Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh

Chương 19: Buổi Hòa Nhạc, Thảm Họa Và Lời Thú Nhận

Tác giả: Lucy Maud Montgomery
Chọn tập

Bác Marilla, con có thể sang gặp Diana một chút được không?” Anne hỏi trong lúc chạy hụt hơi từ chái Đông xuống vào một buổi tối thứ Hai.

“Ta không hiểu sao con lại muốn lang thang vào buổi tối thế này,” bà Marilla nói gọn, “Con và Diana đi học về chung đường rồi ngồi trong tuyết hơn nửa giờ, lưỡi của con hoạt động liên tục không ngừng nghỉ suốt khoảng thời gian đó. Nên ta không nghĩ giờ con cần gặp con bé nữa.”

“Nhưng bạn ấy muốn gặp con,” Anne nài nỉ. “Bạn ấy có chuyện rất quan trọng cần kể với con.”

“Sao con biết thế?”

“Vì bạn ấy mới ra hiệu cho con qua cửa sổ. Chúng con đã giao hẹn một cách ra hiệu bằng đèn cầy và giấy bồi. Chỉ cần thắp đèn cây bên bệ cửa sổ và tạo ánh sáng nhấp nháy bằng cách đưa miếng giấy bồi qua lại. Tùy số lần nhấp nháy mà có ý nghĩa gì đó. Sáng kiến của con đó, bác Marilla.”

“Ta chắc chắn như vậy rồi,” bà Marilla nhấn giọng. “Và tiếp theo, con hẳn sẽ làm cháy rèm cửa với mấy thứ tín hiệu vớ vẩn đó.”

“Ôi, chúng con rất cẩn thận mà, bác Marilla. Mà nó rất thú vị đó chứ. Nhấp nháy hai lần nghĩa là: ‘Bạn có đó không?’ Ba có nghĩa là ‘có’, bốn là ‘không’. Năm nghĩa là ‘Hay đến đây càng nhanh càng tốt, vì mình có chuyện quan trọng muốn kể.’ Diana vừa gửi tín hiệu nhấp nháy năm lần, con thật sự khổ sở muốn biết có chuyện gì.”

“Thôi được, con không cần khổ sở thêm nữa,” bà Marilla nói giọng giễu cợt. “Con có thể đi, nhưng phải về trong vòng mười phút, nhớ đó.”

Anne nhớ và về đúng giờ quy định, mặc dù chẳng ai biết được làm sao con bé có thể giới hạn cuộc trò chuyện quan trọng của mình với Diana trong vòng mười phút. Nhưng ít nhất nó đã tận dụng tốt thời gian đó.

“Ôi, Marilla, bác nghĩ sao? Bác biết không, mai là sinh nhật Diana. À, mẹ bạn ấy nói sau khi đi học về bạn ấy có thể mời con đến và ở lại chơi suốt tối. Mấy anh em họ của bạn ấy cũng từ Newbridge xuống trong một chiếc xe trượt lớn để tối mai đến tòa thị chính dự buổi hòa nhạc của câu lạc bộ Hùng biện. Họ sẽ cho Diana và con đi cùng tới buổi hòa nhạc – tức là nếu bác cho phép con. Bác sẽ cho phép, phải không, bác Marilla? Ôi, con thấy phấn khích quá.”

“Vậy thì con có thể bình tĩnh lại được rồi, vì con sẽ không đi đâu hết. Tốt hơn hết con nên ở yên trên giường của mình, còn về buổi hòa nhạc câu lạc bộ gì đó, thật nhảm nhí, các bé gái lẽ ra không được phép tới những nơi như thế.”

“Con dám chắc câu lạc bộ Hùng biện là tổ chức đáng trọng nhất,” Anne nài nỉ.

“Ta không nói là không phải. Nhưng con sẽ không được lang thang đến buổi hòa nhạc này nọ và ở bên ngoài đến khuya như vậy. Trẻ con không được thế. Ta lấy làm ngạc nhiên rằng bà Barry lại để Diana đi.”

“Nhưng đây là một dịp rất đặc biệt,” Anne van vỉ, gần như muốn bật khóc, “Cả năm Diana chỉ có một sinh nhật thôi mà. Nó không phải chuyện bình thường đâu, bác Marilla. Prissy Andrews sẽ ngâm bài ‘Tối nay chuông xin chớ rung’. Đó là một đoạn răn hay, bác Marilla, con dám chắc sẽ rất bổ ích nếu con nghe bài đó. Dàn hợp xướng sẽ hát bốn bài cảm động hay ngang ngửa Thánh ca. À, bác Marilla, mục sư cũng sẽ tham dự; đúng vậy, ông ấy sẽ tham dự thật đấy ạ; ông ấy sẽ đọc một bài diễn văn. Nó sẽ giống y như một bài giảng đạo vậy. Làm ơn cho con đi nhé, bác Marilla?”

“Con nghe ta nói gì rồi mà, phải không, Anne? Cời giày ra rồi lên giường ngay. Hơn tám giờ rồi.”

“Chỉ một chuyện nữa thôi, bác Marilla,” Anne nói, với vẻ đang vận đến vũ khí cuối cùng. “Bà Barry nói với Diana, chúng con có thể ngủ trên chiếc giường trong phòng dành cho khách. Bác thử nghĩ xem Anne bé nhỏ của bác vinh dự đến thế nào khi được ngủ trong giường dành cho khách.”

“Đó là một vinh dự mà con sẽ phải làm quen với việc không có nó. Đi ngủ đi, Anne, đừng để ta nghe thấy con nói tiếng nào nữa.”

Khi Anne, nước mắt lăn dài trên má, buồn bã đi lên lầu, ông Matthew, người rõ ràng vẫn ngủ ngon lành trên đi văng trong suốt cuộc đối thoạt, bèn mở mắt ra và nói giọng dứt khoát: “À ừ, Marilla. Anh nghĩ em nên để Anne đi.”

“Em sẽ không làm thế,” bà Marilla vặn lại. “Ai nuôi dạy đứa bé này, Matthew, anh hay em?”

“À ừ, em,” ông Matthew thừa nhận.

“Vậy thì anh đừng can thiệp.”

“À ừ, anh không can thiệp. Nêu ý kiến của mình thì đâu gọi là can thiệp được. Và ý kiến của anh là em nên để Anne đi.”

“Anh sẽ nghĩ là em phải để Anne đi tới mặt trăng nếu con bé có nảy ra ý đó, em chẳng nghi ngờ gì chuyện đó đâu,” bà Marilla nhã nhặn trả lời. “Em có thể để con bé ngủ một đêm với Diana, nếu chỉ có thế thôi. Nhưng em không đồng tình cái kế hoạch hòa nhạc. Con bé mà đi là dễ bị cảm như chơi, rồi lại còn nhồi đầy sọ mình toàn những thứ vớ vẩn và phấn khích. Nó sẽ làm con bé bị xáo trộn cả tuần. Em hiểu rõ hơn anh về tâm tính của đứa nhỏ này và về cái gì tốt cho nó, Matthew à.”

“Anh nghĩ em nên để Anne đi,” ông Matthew kiên quyết nhắc lại. Tranh cãi không phải là thế mạnh của ông, nhưng giữ vững luận điểm của mình thì chắc chắn là có. Bà Marilla thở hắt ra vẻ bất lực và rút lui trong im lặng. Sáng hôm sau, khi Anne đang rửa bát đĩa ăn sáng trong bếp, ông Matthew dừng bước trên đường tới chuồng bò để nói với bà Marilla lần nữa. “Anh nghĩ em nên để Anne đi, Marilla.”

Trong một thoáng bà Marilla nghĩ đến những điều không thể nói thành lời. Rồi bà đầu hàng trước thực tế không thể tránh khỏi và nói cay đắng: “Được rồi, con bé có thể đi, vì không còn gì khác có thể làm anh hài lòng nữa.”

Anne chạy bay ra khỏi chái bếp, cái khăn lau đĩa nhểu nước trong tay.

“Ôi, bác Marilla, xin hãy nói lại những lời ban phúc đó lần nữa đi.”

“Ta nghĩ nói một lần là đủ rồi. Đây là chuyện Matthew làm và ta không chịu trách nhiệm. Nếu con mắc bệnh phổi nằm li bì trên một cái giường lạ hoặc rời khỏi cái tòa thị chính nóng hừng hực đó vào nửa đêm, đừng trách ta, trách Matthew ấy. Anne Shirley, con làm nước nhểu ra nhớp nháp khắp sàn rồi kìa. Ta chưa từng thấy đứa nhỏ nào bất cẩn như vậy.”

“Ôi, con biết con là thử thách lớn với bác mà, bác Marilla,” Anne nói giọng hối lỗi. “Con phạm nhiều sai lầm quá. Vậy thì bác chỉ cần nhớ đến tất cả những sai lầm mà con có thể mắc phải nhưng lại không mắc. Con sẽ lấy cát chà sạch mấy chỗ nước dơ trước khi đến trường. Ôi, bác Marilla, trái tim con nằm hẳn ở buổi hòa nhạc đó rồi. Cả đời mình con chưa bao giờ được tới buổi hòa nhạc nào, nên ở trường khi nghe các bạn gái khác nói về chúng con thấy mình lạc lõng quá. Bác không biết con cảm thấy thế nào về chuyện đó đâu nhưng bác thấy đấy bác Matthew hiểu hết. Bác Matthew hiểu con, và thật tuyệt biết bao khi mình được thấu hiểu, bác Marilla à.”

Anne quá phấn khích đến nỗi không thể hiện đúng sức mình trong các bài học ở trường sáng đó. Gilbert Blythe đánh bại nó trong môn đánh vần và bỏ xa trong môn tính nhẩm. Tuy nhiên, sự hổ thẹn của Anne ít hơn nhiều so với lẽ thường, bởi viễn cảnh của buổi hòa nhạc và căn phòng ngủ dành cho khách. Con bé và Diana nói về chuyện đó cả ngày, đến nỗi nếu gặp ông thầy nào nghiêm khắc hơn thầy Phillips thì hẳn chúng phải chịu phạt ra trò rồi.

Anne cảm thấy như nếu không đến buổi hòa nhạc đó thì không khác gì mình chưa được sinh ra trên đời, vì chẳng có chuyện gì khác được bàn đến ở trường ngày hôm đó. Câu lạc bộ Hùng biện Avonlea, tổ chức họp mặt hai lần một tuần trong suốt mùa đông, có một vài buổi giải trí miễn phí quy mô nhỏ hơn; nhưng đây là sự kiện lớn, vé mười xu, để giúp đỡ thư viện. Thanh niên ở Avonlea tập luyện hàng tuần liền còn tất cả học sinh đều đặc biệt quan tâm đến buổi hòa nhạc vì ai cũng có anh chị tham gia vào. Trong trường, bất kỳ ai trên chín tuổi đều sẽ đi, chỉ trừ Carrie Sloane vì cha nó cũng cùng ý kiến với bà Marilla là bé gái không được đến những buổi hòa nhạc đêm. Cả chiều hôm đó Carrie Sloane gục mặt vào quyển sách ngữ pháp mà khóc và cảm thấy như đời không còn đáng sống.

Về phía Anne, sự phấn khích thật sự bắt đầu từ lúc tan trường và tăng dần đều cho đến khi chạm ngưỡng bùng nổ ở chính buổi hòa nhạc. Chúng có một “bữa trà thanh nhã hoàn hảo”; và rồi tới khoảng thời gian thú vị, thay quần áo trong căn phòng nhỏ trên lầu của Diana. Diana chải tóc mái của Anne theo kiểu thời thượng hất ngược ra sau còn Anne vận đến tất cả sự khéo léo đặc biệt của mình để thắt nơ cho Diana, rồi chúng thử ít nhất là hơn nửa tá cách cột tóc khác nhau. Cuối cùng hai đứa cũng chuẩn bị xong xuôi, má ửng hồng và mắt lấp lánh niềm phấn khích.

Thật sự, Anne không khỏi đau lòng đôi chút khi so sánh sự tương phản giữa cái mũ bê rê đen đơn điệu và chiếc áo xám tự may tay bó sát quái gở của mình với chiếc mũ lông vui nhộn và cái áo khoác nhỏ nhắn sáng sủa của Diana. Nhưng con bé kịp thời nhớ ra mình có trí tưởng tượng và có thể dùng nó.

Rồi anh em họ của Diana, nhà Murrays từ Newbridge tới; tất cả chen chúc trong chiếc xe trượt lớn giữa đống dây da dây thừng. Anne đắm chìm trong hành trình đến tòa thị chính, lướt qua những con đường êm như ru lạo xạo tuyết dưới bánh xe. Trên đường đi còn được ngắm cảnh mặt trời lặn huy hoàng, rồi những ngọn đồi tuyết phủ và dòng nước xanh sẫm từ vịnh St. Lawrence dường như tạo thành một vòng tròn tráng lệ giống như chiếc chén khổng lồ bằng ngọc trai và ngọc bích sóng sánh rượu cùng lửa. Từ khắp bốn phương, vang vọng tiếng chuông lanh canh và những tràng cười xa xa, giống như tiếng nô đùa của các thần rừng.

“Ôi, Diana,” Anne thở ra, níu chặt đôi tay mang găng mà Diana đang giấu dưới chiếc váy lông, “có phải tất cả điều này chỉ là một giấc mơ đẹp không? Trông mình có giống bình thường thật không? Mình có cảm giác khác lạ đến nỗi cứ như nó phải toát ra từ dáng vẻ của mình vậy.”

“Cậu trông vô cùng xinh đẹp”, Diana nói, con bé vừa nhận được lời khen từ người anh họ nên cảm thấy cần phải chuyển nó đi. “Cậu có màu sắc đáng yêu nhất”.

Chương trình tối hôm đó là một loạt những cơn “rùng mình”, ít nhất là đối với một khán giả, và như Anne quả quyết với Diana, cứ cơn sau lại chấn động hơn cơn trước. Khi Prissy Andrews, diện chiếc áo lụa hồng mới với chuỗi ngọc trai trên chiếc cổ mềm mại trắng muốt và những bông cẩm chướng thật cài lên tóc – nghe đồn thầy giáo phải xuống tận thị trấn để kiếm cho cô mấy món này – “leo lên chiếc thang lấm lem bùn đất, tối tăm không một tia sáng”, Anne run lên trong sự cảm thông tột độ; khi giàn nhạc hát “Xa xa trên những bông cúc hiền”, Anne nhìn sững vào trần nhà cứ như nó có vẽ hình các thiên thần; khi Sam Sloane bắt đầu giải thích và minh họa “Làm sao Sockerry ấp cô gà mái”, Anne phá lên cười cho đến khi những người xung quanh cũng cười hưởng ứng, do bị cuốn theo con bé hơn là hứng thú với một câu chuyện ngay cả ở Avonlea cũng đã thành cũ rích rồi; và khi thầy Phillips đọc lời thoại của Mark Antony bên xác chết của Ceasarbằng giọng nức nở nhất – cứ kết thúc mỗi câu lại nhìn Prissy Andrews– Anne cảm thấy chỉ cần có một công dân La Mã dẫn đường là nó có thể vùng lên nổi loạn ngay lập tức.

Chỉ có một tiết mục trong chương trình không hấp dẫn nổi con bé. Khi Gillbert Blythe đọc bài “Bingen trên sông Rhine”, Anne vớ lấy cuốn sách của Rhoda Murray mà nó mượn từ thư viện và đọc cho đến khi thằng bé kết thúc, conbé ngồi cứng đơ không động đậy trong khi Diana vỗ đến mức hai tay đỏ ửng lên.

Đến mười một giờ hai đứa mới về đến nhà, sau khi đã chơi bời chán chê, nhưng vẫn vô cùng háo hức được bàn luận về nó. Có vẻ như mọi người đều đã ngủ say, căn nhà vừa tối vừa im ắng, Anne cùng Diana nhón chân vào phòng khách, một căn phòng hẹp dài thông với phòng ngủ. Căn phòng ấm áp dễ chịu và được chiếu sáng lờ mờ nhờ đám than hồng trong lò sưởi.

“Chúng ta thay đồ ở đây đi,” Diana nói. “Thật dễ chịu và ấm áp.”

“Vui thật đúng không?” Anne thở dài sung sướng. “Thật tuyệt biết bao khi được lên đó đọc thơ. Cậu có nghĩ chúng mình sẽ được mời lên đọc không, Diana?”

“Có chứ, dĩ nhiên, một ngày nào đó. Họ luôn muốn các học trò lớn đọc thơ. Gillbert Blythe hay được đọc lắm mà cậu ấy chỉ lớn hơn chúng ta hai tuổi thôi. Ôi Anne, sao cậu có thể giả vờ không nghe thấy cậu ấy chứ? Khi đọc đến câu:

Có một người khác, không phải người em gái,

Cậu ấy nhìn thẳng xuống chỗ cậu.”

“Diana” Anne nói với vẻ chững chạc, “cậu là bạn tâm giao của mình, nhưng ngay cả cậu cũng không được nói với mình về tên đó. Cậu sẵn sàng đi ngủ chưa? Chúng ta chạy đua xem ai đến giường trước nhé.”

Lời đề nghị đã hấp dẫn được Diana. Hai bóng trắng bé nhỏ bay vụt qua căn phòng dài, xuyên qua cửa phòng ngủ dành cho khách và nhảy lên giường cùng một lúc. Và rồi, cái gì đó – chuyển động bên dưới chúng, một tiếng thở dốc và một tiếng thét – rồi ai đó nói bằng giọng nghèn nghẹn: “Lạy chúa nhân từ!”

Anne và Diana chẳng bao giờ có thể kể lại chúng nhảy khỏi giường và ra khỏi phòng bằng cách nào. Chúng chỉ biết rằng sau một hồi chạy thục mạng cả hai thấy mình đang nhón gót run lẩy bẩy lên cầu thang.

“Ôi ai vậy… cái gì vậy?” Anne thầm thì, răng đánh lập cập vì lạnh và sợ.

“Đó là bà dì Josephine,” Diana nói, vừa cười vừa thở hổn hển. “Ôi, Anne, đó là bà dì Josephine, thế là bà đã đến đây. Ôi mình biết bà sẽ nổi giận cho mà xem. Thật đáng sợ… thật sự rất đáng sợ,nhưng cậu đã bao giờ gặp chuyện gì buồn cười như vậy chưa, Anne?”

“Bà dì Josephine của cậu là ai?”

“Bà là dì của cha và sống ở Charlottetown. Bà già lắm rồi – trên dưới bảy mươi – và mình không tin rằng bà có thời từng là một bé gái. Cả nhà đang đợi bà đến chơi, nhưng không sớm đến vậy. Bà hết sức nghiêm khắc và đứng đắn, ắt sẽ quở trách nặng nề vì chuyện này cho xem, mình biết mà. Vậy đấy, chúng ta sẽ phải ngủ với Minnie May thôi…mà cậu không biết con bé đạp chân kiểu nào đâu.”

Bà Josephine Mary không xuất hiện ở bữa ăn sáng sớm hôm sau. Bà Barry mỉm cười thân ái với hai cô bé.

“Tối qua các con chơi vui chứ? Ta đã cố thức đợi các con về để báo cho các con biết dì Josephine đã tới và cuối cùng các con sẽ phải lên lầu, nhưng ta mệt quá nên thiếp đi mất. Ta hi vọng con đã không làm phiền bà dì, Diana.”

Diana kiên trì giữ một thái độ im lặng thận trọng, nhưng con bé và Anne ngầm trao đổi những nụ cười thích thú đầy tội lỗi qua hai đầu bàn. Anne vội vã về nhà sau bữa sáng nên may mắn không biết gì đến mớ rắc rối nảy sinh ngay sau đó tại nhà Barry cho đến tận cuối buổi chiều khi nó chạy xuống nhà bà Lynde lo công chuyện cho bà Marilla.

“Vậy là tối qua con và Diana suýt làm cho bà Barry già cả tội nghiệp chết khiếp hả?” Bà Lynde nói giọng nghiêm trọng nhưng đôi mắt lại sáng long lanh. “Mấy phút trước bà Barry vừa tạt qua đây trên đường tới Carmody. Bà ấy thật sự cảm thấy lo lắng về chuyện đó. Sáng nay khi thức dậy bà cụ Barry giận dữ khủng khiếp – ta cho con biết là cơn giận của Josephine không phải chuyện đùa đâu. Bà ấy sẽ chẳng bao giờ nói chuyện với Diana nữa.”

“Đó không phải lỗi của Diana,” Anne ân hận nói. “Lỗi của con. Con đã đề nghị chạy đua xem ai tới giường trước.”

“Ta biết mà!” bà Lynde nói với vẻ hân hoan của người đã đoán trúng. “Ta biết cái ý tưởng từ con mà ra. Vậy đấy, nó làm nảy sinh khá nhiều rắc rối đó. Bà cụ Barry định ở chơi một tháng nhưng giờ lại tuyên bố không ở thêm ngày nào nữa mà trở về thị trấn ngay Chủ nhật ngày mai. Nếu có người đón thì bà ấy đi luôn hôm nay rồi. Bà ấy đã hứa sẽ trả tiền ba tháng học cho Diana, nhưng giờ bà ấy kiên quyết không làm gì cho một con bé nghịch phá như thế. Ái chà, chắc là sáng nay họ đã có một khoảng thời gian sôi động lắm đây. Nhà Barry hẳn thấy hẫng lắm. Bà cụ Barry vốn giàu có và họ muốn lấy lòng bà ấy. Dĩ nhiên, bà Barry không nói với ta như vậy, nhưng ta đánh giá bản chất con người khá tinh, vậy đó.”

“Con thật kém may mắn,”Anne rên rỉ. “Lúc nào con cũng vơ rắc rối vào người và làm liên lụy cả người bạn thân nhất mà vì cậu ấy con sẵn sàng đổ cả máu của mình. Bà có thể nói cho con biết tại sao lại thế không, bà Lynde?”

“Vì con quá lơ là hấp tấp, cưng ạ, vậy đó. Con không bao giờ dừng lại suy nghĩ – chỉ cần trong đầu con nảy ra ý tưởng cần phải nói hay làm gì là con nói hay làm luôn mà chẳng thèm suy nghĩ gì.”

“Ôi nhưng vậy là tốt nhất chứ ạ,” Anne phản đối. “Điều gì đó nảy ra trong đầu ta, vô cùng phấn khích, vậy thì ta phải nói ra chứ ạ. Nếu bà dừng lại suy nghĩ thì sẽ làm hỏng nó mất. Bà có bao giờ tự cảm thấy vậy không, bà Lynde?”

Không, bà Lynde chẳng bao giờ cảm thấy thế. Bà lắc đầu vẻ chín chắn.

“Con phải nghĩ một chút chứ Anne, vậy đó. Con phải làm theo câu cách ngôn “Nhìn trước khi nhảy – đặc biệt là khi nhảy vào giường ngủ trong phòng dành cho khách.”

Bà Lynde hài lòng cười to trước câu bông đùa nhẹ nhàng, nhưng Anne vẫn chìm trong suy tư. Con bé không thấy gì đáng cười trong tình huống nó cho rằng rất nghiêm trọng này. Sau khi rời nhà bà Lynde nó băng qua những cánh đồng đóng băng cứng đanh để tới Dốc Vườn Cây Ăn Quả. Diana gặp nó ở cửa bếp.

“Bà dì Josephine của cậu rất giận chuyện đó, đúng không?” Anne thầm thì.

“Ừ,” Diana trả lời, cố nén tiếng cười khúc khích trong lúc e dè liếc mắt ra phía sau nhìn khung cửa phòng khách đang đóng chặt. “Bà nổi cơn thịnh nộ, Anne ạ. Ôi, còn cái cách bà quở mắng nữa chứ. Bà nói mình là đứa bé gái cư xử tồi tệ nhất mà bà đã từng gặp và rằng ba mẹ mình lẽ ra phải xấu hổ về cách nuôi dạy mình. Bà nói sẽ không ở lại nữa, mà chuyện này thì mình chắc chắn chẳng để tâm rồi. Nhưng ba mẹ thì khác.”

“Sao cậu không nói đó là lỗi của mình?” Anne hỏi.

“Bộ xem mình giống người làm vậy lắm hả?” Diana nói móc lại. “Mình không phải đứa mách lẻo, Anne Shirley, và dù sao thì mình cũng đáng bị mắng ngang với cậu thôi.”

“Được rồi, mình sẽ tự nói với bà,” Anne nói giọng kiên quyết.

Diana nhìn sững sờ.

“Anne Shirley, cậu sẽ không làm vậy! Sao chứ… bà ấy sẽ ăn tươi nuốt sống cậu!”

“Đừng dọa mình nữa, mình sợ đủ rồi,” Anne nài nỉ, “Mình thà đi thẳng vào họng súng còn hơn. Nhưng mình phải làm chuyện này, Diana. Đây là lỗi của mình và mình phải tự thú. May là mình được tập luyện chuyện tự thú này rồi.”

“Thôi được, bà đang ở trong phòng.” Diana nói. “Cậu có thể vào nếu muốn. Mình thì không dám đâu. Mình không tin rằng có thể cải thiện tình hình được.”

Anne mang theo lời động viên này vào hang hùm bắt cọp – nói theo cách nào đó thì là vậy, kiên quyết bước tới phòng khách và gõ nhẹ lên cánh cửa. Một tiếng “Vào đi” sắc lẻm đáp lại.

Bà Josephine Barry, gầy gò, khắc khổ và nghiêm nghị, đang giận dữ ngồi đan bên lò sưởi, cơn thịnh nộ của bà rõ ràng không dịu đi còn đôi mắt giận dữ nhìn xuyên qua đôi kính gọng vàng. Bà xoay người trên ghế, tưởng sẽ thấy Diana, nhưng lại bắt gặp một bé gái mặt trắng bệch, đôi mắt to đong đầy nét biểu cảm pha trộn giữa sự can đảm tuyệt vọng và nỗi hoảng sợ run người.

“Cô là ai?” bà Jose Barry hỏi không chút khách sáo.

“Con là Anne ở Chái Nhà Xanh,” vị khách bé nhỏ run run trả lời, nắm chặt hai bàn tay với cử chỉ đặc trưng của mình, “con tới để thú tội, nếu bà cho phép.”

“Thú tội gì?”

“Chuyện tối qua nhảy lên giường va phải bà là lỗi của một mình con. Con đã đề nghị chuyện đó. Diana sẽ không bao giờ nghĩ tới một chuyện như thế, con chắc chắn. Diana là một cô bé rất nề nếp, bà Barry à. Vì vậy bà phải thấy thật bất công nếu trách móc bạn ấy.”

“Ái chà, ta phải nghĩ thế hả? Ta thì lại cho rằng ít nhất Diana cũng phải chịu trách nhiệm trong chuyện nhảy lên đó. Cư xử như thế trong một căn nhà đáng kính thế này!”

“Nhưng chúng con chỉ chơi cho vui thôi,” Anne kiên trì.

“Con nghĩ bà nên tha thứ cho chúng con, bà Barry, khi chúng con đã xin lỗi rồi. Dù sao đi nữa, xin bà hãy tha thứ cho Diana và để bạn ấy được học nhạc. Trái tim của Diana dành trọn cho những bài nhạc đó, thưa bà Barry, và con biết quá rõ nếu đặt trọn tim mình vào một việc gì đó mà lại không thành thì sẽ như thế nào. Nếu bà phải nổi nóng thì xin hãy nổi nóng với con. Hồi nhỏ con đã quá quen với việc người ta nổi nóng với mình nên con sẽ chịu đựng được tốt hơn Diana.”

Đến lúc này gần như mọi tia lửa giận dữ trong đôi mắt bà cụ đã tắt và được thay bằng những ánh sáng long lanh thích thú. Nhưng bà vẫn nghiêm giọng: “Ta không nghĩ bảo rằng hai đứa chỉ chơi cho vui là có thể biện hộ được. Thời ta còn trẻ các bé gái không bao giờ có cái kiểu vui như thế. Con làm sao biết được cảm giác của người bị lôi ra khỏi giấc ngủ ngon sau một hành trình dài vất vả vì bị hai cô bé lớn tướng nhảy lên người.”

“Con không biết, nhưng con có thể tưởng tượng,” Anne hăm hở nói. “Con dám chắc chuyện đó rất khó chịu. Nhưng mà, cũng phải nghĩ cho tụi con nữa chứ. Bà có trí tưởng tượng không, bà Barry? Nếu có, bà chỉ cần đặt mình vào vị trí tụi con. Con và Diana không biết rằng có người trên giường và bà dọa tụi con sợ gần chết. Tụi con cảm thấy thật kinh khủng. Rồi tụi con lại không được ngủ trong phòng dành cho khách như đã được hứa trước nữa chứ. Con chắc là bà đã quen ngủ trong phòng dành cho khách rồi. Nhưng hãy thử tưởng tượng bà sẽ cảm thấy thế nào nếu bà là một cô bé mồ côi chưa bao giờ có vinh hạnh đó.”

Lúc này tất cả tia nhìn giận dữ đã biến mất. Bà Barry bật cười – một âm thanh làm Diana, vẫn đang chờ đợi bên ngoài nhà bếp trong sự lo lắng đến không nói nên lời, phải thở phào nhẹ nhõm.

“Ta e là trí tưởng tượng của ta hơi bị hoen gỉ rồi, kể ra cũng lâu ta không dùng tới,” bà nói “Ta phải nói rằng mong muốn được thông cảm của con cũng chẳng mạnh hơn của ta đâu. Tất cả phụ thuộc vào cách nhìn của chúng ta thôi. Ngồi xuống kể ta nghe về con đi.”

“Con rất tiếc nhưng con không thể,” Anne kiên quyết nói. “Con thích được làm vậy lắm vì bà có vẻ là một quý bà thú vị, thậm chí bà còn có thể là một tâm hồn đồng điệu nữa mặc dù thoạt nhìn thì không giống lắm. Nhưng con phải về nhà với bác Marilla Cuthbert. Bác Marilla là một người tốt bụng đã nhận nuôi dạy con tử tế. Bác ấy vẫn đang cố hết sức, nhưng việc này đúng là dễ khiến người ta nản lòng. Bà không nên trách bác ấy vì chuyện con nhảy lên giường. Nhưng trước khi đi, con rất muốn biết liệu bà có tha thứ cho Diana và ở lại Avonlea lâu như dự tính không.”

“Ta nghĩ có lẽ ta sẽ làm thế nếu con thỉnh thoảng tới đây nói chuyện với ta.” Bà Barry nói.

Tối đó bà Barry tặng Diana một chiếc vòng bạc và nói với những thành viên lớn hơn trong nhà rằng bà đã dỡ vali ra.

“Ta quyết định sẽ ở lại chỉ vì muốn quen biết hơn với con bé Anne đó,” bà nói thẳng thắn. “Con bé làm ta vui, mà ở tuổi này rồi thì thật khó mà tìm được một người thú vị.”

Bình luận duy nhất của bà Marilla khi nghe chuyện là, “Em đã bảo mà.” Đây là nói cho ông Matthew nghe.

Bà Barry không chỉ ở lại một tháng. Bà thành một vị khách dễ chịu hơn thường lệ, vì Anne giúp bà luôn vui vẻ. Họ trở thành bạn thân.

Khi rời đi, bà Barry nói: “Nhớ đấy, con bé Anne này, nếu đến thị trấn thì phải ghé thăm ta và ta sẽ cho con ở trong căn phòng dành cho khách rộng nhất của ta.”

“Rốt cuộc, bà Barry thật là một tâm hồn đồng điệu.” Anne tâm sự với bà Marilla. “Nếu nhìn bề ngoài thì bác sẽ không nghĩ như vậy, nhưng thật thế đấy. Bác sẽ không nhận ra ngay lúc đầu, giống như trường hợp của bác Matthew, mà phải sau này mới biết được. Những tâm hồn đồng điệu không hiếm hoi như con từng nghĩ. Thật tuyệt vời khi nhận ra trên đời biết bao người như vậy.”

Chọn tập
Bình luận