“Ai rồi cũng chết!” kể cho bạn nghe câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa con người với thể xác sinh học của chính mình cùng những giới hạn của nó về gene, tế bào, da thịt và xương cốt. Sự phát triển y học đã cho con người chúng ta quyển năng vô song trong việc chinh phục dần những giới hạn đó, và giá trị tiềm năng của quyền năng này chính là lý do chính khiến tôi quyết định trở thành bác sĩ. Nhưng hết lần này đến lần khác, tôi phải chúng kiến những công nghệ y học của mình gây bao nhiêu thiệt hại và tổn thương lên con người chỉ vì chúng ta cứ mải lảng tránh, không chịu thừa nhận sự thật bất biến rằng quyền năng đó là hữu hạn, và nó muôn đời hữu hạn.
Chúng ta đã luôn lầm lẫn về quyền hạn và trách nhiệm của mình với tư cách là thầy thuốc. Chúng ta luôn cho rằng mình có nghĩa vụ đảm bảo sức khỏe và khả năng tổn tại của con người bằng mọi giá. Nhưng điều mà con người thực sự cần không chỉ có thế. Con người không chỉ tồn tại, mà họ muốn mình sống khỏe. Con người ta ham sống khi và chỉ khi họ được sống một cuộc sống khỏe mạnh và vui vẻ. Những điều này không chỉ quan trọng khi người ta sắp chết, hay khi họ đã già yếu suy kiệt, mà chúng quan trọng trong suốt cuộc đời con người. Mỗi khi bệnh tật hoặc chấn thương tấn công bạn, mỗi khi cơ thể bạn ngã quỵ hay tâm trí bạn mỏi mệt, những câu hỏi quan trọng mang tính sống còn vẫn luôn là: Bạn hiểu gì về bệnh tình hiện tại của minh cũng như những hệ quả mà nó có thể gây ra? Bạn mong muốn điều gì, và sợ hãi điều gì? Đâu là những điều bạn sẵn sàng hy sinh hoặc đánh đổi để khỏe lại, còn đâu là những điều mà bạn tuyệt đối “có đánh chết cũng không buông”? Và bạn dự định hành động như thế nào để hoàn thành những tâm nguyện đó?
Trong vài chục năm gần đây, lĩnh vực chăm sóc xoa dịu và giảm đau đã và đang phát triển mạnh mẽ, mang đến tư duy mới mẻ thức thời cho những y bác sĩ đang làm công việc chăm sóc những người bệnh sắp chết. Lĩnh vực này được nghiên cứu và hệ thống hóa thành một chuyên môn chính quy đã và đang mở rộng không ngừng, ứng dụng cách tiếp cận mới này lên cả những người mắc bệnh hiểm nghèo chứ không chỉ riêng người sắp chết. Liên quan đến bệnh tật và cái chết của con người, điều này không có gì đáng mừng, nhưng nó là một cách làm việc cần được khuyến khích và nhân rộng. Nó nên được lĩnh hội bởi mọi thầy thuốc hay y bác sĩ, và nên được áp dụng với bất kỳ bệnh nhân nào mà họ gặp bất chấp chuyên môn của họ là gì.
Nếu con người là hữu hạn, thì vai trò của các cá nhân cũng như các cơ sở chăm sóc và nâng cao sức khỏe – từ giới bác sĩ phẫu thuật cho đến y tá – chính là hỗ trợ con người trong việc đối mặt với sự hữu hạn của chính mình. Có những khi chúng ta có thể cung cấp cho bệnh nhân của minh những phương pháp chữa bệnh khả dụng, có những lúc điều tốt nhất chúng ta có thể cho họ là vài toa thuốc, nhưng có lắm khi điều duy nhát chúng ta có thể làm để giúp họ là… chẳng làm gì cả. Nhưng dù chúng ta làm gì cho họ đi chăng nữa, mọi sự can thiệp của chúng ta cùng những sự mất mát và rủi ro mà chúng ta giáng lên người bệnh chỉ có ý nghĩa khi và chỉ khi chúng phục vụ cho những tâm nguyện và mục tiêu cao cả hơn của cuộc đời người đó. Một khi chúng ta quên mất điều này, những sự đau đớn mà chúng ta khiến người bệnh phải chịu đựng trở thành man rợ. Chỉ cần chúng ta nắm bắt được ý nghĩa tích cực của việc mình làm, chúng ta mới thực sự mang lại những giá trị lớn lao không thể cân đo đong đếm cho đối tượng của mình.
Trước đây, tôi đã không biết rằng đó mới chính là điều ý nghĩa nhất mà tôi có thể làm cho các bệnh nhân của mình, dù là với tư cách một bác sĩ hay một con người bình thường: giúp mọi người vượt qua được những khó khăn mà nền y học được kỳ vọng đã không thể giúp họ được. Và đó là sự thật, dù người bệnh của tôi là cụ Jewel Douglass, một người quen như Peg Bachelder, hay một người mà tôi yêu thương và kính trọng bằng cả trái tim mình như cha tôi.
* * *
Cha tôi đã viết xong câu chuyện đời mình mà không phải hy sinh bất kỳ thứ gì ông yêu thích, và tôi biết ơn mọi thứ vì điều đó. ông vẫn biết rõ mình muốn gì kể cả khi chết. Ông để lại chỉ dẫn cho mẹ tôi, em gái tôi, và cả tôi. Ông muốn được chúng tôi hỏa thiêu và rải tro ở ba nơi quan trọng với cuộc đời ông – thứ nhất là Athens, thứ hai là ngôi làng nơi ông khôn lớn; và cuối cùng là sông Hằng, nơi linh thiêng đối với mọi tín đồ Hindu (Ấn Độ giáo). Theo thần thoại Hindu, khi tro cốt của một người đến được lòng sông Hằng, linh hồn người đó sẽ muôn đời được cứu rỗi và chở che. Do vậy mà từ hàng nghìn năm qua, hàng triệu gia đình đã mang tro cốt của những người mình yêu thương đến sông Hằng để rải khắp mặt nước mênh mông.
Vài tháng kể từ sau ngày cha tôi qua đời, chúng tôi tiếp bước thực hiện những tâm nguyện của ông. Chúng tôi đến Varanasi, một thành phố cổ được làm nên từ những ngôi đền linh thiêng bên bờ sông Hằng, được xây dựng từ thế kỷ mười hai Trước Công Nguyên. Chúng tôi thức dậy trước khi mặt trời mọc, đi bộ xuống những bậc cấp cheo leo dẫn xuống lưu vực sông Hằng. Tuần tự theo truyền thống, chúng tôi đã hẹn trước với một thầy cúng người Ấn, một người có nhiệm vụ dẫn chúng tôi xuống một chiếc thuyền gỗ có người lái, để người này đưa tất cả chúng tôi ra giữa sông trước rạng đông.
Thời tiết lúc ấy khô lạnh đến run người. Toàn bộ những ngôi đền chóp nhọn và mặt nước sông bao la bị che phủ bởi một màn sương trắng dày. Một người gác đến niệm những tiếng cầu kinh được phát loa một cách vừa phải và vẫn đảm bảo không khí tôn nghiêm. Giữa không gian linh thiêng, những lời cầu nguyện lan tỏa khắp mặt sông để đến tai những người tắm sớm với những viên xà phòng đang xài dở trên tay, những hàng người đang giặt giũ ở sông bằng những tấm bảng chà xát bằng đá, và chú chim bói cá đang đậu trên trụ neo thuyền. Chúng tôi vượt qua nhiều bậc thềm bờ sông được đặc trưng bởi nhiều dãy cọc gỗ, chờ đợi nhiều thi thể khác đã được đặt chỗ trước và đang đợi được hỏa táng ở đó. Khi chúng tôi ra đến giữa lòng sông và mặt trời bắt đầu tỏa nắng xuyên qua màn sương mờ ảo, vị thây cúng bắt đầu tụng kinh.
Là con trai trưởng trong nhà, tôi có nghĩa vụ tham gia vào những nghi lễ cần thiết để giúp linh hồn cha tôi đạt được moksha (mộc xoa) – sự giải thoát của linh hồn khỏi vòng luân hồi sinh-lão-bệnh-tử vô tận để đến được cõi Niết Bàn. Người thầy cúng vòng một chiếc nhẫn làm từ dây bện vào ngón tay áp út trên bàn tay phải của tôi. Ông yêu cầu tôi cầm lấy chiếc bình đồng thau có kích cỡ vừa bàn tay, trong đó đựng di cốt của cha tôi, rồi rắc vào đó các loại thảo dược, hoa cỏ, và vài mẩu thức ăn: hạt trầu không, gạo, phúc bồn tử, đường cây, và nghệ. Sau đó, ông yêu cầu các thành viên khác trong gia đình cũng làm điều tương tự. Rổi chúng tôi đốt nhang, phẩy khói lên phần tro cốt trong bình. Với một cái cốc nhỏ, người thầy cúng yêu cầu tôi uống ba thìa nước sông Hằng. Rồi sau đó, ông bảo tôi lấy tro trong bình rải qua vai phải của mình xuống sông; xong phần tro thì cũng ném luôn cái bình đựng cùng nắp của nó xuống sông theo hướng đó. “Không được quay đầu nhìn,” ông răn đe tôi bằng tiếng Anh, và tôi tuân theo.
Thật khó để dạy dỗ một người được sinh ra và lớn lên trong một thị trấn nhỏ của nước Mỹ như tôi theo đạo Hindu, bất chấp cha mẹ tồi đã nỗ lực kỳ công thế nào với tôi. Tôi không tin vào chuyện thánh thần điều khiển số phận con người, và càng không tin rằng những gì chúng tôi vừa làm sẽ giúp linh hồn cha tôi có được chỗ tốt ở thế giới bên kia. Sông Hằng có thể là một dòng sông linh thiêng đối với các cư dân thuộc một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất thế giới, nhưng với một bác sĩ như tôi, nơi đây nổi tiếng là một trong những con sông bị ô nhiễm trầm trọng nhất thế giới, một phần cũng chính bởi tập tục hỏa táng người chết rồi ném xác xuống sông của người dân địa phương. Tôi đã biết trước rằng thế nào mình cũng bị yêu cầu uống vài ngụm nước sông, thế nên trước đó, tôi đã lên mạng điều tra về mức độ ô nhiễm cũng như số lượng vi khuẩn tồn tại trong nước sông, rồi uống vài viên thuốc kháng sinh phù hợp đề phòng ngừa. (Ấy vậy mà sau đó tôi vẫn mắc bệnh truyền nhiễm do vi trùng Giardia gây ra, vì chỉ lo phòng ngừa vi khuẩn mà quên mất nguy cơ từ ký sinh trùng.)
Tuy vậy, bản thân tôi vẫn vô cùng xúc động và biết ơn khi được thực hiện trách nhiệm của mình. Một phần bởi cha tôi muốn thế, mẹ và em gái tôi cùng thế. Hơn thế nữa, mặc dù tôi không tin chuyện cha tôi lẩn khuất trong đống tro xám được rải đi từ chiếc bình kia, tôi vẫn cảm nhận được rằng thông qua những gì mình vừa làm, chúng tôi đã kết nối được với cha ở một cấp độ tâm linh cao cả vượt trên thể xác phàm tục của mình, ở một đất nước xa xôi nơi mà người ta đã quá quen với những nghi lễ đó suốt hàng thế kỷ.
Từ khi tôi còn nhỏ, cha đã luôn dạy tôi bài học vế sự kiên trì bền bi: Không bao giờ được khuất phục trước những giới hạn ngăn trở mình!
Nhưng đến khi được làm người lớn và chứng kiến những năm tháng cuối đời của cha, tôi phải tự mình học cách chấp nhận và thích nghi với những giới hạn mà chúng ta không thể nào rũ bỏ. Lằn ranh giữa việc chinh phục giới hạn – đẩy lùi giới hạn bằng mọi giá – và thích nghi với nó – tận dụng những điều tốt nhất có thể từ giới hạn – luôn thật mỏng manh. Nhưng thực tế đã cho thấy có những khi, quyết định đẩy lùi giới hạn gây thiệt hại nhiều hơn là mang lại lợi ích, càng làm việc đó chỉ càng khiến chúng ta thêm đau thương mất mát. Việc giúp cha tôi đối mặt và chấp nhận thực tế đó chính là một trong những trải nghiệm vừa đau thương lại vừa quý giá nhất trong cuộc đời tôi.
Cha tôi đã ứng xử trước những giới hạn đang đày đọa mình bằng cách nhìn thẳng vào chúng với đôi mắt trung thực nhát có thể, không huyễn hoặc, không ảo tưởng. Mặc dù có những khi bệnh tật khiến ông trở nên cáu kỉnh hay quẫn trí, cha không bao giờ tự lừa dối bản thân rằng mình sẽ khỏi bệnh. Ông luôn ý thức được rằng đời người là hữu hạn, rằng vị trí của mình trong thế gian này không hơn gì một hạt cát giữa mênh mông biển rộng. Nhưng đồng thời, ông cũng nhìn bản thân mình như một mắt xích trong một chuỗi sự kiện lịch sử dài vô tận. Suốt thời gian lênh đênh trên dòng sông linh thiêng đó, tôi vẫn cảm nhận được những bàn tay kết nối vượt không gian và thời gian của nhiều thế hệ. Cha tôi đã mang chúng tôi đến đó, giúp chúng tôi nhận ra rằng dù có chết đi, ông cũng chỉ là một phần của một câu chuyện đã và đang kéo dài không ngơi nghỉ suốt hàng nghìn năm lịch sử – và chúng tôi cũng là một phần của nó.
Chúng tôi là những người may mắn khi được ở bên ông trong những phút cuối, được nghe ông chia sẻ những tâm nguyện và nói lời từ biệt. Nhờ cơ hội này mà ông có thể cho chúng tôi biết, rằng ông đã ra đi trong thanh thản. Và điều này cũng giúp chúng tôi thanh thản, không còn điều chi để hối tiếc.
Sau khi rải tro của cha, chúng tôi tiếp tục lênh đênh trên sông Hằng, tạm thời để cho dòng chảy đẩy đưa. Khi ánh mặt trời phá vỡ màn sương u ám, các tia nắng cũng đồng thời sưởi ấm cơ thể chúng tôi. Sau đó, chúng tôi ra hiệu cho người chèo thuyền cầm mái chèo, và cùng nhau quay về bờ.