Nghe tin ai đó chết
Một năm trước, buổi sáng mẹ tôi vào bảo tôi: “Cậu Tư chết rồi!” Tôi đơ ra một vài giây, rồi tôi hỏi tại sao. Mẹ lại bảo: “Không biết! Đang đứng trước cửa thì đổ gục xuống ôm tim rồi qua đời.”
Thấm thoát đã một năm…
Hôm qua nữa, nghe cậu bạn kể cái cô gái trợ giảng trên một trung tâm dạy học mà tôi từng học sau một ngày uống rượu, hôm nay cũng đã qua đời đột ngột. Sáng sớm anh bạn trai qua nhà, thấy cô đã tím ngắt. Cô gái sống trên Sài Gòn một mình, với một con mèo…
Ông thầy giáo nhà ngay sát bên nhà tôi, ban sáng còn nói chuyện với bà ngoại tôi đôi câu, đến chiều đã đột quỵ rồi ra đi luôn trong tối đó. Đám ma diễn ra sát bên tai tôi vài đêm sau đó, kèn trống đánh bên tai tôi nhiều tháng sau đó…
Thật ra tôi tin rằng chính bản thân tôi và bạn, không phải đợi đến khi nghe tin ai đó chết mới thấy quý sự sống. Đó là một mô tuýp nhắc nhở quá quen thuộc trên môi nhiều người trong suốt những năm tháng cũ. Cứ thỉnh thoảng bạn lại thấy người ta nhắc thế, trên truyền hình, hoặc trong một bộ phim nào đấy.
Cho nên khi tôi nghe tin ai đó chết, tôi vẫn sống hằng ngày bằng tất cả những gì tôi có, và tôi cảm thấy…
Tôi chưa thực sự sống với những gì tôi có.
Nghe thật mâu thuẫn… Nhưng chuyện là vầy…
Trong lúc tôi tìm những bức ảnh minh họa cho cuốn sách mới, tôi lục tung mọi “folder” hình. Sau đó tôi thấy hình những người bạn cũ. Tôi bật cười thích thú. Tôi mang ảnh họ ra, “photoshop” cho lung linh rồi gửi tặng trên “wall facebook” của họ. Sau đó, tôi tắt máy đã là 23:00, và tôi quên đi hẳn mục đích ban đầu của tôi là gì. Công việc đó buộc phải dời qua sáng hôm sau trong khi lẽ ra nó phải xong ngay trong đêm vì mắt tôi đã díp lại, không còn đủ tỉnh táo.
Tôi đi ngủ lúc 23:00, đến mãi 00:30 tôi vẫn chưa chợp mắt. Đầu tôi cứ nghĩ đến tôi còn chưa làm xong việc gì, album nhạc mới còn thiếu bài nào, có nên đổi bài không, ai phối nhạc Ballad hay hơn v.v… Sau đó tôi ngủ quên, nhưng tôi biết là muộn hơn nhiều lắm.
Trong lúc tôi chạy xe, tôi cứ nghĩ miên man. Chợt nhớ có một tin nhắn chưa gửi. Để tiết kiệm thời gian, tôi vừa đi vừa nhìn đường vừa nhắn tin. Rồi khi tôi nhìn lên, tôi suýt va phải một cái ụ to bên đường. Sau đó tôi còn cười tự nhủ mình may mắn.
Tôi nghe một bài đọc. Bài đọc rất hay, giọng đọc rất hay. Nhưng tôi cứ thắc mắc, sao tôi không nhớ gì nhiều. Sau đó, tôi mới phát hiện mình nghe một chút xong rồi lại để ý nghĩ trong đầu kéo đi. Rồi lại tập trung nghe một chút. Rồi lại bị kéo đi. Nên nhiều khi tôi nghe bài, đọc sách mà khi nghe, đọc lại cứ thấy như mới. Bởi tôi có tập trung được để nhớ đâu?
Tôi chưa có bữa ăn nào mà không suy nghĩ đến những chuyện khác.
Bỗng dưng tôi thấy mình đánh mất hiện tại, dẫu tôi đang sống trong nó…
Ngày xưa, thầy tôi bảo có những đứa bé bị bệnh đao. Suốt ngày chúng cứ cười và làm những gì chúng thích. Ba mẹ có thể đau lòng, nhưng thật ra là họ không biết rằng đứa con đó của họ đang hạnh phúc. Hãy nhìn bé cười, trong sáng, ngây ngô, không một chút bận lòng. Đó chẳng phải là đỉnh cao của cuộc đời này hay sao?
Có những khi chúng ta sống, mà không khác gì đang trôi.
Chúng ta cứ trôi đi, lềnh bềnh như lục bình. Chúng ta nhìn nhưng không thấy. Chúng ta thấy nhưng không cảm giác. Chúng ta cảm giác nhưng không thấu, hoặc thậm chí đã thấu vẫn không hành động. “Internet” cứ mang hàng nghìn thông tin bổ ích có, vớ vẩn có đổ vào đầu chúng ta hằng ngày, chúng ta quá tải trong việc sàng lọc và mặc kệ mọi thứ. Những giá trị thật – ảo cứ thế mà đan xen, chồng chéo…
Khi tôi nghe tin ai đó chết. Bỗng dưng tôi lạnh toát cả người. Tôi sợ chết. Nỗi sợ chết ập về, ám ảnh. Nhưng đó giống như một cú tát thật đau, để tôi bừng tỉnh ngay giữa thực tại này. Tôi bắt đầu ghi lên bảng trắng những việc mình sẽ làm trong ngày, rồi làm cho bằng được. Tôi bắt đầu ngó qua trái, nhìn sang phải. Ừ, góc đường đó có những gì mà hằng ngày tôi không thấy. Kìa, tôi dám nói lời chúc mừng sinh nhật dẫu trước đó rất ghét phải sến súa với bạn bè thân. Tôi không còn trách quá khứ đã đánh mất những gì. Tôi uống trà và cảm nhận hương vị của nó dẫu trước đó với tôi một trăm loại trà chỉ có một mùi.
Tận hưởng hiện tại, mở rộng giác quan, tô đậm hiện tại… Hãy làm đi khi bạn vẫn còn đang khỏe mạnh và được sống. Cái chết như người thầy nghiêm khắc, rớt trong bài kiểm tra của ổng thì vĩnh viễn không thể làm lại…
Chợt nhớ câu chuyện một người bị một con hổ rượt rớt xuống vách núi. Anh ta giữ thân mình lại bằng một dây leo yếu ớt, bên dưới là vực thẳm. Dây leo sắp đứt, hổ đói sắp vồ, vực sâu thăm thẳm. Bỗng anh ta thấy có một nhánh dâu dại mọc gần đó. Anh đưa tay, cắn trái dâu, nhắm mắt và mỉm cười: “Ngọt quá!”
Ai mà không phải chết? Nhưng biết sống thì không có nhiều người.
Nghe tin ai đó chết không chỉ làm bạn trân trọng hiện tại. Mà còn phải tiếp xúc sâu sắc với những giá trị mà nó mang đến nữa…
Cúp máy ngủ ngon!
Hôm qua ngồi nói chuyện điện thoại với một người chị xong thì chị ấy bảo: “Đấy! Nói chuyện với mày xong tao với mày cúp máy ngủ ngon, chẳng lo nghĩ gì nhiều…”
Chị làm tôi giật mình với câu nói “cúp máy ngủ ngon”.
Bạn biết không, nói chuyện điện thoại với một người xong mà bạn có thể cúp máy ngủ ngon thật ra không dễ như mình tưởng! Trong một vài câu chuyện, bạn sẽ không ngừng lo lắng, không biết mình có nói hớ hênh cái gì không hoặc là có đang bị dụ dỗ cái gì không. Tôi còn biết nhiều người gài cả chế độ ghi âm tự động vào máy, để có gì sau này còn bằng chứng để “tố” nhau.
Dùng một phút để rà soát lại, trong đời bạn có bao nhiêu người mà bạn có thể “cúp máy ngủ ngon” như thế?
Cái đứa mình ghét
Luôn có một đứa mình ghét trong cuộc đời. Mình không biết tại sao từ khi số phận để cho hai đứa biết nhau, mình đã ghét nó đến như vậy!
Mình với nó không hề liên quan nhưng mình không thích nó hơn mình điều gì.
Làm kiểm tra mình không cần điểm cao, nhưng phải cao hơn nó.
Đi chơi chung, xe mình phải đẹp hơn xe nó.
Bố mình phải làm chức cao hơn bố nó.
Bồ mình phải đẹp hơn bồ nó. (dù chỉ là mình tự nghĩ vậy!)
Khi ra trường mình muốn mình làm việc ngon hơn nó, kiếm tiền nhiều hơn nó.
Chuyện gì của nó mình cũng muốn biết, để đoán xem nó đang làm gì, để xem mình phải làm gì, để vượt xa nó, cho nó ngửi khói…
Ấy vậy mà…
Khi cái đứa mình ghét gặp rủi ro, tự dưng mình chùng dạ. Cái đứa mình ghét có khi cũng mệt mỏi khi cứ phải tranh đấu vô nghĩa với mình, nó bảo nó không muốn nữa, tha cho nó đi.
Cái đứa mình ghét đâu có biết…
Dù mang tiếng ghét, nhưng nó là động lực để mình phát triển, mình giỏi hơn. Cái đứa mình ghét nó giống một người bạn đồng hành đi bên cạnh, nó nhìn sang mình, mình nhìn sang nó cùng đi tới.
Ghét là ghét vậy thôi, nó đau, mình cũng không cầm được nước mắt…