Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ai Rồi Cũng Chết!

Chương 3. Lệ Thuộc

Tác giả: Atul Gawande

Người già không sợ chết – họ bảo tôi như thế. Họ sợ những điều xảy ra trong những năm tháng gần đát xa trời: lãng tai, đãng trí, thưa dẩn những người bạn, đánh mất cả một cuộc sống vốn dĩ năng động, tươi vui và bình yên. Như câu kết luận của Felix, “Tuổi già là những chuỗi ngày mất mát”. Còn trong tiểu thuyết Mọi con người của mình, nhà văn Philip Roth có cách miêu tả còn cay đắng hơn: “Tuổi già không phải là một cuộc chiến. Tuổi già là thảm sát”.

Với tính kỷ luật chu đáo cộng với một chút may mắn – ăn uống điều độ, luyện tập thể dục thể thao, kiểm soát huyết áp, thường xuyên đi khám sức khỏe và gọi bác sĩ mỗi khi cần – vài người có thể sống rất khỏe mạnh và làm chủ tuổi già của mình một cách bền bỉ trong thời gian rất dài. Nhưng nào ai chiến thắng được thời gian, khi sớm muộn gì sẽ đến lúc sự tàn phá cơ thể chồng chất và vượt ngoài tầm kiểm soát cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của chúng ta. Nhờ vào những thành tựu y học mà càng lúc càng ít người chết bất đắc kỳ tử; thay vào đó, hầu hết chúng ta sẽ phải tự mình sống phần lớn cuộc đời mình trong sự sa sút và tàn lụi của tuổi già.

Chúng ta không thích nghĩ đến viễn cảnh đó. Kết quả là gần như tất cả chúng ta đều không chuẩn bị gì cho nó. Chúng ta thường chẳng mấy khi dành vài phút suy nghĩ xem mình sẽ sống như thế nào những khi bệnh tật hay tuổi già sức yếu, để rồi đến khi những điều đó xảy ra thật, thì mọi chuyện đã quá muộn.

Hồi Felix đứng trước ngã ba đường những sự lựa chọn liên quan đến tuổi già, ông đã phải sắm giày chỉnh hình để đi – nhưng không phải cho mình. Mà là cho Bella. Hết năm này qua năm khác, tôi chứng kiến bà ấy càng lúc càng gầy mòn tiều tụy, trong khi Felix vẫn duy trì được sức khỏe và phong độ đáng ngưỡng mộ dù đã gần chín mươi tuổi. Ông chưa bao giờ ngã bệnh đến mức phải đưa đi cấp cứu, và vẫn duy trì được chế độ tập luyện thể dục kỷ luật của bản thân. Ông vẫn làm việc không mệt mỏi, đi dạy lão khoa cho các lớp giáo lý và phục vụ trong ủy ban sức khỏe cộng đồng của Orchard Cove. Ông thậm chí vẫn còn lái xe vô tư. Trong khi Bella càng lúc càng yếu. Mắt bà chẳng còn nhìn thấy được gì. Tai bà chẳng còn nghe rõ được điều chi. Hồi chúng tôi đi ăn tối cùng nhau, Felix phải nhiều lần nhắc đi nhắc lại cho bà rằng người đang ngồi đối diện bà chính là tôi.

Cả bà và Felix đều cảm nhận được nỗi đau mất mát, nhưng hơn thế nữa, họ cũng biết tận hưởng những niềm vui và niềm hạnh phúc mình vẫn đang có. Mặc dù có thể Bella không thể nhớ được tôi hay những người bà ít gặp mặt, bà thích thú mỗi khi được hòa mình vào đám đông, trò chuyện rôm rả và tận hưởng cuộc vui cùng mọi người. Quan trọng hơn thế, trong gia đình, cả bà và Felix có thể trò chuyện thân mật với nhau suốt hàng giờ không chán, suốt mấy chục năm bên nhau vẫn không hết chuyện. Ông tìm thấy lẽ sống khi được chăm sóc bà, còn bà thấy cuộc đời mình ý nghĩa khi được ở cạnh ông. Sự hiện hữu của mỗi người bên đời nhau khiến người kia cảm thấy hạnh phúc và an toàn. Ông mặc quần áo cho bà, tắm cho bà, và đút thức ăn cho bà. Mỗi khi đi bách độ, họ lại tay trong tay bước cùng nhau. Đến tối đi ngủ, họ nằm trong vòng tay dịu dàng của nhau, vẫn còn tỉnh thêm một chút để nép mình vào nhau ấm áp hơn trước khi dần dần chìm vào giấc ngủ. Đó chính là “những khoảnh khắc yêu thương nhất của hai chúng tôi,” Felix bảo. Những khi đó, ông cảm thấy như thể cả hai đã biết nhau từ thuở nào, đã yêu nhau, và thương nhau hơn bao giờ hết trong suốt hơn bảy mươi năm bên nhau.

Tuy nhiên, rồi cũng đến ngày nọ, một sự cố xảy ra nhắc nhở hai vợ chồng rằng sinh mệnh của họ đã và đang mong manh thế nào. Bella bị cảm nặng, khiến cho dịch nhầy ngập hai lỗ tai của bà. Màng nhĩ của bà bị vỡ. Chỉ cần có thế, bà trở thành người điếc hoàn toàn. Và cũng chỉ cần có thế, mối quan hệ khắng khít tưởng chừng không còn gì có thể chia cắt của họ bỗng chốc rạn nứt. Vốn đã mù lòa và đãng trí, giờ thì Bella mất luôn khả năng nghe, khiến cho Felix không tài nào giao tiếp được với bà. Ông cố gắng viết chữ lên mu bàn tay bà, nhưng bà vẫn không tiếp nhận được thông tin. Ngay cả những sinh hoạt đơn giản nhất – chẳng hạn như việc mặc quần áo cho Bella – cũng trở thành ác mộng đối với cả hai người. Mất đi quá nhiều giác quan, bà gần như không còn khái niệm thời gian. Bà càng lúc càng lú lẫn, thậm chí có khi hoang tưởng và nóng giận vô cớ. Ông không thể chăm sóc cho bà. Bản thân ông càng lúc càng mệt mỏi, sức tàn lực kiệt vì căng thẳng và thiếu ngủ.

Ông không biết phải làm gì, mặc dù không phải không có cách. Những người khác ở khu dân cư đề nghị ông nên đưa bà đến một nhà dưỡng lão uy tín và có chuyên môn chăm sóc những người như bà. Nhưng ông thậm chí không có suy nghĩ đó trong đầu. “Nhất quyết không,” ông bảo. Bà phải ở nhà với ông.

Trước khi sự việc trở nên căng thẳng hơn, họ nhận được một tin tốt lành. Hai tuần rưỡi kể từ sau sự cố thủng màng nhĩ của Bella, bà được đưa đi chữa trị và nối lại màng nhĩ. Kết quả là, mặc dù tai trái của bà đã điếc hoàn toàn và không thể cứu chữa, tai phải của bà đã được phục hồi thành công.

“Việc giao tiếp giữa chúng tôi trở nên khó khăn hơn,” Felix kể. “Nhưng ít ra thì giờ bà ấy có thể nghe được tôi nói gì.”

Tôi hỏi rằng ông sẽ làm gì nếu một ngày nào đó tai phải của bà lại có vấn đề, ông sẽ xoay xở ra sao nếu xảy ra một biến cố nào đó trầm trọng hơn, và ông trả lời rằng ông thực sự không biết. “Tôi luôn lo sợ đến cái ngày mà bệnh tật của bà ấy trở nặng đến độ… tôi không còn có thể chăm sóc cho bà ấy được nữa,” ông bảo. “Tôi cố dặn mình không nên nghĩ xa đến thế. Tôi không dám nghĩ năm sau sẽ thế nào. Điều đó quá khủng khiếp. Tôi chỉ lo nghĩ cho tuần kế tiếp mà thôi.”

Đó cũng là suy nghĩ chung của hầu hết mọi người trên quả đất này, và điều này có thể hiểu được. Nhưng cách suy nghĩ này cũng đồng thời phản tác dụng, khiến chúng ta thêm đau đớn khổ sở. Sớm muộn gì thì cái viễn cảnh đáng sợ của tuổi già sức yếu cũng sẽ đến với mỏi người chúng ta, không sót một ai. Cả hai người họ đang đi dạo cùng nhau, và đùng một phát, bà Bella khuỵu ngã. Ông bị bất ngờ, không biết chuyện gì đã xảy ra. Họ đang đi rất chậm kia mà. Mặt đường rất phẳng và êm kia mà. Ông đã kịp phản xạ giữ lấy cánh tay bà. Nhưng bà vẫn tiếp tục để rơi nguyên cả thân người mình xuống đất trong một tư thế hết sức nguy hiểm, vô tình đè gẫy xương mác ở cả hai chân bà (xương mác là một chiếc xương nằm ở cẳng chân, chạy dọc từ đầu gối đến mắt cá chân.) Các bác sĩ ở phòng cấp cứu đã phải nhanh chóng bó bột chân bà lên đến đầu gối. Điều Felix lo sợ nhất đã xảy ra. Giờ thì nhu cầu được chăm sóc của Bella đã vượt quá những gì ông có thể làm cho bà. Bà buộc phải chuyển đến tầng dưỡng lão của bệnh viện, nơi có đội ngũ y tá túc trực hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ để chăm sóc bà.

Đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ cho rằng sự cố này giúp giải phóng gánh nặng cho cả Bella và Felix, để họ không còn phải khổ sở vì chăm sóc nhau nữa. Nhưng thực tế không đơn giản thế. Quả thật, các nhân viên y tế ở khu dưỡng lão đó là một đội ngũ chuyên nghiệp. Họ dễ dàng thực hiện các thao tác chăm sóc cho bà Bella mà Felix đã phải vật lộn rất vất vả để làm được – tắm rửa, đi vệ sinh, mặc quần áo, và tất cả những sinh hoạt cơ bản đối với một người tàn phế. Họ giải phóng ông khỏi công việc chăm sóc khổ cực đó và có nhiều thời gian rảnh rang hơn như chính ông mong muốn, dù là những khi ở bên Bella hay ở một mình. Nhưng những nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ chăm sóc chuyên nghiệp hóa ra lại khiến cho sự hiện hữu bên nhau của Felix và Bella trở thành một nỗi khó chịu không thể nói ra trong lòng mỗi người. Vài nhân viên chăm sóc Bella như một bệnh nhân chứ không phải một con người. Chẳng hạn, bà ấy có những yêu cầu nhất định đối việc chải tóc, nhưng chẳng ai hỏi han hay giúp bà được toại nguyện. Felix đã dày công thiết kế những bữa ăn cho vợ sao cho vừa cung cấp đủ chất dinh dưỡng, lại vừa đảm bảo cho bà dễ nhai nuốt nhất; ông cũng biết đâu là những tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái nhất với bà, biết cách mặc quần áo sao cho bà ưng ý nhất, ông cố gắng truyền đạt những điều này đến với đội ngũ nhân viên chăm sóc bà, nhưng nhiều người trong số họ không chịu hiểu. Có những khi vì quá mệt mỏi và chán nản, ông buông xuôi và làm theo những lời căn dặn của họ, vài điều trong số đó khiến bà không vừa ý, thế là hai người giận nhau hoặc cãi vã.

“Cứ như thể chúng tôi đang phá hoại cuộc sống của nhau,” Felix thở dài.

Ông cũng lo lắng rằng môi trường lạ lẫm ở nhà dưỡng lão khiến Bella thêm lúng túng. Sau đó vài ngày, ông quyết định đưa bà trở về nhà. Ông nỗ lực tìm bằng được cách tốt hơn để lo cho bà.

Căn hộ của ông bà cách khu dưỡng lão không bao xa. Nhưng đối với một người già, khoảng cách đó là cả một vấn đề lớn không dễ gì giải thích được. Kết cuộc, Felix vẫn phải thuê đội ngũ y tá và nhân viên chăm sóc đến nhà để túc trực bên Bella đủ hai mươi bốn giờ trong ngày. Sáu tháng chân vợ bó bột là cả một khoảng thời gian mệt mỏi và cực hình đối với ông. Cuối cùng mọi việc cũng tạm ổn. Cả ông và Bella bắt đầu quen dần với nếp sinh hoạt mới. Bà ấy chỉ ở lì chỗ của mình, nằm trên giường mình, với ông bên cạnh. Vậy mà khoảng thời gian này có ý nghĩa rất lớn đối với ông, khiến ông không bao giờ quên được. Bởi lẽ bốn ngày sau khi chân bà được tháo bột, cũng là bốn ngày sau khi bà bắt đầu đi đứng được trở lại, thì bà qua đời.

Lúc đó họ đang ngồi ăn trưa. Bà bất ngờ quay sang ông và bảo, “Ông ơi, tôi cảm tháy không khỏe.” Và bà gục xuống. Một chiếc xe cấp cứu tức tốc được gọi đến để chuyển Bella vào bệnh viện. Ông không muốn làm cản trở các nhân viên cứu thương. Thế là ông để mặc họ làm nhiệm vụ, rổi lấy ôtô của mình chạy theo sau chiếc xe cấp cứu. Bà trút hơi thở cuối cùng sau khi đến bệnh viện và vừa trước khi ông kịp đến.

Tôi gặp lại ông sau đó ba tháng. Ông vẫn còn buồn lắm. “Tôi cảm thấy như mình vừa mất đi một phần cơ thể. Tôi cảm thấy như thể mình bị ai đó chặt đứt nửa người.” Giọng nói ông run run, trong khi mắt ông đỏ hoe. Tuy vậy, ông vẫn còn một niềm an ủi lớn là bà đã ra đi một cách nhẹ nhàng, không phải đau đớn, rằng trước đó, bà đã được trải qua những ngày cuối đời của mình tại tổ ấm yêu thương cùng ông – tình yêu lớn của cả cuộc đời bà, chứ không phải chết ở nhà dưỡng lão như một bệnh nhân lạc lõng và vô thừa nhận.

* * *

Bà Alice Hobson cũng có nỗi sợ tương tự. Đối với bà, ngôi nhà là một nơi thân thương ấm cúng, nơi bà muốn gắn bó trong suốt cuộc đời mình. Nhưng kể từ sau biến cố với những kẻ bất lương, rõ ràng là bà không còn cảm thấy an toàn khi sống một mình trong đó nữa. Bố vợ tôi dẫn bà đi tham quan một vài khu ở dành cho người cao tuổi. “Bà chẳng màng quan tâm,” Jim kể, nhưng có vẻ bà cũng đang cố gắng quen dần với ý tưởng đó. Ông quyết tâm tìm ra một nơi mà bà Alice sẽ thích và có thể ở trong đó không chút đắn đo. Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Tôi chứng kiến những chuyện xảy ra sau đó, và tôi dần dần hiểu được lý do vì sao – cũng chính là những lý do khiến chúng ta phải chất vấn lại hệ thống chăm sóc và an sinh xã hội cho người cao tuổi và người tàn tật hiện nay.

Mục tiêu tìm kiếm của Jim là một nơi có địa điểm thuận tiện về mặt giao thông để gia đình có thể dễ dàng lái xe đến thăm bà, và có mức giá mà bà có thể chi trả được sau khi bán căn nhà đang ở. Ông cũng muốn đó là một khu dân cư có dịch vụ chăm sóc toàn thời gian – tương tự như hệ thống dịch vụ sức khỏe ở Orchard Cove, nơi tôi đến thăm Felix và Bella, với những căn hộ ở độc lập và một tầng dịch vụ sức khỏe, với đội ngũ chăm sóc chuyên nghiệp túc trực hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Từ những tiêu chuẩn này, ông lên một danh sách gồm những nơi họ cần đến tìm hiểu – từ những địa điểm gần nhà cho đến xa nhà, từ khu ở xã hội cho đến các khu dân cư tiện nghi có tính phí.

Lựa chọn cuối cùng của Alice là một khu căn hộ cao tầng dành cho người cao tuổi mà tôi tạm gọi là Longwood House, một cơ sở phi lợi nhuận có liên kết với Giáo Hội. Một vài người bạn của bà cũng đang sống ở đấy. Gia đình Jim chỉ mất mười phút lái xe từ nhà đến đó để thăm bà. Đó là một cộng đồng dân cư lâu năm và năng động. Cả Alice lẫn mọi người trong gia đình đều đồng ý rằng đây là sự lựa chọn tốt nhất.

“Hầu hết các khu ở khác thì làm ăn tiền bạc lắm,” Jim thở dài.

Bà Alice chính thức chuyển đến đó ở vào mùa thu năm 1992. Căn hộ một phòng ngủ của bà ở đó có không gian rộng rải, vượt ngoài mong đợi của chúng tôi. Nó có cả một căn bếp đầy đủ tiện nghi, vừa thoáng đãng lại vừa ngập tràn ánh sáng để bà có thể ngồi thưởng thức những bữa ăn của mình một cách thoải mái nhất có thể. Mẹ vợ tôi, Nan, muốn mọi bức tường trong căn hộ phải được sơn mới, và cho mời người trang trí nhà cửa mà bà Alice đã thuê quen để sắp xếp lại các vật dụng và bài trí các bức tranh sao cho đúng ý bà.

“Thật vui khi bạn được chuyển đến nơi ở mới và sắp xếp mọi thứ vào đúng vị trí của chúng – đặt những dụng cụ làm bếp ưa thích vào đúng ngăn tủ ưa thích trong căn bếp,” Nan kể.

Ấy vậy mà sau đó vài tuần, lúc tôi đến thăm bà lần đầu tiên kể từ khi bà chuyển nhà, bà không những không vui, mà còn có vẻ vẫn chưa thích nghi được với nơi ở mới. Bà không than phiền dù chỉ một lời, cũng không tỏ ra giận dữ hay nói điều gì đó khó nghe, nhưng bà có vẻ gì đó lãnh đạm và thờ ơ. Điều đáng lo là tôi chưa bao giờ thấy bà như thế. Đó vẫn là bà Alice, nhưng đôi mắt tinh anh ngày nào của bà giờ đây trông vô hồn và không còn sức sống.

Ban đầu tôi nghĩ chắc là do bà vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ mất xe, khiến bà không thể tự do đi lại kể từ đó. Hồi bà chuyển đến Longwood House, bà không quên mang theo chiếc Chevy Impala đã “chinh chiến” cùng bà suốt bao năm, với dự định là bà sẽ lại lái nó ra đường và vui vẻ vô tư như trước. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên sống ở đó, lúc bà đi lấy xe để chạy ra đường chơi, bà phát hiện nó đã biến mất Bà gọi cảnh sát và thông báo với họ rằng xe bị trộm. Một viên cảnh sát đã đến lấy lời khai của bà, và hứa sẽ điều tra vụ việc. Một lúc sau thì Jim đến; bằng một linh cảm nào đó, ông ra bãi xe của cửa hàng Giant Food ở ngay kế bên khu Longwood House. Quả thật, xe của bà Alice đang được đỗ ở đó. Bà lú lẫn đến mức gửi xe nhẩm bãi mà không hay biết. Vì quá xấu hổ, bà không còn dám lái xe nữa. Chỉ trong vòng hơn một ngày, bà đã mất đi căn nhà cũ thân yêu và suýt mất cả chiếc xe đã “quen hơi” mình.

Nhưng cảm giác bất hạnh của bà không dừng lại ở đó. Căn hộ của bà có cái bếp tiện nghi và rộng thênh thang, nhưng bà chẳng buồn nấu. Bà mang đổ ăn đến ăn chung với những người khác trong phòng ăn tập thể của khu Longwood House, nhưng bà ăn rất ít, đến mức sút cân, và không hòa đồng được với mọi người. Bà lảng tránh các sinh hoạt tập thể, bao gồm cả những hoạt động mà bà từng rất thích – một hội gồm những người thích may vá thêu thùa giống như cái nhóm bà từng tham gia ở nhà thờ, câu lạc bộ đọc sách, các lớp thể dục thể thao, và những buổi đi chơi chung đến Trung tâm Kennedy. Chưa kể, cộng đồng dân cư ở đó còn tạo điều kiện cho mỗi người tự tổ chức những hoạt động mà mình thích nhưng chưa có trong lịch sinh hoạt chung của cộng đồng. Nhưng bà vẫn im lặng và không đoái hoài gì đến. Chúng tôi nghĩ là bà bị trầm cảm. Jim và Nan dẫn bà đến gặp bác sĩ, và vị này có cho bà vài toa thuốc. Cũng không ăn thua. Khoảng cách từ căn nhà cũ của bà ở phố Greencastle với nơi ở mới Longwood House chỉ chừng bảy dặm, vậy mà từ đó đến đây, cuộc sống của bà đã thay đổi sâu sắc theo một cách mà chính bà cũng không hề muốn, nhưng lại không thể làm gì được để ngăn cản sự thay đổi đó.

* * *

Thời đó, việc cảm thấy bất hạnh ở một khu ở tiện nghi đủ bề như Longwood House là một chuyện không thể tin được. Vào năm 1913, Mabel Nassau, sinh viên Đại học Columbia, thực hiện một cuộc khảo sát về điều kiện sống của một trăm người cao tuổi ở khu dân cư Greenwich Village – gồm sáu mươi lăm cụ bà và ba mươi lăm cụ ông. Thời kỳ này nước Mỹ chưa có các chương trình an sinh quốc gia hay chế độ trợ cấp xã hội như bây giờ, nên phần lớn người cao tuổi lúc bấy giờ sống trong cảnh nghèo túng. Trong số những cụ ông cụ bà được khảo sát, chỉ có hai mươi bảy người tự lo được cho bản thân – bằng tiền tiết kiệm cả đời, thu nhập từ việc cho thuê nhà, hoặc làm những công việc vừa sức như bán báo, giúp việc và sửa ô. Còn lại, hầu hết người cao tuổi sống trong cảnh bệnh tật hoặc yếu ớt, không còn khả năng lao động.

Điển hình như cụ bà C. một trong sổ những người được Nassau khảo sát. Bà là một góa phụ sáu mươi hai tuổi có thu nhập vừa đủ sống với nghề giúp việc, nhờ đó mà bà được ở trong một căn phòng nhỏ có bếp ăn phía sau ngôi nhà rộng lớn của gia chủ. Nhưng rồi bệnh tật và tuổi già khiến bà không thể tiếp tục làm việc được nữa, và giờ thì bà đang sống trong cảnh nghèo túng với một chân bị sưng phồng nghiêm trọng do giãn tĩnh mạch, khiến bà gần như liệt giường. Cụ bà S. thì không chỉ thường xuyên bị bệnh tật hành hạ, mà bà còn sống chung với một ông anh trai bảy mươi hai tuổi bị tiểu đường. Thời đó chưa có insulin, căn bệnh tiểu đường nhanh chóng hủy hoại cơ thể cụ ông ấy, khiến ông sống trong sự đau đớn hao mòn cho đến lúc chết. Cụ ông M. sáu mươi bảy tuổi, là người gốc Ái Nhĩ Lan và từng làm nghề bốc vác ở các bến tàu; ông trở thành người tàn phế sau một cơn đột quỵ gây liệt tay chân. Với phần lớn những người cao tuổi còn lại trong nhóm khảo sát, Nassau miêu tả họ là “tàn tạ”, có lẽ với ý rằng họ quá già yếu nên không thể tự lo được cho bản thân.

Nếu những cụ ông cụ bà đó không được gia đình chăm sóc, họ không còn cách nào khác ngoài việc vào trại tế bần, hoặc sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Tỉnh trạng này từng diễn ra và phổ biến suốt hàng trăm năm ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Nếu bạn là một người cao tuổi cần được giúp đỡ, nhưng lại không có khả năng tài chính để nuôi thân, hoặc không có con cháu để đỡ đần, nơi duy nhất bạn còn có thể đến là trại tế bần. Nhà tế bần là những nơi ở tồi tàn, bẩn thỉu và ngột ngạt – ít ra đây là cách mà người ta miêu tả chúng vào thời đó. Đó là nơi trú ngụ của nhiều loại người – người cùng khổ, những kẻ “thân tàn ma dại”, người già neo đơn, những người nhập cư kém may mắn, những gã trai nghiện rượu, những người mắc bệnh hiểm nghèo hay phế nhân. Chức năng của trại tế bần là “thu gom” những con người bị bỏ mặc ngoài lề xã hội với nhau để làm những công việc thấp hèn nhằm phục vụ những yêu cầu thiếu đứng đắn của người chủ trại. Nhiều viên quản giáo cũng đối xử nhẹ nhàng với người già, nhưng tất cả bọn họ đều như nhau – những con người bị xã hội ruồng bỏ. Vợ chồng thì bị cách ly. Đến những điều kiện sống tối thiểu cũng gần như không được đáp ứng. Tình trạng lụp xụp, tồi tàn và thiếu vệ sinh là chuyện… đương nhiên.

Một báo cáo được ủy ban Từ thiện bang Illinois thực hiện vào năm 1912 miêu tả một trại tế bần điển hình trong địa phương là “không đủ tiêu chuẩn để nuôi nhốt động vật”. Ở đó, chúng ta nhìn thấy cảnh nhiều người đàn ông và phụ nữ thuộc đủ mọi lứa tuổi sống chen chúc nhau trong một căn phòng chưa đầy mười hai mét vuông ngập đầy côn trùng như mạt và rệp giường. “Những con chuột chạy lon ton khắp phòng… Ruồi nhặng liên tục bu đầy trên thức ăn… Không có bồn tắm”. Một báo cáo năm 1909 của bang Virginia miêu tả tình trạng có quá nhiều người cao tuổi qua đời trong cảnh neo đơn không ai chăm sóc, không được ăn uống đầy đủ, mắc bệnh lao do tình trạng lây nhiễm hàng loạt không được kiểm soát. Mọi số tiền quỹ và tiền tài trợ của địa phương và các tổ chức cho việc chăm lo người già và người tàn tật vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu. Có một trường hợp mà trong đó, người ta tường thuật lại sự việc một viên quản giáo nọ quá bực mình với một cụ bà có tật đi lang thang mà không ai để ý hay nhắc nhở, thế là ông ta… trói chân bà bằng một đóng dây xích nặng gần mười ba ký để bà khỏi đi đâu được luôn.

Không có điều gì khiến người cao tuổi khiếp sợ hơn những viễn cảnh ấy. Vào khoảng thời gian những năm 1920 đến 1930, khi Alice và Richmond Hobson vẫn còn trẻ, hai phần ba số người cư ngụ trong các trại tế bần là người cao tuổi. Mã ngoài thịnh vượng của nền kinh tế Thời Đại Vảng cuối thế kỷ XIX khiến cho người ta không thể không xấu hổ trước những thực trạng đó. Tiếp sau đó, thời kỳ Đại Suy Thoái châm ngòi cho một sự phẫn nộ với quy mô toàn quốc. Những người cao tuổi trung lưu đã lao động vất vả cả đời để tích cóp cho tuổi xế chiểu bỗng chốc mất sạch tiến tiết kiệm trong các nhà băng. Năm 1935, với sự ra đời của chương trình An Sinh Xã Hội, Hoa Kỳ theo bước các nước Châu Âu trong việc thiết lập hệ thống trợ cấp xã hội quốc gia. Tương lai vốn dĩ u ám của các góa phụ bỗng chốc được đảm bảo, và tình trạng nộp đơn xin về hưu – vốn dĩ là đặc quyền của những người khá giả không phải lo âu về tiền bạc – bỗng dưng trở thành trào lưu thời thượng.

Cũng trong thời gian đó, hình ảnh các trại tế bần chỉ còn là ký ức bị lãng quên theo thời đại công nghiệp bùng nổ một thời, nhưng kỳ thực, chúng vẫn luôn tồn tại, không ở nơi này thì ở nơi khác, dưới những hình thức khác. Ở nhiều nước phát triển, sự xuất hiện những khu ở tồi tàn giống như trại tế bần là “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi sự tăng trưởng kinh tế đã và đang nhanh chóng phá vỡ cấu trúc đại gia đình, trong khi sự giàu có mà nó tạo ra chưa đáp ứng kịp yêu cầu bảo vệ người cao tuổi khỏi tình cảnh nghèo túng và bị bỏ mặc. Ở Ấn Độ, tôi đã nhìn thấy rất nhiều những nơi như thế – một hình ảnh khó quên trong chuyến viếng thăm thủ đô New Delhi vừa rồi của tôi, và điều đáng buồn là không ai thừa nhận sự tồn tại của chúng cả. Những khu ở lụp xụp tồi tàn đó hiện lên cứ như thể sống dậy từ truyện của Dickens[3] – hoặc từ những lời miêu tả rợn người trong các bản báo cáo xã hội.

Đơn cử như khu Guru Vishram Vridh, một mái ấm từ thiện dành cho người già neo đơn nằm giữa lòng một khu ổ chuột ở đường biên phía nam thành phố New Delhi, nơi mà hạ tầng đường sá được đặc trưng bởi hệ thống cống thoát nước lộ thiên và những chú chó suy dinh dưỡng chạy lon ton qua lại tha rác rến chất đống vào đó. Vốn dĩ là một nhà kho được chuyển đổi chức năng, tòa nhà tồi tàn của Guru Vishram Vridh kỳ thực chỉ là một căn phòng rộng gồm nhiêu người cao tuổi và người tàn tật sống trong đó, với hàng tá những chiếc nệm và tấm trải chất thành đống ở nhiều góc. G. P. Bhagat là người chủ của tòa nhà, trông ông ta chừng ngoài bốn mươi tuổi. Ông ta luôn ăn diện bảnh bao và giữ một vẻ ngoài láng bóng sạch sẽ, tay không rời chiếc điện thoại di động cứ hai phút lại rung chuông một lần. Ông ta bảo chính Thượng Đế đã yêu cầu ông ta lập ra nơi này cách đó tám năm, và từ đó đến nay ông ta duy trì nó bằng tiền quyên góp của quần chúng. Ông ta bảo mình chưa bao giờ đuổi một ai, miễn là trong nhà còn ít nhất một chiếc giường trống. Một nửa số người cao tuổi sống ở đây đến từ các nhà dưỡng lão hoặc bệnh viện – nơi mà họ không còn khả năng chi trả để tiếp tục ở. Nửa còn lại là những người vô gia cư, sống lay lắt ở các công viên hoặc đầu đường xó chợ được các tình nguyện viên và công an viên tìm thấy đưa về đây. Tất cả những người này đều trong tình trạng nghèo túng và bệnh tật ở nhiều mức độ khác nhau.

Lúc tôi đến, có hơn một trăm người sống chen chúc ở đó. Người “trẻ” nhất ở đó sáu mươi tuổi, trong khi người già nhất đã ngoài bách niên. Những người được cho sống ở tầng trệt được xếp loại là có nhu cầu “trung bình.” Trong số đó, tôi nhìn thấy một cụ ông người Sikh cứ bò lết một cách lạ lùng trên sàn nhà, chồm hổm như một chú ếch chậm chạp – dùng tay thay chân để đi, chống tay xuống đất để đứng và giữ thăng bằng. Ông kể rằng ông từng là chủ của một cửa hàng điện gia dụng trong một khu dân cư cao cấp ở New Delhi. Con gái ông làm nghề kế toán viên, còn con trai ông là kỹ sư phần mềm. Chuyện không may xảy ra với ông cách đó hai năm – ông bị đau ngực kinh khủng, với một loạt những cơn đau đớn như thể trụy tim. Ông được đưa vào bệnh viện để điều trị và nằm liệt ở đó suốt hai tháng rưỡi. Tiền viện phí tăng chóng mặt. Người thân đến thăm thưa thớt dần. Cuối cùng bệnh viện “quẳng” ông vào nơi này. Theo lời kể của Bhagat, cụ ông đó nhờ cảnh sát gửi giúp một bức thư cho gia đình để nói họ đến đây đón ông về. Vậy mà họ bảo rằng họ không quen biết ông.

Tôi men theo chiếc cầu thang nhỏ hẹp để thăm tầng trên, nơi dành cho những người bị mất trí nhớ và mắc phải nhiều loại bệnh tật nghiêm trọng khác. Một cụ ông nọ đứng quay mặt vào tường, miệng liên tục hát vang đến khản cổ những bài ca ai oán lạc điệu. Bên cạnh ông là một cụ bà với đôi mắt trắng đục ngầu vì cườm mắt, còn miệng thì lắm bắm lẩm bẩm với chính mình. Nhiều nhân viên phải rất nỗ lực để có thể chăm sóc hết từng ấy người, cho họ ăn và giữ cho họ sạch sẽ bằng hết mức có thể. Cả không gian tòa nhà bị quá tải bởi những tiếng lải nhải bực dọc và mùi nước tiểu nồng nặc. Tôi cố gắng trò chuyện với vài cụ ông cụ bà trong đó với sự giúp đỡ của một thông dịch viên, nhưng những người đó quá lú lẫn để trả lời các câu hỏi của tôi. Một cụ bà vừa điếc lại vừa mù nằm trên một tấm nệm gần đó cứ gào thét một cụm từ lặp đi lặp lại không biết mệt. Tôi hỏi người thông dịch viên rằng bà ấy la hét gì vậy. Người nữ thông dịch viên lắc đầu – chỉ là một mớ từ ngữ vô nghĩa – rồi lao nhanh xuống cầu thang. Cô ấy không chịu nổi cảnh tượng đó thêm được nữa. Còn đói với tôi, nơi đó chẳng khác nào địa ngục trần gian!

“Những người này hẳn là đang gần đất xa trời lắm rồi,” Bhagat vừa bảo tôi vừa nhìn sang một đống những người đang nằm la liệt. “Tôi không đủ khả năng làm được điều gì tốt hơn cho họ nữa.”

Thời nay, những người cao tuổi như bà Alice có thể yên tâm phần nào khi sự công nghiệp hóa và hiện đại hóa của xã hội đã giúp họ thoát khỏi một kết cuộc bi thảm như thế. Ngay cả những người nghèo đơn thuần cũng được hưởng lợi từ nền kinh tế thịnh vượng khi họ cũng được có nơi trú ngụ của riêng mình – những ngôi nhà từ thiện, nơi mà họ được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, vật lý trị liệu và thậm chí được tụ họp chơi bài với nhau. Những cơ sở xã hội này mang lại lợi ích cho hàng triệu người già neo đơn và người khuyết tật, giúp cho sự an toàn và đảm bảo về mặt sức khỏe trở thành tiêu chuẩn sống căn bản mà hẳn là những cư dân của các trại tế bần của thời trước không thể nào tưởng tượng nổi. Ấy vậy mà vì nhiều lý do nhất định, người ta vẫn cứ quan niệm rằng nhà dưỡng lão là những nơi chốn đáng sợ, buồn tẻ, thậm chí không sạch sẽ, nói chung là quá tệ để ai đó dám bước vào và sống những ngày cuối đời mình trong đó. Chúng ta cần và khao khát nhiều hơn thế.

* * *

Nhìn bề ngoài, Longwood House thực sự là thiên đường hạ giới dành cho người cao tuổi. Nơi đây có cơ sở hạ tầng hiện đại, với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an ninh được đánh giá vào hàng tốt bậc nhất đối với tiêu chuẩn khu dân cư. Khu ở của Alice cho phép bà được sống trong một không gian vừa tiện nghi không thua gì nhà cũ, lại vừa an toàn và dễ tự chủ hơn. Những tiện nghi và sự bố trí trong đây thậm chí vẫn thừa sức đảm bảo một cuộc sống chất lượng cho bà kể cả khi bà sống chung với con cháu hoặc gia đình. Nhưng những thứ đó kỳ thực không dành cho Alice. Bà chưa bao giờ thừa nhận chúng, cũng chẳng thể quen thuộc với chúng. Bát chấp mọi nỗ lực của chúng tôi và các nhân viên ở Longwood House trong việc chàm sóc và động viên bà, trông bà càng lúc càng khổ sở khi ở đó.

Tôi hỏi bà tại sao như thế. Nhưng bà chẳng buồn giải thích… điều bí ẩn gì khiến bà cảm thấy bất hạnh khi sống ở đó. Nhưng theo những người sóng gần nơi bà ở mà tôi được gặp, họ nghe thấy bà thường than phiền rằng: “Đây không phải là nhà”. Đối với Alice, Longwood House chỉ là một bản sao của ngôi nhà cũ thân thương của bà. Việc tìm thấy một nơi khiến mình cảm thấy ấm áp như ở nhà – như thể mình đang được ở bên cạnh gia đình thân yêu của mình – quan trọng với một người như cá được sống trong nước.

Cách đây vài năm, tôi có đọc một câu chuyện đáng suy ngẫm về Harry Truman, một cụ ông tám mươi ba tuổi. Vào tháng Ba năm 1980, ông nhất quyết không chịu rời nhà chuyển đi nơi khác sinh sống, trong khi căn nhà của ông nằm ngay dưới chân núi Saint Helens gần Olympia, Washington, khi ngọn núi lửa này có dấu hiệu bốc khói, xuất hiện những âm thanh lùng đùng và có thể phun trào bất kỳ lúc nào. Từng là phi công tham gia Đệ Nhất Thế Chiến và kinh qua công việc buôn rượu lậu trong thời kỳ Cấm Vận, ông Truman đã sống trong cái căn nhà nhỏ bên hồ Spirit này hơn năm mười năm. Vợ ông đã qua đời cách đó năm năm. Ông sống một mình với mười sáu con mèo trên một khu đất rộng năm mươi tư mẫu Anh dưới chân núi. Trước đó ba năm, trong một lần trèo lên mái nhà để xúc tuyết, ông sơ ý trượt ngã và bị gãy xương chân. Bác sĩ bảo ông gàn dở khi dám một mình làm công việc đó ở cái tuổi gần đất xa trời này.

“Này cậu kia!” ông Truman quát lại. “Tôi đã tám mươi tuổi rồi nhé, và ở tuổi tám mươi, tôi có quyền quyết định cuộc đời mình và làm những gì mình muốn.”

Nguy cơ núi lửa phun trào càng lúc càng hiện rõ hơn bao giờ hết, chính quyền yêu cầu mọi người dân sống gần đó sơ tán càng sớm càng tốt. Nhưng Truman không chịu đi đâu cả. Ngọn núi lửa liên tục gầm rú suốt hơn hai tháng liền. Chính quyền địa phương nới rộng vùng sơ tán lên mười dặm xung quanh núi lửa. Ông Truman vẫn kiên quyết ở lại. Ông không tin mấy tay nhà khoa học, khi chính họ không phải lúc nào cũng chắc chắn và chuyên môn đưa ra những dự báo mâu thuẫn nhau. Ông chỉ lo căn nhà thân yêu của mình bị cướp bóc hoặc phá hoại – điều đã từng xảy ra với một căn nhà khác ở khu vực hồ Spirit. Và dù trời có sập đi chăng nữa, căn nhà đó chính là hơi thở, là cuộc sống của ông.

“Nếu nơi này bị phá hủy, tôi muốn ra đi cùng với nó,” ông bảo. “Bởi nếu tôi mất nó, tôi cũng sẽ chết trong vòng một tuần sau đó.” Giới báo chí hên tục săn đón và phỏng vấn ông bởi phong cách trả lời thẳng thừng đến mức thô lỗ của ông; và hình ảnh của ông còn cá tính hơn với chiếc mũ lưỡi trai John Deere màu xanh lá cây trên đầu, một tay ông luôn cầm ly rượu whisky ngô, tay còn lại mân mê lon Coca-Cola. Cảnh sát địa phương nhiều lần muốn tống giam ông như một cách buộc ông phải rời nhà và bảo vệ ông, nhưng cuối cùng họ không dám làm thế, bởi tuổi ông đã cao và hành động đó có thể khiến họ chịu điều tiếng tiêu cực từ dư luận. Họ tìm đủ mọi cách để thuyết phục ông sơ tán và sẵn sàng cung cấp cho ông mọi thứ ông cần. Nhưng ông vẫn ngoan cố từ chối. Ông nói với một người bạn rằng, “Nếu tôi phải chết vào ngày mai, tôi vẫn sẽ vui lòng, vì tôi đã sống một cuộc đời tuyệt vời. Tôi đã làm mọi thứ mình có thể làm, và tôi đã đạt được mọi điều mình hằng mong muốn.”

Núi lửa phun trào vào lúc 8 giờ 40 phút sáng ngày 18 tháng Năm năm 1980, với sức mạnh tương đương một quả bom nguyên tử. Toàn bộ khu vực hồ Spirit biến mất dưới dòng dung nham nóng đỏ, chôn vùi cả ông Truman, những chú mèo của ông cùng toàn bộ ngôi nhà mà ông gắn bó thân thương đến tận phút cuối đời. Sau thảm họa, ông được người ta tôn thành một biểu tượng – một ông già trung thành tận tụy với ngôi nhà của mình, dám làm dám chịu và sống một cuộc đời ngạo nghễ trong một thời đại mà phần lớn người ta không có nhiều cơ hội cũng như không dám làm điều mình muốn. Để tưởng nhớ ông, những người dân ở thị trấn Castlerock bên cạnh đã xây dựng cả một công trình đài tưởng niệm đặt ngay tại cổng vào thị trấn mà vẫn còn sừng sững đến ngày nay, và người ta thậm chí làm cả một bộ phim truyền hình nói về cuộc đời ông do nam tài tử Art Carney thủ vai chính.

Alice tuy không phải đối diện với thảm họa núi lửa nào, nhưng thật tình nếu bà ở đó, hẳn là bà cũng sẽ hành động như Truman. Việc bà từ biệt căn nhà dấu yêu ở phố Greencastle đồng nghĩa với việc từ bỏ cả một quãng đời bà đã gắn bó suốt mấy thập kỷ. Những ưu điểm khiến cho Longwood House an toàn và dễ sống hơn so với nhà cũ lại chính là những điều khiến bà không thể thích nghi với nơi đây. Mặc dù chỗ bà ở được gọi là “căn hộ độc lập”, nhưng nó kỳ thực chẳng độc lập tí nào với nhiều cơ cấu quản lý phức tạp và sự giám sát nghiêm ngặt mà bà chưa bao giờ phải đối mặt trước đó. Các nhân viên chăm sóc liên tục theo dõi việc ăn uống của bà. Các y tá thường xuyên đến kiểm tra sức khỏe bà. Ngay cả sự lọm khọm của bà cũng được quan sát và lưu tâm, đến nỗi họ yêu cầu bà phải chống gậy hoặc dùng khung tập đi dành cho người cao tuổi. Họ làm thế để đảm bảo chất lượng chăm sóc cũng như giúp cho gia đình của bà yên tâm hơn về việc để bà sống ở đây, nhưng bản thân bà không thích bị người khác làm “vú em” kè kè bên cạnh kiểm soát mình. Theo thời gian, các nhân viên ở đó càng lúc càng siết chặt kỷ luật đối với sinh hoạt hàng ngày của bà. Mỗi khi họ lo lắng về việc bà không uống đầy đủ những toa thuốc được giao, thế là họ cảnh cáo bà, yêu cầu bà phải tuân thủ lời khuyên của các y tá, và để cho các cô này dẫn bà đến phòng khám của họ hai ngày một lần để họ có thể trực tiếp kiểm tra sức khỏe của bà; nếu không làm theo, họ buộc sẽ phải chuyển bà từ căn hộ độc lập sang khu dưỡng lão. Jim và Nan thuê một nhân viên chăm sóc bán thời gian là Mary đến giúp đỡ bà Alice tuân thủ những quy định của khu ở, để bầu bạn với bà và để hạn chế tối đa nguy cơ bị chuyển đi của bà. Bà cũng thích Mary. Nhưng việc có một người lạ quanh quẩn trong nhà suốt mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày trong khi họ chẳng có gì nhiều để làm chỉ khiến cuộc sống của bà Alice thêm mệt mỏi và tồi tệ.

Đối với Alice, việc chuyển đến đây ở chẳng khác nào hành động đáp phi thuyền xuống một hành tinh xa lạ mà một khi đã “lỡ dại” bước vào, bà sẽ không được phép ra khỏi đó nữa. Những gã lính canh ở đó khá vui vẻ và thân thiện. Họ hứa hẹn với bà một nơi ở mới tiện nghi và đầy đủ, nơi mà bà sẽ luôn luôn được chăm sóc ân cần và chu đáo. Nhưng bà thì lại chằng muốn ai chăm sóc mình, bà chỉ muốn sống một cuộc sống tự do tự tại như ý mình. Thế là những tay lính canh hòa nhã cầm luôn cả hộ chiếu và chìa khóa nhà của bà, đồng nghĩa với việc tước đoạt luôn cả quyền làm chủ cuộc sống của Alice.

Người ta tôn vinh Harry Truman như một anh hùng. Sẽ chẳng bao giờ có một khu Longwood House nào dành cho quý ông Harry Truman ngoan có đến từ vùng hồ Spirit, và ngay cả Alice Hobson đến từ Arlington bang Virginia cũng chẳng thích ở đó.

* * *

Chúng ta đã làm gì cái thế giới này, để giờ đây, sự già cả bị đối xử như một cái tội, rằng người già hoặc là chấp nhận bị chôn vùi dưới dung nham núi lửa, hoặc phải cam tâm cho người khác toàn quyền kiểm soát cuộc sống của mình? Để hiểu điều gì đang xảy ra, chúng ta cần phải truy lại lịch sử quá trình chuyển đổi các trại tế bần thành những thứ mà chúng ta đang làm ngày hôm nay – một câu chuyện thuộc về ngành y. Sự thật là ngay từ ban đầu, các nhà dưỡng lão được lập ra không phải với mục đích giúp cho người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn so với việc phải ở trong trại tế bần hay những nơi ở tồi tàn từng được dành cho họ. Không hề có chuyện người ta tử tế đi thăm thú tình hình rồi bảo rằng, “Anh biết không, chúng ta đang có đầy rẫy những căn nhà ‘ổ chuột’ mà cuộc sống của những con người trong đó không hề được đảm bảo, do vậy mà chúng ta cần phải tìm ra một cách nào đó để làm cho chúng tốt hơn.” Không hề có chuyện đó! Thay vào đó, người ta nói rằng, “Vấn đề này thuộc trách nhiệm của ngành y. Hãy chuyển hết những cụ ông cụ bà đó vào bệnh viện. Có thể các bác sĩ sẽ biết phải làm thế nào với họ.” Đấy chính là cách người ta phát kiến ra nhà dưỡng lão – gần như một sự tình cờ, chứ nó không hẳn xuất phát từ lòng từ bi của ai cả.

Đến giữa thế kỷ hai mươi, ngành y học trải qua một sự biến đổi mạnh mẽ mang tính lịch sử. Thời kỳ trước đó, nếu bạn mắc phải bệnh tật nan y hiểm nghèo, bác sĩ có xu hướng đến khám và chăm sóc cho bạn tại gia. Lúc bấy giờ, chức năng chính của bệnh viện là phục vụ cho các án phạt hoặc các quyết định giam người liên quan đến hình sự. Trong thời gian làm thực tập sinh ở Bệnh viện Boston City vào năm 1937, bác sĩ kiêm nhà văn Lewis Thomas đã quan sát và miêu tả như sau: “Nếu có ai hỏi tôi về sự khác biệt của việc được nằm điều trị tại bệnh viện thay vì ở nhà, câu trả lời nằm ở điều kiện cơ sở vật chất, tiện nghi, đồ ăn thức uống, sự chăm sóc ân cần chu đáo và tay nghề chuyên nghiệp của các y tá ở đó. Việc bạn có sống sót hoặc vượt qua bệnh tật được hay không phụ thuộc vào bản thân căn bệnh. Chứ y học gần như chẳng làm nên sự khác biệt gì đáng kể.”

Nhưng kể từ thời Đệ Nhị Thế Chiến trở đi, xã hội bắt đầu có một cái nhìn hoàn toàn khác về bệnh viện cũng như ngành y. Sự ra đời của các loại thuốc sulfa, penicillin, và nhiều loại kháng sinh khác đã giúp nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Người ta khám phá ra các loại thuốc có tác dụng điều hòa huyết áp và sự mất cần bằng hoóc-môn. Y học đạt được nhiều thành tựu đột phá từ công nghệ phẫu thuật tim, máy hô hấp nhân tạo cho đến ghép thận. Các bác sĩ bắt đầu được tôn làm anh hùng, và hình ảnh của các bệnh viện cũng thay đổi trong mắt công chúng – từ một nơi chốn lạnh lẽo của bệnh tật và sự buồn thảm, bệnh viện trở thành một biểu tượng của hy vọng và sự khỏi bệnh.

Xây dựng bệnh viện cho các cộng đồng dân cư là một công việc tốn kém nhiều tiền của và thời gian. Ở nước Mỹ năm 1946, Quốc hội thông qua Đạo luật Hill-Burton, kèm theo đó là một loạt những số tiền quỹ khổng lồ để tài trợ cho việc xây dựng các bệnh viện. Nhờ có chương trình này mà trong vòng hai mươi năm sau đó, hơn chín nghìn bệnh viện và các cơ sở y tế mới được dựng nên trên khắp cả nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi cụm dân cư đều có một bệnh viện ở gần đó, và điều này trở thành chuẩn mực cho hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa.

Không có từ ngữ nào đủ sức diễn tả tầm vóc của sự biến đổi đó. Xuyên suốt phần lớn lịch sử loài người, về cơ bản chúng ta đã luôn phải tự mình gánh chịu mọi sự đau đớn và tình trạng lão hóa của cơ thể. Khả năng sóng sót của chúng ta lệ thuộc vào tự nhiên, sự may mắn, hoàn cảnh gia đình và tôn giáo. Thời bấy giờ, y học chỉ là một công cụ chữa bệnh khác mà bạn có thể thử, chứ hiệu quả của nó không khác gì mấy so với những nghi lễ trừ tà hay tay nghề chữa bệnh theo kinh nghiệm của người nhà. Nhưng theo thời gian, khi y học càng lúc càng trở nên quyền năng hơn, sự xuất hiện những bệnh viện hiện đại cho chúng ta một ý niệm hoàn toàn khác về sức khỏe. Đó là nơi mà bạn có thể đến và nói, “Hãy chữa bệnh cho tôi!” Bạn làm thủ tục nhập viện và giao khoán mọi thứ thuộc về cơ thể mình và sinh hoạt hàng ngày của mình cho các bác sĩ và y tá ở đó: bạn mặc gì, bạn ăn gì, chuyện gì xảy ra với các bộ phận trên cơ thể bạn, và xảy ra khi nào. Điều này không phải lúc nào cũng hay ho, nhưng, trong thời đại mà con người càng lúc càng phải đối mặt với quá nhiều những vấn đề về sức khỏe, nó quả thực tạo ra kết quả mỹ mãn hơn bao giờ hết. Các bệnh viện nhanh chóng học được cách giúp con người loại trừ bệnh truyền nhiễm, loại bỏ các khối u ung thư và hàn gắn những chiếc xương vỡ. Họ biết chữa thoát vị, sửa van tim và xử lý các ca lở loét hoặc xuất huyết bao tử. Thế là các bệnh viện trở thành điểm đến của mọi con người gặp vấn đề với cơ thể, bao gồm cả người cao tuổi.

Trong khi đó, các nhà lập chính sách thì cứ đinh ninh rằng việc thiết lập hệ thống trợ cấp xã hội sẽ giúp xóa bỏ hoàn toàn các trại tế bần, nhưng thực tế không chỉ có thế. Ở Mỹ, nhiều năm trôi qua kể từ Đạo luật An Sinh Xã Hội năm 1935, số lượng người cao tuổi cư trú trong các trại tế bần không hề giảm. Chính quyền các bang nỗ lực đóng cửa những nơi ở tồi tàn đó nhưng không thể. Sau một thời gian tìm hiểu, người ta mới khám phá ra rằng lý do những người già vẫn cứ tiếp tục sống trong các trại tế bần không những chỉ vì họ không có đủ tiền để vào viện dưỡng lão. Họ chỉ còn cách ở đó, bởi lẽ họ đã quá già yếu, đầy bệnh tật, mong manh và có thể gục ngã bất cứ lúc nào, hoàn toàn không còn khả năng tự lo cho bản thân, bởi họ chẳng còn nơi nào khác để đi. Người cao tuổi được nhận trợ cấp khi và chỉ khi họ còn trong những năm hưu trí. Chứ trợ cấp không giúp đỡ họ cho đến cái giai đoạn cuối cùng mong manh dễ vỡ đó của hành trình cuộc đời.

Khi các bệnh viện bắt đầu mọc lên như nấm và trở thành một tiện ích không thể thiếu của xã hội, chúng cũng đồng thời được xem là địa điểm lý tưởng để “thẩy” vào đó những con người già nua hoặc bệnh tật. Chỉ đến lúc này, thời đại của các trại tế bần mới chính thức kết thúc. Đến những năm 1950, chúng lần lượt đóng cửa, khi mà những người già neo đơn nghèo khổ nhận được sự giúp đỡ từ hệ thống trợ cấp và phúc lợi xã hội, trong khi những cụ ông cụ bà nào quá già yếu hoặc nhiều bệnh tật sẽ được đưa vào bệnh viện. Nhưng rất tiếc, việc ngăn chặn sự lão hóa và chữa khỏi những căn bệnh kinh niên mãn tính vẫn vượt ngoài khả năng của các bác sĩ, thế là bệnh viện trở thành điểm đến của những người không còn nơi nào khác để đi. Trước tình cảnh đó, bệnh viện phải “cầu cứu” sự hỗ trợ của chính phủ. Và thế là vào năm 1954, các nhà làm luật tài trợ cho các bệnh viện thiết lập những đơn vị riêng biệt dành cho các bệnh nhân “cần thêm thời gian hồi phục”. Những nơi này chưa bao giờ được lập ra với chức năng hỗ trợ người ta đối mặt với tuổi già. Chúng được xây dựng chỉ để giảm tải cho các bệnh viện – và giờ người ta gọi chúng là các nhà dưỡng lão.

Đấy chính là sự thật đáng buồn nhưng lại đang trở thành khuôn mẫu đằng sau cách thức xã hội chúng ta giải quyết vấn đề tuổi già sức yếu của người dân. Những hệ thống do chúng ta thiết lập và mài giũa luôn được làm ra để phục vụ những mục đích khác ngoài sức khỏe. Một học giả nọ miêu tả lịch sử ra đời các nhà dưỡng lão từ góc nhìn của một người cao tuổi “chẳng khác nào việc đi kể lại lịch sử miền Viễn Tây nước Mỹ từ góc nhìn của những con la; chúng có mặt ở đó, là một phần của lịch sử, và những sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt cũng có liên quan đến những chú la ấy, vậy mà hầu như chẳng một ai để ý đến chúng.”

Làn sóng xây nhà dưỡng lão kế tiếp của nước Mỹ cũng là một hệ quả ngoài dự kiến của lịch sử. Kể từ khi Medicare – hệ thống bảo hiểm sức khỏe dành cho người cao tuổi và người tàn tật của nước Mỹ – được ban hành và thông qua vào năm 1965, luật đã ghi rõ rằng chỉ những cơ sở chăm sóc sức khỏe đáp ứng đẩy đủ các tiêu chuẩn về y tế và độ an toàn thì mới được cung cấp tài chính để duy trì hoạt động. Trong khi thực tế là có rất nhiều bệnh viện, đặc biệt ở miền Nam, không đáp ứng được những tiêu chuẩn đó. Các nhà lập chính sách lo sợ lỗ hổng này, rằng những người cao tuổi có thẻ bảo hiểm của Medicare có thể bị từ chối bởi các bệnh viện tuyến địa phương. Thế là Cục Bảo Hiểm Y Tế phải phát kiến ra một khái niệm mới gọi là “có tuân thủ tiêu chuẩn” – nếu bệnh viện nào có những điều kiện “gần” đáp ứng được các tiêu chuẩn được đưa ra và chứng minh được khả năng đáp ứng trong tương lai gần, nó cũng sẽ được tài trợ để duy trì bộ phận dưỡng lão. Toàn bộ chuyện này đều là những sự “chữa cháy” không dựa trên nền tảng luật pháp nào, mặc dù nó cũng giải quyết được phần nào vấn đề mà không gây thiệt hại gì cho bất kỳ ai – bởi lẽ tất cả những bệnh viện “có tuân thủ tiêu chuẩn” quả thực đều được nâng cấp như chính họ đã hứa. Quy định mới của Cục cũng tạo điều kiện cho sự ra đời hàng loạt của các nhà dưỡng lão. Khi đó, phần lớn các nhà dưỡng lão đang hoạt động đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn của liên bang, chẳng hạn như yêu cầu phải luôn có y tá trực hai mươi bốn trên hai mươi bốn, hoặc phải đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Nhờ quy định mới mà hàng nghìn nhà dưỡng lão được du di vào là “có tuân thủ tiêu chuẩn” để được thông qua tài trợ, và kể từ lúc đó, nhà dưỡng lão mọc lên như nấm sau mưa. Cho đến năm 1970, đã có khoảng mười ba nghìn nhà dưỡng lão được dựng lên, kèm theo đó là hàng loạt tin tức và báo cáo liên quan đến tình trạng thờ ơ chất lượng dịch vụ chăm sóc và bạc đài người bệnh trong đó. Cũng trong năm đó, ở Marieta bang Ohio, ngay kế bên thị trấn nơi tôi sống, một nhà dưỡng lão nọ bị hỏa hoạn, khiến cho ba mươi hai người tử vong. Ở Baltimore, một dịch bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra đã bị lây nhiễm trong một nhà dưỡng lão và làm chết ba mươi sáu người trong đó.

Theo thời gian, các quy định càng lúc càng được siết chặt. Các vấn đề về sức khỏe và sự an toàn cuối cùng rồi cũng được quan tâm đúng mức và được đảm bảo tối đa. Những nhà dưỡng lão có nguy cơ trở thành “lò thiêu” do không có lối thoát hiểm dần dần bị dẹp sạch. Nhưng ván đề cốt lõi thì vẫn còn đó và dai dẳng. Những khu ở chất lượng cao ấy – nơi mà phân nửa chúng ta rồi sẽ phải dọn đến sống trong những năm tuổi già của đời mình – chưa bao giờ được làm ra để dành cho chúng ta!

* * *

Vào một buổi sáng cuối năm 1933, Alice bất ngờ té ngã khi đang ở một mình trong căn hộ. Vậy mà chẳng ai hay ai biết cho đến khi Nan yêu cầu Jim đến đó, sau một hồi gọi điện thoại cho bà mà không thấy bà trả lời. Ông phát hiện ra bà Alice nằm sõng soài bên cạnh bộ ghế nệm trong phòng khách trong tình trạng gần như bất tỉnh. Đến bệnh viện, các bác sĩ tiêm tĩnh mạch cho bà, thực hiện một loạt các cuộc xét nghiệm và chụp X-quang. Không có dấu hiệu gãy xương hay chấn thương đầu. Sức khỏe bà vẫn ổn. Nhưng họ không thể giải thích được vì sao bà lại ngã, bên cạnh lý do tuổi già sức yếu quen thuộc.

Đến khi bà trở về Longwood House, người ta khuyên bà nên chuyển đến sống ở tầng dưỡng lão. Bà cương quyết không chịu. Bà chẳng muốn đi đến đó. Các nhân viên tòa nhà đành nhượng bộ. Họ giám sát bà thường xuyên hơn. Mỗi ngày Mary lại ở lại lâu hơn để chăm sóc bà và đảm bảo bà vẫn ổn. Nhưng không lâu sau đó, Jim lại nhận điện thoại nghe tin dữ rằng bà Alice lại ngã. Họ bảo lần này là một cú ngã trầm trọng. Người ta phải dùng xe cứu thương để đưa bà vào bệnh viện. Trước khi Jim kịp đến, bà đã ở trong phòng phẫu thuật. Các phim chụp X-quang cho thấy bà bị vỡ xương hông – phần đỉnh đầu xương đùi của bà bị va đập đến mức gãy vỡ như thủy tinh. Các bác sĩ chỉnh hình đã phải làm phẫu thuật cho bà và cố định chỗ vỡ bằng nhiều cây đinh dài.

Lần này, bà trở lại Longwood House trên một chiếc xe lăn, và giờ đây, mọi sinh hoạt hàng ngày của bà đều phải có người giúp đỡ – mặc quần áo, tắm rửa và làm vệ sinh cá nhân. Alice không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển qua khu dưỡng lão. Họ bảo rằng bà vẫn có thể hy vọng, rằng chỉ cần tuân thủ các liệu pháp vật lý trị liệu, bà sẽ nhanh chóng đi đứng được bình thường để có thể quay lại căn hộ độc lập. Nhưng bà đã không làm được điều đó. Kể từ đó trở đi, cơ thể bà phải gắn chặt với chiếc xe lăn và nếp sống quy củ cứng nhắc của khu dưỡng lão.

Không còn sự riêng tư, không còn tự chủ. Bà phải mặc quần áo bệnh nhân trong phần lớn thời gian. Họ bảo bà thức giấc, bà thức giấc; họ bảo bà tắm rửa và mặc quần áo, thì bà đi tắm rửa và mặc áo quần; họ cho bà ăn, thì bà ăn. Bà ở chung với bất kỳ người nào mà họ chỉ định. Những bệnh nhân ở chung phòng với bà được thay đổi và luân phiên thường xuyên mà bà không được phép có ý kiến, phần lớn những người đó đều lú lẫn hoặc có vấn đề về khả năng nhận thức. Một số người rất ngoan ngoãn, nhưng cũng có một người khiến bà không tài nào ngủ được mỗi đêm. Bà cảm thấy mình chẳng khác nào tù nhân, bị tống giam chỉ vì tội già cả lọm khọm.

Nhà xã hội học Erving Goffman đã phát hiện ra nhiều điểm tương đồng giữa nhà tù và viện dưỡng lão trong cuốn sách Dưỡng trí viện từ cách đây nửa thế kỷ. Cùng với trại lính, trại trẻ mồ côi, và bệnh viện tâm thần, chúng được xếp loại là “những tòa nhà đóng kín” – những nơi chốn biệt lập với xã hội. “Theo bố trí cơ bản của một xã hội hiện đại, mỗi cá nhân có xu hướng ngủ, vui chơi, và làm việc ở những nơi chốn khác nhau mà không cần phải lập kế hoạch trước,” ông viết. Trái lại, những tòa nhà đóng kín kia phá vỡ mọi sự ngăn cách không gian trong đời sống hàng ngày của con người bằng vô vàn cách thức được ông miêu tả như sau:

Đầu tiên, mọi sinh hoạt hàng ngày của con người đều diễn ra trong cùng một không gian và dưới sự điều hành của một quản lý hay chủ quản duy nhất. Thứ hai, mỗi một hoạt động lại được thực hiện theo nhóm đông người, và tất cả thành viên trong nhóm đều được đối xử như nhau và được yêu cầu làm những việc giống nhau. Thứ ba, mọi sinh hoạt hàng ngày đều được lên lịch chặt chẽ, với mỗi một hoạt động trong đó phải bắt đầu và kết thúc chính xác trong một khoảng thời gian đã được xác định để hoạt động kế tiếp có thể diễn ra đúng giờ, và toàn bộ chuỗi hoạt động này được đề ra và áp đặt bởi một hệ thống các quy định hết sức rõ ràng và nghiêm chỉnh cùng một lực lượng người chuyên thi hành những quy định đó. Cuối cùng, tất cả hoạt động khác nhau đã được quy định đó được ráp với nhau thành một bản kế hoạch độc nhất được làm ra với tham vọng hoàn thành những mục tiêu chính thống của cơ sở hoặc tổ chức đó.

Trong một nhà dưỡng lão, mục tiêu chính thống của họ là chăm sóc người cao tuổi và người bệnh tật, nhưng cái ý tưởng của họ về việc thế nào là chăm sóc lại chẳng liên quan gì đến điều mà bà Alice gọi là sống. Bà không phải là người duy nhất nghĩ như thế. Tôi từng gặp gỡ và trò chuyện với một cụ bà tám mươi chín tuổi tự nguyện đăng ký vào viện dưỡng lão Boston. Trong phần lớn các trường hợp, người để xuất ý tưởng vào viện dưỡng lão thường là gia đình hoặc con cháu của các cụ, nhưng lần này, tự bản thân bà ấy có nguyện vọng vào đó. Bà ấy mắc bệnh tim mạch, viêm khớp nặng, và sau một loạt mấy lần té ngã nguy hiểm đến tính mạng, bà buộc lòng phải rời căn hộ dấu yêu ở bờ biển Delray, Florida để vào viện dưỡng lão. “Tôi ngã hai lần trong một tuần, và thế là tôi bảo con gái mình rằng tôi không thể ở nhà được nữa.”

Bà ấy tự mình lựa chọn nhà dưỡng lão để đến. Nơi bà chọn nhận được nhiều sự đánh giá tích cực từ các cư dân, chưa kể con gái bà cũng sống gần đó. Bà đã vào đó ở được một tháng trước khi tôi gặp bà. Bà nói với tôi rằng bà rất vui khi được sống trong một không gian an toàn – rằng an toàn chính là lý do chủ yếu vì sao người cao tuổi nên đến nhà dưỡng lão. Nhưng việc sống ở đây càng lúc càng khiến bà cảm thấy khốn khổ và bất hạnh.

Vấn đề nằm ở chỗ, bà trông đợi nhiều điều khác cho cuộc sống của mình ngoài sự an toàn. “Tôi biết là giờ đây tôi không còn đủ sức để làm những gì mình thích như hồi trẻ nữa,” bà nói, “nhưng chỗ này là nhà thương chứ không phải nhà.”

Đó là một thực tế hiện hữu ở khắp mọi nơi. Ưu tiên hàng đầu của các nhà dưỡng lão luôn là những vấn đề có thể cân đo đong đếm hoặc nhìn thấy được, chẳng hạn như giúp bệnh nhân hạn chế tối đa chứng lở loét do nằm liệt giường và đảm bảo cân nặng của họ được ổn định – đều là những mục tiêu y tế quan trọng và dễ đo lường, nhưng chúng chỉ là phương tiện chứ không phải đích đến. Cụ bà đó đã rời bỏ ngôi nhà của mình – một căn hộ được xây dựng và bài trí để dành riêng cho bà – để chuyển qua sống trong một căn phòng nhỏ màu nhạt với thiết kế theo phong cách bệnh viện cùng với một người bạn cùng phòng lạ hoắc. Tất cả hành lý cũng như những thứ bà mang theo qua đây buộc lòng phải gia giảm hoặc vứt bớt để vừa khít với một cái tủ và một cái kệ mà người ta đã bố trí cho bà. Những sinh hoạt cơ bản hàng ngày như đi ngủ, thức dậy, mặc quần áo, và việc ăn uống đều phải tuần thủ thời khóa biểu nghiêm ngặt của viện. Bà không được phép mang đồ nội thất từ bên ngoài vào, cũng như không được tự ý uống cocktail trước bữa ăn tối, bởi những điều đó được cho là không an toàn với bà.

Bà muốn được sống một cuộc sống ý nghĩa và nhiều màu sắc hơn như thế. “Tôi muốn được đóng một vai trò nào đó, tôi muốn mình có ích,” bà bảo. Hồi còn ở nhà cũ, bà có sở thích tự kết phụ kiện trang sức hoặc làm tình nguyện viên ở thư viện địa phương. Giờ đây, những thú vui của bà trong viện dưỡng lão bị gói gọn trong các ván bingo, xem phim DVD, và vài hình thức giải trí thụ động khác. Kể từ khi vào sống ở nơi đó, điều bà nhớ nhất chính là những mối quan hệ bạn bè, sự riêng tư, và một mục đích sống có ý nghĩa. Các nhà dưỡng lão ngày nay rất hiện đại và tiện nghi, với những bước phát triển vượt bậc kể từ thời chúng còn là những trại tế bần – nơi người già bị thờ ơ hoặc bạc đãi – hay những “lò thiêu” tiếm năng. Nhưng rồi chúng ta đều phải cúi đầu chấp nhận sự thật rằng, một khi bạn mất đi sự độc lập về mặt vật chất, bạn không còn có thể sống một cách tự do, tự chủ và hữu ích với mọi người.

Hiển nhiên, không phải tất cả người cao tuổi đều khuất phục trước ý tưởng đó. Vẫn có những người chống đối. Trong nhiều cơ sở y tế và nhà dưỡng lão, sự xung đột về giá trị và các mối quan tâm khác nhau giữa những người sống trong đó là một cuộc chiến không có hồi kết. Một số người – chẳng hạn như bà Alice – chống đối bằng cách bất hợp tác: từ chối những hoạt động được yêu cầu và khước từ việc uống thuốc được lập trình nghiêm ngặt như thể họ là máy móc chứ không phải con người. Chúng ta thường dùng từ “cáu kỉnh” để chỉ những người thích nổi loạn như bà. Đây cũng là một từ khóa được chúng ta yêu thích để miêu tả các cụ ông cụ bà nói chung. Bên ngoài các nhà dưỡng lão, chúng ta vẫn thường dùng tính từ đó với một sự kính trọng nhất định. Chúng ta thường yêu thích phong cách ngoan cường và có phần trực tính của những con người như Harry Truman – những kẻ dám sống thật và không ngại khẳng định bản thân. Nhưng kỳ thực trong thâm tâm, khi chúng ta nói ai đó cáu kỉnh, đó chưa bao giờ là một lời khen. Nhìn chung, đội ngũ nhân viên y tế ở các viện dưỡng lão không ngại, thậm chí có phần thích thú với những cá nhân có tính cách “chiến binh,” thể hiện phẩm giá và có lòng tự trọng cao – cho đến khi những tính cách này có dấu hiệu làm cản trở hoặc gây khó khăn cho công việc của họ. Và thế là những cụ ông cụ bà đó bị gán mác “cáu kỉnh”.

Cứ hỏi chuyện các nhân viên chăm sóc ở nhà dưỡng lão, rồi bạn sẽ biết thế nào là “trường kỳ kháng chiến”. Một cụ bà nọ cứ năm phút là bấm nút cấp cứu gọi người xuống phòng tắm đỡ bà. Thế là các nhân viên phải lên lịch cho việc sinh hoạt của bà, dẫn bà vào phòng tắm vài tiếng một lần sao cho công việc của họ không bị gián đoạn. Nhưng bà ấy không chịu tuân thủ giờ giấc, lại còn chuyên môn làm ướt giường khoảng mười phút sau khi đi tắm. Thế là họ yêu cầu bà mặc tã. Một cụ ông nọ thì cứ không chịu dùng khung đi bộ, thường xuyên tự ý ra ngoài đi dạo mà không báo ai một tiếng và cũng không mang theo nhân viên hộ tống. Một cụ ông khác thì liên tục lén hút thuốc lá hoặc uống bia rượu trong nhà dưỡng lão.

Danh hiệu “Cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại nhất” hẳn là dành cho các vấn đề ăn uống. Một cụ bà mắc phải chứng Parkinson cấp độ nặng liên tục vi phạm chế độ ăn thức ăn sệt của mình, lấy trộm thức ăn của những người khác vì chúng ngon hơn mà không ý thức được là chúng có thể khiến bà sặc. Một cụ ông bị hội chứng Alzheimer có sở thích tích trữ đồ ăn vặt trong phòng, vi phạm nhiều quy định về việc ăn ở trong nhà dưỡng lão. Một cụ ông khác đã bị tiểu đường mà cứ thích giấu giếm, tích trữ và ăn nhiều loại bánh kẹo ngọt, khiến cho lượng đường trong máu vượt mức cho phép. Bạn thấy đấy, người ta có thể nổi loạn chỉ bằng cách ăn kẹo!

Với những trường hợp tồi tệ hơn, cuộc chiến giành quyền kiểm soát sẽ cứ lên cao mãi không thôi, cho đến khi các nhân viên buộc lòng phải trói gô bạn, hoặc khóa bạn vào chiếc ghế Geri-chair, hoặc khống chế bạn bằng thuốc mê. Trong những tình huống chưa đến mức trầm trọng, người nhân viên sẻ cố gắng thuyết phục bạn bằng cách bịa ra một câu chuyện cười, lúc lắc ngón tay một cách tình thương mến thương, và lấy lại những chiếc bánh bích-quy xinh xinh mà bạn đang giấu. Tuy mỗi trường hợp khác nhau là thế, nhưng tất cả chúng đều có một điểm chung, là không một ai chịu ngồi xuống hỏi han bạn rằng cuộc sống như thế này có ổn với bạn chưa, rằng bạn trông đợi cuộc sống của mình như thế nào, chứ đừng nói chi đến việc xắn tay giúp cho bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi đó.

Đây là hệ quả đau lòng của một xã hội đối xử với tuổi già bằng cách né tránh và không nghĩ gì về nó. Chúng ta bày ra một loạt những cơ quan tòa nhà để hoàn thành hàng tá mục tiêu xã hội – giảm tải cho bệnh viện, chia sẻ gánh nặng với mỗi gia đình trong việc mưu sinh và trông nom người cao tuổi – nhưng lại chẳng thèm đả động gì đến những mục tiêu có ý nghĩa đối với bản thân những con người sống trong đó: làm sao để họ có một cuộc sống ý nghĩa khi tuổi đã cao, sức đã yếu và không thể tự chăm lo cho bản thân mình được nữa?

* * *

Một ngày nọ, khi Jim đến thăm Alice, bà thì thầm vào tai ông một chuyện. Hôm đó là một ngày mùa đông năm 1994, chỉ vài tuần sau khi bà bị ngã vỡ xương hông và phải chuyển đến khu vực dưỡng lão, và tròn hai năm kể từ khi bà chuyển đến sống ở Longwood House. Ông đẩy xe lăn dẫn bà đi dạo quanh khu nhà. Họ tìm thấy một góc yên tĩnh trong tiền sảnh và dừng chân ngồi nghỉ ở đó. Cả hai đều là những người trầm tính, nên họ không có vấn đề gì với việc ngồi im một chỗ ở đó, lặng lẽ nhìn dòng người qua lại. Đến lúc đó, bà Alice đẩy xe lăn đến gần ông, và thì thầm vào tai ông năm chữ:

“Mẹ đã sẵn sàng rồi.”

Ông nhìn bà. Bà nhìn ông. Và ông đã hiểu. Bà sẵn sàng để chết.

“Vâng, thưa mẹ.” Jim đáp lại.

Ông buồn. Ông không biết phải làm gì. Không lâu sau đó, hai người họ ký biên bản Không Hồi Sức cho bà Alice để nhà dưỡng lão lưu vào hồ sơ và ghi nhớ. Biên bản này có nghĩa là trong trường hợp bà ngừng thở hoặc tim bà ngừng đập, họ sẽ không cố gắng giành lại sự sống cho bà nữa. Họ sẽ không thực hiện các biện pháp ép tim, sốc điện hay đặt ống thở vào người bà. Họ sẽ để bà ra đi thanh thản.

Nhiều tháng đã trôi qua. Bà chờ đợi và chịu đựng. Cho đến một đêm Tháng Tư nọ, bà lên cơn đau bụng dữ dội. Bà báo sơ sơ với một y tá, nhưng rồi quyết định không nói gì thêm. Sau đó, bà bắt đầu ói ra máu. Đến lúc này thì bà chẳng thèm báo ai cả. Bà không bấm nút khẩn cấp, cũng chẳng nói gì với người bạn cùng phòng. Bà chỉ nằm trên giường, lặng im. Sáng hôm sau, khi các nhân viên đi đến từng phòng để đánh thức các cụ, họ mới phát hiện ra bà đã qua đời.

Bình luận