Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh

Chương 8: Bắt Đầu Quá Trình Nuôi Dạy Anne

Tác giả: Lucy Maud Montgomery
Chọn tập

Vì những lý do riêng, mãi chiều hôm sau bà Marilla mới nói với Anne rằng con bé có thể ở lại Chái Nhà Xanh. Suốt buổi sáng, bà khiến con bé bận tíu tít với cả tá công việc khác nhau và sát sao theo dõi nó hoàn thành nhiệm vụ. Đến trưa, bà rút ra kết luận Anne là đứa thông minh và biết nghe lời, sẵn sàng làm việc lại học hỏi nhanh; khuyết điểm nghiêm trọng nhất của con bé có vẻ như là khuynh hướng dễ mơ mơ màng màng khi đang làm việc và quên béng cả nhiệm với vụ cho đến khi bị gọi giật về thực tế bằng một lời quở trách hoặc một tai họa nào đó.

Khi Anne rửa xong chồng chén đĩa, con bé đột ngột đối diện với bà Marilla với thái độ và dáng vẻ của người đã sẵn sàng đón chờ điều tồi tệ nhất. Thân thể nhỏ bé mảnh dẻ của nó run rẩy từ đầu đến chân; khuôn mặt đỏ bừng và đôi tròng mắt mở rộng đến mức gần như chỉ còn toàn màu đen; con bé đan chặt tay và nài nỉ: “Ôi xin bác, bác Cuthbert, xin bác cho con biết bác có định gửi con đi không? Con đã cố kiên nhẫn cả buổi sáng, nhưng con thật sự cảm thấy mình không chịu nổi nữa rồi. Thật là một cảm giác khủng khiếp. Xin hãy nói cho con biết.”

“Con chưa chần khăn rửa bát vào nước nóng như ta dặn.” bà Marilla nói giọng bất di bất dịch. “Hãy làm đi trước khi hỏi thêm bất cứ câu nào nữa, Anne.”

Anne đi hoàn tất việc rửa bát đĩa. Rồi con bé trở lại chỗ Marilla, dán chặt cái nhìn van nài lên gương mặt bà.

“Được rồi,” bà Marilla nói, không thể tìm ra lý do gì để trì hoãn lời giải thích của mình lâu hơn, “ta nghĩ ta có thể cho con biết được rồi. Matthew và ta quyết định sẽ giữ con lại – với điều kiện con sẽ cố gắng ngoan ngoãn và chứng tỏ được lòng biết ơn. Thế nào, cô bé, có vấn đề gì không?”

“Con đang khóc.” Anne nói với giọng bối rối. “Con không thể nghĩ ra lý do. Con vui mừng đúng nghĩa của chữ mừng. ÔI, vui mừngcó vẻ không phải từ chính xác rồi. Con đã vui khi thấy Đường Trắng và những tán anh đào nở rộ – nhưng cái này thì! Ôi, còn lớn hơn niềm vui. Con rất hạnh phúc. Con sẽ cố gắng thật ngoan. Việc này có vẻ khó, con đoán vậy, vì bà Thomas lúc nào cũng nói là con hư hết thuốc chữa. Tuy nhiên con sẽ cố gắng hết sức. Nhưng bác có thể cho con biết tại sao con lại khóc không?”

“Ta nghĩ vì con quá kích động mà lại còn làm mọi thứ quá lên,” bà Marilla nói giọng không đồng tình. “Ngồi xuống cái ghế đó rồi cố gắng bình tĩnh lại đi. Ta e rằng con dễ khóc dễ cười quá đấy. Đúng vậy, con có thể ở đây và chúng ta sẽ cố gắng làm những gì tốt nhất cho con. Con sẽ phải đến trường; nhưng chỉ còn hai tuần nữa là nghỉ hè rồi nên chẳng bõ cho con nhập học trước lễ khai giảng vào tháng Chín.”

“Con phải gọi bác thế nào ạ,” Anne hỏi. “Con có nên luôn luôn gọi là bác Cuthbert không? Hay con sẽ gọi là dì Marilla?”

“Không, con cứ gọi ta là Marilla thôi. Ta không quen bị gọi là bác Cuthbert, gọi thế khiến ta giật mình.”

“Gọi Marilla không thì quá ư thiếu tôn trọng.” Anne phản đối.

“Theo ta không có gì là thiếu tôn trọng cả nếu con gọi một cách lễ phép. Ở Avonlea, tất cả mọi người từ trẻ đến già đều gọi ta là Marilla, chỉ trừ linh mục. Ông ấy gọi là cô Cuthbert nếu ông ấy muốn.”

“Con thích gọi bác là dì Marilla hơn.” Anne nói đầy khao khát, “Con chưa từng có dì hay bất cứ họ hàng nào cả – ngay cả bà cũng không. Gọi vậy sẽ khiến con có cảm giác mình thuộc về bác. Con không thể gọi là dì Marilla được à?”

“Không, ta không phải dì của con, ta không thích chuyện gọi người khác bằng những cái tên không thuộc về họ.”

“Nhưng chúng ta có thể tưởng tượng bác là dì của con.”

“Ta không thể.” Bà Marilla nói dứt khoát.

“Bác không bao giờ tưởng tượng ra cái gì khác với bản chất của chúng à?” Anne mở to mắt hỏi.

“Không.”

“Ồ!” Anne thở một hơi dài. “Ôi, bác… Marilla, bác đã bỏ lỡ bao nhiêu thứ!”

“Ta không tin chuyện tưởng tượng mọi thứ khác với bản chất của chúng.” Bà Marilla bẻ lại. “Một khi chúa đặt chúng ta vào hoàn cảnh này hoàn cảnh nọ thì Ngài sẽ không muốn chúng ta tưởng tượng chúng khác đi. Nói thế này ta mới nhớ ra một chuyện. Vào phòng khách đi Anne – phải chắc là chân sạch và không để con ruồi nào bay vào đấy – rồi đem ra đây cho ta tấm thiệp trên bệ lò sưởi. Trên đó có Bài Cầu Nguyện Chung và con sẽ phải dành thời gian rảnh chiều nay để học thuộc lòng nó. Không còn cái kiểu cầu nguyện như ta nghe tối qua đâu nhé.”

“Con nghĩ là mình đã rất lúng túng,” Anne tỏ vẻ biết lỗi, “nhưng, bác thấy đó, con đã bao giờ được luyện tập đâu. Bác không thể thật tình trông đợi một người ngay lần đầu đã cầu nguyện rất tốt, phải không ạ? Lúc đi ngủ con đã nghĩ ra được một lời cầu nguyện tuyệt vời, đúng như con đã hứa với bác. Nó dài gần bằng câu của mục sư và cũng rất thơ nữa. Nhưng bác có tin được không? Sáng nay khi thức dậy con không nhớ nổi từ nào. Và con e rằng mình sẽ chẳng bao giờ nghĩ được câu nào hay như thế. Có vẻ như, mọi thứ không bao giờ tốt bằng lần đầu nếu chúng ta nghĩ đến lần thứ hai. Bác đã bao giờ để ý thế chưa?”

“Giờ có chuyện cho con để ý đây, Anne. Khi ta nói con làm gì ta muốn con phải vâng lời ngay tức khắc, không có đứng như phỗng rồi biện luận dài dòng về nó nữa. Chỉ cần đi làm theo lời ta thôi.”

Anne vội băng qua sảnh để tới phòng khách; nhưng con bé không trở lại; sau mười phút chờ đợi bà Marilla đành bỏ dở việc đan móc của mình và đi sang tìm con bé với vẻ mặt giận dữ. Bà thấy Anne đang đứng bất động trước bức tranh treo trên tường giữa hai khung cửa sổ, tay đan chặt sau lưng, mặt hướng lên cao, đôi mắt mơ màng. Ánh sáng trong trẻo rọi qua những cây táo và dây nho ngoài cửa, ngả bóng trên dáng người nhỏ bé say mê bằng thứ ánh sáng nửa thần tiên.

“Anne, con đang nghĩ cái quái gì vậy?” bà Marilla hỏi nghiêm khắc.

Anne rơi bộp từ trên trời xuống mặt đất.

“Đó,” con bé nói, chỉ tay vào bức tranh – một bức khảm sinh động có tên “Chúa ban phúc cho trẻ em” – “Con vừa tưởng tượng ra mình là một trong số đó, rằng con là bé gái áo xanh đứng một mình ở góc cứ như chẳng thuộc về ai cả, giống như con. Con bé có vẻ cô đơn buồn bã, bác có nghĩ thế không? Con đoán con bé cũng chẳng có cha hay mẹ. Nhưng con bé cũng muốn được ban phúc, nên chỉ bẽn lẽn nép bên ngoài đám đông, hy vọng không ai để ý – trừ Ngài. Con dám chắc mình hiểu được con bé nghĩ gì. Hẳn là tim nó đập mạnh và tay lạnh cóng, giống như con khi hỏi bác liệu con có ở lại được không. Con bé sợ Ngài không để ý đến mình. Nhưng có vẻ như Ngài đã để ý, bác có nghĩ vậy không? Con đã cố gắng tưởng tượng ra mọi thứ – con bé cứ từng bước từng bước tiến đến cho tới khi thật gần Ngài, rồi Ngài nhìn con bé, đặt tay lên tóc nó và ôi, cảm giác sung sướng râm ran chạy khắp người con bé! Nhưng con ước gì họa sĩ đừng vẽ Ngài với dáng vẻ buồn bã thế. Nếu để ý bác sẽ thấy tranh nào vẽ Ngài cũng đều vậy cả. Nhưng con không tin rằng Ngài trông thật sự buồn bã vì như vậy trẻ em hẳn sẽ sợ Ngài.”

“Anne,” bà Marilla nói, tự hỏi vì sao nãy giờ mình vẫn chưa cắt ngang bài diễn văn này, “con không nên nói chuyện kiểu đó. Bất kính lắm, bất kính cực kỳ.”

Mắt Anne lộ vẻ ngạc nhiên.

“Tại sao chứ, con cảm thấy như vậy là tôn kính hết mức, Con đảm bảo con không có ý bất kính.”

“Phải, ta không cho rằng con có ý đó – nhưng nói về những chuyện này với kiểu suồng sã như vậy thật không đúng đắn chút nào. Và còn một chuyện nữa, Anne, khi ta bảo con đi lấy cái gì thì phải đem nó về ngay chứ đừng có đứng mơ màng tưởng tượng trước những bức tranh nữa. Phải nhớ đấy. Mang tấm thiệp đó vào bếp ngay. Giờ, ngồi xuống góc rồi học thuộc lời nguyện đi.”

Anne dựng bức thiệp dựa vào bình hoa táo mà con bé đã mang đến tô điểm cho bàn ăn – bà Marilla nhìn cách trang trí đó với con mắt nghi ngờ, nhưng không nói gì – chống tay lên cằm và cố tập trung im lặng học trong vài phút.

“Con thích cái này.” Rồi con bé lại tuyên bố. “Nó thật đẹp. Con từng nghe thấy rồi – con đã có lần nghe những giám thị ở trường học Chủ nhật của trại đọc. Nhưng lúc đó con không thích. Ông ấy có giọng khàn khàn và cầu nguyện nghe quá thê lương. Thật tình con cảm thấy chắc chắn ông ấy nghĩ cầu nguyện là một nghĩa vụ khó chịu. Đây không phải là thơ, nhưng nó làm con có cảm giác giống như đọc thơ. Cha chúng con, Người nắm quyền năng trên trời, ‘thần thánh từ tên.’ Cứ như một dòng nhạc vậy. Ồ, con mừng là bác nghĩ đến chuyện cho con học cái này, bác… Marilla”.

“Được rồi, vậy thì im lặng mà học đi.” Bà Marilla nói ngắn gọn.

Anne nghiêng bình hoa táo lại gần để đặt một nụ hôn ngọt ngào lên nụ hoa hồng phớt và rồi cần mẫn học một lúc lâu hơn.

“Bác Marilla,” chẳng mấy chốc con bé lại hỏi, “bác nghĩ liệu con có tìm được một người bạn tâm giao ở Avonlea không?”

“Cái gì… bạn gì?”

“Bạn tâm giao – một người bạn thân thiết, bác biết đấy – một tâm hồn đồng điệu đích thực mà con có thể giải bày những tâm sự thầm kín nhất của mình. Con mơ được gặp cô bé đó cả đời rồi. Con chưa bao giờ thật sự nghĩ mình có thể, nhưng quá nhiều giấc mơ đáng yêu nhất của con đã thành hiện thực cùng một lúc nên biết đâu cái này cũng sẽ được. Bác nghĩ có được không ạ?”

“Diana Barry sống ngay bên dốc Vườn Quả và cũng trạc tuổi con. Con bé rất dễ thương và có lẽ sẽ bầu bạn với con khi nó về nhà. Con bé giờ đang đi thăm dì ở Carmody. Nhưng con phải cẩn thận với cách cư xử của mình đấy. Bà Barry là người rất khó tính. Bà ấy sẽ không cho phép Diana chơi với bé gái nào không ngoan ngoãn dễ thương.”

Anne nhìn bà Marilla qua những cành hoa táo, đôi mắt lấp lánh sự tò mò.

“Diana trông thế nào ạ? Tóc bạn ấy không đỏ, đúng không ạ? Ôi chao, con hy vọng là không. Con có tóc đỏ đã đủ tệ hại lắm rồi, con thật không chịu nổi nếu bạn tâm giao của con cũng như vậy.”

“Diana rất xinh. Con bé có tóc đen mắt đen và đôi má hồng hào. Con bé vừa ngoan vừa giỏi, cái đó còn tốt hơn xinh đẹp nữa.”

Bà Marilla ưa thích các lời dạy bảo không kém gì Nữ Công tước ở xứ sở thần tiên, bà luôn tin tưởng chắc chắn rằng ta cần phải gán một lời răn bảo vào bất cứ nhận xét nào về một đứa trẻ đang trưởng thành.

Nhưng Anne gạt phắt ý tưởng rao giảng này sang một bên mà chỉ tóm lấy những viễn cảnh tươi sáng trước đó.

“Ôi chao, con mừng là bạn ấy xinh. Ngoài chuyện bản thân mình xinh đẹp – cái này thì con vô vọng rồi – tốt nhất là có bạn tâm giao đẹp. Hồi con sống với bà Thomas, bà ấy có một cái tủ sách có cửa kính trong phòng khách. Trong đó chẳng có cuốn sách nào hết; bà Thomas chỉ dùng nó để cất những món đồ sứ đẹp nhất và cả mứt nữa – ấy là khi bà ấy có mứt để mà cất. Một bên cửa đã bị bể. Ông Thomas đã đập vỡ nó trong một đêm say rượu. Nhưng bên kia vẫn còn nguyên và con vẫn thường tưởng tượng bóng mình trong gương là một bé gái khác sống trong đó. Con gọi cậu ấy là Katie Maurice, chúng con rất thân nhau. Con thường nói chuyện với cậu ấy hàng giờ, đặc biệt vào Chủ nhật, kể cậu ấy nghe mọi thứ, Katie là niềm an ủi động viên của đời con. Bọn con thường giả vờ là cái tủ sách đã bị phù phép và chỉ cần biết được câu thần chú là con sẽ mở được cửa và bước vào căn phòng Katie Maurice sống chứ không phải vào cái kệ mứt và đồ sứ của bà Thomas. Rồi Katie Maurice sẽ nắm tay con, dẫn con vào một nơi kì diệu, ngập tràn hoa, ánh nắng cùng các vị tiên, và chúng con sẽ sống hạnh phúc ở đó mãi mãi về sau. Khi chuyển về sống với bà Hammond, tim con tan vỡ vì phải xa Maurice. Cậu ấy cũng cảm thấy vô cùng khổ sở, con biết vậy vì cậu ấy đã khóc khi hôn tạm biệt con qua cánh cửa tủ sách. Ở nhà bà Hammond không có tủ sách nào. Nhưng ngay bên sông cách nhà một đoạn có một thung lũng nhỏ trải dài xanh um, tiếng vang đáng yêu nhất sống ở đó. Nó vọng lại từng lời ta nói, ngay cả khi ta không hề nói to. Nên con tưởng tượng ra một bé gái tên là Violetta, chúng con là bạn tốt và con yêu cậu ấy cũng nhiều như yêu Katie Maurice – không hẳn bằng nhau, nhưng gần như thế, bác biết đấy. Buổi tối trước khi đến trại mồ côi con chào tạm biệt Violetta, và ôi, lời tạm biệt của cậu ấy vọng lại với giọng điệu buồn đến nao lòng. Con gắn bó với cậu ấy đến nỗi không có tâm trí đâu để tưởng tượng ra một bạn tâm giao khác ở trại, cho dù ở chỗ đó chẳng có chỗ cho trí tưởng tượng.”

“Ta thấy không có lại hay.” Bà Marilla nói khô khốc. “Ta không tán thành lối cư xử đó. Có vẻ như con khá tin vào những tưởng tượng của mình. Tốt hơn con nên có một người bạn thật sự để gạt hết mấy cái chuyện vớ vẩn đó ra khỏi đầu. Nhưng đừng để bà Barry nghe thấy con nói về những Katie Maurice hay Violetta gì đó của con, bằng không bà ấy sẽ cho rằng con dựng chuyện đấy.”

“Ôi không đâu ạ. Con đâu thể bạ ai cũng kể về hai bạn ấy – ký ức về họ quá thiêng liêng nên không làm thế được. Nhưng con nghĩ con nên cho bác biết về họ. Ôi nhìn kìa, có một con ong bự vừa lượn ra khỏi bông hoa táo. Con vừa nghĩ sống ở một nơi như thế thì thật đáng yêu biết bao – trong hoa táo! Thật tuyệt khi được ngủ ở đó trong lúc gió đu đưa bông hoa. Con nghĩ nếu không phải là con người thì con muốn làm một con ong sống giữa những bông hoa.”

“Vừa mới hôm qua con còn muốn làm hải âu mà.” Bà Marilla khịt mũi. “Ta nghĩ con hay thay đổi ý kiến quá đấy. Ta đã bảo con học lời nguyện đó và đừng nói chuyện nữa. Nhưng có vẻ như một khi còn có người lắng nghe con thì chẳng tài nào ngăn con nói được. Vậy nên lên phòng học đi.”

“Ôi, con học gần xong rồi – chỉ còn dòng cuối thôi.”

“Ái chà, không sao, cứ làm như ta nói đi. Lên phòng học cho tử tế vào và ở yên đó cho đến khi nào ta gọi xuống dọn trà.”

“Con có thể cầm hoa táo theo làm bạn không?” Anne nài nỉ.

“Không, ta không muốn phòng con bừa lên những hoa là hoa. Lẽ ra từ đầu con nên để mặc chúng trên cây.”

“Con cũng hơi cảm thấy thế,” Anne nói. “Con cảm thấy lẽ ra mình không nên rút ngắn đời sống đáng yêu của chúng bằng việc hái xuống – con sẽ không muốn bị hái xuống nếu con là một bông hoa táo. Nhưng sự quyến rũ không cưỡng lại nổi. Bác sẽ làm gì nếu gặp một sự quyến rũ khó cưỡng?”

“Anne, con có nghe ta bảo đi lên phòng không?”

Anne thở dài, quay về chái Đông, ngồi xuống một cái ghế bên cửa sổ.

“Rồi – mình thuộc lời nguyện này rồi. Mình đã học câu cuối lúc lên cầu thang. Giờ mình sẽ tưởng tượng ra mọi đồ đạc cho căn phòng này để rồi từ nay về sau, trong tưởng tượng, chúng sẽ mãi mãi ở lại nơi đây. Sàn nhà phủ thảm nhung trắng in hình hoa hồng, cửa sổ nào cũng treo rèm lụa màu hồng. Nội thất bằng gỗ gụ. Mình chưa bao giờ thấy gỗ gụ, nhưng nó có vẻ rất xa xỉ. Đây là một cái ghế bành chất đống những chiếc gối lụa tuyệt hảo, màu hồng màu xanh, màu đỏ màu vàng, mà mình duyên dáng tựa lên trên. Mình có thể thấy bóng mình trong chiếc gương lớn lộng lẫy treo trên tường kia. Mình cao ráo và vương giả, diện một chiếc váy dài viền ren trắng, một viên ngọc trai trên ngực và nhiều viên ngọc đính trên tóc. Tóc mình đen như màu đêm, da trắng như ngà. Mình là Tiểu thư Cordelia Fitzgerald. Không, không thể, mình không thể làm cho điều đó giống thật được.”

Con bé nhún nhảy bước đến soi mình trong chiếc gương nhỏ. Gương mặt nhọn lấm tấm tàn nhang và đôi mắt xám nghiêm nghị nhìn trả lại.

“Mày chỉ là Anne ở Chái Nhà Xanh,” con bé nói nghiêm túc, “và cứ khi nào tưởng tượng mình là Tiểu thư Cordelia thì ta lại nhìn thấy Chái Nhà Xanh còn tốt hơn cả triệu lần so với một Anne chẳng thuộc về nơi nào cả, không phải sao?”

Con bé cúi người ra trước, hôn bóng mình trìu mến rồi bước đến khung cửa sổ rộng mở.

“Hỡi Nữ Hoàng Tuyết, chào buổi chiều. Và chào buổi chiều, hỡi dương liễu thương yêu dưới thung lũng. Chào buổi chiều, căn nhà xám thân mến trên đồi. Ta tự hỏi Diana liệu có phải là bạn tâm giao của ta không. Ta hy vọng là có, và ta sẽ yêu quý cô ấy thật nhiều. Nhưng ta không bao giờ được phép quên Katie Maurice và Violetta. Họ sẽ vô cùng tổn thương nếu ta làm như thế, mà ta ghét gây ra tổn thương cho bất cứ ai, cho dù là một cô bé tủ sách hay một cô bé tiếng vọng. Ta phải ghi nhớ cẩn thận và mỗi ngày gửi cho họ một nụ hôn.”

Anne gửi tới những bông anh đào vài nụ hôn gió từ đầu ngón tay, và rồi, tay chống lên cằm, lại khoan khoái trôi vào một biển mộng mơ.

Chọn tập
Bình luận