt gà giòn tan ngon lành, món khoái khẩu của tôi, để bù đắp cho trải nghiệm ẩm thực bất công và đau thương này.

Mười phút trôi qua, vậy mà chẳng có ai gõ cửa phòng tôi cả. Tôi giao ước với bản thân là không được rời khỏi phòng nếu như chưa có người đến tìm. Lại mười phút nữa trôi qua, rồi một tiếng, rồi ba tiếng, và bỗng nhiên mười giờ nên tôi phải đi ngủ. Tôi tắt đèn rồi bò vào giường, vừa cáu vừa đói. Đột ngột, cửa phòng tôi mở ra.

“Chào mẹ,” tôi nói, cố tỏ ra giận dữ và đoán là bà đi giém chăn cho tôi như mọi đêm.

“Khồng, là bố,” bố tôi nói, thân hình to lớn, lờ mờ của ông đến bên tôi, được chiếu sáng duy nhất bằng ánh sáng hắt vào từ hành lang bên cạnh.

“Ồ. Chào bố,” tôi lạnh nhạt trả lời.

Ông ngồi xuống giường và đặt tay lên vai tôi. 

“Con đúng là đồ ương bướng, nhưng bố yêu con,” ông nói, sau đó bật cười một mình.

Tôi không nhúc nhích.

“Bố biết là con bực mình. Thậm chí bố còn hiểu tại sao con lại bực mình.”

“Không, bố không hiểu đâu,” tôi tự tin đáp.

“Ôi, thôi nào, con mới mười tuổi. Bố nghĩ là bố thừa sức hiểu một thằng nhóc mười tuổi.”

Cuộc trò chuyện của chúng tôi không làm tôi bớt khó chịu, và bố nhận ra điều đó. Giọng ông trở nên dịu hơn một chút. 

“Bố biết con nghĩ rằng nếu con ăn cái món cám lợn đó thì bố cũng phải ăn. Nhưng rồi bố bảo rằng bố sẽ không ăn còn con thì phải ăn, vì vậy nên con mới bực mình, đúng không?”

“Đúng.”

“Bố đã từng là người nghèo. Mẹ con cũng vậy. Trong đời có rất nhiều thứ bố phải cố gắng hết sức để đảm bảo rằng con không phải nếm trải.”

“Vậy thì tại sao đây không phải là một thứ như thế?” tôi hỏi.

“Con ạ, con phải ăn cám lợn có một tuần thôi. Mẹ con phải chịu đói suốt cả thời thơ ấu. Khi con ngủ dậy và nổi cơn tam bành như tối nay, mẹ con sẽ cảm thấy rất tồi tệ. Nó giống như con bảo rằng con chẳng quan tâm đến những gì mẹ con đã trải qua. Hiểu chưa?”

Tôi trả lời đã hiểu, và ông kể thêm với tôi một chút về việc tại sao ông cảm thấy khó chịu khi tôi nổi đóa.

“Thức ăn đóng một vai trò rất lớn trên chặng đường lớn khôn của đời bố. Nó là cách bọn bố kiếm sống chứ không chỉ là món ăn. Vì vậy khi con làm ầm ĩ lên vì nó thì bố bị động chạm,” ông nói.

“Nhưng tại sao bố lại không phải ăn món đấy? Mẹ đang ăn, và mẹ biết trước nó như thế nào. Tại sao bố lại không phải ăn?” Tôi kiên quyết nói.

Ông ngồi im một giây, sau đó bỏ tay ra khỏi vai tôi.

“Được, có hai lý do. Lý do thứ nhất là bố hiểu giá trị của đồng tiền, bởi vì ngày nào bố cũng phải nai lưng ra làm việc để kiếm tiền – việc này con chưa bao giờ phải làm cả.”

“Nhưng mẹ cũng làm việc đấy thôi,” tôi 

ngắt lời.

“Ừ, vì vậy nên bố mới nói đến lý do thứ hai, đó là mẹ con tốt hơn bố cả tỉ lần.”

Rồi ông hôn lên trán tôi và ra khỏi phòng. 

 Quay video sáng Giáng sinh

“Được rồi, mỉm cười lúc mở quà nhé… Không, mỉm cười và nhìn vào máy quay cơ, tèn tén ten.”

Đi cắm trại với cả nhà

“Không, bố ở nhà thôi. Mày được đi nghỉ cùng cả nhà, còn bố thì được nghỉ ngơi một mình. Tin bố đi, như vậy kỳ nghỉ của cả hai chúng ta sẽ vui hơn nhiều.”

Thành tích học tập nhận toàn điểm A

“Ôi khỉ thật! Con thật là giỏi – bố chẳng quan tâm người ta nói gì về con!… Bố đùa đấy, chẳng có ai bảo rằng con không thông minh cả. Người ta nói nhiều chuyện khác, nhưng không phải chuyện đấy.”

Bị ong đốt

“Được rồi, được rồi, bình tĩnh nào. Con có cảm giác như cổ họng đang nghẹt lại không?… Con có buồn ị không?… Không, chuyện đấy chẳng liên quan gì đến ong đốt cả, chẳng qua con cứ đi đi lại lại nên bố nghĩ là biết đâu con lại cần phải giải quyết.”

Cách phân biệt thức ăn ôi thiu

“Làm thế quái nào mà tao biết được nó còn tốt hay không à? Ăn là biết liền. Mày thấy buồn nôn, tức là thức ăn không tốt. Chúng mày nghĩ mắt tao là kính hiển vi chắc?”

Đối phó khi bị bắt nạt

“Mày sẽ phải chạy phọt cứt ra quần thôi, nhưng hãy nhớ điều này; quan trọng không phải là to hay bé, mà quan trọng là chạy nhanh được đến cỡ nào thôi.”

Yên tĩnh

“Bố chỉ muốn yên tĩnh thôi… Lạy Chúa, nói vậy không có nghĩa là bố không thích mày. Chẳng qua là ngay lúc này bố thích yên tĩnh hơn.”

Bình luận