Tôi được học rất nhiều thứ trong trường y, nhưng trong đó không có điều nào nói về cái chết cũng như sự mong manh của sinh mệnh con người. Mặc dù ngay từ khi trở thành sinh viên y khoa năm nhất, chúng tôi đã được trực tiếp thực hành trên những xác người dai khô vô hồn, đó chỉ đơn thuần là một phương pháp học giải phẫu cơ thể người không hơn không kém. Toàn bộ những cuốn sách giáo khoa và giáo trình y học của chúng tôi không đả động gì đến sự lão hóa, cái chết cũng như sự mong manh của cuộc sống con người. Con người tiếp nhận cái chết như thế nào, họ cảm nhận và trải qua những điều gì trong quá trình đó, và toàn bộ quá trình chết đi tuy tất yếu nhưng nghiệt ngã này tác động như thế nào đến những người thân xung quanh họ – tất cả những điều này đang bị đối xử như những đứa con ghẻ không được thừa nhận của y học. Hiện nay, tất cả những nhận thức của chúng ta về y học, nhận thức của các bác sĩ và chuyên gia trong ngành, và mục đích đào tạo của khoa y trong mọi trường đại học đều tập trung vào nhiệm vụ cứu sống và duy trì cuộc sống con người, chứ không phải để phục vụ cho sự qua đời không thể tránh khỏi của họ.
Lần duy nhất trong nhà trường mà chúng tôi được bàn luận về sự khả tử của con người chính là buổi thảo luận chuyên đề kéo dài một giờ đồng hồ về truyện ngắn Cái chết của Ivan Ilyich của đại văn hào Tolstoy. Nó là một buổi thuộc chương trình thảo luận chuyên đề mang tên “Bệnh nhân và Bác sĩ,” được nhà trường tổ chức hàng tuần nhằm bồi dưỡng tinh thần cũng như trau dồi tâm hồn và nhân cách cho các bác sĩ tương lai, giúp chúng tôi trở thành những người thầy thuốc vẹn toàn và đức độ hơn. Một số chuyên đề cho chúng tôi cơ hội được thực hành các phép tắc và nghi thức đúng đắn trong việc khám và chữa bệnh cho con người; trong vài chuyên đề khác, chúng tôi được học về những hiệu ứng và tác động của bối cảnh kinh tế xã hội và chủng tộc lên sức khỏe con người. Cho đến một buổi chiều khó quên nọ, chúng tôi được ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm về sự đau đớn của Ivan Ilyich trong suốt thời gian ông ta nằm liệt giường, chịu đựng sự giày vò càng lúc càng gia tăng của một căn bệnh nan y không tên trong tác phẩm văn học kinh điển.
Trong truyện, Ivan Ilyich là một công tố viên bốn mươi lăm tuổi ở Saint Petersburg. Cuộc sống của ông ta xoay quanh những vụ án dân sự nhỏ nhặt liên quan đến địa vị và giai cấp xã hội. Một ngày nọ, ông ta leo lên một chiếc thang đứng, vì một chút bất cẩn mà trượt chân ngã, dẫn đến một cơn đau điếng ở hông. Tưởng chừng đó chỉ là một chấn thương nhẹ và cơn đau sẽ sớm dịu đi, ấy vậy mà suốt thời gian dài sau đó, Ilyich càng lúc càng đau đớn hơn, đến nỗi không thể đi làm được nữa. Từ một người đàn ông “thông minh, sáng láng, bảnh bao và thân thiện,” bộ dạng ông ta trông càng lúc càng gầy yếu và thảm hại. Vợ của Ilyich tốn kém biết bao nhiêu tiền của để mời được những thầy lang giỏi nhất đến chữa bệnh cho ông. Với căn bệnh lạ lùng của ông, mỗi thầy thuốc lại chẩn đoán một kiểu không ai giống ai, để rồi tất cả bọn họ đưa cho ông những phương thuốc và liệu pháp chẳng hề có một chút tác dụng nào. Đối với Ilyich, điều đó chẳng khác nào cực hình, khi suốt một thời gian dài ông ta phải chịu đựng sự giày vò của cơn đau và những cơn bốc hỏa không ngớt vì bệnh tật.
“Điều khiến cho Ivan Ilyich đau đớn nhất,” Tolstoy viết, “chính là sự dối trá, những lời nói đầu môi chót lưỡi giả tạo mà người ta mặc nhiên chấp nhận vì những lý do không tên, rằng ông ta chỉ đang mắc phải một căn bệnh thông thường nào đó chứ không phải sắp chết, rằng ông chỉ cần nằm đó nghỉ ngơi, dưỡng bệnh theo lời khuyên của các thầy lang, rồi kết quả tốt đẹp sẽ đến.” Những lời nói dối đó khiến cho Ivan Ilyich không ngừng hy vọng vào sự hồi phục, để rồi ông phải đối diện với thực tế nghiệt ngã rằng căn bệnh của ông đang càng lúc càng chuyển biến tồi tệ hơn, khiến ông ngày một yếu ớt và hao mòn, đến nỗi ông phải tự mình ngộ ra điều sắp xảy đến với mình. Trong suốt thời gian nằm chờ chết, ông ta phải sống trong những âu lo và nỗi sợ chết chất chồng từng ngày. Mặc dù Ilyich đã nhìn thấy cái chết dần dần hiện rõ mồn một trước mắt mình, không một ai trong số những người xung quanh ông – từ các thầy lang, bạn bè, cho đến tất cả người thân trong gia đình ông – đề cập đến nó, dù chỉ là trên nét mặt. Đây mới chính là điều khiến cho Ilyich cảm thấy bất hạnh và đau đớn hơn cả.
“Chẳng ai thương xót ông đúng như ước nguyện của bản thân ông,” Tolstoy viết. “Sau những cơn đau dai dẳng của thể xác, đã có những lúc ông ta mong nhìn thấy những người xung quanh mình (mặc dù ông không thể bày tỏ mong muốn này vì sợ xấu hổ) xót xa cho mình, giống như cách người ta xót thương một đứa trẻ bị bệnh. Ông muốn được chăm sóc, muốn được an ủi và vỗ về. Ông biết mình đã là một tay công chức già, với một bộ râu quai nón đã bạc phơ, rằng mong muốn của ông là vớ vẩn và viễn vông, nhưng ông vẫn cứ mong.”
Đối với các sinh viên y khoa chúng tôi, khi những người có mặt bên cạnh Ivan Ilyich trong những ngày cuối đời của ông không dám thừa nhận tình trạng bệnh thực sự của ông và không thể cho ông một sự an ủi vỗ về cần thiết để giúp ông lạc quan hơn, đó là một sự thất bại về mặt phẩm cách và văn hóa. Bối cảnh nước Nga vào thế kỷ mười chín dưới ngòi bút của Tolstoy hiện lên thật tàn nhẫn và hủ lậu đối với chúng ta. Đọc xong câu chuyện, hẳn là chúng ta sẽ tin rằng y học hiện đại thừa sức trị dứt bệnh cho Ivan Ilyich bất kể đó là bệnh gì, và chúng ta cũng sẽ cho rằng sự trung thực và tử tế là những phẩm chất cơ bản cần phải có của người thầy thuốc hiện đại. Chúng ta tự tin rằng mình hoàn toàn có thể ứng xử một cách đạo đức và nhân văn hơn trong tình huống đó.
Điều đáng lo ngại đối với chúng ta chính là kiến thức. Trong khi phần lớn chúng ta đều biết cách cảm thông với người bệnh, chúng ta không thể chắc chắn rằng mọi sự chẩn đoán hay điều trị của mình là tuyệt đối chính xác. Chúng ta đóng học phí cho nhà trường để được học về những quy trình diễn ra bên trong cơ thể, những cơ chế bệnh học phức tạp của nó, và hàng loạt những khám phá và phát minh công nghệ không ngừng được phát triển để giúp con người chống lại bệnh tật. Là bác sĩ, chúng ta không thể tưởng tượng rằng mình còn phải có nghĩa vụ quan tâm đến những vấn đề khác ngoài những kiến thức chuyên môn đó. Và thế là chúng ta tống khứ cả Ivan Ilyich ra khỏi tâm trí mình.
Vậy mà chỉ trong vòng vài năm, khi bản thân tôi chính thức hành nghề và thực nghiệm các ca phẫu thuật, tôi đã phải chứng kiến biết bao nhiêu bệnh nhân đau đớn chống chọi với sự ăn mòn cơ thể của bệnh tật và cái chết, và tôi xót xa nhận ra rằng mình chẳng thể làm gì để giúp được họ cả.
* * *
Tôi bắt đấu viết lách từ khi còn là một bác sĩ nội trú tập sự; một trong những bài viết đầu tiên của tôi kể câu chuyện về một người đàn ông mà tôi gọi là Joseph Lazaroff. Ông ấy là một viên chức của thành phố; trước đó vài năm, vợ ông đã qua đời vì bệnh ung thư phổi. Giờ đây, ở tuổi ngoài sáu mươi, Joseph đang là nạn nhân của một căn bệnh không có thuốc chữa – bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã di căn. Từ khi mắc bệnh, ông càng lúc càng trở nên gầy mòn, sụt hơn hai mươi ký. Cả phần bụng, bìu dái và chân của ông giờ đầy ngập đầy dịch lỏng. Trong một ngày nọ thức giấc, ông thấy mình không còn khả năng cử động chân phải, không còn kiểm soát được sự tiêu hóa của mình nữa. Ông được chuyển vào bệnh viện, nơi tôi gặp ông với tư cách là một thực tập sinh khoa giải phẫu thần kinh. Chúng tôi khám cho ông và nhận thấy khối u ung thư đã di căn đến đoạn cột sống ở ngực, và ở đó, nó đang chèn ép toàn bộ dây cột sống của ông. Tình trạng của ông không còn có thể cứu chữa được nữa, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tin vào một phép màu. Tuy nhiên, các biện pháp xạ trị đã không thể làm suy yếu khối u trong người ông, và thế là vị bác sĩ giải phẫu thần kinh đã cho ông hai lựa chọn: Lazaroff có thể được chăm sóc chu đáo ở bệnh viện cho đến ngày cuối cùng, hoặc ông sẽ phải trải qua một ca phẫu thuật để loại bỏ khối u trên cột sống của mình, ông chọn phương án phẫu thuật. Lúc bấy giờ, với tư cách là một thực tập sinh, tôi có nhiệm vụ yêu cầu ông ký vào biên bản xác nhận rằng ông đã đồng ý, rằng ông đã hiểu và chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.
Tôi đứng ngoài phòng bệnh của Lazaroff với bệnh án và biên bản của ông trên tay mình, cố gắng nghĩ xem mình nên bắt đầu cuộc nói chuyện như thế nào một khi bước chân vào đó. Kỳ thực, ca phẫu thuật chỉ nhằm mục đích trì hoãn quá trình hủy hoại dây cột sống. Nó không giúp tiêu diệt khối u, không thể trị dứt căn bệnh ung thư quái ác của ông, cũng như không thể nào trả lại cho ông một cuộc sống bình thường khỏe mạnh như trước. Kể cả khi ca phẫu thuật có thành công tốt đẹp đi chăng nữa, ông cũng chỉ có thể sống thêm vài tháng là cùng, chưa kể đây là một lựa chọn nguy hiểm đến tính mạng của ông. Trong ca phẫu thuật đó, bác sĩ sẽ mở toang lồng ngực của ông, cưa bỏ đi một chiếc xương sườn, và tác động một bên phổi để tiếp cận cột sống của ông. Sự mất máu ồ ạt là không thể tránh khỏi. Quá trình phục hồi sau phẫu thuật sẽ diễn ra vô cùng khó khăn mà trong đó, cơ thể của Lazaroff sẽ rất yếu. Suốt khoảng thời gian đó, ông còn phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ biến chứng có thể khiến cho thể xác ông mỗi lúc một yếu ớt gầy mòn hơn. Nếu ca phẫu thuật không thành công, hậu quả là bệnh của ông thêm trầm trọng, với khả năng tử vong cao hơn và có thể đến vào bất kỳ lúc nào. Thế mà vị bác sĩ giải phẫu thần kinh của Lazaroff đã không nói gì với ông về những nguy cơ đó, khiến cho ông càng thêm niềm tin và hy vọng vào lựa chọn phương án phẫu thuật của mình. Và thế là tôi phải đảm nhiệm phần việc liên quan đến thủ tục và giấy tờ này.
Nằm trên giường bệnh, Lazaroff trông thật hốc hác và xanh xao. Tôi tự giới thiệu với ông rằng tôi là một thực tập sinh, và tôi đến để lấy chữ ký của ông về việc ông đã đồng ý làm phẫu thuật cũng như đã nhận thức được mọi rủi ro có thể xảy ra. Tôi nói với ông rằng tuy ca phẫu thuật có thể loại bỏ khối u, nhưng nó có thể để lại cho ông nhiều biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như liệt hay đột quỵ, thậm chí ông vẫn có thể tử vong sau đó. Tôi cố gắng trình bày các nguy cơ một cách thật rõ ràng nhưng nhẹ nhàng hết mức có thể, ấy vậy mà những gì tôi nói vẫn khiến ông phải cố gắng bật dậy để tiếp chuyện. Lúc đó con trai ông cũng đang ở trong phòng, tỏ vẻ không thích những lời lẽ nhẹ nhàng hoa mỹ đến mức hơi lố của tôi. Và Lazaroff cũng không hài lòng chút nào.
“Các người vẫn chưa chịu buông tha cho tôi sao,” ông nói, “Các người đã làm tất cả những gì có thể cho tôi rồi còn gì.” Sau khi ông ấy ký biên bản, cậu con trai của ông dẫn tôi ra ngoài phòng bệnh. Anh kể rằng mẹ của anh đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh với hàng đống dây nhợ và máy móc cắm vào người bởi sự chăm sóc quá mức đầy đủ của các bác sĩ, và khi đó, bố anh đã nói rằng ông không muốn điều tương tự tái diễn với mình. Ấy vậy mà ngay lúc này đây, ông đang quyết tâm làm “mọi điều có thể với căn bệnh hiểm nghèo của mình.
Tôi cho rằng ông Lazaroff đã có một quyết định tồi, và tôi tin điều này. Ông quyết tâm chọn một phương án tồi tệ và nguy hiểm đến tính mạng chẳng phải vì sợ chết, mà bởi ngay cả ca phẫu thuật cũng chẳng thể trả lại cho ông những điều mà ông thực sự muốn: một sức khỏe bình thường, một cơ thể biết tự chủ, và cái cuộc sống bình yên mà ông từng có. Ông chỉ đang theo đuổi một ảo tưởng, với nguy cơ khủng khiếp là một cái chết kéo dài và đau đớn – điều quả thật đã xảy ra với ông.
Ca phẫu thuật thành công về mặt kỹ thuật. Suốt tám tiếng rưỡi đồng hồ, các bác sĩ đã loại bỏ được cái khối chất gặm nhắm cột sống của Lazaroff và hồi phục phần đốt sống bị cắt bỏ bằng hợp chất xi-măng acrylic. Áp lực lên cột sống của ông đã được dỡ bỏ thành công. Nhưng kết cuộc là sức khỏe của ông không còn được như hồi trước khi phẫu thuật. Trong quá trình điều trị sau đó, cơ thể ông xuất hiện những triệu chứng bất thường về mặt hô hấp, với sự truyền nhiễm thẩm thấu khắp cơ thể. Tình trạng bất động của ông khiến máu bị vón cục, rồi ông lại mất máu khi chúng tôi dùng chất làm loãng trên cơ thể ông. Cứ mỗi ngày trôi qua, chúng tôi càng thêm lực bất tòng tâm. Cuối cùng, chúng tôi phải thừa nhận rằng ông Lazaroff sắp chết. Đến ngày điều trị thứ mười bốn, con trai ông yêu cầu chúng tôi hãy để cho ông được ra đi thanh thản.
Lần này, tôi lại là người được giao nhiệm vụ rút ống thở của Lazaroff – thứ đã giúp duy trì cuộc sống của ông suốt thời gian qua. Tôi kiểm tra lượng morphine được truyền vào cơ thể ông để đảm bảo rằng ông sẽ không đau đớn vì khó thở. Để chắc rằng ông nghe thấy những gì tôi nói, tôi lại gần bên ông và bảo rằng mình sẽ lấy chiếc ống thở cồng kềnh kia ra khỏi miệng ông. Khi tôi rút nó ra, ông ho lên vài tiếng, mở mắt trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, rỗi lịm dần. Hơi thở của ông càng lúc càng gấp gáp hơn, rồi ngưng bặt. Tôi đặt ống nghe lên lồng ngực ông chỉ để cảm nhận thấy trái tim đang dần dần ngừng đập của ông.
Giờ đây, sau hơn một thập kỷ kể từ lần đầu tiên tôi viết lại câu chuyện của Lazaroff, điều khiến tôi trăn trở nhất không phải là quyết định mạo hiểm của ông vào ngày đó, mà chính là việc làm sao mà chúng ta lại không thể hành xử trung thực với bệnh nhân về những lựa chọn sinh tử mà họ phải đối mặt. Chúng ta có thừa kiến thức và kinh nghiệm để giải thích cho bệnh nhân những nguy cơ cụ thể của mỗi lựa chọn trong việc điều trị, nhưng lại chẳng bao giờ dám nhìn thẳng vào thực trạng bệnh của họ. Tất cả bác sĩ, chuyên gia xạ trị, bác sĩ phẫu thuật và các thầy thuốc khác sẵn sàng duy trì sự sống cho một bệnh nhân suốt hàng tháng trời vì một căn bệnh mà họ biết chắc là không thể nào chữa khỏi. Chúng ta nhất quyết không chịu chấp nhận hiện thực hiển nhiên về tình trạng của người bệnh, không thẳng thắn thừa nhận giới hạn của chính mình, càng không quan tâm đến cảm nhận của bệnh nhân trong những ngày tháng cuối cùng chống chọi với bệnh tật trước khi qua đời. Nếu người bệnh đang đặt niềm tin vào một phép màu hay một ảo tưởng hồi phục không thể xảy ra, chúng ta cũng hành xử y như vậy. Trong khi ở đây, chúng ta đang có một bệnh nhân phải nhập viện vì ung thư trong tình trạng bị liệt do ảnh hưởng của một khối u đã di căn khắp cơ thể ông ta. Khả năng ông có thể hồi phục và lấy lại được một cuộc sống bình thường vẹn nguyên như trước đó vài tuần là chuyện không tưởng. Việc thừa nhận sự thật cũng như giúp bệnh nhân đón nhận và thích nghi với sự thật đó có vẻ như nằm ngoài khả năng của giới bác sĩ chúng ta. Vì không chịu thừa nhận thực tế, nên chúng ta cũng chẳng an ủi người bệnh, không làm gì để chỉ dẫn cho họ, cũng như không hề chia sẻ cho bệnh nhân những thông tin họ cần biết để vượt qua những ngày u ám còn lại của đời mình. Thay vào đó, chúng ta bày thêm một hai phương pháp điều trị mà họ có thể thử, với một hy vọng vô căn cứ là điều kỳ diệu nào đó sẽ xảy đến.
Làm như thế, chúng ta chẳng khác nào những người thầy lang nhẫn tâm của Ivan Ilyich – chúng ta không chỉ khiến cho bệnh tật của bệnh nhân thêm trầm trọng, mà còn vô tình bồi thêm cho họ những sự hành hạ đau đớn khác về mặt thể xác. Ai mới đang là kẻ tàn nhẫn nhất ở đây, nếu không phải là chúng ta?
* * *
Sự phát triển của khoa học hiện đại đã và đang biến đổi đáng kể số phận con người. Con người ngày nay sống khỏe hơn và thọ hơn so với ông bà mình vào những thế kỷ trước. Nhưng đồng thời, khoa học tân tiến cũng đã và đang biến quá trình già và chết đi của con người thành những trải nghiệm y học mà ở đó, giới bác sĩ và chuyên gia y tế được trao toàn quyền quản lý và quyết định. Thật đáng tiếc là phần lớn các y bác sĩ cũng như giới y khoa nói chung chúng ta chưa thực sự được chuẩn bị đầy đủ cho sứ mệnh cao cả ấy.
Đó là một thực tế đang bị che giấu ẩn tàng một cách tàn nhẫn trong thời đại ngày nay, bởi lẽ những kỹ thuật chữa bệnh tân tiến đã và đang giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong đến mức khái niệm “những ngày cuối đời trên giường bệnh” ngày càng trở nên xa lạ hơn với hầu hết dân chúng. Cho đến năm 1945, phần lớn người dân qua đời ngay trong nhà mình. Đến những năm 1980, chỉ có 17 phần trăm dân chúng trút hơi thở cuối cùng của mình trong gia đình, chủ yếu là do chết đột ngột hoặc không kịp chuyển đến bệnh viện – với những nguyên nhân chẳng hạn như bất ngờ lên cơn đau tim, trụy tim, hoặc những chấn thương quá nghiêm trọng đến mức không thể di chuyển; hoặc do những người đó sống tách biệt với cộng đồng nên đến khi chết, không có ai biết để mà chạy đến đưa đi cấp cứu. Không chỉ ở Hoa Kỳ, mà ngay đến cả những quốc gia công nghiệp khác, hầu hết người dân trải qua tuổi già sức yếu và những ngày cuối đời của mình trong bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão.
Hồi tôi trở thành bác sĩ, tôi được chính thức bước qua phía bên kia cánh cổng bệnh viện chỉ để nhận ra rằng, mọi thứ trong đó đều quá mới mẻ với mình – kể cả khi tôi đã lớn lên với hai bác sĩ trong gia đình mình. Tôi chưa bao giờ phải nhìn thấy người ta chết ngay trước mặt mình, nên khi xảy ra, tôi đã rất sốc, không phải vì hình ảnh đó khiến tôi liên tưởng đến cái chết của chính mình hay đại loại như thế. Kỳ thực, tôi chưa bao giờ có ý niệm đó, kể cả khi tôi chứng kiến cái chết của những người trạc tuổi mình. Tôi thì mặc blouse trắng, còn họ phải mặc áo dành riêng cho bệnh nhân. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ rằng mọi việc sẽ thế nào nếu tôi là người mặc bộ đồ đồng phục bệnh nhân kia. Tuy nhiên, tôi từng lo lắng, rằng sẽ thế nào nếu những bệnh nhân đó là gia đình tôi. Tôi đã từng phải chứng kiến người thân của mình – vợ tôi, bố mẹ tôi, và cả các con của tôi – trải qua những căn bệnh hiểm nghèo. Kể cả trong những hoàn cảnh thập tử nhất sinh nhất, y học vẫn đủ sức kéo họ vượt qua cơn nguy kịch và trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, tôi bị sốc nặng khi phải nhìn thấy bệnh nhân của mình tử vong, khi y học đã không thể cứu sống họ như mình đã hy vọng. Hiển nhiên, về mặt lý thuyết, tôi thừa biết rằng những bệnh nhân đó đều có nguy cơ tử vong, nhưng cứ mỗi khi phải lặng nhìn một người trút hơi thở cuối cùng, tôi vẫn cảm thấy tim mình đau nhói, như thể cái luật chơi mà tôi vẫn hằng tin tưởng lại bị phá vỡ không thương tiếc. Mặc dù tôi không rõ trò chơi này là gì và kẻ được lợi là ai, nhưng tôi chỉ biết rằng, gã ta đã luôn chiến thắng.
Quá trình hấp hối và cái chết của con người là những điều mà các y tá và bác sĩ lính mới như chúng tôi phải thường xuyên đối mặt. Trong lần đầu tiên chứng kiến bệnh nhân qua đời, không ngạc nhiên khi nhiều người trong chúng tôi bật khóc, một số thì sững người không nói được nên lời, một số người khác thậm chí không dám nhìn. Trong vài lần chứng kiến người ta chết đầu tiên của mình, tôi cố gắng kìm nén thật mạnh cảm xúc bản thân để không bật khóc. Nhưng tối đến, tôi luôn nằm mơ thấy họ. Suốt khoảng thời gian đó, tôi thường xuyên có những cơn ác mộng mà trong đó, tôi nhìn thấy xác chết của những bệnh nhân đó ngay trong nhà mình – thậm chí là trên giường ngủ của mình.
“Làm thế nào mà người này lại xuất hiện ở đây?” tôi phát hoảng trong giấc mơ.
Tôi biết mình sẽ gặp rắc rối to, thậm chí là dính dáng đến pháp luật hình sự, nếu tôi không thể mang xác chết trở lại bệnh viện một cách bình an vô sự và không ai biết. Tôi cố gắng mang vác cái xác để bỏ vào cốp sau ô-tô, nhưng ông ta quá nặng. Cũng có những bữa tôi mơ thấy mình đã đặt được cái xác vào cốp, chỉ để nhìn thấy xác chết rỉ máu xối xả như suối – không chỉ là máu, mà còn là một thứ chất lỏng màu đen sền sệt như dầu hắc ín – cho đến khi toàn bộ cốp xe ngập máu. Cũng có khi tôi mơ thấy mình vận chuyển cái xác đến bệnh viện một cách thành công, đặt nó lên băng-ca rồi đẩy nó đi qua hết thảy mọi khu sảnh và lối đi của bệnh viện chỉ để tìm kiếm trong vô vọng căn phòng nơi cái xác thuộc về. “Này anh kia!” ai đó la lớn phía sau lưng tôi và đuổi theo tôi. Tôi sợ hãi tỉnh giấc chỉ để thấy vợ mình nằm bên cạnh, còn tôi thì thở hổn hển trong bộ dạng ướt đẫm mồ hôi và tối mắt tối mũi. Những khi đó, tôi có cảm giác như thể mình vừa hại chết những người đó. Tôi thấy mình như một kẻ bại trận đáng bị nguyền rủa.
Hiển nhiên, cái chết không phải là một sự thất bại. Cái chết là một hiện tượng bình thường và tất yếu. Nhiều người trong chúng ta có thể xem cái chết là kẻ thù, nhưng nó là một quy luật tự nhiên của vạn vật. Tôi thừa biết những sự thật đó, nhưng tôi đã không muốn hiểu nó một cách cụ thể trên từng con người – rằng nó là một thế lực chi phối không chỉ toàn bộ nhân loại, mà nó còn trực tiếp chạm tay vào người bệnh đang hiện hữu trước mắt tôi – người mà tôi có trách nhiệm phải cứu sống khỏi nó.
Trong quyển sách Chúng ta chết như thế nào của mình, tác giả kiêm bác sĩ giải phẫu Sherwin Nuland đã đau xót viết nên rằng: “Chiến thắng cuối cùng của Thần Chết đã được thừa nhận và chấp thuận bởi cha ông ta từ ngàn xưa. Thời đó, giới thầy thuốc luôn làm việc trong tâm thế sẵn sàng đón nhận kết quả thất bại chứ không dám cao ngạo chối bỏ nó.” Nhưng khi tôi được chứng kiến sự phát triển của con người trong thế kỷ hai mươi mốt với vô vàn thành tựu và phát minh khoa học kỹ thuật mới bao gồm cả lĩnh vực y học, tôi không còn dám khẳng định thế nào thì mới gọi là “không cao ngạo.”
Bạn quyết định trở thành bác sĩ bởi trong tâm trí của bạn, nó là công việc cao quý nhất thế giới, thậm chí nó mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh tốt nhất trong cuộc đời mình. Đó là một cảm giác mãn nguyện khôn tả, như thể cảm giác của một người thợ mộc vừa phục hồi xong một chiếc rương cổ bị hỏng hóc nặng, hoặc cảm giác của một cô giáo vừa thành công trong việc giúp cho các học sinh lớp năm của mình hiểu thế nào là nguyên tử – một kiến thức mang tính đột phá đối với đời học trò. Cảm giác đó dâng trào khi chúng ta làm điều có ích cho người khác. Nhưng nó cũng xuất hiện với những người giỏi chuyên môn, có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp. Năng lực chuyên môn của bạn càng cao, bạn càng cảm nhận được giá trị và bản sắc cá nhân mình một cách vững chãi và tự tin hơn. Vì vậy, điều đáng sợ nhất đối với một bác sĩ chính là những khi phải nhìn lại chính mình trước một bệnh nhân mang căn bệnh mà anh ta biết chắc là không thể cứu chữa được.
Ngay từ khi mới ra đời, tất cả chúng ta đều phải lớn lên và già đi – một bi kịch cuộc đời mà không ai có thể thoát được. Sớm muộn gì chúng ta cũng phải hiểu và chấp nhận thực tế phũ phàng đó. Những bệnh nhân từng tử vong của tôi cũng không còn ám ảnh giấc ngủ của tôi nữa. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi đã hoàn toàn thích nghi với sự thật không thể chối cãi về cái chết. Tôi đang làm một cái nghề mà tinh hoa của nó được quyết định bởi khả năng cứu người. Nếu bệnh của bạn có thể chữa khỏi được, chúng tôi sẽ làm được điều đó cho bạn. Nhưng nếu nó không thể chữa được thì sao? Chính việc giới bác sĩ chúng tôi không thể đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề nan giải đó đã và đang dẫn đến hàng loạt những hệ lụy đối với người bệnh và thân nhân của họ, như thái độ nhẫn tâm, sự vô nhân đạo, và những nỗi đau đớn tột cùng không đáng có.
Ý tưởng biến mạng sống của con người thành kinh nghiệm y học chỉ mới xuất hiện và phát triển trong vài thập kỷ qua. Nó vẫn còn mới mẻ lắm. Và thực tế hiện nay cho thấy, người ta đã và đang nhào nặn nó thành một sự phản tự nhiên.
* * *
Cuốn sách này bàn luận những quan điểm hiện đại về sự khả tử của con người – cuộc sống này kỳ thực đang diễn ra như thế nào khi chúng ta là những sinh vật không ngừng lớn lên và già đi, các thành tựu y học đã và đang thay đổi cuộc sống đó như thế nào, những gì mà y học chưa làm được, từ đâu mà chúng ta có ý niệm chống lại sự khả tử của mình và làm trái với tự nhiên. Giờ đây, khi tôi đã là một người đàn ông trung niên với hơn mười năm kinh nghiệm làm bác sĩ phẫu thuật, tôi ngộ ra rằng cả những bệnh nhân của mình lẫn bản thân tôi đều không thực sự hài lòng với thực trạng của lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Nhưng tôi cũng chẳng biết câu trả lời đúng nên là thế nào, thậm chí tôi không dám chắc chúng ta có thể đưa ra nổi một câu trả lời trọn vẹn cho vấn đề đó. Tuy vậy, tôi luôn giữ trong mình niềm tin của một nhà khoa học kiêm tác giả viết sách, rằng bằng cách vén bức màn bí ẩn về sự khả tử của con người và nhìn nhận nó thật thấu đáo, chúng ta sẽ nhận ra đâu mới là điều khó hiểu nhất, lạ lùng và nặng nề nhất khi bàn đến lằn ranh giữa sự sống và cái chết.
Bạn không nhất thiết phải dành nhiều thời gian thăm nom những cụ ông cụ bà lớn tuổi hay những người mắc bệnh nan y trong bệnh viện để nhận ra sự bất lực của y học trước những con người cần được cứu. Ở đó, những ngày cuối đời của mỗi con người được phó thác cho những phương pháp điều trị không chỉ làm rối tung đầu óc chúng ta mà còn làm cho cơ thể chúng ta thêm hao mòn chỉ để phục vụ cho một tia hy vọng gần như không tồn tại. Những người đó phải sống những ngày cuối đời của mình trong những nơi chốn lạ lẫm – viện dưỡng lão hay một trung tâm chăm sóc sức khỏe nào đó, nơi mà những quy định và nếp sinh hoạt cứng nhắc vô hồn cách ly chúng ta khỏi bao điều thân thương và những thứ quan trọng của cuộc đời chúng ta. Sự miễn cưỡng và thờ ơ của chúng ta trong việc thấu hiểu quá trình lão hóa và sự khả tử đã và đang làm gia tăng những nỗi đau mà chúng ta vô tình giáng vào bệnh nhân, cũng như tước đoạt của họ những quyền lợi cơ bản mà họ xứng đáng được hưởng. Cũng chính vì khiếm khuyết trong việc nhìn nhận thế nào là một cuộc đời thành công – từ lúc một người sinh ra cho đến khi anh ta chết đi, chúng ta phó mặc số phận của mình cho người dưng, thuốc men và những công nghệ vô hồn.
Tôi viết cuốn sách này như một nỗ lực để thấu hiểu những gì đã và đang diễn ra. Cái chết có thể là một chủ đề đáng sợ để viết sách. Vài người có thể nghi ngờ, cảnh giác hoặc khó chịu trước một bác sĩ đi viết sách về sự bất tử của cái chết cũng như sự già đi của con người. Đối với một số độc giả thận trọng khác, cuốn sách này có thể gợi lên trong họ ý niệm không mấy hay ho về một xã hội đã và đang xem nhẹ sinh mạng của những người lớn tuổi và người bệnh tật. Nhưng nghĩ xem, chẳng phải trên thực tế hiện nay, những người già và những người bệnh tật đó vốn dĩ đã và đang bị thí mạng đó sao – họ là nạn nhân của sự bạc nhược và thiếu trung thực của chúng ta trong việc thừa nhận vòng luân hồi sinh-lão-bệnh-tử bất biến của vạn vật? Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu chúng ta chịu mở lòng với những cách thức tiếp cận mới và tích cực hơn đối với vấn đề này, nhất là khi chúng đang hiện hữu rõ mồn một trước mắt chúng ta, chực chờ chúng ta khai phá và áp dụng chúng?