Lúc Anne sẵn sàng quay trở lại trường học thì lại đã sang tháng Mười – một tháng Mười rực rỡ, tràn ngập màu đỏ và vàng, với những buổi sáng phủ một sắc màu êm dịu khi thung lũng chìm trong màn sương mỏng manh như thể linh hồn của mùa thu đã rót sương ra cho mặt trời hút cạn – màu tím than, màu ngọc trai, bạc, hồng và lam khói. Sương mai trĩu nặng làm cả cánh đồng lấp lánh như tấm vải bạc và dưới thung lũng cây cối um tùm có rất nhiều đống lá xào xạc chạy qua chạy lại. Đường Bạch Dương là một mái vòm vàng rực và dọc hai bên đường, dương xỉ khô héo chuyển màu nâu sẫm. Mùi hương thấm đẫm trong làn không khí vốn đã khơi nguồn cảm hứng cho các cô bé đang nhẹ bước đến trường, những bước chân thoăn thoắt náo nức chứ không rề rà chậm như rùa; và thật vui biết bao khi được trở lại với chiếc bàn màu nâu xinh xẻo bên cạnh Diana, với Ruby Gillis gật đầu chào từ dãy bên kia, Carrie Sloane chuyền tin nhắn còn Julia Bell chuyển một mẩu kẹo cao su từ dãy ghế sau lên. Anne thở một hơi dài hạnh phúc khi chuốt bút chì và xếp những tấm thiệp có hình vào bàn học. Cuộc sống hẳn nhiên rất thú vị.
Con bé thấy vị giáo viên mới là một người bạn đích thực và hữu ích nữa. Cô Stacy là một phụ nữ trẻ thông minh, đáng mến có biệt tài lấy lòng học sinh của mình và khơi gợi được những nét tốt đẹp nhất của chúng cả về trí tuệ lẫn đạo đức. Anne nở rộ như một bông hoa dưới ảnh hưởng lành mạnh này và đem về cho một ông Matthew vô cùng ngưỡng mộ cùng bà Marilla khó tính xem những bản báo cáo kết quả học tập và mục tiêu sáng chói.
“Con yêu cô Stacy bằng cả trái tim, bác Marilla. Cô ấy thật thanh lịch, giọng nói ngọt ngào. Khi cô ấy phát âm tên con, con cảm nhận được theo bản năng là cô ấy đánh vần có âm e. Chiều nay chúng con có buổi đọc thơ. Ước gì cô có mặt ở đó để nghe con đọc ‘Mary, Nữ hoàng xứ Scots’. Con thật đã đặt cả hồn mình vào đó. Trên đường về nhà Ruby Gillis bảo con là cách con đọc câu ‘Giờ đây vì vòng tay của cha, con tim phụ nữ của ta vĩnh biệt’ đã làm máu bạn ấy đông lại.”
“À ừ, hôm nào đó con có thể đọc cho ta nghe trong kho thóc,” ông Matthew đề nghị.
“Dĩ nhiên con sẽ làm vậy,” Anne trầm ngâm nói, “nhưng con biết mình không thể làm tốt như vậy được nữa. Sẽ không phấn khích như khi trước mặt ta là toàn bộ học sinh đang nín thở nuốt từng lời ta nói. Con biết mình sẽ không thể làm máu bác đông lại được.”
“Bà Lynde nói thứ Sáu tuần trước máu bà ấy cũng đông cả lại khi thấy lũ con trai leo lên tận ngọn mấy cái cây to trên đồi nhà Bell để tìm tổ quạ,” bà Marilla nói. “Ta không hiểu sao cô Stacy lại khuyến khích mấy vụ đó.”
“Nhưng chúng con muốn có một cái tổ quạ cho tiết học về tự nhiên,” Anne giải thích. “Chuyện đó xảy ra trong buổi dã ngoại chiều của tụi con. Những chiều dã ngoại thật tuyệt vời, bác Marilla. Cô Stacy giải thích mọi thứ thật hay. Chúng con phải viết luận về những buổi chiều dã ngoại và con viết được những bài hay nhất.”
“Con nói nghe kiêu ngạo quá đấy. Lẽ ra phải để cô giáo nói chứ.”
“Nhưng cô ấy có nói vậy mà, bác Marilla. Và thật sự con không kiêu ngạo. Sao có thể kiêu ngạo khi con dốt hình học như thế? Tuy nhiên con thật sự bắt đầu sáng ra được một chút rồi. Cô Stacy giảng bài quá rõ ràng. Tuy nhiên, con sẽ chẳng bao giờ giỏi môn đó được và con thừa nhận với cô suy nghĩ như thế thật đáng xấu hổ. Nhưng con rất thích viết luận. Gần như lần nào cô Stacy cũng để tụi con tự chọn đề tài; nhưng tuần tới tụi con sẽ viết luận về một nhân vật xuất sắc. Thật khó chọn trong số bao nhiêu nhân vật xuất sắc trên đời. Hẳn sẽ rất tuyệt nếu được trở thành nhân vật xuất sắc và có người viết luận về mình sau khi mình mất, phải không ạ? Ôi, con thật sự muốn được trở thành nhân vật xuất sắc. Con nghĩ khi lớn lên con sẽ trở thành một y tá giỏi và sẽ cùng Tổ chức Chữ thập đỏ xung trận như một sứ giả từ bi. Ấy là trong tường hợp con không thành nhà truyền giáo ngoại quốc được. Chuyện đó sẽ rất lãng mạn, nhưng người ta phải là người rất tốt mới làm nhà truyền giáo được, một chướng ngại không dễ vượt qua chút nào. Ngày nào tụi con cũng tập thể dục. Chúng làm người ta duyên dáng hơn và cải thiện khả năng tiêu hóa.”
“Cải với thiện cái gì chứ!” bà Marilla nói, thật lòng nghĩ chuyện này thật nhảm nhí.
Nhưng tất cả các buổi chiều dã ngoại, các thứ Sáu đọc thơ cũng như tập thể dục đều lu mờ trước một dự án mà cô Stacy vạch ra vào tháng Mười một. Học trò trường Avonlea sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc, biểu diễn trong tòa thị chính vào tối Giáng sinh, vì một mục đích cao đẹp là giúp đỡ kinh phí mua cờ cho nhà trường. Học sinh thảy đều rất thích kế hoạch này, việc chuẩn bị chương trình được tiến hành ngay lập tức. Trong số tất cả những đứa trẻ phấn khích được chọn tham gia biểu diễn, không ai phấn khích bằng Anne Shirley, người đặt cả trái tim và tâm hồn vào việc này, và cũng không ai vấp phải sự ngăn cản như con bé đã bị bởi sự phản đối của Marilla. Bà nghĩ toàn bộ chuyện này là một mớ ngốc nghếch.
“Nó chỉ nhồi đầy đầu con những thứ vớ vẩn, chiếm mất thời gian lẽ ra phải dành cho bài học,” bà càu nhàu. “Ta không tán thành chuyện con nít tổ chức hòa nhạc và đua nhau tập luyện. Nó chỉ làm chúng trở nên phù phiếm, ngạo mạn và thích khoe mẽ thôi.”
“Nhưng bác thử nghĩ tới mục đích cao cả của nó xem,” Anne nài nỉ. “Một lá cờ sẽ nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, bác Marilla à.”
“Tầm phào! Trong suy nghĩ của đám trẻ các con thì có bao nhiêu tinh thần yêu nước đáng quý chứ. Các con thì chỉ muốn vui chơi thôi.”
“Ôi, chẳng phải khi ta có thể kết hợp lòng yêu nước với sự vui vẻ thì tất cả đều ổn sao? Dĩ nhiên tổ chức hòa nhạc là việc rất tuyệt. Chúng con sẽ có sáu màn đồng ca còn Diana đơn ca. Con sẽ góp mặt trong hai tiểu phẩm – ‘Xã hội không ngồi lê đôi mách’ và ‘Nữ hoàng tiên’. Lũ con trai cũng có tiểu phẩm. Và con sẽ có hai tiết mục đọc thơ nữa, bác Marilla. Chỉ nghĩ thôi con cũng run lên rồi, nhưng đây là dạng run rùng mình dễ chịu. Chúng con sẽ có một hoạt cảnh ở cuối – ‘Niềm tin, hy vọng và sự nhân từ’. Diana, Ruby và con đều tham gia, tất cả mặc đồ trắng tóc buông xõa. Con sẽ là Hy Vọng, với đôi tay nắm chặt, mắt ngước lên. Con sẽ phải tập thoại trong gác xép. Bác đừng hoảng hốt nếu nghe tiếng con rên rỉ nhé. Có một màn con phải rên rỉ rất thương tâm, thật khó để diễn sao cho giàu tính nghệ thuật, bác Marilla à. Josie Pye sưng sỉa lên vì không được đóng vai mình muốn. Nó muốn làm nữ hoàng tiên. Thật buồn cười, có ai từng thấy nữ hoàng thần tiên nào béo như Josie đâu? Nữ hoàng tiên phải thanh mảnh cơ, Jane Andrews sẽ là nữ hoàng còn con là một trong số các thị nữ. Josie nói tiên tóc đỏ cũng buồn cười y như tiên béo, nhưng con không để mình bận tâm tới những gì Josie nói. Con sẽ đội vòng hoa hồng trắng trên tóc, Ruby Gillis sẽ cho con mượn giày bệt vì con không có đôi nào cả. Tiên cần phải có giày bệt, bác thấy đó. Bác chẳng thể tưởng tượng nổi cô tiên nào mà lại mang bốt, đúng không? Nhất là bốt có mũi bằng đồng nữa? Chúng con sẽ trang trí hội trường bằng cành vân sam và linh sam đính hoa hồng bằng giấy lụa hồng. Tất cả chúng con bước hàng đôi đi vào sau khi khán giả an tọa, trong lúc Emma White chơi một hành khúc bằng đàn organ. Ôi, Marilla, con biết bác không hăng hái với chuyện này như con, nhưng bác không mong Anne nhỏ bé của bác sẽ khiến người ta phải chú ý sao?”
“Ta chỉ mong con cư xử cho đúng. Ta sẽ hết sức vui mừng nếu tất cả mớ bòng bong này qua đi và con có thể bình tâm lại. Giờ thì con chẳng tập trung vào việc gì được trong lúc đầu óc chật ních hết tiểu phẩm, rên rỉ lại đến hoạt cảnh. Còn cái lưỡi của con nữa, đúng là thần kỳ khi đến giờ nó còn chưa rách toạc ra.”
Anne thở dài rồi lui ra sân sau, nơi mảnh trăng non trên bầu trời phía Tây màu xanh táo rọi qua đám cây dương trụi lá và ông Matthew đang xẻ gỗ. Anne ngồi trên một chồng gỗ kể cho ông nghe về buổi hòa nhạc, chắc chắn đây là một thính giả thấu hiểu và biết đánh giá, ít nhất là trong lúc này.
“À ừ, ta đoán buổi hòa nhạc sẽ khá suôn sẻ. Mong rằng con sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình,” ông nói, mỉm cười cúi xuống khuôn mặt nhỏ nhắn lanh lợi háo hức của con bé. Anne cười đáp lại ông. Hai bác cháu là bạn bè thân thiết của nhau và lúc nào ông Matthew cũng thầm tạ ơn các vì sao chiếu mệnh đã giúp ông không dính dáng gì đến việc dạy dỗ con bé. Đó là nhiệm vụ độc quyền của bà Marilla; nếu phải gánh trách nhiệm này chắc ông sẽ suốt ngày lo lắng về những mâu thuẫn thường trực giữa chuyện nuông chiều và cái gọi là nghĩa vụ. Như bây giờ, ông được tùy ý “làm hư Anne” – theo cách nói của bà Marilla. Nhưng rốt cuộc đây cũng không phải một sắp xếp tồi; trên đời này đôi khi một chút “biết đánh giá” cũng hiệu quả không kém việc “dạy dỗ” tận tâm.