Bà Rachel sống ngay tại nơi con đường chính Avonlea dốc xuống một thung lũng nhỏ bé được viền quanh bởi cây dương tía và hoa khuyên tai, róc rách chảy qua là một dòng suối bắt nguồn từ vùng rừng thưa trên khu đất cũ của nhà Cuthbert; ở phía thượng nguồn, con suối này nổi tiếng ngoằn ngoèo chảy xiết với rất nhiều thác hồ ẩn khuất dọc đường; nhưng ngay khi đổ vào thung lũng nhà Lynde nó lại thành một dòng chảy nhỏ hiền hòa, bởi ngay cả suối cũng không thể chảy qua cửa nhà bà Rachel Lynde mà không chỉn chu đúng mực; có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà Rachel ngồi bên cửa sổ, đôi mắt sắc sảo quan sát mọi thứ đi ngang qua, từ dòng suối và đám trẻ cho đến những thứ khác, và nếu phát hiện được bất cứ thứ gì lạ thường hay không hợp chỗ, bà sẽ chỉ dừng tra hỏi khi tìm được câu trả lời thỏa đáng cho tất tần tật mớ “vì sao”, “thế nào”.
Rất nhiều người, cả ở trong lẫn ngoài vùng Avonlea, có thể phải bê trễ việc nhà nếu muốn lo chuyện thiên hạ; nhưng bà Rachel Lynde là một trong những sinh vật giỏi giang có khả năng thu xếp ổn thỏa cả chuyện của mình và chuyện của người khác. Bà là một người nội trợ mẫu mực; công việc của bà lúc nào cũng được hoàn thành gọn ghẽ; bà “điều hành” tổ may thêu, tham gia quản lý trường học Chủ nhật và là thành viên cốt cán của Hội Từ thiện và Truyền giáo Nhà thờ. Dù vậy, bà Rachel vẫn xoay sở được khối thời gian rảnh để ngồi hàng giờ bên cửa sổ bếp, vừa đan “chăn sợi bông” – theo những lời thì thầm kính nể của các bà nội trợ ở Avonlea, tổng cộng bà đã đan được mười sáu cái – vừa đưa ánh mắt sắc sảo dõi theo con đường cắt qua thung lũng, uốn lượn chạy lên sườn đồi đỏ dốc đứng. Vì Avonlea án ngữ trên một bán đảo tam giác nhỏ nhô ra tận vịnh St Lawrence hai bên bập bềnh nước chảy nên bất kỳ ai ra vào đều phải băng qua con đường đồi này, và như vậy nằm ngay dưới tầm soi mói vô hình từ con mắt thấu thị của bà Rachel.
Bà vẫn ngồi tại chỗ đó trong một chiều đầu tháng Sáu. Mặt trời rạng rỡ ấm áp ghé qua khung cửa sổ; vườn cây ăn quả trên con dốc phía dưới ngôi nhà trổ từng chùm hoa hồng phấn như hoa cô dâu, thu hút hàng đàn ong vo ve. Thomas Lynde – người đàn ông nhỏ thó hiền lành thường được cư dân Avonlea gọi là “ông xã của Rachel Lynde” – đang gieo mớ hạt củ cải trễ vụ xuống mảnh đất đồi bên ngoài trang trại; và Matthew Cuthbert lẽ ra cũng đang phải gieo hạt xuống cánh đồng rộng màu đỏ ven suối nằm ngay cạnh trang trại Chái Nhà Xanh. Bà Rachel biết ông lẽ ra phải làm thế, vì tối hôm trước trong cửa hàng vủa William J. Blair ở Carmody, bà đã nghe ông nói với Peter Morrison rằng ông định gieo hạt củ cải vào chiều hôm sau. Dĩ nhiên Peter đã hỏi ông, vì chưa bao giờ người ta thấy Matthew Cuthbert tự nguyện hở ra bất cứ tin tức gì liên quan tới mình.
Vậy mà Matthew Cuthbert đang ở đây, lúc ba rưỡi chiều một ngày bận rộn, điềm tĩnh đánh xe qua thung lũng lên đồi; hơn nữa, ông mặc một cái áo cổ cồn trắng và diện bộ vest oách nhất, bằng chứng hiển nhiên cho thấy ông đang rời Avonlea; ông còn đánh chiếc xe độc mã do con ngựa hung kéo, báo hiệu trước mắt là một chặng đường đáng kể. Vậy thì, Mather Cuthbert đang đi đâu và để làm gì?
Nếu là bất kỳ người nào khác trong Avonlea, bà Rachel, sau khi khéo léo gắn kết các chi tiết, đã có thể đưa ra một giả thuyết hợp lý cho cả hai câu trả hỏi. Nhưng Matthew lại hiếm khi ra khỏi nhà đến nỗi nếu ông đã đi thì ắt hẳn là vì có chuyện gì cần kíp và bất thường lắm; ông là người nhút nhát nhất trần đời, không thích đi với người lạ và cũng chẳng muốn đi tới bất cứ chỗ nào có nguy cơ phải nói chuyện. Ông Matthew, diện áo cổ cồn trắng và đánh xe độc mã, quả là sự kiện hiếm có. Dù tư lự mức nào bà Rachel vẫn chẳng suy ra được gì và niềm vui buổi chiều của bà thế là đi tong.
“Sau bữa trà của mình phải sang Chái Nhà Xanh thăm dò Marilla xem hắn ta đi đâu và vì sao”, cuối cùng người phụ nữ đáng kính kết luận. “Vào thời điểm này trong năm thì hắn ta chẳng tự nhiên mà ra tỉnh, và hắn ta chẳng đời nào đi chơi bời; nếu hết củ cải thì đâu cần đóng bộ chỉnh tề đem theo xe độc mã chứ; mà hắn đánh xe cũng chẳng đủ nhanh để đi đón bác sĩ. Vậy thì tối qua đã xảy ra chuyện gì đó buộc hắn phải đi xa. Mình sẽ giải câu đố này, vậy đấy, và mình sẽ chẳng thể nào tìm được một phút thư thái nếu chưa biết được hôm nay Matthew Cuthbert rời Avonlea làm gì.”
Thế là sau bữa trà bà Rachel khởi hành; bà không phải đi đâu xa; ngôi nhà lớn phủ đầy dây leo khuất bóng sau vườn cây ăn trái, nơi cư ngụ của gia đình Cuthbert, chỉ cách con đường chạy qua thung lũng Lynde chưa dến một phần tư dặm. Dĩ nhiên, con đường mòn chạy dài khiến khoảng cách xa hơn rất nhiều. Cha Matthew Cuthbert, cũng lặng lẽ và rụt rè như cậu con trai, khi tìm nơi định cư đã cố hết sức tránh xa bạn bè hàng xóm, miễn là còn chưa phải vào hẳn trong rừng. Chái Nhà Xanh được dựng ở rìa xa nhất của mảnh đất ông khai phá được, và nó vẫn ở đó cho đến ngày nay, hầu như không thể nhìn thấy được nếu đứng trên con đường cái mà thường tất cả căn nhà Avonlea khác đều muốn kéo lại gần. Bà Rachel Lynde không thể gọi cuộc sống ở một nơi như thế này gọi là sống được.
“Chỉ là ở thôi”, bà nói khi rảo bước theo con đường lún sâu cỏ mọc rậm rạp với hai hàng hồng dại chạy dọc. “Sống ẩn dật ở đây, chẳng trách Matthew và Marilla đều có phần kỳ quặc. Cây cối không phải bạn đồng hành tốt, tuy nhiên có trời mới biết, có khi với họ thế là đủ rồi. Mình thích ngắm người qua lại hơn. Dĩ nhiên, họ có vẻ hài lòng; nhưng mình đoán là do họ thích ứng với hoàn cảnh thôi. Cơ thể có thể thích ứng với mọi thứ, kể cả việc bị treo lên, người Ailen chẳng nói thế là gì”.
Vừa thẩn thơ suy nghĩ, bà Rachel vừa bước ra khỏi con đường nhỏ dẫn vào sân sau của Chái Nhà Xanh. Khoảng sân xanh um và gọn gàng, bên này các cây liễu cổ thụ rũ bóng, bên kia là hàng dương được cắt tỉa cẩn thận. Không có đến một nhánh cây gãy hay viên đá nào, nếu có, chúng quyết không thoát khỏi cặp mắt của bà Rachel. Bà dám chắc Marilla Cuthbert quét cái sân này thường xuyên như quét nhà. Ai lỡ làm rớt thức ăn trên đó hẳn cũng có thể lượm lên ăn mà không lo tiêu thụ vượt quá trọng lượng chất bẩn thực phẩm tiêu chuẩn.
Bà Rachel khẽ gõ cửa bếp và bước vào khi được mời. Bếp ở Chái Nhà Xanh là một gian phòng vui mắt, hay có lẽ sẽ vui mắt nếu nó không sạch như ly như lau cứ như một phòng khách chưa từng dùng tới. Cửa sổ trổ theo hướng Đông và Tây nhìn ra khoảng sân sau tràn ngập ánh nắng tháng Sáu ngọt ngào, nhưng cửa sổ hướng Đông, nơi từ đó ta có thể thấy thấp thoáng những cây anh đào nở hoa trắng muốt trong vườn cây ăn quả phía bên trái và những cây phong mảnh dẻ dịu dàng cúi đầu trong thung lũng ven dòng suối, lại xanh mướt những dây nho quấn quýt. Marilla Cuthbert ngồi đó, như bà vẫn thường ngồi, lúc nào cũng tỏ ra hơi nghi ngờ cái ánh nắng mà theo bà có vẻ là một thứ quá tùy biến và vô trách nhiệm trong thế giới mọi thứ đều phải nghiêm chỉnh này; và giờ đây bà đang ngồi đan ở đó, sau lưng là chiếc bàn dọn sẵn cho bữa tối.
Bà Rachel, trước khi khép hẳn cửa, đã nhẩm trong đầu tất cả những thứ trên bàn. Có ba cái đĩa, vậy là Marilla hẳn đang chờ ai đó cùng Matthew về nhà dùng trà; nhưng món ăn chỉ là món thường ngày với mứt táo chua và bánh ngọt, nên người bạn đồng hành đang được mong ngóng đó cũng chẳng thể là nhân vật nào đặc biệt. Vậy thì giải thích sao cho cái cổ áo trắng của Matthew và con ngựa hung? Bà Rachel càng lúc càng thấy rối tinh lên trước tấm màn bí ẩn bất thường về Chái Nhà Xanh vốn vẫn lặng lẽ và chẳng hề bí ẩn này.
“Chào chị, Rachel”, bà Marilla vui vẻ nói. “Buổi tối đẹp trời nhỉ? Chị ngồi xuống đi nào. Mọi người vẫn khỏe cả chứ?”
Mối quan hệ, có thể được gọi là tình bạn nếu chẳng còn biết dùng cái tên nào khác, đã tồn tại và vẫn luôn tồn tại giữa bà Marilla Cuthbert và bà Rachel, mặc cho – hoặc có lẽ là do – sự khác biệt giữa họ.
Bà Marilla là người cao gầy, thân hình chỉ thấy toàn góc cạnh chứ chẳng có đường cong nào; mái tóc đen loáng với hai chiếc kẹp bằng dây thép xuyên thẳng qua. Bà có vẻ – mà cũng thực sự – là mẫu phụ nữ cứng nhắc, chưa từng trải; nhưng có vẻ gì đó ẩn giấu sau khóe miệng, nếu nhếch thêm tí nữa có thể sẽ là dấu hiệu của khiếu hài hước tiềm ẩn.
“Mọi người khỏe cả,” Bà Rachel đáp. “Nhưng hồi chiều nhác thấy Matthew đi, tôi cứ e là cô không ổn. Tôi tưởng ông ấy đi mời bác sĩ.
“Bà Marilla khẽ nhoẻn miệng cười vẻ thông cảm. Thật ra bà đang chờ bà Rachel đến; Bà biết việc ông Mathew xuất hành bất ngờ như thế dĩ nhiên sẽ kích thích hiếu kỳ của bà bạn hàng xóm.
“Ồ không, tôi vẫn khỏe, mặc dù hôm qua có hơi nhức đầu,” bà nói. “Matthew phải đi Bright River. Chúng tôi định đón một đứa bé trai từ trại trẻ mồ côi ở Nova Scotia và cậu bé sẽ xuống tàu hỏa tối nay.”
Bà Marilla có nói ông Matthew đến Bright River để thăm một chú Kangaroo nước Úc chắc cũng chẳng biết thế nào làm bà Rachel sững sờ hơn thế này. Bà đứng chết trân đến tận năm giây. Chẳng có vẻ gì là bà Marilla đang nói đùa, nhưng bà Rachel thà tin thế còn hơn.
“Cô nói thật hả, Marilla?” Cuối cùng bà cũng nặn ra được một câu hỏi.
“Vâng, dĩ nhiên,” bà Marilla trả lời, cứ như đón các cậu nhóc từ những trại mồ côi ở Nova Scotia về chẳng phải tin tức không tưởng động trời gì mà chỉ là một phần công việc thường lệ mùa xuân trong bất kỳ nông trại bình thường nào trên đất Avonlea này vậy.
“Cái quái gì khiến cô nảy ra ý tưởng đó vậy?” bà hỏi sỗ sàng.
Chuyện này đã được tiến hành mà chẳng ai thèm hỏi ý kiến bà, và đương nhiên phải bị bác bỏ.
“À, chúng tôi đã suy nghĩ về chuyện này khá lâu rồi, thật ra là suốt cả mùa đông,” bà Marilla đáp. “Trước Giáng sinh một ngày, bà Alexander Spencer có ghé đây và khóc là đến mùa xuân sẽ nhận nuôi một bé gái từ trại trẻ mồ côi ở Hopetown. Bà Spencer có người chị họ sống ở đó nên đã đến thăm bà ấy và hiểu rõ tình hình. Cho nên tôi và Matthew bàn tới bàn lui mãi. Chúng tôi nghĩ mình nên nhận nuôi một thằng bé. Matthew cũng có tuổi rồi, chị biết đó, anh ấy đã sáu mươi, chẳng còn linh hoạt được như xưa nữa. Tim anh ấy không khỏe lắm. Và chị biết mướn người giúp việc khó thế nào rồi đấy. Chả có ai ngoài mấy thằng bé người Pháp ngốc nghếch, dở dở ương ương; chỉ cần mình giận dữ hay dạy dỗ chuyện gì là nó cắt luôn, giông xuống mấy nhà máy tôm hùm đóng hộp hay lượn thẳng sang Mỹ. Lúc đầu Matthew định nhận một thằng bé Barnardo [1]. Nhưng tôi đã thẳng thắn nói ‘không’. ‘Có lẽ tốt thật – em không nói là không – nhưng em không muốn trẻ vô gia cư từ London,’ tôi đã bảo anh ấy thế. ‘Ít nhất cũng phải là một đứa bé bản địa. Dĩ nhiên cho dù nhận đứa nào thì anh em mình cũng vẫn sẽ thấy thanh thản và ngủ ngon hơn nếu chúng ta nhận một bé người Canada.’ Vậy là cuối cùng chúng tôi quyết định nhờ bà Spencer chọn dùm một đứa khi bà ấy đón bé gái của mình. Biết là cuối tuần rồi bà ấy sẽ đi nên chúng tôi nhờ người nhà của Richard Spencer ở Carmody nhắn bà ấy giúp chúng tôi nhận nuôi một đứa bé trai lanh lợi, dễ mến khoảng mười tuổi, mười một tuổi. Chúng tôi nghĩ tuổi đó là tốt nhất – đủ lớn để phụ giúp chút ít việc nhà và đủ nhỏ để có thể uốn nắn đúng đắn. Chúng tôi sẽ cho nó một mái ấm và học hành đầy đủ. Hôm nay Matthew và tôi vừa nhận được điện tín của bà Alexander Spencer – người đưa thư mang từ trạm tới – bảo rằng họ sẽ tới trên chuyến tàu năm rưỡi tối. Vì vậy Matthew đã tới Bright River để đón thằng bé. Bà Spencer sẽ cho nó xuống ở đó. Tất nhiên bà ấy sẽ tới thẳng trạm White Sands.”
Bà Rachel luôn tự hào lúc nào cũng có cách nói lên suy nghĩ của mình; giờ đây bà đang chuẩn bị thực hiện điều đó, sau khi đã điều chỉnh đầu óc của mình để tiếp nhận những thông tin đáng ngạc nhiên này.
“Được rồi, Marilla, tôi sẽ nói thẳng là tôi nghĩ cô đang làm một việc cực kỳ ngốc nghếch – một việc mạo hiểm, vậy đó. Cô không biết cô đang dính vào chuyện gì đâu. Cô mang một đứa trẻ lạ hoắc vào nhà mình, vào gia đình mình mà cô thì lại chẳng biết tí gì về nó, không biết tính tình nó ra sao, cha mẹ nó như thế nào, hoặc giả nó sẽ trở thành người thế nào. Sao chứ, mới tuần trước thôi nhé, tôi đọc trên báo thấy có một đôi vợ chồng sống ở mạn Tây của Đảo nhận nuôi một thằng bé từ trại trẻ mồ côi, và nó đã thiêu rụi cả căn nhà trong một đêm – cố ý nhé. Marilla – còn họ suýt bị nướng chín trên giường. Tôi còn biết một trường hợp khác, thằng bé con nuôi cứ suốt ngày hút trứng – họ không sao kéo nó ra khỏi cái trò đó được. Nếu cô xin tôi lời khuyên về cấn đề này – mà cô đâu có làm vậy, Marilla – tôi hẳn đã bảo cô, vì Chúa, đừng có nghĩ đến những việc như thế, vậy đó.”
Những lời khuyên can này chẳng làm bà Marilla giận dữ hay lo lắng. Bà vẫn đều tay đan.
“Tôi không phủ nhận rằng chị nói cũng có phần đúng Rachel ạ. Bản thân tôi cũng nghi ngại. Nhưng Matthew rất kiên quyết. Tôi có thể nhận thấy điều đó, nên đành nhượng bộ. Hiếm khi thấy Matthew kiên quyết chuyện gì nên một khi anh ấy như thế thì lúc nào tôi cũng cảm thấy mình có nghĩa vụ phải chấp nhận. Về chuyện mạo hiểm, thật ra nguy cơ gần như tiềm ẩn trong tất cả những gì chúng ta làm trên đời này. Tự sinh con ra cũng đâu phải an toàn hẳn, ai biết chúng lớn lên sẽ trở nên thế nào. Hơn nữa Nova Scotia sát ngay Đảo. Có phải chúng tôi nhận đứa bé từ Anh hay Mỹ đâu. Hẳn nó cũng chẳng khác chúng ta quá.”
“Được thôi, tôi cũng mong mọi việc sẽ ổn,” bà Rachel nói với vẻ ngờ vực lồ lộ trong giọng. “Chỉ có điều đừng trách tôi không báo trước nếu nó đốt trụi Chái Nhà Xanh hoặc cho thuốc độc vào giếng nhé – tôi đã nghe một trường hợp như thế ở New Brunswick rồi, đứa bé từ trại trẻ đã làm cho cả nhà chết tức tưởi. Chỉ có điều, trong vụ đó là một con bé.”
“Đấy, tụi tôi đâu có nhận bé gái,” bà Marilla nói, như thể đầu độc nước giếng là tội lỗi thuần túy mang tính phụ nữ, chẳng thể nào liên hệ với một đứa bé trai. “Tôi chẳng bao giờ mơ đến chuyện nuôi một bé gái. Tôi không hiểu sao bà Alexander Spencer có thể làm điều đó. Nhưng nghĩ lại, bà ấy sẽ chẳng gần ngại nhận nuôi luôn cả trại trẻ nếu ý tưởng đó vụt qua đầu mình.”
Bà Rachel định ở lại cho đến lúc ông Matthew trở về nhà với đứa bé mồ côi đó. Nhưng nhớ ra ít nhất phải mất hai tiếng nữa ông mới về, bà quyết định lên đường tới nhà Robert Bell báo tin. Chắc chắn sẽ là một tin giật gân, và bà Rachel lúc nào cũng thích cung cấp những tin giật gân. Vì vậy bà đứng dậy, một hành động khiến bà Marilla thở phào nhẹ nhõm, vì bản thân bà Marilla cũng bắt đầu cảm thấy tất cả lo ngại và sợ hãi của mình sống dậy dưới ảnh hưởng bi quan từ bà hàng xóm.
“Trời, chẳng hiểu việc gì đã và sẽ diễn ra nữa!” bà Rachel thốt lên khi vừa an toàn ra khỏi đường mòn. “Cứ như mình đang nằm mơ. Ôi, mình thật thấy tội nghiệp cho đứa bé ấy, chẳng nghi ngờ gì nữa. Matthew và Marilla chẳng biết tí gì về trẻ con và hẳn họ mong nó thông thái và dày dạn hơn cả ông nội nó, nếu nó có một người ông thật, mà mình thì ngờ lắm. Dù sao cũng thật kỳ lạ khi nghĩ đến chuyện có một đứa bé ở Chái Nhà Xanh; từng có đứa nào ở đó đâu chứ, khi căn nhà đó xây xong thì Matthew và Marilla đều đã lớn cả rồi – nếu họ từng có thời là trẻ con thật thì nhìn họ cũng khó mà tin nỗi điều đó. Mình chẳng muốn dính đến thằng bé mồ côi ấy tí nào. Ôi trời, dù sao cũng thật tội nghiệp nó, vậy đó.”
Bà Rachel lầm bầm với bụi hồng dại những lời tự đáy lòng như thế, nhưng nếu bà có thể nhìn thấy đứa trẻ đúng lúc đó đang kiên nhẫn đứng chờ ở trạm Bright River thì nỗi cảm thương của bà hẳn sẽ còn mạnh mẽ và sâu sắc hơn nhiều.
Chú thích
[1] Có lẽ bà Marilla sử dụng từ “cậu bé Barnardo” theo nghĩa thông thường, ám chỉ những đứa trẻ người Anh – thường là trẻ mồ côi – được đưa sang lao động chân tay tại các nước thuộc địa thời kỳ những năm 1800.