18 tháng trị liệu tâm lý tập trung đã xong, thời gian này Catherine gặp tôi một hay hai lần mỗi tuần. Cô ấy là một bệnh nhân tốt, hay nói, có khả năng thấu hiểu và hết sức nôn nóng lành bệnh.
Trong thời gian đó, chúng tôi đã tìm hiểu cảm giác, suy nghĩ và những giấc mơ của cô. Khả năng nhận biết kiểu hành vi lặp đi lặp lại giúp cô có được sự thấu hiểu. Cô nhớ lại rất nhiều chi tiết quan trọng trong quá khứ, chẳng hạn sự vắng nhà của người cha vốn là thủy thủ thuyền buôn và thỉnh thoảng là những cơn bạo lực bùng phát sau khi uống quá nhiều rượu. Cô cũng hiểu rõ hơn hẳn mối quan hệ đầy sóng gió với Stuart và thể hiện sự giận dữ thích đáng. Tôi cảm thấy giờ đây lẽ ra tình trạng của cô phải được cải thiện hơn. Hầu hết bệnh nhân luôn khá lên khi nhớ được những tác động không vui trong quá khứ, khi họ học được cách nhận biết và điều chỉnh những kiểu hành vi không phù hợp và khi họ thấu hiểu, nhìn nhận vấn đề của mình từ một quan điểm rộng và ít ràng buộc hơn. Nhưng Catherine thì không khá lên chút nào.
Nỗi lo âu và hoảng sợ vẫn tiếp tục tra tấn cô ấy. Những cơn ác mộng cũ vẫn sống động và cô vẫn sợ hãi bóng tối, nước và cảm giác bị nhốt kín. Giấc ngủ của cô vẫn chập chờn và không sâu. Cô gặp phải tình trạng tim đập dồn dập. Cô vẫn tiếp tục từ chối uống thuốc, sợ những viên thuốc sẽ gây ngạt thở. Tôi cảm thấy như mình đang gặp phải một bức tường cao tới mức mà dù có làm đủ mọi cách thì không ai trong hai chúng tôi có thể vượt qua. Tuy vậy, cùng với cảm giác dao động, tôi lại có thêm quyết tâm. Dù thế nào, tôi cũng sẽ giúp Catherine.
Và rồi một điều kỳ lạ đã xảy đến. Dù rất sợ đi máy bay và phải tiếp thêm dũng cảm bằng vài ly rượu khi ở trên không nhưng Catherine đã cùng Stuart đến tham dự một hội nghị y khoa ở Chicago vào mùa xuân 1982. Trong thời gian đó, cô đã nài ép anh ấy đi xem một cuộc triển lãm về Ai Cập tại một bảo tàng nghệ thuật, họ nhập vào một đoàn tham quan có người hướng dẫn.
Catherine luôn quan tâm đến cổ vật Ai Cập cũng như những bản sao cổ vật thời đó. Cô không thể là học giả và cũng chưa bao giờ nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này nhưng dường như những vật đó có vẻ quen thuộc với cô.
Khi người hướng dẫn bắt đầu giới thiệu một vài vật triển lãm thì cô thấy mình đang sửa lỗi cho anh ta và… cô đúng! Người hướng dẫn ngạc nghiên; Catherine cũng vô cùng kinh ngạc. Làm sao cô biết được những điều đó? Tại sao cô cảm thấy rất chắc chắn rằng mình đúng, tự tin đến mức dám đính chính lời người hướng dẫn trước đám đông? Có lẽ đây là ký ức từ nhỏ nhưng bị quên mất.
Ở buổi trị liệu tiếp theo, Catherine kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra. Nhiều tháng trước, tôi đã gợi ý thôi miên cho cô nhưng Catherine sợ và từ chối. Với những gì xảy ra ở triển lãm về cổ vật Ai Cập, giờ đây cô miễn cưỡng đồng ý.
Thôi miên là một phương pháp tuyệt vời để giúp bệnh nhân nhớ lại những tai nạn mà họ quên từ lâu. Không có gì bí hiểm ở đây cả. Đó chỉ là trạng thái tập trung cao độ. Với sự hướng dẫn của những nhà thôi miên được đào tạo bài bản, cơ thể của bệnh nhân được thư giãn, nhờ thế mà trí nhớ trở nên bén nhạy. Tôi đã từng thôi miên hàng trăm bệnh nhân và thấy nó hữu hiệu trong việc giảm bớt căng thẳng, loại trừ chứng sợ hãi, thay đổi những thói quen xấu và giúp nhớ lại những điều bị kìm nén. Thỉnh thoảng tôi cũng thành công trong việc đưa bệnh nhân quay lại tuổi thơ, thậm chí lúc họ chỉ hai hay ba tuổi, nhờ vậy mà có thể tìm lại được ký ức về những sang chấn tâm lý bị lãng quên từ lâu, đang khiến cuộc sống của họ bất ổn. Tôi tin rằng thôi miên sẽ giúp được Catherine.
Tôi hướng dẫn Catherine nằm trên ghế sô pha với đôi mắt khép hờ và tựa đầu lên một chiếc gối nhỏ. Đầu tiên chúng tôi tập trung vào hơi thở của cô ấy. Mỗi hơi thở ra cô ấy lại giải phóng sự căng thẳng và hồi hộp tích tụ lâu nay; mỗi hơi hít vào cô còn giải phóng được nhiều hơn nữa. Sau vài phút như thế, tôi bảo cô hình dung những bắp thịt của mình từ từ thư giãn, bắt đầu từ cơ mặt và hàm, sau đó đến cổ và vai, cánh tay, cơ lưng và bụng, cuối cùng là đôi chân. Cô ấy cảm thấy toàn bộ thân mình như ngày càng chìm sâu vào ghế nệm.
Tiếp theo tôi hướng dẫn cô hình dung một nguồn ánh sáng trắng ở đỉnh đầu, bên trong cơ thể của cô. Sau đó, tôi điều khiển nguồn sáng này từ từ tỏa xuống cơ thể cô để giúp thư giãn hoàn toàn từng bắp thịt, từng dây thần kinh, từng cơ quan – tất cả cơ thể của cô – đưa cô ngày càng đi sâu hơn vào trạng thái thư giãn và an bình. Cô cảm thấy càng lúc càng buồn ngủ, càng lúc càng an lành, tĩnh lặng. Cuối cùng, theo hướng dẫn của tôi, ánh sáng tràn ngập cơ thể cũng như bao quanh cô ấy.
Tôi từ từ đếm ngược từ mười đến một. Cứ mỗi số cô lại chìm sâu hơn vào trạng thái thư giãn. Tình trạng xuất thần của cô sâu hơn. Cô có thể tập trung vào giọng nói của tôi và loại trừ mọi tiếng động xung quanh. Lúc đếm đến một, cô đã ở trong trạng thái xuất thần khá sâu của thôi miên. Toàn bộ quá trình này mất khoảng hai mươi phút.
Sau đó tôi bắt đầu hướng dẫn cô ấy đi ngược về quá khứ, yêu cầu cô nhớ lại những ký ức tuổi thơ một cách chậm rãi. Cô có thể nói chuyện và trả lời những câu hỏi của tôi trong khi vẫn ở trong tình trạng thôi miên sâu. Cô nhớ lại một hồi ức đau thương với nha sỹ xảy ra khi cô sáu tuổi. Cô nhớ lại một cách sống động khi bị xô từ cầu nhảy xuống hồ bơi. Cô bị chẹn họng rồi thấy ngạt thở, bị uống mấy ngụm nước và trong khi đang kể về điều này cô bắt đầu thở gấp vì ngạt trong văn phòng của tôi. Tôi gợi ý cho cô ấy là tình trạng đó đã qua rồi, cô đã ra khỏi nước. Tình trạng nôn ọe chấm dứt và cô thở lại bình thường. Cô vẫn ở trong trạng thái xuất thần.
Vào lúc ba tuổi, sự việc tồi tệ nhất đã xảy ra. Cô nhớ lại là cô bị đánh thức trong phòng ngủ tối đen của mình và thấy cha cô đang ở trong phòng. Lúc đó người ông nồng nặc mùi rượu mà giờ cô còn ngửi thấy. Ông ấy sờ soạng và vuốt ve cô ngay dưới “chỗ đó”. Cô kinh hãi và bắt đầu khóc, vì thế ông ấy bịt miệng cô bằng bàn tay thô ráp của mình. Cô không thở được. Trong văn phòng tôi, trên ghế sô pha, hai mươi lăm năm sau, Catherine bắt đầu khóc nức nở. Tôi cảm thấy là giờ đây chúng tôi đã có được thông tin, tìm được chìa cho ổ khóa. Tôi chắc rằng những triệu chứng của cô sẽ được cải thiện nhanh chóng và triệt để. Tôi nhẹ nhàng khuyên cô rằng chuyện đó đã qua rồi, cô không còn ở trong phòng ngủ của mình nữa mà đang yên lặng nghỉ ngơi, vẫn đang ở trong tình trạng xuất thần. Cơn nức nở chấm dứt. Tôi hướng dẫn cô quay về thời điểm hiện tại. Tôi đánh thức cô sau khi hướng dẫn cô nhớ lại mọi chuyện cô đã kể với tôi bằng những gợi ý sau thôi miên. Chúng tôi dành thời gian còn lại của buổi chữa trị để thảo luận về những ký ức đột nhiên trở lại rõ rệt trong chấn thương tâm lý với cha cô. Tôi cố giúp cô chấp nhận và tiếp thu kiến thức “mới” này. Giờ đây cô đã hiểu được mối quan hệ với cha mình, phản ứng của ông đối với cô, sự xa cách của ông và sự sợ hãi của cô đối với ông. Cô vẫn còn run rẩy khi rời văn phòng nhưng tôi biết rằng những hiểu biết cô vừa nhận được có thể bù đắp khoảng thời gian khó chịu kia.
Trong sự kích động của việc phát hiện ra những ký ức đau đớn và bị chôn chặt trong lòng, tôi quên bẵng việc tìm mối liên quan giữa tuổi thơ với kiến thức của cô về đồ vật của Ai Cập. Nhưng ít ra cô cũng đã hiểu rõ hơn quá khứ của mình. Cô đã nhớ lại một số sự kiện đáng sợ và tôi hy vọng những triệu chứng của cô sẽ thuyên giảm đáng kể.
Dù vậy, tuần tiếp theo, cô báo cáo rằng những triệu chứng của mình vẫn nguyên vẹn, vẫn trầm trọng như mọi khi. Tôi ngạc nghiên. Tôi không thể hiểu được mình đã sai ở đâu. Có chuyện gì đã xảy ra trước ba tuổi chăng? Chúng tôi đã tìm ra những nguyên nhân tường tận cho nỗi sợ ngạt thở, sợ nước, sợ bóng tối, sợ bị mắc kẹt, tuy vậy những triệu chứng và nỗi sợ sâu xa vẫn tiếp tục hủy hoại cô. Những cơn ác mộng vẫn đáng sợ như trước. Tôi quyết định phải dẫn cô xa hơn nữa.
Khi bị thôi miên, Catherine nói bằng một giọng thì thầm chậm rãi và thận trọng. Vì thế, tôi có thể viết lại chính xác những gì cô nói và có thể trích dẫn trực tiếp. (Những dấu ba chấm thể hiện khoảng nghỉ trong khi nói của cô chứ không phải là do tôi xóa hay biên tập từ ngữ. Tuy nhiên, những điều lặp lại sẽ không được đưa vào.)
Một cách thong thả, tôi đưa Catherine về khoảng thời gian hai tuổi nhưng ký ức của cô không có điều gì quan trọng. Tôi hướng dẫn cô chắc chắn và rõ ràng: “Hãy quay về thời điểm mà những triệu chứng của cô xuất hiện”. Tôi hoàn toàn không chuẩn bị cho những gì xảy ra sau đó.
“Tôi thấy những bậc thang màu trắng dẫn lên một tòa nhà, một tòa nhà trắng to lớn với những cây cột, phía trước trống trải. Không có lối vào. Tôi mặc áo dài… một chiếc túi làm bằng vải thô. Tôi có mái tóc vàng, dài và được tết lại.”
Tôi bối rối. Tôi không biết chắc điều gì đang xảy ra. Tôi hỏi cô ấy đó là năm nào, tên cô là gì. “Aronda… tôi 18 tuổi. Tôi thấy một cái chợ trước tòa nhà. Có những chiếc sọt… mọi người mang sọt trên vai. Chúng tôi sống trong một thung lũng… Không có nước. Đó là năm 1863 trước Công nguyên. Đây là vùng đất cằn cỗi, nóng và đầy cát. Có một cái giếng, không có sông. Nước chảy vào thung lũng từ những dãy núi.”
Sau khi cô kể thêm nhiều chi tiết địa hình, tôi bảo cô hãy tiến nhanh theo thời gian vài năm và kể cho tôi nghe những gì thấy được.
“Có cây cối và một con đường bằng đá. Tóc tôi màu vàng. Tôi mặc áo dài nâu bằng vải thô và đi giày xăng đan. Tôi 25 tuổi. Tôi có một đứa con gái tên là Cleastra… nó là Rachel [Rachel là cháu gái hiện thời của cô; họ luôn có mối quan hệ hết sức gần gũi]. Trời rất nóng.”
Tôi choáng váng. Bao tử tôi thắt lại và căn phòng trở nên lạnh lẽo. Hình ảnh cô thấy và những gì được nhớ lại dường như hết sức rõ ràng. Cô ấy không hề có chút lưỡng lự nào. Tên, ngày tháng, y phục, cây cối – tất cả đều sống động! Điều gì đang xảy ra ở đây? Làm thế nào mà con của cô ấy giờ đây lại trở thành cháu gái của cô? Tôi thậm chí còn bối rối hơn. Tôi đã điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân tâm thần, trong đó có nhiều người dùng phương pháp thôi miên và tôi chưa bao giờ gặp phải hiện tượng kỳ ảo như thế này trước đây – thậm chí cả ở trong mơ. Tôi hướng dẫn cô tiến đến thời điểm cô bị chết. Tôi không rõ làm thế nào để phỏng vấn một người trong trạng thái tưởng tượng như thế (hay đó là ký ức của cô ấy?) nhưng tôi đang tìm kiếm những sự kiện gây chấn thương có khả năng là nguyên nhân sâu xa của tình trạng sợ hãi hay các triệu chứng hiện thời. Những sự kiện quanh thời gian chết có khả năng là những chấn thương đặc biệt. Rõ ràng là đang có một trận lụt hay sóng thần tàn phá ngôi làng.
“Có những ngọn sóng lớn đánh bật gốc cây cối. Không thể trốn đi đâu được. Trời lạnh; nước cũng lạnh. Tôi phải cứu con tôi nhưng không thể… chỉ còn biết giữ chặt nó. Tôi bị chết đuối; nước làm tôi ngạt thở. Tôi không thể thở, không thể uống… nước muối. Con tôi bị giằng khỏi tay tôi.” Catherine đang há hốc miệng và khó thở. Đột nhiên cơ thể cô thả lỏng hoàn toàn, hơi thở trở nên sâu và đều đặn.
“Tôi thấy những đám mây… con tôi đang ở cùng tôi. Có cả những người khác trong làng. Tôi thấy anh tôi.”
Cô đang nghỉ ngơi, kiếp sống này đã chấm dứt. Cô vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu. Thật kinh ngạc! Kiếp sống trước? Đầu thai? Kiến thức lâm sàng bảo tôi rằng cô ấy không tưởng tượng ra mọi thứ, cô ấy không dựng lên những chuyện kỳ ảo này. Ý nghĩ, cách biểu hiện, sự chú ý đến những chi tiết đặc biệt, tất cả khác hẳn với cô ấy lúc tỉnh. Tôi nghĩ ngay đến mọi nguyên nhân tâm thần khả dĩ nhưng tình trạng tâm thần và kiểu tính cách của cô ấy không thể giải thích hiện tượng này. Tâm thần phân liệt? Không, cô ấy chưa bao giờ có bất kỳ triệu chứng nào về rối loạn nhận thức và suy nghĩ. Cô chưa bao giờ gặp phải ảo giác âm thanh giọng nói, ảo giác hình ảnh khi đang tỉnh, hay bất kỳ thời kỳ rối loạn tinh thần nào. Cô ấy không ảo tưởng và cũng không rời xa hiện thực. Cô ấy không bị đa nhân cách hay phân liệt. Chỉ có một Catherine và trí óc tỉnh táo của cô ấy hoàn toàn biết rõ điều đó. Cô ấy không có khuynh hướng chống đối hay gây rối xã hội. Cô ấy không phải là diễn viên. Cô ấy không dùng ma túy và cũng không uống các chất gây ảo giác. Lượng rượu cô uống chỉ ở mức tối thiểu. Cô ấy không bị bệnh thần kinh hay tâm thần – những bệnh có thể giải thích cho ký ức tức thời, sống động này khi đang bị thôi miên.
Những ký ức này là một loại trí nhớ nào đó nhưng là từ đâu? Thâm tâm tôi biết rằng mình đang vấp phải những thứ mà tôi hiểu biết rất ít – đầu thai và trí nhớ kiếp trước. Không thể nào, tôi tự nhủ; tư duy được giáo dục khoa học của tôi chống lại điều đó. Nhưng nó đang ở đây, xảy ra ngay trước mắt tôi. Tôi không thể giải thích nhưng tôi cũng không thể bác bỏ hiện thực này.
“Hãy tiếp tục”, tôi bảo, tuy hơi mất bình tĩnh nhưng phần nào bị mê hoặc trước những gì đang xảy ra. “Cô còn nhớ điều gì khác không?” Cô nhớ lại một phần của hai kiếp sống khác.
“Tôi mặc y phục với đăng ten đen và trên đầu tôi cũng có viền đăng ten đen. Tóc tôi màu sẫm và có tóc bạc. Đó là năm 1756. Tôi là một người Tây Ban Nha. Tôi tên là Louisa và tôi 56 tuổi. Tôi đang khiêu vũ; những người khác cũng đang khiêu vũ. [Nghỉ lâu] Tôi bị bệnh, sốt, đổ mồ hôi lạnh… rất nhiều người bị bệnh, mọi người đang hấp hối… các bác sỹ không biết nguyên nhân là do nước uống.” Tôi hướng dẫn cô ấy vượt nhanh thời gian, “Tôi bình phục nhưng đầu vẫn còn đau, mắt và đầu của tôi vẫn còn tổn thương vì trận sốt, vì nước… nhiều người chết.”
Sau đó cô nói cho tôi biết rằng cô là một gái điếm trong kiếp sống đó nhưng cô đã không tiết lộ thông tin đó vì cảm thấy xấu hổ. Rõ ràng, trong khi bị thôi miên, Catherine vẫn có thể kiểm duyệt một vài ký ức trước khi truyền lại cho tôi.
Vì Catherine nhận ra cháu mình trong một kiếp sống cổ xưa nên tôi đột ngột hỏi cô là tôi có hiện diện trong bất kỳ kiếp sống nào của cô không. Tôi tò mò về vai trò của mình, nếu có, trong ký ức của cô. Cô trả lời nhanh nhẹn, ngược với những hồi tưởng rất chậm và khó khăn trước đây.
“Ông là thầy của tôi, ngồi trên một gờ đá. Ông dạy chúng tôi theo sách. Ông đã già và có tóc bạc. Ông mặc áo dài trắng [Toga] viền bằng vàng… Tên của ông là Diogenes. Ông dạy chúng tôi những biểu tượng, hình tam giác. Ông rất thông thái, nhưng tôi không hiểu bài. Đó là năm 1568 trước Công nguyên.” (1200 năm trước thời nhà triết học phái khuyển nho Hy Lạp là Diogenes. Cái tên này không phải là hiếm gặp.)
Phiên trị liệu đầu tiên đã kết thúc. Những buổi trị liệu còn đáng kinh ngạc hơn vẫn chưa đến.
Sau khi Catherine ra về và trong những ngày tiếp theo, tôi suy xét cẩn thận những chi tiết của việc đi ngược thời gian bằng thôi miên. Suy xét là bản chất của tôi. Hiếm có chi tiết từ một giờ trị liệu “bình thường” thoát khỏi sự phân tích cặn kẽ của tôi huống gì một buổi trị liệu khó có thể gọi là “bình thường” như thế này. Ngoài ra, tôi rất hoài nghi về cuộc sống sau khi chết, sự đầu thai, trải nghiệm bên ngoài cơ thể và những hiện tượng liên quan. Sau cùng, phần lý trí cẩn trọng của tôi cho rằng đây có thể là hình ảnh tưởng tượng của cô ấy. Tôi thực sự không thể chứng minh bất kỳ khẳng định hay hình dung nào của cô ấy. Nhưng tôi cũng cảm nhận, dù hết sức mơ hồ, về một suy nghĩ sâu xa và ít cảm tính hơn. Hãy giữ đầu óc cởi mở, suy nghĩ này bảo; khoa học thật sự bắt đầu bằng việc quan sát. “Trí nhớ” của cô ấy có thể không phải kỳ ảo hay tưởng tượng. Có điều gì có còn sâu xa hơn những gì mắt thấy hay bất kỳ cảm nhận bằng giác quan nào khác. Giữ đầu óc cởi mở. Thu thập thêm dữ liệu.
Tôi có một ý nghĩ dai dẳng khác. Liệu Catherine, vốn dĩ có khuynh hướng sợ hãi và hồi hộp, có bị hoảng sợ tới mức không thể tiếp tục thôi miên không? Tôi quyết định không gọi cho cô. Hãy để cô ấy tiêu hóa dần sự việc này. Tôi nên đợi đến tuần kế.
18 tháng trị liệu tâm lý tập trung đã xong, thời gian này Catherine gặp tôi một hay hai lần mỗi tuần. Cô ấy là một bệnh nhân tốt, hay nói, có khả năng thấu hiểu và hết sức nôn nóng lành bệnh.
Trong thời gian đó, chúng tôi đã tìm hiểu cảm giác, suy nghĩ và những giấc mơ của cô. Khả năng nhận biết kiểu hành vi lặp đi lặp lại giúp cô có được sự thấu hiểu. Cô nhớ lại rất nhiều chi tiết quan trọng trong quá khứ, chẳng hạn sự vắng nhà của người cha vốn là thủy thủ thuyền buôn và thỉnh thoảng là những cơn bạo lực bùng phát sau khi uống quá nhiều rượu. Cô cũng hiểu rõ hơn hẳn mối quan hệ đầy sóng gió với Stuart và thể hiện sự giận dữ thích đáng. Tôi cảm thấy giờ đây lẽ ra tình trạng của cô phải được cải thiện hơn. Hầu hết bệnh nhân luôn khá lên khi nhớ được những tác động không vui trong quá khứ, khi họ học được cách nhận biết và điều chỉnh những kiểu hành vi không phù hợp và khi họ thấu hiểu, nhìn nhận vấn đề của mình từ một quan điểm rộng và ít ràng buộc hơn. Nhưng Catherine thì không khá lên chút nào.
Nỗi lo âu và hoảng sợ vẫn tiếp tục tra tấn cô ấy. Những cơn ác mộng cũ vẫn sống động và cô vẫn sợ hãi bóng tối, nước và cảm giác bị nhốt kín. Giấc ngủ của cô vẫn chập chờn và không sâu. Cô gặp phải tình trạng tim đập dồn dập. Cô vẫn tiếp tục từ chối uống thuốc, sợ những viên thuốc sẽ gây ngạt thở. Tôi cảm thấy như mình đang gặp phải một bức tường cao tới mức mà dù có làm đủ mọi cách thì không ai trong hai chúng tôi có thể vượt qua. Tuy vậy, cùng với cảm giác dao động, tôi lại có thêm quyết tâm. Dù thế nào, tôi cũng sẽ giúp Catherine.
Và rồi một điều kỳ lạ đã xảy đến. Dù rất sợ đi máy bay và phải tiếp thêm dũng cảm bằng vài ly rượu khi ở trên không nhưng Catherine đã cùng Stuart đến tham dự một hội nghị y khoa ở Chicago vào mùa xuân 1982. Trong thời gian đó, cô đã nài ép anh ấy đi xem một cuộc triển lãm về Ai Cập tại một bảo tàng nghệ thuật, họ nhập vào một đoàn tham quan có người hướng dẫn.
Catherine luôn quan tâm đến cổ vật Ai Cập cũng như những bản sao cổ vật thời đó. Cô không thể là học giả và cũng chưa bao giờ nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này nhưng dường như những vật đó có vẻ quen thuộc với cô.
Khi người hướng dẫn bắt đầu giới thiệu một vài vật triển lãm thì cô thấy mình đang sửa lỗi cho anh ta và… cô đúng! Người hướng dẫn ngạc nghiên; Catherine cũng vô cùng kinh ngạc. Làm sao cô biết được những điều đó? Tại sao cô cảm thấy rất chắc chắn rằng mình đúng, tự tin đến mức dám đính chính lời người hướng dẫn trước đám đông? Có lẽ đây là ký ức từ nhỏ nhưng bị quên mất.
Ở buổi trị liệu tiếp theo, Catherine kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra. Nhiều tháng trước, tôi đã gợi ý thôi miên cho cô nhưng Catherine sợ và từ chối. Với những gì xảy ra ở triển lãm về cổ vật Ai Cập, giờ đây cô miễn cưỡng đồng ý.
Thôi miên là một phương pháp tuyệt vời để giúp bệnh nhân nhớ lại những tai nạn mà họ quên từ lâu. Không có gì bí hiểm ở đây cả. Đó chỉ là trạng thái tập trung cao độ. Với sự hướng dẫn của những nhà thôi miên được đào tạo bài bản, cơ thể của bệnh nhân được thư giãn, nhờ thế mà trí nhớ trở nên bén nhạy. Tôi đã từng thôi miên hàng trăm bệnh nhân và thấy nó hữu hiệu trong việc giảm bớt căng thẳng, loại trừ chứng sợ hãi, thay đổi những thói quen xấu và giúp nhớ lại những điều bị kìm nén. Thỉnh thoảng tôi cũng thành công trong việc đưa bệnh nhân quay lại tuổi thơ, thậm chí lúc họ chỉ hai hay ba tuổi, nhờ vậy mà có thể tìm lại được ký ức về những sang chấn tâm lý bị lãng quên từ lâu, đang khiến cuộc sống của họ bất ổn. Tôi tin rằng thôi miên sẽ giúp được Catherine.
Tôi hướng dẫn Catherine nằm trên ghế sô pha với đôi mắt khép hờ và tựa đầu lên một chiếc gối nhỏ. Đầu tiên chúng tôi tập trung vào hơi thở của cô ấy. Mỗi hơi thở ra cô ấy lại giải phóng sự căng thẳng và hồi hộp tích tụ lâu nay; mỗi hơi hít vào cô còn giải phóng được nhiều hơn nữa. Sau vài phút như thế, tôi bảo cô hình dung những bắp thịt của mình từ từ thư giãn, bắt đầu từ cơ mặt và hàm, sau đó đến cổ và vai, cánh tay, cơ lưng và bụng, cuối cùng là đôi chân. Cô ấy cảm thấy toàn bộ thân mình như ngày càng chìm sâu vào ghế nệm.
Tiếp theo tôi hướng dẫn cô hình dung một nguồn ánh sáng trắng ở đỉnh đầu, bên trong cơ thể của cô. Sau đó, tôi điều khiển nguồn sáng này từ từ tỏa xuống cơ thể cô để giúp thư giãn hoàn toàn từng bắp thịt, từng dây thần kinh, từng cơ quan – tất cả cơ thể của cô – đưa cô ngày càng đi sâu hơn vào trạng thái thư giãn và an bình. Cô cảm thấy càng lúc càng buồn ngủ, càng lúc càng an lành, tĩnh lặng. Cuối cùng, theo hướng dẫn của tôi, ánh sáng tràn ngập cơ thể cũng như bao quanh cô ấy.
Tôi từ từ đếm ngược từ mười đến một. Cứ mỗi số cô lại chìm sâu hơn vào trạng thái thư giãn. Tình trạng xuất thần của cô sâu hơn. Cô có thể tập trung vào giọng nói của tôi và loại trừ mọi tiếng động xung quanh. Lúc đếm đến một, cô đã ở trong trạng thái xuất thần khá sâu của thôi miên. Toàn bộ quá trình này mất khoảng hai mươi phút.
Sau đó tôi bắt đầu hướng dẫn cô ấy đi ngược về quá khứ, yêu cầu cô nhớ lại những ký ức tuổi thơ một cách chậm rãi. Cô có thể nói chuyện và trả lời những câu hỏi của tôi trong khi vẫn ở trong tình trạng thôi miên sâu. Cô nhớ lại một hồi ức đau thương với nha sỹ xảy ra khi cô sáu tuổi. Cô nhớ lại một cách sống động khi bị xô từ cầu nhảy xuống hồ bơi. Cô bị chẹn họng rồi thấy ngạt thở, bị uống mấy ngụm nước và trong khi đang kể về điều này cô bắt đầu thở gấp vì ngạt trong văn phòng của tôi. Tôi gợi ý cho cô ấy là tình trạng đó đã qua rồi, cô đã ra khỏi nước. Tình trạng nôn ọe chấm dứt và cô thở lại bình thường. Cô vẫn ở trong trạng thái xuất thần.
Vào lúc ba tuổi, sự việc tồi tệ nhất đã xảy ra. Cô nhớ lại là cô bị đánh thức trong phòng ngủ tối đen của mình và thấy cha cô đang ở trong phòng. Lúc đó người ông nồng nặc mùi rượu mà giờ cô còn ngửi thấy. Ông ấy sờ soạng và vuốt ve cô ngay dưới “chỗ đó”. Cô kinh hãi và bắt đầu khóc, vì thế ông ấy bịt miệng cô bằng bàn tay thô ráp của mình. Cô không thở được. Trong văn phòng tôi, trên ghế sô pha, hai mươi lăm năm sau, Catherine bắt đầu khóc nức nở. Tôi cảm thấy là giờ đây chúng tôi đã có được thông tin, tìm được chìa cho ổ khóa. Tôi chắc rằng những triệu chứng của cô sẽ được cải thiện nhanh chóng và triệt để. Tôi nhẹ nhàng khuyên cô rằng chuyện đó đã qua rồi, cô không còn ở trong phòng ngủ của mình nữa mà đang yên lặng nghỉ ngơi, vẫn đang ở trong tình trạng xuất thần. Cơn nức nở chấm dứt. Tôi hướng dẫn cô quay về thời điểm hiện tại. Tôi đánh thức cô sau khi hướng dẫn cô nhớ lại mọi chuyện cô đã kể với tôi bằng những gợi ý sau thôi miên. Chúng tôi dành thời gian còn lại của buổi chữa trị để thảo luận về những ký ức đột nhiên trở lại rõ rệt trong chấn thương tâm lý với cha cô. Tôi cố giúp cô chấp nhận và tiếp thu kiến thức “mới” này. Giờ đây cô đã hiểu được mối quan hệ với cha mình, phản ứng của ông đối với cô, sự xa cách của ông và sự sợ hãi của cô đối với ông. Cô vẫn còn run rẩy khi rời văn phòng nhưng tôi biết rằng những hiểu biết cô vừa nhận được có thể bù đắp khoảng thời gian khó chịu kia.
Trong sự kích động của việc phát hiện ra những ký ức đau đớn và bị chôn chặt trong lòng, tôi quên bẵng việc tìm mối liên quan giữa tuổi thơ với kiến thức của cô về đồ vật của Ai Cập. Nhưng ít ra cô cũng đã hiểu rõ hơn quá khứ của mình. Cô đã nhớ lại một số sự kiện đáng sợ và tôi hy vọng những triệu chứng của cô sẽ thuyên giảm đáng kể.
Dù vậy, tuần tiếp theo, cô báo cáo rằng những triệu chứng của mình vẫn nguyên vẹn, vẫn trầm trọng như mọi khi. Tôi ngạc nghiên. Tôi không thể hiểu được mình đã sai ở đâu. Có chuyện gì đã xảy ra trước ba tuổi chăng? Chúng tôi đã tìm ra những nguyên nhân tường tận cho nỗi sợ ngạt thở, sợ nước, sợ bóng tối, sợ bị mắc kẹt, tuy vậy những triệu chứng và nỗi sợ sâu xa vẫn tiếp tục hủy hoại cô. Những cơn ác mộng vẫn đáng sợ như trước. Tôi quyết định phải dẫn cô xa hơn nữa.
Khi bị thôi miên, Catherine nói bằng một giọng thì thầm chậm rãi và thận trọng. Vì thế, tôi có thể viết lại chính xác những gì cô nói và có thể trích dẫn trực tiếp. (Những dấu ba chấm thể hiện khoảng nghỉ trong khi nói của cô chứ không phải là do tôi xóa hay biên tập từ ngữ. Tuy nhiên, những điều lặp lại sẽ không được đưa vào.)
Một cách thong thả, tôi đưa Catherine về khoảng thời gian hai tuổi nhưng ký ức của cô không có điều gì quan trọng. Tôi hướng dẫn cô chắc chắn và rõ ràng: “Hãy quay về thời điểm mà những triệu chứng của cô xuất hiện”. Tôi hoàn toàn không chuẩn bị cho những gì xảy ra sau đó.
“Tôi thấy những bậc thang màu trắng dẫn lên một tòa nhà, một tòa nhà trắng to lớn với những cây cột, phía trước trống trải. Không có lối vào. Tôi mặc áo dài… một chiếc túi làm bằng vải thô. Tôi có mái tóc vàng, dài và được tết lại.”
Tôi bối rối. Tôi không biết chắc điều gì đang xảy ra. Tôi hỏi cô ấy đó là năm nào, tên cô là gì. “Aronda… tôi 18 tuổi. Tôi thấy một cái chợ trước tòa nhà. Có những chiếc sọt… mọi người mang sọt trên vai. Chúng tôi sống trong một thung lũng… Không có nước. Đó là năm 1863 trước Công nguyên. Đây là vùng đất cằn cỗi, nóng và đầy cát. Có một cái giếng, không có sông. Nước chảy vào thung lũng từ những dãy núi.”
Sau khi cô kể thêm nhiều chi tiết địa hình, tôi bảo cô hãy tiến nhanh theo thời gian vài năm và kể cho tôi nghe những gì thấy được.
“Có cây cối và một con đường bằng đá. Tóc tôi màu vàng. Tôi mặc áo dài nâu bằng vải thô và đi giày xăng đan. Tôi 25 tuổi. Tôi có một đứa con gái tên là Cleastra… nó là Rachel [Rachel là cháu gái hiện thời của cô; họ luôn có mối quan hệ hết sức gần gũi]. Trời rất nóng.”
Tôi choáng váng. Bao tử tôi thắt lại và căn phòng trở nên lạnh lẽo. Hình ảnh cô thấy và những gì được nhớ lại dường như hết sức rõ ràng. Cô ấy không hề có chút lưỡng lự nào. Tên, ngày tháng, y phục, cây cối – tất cả đều sống động! Điều gì đang xảy ra ở đây? Làm thế nào mà con của cô ấy giờ đây lại trở thành cháu gái của cô? Tôi thậm chí còn bối rối hơn. Tôi đã điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân tâm thần, trong đó có nhiều người dùng phương pháp thôi miên và tôi chưa bao giờ gặp phải hiện tượng kỳ ảo như thế này trước đây – thậm chí cả ở trong mơ. Tôi hướng dẫn cô tiến đến thời điểm cô bị chết. Tôi không rõ làm thế nào để phỏng vấn một người trong trạng thái tưởng tượng như thế (hay đó là ký ức của cô ấy?) nhưng tôi đang tìm kiếm những sự kiện gây chấn thương có khả năng là nguyên nhân sâu xa của tình trạng sợ hãi hay các triệu chứng hiện thời. Những sự kiện quanh thời gian chết có khả năng là những chấn thương đặc biệt. Rõ ràng là đang có một trận lụt hay sóng thần tàn phá ngôi làng.
“Có những ngọn sóng lớn đánh bật gốc cây cối. Không thể trốn đi đâu được. Trời lạnh; nước cũng lạnh. Tôi phải cứu con tôi nhưng không thể… chỉ còn biết giữ chặt nó. Tôi bị chết đuối; nước làm tôi ngạt thở. Tôi không thể thở, không thể uống… nước muối. Con tôi bị giằng khỏi tay tôi.” Catherine đang há hốc miệng và khó thở. Đột nhiên cơ thể cô thả lỏng hoàn toàn, hơi thở trở nên sâu và đều đặn.
“Tôi thấy những đám mây… con tôi đang ở cùng tôi. Có cả những người khác trong làng. Tôi thấy anh tôi.”
Cô đang nghỉ ngơi, kiếp sống này đã chấm dứt. Cô vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu. Thật kinh ngạc! Kiếp sống trước? Đầu thai? Kiến thức lâm sàng bảo tôi rằng cô ấy không tưởng tượng ra mọi thứ, cô ấy không dựng lên những chuyện kỳ ảo này. Ý nghĩ, cách biểu hiện, sự chú ý đến những chi tiết đặc biệt, tất cả khác hẳn với cô ấy lúc tỉnh. Tôi nghĩ ngay đến mọi nguyên nhân tâm thần khả dĩ nhưng tình trạng tâm thần và kiểu tính cách của cô ấy không thể giải thích hiện tượng này. Tâm thần phân liệt? Không, cô ấy chưa bao giờ có bất kỳ triệu chứng nào về rối loạn nhận thức và suy nghĩ. Cô chưa bao giờ gặp phải ảo giác âm thanh giọng nói, ảo giác hình ảnh khi đang tỉnh, hay bất kỳ thời kỳ rối loạn tinh thần nào. Cô ấy không ảo tưởng và cũng không rời xa hiện thực. Cô ấy không bị đa nhân cách hay phân liệt. Chỉ có một Catherine và trí óc tỉnh táo của cô ấy hoàn toàn biết rõ điều đó. Cô ấy không có khuynh hướng chống đối hay gây rối xã hội. Cô ấy không phải là diễn viên. Cô ấy không dùng ma túy và cũng không uống các chất gây ảo giác. Lượng rượu cô uống chỉ ở mức tối thiểu. Cô ấy không bị bệnh thần kinh hay tâm thần – những bệnh có thể giải thích cho ký ức tức thời, sống động này khi đang bị thôi miên.
Những ký ức này là một loại trí nhớ nào đó nhưng là từ đâu? Thâm tâm tôi biết rằng mình đang vấp phải những thứ mà tôi hiểu biết rất ít – đầu thai và trí nhớ kiếp trước. Không thể nào, tôi tự nhủ; tư duy được giáo dục khoa học của tôi chống lại điều đó. Nhưng nó đang ở đây, xảy ra ngay trước mắt tôi. Tôi không thể giải thích nhưng tôi cũng không thể bác bỏ hiện thực này.
“Hãy tiếp tục”, tôi bảo, tuy hơi mất bình tĩnh nhưng phần nào bị mê hoặc trước những gì đang xảy ra. “Cô còn nhớ điều gì khác không?” Cô nhớ lại một phần của hai kiếp sống khác.
“Tôi mặc y phục với đăng ten đen và trên đầu tôi cũng có viền đăng ten đen. Tóc tôi màu sẫm và có tóc bạc. Đó là năm 1756. Tôi là một người Tây Ban Nha. Tôi tên là Louisa và tôi 56 tuổi. Tôi đang khiêu vũ; những người khác cũng đang khiêu vũ. [Nghỉ lâu] Tôi bị bệnh, sốt, đổ mồ hôi lạnh… rất nhiều người bị bệnh, mọi người đang hấp hối… các bác sỹ không biết nguyên nhân là do nước uống.” Tôi hướng dẫn cô ấy vượt nhanh thời gian, “Tôi bình phục nhưng đầu vẫn còn đau, mắt và đầu của tôi vẫn còn tổn thương vì trận sốt, vì nước… nhiều người chết.”
Sau đó cô nói cho tôi biết rằng cô là một gái điếm trong kiếp sống đó nhưng cô đã không tiết lộ thông tin đó vì cảm thấy xấu hổ. Rõ ràng, trong khi bị thôi miên, Catherine vẫn có thể kiểm duyệt một vài ký ức trước khi truyền lại cho tôi.
Vì Catherine nhận ra cháu mình trong một kiếp sống cổ xưa nên tôi đột ngột hỏi cô là tôi có hiện diện trong bất kỳ kiếp sống nào của cô không. Tôi tò mò về vai trò của mình, nếu có, trong ký ức của cô. Cô trả lời nhanh nhẹn, ngược với những hồi tưởng rất chậm và khó khăn trước đây.
“Ông là thầy của tôi, ngồi trên một gờ đá. Ông dạy chúng tôi theo sách. Ông đã già và có tóc bạc. Ông mặc áo dài trắng [Toga] viền bằng vàng… Tên của ông là Diogenes. Ông dạy chúng tôi những biểu tượng, hình tam giác. Ông rất thông thái, nhưng tôi không hiểu bài. Đó là năm 1568 trước Công nguyên.” (1200 năm trước thời nhà triết học phái khuyển nho Hy Lạp là Diogenes. Cái tên này không phải là hiếm gặp.)
Phiên trị liệu đầu tiên đã kết thúc. Những buổi trị liệu còn đáng kinh ngạc hơn vẫn chưa đến.
Sau khi Catherine ra về và trong những ngày tiếp theo, tôi suy xét cẩn thận những chi tiết của việc đi ngược thời gian bằng thôi miên. Suy xét là bản chất của tôi. Hiếm có chi tiết từ một giờ trị liệu “bình thường” thoát khỏi sự phân tích cặn kẽ của tôi huống gì một buổi trị liệu khó có thể gọi là “bình thường” như thế này. Ngoài ra, tôi rất hoài nghi về cuộc sống sau khi chết, sự đầu thai, trải nghiệm bên ngoài cơ thể và những hiện tượng liên quan. Sau cùng, phần lý trí cẩn trọng của tôi cho rằng đây có thể là hình ảnh tưởng tượng của cô ấy. Tôi thực sự không thể chứng minh bất kỳ khẳng định hay hình dung nào của cô ấy. Nhưng tôi cũng cảm nhận, dù hết sức mơ hồ, về một suy nghĩ sâu xa và ít cảm tính hơn. Hãy giữ đầu óc cởi mở, suy nghĩ này bảo; khoa học thật sự bắt đầu bằng việc quan sát. “Trí nhớ” của cô ấy có thể không phải kỳ ảo hay tưởng tượng. Có điều gì có còn sâu xa hơn những gì mắt thấy hay bất kỳ cảm nhận bằng giác quan nào khác. Giữ đầu óc cởi mở. Thu thập thêm dữ liệu.
Tôi có một ý nghĩ dai dẳng khác. Liệu Catherine, vốn dĩ có khuynh hướng sợ hãi và hồi hộp, có bị hoảng sợ tới mức không thể tiếp tục thôi miên không? Tôi quyết định không gọi cho cô. Hãy để cô ấy tiêu hóa dần sự việc này. Tôi nên đợi đến tuần kế.