Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ai Rồi Cũng Chết!

Chương 5. Sống Tốt Hơn

Tác giả: Atul Gawande

Vào năm 1991, trong thị trấn nhỏ New Berlin bang New York, một bác sĩ trẻ tên Bill Thomas thực hiện một cuộc thí nghiệm. Anh thực sự không biết mình đang làm gì. Khi đó anh ba mươi mốt tuổi, ra trường chưa đầy hai năm, và hiện là giám đốc chuyên môn của Nhà dưỡng lão Chase Memorial, một cơ sở y tế đang chăm sóc cho tám mươi người cao tuổi. Một nửa trong số đó là những cụ ông cụ bà bệnh tật hoặc tàn phế, phần lớn những người còn lại mắc bệnh Alzheimer và nhiều chứng rối loạn nhận thức khác.

Trước đó, Thomas từng là bác sĩ cấp cứu trong một bệnh viện gần đó, với những trải nghiệm gần như đối lập với việc quản lý một nhà dưỡng lão. Người ta được đưa đến phòng cấp cứu với những chấn thương hoặc bệnh tật dù nặng nhưng vẫn rõ ràng và có thể chữa khỏi được – chẳng hạn như gãy xương chân hoặc một trái việt quất mắc kẹt trong khoang mũi. Còn nếu bệnh nhân còn mắc phải những chứng bệnh tiềm tàng nghiêm trọng hơn – chẳng hạn như chứng mất trí nhớ dẫn đến cú ngã gãy xương chân, Thomas không cần phải làm gì cả, chỉ cần chuyển họ qua khoa khác hoặc nơi khác, đơn cử như nhà dưỡng lão. Anh nghỉ việc ở bệnh viện và chuyển sang làm quản lý nhà dưỡng lão chính là để có cơ hội được làm điều gì đó khác biệt.

Những người khác làm việc ở Chase chẳng thấy có điều gì không ổn trong nơi công sở quen thuộc của mình, nhưng với một người mới toe như Thomas, tất cả những gì anh nhìn thấy trong từng căn phòng ở đó chỉ là nỗi tuyệt vọng. Nhà dưỡng lão này khiến anh cảm thấy ngột ngạt và ưu tư. Anh muốn làm cho nó tốt hơn. Ban đầu, anh cố gắng cải thiện nó theo cách thức tốt nhất mà một bác sĩ như anh có thể làm được. Nhìn thấy những cụ ông cụ bà ở đây trông rất ủ đột và thiếu sinh khí, anh nghi ngờ rằng đó là kết quả của một tình trạng bất ổn nào đấy, hoặc do tác dụng phụ của các toa thuốc mà các cụ uống gây ra. Thế là anh thực hiện một cuộc tái khám toàn bộ cho tất cả các bệnh nhân trong đó, bao gồm cả làm xét nghiệm, chụp phim và thay đổi toa thuốc cho họ. Nhưng, vài tuần kể từ sau buổi tái khám và thay đổi đó, tình hình chẳng có gì tiến triển, trừ việc các đơn thuốc mới của anh quá tốn kém, còn đội ngũ y tá và nhân viên chăm sóc thì muốn phát điên. Người y tá trưởng bực mình nói chuyện với anh và khuyên anh nên cuốn gói khỏi nhà dưỡng lão.

“Tôi đã nhầm lẫn giữa việc chăm sóc và chữa bệnh,” Thomas kể với tôi.

Nhưng anh không bỏ cuộc. Anh ngộ ra rằng thứ duy nhất còn thiếu ở cái nhà dưỡng lão tiện nghi đó chính là sự sống – một cuộc sống đích thực dành cho tất cả mọi người trong đây, và thế là anh quyết định tiến hành một cuộc thí nghiệm nhằm kiến tạo sức sống cho nơi đó. Đó là một ý tưởng hết sức sáng suốt, nhưng đồng thời cũng hồn nhiên và điên rồ. Ngay cả chuyện chàng bác sĩ trẻ nỗ lực thuyết phục thành công đội ngũ nhân viên và các cụ ông cụ bà sống trong đó cũng có thể xem là một kỳ tích nho nhỏ.

Để hiểu được cách làm sao mà Thomas nghĩ ra ý tưởng đó và hiện thực hóa nó, bạn cần hiểu đôi chút về tiểu sử của anh. Thông tin quan trọng đầu tiên: Ngay từ khi còn nhỏ, Thomas luôn là người chiến thắng trong mọi cuộc thi bán hàng ở trường. Trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa mà trong đó, các học sinh được ra ngoài phố, đến gõ cửa từng nhà để bán bánh kẹo hoặc tạp chí để có thu nhập cho câu lạc bộ hướng đạo sinh hoặc đội bóng thể thao của trường, và anh ta luôn thắng giải với tư cách là học sinh có được doanh số cao nhất. Thomas từng thắng cử chức chủ tịch hội học sinh ở trường trung học. Anh cũng từng được bầu là đội trưởng đội điền kinh của trường. Một khi đã muốn, anh có thể bán bất cứ thứ gì cho bất kỳ ai, kể cả bản thân anh ta.

Nhưng trong lớp, Thomas lại luôn là học sinh bét bảng với những con điểm “đội sổ,” thường xuyên nộp bài trễ hoặc chép phạt bởi không hoàn tất tốt các bài tập thầy cô giao. Cậu ta học dở không phải vì cậu ta ngốc. Thomas là “chuyên gia tự học” và là một con mọt sách đích thực, từng tự mình mày mò môn lượng giác để tự thiết kế cho mình một con thuyền (và cậu ta làm được, thật đấy.) Chỉ là cậu ta không thích làm các bài tập trong trường, và sẵn sàng nói thẳng điều đó với các thầy cô. Nếu Thomas được sinh ra vào thời nay, người ta sẽ chắn đoán cậu mắc chứng rối loạn chống đối. Nhưng vào những năm 1970, người ta chỉ nghĩ đơn giản rằng cậu ta là một đứa trẻ rắc rối và bất trị.

Đối với tôi, cứ như thể có hai cá tính khác nhau cùng tồn tại trong thể xác Thomas: một người bán hàng tinh quái và một kẻ nổi loạn đầy năng lượng. Tôi hỏi anh đâu là bí quyết đã giúp anh thành công trong những chiến dịch bán hàng thuở nhỏ. Anh bảo mình chẳng có bí quyết gì cả. Câu trả lời của anh chỉ đơn giản là “Tôi không ngại bị từ chối. Đấy là điểu kiện tiên quyết để bạn trở thành một người bán hàng xuất sắc. Bạn luôn phải trong tâm thế sẵn sàng bị khước từ.” Chính nhờ tính cách nổi bật này mà anh không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi đạt được điểu mình muốn và né tránh được những thứ mình không muốn.

Ấy vậy mà đã từng có một khoảng thời gian dài Thomas chẳng biết mình muốn gì. Anh lớn lên trong một quận sát vách New Berlin, tại một thung lũng nằm ngoài thị trấn Nichols. Anh có cha là công nhân nhà máy, mẹ làm nghề trực tổng đài điện thoại. Cả hai người đều không học đại học, nên họ cũng không kỳ vọng cậu con trai Bill Thomas phải học cao. Khi anh sắp tốt nghiệp trung học, anh dự định sẽ theo học chương trình huấn luyện lao động phổ thông của công đoàn. Nhưng rồi một cuộc trò chuyện vô tình với anh trai của một người bạn trở về thăm nhà sau một học kỳ đại học đã khiến Thomas thay đổi suy nghĩ, sau khi anh được nghe những câu chuyện hấp dẫn về những bữa tiệc thâu đêm, bia bọt và gái gú.

Thế là anh đăng ký vào SUNY Cortland, một trường đại học địa phương gần đó. Đó là nơi Thomas tìm thấy nguồn cảm hứng mới. Nghe nói là một thầy giáo trung học của anh từng phán rằng anh sẽ trở về quê nhà với tư cách là một… thợ sửa xe đang tranh thủ kiếm cơm trước mỗi mùa Giáng Sinh. Vâng, người ta nói gì cũng được, điều quan trọng là thành tích học đại học của Thomas trên thực tế đã làm kinh ngạc bất kỳ ai từng biết anh, vượt qua các học kỳ một cách bình thản với điểm số tuyệt đối 4.0, và lần nữa anh trở thành chủ tịch hội sinh viên. Trong quá trình học, anh từng dự định mình sẽ trở thành huấn luyện viên thể dục, nhưng đến khi được học sinh học, anh bắt đầu cảm thấy mình hợp với ngành y. Kết cuộc, anh trở thành sinh viên đầu tiên của Cortland trúng tuyển vào Khoa Y Đại học Harvard.

Thomas yêu Harvard. Anh hoàn toàn có thể bước vào nơi đó với tâm lý tự ti hậm hực – một cậu trai thuộc tầng lớp lao động thấp hèn cố gắng chứng tỏ bản thân mình khác biệt với những cậu ấm cô chiêu mang bằng cấp Ivy League[7] và đi học bằng quỹ ủy thác. Nhưng Thomas không như thế. Đối với anh. Harvard là một trải nghiệm để đời. Anh thích được làm quen và hòa đồng với những con người đầy quyết tâm và đam mê với khoa học, y học, và mọi thứ giống như anh.

“Một trong những hoạt động yêu thích nhất của tôi hồi học y chính là những bữa ăn cùng bạn bè ở căn-tin Bệnh viện Beth Israel vào mỗi tối,” anh kể tôi nghe. “Mỗi lần tụ họp ăn tối ở đó kéo dài không dưới hai tiếng rưỡi mà trong đó, chúng tôi tranh luận sôi nổi về các ca bệnh – ác liệt nhưng vui cực kỳ.”

Anh cũng thích quanh quẩn ở những nơi mà người ta tin rằng anh có thể làm được những chuyện không tưởng. Nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel nhiệt tình đến trường thỉnh giảng không chỉ trong giờ hành chính mà còn vào các buổi sáng Thứ Bảy, bởi họ muốn được làm công việc truyền cảm hứng và củng cố niềm tin rằng những người trẻ như Thomas có thể làm được những điều lớn lao hơn thế nữa.

Tuy vậy, anh không cảm thấy áp lực phải làm hài lòng tất cả mọi người. Trường Harvard muốn giữ anh ở lại khoa để tham dự chương trình huấn luyện chuyên môn đặc biệt giúp anh cầm chắc một suất vào làm việc trong các bệnh viện lớn hoặc phòng thí nghiệm của trường ngay khi ra trường. Thay vì chọn con đường dễ dàng đã được trường trải thảm, anh lại chọn đầu quân cho một cơ sở y tế gia đình ở Rochester, New York – một lựa chọn hoàn toàn không khớp với khái niệm “những điều lớn lao” mà Harvard muốn đào tạo các sinh viên của mình làm được.

Vâng, khác với bạn bè đồng trang lứa, về quê chính là mục tiêu tối thượng của Thomas ngay từ đầu. “Tôi là một gã nhà quê chính hiệu,” anh bảo. Quả thực, bốn năm học Harvard là khoảng thời gian duy nhất mà anh xa nhà đến thế. Cứ mỗi khi đến kỳ nghỉ, anh lại đạp xe từ Boston đến Nichols rồi về nhà – một quãng đường dài gần bảy trăm dặm vừa đi vừa về. Anh thích được tự lực cánh sinh – dựng lều nghỉ chân trong một vườn cây hay một cánh đồng bất kỳ và ăn bất kỳ thứ gì mình kiếm được. Y học gia đình cũng hấp dẫn anh như thế. Ở đó, anh được độc lập và tự do làm những gì mình thích.

Sau một thời gian thực tập trong cơ sở y tế địa phương và tiết kiệm đủ tiền, Thomas mua một mảnh đất gần New Berlin mà anh vẫn thường tạt ngang qua trên mỗi chuyến đi và từng ước ao sở hữu nó. Trong quá trình làm việc, anh cùng dần dần phát sinh tình cảm với… công việc đồng áng trên mảnh đất của minh. Hồi còn hành nghề tại địa phương, anh quyết định tập trung vào chuyên khoa cấp cứu, bởi lẽ việc làm việc trong bộ phận này có giờ giấc cố định và được phân chia theo ca trực; nhờ đó mà anh có thể tranh thủ khoảng thời gian còn lại trong ngày để chăm sóc mảnh đất của minh. Anh đam mê ý tưởng tự mình xây nhà, tự cung tự cấp cho mình. Anh tự tay xây dựng căn nhà nhỏ của mình với sự trợ giúp của vài người bạn. Anh tự trồng rau quả cho các bữa ăn của mình. Anh sử dụng năng lượng từ quạt gió và năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho ngôi nhà. Anh sống một cuộc sống tĩnh lặng và tách biệt với đám đông công nghiệp xô bồ. Anh sống hài hòa với thiên nhiên, thời tiết và mùa màng. Anh kết hôn với một nữ y tá tên Jude và sau đó, hai vợ chồng mở rộng quy mô nông trại lên bốn trăm mẫu Anh. Trong đó, họ có nuôi gia súc, ngựa và gà, có một hầm rượu, một nhà máy cưa gỗ, nhà máy chế biến đường và… năm đứa con xinh xắn.

“Tôi cảm thấy đây chính là cuộc sống thật sự của mình,” Thomas giải thích.

Lúc đó, trông anh giống một nông dân hơn là một bác sĩ. Anh để râu quai nón kiểu Paul Bunyan[8] và thích mặc quần yếm jean dưới lớp áo blouse trắng hơn là đeo cà-vạt. Còn những giờ làm việc trong phòng cấp cứu là cực hình đối với anh. “Thật lòng, tôi cảm thấy phát bệnh suốt các đêm trực ở đó,” anh nói. Thế nên anh chuyển sang làm quản lý nhà dưỡng lão. Đó là một công việc ban ngày bình thường trong giờ hành chính và ổn định. Nhưng mọi việc quả thật có dễ dàng như ban đầu anh nghĩ chăng?

* * *

Ngay từ ngày đầu tiên tiếp quản công việc ở nhà dưỡng lão, Thomas đã nhận ra sự trái ngược nặng nề giữa cuộc sống phóng khoáng, thú vị và đầy màu sắc ở nông trại của mình với nếp sinh hoạt bài bản đến mức gần như bị cầm tù và thiếu sinh khí mà anh phải chịu đựng trong mỗi ngày đi làm. Những điều mắt thấy tai nghe ở nơi làm việc khiến anh day dứt không yên. Các y tá trấn an rằng anh rồi sẽ quen dần với những điều đó, nhưng anh không thể, và anh cũng chẳng muốn chấp nhận hay thỏa hiệp với chúng. Có thể anh sẽ phải mất vài năm để giải thích được hoàn toàn lý do vì sao mình lại cảm thấy khó ở như vậy, nhưng trước mắt, bản năng anh đã thôi thúc và bảo anh rằng những điều kiện sống ở nhà dưỡng lão Chase Memorial là một thái cực hoàn toàn đối lập với cuộc sống lý tưởng tự cung tự cấp mà anh theo đuổi.

Đối với Thomas, một cuộc sống lý tưởng là khi người ta có thể sống một cách độc lập ở mức tối đa có thể. Và đây lại chính là thứ mà các cụ ông cụ bà trong viện dưỡng lão bị tước đoạt. Anh đến làm quen với mọi cư dân sống trong Chase. Họ là những giáo viên, người bán hàng, bà nội trợ và công nhân nhà máy, những con người bình thường như bất kỳ ai anh từng biết. Anh chắc chắn rằng những con người này xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn nhiều so với tình cảnh hiện tại. Anh bị thúc giục bởi một thứ gì đó còn vượt trên cả bản năng đơn thuần, rằng anh phải làm sao để mang sự sống vào trong nhà dường lão y như cách anh đã làm với ngôi nhà nhỏ của mình – phải đưa được cuộc sống vào đó theo nghĩa đen. Nếu Thomas có thể mang cây cỏ, vật nuôi, và trẻ con vào trong sinh hoạt hàng ngày của các bệnh nhân nhà dưỡng lão và để chúng lấp đầy nơi đây, chuyện gì sẽ xảy ra?

Anh đến gặp ban giám đốc của Chase. Anh đề xuất rằng họ có thể tài trợ cho ý tưởng của anh bằng cách nộp đơn đăng ký vào quỹ hỗ trợ các phát minh và sáng kiến của tiểu bang New York. Roger Halbert, người chủ nhà dưỡng lão và cũng chính là người đã thuê Thomas, thích thú với ý tưởng của anh trên lý thuyết, ông sẵn lòng làm điều gi đó mới mẻ cho nhà dưỡng lão đã lâu đời này. Suốt hai mươi năm ở Chase, ông luôn đảm bảo rằng cơ sở của mình không ngừng phát triển tốt nhất về mặt chất lượng dịch vụ và uy tín, càng ngày càng nhiều hơn những hoạt động phong phú đa dạng dành cho các bệnh nhân nhà dưỡng lão. Ý tưởng mới của Thomas cũng có cùng ý nghĩa và mục đích tốt đẹp như những lần cải tạo trước của nhà dưỡng lão. Thế là ban lãnh đạo ngồi cùng nhau để thảo đơn đăng ký cho quỹ hỗ trợ phát minh và sáng kiến. Tuy vậy, có vẻ như ý tưởng thực sự trong đầu Thomas còn vượt xa trên cả những gì Halbert lường được.

Thomas quyết định giữ kín phần diễn giải còn lại của ý tưởng cho riêng mình. Theo lời anh kể, mục đích chính của anh là tấn công ba “kẻ địch” mà anh đặt tên là Bộ Ba Dịch Bệnh của nhà dưỡng lão: sự nhàm chán, cô độc và bơ vơ. Để đánh bại những “kẻ địch” nguy hiểm này, anh và những người có trách nhiệm cần phải làm sao để thổi sinh khí cho toàn bộ khu nhà. Họ sẽ đặt cây xanh trong mọi căn phòng, thay thảm cỏ bằng các vườn hoa và vườn rau. Và họ sẽ mang vật nuôi vào trong đó.

Nghe có vẻ ổn đấy. Ý tưởng mang vật nuôi vào nhà dưỡng lão có thể khó khăn bởi các quy định về an toàn và sức khỏe trong đó. Nhưng ở New York, nhà dưỡng lão được phép nuôi một con chó hoặc một con mèo. Halbert kể với Thomas rằng họ đã từng thử nghiệm nuôi chó trong nhà dưỡng lão hai hay ba lần gì đấy, nhưng không mang lại kết quả gì hay ho. Các con vật thường không ngoan ngoãn và gây khó khăn cho việc chăm sóc các cụ. Nhưng Thomas vẫn muốn thử lại lần nữa.

Anh bảo, “Thế thì hãy nuôi hai con.”

“Quy định không cho phép,” Halbert đáp.

Thomas vẫn kiên quyết, “Đó chỉ là quy định trên giấy tờ thôi mà.”

Một sự im lặng đáng sợ bỗng bao trùm cuộc nói chuyện. Chỉ là một sự thay đổi nhỏ, nhưng nó không chỉ trái với các quy định của nhà dưỡng lão, mà nó còn phản lại niềm tin kiên cố của đội ngũ những con người làm việc trong đó về chức phận của họ – đảm bảo tối đa sức khỏe và sự an toàn của những người cao tuổi. Halbert dành nhiều thời gian suy nghĩ kỹ về đề xuất táo bạo của Thomas. Trong lần gặp gỡ cách đây không lâu giữa ông và tôi, Halbert vẫn còn nhớ như in cảnh tượng lúc đó:

Tổng giám đốc của nhà dưỡng lão, bà Lois Greising, đang ngồi trong phòng, cùng với người tổng phụ trách các hoạt động ngoại khóa và một nhân viên xã hội. Và tôi có thể thấy ba người họ bỗng nhìn nhau mắt tròn mắt dẹt bảo rằng, “Ý tưởng này sẽ hấp dẫn lắm đây!”

Tôi bảo, “Được, tôi sẽ thông qua nó.” Tôi bắt đầu nghĩ, “Tôi không quá hào hứng với ý tưởng này như các cô, nhưng tôi đồng ý nuôi hai con chó trong nhà dưỡng lão.”

Thomas lại hỏi, “Vậy còn những chú mèo thì thế nào?”

Tôi nói, “Mèo nữa à? Tôi đã chấp thuận hai chú chó cho cậu rồi kia mà.”

“Một số người không thích chó. Họ thích mèo.” Thomas nói.

Tôi hỏi lại, “Nghĩa là anh muốn CẢ chó LẪN mèo?”

Anh ta đáp, “Sao lại không? Duyệt cả hai rồi bàn tiếp nào!”

Tôi mới bảo, “Được, tôi chấp thuận một con mèo.”

“Không, không, không. Tòa nhà có hai tầng. Mỗi tầng phải có hai con mèo.”

Tôi chốt lại, “Vậy anh muốn chúng ta để xuất lên bộ y tế cho phép nuôi hai con chó và bốn con mèo ở đây sao?”

“Vâng, ông cứ ghi đủ như thế!”

Tôi nói, “Thôi được, tôi sẽ ghi đầy đủ. Tôi cho rằng chúng ta đã đi quá xa so với giới hạn cho phép rồi. Chuyện này sẽ chẳng đi đến đâu cả.”

Thomas lại nói thêm, “Còn nữa. Nuôi chim thì thế nào?”

Tôi bảo cậu ta rằng nội quy đã ghi rất rõ, rằng “Cấm nuôi chim trong nhà dưỡng lão.”

“Thế còn những chú chim?” – anh ta tiếp tục hỏi “ngông.”

Tôi bực mình hỏi, “Cậu hỏi về những con chim?”

Thomas đáp, “Treo tranh ảnh hình những chú chim ấy mà – để các cụ có thể nhìn thấy phong cảnh thiên nhiên ngay trong phòng mình. Những bức ảnh mà trong đó, họ biết rằng bên ngoài đang là Tháng Một hay Tháng Hai. Mùa này tuyết ở bên ngoài phủ dầy đến cả thước. Thế thì người ta có thể nghe được những âm thanh gì trong cái nhà dưỡng lão quá khép kín này?”

Tôi đáp, “Có chứ, cậu sẽ nghe những lời phàn nàn không ngớt của các cụ. Thi thoảng cũng có tiếng cười. Rồi tiếng ti-vi ở nhiều phòng với âm lượng vặn hết cỡ đến mức cậu ước gì mình bị điếc. Rồi cậu sẽ được nghe các thông báo phát ra từ hệ thống PA.”

“Chúng ta còn nghe được âm thanh gì khác nữa không?”

Tôi tiếp tục đáp, “Cậu cũng sẽ được nghe tiếng trò chuyện giữa các y tá và nhân viên với nhau hoặc với các cụ.”

Thomas bảo, “Vâng, nhưng còn những âm thanh cuộc sống thì sao – những âm thanh đặc trưng của sự sống tràn trề, của một cuộc sống “tuyệt cú mèo”?”

“Cậu đang nói đến tiếng chim hót.”

“Chính xác!”

Nên tôi hỏi, “Vậy chúng ta cần bao nhiêu chú chim để tạo ra âm thanh đó?”

Anh ta thản thiên đáp, “Một trăm con.”

“MỘT TRĂM CON CHIM? Ở NƠI NÀY?” tôi hoảng hồn, “Cậu mất trí rồi à! Cậu đã bao giờ sống trong một căn nhà nuôi hai con chó, bốn con mèo và một trăm con chim chưa mà nói?”

Và Thomas trả lời, “Chưa, nhưng chẳng phải vì thế mà chúng ta rất nên thử?”

Đấy chính là đỉnh điểm sự bất đồng giữa bác sĩ Thomas và tôi.

Ba người kia vẫn đang ngồi nghiêm chỉnh tại chỗ của họ, mắt họ nhìn chúng tôi lom lom, và rồi họ cũng cất tiếng, “Chúa ơi! Chúng ta có cần thiết phải làm thế không?”

Tôi bảo, “Bác sĩ Thomas, tôi thật tình muốn làm chuyện này. Tôi muốn chúng ta suy nghĩ ngoài chiếc hộp. Nhưng tôi không muốn nơi này biến thành một cái vườn bách thú, cũng không muốn nó bốc mùi như trại nuôi thú.” Tôi lo lắng, “Tôi không thể tưởng tượng nổi việc này.”

Anh ta đáp, “Vậy ông sẽ hiện thực hóa ý tưởng này cùng tôi chứ?”

Tôi nói thẳng, “Với điều kiện cậu phải chứng minh cho tôi thấy rằng việc này mang lại hiệu quả thực sự.”

Trên đây mới là màn khởi đầu cho những yêu cầu của Thomas. Halbert không phản đối. Sau những cuộc họp mặt triền miên kế tiếp, Thomas vẫn giữ vững lập trường và khiến cho những người khác phát nản. Anh nhắc nhở họ về Bộ Ba Dịch Bệnh – buồn chán, cô độc và bơ vơ – đã và đang khiến cho các cụ “chết dần chết mòn” trong nhà dưỡng lão dù vẫn còn ăn còn thở, rằng họ phải tìm mọi cách đặt dấu chấm hết cho những “dịch bệnh” đó. Đối với một nhà dưỡng lão, còn điều gì có thể cao quý hơn việc đó?

Họ nộp đơn đăng ký xin tài trợ. Theo Halbert, nó sẽ chẳng có một tí cơ hội nào để được chọn. Thế là Thomas dẫn cả đội lên tận cơ quan quản lý của bang để “vận động hành lang” những người có thẩm quyền trong đó. Và cuối cùng họ đã thắng, giành được số tiền tài trợ cũng như thỏa mãn đủ các điểu kiện để theo đuổi dự án.

“Khi chúng tôi nhận được tin vui,” Halbert nhớ lại. “Tôi đã phải ồ lên ‘Chúa ơi, vậy là chúng ta phải làm thôi!’”

Sự thay đổi này có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào bà Lois Greising, tổng giám đốc của viện dưỡng lão. Bà đã ngoài sáu mươi tuổi, và có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Ý tưởng cải thiện cuộc sống của người già trong các nhà dưỡng lão thực sự hấp dẫn với bà. Bà nói với tôi rằng bà xem nó như một “cuộc thử nghiệm vĩ đại,” và bà sẽ cố gắng hết sức để làm tốt vai trò định hướng của mình và làm cầu nối giữa tinh thần lạc quan thái quá của Thomas với những nỗi sợ và sức ì của đội ngũ nhân lực gạo cội trong nhà dưỡng lão.

Nhiệm vụ đó không hề đơn giản. Mọi công sở đều được thống trị bởi một hệ thống văn hóa công ty quy định cách thức thực hiện mọi công việc trong đó. “Văn hóa là sự tổng hòa của nhiều những thói quen và yêu cầu chung của mọi người” Thomas bảo. Anh nhận ra rằng chính những lề thói và kỳ vọng ấy đã làm nên cái nếp sinh hoạt vô hồn đề cao sự an toàn cứng nhắc hơn là một cuộc sống thực sự có ý nghĩa, đến nỗi khiến cho một viện dưỡng lão tiếng tăm như Chase không thể làm nổi một việc đơn giản là nuôi một chú chó trong đó để nó bầu bạn với các cụ. Anh muốn mang vào đó thật nhiều cảy xanh, thú nuôi và trẻ con, và làm cho chúng trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống các cụ trong nhà dưỡng lão. Hiển nhiên là điều này sẽ phá vỡ nếp sinh hoạt và làm việc sẵn có của đội ngũ nhân viên. Nhưng chẳng phải đó chính là một phần của nhiệm vụ hay sao?

“Nhược điểm lớn nhất của văn hóa chính là sức ì,” anh bảo. “Chính vì thế mà nó được gọi là văn hóa. Nó luôn chiếm ưu thế bởi nó trường tồn. Nó bóp nghẹt sự sáng tạo và cải tiến ngay từ trong trứng nước.”

Để chống lại sức ì của tập thể, anh quyết định rằng mình phải đối đầu trực diện với thái độ phản kháng – “đánh nó thật mạnh,” Thomas nói. Anh ví von điều đó với Vụ Nổ Lớn Big Bang. Họ sẽ không mang vào một con chó hay một con mèo chỉ để thử nghiệm xem phản ứng của mọi người thế nào trước khi thực sự tiến hành ý tưởng của Thomas. Mà họ sẽ làm thật luôn – đưa thật nhiều vật nuôi vào nhà dưỡng lão ngay lần đầu.

Mùa thu năm ấy, người ta mang đến nhà dưỡng lão Chase Memorial một chú chó săn tên Target, một chú cún nhỏ tên Ginger, bốn con mèo và một bầy chim. Họ tống khứ hết cây giả trong từng căn phòng cũng như toàn bộ khu nhà rồi thay chúng bằng các chậu cây thật. Đến giờ tan học của lũ trẻ, thay vì dẫn con cái mình về nhà, các nhân viên nhà dưỡng lão dắt chúng vào chơi trong nhà dưỡng lão; nhiều bạn bè và gia đình của các cụ đồng ý quyên góp và hỗ trợ các nhân viên làm nên một khu sân vườn xinh xắn ở phía sau nhà dưỡng lão, vừa là nơi để các cụ tận hưởng cây cỏ thiên nhiên và không khí trong lành, vừa là chỗ để lũ trẻ chơi đùa. Quả là một liệu pháp gây sốc!

Sau đây là một ví dụ để đời: Ban giám đốc nhà dưỡng lão đặt hàng một trăm con vẹt đuôi dài được người ta vận chuyển đến trong một ngày. Thế những con người nhiều năm kinh nghiệm ở nhà dưỡng lão đó có biết làm thế nào để mang ngần ấy con vẹt vào công sở của mình? Rất tiếc là không. Khi xe vận chuyển đến nơi, họ chẳng hề biết rằng mình phải chuẩn bị trước những cái lồng chim để làm chỗ ở cho các chú vẹt. Thế là bác tài phải để tạm bầy vẹt vào khu chăm sóc sắc đẹp ở tầng trệt của nhà dưỡng lão, đóng cửa lại thật chặt rồi rời khỏi đó. Các lồng chim được chuyển đến vào ngày hôm sau, nhưng chưa được lắp ráp trọn vẹn.

“Một cảnh tượng hỗn loạn ngoài sức tưởng tượng,” Thomas miêu tả. Anh bật cười toe toét khi nhớ lại lúc đó. Chỉ có thể là Bill Thomas!

Trước tình hình đó, Thomas, vợ anh là Jude, người y tá trưởng, tống giám đốc Greising, và hàng tá những nhân viên khác phải dành hàng giờ đồng hồ để lắp ráp các chiếc lồng, đuổi bắt những chú vẹt tinh quái giữa một đống lông vũ ngợp trời trong khu chăm sóc sắc đẹp của viện dưỡng lão, đặt chúng vào lồng rồi phân phát các lồng chim đến mọi phòng ở của các cụ. Trong lúc Thomas và đội ngũ nhân viên vật lộn với lũ chim, các cụ ông cụ bà trong viện cũng hiếu kỳ, tập hợp tại các ô cửa kính của phòng thẩm mỹ để “xem phim.”

“Họ cười chúng tôi nhặng xị cả lên.” Thomas bảo.

Anh ngạc nhiên trước sự thiếu kinh nghiệm của cả bọn trước tình huống tréo ngoe đó. “Chúng tôi không biết mình đang làm gì. Thật-tình-không-biết phải làm gì.” Nhưng nó cũng chính là điều thú vị đẹp đẽ nhất ở đó. Tất cả mọi người đều không biết phải làm gì và lúng túng như nhau, thế là họ dỡ bỏ mọi lớp mặt nạ công sở vô hồn thường ngày của mình để xắn tay áo giúp nhau dọn dẹp “bãi chiến trường” – ngay đến cả vài cụ ông cụ bà cũng hào hứng tham gia giúp đỡ. Những người khác thì sắp xếp lại máy cái lồng chim, trấn an lũ chó mèo và kêu mấy đứa trẻ phụ giúp những việc nhỏ trong khả năng của chúng. Đó quả là một “bãi chiến trường” huy hoàng – hoặc nói theo kiểu hoa mỹ hài hước của Greising, “một môi trường chuyên nghiệp đỉnh cao.”

Họ có hàng tá vấn đề phải làm quen và xử lý – chẳng hạn như làm sao để những con chó, con mèo và lũ vẹt được ăn uống đầy đủ. Họ phân chia công việc cho thú nuôi ăn thành các ca trực để các nhân viên luân phiên nhau thực hiện. Jude đi xin lại một chiếc xe đẩy y tế từ một bệnh viện tâm thần đã ngừng hoạt động và cải tạo nó thành một chiếc xe đẩy mang thức ăn cho những chú vẹt. Chiếc xe đẩy này được chất đẫy thức ăn dành cho các chú chó, mèo và chim, và người nhân viên chỉ việc đẩy nó đi đến từng phòng để phân phát thức ăn và thay những tờ giấy báo lót lồng chim. Đối với Thomas, việc tái sử dụng một chiếc xe đẩy y tế từng được dùng để chứa Thorazine thành xe đựng thức ăn cho vật nuôi quả là một ý tưởng đột phá.

Đồng thời, nhiều khó khăn ngoài dự kiến cũng ập đến và đều có khả năng làm phá sản cuộc thử nghiệm bất kỳ lúc nào. Vào lúc 3 giờ rạng sáng nọ, Thomas nhận được một cú điện thoại từ một nữ y tá ở nhà dưỡng lão. Đây là điều hoàn toàn bình thường, bởi anh là quản lý chuyên môn ở đó. Nhưng cô y tá nọ không chịu nói chuyện với anh. Cô muốn gặp Jude, vợ anh. Thomas chuyển máy cho vợ.

“Con chó ị lên sàn nhà,” cô y tá nói với Jude. “Chị có thể đến giúp chúng tôi lau dọn chỗ đó được không?” Cô y tá đó viện cớ rằng công việc này không thuộc trách nhiệm của mình. Cô bảo mình không mất mấy năm trời học trường điều dưỡng để dọn phân chó.

Jude từ chối. “Rắc rối đây,” Thomas thở dài ngao ngán. Sáng hôm sau đến nhà dưỡng lão, anh thấy cô y tá nọ đã để một chiếc ghế phía trên bãi phân chó để những người khác biết mà tránh, rồi bỏ đi làm việc khác.

Nhiều nhân viên ở đó cho rằng nhà dưỡng lão nên thuê những người chăm sóc thú nuôi chuyên nghiệp để lo những việc đó; các y tá không được đào tạo để quản mấy con vật, mà có làm thêm thì cũng chẳng được trả công. Kỳ thực, đội ngũ nhân viên ở đó có thể suốt hai ba năm liền không được tăng lương bởi sự cắt giảm tài trợ của bang trong quỹ bồi hoàn dành cho nhà dưỡng lão. Vậy có ai thắc mắc rằng tại sao cũng chính phủ đó lại rộng rãi chi tiền cho việc cung cấp cây xanh và thú nuôi? Đơn giản vì tất cả mọi người ở đất nước này – cũng như mỗi hộ gia đình có nuôi thú cưng – quan niệm rằng việc bảo vệ và chăm nuôi động vật là trách nhiệm chung. Khi bạn quyết định nuôi thú trong nhà, sẽ có rất nhiều việc phải lo, giống như chăm em bé hay nuôi con cái vậy, và đó là những việc bạn phải làm, dù bạn là y tá trưởng hay chỉ là hộ lý. Nó là cuộc chiến giữa hai quan điểm khác nhau: Nhà dưỡng lão là một tòa nhà công sở đòi hỏi sự chuyên nghiệp, hay là một ngôi nhà ấm cúng đích thực cho các cư dân trong đó?

Greising cố gắng hết sức để thúc đẩy quan điểm thứ hai. Bà giúp đảm bảo sự căn bằng trách nhiệm công việc giữa các nhân viên với nhau. Dần dà, mọi người cũng bắt đầu hiểu ra rằng họ đang cùng nhau làm việc vì một mục tiêu chung: biến Chase thành một tổ ấm cho tất cả những ai sống và làm việc trong đó. Họ bắt đầu có ý thức và làm việc nghiêm túc hơn, chẳng phải vì những quy định, tranh cãi, hay sự thỏa hiệp lý trí giữa các sếp và nhân viên, mà bởi hiệu ứng mà ý tưởng mới của Thomas mang lại đang hiện ra càng lúc càng rõ nét hơn và không thể chối cãi: Các cư dân trong nhà dưỡng lão bắt đầu “tỉnh thức” và có sức sống hơn.

“Những người trước đây không tin vào chuyện này và nhất quyết không có ý kiến giờ bắt đầu góp ý kiến,” Thomas kể. “Vài người trước đây rút lui và quyết không tham gia giờ bắt đầu tự mình đến phòng y tá và bảo, “Để tôi dắt chó nào!” Tất cả các chú vẹt đuôi dài đều được các cụ ông cụ bà chào đón, nhận nuôi và đặt tên. Nhìn ai cũng rạng rỡ, vui tươi và tràn đầy sức sống bất chấp tuổi tác và bệnh tật. Trong một cuốn sách viết về những trải nghiệm này của mình, Thomas có trích dẫn lại từ nhật ký làm việc của các nhân viên nhà dưỡng lão mà trong đó, họ miêu tả vai trò không thể thiếu của những con vật đối với cuộc sống của tất cả mọi người ở đó, kể cả với những cụ già gần như đãng trí hoàn toàn:

Cụ Gus cực kỳ yêu thích các chú vẹt. Cụ cứ ngồi nghe chúng hót, thậm chí hỏi rằng chúng có muốn nhâm nhi cà-phê với cụ hay không.

Các cụ giúp cho công việc của mình dễ dàng hơn rất nhiều; nhiều cụ còn đưa luôn cho mình báo cáo về tình trạng sức khỏe mấy con vẹt (chẳng hạn như “hót cả ngày,” “không chịu ăn,” “có vẻ vênh váo hơn hôm qua”).

Hôm nay cụ M.C. đi cùng mình khi mình được phân công mang thức ăn đến cho mấy con vẹt. Bình thường cụ chỉ ngồi thừ một chỗ bên cánh cửa nhà kho, nhìn mình đi qua đi lại, thế nên sáng nay mình hỏi cụ có muốn đi cho vẹt ăn cùng mình cho đỡ buồn hay không. Mắt cụ bỗng dưng sáng rực và cụ đồng ý ngay, thế là chúng tôi đi cùng nhau. Trong lúc mình đang bận đưa thức ăn và nước vào lồng cho các chú vẹt, cụ M.C. chịu khó cầm các khay đựng thức ăn giúp mình. Mình giải thích cho cụ nghe từng bước một của công việc cho chim ăn, và mỗi khi mình vô tình làm cho chú vẹt giãy nảy, cụ lại phá lên cười, cười rất vui.

Giờ thì bên cạnh con người, nhà dưỡng lão Chase Memorial hân hạnh là nơi ở của những cư dân đặc biệt gồm một trăm con vẹt đuôi dài, hai con chó, bốn con mèo, và một “quân đoàn” mới gồm thỏ và một đàn gà đẻ trứng. Ngoài ra, còn có hàng trăm loại cây trồng trong nhà và một khu vườn hoành tráng phía sau nhà gồm hoa cỏ và rau sạch. Nhà dường lão giờ đây có một khu vui chơi trẻ em nho nhỏ dành cho con cái của các nhân viên cũng như một chương trình ngoại khóa hấp dẫn cho các bé.

Các nhà nghiên cứu khảo sát hiệu ứng từ dự án cải tạo trên của Chase trong vòng hai năm, bằng cách so sánh các thông số và kết quả thu được từ nhà dưỡng lão này so với một nhà dưỡng lão khác lân cận. So với nhà dưỡng lão thông thường, số lượng toa thuốc cần cho các cư dân ở Chase giảm còn một nữa. Cụ thể, các loại thuốc dùng để điều trị các chứng rối loạn tâm thần, chẳng hạn như Haldol, giảm rõ rệt. Tổng chi phí thuốc men dành cho các cụ ông cụ bà ở Chase tiết kiệm đáng kể, chỉ bằng 38 phần trăm tổng chi phí thuốc men ở nhà dưỡng lão kia. Tỉ lệ tử vong giảm 15 phần trăm.

Cuộc nghiên cứu không giải thích được kết quả thần kỳ trên. Nhưng cá nhân Thomas biết tại sao. “Tôi tin rằng sự khác biệt về tỉ lệ bệnh tật và tử vong giữa hai nơi xuất phát từ nhu cầu được sống một cuộc sống đúng nghĩa và có ích của con người.” Có một công trình nghiên cứu khác cũng cho ra kết quả tương tự như thế. Vào những năm đầu thập niên 1970, hai nhà tâm lý học Judith Rodin và Ellen Langer thực hiện một cuộc thí nghiệm mà trong đó, họ yêu cầu một nhà dưỡng lão ở Connecticut tặng cho mỗi bệnh nhân một chậu cây. Một nửa số cụ ông cụ bà được yêu cầu tưới cây mỗi ngày và tham gia một buổi trò chuyện về những lợi ích của việc tự chăm sóc bản thân và tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Nửa số cụ già còn lại được yêu cầu để nguyên chậu cây cho nhân viên chăm sóc và tham gia một buổi trò chuyện về trách nhiệm của đội ngũ nhân viên nhà dưỡng lão trong việc chăm sóc họ. Sau một năm rưỡi, nhóm cụ ông cụ bà được khuyến khích tự chăm sóc bản thân – kiêm thêm một việc nhỏ là tưới cây hàng ngày – có biểu hiện năng động, tự chủ và có nhiều dấu hiệu sống thọ hơn so với nhóm còn lại.

Trong quyển sách của minh, Thomas kể lại câu chuyện của một cụ ông tên L. Ba tháng trước khi cụ L. chuyển đến sống ở nhà dưỡng lão, vợ ông qua đời ở tuổi ngoài sáu mươi. Ông không chịu ăn uống gì nữa, và các con của ông đã phải rất vất vả để chăm sóc ông hàng ngày. Một ngày nọ, ông lái ô-tô sa vào một con mương, và sau khi đến hiện trường và điều tra vụ việc, cảnh sát cho rằng hành động của ông có dấu hiệu của một vụ tự tử. Sau khi cụ L. xuất viện, gia đình ông làm thủ tục để chuyển ông vào nhà dưỡng lão Chase Memorial.

Thomas vẫn còn nhớ buổi gặp gỡ đầu tiên với ông. “Tôi không thể tưởng tượng nổi làm thế nào mà ông ấy vẫn còn sống. Những biến cố xảy ra suốt ba tháng vừa qua đã khiến cuộc đời ông vụn vỡ. Ông mất đi người vợ dấu yêu, mất nhà, mất tự do, và điều tôi tệ hơn cả là ông không còn thiết sống nữa. Cuộc sống của ông chẳng còn điều gì ý nghĩa để trông mong.”

Ở nhà dưỡng lão, mặc cho bao nhiêu toa thuốc trầm cảm cũng như nỗ lực điều trị và chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên, tình trạng sức khỏe của ông không ngừng “rơi tự do.” Ông không chịu đi bộ. Ông nằm ngủ trên giường suốt ngày. Ông không chịu ăn. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó trùng với thời điểm mọi người đang cùng nhau hiện thực hóa ý tưởng táo bạo của Thomas, thế là cụ L. được yêu cầu nuôi một đôi vẹt đuôi dài.

“Ông ấy đã đồng ý, với tâm lý rằng mình chẳng còn gì để mất và rồi mình sẽ sớm lìa đời thôi,” Thomas kể. Nhưng kể từ đó, ông bắt đầu thay đổi. “Thời gian đầu sự thay đổi khá tinh tế và khó nhận ra. Cụ L. vẫn giữ thói quen nằm ì trên giường, nhưng không phải để giết thời gian, mà là để ngắm nhìn những chú vẹt mà ông mới nhận nuôi.” Sau đó, ông bắt đầu nhắc nhở các nhân viên đến chăm sóc hai chú vẹt về những sở thích của chúng, chúng thích ăn gì cũng như thường làm những gì trong ngày. Đôi vẹt dần dà “lôi” được cụ L. ra khỏi chiếc giường. Đối với Thomas, đây là một ví dụ hoàn hảo minh họa cho lập luận của anh về tầm quan trọng của việc được sống có ý nghĩa. Một cuộc sống đúng nghĩa luôn được lấp đầy bằng sắc màu và những điều thú vị tự phát thay cho sự nhàm chán. Với một cuộc sổng đầy ý nghĩa, con người ta luôn có thể bầu bạn và không bao giờ cảm thấy cô đơn. Cuộc sống có ý nghĩa khi con người ta được tự chịu trách nhiệm cho bản thân, được chăm lo cho người khác hay bảo vệ một điều gì đó, chứ không còn bơ vơ lạc lõng.

“[Cụ L.] bắt đầu ăn uống trở lại, biết tự mình thay quần áo và chịu rời khỏi phòng của mình,” Thomas miêu tả. “Những chú chó cần được dắt bộ mỗi ngày, và cụ L. tự nguyện giành lấy công việc đó cho mình.” Ba tháng sau, ông đủ tiêu chuẩn rời khỏi nhà dưỡng lão và được trở về nhà mình. Thomas tin rằng chính sự thay đổi táo bạo của Chase đã cứu sống ông ấy.

Điều đó có đúng hay không thì chưa thể khẳng định. Việc sống một cuộc sống ý nghĩa giúp làm giảm tỉ lệ tử vong ở người cao tuổi cũng chẳng phải là kết luận quan trọng nhất rút ra từ cuộc thử nghiệm của Thomas. Bài học quan trọng nhất ở đây chính là chúng ta hoàn toàn có thể giúp cho người cao tuổi có được cuộc sống khỏe mạnh và ý nghĩa hơn, bằng cách cho họ lý do để sống, một cách đều đặn và thường xuyên. Kể cả những cụ ông cụ bà bị chứng mất trí nhớ trầm trọng đến nỗi gần như không còn hiểu chuyện gì xung quanh mình cũng vẫn có thể có một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa và viên mãn. Kỳ thực, việc giúp cho người cao tuổi tìm thấy lẽ sống thì khó khăn hơn nhiều so với việc cứ kê toa thuốc kéo dài sự sống cho họ hoặc dự đoán xem họ còn có thể sống thêm được mấy năm nữa. Nhưng cái việc khó khăn áy chẳng phải chính là điều quan trọng nhất cần làm đấy sao?

* * *

Vào năm 1908, một nhà triết học xuất thân từ Harvard tên Josiah Royce viết một cuốn sách với nhan đề Triết lý về Sự Trung Thành. Royce không quan tâm đến những khó khăn và mất mát của tuổi già. Ông chỉ tập trung tìm lời giải cho một câu hỏi quan trọng khiến cho con người bao thế hệ phải đau đáu mỗi khi chiêm nghiệm về sự tồn tại của mình. Royce muốn khám phá ra lý do vì sao mà sự tồn tại đơn thuần – được ăn uống và hít thở đầy đủ, có nơi trú ngụ, được sống sót an toàn và lành lặn – lại khiến cho con người cảm thấy trống rỗng và vô nghĩa. Chúng ta cần phải có thêm điều gì để được tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa đích thực?

Theo Josiah Royce, câu trả lời chính là: Tất cả chúng ta đều tìm kiếm một lẽ sống nào đó vượt trên bản thân mình trong suốt cuộc đời. Đối với ông, đây mới chính là nhu cầu căn bản thuộc về bản chất tự nhiên của con người. Lẽ sống này có thể rất lớn (chăm sóc gia đình, bảo vệ tổ quốc, bảo tồn một lý tưởng nào đó) hoặc rất nhỏ (thực hiện một dự án xây dựng hoặc chăm sóc vật nuôi). Và điều quan trọng chính là: Bằng cách gán ghép giá trị cho lẽ sống và nhận thấy rằng nó đáng được mình nâng niu, bảo vệ và hy sinh vi nó, chúng ta vừa kiến tạo cho mình một cuộc sống có ý nghĩa.

Sự trung thành của một người được Royce định nghĩa là một sự tận tụy và cống hiến hết mình cho một lý tưởng vượt trên bản thân người đó. Một người theo chủ nghĩa cá nhân nhận thức rõ được lợi ích bản thân mình trước nhất, nhìn thấy được mọi nỗi đau, niềm hạnh phúc cũng giá trị tồn tại của bản thân với tư cách là những mối quan tâm hàng đầu của mình. Đối với anh ta, không có sự trung thành nào mà không gắn kết với tư lợi cá nhân. Tuy vậy, nếu sự trung thành đó trở nên cực đoan đến mức độ khuyến khích tình trạng hy sinh bản thân hoặc “tử vì đạo,” nó trở thành hiện tượng đáng báo động – một xu hướng sai lầm và phi lý trí dễ dẫn dắt con người đến tình trạng lạm dụng quyền lực và sự bạo ngược chuyên chế. Một khi con người ta trở nên ích kỷ đến mức không có thứ gì khác quan trọng hơn bản thân, thì khi họ qua đời, sự hy sinh bản thân trở nên vô ích.

Royce không cảm thông với quan điểm cá nhân chủ nghĩa. “Sự ích kỷ, chúng ta luôn mang nó bên mình,” ông viết. “Nhưng cái quyền được ích kỷ thì luôn được chúng ta canh phòng cẩn trọng cứ như thể nó là thánh thần.” Kỳ thực, ông cho rằng con người cần sự trung thành để sống. Lòng trung thành – bao gồm cả sự thủy chung – không phải lúc nào cũng mang đến hạnh phúc cho chúng ta, thậm chí lắm khi nó khiến chúng ta đau khổ tột cùng, nhưng tất cả chúng ta đều có nhu cầu được cống hiến cho điều gì đó cao cả hơn bản thân mình; có như vậy, chúng ta mới sống nổi, và thấy cuộc đời đáng sống. Không có lòng trung thành, cuộc đời chúng ta chỉ còn những khao khát cá nhân tẩm thường, phù du, yếu ớt và không bao giờ là đủ. Không chóng thì chày, chúng chỉ mang đến cho chúng ta sự bất hạnh và những dằn vặt khôn nguôi. “Về bản chất, con người của ta chỉ là một sự tổng hòa của vô số những dòng suối tri thức của tổ tiên ta từ hàng nghìn năm. Trong từng phút từng giây trôi qua… ta là tổ hợp của vô vàn động lực thúc đẩy,” Royce chiêm nghiệm. “Chúng ta không thể nhìn thấy ánh sáng giác ngộ từ bên trong. Thế thì hãy tìm kiếm nó ở bên ngoài.”

Và quả thật như thế. Giả sử chúng ta vẫn quan tâm đến thế gian cũng như những gì xảy đến với mọi người xung quanh mình sau khi chúng ta qua đời. Nếu tính tư lợi là cội nguồn duy nhất làm nên ý nghĩa cuộc sống, thì dù cho tất cả những người xung quanh chúng ta có biến sạch khỏi trần gian trong vòng một giờ sau khi chúng ta chết đi nữa, điều đó chẳng có nghĩa lý gì với chúng ta cả. Ấy vậy mà rất nhiều người lo lắng về điều ấy. Chúng ta cảm thấy rằng nếu điều đó xảy ra, cuộc sống của chúng ta trở nên vô nghĩa.

Cách duy nhất để cái chết của bạn không vô nghĩa chính là nhìn nhận bản thân bạn như một phần của điều gì đó lớn lao hơn: một gia đình, một tập thể, hay một xã hội. Nếu không nghĩ được như thế, sự khả tử và cái chết sẽ chỉ còn là cơn ác mộng tồi tệ nhất của bạn. Nhưng nếu suy nghĩ được thoáng đạt như thế, cái chết rồi sẽ nhẹ tựa lông hồng với bạn. Theo Royce, sự trung thành “hóa giải nghịch lý cố hữu trong sự tồn tại của con người, bằng cách cho chúng ta thấy một lẽ sống từ bên ngoài chúng ta, một điều gì đó đáng để chúng ta phụng sự, và giúp chúng ta nhận ra một ý chí sẵn sàng cống hiến hết mình cho lẽ sống đó bên trong chính bản thân mình; Ý chí này không thể bị kìm hãm hay ngăn trở, mà nó càng lúc càng sinh sôi nảy nở và vươn vai mạnh mẽ khi được thực hiện sứ mệnh cao cả đó.” Thời nay, các nhà tâm lý học và người dân thường dùng cụm từ “vượt lên chính mình” để miêu tả ý tưởng này, bởi nó vượt trên cả sự hiện thực hóa bản thân – nhu cầu cao nhất trên đỉnh tháp nhu cầu của Maslow. Theo các nhà tâm lý học hiện đại, những con người tồn tại vì một khao khát vượt lên chính mình chân chính luôn biết cách nhận ra giá trị của người khác và giúp đỡ người khác phát huy được những tiềm năng của mình.

Nhưng theo thời gian, hầu hết chúng ta tìm kiếm sự an toàn trong những thú vui tủn mủn – sự tương tác với mọi người, những thói quen lặp đi lặp lại hàng ngày, thức ăn ngon, và những tia nắng ấm áp của mặt trời phủ lên mặt chúng ta. Chúng ta càng lúc càng mất dần hứng thú đối với việc gìn giữ, tích lũy và nỗ lực để đạt được thành quả nào đó, thay vào đó, chúng ta hài lòng với sự tồn tại đơn thuần nhỏ hẹp của mình, nhàm chán nhưng an toàn. Mặc dù chúng ta càng ngày càng ít tham vọng hơn xưa, nhưng chúng ta vẫn không ngừng lo lắng về việc mình sẽ để lại được những di sản gì sau khi qua đời. Và thế là chúng ta khát khao tìm thấy những mục đích sống bên ngoài bản thân mình, để làm cho cuộc sống của mình thêm hữu ích, ý nghĩa và đáng sống.

Với nỗ lực mang những con thú, trẻ em và cây xanh vào nhà dưỡng lão Chase Memorial – một chương trình đã được Bill Thomas đặt tên là Phương Án Eden – anh cũng đồng thời tạo điều kiện cho các cụ ông cụ bà ở đó được thể hiện lòng trung thành – một cơ hội tuy nhỏ nhưng thiết thực để họ tìm thấy lẽ sống vượt trên sự tồn tại đơn thuần hàng ngày. Và họ đã nắm bắt nó một cách nhiệt thành.

“Khi bạn là một bác sĩ trẻ, và bạn quyết định mang trẻ em, cây cỏ và những chú thú nuôi dễ thương kia vào một viện dưỡng lão nổi tiếng vô trùng vào khoảng năm 1992, bạn sẽ thấy phép màu hiện ra ngay trước mắt mình,” Thomas hồi tưởng. “Bạn nhìn thấy mọi người như thể được hồi sinh. Bạn thấy họ bắt đầu tương tác với thế giới xung quanh, bạn nhìn họ tìm thấy lại tình yêu thương, nụ cười và quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Và bạn cảm thấy vui sướng ngất ngây.”

Vấn đề của y học cũng như các cơ sở y tế đang hoạt động ở khắp nơi hiện nay không nằm ở quan điểm, không phải rằng họ đang có một cách nhìn nhận sai lệch về yêu cầu mang lại một cuộc sống ý nghĩa cho bệnh nhân. Vấn đề là, họ chẳng có quan điểm gì cả. Trọng tâm của y học hiện nay vẫn còn quá hẹp. Hầu hết các bác sĩ ngày nay tập trung vào việc “chỉnh sửa” bệnh tật của con người như thể người ta vá xe, chứ không nuôi dưỡng và gìn giữ tâm hồn con người. Và nghịch lý đau lòng chính là đây: Chúng ta vừa khám phá ra rằng việc nuôi dưỡng tâm hồn mới chính là điều quan trọng và cần thiết nhất đối với cuộc sống con người, nhất là khi họ đã ở tuổi xế chiều. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã luôn đối xử với bệnh tật, sự lão hóa và tử vong của con người như thể đó là những vấn đề “bất trị” của y học. Chúng ta đã luôn xem chúng như vật thí nghiệm của công nghệ xã hội, đặt sự sống chết của bản thân mình vào tay những con người giỏi kỹ thuật máy móc nhưng lại chẳng hiểu biết thấu đáo gì về nhu cầu đích thực của con người.

Và cuộc thí nghiệm đó đã thất bại. Nếu sự an toàn và đảm bảo là tất cả những gì mà chúng ta cần trên cõi đời này, có lẽ chúng ta sẽ có một kết luận hoàn toàn khác. Tuy nhiên, cũng bởi điều mà chúng ta cần là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống, nhưng nó lại bị kìm hãm bởi chính những điều mà người ta đang phải làm để kéo dài sự sống, chúng ta chẳng thể nào biết chính xác được những gì mà xã hội hiện đại đã mang lại cho chúng ta thông qua những lề thói đó, cả xấu lẫn tốt.

* * *

Bill Thomas muốn mang lại sức sống cho nhà dưỡng lão. Keren Wilson thì mong muốn một giải pháp thay thế hoàn toàn mới và tốt hơn, để rồi phát kiến ra nhà trợ sinh. Cả hai người họ đều theo đuổi một lý tưởng chung: giúp những người cao tuổi hoặc cần được chăm sóc được tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa và đích thực bất chấp mọi bệnh tật hay sự già yếu. Bước đầu tiên của Thomas là đưa cho những cư dân ở Chase những sinh vật sống để họ chăm nuôi và tìm thấy niềm vui, còn Wilson cho họ một căn phòng có bếp ăn riêng, với một chiếc chìa khóa để họ có quyền khóa cửa khi cần. Hai dự án tuy khác nhau nhưng bổ túc cho nhau và góp phần làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của công chúng về công việc chăm sóc người cao tuổi. Giờ thì chúng ta không còn lý do để tiếp tục thắc mắc rằng liệu một cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn có phải là điều khả thi đối với những người cao tuổi với tình trạng sức khỏe ngày càng sa sút hao mòn: Câu trả lời luôn là có! Câu hỏi quan trọng bây giờ là chúng ta cần phải làm gì để tầm nhìn ấy trở thành hiện thực. Giới bác sĩ và chuyên gia trên khắp thế giới đã bắt đầu công cuộc tìm kiếm câu trả lời. Cho đến năm 2010, khi con gái của cụ Lou Sanders – cô Shelley – vẫn đang mải miết tìm kiếm một nhà dưỡng lão phù hợp cho cha mình, cô vẫn không hề có ý niệm một nhà dưỡng lão tốt đúng nghĩa là như thế nào. Hầu hết những cơ sở y tế mà cha cô có thể đến đều vẫn đang vận hành theo cách thức truyền thống, tức không khác máy một trại tập trung cải tạo. Trong thời gian đó, các nhà dưỡng lão mới vẫn đang mọc lên như nấm trên khắp đất nước; và các chương trình cũng như dự án làm mới chúng không ngừng phát triển.

Ở ngoại ô Boston cách khoảng hai mươi phút lái ô-tô từ nhà tôi, người ta vừa xây nên một cộng đồng hưu trí mới tên NewBridge trên dòng sông Charles. Nó được thiết lập trên cơ sở hệ thống chăm sóc liên tục – bao gồm cả căn hộ độc lập, nhà trợ sinh, và khu nhà dưỡng lão. Nhưng đến khi tôi ghé vào đó cách đây không lâu, nó không giống bất kỳ một nhà dưỡng lão nào mà tôi đã từng tham quan. Nó không bố trí sáu mươi cư dân của mình trong những căn phòng ở chung chạy dọc suốt một hành lang dài như thường thấy trong các bệnh viện hoặc khu căn hộ thông thường; thay vào đó, NewBridge là một khu ở được quy hoạch thành nhiều khóm nhà, mỗi khóm ở không quá mười sáu người. Mỗi khóm được gọi là một “hộ” và vận hành giống như một hộ gia đình ngoài xã hội. Tất cả các phòng trong khóm đều riêng tư, và được bố trí chung quanh một khu sinh hoạt chung gồm phòng ăn, nhà bếp, và phòng vui chơi giải trí – như một ngôi nhà hay tổ ấm thực sự.

Không gian trong mỗi hộ được dựng nên với tỉ lệ phù hợp với con người – điểm mẫu chốt trong thiết kế kiến trúc của khu NewBridge. Nghiên cứu cho thấy rằng trong một không gian ở với số người không vượt quá hai mươi người thì có ít nguy cơ trầm cảm và lo lắng đối với người ở, cảm giác an toàn cao hơn, mọi người trong đó sẽ hòa đồng và dễ làm bạn với nhau hơn, và họ cũng chịu giao tiếp với nhân viên hiệu quả hơn – kể cả trong trường hợp vài cư dân trong đó mắc chứng mất trí nhớ. Nhưng không gian và thiết kế kiến trúc không phải là những điểm nhấn nổi bật duy nhất của NewBridge. Các khóm nhà được thiết kế sao cho cư dân cảm thấy thoải mái như ở nhà, không có cảm giác nghiêm trang ngột ngạt như thể đang ở trong một bệnh viện hay phòng khám. Cách bố trí không gian mở cho phép các cư dân nhìn thấy các hoạt động của nhau và dễ hòa đồng với nhau hơn. Với sự hiện diện của nhà bếp ở ngay vị trí trung tâm khóm nhà, nếu một người có nhu cầu ăn nhẹ, ông ấy hoặc bà ấy có thể đến thẳng nhà bếp để ăn. Chỉ cần đứng một chỗ và quan sát xung quanh, tôi có thể nhìn thấy những người khác sinh hoạt một cách hòa đồng và lây lan nhau như thể đang ở trong một ngôi nhà ấm cúng thực sự. Hai cụ ông đang chơi bài thoải mái trong phòng ăn. Một nữ y tá đang tiện thể làm sổ sách ngay trong bếp thay vì phải đi bộ rất xa về khu vực riêng dành cho nhân viên y tá

Thiết kế khu NewBridge không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc. Đội ngũ nhân viên tôi gặp gỡ ở đó có những niềm tin và yêu cầu đối với công việc của mình theo một cách thức rất khác với những gì tôi đã biết ở các nhà dưỡng lão tôi từng tham quan. Chẳng hạn, đi bộ không chỉ được xem là một liệu pháp chữa bệnh đơn thuần – một điều thú vị hiện ra rõ rệt khi tôi gặp cụ bà chín mươi chín tuổi Rhoda Makover. Cũng như Lou Sanders, bà gặp nhiều vấn đề về huyết áp và bị đau thần kinh tọa, thế nên té ngã là một sự cố xảy ra khá thường trực với bà. Tệ hơn, mắt bà gần như mù lòa bởi sự sa sút thị lực do quá trình lão hóa gây ra.

“Nếu tôi có được gặp lại cậu lần sau, tôi cũng chẳng nhận ra cậu. Trông cậu xám xịt,” bà Makover nhận xét khi gặp tôi. “Nhưng hẳn là cậu đang cười. Tôi có thể thấy điều đó.”

Tâm trí bà vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhạy. Nhưng sự mù lòa và nguy cơ dễ té ngã vẫn khiến cuộc sống của bà rắc rối vô kể. Vì chúng mà bà buộc phải có người chăm sóc hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ một ngày. Trong một nhà dưỡng lão thông thường, hẳn là người ta đã yêu cầu bà ngồi xe lăn suốt ngày để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên ở đây, bà vẫn được đi bộ bình thường như những người khác. Hiển nhiên là rủi ro sẽ cao hơn. Tuy vậy, tất cả những nhân viên ở đây đều ý thức được rằng việc di chuyển và vận động là cần thiết đối với các cụ – không chỉ giúp cụ Makover khỏe khoắn hơn (nếu cứ ngồi trong xe lăn thường trực, sức khỏe của bà sẽ xuống dốc rất nhanh), và thói quen này còn giúp bà sống vui vẻ và tích cực hơn.

“Ơn trời là tôi có thể tự mình đi vào nhà tắm,” cụ Makover nói với tôi. “Cậu sẽ cho rằng chuyện đó thì có gì là ghê gớm, phải không? Cậu còn trẻ. Khi nào già cậu sẽ hiểu, rằng kỳ tích tuyệt vời nhất cuộc đời mà cậu có thể đạt được chính là tự mình nhấc chân vào nhà tắm mà chẳng cần ai hộ tống.”

Bà kể rằng đến tháng Hai tới, bà sẽ tròn một trăm tuổi.

“Thật tuyệt,” tôi bảo.

“Ta thì lại già thêm một tuổi,” bà đáp lại.

Tôi kể bà nghe rằng ông nội tôi thọ đến gần một trăm mười tuổi.

“Chẳng hay ho gì đâu,” bà nói.

Chỉ mới cách đây vài năm, bà vẫn còn được sống trong một căn hộ độc lập. “Ta đã rất vui ở đó. Ta được sống đúng nghĩa. Ta đã có một cuộc sống đích thực như bao người: có bạn bè, được chơi các trò chơi. Một người bạn của ta sẽ lái xe, và chúng ta cùng đi chơi. Sống là phải thế chứ.” Thế rồi, bệnh đau thần kinh tọa, những cú ngã kinh hoàng và sự sa sút thị lực đã lấy đi của bà tất cả. Bà được chuyển đến một nhà dưỡng lão nọ, chỉ để có những trải nghiệm đáng quên ở đó. Bà mất tất cả những thứ tài sản thân thương của mình – vật dụng trong nhà, những món quà lưu niệm của bạn bè và người thân – và bị buộc phải sống chung đụng với người khác trong cùng một căn phòng, với một thời khóa biểu nghiêm ngặt và một cây thánh giá ở đầu giường, “Ta là người Do Thái, nên ta chẳng thích nó tí nào.”

Bà sống ở đó trong khoảng một năm trước khi chuyển đến NewBridge, và mỗi khi có ai hỏi về nơi cũ, bà chỉ bảo, “Đúng là một trời một vực. Miễn so sánh.” Nơi này là phiên bản đối lập hoàn toàn của các nhà thương điên được miêu tả dưới ngòi bút của Goffman. Là con người, chúng ta có nhu cầu học hỏi, cần sự riêng tư lẫn các hoạt động tương tác với những người khác, cần đến một nếp sinh hoạt vừa quy củ nhưng cũng phải linh hoạt, và chúng ta có nhu cầu hình thành các mối quan hệ quan tâm chăm sóc với những người xung quanh. “Sống ở đây cứ như được ở nhà,” cụ Makover bảo tôi.

Ở một góc khác của khóm nhà, tôi được gặp cụ Anne Braveman, bảy mươi chín tuổi, và cụ Rita Kahn, tám mươi sáu tuổi. Hai cụ kể tôi nghe rằng họ vừa đi xem phim vào tuần trước. Đó không phải là một buổi sinh hoạt ngoại khóa do nhân viên nhà dưỡng lão sắp xếp và lên lịch cho các cụ đi. Đó chỉ là một buổi đi chơi tự phát giữa hai người bạn già cùng muốn đi xem phim Bài Diễn Văn của Nhà Vua vào tối thứ Năm tuần trước. Hôm đó, cụ Braveman đeo một chiếc dây chuyền màu ngọc lam, trong khi cụ Kahn thì kẻ mắt xanh đỏ và diện quần áo mới để đi. Phải có một nhân viên chăm sóc đi theo để đảm bảo an toàn cho hai cụ. Cụ Braveman bị liệt nửa người từ eo trở xuống do bệnh xơ cứng và di chuyển bằng xe lăn có động cơ; cụ Kahn thường xuyên té ngã và phải dùng khung đi bộ dành cho người cao tuổi để tự mình di chuyển. Hai cụ phải trả thêm tiền phí 15 đô-la để thuê một chiếc ô-tô có ram dốc dành cho xe lăn chở họ đi. Nhưng họ vẫn đi được. Sau buổi xem phim đó, họ đang rất háo hức đón chờ xem tiếp phim Sắc tình đô thị sẽ được phát hành dưới dạng đĩa DVD.

“Này, cậu đã đọc bộ truyện Năm mươi sắc thái chưa?” cụ Kahn hỏi tôi một cách ranh mãnh.

Tôi trả lời một cách thành thật là tôi chưa đọc.

“Tôi không hề biết rằng người ta sử dụng dây xích hay ba cái thứ lằng nhằng gì đó cho chuyện ấy,” bà lấy làm lạ. “Phải không ta?” bà muốn biết.

Thật lòng tôi không muốn trả lời.

Nhà dưỡng lão NewBridge cho phép các cư dân nuôi thú cưng, nhưng không chủ động mang vật nuôi vào như Phương Án Eden mà bác sĩ Bill Thomas và các cộng sự đã thực hiện ở Chase. Nhưng trẻ con thì có. NewBridge có sân chung với một ngôi trường tư thục dành cho học sinh từ tuổi mẫu giáo cho đến lớp tám, và cả hai nơi lồng vào nhau như một. Những cụ ông cụ bà khỏe mạnh có thể tham gia làm giáo viên dạy kèm hoặc quản thư viện cho trường. Mỗi khi có các tiết học lịch sử liên quan đến Đệ Nhị Thế Chiến, các cụ lại được mời thỉnh giảng, kể cho học sinh nghe những câu chuyện sống động như thật về những gì họ đã trải qua trong chiến tranh – điều mà các em chỉ có thể đọc trong sách vở. Bản thân các em học sinh cũng thường xuyên ra vào khu NewBridge mỗi ngày. Các học sinh nhỏ tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khóa hàng tháng cho các cụ – những dịp lễ lộc, các buổi trình diễn nghệ thuật đương đại hoặc chương trình ca nhạc. Các học sinh lớp năm và lớp sáu thì tham gia các lớp thể dục hoặc vận động thể chất chung với các cụ. Các em học sinh trung học thì được dạy kỹ năng chăm sóc người già đãng trí và tham gia các chương trình giao lưu với người cao tuổi trong khu dưỡng lão. Nhờ những hoạt động thiết thực và gần gũi như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi nơi đây không thiếu những mối quan hệ thân thiết giữa các cụ ông cụ bà và các em nhỏ. Một bé trai nọ từng là bạn thân của một cụ bị bệnh Alzheimer thể nặng; đến khi cụ qua đời, cậu bé ấy thậm chí được gia đình cụ mời đọc điếu văn trong đám tang của cụ.

“Quả là những đứa trẻ dễ thương,” cụ Rita Kahn nhận xét. Được chơi với lũ trẻ mỗi ngày chính là một trong hai điều bà yêu thích nhất khi được sống ở NewBridge. Đam mê thứ hai của bà chính là tham gia các lớp học.

“Ôi các lớp học! Tôi yêu chúng!” Khi đó, bà có đăng ký vào một khóa học về các sự kiện chính trị xã hội, được giảng dạy bởi một cụ bên khu căn hộ độc lập. Khi bà được nghe tin rằng Tổng thống Obama chưa bao giờ đến thăm đất nước Israel ở cương vị tổng thống, thế là bà ngay lập tức thảo một bức e-mail gửi cho ông.

“Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải thúc giục quý ông này thân chinh đến Israel một lần cho biết.”

Nghe tôi kể đến đây, hẳn là bạn đang nghĩ rằng chi phí để được sống trong một khu ở tiện nghi như NewBridge hẳn là phải đắt đỏ lắm, đúng không? Sự thật là bạn không cần phải giàu có thì mới được ở trong đây. Cụ Rita Kahn từng làm việc trong bộ phận hành chính của một bệnh viện, còn chồng cụ công tác trong phòng đào tạo của một trường trung học. Cụ Anne Braveman từng là y tá của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, trong khi ông chồng thì làm việc trong lĩnh vực kinh doanh văn phòng phẩm. Cụ Rhoda Makover từng làm kế toán, còn chồng bà bán thực phẩm khô. Về mặt tài chính, tất cả những người này không khác chi cụ Lou Sanders. Quả thực, 70 phần trăm cư dân của khu dưỡng lão NewBridge đều đã tiêu hết tiền tiết kiệm cả đời của mình, và họ đang sống ở đây bằng trợ cấp của chính phủ.

Cộng đồng hưu trí NewBridge được tài trợ đáng kể cũng như nhận được nhiều sự hỗ trợ khác nhờ mối liên hệ khăng khít với cộng đồng dân Do Thái – những con người đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển khu công trình hết sức ý nghĩa này. Nhưng cách nơi đây khoảng một giờ chạy xe, gần nơi ở của Shelley và chồng con của cô, có một nhà dưỡng lão khác mà tôi cũng đã ghé tham quan. Nó chẳng có nguồn lực mạnh như NewBridge, nhưng lại đang rất phát triển và có tư tưởng tiến bộ không kém. Được xây dựng năm 1983, khu Peter Sanborn Place là một khu nhà xã hội được tài trợ gồm bảy mươi ba căn hộ dành cho những người già neo đơn trong địa phương. Jacquie Carson là giám đốc khu nhà trợ sinh này kể từ năm 1996; bà chưa bao giờ có ý định thiết lập thêm chức năng dưỡng lão cho nó. Nhưng khi chứng kiến những cư dân thân thuộc trong đó càng lúc càng già yếu và cần được chăm sóc, bà cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để giúp họ tiếp tục ở đây mãi mãi nếu họ muốn – và quả thật, họ muốn thế.

Ban đầu, các cụ ông cụ bà ở đó chỉ cần được giúp đỡ trong vài việc lặt vặt trong nhà. Thế là Carson thuê vài người giúp việc từ một trung tâm việc làm ở địa phương để làm giúp các cụ các công việc như giặt giũ, mua sắm, lau dọn nhà cửa,… Rồi một số cụ yếu đến mức không thể làm gì được nữa, thế là nữ giám đốc mời đến một đội ngũ bác sĩ vật lý trị liệu để hướng dẫn các cụ tư thế chống gậy đúng, cách sử dụng khung đi bộ để tự mình di chuyển và một số bài tập vận động giúp các cụ duy trì sức khỏe. Một số cụ cần sử dụng ống thông đường tiểu, cần được chăm sóc về mặt da liễu và có nhu cầu uống thuốc đặc biệt. Thế là Carson xếp lịch cho các y tá được mời đến để thăm khám thường xuyên cho những cụ già đó. Khi mà các cơ quan y tế bắt đầu nhắc nhở Carson rằng bà cần phải chuyển những cụ già đó vào viện dưỡng lão, bà cương quyết không đồng ý. Bà mở một cơ sở chăm sóc của riêng mình và thuê hẳn một đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp làm việc toàn thời gian ở đó để giúp đỡ những cư dân cao tuổi của Sanborn Place trong từng bữa ăn, giấc ngủ cho đến lịch khám bác sĩ và uống thuốc.

Rồi đến một ngày nọ, một cụ ông được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer. “Tôi đã chăm sóc ông ấy suốt mấy năm qua,” Carson bảo, “nhưng khi bệnh tình của ông càng lúc càng trở nặng hơn, chúng tôi mới nhận ra rằng mình chưa hề chuẩn bị gì cho tình huống này.” Cụ cần một người có thể hộ tống mình trong mọi việc vệ sinh cá nhân và chăm sóc cụ hai mươi bốn giờ trong ngày. Bà bắt đầu thừa nhận rằng tình cảnh này vượt quá khả năng của mình, và chấp nhận chuyển cụ ông đó sang viện dưỡng lão. Nhưng may thay, các con của cụ ông này có vai trò cộng tác quan trọng trong một hội từ thiện là Quỹ Khám Chữa Bệnh Alzheimer. Họ đã gây quỹ đủ tiền để Sanborn Place thuê người nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp đầu tiên đảm nhiệm việc trực cả ngày lẫn đêm ở đó.

Hơn mười năm sau đó, cả khu căn hộ chỉ còn mười ba cụ sống độc lập trong tổng số hơn bảy mươi người cao tuổi đang sinh sống trong đó. Hai mươi lăm cụ cần được trợ giúp trong việc ăn uống, đi mua sắm và vài việc khác. Ba mươi lăm cụ còn lại cần có người chăm sóc riêng, thậm chí trực hai mươi bốn trên hai mươi bốn tiếng trong ngày. Nhưng Sanborn Place không phải và cũng không định trở thành một nhà dưỡng lão hay một cơ sở trợ sinh được cấp phép, về mặt giấy tờ, nó vẫn là một khu nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp – mặc dù giám đốc của nơi này rất kiên quyết trong việc tạo điểu kiện tốt nhất để những cư dân trong đây có thể sống ở đó cho đến khi nào họ muốn, được sống theo cách của mình cho đến khi trút hơi thở cuối cùng bất chấp mọi khó khăn rào cản.

Tôi được gặp gỡ cụ Ruth Barrett, một cư dân cao tuổi ở Sanborn Place. Cụ giúp tôi hiểu được rằng con người ta sẽ phải đổi mặt với những điều gì khi họ cố gắng duy trì một cuộc sống đúng nghĩa trong tình trạng già yếu lọm khọm. Theo Carson, cụ Barrett đã tám mươi lăm tuổi và sống ở đây được mười một năm. Cụ cần thở máy do mắc bệnh tim và bệnh phổi mãn tính, và suốt bốn năm cụ không được đi bộ do chứng viêm khớp và bệnh đái tháo đường của cụ không ngừng diễn biến nguy hiểm.

“Tôi muốn đi bộ,” Barrett cố gắng chống lại chiếc xe lăn có mô-tơ.

Carson cười thầm, “Ruthie, bà không đi bộ được.”

“Tôi muốn đi bộ nhiều hơn,” cụ Barrett tinh quái đáp lại.

Một số người càng già càng gầy ốm đến mức trông như da bọc xương. Số khác thì to béo nặng nề. Cụ Barrett thuộc dạng thứ nhì. Carson kể rằng cụ ấy có người chăm sóc hai mươi bốn trên hai mươi bốn tiếng trong ngày, và mỗi lần cần di chuyển từ xe lăn sang nhà vệ sinh hoặc lên giường, họ phải dùng thang thủy lực để nhấc cụ đi. Trí nhớ của cụ rất kém.

“Trí nhớ của tôi siêu lắm đấy nhá,” cụ Barrett vừa khẳng định vừa đẩy xe đến gần tôi. Thế là tôi thử trí nhớ của cụ bằng cách hỏi cụ bao nhiêu tuổi. “Năm mươi lăm,” cụ bảo. Đó là một câu trả lời đúng… nếu thời gian quay ngược ba thập kỷ. Mặc dù vậy, cụ lại nhớ rất rõ những ký ức xa xăm. Cụ vẫn chưa tốt nghiệp trung học. Cụ đã từng kết hôn, sinh con, rồi ly dị. Sau đó, cụ làm bồi bàn trong một tiệm ăn nhỏ để mưu sinh. Tổng cộng cụ trải qua ba đời chồng. Cụ nhắc đến một trong số họ, nên tôi hỏi thêm vê ông ta.

“Một kẻ nghiện công việc,” bà trả lời.

Ước mơ của bà củng đơn giản thôi. Bà chỉ muốn một cuộc sống bình yên mỗi ngày – một bữa ăn sáng thư thả, nghe nhạc trên đài, “buôn dưa lê” với mấy bà bạn trong sảnh, hoặc nói chuyện với con gái qua điện thoại, và một giấc ngủ ngon lành cho buổi trưa chiều. Khoảng ba hoặc bốn lần mỗi tuần, các cụ ông cụ bà ở Sanborn Place lại tụ họp nhau ở thư viện để xem phim DVD vào buổi tối, và lần nào cụ Barrett cũng tham gia bất chấp việc phải ngồi xe lăn vì không thể đi lại. Bà thích các buổi ăn trưa ở nhà hàng vào mỗi thứ sáu, kể cả khi các nhân viên chăm sóc phải đặt đến ba tấm lót bảo vệ và chống ẩm trên ghế xe lăn để bà ngồi lên, rồi dọn sạch cho bà khi bà trở về. Lần nào bà cũng gọi một ly margarita không muối, mặc dù đây là một loại thức uống chống chỉ định với người bị bệnh đái tháo đường.

“Họ được sống như thể ở nhà mình,” Carson nói về những cư dân của mình. “Nếu được lựa chọn, họ vẫn chọn một cuộc sống thoải mái và được làm những điều mình thích như thế, kể cả khi điều đó rủi ro cho sức khỏe của họ.”

Làm được điều đó cần đến một tích cách kiên gan ngoan cường ngoài sức tưởng tượng của tôi. Carson phải đấu tranh với hệ thống y tế như cơm bữa. Chỉ cần một buổi tranh tra bất ngờ là đủ sức phá hủy mọi công sức của bà và các cộng sự đã khổ công gầy dựng cho nơi này. Mỗi khi bị yêu cầu chuyển đến bệnh viện, các cư dân của bà bị người ta cho uống thuốc tùy tiện, bị bỏ mặc trong tình trạng bị cột chặt trên băng-ca suốt hàng giờ (có thể khiến cho da các cụ bị hầm, dẫn đến ngứa ngáy và lở loét do áp lực của tấm nệm băng-ca), rồi người ta chỉ định cho họ những bác sĩ mới – những con người chẳng thèm dành ít phút để gọi điện thoại về Sanborn Place tìm hiểu bệnh sử của các cụ để mà khám và điều trị cho đúng. Nhiều bữa các cụ còn bị người ta chuyển đến các trung tâm phục hồi để rồi ở đó, người ta tiếp tục cảnh báo gia đình và người thân của các cụ rằng các cụ không được phép sống kiểu thoái mái độc lập được. Carson phải thường xuyên xoay xở và thiết lập mối quan hệ với đội cứu thương cũng như các bệnh viện, rằng họ có nghĩa vụ tham khảo thông tin và ý kiến của Sanborn Place mỗi khi điều trị cho các cụ, và mang họ về Sanborn Place trong tình trạng an toàn và khỏe mạnh nhất có thể.

Ngay cả bác sĩ riêng của các cụ cũng cần phải được “giáo huấn” lại. Carson nhớ lại một cuộc trò chuyện giữa bà và vị bác sĩ riêng của một cụ bà chín mươi ba tuổi mắc bệnh Alzheimer.

“Cụ ấy không an toàn,” ông bác sĩ bảo. “Cụ ấy nên sống trong viện dưỡng lão mới phải.”

“Tại sao?” Carson đáp lại. “Chúng tôi có đầy đủ tã giấy. Chúng tôi có hệ thống cấp cứu và báo động. Chúng tôi có hệ thống định vị GPS.” Cụ bà ấy vẫn được chăm sóc đầy đủ. Cụ được sống bên cạnh bè bạn và những người thân thương của cụ. Carson chỉ cần ông bác sĩ cung cấp giải pháp trị liệu cho cụ thôi.

“Bà ấy không cần nó. Tôi có dạy thì bà ấy cũng chẳng nhớ,” ông ta bao biện.

“Đúng, bà ấy sẽ không nhớ!” Carson đáp lại.

“Phải đưa cụ này vào viện dưỡng lão,” ông bác sĩ gân cổ khẳng định.

“Tôi rất muốn nói thẳng vào mặt tay bác sĩ đó rằng, ‘ông nên nghỉ hưu,’” Carson kể lại với tôi. Thay vào đó, bà chỉ nói với cụ bà nọ rằng, “Mình phải đổi bác sĩ riêng thôi cụ ạ, bởi vị này cũng lớn tuổi rổi, không thể tiếp thu được nữa.” Rồi bà giải thích lại với gia đình của cụ bà ấy rằng, “Tôi sẵn sàng làm việc tăng ca và không ngại phí công, nhưng không phải với loại người như ông ta.”

Tôi hỏi Carson về triết lý làm việc của bà, rằng làm thế nào mà bà có thể thành công trong việc duy trì và động viên các cụ sống cuộc sống mà mình muốn bất chấp sự già yếu và tình trạng sức khỏe bất lợi của họ. Bà bảo phương châm của mình là, “Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc này!”

“Chúng tôi sẽ xoay xở bằng mọi cách để vượt qua mọi khó khăn và chướng ngại cẩn phải bị dỡ bỏ.” Bà phát biểu như thể một tướng lĩnh đang chỉ huy cả một binh đoàn tiến công. “Có công mài sắt, có ngày nên kim, và tôi sẵn sàng làm hơn thế.”

Khó khăn vẫn còn đó, lớn lẫn nhỏ, và Carson vẫn đang sắp xếp mọi thứ và tìm ra cách tốt nhất để dỡ bỏ từng rào cản một trong đó. Chẳng hạn, bà đã từng không ngờ rằng vẫn có những cư dân Sanborn Place phản đổi những việc bà đang làm khi khuyến khích họ tiếp tục sống ở đây một cách chủ động và thoải mái, nhưng cũng có một số người ủng hộ bà. Rất nhiều người từng nhắc nhở bà rằng, “Cụ này không thể ở đây được nữa. Năm ngoái cụ ấy vẫn còn chơi bài một cách minh mẫn. Nhưng giờ thì cụ ấy không thể nhớ nổi mình đang làm gì.”

Tranh cãi với họ chỉ tổ vô ích. Thế là Carson chuyển sang một chiến thuật mới. “Được thôi, tôi sẽ tìm nơi khác phù hợp hơn với cụ ấy. Nhưng chính cụ cũng phải đi cùng tôi, bởi biết đâu năm sau, cụ cũng sẽ theo chân cụ ấy.” Thế là mâu thuẫn được giải quyết.

Một ví dụ khác: Rất nhiều cụ ông cụ bà nuôi thú cưng trong căn hộ, và mặc dù họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc thú cưng do tuổi già sức yếu, họ vẫn cứ muốn nuôi chúng. Thế là bà phải phân công nhân viên đi đỗ bô cho chó mèo. Nhưng họ ngại những chú chó, bởi lẽ chúng cần được giám sát nhiều hơn mèo. Nhưng rồi Carson cũng đã dàn xếp sao cho các nhân viên của mình có thể làm tốt nhất việc chăm sóc những chú cún nhỏ, để mà có thể cho phép các cụ tiếp tục nuôi chúng. Nhưng chó lớn vẫn là một vấn đề chưa có cách giải quyết trọn vẹn. “Mỗi người phải có ý thức và khả năng tự quản chó của mình,” bà bảo. “Nếu chó của bạn đi rong, đó không phải là ý hay.”

Việc giúp người già có một cuộc sống ý nghĩa vẫn còn là một ý tưởng mới lạ với số đông. Nó đòi hỏi khả năng tưởng tượng và phát kiến cao hơn cả việc đảm bảo cho họ một cuộc sống an toàn đơn thuần về mặt thể xác. Việc giải quyết vẫn đề này bằng cách hình thành những thói quen sinh hoạt ý nghĩa vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng. Thế là Carson và các cộng sự của bà phải tự mình mò mẫm với từng bệnh nhân một. Bên ngoài phòng thư viện trên tầng một, cụ Ruth Beckett đang nói chuyện rôm rả với một nhóm mấy bà bạn. Cụ đã chín mươi tuổi, vóc người gầy nhỏ và đã là góa phụ suốt hơn chục năm qua. Trước đó, cụ vẫn đang sống bình thường trong nhà riêng của mình, cho đến khi một cú ngã kinh hoàng khiến cụ bị chuyển vào bệnh viện, rồi sang nhà dưỡng lão.

“Vấn đề lớn ở đây là, tôi hơi bị nhí nhố,” cụ bảo, “và chẳng có tay bác sĩ nào đủ nhí nhố để điều trị cho tôi.”

Tôi hỏi cụ rằng nhờ đâu mà cuối cùng cụ lại ở Sanborn Place. Thế là cụ kể tôi nghe về Wayne, con trai của cụ. Wayne là một người trong cặp sinh đôi mà cụ hạ sinh, nhưng cậu bé bị thiếu ô-xy khi ra đời. Wayne bị bại não – gần như liệt hai chân mỗi khi đi bộ – và chậm phát triển về mặt tư duy. Đến khi trưởng thành, cậu ta có thể thực hiện được vài sinh hoạt đơn giản trong cuộc sống, nhưng vẫn cần được người khác lên lịch sinh hoạt và giám sát. Khi cậu ta đến tuổi ba mươi, Sanborn Place được khánh thành, và cậu trở thành khách hàng kiêm công dân đầu tiên của nó. Suốt ba mươi sau đó, cụ Beckett đến đó thăm con trai mình gần như mỗi ngày. Nhưng đến khi bà bị ngã, phải vào bệnh viện rồi sống trong nhà dưỡng lão, bà không được phép đi thăm Wayne nữa, và cậu ấy cũng không đủ nhận thức để tự mình đi thăm bà. Hai mẹ con bị chia xa hoàn toàn. Tình cảnh của họ trở nên bế tắc. Tuyệt vọng, cụ nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được gặp lại con trai nữa. Tuy nhiên, bà Carson biết chuyện, và trong một khoảnh khắc sáng suốt, bà đã ra tay lo liệu để cả hai mẹ con cụ Beckett được ở cùng nhau trong Sanborn Place. Giờ thì họ đang sống ở hai căn hộ liền kề nhau, ở bên cạnh nhau đến suốt đời.

Cách nơi tôi ngồi trò chuyện với cụ Beckett vài mét, Wayne đang ngồi trên một chiếc ghế bành nhấm nháp soda và nhìn người ta đi lại, với cây gậy đi bộ gác bên cạnh. Họ là một gia đình, và họ đã được ở bên cạnh nhau, lần nữa – bởi có người đủ tử tế để hiểu được đâu mới là điều thực sự quan trọng với cuộc sống của cụ Beckett và hết mình giúp cụ đạt được điều ấy, chứ không phải một cuộc sống an toàn nhưng vô nghĩa.

Do vậy, tôi không ngạc nhiên khi danh sách khách đặt trước của Peter Sanborn Place hiện có đến hơn hai trăm cái tên. Jacquie Carson hy vọng có đủ kinh phí để mở rộng quy mô khu căn hộ và giúp đỡ được nhiều người hơn. Lần nữa, bà lại cố gắng xoay xở để vượt qua mọi chướng ngại – tình trạng thiếu tài trợ và cách làm việc quan liêu của các cơ quan công quyền. Bà nói tôi rằng việc này sẽ cần rất nhiều thời gian đây. Trong thời gian đó, bà cắt cử các nhóm nhân viên y tế lưu động đến tận nơi với những cụ già cần được giúp đỡ. Bà vẫn trung thành với lý tưởng giúp cho tất cả mọi người được quyền sống theo cách họ muốn ở bất kỳ nơi đâu mà họ có thể xem là nhà.

* * *

Thế giới này không thiếu những con người biết làm nên kỳ tích. Bạn có thể tìm ra họ ở những nơi chốn không thể ngờ. Và ngay lúc này, trong một lĩnh vực tưởng chừng như nhàm chán và đã ngủ quên như nhà ở cho người cao tuổi, họ xuất hiện nhiều và nổi bật hơn bao giờ hết. Chỉ riêng miền đông Massachusetts, tôi được biết đến nhiều những con người như thế đến nỗi không thể đi gặp gỡ hết từng người một. Tôi đã dành nhiều buổi sáng để gặp gỡ và trò chuyện với các nhà sáng lập và đội ngũ nhân viên của Beacon Hill Villages, một cộng đổng liên hiệp gồm nhiều đơn vị ở trên khắp Boston được dựng nên với mục đích cung cấp mọi loại dịch vụ giá rẻ – từ sửa ống nước cho đến giặt ủi – để giúp cho những người cao tuổi có thể tự mình quán xuyến mọi việc trong tổ ấm thân thương của minh. Tôi cũng trò chuyện với quản lý của nhiều trung tâm trợ sinh – những người cũng đang ngày đêm tranh đấu với những định kiến và rào cản đang ngăn trở những ý tưởng tốt đẹp của Keren Wilson. Đó là những con người kiên định, sáng tạo, và mạnh mẽ nhất mà tôi từng gặp. Điều này khiến tôi có phần ray rứt và ân hận: Nếu bà Alice Hobson gặp được những người này khi còn sống – nếu bà được tận hưởng tuổi già của mình ở những nơi như NewBridge, được thụ hưởng chương trình Phương án Eden, hay được sống ở Sanborn Place, hoặc một nơi nào khác có lý tưởng tương tự, Alice đã có cơ hội được là chính mình, được làm những điều mình thích bất chấp tuổi cao sức yếu – “sống đúng nghĩa,” như chính bà từng nói.

Với những nơi tôi đã đi qua, không nơi nào giống nơi nào, như vô vàn những loài vật đa dạng trong vườn bách thú. Chúng không có điểm chung gì về mặt hình dạng tổng thể hay thành phần bên trong. Nhưng đội ngũ lãnh đạo của những nơi đó thì hết sức tận tụy và kiên quyết cống hiến cho một mục tiêu duy nhất. Tất cả họ đều tin rằng bạn không cần phải hy sinh sự tự chủ chính đáng của bản thân chỉ vì bạn cần được giúp đỡ. Và cũng nhờ những cuộc trò chuyện ý nghĩa với những con người tuyệt vời này, tôi nhận ra rằng họ đều có chung một triết lý và quan điểm về việc đâu mới là sự tự chủ quan trọng nhất của đời người.

Sự tự chủ có nhiều khái niệm khác nhau. Có người cho rằng tự chủ là được tự do làm những gì mình muốn – một cuộc sống hoàn toàn độc lập, không ràng buộc, không giới hạn. Rất nhiều người sẵn sàng đấu tranh trường kỳ để đạt được sự tự do này. Nhưng, như bác sĩ Bill Thomas đã ngộ ra từ mái nhà nhỏ dấu yêu của mình ở ngoại ô New York, sự tự do đó chỉ là ảo tưởng: Trong số năm đứa con của hai vợ chồng anh, có hai trẻ bị dị tật bẩm sinh và phải được chăm nom suốt đời; chưa kể đến một ngày nào đó, dưới sự tấn công ồ ạt của bệnh tật, tuổi già và nhiều chuyện không may khác, chính anh rồi cũng sẽ cần được người khác chăm sóc. Cuộc sống con người vốn dĩ đã luôn phụ thuộc lẫn nhau, và việc làm chủ hoàn toàn mọi hoàn cảnh cũng như nguồn lực của thế gian là chuyện không tưởng. Hiển nhiên, được tự do bao nhiêu thì hay ho bấy nhiêu. Nhưng tự do cỡ nào thì được xem là đủ? Mức độ tự do của bạn trong cuộc sống chẳng liên quan gì đến giá trị bản thân bạn hay giá trị của đời bạn. Cũng tương tự như sự an toàn, nó chỉ là một mục tiêu rỗng tuếch để theo đuổi, việc càng theo đuổi nó càng khiến con người bạn trở nên vô hồn, vô cảm và lụn bại. Và sự tự chủ cũng không ngoại lệ.

Nhà triết học vĩ đại Ronald Dworkin khám phá ra rằng có một loại cảm giác tự chủ khác quan trọng và thôi thúc hơn sự tự do. Không cần biết có bao nhiêu giới hạn, sự ràng buộc và mệt nhọc mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày, chúng ta vẫn muốn duy trì tính tự chủ – sự tự do làm chủ cuộc sống của mình. Đây mới chính là phần cốt lõi của đời người. Như Dworkin đã viết trong bài tiểu luận nổi tiếng năm 1986 của mình về đề tài tính tự chủ, “Giá trị của tính tự chủ… gắn liền với trách nhiệm mà nó tạo ra: Tính tự chủ thôi thúc chúng ta tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình trên cơ sở vài cảm giác chặt chẽ và đặc biệt của chúng ta về tính cách, những mối quan tâm và uy tín của bản thân. Nó cho phép chúng ta chủ động dẫn dắt cuộc sống của mình thay vì đánh cược cuộc đời mình vào tay kẻ khác, để làm sao mà mỗi người chúng ta sở hữu một tổ hợp quyền năng giúp chúng ta biến sự dẫn dắt đó thành hiện thực và trở thành hình tượng mà mình vươn đến.”

Tất cả những gì chúng ta cần là quyền được làm tác giả của chính câu chuyện đời mình. Câu chuyện đó sẽ không ngừng biến đổi. Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta sẽ liên tục phải đối mặt với những khó khăn thử thách ngoài sức tưởng tượng. Những mối quan tâm và nhu cầu của chúng ta cũng có thể thay đổi theo. Nhưng dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chúng ta vẫn muốn gìn giữ cho mình quyền tự do được định hình cuộc sống của mình theo cách thức tối ưu nhất đối với tính cách và sự trung thành của bản thân.

Đây chính là lý do vì sao mà mọi hành vi phản bội đối với cơ thể và tâm trí có tính chất xóa nhòa nhân phẩm và ký ức mỗi người đều là những sự hành hạ đau đớn nhất đối với chúng ta. Cuộc chiến quan trọng nhất của mỗi con người cho đến cuối đời chính là cuộc đấu tranh gìn giữ sự chính trực của bản thân – giữ cho bản thân mình không bị lụn bại, phai nhạt, không bị khuất phục hay bị cách ly khỏi con người thật của mình hoặc con người mà mình muốn vươn đến trở thành. Bệnh tật và tuổi già khiến cho cuộc đấu tranh đó của chúng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vậy mà nhiều bác sĩ, bệnh viện và cơ sở y tế đã và đang khiến cho tình trạng này thêm tồi tệ. Nhưng ngày nay, chúng ta đang tiến vào một thời đại mà trong đó, nhiều nhà quản lý trong ngành y bắt đầu tin rằng họ không có quyền nhân danh những quy chuẩn an toàn cứng nhắc để giới hạn những lựa chọn của bệnh nhân, mà thay vào đó, họ có nhiệm vụ giúp người bệnh nới rộng sự lựa chọn để có thể được sống một cuộc sống đúng nghĩa như bản thân mong muốn.

* * *

Lou Sanders đang chuẩn bị gia nhập cộng đồng cư dân ngồi xe lăn của một viện dưỡng lão ở North Andover thì ngay lúc đó, một người anh họ giới thiệu cho Shelley một cơ sở mới mở ở thị trấn Chelsea, Trung tâm Trợ sinh Leonard Florence. Anh ta khuyên Shelley nên đến đó tham quan cho biết, vì chỗ đó cũng không quá xa. Shelley sắp xếp thời gian để hai cha con cô cùng đến tìm hiểu nơi đó.

Cụ Lou bị ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên về nơi đó, khi hướng dẫn viên giới thiệu một điều khiến cho Shelley phải lưu ý ngay lập tức. Tất cả các căn hộ đều là phòng đơn dành cho một người. Mọi nhà dưỡng lão khác mà cụ Lou từng ghé thăm đều yêu cầu hai người ở chung một phòng. Việc mất đi sự riêng tư đã từng là một trong những điều khiến cụ Lou khó chịu nhất. Trong khi đó, ông lại thích được tận hưởng những khoảng thời gian một mình đối diện với chính mình. Ông sẽ phát điên nếu sống trên đời mà không được có những khoảng thời gian riêng cho bản thân.

“Vợ tôi thường mắng tôi là kẻ cô độc, nhưng không hẳn như vậy. Tôi chỉ thích có những lúc được ở một mình,” cụ bảo. Do vậy, lúc người hướng dẫn viên của Trung tâm Florence bảo rằng nơi đây chỉ toàn phòng đơn, “Tôi nói ngay vào mặt anh ta, ‘Cậu đùa tôi đấy à?’” Chuyến tham quan chỉ mới bắt đầu, nhưng cụ Lou đã ưng ngay cái bụng.

Người hướng dẫn tiếp tục dẫn hai cha con tham quan toàn bộ khu vực. Họ gọi nơi đây là Ngôi Nhà Xanh. Cụ Lou không hiểu tên gọi đó nghĩa là gì. Tất cả những gì ông cảm nhận được là, “Nơi đây trông chẳng giống nhà dưỡng lão tí nào.”

“Thế cụ thấy nó giống cái gì?” tôi hỏi.

“Ngôi nhà, một tổ ấm,” ông bảo.

Đó cũng là điều mà Bill Thomas đang vươn đến. Kể từ khi triển khai Phương Án Eden, anh ngày càng bận rộn hơn bao giờ hết. Trông anh không khác chi một doanh nhân tập đoàn, dù anh không thực sự giàu đến thế. Hai vợ chồng anh sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận làm công việc chia sẻ những kiến thức và nguyên tắc Eden cho giới chuyên gia và nhân viên đến từ hàng trăm nhà dưỡng lão khác. Sau đó, họ trở thành đồng sáng lập của Pioneer Network, một câu lạc bộ dành cho những người có cùng đam mê và lý tưởng trong công cuộc nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Việc này không bị đóng khung trong một mô hình cứng nhắc nào cả. Câu lạc bộ được lập ra nhằm mục đích cổ vũ và hỗ trợ những ý tưởng sáng tạo giúp biến đổi và cải tiến ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi – vốn dĩ luôn bị thống trị bởi những quy định ngặt nghèo và cứng nhắc của ngành y.

Khoảng năm 2000, Thomas lại có một kế hoạch mới. Anh muốn tự mình xây dựng một khu nhà hoàn toàn mới dành cho người cao tuổi từ đầu đến cuối – như anh đã từng làm với ngôi nhà nhỏ của mình ở New Berlin. Anh đặt tên cho công trình mình muốn xây là Ngôi Nhà Xanh. Mặt bằng tổng thể của nó được anh ví von là “chú cừu non đội lốt sói già”. Nó cần phải trông giống như một nhà dưỡng lão bình thường, để có đủ tiêu chuẩn nhận tài trợ của chính phủ cũng như để có thể có giá cả phải chăng nhất cho người dân so với những nơi khác. Công trình này cần phải được trang bị những kỹ thuật và công nghệ giúp cư dân được sống cuộc sống đúng nghĩa bất chấp mọi bệnh tật, sự già yếu cũng như tình trạng sức khỏe của họ. Tuy vậy, nó cần phải tạo được cảm giác ấm cúng đối với cư dân, những người thân của họ và đội ngũ nhân viên làm việc trong đó, như thể nơi đây là nhà mình – chứ không phải một bệnh viện hay một cơ quan công sở nào đó. Với tiền tài trợ từ tổ chức từ thiện phi lợi nhuận Robert Wood Johnson Foundation, Thomas đã xây dựng Ngôi Nhà Xanh đầu tiên ở Tupelo, Mississipi, với sự hợp tác từ một nhà dưỡng lão khác cũng đang áp dụng Phương Án Eden và có quyết định xây nên những căn hộ mới dành cho cư dân. Không lâu sau đó, tổ chức từ thiện nọ lập ra chương trình Nhân rộng mô hình Ngôi Nhà Xanh có quy mô toàn quốc. Chương trình này đã tài trợ cho việc xây dựng hơn 150 Ngôi Nhà Xanh ở hai mươi lăm bang – bao gồm Trung tâm Trợ sinh Leonard Florence mà cụ Lou vừa tham quan.

Dù đó là ngôi nhà đầu tiên với sức chứa mười hai cư dân trong một khu ở trong Tupelo, hay mười ngôi nhà được bố trí trong công trình sáu tầng của Trung tâm Florence, chúng vẫn tuân thủ những nguyên tắc bất biến được thiết lập bởi những người khởi xướng và tiên phong. Tất cả các Ngôi Nhà Xanh đều phải nhỏ và có tính chất công cộng. Mỗi nhà không quá mười hai cư dân. Ở Trung tâm Florence, các tầng nhà được chia thành hai cánh, mỗi cánh là một Ngôi Nhà Xanh với khoảng mười cụ ông cụ bà sinh hoạt trong đó. Các không gian ở được thiết kế sao cho khơi gợi cảm giác ấm cúng và bình yên như ở nhà – với bàn ghế và nội thất bình thường, phòng khách có lò sưởi, những bữa ăn quây quần quanh một chiếc bàn tròn lớn, và một cánh cửa trước có chuông. Và chúng được thiết kế trung thành với ý tưởng rằng người ta có thể có được một cuộc sống đích thực ở nơi đây, khi mà họ được tạo điều kiện để chăm chút cho các bữa ăn, chăm sóc nhà cửa và bầu bạn với mọi người.

Vẻ ngoài của trung tâm đã hấp dẫn cụ Lou ngay từ cái nhìn đầu tiên – trông chẳng có gì giống với mấy cơ sở y tế hay trại cải tạo vô hồn và thiếu sức sống mà cụ đã nhìn thấy quá nhiều trước đó. Đến khi cụ chính thức chuyển vào đó sống, cụ lại càng thêm ấn tượng và yêu quý cuộc sống ở đây. Cụ có thể đi ngủ và thức dậy bất cứ khi nào mình muốn. Đó đã là một sự giải phóng lớn lao đối với cụ. Không còn tình trạng đội ngũ nhân viên “càn quét” các phòng vào lúc 7 giờ sáng mỗi ngày để “lùa” các cụ đi tắm, mặc quần áo và đẩy xe lăn cho các cụ một cách ngay hàng thẳng lối đến chỗ phát thuốc và phòng ăn chung. Trong hầu hết các nhà dưỡng lão (bao gồm cả khu Chase Memorial nơi Thomas từng làm việc), người ta đã từng cho rằng phương pháp làm việc kiểu nhà binh đó là lựa chọn duy nhất để đảm bảo sự vận hành trơn tru của dưỡng lão viện. Người ta từng đinh ninh rằng vận hành hiệu quả nghĩa là đội ngũ y tá có nhiệm vụ giúp các cụ chuẩn bị một cách tươm tất nhất để đến đội ngũ nấu ăn, rồi đội ngũ nấu ăn phải làm việc sao cho sinh hoạt của các cụ thỏa mãn yêu cầu của đội ngũ điều phối, rồi đội ngũ điều phối phải xoay xở sao cho đảm bảo rằng tất cả các cụ đều đang được dạo chơi bên ngoài trong lúc đội ngũ lao công đang dọn dẹp chỗ ở của họ, vân vân và vân vân. Đó chính là phương pháp được các nhà quản lý truyền thống áp dụng để đảm bảo chu toàn trách nhiệm và thời khóa biểu của viện dưỡng lão. Thomas lật ngược mô hình đó. Anh tước đi quyền hành tối cao của các viên quản lý và giao nó cho những nhân viên trực tiếp chăm sóc các cư dân. Theo anh, những người này chỉ cần tập trung chăm sóc một vài cụ thực sự cần giúp đỡ, còn lại, họ nên làm việc một cách linh hoạt và bao quát. Họ chỉ nấu ăn, lau dọn, và giúp đỡ khi nào cần (trừ những công việc liên quan đến khám chữa bệnh và phát thuốc, đòi hỏi sự có mặt của đội ngũ y tá chuyên trách). Nhờ vậy mà những nhân viên này có nhiều thời gian để quan tâm chăm sóc các cụ về mặt tinh thần – trò chuyện, hỏi thăm, ngồi ăn cùng các cụ, chơi trò chơi với các cụ,… Mỗi một nhân viên chăm sóc đóng vai trò quan trọng đối với các cụ giống như sự có mặt của người hầu Gerasim bên cạnh Ivan Ilyich – một người bạn của bệnh nhân, chứ không phải một bác sĩ.

Làm bạn với cụ Lou chẳng có gì khó khăn cả. Một nhân viên nọ luôn tặng cho cụ một cái ôm mỗi khi nhìn thấy cụ, và ông vui vẻ kể lại với Shelley rằng ông yêu vô cùng những khoảnh khắc con người được sống trong tình yêu thương ấm áp như thế. Cuộc sống của cụ đã từng quá thiếu những phút giây như thế. Vào những buổi chiều Thứ Ba và Thứ Năm, cụ xuống căn-tin chơi bài kíp-bi với Dave, người bằng hữu ngày nào vẫn còn đến thăm cụ. Cụ còn dành thời gian dạy bài kíp-bi cho một cụ ông khác bị liệt sau một cú đột quỵ sống ở tầng trên, rồi kể từ đó, thi thoảng cụ này cũng đi xe lăn đến chỗ Lou chơi bài. Mỗi khi chơi, một nhân viên sẽ cầm những lá bài hộ ông và hứa không nhìn nội dung bên trong đó nếu Lou cần. Vào những buổi chiều còn lại trong tuần, Shelley đến thăm ông, không quên mang theo chú cún Beijing mà ông cưng hết mực.

Cụ Lou cảm thấy thật hạnh phúc khi được tự mình trải nghiệm từng ngày theo cách mà mình muốn. Sau bữa sáng, ông về phòng mình xem truyền hình – “để biết thiên hạ náo nhiệt thế nào,” như cách miêu tả của cụ.

“Tôi thích cập nhật tình hình chính sự. Hấp dẫn không thua gì phim truyền hình nhiều tập. Cứ mỗi ngày là một chương hoàn toàn mới.”

Tôi hỏi cụ đâu là kênh truyền hình ưa thích của cụ. Fox chăng?

“Không, là MSNBC.”

“MSNBC? Bác theo chủ nghĩa tự do à?” tôi hỏi.

Cụ Lou cười. “Vâng, tôi là người tự do. Tôi sẵn sàng bầu cho Dracula nếu ông ta bảo mình thuộc đảng Dân Chủ.”

Một lát sau, cụ làm vài động tác thể dục để vận động cơ thể, chống gậy để đi bộ, hoặc ra ngoài bách bộ nếu trời đẹp. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với Lou. Hồi còn sống trong nhà trợ sinh trước, người ta bắt ông ngồi xe lăn với lý do là sức khỏe của ông không còn đảm bảo và việc tự đi bộ quá nguy hiểm với ông. “Tôi ghét xe lăn,” cụ bảo. Trong khi đó, những nhân viên ở Trung tâm Florence cho phép ông tống khứ chiếc xe lăn và khuyến khích ông tự đi bộ như ý ông muốn. “Tôi cảm thấy tự hào khi được tự mình xoay xở,” cụ Lou nói.

Đến trưa, ông dùng bữa bên chiếc bàn tròn với các cụ ông cụ bà khác trong trung tâm. Buổi chiều, nếu ông không có hẹn chơi bài với ai hoặc đi dạo đâu đó, ông ở nhà đọc sách báo. Ông đăng ký đặt mua dài hạn tạp chí National GeographicNewsweek. Và ông vẫn còn lưu giữ rất cẩn thận những quyển sách của mình. Ông vừa đọc xong một tác phẩm phiêu lưu hồi hộp của Robert Ludlum. Ông đang bắt đầu đọc một cuốn sách nói về sự thất bại của Hạm đội Tây Ban Nha.

Thỉnh thoảng, cụ Lou mở chiếc máy vi tính hiệu Dell của mình để lướt web xem phim Youtube. Tôi hỏi cụ thích xem phim gì nhất. Cụ cho tôi một ví dụ.

“Rất lâu rồi tôi không được đi Trung Quốc – kể từ khi chiến tranh kết thúc – tôi muốn trở lại thành phố Thành Đô, nơi được xem là một trong những đô thị cổ nhất thế giới, để được tìm hiểu lịch sử nghìn năm của họ. Hồi còn đi lính, tôi từng đóng quân ở đó. Thế là hồi nãy tôi mở máy vi tính và lên mạng tìm kiếm từ khóa ‘Thành Đô’. Ngay sau đó tôi được tham quan chiêm ngưỡng toàn bộ thành phố trên màn hình máy tính. Anh có tin là ở đó cũng có rất nhiều giáo đường Do Thái hay không? Tôi phải ‘ồ’ lên kinh ngạc. Hết giáo đường này đến giáo đường kia có mặt ở thành phố đó. Tôi được thưởng ngoạn tất cả chúng,” cụ bảo. “Thời gian trôi qua nhanh quá. Mới đó mà sắp hết ngày rồi.”

Vào buổi tối, sau khi dùng bữa xong, cụ thích nằm trên giường, đeo tai nghe và nghe những bài nhạc được lưu trong chiếc máy vi tính của mình. “Tôi thích sự yên tĩnh của buổi đêm. Anh sẽ ngạc nhiên đấy. Mọi thứ đều tĩnh lặng. Tôi có thể lắng nghe những giai điệu một cách thư thái.” Ông mở kênh Pandora và lắng nghe những bản nhạc jazz nhẹ nhàng, nhạc của Benny Goodman[9] hoặc những bài hát Tây Ban Nha – bất kỳ bài nào cụ thích. “Rồi tôi nằm xuống và suy tư,” cụ bảo.

Một lần khác, tôi đến thăm Lou và hỏi cụ rằng, “Thế nào là một cuộc sống ý nghĩa đối với cụ?”

Ông có một chút ngần ngừ trước khi trả lời.

“Đã có những lúc tôi cảm thấy muốn chết quách cho xong, thường là trong những ngày mà tinh thần tôi xuống dốc trầm trọng,” cụ bảo. “Đã quá đủ, chết là hết, anh biết đấy? Tôi cáu kỉnh với Shelley. Tôi nói với con bé những điều tồi tệ, chẳng hạn như ở Châu Phi, khi anh quá già yếu, không còn khả năng lao động và hữu dụng cho ai được nữa, họ sẽ quẳng anh vào rừng để thú rừng cắn chết anh. Con bé nói tôi lẩn thẩn. “Không,” tôi bảo nó, “Giờ bố vô dụng rồi. Bố đang tiêu phí tiền của chính phủ.”

“Tôi thường xuyên rơi vào tình trạng đó. Rồi tôi tự nhủ với bản thân, ‘Này, cái gì đến sẽ đến. Cứ thong thả mà sống, để mọi việc thuận theo tự nhiên. Nếu mọi người còn cần mình, thế thì đi làm gì?”’

Chúng tôi ngồi hàn huyên trong một căn phòng khách bên cạnh nhà bếp, với những khung cửa sổ cao cao ở sát trần nhà hai bên phòng. Khi đó vẫn đang là khoảng thời gian giao mùa từ hạ sang thu. Ánh sáng mặt trời vừa sáng lại vừa ấm áp. Qua những khung cửa sổ, chúng tôi có thể nhìn thấy phong cảnh thị trấn Chelsea bên dưới, xa xa là vịnh Broad Sound ở Cảng Boston, và cả một bầu trời trong xanh như nước đại dương. Chúng tôi trò chuyện về chuyện đời cụ Lou suốt gần hai tiếng đồng hồ cho đến khi tôi nhận ra rằng, lần đầu tiên trong đời, tôi không còn cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến ngày mình bằng tuổi cụ Lou lúc đó. Cụ đã chín mươi tư tuổi, và chẳng có gì hay ho hay đáng tự hào về điều đó. Răng cụ vừa lung lay vừa lởm chởm. Các khớp xương trên người cụ không có cái nào là không đau. Cụ đã mất vợ và một con trai. Giờ cụ không thể tự đi lại nếu thiếu đi chiếc giá đỡ có chân trước được đệm bằng bóng tennis. Đôi khi cụ bỗng dưng lẩn thẩn và quên mất mình đã nói đến đâu. Nhưng có một sự thật rõ ràng ở đây là: Bất chấp tuổi già sức yếu, cụ vẫn có thể sống một cuộc sống ý nghĩa, sống mà không cảm thấy mình vô dụng trên cõi đời. Người thân vẫn cần cụ. Và điều này cùng có ý nghĩa to lớn đối với chúng ta, rằng chúng ta hoàn toàn có thể và luôn có thể sống một cuộc đời ý nghĩa bất chấp tuổi tác.

Nỗi sợ của con người đối với bệnh tật và tuổi già không chỉ nằm ở những mất mát mà chúng ta sẽ phải chịu đựng khi sống trên đời quá lâu, mà nó còn là nỗi sợ sự cô độc và cách ly. Một khi con người nhận ra rằng cuộc sống của mình hữu hạn như thế nào, họ không còn đòi hỏi nhiều nữa. Họ không còn thiết tha với việc làm giàu. Họ không còn đoái hoài đến quyền lực. Yêu cầu duy nhất của họ là được tự mình làm chủ cuộc đời mình, tự chủ được bao nhiêu hay bấy nhiêu – được quyền quyết định và gìn giữ những mối quan hệ có ý nghĩa tùy vào những mối ưu tiên của bản thân. Trong xã hội hiện đại, tất cả chúng ta đều thấm thía thực tế rằng trong phần lớn các trường hợp, tính tự chủ luôn bị lấn át bởi sự yếu hèn và nhu cầu phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng điều mà tôi học được từ cụ Lou – cũng như các cụ Ruth Barrett, Anne Braveman, Rita Kahn, và nhiều những người cao tuổi khác – rằng một cuộc sống tự chủ là điều hoàn toàn khả thi với bất kỳ ai trong chúng ta.

“Tôi không lo lắng về tương lai,” cụ Lou bảo. “Người Nhật có từ ‘nghiệp chướng.’ Nó có nghĩa rằng – chuyện gì đến sẽ phải đến, và bạn không thể làm gì để ngăn được nó. Tôi biết thời gian của mình là hữu hạn. Thế thì có gì phải lo lắng chớ? Tôi đã sống một cuộc đời xứng đáng, đơn giản là thế.”

Bình luận
720
× sticky